Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 11:46:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273666 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #490 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:07:22 pm »

- Một vị tướng tài - Piotr nói - là một vị tướng đoán trước được tất cả những trường hợp có thể xảy ra…
Ờ, đoán được những ý định của đối phương..

- Nhưng cái đó không thể có được. - công tước Andrey nói, như thể điều đó là một vấn đề đã giải quyết từ lâu.

Piotr kinh ngạc nhìn chàng, nói:

- Thế mà người ta bảo chiến tranh cũng giống như đánh cờ.

- Phải - công tước Andrey nói - nhưng có khác ở một điểm nhỏ là trong ván cờ, cậu có thể nghĩ một nước đi bao nhiêu lâu cũng được ở đấy cậu không bị thời gian hạn chế. Vả lại còn một điểm này nữa là con mã bao giờ cũng mạnh hơn con tốt và hai con tốt bao giờ cũng mạnh hơn một con, nhưng trong chiến tranh thì một, tiểu đoàn đôi khi mạnh hơn một sư đoàn mà đôi khi lại yếu hơn một đại đội. Không ai có thể biết rõ tương quan lực lượng giữa hai quân đội. Cậu hãy tin tôi - chàng nói - nếu nhân tố quyết định là những kế hoạch của bộ tham mưu thì tôi đã ở đấy để vạch kế hoạch rồi, trái lại tôi được vinh dự phục vụ ở đây, trong trung đoàn, bên cạnh các ông này, và tôi nghĩ rằng trận chiến đấu ngày mai thật ra lệ thuộc vào chúng tôi chứ không phải vào các vị ở bộ tham mưu… Thắng bại xưa nay chưa bao giờ và sẽ không bao giờ lệ thuộc vào trận địa, vào vũ khí hay ngay cả vào quân số cũng thế, còn như trận địa thì lại càng có ít tác dụng hơn nữa.

- Thế nó lệ thuộc vào cái gì?

- Vào cái tinh thần ở trong tôi, ở trong ông này - chàng chỉ Timokhin - Ở mỗi người lính.

Công tước Andrey đưa mắt nhìn Timokhin, Timokhin nhìn viên chỉ huy của mình có vẻ sợ hãi và ngạc nhiên. Lúc đầu công tước Andrey dè dặt và trầm lặng thì bây giờ chàng tỏ ra bồng bột sôi nổi. Hẳn là chàng không thể nào tự kiềm chế không bộc lộ những ý nghĩ chợt nảy ra trong trí óc.

- Ai tin chắc rằng mình thắng thì người ấy sẽ thắng. Tại sao ở Austerlix chúng ta lại bại trận? Tổn thất của quân ta cũng không hơn quân Pháp, nhưng chúng ta đã tự nhủ từ trước rằng chúng ta sẽ bại trận, và do đó chúng đã bại trận. Và sở dĩ tự như vậy là vì chúng ta không biết mình chiến đấu để làm gì, chúng ta chỉ muốn rút khỏi chiến trường càng sớm càng hay. "Bại trận rồi à? - Thế thì chạy thôi". Thế là chúng ta bỏ chạy. Giả thử trước khi trời tối chúng ta không nói như vậy thì chưa biết tình hình sẽ ra sao. Còn ngày mai thì chúng ta sẽ không nói như vày. Cậu bảo trận địa ta ở bên cánh trái yếu ở bên cánh phải kéo dài - chàng nói tiếp - Tất cả những điều đó đều nhảm nhí hết. Tuyệt nhiên không phải như thế. Ngày mai sẽ có những gì? Sẽ có một trăm triệu biến cố khác nhau quyết định trong chớp mắt cho quân ta hay quân Pháp bỏ chạy, người này hay người kia bị giết. Tất cả những việc hiện nay đang làm chỉ là những trò chơi mà thôi. Thật ra, những kẻ mà cậu đi theo để quan sát trận địa không những không giúp đỡ gì vào sự diễn biến của chiến sự mà chỉ cản trở nó. Họ chỉ nghĩ đến những quyền lợi nhỏ nhặt của họ.

- Trong giờ phút này mà họ lại như thế ư? - Piotr nói, có vẻ bực mình.

- Phải, trong giờ phút này - công tước Andrey lặp lại. - Đối với họ giờ phút này chỉ là giờ phút họ có thể làm hại người kình địch và kiếm chác thêm một huân chương chữ thập hay một dây thao nữa mà thôi. Đối với tôi tình hình ngày mai là như sau: mười vạn quân Nga và mười vạn quân Pháp sẽ đánh nhau, và trong số hai mươi vạn quân này thì đạo quân nào chiến đấu ác liệt nhất và không sợ hy sinh nhất, đạo quân ấy sẽ thắng. Và nếu cậu muốn, tôi xin nói với cậu rằng, dù ở trên ấy họ có làm rối công việc đến thế nào đi nữa, chúng ta cũng sẽ thắng trong trận ngày mai. Ngày mai dù có thế nào ta cũng sẽ thắng trận!

- Thưa ngài quả đúng như vậy, hoàn toàn đúng như vậy - Timokhin nói - bây giờ mà còn sợ chết hay sao!
Ngài có biết không, binh sĩ trong tiểu đoàn tôi không chịu uống rượu vodka; họ nói bây giờ không phải là lúc chè chén.

Mọi người im lặng một lát. Các sĩ quan đứng dậy. Công tước Andrey theo họ ra khỏi kho lúa, truyền đạt những lệnh cuối cùng cho viên sĩ quan tuỳ tùng. Khi các sĩ quan đã ra ngoài, Piotr đến cạnh công tước Andrey và đang định nói tiếp câu chuyện thì từ trên con đường cái cách kho lúa không xa bông có tiếng vó ngựa: hình như có ba người cưỡi ngựa đi qua gần đây. Nhìn về phía ấy, công tước Andrey nhận ra Boltxoghen và Kiaozevich với một người cô-dắc theo sau. Khi đi ngang chỗ hai người, họ vẫn tiếp tục nói chuyện, nên Piotr và Andrey vô tình nghe được những câu sau đây:

- Thế nào cũng phải mớ rộng chiến tranh trong không gian. Tôi thấy đó là một quan điểm vô giá - một người nói.

- Phải rồi! - một người khác nói - Mục đích là làm sao cho quân địch suy nhược, cho nên ta không được chú ý đến những tổn thất về người.

- Phải rồi! - giọng người thứ nhất xác nhận.

Hừ, trong không gian! - Công tước Andrey vừa nhắc lại vừa khịt mũi một cách bực tức khi họ đã đi qua. - Trong không gian, tôi còn có cha tôi, con trai tôi và em gái tôi ở Lưxye Gorư. Đối với ông ta thì người đó chẳng có gì quan trọng. Đấy như tôi đã nói với cậu: các vị người Đức kia ngày mai không thắng trận đâu, họ chỉ ra sức làm cho mọi việc hỏng be hỏng bét, bởi vì cái đầu óc người Đức của họ chỉ có những lý luận không đáng một xu, trong lòng họ không có cái điều cần thiết cho ngày mai, tức là điều vốn có trong lòng Timokhin. Họ đã nộp tất cả châu Âu cho hắn, ấy thế mà họ còn đến đây lên mặt dạy chúng ta. Thầy với bà! - Giọng nói của chàng lại thét lên.

- Thế anh cho rằng ta sẽ thắng trong trận chiến đấu ngày mai phải không?

- Phải, phải - công tước Andrey nói một cách lơ đãng - Nhưng có một điều là tôi sẽ làm nếu tôi có quyền,
- chàng lại nói tiếp - là tôi sẽ không bắt tù binh đâu. Bắt tù binh là cái gì? Tinh thần mã thượng đấy mà!
Quân Pháp đã tàn phá nhà cửa của tôi và sẽ tàn phá Moskva, đã làm nhục và đang làm nhục tôi từng giây từng phút. Chúng là kẻ thù của tôi, theo quan niệm của tôi chúng đều là những bọn tội phạm, và Timokhin cũng như toàn thể quân đội đều nghĩ như vậy. Chém cổ chúng đi.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #491 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:08:25 pm »

Một khi chúng đã là kẻ thù của tôi thì chúng không thể nào là bạn được; dù ở Tilzit chúng có tán tỉnh gì đi nữa.

- Đúng, đúng! - Piotr nói, đôi mắt sáng ngời nhìn công tước Andrey - Tôi hoàn toàn tán thành, hoàn toàn tán thành ý kiến của anh.

Cái vấn đề từ khi xuống núi Mozaisk và suốt ngày hôm ấy cứ làm Piotr bắn khoãn lo lắng, bây giờ đã hiện ra hết sức rõ ràng và đã được giải quyết triệt để. Chàng đã hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc chiến tranh này cũng như trận đánh trước mắt. Tất cả những cảnh chàng được chứng kiến hôm ấy, tất cả những gương mặt trang trọng uy nghiêm kia mà chàng mới nhìn thoáng qua, đối với chàng đều hiện lên dưới một hào quang mới. Chàng hiểu được cái nhiệt khí tiềm tàng (Latente) như người ta nói trong vật lý học, cái nhiệt khí tiềm tàng của tinh thần yêu nước hiện lên trên gương mặt tất cả những người mà chàng gặp, và điều đó làm cho chàng hiểu tại sao tất cả những người này lại đón chờ cái chết một cách thản nhiên và tựa hồ khinh suất như vậy.

- Không bắt tù binh - công tước Andrey nói tiếp - có thế thì mới thay đổi tính chất của cuộc chiến tranh và làm cho nó bớt tàn khốc. Ấy thế mà chúng ta lại còn làm như trẻ con chơi trò chiến tranh, chúng ta làm ra bộ đại lượng, nhân từ, v.v, cái lối làm ra vẻ đại lượng và nhân từ này cũng giống như cái đại lượng và lòng nhân từ của một bà chủ nhà đa cảm thấy khó ở khi xem làm thịt một con bê. Bà ta nhân từ đến nỗi không muốn nhìn thấy máu, nhưng bà ta sẽ ăn thịt bê với nước xốt một cách ngon lành. Người ta nói đến những luật lệ chiến tranh, đến tinh thần mã thượng, đến việc tôn trọng sứ giả, đến lòng thương xót những kẻ bất hạnh v.v… Toàn là những chuyện vớ vẩn. Tôi đã thấy quá rõ cái tinh thần mã thượng, cái trò tôn trọng sứ giả năm 1805. Họ đã lừa chúng ta, chúng ta đã lừa họ. Họ cướp phá nhà cừa của người khác, phát hành ngân phiếu giả và tệ hại nhất, họ giết con cái tôi, cha mẹ tôi, thế mà miệng vẫn nói nào là luật lệ chiến tranh, nào là lòng nhân từ đối với quân địch. Không bắt tù binh, cứ giết phăng chúng đi và tiến lên đón lấy cái chết. Người nào đã đi đến những kết luận như tôi, sau khi đã trải qua những nỗi đau khổ như tôi…

Công tước Andrey nghĩ rằng dù chúng có chiếm Moskva như đã chiếm Smolensk hay không, chàng cũng không cần, bỗng chàng thấy nghẹn ngào trong cổ phải dừng lại giữa câu… Chàng bước vài bước, lặng thinh không nói, nhưng mắt sáng hẳn lên như trong cơn sốt và môi chàng run run khi chàng lại nói tiếp:

- Nếu không có cái thứ đại lượng giả dối kia ở trong chiến tranh thì chúng ta chỉ tiến vào cõi chết khi nào thật cần thiết như lúc này chẳng hạn. Như vậy sẽ không có chiến tranh vì cớ Pavel Ivanyts đã xích mích với Mikhail Ivanyts. Và nếu có chiến tranh thì sẽ có một cuộc chiến tranh như bây giờ, một cuộc chiến tranh thực sự. Và lúc ấy lực lượng của quân đội sẽ không lớn như bây giờ. Lúc ấy thì tất cả những bọn Vextfali và Hess mà Napoléon chỉ huy sẽ không đi theo hắn vào nước Nga và chúng ta sẽ không phải đánh nhau như ở Áo và Phổ trong khi chính chúng ta cũng không biết để làm gì. Chiến tranh không phải là một cái gì lịch sự phong nhã, nó là cái việc bỉ ổi nhất trên thế gian, cần phải hiểu điều đó, chứ đừng như trẻ con chơi trò chiến tranh. Cần phải thừa nhận nghiêm túc và dứt khoát sự tất yếu đáng sợ này. Tất cả vấn đề là ở chỗ phải gạt bỏ mọi sự dối trá: chiến tranh là chiến tranh chứ không phải là trò chơi của con trẻ. Bằng không thì chiến tranh sẽ là trò tiêu khiển của những người nhàn rỗi và khinh bạc… Tầng lớp quân nhân là tầng lớp vinh dự nhất. Thế nhưng chiến tranh là thế nào? Muốn thành đạt trong nghề gươm súng thì phải làm gì, lối sống của tầng lớp quân nhân ra sao? Mục đích của chiến tranh là giết người; những thủ đoạn của chiến tranh là: gián điệp, phản bội và khuyến khích sự phản bội, làm nhân dân phá sản, cướp bóc và giành giật của cải của họ để nuôi quân: lừu đáo và dối trá thì được gọi là mưu trí quân sự; lối sống của tầng lớp quân nhân là mất lự do, tức là bị kỷ luật, gò bó: sống nhàn dật, ngu dốt, tàn ác, dâm đãng, rượu chè bê tha. Và tuy thế, tầng lớp quân nhân vẫn là tầng lớp cao nhất, được mọi người kính trọng. Tất cả các hoàng đế, trừ hoàng đế Trung Quốc, đều mặc quân phục: người ta lại ban phần thưởng lớn nhất cho kẻ nào giết được nhiều người nhất… Ngày mai đây hàng vạn người sẽ gặp nhau để đánh nhau, tàn sát nhau, làm cho nhau què quặt, rồi sau đó người ta sẽ tổ chức nhưng buổi lễ tạ ơn Chúa vì đã giết được nhiều người (con số này người ta còn phóng đại lên) và người ta tuyên bố thắng trận, cho rằng càng có nhiều người bị giết thì công lao càng lớn. Thượng đế ở trên trời làm sao nhìn nổi những việc như vậy và nghe nổi những lời tạ ơn ấy - công tước Andrey nói to, giọng the thé - Trời ơi, trong thời gian gần đây tôi thấy khó sống quá cậu ạ. Tôi thấy mình bắt đầu hiểu được quá nhiều, mà con người thì lại không nên nếm quả cây tri thức để biết thế nào là thiện, ác… Vả chăng cũng chẳng còn bao lâu nữa! - Chàng nói thêm - nhưng cậu ngủ gật đấy à? Mà tôi cũng phải đi ngủ mới được. Cậu về Gorki đi! - công tước Andrey đột nhiên nói.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #492 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:08:57 pm »

- Ô không đâu, - Piotr đáp, đôi mắt sợ hãi và đồng cảm nhìn công tước Andrey.

- Cậu về đi cậu về đi. Trước khi ra trận, cần phải ngủ một giấc cho đẫy - công tước Andrey nhắc lại - Chàng bước nhanh đến ôm lấy Piotr và hôn bạn. - Xin từ biệt - Chàng nói như quát lên - không biết chúng ta có thể gặp nhau nữa hay không, rồi chàng vội vã quay lại bước vào kho lúa.
     
Lúc bấy giờ trời đã tối, nên Piotr không thể nhìn thấy vẻ mặt công tước Andrey dịu dàng hay khó chịu.
Piotr đứng yên một lát, tần ngần không biết có nên đi theo công tước Andrey hay trở về nhà.   "Không, anh ấy không cần đến mình - Piotr tự nhủ - mình biết rằng đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng". Chàng buông một tiếng thở dài nặng trĩu rồi quay trở lại Gorki.

Công tước Andrey trở về kho lúa, ngả mình trên tấm thảm nhưng không sao ngủ được.
   
Chàng nhắm mắt lại. Bao nhiêu hình ảnh dồn dập kế tiếp nhau kéo đến. Một trong những hình ảnh ấy được chàng sung sướng cầm giữ lại một hồi lâu, chàng thấy lại rõ nét một buổi tối ở Petersburg.

Hôm ấy Natasa, gương mặt say sưa và xúc động, kể cho chàng nghe rằng mùa hè năm trước, trong khi đi tìm nấm, nàng lạc vào một khu rừng rậm. Nàng miêu tả một cách rời rạc cánh rừng sâu tĩnh mịch và những cảm xúc của nàng, những câu chuyện trò của nàng với một người nuôi ong mà nàng gặp, và cứ phút phút trong khi kể chuyện nàng lại ngắt lời và nói: "Không, em không nói được, em kể hỏng mất rồi; anh không hiểu được". Nhưng công tước Andrey vẫn cố an ủi nàng, nói rằng chàng hiểu, và quả thực lúc bấy giờ chàng đã hiểu tất cả những điều nàng muốn nói. Natasa hài lòng với những lời lẽ mình dùng, nàng cảm thấy không thể nào biểu đạt được cái cảm giác thi vị say sưa của nàng hôm ấy, những cảm giác mà nàng muốn nói ra cho hết. "Ông già ấy thật là đáng mến, rừng thì tối… ông ta có những cái… không, em không biết kể đâu" - nàng nói, mặt đỏ bừng và bối rối. Bây giờ công tước Andrey mỉm cười, cũng cái nụ cười hớn hở của chàng lúc ấy, khi nhìn vào mắt nàng. "Ta đã hiểu nàng - công tước Andrey nghĩ thầm - Không những ta hiểu mà ta còn yêu cái tâm hồn say sưa, chân thành cởi mở, cái tâm hồn dường như bị thân thế trói buộc, chính cái tâm hồn ấy làm cho ta yêu nàng… Một tình yêu sao mà đắm đuối, mãnh liệt, tràn đầy hạnh phúc như vậy".
     
Rồi đột nhiên chàng sực nhớ đến đọạn kết thúc buồn bã của cuộc tình duyên của mình. "Hắn có làm gì cái đó. Hắn không nhìn thấy gì và không hiểu gì hết. Hắn chỉ nhìn thấy ở nàng một con bé xinh xẻo và tươi tắn, và hắn cũng chẳng thèm nghĩ đến chuyện gắn bó số phận của hắn với số phận của nàng nữa. Thế còn ta? Ấy thế mà đến nay hắn vẫn còn sống và vẫn vui vẻ". Công tước Andrey, như bị ai châm lửa vào người đứng phắt dậy và lại bắt đầu đi đi lại lại trước kho lúa.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #493 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:10:13 pm »

Phần X
Chương - 25

Ngày hai mươi lăm tháng Tám, trước trận Borodino một hôm, người quản lĩnh hoàng cung của hoàng đế Pháp là ông De Boxe và đại tá Favie, người thứ nhất từ Paris đến hành dinh của Napoléon và Valuyevo, người thứ hai ở Madris đến. Mặc triều phục xong, ông De Boxe sai người mang đi trước một cái hòm mà ông được lệnh mang đến cho hoàng đế và bước vào gian phòng thứ nhất trong doanh tướng của Napoléon. Ông đứng đấy nói chuyện với những viên sĩ quan phụ tá đang đứng xung quanh ông, và loay hoay mở cái hòm.
     
Favie dừng lại ở trước lối vào trường, nói chuyện với những viên tướng quen thuộc.

Hoàng đế Napoléon vẫn chưa ra khỏi phòng ngủ, ông ta tắm rửa đã sắp xong. Ông ta thở phì phì và ho khe khẽ, khi thì giơ cái lưng mập mạp, khi thì ưỡn cái ngực đẫy đà và lông lá ra cho người hầu phòng lấy bàn chải chà xát. Một người hầu phòng khác lấy ngón tay bịt miệng lọ rảy nước hoa lên cái thân hình chau chuốt của hoàng đế, vẻ mặt như muốn nói rằng chỉ một mình y mới biết nên rảy nước hoa ở đâu và rảy chừng nào. Mớ tóc ngắn của Napoléon ướt đẫm và dính bết lên trán. Nhưng bộ mặt của ông, tuy béo phị và vàng bủng, vẫn biểu lộ sự thoả mãn về thể xác: "Cứ xát mạnh vào, cứ xát nữa đi!". Ông thu người lại vừa giơ lưng ra vừa nói với người hầu phòng đang kỳ cọ. Một viên sĩ quan phụ tá bước vào phòng ngủ để báo cáo với hoàng đế về số lượng tù binh đã bắt được trong trận chiến đấu hôm qua; sau khi đã làm xong nhiệm vụ, y vẫn đứng ở cửa để đợi lệnh đi ra: Napoléon vẫn không ngẩng đầu lên, cau mày, gườm viên sĩ quan phụ tá.

- Không bắt tù binh - Ông lặp lại lời nói của viên sĩ quan phụ tá - Chúng cố tình nộp mạng. Như thế quân đội Nga lại càng chết - Ông nói - Cứ xát, xát mạnh vào!

Ông vừa nói vừa cong lưng lại và giơ đôi vai béo mập ra:

- Được, bảo ông De Boxe vào đây và cả ông Favie nữa! - Ông ta gật đầu nói với viên sĩ quan phụ tá.

- Xin tuân lệnh! - nói đoạn viên sĩ quan phụ tá đi khuất ra sau cửa phòng.
     
Hai người hầu phòng vội vàng mặc áo cho hoàng thượng, và sau khi mặc bộ quân phục cận vệ màu lam, ông bước những bước nhanh nhẹn, rắn rỏi ra phòng khách.
   
Trong khi đó Boxe đang loay hoay lo xếp đặt tặng phẩm của hoàng hậu trên hai chiếc ghế để ngay trước chỗ hoàng đế đi vào. Nhưng hoàng đế mặc áo quá nhanh và bước ra một cách đột ngột nên ông chưa kịp chuẩn bị xong món quà bất ngờ.
     
Napoléon nhận thấy ngay họ đang làm gì và đoán biết họ sửa soạn chưa xong. Ông không muốn làm cho họ cụt hứng. Ông giả vờ không nhìn thấy Boxe và gọi Favie lại. Napoléon cau mày nghiêm nghị, im lặng lắng nghe Favie báo cáo về tinh thần anh dũng hy sinh của quân đội mình đang chiến đấu ở Xalamanca, ở đầu bên kia của châu Âu, với một ý nghĩ duy nhất là làm sao cho xứng đáng với vị hoàng đế của họ, cũng như chỉ có một mối lo sợ duy nhất là sợ người không hài lòng. Kết quả của trận chiến đấu không được may mắn(1). Trong khi nghe Favie báo cáo, Napoléon đưa ra những lời nhận xét châm biếm tựa hồ như muốn nói rằng khi ông vắng mặt thì sự việc không thể khác thế được.

- Ta sẽ cứu vãn tình trạng này ở Moskva - Napoléon nói - thôi chào ông! - Ông nói thêm, đoạn gọi De Boxe lại.
   
Lúc này De Boxe đã chuẩn bị xong món quà bất ngờ: và sau khi đã đặt lên ghế một vật gì không rõ, ông phủ một tấm màn lên trên. De Boxe khom lưng cúi chào theo kiểu triều thần nước Pháp mà chỉ có bọn tôi tớ thâm niên của dòng họ Bourbon mới có thể làm được, đoạn đến gần đưa ra một phong bì.
     
Napoléon vui vẻ quay về phía De Boxe và véo tai ông ta một cái.

- Ông đã gấp gáp đến đây, ta rất hài lòng. Thế nào, Paris nói gì? - Napoléon nói, vẻ mặt nghiêm khắc hồi nãy bỗng nhiên nhường chỗ cho một vẻ hết sức dịu dàng.

- Tâu bệ hạ tất cả Paris đều mong nhớ bệ hạ! -   De Boxe trả lời một cách đúng khuôn phép.
Nhưng mặc dầu Napoléon biết rằng De Boxe tất phải nói câu đó hay một câu gì tương tự, mặc dầu trong những lúc tinh thần minh mẫn ông biết rằng đó không phải là sự thật, nhưng ông vẫn thích nghe De Boxe nói câu ấy. Ông lại ban cho De Boxe một cái véo tai.

- Tôi rất tiếc đã bắt ông phải đi một đoạn đường dài như vậy!

- Tâu bệ hạ trên đường đi tôi đã tin rằng ít nhất cũng được gặp bệ hạ ở trước cửa thành Moskva! - De Boxe nói.
     
Napoléon mỉm cười, lơ đãng ngẩng đầu lên nhìn sang bên phải. Một sĩ quan phụ tá cầm một hộp thuốc lấ bàng vàng lướt đến đưa cho ông ta. Napoléon cầm lấy cái hộp thuốc lá mở nắp đưa lên sát mũi và nói:

- Ông gặp may đấy, ông thích đi du lịch thì trong ba ngày nữa ông sẽ thấy Moskva. Chắc ông không ngờ sẽ được thăm chốn kinh đô Á châu ấy. Ông sẽ đi một chuyến viễn du thú vị.
De Boxe cúi mình xuống cảm tạ hoàng đế đã chú ý đến cái sở thích du lịch của mình (mãi đến nay ông ta mới biết mình có cái sở thích ấy).
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #494 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:11:26 pm »

- A! Cái gì đây? - Napoléon nói khi nhận thấy tất cả các triều thần đều nhìn chăm chú vào một vật gì phủ dưới một lớp vải mỏng.
   
De Boxe, với những động tác khéo léo của một triều thần quay nửa vòng bước lui hai bước mà vẫn không xoay lưng lại, đồng thời cất miếng vải mỏng nói:

- Quà của hoàng hậu gửi tặng hoàng đế.

Đây là chân dung của đứa con trai của Napoléon và của công chúa nước Áo, mà không hiểu tại sao mọi người đều gọi là quốc vương La Mã, bức tranh do Zera vẽ, màu sắc rất sặc sỡ.

- Cậu bé xinh xắn, tóc quăn này, với cái nhìn giống như cái nhìn của Jesus trong bức tranh Đức Bà Xicxtin (2) đang chơi biboke(3). Quả cầu biểu trưng trái đất, và cái gậy nhỏ cậu bé cầm ở tay bên kia biểu trưng cây quyền trượng.

Mặc dầu người ta không hiểu thật rõ nhà hội hoạ muốn thể hiện cái gì đây khi ông ta vẽ cậu bé gọi là quốc vương La Mã cầm một cái gậy thọc qua quả địa cầu, nhưng đối với Napoléon cũng như đối với tất cả những người đã xem bức tranh này ở Paris thì lối biểu trưng này lại rất rễ hiểu và thú vị.
       
Quốc vương La Mã - Napoléon nói, tay làm một cử chỉ đẹp mắt trỏ vào bức tranh. - Đẹp quá!
Với cái khả năng đặc biệt của người Ý là có thể thay đổi vẻ mặt theo ý muốn, Napoléon đến trước bức tranh, làm ra vẻ trầm ngâm và cảm động. Ông ta cảm thấy những điều ông ta đang nói và làm trong lúc này là những sự kiện lịch sử! Ông cám thấy rằng việc thích hợp nhất hiện nay ông ta có thể làm là phải biểu lộ một tình cảm yêu thương hết sức giản dị của một người cha để làm nổi bật sự vĩ đại của mình đã cho phép đứa con trai lấy quả địa cầu làm đồ chơi… Mắt ông mờ dịu đi, ông tiến lên một bước, liếc nhìn một chiếc ghế (người ta lập tức đẩy chiếc ghế đến) rồi ông ngồi xuống trước bức chân dung. Đoạn ông khoát tay một cái, và mọi người rón rén lui ra để cho bậc vĩ nhân ngồi một mình với những cảm nghĩ riêng tư của mình.

Sau khi đã ngồi một lát và lấy tay sờ lên những chỗ sơn nổi xù xì trên bức tranh (bản thân ông cũng không biết sờ như thế để làm gì), ông đứng dậy rồi gọi De Boxe và viên sĩ quan trực nhật vào.

Ông ra lệnh đưa bức tranh ra đặt trước trướng để cho đội cận vệ lão thành lúc bấy giờ đang đứng cạnh đấy, được hưởng cái diễm phúc nhìn thấy quốc vương La Mã, con trai và người thừa kế của hoàng đế mà họ tôn sùng.

- Hoàng đế vạn tuế! Quốc vương La Mã vạn tuế! Hoàng đế vạn tuế! - Những tiếng reo hò say sưa vang lên.

Sau bữa ăn sáng, trước mặt De Boxe, Napoléon ứng khẩu đọc cho thư ký viết bản nhật lệnh gửi quân đội.

- Ngắn gọn mà cương quyết - Napoléon nói khi đọc lại bản nhật lệnh đã viết một hơi không sửa một chữ. Bản nhật lệnh ấy như sau:

"Hỡi các chiến sĩ. Đây là trận chiến đấu mà các người mong mỏi bấy lâu. Chiến thắng tuỳ thuộc vào các ngươi. Nó cần thiết cho chúng ta; nó sẽ đem lại cho chúng ta tất cả những gì mà chúng ta cần, những nơi trú quân ấm áp, và chúng ta mau chóng được trở về tổ quốc. Các ngươi hãy hành động như đã hành động ở Austerlix, Fridland, Vitebxk và Smolensk. Phải làm cho hậu thế muôn đời về sAusterlix hãnh diện nhắc lại những thắng lợi của các ngươi trong ngày hôm nay. Phải làm sao cho người ta nói về mỗi người đã tham gia trận chiến đấu vĩ đại dưới chân thành Moskva!"

- Dưới chân thành Moskva! - Napoléon nhắc lại, đoạn mời De Boxo, con người thích du lịch, cùng đi dạo chơi với ông và bước ra khỏi trướng đến cạnh mấy con ngựa đã đóng yên.

- Bệ hạ quá thương kẻ hạ thần! - De Boxo nói khi được hoàng đế mời đi theo: ông ta muốn ngủ, ông ta lại không biết cưỡi ngựa.
   
Nhưng Napoléon đã gật đầu với nhà du lịch và Boxe đành phải đi theo. Khi Napoléon ra khỏi trướng, những tiếng reo hò của toán lính cận vệ trước bức chân dung của hoàng tử nhiệt liệt. Napoléon cau mày nói:

- Cất bức tranh đi - và với một cử chỉ duyên dáng, đẹp mắt, ông chỉ vào bức chân dung - nó còn ít tuổi quá, chưa nên thấy cảnh chiến trường.
     
Boxe nhắm mắt, cúi đầu và thở ra một tiếng rõ dài chứng tỏ rằng mình biết đánh giá và thấu hiểu những lời nói của hoàng đế.

============================================================

Chú thích:

(1) Đây nói đến việc quân Pháp bị Wellington đánh bại ở Tây Ban Nha ngày 20-7-1812.

(2)Tranh của Raphael vẽ cho nhà thờ Xicxtin. (La Mã)

(3) biboke (trò chơi): người chơi cắm một cái gậy nhỏ cố đâm xuyên qua một quả cầu bằng gỗ có khoan lỗ thả từ trên rơi xuống.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #495 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:12:50 pm »

Phần X
Chương - 26
   
Suốt ngày hai mươi lăm tháng Tám hôm ấy, theo lời các sử gia của Napoléon, ông ta cưỡi ngựa đi quan sát trận địa, thảo luận về những kế hoạch do các thống chế đệ trình và thân hành ra mệnh lệnh cho các tướng.
   
Chiến tuyến đầu tiên của quân đội Nga chạy dọc theo con sông Kolotsa đã bị phá vỡ, và một bộ phận của chiến tuyến này, tức là cánh trái, bị kéo lui về phíá sau vì cứ điểm Sevardino đã bị chiếm ngày hai mươi lăm tháng tám. Bộ phận này của chiến tuyến không có công sự, không được con sông yểm hộ, trước mặt nó chỉ có một khoảng đất trống và bằng phẳng. Một điều hiển nhiên đối với mọi người bất luận có là quân nhân hay không, là thế nào quân Pháp cũng phải tấn công vào bộ phận này của chiến tuyến. Hình như không cần phải suy nghĩ nhiều mới hiểu được điều này, không cần hoàng đế và các vị thống chế phải lo lắng, phải đi về nhiều như vậy và càng không cần phải có một bản lĩnh đặc biệt cao cường mà người ta gọi là thiên tài, như thiên hạ thường gán cho Napoléon nhưng các sử gia về sau kể lại biến cố này, những người lúc bấy giờ ở xung quanh Napoléon và bản thân ông ta, thì lại nghĩ khác.
   
Napoléon cưỡi ngựa đi trên trận địa đưa mắt nhìn lại địa, hình, trầm ngâm suy nghĩ, gật đầu tỏ ý tán thành hay ngờ vực, không nói cho các tướng biết quá trình suy nghĩ sâu sắc đã chỉ đạo những quyết định của ông, mà chỉ đưa ra những kết luận cuối cùng dưới hình thức những mệnh lệnh. Sau khi nghe Davu bây giờ là quận công Ekmuyn, bàn là cần phải bao vây cánh trái quân Nga, Napoléon bảo không nên làm như vậy, nhưng cũng không cắt nghĩa tại sao lại không nên như vậy khi nghe tướng công Compăng (ông ta có nhiệm vụ tấn công vào các công sự hình mũi tên) đề nghị cho sư đoàn của mình đi xuyên qua rừng, Napoléon tán thành, mặc dù thống chế Ney, bây giờ gọi là quận công Elkhingen, đã dám có ý kiến rằng cuộc hành quân qua rừng có thể nguy htểm và làm cho sư đoàn bị tan rã.
   
Sau khi đã quan sát trận địa trước mặt cứ điểm Sevardino, Napoléon im lặng suy nghĩ một lát rồi chỉ những nơi mà ngày mai cần phải đặt hai đội pháo bắn vào các công sự và những nơi cần phải bố trí đã pháo ở bên cạnh. Sau khi ra những mệnh lệnh này và thêm mấy mệnh lệnh khác nữa, ông quay trở về doanh trường và đọc cho sĩ quan hành dinh viết bản kế hoạch tác chiến.

Bản kế hoạch đã được các sử gia Pháp nói đến một cách hân hoan và những sử gia khác nói đến với một lòng sùng kính sâu sắc ấy như sau:
   
"Từ tảng sáng, hai đội pháo mới đã được bố trí từ lúc ban đêm trên cánh đồng do công tước Ekmuyl chiếm giữ sẽ bắt đầu nã súng vào hai đội pháo đối diện của quân địch.
     
Đồng thời, tướng Pernetly chỉ huy pháo binh của quân đoàn thứ nhất với ba mươi khẩu pháo của sư đoàn Compăng và tất cả những khẩu lựu pháo của sư đoàn Dexer và Friăng sẽ tiến về phía trước và nã tạc đạn vào pháo của địch.

Như thế quân địch sẽ phải chống lại với:

Hai mươi bốn khẩu của đội pháo binh cận vệ.

Ba mươi khẩu của sư đoàn Compăng

Tám khẩu của các sư đoàn Friăng và Dexxe.

Tổng cộng sáu mươi hai khẩu.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #496 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:14:31 pm »

Tướng Fuse tư lệnh pháo binh của quân đoàn thứ ba sẽ bố trí tất cả những khẩu lựu pháo của quân đoàn thứ ba và thứ tư, cả thảy có mười sáu khẩu xung quanh đội pháo nhằm đánh vào đồn luỹ bên trái, như thế là tổng cộng có bốn mươi khẩu pháo bắn vào trận địa pháo này.

Tướng Xobie cần phải sẵn sàng hễ khi có lệnh là chuyển ngay tất cả những khẩu lựu pháo của đội pháo binh cận vệ công kích vào cứ điểm này hay cứ điểm khác của địch.

Trong khi pháo kích, công tước Ponyatovxki sẽ tiến về phía làng, xuyên qua rừng vây bọc trận địa của địch.
Tướng Compăng sẽ đem quân ra rừng để chiếm lấy công sự đầu tiên. Trong khi khởi chiến theo cách thức nói trên, sẽ căn cứ vào những hành động của quân địch để ra mệnh lệnh.

Pháo ở sườn trái sẽ khai hoả khi nghe tiếng pháo nã vào cánh phải. Sư đoàn xạ thủ của Morăng và sư đoàn của phó vương sẽ khai hoả dữ dội khi thấy cuộc tấn công vào cánh phải đã bắt đầu.

Phó vương sẽ chiếm làng và vượt qua sông, qua ba cái cầu, đến một cao điểm cùng với các sư đoàn của Morăng và Zerar, dưới quyền chỉ huy của phó vương những sư đoàn này sẽ tấn công vào hoả điểm biệt lập của địch và làm thành một tuyến với những đạo quân khác của toàn quân.

Tất cả những điều này cần phải được thực hiện một cách có trật tự có quy củ trong khi vẫn hết sức duy trì quân dự bị.
     
Viết tại doanh trướng của hoàng đế.
 
Mozaisk ngày mồng sáu tháng chín năm 1812".

Bản kế hoạch tác chiến viết một cách mập mờ và rắc rối - nếu chúng ta được phép phát biểu về những mệnh lệnh của Napoléon mà không có cái tâm lý sợ hãi đầy tính chất tôn giáo đối với thiên tài của ông ta. Nó gồm bốn điểm, bốn điều khoản, nhưng không có điều khoản nào có thể thực hiện và thực hiện được.
Trong bản kế hoạch tác chiến trước hết có nói rằng: Những đội pháo bố trí ở những điểm do Napoléon chỉ định cùng với những khẩu pháo của Perrtt và Fuse có nhiệm vụ bố trí bên cạnh nó, thành một hàng, tất cả là một trăm linh hai khẩu, phải khai hoả và nã tạc đạn vào các công sự hình mũi tên và các hoả điểm biệt lập hình ngũ giác của Nga. Điều đó không thực hiện được bởi vì từ những địa điểm do Napoléon chỉ định tạc đạn không bắn tới những công sự Nga được và một trăm linh hai khẩu này sẽ bắn vu vơ cho đến khi một viên chỉ huy cấp dưới, trái với lệnh của Napoléon sẽ ra lệnh đưa nó về phía trước.
     
Điều khoản thứ hai là: Ponyatovxki sẽ xuyên qua rừng tiến về phía làng để bao vây cánh trái của quân Nga. Mệnh lệnh này không thể thực hiện và cũng không hề được thực hiện, bởi vì khi Ponyatovxki đi qua rừng, bao vây làng thì gặp phải Tutskov chặn đường nên không thể vây bọc, và thực tế đã không vây bọc trận địa quân Nga.
     
Điều khoản thứ ba là: Tướng Compăng sẽ liên vào rừng để chiếm lĩnh công sự đầu tiên. Sư đoàn của Compăng không chiếm được công sự đầu tiên, trái lại đã bị đánh lùi, bởi vì khi ra khỏi rừng nó phải đứng lại trước làn đạn ria của quân Nga, điều mà Napoléon không đoán trước được.
     
Điều khoản thứ tư là: Phó vương sẽ chiếm lấy làng (Borodino) và vượt qua ba cái cầu để qua sông rồi lên cao điểm cùng với hai sư đoàn của Morăng là Friăng (đây không thấy nói gì về khoản hai sư đoàn này tiến về phía nào và lúc nào Những sư đoàn này dưới quvền chỉ huy của phó vương sẽ tấn công vào hoả điểm biệt lập và lập thành một tuyến với các đạo quân khác.

Như người ta có thể hiểu nếu căn cứ vào những cố gắng phó vương để thực hiện những mệnh lệnh được giao phó, chứ không phải căn cứ vào câu văn dài dòng vô nghĩa ở trong văn bản, thì ông ta có nhiệm vụ tiến quân qua Borodino đánh vào phía trái cứ điểm biệt lập trong khi hai sư đoàn của Morăng và Friăng sẽ phải đồng thời tiến đánh vào phía trước mặt. Cũng giống như các điều khoản khác của bản kế hoạch, tất cả những điều trên đây đều không hề được thực hiện mà cũng không thể thực hiện được.
   
Sau khi vượt qua Borodino, phó vương bị đánh bật lại trên sông Kolotsa và không tiến được nữa. Còn hai sư đoàn Morăng và Friăng thì cũng bị đánh lui mà không chiếm được hoả điểm. Trái lại, khi trận đánh kết thức, hoả điểm này lại do kỵ binh chiếm lĩnh, điều này hình như Napoléon không hề dự kiến và không hề có ai ngờ được.

     
Như vậy, trong tất cả các điều khoản không có điều khoản nào được thực hiện. Trong bản kế hoạch tác chiến lại nói rằng sau khi khai hoả sẽ căn cứ vào những hành động của quân địch để ban bố mệnh lệnh, vì vậy người ta có thể tưởng rằng trong lúc chiến đấu tất cả những mệnh lệnh cần thiết đều do Napoléon ban bố, nhưng điều đó không hề xảy ra và không thể xảy ra được, vì trong suốt thời gian chiến đấu Napoléon ở xa chiến trường đến nỗi không thể biết quá trình diễn biến của trận đánh ra sao (điều này sau sẽ thấy rõ) và không có mệnh lệnh nào của ông được thực hiện trong thời gian tác chiến.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #497 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:15:07 pm »

Phần X
Chương - 27

Nhiều sử gia nói rằng quân Pháp không thắng trận Borodino vì Napoléon sổ mũi, chứ giả sử hôm ấy ông ta không bị sổ mũi thì những mệnh lệnh của ông ta trước và trong trận này sẽ còn thiên tài hơn nữa, và nước Nga sẽ diệt vong, và bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi(1). Đối với những sử gia quan niệm rằng nước Nga đã hình thành do ý chí của một cá nhân là Piotr Đại chế, còn nước Pháp từ một nước Cộng hoà đã thành một đế quốc và quân Pháp tiến vào nước Nga đều là do ý chí của cá nhân là Napoléon thì cái lối suy luận cho rằng sở dĩ nước Nga còn hùng cường chỉ vì ngày hai mươi sáu Napoléon bị sổ mũi nặng, đối với hạng sử gia này, lối suy luận như vậy là hoàn toàn nhất quán và tất yếu.

Nếu việc mở hay không mở trận Borodino chỉ phụ thuộc vào ý muốn của ông ta thì dĩ nhiên bệnh sổ mũi có tác dụng đối với sự biểu hiện ý chí của ông ta có thể là nguyên nhân để cứu vãn nước Nga; vậy thì các anh chàng hầu phòng nào đấy đã quên không đưa cho Napoléon đôi ủng không thấm nước chính là vị cứu tinh của nước Nga.
     
Một quá trình lý luận như vậy nhất định phải đưa đến một kết luận như vậy, điều đó không thể nghi ngờ gì được, cũng như không thể ngờ vực cái kết luận của Volter trong khi bông đùa (ông ta cũng không biết mình đùa cợt cái gì) nói rằng vụ tàn sát đêm Barthelomy(2) đã xảy ra là do Charles IX bị đầy bụng. Nhưng đối với những người không thừa nhận rằng nước Nga đã hình thành do ý chí của những cá nhân Piotr đệ nhất, và đế chế Pháp đã hình thành cũng như cuộc chiến tranh với Nga đã xảy ra không phải do ý chí của cá nhân Napoléon, thì lối lý luận này không những sai lạc, phi lý mà còn trái với tất cả bán chất của con người. Đối với vấn đề cái gì làm thành nguyên nhân của các biến cố lịch sử có một cách giải đáp khác, nói rằng sự diễn biến của biến cố trên thế giới là do thiên định, nó lệ thuộc vào sự xuất hiện đồng thời của tất cả những ý chí tự do của những con người tham dự vào những biến cố ấy. ảnh hưởng của Napoléon đối với quá trình diễn biến này chỉ là một ảnh hưởng bề ngoài và hư ảo.
         
Nếu giả thiết rằng vụ tàn sát đêm Barthelomy do Charles IX ra lệnh không phải xảy ra do ý muốn của ông ta, mà chẳng qua là ông tưởng chính mình đã ra lệnh thôi, thì thoạt mới nghe cũng có vẻ kỳ quặc thật, cũng như cho rằng vụ tám vạn người ở Borodino đã xảy ra không phải do ý muốn của Napoléon (mặc dù ông ta đã ra lệnh khai hoả và đã ra nhiều mệnh lệnh khác trong trận đánh) mà chẳng qua là ông ta tưởng mình đã ra lệnh. Nhưng dù giả thiết này có kỳ quặc đến đâu đi nữa, lòng tự trọng của con người cũng mách bảo chúng ta rằng bất kỳ người nào trong chúng ta cũng đều là người như Napoléon đại đế, và nếu không hơn ông ta về tính người thì ít nhất cũng không kém ông ta chút nào về phương diện đó, và do đó, nó bắt buộc chúng ta chấp nhận cách giải quyết vấn đề đó như thế, và không thiếu gì những công trình nghiên cứu lịch sử khăng định giả thiết này.

Trong trận Borodino, Napoléon không bắn một phát súng nào và không giết ai hết. Tất cả những việc bắn giết đều do quân lính của ông ta làm. Thế nghĩa là không phải ông ta đã giết người.

Binh sĩ trong quân đội Pháp biết binh sĩ Nga trong trận Borodino không phải theo mệnh lệnh của Napoléon và theo ý muốn của bản thân họ. Toàn thể đạo quân gồm những người Pháp, người Ý, người Đức, người Ba Lan, đói rách, mệt mỏi vì những cuộc hành quân, đứng trước một đạo quân chặn đường không cho họ vào Moskva, và cảm thấy rằng rượu đã rót ra thì phải uống.

Nếu lúc bấy giờ Napoléon ngăn cản họ không cho họ đánh nhau với quân Nga, thì họ sẽ giết Napoléon để đánh nhau với quân Nga bởi vì họ không thể nào làm khác được.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #498 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:15:51 pm »

Khi họ nghe nhật lệnh của Napoléon hứa hẹn rằng để đền bồi cho những thương tích và cho cái chết của họ, hậu thế sẽ nói họ đã có mặt trong trận địa chiến đấu dưới chân thành Moskva, họ liền hô: "Hoàng đế vạn tuế" cũng hệt như họ đã hô "Hoàng đế vạn tuế" khi nhìn thấy hình ảnh đứa trẻ cầm cái gậy nhỏ xuyên qua quả địa cầu, cũng hệt như họ đã hô "Hoàng đế vạn tuế" khi nghe bất kỳ câu nói vô nghĩa nào mà người ta nói với họ. Họ không còn biết làm gì hơn là hô "hoàng đế vạn tuế" và đi chiến đấu để có được thức ăn và chỗ nghỉ ở Moskva dành cho những người thắng trận. Do đó họ giết đồng loại của họ không phải vì có lệnh của Napoléon.

Mà Napoléon cũng không hề chỉ huy quá trình diễn biến của trận đánh, bởi vì trong tất cả những mệnh lệnh của ông ta, không mệnh lệnh nào được thực hiện, và trong thời gian chiến đấu, ông không hề biết trận đánh diễn ra như thế nào. Thành thử, ngay đến cách những người kia giết lẫn nhau như thế nào cũng không tuỳ thuộc ý muốn của Napoléon, mà tuỳ thuộc ý muốn của hàng chực vạn con người đã tham dự trận chiến đấu. Chẳng qua Napoléon tưởng rằng sự việc đã xảy ra ý muốn của mình. Cho nên, vấn đề Napoléon hôm đó có sổ mũi hay không đối với lịch sử không có gì quan trọng hơn bệnh sổ mũi của người lính mạt hạng trong đội vận tải. Vả chăng các sử gia hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng do bệnh sổ mũi của Napoléon ngày hai mươi sáu, nên trong khi chiến đấu ông ta không đưa ra một kế hoạch tác chiến và những mệnh lệnh có hiệu lực như trước kia.

Kế hoạch tác chiến nói trên không hề thua kém mà còn hay hơn tất cả những kế hoạch trước đã làm cho ông ta thắng trận.

Những mệnh lệnh tưởng tượng đã ban bố lúc chiến đấu cũng không thua kém gì những mệnh lệnh trước kia, nó cũng y như hệt như những mệnh lệnh khác của Napoléon từ trước tới nay. Nhưng kế hoạch tác chiến và những mệnh lệnh này thua kém những trận trước chính vì trận Borodino là trận đầu tiên mà Napoléon không thắng. Tất cả những kế hoạch tác chiến hoàn hảo nhất và sâu sắc nhất bao giờ cũng đều có vẻ sai lầm khi trận đánh không giành được thắng lợi, và bất cứ chuyên gia quân sự nào cũng phê phán nó với một giọng văn quan trọng và đầy ý nghĩa. Trái lại, những kế hoạch kém nhất sẽ đâm ra có vẻ rất hay ho khi người ta đã giành được thắng lợi, và những người rất đứng đắn sẽ viết ra hàng pho sách để chứng minh giá trị của nó.

Kế hoạch tác chiến do Vairother thảo ra ở Austerlix là mẫu mực hoàn hảo của loại này, thế mà người ta vẫn phê phán nó, phê phán chính vì nó hoàn chỉnh, chính vì nó có nhiều chi tiết tỉ mỉ quá.
     
Ở Borodino, Napoléon đã làm nhiệm vụ của người đại diện cho quyền lực một cách cũng đúng đắn và còn khá hơn ở các trận khác.

Ông không làm điều gì có hại đến sự diễn biến của trận đánh.
     
Ông nghe theo những ý kiến hợp nhất. Ông không làm rối công việc không tự mâu thuẫn với mình, không kinh hoàng, không bỏ chiến trường mà chạy và với sự khôn khéo và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn của ông, ông sẽ đóng vai trò của người tổng chỉ huy hư vị một cách điềm nhiên và trang trọng.

===========================================================

Chú thích:

(1) Điển tích lấy trong lịch sử La Mã: Nữ hoàng Ai Cập là Cleopatra đã nhờ sắc đẹp lộng lẫy mà quyến rũ được tướng La Mã Antoniux và do đó đã làm cho ý đồ chinh phạt của La Mã thất bại. Người đời sau có lời bàn mỉa mai rằng "Giả sử cái mũi của Cleopatra dài hơn một chút, bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi". Tolstoy dùng điểm này cho một trường hợp tương tự

(2) Vụ tàn sát hàng loạt những người theo tôn giáo cải cách ("Tin lành") dưới thời Charles IX. Đêm 23 tháng tám 1572 (rạng ngày thánh Barthelomy), nhà vua, theo lời xúi giục của hoàng thái hậu và bọn triều thần công giáo đã ra lệnh giết hết những người Tin Lành, kể cả trẻ sơ sinh.


Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #499 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:16:56 pm »

Phần X
Chương - 28

Sau khi đã quan sát trận chiến lần thứ hai một cách chu đáo Napoléon quay trở về và nói:
- Quân cờ đã bày xong, ngày mai ván cờ sẽ bắt đầu.
     
Ông sai rót rượu Punch, và sau khi gọi De Boxe, ông bắt đầu nói chuyện với y về Paris, về một vài điều thay đổi mà ông định thực hiện ở trong cung của hoàng hậu, ông làm cho viên quản đốc hoàng cung ngạc nhiên về trí nhớ của ông đối với tất cả các chi tiết nhỏ nhặt trong các quan hệ ở cung đình.
     
Ông ân cần hỏi han những điều vụn vặt, giễu cợt cái hứng thú du lịch của De Boxe và nói chuyện một cách thư nhàn như một nhà phẫu thuật trứ danh tự tin, am hiểu công việc của mình khi xắn ống tay áo và khoác tạp dề, trong lúc người ta buộc bệnh nhân vào bàn mổ. "Công việc đã ở trong tay và trong óc của ta rồi, rõ ràng và cụ thể. Khi nào cần phải bắt tay vào làm là ta làm, và không ai làm được như ta, còn bây giờ ta có thể đùa cợt, và ta càng đùa cợt và càng điềm tĩnh bao nhiêu thì các người càng phải tin tưởng, càng phải yên tâm và càng phải kinh ngạc vì thiên tài của ta bấy nhiêu".
     
Sau khi uống cạn cốc rượu Punch thứ hai, Napoléon đi nghỉ để lấy sức mà làm cái công việc quan trọng đang chờ đợi ông ngày mai - ông tưởng thế. - Nhưng ông quá bận tâm đến cái công việc sắp tới ấy nên không sao ngủ được, và mặc dầu khí ẩm ban đêm làm cho chứng sổ mũi nặng thêm, lúc ba giờ đêm ông vừa xì mũi vừa bước vào gian phòng lớn trong doanh trướng. Ông hỏi xem quân Nga đã rút lui hay chưa.
     
Người ta trả lời rằng những đám lửa của quân địch vẫn ở nguyên vị trí cũ. Ông gật đầu tỏ ý hài lòng.
     
Viên sĩ quan trực nhật bước vào trướng. Ông quay về phía Rapp hỏi:

- Này Rapp, ông có cho rằng hôm nay công việc của chúng ta sẽ tốt lành hay không?

- Tâu bệ hạ, chẳng phải nghi ngờ gì nữa!
     
Napoléon đưa mắt nhìn ông ta.

- Tâu bệ hạ, bệ hạ có nhớ ở Smolensk bệ hạ đã có lòng nói với tôi - Rapp nói, - Rượu đã rót ra thì phải uống không ạ?
     
Napoléon cau mày, hai tay ôm lấy đầu, ngồi im lặng hồi lâu.
     
Đột nhiên ông nói:

- Cái đạo quân khốn khổ này đã bị giảm bớt đi nhiều từ trận Smolensk. Vận đỏ thật như một con đĩ, ông Rapp ạ! Xưa nay tôi vẫn nói thế nào và nay tôi bắt đầu nhận thấy thế. Nhưng này, ông Rapp, còn đội cận vệ thì sao, đội cận vệ vẫn nguyên vẹn đấy chứ? - ông ta hỏi.

- Tâu bệ hạ, vâng ạ! - Rapp nói.
     
Napoléon lấy một viên kẹo bạc hà bỏ vào miệng rồi nhìn đồng hồ. Ông ta không muốn ngủ, mặc dù còn lâu nữa mới sáng, còn để giết thì giờ thì hiện nay chẳng có việc gì làm: tất cả các mệnh lệnh đều đã được ban bố và đang được thi hành.

- Đã phát bánh mì khô là gạo cho các trung đoàn cận vệ chưa? - Napoléon hỏi, giọng nghiêm khắc.

- Tâu bệ hạ, đã ạ!

- Nhưng còn gạo?
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM