Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:58:46 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273365 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #540 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:41:07 pm »

Piotr nói:

- Tôi có nghe mấy vị nhà binh nói rằng trong thành phố không thể nào chiến đấu được và các vị trí…

- Ừ thì chính chúng ta đang bàn chuyện ấy đó thôi, - người viên chức lúc nãy nói.
     
Thế còn, "vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều thông rõ" nghĩa là thế nào? - Piotr hỏi.

- Bá tước vừa bị một cái mụn lẹo, - viên sĩ quan phụ tá mỉm cười nói - và ngài rất lo khi tôi thưa với ngài là dân chúng đến hỏi thăm ngài mắc bệnh gì. - Rồi bỗng dưng ông ta mỉm cười nói thêm với Piotr - À, bá tước này, chúng tôi có nghe nói ngài có chuyện rầy rà trong gia đình thì phải? Hình như bá tước phu nhân…

- Tôi thì chẳng nghe gì cả, - Piotr dửng dưng đáp. - Các ngài nghe nói thế nào?

- Thì ngài cũng biết rằng thiên hạ hay bày đặt… lắm chuyện. Tôi nghe thế nào thì cứ nói thế thôi.

- Thế ngài nghe họ nói thế sao?

- Thì họ bảo là… - viên sĩ quan phụ tá mỉm cười y như lúc nãy, - là bá tước phu nhân sắp ra nước ngoài. Chắc là chuyện nhảm nhí…

- Cũng có thể đúng, - Piotr nói, mắt lơ đễnh nhìn quanh, rồi chỉ một ông già thấp bé mặc chiếc áo dài xanh sạch sẽ, da mặt đỏ hồng, có bộ râu đen và rậm bạc trắng như tuyết, bộ lông mày cũng bạc chẳng kém, hỏi - Thế còn ai đây?

- Ông kia ấy à? Ông ta là một ông lái buôn, nghĩa là một ông chủ quán rượu, tên là Veressaghin. Chắc ngài
có nghe câu chuyện bản tuyên cáo rồi chứ?

- À thế ra đây là Veressaghin à? - Piotr nói, mắt nhìn khuôn mặt cương quyết và điềm tĩnh của ông lái buôn, tìm xem có vẻ gì là một kẻ gian tặc không. Viên sĩ quan phụ tá nói:

- Không phải ông này đâu. Ông này là cha của người đã viết ra bản tuyên cáo. Con ông ta đang ở trong ngục, có lẽ bị xử nặng lắm.
 
Một ông già nhỏ bé đeo huân chương bội tinh, và một viên quan người Đức cổ đeo huân chương chữ thập lại gần nhóm người đang nói chuyện. Viên sĩ quan phụ tá kể:

- Câu chuyện rắc rối lắm các vị ạ. Bản tuyên cáo ấy xuất hiện cách đây hai tháng. Người ta báo cho bá tước biết. Bá tước liền ra lệnh điều tra.  Thế là Gavrilo Ivanyts đi điều tra: thì ra bản tuyên cáo đã chuyển qua đúng sáu mươi ba bàn tay. Hễ tìm ra một người, ông ta lại hỏi: ai đưa cho anh? Người này người nọ. Ông ta lại hỏi đến người ấy: ai đưa cho anh? Và cứ thế mãi cho đến Veressaghin, một anh lái buôn chưa thành nghề, một anh lái buôn rất dễ thương, - viên sĩ quan phụ tá vừa nói vừa mỉm cười. - người ta hỏi hắn: ai đưa cho anh tờ giấy này? Cái chính là chúng ta muốn biết rõ ai đưa cho hắn: chẳng có ai khác ngoài ông giám đốc bưu vụ cả: Nhưng tình hình như giữa hai người đã có thoả thuận trước với nhau thế nào đấy. Anh lái buôn nói: "Chẳng có ai cả, chính tôi viết lấy". Người ta cứ thế mà báo cáo với bá tước ra lệnh gọi anh lái buôn lại. "Ai trao cho anh tờ tuyên cáo?" - "Chính tôi viết ra". Thì các vị cũng biết rõ bá tước rồi đấy. - Viên sĩ quan phụ tá mở một nụ cười kiêu hãnh và vui tươi nói tiếp. - Ngài nổi giận đùng dùng; các ngài cứ thử nghĩ xem: có đời ai lại xấc xược, dối trá và lì lợm đến thế…

- À! Trong khi đó bá tước lại đang cần anh ta vạch mặt chỉ tên Klutsarev kia, tôi hiểu rồi! - Piotr nói.

- Đâu có! Có cần gì đâu, - viên sĩ quan phụ tá hốt hoảng nói, - Klutsarev thì không có việc này cũng đã lắm tội rơi, chính vì thế cho nên mới bị đày. Nhưng có điều là bá tước rất công phẫn.    "Mày làm thế nào mà viết ra được? - bá tước nói xong lấy một tờ báo Hamburg để trên bàn. - Đây này. Không phải là mày viết ra, mà là mày dịch ra, mà dịch rất tồi, vì ngu dốt, dốt như mày, tiếng Pháp cũng chẳng biết". Thế mà các ngài có biết hắn trả lời thế nào không? Hắn nói: "Không, tôi chẳng đọc báo chí gì cả, chính tôi viết ra" - À nếu thế thì mày là một tên gian tặc, tao sẽ đưa mày ra toà án và mày sẽ bị treo cổ. Nói đi, ai đưa cho mày? - "Tôi không trông thấy báo trí gì cả, tôi tự vìết ra". Cứ như thế. Bá tước cho gọi cả ông bố hắn lên: hắn vẫn khăng khăng một mực như cũ. Thế là người ta đưa ra toà và hắn bị đày khổ sai thì phải. Bây giờ ông bố đến xin cho hắn đấy. Cái thằng thật bất trị! Các ngài biết không, cái thằng con cái nhà buôn ấy là một gã ăn diện, hay ve gái, có theo học dăm ba chữ ở đâu ấy rồi cứ tưởng mình là ghê gớm lắm. Thằng cha thế có lạ không chứ? Bố hắn có một quán rượu ở cầu đá gần đây trong quán có một bức tượng ĐứcThánh Chúa Trời, tay phải cầm một quyển trượng và tay trái cầm quả địa cầu; thế là hắn đem bức ảnh về nhà mấy ngày và cũng làm một bức như thế! Hắn kiếm đâu ra được một thằng thợ vẽ chó chết.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #541 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:41:58 pm »

Phần XI
Chương -11 -12

Đang dở chừng câu chuyện mới này thì có người ra gọi Piotr vào gặp quan tư lệnh Piotr vào phòng làm việc của bá tước Raxtovsin. Lúc ấy Raxtovsin đang cau mặt lấy tay xoa trán và dụi mắt. Một người thấp bé đang nói một câu gì, vừa thấy Piotr vào thì im bặt và bỏ ra ngoài.

- À! Chào anh chiến sĩ vĩ đại. - Raxtovsin nói khi người kia đã ra ngoài. - Chúng tôi có nghe nói đến những chiên công oanh liệt của anh! Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Anh bạn ạ, cái này ta nói riêng với anh nhé, anh là hội viên Tam điểm phải không? - Bá tước Raxtovsin nói với giọng điệu nghiêm khắc, tưởng chừng đó là một việc xấu xa, nhưng ông ta vẫn sẵn lòng tha thứ, Piotr lặng thinh. - Anh bạn ạ, tôi biết rõ lắm, nhưng tôi biết rằng anh không ở trong số những kẻ lấy cớ muốn cứu toàn nhân loại để làm hại nước Nga.

- Phải, tôi là hội viên Tam điểm, - Piotr nói.

- Ấy thế, anh bạn nghe tôi nói nhé. Tôi thiết tưởng anh cũng biết rằng ông Xepenranxki và Marvixki, đã được đưa đi một nơi xứng đáng với họ, Klutsarev và tất cả những kẻ nào lấy cớ muốn xây ngôi đền Salomon để cố phá hoại ngôi đền của tổ quốc mình đều được xử trí như thế. Anh có thể hiểu rằng sở dĩ tôi phải làm như vậy là có lý do và giả sử viên giám đốc bưu vụ ở đây không phải là một con người nguy hiểm thì tôi đã không thể nào đưa hắn đi đày được Hiện nay tôi đã được biết rằng anh đã cho hắn mượn xe để ra khỏi thành phố và thậm chí lại còn giữ hộ giấy tờ cho hắn nữa. Tôi vốn mến anh và không hề có ý muốn làm hại anh, và bởi vì tuổi anh chỉ bằng nửa tuổi tôi, cho nên tôi xin khuyên anh như một người cha là hãy chấm dứt quan hệ với hạng người đó và bản thân anh thì hãy ra khỏi chỗ này càng sơm càng tốt.

- Thưa bá tước, Klutsarev có tội gì? - Piotr hỏi.

- Đó là việc của tôi, anh không bận gì phải hỏi, - Raxtovsin quát.

- Họ buộc tội cho ông ta là đã truyền bá những tờ tuyên cáo cho Napoléon nhưng đã có chứng cớ vì đâu,

- Piotr nói, không nhìn Raxtovsin, - còn Veressaghin.

- Ấy đấy! - Raxtovsin bỗng cau mặt mày và ngắt lời Piotr, quát to hơn cả lúc nãy, - Veressnghin là một tên gian tặc và một thằng bán nước, đã đền tội một cách xứng đáng, - Raxtovsin nói với cái giọng điệu hằn học cay cú như người ta thường nói khi nhớ lại một điều sỉ nhục, - Nhưng tôi mời anh đến đây không phải để bàn đến những việc làm của tôi, mà để khuyên răn anh, hay ra lệnh cho anh, anh muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tôi yêu cầu anh cắt đứt quan hệ với những người như Klutsarev, và đi khỏi nơi này. Tôi thì tôi sẽ cho họ một bài học, ai cũng thế, - Rồi có lẽ vì chợt nhận thấy mình đã to tiếng với Bezukhov tuy anh ta chẳng có tội tình gì, Raxtovsin thân mật cầm tay Piotr nói thêm: - Chúng ta đang sắp trải qua một quốc nạn, nên tôi không có thì giờ ăn nói nhã nhặn với tất cả những người nào có việc giao dich. Nhiều khi đấu tôi cứ váng lên ấy? Thế nào, anh bạn, riêng bản thân anh thì hiện nay đang làm gì?

- Có làm gì đâu, - Piotr đáp, mắt vẫn không nhìn lên và vẻ mặt đăm chiêu vẫn không thay đổi.
     
Bá tước cau mặt.
     
- Anh bạn ạ, tôi xin lấy chỗ tình thân mà khuyên anh: anh nên chuồn đi cho sớm, tôi chỉ nói với anh thế thôi. Khôn thì sống, mống thì chết. Thôi chào anh, à, quên, - ông ta gọi với theo khi Piotr đã ra khỏi phòng, - Có đúng là bá tước phu nhân đã lọt vào nanh vuốt các thanh cha hội Gia-tô không thế hả?
       
Piotr lặng thinh không đáp. Chàng ra khỏi nhà Raxtovsin với vẻ mặt cau có, bực tức mà xưa nay chưa ai từng thấy chàng có.
     
Chàng về đến nhà thì trời đã xẩm tối. Ở nhà tối hôm ấy có tám người đến tìm chàng: viên thư ký uỷ ban, viên đại tá ở tiểu đoàn chàng, viên quản lý, viên quản gia và mấy người đến xin xỏ việc này việc nọ.
     
Người nào cũng có việc cần chàng giải quyết. Piotr chẳng hiểu đầu đuôi thế nào, chàng không hề quan tâm đến các công việc đó, và họ hỏi gì chàng cũng chỉ trả lời cốt làm sao tống họ đi nhanh cho rảnh. Cuối cùng khi đã ngồi lại một mình, chàng bóc thư của vợ ra đọc.
     
"Họ - những người lính trên vị trí pháo; công tước Andrey đã tử trận… Ông già… Giản dị là phục tùng Thượng đế. Cần phải đau khổ ý nghĩa của mọi sự… cần phải liên kết… vợ ta đi lấy chồng… Cần phải quên đi
và hiểu rõ".

Chàng đến cạnh giường, và không cởi áo ngoài, chàng gieo mình xuống giường, và lập tức ngủ thiếp đi.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #542 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:42:43 pm »

Sáng hôm sau, khi chàng thức dậy, người quản gia vào báo cáo là có một nhân viên cảnh sát do bá tước Raxtovsin phái đến hỏi xem bá tước Bezukhov đã đi chưa, hoặc có ý định đi không.
     
Khoảng mười người đủ các hạng có việc cần gặp Piotr đang dợi chàng trong phòng khách. Piotr vội vào mặc áo ngoài, và đáng lẽ ra gặp những người đợi, chàng lại đi ra cửa sau rồi từ dó bước ra cổng.
   
Kể từ đấy, mãi cho đến sau khi Moskva bị tàn phá, người nhà của Piotr đã ra sức tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Piotr đâu và không biết chàng ở chỗ nào.

12.
     
Gia đình Roxtov ở lại Moskva cho đến ngày mồng một tháng chín, tức là còn cách ngày quân địch tiến vào thành có một hôm.
       
Sau khi Piotr vào trung đoàn cô-dắc của Obolenxki và đi đến Belaya Txerkov là nơi thành lập trung đoàn này, bá tước phu nhân có nơm nớp lo sợ. Lần đầu tiên ý nghĩ rằng cả hai đứa con trai của bà đều ở mặt trận, rằng cả hai đều đã đi xa sự che chở của bà, rằng nay mai một trong hai đứa, mà cũng có thể là cả hai, có thể tử trận như ba đứa con một người quen của bà, ý nghĩ ấy đã đến với bá tước phu nhân rõ rệt đến mức tàn nhẫn. Bà cố tìm cách gọi Nikolai về, bà đã định thân hành đi tìm Petya, chạy cho cậu ta một chỗ làm nào ở Petersburg nhưng cả hai việc ấy đều không thể thực hiện: Petya không thể nào về được, trừ khi nào cả trung đoàn trở về, hoặc giả cậu có rời trung đoàn chăng nữa thì cũng chỉ để thuyên chuyển sang một trung đoàn tham chiến khác. Nikolai bấy giờ đang đóng quân ở một nơi nào đấy và sau bức thư vừa rồi, trong đó có kể tỉ mỉ về cuộc gặp gỡ với công tước tiểu thư Maria thì không nhận được tin gì của chàng nữa. Đêm đêm, bá tước phu nhân cứ thao thức không ngủ được, và hễ chợp mắt là chiêm bao thấy hai con đã tử trận. Sau khi suy nghĩ và được bạn bè mách bảo rất nhiều, bá tước đã tìm được một phương sách để làm cho phu nhân yên lòng. Ông cho chuyển Petya từ trung đoàn của Obolenxki sang trung đoàn của Bezukhov bấy giờ đang thành lập ở gần Moskva. Mặc dầu Petya vẫn tại ngũ, nhưng thuyên chuyển như vậy thì bá tước phu nhân cũng có được một niềm an ủi là ít nhất cũng còn được một đứa con trai ở gần mình, và có thể hy vọng thu xếp thế nào cho thằng Petya của bà đừng đi đâu xa và lo cho nó một chức vụ gì mà chẳng bao giờ phải ra trận. Trong khi chỉ có một mình Nikolai ở trong vòng nguy hiểm, bá tước phu nhân có cảm tưởng (thậm chí phu nhân còn lấy làm hối hận về điều đó) là mình quý đứa con trai lớn hơn hết thảy các con: nhưng đến khi thằng con út, đứa con nghịch ngợm biếng học, cái gì trong nhà cũng làm vỡ làm gãy, ai trong nhà cùng quấy rầy, cái thằng Petya hếch mũi ấy, với đôi mắt đen vui vẻ, đôi má hồng hào mơn mởn có lớp lông măng mới chớm mọc, đã dẫn thân vào nơi ấy, nơi của những người đàn ông hung dữ, tàn ác chẳng biết tại sao đang đánh nhau và lại lấy việc ấy làm vui, - đến khi ấy người mẹ lại cảm thấy rằng chính nó mới là đứa con mình quý hơn cả, quý hơn các con khác nhiều. Càng đến ngày Petya trở về Moskva bao nhiêu bá tước phu nhân lại càng sốt ruột bấy nhiêu.
       
Bà đã bắt đầu nghĩ rằng hạnh phúc đó sẽ không bao giờ đến được.
       
Không những khi thấy Sonya trước mặt, mà ngay cả khi thấy Natasa hay bá tước Ilya Andreyevich, bà cũng bực bội nghĩ: "Những người ấy thì ở đây làm gì, ngoài Petya ra, tôi có cần đến ai đâu!".
     
Cuối tháng tám, gia đình Roxtov nhận được một bức thư thứ hai của Nikolai. Thư gửi từ tỉnh Voronez là nơi chàng được cử đến để mua ngựa. Bức thư này không làm cho bá tước phu nhân yên lòng.
   
Khi biết rằng một trong hai đứa con trai đã ra ngoài vòng nguy hiểm, bà lại càng lo thêm cho Petya.
     
Mặc dầu ngay từ ngày hai mươi, hầu hết những người quen của gia đình Roxtov đã rời khỏi Moskva, mặc dầu mọi người đều khuyên nhủ bá tước phu nhân đi cho sớm, bà một mực không chịu nghe theo ai nói đến chuyện đi đứng gì cả, một khi Petya, đứa con cưng mà bà yêu quý như điên như dại, vẫn chưa về. Thái độ âu yếm thiết tha một cách bệnh tật của người mẹ không làm cho chàng sĩ quan mười sáu tuổi ấy vừa lòng. Tuy phu nhân giấu không cho cậu ta biết ý định của bà là không để cho cậu đi xa nữa, Petya vẫn hiểu những điều dự tính của mẹ, và tự bản năng vẫn sợ mình trở nên mềm yếu như đàn bà trước mặt mẹ (cậu ta tự nhủ như vậy), nên cậu ta đối xử với bá tước phu nhân rất lạnh nhạt, thường hay lánh mặt phu nhân và trong thời gian ở Moskva chỉ gặp gỡ chuyện trò với Natasa, mà xưa nay cậu vẫn quý mến đặc biệt, một tình trìu mến chị em gần giống như tình yêu.
   
Do cái tính vô tư lự thường lệ của bá tước, mãi đến ngày hai mười tám tháng vẫn chưa sửa soạn xong xuôi để ra đi, và những chiếc xe tải ở thôn Ryazan và ở điền trang ngoại thành định dùng để chở toàn bộ tài sản ở quê mãi đến ngày ba mươi mới thấy đến.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #543 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:43:08 pm »

Từ ngày hai mươi tám đến ba mười mốt tháng tám, cả thành Moskva nhốn nháo và rộn rịp hẳn lên. Ngày nào từ cửa Dorogomilov cũng có hàng nghìn binh sĩ bị thương ở Borodino được đưa vào khắp thành phố qua những cửa ô khác. Mặc đù có những tờ yết thị của Raxtovsin, hoặc chính vì có những tờ yết thị đó nhưng tin tức hết sức trái ngược và kỳ quặc cứ truyền đi khắp thành phố. Người thì bảo là đã có lệnh cấm không ai được ra khỏi Moskva; người thì lại bảo là người ta đã dỡ tất cả những tượng thánh ở các nhà thờ rồi, và sẽ cưỡng bức tất cả mọi người phải dọn; người thì nói sau trận Borodino còn xảy ra một trận nữa, và trong trận này đã đánh tan được quân Pháp, người thì bảo là dân binh Moskva sẽ cùng với các linh mục tiến lên Trigorư, người thì nói rằng Natasa đã được lệnh ở lại, rằng đã bắt được một bọn phản tặc, rằng nông dân đã nổi loạn và cướp bóc những người chạy giặc, vân vân và vân vân. Nhưng người ta nói thế thôi, chứ thật ra những người đi cùng cũng như những người ở lại (tuy lúc bấy giờ chưa có buổi hội đồng ở Fili quyết định bỏ Moskva) - mọi người đều cảm thấy, tuy không nói ra, rằng thế nào Moskva cũng lọt vào tay quân địch và cần phải tháo người của đi cho nhanh. Người ta có cảm tưởng mọi việc đều sẽ đột nhiên thay đổi và sụp đổ. Nhưng mãi đến ngày mồng một tháng chín mọi việc vẫn y nguyên như cũ. Cũng như một phạm nhân khi bị đưa đi hành hình biết rằng mình sắp chết đến nơi rồi, nhưng vẫn đưa mắt nhìn quanh và sửa lại chiếc mũ đội không được chỉnh, Moskva cũng vẫn bất giác tiếp tục cuộc sống quen thuộc, mặc dầu biết rằng giờ chết đã sắp điểm, và lúc ấy tất cả những qui ước sinh hoạt mà người ta đã quen phục tùng đều sẽ đổ vỡ.
     
Trong vòng ba ngày trước khi Moskva rơi vào tay giặc, cả gia đình Roxtov luôn luôn lo lắng bận rộn việc này việc nọ. Người chủ gia đình là bá tước Ilya Andreyevich luôn luôn đi đây đi đó trong thành phố thu thập những tin đồn đại, và khi về nhà thì hối hả ra những mệnh lệnh mơ hồ thu xếp việc chuẩn bị ra đi.
     
Bá tước phu nhân theo dõi công việc thu xếp đồ đạc, cái gì bà ta cũng không vừa ý, và luôn lẽo đẽo theo sau cậu Petya bấy giờ vẫn cứ tránh mặt mẹ, bà ghen với Natasa vì Petya cả ngày chỉ ngồi với nàng. Chỉ một mình Sonya lo toan đến mặt thực tiễn của công việc, tức là việc xếp đồ đạc lên xe. Nhưng suốt thời gian gần đây Sonya buồn rầu và lặng lẽ khác thường. Bức thư của Nikolai, trong đó có nhắc đến nữ công tước Maria, đã khiến bá tước phu nhân vui mừng nói ngay trước mặt nàng rằng bà ta cho cuộc gặp gỡ giữa nữ công tước Maria và Nikolai là do Trời xếp đặt trước. Phu nhân nói:

- Khi Bolkonxki đính hôn con Natasa tôi chẳng vui mừng gì, nhưng xưa nay tôi vẫn ước mong và cũng tiên cảm thấy rằng Nikolenka sẽ lấy công tước tiểu thư. Được như thế thì thật tốt quá!
       
Sonya cảm thấy rằng như vậy là đúng, rằng Nikolai chỉ có cách lấy một người vợ giàu thì công việc tiền nong của gia đình Roxtov mới mong cứu vãn được và nữ công tước Maria là một đám rất tốt. Nhưng nàng thấy tủi lắm. Tuy nàng buồn khổ, hay có lẽ chính vì nàng buồn khổ, Sonya đã lĩnh lấy tất cả những công việc xếp dọn đồ đạc rất vất vả, và suốt ngày nàng bận rộn với những công việc đó. Cứ mỗi khi cần sai bảo gì người nhà, bá tước và phu nhân lại nhớ đến nàng. Petya và Natasa thì ngược lại không những không giúp đỡ cha mẹ mà còn làm vướng và quấy rầy mọi người nữa. Và gần như suốt cả ngày bao giờ trong nhà cũng có tiếng reo, tiếng chân chạy và tiếng cười vô cớ của hai chị em. Hai người cười đùa vui vẻ vậy tuyệt nhiên không phải vì có chuyện gì đáng cho họ vui mừng; nhưng trong tâm hồn họ đang vui, cho nên bất cứ chuyện gì cũng đều là một nguyên nhân khiến họ cười đùa vui vẻ, Petya vui bởi vì cậu đang ở nhà, vì cậu vừa ở Belaya Txerkov là một nơi mà chỉ nay mai đã đánh nhau và nhất là vì Natasa cũng đang vui: xưa nay tâm trạng của cậu vẫn phục tùng tâm trạng của chị. Còn Natasa vui là vì nàng đã buồn quá lâu, vì bây giờ chẳng có gì nhắc nàng nhớ lại những nguyên nhân đã khiến nàng buồn, và vì nàng đang khoẻ mạnh. Nàng vui cũng lại vì đang có một người thán phục nàng (lòng thán phục của người khác đối với nàng là chất dầu nhờn cần thiết để cho bộ máy chạy được trơn tru). Nhưng cái chính khiến họ vui như vậy là hiện nay chiến tranh đã chuyển đến gần Moskva, là sẽ có đánh nhau ở các cửa ô, người ta sẽ phân phát vũ khí, mọi người đều bỏ đi nơi khác, nói chung là đang diễn ra một việc gì khác thường, và điều đó bao giờ cũng làm cho người ta vui thích, nhất là khi người ta còn trẻ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #544 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:43:53 pm »

Phần XI
Chương -13 -14

Ngày thứ bảy ba mươi mốt tháng tám, trong nhà Roxtov mọi thứ đều như đảo lộn cả lên. Tất cả các cửa đều mở toang, bàn ghế đều bị khuân đi hay xếp ra một chỗ khác, gương soi, tranh ảnh đều được tháo cất. Trong các phòng la liệt các rương hòm; rơm rạ, giấy gói và dây dợ bừa bãi giữa nền nhà. Những người nông dân và gia nô bước nặng trên sàn gỗ vác đồ đạc ra ngoài. Ngoài sàn ngổn ngang những chiếc xe tải của nông dân, có chiếc đã chất đầy và đã ràng dây, có chiếc hãy còn bỏ không.
   
Ngoài sân và trong nhà rộn rịp những tiếng nói và tiếng chân đi lại của đám gia đình của những người nông dân vừa đánh xe đến.
   
Từ sáng, bá tước đã đi đâu vắng. Bá tước phu nhân nhức đầu vì cảnh ồn ào nhộn nhịp nên phải nằm trong phòng đi-văng mới, đầu chườm khăn tẩm giấm, Petya không ở nhà (cậu ta đến nhà một người bạn bấy giờ đang cùng cậu bàn cách chuyển từ dân binh sang bộ đội chủ lực). Sonya đứng trong phòng lớn để trông coi người nhà dọn đồ pha lê và đồ sứ. Natasa ngồi bệt giữa căn buồng tan hoang, giữa những chiếc áo dài, những chiếc khăn choàng, những dải lụa vứt ngổn ngang, đôi mắt đờ đẫn nhìn xuống nền nhà, tay cầm một chiếc áo dài khiêu vũ đã cũ, chính chiếc áo đài nàng đã mặc hôm đi dự vũ hội lần đầu tiên ở Petersburg, kiểu áo này đã không còn hợp thời trang nữa.
   
Natasa thấy ngượng vì trong khi cả nhà đều bận rộn mà nàng thì chẳng làm gì, nên từ sáng nàng đã thử cố bắt tay vào làm việc.
   
Nhưng tâm hồn nàng cứ để đâu đâu, mà tính nàng thì không thể và không biết làm một việc gì mà lại không đem lại hết tâm hồn và sức lực dốc vào việc đó. Nàng đứng một lúc với Sonya trong khi xếp dọn các đồ dùng bằng sứ, nàng cũng muốn giúp đỡ một tay, nhưng rồi lại bỏ đấy chạy về phòng thu xếp dồ đạc của mình. Lúc đầu, nàng thấy vui vui khi ngồi phân phát áo dài và dải lụa cho các cô hầu gái, nhưng về sau, khi thấy rằng những thứ còn lại cũng vẫn phải xếp sắp nàng bắt đầu thấy chán. Dunusia, chị xếp hộ tôi nhé! Chị nhé!
     
Và khi Dunusia vui lòng hứa với nàng là sẽ làm tất cả, Natasa ngồi xuống sàn nhà, cầm chiếc áo khiêu vũ ngày trước và suy nghĩ miên man, nhưng những ý nghĩa của nàng hoàn toàn không có liên quan đến những việc lẽ ra bấy giờ phải khiến nàng bận tâm. Tiếng nói chuyện của những người đầy tớ gái ở phòng bên và tiếng chân họ bước vội ra thềm sau đưa nàng trở về cõi thực. Natasa đứng dậy và nhìn ra cửa sổ. Ngoài phố có một đoàn xe rất dài chở đầy thương binh vừa dừng lại.
   
Những người đầy tớ gái, những người nô bộc, bà quản gia, bà u già, mấy ông đấu bếp, mấy chủ xà ích, quản mã, mấy cô phụ bếp đều ra đứng ở cổng xem thương binh.
     
Natasa trùm chiếc khăn vuông trắng lên đầu, hai tay cầm hai khăn mùi xoa và đi ra đường.
   
Bà già Mavra Kuzminisna, bà quản gia cũ của gia đình Roxtov, tách ra khỏi đám gia nhân đứng ở cổng, lại gần một chiếc xe tải trên có phủ một tấm diềm bằng thứ vỏ cây và nói chuyện với một viên sĩ quan trẻ tuổi xanh xao nằm trong xe.   Natasa bước mấy bước đến cạnh chiếc xe va rụt rè dừng lại, tay vẫn giữ hai múi khăn, lắng tai nghe xem bà quản gia nói những gì.

- Thế ông chẳng có ai thân thuộc ở Moskva cả à? - Mavra Kuzminisna nói. - Giá ông vào nhà nào mà nằm thì hơn… Hay ông vào nhà tôi cũng được. Chủ nhà sắp đi rồi.

- Không biết họ có cho không, - Viên sĩ quan nói, giọng yếu ớt. - Kìa thủ trưởng của tôi kia kìa… bà thử hỏi xem. - nói đoạn viên sĩ quan chỉ một ông thiếu tá to béo bấy giờ đang đi ngược trở lại dọc theo đoàn xe.
   
Natasa đưa mắt hoảng sợ nhìn vào mặt viên sĩ quan bị thương và lập tức đến gặp viên thiếu tá. Nàng hỏi:

- Cho thương binh ghé vào nhà chúng tôi được không?
   
Viên thiếu tá mỉm cười đưa tay lên vành lưỡi trai, nháy mắt hỏi:

- Thưa, tiểu thư có lòng chiếu cố đến ai ở đây ạ?

Natasa điềm tĩnh nhắc lại câu nói, và tuy hai bàn tay nàng vẫn cầm hai dầu mũi chiếc khăn vuông, vẻ mặt và dáng điệu của nàng nghiêm trang đến nỗi viên thiếu tá không cười nữa và im lặng suy nghĩ một lát như tự hỏi xem có thể làm như vậy được không, và có thể làm đến mức nào, rồi đáp:

- Ô được chứ, sao lại không, được chứ.
     
Natasa khẽ cúi đầu rồi quay gót bước nhanh về phía Mavry Kuzminisna đang đứng nói chuyện với viên sĩ quan, vẻ cảm thông và thương xót.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #545 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:44:46 pm »

- Được đấy ông ấy bảo là được! - Natasa nói thầm.
     
Chiếc xe có diềm của viên sĩ quan được vào sân nhà Roxtov và mấy chục chiếc xe chở thương binh, theo lời mời của dân phố cũng bắt đầu được đánh vào các sân và đến đỗ ở trước thềm các nhà ở phố Povarxkaya. Natasa hình như thấy làm vui thích được giao thiệp với những con người mới lạ trong một hoàn cảnh khách thường. Cùng với bà Maria, nàng cố sức đưa vào sân nhà hàng cho thật nhiều xe chở thương binh.
     
Mavra Kuzminisna nói:

- Dù sao cũng phải thưa với cụ nhà.

- Không sao, không sao, thì có mất gì đâu nào! Chỉ còn có một ngày nữa, chúng tôi có thể dọn sang bên phòng khách mà ngủ cũng được. Có thể nhường cho họ tất cả các gian của chúng tôi.

- Chà tiểu thư bày vẽ lắm trò thật! Dù là trong các dãy nhà dọc, trong phòng gia nhân, trong phòng u già cũng được xin phép.

- Được rồi tôi sẽ xin.
       
Natasa chạy vào nhà và kiễng chân đi qua cánh cửa hé mở vào phòng đi-văng. Từ trong phòng đưa ra mùi giấm và mùi thuốc giọt Hoffman.

- Mẹ ngủ hở mẹ?

- Ờ mẹ vừa mê ngủ sợ quá! - bá tước phu nhân lúc bấy giờ vừa chợp mắt được một lúc, tỉnh dậy nói.
     
Natasa quỳ xuống bên cạnh mẹ và ghé mắt vào sát mặt bá tước phu nhân nói:

- Mẹ ạ, mẹ yêu dấu của con, con xin lỗi mẹ nhé, con đã làm mẹ thức giấc, từ rày con sẽ không bao giờ làm như thế nữa, mẹ tha lỗi cho con nhé. Marra Kuzminisna bảo con đến. Ngoài kia có mấy người thương binh, họ mới chở đến, mấy người sĩ quan. Mẹ cho phép mẹ nhé? Họ chẳng có chỗ nào mà ở cả; con biết mẹ sẽ cho phép… - Natasa nói nhanh một hơi không dừng lại thở.

- Sĩ quan nào? Họ cho ai đến? Mẹ chẳng hiểu sao cả. - Bá tước phu nhân nói.
     
Natasa bật cười, bá tước phu nhân cũng mỉm cười yếu ớt.

- Con biết thế nào mẹ cũng cho… con sẽ bảo họ thế.
     
Natasa hôn mẹ, đứng dậy ra ngoài.

Trong phòng lớn nàng gặp bá tước nói với giọng bực bội.

- Câu lạc bộ thì đóng cửa rồi, cảnh sát thì đang rút lui.

- Ba ạ, con mời mấy người bị thương vào nhà, không việc gì chứ ba? - Natasa nói.

- Cố nhiên là không việc gì. - bá tước lơ đễnh trả lời con - nhưng việc ấy chả có gì quan trọng, bây giờ thì ba yêu cầu con đừng có lo đi làm những việc vớ vẩn như thế, phải lo giúp đưa đồ đạc lên xe, mai đã đi rồi… Và bá tước cũng ra lệnh cho người quản gia và các gia nhân như vậy. Đến bữa ăn chiều, Petya về nhà và cũng kể lại tin tức vừa nghe được.
     
Petya kể lại rằng hôm nay dân chúng đã đến nhận vũ khí ở điện Kreml, rằng tuy trong tờ yết thị của Raxtovsin có nói là ông ta sẽ có lời kêu gọi trước hai ngày, nhưng bây giờ chắc người ta đã thu xếp đến ngày mai và toàn dân sẽ cầm khí giới lên Trigorư, và ở đấy sẽ diễn ra một trận đánh lớn.
       
Trong khi Petya nói, bá tước phu nhân đưa mắt sợ hãi và e dè nhìn khuôn mặt vui mừng, phấn khởi của đứa con trai. Bà biết rằng hễ mình nói một lời nào để xin Petya đừng đi đánh trận (bà biết rằng cậu ta rất vui mừng để trận đánh sắp tới này), thì cậu ta sẽ nói một cái gì về các đấng trượng phu, về danh dự, về tổ quốc, - một cái gì rất vô nghĩa, rất đàn ông, rất lì lợm mà bà không sao cãi lại được, và câu chuyện sẽ hỏng bét. Cho nên bà hy vọng có thể thu xếp thế nào để ra đi trước khi xảy ra trận đánh này và lừa cho Petya cũng đi theo với tư cách là kẻ bảo vệ và che chở cho bà; sau bữa ăn chiều bà cho mời bá tước lại và khóc lóc van xin bá tước cho bà đi ngay, đi ngay đêm nay nếu có thể được. Tuy từ trước đến nay bá tước phu nhân không hề có chút sợ hãi về nỗi phải ở lại Moskva, nhưng bây giờ, với cái tính đa mưu không tự giác của người mẹ thương con, bà lại nói rằng mình sẽ khiếp sợ đến chết mất nếu không được đi ngay đêm ấy. Và bây giờ bà đâm ra sợ tất cả, sợ thật chứ không phải giả vờ nữa.

14.
       
à Schoss hôm đi thăm cô con gái về có kể lại những việc bà ta trông thấy ở ty rượu ngoài phố Myasnixkaya lại càng làm cho bá tước phu nhân hoảng sợ hơn nữa: đang đi về nhà qua phố ấy bà gặp phải một lũ say rượu đang quấy phá ở trước cửa ty, bà phải thuê một chiếc xe chở khách đi vòng vào một ngõ hẻm trở về nhà.
     
Người xà ích có kể cho bà nghe rằng dân chúng đã chọc thủng các thùng rượu trong kho, rằng trên có lệnh cho họ làm như vậy.
       
Sau bữa ăn chiều, trong nhà Roxtov mọi người đều bắt tay vào việc thu xếp đồ đạc và chuẩn bị ra đi một cách hối hả khác thường.
Lão bá tước, đột nhiên tháo vát hẳn lên, sau bữa ăn chiều cứ từ trong nhà đi ra sân rồi lại từ ngoài sân đi vào nhà, mồm quát tháo huyên thuyên làm cho gia nhân đã vội lại càng vội thêm. Petya đứng sai bảo ở ngoài sân. Nghe những lời sai bảo mâu thuẫn lung tung của bá tước, Sonya luống cuống chẳng còn biết làm gì nữa.
     
Các gia nhân cãi nhau, gọi nhau í ới, chạy ầm ầm trong các gian phòng và trong sân. Natasa, với cái tính hăng say đặc biệt của nàng đối với những việc nàng làm, cũng bắt tay vào sửa soạn thu xếp.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #546 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:45:34 pm »

Thoạt tiên thấy nàng xông vào sắp xếp đồ đạc, mọi người đều có ý nghi ngại. Ai cũng nghĩ rằng nàng chỉ biết đùa nghịch thôi, nên chẳng ai chịu nghe những lời sai bảo của nàng; nhưng nàng kiên trì và say sưa dòi hỏi mọi người phải phục tòng nàng; nàng nổi giận, suýt khóc lên vì họ không chịu nghe nàng, và cuối cùng họ đã phải tin rằng nàng muốn làm thật chứ không phải đùa. Kỳ công đầu tiên của nàng, một kỳ công đã khiến nàng phải hao hơi tổn sức rất nhiều và đã làm cho nàng có uy tín, là việc xếp sắp các tấm thảm. Trong nhà bá tước có nhiều tấm thảm Gôbơlah và thảm Ba-tư rất đắt tiền.

Khi Natasa bắt tay vào việc, trong phòng lớn có hai chiếc thùng gỗ đang mở nắp, một chiếc đã xếp đồ sứ đầy gần lên đến miệng, một chiếc thì đựng thảm. Trên các bàn hãy còn nhiều đồ sứ, và họ vẫn còn bưng ở nhà kho ra nhiều nữa. Cần phải xếp vào một chiếc thùng nữa mới đủ; người nhà đã chạy đi kiếm thùng. Natasa nói:

- Khoan đã, Sonya ạ, ta sẽ xếp tất cả hai thùng này cũng đủ.

- Không được đâu, tiểu thư ạ, đã thu xếp rồi mà không được. - Người chủ thiện nói.

- Không, để yên tôi xem đã.

Và Natasa bắt đầu lấy những chiếc đã ăn và đã tách bọc giấy ở trong thùng ra. Nàng nói:

- Đĩa ăn phải để vào đây này, để vào giữa các tấm thảm ấy.
   
Chỉ riêng các tấm thảm không thôi cũng đã chiếm hết ba thùng rồi còn gì.

- Thì cứ để yên tôi xem nào.
   
Và Natasa bắt đầu dỡ đồ đạc ra với những động tác nhanh nhẹn và khéo léo, - Cái này không cần, -
Natasa nói khi đỡ mấy bộ đĩa Kiev, - cái này thì cần, cho vào thùng đựng thảm, - nàng nói khi cầm đến mấy bộ đĩa sứ Xacxoni.

- Thôi đi Natasa, để cho chúng tôi xếp, - Sonya nói giọng trách móc.
     
Người quản gia cũng nói:

- Thôi, tiểu thư ạ!
   
Nhưng Natasa không chịu thua. Nàng dỡ hết đồ đạc ra và bắt đầu xếp lại rất nhanh, quả quyết gạt những tấm thảm và những bộ đĩa thừa ra. Và quả nhiên, sau khi đã gạt bỏ bớt những đồ đạc rẻ tiền không đáng mang theo, bao nhiêu đồ quý đều xếp gọn vào hai thùng. Nhưng cái thùng đựng thảm không sao dậy nắp được. Lúc bấy giờ có thể lấy bớt ra một ít, nhưng Natasa cứ một mực không chịu. Nàng đi xếp, xếp lại, giẫm, ấn, bắt người quản gia và cậu Petya mà nàng huy động đến làm việc với nàng phải đè thật mạnh lên nắp thùng, và chính nàng cũng đem hết sức lực ra ấn nó xuống.

- Thôi Natasa ạ, - Sonya nói, - Mình thấy rồi, Natasa làm thế là phải, nhưng hãy bớt tấm thảm trên cùng đi.

- Không, - Natasa kêu lên, một tay đưa lên vén mái tóc xoã xuống khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của nàng, một tay ấn nắp thùng - Ấn mạnh đi Petya! Vaxitits, ấn mạnh đi nào!
     
Mấy tấm thảm đã ép chặt xuống. Nắp thùng đã đóng lại được.
       
Natasa vỗ tay reo lên mừng rỡ, ứa cả nước mắt ra. Nhưng chỉ một lát sau nàng đã bắt tay vào một công việc khác. Bây giờ thì mọi người đã hoàn toàn tin rằng, và bá tước không hề phật ý khi người nhà nói với ông rằng Natasa đã bảo làm khác hẳn lời sai phái của ông, và các gia nhân đã đều hỏi Natasa xem xe chất như đã đủ chưa và nên chằng dây chưa. Nhờ những cách thu xếp của Natasa, mọi việc đều được giải quyết gọn gàng: những đồ không cần dùng được bỏ lại, còn những đồ quý nhất thì được sắp xếp thật chặt chẽ.
       
Tuy mọi người đã ra sức xếp đặt cho thật nhanh nhưng đến khuya vẫn chưa xếp hết được. Bá tước phu nhân ngủ thiếp đi. Lão bá tước đành hoãn đến sáng mai mới lên đường, và đi ngủ.
Natasa và Sonya để nguyên áo dài ngủ trong phòng đi-văng.
     
Đêm đó có thêm một người bị thương được chở qua phố Pavarkaya, và bà Mavra Kizminisna bấy giờ đang đứng ở cổng, liền cho xe của họ rẽ vào sân nhà Roxtov. Theo ý bà Mavra thì người bị thương này là một nhân vật trọng yếu. Họ chở người ấy trên một chiếc xe song mã phủ diềm, mui trên buông kín. Trên ghế đánh xe, bên cạnh người xà ích, có một người nội bộc đã già trông rất oai vệ ở phía sau có một chiếc xe chở một viên bác sĩ và hai người lính đi theo.

- Xin mời ngài vào nhà chúng tôi, xin mời quý vị. Chủ chúng tôi sắp đi rồi cả nhà bỏ trống, - bà Mavra nói với người lão bộc.

- Thôi cũng đành, - người hầu phòng thở dài đáp, - cũng không mong gì về đến nhà được! Chúng tôi cũng có nhà ở Moskva, nhưng xa lắm, mà nay nhà chẳng còn ai.
     
Mavra Kizminisna nói:

- Xin cứ vào nhà chúng tôi, chủ chúng tôi cái gì cũng có đủ, xin cứ vào - Rồi bà nói thêm - Thế nào, bị thương nặng lắm à?

Người lão bộc khoác tay ra dáng tuyệt vọng:

- Không mong gì đưa về đến nhà! Phải hỏi bác sĩ mới được - và lão bỏ ghế xà ích bước xuống. lại gần chiếc xe sau.

- Được! - viên bác sĩ nói.
     
Người hầu phòng lại trở về sau song mã, ghé mắt nhìn vào trong xe, lắc đầu, rồi bảo người đánh xe quay vào sân, và đứng lại bên cạnh Mavra Kizminisna.

- Trời ơi! Lạy chúa Jesus! - Bà Mavra thốt lên.

Bà đưa người bị thương vào nhà, nói:

- Các chủ nhân không nói gì đâu…
   
Nhưng không thể đem người bị thương lên gác được nên họ đưa vào dãy nhà dọc và đặt người ấy nằm trong gian phòng cũ của bà Schoss. Người bị thương ấy chính là công tước Andrey Bolkonxki.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #547 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:46:20 pm »

Phần XI
Chương -15- 16

Ngày cuối cùng của thành Moskva đã đến. Hôm ấy là một ngày chủ nhật mùa thu quang đãng và tươi vui. Cũng như trong những ngày chủ nhật bình thường, hôm ấy các nhà thờ cũng đánh chuông. gọi con chiên đến xem lễ. Tưởng chừng như chưa ai có thể hiểu rõ cái gì đang chờ đợi Moskva.
   
Trong tình xã hội chỉ có hai dấu hiệu cho thấy cái tình trạng của thành Moskva lúc bấy giờ: sự nhốn nháo của đám dân nghèo và giá cả các làng hoa. Thợ thuyền, người ở, nông dân họp thành một đám rất đông, trong đó có xen cả những người viên chức, những học sinh chủng viện và những người quý tộc, sáng sớm hôm ấy kéo nhau lên Trigorư. Sau khi đứng đợi một hồi lâu chẳng thấy Raxtovsin đến, và biết rõ rằng Moskva sẽ bỏ ngỏ, đám đông bèn toả ra khắp thành phố, xông vào các ty rượu và các quán rượu. Giá cả ngày hôm ấy cũng cho thấy rõ tình hình của thành phố. Giá vũ khí, giá xe cột và giá ngựa tăng lên không ngừng, còn giá cả của giấy bạc và của những đồ dùng thành thị thì lại mỗi lúc một giảm, đến nỗi vào khoảng giữa trưa có những anh xà ích đánh xe thuê mua được những hàng đắt tiền như len dạ bằng nửa giá thường, còn một con ngựa cày thì bán đến hàng năm trăm rúp; bàn ghế, gương soi tượng đồng thì người ta lại cho không.
   
Trong ngôi nhà cũ kỹ và yên tĩnh của gia đình Roxtov chẳng có dấu hiệu gì rõ rệt chứng tỏ những điều kiện sinh hoạt cũ đã bị đảo lộn. Về phần gia nhân thì chỉ có một điều là đêm hôm qua trong số tôi tớ rất đông đúc của nhà này có ba người trốn đi, nhưng đồ đạc thì chẳng mất mát chút gì, còn về giá cả thì ba mươi cỗ xe đưa từ thôn quê lên quả là một giá rất đắt. Không phải chỉ riêng, mà từ cuối hôm ba mươi mốt tháng tám cho đến sáng ngày mồng một tháng chín lại có nhiều người lính cần vụ và gia nhân của các sĩ quan bị thương, và ngay cả những người bị thương nữa ghé lại nhà Roxtov và các nhà bên cạnh cũng đều van xin các gia nhân và nói hộ với chủ cho họ nhờ mấy chiếc xe tải để ra khỏi Moskva. Người quản gia nghe họ van nài như vậy cũng thấy thương hại những người bị thương nhưng cũng cương quyết từ chối, nói rằng việc này thì dù chỉ thưa lại với chủ nhân thôi anh ta cũng không dám. Những người thương binh bị bỏ lại thật đáng thương, nhưng có thể thấy rõ là nếu đã nhường một chiếc xe tải thì không có lý gì lại không nhường tất cả, rồi đến xe nhà cũng phải nhường nốt. Người quản gia suy tính hộ cho chủ như vậy.
     
Sáng ngày mồng một, bá tước Ilya Andreyevich thức dậy, rón rén bước ra ngoài phòng ngủ để khỏi kinh động giấc ngủ của bá tước phu nhân mới chợp mắt lúc tờ mờ sáng.  Mình mặc chiếc áo ngủ dài bằng lụa màu hoa cà, bá tước đi ra thềm. Những chiếc xe tải đã chằng dây đang đứng im trong sân. Viên quản gia đang đứng cạnh bậc thềm nói chuyện với một người lính cần vụ già và người một sĩ quan trẻ tuổi xanh xao tay treo băng. Trông thấy bá tước, người quản gia làm một cử chỉ nghiêm nghị ra hiệu cho họ lảng ra xa.

- Thế nào đấy, xong cả chưa Vaxilits? - Bá tước hỏi, tay xoa xoa cái đầu hói và đưa đôi mắt hiền hậu nhìn viên sĩ quan và người lính cần vụ, khẽ gật đầu chào họ (bá tước vốn thích những người mới gặp).

- Thưa bá tước, bây giờ cho thắng ngựa ngay cũng được ạ.

- Thế thì tốt lắm, chốc nữa bá tước phu nhân ngủ dậy là đi ngay! Thế còn ông thì sao? - bá tước quay sang nói với viên sĩ quan. - Đêm qua ông nghỉ lại nhà tôi đấy chứ?

Viên sĩ quan lại gần. Gương mặt xanh xao của anh ta chợt đỏ ửng lên.

- Thưa bá tước, xin bá tước gia ân, cho phép tôi… tôi van ngài… cho tôi ngồi nhờ trên một chiếc xe tải nào của bá tước, chỗ nào cũng được. Đây tôi chẳng có hành lý gì cả… Ngồi trên xe tải… thế nào cũng được…
Viên sĩ quan chưa nói hết câu thì người lính cần vụ đã đỡ lời van xin bá tước cho chủ.

- À! Được được được - Bá tước hối hả nói. - Tôi rất vui lòng, rất vui lòng. Vaxilits, anh bảo bỏ bớt đồ trên xe xuống, anh xem… phải cho chu tất nhé… - bá tước nói lúng búng, chẳng rõ ông ta muốn bảo làm gì nữa.
   
Nhưng ngay trong giây lát đó vẻ biết ơn nhiệt thành của viên sĩ quan đã củng cố những điều sai bảo của bá tước. Bá tước đưa mắt nhìn quanh: trong sân, ngoài cổng, ở các khung cửa sổ bên dãy nhà dọc đều thấy có những người bị thương và những người cần vụ.

Mọi người đều nhìn về phía bá tước và mon men lại gần bậc thềm.

- Thưa bá tước, xin bá tước ghé vào phòng khách. - Viên quản gia nói. - Bẩm bây giờ bức tranh thì thế nào ạ?
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #548 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:48:01 pm »

Bá tước theo anh ta vào nhà, sau khi nhắc lại là không được từ khước những người bị thương xin ngồi nhờ xe tải.

- Thôi thì bỏ bớt ít đồ xuống cũng được, - ông nói thêm, giọng thì thầm có vẻ bí mật, như thể ông sợ có ai nghe thấy.
   
Đến chín giờ bá tước phu nhân thức dậy. Matriona, người hầu phòng cũ của phu nhân, vốn làm một chức vụ tương tự như chức trưởng phòng hiến binh của phu nhân, đến báo cáo với phu nhân rằng Maria Karlovra đang bất bình lắm, và áo dài mùa hạ của các tiểu thư không thể bỏ lại được. Bá tước phu nhân hỏi tại sao bà Schoss lại bất bình như vậy, thì hoá ra các rương hòm của bà ta đã bị bỏ xuống và tất cả xe tải đều bị tháo dây ra cả (bá tước quá thật thà đã cho bỏ đồ đạc xuống để chở thương binh). Bá tước phu nhân liền cho gọi chồng lại.

- Thế nào đấy mình, nghe nói lại bỏ đồ đạc xuống à?

- Mình ạ! Số là thế này… bá tước phu nhân thân mến của tôi ạ… vừa rồi có một sĩ quan đến xin tôi nhường cho vài xe để chở thương binh. Vì rằng đồ đạc thì còn sắm lại được, chứ họ mà phải ở lại đây là mình thử nghĩ mà xem!… Quả tình trong sân nhà ta… chính chúng ta cũng đã gọi họ vào, ở đây có cả những sĩ quan. Mình ạ, tôi thiết tưởng, quả tình thì, mình ạ. Thế này nhé… Thôi để cho họ cùng đi… Việc gì mà vội?
     
Bá tước nói một cách rụt rè như thường lệ mỗi khi nói đến chuyện tiền nong. Bá tước phu nhân thì đã quen với cái giọng này, một giọng nói xưa nay vẫn báo trước một việc gì có tổn thương đến tài sản của con cái, như việc bày phòng tranh, làm nhà ủ cây, tổ chức diễn kịch hay hoà nhạc trong nhà, và phu nhân đã quen cho là mình có nhiệm vụ nhất luận phản đối những việc mà bá tước nói ra với cái giọng rụt rè đó.
   
Phu nhân làm ra vẻ nhẫn nhục, ngậm ngùi và nói với chồng:

- Bá tước ạ, mình đã làm hỏng mất vtệc bán ngôi nhà, thế mà bây giờ mình còn muốn huỷ hoại cả sản nghiệp của các con ư? chính mình nói rằng của cải trong nhà có đến mười vạn. Mình ạ, tôi không chịu đâu, tôi không chịu đâu? Tuỳ mình đấy! Cần phải làm gì chứ. Mình thử nhìn mà xem: nhà Lopukhin đã dọn đi hết từ ba ngày nay. Mình không thương tôi thì cũng phải thương lấy các con chứ.
   
Bá tước khoát tay một cái và chẳng nói chẳng rằng bỏ ra ngoài.

- Ba ơi! Việc gì phải thế hở ba? - Natasa nói, và theo bá tước vào phòng mẹ.
     
Chẳng có gì cả! Việc gì đến mày? - Bá tước giận dữ nói.

- Không, con nghe thấy rồi. Tại sao mẹ không chịu hả ba?

- Thì việc gì đến mày nào? - bá tước quát lên.

Natasa bỏ ra đứng cạnh cửa sổ và ngẫm nghĩ một lúc.

- Ba ạ, Berg đến kia kìa, - nàng nói, mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.

16.
       
Berg, người con rể của ông bà Roxtov, bấy giờ đã lên đến chức đại tá, đeo huân chương Vladimir và huân chương Anna trên cổ vẫn làm một chức vụ yên tĩnh và thú vị là chức sĩ quan phục việc ở văn phòng thứ nhất của tham mưu trưởng quân đoàn hai.
   
Ngày mồng một tháng chín, Berg từ quân đội trở về Moskva.
   
Chàng chẳng có việc gì ở đây cả; nhưng chàng nhận thấy rằng trong quân đội ai cũng về Moskva để làm một việc gì đấy. Cho nên chàng cũng thấy cần phải xin về đấy để thu xếp việc nhà.
     
Berg đến nhà ông nhạc trên cỗ xe rất lịch sự thắng hai con ngựa hồng béo tốt, bờm và đuôi đen, giống như đúc hai con ngựa của một vị công tước mà chàng quen biết. Chàng chăm chú nhìn những chiếc xe tải ở ngoài sân, và khi bước lên bậc thềm, chàng rút chiếc khăn mùi soa sạch sẽ ra, thắt góc khăn lại thành một cái nút, Từ phòng ngoài, Berg bước vội vào phòng khách ôm hôn bá tước hôn tay Natasa và Sonya rồi vội vàng hỏi thăm sức khoẻ của bà nhạc. Lão bá tước nói:

- Lại còn hỏi sức khoẻ! Nào, anh thử nói tôi nghe nào, quân đội ra sao? Sẽ rút lui hay mở một trận nữa?
     
Berg nói:

- Thưa ba, chỉ có Thượng đế vĩnh hằng mới có thể định đoạt số phận của tổ quốc. Quân đội thì đang hừng hực tinh thần anh dũng, và hiện nay các vị tư lệnh đang họp hội đồng. Rồi đây sẽ ra sao thì không biết… Nhưng con xin thưa với ba là nói chung cái tinh thần dũng cảm, cái tinh thần quả cảm của quân đội Nga, thật xứng đáng với các anh hùng cổ đại, mà họ đã biểu lộ ra trong trận chiến đấu ngày hai mươi sáu thì không có lời nào tả xiết… con xin thưa với ba rằng (chàng đấm vào ngực đúng như một viên tướng đã từng đấm ngực khi nói mấy câu này trước mặt chàng, tuy chàng đấm có hơi muộn, vì lẽ ra phải đấm ngực đúng vào lúc nói mấy chữ "quân đội Nga"), con xin nói thật rằng những người chỉ huy như con không những không phải thúc ép quân sĩ mà lại còn phải kìm bớt những cái… những cái… phải, những chiến công anh hùng chẳng kém gì các anh hùng cổ đại ấy, - câu này chàng nói một hơi rất nhanh. - Ở nơi nào đại tướng Barclay de Tolly cũng luôn luôn xông pha ở hàng đầu quân đội. Còn quân đoàn của con thì bố trí ở một sườn núi. Ba thử tưởng tượng xem! - và đến đây Berg kể lại tất cả những điều chàng còn nhớ được qua những câu chuyện chàng đã nghe kể gần đây, Natasa cứ nhìn chòng chọc vào Berg khiến chàng lúng túng, dường như nàng muốn tìm ở trên mặt Berg một lời giải đáp cho một vấn đề gì đang khiến nàng bận tâm.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #549 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:48:50 pm »

- Nói chung cái tinh thần anh dũng mà các chiến sĩ Nga đã biểu lộ ra thì thật không thể nào tưởng tượng cho hết, không thể tìm một lời ngợi khen cho xứng đáng? - Berg vừa nói vừa đưa mắt nhìn sang Natasa, và dường như muốn xin nàng buông tha cho, chàng cười nụ để đáp lại cái nhìn chòng chọc của Natasa - Chàng nói tiếp: "Nước Nga không phải ở Moskva, nước Nga ở trong lòng những người con của nó!" Thưa ba có phải thế không ạ?
     
Vừa lúc ấy bá tước phu nhân từ trong phòng đi-văng bước ra, vẻ mệt mỏi và bực dọc. Berg vội vã đứng phắt dậy hôn tay phu nhân, hỏi thăm sức khoẻ của bà và lắc đầu tỏ ý ái ngại, đứng yên bên cạnh bà.

- Phải, thưa mẹ, con xin nói thật rằng đây là một thời buổi khó khăn và buồn khổ cho mọi người Nga.
Nhưng việc gì phải lo âu? Bây giờ mẹ đi hãy còn kịp…

- Tôi không hiểu hiện nay người ta làm những gì, - bá tước phu nhân nói với chồng, - Họ vừa nói với tôi là sửa soạn chưa xong gì cả.

- Phải có người sai bảo họ với chứ. Thế này đâm ra lại tiếc thằng Mityeuka. Cứ mãi thế này thì rồi không biết đến bao giờ!
   
Bá tước định nói một câu gì nhưng rồi nghĩ lại thế nào lại thôi.
   
Ông rời ghế đứng dậy đi ra cửa.
   
Bấy giờ Berg, tuồng như để xỉ mũi, rút khăn mùi soa ra và nhìn cái nút thắt ở góc khăn, nghĩ ngợi một lát, buồn bã lắc đầu một cách có ý nghĩa. Chàng nói:

- À, thưa ba, con có một việc quan trọng cầu xin ba…

- Hả?… - bá tước dừng lại nói.

- Vừa rồi con đi ngang nhà Yuxupov, - Berg tươi cười nói, - Viên quản lý nhà này vốn quen con, chạy ra hỏi xem con có mua gì không. Con ghé vào… ấy, cũng chỉ vì tò mò muốn xem thử.   Trong ấy có một cái tủ con và một cái bàn trang điểm thật là… Chắc ba cũng biết rằng Veruska vẫn ước ao có một cái bàn như thế, chúng con đã có lần cãi nhau về việc này (khi nói đến chiếc tủ con và cái bàn trang điểm Berg bất giác chuyển sang cái giọng vui mừng mà chàng vẫn thường có mỗi khi nói đến những tiện nghi trong nhà chàng). Trông thích quá: có nhiều ngăn rút ra được, lại có một cái ngăn kéo bí mật kiểu Anh nữa ba ạ! Veruska muốn có một chiếc từ lâu. Cho nên con muốn cho nhà con một món quà bất ngờ. Ở đây con thấy có nhiều nông dân ở ngoài sân. Ba cho con mượn một đứa, con sẽ cho tiền uống rượu rất hậu và…
     
Bá tước cau mày và đằng hắng mấy cái.

- Anh hỏi bá tước phu nhân ấy, tôi không biết.

Nếu phiền thì thôi vậy, - Berg nói. - Nguyên con chỉ muốn làm cho Veruska mừng.

- Chà thôi! Cút hết đi cho rảnh, cút đi, cút đi!. - Lão bá tước quát, Váng hết cả đáu lên! - Nói đoạn bá tước bỏ ra ngoài.
   
Bá tước phu nhân khóc.

- Phải! Thưa mẹ, thời buổi thật là khó khăn, - Berg nói.
     
Natasa theo bố và có vẻ đang chật vật suy nghĩ điều gì lúc đầu còn đi theo bá tước, nhưng về sau nghĩ thế nào nàng lại rẽ xuống thang gác.

Trên bậc thềm, Petya đang đứng phân phát vũ khí cho các gia nhân sẽ ra khỏi Moskva. Những chiếc xe tải đã thắng ngựa vẫn đứng ngoài sân. Có hai chiếc đã tháo dây ràng. Một viên sĩ quán, có một người lính cần vụ đỡ, đang leo lên một trong hai chiếc xe ấy.

- Chị có biết vì việc gì không? - Petya hỏi Natasa (Natasa hiểu ngay rằng Petya muốn hỏi vì sao cha mẹ cãi nhau). Nàng không đáp.

- Vì cha muốn nhường tất cả các xe vận tải cho thương bình, Petya nói. - Valxilits bảo em thế.  Em thì em cho rằng…

- Tao thì tao cho rằng… - Natasa bỗng quay mặt vào Petya nói to gần như quát lên, vẻ giận dữ… tao cho rằng như thế thật là xấu xa, thật là ti tiện hết sức! Chúng ta có phải là người Đức đâu chứ?
     
Cổ nàng nghẹn ngào vì những tiếng nấc. Và sợ rằng cơn giận của mình sẽ giảm bớt nếu để cho nó phát tiết ra một cách vô ích, nàng hấp tấp quay gót và chạy rất nhanh lên thang gác. Berg đang ngồi cạnh bá tước phu nhân, lựa lời kính cẩn và thân mật an ủi bà nhạc.
   
Bá tước tay cầm tẩu thuốc đang đi đi lại lại trong phòng khi Natasa mặt này muốn biến sắc đi vì tức giận chạy xổ vào như một trận cuồng phong và bước rất nhanh về phía mẹ.

- Thật là ghê tởm, thật là ti tiện - Nàng quát lên. Không thể tin là mẹ đã bảo họ làm như vậy được.
   
Berg và bá tước phu nhân ngơ ngác và kinh hãi nhìn nàng. Bá tước dừng lại bên cửa sổ lắng tai nghe ngóng.

- Mẹ ạ, không thể như thế được; mẹ thử nhìn ra sân mà xem! - nàng thét lên. - Họ phải ở lại đấy!

Con làm sao thế? Họ là ai? Con muốn làm gì?

- Họ là thương binh ấy! Không thể như thế được mẹ ạ; như thế thì chẳng còn ra làm sao nữa… không phải, mẹ yêu dấu của con ạ: không phải thế, mẹ tha lỗi cho con, mẹ ạ. Mẹ ơi những đồ đạc chúng ta mang đi theo, đối với nhà ta có nghĩa gì! Chỉ xin mẹ nhìn ra sân mà xem… Mẹ ạ!… Không thể như thế được!…
     
Bá tước đứng lên cửa sổ nghe Natasa nói, không ngoảnh mặt lại. Bỗng ông bắt đầu thở phì phì và ghé mắt sát cửa sổ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM