Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:27:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273024 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #420 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:09:03 pm »

Phần IX
Chương - 18

Cũng như thường lệ vào ngày chủ nhật, có mấy người quen thân đến ăn chiều ở nhà gia đình Roxtov. Piotr đến sớm hơn để được gặp riêng những người trong nhà.
     
Năm ấy Piotr béo ra đến nỗi trông sẽ xấu xí lắm nếu như thân hình chàng không cao lớn, vai chàng không rộng như vậy và nếu chàng không có một sức khoẻ phi thường cho phép chàng chịu đựng cái khối người phì nộn của mình một cách dễ dàng như vậy.
   
Chàng bước lên bậc thềm, vừa thở hổn hển vừa nói lẩm bẩm cái gì trong mồm không rõ. Người đánh xe của chàng cũng chẳng hỏi xem có cần đợi nữa không. Anh ta biết rằng bá tước đã đến nhà Roxtov thì phải đến mười hai giờ mới về. Mấy người nô bộc nhà Roxtov vui mừng đến cởi áo khoác và cất gậy mũ cho chàng. Theo thói quen ở câu lạc bộ, gậy và mũ chàng đều để lại ở phòng ngoài.
     
Người đầu tiên trong gia đình Roxtov mà chàng gặp là Natasa. Từ nãy, chưa trông thấy nàng, khi đang cởi áo khoác ở phòng ngoài, chàng đã nghe tiếng nàng. Nàng đang hát một bài luyện giọng trong phòng lớn. Chàng biết rằng từ ngày nàng ốm đến nay Natasa không hát, cho nên tiếng hát của nàng làm cho chàng ngạc nhiên và mừng rỡ.
   
Chàng khe khẽ mở của và trông thấy Natasa trong chiếc áo dài tím mà nàng đã mặc sáng nay khi đi xem lễ, đang đi đi lại lại trong phòng, vừa đi vừa hát. Nàng đang quay lưng về phía chàng khi chàng mở cửa, nhưng khi nàng bỗng quay phắt người lại trong thấy khuôn mặt béo tốt ngạc nhiên của chàng, nàng đỏ mặt và đi nhanh về phía chàng.

- Tôi muốn thử hát lại xem, - nàng nói - Dù sao đây cũng là một cách tiêu khiển, - nàng nói thêm như muốn thanh minh.

- Ô như thế tốt lắm chứ.

- Anh đến tôi mừng quá! Hôm nay tôi sung sướng lắm! - Nàng nói với vẻ hồ hởi trước kia mà lâu Piotr không thấy nàng có. Anh biết không, Nikolai đã được thưởng huân chương chữ thập George. Tôi thấy hãnh diện cho anh ấy quá.

- Biết chứ, chính tôi đã gửi bản nhật lệnh đến. Thôi, tôi không muốn làm phiền cô, - Chàng nói thêm và toan đi vào phòng khách.

Natasa ngăn chàng lại.

- Bá tước ạ, tôi hát thế này có làm sao không, có cái gì không tốt không? - nàng đỏ mặt nói, nhưng mắt vẫn ngước lên nhìn thẳng vào Piotr có ý dò hỏi.

- Không sao… Sao lại không tốt? Trái lại ấy chứ… Nhưng sao cô lại hỏi tôi như thế?

- Chính tôi cũng không biết, - Natasa đáp nhanh - Nhưng tôi không muốn không làm một điều gì mà anh không thích. Việc gì tôi cũng tin anh. Anh không rõ đối với tôi anh quan trọng đến thế nào và anh đã giúp tôi nhiều đến thế nào!… -  Nàng nói rất nhanh và không để ý thấy Piotr đỏ mặt khi nghe mấy lời này. - Trong bản nhật lệnh ấy tôi còn được biết là anh ấy hiện đang ở Nga và đã nhập ngũ trở lại. Anh nghĩ thế nào, - nàng nói nhanh, hẳn là vội nói cho hết vì sợ mình không đủ sức, - Sau này anh ấy có thể tha thứ cho tôi được không? Anh ấy oán ghét tôi không? Anh ấy thế nào. Anh ấy thế nào?

- Tôi nghĩ rằng… - Piotr nói, - Chẳng có chuyện gì mà anh ấy phải tha thứ cả… Giá tôi ở địa vị anh ấy… - Trong khoảnh khắc ký ức của Piotr đã lướt nhanh theo dòng kỷ niệm xưa đưa chàng trở lại ngày nào chàng an ủi nàng và nói với nàng rằng giá chàng không phải là chàng, mà là người tốt nhất trên đời và hãy còn tự do, thì chàng sẽ quỳ xuống xin kết hôn với nàng, và cũng cái cảm giác thương xót trìu mến. yêu đương ấy bao trùm lấy chàng, và cũng những lời nói ấy chỉ chực bật ra khỏi miệng chàng. Nhưng Natasa không để cho chàng kịp nói.

- Phải, anh, anh - nàng nói tiếng anh này một cách say sưa. - Anh thì khác. Tôi không biết một người nào, và không thể có một người nào tốt bụng, rộng lượng và thương người hơn anh được. Nếu không có anh dạo ấy, mà bây giờ cũng thế, thì không biết tôi sẽ ra sao, vì… - nước mắt bỗng dâng trào lên mắt nàng; nàng quay mặt đi, đưa quyển vở nhạc lên mặt, cất tiếng hát và lại đi đi lại lại trong phòng.
   
Vừa lúc ấy Petya từ trong phòng khách chạy ra.
   
Petya bấy giờ là một cậu bé mười năm tuổi hồng hào, khôi ngô, có đôi môi dày và đỏ, trông giống Natasa. Cậu ta đang chuẩn bị vào trường đại học, nhưng gần đây cậu ta với một người bạn học là Obolenxki đã bí mật quyết định với nhau là sẽ vào quân phiêu kỵ.
   
Petya chạy đến tìm anh bạn lớn trùng tên với mình(1) để bàn về việc này. Petya đã nhờ chàng hỏi xem liệu họ có nhận cậu vào quân phiêu kỵ không.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #421 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:09:48 pm »

Piotr đi trong phòng khách, không nghe Petya nói gì. Petya kéo tay chàng để chàng chú ý đến mình.

- Kìa anh Piotr Kilyts, việc em ra sao rồi! Trời ơi, anh cho em biết đi! Chỉ còn hy vọng vào anh thôi đấy, - Petya nói.

- À việc này của cậu à! Xin vào phiêu kỵ ấy à? Tôi sẽ nói, tôi sẽ nói cho. Ngay hôm sau tôi sẽ nói tất cả.

- Thế nào đấy, anh bạn, thế nào đây, kiếm được bàn tuyên cáo rồi chứ? - Lão bá tước hỏi. - bá tước phu nhân nhà tôi vừa đi xem lễ bên nhà Razumovxki, nghe một bài kinh cầu nguyện mới. Nghe nói bài kinh này hay lắm thì phải.

- Kiếm được rồi ạ. - Piotr đáp. - Ngày mai hoàng thượng sẽ về - sẽ có một cuộc họp bất thường của các giới quý tộc và nghe đâu cứ một nghìn dân thì tuyển mười người. Phải xin có lời mời bá tước.

- Phải, phải, đội ơn Chúa. Này thế có tin gì về quân đội không?

- Quân ta lại rút lui. Nghe nói đã rút về đến gần Smolensk rồi. - Piotr đáp.

- Trời ơi, Trời ơi! - bá tước nói. - Thế bản tuyên cáo đâu?

- Lời triệu tập ấy à? À, vâng! - Piotr bắt đầu lục túi tìm mấy tờ giấy nhưng chẳng thấy đâu cả. Trong khi vẫn tiếp tục nắn túi, chàng hôn tay bá tước phu nhân bấy giờ mới vào, và đưa mắt lo lắng nhìn quanh, hẳn là có ý chờ đợi Natasa, bấy giờ đã thôi hát, nhưng vẫn không thấy vào phòng khách.

- Quả tình tôi cũng chả biết tôi nhét nó vào chỗ nào nữa, - chàng nói.

- Cái anh này, suốt đời chỉ thấy mất với quên, - bá tước phu nhân nói.

Natasa bước vào, vẻ mặt xúc động và dịu hẳn lại; nàng ngồi xuống và im lặng đưa mắt nhìn Piotr. Nàng vừa vào phòng thì gương mặt rầu rĩ của Piotr bông rạng rỡ hẳn lên, và trong khi vẫn lục tìm mấy tờ giấy, chàng mấy lần đưa mắt nhìn nàng.

- Quả thật, chắc tôi để quên ở nhà mất rồi. Tôi về lấy đây. Nhất định…

- Không kịp về dự bữa ăn mất.

- Ô mà anh đánh xe lại đi mất rồi.

Nhưng Sonya đã ra phòng ngoài tìm và thấy mấy tờ giấy trong mũ của Piotr, chàng đã cẩn thận nhét vào vành nón mũ. Piotr toan mang ra đọc.

- Khoan đã, để ăn xong hẵng hay. - lão bá tước nói, - Hẳn là ông thấy trước rằng cuộc tuyên phạt này sẽ là một cái thú rất lớn.

Trong bữa ăn, họ uống sâm banh chúc mừng sức khoẻ người mới được huân chương George, Sinsin kể lại những tin tức trong thành phố: nào là một nữ công tước già người Gruzi bị ốm, nào là Netivie đi đâu biết tích, nào là có mấy người dẫn đến cho Roxtopsin một anh chàng người Đức nào đấy, và tuyên bố với ông ta rằng đây là một "săm-pi-nhông"(2) (chính bá tước Roxtopsin kể như vậy), và bá tước Roxtopsin đã cho tha cái anh săm-pi-nhông ấy và nói với dân chúng rằng đó không phải là một săm-pi-nhông, mà chỉ là một cây nấm Đức già tầm thường thôi.

- Họ bắt đầu, họ bắt đầu, - bá tước nói, - Tôi cũng nói mãi với bá tước phu nhân là nói tiếng Pháp in ít chứ. Thời buổi này nói tiếng Pháp không hợp đâu.

- Thế chú có nghe tin gì không? - Sinsin nói, - Công tước Golixyn đã rước một ông thầy về để học tiếng Nga rồi đấy; bây giờ nói tiếng Pháp ở ngoài phố đã bắt đầu thành nguy hiểm.

- Thế nào, bá tước Piotr Kirilovich, đến khi họ tuyển mộ dân binh chắc chắn bá tước cũng phải lên ngựa chứ? - Bá tước quay sang Piotr nói.

Piotr có vẻ lầm lì và trầm ngâm suốt bữa ăn hôm ấy. Nghe hỏi, Piotr ngơ ngác nhìn bá tước, như không hiểu sao cả.

- À vâng đi đánh giặc, - chàng nói. - Không! Tôi thì đánh chác gì! Kể ra cũng lạ thật, lạ thật! Chính tôi cũng chẳng hiểu ra làm sao nữa. Tôi không biết, tôi vốn chẳng có chút sở thích gì về quân sự, nhưng thời buổi bây giờ không ai dám chắc mình ra sao.
   
Sau bữa ăn bá tước ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành và với vẻ mặt nghiêm trang, ông bảo Sonya, vốn được tiếng là người đọc rất hay, đọc lời hiệu triệu lên.
   
"Gửi Moskva, đệ nhất kinh đô của chúng ta.

Quân thù với những lực lượng rất lớn: đã tiến vào nội địa nước Nga. Chúng đang tàn phá tổ quốc thân yêu của chúng ta".
   
Sonya chăm chú đọc với cái giọng thanh thanh của nàng. Bá tước nhắm mắt lắng nghe, đến một vài đoàn nào đó ông lại thở dài mấy tiếng dứt quãng.
   
Natasa ngồi thẳng người trên ghế, khi thì nhìn cha, khi thì nhìn Piotr như có ý dò hỏi.
Piotr cảm thấy cái nhìn của nàng đặt lên người mình và cố gắng không quay mặt lại. Bá tước phu nhân chốc chốc lại lắc đầu ra vẻ chê trách và bực bội mỗi khi trong bản tuyên cáo dùng những lời lẽ long trọng. Trong tất cả những lời lẽ ấy phu nhân chỉ thấy có một điểu là những nguy cơ đe doạ con bà hãy còn lâu mới hết. Sinsin thì nhếch môi thành một nụ cười ngạo nghễ, hẳn là ông ta chỉ đợi dịp để chế giễu: Chế giễu cách đọc của Sonya, chế giễu những gì bá tước sẽ nói, thậm chí chế giễu cả lời hiệu triệu nữa nếu không có cớ gì lớn.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #422 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:10:44 pm »

Sau những đoạn nói về những nguy cơ đang đe doạ nước Nga, đến những niềm hy vọng mà hoàng thượng đặt vào Armfeld, và nhất là vào giới quý tộc vẻ vang, Sonya, giọng run run, chủ yếu là vì mọi người nghe nàng chăm chú quá, đọc những lời cuối cùng:"Chính trẫm sẽ thân hành đứng giữa thần dân của trẫm ở chốn kinh đô này và những nơi khác trên đất nước chúng ta để hội đàm và để chỉ đạo tất cả các đội dân binh của ta, những đội hiện nay đang ngăn bước tiến của quân thù cũng như những đội mới thành lập, để đánh bại chúng ở bất cứ nơi nào chúng xuất hiện. Sao cho cái thảm hoạ mà chúng muốn trút lên đầu chúng ta quay lại đổ vào đầu chúng, sao cho châu Âu được giải phóng khỏi ách nô lệ và ca ngợi tên tuổi vinh quang của nước Nga!".

- Có thế chứ - Bá tước mở to đôi mắt ướt kêu lên, rồi nói, giọng mấy lần đứt quãng vì những tiếng hít như có ai đưa sát mũi ông ta một lọ dấm cô đặc. - Hoàng thượng chỉ cần nói một tiếng là chúng ta hy sinh tất cả và không tiếc cái gì hết.
   
Sinsin chưa kịp buông ra một câu nói đùa đã chuẩn bị săn để giễu cợt lòng ái quốc của bá tước thì Natasa đã đứng phắt dậy chạy lại gần cha.

- Ba của con tuyệt quá! - Nàng vừa nói vừa hôn cha và đưa mắt nhì Piotr với cái kiểu làm dáng bất tự giác đã trở lại với nàng cùng với tâm trạng phân chấn của nàng.

- Chà cô này yêu nước quá nhỉ? - Sinsin nói.

- Chả yêu nước gì cả, nhưng… - Natasa giận dỗi đáp. - Bác thì cái gì cũng cho là buồn cười, nhưng đây hoàn toàn, không phải là chuyện đùa…

- Đùa thế nào được! - Bá tước nhắc lại. - Ngài chỉ cần nói một tiếng, là tất cả chúng ta sẽ đi… Chúng ta có phải là người Đức đâu…

- Thế các vị có để ý Piotr nói, - trong lời hiệu triệu có viết: "để bàn bạc" không? Thì để làm gì thế…

Trong khi đó Petya mà chẳng ai chú ý đã lại gần cha và, mặt đỏ gay, cất cái giong mới vỡ khi thì ồ ồ khi thì the thé lên nói:

- Ba ạ bây giờ thì con xin nói quả quyết - nhân có cả mẹ đây con cũng xin nói một thể, - con xin quả quyết rằng ba và mẹ phải để cho con nhập ngũ, vì con không thể chịu được nữa… Thế thôi.

Bá tước phu nhân sợ hãi ngước mắt lên trời, chắp tay lên ngực và tức giận bảo chồng:

- Đấy đã thấy chưa!

Nhưng ngay lúc đó bá tước đã trấn át được nỗi xúc động.

- Chà chà, - Ông nói, - Mày thì đánh chác gì! Đừng có nói vớ vẩn! Phải học chứ.

- Đây không phải là chuyện vớ vẩn đâu cha ạ. Thằng Fedya Obolenxki còn ít tuổi hơn con mà nó cũng đi đấy, và cái chính là bây giờ con không thể học hành được khi… - Petya ngừng lại, đỏ mặt đến toát cả mồ hôi ra nhưng vẫn nói - Khi tổ quốc đang lâm nguy.

- Thôi đi thôi đi, chỉ vớ vẩn.

- Thì chính ba vừa nói rằng chúng ta sẽ hy sinh tất cả kia mà.

- Petya! Tao bảo mày im ngay. - bá tước vừa quát vừa đảo mặt nhìn vợ. Bây giờ bá tước phu nhân tái mặt đi, mắt đờ đẫn nhìn trừng trừng vào đứa con út.

- Nhưng con cũng xin nói với ba rằng… Đây có cả Piotr Kirilyts cũng sẽ nói…

- Tao bảo mày - vớ vẩn miệng chưa ráo sữa mà đã muốn tòng quân! Thôi, thôi, tao bảo mày, - và bá tước cầm lấy mấy tờ giấy, chắc là để đọc lại một lần nữa trong phòng giấy trước khi đi nghỉ, rồi bước ra khỏi phòng. - Piotr Kirilovich, thôi ta vào đây hút thuốc…
   
Piotr lúng túng và hoang mang không biết nên nói gì. Sở dĩ chàng lâm vào tình trạng ấy là vì đôi mắt sáng một cách khác thường và đầỷ vẻ phấn chấn của Natasa luôn luôn nhìn chàng một cách dịu dàng âu yếm.

- Không tôi, có lẽ tôi xin về…

- Sao lại về, anh đã định ở lại chơi buổi tối kia mà… Dạo này anh lại ít đến chơi đấy. Thế mà cái con này… - Bá tước chỉ vào Natasa nói một cách vui vẻ, - chỉ khi nào có anh nó mới vui được…

- Vâng, nhưng tôi quên… Tôi nhất định phải về… Có việc bận… - Piotr nói vội.

- Thôi thế thì chào anh vậy - Bá tước nói đoạn đi thẳng ra khỏi phòng.

- Tại sao anh lại bỏ về? Tại sao anh có vẻ bối rối thế? Tại sao? - Natasa hỏi Piotr, mắt nhìn thẳng vào mắt Piotr như muốn thách thức.

"Tại vì anh yêu em!" - Chàng muốn nói thế, nhưng chàng không nói, đỏ mặt lên đến ứa nước mắt và nhìn xuống đất.

- Vì tôi bớt đến chơi nhà thì tốt hơn… Vì… Không, chẳng qua vì tôi có việc.

- Vì sao? Không, anh nói đi, - Natasa bắt đầu hỏi vặn, vẻ cương quyết nhưng rồi bỗng im bặt.

Hai người sợ hãi và e thẹn nhìn nhau. Chàng cố gắng mỉm cười nhưng không được: Nụ cười của chàng để lộ vẻ đau khổ. Chàng im lặng hôn tay nàng và đi ra.

Piotr tự nhủ lòng nhất định sẽ không đến chơi nhà Roxtov nữa.

================================================================

Chú thích:

(1) Pie và Petya đều là những cách gọi tên Piotr

(2) săm-pi-nhông (tiếng Pháp: champignon) là cây nấm. Ở đây dân chúng nhầm chữ này với chữ Spion (gốc tiếng Đức) có nghĩa là mật thám, gián điệp

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #423 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:11:32 pm »

Phần IX
Chương - 19

Sau khi bị khước từ dứt khoát như vậy, Petya lui về phòng riêng và khoá trái cửa lại ngồi khóc chua xót một mình. Mọi người đều làm ra vẻ như không để ý thấy gì khi cậu ra uống nước trà với một vẻ mặt lầm lì ủ dột, đôi mắt sưng húp.
   
Ngày hôm sau hoàng thượng đến. Mấy người trong gia đình nhà Roxtov liền xin phép đi xem Sa hoàng. Sáng hôm ấy Petya mặc áo quần rất lâu; cậu ta chải đầu và bẻ cổ áo như người lớn. Cậu đứng trước gương, cau mày, hoa tay, nhún vai, và cuối cùng, chẳng nói gì với ai, cậu đội mũ lưỡi trai và đi ra cổng sau, cố sao dừng ai trong thấy. Petya quyết định đi thẳng đến nơi hoàng thượng sẽ tới, và nói thẳng với một viên thị thần nào đấy (Petya cho rằng chung quanh hoàng thượng lúc nào cũng có những viên thị thần) rằng tuổi trẻ không thể là một trở ngại cho lòng tận trung với nước, và với cậu sẵn sàng… Trong khi sửa soạn, Petya đã sắp sẵn nhiều câu rất hay để nói với viên thị thần.
   
Petya hy vọng rằng mình ra mắt hoàng thượng sẽ có kết quả chính vì mình hãy còn nhỏ tuổi (Petya còn tưởng tượng thấy mọi người ngạc nhiên đến nhường nào khi thấy cậu ta trẻ tuổi như vậy), nhưng đồng thời trong cách bẻ cổ áo, cách chải đầu và dáng đi ung dung chững chạc cậu lại muốn làm ra vẻ một người lớn. Nhưng Petya càng đi, càng mải mê nhìn những đám người lũ lượt kéo đến điện Kreml thì lại càng quên giữ vẻ ung dung chững chạc đặc biệt của người lớn. Đến gần điện Kreml cậu đã bắt đầu lo lắng mình sẽ bị xô lấn, bèn làm ra vẻ quả quyết và dữ tợn khuỳnh hai khuỷu tay ra hai bên: nhưng đến cửa Troijxki, mặc dầu quả quyết như vậy, đám người, chàc hắn là không biết rô cậu đến diện Kreml với một mục đích ái quốc như thế nào, cứ dồn ép cậu vào tường đến nỗi cậu đành phải đứng lại, trong khi một dãy xe ngựa tiến vào, tiếng bánh xe lăn ầm ầm vang dội dưới vòm, cổng. Cạnh Petya, có một người đàn bà với một người gia đình quý tộc, hai người lái buôn và một người lính về hưu. Đứng ở cổng được một lúc, Petya không đợi cho xe cộ qua hết đã muốn vào trước mọi người, bèn ra sức vận dụng hai khuỷu tay, nhưng người đàn bà đứng cạnh cũng là người đâu tiên tiếp xúc với khuỷu tay của cậu, tức giận quát lên:

- Này, cậu kia, đi đâu mà xô đẩy người ta thế. Cậu xem người ta đứng cả đây. Xô lấn làm gì!

- Thế này thì ai cũng muốn xô ra trước, - người gia đình quý tộc nói và cũng bắt đầu cho hai khuỷu tay hoạt động, đẩy Petya vào một cái xó hôi hám ở trong cổng.
   
Petya đưa tay lên quệt mồ hôi trên mặt, xốc lại cái cổ áo thấm; ướt mồ hôi mà ở nhà cậu đã ra công bẻ nắn cho giống cổ áo người lớn.
   
Petya cảm thấy bộ dạng của mình chẳng tươm tất chút nào và sợ rằng nếu cứ thế này mà ra mắt các thị thần thì họ sẽ không để cho cậu đến gặp hoàng thượng mất. Nhưng bây giờ không tài nào nắn sửa được gì nữa, hay tìm cách chuyển sang chỗ khác cũng thế.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #424 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:12:07 pm »

Trong số các vị tướng đi xe qua cổng, Petya thấy có một người quen với nhà mình, Petya đã toan cầu cứu ông ta, nhưng lại nghĩ rằng mình làm như vậy chẳng trượng phu tí nào. Khi xe cộ đã qua hết, đám đông ùa tới và dồn Petya vào quảng trường bấy giờ đã chật ních những người là người. Không phải chỉ có trên quảng trường mà ngay cả trên vỉa hè, trên các mái nhà, đâu đâu cũng có người.
   
Petya vừa thấy mình đứng trên quảng trường đã nghe rõ mồn một tiếng chuông vang khắp thành Kreml và tiếng nói chuyện ồn ào vui vẻ của đám đông.
   
Được một lát, trên quảng trường thấy bớt xô lấn, nhưng bỗng nhiên mọi người đều cất mũ, ai nấy đều xô về phía trước, không hiểu đi đâu. Họ xô lấn Petya đến nỗi cậu không thể thở được nữa.
   
Mọi người đều hô: "Ura! Ura! Ura!", Petya kiễng chân lên, huých người này, véo người nọ, nhưng chẳng trông thấy gì ngoài những người đứng quanh cậu ta.
   
Trên khuôn mặt đều thấy phản ánh một niềm cảm khích và cổ vũ giống nhau. Một bà lái buôn đứng gần Petya khóc nức nở, nước mắt chảy ròng ròng.

- Cha của chúng tôi, vị thiên thần của chúng tôi! - Bà ta vừa nói vừa lấy ngón tay quẹt nước mắt.

- Ura! - khắp bốn phía có tiếng hô.
   
Trong khoảng một phút đám đông đứng yên một chỗ; rồi lại ùa ra phía trước.
   
Petya không còn biết gì nữa; cậu nghiến răng, mắt long lên sòng sọc, xông lên phía trước, vừa huých khuỷu tay vừa hô: "Ura!", tưởng chừng như cậu ta sẵn sàng giết hết mọi người và giết luôn cả mình nữa trong phút này, nhưng bên cạnh sườn Petya lại thấy nhô ra những vẻ mặt cũng hung hãn như thế và cũng hô: "Ura!".

"Đấy hoàng thượng là thế đấy, Petya nghĩ - Không ta không thể đưa đơn tận tay hoàng thượng được, như thế táo bạo quá!". Tuy vậy, Petya cũng vẫn cố sống cố chết lần về phía trước, và từ sau mấy cái lưng ở trước mặt, Petya thoáng trông thấy một khoảng trống có trải tấm thảm đỏ làm lối đi: nhưng vừa lúc ấy đám đông lại dồn lại phía sau (vì cảnh binh đẩy lùi những người đến quá gần lối đi của hoàng thượng đang từ cung điện đi ra nhà thờ Đức Bà lên trên Trời), và bỗng nhiên Petya bị huých vào sườn một cái rất mạnh và bị chèn dữ dội đến nỗi cậu ta hoa mắt lên rồi ngất đi. Khi cậu ta tỉnh lại, một người giáo sĩ có một chùm tóc hoa râu sau gáy, mặc một chiếc áo chùng xanh đã sờn bạc, chắc là một ông thầy giúp lễ, đưa một tay xốc nách Petya, còn tay kia thì giơ ra cản đám đông đang lấn tới.

- Họ giẫm bẹp nát cậu bé rồi - Ông thầy giúp lễ nói - Làm sao thế này này!… Nhè nhẹ tí chứ… Họ giẫm bẹp mất cậu bé rồi, giẫm bẹp mất rồi!
   
Hoàng thượng bước vào nhà thờ Đức Bà. Đám đông lại giãn ra một bên, và ông thầy giúp lễ dẫn Petya lúc ấy mặt tái nhợt, thở không ra hơi, về phía khẩu súng Thần công lớn(1). Có mấy người động lòng thương hại Petya, và đột nhiên cả đám đông quay về phía cậu ta, ở xung quanh người ta lại bắt đầu xô đẩy nhau. Những người đứng gần ân cần cởi khuy áo cho Petya, đặt cậu ta ngồi lên bệ súng và lên tiếng trách móc những người đã xô cậu.

- Cứ thế này họ có thể xô người ta chết mất chứ chẳng chơi, làm sao thế không biết! Thật là đồ giết người! Chao ôi, cậu bé mặt tái nhợt cắt không ra hột máu kia kìa, - Có tiếng lao xao.
   
Được một lát Petya đã hoàn hồn, mặt đã có máu, cảm giác đau đã giảm bớt, và nhờ việc không may trong chốc lát này cậu đã được một chỗ ngồi trên súng thần công, có hy vọng được trông thấy hoàng thượng lúc ngài quay về. Bây giờ Petya không còn nghĩ đến việc đưa đơn nữa. Miễn sao được trông thấy hoàng thượng là Petya có thể tự xem mình là người diễm phúc rồi.

Khi trong nhà thờ Đức Bà lên Trời làm lễ - một buổi lễ cầu nguyện kết hợp, vừa là lễ mừng hoàng thượng đến vừa là lễ tạ ơn trong dịp kí hoà ước với Thổ - đám đông tản mát ra; những người bán hàng rao nào là kvax(2), nào là bánh ngọt, nào là bánh kẹo phù dung là thứ kẹo mà Petya rất thích, và những câu chuyện bình thường ngày lại nở ra rôm rả. Một bà lái buôn đưa cho bạn bè xem chiếc khăn san vừa bị rách và nói cho mọi người biết mình đã mua chiếc khăn này hết bào nhiêu tiền, một bà khác bảo hàng tơ lụa lúc bấy giờ rất đắt đỏ. Ông thầy giúp lễ người đã cứu Petya, nói chuyện với một ông viên chức về những vị lịnh mục hôm nay cùng làm lễ với đức cha tổng giám mục. Ông thầy giúp lễ mấy lần nhắc đến chữ Xobornie(3), mà Petya không hiểu là cái gì. Hai người thị dân trẻ tuổi đùa cợt với mấy chị thị nữ đang cắn hạt dẻ. Đối với lứa tuổi của Petya, những câu chuyện này, nhất là những lời đùa cợt với mấy người con gái là có một sức hấp dân đặc biệt, nhưng bây giờ Petya không hề để ý đến; cậu ta ngồi trên cao điểm của mình đối với ngài. Cái cảm giác đau và sợ khi bị lấn pha lẫn nhau với mềm phấn khởi lại càng làm cho cậu có ý thức rõ rệt hơn về tầm quan trọng của giờ phút này.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #425 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2011, 10:12:50 pm »

Bỗng từ phía bờ sông vọng lại những tiếng súng đại bác (bắn để mừng việc ký hoà ước với Thổ Nhĩ Kỳ). Đám đông liền xô nhau chạy ùa ra bờ sông để xem bắn súng. Petya cũng muốn chạy ra đấy, nhưng ông thầy giúp lễ đã đảm nhiệm việc che chở cho cậu không để cho cậu đi. Tiếng súng hãy còn tiếp tục nổ, thì thấy từ nhà thờ Đức Bà lên Trời chạy ra như những viên sĩ quan, những vị tướng, những viên thị thần, rồi sau đó có mấy người nữa đi ra, nhưng vội vàng như những người kia. Đám đông lại cất mũ, và những người chạy ra xem bắn súng vội quay trở lại. Cuối cùng có bốn người đàn ông mặc quân phục và đeo dây thao từ trong nhà thờ bước ra. Đám đông lại hô: "Ura! Ura!".

- Người nào thế? Người nào thế? Petya hỏi những người đứng xung quanh với một giọng gần như khóc, nhưng không ai trả lời cậu cả; ai nấy đều đang mải nhìn. Petya bèn chọn lấy một trong bốn người ấy, một người mà cậu trông thấy rõ vì những giọt nước mắt vui mừng đã trào lên mờ cả mắt cậu ta dồn hết vào người ấy tấi cả tấm lòng hâm mộ của mình, tuy đó không phải là hoàng thượng, và gào lên như điên: "Ura!" định tâm là ngay ngày mai, dù có thế nào cũng mặc, nhất định sẽ trở thành một quân nhân.
   
Đám đông chạy sau hoàng thượng, theo ngài đến tận cung điện rồi bắt đầu giải tán. Bây giờ đã trưa lắm rồi, Petya chưa ăn gì cả, và mồ hôi cậu đổ ra như tắm. Nhưng cậu không về nhà, và cùng với đám người đã giảm bớt nhưng hãy còn khá đông đứng trước cung điện trong khi hoàng thượng dùng bữa trưa, nhìn lên các cửa sổ, chờ đợi một cái gì nữa không biết, thèm thuông địa vị những vị thân đi xe đến bến đỗ bên thềm để vào dự bữa chiều với nhà vua, cũng thèm thuồng cái địa vị những người hầu bàn cho hoàng thượng đi lại thấp thoáng trong các khung cửa sổ.
   
Trong bữa ăn của hoàng thượng, Valuyev nhìn ra cửa sồ nói:

- Dân chúng vẫn còn hy vọng được trông thấy bệ hạ.
   
Bấy giờ tiệc đã xong; nhà vua đứng dậy vừa ăn nốt chiếc bánh bích quy và đi ra bao lơn.

Đám dân chúng, trong đó có cả Petya đứng ở giữa, chồm về phía bao lơn.

- Vị thiên thần của chúng tôi, cha của chúng tôi! Ura!… - dân chúng hô to, và Petya cùng hô với họ.
   
Những người đàn bà và mấy người đàn ông dễ xúc cảm, trong số đó có cả Petya, khóc lên vì sung sướng. Một mảnh bánh bich quy khá to mà nhà vua đang cầm trên trong tay rã ra và rơi xuống lan can bao lơn rồi từ lan can rơi xuống đất. Người đứng gần hơn cả là một người đánh xe mặc áo lúp lao người về phía miếng bánh và chộp lấy. Trông thấy thế, nhà vua bảo đem ra một đĩa bánh bich quy và bắt đầu ném bánh từ trên bao lơn xuống. Mắt Petya đỏ ngầu; mối nguy cơ bị giẫm đạp lại càng kích thích cậu thêm. Cậu ta lao đến cướp bánh. Cậu cũng chẳng biết làm như vậy để làm gì, chỉ biết rằng thế nào cũng phải lấy cho kỳ được một chiếc bánh từ tay nhà vua ném xuống, phải cố giành cho được, không chịu thua ai. Cậu chồm tới và xô ngã một bà già sắp bắt được một chiếc bánh bích quy. Nhưng bà già vẫn chưa chịu thua tuy đã nằm dưới đất: bà ta vẫn giơ tay ra bắt bánh.
   
Petya dùng đầu gối chặn tay bà ta, chộp lấy chiếc bánh và dường như sợ chậm trễ mất, cậu cất tiếng hô "Ura!" với một giọng đã khàn đặc.

Nhà vua trở vào phòng, và sau đó phần lớn dân chúng bắt đầu ra về.

- Đấy tôi đã bảo là đợi một chút mà - thấy chưa, y như rằng! - bốn phía có tiếng nói vui vẻ.
   
Tuy lòng Petya vô cùng sung sướng, nhưng cậu cũng vẫn thấy buồn buồn khi phải về nhà, biết rằng tất cả những nỗi vui thú của ngày hôm nay thế là đã hết. Từ điện Kreml, Petya không về nhà mà lại đến nhà Obolenxki năm ấy mười lăm tuổi và cũng đã nhập ngũ. Về đến nhà, Petya tuyên bố một cách dứt khoát và rắn rói rằng nếu không cho cậu ta đi, cậu sẽ bỏ nhà trốn đi. Và mấy ngày hôm sau, tuy vẫn chưa nhượng bộ hoàn toàn, bá tước Ilya Andrevich cũng đi đò hỏi xem có nơi nào an toàn nhất để xin cho Petya nhập ngũ.

==================================================================

Chú thích:

(1) Một di tích lịch sử của thế kỷ 16 để ở điện Kreml. Nòng súng dài 5m34, cỡ nòng 890mm: nặng 40 tấn. Một vài mẫu đáng chú ý của nghệ thuật đúc đồng Nga.

(2) Nước giải khát làm bằng lên men bột mỳ, vị hơi chua.

(3). Buổi lễ nhiều linh mục cùng hành lễ

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #426 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2011, 08:42:25 pm »

Phần IX
Chương - 20

Sáng ngày mười lăm, tức hai ngày sau, có vô số xe cộ đến đỗ ở trước diện Xlolodxki.
Các phòng đều chật ních những người. Trong gian phòng thứ nhất có những thương gia đeo huân chương, để râu dài và mặc áo kanan xanh. Trong gian phòng của những người quý tộc tụ họp, người ta đi lại rộn rịp và nói chuyện rất ồn ào. Bên một cái bàn lớn, dưới bức chân dung của hoàng thượng, những vị huân tước trọng yếu nhất ngồi trên những chiếc ghế có lưng tựa rất cao, nhưng phần lớn những quý tộc đều đi đi lại lại trong phòng.
   
Tất cả những người quý tộc, chính những người hàng ngày vẫn gặp Piotr hoặc ở câu lạc bộ hoặc ở nhà họ, - tất cả đều mặc phẩm phục, người thì mặc theo kiểu thời Ekterina, người thì mặc theo kiểu thời Pavel, người thì mặc theo kiểu mới của thời Alekxandr, người thì mặc theo kiểu quý tộc phổ thông, và tính chất trung của những bộ phẩm phục này khiến cho các nhân vật già có trẻ có, rất đa dạng và rất quen thuộc này có thêm một vẻ gì thật lạ lùng và huyền hoặc. Đập vào mắt người ta mạnh nhất là mấy ông già, mù loà, móm mém, hói trơn hói trụi, núc ních những mỡ, da căng và vàng, hoặc trái lại gầy gò, nhăn nheo. Số đông những người này ngồi yên một chỗ và im lặng, nếu có đi lại và nói những chuyện bình thường của ngày hôm qua: ván bài boston, tài năng của anh đầu bếp Petruska hay sức khoẻ của bà Zinaida Dmitrievna v.v…

Piotr cũng có mặt ở trong văn phòng: từ sáng sớm chàng thắng bộ phẩm phục nay đã chật cứng khiết cho chàng rất vướng víu.

Chàng rất hồi hộp: cuộc hội họp bất thường này không phải chi gồm có giới quý tộc, mà còn gồm cả giới thương gia nữa - các estats généraux - (Tam cấp hội nghị) này đã thức tỉnh trong lòng chàng cả một loạt tư tưởng mà chàng đã xao lãng từ lâu nhưng vẫn khắc sâu trong tâm trí chàng: những tư tưởng về Khế ước xã hội và về cuộc cách mạng Pháp. Những lời trong bản hiệu triệu mà chàng đã chú ý, nói rằng hoàng thượng sẽ về thủ đô để bàn bạc với thần dân, khiến cho chàng càng thêm tin chắc vào quan điểm này. Chàng cho rằng đang có một cái gì quan trọng, một cái gì mà chàng đã chờ đợi từ lâu, sắp diễn ra theo hướng này. Chàng đi đi lại lại, chú ý nhìn, lắng nghe những câu chuyện chung quanh, nhưng không hề tìm thấy một dấu hiệu gì biểu hiện những ý nghĩ đang khiến chàng bận tâm.

Bản tuyên ngôn của nhà vua đọc lên khiến ai nấy đều nức lòng, rồi sau đó mọi người đều tản ra nói chuyện. Ngoài những chuyện thường ngày, Piotr còn nghe họ bàn tán không biết các đại biểu quý tộc sẽ đứng ở chỗ nào khi vua vào, đến hôm nào sẽ mở vũ hội mời nhà vua, nên phân chia như thế nào, từng huyện hay từng tỉnh, v v; nhưng hễ cứ nói đến chiến tranh hay đến mục đích buổi họp quý tộc hôm nay, là câu chuyện trở nên lúng túng và mập mờ. Ai cũng muốn nghe nhiều hơn là nói.
   
Một người đứng tuổi, đẹp vóc, rắn rỏi, mặc bộ quân phục sĩ quan hải quân về hưu đang đứng nói trong một gian phòng trong điện, và xung quanh có một đám người xúm lại nghe. Piotr lại gần và lắng tai.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #427 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2011, 08:43:04 pm »

Bá tước Ilya Andreyevich mặc chiếc áo kaftan của đại biểu quý tộc thời Ekaterina, miệng mỉm một nụ cười đáng yêu, đi giữa đám người mà ông ta cũng quen, lại gần nhóm đó và bắt đầu nghe với nụ cười hiền hậu mà ông thường có mỗi khi nghe có ai nói chuyện, thỉnh thoảng lại gật đầu với người đang nói để tỏ ý tán thành. Viên sĩ quan hải quân về hưu nói rất bạo miệng; điều đó thấy rõ qua vẻ mặt các thính giả. Hơn nữa, những người mà Piotr vốn biết là thuộc số hiền lành và phục tòng nhất đều lảng đi, ra vẻ không tán thành, hoặc cãi lại. Piotr len vào giữa đám đông, lắng nghe một lát và thấy rõ rằng quả nhiên người đang nói là một người có tư tưởng tự do, nhưng theo một lối khác hẳn với quan niệm của chàng. Viên sĩ quan hải quán nói với cái giọng trầm trầm của những người quý tộc, vang vang như tiếng hát, với một lối uốn lưỡi dễ nghe, luôn luôn bỏ bớt các phụ âm, cái giọng mà người ta thường dùng để gọi gia nhân: "Dọn trà! Đưa tẩu thuốc đây!" v.v…
   
Ồng ta nói với cái giọng của một người đã quen sống phóng khoáng và quen chỉ huy.

- Dân Smolensk đề nghị nộp dân binh lên hoàng thượng à? Thế thì đã làm sao! Lời của người Smolensk có phải là mệnh lệnh cho chúng ta đâu? Nếu những người quý tộc ở Moskva thấy cần, thì họ có thể bày tỏ lòng tận trung với hoàng thượng bằng những cách khác.

- Chẳng nhẽ chúng ta quên chuyện quân binh năm 1807 rồi sao? Chỉ được một dịp cho bọn quân nhu và bọn ăn cắp làm giàu thôi.

Bá tước Ilya Andreyevich mỉm cười dịu dàng và gật đầu tỏ ý tán thành.

- Thế dân binh của chúng ta đã đem lại lợi ích cho nhà nước nào? Chẳng đem lại lợi ích gì hết! Chỉ tổ cho các trang trại của ta kiệt quệ. Thà mộ lính còn hơn… nếu không, khi họ trở về với chúng ta thì lính chẳng ra lính, nông dân chả ra nông dân, chỉ là một thứ vô lại Người quý tộc không hề tiếc tính mạng, bản thân chúng ta sẽ đi không hề xót người nào, chúng ta sẽ tuyển thêm tân binh, và hoàng thượng chỉ cần hô lên một tiếng là tất cả chúng ta sẽ chết vì Ngài, - diễn giả nói thêm, sôi nổi hẳn lên.
   
Ilya Andreyevich nuốt nước bọt vì thích thú và lấy khuỷu tay huých Piotr, nhưng bấy giờ Piotr cũng đang muốn nói. Chàng bước lên phía trước, lòng thấy hứng khởi, nhưng chính chàng cũng chưa rõ vì sao và cũng chưa biết mình sẽ nói gì. Chàng vừa mở miệng ra để nói thì một vị nguyên lão, mồm không còn một cái răng nào, vẻ mặt thông minh và cáu kỉnh, bấy giờ đang đứng cạnh diễn giả, đã ngắt lời Piotr. Hẳn là đã quen tiến hành những cuộc tranh luận, ông ta nói khẽ, nhưng nghe rất rõ.

- Thưa ngài, - vị nguyên lão móm mém nói. - Tôi thiết tưởng chúng ta được triệu tập tại đây không phải để bàn xem nên mộ lính hay nên tuyển dân binh, đằng nào có lợi cho nhà nước lớn hơn. Chúng ta đến đây là để đáp lại lời kêu gọi mà hoàng thượng đã ban xuống cho chúng ta. Còn về việc mộ lính hay tuyển dân binh đằng nào có lợi ích hơn thì ta hãy để cho chính quyền tối cao…
   
Piotr chợt tìm được một cơ hội để cho tâm trạng hứng khởi của chàng phát tiết. Chàng căm tức vị nguyên lão đã đưa những quan niệm chính thống và hẹp hòi này vào những công việc sắp tới của giới quý tộc, Piotr bước lên và ngăn ông ta lại. Chàng cũng chẳng biết mình sẽ nói gì, nhưng chàng vẫn bắt đầu nói rất hăng, thỉnh thoảng lại chêm vào những tiếng Pháp, và nói tiếng Nga như trong sách.

- Xin đại nhân thứ lỗi cho, - chàng mở đầu, (Piotr quen khá thân vị nguyên lão này, nhưng ở đây chàng cần phải dùng một giọng trang trọng như vậy). - tuy tôi không tán thành ý kiến của vị này… - Piotr lúng túng. Chàng muốn nói vị rất đáng kính đã phát biểu trước tôi, vị này mà tôi chưa có vinh dự được quen biết, nhưng tôi cho rằng tầng lớp quý tộc, ngoài việc biểu lộ sự đồng cảm và lòng phấn khởi của mình ra,
còn được triệu tập lại đây để thảo luận những biện pháp mà ta có thể dùng để giúp ích cho tổ quốc.

- Tôi thiết tưởng, - chàng hăng lên nói, - rằng chính hoàng thượng cũng sẽ không được hài lòng, nếu ngài thấy chúng ta chỉ là những người làm chủ nông nô, làm chủ một mớ thịt làm mồi cho đại bác, mà không tìm thấy ở chúng ta một… một… một ý kiến gì cả.
   
Nhiều người lảng ra khỏi nhóm khi thấy nụ cười khinh bỉ của vị nguyên lão và thấy Piotr nói năng quá tự do; chỉ có một mình Ilya Andreyevich hài lòng về lời lẽ của chàng, cũng như ông đã hài lòng về những lời mà mình nghe sau cùng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #428 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2011, 08:47:58 pm »

- Tôi thiết tưởng trước khi thảo luận những vấn đề này. - Piotr nói tiếp - chúng ta phải xin hoàng thượng cho chúng ta biết hiện nay có bao nhiêu quân lính, tình hình của quân đội ta hiện nay ra sao: và được như vậy thì…

Nhưng Piotr chưa kịp nói xong đã bị công kích tới tấp từ ba phía. Người công kích mạnh hơn cả là một người mà chàng đã quen từ lâu một người rất ham đánh bài boston, xưa nay vẫn có thiện cảm với chàng, là Stepan Stepanovich Aprakxin. Stepan Stepanovich mặc phẩm phục, và vì bộ phẩm phục này hoặc vì những nguyên nhân nào khác, Piotr có cảm tưởng như trước mặt mình là một người khác hẳn. Gương mặt già nua của Stepan Stepanovich bỗng lộ vẻ hằn học. Ông ta quát bảo Piotr.

- Trước hết xin ngài cho biết chúng ta không có quyền hỏi hoàng thượng về việc đó, và sau bữa ăn, dù cho giới quý tộc Nga có quyền như vậy, hoàng thượng cũng không thể trả lời cho chúng ta được. Quân ta đi chuyền tuỳ theo cách hành quân của địch - số quân giảm bớt hay tăng lên…

Người thứ hai công kích Piotr là một người tầm thước, trạc bốn mươi tuổi, mà trước kia Piotr vẫn gặp ở các nhà Di-gan và biết rõ là một tay rất máu me cờ bạc. Trong bộ phẩm phục trông ông ta cũng khác hẳn. Ông ta bước tới và ngắt lời Aprakxin.
   
Mà bây giờ không phải là lúc nghị luận, bây giờ là lúc phải hành động: chiến tranh đang diễn ra trên đất Nga. Quân thù đang manh tâm tiêu diệt nước Nga, giầy xéo lên mồ mả tổ tiên chúng ta bắt vợ con chúng ta đi. - Nói đến đây ông ta đấm ngực. - Chúng ta sẽ nhất loạt đứng lên, chúng ta sẽ cùng hy sinh vì Sa hoàng, người cha yêu quý của chúng ta! - Ông ta quát lên, đôi mắt đỏ ngầu trợn ngược. Trong đám đông ấy có những tiếng xôn xao tỏ ý tán thành. - Chúng ta là người Nga, chúng ta sẵn sàng đổ máu để bảo vệ tín ngưỡng ngai vàng và tổ quốc. Nếu chúng ta là những người con của tổ quốc thì không nên nói những chuyện vẩn vơ nữa. Chúng ta sẽ cho châu Âu thấy rõ nước Nga đứng lên bảo vệ nước Nga như thế nào. - Người quý tộc lớn tiếng quát.

Piotr muốn cãi lại, nhưng chàng không nói được câu nào cả.
   
Chàng cảm thấy lời mình nói ra bất luận nội dung ra sao cũng sẽ không có tác dụng bằng những lời lẽ khí khái của người quý tộc kia. Ilya Andrevich đứng ở phía sau tỏ ý tán thành; sau khi diễn giả nói hết một câu có mấy người hăm hở quay về phía ông ta nói:

- Đúng thế đấy! Đúng đấy!

Piotr muốn nói rằng chàng không có ý phản đối việc hy sinh tiền của hay nông nô, hay ngay cả bản thân mình cũng vậy, nhưng cần phải biết tình trạng hiện nay để tìm cách cải thiện nó, nhưng chàng không nói được.
   
Nhiều người cùng ta ó và cùng nói một lúc, đến nỗi Ilnya Andreyevich không kịp gật đầu tán thành hết được. Nhóm người lớn lên tản ra, rồi lại họp lại, vừa nói chuyện ồn ào vừa kéo vào phòng rộng, đến cạnh chiếc bàn lớn. Không những Piotr không nói được gì, người ta lại còn ngắt lời chàng một cách thô bạo, quay phắt đi và xa lánh chàng như xa lánh một kẻ thù chung. Sở dĩ như vậy không phải là vì họ không bằng lòng với những lời lẽ của chàng, - sau chàng có rất nhiều người nói, cho nên họ cũng quên khuấy đi - mà là vì, muốn kích thích đám đông, phải có một đối tượng cụ thể để yêu mến hay để căm thù. Piotr đã thành cái đối tượng căm ghét này. Sau người quý tộc hăng hái kia có rất nhiều người nói, và ai nấy đều cùng nói một giọng như vậy. Nhiều người nói rất hay và rất độc đáo.
Ông chủ nhiệm báo "Tín sứ Nga" là Glinka(1) (người ta nhận được ông ta ngay, trong đám đông có tiếng xôn xao: "nhà vua đấy!") bàn rằng phải lấy địa ngục, rằng ông ta đã từng trông thấy một đứa trẻ mỉm cười trong ánh chớp và trong tiếng sấm ầm ầm, "nhưng chúng ta sẽ không như đứa trẻ này".

- Phải, phải, trong tiếng sấm! - Ở các hàng sau có tiếng người hưởng ứng.
   
Đám đông lại gần chiếc bàn lớn, nơi có những vị huân tước bảy mươi tuổi mặc phẩm phục: đeo dây thao, tóc bạc, đầu hói đang ngồi. Hầu hết những người này, Piotr đã gặp ở nhà với những thăng hề của họ hay ở câu lạc bộ trong khi họ đang đánh bài boston. Đám đông lại đến gần bàn, vẫn nói chuyện ồn ào như cũ. Các diễn giả bị ô đẩy vào những chiếc lưng tựa rất cao so với mấy chiếc ghế, lần lượt lên tiếng. Đôi khi hai diễn giả cùng nói một lúc. Những người đứng sau chốc chốc lại nhìn thấy diễn giả nói sót ý và vội vàng nói chen vào cho đủ. Những người khác, mặc dầu đứng chen chúc trong gian phòng chật chội và nóng nực này, cũng cố bới óc tìm xem có ý nghĩ gì không và vội vàng nói ra. Những vị huân tước già mà Piotr quen biết ngồi yên, hết đưa mắt nhìn người này lại nhìn sang người kia; và vẻ mặt phần lớn các vị đó chỉ biểu lộ một điều, là họ thấy nóng bức quá. Tuy vậy, Piotr cũng thấy cảm động, và lòng mong mỏi của mọi người muốn tỏ ra rằng không có gì có thể ngăn cản chúng ta - một lòng mong mỏi biểu lộ ra trong vẻ mặt và trong giọng nói nhiều hơn là trong nội dung những lời phát biểu - cũng truyền sang chàng. Chàng không từ bỏ những ý nghĩ của mình, nhưng cũng cảm thấy như mình có lỗi và cứ muốn thanh minh.

- Tôi muốn nói rằng chúng ta có thể hy sinh tốt hơn khi nào chúng ta đã rõ nhà nước cần những gì, - Piotr cố nói cho to hơn những người khác.

Một ông già nhỏ bé đứng sát chàng đưa mắt nhìn chàng, nhưng vừa lúc ấy có tiếng quát ở cuối bàn.

- Phải, Moskva sẽ bị bỏ ngỏ! Nó sẽ hy sinh để cứu nhân loại? - Một người quát lên.

- Hắn là kẻ thù của loài người! - một người khác kêu lên. - Tôi xin nói… Thưa các vị, các vị làm tôi nghẹn thở mất.

============================================================

Chú thích:

(1) Tạp chí có xu hướng yêu nước do Glinka (xem phụ lục) xuất bản ở Moskva trong khoảng 1808 - 1824.

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #429 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2011, 08:48:45 pm »

Phần IX
Chương - 21
   
Vừa lúc ấy bá tước Roxtopsin bước vào, mình mặc quân phục cấp tướng: đeo dây thao quàng qua vai, cái cằm nhô ra đôi mắt linh lợi đi nhanh qua đám đông đang giãn ra để nhường lối.

- Hoàng thượng sắp đến, - Roxtopsin nói, - tôi vừa ở đấy ra. Tôi cho rằng trong tình cảnh chúng ta hiện nay không việc gì phải bàn luận nhiều. Hoàng thượng đã có lòng triệu tập chúng ta và giới thương nhân lại đây. Họ sẽ cúng bạc triệu (ông ta chỉ sang phòng họp của thương nhân) còn việc của chúng ta cũng phải làm như thế.

Mấy vị huân tước ngồi trước bàn bắt đầu bàn bạc với nhau. Họ nói thì thầm rất khẽ. Cuộc bàn bạc còn có vé buồn bã nữa là khác.
   
Sau những tiếng ồn ào ban nãy, bây giờ chỉ nghe lẻ tẻ những tiếng nói phều phào đóng một: "đồng ý", hay có khác chăng cũng chỉ là: "Tôi có ý kiến như vậy" v.v, cho đỡ nhầm.
   
Họ ra lệnh cho viên bí thư thảo ra một bản quyết nghị của giới quý tộc Moskva nói rằng người Moskva, cũng như người Smolensk, cứ một nghìn người sẽ tuyển mười người vào quân đội và cung cấp toàn bộ quân trang. Các vị huân tước đứng dậy, có vẻ như vừa trút được một gánh nặng, xô ghế ầm ầm và đi đi lại lại trong phòng cho đỡ chồn chân, chốc chốc lại khoác tay một người quen để nói chuyện.

- Hoàng thượng! Hoàng thượng! - Trong các phòng bỗng có tiếng kêu lên, và cả đám đông xô ra phía cửa.
   
Đám người quý tộc giãn ra hai bên chừa một lối đi rất rộng, và nhà vua bước vào phòng. Trên mọi gương mặt đều hiện lên một vẻ mặt tò mò sùng kính và sợ hãi. Piotr đứng cách đấy khá xa nên không nghe hết được lời của nhà vua. Qua những câu nghe được chàng chỉ hiểu rằng nhà vua nói về mối nguy cơ đang đe doạ nước nhà về những hy vọng mà ngài đặt vào giới quý tộc Moskva. Một người trong đám quý tộc lên tiếng phúc đáp, truyền đạt lên nhà vua nghị quyết vừa rồi của giới quý tộc.

- Thưa các vị! - Nhà vua nói, giọng run run. Đám đông bỗng xôn xao lên một lúc rồi im lặng, và Piotr nghe rõ giọng nói cảm động và rất gần gũi của nhà vua - Không bao giờ tôi hoài nghi lòng tận tuỵ của giới quý tộc Nga. Nhưng ngày hôm nay lòng tận tuỵ đó đã vượt quá những điều tôi mong đợi. Tôi xin thay mặt cho tổ quốc cảm tạ các vị. Thưa các vị chúng ta phải hành động - thời gian rất quý.
   
Nhà vua im lặng, đám đông bắt đầu chen chúc xung quanh ngài. Và từ phía đều có những tiếng hoan hô phấn khởi.

- Phải quý hơn cả… là lời của hoàng thượng. - từ phía sau có tiếng nói nghẹn ngào của Ilya Andreyevich.
Ông ta không nghe thấy gì cả, nhưng cái gì cũng hiểu theo ý mình. Từ phòng họp của giới quý tộc, nhà vua đi sang gian phòng của thương nhân. Ngài ở lại đây, chừng mười phút. Piotr trông thấy nhà vua ở phòng họp của giới thương nhân bước ra với những giọt nước mắt cảm động trên mí mắt. Về sau người ta được biết rằng nhà vua vừa cất tiếng nói với các thương nhân thì nước mắt đã trào ra, và giọng ngài run run trong khi ngài nói hết câu.
   
Khi Piotr trông thấy nhà vua, ngài đang cùng hai người thương nhân đi ra ngoài. Một trong hai người đó Piotr có quen, đó là một người to béo lĩnh trưng thuế, người kia thì mặt gầy gò và vàng võ, cằm nhọn: đó là người cầm đầu giới thương nhân. Cả hai đều khóc.
   
Người gầy thì ứa nước mắt, nhưng người béo thì khóc nức nở như trẻ con, mồm nói đi nói lại:

- Xin hoàng thượng cứ lấy cả tính mạng, cả tài sản của chúng tôi!
   
Trong giờ phút này, lòng Piotr chỉ còn thèm muốn được tỏ ra rằng không có gì có thể ngăn trở chàng, và chàng sẵn sàng hy sinh tất cả.
     
Chàng thấy áy náy về những câu nói có khuynh hướng lập hiến của mình và cố tìm một cơ hội để chữa lại. Được tin bá tước Mamonev cùng một đoàn, Bezukhov lập tức tuyên bố với bá tước Raxlopsin rằng chàng sẽ cúng mười nghìn quân và cung cấp đủ tiền ăn mặc cho họ.

Lão bá tước Roxtov không thể nào cầm lại nước mắt khi kể lại cho vợ nghe những điều vừa xảy ra, ông cụ lập tức chuẩn y lời cầu xin của Petya và tự mình thân hành đi đăng ký cho con nhập ngũ.
     
Ngày hôm sau nhà vua ra đi. Tất cả những người quý tộc đã đến hội họp hôm ấy cởi bỏ phẩm phục, trở về nhà hoặc đến câu lạc bộ; họ vừa thở dài ra lệnh cho bọn quản lý lo việc tuyển mộ dân binh, vừa ngạc nhiên về những việc họ đã làm.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM