Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:08:17 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273387 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #510 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 02:10:21 pm »

Phần X
Chương - 33

Các tướng soái của Napoléon - Davu, Ney và Mura đang đứng gần hoả tuyến và đôi khi cũng đi vào hoả tuyến, - đã mấy lần đưa vào vòng lửa đạn này những đoàn quân đông đúc và hàng ngũ chỉnh tề. Nhưng trái hẳn với điều xưa nay vẫn xảy ra trong những trận chiến đấu trước đây, họ không nghe tin quân địch bỏ chạy; những đoàn quân chỉnh tề kia lại từ nơi ấy quay trở về biến thành những đám người rối loạn, hốt hoảng. Họ lại chỉnh đốn quân ngũ, nhưng số người này ngày càng vợi đi. Đến trưa, Mura phái viên sĩ quan phụ tá của mình đến gặp Napoléon xin tăng viện.

- Xin tăng viện à? - Napoléon nói, và ngạc nhiên mà nghiêm khắc, dường như không hiểu viên sĩ quan phụ tá muốn nói gì, và đưa mắt nhìn viên sĩ quan măng sữa, xinh trai, có món tóc đen dài và quăn theo kiểu Mura. "Tăng viện à? Napoléon nghĩ thầm - họ còn xin tăng viện khi họ nắm trong tay một nửa quân đội để tấn công vào một cánh quân Nga yếu ớt không có công sự hay sao!".

- Nhà ngươi bảo với quốc vương thành Napoli - Napoléon nói giọng nghiêm khắc - rằng bây giờ chưa đến trưa và ta chưa trông thấy rõ trên bàn cờ của ta. Thôi đi!
   
Viên sĩ quan măng sữa đẹp trai có bộ tóc dài, tay không cất khỏi vành mũ, buông một tiếng thở dài não nuột quay về nơi người ta đang giết nhau.
     
Napoléon đứng dậy gọi Colanhcur và Bertie lại bắt đầu nói chuyện với họ về những việc không liên quan gì đến trận đánh.
     
Giữa những câu chuyện, trong khi Napoléon đã bắt đầu thấy hào hứng thì mắt của Bertie lại hướng về một viên tướng đang cưỡi con ngựa ướt đẫm mồ hôi đang phi đến cùng với đoàn tuỳ tùng. Đó là Belyar. Ông ta xuống ngựa bước nhanh đến trước mặt hoàng đế, cất tiếng nói sang sảng bắt đầu trình bày nhất thiết phải tăng viện. Ông ta lấy danh dự mà thề rằng quân Nga sẽ bị tiêu diệt nếu hoàng đế cho thêm một sư đoàn nữa.
     
Napoléon nhún vai không thèm đáp lấy một câu nào và vẫn tiếp tục đi đi lại lại Belyar bắt đầu nói rất to và rất hăng với những viên tướng của đoàn tuỳ tùng đang đứng quanh ông:

- Ông nóng nảy lắm ông Belyar ạ - Napoléon lại gần viên tướng nói - đang chiến đấu hăng thì dễ sai lắm.
Ông hãy đi xem tình hình nữa rồi lại đây bảo với tôi.
     
Belyar chưa đi xa được bao nhiêu thì ở đầu kia lại có một người khác được phái từ chiến trường về.

- Sao? Có việc gì đấy? - Napoléon nói với cái giọng của một người bực mình vì luôn luôn bị quấy rầy.

- Tâu bệ hạ, công tước… - viên sĩ quan phụ tá mở đầu,

- Xin tăng viện phải không? - Napoléon ngắt lời với một cử chỉ giận giữ.

Viên sĩ quan cúi đầu tỏ ý khẳng định và bắt đầu trình bày; nhưng hoàng đế lại quay mặt đi bước hai bước rồi dừng chân, quay lại gọi Bertie đến.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #511 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 02:11:11 pm »

- Phải đưa quân dự bị ra - Napoléon nói, hai tay hơi đang ra - Theo ông thì nên phái ai đến đây?

Ông hỏi Bertie, con ngỗng con mà ta đã biến thành phượng hoàng như sau này ông gọi Bertie.

- Tâu bệ hạ, phái sư đoàn Capared, - Bernie nói; ông vốn nhớ thuộc lòng tất cả các sư đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn.
   
Napoléon gật đầu tán thành. Viên sĩ quan phụ tá phi ngựa đến sư đoàn Clapared. Và vài phút sau, đoàn quân cận vệ trẻ tuổi đứng sau đổi rời khỏi vị trí. Napoléon im lặng nhìn về hướng ấy.

- Không được - Ông ta bỗng nói với Bertie - Ta không thể phái Capared được. Hãy phái sư đoàn Friăng.
   
Mặc đù không có lấy một lý do nào khiến cho ông ta chọn sư đoàn Friăng thay sư đoàn Capared, và lúc bấy giờ bảo Capared dừng lại và phái Friăng đi thì hiển nhiên là bất tiện và tốn thì giờ, nhưng mệnh lệnh thì vẫn phải được thi hành một cách nghiêm túc.
     
Napoléon không thấy rằng đối với những đạo quân của mình, ông đóng vai trò một vị bác sĩ mà những phương thuốc chỉ làm cho bệnh thêm nặng, một vai trò mà ông hiểu rõ và biết phê phán một cách đúng đắn ở người khác. Sư đoàn Friăng cũng như những sư đoàn khác đã đi khuất vào trong đám khói của bãi chiến trường. Từ nhiều nơi khác nhau, các sĩ quan phụ tá vẫn tiếp tục chạy đến, và dường như họ đã thông đồng với nhau từ trước, ai nấy đều chỉ nói có một chuyện. Họ đều yêu cầu tăng viện, nói rằng quân Nga vẫn giữ vững trận địa và một hoả lực khủng khiếp đang làm cho quân Pháp tan rã.
     
Napoléon ngồi tư lự trên ghế xếp.
     
Ông De Boxe, con người thích du lịch, nhịn đói từ sáng đến giờ, lại gần hoàng đế và đánh bạo kính cẩn đề nghị bệ hạ dùng bữa sáng.

- Tôi hy vọng rằng ngay từ bây giờ tôi đã có thể có lời mừng bệ hạ thắng lợi - Ông ta nói.

Napoléon im lặng lắc đầu. Ông De Boxe cho rằng cái lắc đầu này có liên quan đến thắng lợi chứ không phải đến bữa ăn sáng, bèn đánh bạo dùng giọng vừa tươi tỉnh vừa kính cẩn lưu ý hoàng đế rằng trên đời không có gì có thể ngăn cản người ta ăn sáng khi có thể ăn được.

- Thôi ông… - Napoléon gật đầu, rồi quay mặt đi. Một nụ cười nghệch tỏ vẻ hối tiếc, ân hận và phấn chấn hiện lên gương mặt De Boxe và ông bước rón rén lẻn ra chỗ các tướng khác đứng.

Napoléon có một cảm giác bực dọc như một người đánh bạc may mắn xưa nay vẫn quen vung tiền vong mạng, nhưng chưa bao giờ cũng được, thế rồi đột nhiên, chính khi anh ta đã trù tính tất cả những trường hợp may rủi của canh bạc, thì lại cảm thấy mình càng suy nghĩ về nước đi lại càng thua một cách chắc chắn.

Các đạo quân vẫn là những đạo quân ngày trước, các vị tướng vẫn là các vị tướng ấy, cách chuẩn bị mệnh lệnh tác chiến vẫn thế, cũng vẫn lời tuyên cáo ngắn gọn và cương quyết ấy, và bản thân ông cũng chẳng khác gì trước. Ông thừa biết điều đó, hơn nữa ông còn biết rằng ngày nay ông còn giàu kinh nghiệm và khôn ngoan hơn trước, trái lại quân địch thì vẫn là quân địch ngày xưa ở Austerlix và Fridland.  Nhưng nay có một mã lực gì khiến cánh tay đáng sợ của ông buông thõng xuống một cách bất lực.

Cũng vẫn những biện pháp xưa kia bao giờ cũng làm cho ông giành được thắng lợi. Cũng vấn tập trung hoả lực pháo binh vào một điểm duy nhất, cũng dùng quân đội hậu bị tấn công để chọc thủng trận tuyến, dùng đoàn kỵ binh của những con người sắt để xung phong, tất cả những biện pháp này đã dùng hết rồi, mà vẫn không thu được thắng lợi; đã thấy đâu đâu cũng chỉ thấy dồn dập đưa tới những tin tức như nhau: nào là những viên tướng bị thương hay bị tử trận, nào là cần tăng viện, nào là quân Nga không chịu núng; nào là quân ta hỗn loạn.
   
Trước đây chỉ cần ra vài lệnh, nói dăm ba câu, thế là thấy các thống chế và các sĩ quan phụ tá mặt mày hớn hở phi ngựa về chúc mừng thắng trận, tấu trình danh sách chiến lợi phẩm: nào là những lữ đoàn địch bị bắt làm tù binh, nào là những bó quân kỳ và quốc huy phượng hoàng của địch, nào là những khẩu pháo, những xe vận tải - và Mura chỉ còn việc xin phép cho kỵ binh xuống ra vét gọn các đoàn vận tải ở Lodi, ở Marengo, ở Arcole, ở Jena, ở Austerlix, ở Vagram vân vân, vân vân, trước đây đều như vậy. Nhưng bây giờ quân đội của ông đã gặp phải một cái gì quái lạ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #512 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 02:11:49 pm »

Mặc dù đã có tin chiếm được các công sự hình mũi tên, Napoléon vẫn thấy đây không phải, hoàn toàn không phải như trong tất cả những trận đánh trước kia của mình. Ông thấy rằng cảm xúc của ông, cũng là cảm xúc của mọi người xung quanh ông, những con người giàu kinh nghiệm chiến đấu. Gương mặt các tướng tá đều rầu rĩ. Mắt họ đều lẩn trốn không muốn nhìn nhau. Chỉ có Boxe mới không hiểu nổi tầm quan trọng của việc đang xảy ra. Còn Napoléon, với kinh nghiệm của một người đã chinh chiến lâu năm, thừa hiểu một trận đánh mà sau tám giờ chiến đấu liên tiếp, sau khi đã nỗ lực đủ cách như vậy mà kẻ tấn công vẫn không giành được thắng lợi, là một trận đánh như thế nào. Ông biết rằng như vậy tức là đã thất trận, và bây giờ chỉ cần một điều ngẫu nhiên hết sức nhỏ nhặt trong cái tình trạng căng thẳng bất phân thắng bại này là đủ làm cho ông tiêu vong.
   
Khi ông hồi tưởng lại tất cả cái chiến dịch Nga quái lạ này, trong đó ông không thắng được lấy một trận, trong đó suốt hai tháng ròng không cướp lấy được một lá cờ, một khẩu pháo, không bắt được một lữ đoàn, khi ông đưa mắt nhìn gương mặt đượm vẻ buồn rầu kín đáo của những người xung quanh, nghe những báo cáo nói rằng quân Nga vẫn giữ vững, một cảm giác ghê sợ trào vào lòng ông ta, giống như cái cảm giác thường cỏ trong một cơn ác mộng, rồi ông chợt nghĩ đến tất cả những trường hợp rủi ro có thể giết chết mình. Quân Nga có thể tấn công vào cánh trái, có thể chọc sâu vào trung tâm quân Pháp một viên đạn lạc có thể giết chết bản thân ông nữa. Tất cả những điều đó có thể xảy ra. Trong những trận đánh trước đây, ông chỉ toàn nghĩ đến những trường hợp may mắn, nhưng bây giờ thì vô số trường hợp rủi ro hiện ra trong óc ông, và ông sẵn sàng đón lấy tất cả. Phải rồi, hệt như trong một giấc mơ: người ta thấy một tên gian phi đánh mình, người ta giơ tay lên tống cho nó một quả thật mạnh, tưởng thế nào nó cũng ngã gục; nhưng bỗng nhiên người ta cảm thấy cánh tay mình rơi phịch xuống, bất lực mềm nhũn như một mảnh giẻ và nỗi kinh hoàng trước cái chết không sao tránh khỏi bao trùm lấy con người bất lực.
   
Tin tức báo rằng quân Nga tấn công vào cánh trái của quân Pháp đã gây nên trong lòng Napoléon một cảm giác kinh hoàng như vậy. Ông ngồi trên cái ghế xếp ở dưới chân gò, im lặng cúi đầu, chống khuỷu tay lên đầu gối, Bertie đến cạnh đề nghị ông đi quan sát trận tuyến để thấy rõ tình hình.

- Cái gì? Ông nói gì? - Napoléon hỏi - Phải, ông bảo đưa ngựa lại cho ta.
     
Ông lên ngựa đến Xemenovxkoye.

Trong đám khói súng đang dần dần tản ra trên khắp khu vực Napoléon đi qua, người và ngựa nằm ngổn ngang trong những vũng máu, chỗ thì rải rác, chỗ thì chất thành từng đống. Napoléon và các tướng chưa bao giờ thấy một cảnh tượng khiếp đảm như vậy, chưa bao giờ thấy nhiều xác chết trong một khu vực nhỏ như vậy.
     
Tiếng pháo gầm không ngớt suốt mười tiếng đồng hồ làm nhức cả tai, khiến cho quang cảnh thêm một ý nghĩa đặc biệt, như âm nhạc trong hoạt cánh.

Napoléon lên đến cao điểm Xemenovxkoye và qua đám khói.
   
Ông nhìn thấy những hàng quân mà mắt ông quen nhìn màu quân phục. Đó là quân Nga.

Quân Nga đứng thành hàng ngũ dày dặc sau làng Xemenovxkoye và sau ngọn đồi. Súng của quân Nga vẫn gầm lên không ngớt và khói bốc lên che kín cả chiến tuyến của họ. Đây không còn một cuộc giao chiến nữa. Đây là một cuộc tàn sát kéo dài không thể đem lại một cái gì cho quân Nga hay cho quân Pháp.
     
Napoléon dừng ngựa và trở về với tâm trạng đăm chiêu mà Bertie vừa kéo ông ra khỏi. Ông không sao ngăn được những việc đang diễn ra trước mắt ông và xung quanh ông, mặc dầu những việc ấy được coi như từ do ông chỉ huy và lệ thuộc vào ông, và lần đầu tiên, vì thất bại, ông đã thấy nó cô ích và khủng khiếp.
     
Một viên tướng cưỡi ngựa đến gần Napoléon, đánh bạo đề nghị ông tung đội cấm vệ lão thành nhập trận. Nghe lời đề nghị ngu xuẩn của viên tướng kia, Ney và Bertie đứng sau Napoléon đưa mắt nhìn nhau, mỉm cười khinh bỉ.
     
Napoléon cúi đầu, im lặng hồi lâu rồi nói:

- Cách xa nước Pháp tám trăm dặm, ta không để cho đạo vệ binh của ta bị huỷ diệt đâu!

Nói đoạn, ông quay ngựa về Sevardino.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #513 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 08:57:19 pm »

Phần X
Chương - 34

Kutuzov, mái đầu bạc phơ cúi thấp xuống, thân hình nặng nề lụ khụ ngồi bệt trên chiếc ghế dài phủ tấm thảm đúng ở nơi mà ban sáng Piotr đã thấy ông ta ngồi. Ông không ra mệnh lệnh gì hết, mà chỉ tán thành hay không tán thành những điều người ta đề nghị với ông.

- Được được cứ làm đi! - Ông đáp lại những lời đề nghị.
   
"Được được anh thử xem xem!" - Ông nói người này hay người kia trong số những người thân cận; hay là "Không, không nên, hãy cứ đợi xem đã" - Ông đáp. Ông lắng nghe người ta báo cáo, ra mệnh lệnh cho những người cấp dưới khi nào họ yêu cầu; nhưng trong khi nghe họ báo cáo tình hình như ông ít quan tâm đến ý nghĩa những lời nói mà chỉ để ý đến một cái gì khác trên vẻ mặt, trong giọng nói của họ.
     
Với vốn kinh nghiệm chiến đấu lâu năm và trí thông minh của người già cả, ông hiểu rằng một con người không thể nào lãnh đạo hàng chục vạn con người khác đang vật lộn với cái chết, ông biết rằng cái quyết định số phận của trận đánh không phải là những mệnh lệnh của vị tổng chỉ huy, không phải là trận địa và cách bố trí quân đội, không phải là số khẩu pháo và số thương vong mà là cái sức mạnh vô hình gọi là tinh thần của quân đội, nên ông theo dõi cái sức mạnh này và hướng dẫn nó trong chừng mực ông có thể làm được.
   
Vẻ mặt của Kutuzov phản ánh một sự chú ý và nỗ lực bình tĩnh tập trung đang chật vật khắc phục sự mệt mỏi của một thể xác già nua và yếu đuối.
   
Lúc mười một giờ trưa, có tin là các công sự hình mũi tên bị quân Pháp chiếm đã lấy lại được, nhưng công tước Bagration đã bị thương. Kutuzov "à!" lên một tiếng và lắc đầu.

- Anh đến gặp công tước Piotr Ivanovich và tìm hiểu cặn kẽ xem tình hình ra sao? - Ông nói với một sĩ quan phụ tá đoạn quay lại nói chuyện với thân vương Vuyrtemberg đang đứng sau lưng.

- Thưa điện hạ, xin ngài nhận chỉ huy quân đoàn thứ hai.

Thân vương vừa đi được một lát chưa đủ thì giờ tới làng Xemenovxkoye thì viên sĩ quan phụ tá của ông đã quay lại báo cáo với điện hạ rằng thân vương yêu cầu tăng viện.

Kutuzov cau mày và phái Dokhturov chỉ huy quân đoàn thứ hai, còn thân vương thì, như ông nói, trong giờ phút nghiêm trọng này, ông không thể thiếu thân vương được và xin mời thân vương trở lại.
     
Khi có người đến báo tin Mura đi đã bị bắt làm tù binh và các sĩ quan tham mưu đến chúc mừng Kutuzov. Ông mỉm cười.

- Khoan đã, các ông ạ - Ông nói - Chúng ta đã thắng trận, thì bắt được Mura cũng chẳng có gì là lạ.
Nhưng tốt hơn là hãy chưa nên mừng vội.

Tuy nhiên ông vẫn sai một viên sĩ quan phụ tá đi qua các đơn vị để báo tin này.

Khi Serbinin từ cánh bên phải phi ngựa đến báo tin rằng quân Pháp đã chiếm được các công sự hình mũi tên và làng Xemenovxkoye, Kutuzov nhìn vẻ mặt của Serbinin và nghe những tiếng động trên chiến trường, đoán biết rằng đã có một việc gì không hay xảy ra. Ông đứng dậy như để duỗi chân cho đỡ chồn, đoạn khoác tay Serbinin, kéo ông ta ra một bên.

- Này anh, anh cứ đi đi - Ông nói với Yermolov - anh hãy thử có làm được gì không?

Kutuzov ở Gorki là trung tâm trận địa của quân đội Nga.  Cuộc tấn công mà Napoléon phát động nhằm đánh vào cánh trái của quân ta đã mấy lần bị đánh bật trở lại. Ở trung tâm, quân Pháp vẫn chưa vượt quá Borodino. Ở cánh trái, đạo kỵ binh của Uvarov đã buộc quân Pháp phải bỏ chạy.

Khoảng hai giờ chiều, quân Pháp ngừng tấn công. Trên gương mặt tất cả những người ở chiến trường về cũng như trên gương mặt những người đứng quanh ông, Kutuzov đều thấy biểu lộ một tinh thần căng thẳng đến cực độ. Kutuzov hài lòng vì thắng lợi ngày hôm ấy vượt quá những điều ông mong ước. Nhưng ông già đã kiệt sức. Đã mấy lần mái đầu ông gục thấp xuống như sắp rụn hẳn: ông ngủ gật.
Người ta dọn bữa cơm trưa mời ông dùng.

Voltxoghen, sĩ quan phụ tá ngự tiền, chính người đã đi qua trước mặt công tước Andrey và nói rằng chiến tranh cần phải được mở rộng trong không gian, con người mà Bagration rất ghét, cưỡi ngựa lại gần Kutuzov trong khi ông ta đang ăn. Voltxoghen, được Barclay phải đến báo cáo về tình hình diễn biến của chiến sự ở cánh trái. Nhìn thấy số người bị thương cuồn cuộn đổ về đạo hậu vệ của quân ta rối loạn, Barclay de Tolly, con người cơ mưu, sau khi cân nhắc tình hình một cách cặn kẽ bèn kết luận rằng trận chiến đấu đã thất bại và phái người thân cận mang tin ấy đến cho vị tổng tư lệnh.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #514 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 08:58:00 pm »

Kutuzov đang khó nhọc nhai được miếng gà quay đưa đôi mắt húp híp, nhưng vui vẻ nhìn Voltxoghen.
     
Voltxoghen uể oải duỗi thẳng đôi chân, trên môi nở một nụ cười khinh khỉnh, đến cạnh Kutuzov và khẽ đưa tay lên chạm vào vành mũ lưỡi trai. Đối với điện hạ, Voltxoghen cố ý tỏ vẻ hơi khinh thường để cho người ta thấy rằng mặc cho bọn người Nga tha hồ sùng bái cái ông già vô dụng này, một quân nhân tài cao học rộng như ông vẫn thừa biết mình đang giao thiệp với một con người như thế nào. "Cái ông bố già kia (bọn người Đức nói với nhau vẫn gọi Kutuzov như vậy) vẫn bình chân như vại - Voltxoghen nghĩ thầm - Ông nghiêm khắc đưa mắt nhìn những đĩa thức ăn ở trước mặt Kutuzov và bắt đầu báo cáo với ông già về tình hình chiến sự ở cánh trái theo như Barclay dãn và theo như bản thân ông nhận thấy và quan niệm.

- Tất cả các cứ điểm của trận địa ta đều lọt vào tay quân địch, và chúng ta không biết lấy gì đánh lui được bởi vì không có quân, binh sĩ thì bỏ chạy, và không tài nào giữ họ lại được. - Ông nói.
     
Kutuzov ngừng nhai, ngạc nhiên dương mắt nhìn chằm chặp vào mặt Voltxoghen tựa hồ không hiểu người ta nói gì với mình.
     
Voltxoghen thấy ông bố già xúc động liền mỉm cười, nói:

- Tôi tự thấy không có quyền che giấu điện hạ những gì tôi đã trông thấy… Quân đội ta hoàn toàn rối loạn…

- Ông trông thấy à? Ông trông thấy à? - Kutuzov cau mày quát lên: đứng phắt dậy và bước đến trước mặt Voltxoghen - Sao… Ông… sao ông dám!… - Kutuzov, bàn tay run rẩy làm những cử chỉ hăm doạ, vừa sặc vừa quát. Thưa ông… sao ông dám nói như vậy với tôi? Ông không biết gì hết. Ông hãy nói hộ với tướng Barclay rằng những tin tức của ông ta đều sai lạc, và tôi, tổng tư lệnh, tôi biết rõ tiến trình thực sự của trận đánh hơn ông.
   
Voltxoghen toan bác lại thì bị Kutuzov ngắt lời ngay:

- Quân địch đã bị đánh lui ở cánh trái và bị đánh bại ở cánh phải. Nếu ông không thấy rõ thì thưa ông, ông không được nói liều về những việc mà ông không biết. Ông hãy làm ơn đến gặp tướng Barclay và truyền đạt cho ông ta biết ý định nhất quyết của tôi là đến mai sẽ tấn công quân địch - Kutuzov nói, giọng nghiêm khắc.
     
Mọi người đều im lặng, và người ta chỉ nghe hơi thở hổn hển của vị tướng già.

- Đâu đâu chúng cũng bị đánh lui, và tôi xin cảm tạ Thượng đế và đạo quân anh dũng của chúng ta. Quân địch đã bại trận, và ngày mai chúng ta sẽ đuổi cổ chúng ta khỏi lãnh thổ thiêng liêng của nước Nga - Kutuzov vừa nói vừa làm dấu thánh giá rồi đột nhiên nấc lên một tiếng nước mắt rưng rưng.
     
Voltxoghen nhún vai và mím môi im lặng bước ra, kinh ngạc về sự cố chấp của cái ông già này.

- A đây, vị anh hùng của tôi đây rồi - Kutuzov chỉ một viên tướng người đẫy đà, tuấn tú, tóc đen, bấy giờ đang bước lên ngọn đồi. Đó là Raievxki, con người đã đứng suốt ngày ở điểm chính của chiến trường Borodino.
   
Raievxki báo cáo rằng quân ta vẫn giữ vững vị trí, quân Pháp không dám tấn công nữa.
Nghe xong, Kutuzov nói với ông ta bằng tiếng Pháp:

- Vậy ông không nghĩ như những người khác rằng chúng ta bắt buộc phải rút lui à?

- Thưa điện hạ, trái lại, trong khi thắng bại chưa rõ thì kẻ nào bền gan hơn bao giờ cũng thẳng - Raievxki nói - và theo ý tôi…

- Kaixarov, - Kutuzov gọi viên sĩ quan phụ tá của mình - Anh ngồi đây viết nhật lệnh cho ngày mai. Còn anh - Ông nói vớí một người khác - anh hãy đi khắp các hàng quân tuyên bố rằng ngày mai chúng ta sẽ tấn công.
     
Trong khi Kutuzov đang nói chuyện với Raievxki và đọc nhật lệnh thì Voltxoghen một lần nữa được Barclay de Tolly phái đến, báo cáo rằng tướng Barclay de Tolly muốn có văn bản xác nhận mệnh lệnh vị nguyên soái vừa ban bố.

Kutuzov, không buồn nhìn Voltxoghen, sai viết bản mệnh lệnh mà viên cựu tổng tư lệnh đòi hỏi một cách rất có lý để tránh trách nhiệm.
     
Và do một mối liên hệ vô hình, thần bí li kỳ trong khắp quân đội sợi dây thần kinh chủ yếu của chiến tranh, những lời nói của Kutuzov và bản nhật lệnh báo ngày mai sẽ tấn công đã được truyền đến khắp các đơn vị trong cùng một lúc.
     
Cái được truyền đến những mắt xích cuối cùng của sợi dây này hoàn toàn không phải là những lời cuả Kutuzov, cũng không phải là bản nhật lệnh. Thậm chí trong những câu chuyện người ta truyền cho nhau từ đầu đến cuối quân đội, cũng không có lời nào giống như lời Kutuzov đã nói; những ý nghĩ của những lời nói này đã được truyền đi khắp nơi, bởi vì điều Kutuzov nói không phải xuất phát từ những sự cân nhắc tính toán phức tạp, mà xuất phát từ cái tình cảm vốn có trong lòng của vị Tổng tư lệnh cũng như trong lòng mỗi người Nga.
     
Và sau khi được tin là ngày mai quân ta sẽ tấn công địch, và biết rằng bộ chỉ huy tối cao của quân đội đã khẳng định điều họ mong ước, những con người mệt mỏi, dao động liền bình tâm trở lại là phấn chấn hẳn lên.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #515 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 08:58:38 pm »

Phần X
Chương - 35
     
Trung đoàn của công tước Andrey thuộc đạo quân hậu bị, mãi đến hai giờ chiều vẫn đứng sau làng Xemenovxkoye dưới hoả lực gay gắt của pháo địch, và không làm gì cả. Đến hai giờ chiều, sau khi đã thương vong mất hơn trăm người, trung đoàn được đưa lên phía trước, đến một cánh đồng yến mạch bị xéo nát, khoảng giữa Xemenovxkoye và trận địa pháo trên ngọn đồi, nơi mà ngày hôm ấy có hàng ngàn người bị tàn sát và đến một giờ trưa thì bị mấy trăm khẩu pháo của địch tập trung hoả lực nã vào dữ dội.
Không rời khỏi vị trí này mà cũng không bắn một viên đạn, ở đây trung đoàn đã mất thêm một phần ba quân số nữa. Ở phía trước và nhất là ở phía bên phải, các khẩu pháo gầm lên trong lớp khói dày đặc, và từ cái vòng đai khói lửa huyền bí kia, che kín tất cả khoảng đất phía trước, bay vút ra những quả pháo đạn với tiếng rít khét lẹt và những quả tạc đạn với tiếng huýt kéo dài tiếp theo nhau không ngớt. Đôi khi trong khoảng mười lăm phút yên lặng như để cho mọi người nghỉ ngơi, tạc đạn vào pháo đạn đều bay vượt qua đầu trái lại đôi khi chỉ trong một phút đã có mấy người bị đạn gục xuống, và người ta luôn luôn phải khiêng những người bị thương và những xác chết đi.
   
Cứ thêm một quả tạc đạn rơi xuống thì những người chưa chết lại càng ít hy vọng sống sót. Trung đoàn dàn thành những tiểu đoàn cách nhau chỉ ba trăm thước, tuy vậy binh sĩ trong trung đoàn đều có một tâm trạng giống nhau. Ai nấy đều im lặng và trầm ngâm như nhau.
     
Nếu thỉnh thoảng trong hàng quân cũng có tiếng nói chuyện, thì tiếng nói chuyện này lại im bặt mỗi khi có tiếng tạc đạn rơi xuống và có tiếng kêu: "Cáng đâu!" phần lớn thời gian theo lệnh của trung đoàn trưởng, binh sĩ ngồi xuống đất. Có người lấy mũ sa-cô cẩn thận tháo lớp da lót rồi lại cẩn thận lắp lại. Có người lấy đất sét khô bóp vụn ra thành bột để chùi lưỡi lê: có người ngồi uốn quai súng cho nhuyễn và cài các dây nịt lại. Có người tẩn mẩn tháo những cuộn vải quấn chân. Cuốn lại cách khác rồi lại đi giày vào. Một vài người lấy những viên sỏi ở trên đống xếp thành những cái nhà con con, hay lấy rơm đan thành tấm. Ai nấy đều có vẻ say sưa mê mải với những công việc này.
   
Những khi có người chết và bị thương, khi đoàn người khiêng cáng kéo đến, khi quân ta lùi, hoặc khi qua lớp khói thấy lô nhô những đám quân địch đông nghịt, thì không ai chú ý đến. Trái lại, khi pháo binh hay kỵ binh ta chuyển lên phía trước, hoặc bộ binh ta dàn trận, thì khắp nơi có những lời trầm trồ tán thưởng. Nhưng được họ chú ý nhiều nhất vẫn là những sự việc hoàn toàn xa lạ, không liên quan gì đến việc chiến đấu, dường như sức chú ý của những người đã quá mệt mỏi về tinh thần này tìm chỗ nghỉ ngơi trong những sự việc thông thường của cuộc sống hàng ngày. Một đội pháo binh tiến qua trước mặt trung đoàn Một con ngựa kéo chiếc xe chở đạn vướng chân vào dây thắng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #516 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 08:59:25 pm »

"Kìa! Xem con ngựa lê! Sửa lại đi chứ! Nó ngã mất… Hừ, họ không trông thấy!…" - khắp các hàng ngũ trong trung đoàn đều có những tiếng kêu lên như vậy. Một lần khác, mọi người chú ý đến một con chó nhỏ màu nâu nhạt có cái đuôi vênh cao lên, không hiểu từ xó xỉnh nào ra lại chạy trước hàng quân có vẻ lo âu như thế. Đột nhiên, một quả tạc đạn rơi bên cạnh, nó kêu oăng oẳng, cúp đuôi chạy vụt sang một bên.
     
Khắp trung đoàn vang lên những tiếng cười reo ầm ĩ. Nhưng những dịp giải trí như vậy chỉ kéo dài vài phút trong khi họ đang ngồi đợi hơn tám tiếng đồng hồ, không ăn và không có việc gì làm, dưới sự đe doạ thường xuyên của cái chết, và những gương mặt tái xanh và cau có ngày tái đi và cau lại.
     
Công tước Andrey, mặt cũng tái xanh và cau có như tất cả những người khác trong trung đoàn, đi đi lại lại trên bãi cỏ cạnh một cánh đồng yến mạch. Chàng đi từ bờ này sang bờ kia, tay chắp sau lưng, đầu cúi xuống. Chàng không có vệc gì làm và không có mệnh lệnh gì phải ban bố. Mọi việc cứ tự động tiến hành. Các thương binh được đưa ra phía sau, các xác chết được khiêng đi và các hàng ngũ lại xiết chặt lại. Nếu có những người lính bỏ chạy, thì sau đó họ lại vội vã quay về ngay. Lúc đầu, công tước Andrey, cho rằng nhiệm vụ của mình là cổ vũ lòng can đảm của binh sĩ và nêu gương cho họ, nên cứ đi đi lại lại giữa hàng quân. Nhưng rồi chẳng thấy rõ là không có cái gì phải dạy mà cũng không có cách gì dạy cho họ. Tất cả sức mạnh tinh thần của chàng cũng như của mỗi người lính đều bất giác tập trung lại để làm sao không nghĩ đến cái tình cảnh khủng khiếp của họ lúc này. Chàng đi trên bãi cỏ, kéo lê đôi chân, chà lên cỏ và ngắm nghía lớp bụi phủ trên đôi ủng của chàng. Đôi khi chàng bước những bước dài, cố gắng bước đúng vào các dấu chân do những người cắt cỏ để lại trên bãi, đôi khi chàng đếm những bước chân của mình, tính xem đi từ bờ ruộng này đến bờ ruộng kia bao nhiêu lần thì được một dặm Nga, có khi chàng lại bứt những bông hoa nở trên bờ ruộng, bóp nát trong lòng bàn tay và hít mùi thơm hăng hắc của nó.
   
Cả cái quá trình suy nghĩ lao lung của chàng hôm qua không còn để lại dấu vết gì nữa. Chàng không nghĩ cái gì hết. Chàng uể oải để tai nghe tất cả những tiếng động kia cứ mãi mãi một điệu đều không hề thay đổi, phân biệt tiếng đạn gầm gừ bắn ra và tiếng đạn rít lên lúc đến gần, nhìn những gương mặt quen thuộc của những binh sĩ ở tiểu đoàn một và chờ đợi. "Đấy là một quả nữa về phía chúng ta!" - Chàng nghĩ thầm, lắng tai nghe tiếng rít mỗi lúc một gần của cái vật gì bay ra từ khu vực phủ khói: "Một, hai,… Lại một quả nữa! Trúng rồi!…". Chàng dừng lại đưa mắt nhìn các hàng quân. "Không, đạn đã bay qua. Nhưng quả này thì nhằm đúng vào chúng ta rồi!" và chàng lại tiếp tục bước, có gắng bước cho thật dài để có thể đến bờ ruộng bên kia trong mười sáu bước.
     
Đột nhiên, nghe vèo một tiếng. Cách chừng năm bước, một quả pháo đạn cày lớp đất khô lên và mắt hút dưới mặt đất. Chàng bất giác thấy lạnh cả xương sống. Chàng đưa mắt nhìn đội ngũ. Chắc hẳn có nhiều người trúng đạn; một đám khói lớn đã bốc lên ở tiểu đoàn hai.

- Ông sĩ quan phụ tá! - Chàng quát lên - Bảo họ không được đứng lại một chỗ! - Viên sĩ quan phụ tá thi hành mệnh lệnh xong bước đến cạnh công tước Andrey. Từ phía bên kia, một viên tiểu đoàn trưởng cưỡi ngựa tới.

- Coi chừng! - có tiếng kêu kinh hãi của một số binh sĩ, và giống như một con chim nhỏ hót lên trong khi sà nhanh cái gì xuống đất, một quả tạc đạn rơi cách công tước Andrey hai bước, nghe đánh phịch một tiếng khe khẽ cạnh con ngựa của viên tiểu đoàn trưởng. Con ngựa, không tự hỏi xem tỏ ra sợ hãi là tốt hay là xấu hí lên một tiếng, lồng lên làm viên tiểu đoàn trưởng suýt ngã xuống và hảy vụt sang một bên. Nỗi khiếp sợ của con ngựa truyền sang mọi người.

- Nằm xuống! - Bên sĩ quan phụ tá vừa nằm rạp xuống đất vừa thét lên.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #517 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 09:00:05 pm »

Công tước Andrey vẫn đứng yên vẻ lưỡng lự. Quả tạc đạn như một con quay vừa bốc khói vừa quay tít ở khoảng giữa chàng và viên sĩ quan phụ tá đang nằm rạp ở chỗ bờ ruộng tiếp giáp với bãi cỏ cạnh một bụi ngải.

"Cái chết đấy ư?" - Công tước Andrey nghĩ thầm, đưa mắt ngắm nhìn những ngọn cỏ, bụi ngải và những tia khói phụt ra từ quả tạc đạn đen ngòm đang xoay tít, trong lòng thèm thuồng số phận của những vật ấy - một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ đối với chàng.
     
"Ta không thể nào chết, ta không muốn chết, ta yêu cuộc sống, yêu đám cỏ này, mảnh đất này, bầu không khí này,…". Chàng suy nghĩ, va đồng thời vẫn nhớ rằng quân sĩ đang nhìn mình.

- Thật xấu hổ, ngài sĩ quan ạ - Chàng nói với viên sĩ quan phụ tá- Cái gì…
   
Chàng không kịp nói hết câu. Ngay lúc ấy có tiếng nổ, các mảnh đạn rung lên kêu rè rè như tiếng mảnh kính vỡ, mùi thuốc súng xông lên khét lẹt, và công tước Andrey nhào sang một bên giơ một cánh tay lên trời và ngã sấp xuống đất.

Mấy viên sĩ quan chạy lại. Từ phía bên phải bụng chàng máu chảy xuống đổ thành một vệt lớn.
   
Những người dân quân khiêng cáng được gọi đến đứng lại sau lưng các sĩ quan. Công tước Andrey nằm sấp mặt úp xuống cỏ và thở dốc ra một cách khó nhọc.

- Thế nào? Còn đợi cái gì nữa? Lại đây.
   
Mấy người nông dân chạy lại, nhấc vai và chân chàng lên, nhưng thấy chàng rên rỉ đau đớn, họ lại đưa mắt nhìn nhau và buông ra.

- Khiêng đặt lên cáng đi đằng nào cũng thế thôi. - Có tiếng quát và một lần nữa người ta lại nắm lấy vai chàng và đặt chàng lên cáng.

- Trời ơi! Trơi ơi!… Làm sao? Vào bụng à? Thế thì chết! Trời ơi! - trong đám sĩ quan có tiếng lao xao - nó bay sát qua vai tôi - viên sĩ quan phụ tá nói.
   
Tốp nông dân đặt cáng lên vai, vội vã quay về trạm cứu thương, theo con đường mòn do vết chân của họ
vạch ra.

- Đi cho đều chân!… Ê, bọn kia! - một viên sĩ quan vừa quát vừa nắm lấy vai những người nông dân giữ họ lại, vì bước chân của họ đi không đều làm cho cái cáng cứ xóc lên.

- Cậu bước theo tớ, nghe chưa! Khviodor - Người nông dân đi trước nói.

- Được rồi! Tốt đấy - Người đi sau vui vẻ nói khi bắt đầu bước được đều chân.

- Đại nhân!… Công tước ơi! - Timokhin chạy đến nhìn vào cáng nói, giọng run run.

Công tước Andrey mở mắt ra, đầu chàng lọt sâu xuống lòng cáng; chàng ngước mắt lên nhìn qua thành cáng rồi nhắm lại.
   
Dân quân khiêng công tước Andrey vào trong rừng, nơi để xe tải và đặt trạm cứu thương. Trạm này gồm ba cái lều để ngỏ bón phía dựng cách quãng ở ven một khu rừng bạch dương. Xe vận tải và ngựa đều ở trong khu rừng. Ngựa đang ăn thóc yến mạch để ở trong bị, và mấy con chim sẻ bay đến mỏ những hạt thóc vương vãi. Quạ đánh hơi thấy mùi máu bay liệng trên những ngọn bạch dương, cất tiếng kêu thèm thuồng. Quanh lều, trên một khoản trống hơn hai mẫu, những người mặc nhiều thứ y phục khác nhau nhưng đều vấy máu, đang nằm, ngồi hay đứng. Xung quanh những người bị thương, một tốp lính khiêng cáng chen nhau, vẻ mật đăm chiêu và buồn bã. Các sĩ quan giữ trật tự ra sức đuổi họ đi, nhưng họ không nghe lời các sĩ quan, vẫn đứng dựa vào cáng, mặt nhìn chăm chú vào quang cảnh trước mặt như đang cố tìm hiểu cái ý nghĩa bí hiểm của cảnh tượng này. Từ các lều đưa ra khi thì những tiếng kêu thất thanh tiếng rê rỉ ai oán. Chốc chốc lại có những người y tá chạy ra đi lấy nước và chỉ định những người đến lượt khiêng vào trong lều. Những người bị thương chờ đến lượt ở cạnh lều cứ kêu khóc, rên rỉ, nguyền rủa, xin vodka uống. Một vài người mê sảng. Công tước Andrey với tư cách trung đoàn trưởng được khiêng qua những người bị thương chưa băng bó đến cạnh một trong ba cái lều và mấy người khiêng cáng dừng lại đấy để chờ lệnh. Chàng mở mắt ra và một hồi lâu và không thể hiểu có những việc gì xảy ra quanh mình. Chàng nhớ đến cánh đồng cỏ, cây ngải, cánh đồng yến mạch, quả cầu đen xoay tít và cái giây phút mà tình yêu của chàng đối với cuộc sống bỗng dâng vút lên hư gọi chào. Cách chàng hai bước, một hạ sĩ quan tuấn tú, người cao lớn, tóc đen đang đứng dựa vào một cành cây nói oang oang làm mọi người chú ý. Anh ta bị đạn ở đầu và chân. Xung quanh anh ta có một tốp thương binh và lính khiêng cáng xúm lại háo hức nghe anh ta nói.

- Quân ta xông vào đánh bật chúng nó ra, chúng nó vứt hết, ngay cả vua của chúng cũng bị tóm cổ - người hạ sĩ quan nói oang oang, đưa cặp mắt đen láy nẩy lửa nhìn xung quanh - giá mà quân cứu viện đến kịp thì, các cậu ạ, chúng chẳng còn thằng nào sống sót đâu tớ nói thực đấy…
     
Cũng như tất cả những người đứng chung quanh người kể chuyện, công tước Andrey nhìn anh ta với cặp mắt sáng long lanh và thấy nguôi lòng. "Nhưng bây giờ mình có cần gì nữa - Chàng nghĩ. - Bên kia sẽ có gì, à ở đây trước kia có những gì? Vì sao trước đây ta lại thấy tiếc khi từ giã cuộc đời? Trong cuộc đời ấy có một cái gì mà trước đây ta không hiểu, và bây giờ ta cũng vẫn chưa hiểu".
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #518 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 09:00:49 pm »

Phần X
Chương - 36
     
Một bác sĩ ở trong lều bước ra. Chiếc áo choàng trắng cũng như hai bàn tay nhỏ nhắn của ông đều vấy máu. Một tay ông ta cầm điếu xì gà giữa ngón tay cái và ngón tay út để cho nó khỏi dây bẩn.
   
Ông ngẩng đầu đưa mắt nhìn quanh nhưng lại nhìn qua đầu những người bị thương. Hẳn là ông ta đang muốn nghỉ ngơi một chút. Ông ngoảnh đầu sang trái, sang phải một lúc rồi thở một hơi dài và đưa mắt nhìn xuống.

- Được tôi làm ngay đây! - Ông trả lời ngay y tá đang chỉ công tước Andrey, và ra lệnh đưa chàng vào lều.
   
Có tiếng xì xào vang lên trong số những người bị thương đang đợi từ nãy đến giờ:

- Thì ra ngay ở thế giới bên kia, cũng chỉ có các quan mới có quyền được sống mà thôi - Một người nói.
   
Người ta đưa công tước Andrey vào lều và đặt chàng lên một cái bàn vừa được rảnh mà người y tá mới rửa xong. Công tước Andrey không thể phân biệt được tách bạch những vật ở trong lều.

Đâu đâu cũng nghe tiếng rên la. Cảm giác đau đớn dữ dội ở hông, ở bụng và ở lưng làm chàng không sao tập trung tư tưởng được. Tất cả những gì chàng trông thấy ở chung quanh đều hoà lại làm một trong tâm trí chàng thành một biểu tượng duy nhất: hình ảnh của một thân thể trần truồng và đẫm máu choán hết cả gian lều thấp hẹp, cũng như cách đây mấy tuần, vào một ngày tháng tám nồng nực, chính cái thân thể ấy đã tràn đầy cả cái ao tù trên con đường Smolensk. Phải, đây cũng chính là cái thân thể ấy, cũng chính là thứ thịt làm mồi cho đại bác hồi ấy đã làm cho chàng ghê rợn, dường như thế vì nó báo trước việc xảy ra hôm nay.
   
Trong lều có ba cái bàn, hai cái đã có người. Người ta đặt công tước Andrey lên cái bàn thứ ba. Họ để mặc chàng nằm một lát và chàng vô tình nhìn thấy những việc đang diễn ra ở hai bàn kia.
   
Một người Tatar ngồi trên cái bàn gần nhất, chắc hẳn anh ta là một người lính cô-dắc, vì thấy có một bộ quân phục cô-dắc vắt ở bên cạnh. Bốn người lính đang giữ chặt lấy anh ta. Một bác sĩ đeo kinh đang rạch cái lưng lực lưỡng và rám nắng của anh ta.

- U u u! - Người Tarta rên đều đều như tiếng cuốc kêu rồi đột nhiên anh ta ngẩng cái khuôn mặt gân guốc rám nắng với đôi lưỡng quyền cao và cái mũi tẹt, nhe ra hai hàm răng trắng nhởn ra, bắt đầu giãy giụa và gào lên những tiếng kéo dài lanh lảnh.
     
Trên một cái bàn khác, nhiều người xúm quanh một người cao lớn đẫy đà: Anh ta nằm ngửa, đầu hất ngược ra đằng sau. Công tước Andrey có cảm giác kỳ lạ là mái tóc quăn, màu da và hình dáng cái đầu có một cái gì quen quen. Mấy người y tá ra sức đè lên ngực người đó và giữ chặt lấy anh ta. Mọt bên chân to lớn, trắng trẻo và mập mạp của anh ta cứ luôn luôn giật bắn lên. Người ấy khóc nấc lên, quằn quại và sặc sụa. Không nói một tiếng, hai bác sĩ - một người mặt tái mét và run lẩy bẩy - đang lúi húi làm gì trên cái chân kia của anh ta đỏ lòm những máu.
   
Sau khi đã mổ người Tarta và phủ chiếc áo khoác lên mình anh ta, người bác sĩ đeo kính lau tay và đến cạnh công tước Andrey.
   
Ông ta nhìn vào khuôn mặt công tước Andrey rồi bỗng vội vã ngoảnh mặt đi.

- Cởi áo cho ông ta! Sao lại đứng đực cả ra đấy? - Ông giận giữ quát hai người y tá.
   
Trong khi người y tá, ống tay áo xắn lên, hấp tấp mở hết các khuy cúc, cởi áo quần cho công tước Andrey, những kỷ niệm xa xôi nhất của thời thơ ấu đầu tiên vụt hiện lên trong ký ức của chàng.
   
Bác sĩ cúi xuống, lấy tay nắn nắn vết thương và thở dài một tiếng nặng nề.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #519 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 09:01:56 pm »

Đoạn ông ta ra hiệu cho một người khác. Một cơn đau khủng khiếp ở bụng làm cho công tước Andrey ngất đi. Khi chàng tỉnh dậy thì những mảnh gẫy của xương hông đã được lấy ra, những mảnh thịt đã được cắt bỏ đi và vết thương được băng bó lại. Người ta vã nước lên mặt chàng. Công tước Andrey vừa mở mắt thì bác sĩ cúi xuống mình chàng và lặng lẽ hôn lên môi chàng, không nói một lời rồi vội vã bỏ đi.
   
Sau những cơn đau vừa phải chịu đựng, công tước Andrey có một cảm giác thư thái dễ chịu mà lâu nay chàng không hề thể nghiệm. Tất cả những giờ phút tốt đẹp, sung sướng nhất của đời chàng, nhất là của thời thơ ấu xa xôi nhất, khi người ta cởi áo cho chàng và đặt chàng nằm trên chiếc giường nhỏ, khi người vú em hát để ru chàng ngủ, khi chàng vùi đầu vào gối, và cảm thấy mình sung sướng chỉ vì biết mình đang sống, những giờ phút ấy hiện ra trong tưởng tượng của chàng không phải như những việc đã qua mà như một sự thực đang diễn ra trong hiện tại.
     
Chung quanh người bị thương mà hình dáng cái đầu chàng thấy có vẻ quen quen, các bác sĩ đang bận rộn lui tới, họ vực người đó dậy, an ủi anh ta.

- Đưa cho tôi xem… ôôôô! Ôôôô - có thể nghe rõ tiếng rên sợ hãi và cam chịu đau đớn, luôn luôn bị ngắt quãng vì tiếng khác.
     
Nghe những tiếng rên ta kia, công tước Andrey muốn khóc. Phải chăng vì chàng phải chết không chút vinh quang? Phải chăng vì chàng còn luyến tiếc cuộc đời, hay là vì những kỷ niệm của thời thơ ấu không bao giờ còn trở lại nữa, hay là vì chàng đau khổ khi thấy người khác đau khổ, vì người kia đang rên rỉ thảm thiết trước mặt chàng. Dù sao chăng nữa thì chàng cũng muốn khóc những giọt nước mắt thơ ngây, hiền hậu, gần như những giọt nước mắt vui mừng.
     
Người ta đưa cho người bị thương cái chân của anh ta cái chân vừa bị cưa, máu đông lại, còn nguyên cả chiếc ủng.

- Ô ôôôô! - Người kia khóc rống lên nhưmột người đàn bà.
   
Vị bác sĩ nãy giờ đứng trước người bị thương và che lấp mặt anh ta, bỗng bỏ đi nơi khác.

- Trời ơi! Làm sao thế này? Tại sao hắn lại ở đây? - Công tước Andrey tự nhủ. Chàng nhận ra con người bất hạnh kiệt sức đang khóc nức nở kia, mà người ta vừa cưa mất một chân, là Anatol Kuraghin. Người ta xốc nách đỡ Kuraghin dậy và đưa cho hắn một cốc nước. Nhưng đôi môi run bần bật và sưng phù của hắn không áp được vào miệng cốc. Anatol khóc rưng rức. "Đúng rồi! Chính hắn rồi, đúng rồi, có một cái gì ràng buộc ta với con người này một cách chặt chẽ và đau đớn". Công tước Andrey nghĩ thầm, trong lòng vẫn chưa hiểu rõ điều trông thấy trước mắt. "Mối liên hệ giữa con người này với thời thơ ấu của ta, với cuộc đời của ta thế nào?" - Chàng tự hỏi, nhưng không tìm thấy câu trả lời. Và đột nhiên, một kỷ niệm mới mẻ bất ngờ từ trong cái thế giới trong sáng và chan chứa yêu đương của thời thơ ấu hiện ra trong ký ức chàng. Chàng sực nhớ tới Natasa in hệt như khi chàng thấy nàng lần đầu trong tối khiêu vũ năm 1810, với cái cổ thon thon và hai cánh tay mảnh dẻ, với gương mặt sợ hãi và sung sướng, sẵn sàng hân hoan, và trong lòng chàng, tình yêu đằm thắm đối với nàng lại sống dậy mãnh liệt và sôi nổi hơn bao giờ hết. Bây giờ chàng đã nhớ ra mối liên hệ giữa chàng với con người này trong khi hắn đưa cặp mắt sưng vù nhìn chàng qua làn nước mắt. Công tước Andrey nhớ lại tất cả, và một niềm trắc ẩn và thương yêu tha thiết đối với con người này tràn ngập cõi lòng sung sướng của chàng.
   
Công tước Andrey không thể tự chủ được nữa, chàng khóc, những giọt nước mắt thương yêu, tự ái đối với mọi người, đối với mình, đối với những lầm lạc của họ và những lầm lạc của mình.
     
"Lòng trắc ẩn, tình thương yêu đối với anh em đồng loại, đối với những người yêu ta, lòng thương yêu đối với những người thù ghét ta, đối với kẻ thù, phải, cái lòng thương yêu mà Chúa đã truyền phán trên trái đất này, và nữ Công tước Maria đã dạy cho ta mà ta không hiểu; chính nó đã làm ta luyến tiếc cuộc đời, đó là điều duy nhất còn lại với ta nếu ta còn sống. Nhưng bây giờ thì đã muộn rồi. Ta biết lắm!".
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM