Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:06:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273035 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #280 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:04:30 pm »

Phần VI
Chương - 15
     
Từ sáng đến giờ Natasa không rỗi lấy được phút nào và không có lúc nào kịp suy nghĩ đến những sự việc đang chờ đợi nàng tối nay.
     
Trong làn không khí lạnh lẽo và ẩm ướt, trong khoảng không gian chật chội và tối mờ của chiếc xe ngựa lắc lư, lần đầu tiên nàng hình dung rõ ràng tất cả những gì đang chờ đón nàng trong buổi vũ hội, trong những gian phòng sáng rực ánh đèn - âm nhạc, hoa, khiêu vũ, hoàng thượng, toàn thể lớp thanh niên thượng lưu ở Petersburg. Những điều đang đợi nàng nó đẹp đẽ quá đến nỗi nàng không dám tin rằng những điều đó sẽ có thật; những cảnh ấy quá trái ngược với cảm giác rét mướt, chật chội và tối tăm trong xe song mã. Nàng chỉ hiểu rõ được tất cả những gì đang đợi nàng khi đi qua tấm dạ đỏ trên bậc thềm; bước vào phòng áo, cởi áo khoác ngoài và sát cánh với Sonya đi trước mặt mẹ với những chùm hoa đỏ cắm hai bên cầu thang gác sáng rực ánh đèn. Mãi đến lúc ấy nàng mới nhớ là trong buổi vũ hội phải đi đứng như thế nào, liền cố giữ cái phong thái trang trọng mà nàng nghĩ là cần thiết cho một người thiếu nữ đi dự vũ hội. Nhưng may thay cho nàng, nàng cảm thấy mắt mình loà đi: nàng không trông rõ được gì nữa, mạch nàng đập mỗi phút một trăm lần, và máu bắt đầu dồn lên trái tim đang đập mạnh. Nàng không thể có cái phong thái kia được, một phong thái sẽ làm cho nàng thành ra lố bịch, và nàng bước vào, tim lịm đi vì xúc động, chỉ mong sao che giấu được nỗi xúc động đó, và đó chính là phong thái hợp với nàng hơn cả. Phía trước và sau lưng họ, những tân khách khác đang bước vào, cũng mặc áo dài khiêu vũ và cũng đang to nhỏ nói chuyện với nhau.

Những tấm gương dọc thang gác phản chiếu hình ảnh những vị khách nữ giới mặc áo trắng, áo hồng, áo thiên thanh, châu ngọc và kim cương lóng lánh trên cổ và trên những cánh tay để trần.
Natasa nhìn vào gương, và trong những hình ảnh phản chiếu lại nàng không phân biệt được mình trong đám những người khác.
   
Tất cả đều hoà lẫn với nhau thành một chuỗi người sáng rực. Khi bước vào gian phòng thứ nhất tiếng nói chuyện, tiếng chào hỏi, tiếng chân bước pha trộn với nhau thành một tiếng ồn ào đều làm cho Natasa choáng váng; ánh sáng đèn rực rỡ trong phòng chiếu sáng những bộ áo lụa là óng ả và những vật trang trí lóng lánh càng làm cho nàng loá mắt.
   
Hai vợ chồng chủ nhân đã đứng đến nửa giờ ở cửa vào cũng chào đón gia đình Roxtov với bà Peronxkaya bằng câu "Rất sung sướng được đón tiếp các vị!" mà nãy giờ họ vẫn nói với mọi người.
   
Hai cô thiếu nữ mặc áo dài trắng, cùng cài những đoá hoa hồng giống nhau trên mái tóc huyền, cùng nhún mình xuống chào như nhau, nhưng nữ chủ nhân bất giác dừng mắt lâu hơn nhìn cô Natasa mảnh dẻ. Bà nhìn Natasa, và kèm theo nụ cười nhất loạt của bà chủ nhà còn có một nụ cười riêng dành cho nàng nữa. Nhìn cô bé có lẽ nữ chủ nhân nhớ lại cái thời con gái êm đẹp của bà đã qua không bao giờ còn trở lại. Nhớ lại cả buổi vũ hội đầu tiên của đời mình. Chủ nhân ông cũng nhìn theo Natasa và hỏi bá tước xem cô nào là con gái của bá tước.

- Kháu quá! - Ông vừa nói vừa hôn lên đầu ngón tay mình.
   
Trong gian phòng lớn, tân khách đứng dồn lại cạnh cửa ra vào, chờ hoàng thượng đến. Bá tước phu nhân tìm một chỗ ở những hàng đầu của đám đông này. Natasa nghe thấy và cảm thấy có mấy người, hỏi nhau xem nàng là ai và nhìn nàng. Nàng hiểu rằng những người đã để ý đến nàng đều có thiện cảm với nàng, và điều đó làm cho nàng yên tâm một phần.
   
"Có những cô chỉ như chúng mình thôi lại có những cô kém hơn nữa" - nàng nghĩ thầm.
Bà Peronxkaya nói cho bá tước phu nhân biết tên những nhân vật quan trọng nhất có mặt trong buổi vũ hội.
   
- Đây là sứ thần Hà Lan, bà có nhìn thấy không, ông tóc bạc ấy! - bà Peronxkaya vừa nói vừa chỉ một ông già thấp bé có bộ tóc bạc rậm và quăn đứng giữa một đám phụ nữ, đang nói một chuyện gì khiến họ cười ồ lên.

- Và đây hoa hậu thành Petersburg: bá tước phu nhân Bezukhov, - Bà vừa nói thêm vừa chỉ về phía Elen đang bước, vào phòng.

- Đẹp thật! Không thua gì Maria Antonovna. Đấy bà xem, cả già lẫn trẻ đều xúm xít chung quanh. Vừa đẹp lại vừa thông minh… nghe nói hoàng thân X, mê tít cô ta. Còn đấy hai mẹ con cô này tuy xấu nhưng còn được nhiều người xúm quanh hơn nữa.
 
Bà Peronxkaya chỉ một bà đang đi qua gian phòng cùng với một cô con gái rất xấu.

- Đó là một "đám" triệu phú, - Bà nói - Và đây là những người cầu hôn.

- Đây là em trai của Bezukhov phu nhân - Anatol Kuraghin, - bà vừa nói tiếp vừa chỉ một sĩ quan kỵ mã cận vệ rất tuấn tú đang đi qua cạnh họ, đầu cất cao, mắt đưa qua đầu các cô các bà nhìn vào một chỗ nào không rõ.

- Đẹp trai thật, có phải không nào? Nghe nói họ xếp đặt cho anh ta lấy cái cô giàu sụ kia. Cả cái cậu cháu họ của bà nữa, Boris Drubeskoy ấy mà, cũng cố sống chết lao vào. Nghe nói cô ta giàu bạc triệu còn ai nữa, chính sứ thần Pháp đấy mà - bà nói với bá tước phu nhân vì bây giờ phu nhân vừa chỉ Colanhour hỏi xem ông ta là ai. - Bà xem, trông cứ như một vị hoàng đế. Nói chứ người Pháp họ dễ ưa thật, rất dễ ưa.
Trên trường giao tế, không ai đáng yêu hơn họ. À, đây rồi!

- Không, Maria Antonovna của chúng ta vẫn đẹp hơn cả! Mà ăn mặc giản dị quá! Tuyệt thật!

- Còn cái anh chàng kia, to béo, đeo kính ấy, - bà Peronxkaya chỉ Piotr nói tiếp - Một anh hội viên Tam điểm toàn thế giới đấy. Thử đặt anh ta bên cạnh vợ mà xem: đúng là một anh hề chính cống.
   
Piotr đung đưa cái thân hình to béo của mình đi giữa đám đông, vừa gật đầu chào bên này một cái, bên kia một cái, cũng hiền lành lơ đễnh như đi ở giữa chợ. Chàng rẽ đám đông ra mà đi, có vẻ như đang tìm kiếm người nào.
   
Natasa vui mừng nhìn khuôn mặt quen thuộc của Piotr, cái anh hề chính cống như bà  Peronxkaya vừa nói. Nàng biết rằng Piotr đang tìm gia đình Roxtov, và đặc biệt là tìm nàng, vì Piotr có hứa với nàng sẽ đến dự vũ hội và sẽ giới thiệu bạn nhảy cho nàng.
     
Nhưng chưa đi đến gia đình Roxtov đứng, Piotr đã dừng lại cạnh một người trẻ tuổi rất đẹp trai, tóc đen, vóc người tầm thước, mình mặc quân phục trắng. Bấy giờ người ấy đang đứng cạnh cửa sổ nói chuyện với một người đàn ông rất cao lớn đeo dây thao và ngực đầy huân chương. Natasa nhận ra ngay người trẻ tuổi, mặc quân phục trắng ấy: đó là Andrey Bolkonxki.

- Lại một người quen nữa kìa, mẹ thấy không? Ông Bolkonxki đấy mà? - Natasa chỉ công tước Andrey nói. - Mẹ có nhớ không, ông ấy có bận ở lại nhà ta ở Otradnoye đấy.

- À gia đình bà cũng có quen? - bà Peronxkaya nói. - Tôi thì tôi ghét cay ghét đắng. Hiện nay anh ta đang làm mưa làm gió đấy!

Người đâu mà kiêu đến thế. Kiêu thật không lấy đâu chứa cho hết?

- Thật giống bố. Anh ta vừa liên kết Xperanxki, hai người cùng viết những bản dự thảo dự thiếc gì đấy. Bà xem anh ta đối xứ với nữ giới kìa! Cô ấy đang nói với anh ta, thế mà anh ta lại quay mặt đi. Với tôi mà như thế thì tôi sửa cho một trận ấy chứ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #281 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:05:45 pm »

Phần VI
Chương - 16
     
Bỗng trong phòng nhốn nháo hẳn lên, đám đông bắt đầu xôn xao, ùa tới rồi lại giãn ra, và giữa hai dãy người đứng dạt ra hai bên, nhà vua bước vào phòng trong tiếc nhạc mới cử lên. Tiếp theo sau là hai vợ chồng chủ nhân. Nhà vua đi rất nhanh, gật đầu chào bên phải, bên trái, có vẻ như muốn sao cho chóng thoát khỏi cái phút gặp gỡ chào đón lúc đầu này. Các nhạc công cử một vũ khúc Ba Lan có tiếng hồi bấy giờ soạn ra để tặng hoàng thượng. Lời của bài vũ khúc bắt đầu như sau: "Alekxandr. Elizaveta, chúng tôi ngưỡng mộ hai Ngài". Nhà vua bước vào phòng khách, đám đông chen chúc ở các cửa lớn; mấy nhân vật vội vã ra vào, vẻ mặt luôn luôn thay đổi cho hợp thức. Được một lúc đám đông lại giãn ra xa cửa phòng khách, vì bấy giờ nhà vua vừa hiện ra trên khung cửa, đang nói chuyện với nữ chủ nhân. Một thanh niên có vẻ mặt hoảng hốt tiến lên phía các mệnh phụ và các tiểu thư yêu cầu họ lùi về một bên.
   
Có mấy bà khách với vẻ mặt tỏ ra đã quên hết những quy ước xã giao, cố sức chen ra phía trước, làm hỏng cả áo, rối cả tóc. Khách nam giới bắt đầu tiến lại gần các khách nữ giới xếp thành đôi để nhảy vũ điệu Ba Lan.
   
Mọi người đều giãn ra, và nhà vua, vẻ mặt tươi cười, chân đi không theo nhịp, cầm tay nữ chù nhân từ cửa phòng khách bước ra. Tiếp theo là chủ nhân ông với phu nhân M.A Naryskina, rồi đến các sứ thần, các quan thượng thư, các vị tướng tá. Bà Peronxkaya không ngớt miệng kể tên họ ra cho vợ chồng Roxtov nghe. Hơn một nửa các tân khách nữ giới đã có bạn nhảy nam và bắt đầu đi hay đang sửa soạn đi theo nhịp Ba Lan vũ. Natasa cảm thấy mình cùng với mẹ và Sonya bị rớt lại trong các thiểu số các cô các bà bị ép vào sát tường và không được mời vào nhảy vũ điệu Ba Lan. Nàng đứng yên, hai cánh tay mảnh dẻ buông thõng xuống bộ ngực mới nhú phập phồng lên xuống đều đặn. Natasa nín thở, đôi mắt hoảng sợ sáng long lanh nhìn thẳng ra trước mặt, vẻ như sẵn sàng đón lấy tất cả những gì sắp đến, dù là nỗi vui sướng tuyệt trần hay nỗi buồn ghê gớm nhất. Hoàng thượng cũng như các nhân vật quan trọng mà bà Peronxkaya đã chỉ tên, nàng đều không để tâm đến, trong tâm trí nàng chỉ có một ý nghĩ: "Chả nhẽ không có ai đến mời mình, chả nhẽ mình không được khiêu vũ cùng với những người khiêu vũ trước tiên. Chả nhẽ tất cả những người đàn ông ấy không có ai để ý đến mình ư? Phải, bây giờ họ hình như không trông thấy mình nữa, và nếu có nhìn mình, thì cũng nhìn với cái vẻ như muốn nói: À? Không phải nàng, nhìn làm gì? Không, không thể như thế được! - Nàng nghĩ thầm - Họ phải biết rằng mình muốn nhảy lắm, mình khiêu vũ rất khá và nhảy với mình vui lắm chứ có phải không đâu".
   
Những âm điệu của vũ khúc Ba Lan đã kéo dài khá lâu, và bây giờ Natasa nghe nó buồn buồn như một kỷ niệm. Nàng muốn khóc.
     
Bà Peronxkaya đã đi chỗ khác. Bá tước Roxtov bấy giờ đang ở cuối phòng đằng kia, còn bá tước phu nhân, Sonya và nàng thì đứng một mình trong đám người xa lạ, như giữa một cánh rừng, chẳng ai quan tâm; chẳng ai cần đến.    Công tước Andrey cùng với một tiểu thư nào đấy lướt qua trước mặt họ. Hình như chàng không nhận ra mẹ con nàng. Chàng Anatol tuấn tú tươi cười nói một câu gì với cô tiểu thư mà chàng dẫn theo bước nhảy, và đưa mắt nhìn Natasa như nhìn một bức tường. Boris hai lần đi ngang qua mặt họ mà lần nào cũng quay mặt sang phía khác. Berg cùng với vợ bấy giờ không khiêu vũ, đi lại gần chỗ họ đứng.
   
Natasa thấy cái cảnh vợ chồng gần gũi như vậy trong một buổi vũ hội là rất chướng; làm như không có chỗ nào để cho hai vợ chồng nói chuyện, phải đến vũ hội mà nói! Nàng không nghe và không nhìn Vera bây giờ đang nói gì với nàng về cái áo xanh lá mạ của mình.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #282 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:06:18 pm »

Cuối cùng nhà vua dừng lại bên cạnh bà bạn nhảy sau cùng của ngài (ngài khiêu vũ với ba người), âm nhạc ngừng; một viên sĩ quan phụ tá có vẻ lo lắng cuống quýt chạy đến chỗ gia đình Roxtov đứng yêu cầu họ lùi cho tí nữa, chả biết lùi đến đâu: bây giờ họ đã đứng sát tường. Và từ trên bao lơn vọng xuống những âm thanh tách bạch, nhịp nhàng, khoan thai và lôi cuốn của điệu vaxơ. Nhà vua mỉm cười đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt. Một phút trôi qua vẫn chưa có ai bắt đầu. Viên sĩ quan phụ tá có nhiệm vụ điều khiển vũ hội đến gần bá tước phu nhân Bezukhova và mời nhảy.
     
Nàng mỉm cười đưa tay đặt lên vai viên sĩ quan phụ tá, mắt không nhìn vào người bạn nhảy. Viên sĩ quan điều khiển của hội, vốn đã điêu luyện trong nghề của mình, ôm chặt người bạn nhảy trong tay, bước những bước chắc chắn, ung dung và nhịp nhàng bắt đầu đi một vũ hình lượn vòng quanh. Đến góc phòng viên sĩ quan nắm lấy tay trái của nàng, quay ngược lại, và qua tiếng nhạc ngày càng dồn dập chỉ nghe tiếng cựa giày trên đôi chân nhanh nhẹn và khéo léo của viên sĩ quan lách cách theo điệu đàn, và cứ ba nhịp một tà áo nhung của cô bạn nhảy lại theo đà quay mà bùng lên như ngọn lửa, toả rộng ra, Natasa nhìn họ nhảy và chỉ chực khóc vì không được nhảy vòng vanxơ đầu tiên này.

Công tước Andrey trong bộ quân phục trắng của đại tá kỵ binh, chân đi giày rất cao, tươi cười và phấn chấn, đang đứng ở những hàng đầu của vòng người đang chờ nhảy, cách chỗ nhóm Roxtov đứng không xa. Nam tước Firhof đang nói chuyện với chàng về phiên họp Hội đồng Quốc gia lần thứ nhất sẽ họp vào ngày mai.
     
Công tước Andrey với tư cách người thân cận với Xperanxki và lại có tham dự vào công việc của Uỷ ban soạn luật, có thể cung cấp những thông tin chính xác về phiên họp sắp đến mà nay người ta đang xôn xao bàn tán. Nhưng chàng không nghe Firhof nói gì cả, chàng hết nhìn vua lại nhìn các tân khách đang sửa soạn ra nhảy nhưng chưa dám đi vào vòng.
     
Công tước Andrey để ý quan sát các khách nhảy nam giới đã trở nên rụt rè vì có mặt hoàng thượng và các tiểu thư đang hồi hộp mong có người đến mời mình nhảy.

Piotr đến cạnh công tước Andrey và nắm lấy tay chàng nói:

- Anh xưa nay vẫn sẵn lòng khiêu vũ. Ở đây có cô bạn nhỏ của tôi là tiểu thư Roxtov, anh mời cô ấy nhảy đi.

- Đâu? - Bolkonxki hỏi, rồi quay sang phía nam tước Firhof, chàng nói - Xin lỗi ngài nhé, câu chuyện này có dịp khác ta sẽ nói cho hết, chứ trong một buổi vũ hội thì phải khiêu vũ.
Chàng đi thẳng về phía Piotr vừa chỉ cho chàng. Vẻ mặt hồi hộp, tuyệt vọng của Natasa đập ngay vào mắt chàng. Chàng nhận ra cô bé Otradnoye và đoán được cảm xúc của nàng, hiểu rằng nàng đang dự buổi vũ hội đầu tiên, nhớ lại câu chuyện của nàng bên cửa sổ.
   
Vẻ mặt tươi cười, chàng lại gần bá tước phu nhân Roxtov.

- Xin phép giới thiệu với ngài đứa con gái nhỏ của tôi - bá tước phu nhân đỏ mặt nói.

- Tôi đã có hân hạnh được quen bá tước tiểu thư nếu tiểu thư còn nhớ tôi, - công tước Andrey vừa nói vừa lễ phép cúi mình rất thấp chào nàng, một cử chỉ hoàn toàn trái ngược với lời bình phẩm của bà Peronxkaya về thói thô lỗ của chàng. Công tước Andrey lại gần Natasa và chưa nói xong câu mời nhảy đã đưa tay ra ôm lấy thân nàng. Chàng mời Natasa nhảy một vòng Valse. Vẻ mặt thẫn thờ của Natasa, vẻ mặt như sẵn sàng đón lấy tất cả dù là hân hoan hay tuyệt vọng, vụt sáng lên với một nụ cười sung sướng, đầy lòng biết ơn, ngây thơ như nụ cười của con trẻ.
     
Và trong khi vừa hoảng sợ vừa sung sướng đưa tay đặt lên vai công tước Andrey, nụ cười của nàng nở qua những giọt nước mắt sắp trào ra dường như muốn nói: "Em đợi anh từ lâu lắm rồi".
   
Họ là cặp thứ hai bước vào vòng. Công tước Andrey là một trong những người khiêu vũ giỏi nhất thời ấy. Natasa cũng nhảy rất đẹp. Đôi chân bé nhỏ đi giày xa tanh trắng của nàng nhẹ nhàng thoăn thoắt tưởng như nàng không phải điều khiển một tí nào, còn gương mặt nàng thì sáng bừng lên vì mừng rỡ và sung sướng. Cổ và đôi tay để trần của nàng gày và không đẹp. So với đôi vai của Elen, vai nàng mỏng, ngực nàng chưa thành hình, tay nàng mảnh khảnh; nhưng trên người Elen như đã có một lớp sơn của hàng nghìn cái nhìn mơn trớn phủ lên thân hình, còn Natasa thì như một cô bé lần đầu tiên phải mặc áo hở vai, và giả sử người ta không quả quyết nói với cô ta rằng nhất thiết phải như thế mới được thì cô ta sẽ xấu hổ lắm.
   
Công tước Andrey vốn thích khiêu vũ; muốn thoát cho nhanh ra khỏi những câu chuyện về chính trị và những câu chuyện nghiêm túc mà ai cũng muốn nói với chàng, và muốn phá tan cái không khí ngượng ngập trước mặt hoàng thượng đang làm cho chàng rất bực mình, chàng đã ra nhảy, và chàng chọn Natasa là vì Piotr đã giới thiệu với chàng, và vì nàng là người đầu tiên trong số các thiếu nữ xinh xinh mà chàng tình cờ trông thấy. Nhưng công tước Andrey vừa ôm lấy tấm thân mảnh dẻ, linh hoạt của Natasa và trông thấy nàng cử động sát người chàng, mỉm cười với chàng, thì chất men nồng đượm của Natasa đã làm cho chàng ngây ngất: chàng thấy mình trẻ lại và tràn đầy một sinh khí mới mẻ sau khi chàng dừng lại nghỉ sức, dẫn nàng về chỗ cũ và đứng nhìn những người đang khiêu vũ.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #283 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:07:37 pm »

Phần VI
Chương - 17

Sau công tước Andrey, Boris đến mời Natasa nhảy sau đó lại có viên sĩ quan phụ tá đã mở đầu vũ hội, rồi đến mấy người thanh niên nữa. Thỉnh thoảng Natasa lại phải chuyển bớt bạn nhảy của mình cho Sonya. Mặt đỏ ửng và tươi cười sung sướng, nàng khiêu vũ không ngừng suốt cả buối tối. Nàng không hề để ý và không hề trông thấy những điều mà mọi người chăm chú theo dõi trong buổi vũ hội này. Nàng không những không nhận thấy rằng nhà vua nói chuyện rất lâu với sứ thần Pháp, không thấy Người đặc biệt ân cần hỏi chuyện một vị mệnh phụ nào đó, không nhận thấy vị hoàng thân này, vị hoàng thân kia làm những gì, và nói những gì, không nhận thấy Elen được mọi người trầm trồ ca ngợi và được vị này vị nọ đặc biệt chú ý; tất cả những cái đó, nàng không nhận thấy đã đành, nhưng có điều lạ hơn nữa là nàng tuyệt nhiên không nhìn thấy cả hoàng thượng nữa, và sở dĩ đến một lúc nào đó nàng nhận thấy nhà vua đã ra về thì cũng chỉ vì sau đó vũ hội tưng bừng hẳn lên.
   
Trước bữa ăn khuya trong một điệu Cotillon(1) rộn rã tươi vui, công tước Andrey lại nhảy với Natasa. Chàng nhắc cho Natasa nhớ lại buổi gặp đầu tiên trên lối đi vào khu vườn dinh thự Otradnoye và cái đêm sáng trăng mà nàng không ngủ được và chàng đã vô tình nghe lỏm những câu nói của nàng. Nghe nhắc đến chuyện ấy Natasa đỏ mặt và cố thanh minh, tưởng chừng như trong những cảm xúc của nàng đêm hôm ấy có một cái gì đáng cho nàng hổ thẹn.
   
Công tước Andrey, cũng như tất cả những người đã lớn lên trong giới xã giao, vẫn thích gặp ở những nơi giao tế một cái gì không mang khuôn sáo chung của môi trường này. Và Natasa chính là con người như vậy, với vẻ ngơ ngác, mừng rỡ và rụt rè của nàng, và ngay cả những chỗ nhầm của nàng trong khi nói tiếng Pháp.

Chàng đặc biệt dịu dàng và trân trọng trong khì tiếp xúc và nói chuyện với nàng về những điều hết sức giản dị và nhỏ nhặt, công tước Andrey ngắm ánh mắt long lanh và nụ cười vui sướng của nàng, nụ cười không dính dáng đến những điều đang nói, mà toát ra từ niềm vui sướng trong tâm hồn nàng. Mỗi khi Natasa được mời, mỉm cười đứng dậy, và bắt đầu khiêu vũ quanh phòng, công tước Andrey đặc biệt chú ý đến dáng người uyển chuyển mà rụt rè của nàng. Giữa điệu Cotillon. Natasa vừa nhảy xong một vũ hình liền trở về chỗ, nàng đang thở hổn hển thì một khách nhảy nam giới đã đến mời nàng. Natasa mệt lắm và hình như toan từ chối, nhưng chợt lại vui vẻ đưa tay để lên vai người khách nhảy và quay lại mỉm cười với công tước Andrey.

"Tôi cũng muốn nghỉ và ngồi với anh một lát, tôi mệt rồi; nhưng anh cũng thấy đấy, họ mời tôi nhảy, và tôi cũng mừng, tôi cũng sung sướng thấy họ chọn mình, và tôi quý hết thảy mọi người, và cũng như tôi, chúng mình đều hiểu tất cả những điều đó" - nụ cười của Natasa còn nói nhiều, nhiều điều khác nữa. Khi người bạn nhảy rời Natasa, nàng chạy qua gian phòng để rủ hai người con gái khác cùng ghép thành bộ cho các vũ hình sắp tới.
   
"Nếu nàng đến rủ cô chị họ trước, rồi đến một cô khác, thì nàng sẽ là vợ ta" - bỗng dưng công tước Andrey tự nhủ như vậy trong khi nhìn nàng, và chính chàng cũng không ngờ mình lại có một ý nghĩ đột ngột như vậy, Natasa đến rủ Sonya trước.
     
"Đôi khi người ta có những ý nghĩ thật nhảm nhí! - Công tước Andrey nghĩ thầm, - Nhưng có một điều chắc chắn là cô bé này rất đáng yêu và đặc biệt như thế, thì chỉ khiêu vũ ở đây một tháng là có người hỏi ngay… Người như cô ấy ở đây hiếm lắm" - chàng nghĩ thầm khi Natasa vừa sửa lại đoá hoa hồng cài trên ngực vừa ngồi xuống cạnh chàng.
   
Cuối điệu Cotillon, lão bá tước Roxtov với bộ lễ phục màu xanh của ông đến gần hai người đang nhảy. Ông mời công tước Andrey ghé nhà chơi và hỏi con gái xem nàng có vui không. Natasa không đáp chỉ mỉm cười, một nụ cười nũng nịu như có ý trách: "Điều đó mà ba còn phải hỏi sao?".

- Chưa bao giờ con thấy vui như thế này! - Natasa nói và công tước Andrey để ý thấy đôi tay mảnh dẻ của nàng đưa lên rất nhanh để ôm hôn cha rồi buông xuông ngay. Natasa sung sướng lắm, chưa bao giờ nàng thấy sung sướng như hôm nay.
   
Nàng đang sống trong cái tâm trạng hạnh phúc đến tột độ nó làm người ta tốt hẳn lên và không tin ràng trên đời lại có thể có điều ác có buồn khổ được.
   
Trong buổi vũ hội này Piotr lần đầu tiên cảm thấy nhục vì cái địa vị của vợ chàng trong giới thượng lưu tai mắt. Chàng lầm lì và lơ đễnh.  Trên trán chàng một nếp hằn rộng vắt ngang, và chàng đứng bên một khung cửa sổ nhìn qua cặp kính trắng, nhưng chẳng trông thấy gì cả.

Trong khi đi sang phòng ăn dùng bữa khuya. Natasa đi ngang trước mặt chàng.
   
Vẻ mặt sa sầm, khổ sở của Piotr khiến nàng kinh ngạc. Nàng dừng lại trước mặt chàng. Nàng muốn giúp đỡ Piotr trút bớt sang cho chàng một phần sung sướng thừa thãi của mình.

- Vui quá bá tước nhỉ, - nàng nói, - Có phải không nào?

Piotr ngơ ngác mỉm cười, hẳn là không hiểu người ta vừa nói gì với mình.

- Vâng, rất hân hạnh, - chàng đáp.
   
"Làm sao họ còn có thể có điều gì buồn bực được nhỉ, - Natasa nghĩ thầm, - Nhất là một người tốt như Bezukhov". Dưới mắt Natasa, tất cả những người dự buổi vũ hội đều hiền lành, đều đáng yêu như nhau, đều là những người rất tốt biết yêu quý nhau, cho nên tất cả lẽ ra phải sung sướng mới phải.

===================================================

Chú thích:

(1) Một điệu vũ nhảy bốn người một, gồm có nhiều điệu khúc khác nhau chen với những trò chơi: thường kết thúc một vũ hội lớn.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #284 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:08:26 pm »

Phần VI
Chương - 18
   
Ngày hôm sau công tước Andrey nhớ lại buổi vũ hội tối qua, nhưng chàng không nghĩ nhiều đến nó: "Phải, buổi vũ hội rất lịch sự. Và lại còn… phải, cô Roxtov rất dễ thương. Ở cô ta có một cái gì tươi mát, đặc biệt, không Petersburg một tí nào, làm cho cô ta khác hẳn những người khác". Về buổi vũ hội hôm qua chàng chỉ nghĩ có thế, và sau khi uống trà, chàng ngồi vào bàn làm việc.
     
Nhưng không biết vì mệt hay mất ngủ, ngày hôm đó công tước Andrey thấy khó lòng có thể làm việc được. Quả nhiên chàng không làm được việc gì cả; chàng chỉ ngồi tự phê phán công việc của mình như thỉnh thoảng vẫn làm, và rất mừng khi nghe người nhà báo có khách đến.

Người khách đó là Bitxki, hiện đang làm việc trong nhiều tiểu ban khác nhau, giao thiệp với đủ các giới ở Petersburg, một người say mê theo đuổi các tư tưởng mới, rất mực thán phục Xperanxki và là một người truyền tin rất sốt sắng ở Petersburg. Bitxki thuộc hạng người chọn khuynh hướng chính trị như chọn áo - chọn theo thời trang, nhưng chính vì vậy mà lại có vẻ là người hăng hái nhất trong khi bênh vực các khuynh hướng. Vừa kịp bỏ mũ, Bitxki đã xun xoe chạy vào trong phòng công tước Andrey và lập tức bắt đầu nói. Ông ta vừa biết được những chi tiết về phiên họp của Hội đồng Quốc gia sáng nay do hoàng thượng khai mạc, nên vội đem ra kể say sưa. Bài diễn văn của hoàng thượng thật phi thường. Đó là bài diễn văn mà chỉ có các vị vua lập hiến mới có được. "Hoàng thượng nói thẳng ra rằng Hội đồng quốc gia và nguyên lão viện là những đẳng cấp của Nhà nước, rằng việc cai trị không thể dựa trên cơ sở chuyên quyền, mà phải dựa trên những nguyên lý cứng rắn. Hoàng thượng nói rằng tài chính phải được cải cách lại và những bản báo cáo tàì chính phải được đưa ra trước công chúng". - Bitxki kể lại, cố ý nhấn mạnh một số từ ngữ và giương mắt lên có vẻ bao hàm nhiều ý nghĩa.

- Phải, sự kiện hôm nay là cả một kỷ nguyên, kỷ nguyên vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta, - Bitxki kết luận.
     
Công tước Andrey nghe Bitxki kể lại buổi khai mạc Hội đồng Quốc gia mà lâu nay chàng đã nóng lòng chờ đợi và vẫn xem như một việc hết sức quan trọng, nhưng lấy làm lạ rằng bây giờ, sau khi nó đã diễn ra rồi, không những chàng không thấy xúc động gì cả, mà lại còn thấy sự việc đó càng vô nghĩa hơn. Chàng nghe Bitxki say sưa kể, lòng thầm chế giễu ông ta. Một ý nghĩ hết sức đơn giản hiện ra trong tâm trí chàng:
"Nhà vua thích nói thế này hay thế khác ở Hội đồng thì việc đó có gì dính dáng đến ta hay đến Bitxki? Tất cả những thứ đó có làm cho ta sung sướng hơn hay tốt hơn lên đâu?".
   
Và lập luận đơn giản đó trong một nhoáng đã thủ tiêu hết sự quan tâm trước kia của công tước Andrey đối với những cuộc cải cách đang diễn ra. Cũng ngày hôm ấy công tước Andrey sẽ phải dự ở nhà Xperanxki một bữa tiệc thân mật như chủ nhân có nói khi mời chàng. Trước đây công tước Andrey rất quan tâm đến bữa tiệc này: đó là một bữa tiệc ăn thân mật trong phạm vi gia đình và bằng hữu của một con người mà chàng rất khâm phục, đã thế cho đến nay chàng chưa hề được thấy Xperanxki trong cảnh sinh hoạt ở nhà; Nhưng bây giờ chàng không muốn đi.
     
Tuy vậy đến giờ đã định, công tước Andrey cũng bước vào ngôi nhà riêng nho nhỏ của Xperanxki ở cạnh vườn Taorich. Công tước Andrey đến gian phòng ăn lát sàn gỗ bóng của ngôi nhà sạch sẽ lạ thường (nhắc nhở nếp sống sạch sẽ ở tu viện) hơi muộn, nên khi vào đã thấy tất cả cái nhóm thân mật của những người quen thân Xperanxki đã tề tựu đông đủ. Phía phụ nữ không có ai ngoài đứa con nhỏ của Xperanxki khuôn mặt dài dài giống bố, và người nữ gia sư trông nom cô bé. Tân khách thì có Zerve, Marnitxki và Xtolypin.
     
Ngay từ phòng ngoài công tước Andrey đã nghe những giọng nói rất to và một tiếng cười giòn giã, rõ từng tiếng - tiếng cười của các diễn viên trên sân khấu. Một giọng cười giống của Xperanxki buông ra từng tiếng tách bạch: ha… ha… ha… công tước Andrey chưa lần nào nghe Xperanxki cười, nên tiếng cười giòn giã, thanh thanh của nhà chính trị gây cho chàng một ấn tượng kỳ quặc.
   
Công tước Andrey bước vào phòng ăn. Khách và chủ đang đứng ở khoảng giữa hai cửa sổ, bên cạnh một chiếc bàn con bày mấy thức khai vị. Xperanxki ngoài mặc lễ phục xám, đeo một ngôi sao, trong mặc gi-lê trắng và thắt khăn trắng, chắc hẳn vẫn là để treo cổ như thường lệ, chiếc gi-lê và chiếc khăn ông dã mang trong phiên họp trứ danh của Hội đồng Quốc gia, đang đứng cạnh bàn, sắc mặt vui vẻ. Các tân khách đứng quây quần quanh ông.
     
Marnitxki đang kể một mẩu giai thoạn cho Mikhail Mikhailovich. Xperanxki lắng nghe, cười trước để tán thưởng những điều mà Marnitxki sắp nói ra. Khi công tước Andrey bước vào phòng, tiếng của Marnitxki lại bị lấp dưới một trận cười. Xtolypin cười rất to, giọng ồ ồ, trong khi nhai miếng bánh mì cặp phó-mát; Zerve thì cười khì khì, giọng khe khẽ, còn Xperanxki thì cười thanh thanh, giòn giã nghe rõ từng tiếng.
   
Xperanxki trong khi vẫn còn cười chưa dứt, giơ bàn tay trắng, mềm ra cho công tước Andrey, nói:

- Rất sung sướng được gặp công tước. Xin phép một chút… - Ông quay sang Marnitxki, ngắt quãng câu chuyện của ông ta - Hôm nay chúng ta giao hẹn với nhau như thế này nhé: đây là một bữa tiệc vui thôi, không ai được nói một câu nào về công việc đấy. - Nói đoạn lại quay sang người kể chuyện và lại cất tiếng cười ha hả.

Công tước Andrey ngạc nhiên và thất vọng nghe tiếng cười của Xperanxki. Chàng có cảm giác như đó là một người khác chứ không phải Xperanxki nữa. Tất cả những gì ở Xperanxki mà trước đây công tước Andrey thấy là bí ẩn và đầy sức hấp dẫn thì nay chàng bỗng thấy nó rõ ràng giản dị và chẳng có gì hấp dẫn nữa.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #285 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:09:16 pm »

Bên bàn tiệc, câu chuyện không phút nào ngớt và dường như là một cuộc lượm lặt những mẩu giai thoại buồn cười. Marnitxki chưa kịp câu chuyện đang kể thì đã có một người khác tỏ ý sẵn sàng kể một chuyện gì còn buồn cười hơn. Phần lớn các giai thoại nếu không đả động ngay đến cái thế giới quan trường, thì cũng dính dáng đến các nhân vật trong quan trường. Hình như đối với nhóm người này sự vô nghĩa của các nhân vật ấy đã là một điều quá hiển nhiên, cho nên đối với họ chỉ có thể là thái độ duy nhất là giễu cợt một cách hiền lành nữa mà thôi. Xperanxki kể rằng trong phiên họp Hội đồng sáng nay có lần người ta hỏi một ông quan đại thần đại điếc xem ý kiến của ông ta thế nào, thì ông ta trả lời là: "Vâng, tôi đồng ý với ngài".  Zerve kể lại cả một vụ thẩm tra rất đáng chú ý vì sự ngu xuẩn của tất cả những người tham dự. Xtolypin vừa nói đáp, vừa xen vào câu chuyện và bắt đầu nói rất hăng về những lối lộng hành dưới trật tự cũ. Ông ta làm cho câu chuyện có cơ xoay sang hướng nghiêm túc. Marnitxki bắt đầu chế giễu các lối bốc đồng của Xtolypin. Zerve chêm một câu nói đùa, và câu chuyện lại quay về hướng bông đùa như cũ.
   
Hẳn là Xperanxki sau khi làm việc mệt nhọc thích nghỉ ngơi và vui chơi với bạn bè, và tất cả các tân khách của ông vốn hiểu điều đó nên cố sức làm cho ông vui và cũng tự mua vui cho mình.
     
Nhưng công tước Andrey cảm thấy cái vui này có một cái gì nặng nề khó nhọc và chẳng vui tí nào cả. Giọng nói thanh thanh của Xperanxki gây cho chàng một cảm giác khó chịu và tiếng cười không ngớt có một âm sắc lạc lõng không hiểu tại sao khiến cho chàng thấy chạnh lòng như bị xúc phạm. Công tước Andrey không cười và cứ lo rằng chủ và khách sẽ thấy khó chịu vì chàng. Nhưng không có ai để ý thấy chàng không ăn ý với không khí vui chung.
     
Mọi người đều có vẻ rất vui. Mấy lần chàng định góp chuyện, nhưng mỗi lần như thế lời của chàng lại bị gạt ra ngoài, như một cái nút chai bật lên trên mặt nước; Và chàng không thể nào cùng đùa bỡn với họ được.
   
Trong những điều họ nói không có gì nhảm nhí hoặc không đúng chỗ, tất cả những lời lẽ của họ đều ý nhị và lẽ ra phải rất buồn cười; nhưng có một cái gì làm thành ý vị của niềm vui thì không những họ thiếu hẳn, mà thậm chí họ cũng không hề biết là có một cái gì như vậy.
   
Sau bữa tiệc, đứa con gái của Xperanxki và người nữ gia sư đứng dậy. Xperanxki đưa bàn tay trắng trẻo ra vuốt má con gái và hôn nó. Cả cử chỉ này nữa, công tước Andrey cũng có cảm tưởng là không tự nhiên.
   
Theo lối Anh, nam giới vẫn ngồi lại bàn tiệc ăn uống rượu Porto. Họ bắt đầu nói chuyện về những cuộc hành quân của Napoléon ở Tây Ban Nha; ai nấy đều đồng ý với nhau tán thành những cuộc chinh phạt đó, trừ công tước Andrey: giữa chừng câu chuyện, chàng bắt đầu phản bác lại ý họ. Xperanxki mỉm cười và hẳn là muốn lái câu chuyện sang hướng khác, kể một mẩu giai thoại không liên quan gì đến câu chuyện đang bàn. Mọi người đều im lặng một lát.
     
Ngồi được một lúc, Xperanxki đậy nút chai rượu lại nói: "Dạo này rượu hiếm lắm" rồi trao chai rượu cho người đầy tớ và đứng dậy. Mọi người đều đứng dậy theo và vẫn trò chuyện rôm rả, đi sang phòng khách. Người nhà vào đưa cho Xperanxki phong thư mà người liên lạc vừa mang lại. Ông cầm lấy và đi vào phòng làm việc.

Xperanxki vừa đi khỏi thì mọi người đều im bặt và các tân khách bắt đầu thì thầm bàn bạc với nhau.
     
Xperanxki trong phòng làm việc bước ra nói:

- Nào, bây giờ đến lúc ngâm thơ! - Ông quay sang công tước Andrey nói tiếp - Ông Marnitxki đây thật là một tài năng phi thường.
   
Marnitxki lập tức đứng lên lấy dáng diệu và bắt đầu ngâm một bài thơ khôi hài bằng tiếng Pháp do ông ta soạn ra để châm biếm một số nhân vật tai mắt ở Petersburg, cử toạ mấy lần vỗ tạy ở giữa chừng bài thơ. Marnitxki ngâm xong, công tước Andrey lại gần Xperanxki để cáo từ.

- Hãy còn sớm, công tước đi đâu bây giờ? - Xperanxki hỏi.

- Tôi có hứa sẽ đến dự buổi tiếp tân của…
   
Hai người im lặng một lúc. Công tước Andrey nhìn thẳng vào cặp mắt lạnh lùng, kín như bưng của Xperanxki và tự dưng thấy buồn cười không hiểu sao mình lại có thể đi chờ mong một điều gì

Ở Xperanxki và ở tất cả những công việc của mình cùng làm với ông ta. Chàng cười thầm thấy lấy làm lạ mình có thể coi trọng những việc Xperanxki làm.
   
Công tước Andrey ra khỏi nhà Xperanxki rồi, mà tiếng cười giòn giã, rõ từng tiếng và tẻ nhạt ấy vẫn văng vẳng mãi bên tai chàng.
     
Về đến nhà, công tước Andrey ngồi ôn lại cuộc sống của mình ở Petersburg trong bốn tháng gần đây như nhớ đến một cái gì mới mẻ.

Chàng nhớ lại những công việc lo toan, chạy vạy của chàng, câu chuyện bản dự án quy chế quân sự của chàng đã được nhận xét duyệt nhưng rồi lại bị người ta cố dìm đi chỉ vì đã có một bản khác, rất tồi, thảo xong và trình lên hoàng thượng; chàng nhớ lại những phiên họp của tiểu ban, trong đó có Berg dự; chàng nhớ rằng trong những phiên họp ấy người ta đã bàn rất kỹ và rất lâu về tất cả những vấn đề liên quan đến hình thức và cách tiến hành các buổi họp của tiểu ban, và đã cẩn thận tránh và bỏ qua nhanh tất cả những vấn đề liên quan đến thực chất của công việc. Chàng nhớ lại bản dự thảo luật pháp của chàng, nhớ đến việc chàng đã sốt sắng dịch các điểu khoản trong hai bộ luật La Mã và của Pháp ra tiếng Nga, và chợt thấy xấu hổ cho mình… Rồi chàng hình dung rõ ràng thấy thôn Bogutsarovo, những công việc của chàng ở thôn quê, chuyến đi Ryazan, chàng nhớ lại những người nông dân, viên thôn trưởng Dron, nhớ mình đã thử áp dụng từng khoản một trong chương Nhân quyền đối với họ, và thấy ngạc nhiên không hiểu tại sao trong bấy nhiêu lâu nay mình lại có thể cặm cụi làm một công việc vô bổ như vậy.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #286 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:09:58 pm »

Phần VI
Chương - 19
     
Ngày hôm sau công tước Andrey đi thăm mấy nhà quen mà chàng chưa lần nào đến, trong số đó có gia đình Roxtov mà chàng vừa gặp lại trong buổi vũ hội vừa rồi. Ngoài những quy tắc xã giao buộc chàng đến nhà Roxtov, công tước Andrey còn muốn gặp lại trong không khí gia đình người con gái đặc biệt hoạt bát đã để lại cho chàng một kỷ niệm thú vị như thế.
     
Natasa là một trong những người đầu tiên ra đón chàng. Nàng mặc chiếc áo dài xanh thường mặc trong nhà: khi mặc chiếc áo này, công tước Andrey thấy nàng còn xinh hơn cả khi mặc chiếc áo khiêu vũ nữa:
     
Natasa và cả gia đình Roxtov tiếp công tước Andrey như một người bạn cũ niềm nở và giản dị. Trước kia công tước Andrey phê phán gia đình này rất nghiêm khắc, nhưng bây giờ chàng thấy cả nhà là những người rất tốt, giản dị và hiền lành. Lão bá tước có một thái độ rất mến khách, niềm nở và hồn hậu, một thái độ thật đặc biệt và đáng quý giữa chốn kinh đô này, đến nỗi công tước Andrey không sao từ chối được khi ông mời chàng ở lại ăn bữa cơm chiều. "Phải đây là những con người hiền hậu, rất tốt - công tước Andrey tự nhủ, - Dĩ nhiên họ không thể biết Natasa của họ quý giá đến nhường nào; nhưng họ là những người tốt, họ là một cái nền rất tốt trên đó nổi bật lên người con gái đáng yêu, nên thơ và tràn đầy sức sống".
   
Công tước Andrey cảm thấy đối với chàng, Natasa là một thế giới đặc biệt, hoàn toàn mới lạ đầy những niềm vui mà chàng chưa hề biết, cái thế giới xa lạ mà hồi nào, trên con đường vào vườn Otradnoye và trong đêm sáng trăng dạo ấy đã từng làm cho chàng xao xuyến, không còn là một thế giới xa lạ nữa; bây giờ chính chàng đang bước vào thế giới đó và tìm thấy ở đó một khoái cảm rất mới mẻ đối với chàng.
     
Sau bữa ăn chiều, theo lời yêu cầu của công tước Andrey, Natasa ngồi bên dương cầm và cất tiếng hát. Công tước Andrey đứng cạnh cửa sổ nói chuyện với nữ chủ nhân và nghe Natasa hát.

Đang nói dở một câu công tước Andrey bỗng im bặt và đột nhiên cảm thấy nước mắt dâng lên nghẹn ngào ở cổ, một cảm giác mà chàng không thể ngờ là mình lại có thể có được. Chàng nhìn Natasa hát, và trong tâm hồn chàng diễn ra một cái gì đó mới mẻ và vui sướng. Chàng thấy vui sướng, nhưng đồng thời cũng thấy buồn rười rượi. Tuyệt nhiên không có gì đề cho chàng khóc cả, nhưng chàng thấy mình sẵn sàng có thể khóc. Khóc vì cái gì? Vì mối tình trước kia chăng? Vì công tước phu nhân Liza nhỏ nhắn chăng? Vì những nỗi thất vọng của chàng hay vì những niềm hy vọng của chàng về tương lai? Cũng có, mà cũng không. Cái chính cho chàng thấy muốn khóc là chàng chợt nhận ra sự tương phản khủng khiếp giữa một cái gì vô cùng to lớn và không thể hình dung bằng lời nói được đã từng có ở trong chàng, với một cái gì chật hẹp và có thể xác, và cái đó chính là chàng trước kia, mà cũng chính là nàng trước kia nữa. Sự tương phản này vừa khiến chàng khổ tâm, vừa làm chàng vui trong khi nghe nàng hát.
   
Vừa hát xong, Natasa lại gần công tước Andrey và hỏi chàng có thích giọng hát của nàng không. Nàng hỏi chàng như vậy, và sau khi hỏi nàng thấy ngượng ngùng vì đã hiểu ra rằng đó là một điều lẽ ra không nên hỏi. Chàng mỉm cười nhìn nàng và nói rằng chàng thích giọng hát của nàng, cũng như tất cả những gì nàng làm.

Đêm đã khuya, công tước Andrey từ giã gia đình Roxtov ra về.
     
Chàng theo thói quen lên giường nằm nhưng chẳng bao lâu đã nhận ra rằng mình không thể nào ngủ được. Khi thì chàng đốt nến lên và ngồi trên giường, khi thì đứng dậy, rồi lại đặt lưng nằm xuống giường, tuy không ngủ được mà không hề thấy khó chịu; tâm hồn chàng tươi vui và mới mẻ quá, dường như chàng vừa từ căn buồng ngột ngạt bước ra một khoảng rộng tràn ngập không khí và ánh sáng. Chàng cũng không hề nghĩ rằng mình yêu cô Roxtov; chàng không nghĩ đến nàng; chàng chỉ tưởng tượng thấy nàng và do đó cả cuộc đời chàng hiện ra trước mắt chàng dưới một ánh sáng mới.
     
"Tại sao ta lại sống quằn quại như thế, tại sao ta lại vật vã khổ sở trong cái khung chật chội này, khi mà cuộc đời, tất cả những niềm vui của cuộc đời đã mở rộng trước mắt ta?" - Chàng tự nhủ. Và lần đầu tiên sau một thời gian dài chàng vui sướng bắt tay vào dự tính chuyện tương lai. Chàng tự quyết định là sẽ lo việc giáo dục cho con trai, thuê một người gia sư và giao con cho người đó dạy dỗ. Sau đó phải từ chức và đi du lịch nước ngoài, sang ý, Thuỵ Sĩ, Anh.
     
Ta phải tận hưởng sự tự do của mình, trong khi còn cảm thấy mình còn nhiều sinh lực trẻ trung như thế này, - chàng tự nhủ - Piotr nói đúng: cần phải tin rằng hạnh phúc có thể có được thì mới có thể hướng hạnh phúc, bây giờ ta cũng tin điều đó. Hãy để cho người chết chôn người chết, còn trong khi còn sống thì phải sống và phải sống cho có hạnh phúc".
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #287 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:10:43 pm »

Phần VI
Chương - 20

Một buổi sáng đại tá Alekxandr Berg, mà Piotr có quen như chàng vẫn quen tất cả mọi người ở Petersburg và Moskva, mặc một bộ quân phục sạch sẽ choáng lộn, hai chòm tóc mai xức đầu thơm chải ra phía trước như tóc mai của Hoàng đế Alekxandr Pavlovich, lên xe đến nhà chàng.

Berg mỉm cười nói với Piotr:

- Tôi vừa gặp bá tước phu nhân, quý phu nhân, nhưng rủi ro quá lời thỉnh cầu của tôi đã không được chấp nhận, tôi hy vọng rằng với ngài, thưa bá tước, tôi sẽ được may mắn hơn.

- Thưa đại tá ngài cần việc gì? Tôi xin sẵn sàng hầu ngài.

- Thưa bá tước, nay tôi đã thu xếp xong xuôi gian nhà mới của tôi, - Berg nói, có vẻ như chắc rằng người ta không thể không lấy làm mừng khi được biết điều đó, - cho nên tôi muốn tổ chức gọi là một tối tiếp tân nho nhỏ mời các bạn của tôi và cả nhà tôi (chàng mỉm cười càng tươi tắn hơn). Tôi muốn xin bá tước phu nhân và xin bá tước cho chúng tôi được hân hạnh tiếp ngài ở tệ xá, dùng chén trà và… dùng bữa tối.
   
Chỉ có bá tước phu nhân Elena Vaxilievna, vì cho rằng giao thiệp với hai vợ chồng một anh Berg phất phơ nào đó là quá hạ mình, mới có thể nhẫn tâm từ chối một lời mời như vậy. Berg phân trần cho Piotr hiểu là tại sao chàng lại muốn mời một số ít người quý phái ưu tú đến chơi nhà, tại sao được như thế thì chàng rất hài lòng.
   
Tại sao đối với cờ bạc và những trò chơi nhảm nhí thì chàng tiếc tiền, nhưng đối với việc chiêu đãi các khách quý thì dù có tốn tiền chàng cũng sẵn sàng. Berg giảng giải cặn kẽ đến nỗi Piotr không nỡ từ chối và hứa là sẽ lại.

- Nói vô phép, chỉ xin bá tước đừng đến muộn cho: thế là đúng tám giờ kém mười, xin bá tước nhớ cho. Ta sẽ ngồi dăm ván bài, sẽ có cả vị tướng ở đơn vị chúng tôi đến dự. Ông ta đối với tôi rất tốt. Thưa bá tước chúng ta vẽ dùng bữa tối. Xin bá tước vui lòng quá bộ…
   
Trái thói quen của, chàng là bao giờ cũng đến muộn, hôm đó Piotr đến nhà Berg không phải lúc tám giờ kém mười, mà là lúc tám giờ kém mười lăm.
   
Hai vợ chồng Berg đã sửa soạn những thứ cần thiết cho tối tiếp tân và đã sẵn sàng tiếp khách.

Họ ngồi trong căn phòng khách mới tinh, sạch sẽ, sáng sủa, bày toàn bàn ghế mới, trang hoàng bằng những bức tượng bán thân nho nhỏ và những bức tranh. Berg mặc bộ quân phục mới bó sát vào người ngồi bên cạnh vợ, giảng giải cho vợ nghe rằng bao giờ cũng cần và có cách làm quen với người có địa vị cao hơn mình, vì chỉ có như thế thì việc giao du mới lý thú.
   
"Có thể bắt chước người ta, lại có thể nhờ vả này nọ. Đấy mình xem từ các cấp bậc thấp trở lên tôi sống như thế nào (Berg tính cuộc đời của mình không phải theo tuổi, mà là theo cấp bậc). Bạn bè tôi bây giờ chưa thành cái gì cả, thế mà tôi lại có diễm phúc được làm chồng mình (chàng đứng dậy và lại hôn tay vợ, nhưng trên đường đi cũng nhớ sửa lại cho ngay ngắn cái góc thảm bị gập). Sở dĩ được như vậy là nhờ đâu? Cái chính là nhờ biết chọn người mà giao du. Dĩ nhiên là cũng phải có đức độ và làm việc cho chu đáo".
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #288 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2011, 09:11:28 pm »

Berg mỉm cười nghĩ đến ưu thế của mình đối với người phụ nữ yếu đuối và trầm ngâm nghĩ rằng dù sao người vợ đáng yêu này cũng chỉ là một người phụ nữ yếu đuối không thể hiểu nổi tất cả những cái gì làm thành cái phẩm chất của người đàn ông, - ein Mannzusein(1). Vera trong lúc đó mỉm cười nghĩ đến ưu thế của mình đối với chồng, một người đức độ, tốt nết nhưng theo Vera thì hiểu sai lạc về cuộc sống, như tất cả đàn ông nói chung. Berg bằng vào vợ mình để cho rằng phụ nữ đều là yếu đuối và ngu ngốc. Vera bằng vào con người độc nhất chồng mình để suy rộng ra rằng đàn ông tự gán cho mình cái độc quyền về trí tuệ, nhưng thực ra thì họ chẳng hiểu gì, họ kiêu căng và ích kỷ.
   
Berg đứng dậy ôm lấy vợ, ôm thận trọng để khỏi làm nhàu chiếc áo choàng vai thêu đăng ten mà chàng đã phải trả tiền rất đắt, và hôn vào giữa môi nàng.

- Miễn sao đừng có con sớm quá, chàng nói theo một dòng tư tưởng vô ý thức.

- Phải, Vera đáp, - Tôi cũng chẳng muốn thế tí nào. Phải sống cho xã hội chứ?

- Công tước phu nhân Yuxipova cũng có một chiếc đúng y như thế này, - Berg chỉ vào chiếc áo choàng vai viền đăng ten nói, miệng mỉm cười sung sướng và hồn hậu.
   
Vừa lúc ấy người nhà báo có bá tước Bezukhov đến. Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau mỉm cười hể hả, mỗi người đều cho rằng sở dĩ được cái hân hạnh này chính là nhờ mình.

"Đấy như thế mới gọi là biết giao du chứ, - Berg nghĩ thầm, - Như thế mới gọi là biết xở sự chứ!"
Vera nói:

- Chỉ xin anh một điều là khi tôi tiếp chuyện với khách anh đừng ngắt lời tôi - bởi vì tôi biết cách nói chuyện với từng người một và trong giới này nên nói chuyện gì, trong giới kia nên nói chuyện gì.
     
Berg cũng mỉm cười nói:

- Không xong đâu; đôi khi nam giới họ cũng cần nói những chuyện giữa đàn ông với nhau chứ?

Piotr được đưa vào gian phòng mới tinh khôi. Trong phòng bày thật không biết ngồi vào chỗ nào cho khỏi phá hỏng sự cân đối, sạch sẽ và ngăn nắp trong phòng, cho nên ta chẳng lấy làm lạ rằng trong khi hào phóng mời người khách quý phá vỡ sự cân đối của một chiếc ghế bành hay một chiếc đi-văng, chính Berg hình như cũng phân vân bứt rứt không biết có nên dành để cho khách tự ý chọn lấy cách giải quyết vấn đề này. Piotr phá tan sự cân đối băng cách kéo một chiếc ghế lại ngồi, và hai vợ chồng Berg lập tức khai mạc tối tiếp tân, tranh nhau tiếp chuyện vị khách.
   
Vera đã định sẵn trong trí là với Piotr thì phải nói chuyện về đại sứ quán Pháp, liền bắt đầu vào chuyện này. Berg thì cho rằng cũng cần có một câu chuyện đàn ông, bèn ngắt lời vợ mào đầu một câu chuyện chiến tranh với nước Áo, và đang nói chuyện chung bỗng bất giác nhảy sang những chuyện trù tính riêng của mình: Berg kể lể là hiện nay họ đang đề nghị chàng tham gia vào chiến dịch nước Áo và cắt nghĩa tại sao chàng lại không ưng thuận lời đề nghị đó. Mặc dù câu chuyện chẳng có mạch lạc gì cả và Vera phát cáu lên vì sự can thiệp của một phần tử nam giới, cả hai vợ chồng đều hài lòng cảm thấy lằng tuy chỉ có một vị khách mà tối tiếp tân đã bắt đầu một cách hay ho, và buổi tiếp tân này cũng giống như bất kỳ buổi tiếp tân nào khác, có nói chuyện, có nước trà và có nến thắp sáng trưng.
     
Được một lát có Boris, bạn cũ của Berg, đến dự. Boris hơi thoáng có cái vẻ bề trên khi nói năng với Berg và Vera. Sau Boris thì đến một phu nhân đi với một ông đại tá, rồi đến vị tướng, rồi đến gia đình Roxtov, và bây giờ tối tiếp tân đã hoàn toàn giống như tất cả mọi tối tiếp tân khác. Berg và Vera không kìm nổi một nụ cười vui sướng khi nhìn thấy tân khách đi lại trong phòng, lắng nghe tiếng nói chuyện linh tinh và tiếng áo quần sột soạt. Tất cả đều giống như trong mọi phòng tiếp tân, và giống nhất là vị tướng của Berg. Ông ta khen ngợi gian phòng, vỗ vai Berg và với cái vẻ tự tiện chẳng khác nào một ông bố trong nhà, ông lăng xăng chỉ bảo cho người dọn bàn đánh bài boston. Vị tướng đến gần bá tước Ilya Andreyevich là vị khách quan trọng nhất sau ông ta. Người già thì ngồi với người già, người trẻ thì ngồi với người trẻ, nữ chủ nhân thì ngồi bên chiếc bàn trà có bày những chiếc bánh ngọt đựng trong một cái giỏ bằng bạc, giống đúc như những chiếc bánh ở buổi tiếp tân của nhà Panin; tất cả đều hoàn toàn giống như ở các nhà khác.

=====================================================

Chú thích:

(1) Làm một đấng nam nhi (tiếng Đức)

Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #289 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 08:43:54 pm »

Phần VI
Chương - 21

Piotr với tư cách là một trong những người khách được trọng vọng nhất, phải ngồi vào bàn boston với Ilya Andreyevich, viên tướng và viên đại tá. Piotr ngồi bên bàn boston có thể trông thấy Natasa ở trước mặt, và sự thay đổi kỳ lạ của nàng từ tối vũ hội hôm trước khiến chàng kinh ngạc. Hôm nay Natasa có vẻ trầm ngâm, ít nói, và không những không xinh bằng hôm đi dự vũ hội, mà có lẽ lại còn xấu đi nữa là khác, nếu nàng không có cái vẻ hiền lành và hờ hững đối với tất cả những gì đang ở quanh nàng như bây giờ.
   
"Cô ta làm sao thế nhỉ?" - Piotr nhìn nàng nghĩ thầm. Nàng ngồi bên cạnh chị ở chiếc bàn trà và miễn cưỡng trả lời Boris bấy giờ đã đến ngồi cạnh. Mắt Natasa không nhìn vào chàng. Piotr đánh cả một loạt bài đồng hoa và năm lần phải cầm bài lên khiến cho đối thủ của chàng vô cùng khoái chí; chàng nghe có tiếng chào hỏi và tiếng một người bước vào phòng trong khi chàng đang nhặt bài. Piotr lại đưa mắt nhìn Natasa.
   
"Cô ta làm sao thế?" - Piotr càng kinh ngạc tự nhủ.
   
Công tước Andrey đang đứng trước mặt nàng, vẻ âu yếm và trân trọng, nói với nàng một câu gì không rõ. Nàng đỏ bừng hai má và hình như đang cố ghìm bớt hơi thở phập phồng ngẩng đầu lên nhìn chàng. Và ánh sáng rực rỡ của một ngọn lửa bên trong, trước đây âm ỷ ở tận đẩu đâu, bây giờ đã bùng lên trong ánh mắt nàng.

Nàng thay đổi hẳn đi. Đang xấu xí nàng bỗng trở lại y như trong đêm vũ hội.
     
Công tước Andrey lại gần Piotr, và Piotr nhận thấy một sắc thái mới mẻ, trẻ trung trên gương mặt bạn.
     
Trong thời gian đánh bài Piotr đổi chỗ mấy lần, khi thì quay mặt, khi thì quay lưng về phía Natasa, và suốt sáu lần mãn phân(1) chàng quan sát nàng và công tước Andrey.
     
"Có một cái gì rất quan trọng đang diễn ra giữa hai người" - Piotr nghĩ thầm, và một cảm xúc vừa vui mừng vừa chua chát khiến chàng bồi hồi quên cả ván bài đang chơi.

Sau sáu lần mãn phân vị tướng đứng dậy bảo là cứ như thế này thì không thể nào chơi được, thế là Piotr liền được miễn. Bây giờ Natasa đang nói chuyện với Sonya và Boris, Vera thì đang mỉm cười rất ý nhị nói một câu gì với công tước Andrey. Piotr đến gần bạn, và sau khi hỏi câu chuyện giữa hai người có gì bí mật không liền ngồi xuống bên cạnh. Vera nhận thấy công tước Andrey chú ý đến Natasa nên cho rằng trong một tối tiếp tân thật sự như tối hôm nay nhất thiết phải có những lời bóng gió tế nhị ám chỉ đến tình cảm, và thừa lúc công tước Andrey đang ngồi một mình liền bắt đầu nói chuyện với chàng về tình cảm nói chung và về em gái mình. Nàng thấy rằng với một vị khách thông minh như vậy (nàng vẫn cho công tước Andrey là một người rất thông minh) thế nào cũng đem cái tài xã giao của mình ra vận dụng mới được.
   
Khi Piotr lại gần hai người, chàng thấy Vera đang say sưa nói chuyện một cách hể hả, còn công tước Andrey thì có vẻ bối rối, một điều mà Piotr rất ít thấy ở chàng.

- Công tước thấy thế nào? - Vera mỉm cười ý nhị nói. - Công tước là người thâm thuý, nên hiểu ngay được tính cách của con người. Công tước thấy Natasa thế nào, cô ta có thể có một tình cảm chung thuỷ được không, cô ta liệu có thể như nhiều phụ nữ khác (ý Vera nói là như mình) đã yêu ai một lần thì trọn đời trung thành với người ấy không? Tôi nghĩ rằng như thế mới là tình yêu chân chính. Công tước nghĩ thế nào?

- Tôi mới biết được cô em bà quá ít, - công tước Andrey đáp với một nụ cười chế giễu mà chàng dùng để che đậy sự bối rối của mình, - nên không thể giải đáp một vấn đề tế nhị như vậy. Vả chăng tôi cũng nhận thấy rằng người đàn bà càng ít được yêu bao nhiêu thì lại càng chung thuỷ bấy nhiêu, - chàng nói thêm và nhìn sang Piotr bấy giờ đang lại gần chàng.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM