Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:38:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273020 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #550 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:49:37 pm »

Bá tước phu nhân đưa mắt nhìn con; bà đã thấy cái vẻ hổ thẹn thay cho mẹ trên gương mặt Natasa, bà đã thấy rõ nàng xúc động đến nhường nào, và đã hiểu tại sao chồng bà không ngoảnh mắt lại nhìn bà. Bá tước phu nhân bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh.

- Chà, thôi các người muốn làm gì thì làm. Tôi có hề ngăn cản ai đâu? - Phu nhân nói, tuy vẫn chưa chịu thua hẳn.

- Mẹ ơi, mẹ yêu dấu của con, mẹ tha thứ cho con!
   
Nhưng bá tước phu nhân đẩy con gái ra và lại gần bá tước.

- Mình ạ! - mình xem nên thế nào thì cứ bảo nó làm… vừa rồi là vì tôi không rõ.

Phu nhân nói, mắt nhìn xuống đất như người có lỗi.

- Trứng… trứng mà lại đòi dạy khôn cho vịt… - bá tước nói nghẹn ngào qua những giọt nước mắt sung sướng ôm hôn phu nhân bấy giờ đang hài lòng được giấu khuôn mặt hổ thẹn của mình vào ngực chồng.

- Ba ơi, mẹ ơi! Cho con đi bảo họ nhé! Nhé… - Natasa nói. - Chúng ta vẫn sẽ mang theo những thứ gì cần thiết.
   
Bá tước gật đầu ưng thuận, và Natasa chạy rất nhanh như những khi chơi trò chạy thi, lao mình qua phòng lớn, đâm bổ vào phòng trước và nhảy xuống thang gác ra sân.
     
Gia nhân vây quanh Natasa và không chịu tin cái mệnh lệnh kỳ quái mà nàng truyền đạt lại, mãi cho đến khi bá tước phu thân hành thay mặt cho phu nhân ra xác nhận nhường tất cả các xe tải cho thương binh, còn rương hòm thì bỏ vào các nhà kho. Nghe xong, gia nhân vui mừng và cần măn bắt tay vào công việc mới. Bây giờ không những cho việc này là kỳ quặc, mà ai nấy còn thấy rằng không thể làm cách nào khác thế được.
     
Tất cả những người ở trong nhà, dường như lấy làm tiếc rằng, đã không làm việc này sớm hơn, đều đon đả bắt tay vào việc xếp chỗ cho các thương binh. Những người bị thương lê ra khỏi phòng, vây quanh mấy chiếc xe tải, gương mặt xanh xao nhưng mừng rỡ. Ở các nhà bên cạnh cũng có tin truyền đi là có xe tải chở thương binh, và những người bị thương có nghỉ ở các nhà khác bắt đầu lục tục kéo đến gia đình Roxtov. Trong số các thương binh có nhiều người yêu cầu đừng cất bỏ đồ đạc, cứ để cho họ ngồi lên trên.
       
Nhưng đồ đạc đã bắt đầu bỏ xuống rồi và không thể ngừng được nữa. Để lại tất cả hay để lại một nửa thì những bát đĩa, những tượng đồng, những bức hoạ, những tấm gương mà đêm qua họ đã ra công xếp đặt cẩn thận như vâỵ, thế nhưng họ vẫn tìm ra cách bỏ bớt thêm nhiều đồ đạc nữa để có thêm xe cho thương binh.

- Có thể chở thêm bốn người nữa - viên quản lý nói, - Tôi xin nhường chiếc xe chở đồ đạc của tôi, chứ không thì họ sẽ ra sao?

- Cả chiếc xe chở tủ quần áo của tôi nữa, - bá tước phu nhân nói, - Dunusia sẽ cùng ngồi xe với chúng tôi cũng được.
     
Chiếc tủ áo cũng được bỏ xuống, và chiếc xe được đánh đi đón thương binh ở cách đây hai nhà. Tất cả những người trong gia đình cũng như các gia nhân đều phấn chấn vui vẻ. Natasa bấy giờ ở trong một tâm trạng khích động và sung sướng mà đã từ lâu nàng chưa cảm thấy.

Mấy người đầy tớ đang cố buộc một chiếc hòm ở phía sau một cỗ xe. Họ nói:

- Làm thế nào mà buộc bây giờ? Ít ra cũng phải để lại một chiếc xe tải mới được.

- Hòm dựng gì thế? - Natasa hỏi.

- Đựng sách của bá tước.

- Để xuống. Vaxilits sẽ mang cất đi. Sách thì chẳng cần.
   
Trong xe đã chật ních. Họ băn khoăn hỏi nhau không biết Piotr sẽ ngồi vào đâu.

- Ngồi trên ghế xà ích ấy. Phải không Petya - Natasa gọi to.
   
Sonya cũng xếp dọn không ngừng tay; nhưng mục đích của nàng ngược hẳn với mục dích của Natasa. Nàng thu xếp những đồ đạc phải bỏ lại kê thành một danh sách theo nguyện vọng của bá tước phu nhân, và cố tim cách mang theo được từng nào hay từng ấy.
   
Đến khoảng hơn một giờ trưa bốn cỗ xe nhà của gia đình Roxtov chở nặng những đồ đạc và đã thắng ngựa sẵn sàng đứng ở trước thềm. Những chiếc xe tải chở thương binh lần lượt từ trong sân kéo ra.
   
Chiếc xe song mã chở công tước Andrey khi đi ngang trước thềm đã khiến Sonya chú ý; bấy giờ nàng đang cùng một người đày tớ gái xếp chỗ ngồi cho bá tước phu nhân trong chiếc xe cao lớn của bà đỗ ở cạnh thềm.
     
Sonya ló đầu ra cửa xe hỏi:

- Xe ai thế nhỉ?

- Thế tiểu thư không biết à? - người đầy tớ giải đáp, - Xe của vị công tước bị thương, tối qua ngủ tại nhà
ta đấy. Xe của công tước sẽ cùng đi với chúng mình.

- Công tước nào? Tên là gì?
     
Chàng rể ngày trước của nhà ta ấy mà, công tước Bolkonxki đấy! - Người đầy tớ thở dài đáp. Nghe nói sắp chết rồi thì phải.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #551 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:50:24 pm »

Sonya nhảy vụt ra khỏi xe và chạy đi tìm bá tước phu nhân lúc bấy giờ đã mặc quần áo đi đường, đội mũ và choàng khăn, vẻ mệt mỏi, đang đi đi lại lại trong phòng khách chờ những người trong gia đình đến đóng cửa phòng một lát(1) và cầu nguyện đôi chút trước khi ra đi. Natasa bấy giờ không có mặt ở trong phòng.

- Mẹ ơi! - Sonya nói, - Công tước Andrey đang ở đây, bị thương gần chết. Anh ấy sẽ cùng đi với nhà ta.
   
Bá tước phu nhân kinh hãi mở mắt ra và nắm lấy tay Sonya lấm lét nhìn quanh, thều thào:

- Natasa?
     
Đối với Sonya cũng như đối với bá tước phu nhân, tin này thoạt đầu chỉ có một ý nghĩa duy nhất. Họ đều biết rõ Natasa của họ, và mối lo cho tình trạng của nàng khi nàng biết tin này lấn át hết lòng thương đối với con người mà cả hai đều quý mến. Sonya nói:

- Natasa chưa biết; nhưng anh ấy sẽ đi cùng với chúng ta.

- Con vừa bảo là anh ấy sắp chết à?

Sonya gật đầu:

Bá tước phu nhân ôm chầm lấy Sonya mà khóc.
   
"Không ai lường hết được những con đường do Chúa định" - Bà nghĩ thầm, lòng cảm thấy trong tất cả những sự việc đang diễn ra đã bắt đầu hiện bàn tay quyền lực vô cùng mà trước kia mắt của con người không thể trông thấy.

- Mẹ ạ xong cả rồi đấy. Mẹ với Sonya có chuyện gì thế… - Natasa chạy vào phòng nói, gương mặt phấn chấn.

- Có chuyện gì đâu, - bá tước phu nhân nói, - Xong rồi à, thế thì ta đi, - Và phu nhân cúi xuống sát chiếc túi thêu để giấu vẻ mặt biến sắc đi vì xúc động. Sonya ôm lấy Natasa và hôn nàng.
   
Natasa đưa mắt nhìn Sonya có ý dò hỏi:

- Sonya làm sao thế? Có việc gì xảy ra?

- Không… chẳng có gì cả.
     
Natasa vốn rất tinh ý; nàng hỏi ngay:
     
Có chuyện không hay cho em à? Chuyện gì thế?
     
Sonya thở dài không đáp. Bá tước, Piotr, bà Schoss, Vaxilits bước vào phòng khách, họ đóng các cửa lại và mọi người im lặng ngồi xuống một lát, không ai nhìn ai.
     
Bá tước đứng dậy trước tiên và thở dài đánh phào một cái, đưa tay làm dấu thánh trước bức tượng thánh. Mọi người đều làm theo.
     
Rồi bá tước ôm hôn Mavra Kuzminísna là người sẽ ở lại Moskva và trong khi họ cầm lấy tay và hôn lên vai ông, bá tước vỗ nhè nhẹ lên lưng họ, miệng lắp bắp mấy câu gì không nghe rõ nhưng rất dịu dàng, ý chừng muốn an ủi họ. Bá tước phu nhân bỏ vào phòng bày tượng thánh, Sonya vào theo thì thấy phu nhân đang quỳ trước những bức tượng còn lại rải rác trên tường (những bức quý nhất, có gắn bó với nhiều kỉ niệm gia đình, thì đều được mang theo).
   
Trên thềm và trong sân, các gia nhân tuỳ hành đeo những chiếc dao găm và những thanh gươm mà Petya đã phân phát cho họ, ống quần xỏ vào ủng, mình nai nịt rất chặt, đang từ biệt những người ở lạì.
   
Cũng như ta vẫn thường thấy những khi ra đi, có rất nhiều vật bị bỏ quên hoặc không được xếp đặt chu đáo cho nên hai người hành bộc đứng hai bên cửa xe để chuẩn bị đỡ bá tước phu nhân bước lên bậc phải đứng chờ khá lâu, trong khi mấy người đày tớ gái từ trong nhà mang thêm nào là gối đệm, nào là tay nải chạy ra xe, hết xe này lại đến xe kia, rồi lại chạy vào nhà.

- Các người suốt đời cái gì cũng quên! - Bá tước phu nhân nói. - Mày cũng biết là tao có ngồi được thế này đâu!

Yefim nghiến răng không đáp, gương mặt biểu lộ vẻ oán trách, và nhảy vào xe sửa lại chỗ ngồi.

- Chà, cái bọn này! - Bá tước lắc đầu nói.

Lão Yefim. người xà ích duy nhất được bá tước phu nhân tin cậy và để cho đánh xe, ngất ngưởng trên ghế xà ích, không hề lần nào quay lại nhìn lại phía sau. Ba mươi năm kinh nghiệm đã cho lão biết rằng còn phải chờ lâu mới nghe câu: "Gửi Chúa!" và ngay đến khi ra lệnh lên đường, thì người ta cũng lại bảo dừng xe vài lần để sai người chạy về lấy mấy thứ bỏ quên, và sau đó lại bảo dừng xe một lát nữa, và tự thân bá tước phu nhân sẽ ló đầu ra cửa xe để dặn dò khẩn khoản lão ta cho xe đi cẩn thận mỗi lần xuống dốc. Lão biết như vậy cho nên lão cứ bình tâm chờ đợi, kiên nhẫn hơn mấy con ngựa, nhất là con ngựa hung thắng bên trái tên là Xokol, lúc bấy giờ đang dẫm chân và cắn hàm thiếc.

Cuối cùng mọi người đã lên xe. Bậc xe đã được nhấc lên và bỏ vào trong, cánh cửa xe đã đóng lại, phu nhân đã cho người chạy trở lại lấy thêm cái tráp; và đã dặn dò khi xuống dốc phải cấn thận. Lúc bấy giờ Yefim mới chậm rãi cất mũ và làm dấu thánh giá. Người quản mã và các gia nhân đều làm theo. Yefim đội mũ lên đầu nói:

- Gửi Chúa!
   
Người mã phu cho ngựa xuất phát. Con ngựa bên phải rướn cổ dưới chiếc vòng càng, những ổ díp cao kêu cót két, và thùng xe lắc lư chuyển đi. Người hành bộc nhảy lên chiếc xà ích trong khi chiếc xe chuyển bánh. Chiếc xe khi ra đến đường cái vấp bánh vào tảng đá lát dường gập nghềnh và xóc lên một cái; các xe khác khi đi ngang chỗ đó cũng lần lượt xóc lên, và đoàn xe nối đuôi nhau trên đường phố đi ngược lên dốc. Khi đi ngang qua chiếc nhà thờ ở trước mặt, mọi người ở trên xe kiệu, xe mui, xe Briska đều làm dấu thánh giá. Các gia nhân ở lại Moskva đi hai bên đoàn xe, tiễn chân những người ra đi một đoạn.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #552 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:51:23 pm »

Natasa ít khi có được một cảm giác vui mừng như bấy giờ khi ngồi cạnh bá tước phu nhân trong cỗ xe ngắm những bức tường của Moskva đang bị rời bỏ chậm rãi lùi về phía sau, rồi nhìn ra sau.
     
Thỉnh thoảng nàng lại thò đầu ra ngoài cửa sau, rồi nhìn về phía trước, xem đoàn xe tải dài chở thương binh đi trước xe họ. Ở quãng đầu của đoàn xe này có thể trông thấy chiếc xe song mã buông mui kín của công tước Andrey. Nàng không biết người nào đang ở trên xe, nhưng cứ mỗi lần muốn biết vị trí của đoàn xe nàng lại đưa mắt tìm chiếc xe song mã. Nàng biết rằng nó đi đầu đoàn.

Ở Kudrin có mấy đoàn xe tương tự như đoàn xe của nhà Roxtov. Từ phố Nikitxkaya, từ Prexnya, từ
Potnivinxki đổ ra và dọc phố Xadovaya bấy giờ đã có hai hàng xe nhà và xe tải đi song song.

Khi đi xung quanh tháp Xukharev, Natasa bấy giờ đang tò mò đưa mắt nhanh nhìn qua những đám người đi xe và đi bộ, bỗng vui mừng và ngạc nhiên reo to:

- Trời ơi! Mẹ xem kìa, Sonya xem kìa, đúng là anh ấy!

- Ai? Ai?

- Xem kìa, trời ơi, anh Bezukhov đấy? - Natasa nói, người chồm ra ngoài cửa xe nhìn một người cao to lớn
và to béo mặc áo kaftan kiểu như những người đánh xe ngựa thường mặc, cứ trông dáng người và cách đi cũng rõ là người quý tộc cải trang, đang đi cạnh một ông già thấp bé không có râu tiến về phía cái cổng tò vò ở tháp Xukharev. Natasa nói:

- Trời ơi, đúng là anh Bezukhov mặc áo kaftan, đi với một ông già bé loắt choắt như trẻ con ấy. Trời ơi, xem kìa, xem kìa!

- Không phải đâu, làm gì có chuyện vô lý thế.

- Mẹ ơi! - Natasa kêu to lên, - Không phải anh ấy thì mẹ cứ chặt đầu con đi! Con cam đoan với mẹ như thế. Đứng lại, đứng lại! - nàng thét người đánh xe; nhưng người đánh xe không sao dừng lại được vì lúc bấy giờ từ phố Messanxkaya lại có thêm những đoàn xe nhà và xe tải kéo ra, họ cứ quát tháo đoàn xe của gia đình Roxtov, giục đi đi để khỏi nghẽn lối người khác.
     
Quả nhiên, tuy bấy giờ xe đã đi cách chỗ lúc nãy, mọi người trong gia đình Roxtov đều trông thấy Piotr, hay là một người nào giống Piotr một cách dị thường, mặc áo kiểu kaftan của những người đánh xe, đang bước trên đường phố, đầu cúi gầm và vẻ mặt nghiêm trang, bên cạnh một ông già nhỏ không có râu, trông như một người nô bộc. Ông già đã để ý thấy người con gái ở trong cửa xe nhòm ra, và kính cẩn chạm vào khuỷu tay Piotr, vừa nói gì với chàng vừa chỉ về phía chiếc xe song mã. Piotr hồi lâu không hiểu ông ta nói gì, vì hình như chàng đang mải suy nghĩ miên man. Cuối cùng, khi đã hiểu chàng nhìn theo hướng tay chỉ, nhận ra Natasa và chưa kịp suy nghĩ, chàng lập tức tiến về phía xe. Nhưng đi được mươi bước, chàng lại như sực như nhớ ra điều gì, liền dừng lại.

Natasa bấy giờ đang chồm ra ngoài cửa sổ, gương mặt nàng vụt sáng lên trong một nụ cười trìu mến và chế giễu.

- Anh Piotr Kirilyts! Lại đây nào! Chúng tôi nhận ra anh rồi! Thật là kì lạ - nàng giơ tay về phía Piotr gọi to.

- Anh làm sao thế? Sao anh lại mặc thế này?

Piotr cầm lấy bàn tay giơ ra và vừa bước vừa hôn lên bàn tay một cách vụng về (vì lúc bấy giờ xe vẫn tiếp tục đi)

- Bá tước làm sao thế? - Phu nhân hỏi, giọng ngạc nhiên và có ý thương xót.

- Làm sao? Tại sao à? Thôi xin miễn hỏi, - Piotr nói đoạn đưa mắt nhìn Natasa lúc bấy giờ đang nhìn chàng với đôi mắt long lanh (ngay khi chàng chưa nhìn. Piotr cũng đã cảm nhận được luồng mắt của nàng), toả ra một ánh sáng huyền diệu đang thấm sâu vào người chàng.

- Anh thì thế nào? Hay là ở lại Moskva?

Piotr im lặng một lát rồi hỏi, có vẻ ngơ ngác:

- Ở lại Moskva? À vâng, ở lại Moskva. Thôi xin chào cô.

- Chà giá được làm đàn ông, tôi sẽ ở lại với anh ngay. Ờ hay quá - Natasa nói, - Mẹ cho con ở lại mẹ nhé.
Piotr thẫn thờ nhìn Natasa và toan nói một câu gì, nhưng bá tước phu nhân đã ngắt lời:

- Nghe nói bá tước có dự trận vừa rồi thì phải?

- Vâng, có, - Piotr đáp. Ngày mai sẽ có thêm một trận nữa - Piotr bắt đầu nói, nhưng Natasa đã ngắt lời chàng.

- Nhưng anh làm sao thế? Trông anh lạ quá.

- Thôi, xin đừng hỏi tôi, đừng hỏi nữa, chính tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao cả. Ngày mai, à không? Thôi xin chào. Xin chào nhé, thời buổi thật là khủng khiếp!

Nói đoạn chàng bỏ đi lên vỉa hè.

Natasa vẫn chồm ra cửa xe, và ánh mắt sáng trong trẻo của nụ cười trìu mến, vui vẻ, hơi giễu cợt của nàng hồi lâu còn chiếu dõi theo Piotr.

==============================================================

Chú thích:

(1) Theo phong tục Nga, khi tiễn biệt người đi xa, gia quyến đường ngồi im một lúc.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #553 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:53:05 pm »

Phần XI
Chương -17 - 18

Từ ngày bỏ nhà ra đi mất tích, nghĩa là đã hai hôm nay, Piotr trú ở gian nhà trống trải của Bazdeyev, vị ân nhân quá cố. Nguyên đầu đuôi  như thế này.
     
Sáng hôm ấy, sau khi trở về Moskva và gặp   bá tước Raxtovsin, Piotr ngủ dậy và ngơ ngác hồi lâu không hiểu mình đang ở đâu và người ta muốn gì mình. Đến khi người nhà vào báo cho chàng biết tên những nhân vật đang đợi chàng ở ngoài phòng khách, trong đó có một người Pháp mang đến cho một bức thư của bá tước phu nhân, Elena Vaxilievna, chàng bỗng thấy có cảm giác bàng hoàng và tuyệt vọng đã nhiều lần khống chế tâm hồn chàng. Chàng bỗng hình dung giờ chẳng còn gì nữa, mọi vật đều hỗn loạn, sụp đổ, không còn có cái gì là phải, cái gì là trái, trước mắt chàng sẽ không còn có triển vọng gì nữa, và không thể có một lối nào thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Chàng mỉm cười gượng gạo, lắp bắp mấy tiếng trong miệng, rồi ngồi phịch xuống đi-văng, người như rã rời ra, rồi lại đứng dậy đến ghé mắt vào khe cửa nhìn ra phòng tiếp khách, rồi lại khoát tay một cái trở về chỗ cũ và vớ lấy một quyển sách.
       
Người quản gia vào bảo Piotr một lần nữa rằng cái người Pháp đem thư của bá tước phu nhân lại khẩn khoản xin gặp chàng, dù chỉ một phút cũng được, và có người nhà bà quả phụ ở L.A Bazdeyev đến mời chàng lại nhận sách, vì bản thân bà Bazdeyev thì đã về quê rồi.

- À phải, tôi ra ngay, khoan đã… Hay là thôi… à không, anh ra nói với họ là tôi sẽ ra ngay, - Piotr nói với viên quản gia.
     
Nhưng viên quản gia vừa ra khỏi phòng làm việc thì Piotr liền với lấy cái mũ đặt trên bàn và đi cửa sau ra khỏi phòng làm việc.
     
Trong hành lang không có ai cả. Piotr đi hết dãy hành lang đến cầu thang nhăn mặt, đưa tay lên xoa trán rói đi xuống thang gác cho đến chỗ trạm hàng thứ nhất. Người gác cổng đang đứng ở trước cửa chính. Từ chỗ đầu cầu thang Piotr đang đứng, có một cái thang khác đưa ra ngoài cửa sau, Piotr đi theo cầu thang ấy và ra sân. Không có ai trông thấy chàng cả. Nhưng ở ngoài phố, khi chàng vừa ra khỏi cổng, thì mấy người xà ích đứng bên xe và người gác cổng nhận ra chủ nhân và cất mũ chào chàng. Cảm thấy mắt họ đang đổ dồn vào mình, Piotr liền hành động như con đà điểu rúc đầu vào bụi để cho người ta đừng trông thấy mình: chàng cúi đầu và rảo bước đi thật nhanh ra ngoài phố.
     
Trong tất cả các công việc mà Piotr phải làm sáng hôm ấy, chỉ có việc đến lựa chọn sách vở và giấy tờ của Ioxif Bazdeyev là quan trọng hơn cả.
   
Gặp một chiếc xe thuê, chàng gọi ngay và bảo đánh đến đầm Patnarsi, nơi bà quả phụ Bazdeyev ở.
     
Ngồi trên xe, chàng cứ đưa mắt chung quanh nhìn những đoàn xe đang kéo ra ngoài thành Moskva, và chốc chốc lại ngồi lại cho ngay ngắn để cho cái thân hình to béo của chàng khỏi tụt ra ngoài chiếc xe cũ kỹ chạy lắc lư. Chàng có một cảm giác vui mừng như cảm giác một dứa trẻ vừa chốn học ra khỏi trường học. Piotr bắt chuyện với người xà ích.
     
Người xà ích kể cho chàng nghe là hôm nay ở điện Kreml sẽ phát vũ khí, và đến mai người ta sẽ lùa hết dân ra cửa ô Trigorư, và ở đấy sẽ có một trận đánh lớn.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #554 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:53:53 pm »

Đến đầm Patriarsi, Piotr đi tìm căn nhà của Bazdeyev, nơi mà đã lâu nay chàng không lui tới. Chàng đến gần cổng vườn Geraxim, ông già vàng võ, thấp bé mà năm năm về trước Piotr đã từng gặp đi với Ioxif Bazdeyev ở Torzok, nghe chàng đấm cổng liền chạy ra.

- Có ai ở nhà không? - Piotr nói.

- Thưa đại nhân, vì tình hình hiện nay, bà Sofia Danilovna đã đưa các cháu về làng Torzok rồi ạ.

- Tôi cũng cứ vào, tôi phải đến lựa sách, - Piotr nói.

- Xin ngài cứ vào ạ, xin mời ngài, - người lão bộc nói. - Người em trai của ông Ioxif Bazdeyev hiện ở lại đây, và như ngài cũng rõ, ông ấy… dở hơi.
     
Piotr biết rằng Makar Alekxeyevich, em trai của Ioxif Bazdeyev, là một người dở hơi điên dại, suốt ngày uống rượu.

- Phải, phải, tôi biết. Ta vào đi, ta vào đi… -  Piotr nói đoạn bước vào nhà.
   
Một ông già to lớn, đầu hói, mũ đỏ, đi chân không trong đôi giày bọc đang đứng ở cửa ra vào, trông thấy Piotr, ông ta có vẻ phật ý, càu nhàu mấy tiếng gì không rõ và đi vào hành lang.

Geraxim nói:

- Trước kia ông ấy thông minh lỗi lạc, nhưng bây giờ, ngài cũng thấy đấy, bây giờ ông ấy dở hơi. Vào phòng làm việc chứ ạ?
     
Piotr gật đầu.

- Phòng này đã được niêm phong, bây giờ vẫn y nguyên. Nhưng bà Sofia Danilovna đã dặn hễ có người nhà ngài đến thì giao sách lại.

Piotr bước vào. Đây chính là căn phòng làm việc âm u mà hồi vị ân nhân còn sống cứ mỗi lần vào, chàng lại bồi hồi xúc động. Căn phòng ấy bây giờ đã phủ bụi và không có ai dộng đến từ ngày Ioxif Alekxeyevich qua đời, nên lại càng có vẻ u ám thêm.
   
Genraxim mở một cánh cửa sổ và rón rén bước ra khỏi phòng.
     
Piotr đi quanh căn phòng làm việc, lại gần chiếc tủ đựng các thủ cảo và lấy ra một tập giấy. Đây là một trong những thành tích quý giá nhất của hội: tập hiến chương Scotland chính bản có những lời ghi chú và thuyết minh của vị ân nhân. Chàng ngồi xuống trước cái bàn giấy phủ bụi và đặt tập thư cảo trước mặt giở ra, gấp lại một lát rồi ẩy ra xa, chống khuỷu tay ôm đầu suy nghĩ.

Đã mấy lần Genraxim thận trọng ghé nhìn vào phòng mà vẫn thấy Piotr ngồi ở tư thế đó. Hơn hai giờ trôi qua, Genraxim đánh bạo làm ồn ở ngoài cửa để Piotr chú ý. Nhưng Piotr không nghe thấy gì cả.

- Thưa ngài cho chiếc xe thuê đi chứ ạ?

- À phải, - Piotr sực tỉnh và vội vàng đứng dậy. - Này bác Geraxim, - chàng nói, rồi nắm lấy khuy áo ngoài của người lão bộc, chàng đưa đôi mắt ướt sáng long lanh và hứng khởi từ trên cao nhìn xuống Geraxim. -
Này bác, bác cũng biết ngày mai có một trận đánh nhau chứ?

- Nghe họ bảo thế, - Geraxim đáp.

- Tôi yêu cầu bác đừng nói cho ai biết tôi là ai. Và bác hãy làm theo những điều tôi bảo…

- Xin vâng lệnh, - Geraxim nói. - Bẩm ngài có muốn tôi dọn thức ăn không ạ?

- Không, tôi cần cái khác kia. Tôi cần một bộ áo nông dân và một khẩu súng ngắn, - Piotr nói đoạn bỗng đỏ mặt.
     
Geraxim ngâm nghĩ một lát rồi nói:

- Xin vâng lệnh ạ.
     
Suốt ngày hôm ấy, Piotr ngồi lại một mình trong gian phòng làm việc của vị ân nhân, bứt rứt đi từ góc này sang góc nọ (Geraxim nghe rõ bước chân của chàng và đoán biết như vậy), mồm lắp bắp nói một mình, và đêm đó chàng ngủ lại trong chiếc giường dọn cho chàng ngay trong phòng làm việc.
   
Với thói quen của một người đày tớ đã từng trông thấy nhiều điều kỳ lạ trong đời mình, Geraxim không ngạc nhiên khi thấy Piotr đến như vậy, lão lại còn có vẻ hài lòng là đã có một người để mà hầu hạ. Ngay tối hôm ấy, không hề tự hỏi xem tại sao Piotr lại cần những thứ đó làm gì, lão đi kiếm cho chàng một cái áo kaftan, một cái mũ chụp và hứa là đến mai sẽ kiếm khẩu súng ngắn.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #555 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:54:39 pm »

Tối hôm ấy, Makar Alekxeyevich hai lần đi giày bọc lẹp bẹp đến gần của sổ rồi đứng lại nhìn Piotr có vẻ khúm núm. Nhưng Piotr vừa quay mặt lại thì hắn ta lộ vẻ xấu hổ và tức giận, khép vạt áo dài ngủ và vội vàng lảng đi. Trong khi Piotr mình mặc chiếc áo kaftan của anh xà ích mà Geraxim đã kiếm được và đã dùng hơi nước giặt cho chàng, cùng người lão bộc đến tháp Xukharev để mua súng ngắn, chàng đã gặp gia đình Roxtov.

18.

Đêm mồng tám tháng chín Kutuzov ra lệnh cho quân đội Nga rút qua Moskva kéo ra con đường Ryazan.
Những đoàn quân đầu tiên khởi hành từ lúc đang đêm. Trong đêm tối, các đạo quân bước không vội vã, chậm rãi và tuấn tự chuyển đi; nhưng vào lúc tờ mờ sáng, khi tiến đến gần cầu Dorogomilov, họ trông thấy ở phía trước mặt, bên kia sông, có những đoàn quân đông nghìn nghịt đang vội vã chen chúc nhau bên cầu kéo lên ùn ùn chật cả đường phố và ngõ hẻm, và ở phía sau lại có những đám quân dày đặc đang thúc họ. Và một cảm giác sốt ruột, hối hả, một nỗi hoang mang vô cớ bỗng tràn vào đám quân phía trước, về phía cầu, chạy lên cầu, đổ xuống những chiếc cầu, đổ xuống những chiếc thuyền và những chỗ nông có thể lội qua được, Kutuzov ra lệnh dẫn ông đi vòng qua những phố chu vi, sang bờ bên kia Moskva.
   
Vào khoảng mừơi giờ sáng ngày mồng hai tháng chín, trong khu ngoại Dorogomilov rộng thênh thang, người ta chỉ thấy còn lại những đơn vị của đạo hậu quân. Đại quân đã kéo hết sang bên kia sông và ra khỏi thành Moskva.

Cũng vào lúc ấy, hồi mười chín giờ sáng ngày mồng hai tháng chín, Napoléon đang đứng ở giữa các đạo quân trên đồi Poklonny đưa mắt nhìn cái quanh cảnh đang mở rộng ra trước mặt mình. Kể từ ngày hai mươi sáu tháng tám cho đến khi quân địch tiến vào Moskva, suốt trong tuần lễ rộn ràng và đáng ghi nhớ ấy, ngày nào cũng có cái thời tiết mùa thu khác thường bao giờ cũng làm cho lòng người phải bỡ ngỡ, khi mặt trời như thấp xuống, toả một ánh nắng ấm hơn mùa xuân, và trong làn không khí loãng và trong, mọi vật đều ánh lên sáng ngời trông chói cả mắt; khi mà lồng ngực thấy khoẻ khoắn và mát mẻ vì thở làn không khí thơm ngát của mùa thu; khi mà ngay cả ban đêm trời vẫn ấm áp, và trong những đêm tối tăm ấm áp ấy những ngôi sao hên tiếp đổi ngôi toả thành những vệt bụi vàng khiến lòng người sợ hãi và vui mừng.
Ngày mồng hai tháng chín, hồi mười giờ sáng, khí trời cũng như vậy. Ánh sáng ban mai thật là thần diệu.
Từ ngọn đồi Poklonny trông xuống, Moskva trải rộng ra bát ngát với con sông, với những khu vườn, những ngôi nhà thờ của nó, và tưởng chừng như đang sống cuộc sống mọi ngày, với những ngon tháp mái vòm rung rinh trong ánh nắng, lấp lánh như những vì sao.

Đứng trước cái thành phố kỳ lạ với những đường nét chưa hề thấy của một kiểu kiến trúc khác thường, Napoléon có cái cảm giác hiếu kỳ phảng phất lòng lo âu và ganh tị mà người ta thường trộng thấy những hình thức sinh hoạt xa lạ không hề biết đến mình.
   
Rõ ràng là thành phố này đang sống với tất cả sức sống mãnh liệt của nó. Có những dấu hiệu khó nói rõ, nhưng cho phép người ta dù ở cách xa vẫn có thể phân biệt không lầm lẫn một thân thể đang sống với một thây ma. Từ ngọn đồi Poklonny, Napoléon trông thấy cuộc sống đang rộn ràng trong thành phố và cảm thấy cái thân thể lớn lao và đẹp đẽ ấy như đang thở phập phồng.
   
Ai đã là người Nga, khi nhìn vào Moskva cũng phải cảm thấy rằng đây là người mẹ của mình; một người ngoại quốc thì khi nhìn tuy không hiểu cái ý nghĩa mẹ hiền của nó, cũng phải cảm thấy cái bản sắc phụ nữ của thành phố này. Napoléon cũng cảm thấy điều đó.
     
Cái thành phố Á đông với vô số nhà thờ này, Moskva thành phố thần thánh! Nó kia rồi, cái thành phố lừng lẫy ấy! Thật đã đến lúc! Napoléon nói đoạn ngồi xuống ngựa và sai trải ra trước mặt một bản địa đồ của cái thành phố Moscou này, rồi cho gọi phiên dịch viên Leorn Didivl lại.
   
"Một thành phố bị địch chiếm đóng cũng giống như một người con gái đã mất danh tiết" - ông nghĩ thầm (trước đây ở Smolensk, ông cũng đã từng nói với Tutskov như vậy). Và dưới nhãn quan ấy ông ngắm nhìn nàng mỹ nữ phương Đông đang nằm trước mặt ông ta, nàng mĩ nữ mà xưa nay ông chưa từng được nom thấy. Bản thân ông ta cũng phải lấy là quái lạ rằng niềm ước vọng mà ông ta hằng ấp ủ từ lâu và vẫn có cảm tưởng như không thể nào thực hiện được bây giờ đã thành sự thực. Trong ánh sáng trong trẻo của buổi ban mai, ông đưa mắt hết nhìn vào thành phố lại nhìn tấm địa đồ, kiểm tra lại từng chi tiết trong thành phố. Và lòng tin tưởng chắc chắn là mình sắp chiếm hữu được thành phố này khiến ông bồi hồi và kinh hãi.
   
"Nhưng có thể nào lại khác đi được? - ông thầm nghĩ. - Nó đây rồi, cái kinh đô ấy đang nằm dưới chân ta, chờ đợi người ta định đoạt số phận của nó. Bây giờ vua Alekxandr ở đâu? Ông ta nghĩ gì? Thật là một thành phố kì dị, đẹp đẽ và hùng vĩ! Và giây phút này cũng đẹp đẽ và hùng dũng làm sao! - Nghĩ đến quân sĩ, Napoléon tự hỏi - Họ sẽ nhìn ta như thế nào đây? Nó đây rồi, món quà thưởng cho tất cả những kẻ thiếu lòng tin ấy, - Napoléon thầm nghĩ trong khi nhìn bọn cận thần và những đoàn quân đang tiến lại gần và dàn thành hàng ngũ. - Chỉ cần ta nói một lời, chỉ cần ta vẫy tay một cái, thì cả kinh đô cổ kính của các Sa hoàng sẽ thành tro bụi. Nhưng lòng khoan dung của ta bao giờ cũng sẵn sàng soi xuống những kẻ chiến bại". Ta phải có đại lượng và hoạt động như một vĩ nhân chân chính… Nhưng không, không phải ta đã ở Moskva thật đâu, - ý nghĩa đó vụt thoáng qua trí óc Napoléon.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #556 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:55:21 pm »

- Thế nhưng chính nó đang nằm dưới chân ta, với những mái tháp vòm khum và những chiếc thập tự thiếp vàng đang lung linh trong ánh nắng. Nhưng ta sẽ để cho nó được nguyên vẹn. Trên những di tích cổ kính của man rợ và chuyên chế, ta sẽ viết lên hai chữ công lý và khoan hồng cao cả… Chính cái đó sẽ làm cho Alekxandr thấm thía và xót xa hơn cả, ta biết rõ con người ấy. (Napoléon có cảm tưởng là ý nghĩa chủ yếu của những việc đang xảy ra bao gồm trong cuộc tranh chấp cá nhân giữa mình với Alekxandr). Từ trên điện Kreml cao chót vót - phải, đó chính là điện Kreml, - ta sẽ ban cho họ những đạo luật của công lý, ta sẽ làm cho con cháu những người boyar(1) phải nhắc nhở một cách trìu mến tên tuổi của những người đã chinh phục họ. Ta sẽ nói với phái đoàn của họ rằng trước kia cũng như bây giờ ta không hề muốn chiến tranh; rằng sở dĩ ta tiến hành một cuộc chiến tranh chỉ là vì muốn chống lại cái chính sách man trá của triều đình họ, rằng ta yêu quý và kính trọng Alekxandr và ở Moskva ta sẽ chấp nhận các điều khoản hoà ước xứng đáng với ta và với các dân tộc được ta trị vì.
   
Ta không muốn lợi dụng những thắng lợi trong cuộc chiến tranh để làm nhục nhà vua đáng kính. Ta sẽ nói với họ: Hỡi các vương công, ta không muốn chiến tranh, ta muốn hoà bình và hạnh phúc, cho tất cả các thần dân của ta. Vả chăng ta cũng biết rằng khi có mặt họ, lòng ta sẽ cảm hứng, và ta sẽ nói với họ như ta vẫn thường nói xưa nay: rõ ràng, trang trọng và cao cả.   "Nhưng thế ra ta đến Moskva thật ư? Phải, chính nó kia rồi!"
   
Truyền cho dẫn các boyar Nga đến gặp ta! - Napoléon quay lại nói với đoàn tuỳ tùng. Một viên tướng lập tức phi ngựa đi tìm đoàn boyar, cùng với một tốp sĩ quan hầu cận quan trọng.

Hai giờ trôi qua, Napoléon ăn điểm tâm sáng rồi trở lại đứng ở chỗ cũ, trên đồi Poklonny, đợi đoàn đại biểu đến. Những lời sẽ nói với các vương công kia đã hình thành rõ rệt trong trí tưởng tượng của Napoléon, Bài diễn từ ấy sẽ có đủ các tư cách chững chạc, cái phong vị cao cả đúng như Napoléon quan niệm.
     
Cái giọng khoan dung mà Napoléon định sử dụng ở Moskva làm cho bản thân ông ta thấy say sưa, trong tưởng tượng, ông ấn định những ngày hội họp trong cung điện các Sa hoàng trong buổi họp ấy, các vương công Nga sẽ gặp mặt các đại thần của hoàng đế Pháp. Ông bổ nhiệm trong trí óc một viên tổ chức biết cách lấy lòng dân. Được biết rằng ở Moskva có nhiều tổ chức từ thiện, ông quyết định trong tưởng tượng là sẽ ban cấp rất nhiều ân huệ cho các tổ chức này. Ông nghĩ rằng nếu ở châu Phi phải mặc áo burnu ngồi trong đền Hồi Giáo, thì ở Moskva cũng phải có lòng từ thiện như các Sa hoàng. Và để làm cho người Nga cảm động đến tận đáy lòng - cũng như mọi người Pháp, ông không thể tưởng tượng ra một cái gì cảm động mà lại không nhắc nhở đến người mẹ yêu dấu, người mẹ dịu hiền, người mẹ đáng thương của tôi - Napoléon quyết định là trên tất cả các toà nhà từ thiện ấy sẽ ra lệnh đề bằng chữ lớn: Toà nhà này dâng mẹ tôi. Không chỉ nên đề: "Nhà của mẹ tôi" - ông tự chủ như vậy. - "Nhưng thế ra ta ở Moskva thật rồi ư? Phải, đây, nó đang ở trước mắt ta. Nhưng sao đoàn đại biểu thành phố mãi vẫn chưa thấy đến?"
   
Trong khi đó, ở các hàng phía sau của đoàn tuỳ giá, các tướng quân và thống soái của hoàng đế được phái đi tìm đoàn đại biểu đã trở về báo tin rằng Moskva nay không còn lấy một bóng người, dân cư đều đã bỏ đi hết, kẻ đi xe, người đi bộ. Gương mặt của những người đương bàn tán đến tái mét và lộ vẻ khích động. Họ kinh hãi không phải vì thành Moskva đã bị dân chúng dời bỏ (tuy biến cố này cũng có vẻ rất quan trọng), và lại vì không biết nên báo tin này với hoàng đế như thế nào cho khỏi đặt ngài vào cái tình trạng đáng sợ mà người Pháp gọi là le ridicule (lố bịch), không biết làm thế nào để tâu lại với ngài là người chờ đợi bọn boyar lâu như vậy chỉ uổng công, là quả có những đám người say rượu ở trong thành, nhưng ngoài ra chẳng còn ai nữa. Người thì nói rằng thế nào cũng phải tập hợp cho kỳ được một đoàn đại biểu nhì nhằng gì đó, người thì bác lại ý kiến này và bảo rằng cần phải khôn khéo và thận trọng chuẩn bị tư tưởng cho hoàng thượng rồi tâu rõ sự thật để ngài biết.

- Dù sao thì cũng phải tâu để ngài rõ… - các vị trong đoàn tuỳ giá nói - Nhưng, thưa các ngài… tình thế lại càng nan giải hơn nữa là vì hoàng đế bây giờ đang kiên nhẫn đi đi lại lại trước tấm bản đồ suy nghĩ đến những kế hoạch phô trương lòng khoan dung đại độ của mình, thỉnh thoảng lại đưa tay lên che mắt nhìn xuống con đường dẫn vào Moskva, môi mỉm một cười vui vẻ và kiêu hãnh.

- Nhưng không thể như vậy được! - Các ngài trong đoàn tuỳ tùng nhún vai nói, họ không sao dám nói lên cái chữ kinh khủng mà họ đều nghĩ thầm trong bụng: ridicule (lố bịch).
     
Trong khi đó hoàng đế chờ mãi chẳng thấy gì đã phát chán, và với các trực giác bén nhạy của người kép hát, ngài đã cảm thấy rằng cái phút uy nghi này kéo dài quá lâu nên đã bắt đầu mất cái tính chất uy nghi của nó. Ngài liền vẫy tay ra hiệu. Một phát súng lệnh đơn độc nổ vang, và các đoàn quân đang vây bọc Moskva liền tiến về các cửa ô Tver, Kaluga và Dorogomilov. Các đoàn quân tiến mỗi lúc một nhanh, đơn vị này vượt qua đơn vị kia, bộ binh thì chạy, kỵ binh thì phóng nước kiệu, che phủ trong những hàng bụi mù mịt do họ tung lên, và reo hò vang dậy, tiếng reo hò hoà lẫn vào nhau, làm chấn động cả một góc trời.
   
Bị thế quân tiến ào ạt lôi cuốn theo, Napoléon cùng quân sĩ cưỡi ngựa đến cửa ô Dorogomilov. nhưng đến đây ông ta lại dừng lại xuống ngựa, và đi đi lại lại hồi lâu trước bức thành của toà Kamer Kolesxki, chở đoàn đại biểu.

========================================================

Chú thích:

(1) Đại quý tộc Nga, chỗ dựa của Sa hoàng (bãi bỏ từ năm 1750)

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #557 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:56:43 pm »

Phần XI
Chương -19 -20

Trong khi đó thì Moskva đã trống rỗng. Trong thành phố cũng hãy còn có người, một phần năm mươi trong số dân cư vân còn ở lại nhưng thành phố vẫn trống rỗng. Nó trống rỗng như một tổ ong đã mất chúa đang thoi thóp chết dần.

Trong một tổ ong đã mất con ong chúa rồi thì không còn có sự sống nữa, nhưng nếu chỉ nhìn hời hợt bên ngoài thì nó cũng có vẻ sinh động như những tổ khác.
     
Dưới những tia nắng nóng ran của mặt trời buổi trưa, ong vẫn bay lượn thành vòng quanh cái tổ mất chúa, cũng như quanh các tổ ong còn sống; từ xa cũng ngửi thấy mùi mật trong tổ đưa ra, những con ong thợ vẫn bay ra bay vào như cũ. Nhưng chỉ cần ghé mắt nhìn kỹ vào tổ cũng đủ hiểu rằng ở đấy không còn có sự sống nữa.

Ong tuy có bay nhưng không phải như là ở các tổ còn sống, mùi mật và tiếng vo ve cũng chẳng phải là cái mùi mật và cái tiếng vo ve bình thường, khiến người nuôi ong phải kinh ngạc, khi người nuôi ong gõ vào vách cái tổ ong có bệnh, thì không hề nghe tiếng vo ve đều đều lập tức đáp lại như trước kia, tiếng của hàng vạn con ong chồng ngược thân sau lên và phẩy cánh vù vù gây nên cái âm thanh nhẹ nhàng như hơi thở của sự sống. Ở đây chỉ có những tiếng vù vù rời rạc, mỗi tiếng một phách, từ góc này góc khác của tổ ong trống rỗng phát ra. Từ cửa tổ không còn phảng phất cái mùi thơm ngát, nồng sâu của mật ong và nọc ong, không còn toả ra cái hơi ấm của sự no đủ như trước nữa; mà trong mùi mật có lẫn cả cái mùi của sự trống trải cả tan rữa. Ở cửa tổ không còn có những quân canh mẫn cán cong đít lên sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc. Không còn cái âm thanh khe khẽ và đều đều như tiếng nước sôi báo hiệu công cuộc lao động rầm rộ tiến hành, chỉ nghe có tiếng ồn ào rời rạc, lạc điệu của cảnh hỗn độn. Những con ong kẻ cướp mình đen và dài bê bết những mật bay ra bay vào một cách rụt rè mà khéo léo; chúng không đốt người, mà lại lẩn tránh nguy hiểm.

Trước kia chỉ có những con ong mang nhuỵ hoa bay vào tổ, còn những con bay ra thì bay mình không; bây giờ thl những con bay ra cũng mang mật theo ra. Người nuôi ong mở ngăn dưới của tổ ong ra xem. Trước kia những đám ong đen kịt, bỗng đầy mật, yên tĩnh vì đã làm được việc nhiều, chân con này bám vào chân con kia thành chùm treo xuống tận đáy, những con ong bò đi kéo sát trong tiếng rì rào không ngớt của lao động, thì bây giờ chỉ còn thấy những con ong khô héo, ngái ngủ, vật vờ đi lang thang trên thành và trên đáy tổ. Trước kia tấm sàn phết nhựa được cánh ong quạt sạch bóng, thì nay trên sàn ngổn ngang những mảnh sáp, những mảnh cứt ong, những con ong chết dở chỉ còn khẽ cựa chân và những con ong đã chết hẳn còn bỏ đó.

Người nuôi ong mở ngăn trên ra xem. Trước kia từng đãy ong dày đặc bịt kín tất cả các ngăn mật và sưởi ấm cho trứng ong, thì bây giờ chỉ thấy cái cơ cấu tinh vi phức tạp của các ngăn sáp, nhưng không còn cái vẻ trinh bạch như cũ nữa.  Tất cả đều bị bỏ lại và đã ô uế. Những con ong đen kẻ cướp lấm lét trườn đi rất nhanh trên các công trình cũ; những con ong nhà, khô héo, teo tóp, uể oải như già cỗi hẳn đi, lê bước chậm chạp, không làm vướng ai, không còn mong muốn gì nữa và đã mất hết ý thức về cuộc sống.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #558 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:57:21 pm »

Những con ong vẽ, ong bầu, những con nhặng và những con bươm bướm bay quờ quạng húc đầu vào vách tổ. Đây đó, giữa các bánh sáp lác đác những con ong con đã chết và những đám mật, thỉnh thoảng lại nghe những tiếng vù vù bất mãn; ở đâu đấy hai con ong theo thói quen cũ đang dọn tổ, chúng cần thận cố sức kéo lê một cái xác ong hay một con nhặng chết ra ngoài tuy cũng chẳng biết để làm gì. Trong một góc khác hai con ong già uể oải đánh nhau, hoặc chuốt mình cho sạch, hoặc mớn cho nhau ăn, tuy cũng chẳng biết mình làm như vậy là có ý thân thiện hay thù địch. Ở một chỗ thứ ba, một đám ong xéo cả lên nhau ùa vào đánh túi bụi một con bọ cho kỳ chết. Thỉnh thoảng một con ong đã mệt lả hay bị giết chết từ từ rơi xuống đống xác chết, nhẹ như một chiếc lông tơ. Người nuôi ong giở hai bánh sáp ở giữa ra để xem tổ trứng. Trước kia hàng ngàn con ong quay lưng vào nhau bày thành những vòng tròn đen kịt bảo vệ những điều bí ẩn tối cao của sự sinh nở, thì nay chỉ thấy vài trăm cái xác ong rầu rĩ, chết dở vẻ mụ mẫm. Chúng đã chết gần hết, mà không hay biết gì, chúng ở lại trong ngôi miếu linh thiêng mà trước kia chúng đã bảo vệ và ngày nay không còn nữa, chúng toả ra một mùi thối rữa và chết chóc. Chỉ còn một vài con nhúc nhích, nhổm dậy, bay vật vờ và đậu lên tay kẻ thù ấy và đồng thời, tự hy sinh. Những con kia chết hẳn, chúng từ từ rơi xuống đáy tổ như những chiếc vẩy cá, người nuôi ong đóng ngăn lại, lấy phấn đánh dấu cái tổ hỏng để sẽ đạp vỡ và thiêu huỷ nó đi.

Moskva cũng trống trải như vậy khi Napoléon, mệt mỏi, lo lắng và cau có, đang đi đi lại lại trước bức thành của toà Kamer Kokesxki, chờ đợi cái dấu hiệu của việc tôn trọng nghi thức tuy chỉ là bề ngoài, nhưng theo quan mệm của ông ta thì rất cần thiết: đoàn đại biểu.
   
Trên các nẻo đường, trong các xó xỉnh của thành Moskva chỉ còn những cử động một cách vô nghĩa, tuân theo những tập quán cũ và không hiểu mình đang làm gì.
   
Khi người ta đã báo tin cho Napoléon với tất cả sự thận trọng cần thiết rằng Moskva trống rỗng, ông ta giận dữ đưa mắt nhìn người đến báo tin rồi quay phắt đi và lặng lẽ tiếp tục đi đi lại lại.

- Đưa xe lại đây, - ông ta nói.
   
Napoléon bước lên xe ngồi cạnh viên sĩ quan hành định trực nhật và đi vào khu ngoại ô.
 
"Moskva không người. Thật là một sự việc khó tin" - Ông tự nhủ thầm. Ông ta không đi thẳng vào thành phố, mà lại đỗ lại một quán trọ ở ô Dorogomilov.
   
Đòn kịch đột biến đã thất bại?

20.
   
Quân đội Nga kéo qua Moskva từ hai giờ đêm cho đến hai giờ trưa, lôi cuốn những người dân phố và những thương binh cuối cùng đang rời bỏ kinh đô.
   
Trong khi chuyển quân, chen chúc dữ dội nhất là lúc trẩy quả các cầu Kamenny, Muxkvoretxki và Yauxki.
   
Trong khi các đạo quân trước kia rẽ đôi ra hai dòng bên thành Kreml đã trở lại gặp nhau trên hai chiếc cầu Kamenny và Muxkvoretxki, thì một số lớn quân lính, thừa lúc mọi người đang dừng lại và chen chúc, đã lẻn về phía sau và lặng lẽ đi dọc nhà thờ Vaxili Blazenny, qua cửa Borovixki, len lên dốc tiến về Hồng trường, là nơi mà họ đánh hơi thấy có thể dễ dàng lấy cắp của cải người khác, cũng một đám người như thế dồn vào chật ních cả cái xó xỉnh của khu bán hàng Goxtiny Dvor như những khi người ta kéo nhau đến mua hàng rẻ giá. Nhưng bây giờ không hề nghe thấy những tiếng mời mọc ngọt ngào và bùi tai của những người bán hàng, cũng không thấy những người bán rong và đám phụ nữ mua hàng mặc những bộ áo đủ các màu sắc - chỉ có những bộ quân phục, những tấm áo ca-pốt của những người lính không có súng, lặng lẽ kéo nhau vào hai tay không, rồi lại lặng lẽ đi ra, mang theo những đồ lấy cắp được. Những người lái buôn và những người bán hàng (số người này rất ít), đi lại giữa đám quân lính, có vẻ như những người bị lạc, mở cửa hàng ra rồi lại đóng lại và thân hàn cùng với những người phụ việc mang hàng đi đâu không rõ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #559 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 03:58:04 pm »

Trên quảng trường sát cạnh Goxtiny Dvor, mấy người lính đánh trống đã được lệnh đánh trống hiệu tập hợp. Nhưng tiếng trống không tập hợp được lũ lính tránh đi ăn trộm, mà lại làm họ lảng xa hơn. Trong các cửa hiệu và tỏng các ngõ hẻm, giữa đám quân lính thấp thoáng những người mặc áo kaftan xám, đầu cạo trọc. Hai viên sĩ quan, một người khoác một chiếc khăn san trên quân phục, cưỡi một con ngựa gầy xám thẫm, và một người mặc áo khoác dài đi bộ, đang đứng ở góc phố Ilinka bàn việc gì không rõ.
     
Một viên sĩ quan thứ ba phi ngựa lại gần họ.

- Tướng quân ký lệnh là phải làm thế nào đuổi ngay bọn lính ra ngoài cho kỳ được. Thật chẳng còn ra cái thể thống gì nữa! Quân lính bỏ hàng ngũ chạy trốn mất một nửa rồi còn gì!

- Mày đi đâu?… Chúng mày đi đâu?… - viên sĩ quan quát ba người lính bộ binh không có súng, đang vén vạt áo ca-pốt đi luồn qua mắt ông ta để len vào các cửa hàng. - Đứng lại, đồ chó má?

- Ông cứ thử tập hợp lại mà xem - viên sĩ quan kia đáp - không được đâu mà; tốt hơn là hãy hành quân cho nhanh để những đứa còn lại đừng bỏ trốn nốt, chỉ có cách ấy thôi!

- Hành quân như thế nào? Cứ chen chúc mãi ở trên cầu, có tiến lên được chút nào đâu? Hay là đặt một hàng rào lính gác để những đứa còn lại khỏi bỏ trốn.
   
Người sĩ quan cấp cao nhất quát:

- Kìa, thì các ông đến đấy mà đuổi chúng ra đi chứ!
     
Người sĩ quan quàng khăn xuống ngựa, thét gọi người lính đánh trống và cùng anh ta đi vào cổng tò vò. Một toán lính vụt bỏ chạy. Một người lái buôn, trên hai má ở chỗ gần cánh mũi mọc đầy những nốt đỏ, gương mặt no đủ biểu lộ dủ biểu lộ vẻ tham lam và lì lợm xem chừng không gì có thể lay chuyển nổi những điều suy tính thiệt hơn của hắn, đang vung vẩy hai tay đến gần viên sĩ quan dáng điệu huênh hoang và hấp tấp. Hắn nói:

- Thưa đại nhân, xin ngài làm phúc che chở cho. Đây không phải là vì quyền lợi chúng tôi, kể gì chuyện vặt ấy, chúng tôi vui lòng hiểu tất cả! Nếu ngài muốn, tôi xin đem dạ ra ngay, đối với một người tôi quý như ngài thì biếu đến hai tấm tôi cũng vui lòng! Cái đó thì được, chứ như thế kia thì đúng là ăn cướp! Xin ngài làm phúc cho! Ngài cử cho một đội tuần tiễu đến đây thì hay quá, ít ra cũng cho chúng tôi đóng cửa với chứ…

Mấy người lái buôn xúm quanh viên sĩ quan. Một người xương xương, vẻ mặt khắc khổ, nói:

- Ê! Kêu than làm gì cho mệt. Sắp mất đầu mà lại còn tiếc ba sợi tóc Ai muốn lấy gì thì cứ cho họ lấy! - Nói đoạn hẳn khoát mạnh tay một cái và quay nghiêng người về phía viên sĩ quan.

Người lái buôn vừa nãy giận dữ nói:

- Cái bác Ivan Xidoryts này, cứ nói như bác thì dễ quá!… Xin ngài sĩ quan, xin ngài làm phúc cho.

- Thôi nói làm gì! - Người lái buôn gầy gò nói, - Ở đây tôi có ba cửa hàng trị giá đến mười vạn. Quân đội rút đi thì còn giữ làm sao được! Chao ơi, người đâu mà lạ…! Làm sao chống lại được ý Chúa?

- Thưa đại nhân, xin ngài làm phúc cho, - người lái buôn thứ nhất nghiêng mình nhắc lại. - Viên sĩ quan đứng im một lúc, trên gương mặt lộ vẻ phân vân do dự. Rồi bỗng ông ta quát to:

- Thì việc quái gì đến ta nào! - nói đoạn ông bước nhanh về phía cửa hàng. Trong một gian hàng mở cửa nghe có tiếng người đấm đá chửi bới nhau, và khi viên sĩ quan vừa mới đến nơi thì từ trong cửa nhảy xổ ra một người đầu cạo trọc, mặc áo kaftan xám: hắn vừa bị người ở bên trong tống ra ngoài. Người đó cúi lom khom chạy qua mặt mấy người lái buôn và viên sĩ quan rồi mất hút. Viên sĩ quan nhảy bổ vào đám quân lính đang lúc nhúc trong gian hàng. Nhưng vừa lúc ấy có những tiếng kêu la sợ hãi của một đám người rất đông từ phía cầu Moxkvoretxki vang lại. Viên sĩ quan vội chạy ra quảng trường.

- Cái gì thế? Cái gì thế? - õng ta hỏi dồn, nhưng viên sĩ quan kia đã cho ngựa phi qua Vaixili Blazenny về phía có tiếng kêu la.
     
Ông ta bèn lên ngựa đuổi theo. Khi đến gần cầu, ông ta thấy khẩu súng đại bác đã tháo ra khỏi bánh xe kéo, thấy bộ binh đang qua cầu mấy cái xe tải đổ lăn kềnh ra đường, mấy cái mặt hoảng hốt và quân lính đang cười ha hả. Bên cạnh hai khẩu đại bác có một chiếc xe tải thắng hai con ngựa. Có con chó borzoy đeo nịt ở cổ đang đứng nép vào sau xe. Trên xe là một núi đồ dạ, và ở trên cùng, bên cạnh một chiếc ghế trẻ con chổng chân lên trời, có một mụ đàn bà đang ngồi tru tréo om sòm. Viên sĩ quan được các bạn đồng ngũ cho biết rằng sở dĩ có tiếng kêu la của đám đông và tiếng tru tréo của mụ đàn bà kia vì khi tướng Yermolov cưỡi ngựa chạy qua đám đông và được biết rằng quân lính bỏ chạy nghẽn cả cầu, liền ra lệnh kéo hai khẩu đại bác ra khỏi xe, giả làm như sắp bắn vào cầu.

Đám đông xô ngã các xe tải giẫm đạp lên nhau la hét om sòm, chen chúc nhau ra khỏi cầu, và thế là quân đội đã tiến lên được.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM