Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 05:27:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phía Tây không có gì lạ  (Đọc 36227 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #80 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2011, 11:32:41 pm »

Béctinh bị đạn trúng ngực. Một lát sau, cằm ông ta lại bị vỡ nát vì một mảnh đạn trái phá. Cái mảnh đạn ấy còn đủ sức hất văng cả xương hông của Lia đi.

Lia rên rỉ và gục xuống hai cánh tay. Nó mất máu rất nhanh. .Không ai có thể cứu được nó nữa. Chỉ vài phút sau, người nó rúm lại như một cái ruột cao su hết hơi. Hồi trước đi học, nó giỏi toán đến thế, nay có ích gì cho nó không?

Tháng nọ tiếp tháng kia, mùa hè năm 1918 này gay go và đẫm máu hơn tất cả. Ngày trôi qua như những vị thiên thần mặc áo giáp vàng và ngọc lưu ly, thản nhiên bay lượn trên cảnh chiến trường khốc liệt .
Chúng tôi, ai cũng biết rằng sẽ thua trận.

Nhưng không ai nói nhiều về chuyện đó. Chúng tôi lùi; sau trận tấn công lớn ấy, chúng tôi không đủ sức công kích nữa; chúng tôi chẳng còn lính, cũng chẳng còn đạn dược. - Tuy nhiên, cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục và người ta vẫn tiếp tục chết . . .

Mùa hè năm 1918... Chưa bao giờ, cuộc sống với cái hình dáng thảm hại của nó lại làm cho chúng tôi thèm khát như bây giờ, những bông hoa mào gà đỏ chói của đồng nội, lả lướt trên ngọn cỏ, những buổi chiều ấm áp trong những căn phòng mát mẻ, tranh tối tranh sáng; những cây cối đen ngòm và bí mật trong hoàng hôn, những ngôi sao và những dòng nước, những giấc mơ và những giấc ngủ triền miên, ôi cuộc sống, cuộc sống, cuộc sống!...

Mùa hè năm 1918. Chưa bao giờ chúng tôi phải cắn răng chịu đựng nhiều nỗi khổ tâm khi bước ra hỏa tuyến như lúc này. Những tin đồn đại náo nức biết bao, về đình chiến, về hòa bình bắt đầu xuất hiện; chúng nó giao động lòng người, và khiến cho những cảnh ra đi nặng nề hơn bao giờ hết.
Mùa hè năm 1918... chưa bao giờ đời sống ở mặt trận lại cay đắng và khốc liệt hơn những giờ phút nằm dưới lửa đạn khi những bộ mặt tái nhợt úp vào bùn và những bàn tay co quắp lại, thốt ra một lời phản kháng duy nhất: "Không, không, không, không phải lúc này! Không phải lúc này, vì gần chấm dứt rồi!"
Mùa hè năm 1918...

Luồng gió hy vọng mơn trớn những cánh đồng bị lửa đạn tàn phá, cơn sốt hầm hập của chờ mong và thất vọng, cái rùng mình đau đớn của chết chóc, vấn đề không sao hiểu nổi: "Tại sao? Tại sao người ta không chấm dứt đi cho? Và tại sao lại có những tin đồn là sắp chấm dứt?" Sao mà lắm thằng lái máy bay thế, bọn chúng tự tin đến cái mức săn đuổi cả những người lính đi lẻ loi, như săn thỏ vậy. Cứ một máy bay Đức thì ít ra có đến năm máy bay Anh và Mỹ. Cứ một người lính Đức mệt mỏi và đói khát nằm trong chiến hào thì phải có đến năm tên khỏe mạnh, lực lưỡng ở chiến hào đối diện.

Cứ một cái bánh lính của Đức, thì phía trước mặt chúng tôi, phải có năm mươi hộp thịt. Chúng tôi chưa bị đánh bại, vì là lính mà nói, thì chúng tôi mạnh hơn và có kinh nghiệm hơn họ; chúng tôi bị đè bẹp và đánh lui chẳng qua vì họ hơn quá nhiều về số lượng.

Mấy tuần mưa rả rích; trời xám, đất xám và nhão nhoét, cái chết xám. Khi chúng tôi lên xe ra tiền tuyến, áo khoác ngoài và quần áo chúng tôi đã ướt sũng, và ướt như thế suốt cả thời gian chúng tôi ở chiến hào. Người chúng tôi chả lúc nào khô cả. Ai còn đi ủng thì lấy những túi đất nhét quanh phía trên ủng để cho nước bùn không vào được quá nhanh.

Súng ống bê bết những bùn, quân phục nhoét ra, rữa nát ra; tất cả đều là một khối đất đầm đìa, nhầy nhụa với những cái áo màu vàng trong đó những vũng máu vẽ thành những hình trôn ốc đỏ thẫm. Những người chết, những người bị thương, những người sống sót, từ từ lút ngập xuống đấy.
Bão táp gầm thét điên cuồng trên đầu chúng tôi.

Những mảnh trái phá bắn ra như mưa làm nổi lên từ cái khoảng hỗn loạn xám ngoét và vàng khè ấy những tiếng gào thét xé ruột xé gan, những tiếng kêu như tiếng trẻ con của những người bị đạn; và trong đêm tối, cuộc sống bị vò xé đã cất lên tiếng rên rỉ, rồi tận cùng một cách đau đớn bằng sự im lặng ngàn đời.
Hai bàn tay chúng tôi toàn là đất; khắp người chúng tôi toàn là đất sét, mắt chúng tôi là những cái ao nước mưa. Chúng tôi cũng chẳng biết là mình còn sống hay không.

Rồi hơi súng tràn xuống các hố của chúng tôi. Nó ẩm thấp, lầy nhầy như một con sứa, và, một ngày cuối mùa hè, Cát đã ngã ngựa khi đi lấy lương thực.

Chúng tôi chỉ có hai đứa; tôi buộc vết thương cho anh ta ở xương ống chân có lẽ bị gãy; tóm lại phát đạn đã trúng vào xương chân.

Cát rên rỉ một cách tuyệt vọng: "Lúc này. . . đúng lúc này. . ." Tôi an ủi anh ta: "Ai biết được cái trò giết chóc nhau này còn kéo dài đến tận bao giờ? Thế là cậu thoát đấy. . . " Vết thương bắt đầu chảy máu dữ. Không thể nào để Cát nằm một mình trong khi tôi đi lùng cáng. Hơn nữa, tôi cũng không biết quanh đây có bộ phận tải thương nào không.

Cát không nặng lắm, tôi cõng anh ta lên vai và đi về phía trạm cấp cứu.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #81 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2011, 11:33:43 pm »

Chúng tôi dừng lại hai lần. Cõng như thế, anh ta đau lắm. Hai đứa chẳng nói năng gì cả. Tôi cởi khuy cổ áo ra và thở hồng hộc. Mồ hôi đầm đìa, mặt nặng ra vì phải dùng quá sức; tuy vậy, tôi vẫn nhất quyết tiếp tục đi vì khu vực này nguy hiểm lắm.

- Chúng mình lại đi, Cát nhé?

- Đành phải đi thôi, Pôn ạ.

- Nào ta đi!

Tôi xốc anh ta lên. Anh ta đứng bằng cái chân lành và tựa vào thân cây; tôi gượng nhẹ đỡ cái chân bị thương của anh; anh ta rùng mình một cái và tôi đưa tay quặp lấy đầu gối cái chân lành.

Con đường mỗi lúc một gay go. Thỉnh thoảng một quả đại bác lại rít lên.

Tôi cố sức đi thật nhanh, máu Cát rỏ từng giọt xuống đất. Chúng tôi tránh đại bác không ra làm sao cả vì trước khi ẩn nấp được thì viên đạn đã đi quá lâu rồi.

Chúng tôi xuống một hố trái phá nhỏ để đợi một chút; tôi rót nước chè trong bi đông của tôi cho Cát uống.
Hai đứa hút một điếu thuốc lá.

- Cát nhỉ, tôi buồn rầu nói, thế là phen này hai đứa mình lại mỗi đứa một nơi.

Anh ta lặng yên và nhìn tôi.

- Cát này, cậu còn nhớ không, con ngỗng chúng mình bắt được ấy mà? Cậu còn nhớ cái hồi mình còn là tân binh và bị thương lần đầu, cậu cứu mình thế nào không? Dạo ấy, mình còn khóc; ấy thế mà gần ba năm rồi đấy Cát nhỉ.

Anh ta gật đầu.

Nghĩ đến lúc còn lại mỗi một mình, tôi thấy sợ.

Khi Cát chuyển đi nơi khác là tôi sẽ không còn một thằng bạn nào ở đây nữa.

- Cát này, nếu quả thật đình chiến trước khi cậu trở lại đây, thì thế nào chúng mình cũng phải gặp nhau mới được.

- Cậu tưởng cái chân như thế này mà còn ra trận được à? - Cát nói đầy vẻ cay đắng.

- Cứ nghỉ ngơi là khỏi thôi. Khớp xương còn tốt, có lẽ không việc gì đâu.

- Cho mình một điếu nữa.

- Có lẽ sau này, hai đứa chúng mình sẽ cùng nhau làm một việc gì, Cát nhỉ.

Tôi buồn lắm. Cát, bạn Cát thân yêu của tôi, với đôi vai xuôi và bộ ria mép nhỏ, Cát mà tôi hiểu hơn bất cứ người nào ở trên đời này, Cát đã cùng tôi chia bùi xẻ ngọt mấy năm nay, không thể nào tôi không gặp Cát được nữa.

- Cát này, cứ cho mình cái địa chỉ, để khi nào mình trở về nhà. Còn địa chỉ của mình, mình viết cho cậu đây . Tôi bỏ mảnh giấy vào trong túi cho Cát. Tôi cảm thấy trơ trọi biết bao, dù rằng Cát vẫn còn ngồi bên tôi! Tôi có nên bắn ngay một phát vào bàn chân để được ở bên anh ta không? Đột nhiên Cát nấc lên một cái và tái xanh cả người.

- Đi thôi, - anh ta lắp bắp.

Tôi điên cuồng chồm lại đỡ anh ta, tôi cõng anh ta lên lưng và bắt đầu chạy, chạy đều đều, chầm chậm để cho cái chân anh ta khỏi bị lắc mạnh.

Cổ họng tôi khô cháy, tôi cắn răng cứ đi văng mạng, gần như lảo đảo, cuối cùng khi đến được trạm cứu thương thì mắt tôi hoa cả lên. Đến nơi, đầu gối tôi khuỵu xuống, nhưng tôi cũng còn đủ sức ngã về bên cái chân lành của Cát. Mấy phút sau, tôi từ từ nhỏm dậy, chân tay run lên bần bật; mãi tôi mới tìm thấy cái bi đông để uống một ngụm. Trong khi uống, môi tôi nai lên. Nhưng tôi mỉm cười: Cát đã đến nơi an toàn rồi.
Một lát sau, tôi thấy cả một đám tiếng nói mơ hồ, láo nháo, đập vào tai tôi:

- Việc gì cậu phải mất công như thế này ? - một gã y tá nói .

- Tôi nhìn hắn, không hiểu gì cả. Hắn ta chỉ Cát và nói thêm:

- Cậu xem đấy. Nó chết rồi còn gì nữa.

Tôi không hiểu hắn nói gì.

- Anh ấy bị đạn vào chân mà, - tôi nói.

Gã y tá không nhúc nhích:

- Còn chỗ khác nữa chứ. . .

Tôi quay lại. Mắt tôi vẫn còn hoa lên. Lúc này, mồ hôi lại vã ra, chảy ròng ròng trên mi mắt, tôi lau mồ hôi và nhìn kỹ Cát; anh ta nằm, không động đậy.

- Bị ngất đấy, - tôi nói nhanh.

Gã y tá khẽ huýt sáo:

- Tớ biết hơn cậu chứ? Nó chết rồi; muốn cuộc gì thì cuộc?

- Không thể như thế được, mình vừa mới nói chuyện với anh ấy cách độ mươi phút thôi mà; anh ấy ngất đấy thôi.

Bàn tay Cát còn nóng, tôi đỡ vai Cát lên, định lấy nước chè xoa cho anh ta. Nhưng tôi thấy những ngón tay tôi ươn ướt, khi rút tay ra khỏi đầu Cát, tôi thấy bàn tay tôi đầy những máu. Gã y tá lại huýt sáo khe khẽ.

- Cậu thấy không?

Thì ra, trên đường đi, Cát đã bị một mảnh đạn trái phá bắn vào đầu mà tôi không biết gì cả; chỉ là một lỗ
rất nhỏ một mảnh đạn bé tẹo thôi. Một mảnh đạn lạc, nhưng thế cũng đủ rồi. Cát đã chết.

Tôi thong thả đứng dậy.

- Cậu có muốn lấy quân bạ và những đồ dùng của nó không? - Gã hạ sĩ quan hỏi tôi.

Tôi gật đầu và hắn ta đưa cho tôi.

Gã y tá tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Các cậu không có họ hàng gì với nhau kia mà?

- Không, chúng tôi chẳng có họ hàng gì với nhau cả . Không, chẳng có một tí gì...

Liệu tôi có đi nổi không? Tôi có còn chân nữa không? Tôi ngước mắt lên, đưa mắt nhìn quanh, tôi xoay người một vòng theo tầm mắt, cho đến lúc tôi dừng lại.

Tất cả vẫn như thường: chỉ trừ có anh quân nhân dự bị Stanitlat Catdinxki đã chết mà thôi.

Sau đó, tôi chẳng biết gì nữa.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #82 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2011, 11:34:49 pm »

Chương 12

Mùa thu.

Những người lính cũ chẳng còn được bao nhiêu.

Tôi là người cuối cùng trong số bảy người ra đi của lớp học chúng tôi.

Ai cũng nói đến đình chiến và hòa bình. Mọi người chờ đợi. Nếu lại vỡ mộng một lần nữa, là sẽ tai biến. Sự mong đợi mãnh liệt quá; không thể nào gạt nó đi mà nó không nổ tung ra. Nếu không có hòa bình, nhất định sẽ có cách mạng.

Tôi được nghỉ mười lăm ngày vì hít phải một ít hơi ngạt. Tôi ngồi suốt ngày ngoài nắng, trong một khu vườn nhỏ. Chăng bao lâu nữa, sẽ đình chiến; bây giờ, đến cả tôi, tôi cũng tin như thế. Lúc ấy chúng tôi sẽ trở về nhà; đó là ý nghĩ của tôi. Nó không vượt quá được phạm vi ấy. Cái thu hút và lôi cuốn tôi, là những cảm xúc, là lòng khát khao được sống, là vẻ đẹp của quê hương, là tình máu mủ, là niềm say sưa được tai
qua nạn khỏi. Nhưng đó không phải là những mục đích.

Nếu chúng tôi được trở về nhà năm 1916, chắc hẳn với nỗi đau thương và sức mạnh mà chúng tôi đã sống, chúng tôi đã có thể làm nổ ra một cơn bão táp.

Nếu bây giờ, chúng tôi trở lại gia đình, chúng tôi mệt mỏi, rã rời, trống rỗng, không còn gốc rễ và không còn hy vọng.

Chúng tôi không thể chiếm phần ưu thắng được nữa.

Người ta cũng sẽ không hiểu chúng tôi, vì trước mặt chúng tôi, một thế hệ dã lớn lên, tuy họ đã cùng chúng tôi chung sống trong mấy năm nay, nhưng họ đã có gia đình, đã có nghề nghiệp, bây giờ họ sẽ trở về những vị trí cũ, họ sẽ quên lãng chiến tranh đi; và sau lưng chúng tôi, một thế hệ khác lớn lên giống như chúng tôi trước đây, nhưng họ sẽ không hiểu chúng tôi và sẽ xa lánh chúng tôi.

Chúng tôi cũng chẳng có ích gì cho chính mình nữa. Chúng tôi lớn lên; một số sẽ thích ứng được; một số khác sẽ cam lòng chịu đựng và rất nhiều người sẽ hoàn toàn lạc lõng; năm tháng sẽ trôi qua và, cuối cùng, chúng tôi sẽ gục xuống.

Nhưng có lẽ những điều tôi nghĩ cũng chỉ là buồn rầu và chán nản, những cái ấy sẽ biến đi, khi tôi lại trở về dưới bóng hàng cây bạch dương, nghe cành lá chúng rì rào.

Không thể nào cái cảnh êm đềm làm xúc động lòng người ấy, sự thấp thỏm, nỗi ưu tư, cái tương lai với muôn nghìn bộ mặt, vẻ dịu dàng của những giấc mơ và của những cuốn sách, lòng say đắm và mơ tưởng đàn bà, không thể nào những cái đó không tồn tại nữa. Tất cả những cái đó không thể nào bị huỷ diệt bởi sức mạnh của bom đạn, trong nỗi tuyệt vọng và trong những nhà thổ lính.

Nơi đây, cây cối tỏa ánh vàng với trăm màu nghìn sắc; những quả thanh lương đã chín đỏ trong cành lá. Những con đường trắng xóa chạy về phía chân trời; và các quán hàng, đang nhỏ to bàn tán về hòa bình rào rào như những tổ ong.

Tôi đứng dậy; tôi rất bình thản. Năm, tháng cứ việc đến. Tôi sẽ chẳng mất gì cả, mà thời gian cũng chẳng có thể lấy được gì của tôi nữa. Tôi chỉ có một thân, một mình, chẳng còn mảy may hy vọng điều gì nữa, nên tôi có thể chờ đón thời gian mà không hề sợ hãi.

Cuộc sống đã bắt tôi phải qua những năm tháng ấy, vẫn đang còn tồn tại trong hai bàn tay và cặp mắt của tôi. Tôi có làm chủ được cuộc sống ấy không? Tôi không biết. Nhưng một khi nó còn đấy, nó sẽ tìm ra đường đi, dù có hoặc không có sự đồng tình của cái sức mạnh đang ở trong tôi và nói lên : "Tôi".

***

Anh ta chết tháng mười, năm một nghìn chín trăm mười tám, trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông cáo chỉ ghi là “ Ở phía Tây, không có gì lạ.”

***

Anh ta ngã xuống, đầu về phía trước, nằm dài trên đất, như người đang ngủ.
Khi lật anh ta lên, người ta thấy hình như anh ta không đau đớn lâu thì phải.
Nét mặt anh ta bình thản và như biểu lộ một vẻ bằng lòng về cái kết cục như vậy.


Hết
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #83 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2011, 11:35:30 pm »

Đôi lời về tác giả

ERICH MARIA REMARQUE - NGƯỜI ĐI QUA CHIẾN TRANH

Erich Paul Remarque sinh ngày 22-6-1898 trong một gia đình theo dòng Công giáo La Mã tại Osnahruck, một thành phố thuộc tỉnh Westphalia nằm ở miền Tây nước Đức. Ngay từ nhỏ, Erich đã luôn luôn ngưỡng mộ người mẹ - bà Anna Maria trong khi luôn tỏ ra ra lánh người cha - ông Peter. Ông Peter Remarque vốn xuất thân trong một gia đình phiêu bạt đến Đức sau Cách mạng Pháp, chỉ là một người thợ đóng sách nghèo. Sự vất vả và thiếu thốn của gia đình đã khiến Remarque phải đi kiếm tiền từ khi mới mười mấy tuổi bằng việc dạy kèm piano. Cậu bé luôn làm việc hết sức vất vả để bù vào chỗ thiếu thốn và cậu luôn luôn xin mượn trước.

Cậu bé say mê piano và nhiều thứ khác , ví dụ như sưu tập bướm hoặc lần dò khám phá những dòng sông và cánh rừng - tất cả những gì sau này sẽ lần lượt hiện ra trong những cuộn tiểu thuyết vĩ đại. Thú viết lách của cậu bé đã khiến cho cậu nhận được biệt danh: “Kẻ-bôi-bẩn.”

Vì thường xuyên phải di chuyển nên Remarque học một lúc hai trường cấp hai và sau đó là trong dự bị Công giáo . Cậu say sưa những diễn biến đầy kịch tính của các nghi lễ Công giáo, say mê vẻ đẹp của những ngôi nhà thờ, của hoa trong vườn tu viện và của hoạt động nghệ thuật. Sau này, những gì Remarque viết đều có chút hơi hướng của một nhà hát, đường nét của giáo đường và các bảo tàng, còn hoa và cây là biểu tượng của sự bình an vĩnh cữu. Những ngày học ở trường, cậu bé Erich luôn gặp rất nhiều chuyện khổ sở vì các giáo viên ; nhưng rồi sau đó, thê nào các giáo viên cũng sẽ bị nhồi vào trong tiểu thuyết của nhà văn Erich Maria Remarque! Tại trường dự bị , Erich cãi nhau suốt ngày với một giáo viên tên là Konschorek. Sau này Konschorek đã hóa thành một gã giáo viên tại nơi huấn luyện tân binh với đầy đủ thói xấu của nguyên mẫu và chỉ khác mỗi cái tên: Kantolek (Phía Tây không có gì lạ).

Tháng 11 năm 1916, chàng Erich 18 tuổi, sinh viên năm thứ 3 của trường sư phạm Osnabruck Lehresminar bị gọi quân dịch đề tham gia vào Đại chiến Thế Giới lần thứ nhất. Sau khóa huấn luyện tân binh tại Westerberg (chính là trại Klosterberg trong Phía Tây không có gì lạ), Erich được phân vào một sư đoàn quân dự bị, tuy nhiên cậu rất hay được về thăm nom bà mẹ đang ốm nặng.
Tháng 6 năm 191 7, Erich bị chuyển đến một đơn vị công binh ở mặt trận phía Tây Anh là một quân nhân điềm tĩnh , ngay cả khi người đồng đội Troske bị thương vì dính mảnh lựu đạn, Erich vẫn đưa được Troske về phía sau an toàn. Nhưng cái chết của Troske - không phải vì vết thương mà là vì không được chăm sóc, đã khiến cho Erich bị đổ vỡ hoàn toàn. Anh vẫn tiếp tục cứu các đồng đội cho tới khi cũng bị thương vì mãnh lựu đạn. Suốt hai năm 1917- 1918, Erich nằm tại bệnh viện SiVillenz ở Duismeg để chữa thương. Trong khi đó, mẹ anh qua đời tháng 9- 1917. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, vì còn thương nhớ mẹ nên đã khiến Erich quyết định đổi tên kép Erich-Paul thành Erich-Maria.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #84 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2011, 11:35:59 pm »

Rời bệnh viện, Erich trở về Osnabruck đến dự khóa huấn luyện nâng cao, lồng nỗi đau buồn sau cái tang lớn. Chiến tranh đã chấm dứt trước khi anh trở lại mặt trận và mặc dù chưa hề trải qua sự đối đầu tại chiến tuyến nhưng chiến tranh đã làm thay đổi suy nghĩ và thái độ của Erich mãi mãi. Anh đã học một bài học cay đắng về giá trị mong manh thực sự của đời sống cá nhân, sau khi đã hoàn toàn đổ vỡ, khi nhận là "chủ nghĩa yêu nước” của cái xã hội nước đó có thể sẵn sàng bỏ qua bất cứ một cá nhân nào. Với anh và nhiều người bạn của anh, trách nhiệm công dân rốt chẳng còn một ý nghĩa gì nữa.

Những năm tiếp theo, nước Đức lâm vào tình trạng thiên thôn, lạm phát, thất nghiệp và đầy rẫy bọn đầu cơ trục lợi cùng bọn cực đoan chính trị.
Remarque cùng vài người bạn quay trở về và nhận thấy những giáo viên cũ bây giờ chỉ là những kẻ cướp. Remarque thường lôi mình vào rắc rối theo kiểu tự chụp một bức ảnh ông mặc đồ sĩ quan có chữ thập ngoặc và một cái huân chương cùng con chó cưng trong một cách bố trí đầy mâu thuẫn. . .

Sau khi tốt nghiệp, Remarque được giới thiệu vào dạy thay cho một giáo viên trong vòng hai năm. Môi trường giáo dục không dính dáng đến chính trị và Remarque chuyển sự say mê sang các môn thể thao, nhất là đua ôtô.
Hình ảnh về Remarque lúc bấy giờ là một chàng thanh niên có mái tóc vàng, rất điển trai, ăn mặc trang nhã và những cơ bắp cuồn cuộn nổi. Tóm lại đó là hình ảnh về một con người hào hoa bất chấp thu nhận . Sau một thời gian, Remarque chán nản và bỏ đi làm đủ thử việc: chơi organ ở nhac viện, nhân viên một công ty sản xuất bia thộ, làm nhà phê bình sân khấu ở một thành phô nhỏ, viết quảng cáo cho một công ty ôtô. Ông lấy một nữ diễn viên tên là Zutta Ilse Zambona năm 1925, một thời gian ngắn sau khi được nhận vào làm biên tập ở tạp chí Sport im Bild ở Berlin.

Đầu năm 1920, với cái tên Erich Remark, ông xuất bản một cuộn tiểu thuyết mà nó bị thiên hạ lạnh nhạt đến nỗi ông phải bỏ cái bút danh – vội lấy tên của cụ nội. Lối viết báo của ông quá cứng, thậm chí tầm thường và đầy cảm tính. Chính vì thế, sự thành công của Phía Tây không có gì lạ xuất bản năm 1929 làm cho ông và bất cứ một người nào cũng phải ngạc nhiên. "Bóng ma của chiến tranh luôn ám ảnh chúng tôi - ông nói - nhất là khi chúng tôi cốgắng không nghĩ đến nó nữa". Và kết quả là Phía Tây không có gì lạ đã làm tất cả những người ở hai bên bờ Thái Bình Dương xúc động sâu sắc trong khi trước đây, họ ra sức tìm kiếm ý nghĩa của chiến tranh.

Trong năm đầu tiên, riêng độc giả Đức đã mua tới hơn 1 triệu bản cuốn tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ và người Anh, Pháp, Mỹ thậm chí còn mua nhiều hơn. Cuốn tiểu thuyết còn thành công hơn nữa nhờ bộ phim do người Mỹ dựng với Lew Ayres và Lewis Wolheim NAME = Position DESCRIPTION = Zeigt die aktuelle horizontale Position an und kann gezogen werden, um diese direkt zu ändern.

Năm 1932, chính quyền Quốc xã tịch thu tài khoản của ông ở Berlin - chúng nói rằng để bù vào tiền thuế. Tuy nhiên trước đó Remarque đã chuyển hầu hết tiền và số tranh theo phái ấn tượng sang Thuỵ Sĩ . Tại đây, ông mua một ngôi biệt thự ở Porto Ronco cạnh bờ hồ Magiore và dần dần mua về nhiều thứ đồ cổ quý giá.

Trong thời gian Remarque bị tước quyền công dân Đức, ba cuốn sách của ông lần lượt được dựng phim ở Mỹ và đôi lúc người ta gọi ông là Vua Hollywood.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #85 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2011, 11:36:30 pm »

Bạn bè của ông rất nhiều: Marlene Dietrich, Greta Garbo, Charles Chaplin,
F. Scott Fritzgerald và Ernest Hemingway.

Sau cùng, mệt mỏi vì những phù hoa giả tạo của Hollywood, ông chuyển sang đi về đông ở New York và Porto Ronco.

Năm 1957, ông càng nổi tiếng vì vai diễn trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của ông. Thời gian để sống và thời gian để chết.

Năm 1958, Remarque cưới nữ diễn viên Mỹ Paulette Goddard sau 18 năm quen biết.

Lần đến được Mỹ, Remarque không hề gặp phải khó khăn gì về thủ tục nhưng ông hết sức bực bội và thông cảm với những bất công mà bạn bè ông phải chịu đựng trong cảnh tha hương. Mặc dù đã xin nhập quốc tịch Mỹ năm 1941 nhưng Remarque luôn phẫn hận vì bị mất quyền công dân Đức.

Năm 1943, một nỗi đau lớn đến với Remarque: em gái ông Elfried Scholz bị chính quyền Quốc xã xử trảm vì tuyên truyền “lật đổ”. Sau này, ông thật sự cảm động khi Osnabruck đã lấy tên cô gái đặt cho một con đường năm 1965.

Năm 1971, chính quyền Osnabruck cũng đã đặt tên một con đường chạy quanh thành phố là Erich Maria Remarque.

Bóng tối thiên đường là tiểu thuyết cuối cùng của ông. Trong tác phẩm đó, người ta tìm gặp lại vóc dáng của rất nhiều những nhân vật trong các tiểu thuyết trước đây và nhân vật chính đã quyết định trở về lại nước Đức bất chấp cuộc sống và tình yêu ở Mỹ ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Nỗi hoài nhớ quê hương còn thể hiện trong khoảng những năm 1950 khi Remarque về đi tìm tài liệu cho những tiểu thuyết . Ông không bao giờ trở về thành phố quê hương vì cảm thâý thành phố được xây lại này không còn là những gì thân quen, mà ông đã mô tả trong “Phía Tây không có gì lạ, đường về và Bia mộ đen” nữa cả.

Remarque qua đời sau một loạt cơn đau tim tại một bệnh viện ở Locarno vào ngày 25-9- 1970. Báo chí mê mải đi tìm các chi tiết về cuộc đời của ông mà quên cả một điều: Remarque là tác giả của Cuốn tiểu thuyết hay nhất về Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Nhưng dù sao chăng nữa, các đọc giả đã không hề quên . Chỉ riêng ở châu Âu, người ta đã mua đền 13 triệu bản những cuộn sách của ông. Trong đó

“ Phía Tây không có gì lạ”, bán được 8 triệu cuốn vẫn mãi mãi là một trong những cuộn sách bán chạy nhất châu âu của Thê kỷ 20.

Năm nay, nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày ra mắt cuộn tiểu thuyết cuối cùng của Remarque “Bóng tối thiên đường”, cũng như 70 năm ngày ra mắt cuộn tiểu thuyết “Đường về” và 50 năm ngày ra mắt cuốn Đêm ? , chúng tôi sẽ cố gắng giới thiệu với đọc giả lần lượt toàn bộ các tác phẩm vĩ đại của ông như một kỷ niệm hai cuộc Chiến tranh Thê giới trong Thê kỷ 20.

Sau đó, qua những tác phẩm này, chúng tôi muôn gửi gắm niềm tin vào nền hòa bình mà vì nó, suốt đời Remarque đã đấu tranh và phụng sự.


Lưu Sơn Minh .

HẾT
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM