Để hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn chuyên gia tới hiện trường, làm việc trong hoàn cảnh không có thùng xe bọc thép, không có thiết bị chuyên dụng, lúc nào cũng có thể mạo hiểm cuộc sống với những dụng cụ lao động hết sức đơn sơ như dao, dũa, búa tay và tuốcnơvít... Bất chấp mọi hiểm nguy, khó khăn, từ tháng 5 năm 1965 đến tháng 1 năm 1967, "nhóm chuyên gia lượm lặt, lựa chọn và gửi về Liên Xô hơn 700 chủng loại thiết bị quân sự và vũ khí Mỹ"1 (Chiến thắng không dễ dàng, Tlđd, tr. 56, 97). Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, các chuyên gia quân sự Liên Xô biên soạn những tài liệu quân sự giá trị, đưa ra những đề xuất điều chỉnh các loại vũ khí của Liên Xô có tính năng phù hợp hoặc vượt trội chống lại trang thiết bị quân sự của đế quốc Mỹ, cho phép "giảm đáng kể chi phí và thời gian nghiên cứu sản xuất những vũ khí tương tự, thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng Xôviết phát triển nhanh chóng"2 (Chiến tranh Việt Nam là thế đó, Sđd, tr.414). Những năm 1965 - 1974, Liên Xô đã gửi sang Việt Nam tất cả "40 chuyên gia quân sự cao cấp các ngành công nghiệp quốc phòng"3 (Chiến thắng không dễ dàng, Tlđd, tr. 56, 97) cho mục đích trên, về phía Việt Nam, ngoài việc tích cực giúp đỡ nhóm chuyên gia thu thập mẫu vật chiến lợi phẩm, tháng 8 năm 1965, Bộ Quốc phòng Việt Nam gửi tặng Bộ Quốc phòng Liên Xô một số hiện vật của các loại máy bay Mỹ bị bắn rơi tại Việt Nam (20 bộ phận của máy bay F-4, 83 bộ phận của máy bay F-105D, một bộ phận của máy bay AD-6, 30 bộ phận của máy bay không người lái BQM-34A, các loại vũ khí trên máy bay và trang bị của phi công - 37 thứ)1 (Tại liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phóng Cục Tác chiến, Hồ sơ số 2931). Tháng 4 năm 1971, Bộ Quốc phòng Việt Nam chuyển tặng Bộ Quốc phòng Liên Xô chiếc máy bay không người lái của đế quốc Mỹ bị bắn rơi ở Hải Phòng2 (Theo chuyên gia quân sự Liên Xô Đại tá V. Cunhétxốp, tháng 11 năm 1975, sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Việt Nam tặng Liên Xô một máy bay chiến lợi phẩm F-5 thu được của đế quốc Mỹ cùng với nhiều thiết bị mặt đất, một chiếc máy CH-47 "Chinook" và một chiếc UH-1 "Iroquois" và một số thiết bị, tài liệu hướng dẫn khác) và hứa gửi tiếp một số vũ khí thu được ở đường 93 (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu, Hồ sơ số 1470).
Sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam còn góp phần nâng cao ảnh hưởng, vị thế của Liên Xô trên trường quốc tế, đề cao vị thế trong phong trào cách mạng thế giới, tranh thủ các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc. Đáp lại sự giúp đỡ của Liên Xô, Việt Nam tích cực ủng hộ Liên Xô trên trường quốc tế, tuyên truyền về đất nước, con người Xôviết. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên viết bài, trả lời phỏng vấn báo, đài Liên Xô, nhất là nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn của Liên Xô. Phối hợp với Liên Xô, Việt Nam kịp thời ra các tuyên bố ủng hộ quan điểm của Liên Xô về những vấn đề quốc tế: Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 6 tháng 11 năm 1956 ủng hộ Bản Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô về những nguyên tắc phát triển, tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Liên Xô với các nước xã hội chủ nghĩa; Tuyên bố ngày 17 tháng 12 năm 1957 nhân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô gửi thông điệp cho Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức... về khoá họp của Hội đồng khối Bắc Đại Tây Dương; Tuyên bố ngày 2 tháng 4 năm 1958 về việc thử vũ khí khinh khí và nguyên tử của Liên Xô... Việt Nam tích cực ủng hộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, ủng hộ đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Liên Xô. Khi xảy ra sự kiện Tiệp Khắc (tháng 8-1968), Chính phủ Việt Nam phát biểu ủng hộ Liên Xô - cử chỉ này của Việt Nam lập tức được Liên Xô đánh giá cao. Trong thông báo về tình hình Tiệp Khắc cho Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Liên Xô tuyên bố: "Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cho rằng trong giờ phút nghiêm trọng đối với toàn thể cộng đồng xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng Lao động Việt Nam đã đứng trên lập trường quốc tế mà lên tiếng góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của chúng ta chống lại các lực lượng thù địch với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, giúp đỡ Đảng và nhân dân Tiệp Khắc"1 (Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao, về quan hệ Việt - Xô trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, Tlđd, tr. 50).
Liên Xô và Việt Nam tuy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng lại có mối quan hệ khá sớm và mối quan hệ ấy nhanh chóng phát triển trong những năm tháng Việt Nam tiến hành đấu tranh vì sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc. Cùng với sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô, sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam cũng ngày càng toàn diện, hiệu quả hơn. Đó là sự ủng hộ, giúp đỡ trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa - giáo dục, khoa học - kỹ thuật... Sự giúp đỡ ấy được xây dựng trên nền tảng khá vững chắc: yếu tố ý thức hệ, lợi ích quốc gia dân tộc... Sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên Xô cho Việt Nam trong suốt 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975) có ý nghĩa hết sức to lớn, nó không chỉ củng cố, tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam, mà còn làm cho Việt Nam ngày càng có tiếng nói có trọng lượng trong những vấn đề quốc tế quan trọng có liên quan. Sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô còn giúp Việt Nam củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng, phát triển miền Bắc vững mạnh xứng đáng là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, giúp miền Bắc không chỉ trụ vững trong các giai đoạn đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại hết sức khốc liệt, mà còn có thể chi viện mạnh mẽ cho miền Nam chiến đấu. Sự ủng hộ, giúp đỡ vật chất của Liên Xô cho Việt Nam được quân và dân Việt Nam sử dụng một cách hết sức hiệu quả; nhân dân Việt Nam đã biến những lực lượng vật chất đơn thuần thành sức mạnh tổng hợp cần và đủ để Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. Trong chiến thắng cuối cùng của nhân dân Việt Nam, không thể không nói đến sự giúp đỡ, ủng hộ toàn diện của Liên Xô và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhó sự ủng hộ, giúp đỡ ấy.
|