Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 30 Tháng Ba, 2023, 03:21:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 1 
 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2023, 06:08:11 pm 
Tác giả macbupda - Bài mới nhất gửi bởi macbupda
Sau khi đã qua phà, tôi muốn ngồi xuống đâu đó nghỉ một lát, nhưng đằng sau vẫn tiếp tục một đội hình đi tới. Một lần nữa, lại nghe câu cửa miệng “kinh nghiệm của chiến tranh”: nếu bạn không muốn bị ách tắc giao thông, bạn phải đi lên phía trước.

Ở những chỗ chúng tôi dừng chân nghỉ, những nữ thanh niên xung phong Việt Nam đã đến chào hỏi chúng tôi. Qua tiếp xúc, chúng tôi biết họ là những người san lấp hố bom hoặc gánh gạo vào các vùng giáp ranh Sài Gòn. Họ vui cười, nắm lấy cánh tay chúng tôi. Các chị quan tâm đến tuổi tác và gia đình chúng tôi. Đôi khi các chị còn xin một điếu thuốc, không buông tay cho đến khi chưa đụng vào chiếc xe jeep của chúng tôi. Những người đàn ông chuyển gạo trong bao tải đặt trên một chiếc xe đạp. Để điều khiển xe đạp, họ dùng một cây gậy buộc vào phía bên trái của ghi đông và cột chặt một đoạn tre thẳng đứng vào ghế yên của xe đạp, tay trái cầm cây gậy đã buộc vào ghi đông, tay phải bám vào cột đứng để giữ xe đạp ở vị trí thẳng đứng và đẩy xe đạp đi về phía trước. Mọi người dân Việt Nam đối với chúng tôi rất thân thiện và cởi mở. Khi gặp chúng tôi, mọi người đều điệp khúc câu: “Liên Xô, Liên Xô”.

Ngày 15 tháng 11 năm 1972, một điều bất ngờ đến với chúng tôi và Chỉ huy Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là lệnh tất cả chúng tôi hành quân ra Hà Nội. Hai xe GAZ-69 và một xe tải GAZ-63 đưa chúng tôi ra Hà Nội. Ngày 17 tháng 11 năm 1972 chúng tôi đã về đến khách sạn Kim Liên. Nhóm chuyên gia chúng tôi giải thể, các thành viên được phân công về các đơn vị khác nhau. Tôi được đi đến Hải Phòng. Trưởng nhóm chuyên gia ở Hải Phòng là Trung tá Krivokhizh. Điều kiện sinh hoạt và ăn uống ở đây thật tuyệt vời. Trong sân có một vòi nước, một hầm trú ẩn bom hiện đại. Hầm xây bê tông, rộng rãi, trên nóc hầm đổ một lớp đá hộc có độ dày khoảng 5 mét. Nhờ đó, khi ngồi dưới hầm không nghe rõ tiếng bom nổ và tiếng gầm rú của 8 động cơ máy bay B-52. Tiếng gầm của B-52 chấn động toàn bộ không gian, vang đi tứ phía, thậm chí xuyên qua trái đất, nhưng B-52 chúng không phải là thần thánh. Căn cứ vào các số liệu của các phương tiện truyền thông đại chúng của chúng tôi, một số chỉ huy B-52 đã chọn con đường đi của mình là đến tòa án, chứ không đi vào không phận của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Tính riêng trong thời gian chúng tôi ở Việt Nam, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 QĐND Việt Nam đã bắn hạ được hơn 20 máy bay Mỹ (trong đó có 4 máy bay B-52).

Thượng tướng Khyupenen trong hồi ký của mình, ông đã viết: “Có thể ghi nhận trong nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô do Trung tá Philippov làm Trưởng đoàn, tất cả các chuyên gia đều xứng đáng nhận giải thưởng của Chính phủ Liên Xô và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Trích từ tập hồ sơ cá nhân, có đoạn ghi: “Đại úy Yurin Viktor Alekseevich đã hoàn thành một cách vẻ vang nhiệm vụ do Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô giao cho và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế của mình”.

*
*   *

Phần cuối của bài viết, tôi muốn mượn lời nhận xét của Nhà bình luận Mỹ William Lipman để nói lên giá trị chiến thắng của Quân đội và Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Không quân Mỹ. Ông William Lipman đã viết: “Chúng tôi phải thừa nhận rằng, quân đội Mỹ không thể kiểm soát được châu Á. Chứng minh nhận xét này là điều xấu hổ và nhục nhã của Mỹ ở Việt Nam mà chúng tôi phải gánh chịu”.

Để một nhà bình luận Mỹ phải công nhận sự thất bại của quân đội nước mình trước truyền thông thế giới, Quân đội và Nhân dân Việt Nam trong thời gian từ ngày 05 tháng 8 năm 1964 đến ngày 31 tháng 12 năm 1972, đã bắn rơi 4181 máy bay các loại của Hoa Kỳ, mà phi công của những máy bay bị rơi trên miền Bắc Việt Nam đều là những phi công chuyên nghiệp cao cấp nhất. Ngồi trên các máy bay tiêm kích đã được treo những quả bom tấn, những “phi công tài năng” đó đã thể hiện sự hợp đồng ở độ cao rất thấp, tính toán làm sao để thời gian tương tác có thể rút ngắn chẳng khác nào tốc độ của đĩa bay viễn tưởng.

Ngày 31 tháng 12 năm 1972, Không quân Mỹ đã bị tổn thất nặng trên bầu trời miền Bắc Việt Nam: trong 12 ngày đêm hạ tuần tháng 12 năm 1972, Quân và dân Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc pháo đài bay B-52 và 3 chiếc F-111. Hoa Kỳ đã buộc phải ngừng cuộc chiến bằng không quân trên miền Bắc Việt Nam, và ngày 27 tháng 1 năm 1973, họ đã ký hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

Nhân dân Việt Nam đã đứng lên, không quỳ gối trước sức mạnh của “quái vật” bên kia Đại Tây Dương.

Ông Sherbakov, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Việt Nam, đã phát biểu trong một cuộc gặp mặt các chuyên gia quân sự Liên Xô nhân dịp đón Tết - Năm mới của Việt Nam, tháng 2 năm 1973: “... Các chuyên gia quân sự Liên Xô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Bằng thao lược quân sự của mình, họ đã tạo ra khả năng và mở ra con đường thiết lập quan hệ ngoại giao tốt với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bây giờ, họ cần xây dựng mối quan hệ kinh tế...”.

Ngày 20 tháng 01 năm 1973, là thời điểm kết thúc chuyến công tác của chúng tôi. Chúng tôi lên máy bay, và sau 28 giờ đã về đến Moskva ...

Ký ức về tất cả những người mà cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã gắn kết tôi với họ, sẽ mãi mãi trong tâm trí tôi.

Thành phố Kurgan, năm 2008

 2 
 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2023, 06:05:47 pm 
Tác giả macbupda - Bài mới nhất gửi bởi macbupda
Chiếc máy bay Mỹ thứ 4000

Để việc di chuyển trận địa đảm bảo được bí mật, chúng tôi thường bắn vào ban đêm. Tiểu đoàn hỏa lực chưa có sự yểm trợ của các đơn vị bạn. Ngày 05 tháng 10 năm 1972, tất cả các đơn vị đã sẵn sàng phóng tên lửa. Đồng chí Philippov vỗ vai tôi và nói: “Chúng mình đi đến trạm ra đa nhìn vòng (trạm ra đa P-12), xem tình hình tổng thể trên không thế nào đi”, trong xe “Y” không có VIKO. Chúng tôi đi trong bóng đêm, đồng chí phiên dịch Tam, đi trước, tiếp theo là đồng chí Viktor Ivanovich, cuối cùng là tôi. Tôi khó có thể đoán được bóng của họ. Bỗng từ bên trái xuất hiện bão lửa, thuốc súng đã bị đốt, khoảng 600 kg thuốc súng của động cơ tầng 1 tên lửa với lực đẩy 50 tấn đã đẩy tên lửa khỏi bệ phóng lao lên không trung. Đây không phải là một vụ nổ của một quả bom 250 kilôgam, mà là thuốc súng trong động cơ tầng 1 tên lửa đang cháy trong 2,5 giây, tạo ra một lực đẩy tên lửa rời khỏi bệ phóng; Lúc này, đầu đạn tên lửa được “đốt cháy” và bay theo quĩ đạo do điều khiển từ mặt đất.

Tối ngày 05 tháng 11 năm 1972, trận địa hỏa lực của Trung đoàn đã bước vào chiến đấu. Chúng tôi cùng với đồng chí phiên dịch quan sát thấy 2 tên lửa của 2 tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn đã được phóng lên và đang bay đến mục tiêu. Chúng tôi bấm đồng hồ tự động đếm thời gian. Nếu đầu đạn nổ trong vòng 50 giây kể từ khi phóng, chắc chắn là mục tiêu đã bị tiêu diệt. Trúng rồi! Chúng tôi vui mừng, ôm nhau! Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 4000 bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, chiến công này lại lập được trước một ngày Lễ kỷ niệm 65 Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngay sau đó, đồng chí Chuprin và đồng chí Sheklein đã có mặt và họ đến Tiểu đoàn hỏa lực truyền lệnh của đồng chí Viktor Ivanovich: phải đi chuyển khí tài đến trận địa mới trước sáng ngày 06 tháng 11.

Ngay từ sáng sớm ngày 6 tháng 11 năm 1972, chúng tôi đã có mặt ở trận địa mới và bắt đầu làm việc. Tôi vất vả vì một dây cáp đồng bộ. Nó bị mòn phần tiếp giáp với đầu nối điện của bộ phóng. Ban chỉ huy Tiểu đoàn lo lắng, bởi vì chỉ cần một mối hàn cũng phải cho máy phát điện dự phòng DES-75 làm việc (máy phát điện diesel). Tại thời điểm này, chiếc máy phát điện đó quí như vàng vì không có cái thứ 2.

Tới 14 giờ 00, chúng tôi kết thúc công việc, chúng tôi đi đến xe để về nơi ở. Đúng lúc đó, trên đầu chúng tôi, ở tầm thấp, xuất hiện 4 máy bay tiêm kích. Kế hoạch của họ rất rõ ràng. Chúng tôi đã đi đến Tiểu đoàn, với một độ chính xác tuyệt vời, chúng tôi chiếm vị trí trong một căn hầm chữ Y bằng tre trên có đắp đất. Chúng tôi cảm thấy lo sợ, tiếng nổ ình oàng, đùng đoàng, trái đất rung chuyển và cứ như vậy trong khoảng 30 phút. Kết quả: Tiểu đoàn bị phá hủy, máy phát điện điezel-75 bị cháy. Các công trình xây dựng, như chiếc hầm chữ Y, đều bị hư hỏng. Tuy thế, tên lửa vẫn nằm trên bệ phóng. Chiếc xe jeep của chúng tôi bị cắt nát, không thấy lái xe đâu... Đồng chí phiên dịch nói: “Anh ấy đã giơ nắm đấm khi các máy bay tiêm kích bổ nhào”. Làng quê Việt, nơi Tiểu đoàn sơ tán, đang nằm trong khói, lửa.

Sau khi rút quân khỏi làng quê, chúng tôi đã ổn định trật tự đội hình. Hành quân 30 km. Giầy bát két của đồng chí Chuprin không có lót và dây buộc, tôi đã đổi cho Chuprin đôi giày vải Việt Nam của tôi. Đến buổi chiều, tôi không đi bộ được. Bàn chân của tôi phồng lên, trong những chỗ phồng có nước. Tôi dùng những miếng gạc bông từ túi “cứu thương” để quấn lên những chỗ phồng, nhưng không giúp được gì. Đêm hôm đó, chúng tôi trú quân ở một làng quê mà tôi không còn nhớ được tên làng. Sáng hôm sau, tôi được nhân dân địa phương tặng một chiếc xe đạp hoàn toàn mới. Và khi đến một làng quê khác, chiếc xe đạp lại được thay cái mới. Đồng chí Tam, phiên dịch ngạc nhiên nói: “Ôi! anh Victor, anh thực sự là người Việt Nam rồi, ngồi lên xe đạp và đi rất vững!”. Đến 14 giờ ngày 7 tháng 11 năm 1972, chúng tôi đã “ở nhà”. Trung tá Philippov nhìn thấy chúng tôi còn sống và khỏe mạnh, ông như trút được gánh nặng. Trước đó ông không có một thông tin nào từ Chỉ huy sở Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 về việc chúng tôi đang ở đâu và những gì đang xảy ra với chúng tôi.

Trong phòng ăn đã bố trí hai bàn, mỗi bàn có 1 chai 0,5 lít rượu “Moskva” nhãn màu xanh lá cây, mà tôi đem từ Hà Nội vào. Cuộc chiến của chúng tôi bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 4000 đã kết thúc như thế đấy. Đây là chiếc máy bay F-111, bị đơn vị nữ dân quân Phòng không Việt Nam bắn hạ trên miền Bắc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí Tam, phiên dịch giải thích cho chúng tôi: “Cuộc chiến tranh của chúng tôi là chiến tranh nhân dân, tất cả những chiếc máy bay bị bắn rơi đều tính vào thành tích chung của cả nước...”.

“Đi phà, đi phà, bờ bên trái, bờ bên phải...” đó là những mệnh lệnh trên đường hành quân...

Cầu phao được lắp ghép bằng các hòm No1 đựng tên lửa và các cây luồng, cây tre ghép lại. Cầu phao chỉ hoạt động vào ban đêm. Đường dẫn đến cầu bị kẹt giao thông, không thể vượt lên, nếu phía trước là 2 xe tải ZIL vì 2 bên thành xe đã hàn 2 hòm (mà các bạn Việt Nam gọi là “xe lội nước”). Khi gặp hố sâu, các hòm bám vào mặt đất, còn khi ở trên núi, các đèn đã lóe lên. Có máy bay. Bên trái - đầm lầy. Bên phải cũng thế. Nên phải xếp hàng đi qua cầu phao.

Địch đã thả pháo sáng. Tiếng gầm rú của máy bay, tiếng nổ của bom đạn, những tràng súng cao xạ. Nếu đã tham gia vào đội hình hành quân, và thậm chí còn phải qua phà, thì lúc này chỉ có ý nghĩ duy nhất là phải sang được bờ bên kia mới thoát khỏi ùn tắc giao thông.

 3 
 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2023, 06:03:15 pm 
Tác giả macbupda - Bài mới nhất gửi bởi macbupda
Trong những lúc nhàn rỗi, giải trí, các bạn Việt Nam giúp tổ “phục vụ” chúng tôi bắt hến, bắt cua, cá ở đáy sông. Muốn làm việc này, chúng tôi không cần phải lao người xuống dưới sông, mà chỉ cần lấy chân đạp mạnh vào một đoạn ống tre, tiến sát vào miệng giỏ và nâng giỏ lên xem trong đó có những loại con gì? (đó là đánh dậm - ND) Có lúc may mắn “bắt” được một con đỉa giữa các ngón chân!!! Hai ngày tôi không hiểu đó là cái gì?

Tiền ăn của chúng tôi, mỗi tháng là 210 đồng. Trong khi đó, người ta nói rằng, lương tháng của đồng chí Lê Duẩn là 120 đồng.

Công tác văn hoá và giáo dục trong đơn vị chúng tôi: Hàng tháng, Đại úy Kliarin về Hà Nội, nhận thư báo và thông báo lại cho chúng tôi những tin tức từ Đoàn cố vấn Liên Xô tại Việt Nam.

Cuối tháng 10 năm 1972, tôi đã được giao nhiệm vụ về Hà Nội để gặp Ban Lãnh đạo các đoàn chuyên gia quân sự Phòng không Liên Xô ở Việt Nam và lắng nghe những ý kiến nhận xét về đoàn chuyên gia chúng tôi đang ở Quân khu 4. Tôi đã gặp Đại tá Suslov, tôi thấy thái độ của Đại tá đối với đoàn chúng tôi rất cởi mở. Tại cuộc họp thường kỳ với đại diện của tất cả các Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô được tiến hành trong sân của Đại sứ quán, Đại tá đã mời tôi lên ghế Đoàn Chủ tịch. Tôi nghe và hiểu rằng, cuối năm nay, các cuộc chiến đấu có thể đạt được kết quả mong muốn.

Một vài ngày sau đó, tôi đã được mời đến gặp đồng chí đại diện của Việt Nam về công tác liên kết văn hóa giữa Việt Nam và Liên Xô, ông chỉ quan tâm đến mối quan hệ của chúng tôi với người dân địa phương. Các vấn đề còn lại chúng tôi đều hài lòng.

Về điện ảnh, chúng tôi có một bộ phim “Đám cưới ở Malinovk” và nó đã được chiếu vài ba lần. Phông màn hình bị rách, không cuộn lại được vào ống, nên không thuận tiện khi di chuyển địa điểm chiếu. Chúng tôi phải tháo rời tấm vải phông màn hình, dùng dây cước khâu và nối chiều rộng theo mong muốn. Bằng cách này đảm bảo được quy mô nhỏ gọn và phù hợp với thùng xe.

Về công tác Đảng và chính trị: vận động để trong Đoàn hạn chế những câu bông đùa gây tâm trạng hoang mang. Làm tốt điều này đã duy trì tâm trạng yên tâm công tác cho mọi thành viên trong đoàn, đảm bảo đoàn kết nội bộ. Thiếu tá Gorokhov là người vui nhộn nhất, các khẩu hiệu chính của ông là “vẫn chưa muộn!”, “Chúng ta sẽ vượt qua!”, “Ôi, hôm nay chân tôi bị chuột rút!” Đại úy Kharin thường là mục tiêu để Thiếu tá trêu đùa: Đại úy là một nhà tiếu lâm, thích pha trò, thích chen vào giữa nơi đang cười đùa.

Phần chính thức của công tác Đảng - Chính trị là thành lập một “góc màu hồng”, bao gồm: một bàn viết thư, trên tường treo ảnh các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Bộ Chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang của Liên Xô, và một chồng sách mỏng. Những con dao, lưỡi cưa, mà tôi nhặt từ Liên Xô đem sang lại có tác dụng trong đời sống sinh hoạt của chúng tôi.

Quà mừng sinh nhật của mỗi người là quyển album có nhiều chữ ký kỷ niệm và một chai vodka (5 người/một chai). Trung tá Philippov thống nhất khi vào phòng ăn tất cả mọi người đều mặc đồng phục: áo sơ mi và quần short.

Ở phía Nam miền Trung này, không quân Mỹ đang trong thời kỳ “hoàn toàn thống trị bầu trời Việt Nam” Hàng tuần, chúng ném bom xuống một khu đất nhỏ ở cách bờ kênh cách chúng tôi không quá 300 mét. Chiếc thứ nhất ném những quả bom có “dây cháy”, những chiếc khác khi quay trở lại (chúng tôi đang ở giữa vòng lượn của chúng) bổ nhào xuống trút từng đợt một, hai ba quả bom 250 kg, khi chúng ngóc đầu lên, tiếng động cơ gầm lên. Điệp khúc đó chỉ ngừng khi mỗi máy bay đã ném 12 quả bom xuống mảnh đất này. Đất dưới chân chúng tôi đang “thở”.

Ngày 26 tháng 7 năm 1972, Không quân Mỹ đã thay đổi chiến thuật: 2 máy bay “con ma” (F-4) từ đám mây ở bên phải chúng tôi, trên độ cao 500 m, chúng đã bổ nhào xuống, song bỏ qua khu chúng tôi ở, chỉ bắn liên hồi xuống cánh đồng lúa cách nơi chúng tôi ở khoảng 100 mét. Tại thời điểm đó, chúng tôi đang đi công tác. Tôi với Trung tá Philippov thậm chí không kịp nằm xuống nơi nào đó. Ngoài cánh đồng, người nông dân đang làm việc.

Chúng tôi nhặt được một mảnh bom có chiều dài trên 40 cm. Tôi lấy viên gạch màu đỏ ghi trên mảnh bom: “Ních-xơn, hãy liệu hồn!”. Tất cả các thành viên trong nhóm chúng tôi đều ký vào mảnh bom đó. Sau này, khi chúng tôi được lệnh chuyển ra Hà Nội, tôi nhét mảnh bom đó vào va li của Đại úy Kharin, song Đại ủy cảm thấy thêm trọng lượng, nên đã ném nó đi.

Đêm 29 rạng sáng ngày 30 tháng 7 năm 1972, Đoàn chúng tôi đã đến gần Chỉ huy sở Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236. Chỉ huy sở nằm ở rìa làng, ở phía đông Chỉ huy sở khoảng 15 mét là một cái hồ lớn. Muốn đến Chỉ huy sở phải băng qua một con đường trên cánh đồng lúa.

Đêm ngày 06 tháng 8 năm 1972, một máy bay ở tầm thấp lượn quanh trên đầu chúng tôi. Ngay sau đó, một máy bay trực thăng bay từ phía Tây sang phía Đông, qua đầu chúng tôi và nhả đạn một cách vu vơ. Chúng bay qua hồ và bay về hướng biển, nó tìm kiếm mục tiêu nào đó. Còn ban ngày hôm đó, chúng tôi cùng với Shcheklein và Chuprin đã tắm ở hồ, chúng tôi bơi dọc theo hàng cây ven bờ.

 4 
 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2023, 06:01:24 pm 
Tác giả macbupda - Bài mới nhất gửi bởi macbupda
Tập thể chúng tôi đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì chúng tôi ở xa Hà Nội, xa sự chỉ đạo trực tiếp của Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Không ai kiểm tra chúng tôi và không ai “giúp đỡ” chúng tôi. Đoàn chúng tôi coi như một đơn vị “tự trị”. Mỗi tháng 1 lần, Đại úy Kharin về Hà Nội báo cáo với Lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam về công việc chúng tôi đã làm và đem thư, thuốc lá, tin tức v.v... về cho chúng tôi. Vì chiếc đài bán dẫn VEF-202 không thu được tín hiệu đài phát thanh bằng tiếng Nga, nên chúng tôi chỉ nghe tin tức qua đài phát thanh “Đại Tây Dương”. Đài phát thanh này phát tiếng Nga theo yêu cầu của ngư dân vùng Vladivostok, mỗi ngày 30 phút.

- Chúng tôi ở trong một căn nhà được gọi là nhà “dã chiến” vì:

- Nhà không có trần.

- Tường nhà chỉ là một lớp tre đan

- Cánh cửa làm bằng cót,

- Nền nhà không có gạch lát

- Cửa sổ cũng bằng cót ép

Nhà “dã chiến” được dựng giữa những hàng cây trên một con đê. Dưới chân đê là một con sông nhỏ có chiều rộng gần 10 mét, lưu lượng dòng chảy cũng mạnh và có chứa phù sa. Phía trong đê là cánh đồng lúa (Nếu ở Liên Xô, chúng tôi coi vùng này là đầm lầy).

Các hầm trú ẩn cho chúng tôi được “xây dựng” ngoài cánh đồng lúa bằng cách chôn xuống đất 2 vỏ thùng phi No2 là thùng đựng cánh tên lửa và bộ ổn định tên lửa. Thế là đã có 1 hầm trú ẩn cho 5 người. Khi nhảy xuống hầm, nước ngập tới mắt cá chân. Mọi người có thể dùng mũ bảo hiểm ngồi xuống và “tán gẫu”, chờ còi báo yên.

Trong mỗi nhà “dã chiến” được bố trí 5 người ở. Nội thất gồm có: giường gấp có đệm, chăn, gối, tủ đầu giường và đèn lồng Trung Quốc có chụp ánh sáng quay 180°. Dưới chùm tia laser như thế, chúng tôi đọc những lá thư nhà và ăn tối trong phòng ăn. Nhà chúng tôi ở cũng là nhà ăn, là góc thư viện và một trạm y tế. Ở đây chữa bệnh chủ yếu bằng phấn rôm trộn với streptotsiđom đựng trong một hộp nhựa với một “bộ lọc” có nút đậy. Còn một loại thuốc chữa bách bệnh, đó là “dầu cao con hổ” của Trung Quốc. Trên mặt đất, dưới các giường xếp - nơi chúng tôi nằm phải có đến hàng chục con ngóe, chúng lặng im khi rắn bò trườn qua và chúng cất tiếng bíp lớn khi rắn bắt đầu nuốt chúng. Điều tôi thấy ghê nhất trong nhà “dã chiến” là đàn kiến. Chúng chui cả vào lọ đựng lạc treo bằng một sợi dây vào xà nhà, chúng bò vào hộp đựng thuốc lá để dưới vỏ cây.

Nhà tắm, đây là cách gọi theo tiếng Việt. Thực tế nó là một chiếc nắp của thùng đựng đạn No1 (thùng đựng tầng 2 tên lửa), được chôn dựng đứng xuống đất làm “bể” chứa nước. Các bạn Việt Nam lấy nước ngoài cánh đồng lúa, đổ đầy vào “bể” chứa đó. Sau một thời gian, cấn trong nước được lắng xuống đáy “bể”, nước trở nên trong hơn. Múc nước từ “bể” chứa, đổ vào chảo đặt trên bếp và đun cho nước ấm lên. Nước này dành cho những đồng chí vừa từ lớp học hoặc từ trận địa trở về nơi ở. Các đồng chí ấy dùng khăn mặt nhúng vào nước ấm. rồi xoa lên người, nếu ai bị rôm thì trên người sẽ nổi lên những mụn đỏ. Lúc này sẽ lấy phấn rôm xoa lên, một lát sau sẽ khỏi.

Về lương thực, thực phẩm: Chúng tôi hiểu là chúng tôi đang sống trong vùng đất lửa ở miền Bắc Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn. Tôi kể những mẩu chuyện sau đây không phải là chê trách các bạn Việt Nam, mà để thế hệ trẻ của chúng tôi hình dung ra được thế nào là chiến tranh:

- Về gạo: có khi gặp phải lớp gạo có sạn, khi ăn vớ phải viên sạn, tưởng như bị gẫy răng.

- Về thịt: chủ yếu là thịt gà, đôi khi có thịt lợn.

- Bánh mỳ: ở xứ sở Quân khu 4 này, bánh mỳ là một điều mơ ước của chúng tôi. Vào dịp Cách mạng tháng Mười năm 1972, chúng tôi mới được ăn bánh mỳ từ Hà Nội đem vào. Do không có bánh mì, chúng tôi được cấp lương khô của Trung Quốc, đó là những phong bánh có kích thước hình hộp chữ nhật, màu xám xanh. Khi đưa bánh vào mồm, bánh tan ngay trong miệng.

- Chuối là thực đơn có thường xuyên, đôi khi được thay thế bằng dứa.

- Trà xanh là loại nước chúng tôi yêu thích.

Trung tá Philippov đã phê bình nhẹ về công tác phục vụ của chúng tôi. Ông ra lệnh cho tôi và bác sĩ phải thường xuyên nhớ hàng ngày vào buổi sáng (trước khi ăn trưa) phải vớt hết các con muỗi vằn từ nồi hơi trong nhà bếp.

 5 
 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2023, 05:58:29 pm 
Tác giả macbupda - Bài mới nhất gửi bởi macbupda
Miền đất lửa Việt Nam

Ngày 01 tháng 5 năm 1960, chúng tôi là những sinh viên năm cuối của trường kỹ thuật - quân sự Bộ đội Phòng không hành quân trong đội hình duyệt binh ra quảng trường trung tâm thành phố Yaroslavsk. Khi đó, Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không do Thiếu tá Voronov chỉ huy đã bắn rơi một máy bay trinh sát “Lockheed” U-2 trên bầu trời thành phố Sverdlovsk, Chúng tôi rất tự hào rằng hệ thống tên lửa phòng không S-75 của chúng tôi đã chặn đứng hành động xảo quyệt của gián điệp Mỹ.

Sau 12 năm, tôi đã tận mắt nhìn thấy toàn bộ “mặt hàng” của không quân Hoa Kỳ hoạt động trên bầu trời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: các loại máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay chiến lược B-52. Bằng mắt thường tôi nghiên cứu các phương pháp hành động của chúng, tôi hiểu thế nào là một nhóm (“không đoàn”) máy bay gồm 10 máy bay đã dàn đội hình theo chiều cao và theo chính diện.

Vào cuối năm 1971, sau 5 tháng học nâng cao trình độ nghiệp vụ chỉ huy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không, tôi đã rời thành phố Kosteryovo trở về đơn vị cũ. Trong thời gian học tập, tôi đã kinh qua các công việc sau đây: Thực hiện hàng chục lần bắn đạn thật trên các trường bắn Ashuluk và Kapustin Yar; nhận các bộ khí tài mới; thay đổi các trận địa bắn; luôn luôn sẵn sàng phóng các tên lửa cứu hộ; xây dựng các công trình để duy trì các tên lửa ở chế độ sẵn sàng chuyển tiếp; xây dựng hầm trú ẩn cho máy bay tiêm kích; thu hoạch khoai tây cho các đơn vị trong quân khu; giúp nông dân Liên Xô thu hoạch mùa (“lúa mạch”); nhận tân binh từ các vùng khác nhau trên cả nước và giao cho các đơn vị trong Quân khu.

Ngày 01 tháng 01 năm 1972, trong khi đang nghỉ phép, tôi nhận được lệnh cần có mặt ngay tại Ban Tham mưu đơn vị để làm hồ sơ đi chuyến công tác đặc biệt.

Một đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc Binh chủng Phòng không đã được hình thành và được giao nhiệm vụ sang Việt Nam huấn luyện các chiến sĩ bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam. Tôi là thành viên trong đoàn chuyên gia nói trên.

Ngày 26 tháng 5 năm 1972, máy bay đưa chúng tôi từ Moskva sang Việt Nam. Trên chặng đường bay, máy bay hạ cánh tại các sân bay sau đây để tiếp nhiên liệu: Tashkent, Bombay, Calcutta, Vrangun, Vientiane, ngày 27 tháng 5 năm 1972, máy bay hạ cánh tại Hà Nội.

Hai ngày chúng tôi nghỉ tại khách sạn Kim Liên, Hà Nội. Sang ngày thứ 3, chúng tôi ngồi trên xe GAZ-69 (loại xe ô tô con có ghế ngồi theo chiều dọc thùng xe - ND) đi vào Quân khu 4, phía Nam thành phố Vinh.

Nhóm chúng tôi có 6 người, nên cả nhóm không thể ngồi hết vào xe. Tôi phải ở lại cùng với toàn bộ hành lý của đoàn để đi xe khác. Trong thời gian ở lại Kim Liên, Hà Nội có báo động phòng không. Tôi chỉ ở trong phòng ngủ của khách sạn, vì tôi không biết hầm trú ẩn ở đâu, và tôi cũng không chạy ra hành lang như những người đã ở đây lâu hơn tôi.

Ngày hôm sau, tôi được triệu tập đến gặp Đại tá Pavel Ivanovich Suslov, Phó trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam, phụ trách công tác chính trị. Ông ân cần giải thích cho tôi tình hình thực tế ở Việt Nam, đưa ra lời khuyên cần phải sống và làm việc như thế nào trong điều kiện chiến tranh và bổ nhiệm tôi làm “chính ủy” của Đoàn. Ông đã viết một lá thư giới thiệu gửi cho Trung tá Philippov Viktor Ivanovich - Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhằm tăng cường mối quan hệ với nhân dân địa phương nơi đóng quân, ông đã trao cho tôi những món quà mà các cháu học sinh Liên Xô đã tặng các học sinh Việt Nam, như: cặp đựng sách, vở viết, bút chì, các loại phù hiệu, tạp chí bằng tiếng Việt. Sau buổi tiếp đón ấm áp như vậy, trong tâm hồn tôi đã ấm lên. Ngày 4 tháng 6 năm 1972, chiếc xe GAZ đã đưa tôi đến nơi đóng quân của Trung đoàn Tên lửa phòng không 236. Đi xe vào ban đêm trên chặng đường sau vĩ tuyến thứ 19, lái xe phải tắt đèn và đi theo các cột chỉ giới. Chúng tôi dừng lại khi có tiếng gầm của máy bay. Phía trước mắt chúng tôi là những vạch sáng trên cao của tên lửa hay của đạn pháo bắn lên từ phía biển; (âm thanh không nghe được) với khoảng thời gian sáu giây. Tôi có ý định châm một điếu thuốc, song đồng chí phiên dịch ra hiệu, ý nói “không nên, kinh nghiệm của chiến tranh!”.

Xe ô tô phải sử dụng loại đèn được đựng trong một cái hộp gắn dưới động cơ, mà các bạn Việt Nam gọi là “đèn gầm”. Tôi không hiểu đồng chí lái xe có tên là Tuyên sẽ nhìn được gì trên đường với loại đèn gầm. Khi phải đi qua một hố có 2 thanh gỗ bắc qua, chúng tôi thấy rất nguy hiểm, mọi người rời khỏi xe, người lái xe cố gắng cho xe từ từ lăn bánh đi qua và một giọng đầy tin tưởng lại cất lên “không sao, chiến tranh cho chúng ta kinh nghiệm mà!”.

Và mọi điều đều hoàn hảo. Một lần nữa lại vang lên giọng nói tự tin: “Không sợ! Chiến tranh đã cho ta kinh nghiệm.” Tất cả khó khăn đều vượt qua và sớm ngày 06 tháng 6 năm 1972, tôi đã có mặt trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236.

Nhóm chuyên gia quân sự chúng tôi là một tập thể sĩ quan Xô Viết được tập trung từ các đơn vị Tên lửa Phòng không thuộc Quân khu Phòng không Baku. Tôi chỉ giới thiệu với bạn đọc 3 đồng chí chủ chốt trong đoàn:

- Trung tá Philippov Viktor Ivanovich làm Trưởng đoàn. Sau khi ở Việt Nam về, ông được đề bạt là Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tên lửa Phòng không bảo vệ thành phố Arkhangelsk. Hiện nay (năm 2008), ông là CCB với cấp hàm Trung tướng.

- Thiếu tá Gorokhov Nikolai Mikhailovich là Trưởng ban Kỹ thuật tên lửa của Trung đoàn Tên lửa Phòng không Krasnovodsk, được chỉ định làm phó đoàn phụ trách kỹ thuật.

- Đại úy Chuprin Andrey Nikolaevich, nguyên là sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 128 thuộc Quân khu phòng không Baku.

Và các đồng chí khác đều ở độ tuổi từ 26-30

 6 
 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2023, 05:55:18 pm 
Tác giả macbupda - Bài mới nhất gửi bởi macbupda
MIỀN ĐẤT LỬA VIỆT NAM

Yuritt Viktor Alekseevich


Vài nét về tác giả

Thiếu tá Yurin Viktor Alekseevich sinh ngày 27 tháng 2 năm 1938 tại làng Lyubimov, huyện Dolmatovsk, tỉnh Kurgan.

Từ ngày 9 tháng 9 năm 1957 đến ngày 19 tháng 4 năm 1984, ông phục vụ trong lực lượng vũ trang Liên Xô. Trong thời gian đó, ông đã qua các lớp đào tạo sau:

- Năm 1960, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng kỹ thuật - quân sự của lực lượng phòng không Yaroslavsk.

- Năm 1971, ông học khóa bồi dưỡng sĩ quan Bộ đội Tên lửa Phòng không 5 tháng.

Các chức vụ đã kinh qua:

- Từ ngày 9 tháng 9 năm 1957 đến ngày 19 tháng 8 năm 1960, ông là học viên.

- Từ ngày 10 tháng 10 năm 1960 đến ngày 11 tháng 2 năm 1967, ông là Tiểu đội trưởng Tiểu đội bệ phóng thuộc Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 129.

- Từ ngày 11 tháng 2 năm 1967 đến ngày 16 tháng 9 năm 1975, ông là Khẩu đội trưởng Khẩu đội bệ phóng thuộc Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 129.

- Từ ngày 16 tháng 9 năm 1975 đến ngày 19 tháng 4 năm 1984, ông là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 129.

- Từ ngày 27 tháng 5 năm 1972 đến ngày 20 tháng 1 năm 1973, ông được cử sang Việt Nam huấn luyện các chiến sĩ bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam và tham gia các trận bắn máy bay Mỹ.


Ban Biên soạn

 7 
 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2023, 05:51:52 pm 
Tác giả macbupda - Bài mới nhất gửi bởi macbupda
Tên sách: Việt Nam không thể nào quên - Quyển 2
Dịch giả: Ninh Công Khoát
Nhà xuất bản: Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2019
Người số hóa: macbupda

Ban Biên soạn (tiếng Nga):

- Ông Kolesnik N.N. - Giáo sư danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga, Chủ tịch Hội CCB Xô Viết đã chiến đấu ở Việt Nam - Trưởng ban
- Ông Skoryak V.V. - Phó Trưởng ban
- Ông Davudov A.V. - Ủy viên
- A.I. Khiupenen - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học quân sự - Cố vấn các vấn đề kỹ thuật quân sự

Tác giả trong tuyển tập hồi ức này là các Cựu chiến binh Xô Viết đã chiến đấu ở Việt Nam trong những năm 1965-1974

 
LỜI GIỚI THIỆU

Trong quyển 1 tập hồi ức “VIỆT NAM không thể nào quên” đã giới thiệu với độc giả 6 bài hồi ức về những ngày công tác và chiến đấu ở Việt Nam của các CCB Xô Viết và 4 bài viết của các đồng chí là tướng lĩnh, Anh hùng Liên xỏ đang giữ trọng trách trong Hội Hữu nghị Nga - Việt và Hội CCB và quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga. Bốn bài này mang tinh giới thiệu về truyền thống tình hữu nghị anh em và sự hợp tác chiến đấu giữa Quân đội Việt Nam và quân đội Liên Xô trước đây/Liên bang Nga ngày nay.

Trong quyển 2 tập hồi ức sẽ tiếp tục giới thiệu với độc giả 9 bài hồi ức của các CCB Xô Viết đã chiến đấu ở Việt Nam.

Đọc quyển 2. bạn đọc sẽ thấy được tình yêu vô cùng to lớn của những người con Xô Viết đã dành cho nhân dân ta trong những năm 1965-1974, họ đã gác lại tình cảm thương nhớ vợ con, xa rời cuộc sống hàng ngày có đầy đủ cả về vật chất và tinh thần để sang Việt Nam giúp Nhân dân và quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại do Mỹ gây ra ở miền Bắc nước ta. Bạn đọc cùng thấy được những cố gắng tối đa của cả thầy và trò trong học tập để nhanh chóng làm chủ các[5] phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại, thành thạo sử dụng các loại vũ khí đó trong các trận đánh tiêu diệt mục tiêu của địch. Bạn đọc thấy được trình độ chiến thuật sử dụng vũ khí hiện đại của quân đội ta, nên trận đầu ra quân ngày 24 tháng 7 năm 1965, chỉ với 5 quả tên lửa của Liên Xô mà 3 máy bay F-4 của không lực Hoa Kỳ đã bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam. Tiếp theo chiến công đó, cũng tại trận địa này, sau khi đơn vị Bộ đội Tên lửa Phòng không thu hồi khí tài, hành quân đến trận địa mới, thì bộ đội cao xạ và dân quân địa phương đã hạ gục thêm 5 máy bay Mỹ. Có nhiều câu chuyện rất cảm động về tình cảm anh em, tình bạn chiến đấu giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô với Nhân dân và Quân đội ta. Điển hình là câu chuyện ông Skreb Lyukov chuyên gia thông tin liên lạc, biết vợ đang mang thai đứa con đầu lòng, song cả hai vợ chồng ông coi nhiệm vụ sang Việt Nam vừa là trách nhiệm của mỗi công dân quê hương Cách mạng Tháng Mười, vừa là niềm vinh dự của gia đình ông. Ông tin là vợ ông ở trong nước không bị cô đơn, nên ông đã viết đơn tình nguyện sang Việt Nam giúp Nhân dân và Quân đội Việt Nam đánh thắng bọn xâm lược Mỹ. Trong câu chuyện một CCB Xô Viết, ông Todorashko sau 40 năm kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, ông được trở lại thăm Việt Nam. Trên đường đến thăm trận địa cũ ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, ông đã đến thăm gia đình ông Trương Văn Ta, nguyên phiên dịch tiếng Nga đã dịch cho ông và cùng ông tham gia trận đầu ra quân đánh thắng ngày 24 tháng 7 năm 1965. Đến nơi, ông mới biết người bạn chiến đấu của ông, đã đi vào cõi vĩnh hằng. Hình ảnh ông Todorashko ôm di ảnh người bạn chiến đấu Việt Nam đã gây niềm xúc động lớn cho mọi người.

Trong quá trình chuyển ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Việt Nam, một số trường hợp họ và tên riêng của các nhân vật là người Việt Nam, chúng tôi phải để theo phiên âm không dấu, vì trong tiếng Nga không có đa nguyên âm như tiếng Việt Nam. Thí dụ: từ CAN phiên âm từ tiếng Nga, thì trong tiếng Việt có thể là Căn, Cân, Cần, Cận v.v...

Dịch giả chân thành cám ơn đồng chí Giám đốc Thư viện Trung ương Quân đội nhân dân, Ban Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Ban Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân đã hiểu rõ những nguyện vọng của dịch giả trong việc xuất bản và quyển 2 tập hồi ức “VIỆT NAM không thể nào quên” đã được xuất bản kịp thời.


                                                                                                                                       
Hà Nội, tháng 6 năm 2019
NINH CÔNG KHOÁT

 8 
 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2023, 08:25:14 am 
Tác giả quansuvn - Bài mới nhất gửi bởi quansuvn
ANH HÙNG VÕ GIỮ
(Liệt sĩ)


Võ Giữ (tức Võ Văn Sơn) sinh năm 1935, dân tộc Kinh, quê ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, tham gia cách mạng năm 1961. Khi hy sinh đồng chí là xã đội trưởng xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Võ Giữ xuất thân trong gia đình nông dân, cha và ba anh em tham gia hoạt động cách mạng, một người em là liệt sĩ. Đồng chí đã trải qua các cương vị tổ trưởng, trung đội trưởng, xã đội trưởng, luôn nghiên cứu vận dụng nhiều cách đánh đạt hiệu quả cao, chỉ huy chiến đấu dũng cảm, mưu trí, tiêu diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí, bảo vệ và giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Từ tháng 8 năm 1961 đến tháng 9 năm 1967, đồng chí đã chỉ huy và chiến đấu 90 trận. Riêng đồng chí đã loại khỏi vòng chiến đấu 210 tên địch (có 30 tên Mỹ, 12 tên ác ôn), thu 160 súng, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng.


Ngày 25 tháng 9 năm 1964, Võ Giữ chỉ huy tổ du kích cải trang tập kích diệt gọn 1 trung đội bảo an chốt ở cầu An Thường, diệt 22 tên, làm bị thương 7 tên, thu 11 súng.


Ngày 22 tháng 3 năm 1965, Võ Giữ chỉ huy du kích xã dùng đạn pháo của địch cải tiến thành mìn bố trí phục kích 1 đại đội bảo an địch đi càn quét, diệt 35 tên làm bị thương 13 tên, thu 18 súng, ta còn lấy lại được 26 con bò địch bắt trả lại cho nhân dân.


Ngày 22 tháng 5 năm 1966, Võ Giữ chỉ huy du kích xã chống cuộc càn của 1 tiểu đoàn chủ lực ngụy, ta và địch giành giật quyết liệt 2 ngày đêm, đánh lui 19 đợt tấn công của địch, diệt 27 tên, làm bị thương 15 tên, thu 16 súng.


Ngày 5 tháng 9 năm 1966, Võ Giữ đứng ra thử nghiệm một số vũ khí tự tạo và cách bố trí trận địa mới tìm ra. Đồng chí đã chủ động nổ súng nhử địch vào các khu vực đã bố trí. Một mình Võ Giữ liên tục vừa bắn, nổ mìn, vừa cơ động vừa hô xung phong lừa địch suốt một ngày diệt được 56 tên làm bị thương 10 tên (có 20 tên dính hầm chông), bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, thu 20 súng, 80 lựu đạn.


Võ Giữ còn theo dõi phát hiện quy luật hoạt động của tên Thuần - đại đội trưởng bảo an, một tên ác ôn khét tiếng và cực kỳ xảo quyệt tại địa phương (hắn đã nhiều lần thoát chết nên có người cho là hắn có "ngọc tránh đạn"), nhưng Võ Giữ đã diệt tên này bằng lựu đạn gài vào ngày 16 tháng 10 năm 1966, làm nhân dân xã Ân Thạnh và cả huyện rất phấn khởi.


Đồng chí tích cực tham gia công tác xây dựng lực lượng, bản thân đã đưa 87 thanh niên vào du kích xã (có 27 là du kích mật), xây dựng được cơ sở nội tuyến trong lực lượng dân vệ, kêu gọi được 15 binh lính bỏ hàng ngũ địch.


Cuối tháng 9 năm 1969, Võ Giữ hy sinh trong khi đuổi bắt 1 tên đầu hàng phản bội.


Gương chiến đấu quên mình của đồng chí đã được quần chúng trong huyện, tỉnh khâm phục, ca ngợi.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhì, 2 lần là Chiến sĩ thi đua của tỉnh. Nhiều lần được công nhận là Dũng sĩ diệt Mỹ, 20 bằng khen và nhiều giấy khen.


Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Võ Giữ được Chủ tịch nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 9 
 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2023, 08:24:32 am 
Tác giả quansuvn - Bài mới nhất gửi bởi quansuvn
ANH HÙNG LÂM VĂN TƯƠNG
(Liệt sĩ)


Lâm Văn Tương (tức Lâm Tài) sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, tham gia cách mạng năm 1962, nhập ngũ năm 1963. Khi hy sinh đồng chí là chuẩn úy, trung đội trưởng đặc công Đ10 bộ đội địa phương tỉnh Bình Định, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Lâm Văn Tương xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, mẹ chết sớm phải đi ở với cha nuôi. Cha và các anh em đều tham gia cách mạng, một em là liệt sĩ, bản thân đồng chí tham gia du kích từ năm 15 tuổi, đến năm 16 tuổi nhập ngũ vào đơn vị Đ10 đặc công. Trưởng thành từ chiến sĩ lên trung đội trưởng, dù nhận công việc sản xuất, huấn luyện chiến đấu hay chỉ huy trung đội, việc nào đồng chí cũng làm hết sức mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chiến đấu dũng cảm mưu trí, bị thương vẫn không rời vị trí, luôn tìm mọi cách làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Lâm Văn Tương đã trực tiếp đánh 30 trận, diệt 977 tên địch (có 50 tên Mỹ), thu 3 súng, 1 máy thông tin.


Ngày 22 tháng 6 năm 1966, Lâm Văn Tương được giao nhiệm vụ tổ trưởng thọc sâu trong đội hình mũi chủ yếu sẽ đánh vào chốt Lường Cày có 1 đại đội bảo an tăng cường của địch (tại Phù Cát). Khi nổ súng, 2 tổ viên hy sinh còn lại một mình đồng chí vẫn bình tĩnh chiến đấu đánh chiếm mục tiêu sở chỉ huy địch, sau đó cùng tổ bạn đánh chiếm các mục tiêu còn lại góp phần cùng đơn vị diệt gọn đại đội bảo an này, có 120 tên chết. Riêng Lâm Văn Tương đã diệt 15 tên. Đồng chí còn ba lần cõng thương binh ra nơi an toàn.


Dịp Tết năm 1967, Lâm Văn Tương được giao chỉ huy trung đội chiến đấu chặn địch để đồng đội rút khỏi vòng vây của 1 tiểu đoàn Mỹ có máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ. Đồng chí đã bình tĩnh, dũng cảm chỉ huy bộ đội bám từng gốc cây, ụ đất, giành giật từng căn nhà với địch, giữ vững trận địa. Sau khi đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của địch, ta bị thương vong nhiều, đồng chí tranh thủ lúc địch đang củng cố đội hình, đã băng bó và giấu thương binh nặng, động viên thương binh nhẹ tiếp tục chiến đấu. Địch bắn cháy ngôi nhà giấu thương binh, Lâm Văn Tương tự mình lao vào cứu rồi nhân lúc địch ném bom trúng đội hình của chúng, đồng chí hô xung phong dọa địch, đẩy lùi chúng ra khỏi làng, thu 1 súng và 1 máy PRC-25. Trung đội còn 4 người, Lâm Văn Tương vẫn chỉ huy anh em chiến đấu bẻ gãy đợt tiến công cuối cùng của địch. Khi trời tối, bản thân bị thương nhưng vẫn tiếp tục tổ chức giải quyết thương binh, tử sĩ, tự mình chuyển 13 thương binh đến nơi an toàn song dùng thuyền đưa thương binh thoát khỏi vòng vây. Trong trận này Lâm Văn Tương đã diệt 50 tên Mỹ, thu 3 súng.


Trận đánh vào quận lỵ Tuy Phước ngày 22 tháng 12 năm 1967, sau 10 ngày chuẩn bị chiến trường đồng chí tình nguyện nhịn đói, khát nằm lại trong căn cứ địch thêm 2 ngày để theo dõi tình hình và cắt 7 hàng rào đưa đơn vị vào rồi chỉ huy đánh khu trung tâm. Bị thương nặng nhưng Lâm Văn Tương vẫn ném lựu đạn, bắn súng diệt được ổ đại liên địch. Tính chung trong trận này đồng chí đã diệt được 20 tên, trong đó có ban chỉ huy chi khu Tuy Phước, ban cố vấn Mỹ - Nam Triều Tiên, trận đánh gần kết thúc Lâm Văn Tương đã anh dũng hy sinh.


Gương hy sinh của đồng chí đã kịp thời cổ vũ đồng đội trong đơn vị xông lên nhanh chóng làm chủ hoàn toàn trận địa và được các đơn vị trong tỉnh tổ chức học tập.


Lâm Văn Tương đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba.


Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Lâm Văn Tương được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 10 
 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2023, 08:23:54 am 
Tác giả quansuvn - Bài mới nhất gửi bởi quansuvn
ANH HÙNG TRẦN THỊ KỶ
(Liệt sĩ)


Trần Thị Kỷ sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tham gia cách mạng năm 1963. Khi hy sinh đồng chí là y tá, đội viên du kích xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, Quân khu 5, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Trần Thị Kỷ xuất thân trong gia đình cha mẹ và 2 em đều tham gia hoạt động cách mạng, có một em là liệt sĩ. Bản thân đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, đã làm các nhiệm vụ liên lạc, chiến đấu, y tá... được giao nhiệm vụ nào Trần Thị Kỷ đều tìm cách hoàn thành xuất sắc.


Từ tháng 2 năm 1963 đến đầu năm 1965, đồng chí làm nhiệm vụ chuyển thư từ công văn từ huyện ủy An Nhơn đi các nơi trong thời kỳ địch còn kìm kẹp hết sức gắt gao. Trần Thị Kỷ đã mưu trí dũng cảm vượt qua mạng lưới tề, ngụy, cảnh sát, mật vụ dày đặc của địch, trong suốt 2 năm, hàng trăm lần chuyển thư đều bảo đảm bí mật an toàn, đã góp phần quan trọng giúp huyện lãnh đạo phong trào diệt ác phá kìm chuẩn bị "đồng khởi".


Từ tháng 2 năm 1965, Trần Thị Kỷ vừa chiến đấu vừa làm y tá cứu chữa thương binh, vừa tham gia đấu tranh chính trị. Đặc biệt trong việc cứu chữa thương binh, điều kiện lúc đó địch đang thực hiện chủ trương "tát nước bắt cá", tập trung dân vào khu dồn, hễ bắt được ai tiếp giúp du kích đều tra tấn đánh giết rất dã man. Với trình độ y tá nhưng Trần Thị Kỷ phải chữa những trường hợp bị thương nặng, hiểm nghèo, trong điều kiện thiếu thuốc men, thậm chí thiếu cả cơm cháo, lại phải thường xuyên bảo vệ thương binh khi địch càn quét đánh phá, có lúc một mình phải cõng thương binh đi cất giấu. Nhiều đêm một mình nhưng Trần Thị Kỷ phải luồn lách vượt qua đồn bốt, ổ phục kích của địch xuống từng nhà cơ sở vận động xin thuốc men hoặc ra đồng mót lúa về làm gạo nấu cháo cho anh em...


Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn gian khổ đó, Trần Thị Kỷ đã cứu chữa được hơn 200 thương bệnh binh.


Đồng chí còn tham gia làm nòng cốt cho các cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào, nhất là phụ nữ trong xã. Một lần vào tháng 10 năm 1965, Trần Thị Kỷ đã cùng một số chị em dẫn đầu đoàn biểu tình chống địch cày ủi nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân trong xã để làm sân bay Gò Quánh. Mặc dù địch khủng bố hết sức dã man, bắn, giết, hãm hiếp nhiều chị em trong đoàn biểu tình, Trần Thị Kỷ vẫn không hề nao núng cùng bà con đấu tranh khiến địch phải chùn sợ.


Ngày 18 tháng 5 năm 1966, đồng chí nhận nhiệm vụ đưa 20 cán bộ và thương binh xuống hầm bí mật để tránh địch đi càn, vừa đậy nắp hầm và ngụy trang xong thì Trần Thị Kỷ bị địch bắt. Chúng tra tấn đồng chí hết sức dã man như đóng đinh vào đầu ngón tay, xăm lưỡi lê vào người, đốt tóc... nhưng đều không moi được một lời khai nào. Cuối cùng địch đã phải thiêu sống vì không khuất phục được Trần Thị Kỷ. Trước khi hy sinh đồng chí còn hô nhiều khẩu hiệu cách mạng.


Gương hy sinh oanh liệt của Trần Thị Kỷ đã cổ vũ mạnh mẽ lực lượng vũ trang nhân dân và toàn Quân khu 5 lúc đó, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi giết giặc lập công.


Đến nay đã có 3 địa phương ở tỉnh Bình Định lấy tên Trần Thị Kỷ đặt cho đường phố.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Kháng chiến hạng ba.


Ngày 20 tháng 12 năm 1994, Trần Thị Kỷ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM