Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:49:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh và hòa bình  (Đọc 273412 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #520 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 09:02:36 pm »

Phần X
Chương - 37

Nhìn cảnh tượng khủng khiếp của bãi chiến trường ngổn ngang những chiếc xác chết, những người bị thương, trong khi đầu óc còn choáng váng vì được tin hai mươi viên tướng quen thuộc của mình đã bị thương và tử trận, và nhận thức rõ rệt rằng cánh tay bấy lâu vô địch của mình đã trở thành bất lực, Napoléon thể nghiệm một ấn tượng không ngờ, mặc dầu thường ngày ông vẫn thích nhìn những người tử trận và bị thương, để thử thách sức mạnh tinh thần của mình (như ông ta vẫn tưởng). Nhưng hôm nay cảnh tượng ghê rợn của chiến trường đã thắng cái sức mạnh tinh thần mà ông ta cho là đã làm và nên làm những công đức và vì sự vĩ đại của mình. Ông vội vã rời khỏi chiến trường và trở về đồi Sevadino. Mặt vàng võ sưng húp, người nặng nề, mắt đục ngầu, mũi đỏ gay và tiếng nói khản đặc, ông ta ngồi trên chiếc ghế xếp, bất giác lắng nghe tiếng súng, mắt ngước lên. Ông ta bồn chồn lo lắng chờ giờ kết thúc trận chiến đấu mà ông tưởng mình đã nhúng tay vào, nhưng thực ra thì ông không thể nào bắt nó dừng lại được.
     
Trong giây lát, một tình cảm bầm sinh của con người đã thắng cái ảo ảnh dối trá về cuộc đời mà lâu nay ông vẫn phụng sự ông hình dung chính mình đang chịu những nỗi đau khổ và chết chóc mà ông đã thấy trên chiến trường. Cái cảm giác như có một cái gì đè nặng lên đầu và lên ngực ông khiến ông nhớ ra rằng mình cũng có thể đau khổ và chết như mọi người.
   
Trong giây phút này, ông không còn muốn chiếm Moskva, không còn muốn thắng trận, không còn muốn vinh quang nữa (ông còn cần thứ vinh quang gì nữa?). Bây giờ ông chỉ mong ước được nghỉ ngơi, yên tĩnh và tự do. Nhưng khi ông đứng trên cao điểm Xemonovkoye thì viên tư lệnh pháo binh đề nghị ông bố trí một vài đội pháo ở đấy để tăng cường hoả lực của những đội đang nã vào các đạo quân Nga tập trung ở Knyazkovo. Napoléon đồng ý và ra lệnh phải báo cho ông ta biết kết quả ra sao. Viên sĩ quan phụ tá đến nói rằng theo lệnh của hoàng đế, hai trăm khẩu pháo đã nã vào quân Nga, nhưng quân Nga vẫn giữ vững.

- Hoả lực của chúng ta đã quét sạch từng hàng quân, nhưng chúng vẫn giữ vững. - Viên sĩ quan phụ tá nói.

- Chúng còn muốn ăn đạn nữa đấy - Napoléon nói, giọng khản đặc.

- Tâu bệ hạ? - viên sĩ quan phụ tá chưa nghe rõ bèn hỏi lại.

- Chúng còn muốn ăn đạn nữa, - Napoléon cau mày - bồi thêm cho chúng.

Không có lệnh của ông thì ý muốn của ông vẫn cứ được thực hiện, và sở dĩ ông ra lệnh chẳng qua vì ông nghĩ rằng người ta đợi lệnh của mình. Thế rồi, ông lại quay trở về cái thế giới giả tạo trước kia, cái thế giới đầy những ảo ảnh về võ công vĩ đại. Cũng như một con ngựa quay bánh xe nước tưởng đâu rằng nó đang làm một cái gì cho bản thân nó, ông ta lại ngoan ngoãn thực hiện cái vai trò tàn ác, đáng buồn và khổ sở, phi nhân tính mà số phận đã định trước cho ông ta.
   
Không phải chỉ trong vài ngày ấy, giờ ấy, trí óc và lương tâm của con người này - một con người mang cái trách nhiệm nặng nề hơn ai hết trong tất cả những việc đã xảy ra - mới bị mờ tối đi, mà mãi cho đến khi nhắm mắt, không bao giờ con người ấy có thể hiểu được cái gì là thiện, cái gì là mỹ, cái gì là chân, và đâu là ý nghĩa những hành vi của mình, những hành vi trái ngược hẳn với chữ ấy không thể nào chối cãi những hành vi của mình đã được nửa thế giới ca ngợi, cho nên ông ta đành phải từ bỏ cái chân và cái thiện cũng như tất cả cái bản chất của con người.
     
Không phải chỉ có ngày hôm ấy, trong khi cưỡi ngựa qua bãi chiến trường ngổn ngang những xác chết và những người bị tàn phế, (ông ta tưởng đó là do ý muốn của mình), và đưa mắt nhìn họ, ông mới tính xem cứ mỗi tử thi người Pháp thì có năm tử thi người Nga.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #521 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 09:03:37 pm »

Không phải chỉ hôm ấy ông mới viết thư gửi về Paris nói rằng "Chiến trường thật là hùng vĩ bởi vì trên bãi chiến trường có năm vạn tử thi", mà ngay ở đảo Saint Helen trong cảnh tĩnh mịch cô đơn mà ông đã định dùng những năm còn lại để tường thuật những việc vĩ đại mà mình đã làm, ông viết:

"Cuộc chiến tranh với Nga phải là một cuộc chiến tranh được lòng nhiều người nhất của thời đại: đó là cuộc chiến nanh của lương tri; và của sự an toàn của mọi người; nó có tính chất thuần tuý hoà bình và báo thù".
     
"Đó là cuộc đấu tranh vì đại nghĩa, để chấm dứt những sự ngẫu nhiên và để mở đầu cho sự an toàn. Một chân trời mới sẽ mở ra, những công trình mới sẽ được thực hiện đem lại vô số phúc lợi và sự phồn vinh cho tất cả mọi người. Hệ thống châu Âu đã có cơ sở, bây giờ vấn đề còn là tổ chức nó nữa mà thôi".
     
"Thoả mãn về tất cả vấn đề lớn này, đâu đâu cũng được yên lòng, tôi cũng sẽ có đại hội của tôi, và Liên minh thần thánh của tôi. Đó là những tư tưởng mà người ta đã ăn cắp của tôi. Trong cuộc hội họp các vị đế vương, chúng tôi sẽ bàn đến quyền lợi của chúng tôi như trong một gia đình và sẽ báo cáo với quốc dân như người thư ký báo cáo với ông chủ".
     
"Như thế, Âu châu chẳng bao lâu sẽ thực sự trở thành một dân tộc duy nhất, và bất kỳ ai trong khi đi du lịch khắp nơi cũng sẽ luôn luôn cảm thấy mình ở trong tổ quốc chung. Tôi sẽ yêu cầu các sông ngòi được hưởng tự do giao thông, bốn bè là cộng đồng, không chia hải phận, và những đạo quân lớn thường trực từ nay sẽ giảm hẳn đi, chỉ còn lại những đội vệ binh của các quốc trưởng mà thôi".
   
"Khi trở về Pháp, trở về tổ quốc vĩ đại, cường tráng, tráng lệ, thái bình, quang vinh, tôi sẽ tuyên bố rằng biên giới nước ta là bất di bất dịch, mọi cuộc chiến tranh sau này sẽ thuần tuý chiến tranh tự vệ; mọi sự mở mang bờ cõi sau này đều là phản dân tộc, tôi sẽ cho con tôi cùng trị vì đế quốc, thời kỳ chiến trinh của tôi sẽ chấm dứt, thời kỳ được hiến của con tôi sẽ bắt đầu".
   
"Paris sẽ là thủ đô của thế giới, và địa vị của người Pháp sẽ được mọi dân tộc ước ao".
   
"Sau đó, trong thời kỳ tập sự làm vua của con tôi, tôi sẽ dành ngày giờ nhàn rỗi và tuổi già của con tôi để cùng hoàng hậu, như một cặp vợ chồng thôn dã thật sự, thong dong cưỡi ngựa nhà đi thăm tất cả những nơi sơn cùng thuỷ tận của đế quốc, để tiếp nhận những lời khiếu nại, trừ bỏ những điểm bất công và đến đâu cũng xây dựng lâu đài và ban thí ân đức".

Con người mà ý trời đã tiến định cho đóng cái vai trò thảm hại của tên đao phủ đối với các dân tộc, lại muốn biện hộ rằng mục đích những hành động của mình là lợi ích của các dân tộc, và mình có thể thao túng số phận hàng triệu con người, và có thể dùng quyền lực để tạo nên hạnh phúc cho họ.


Về cuộc chiến tranh với Nga ông còn viết:

"Trong số 400.000 người vượt qua sông Vixla, một nửa là người Áo, người Phổ, người Xắc-xôn, người Ba Lan, người Beyer, người Vuyrtemberg, người Mecklemberg, người Tây Ban Nha, người Ý, người Napôli. Quân đội hoàng gia thực ra là gồm những người Hà Lan, người Bỉ, những cư dân ở trên bờ sông Ranh, ở Piemont, ở Thuỵ Sĩ, ở Geneva, ở Toxcan, ở La Mã, cư dân của quân khu thứ 32, cư dân các thành phố Brem, Hamburg v.v…, nó gồm không đầy 140.000 người nói tiếng Pháp. Cuộc viễn chinh sang Nga làm hao tổn của người Pháp hiện thời không đến năm vạn người. Quân đội Nga, khi rút lui từ Vilna đến Moskva, trong các trận giao chiến đã tổn thất bốn lần nhiều hơn quân đội Pháp; Việc Moskva phát hoả đã làm cho 100.000 người Nga phải chết rét, chết đói ở trong rừng; cuối cùng trong một cuộc hành quân từ Moskva đến sông Oder, quân đội Nga cũng bị thời tiết ác nghiệt làm tổn hại, khi đến Vilna nó chỉ còn có 50.000 người và khi đến Kalis chỉ còn non 18.000".

Ông ta tưởng rằng cuộc chiến tranh với Nga đã xảy ra do ý muốn của mình, thế mà cái biến cố thủ khủng khiếp đã diễn ra không làm cho tâm hồn ông mảy may xúc động. Ông ta mạnh dạn nhận lấy tất cả trách nhiệm về biến cố ấy, và đầu óc mờ tối của ông ta lại muốn hiện cho bằng cách nêu ra rằng trong số hàng chục vạn người tử trận, số người Pháp ít hơn số người xứ Hess và xứ Bayer.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #522 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 09:04:21 pm »

Phần X
Chương - 38
   
Mấy vạn người chết và bị thương nằm ở những tư thế khác nhau và trong những bộ quân phục khác nhau, ngổn ngang trên những bãi cỏ và những cánh đồng thuộc quyền sở hữu của họ Duvydov hay của những nông dân của hoàng gia. Trên những cánh đồng và những bãi cỏ này, mấy thế kỷ nay, nông dân các làng Borodino. Gorki, Sevardino và Xemenovxkoye đã từng gặt lúa và chăn gia súc. Ở các trạm cứu thương, cỏ và đất đều sũng máu trên một khoảng rộng hàng mẫu đất. Từng tốp người bị thương hay còn lành lặn thuộc nhiều đơn vị khác nhau, vẻ mặt hốt hoảng, rút về phía sau, người thì chạy về Mozaisk, kẻ thì chạy về Valuyvro. Những tốp khác, mặc dầu mệt nhoài và đói lả vẫn tiến lên dưới sự chỉ huy của thủ trưởng họ. Lại có những người vẫn đứng tại chỗ tiếp tục bắn.
   
Bãi chiến trường vừa mới đây còn tráng lệ và tươi vui với những ánh lưỡi lê lấp lánh và những đám khói toả lên trong ánh nắng ban mai, thì bây giờ đã tối sầm lại trong làn sương mù ẩm ướt pha lẫn khói súng, và trong không khí phảng phất cái mùi khét rất lạ của diêm sinh và máu. Những đám mây ùn ùn kéo đến, một cơn mưa nhỏ bắt đầu đổ xuống các thây ma, những người bị thương, những con người hoảng hốt, kiệt sức và đã đến lúc hoài nghi hết thảy. Hình như nó muốn bảo họ rằng: "Thôi đủ rồi, các người ạ. Chấm dứt đi thôi… hãy nghĩ lại mà xem, các người đang làm gì thế?"
     
Binh sĩ hai bên kiệt sức vì không được ăn và không được nghỉ cũng bắt đầu ngờ vực không biết có nên tiếp tục bắn giết nhau nữa hay không. Trên tất cả các gương mặt đều lộ rõ tâm trạng dao động và một câu hỏi được gợi lên trong lòng mọi người: "Ta giết người và chết để làm gì và cho ai? Chúng bay muốn giết ai thì giết, muốn làm gì thì làm, nhưng ta thì ta không làm nữa đâu!". Đến chiều, ý nghĩ này đã chín muồi trong lòng mỗi người. Bất cứ phút nào tất cả những người này cũng có thể thấy ghê sợ những việc họ đã làm, cũng có thể vất bỏ tất cả mà chạy, bất kỳ chạy đi đâu.
     
Nhưng mặc đầu đến gần cuối trận đánh, mọi người đều thấy rõ hành động của mình ghê tởm đến nhường nào, mặc dầu họ sẽ vui mừng nếu được ngừng lại, nhưng có một sức mạnh gì huyền bí không thể hiểu được, vẫn chế ngự họ. Những người pháo binh, mồ hôi nhễ nhại, mình mẩy nhem nhuốc những thuốc súng và máu, ba người chỉ còn lại một, tuy đã lảo đảo và thở hổn hển vì mệt nhọc, vẫn tiếp tục mạnh dạn đến, nạp đạn, nhắm đích, châm ngòi; từ cả hai phía, đạn vẫn bay ra dồn dập và tàn nhẫn như trước, xé tan thân thể người ta ra, và cái công việc khủng khiếp kia vẫn tiếp tục, nó diễn ra không phải do ý muốn của con người mà là do ý muốn của Đấng ngự trị tất cả mọi người và mọi thế giới.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #523 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 09:04:50 pm »

Ai nhìn vào những hàng hậu quân rối loạn của quân đội Nga cũng sẽ nói rằng quân Pháp chỉ cần cố gắng một chút nữa là quân đội Nga sẽ bị tiêu diệt; ai nhìn vào những hàng hậu quân của quân Pháp cũng sẽ nói rằng quân Nga chỉ cần cố gắng một chút nữa là quân đội Pháp cũng sẽ tan tành. Nhưng cả quân Pháp lẫn quân Nga đều không thực hiện sự cố gắng ấy, và ngọn lửa của trận chiến đấu cứ dần dần tàn lụi.
     
Quân Nga không thực hiện sự cố gắng ấy bởi vì không phải họ tấn công quân Pháp. Lúc trận đánh bắt đầu, họ chỉ đóng trên con đường vào Moskva, để chặn con đường ấy, và họ vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu cho đến khi trận chiến đấu kết thúc.
     
Nhưng dù cho mục đích của họ là đánh đuổi quân Pháp chăng nữa thì họ cũng không thể thực hiện được sự cố gắng cuối cùng này, bởi vì tất cả các đạo quân Nga đều tan rã, không có một bộ phận nào không bị tổn thất trong trận đánh này, và trong khi giữ nguyên trận địa, quân Nga đã mất một nửa quân số.
     
Còn quân Pháp vốn được kỷ niệm của mười năm chiến thắng cổ vũ, vốn tin tưởng vào tài năng vô địch của Napoléon và có ý thức rằng họ đã làm chủ được một bộ phận của chiến trường mà chỉ mất một phần tư quân số và đạo vệ binh hai vạn người thì vẫn còn nguyên vẹn, quân Pháp có thể thực hiện sự cố gắng ấy một cách dễ ràng. Quân Pháp tấn công quân Nga với mục đích đánh bật quân Nga ra khỏi vị trí của nó, đáng lý phải thực hiện sự cố gắng ấy vì hễ quân Nga còn chặn con đường vào Moskva thì quân Pháp vẫn còn chưa đạt được mục đích, và tất cả những cố gắng cũng như những tổn thất của họ đều thành ra vô ích. Nhưng quân Pháp đã không thực hiện sự cố gắng ấy.
   
Một vài sử gia nói rằng Napoléon cho đội cận vệ nguyên vẹn của ông ra chiến trường là có thể thắng trận. Nhưng nói về những việc sẽ diễn ra Napoléon cho đội cận vệ của mình nhập trận thì cũng chẳng khác gì nói về những việc sẽ xảy ra nếu mùa thu bỗng chốc biến thành mùa xuân. Điều đó không thể có được. Sở dĩ Napoléon không tung đội cận vệ của mình ra không phải vì ông ta không muốn, mà là vì ông ta không thể làm như thế được. Tất cả các tướng tá và quân sĩ đều biết rằng không thể làm như vậy, bởi vì tinh thần quân đói đã suy sụp không cho phép làm như vậy.
   
Không phải chỉ riêng Napoléon mới có cảm tưởng là cánh tay mình đang giơ lên bỗng rụng rời buông thõng xuống trong cơn ác mộng, mà tất cả các tướng tá và quân sĩ của quân đội Pháp đã tham chiến hay không tham chiến, sau tất cả những kinh nghiệm rút được từ những trận chiến đấu trước đây (trong đó chỉ cần cố gắng bằng một phần mười so với bây giờ cũng đủ khiến cho quân địch bỏ chạy), đều cảm thấy kinh hãi như nhau khi đứng trước một kẻ địch đã mất một nửa quân số mà vẫn giữ vững trận địa đến cùng mà vẫn đáng sợ như lúc mới lâm trận.
     
Sức mạnh tinh thần của quân đội Pháp, là quân đội tấn công, đã tiêu ma hết rồi. Thắng lợi của quân Nga ở Borodino không phải là một thắng lợi có thể đánh giá bằng những mảnh vải buộc vào gậy mà người ta gọi là quân kỳ, hay bằng những khoảng đất này làm cho đối phương hiểu rõ ưu thế của kẻ địch và sự bất lực của mình. Cũng như một con vật điên cuồng đang dở dà sau một vết thương trí mạng, quân xâm lược Pháp cảm thấy mình bước vào chỗ chết, nhưng nó không thể nào dừng lại, cũng như quân đội Nga, vì yếu hơn nó hai lần nên không thể nào nhường bước.
   
Theo đà sẵn có, quân đội Pháp còn có thể lăn mãi đến Moskva, nhưng ở đây, mặc dù quân đội Nga không có những cố gắng mới, quân đội Pháp vẫn nhất định phải gục vì vết thương chí mạng ở Borodino đã làm nó kiệt hết máu. Kết quả trực tiếp của trận Borodino là việc Napoléon vô cớ bỏ chạy khỏi Moskva, việc ông ta rút lui theo con đường cũ - con đường Smolensk - việc một đạo quân xâm lược năm mươi vạn người bị tiêu diệt, việc đế chế Napoléon của Pháp cáo chung; chính ở Borodino lần đầu tiên nền đế chế ấy đã chịu cái đòn nặng nề từ cánh tay kẻ địch mạnh nhất về phương diện tinh thần.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #524 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:22:02 pm »

Phần XI-Chương -1

Trí tuệ của con người không quan niệm nổi tính chất liên tục tuyệt đối của sự vận động. Chỉ khi nào tách rời một cách võ đoán sự vận động đó ra từng đơn vị thì con người mới hiểu nổi những quy luật của sự vận động, dù là loại vận động nào cũng thế. Nhưng đồng thời chính cái lối phân chia sự vận động một cách võ đoán ra thành từng địa vị đã đưa đến phần lớn những sai lầm của con người. Ai cũng biết lý luận quỷ biện (1) của người cổ đại, nói rằng Asil (2) sẽ không bao giờ đuổi kịp con rùa đang đi trước mặt ông ta, mặc dầu Asil đi nhanh gấp mười lần con rùa, thì con rùa đã đi được một phần mười khoảng cách đó; đến khi Asil vượt được đoạn này, thì con rùa đã đi được một quãng bằng một phần mười đoạn đó, và cứ thế mãi mãi không cùng. Người cổ đại tưởng rằng không sao giải quyết được bài tính đố này. Sở dĩ đi đến kết luận vô lý như vậy - kết luận rằng Asil sẽ không bao giờ đuổi kịp con rùa - chỉ là người ta thừa nhận một cách võ đoán rằng sự vận động chỉ có thề chia ra thành những đơn vị rời rạc, trong khi thật sự vận động của Asil cũng như của con rùa đều toàn liên tục.
     
Trong khi chấp nhận những đơn vị ngày càng bé đi hơn của sự vận động, ta chỉ tiến đến gần chỗ giải quyết vấn đề nhưng không bao giờ đạt được đến chỗ giải quyết cả. Chỉ khi nào thừa nhận một đại lượng vô cùng bé và một cấp số của nó tiến dần lên đến một phần mười và tổng cộng cái cấp số hình học này lại, ta mới giải quyết được cái nghệ thuật xử lý với các đại lượng vô cùng bé, và trong những vấn đề khác phức tạp hơn của sự vận động, nó đã giải đáp những vấn đề mà trước kia tưởng chừng không sao giải quyết nổi.
     
Cái ngành toán học mới mà người cổ đại không hề biết đến trong khi xét các vấn đề sự vận động, thừa nhận những đại lượng vô cùng bé, tức là phục hồi cái điều kiện chủ yếu của sự vận động (tính chất liên tục tuyệt đối), và do đó đã sửa chữa được cái sai lầm tất nhiên mà trí tuệ con người không sao tránh khỏi khi đem những đơn vị rời rạc thay thế cho sự vận động liên tục.

Trong việc tìm tòi các quy luật vận động của lịch sử cũng thấy có một tình hình giống hệt như vậy.
   
Sự vận động của nhân loại vốn xuất phát từ vô số những ý chí cá biệt, cũng diễn ra một cách liên tục.
       
Hiểu thấu những quy luật của sự vận động này chính là mục đích của sử học. Nhưng trong khi muốn hiểu thấu những quy luật vận động liên tục của tổng số các ý chí của nhân loại thì trí tuệ của con người thừa nhận những đơn vị võ đoán, gián đoạn. Phương pháp thứ nhất của sử học là võ đoán lấy ra một loạt những biến cố liên tục rồi tách rời những biến cố đó ra khỏi các biến cố khác và khảo sát trong khi không hề có và không thể nào có một biến cố nào có khởi điểm cả, mà biến cố này bao giờ cũng xuất phát từ biến cố nọ.
   
Phương pháp thứ hai là tổng cộng ý chí của mọi người, trong khi cái ý chí cộng đồng đó không bao giờ được thể hiện trong hoạt động của một nhân vật lịch sử duy nhất.
   
Khoa học lịch sử trong khi làm việc luôn luôn chấp nhận những đơn vị ngày càng nhỏ bé để khảo sát và mong theo con đường đó để tiến gần đến chân lý. Nhưng dù những đơn vị mà sử học chấp nhận có bé đến đâu chăng nữa, ta vẫn cảm thấy rằng ngay việc thừa nhận một đơn vị tách rời ra khỏi một đơn vị khác, thừa nhận rằng một hiện tượng nào đó có một khởi điểm và ý chí của mọi người đều thể hiện trong hành vi của mọi nhân vật lịch sử duy nhất, thì tự bản thân việc đó đã sai lầm rồi.
     
Bất cứ một kết luận nào của sử học, nếu đem ra phê phán dù là phê phán không lấy gì làm gắt gao, cũng đã tan ra thành tro bụi không để lại một chút gì, chỉ vì phê phán người ta chọn làm đối tượng quan sát một đơn vị đoạn lớn hay nhỏ hơn; và người ta có quyền làm như vậy vì đơn cử được lấy ra bao giờ cũng có tính chất võ đoán.

Chỉ khi nào thừa nhận một đơn vị vô cùng bé để quan sát thừa nhận khoa học vì phần về lịch sử, tức là những ý hướng cộng đồng của loài người, và dạt được cái nghệ thuật tích phân (rút ra cái tổng số của những đơn vị vô cùng bé ấy) thì chúng ta mới có thể hy vọng hiểu thấu đựơc những quy luật của lịch sử.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #525 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:22:52 pm »

Trong mười lăm năm đầu thế kỷ 19, ở châu Âu có một sự chuyển động phi thường của hàng mấy triệu con người. Những con người đó từ bỏ những công việc thường ngày của họ kéo nhau từ đầu này sang đầu kia châu Âu, cướp phá, tàn sát lẫn nhau, hân hoan vì đắc thắng và đau buồn vì thất bại, và trong vòng mấy năm nhịp sống thay dổi và biến thành một cuộc vận chuyển mãnh liệt lúc đầu tăng cường lên rồi sau lại giảm dần xuống. Trí tuệ của con người băn khoăn đặt câu hỏi: Đâu là nguyên nhân của sự vận động đó hoặc sự vận động đó diễn ra theo những quy luật gì?
   
Trong khi giải đáp câu hỏi này, các nhà sử học trình bày cho chúng ta rõ những hành động và những lời nói của vài ba chục con người trong một toà nhà nào đó ở thành Paris, gọi những hành động và những lời nói đó bằng một danh từ là Cách mạng; sau đó họ kể lại một cách tỉ mỉ tiểu sử Napoléon và của một số nhân vật đồng lòng hay đối địch với ông ta, kể lại một vài ảnh hưởng của một vài nhân vật trong số đó đối với các nhân vật kia, rồi nói: Đấy, chính vì vậy mà có sự vận động kia, và đó chính là nhtmg quy luật đã chi phối nó.
   
Những trí tuệ của con người không những không chịu tin lời cắt nghĩa đó, mà lại còn nói thẳng ra rằng cắt nghĩa như vậy là không đúng, bởi vì nói như vậy tức là lấy một hiện tượng trọng yếu nhất để lên thành nguyên nhân của một hiện tượng mạnh nhất. Chính tổng số những ý chí của những con người đã làm ra cuộc cách mạng, đã tạo ra Napoléon, vẫn chỉ có tổng số những ý chí đó dung túng rồi sau đó tiêu diệt cả hai.
   
"Nhưng hễ đã có những cuộc chinh phục thì tất phải có người chinh phục. Hễ xẩy ra những cuộc đảo lộn trong quốc gia thì tất phải có những bậc vĩ nhân", - sử học sẽ nói. Quả nhiên, hễ có những kẻ chinh phục xuất hiện, thì cũng sinh ra chiến tranh, - trí tuệ của con người đáp lại, - nhưng điều đó không chứng minh rằng các nhà chinh phục là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh, và có thể tìm các quy luật của chiến tranh trong hoạt động cá nhân của một con người. Cứ mỗi lần tôi xem đồng hồ và thấy chiếc kim nhích gần đến số mười, từ ngôi nhà thờ bên cạnh tôi lại nghe có tiếng chuông nguyện bắt đầu đổ hồi, nhưng không phải thế mà tôi có quyền kết luận rằng vị trí chiếc kim đồng hồ của tôi là nguyên nhân của hồi chuông.
     
Cứ mỗi lần tôi thấy một đầu máy xe lửa chạy thì tôi lại nghe có tiếng còi huýt, tôi lại thấy nắp hơi mở ra và thấy bánh xe chuyển động; nhưng không phải vì thế mà tôi có quyền kết luận rằng tiếng còi huýt và sự chuyển động của bánh xe là nguyên nhân khiến chiếc đầu máy xe hoả chạy.

Nông dân thường nói rằng vào tiết cuối xuân có gió lạnh là vì chồi non của cây sồi nhú ra, và quả nhiên vào tiết xuân thường có gió lạnh khi cây sồi đâm chồi non. "Nhưng mặc dầu tôi không rõ nguyên nhân của ngọn gió lạnh thổi vào tiết cây sồi mọc mầm, tôi cũng không thể đồng ý với người nông dân mà cho rằng sở dĩ gió lạnh thổi là vì cây sồi mọc mầm, bởi vì sức mạnh của gió không thể chịu ảnh hưởng của những cái mầm ấy. Tôi chỉ thấy có sự trùng nhau giữa những điều kiện vốn có trong bất cứ hiện tượng nào của cuộc sống, và thấy rằng dù tôi có quan sát chiếc kim đồng hồ, chiếc bánh xe và cái mầm sồi một cách tỉ mỉ đến đâu đi chăng nữa, cũng không thể biết được nguyên nhân của hồi chuông nguyện, của sự chuyển động của đầu máy xe hoả và của ngọn gió xuân. Muốn thế, tôi phải thay đổi hẳn vị trí quan sát và nghiên cứu các quy luật vận động của hơi nước, của cái chuông và của ngọn gió. Sử học cũng phải làm như vậy. Và cũng có những cố gắng làm như vậy.
   
Muốn nghiên cứu các quy luật của lịch sử ta phải thay đổi hoàn toàn đối tượng quan sát, để yên các nhà vua, các vị đại thần và đại tướng ở đấy, mà nghiên cứu những yếu tố đồng nhất vô cùng bé lãnh đạo quần chúng. Không ai nói rõ được con người có thể hiểu các quy luật sử được đến đâu khi đi theo con đường này; nhưng rõ ràng chỉ đi con đường này mới mong nắm được các quy luật lịch sử và phần trí tuệ mà con người đặt vào con đường này chưa bằng một phần triệu những sự nỗ lực mà nhà sử học đã dành cho việc mô tả hành vi của nhà vua, các tướng lĩnh và các tổng trưởng và trình bày những suy luận của mình về các hành vi đó.

==========================================================

Chú thích:

(1) Lý luận trên một cơ sở sai lầm, nhưng có vẻ hợp lý nhờ một lối suy diễn chặt chẽ, nhằm đưa đến một kết luận không đúng (sophisme). Lý luận quỷ biện nói đây là của Zenon người Hele, triết gia Hy Lạp ở thế kỷ V trước công nguyên.

(2). Asil (hay Akhillox), nhân vật nổi tiếng nhất trang anh hùng ca Iliad của Homer, vua dân Miếcmiđông, rất dũng cảm và nóng nảy. Chết trong cuộc đánh chiếm thành Troie.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #526 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:23:34 pm »

Phần XI
Chương - 2
   
Lực lượng kết hợp của mấy dân tộc châu Âu đã tràn vào nước Nga. Quân đội và cư dân Nga rút lui, tránh cuộc xung đột, rút cho đến Smolensk rồi từ Smolensk đến Borodino rầm rộ tiến nhanh về phía Moskva, mục đích của cuộc chuyển dộng của nó. Càng đến gần đích, thế nó tiến tới lại càng mạnh, cũng như một vật thể càng rơi xuống đến gần đất thì tốc độ rơi lại càng lớn. Nó bỏ lại sau lưng hàng nghìn dặm đất đói nghèo và thù địch; phía trước mặt chỉ còn mấy mươi dặm nữa là đến đích. Điều đó, mỗi người lính trong quân đội của Napoléon đều cảm biết, và cuộc xâm lăngg cứ tự nó tiến triển chỉ do cái sức mạnh của đà thúc đẩy cũ.
   
Trong quân đội Nga thì càng rút lui, tinh thần căm thù địch lại càng bốc cháy hừng hực: Trong khi rút lui nó tập trung lại và tăng cường lên. Ở Borodino đã xảy ra một cuộc chạm trán. Trong hai đội quân không có bên nào tan rã, nhưng quân đội Nga ngay sau cuộc xung đột đã rút lui, cũng một cách tất nhiên như một quả cầu tất nhiên phải lăn ngược trở lại khi va phải một quả cầu lăn về phía nó mạnh hơn và nhanh hơn; và cũng tất nhiên như thế, tuy đã mất hết sức lực lượng trong cuộc va chạm, quả cầu tấn công kia cũng sẽ theo đà mà lăn một quãng nữa.
     
Quân Nga rút về phía sau, qua Moskva và dừng lại ở đây. Sau đó suốt năm tuần lễ không xảy ra một trận đánh nào. Quân Pháp không xê dịch. Giống như một con ác thú bị thương nặng mất nhiều máu đang liếm những vết thương của mình, họ ở lại Moskva năm tuần lễ, không tiến hành một công việc gì cả, và bỗng nhiên, chẳng có nguyên do gì mới, họ bỏ chạy trở lại: Họ đổ ra con đường Kaluga (tuy đã thắng trận, vì sau khi đánh chiến trường Maly Yaroxlav nằm trong tay họ), và không mở một trận nào quan trọng, họ chạy càng nhanh về phía Smolensk rồi vượt qua Smolensk chạy về Vilna vượt sông Berezina rồi tiếp tục chạy mãi.
     
Tối ngày mồng hai tháng tám, Kutuzov cũng như toàn quân đều đã tin chắc rằng trận Borodino là một trận thắng. Trong thư của Kutuzov gửi hoàng đế cũng nói như vậy. Kutuzov ra lệnh chuẩn bị một trận chiến đấu nữa để tiêu diệt quân địch không phải vì ông muốn lừa dối ai mà là vì ông biết rằng quân địch đã bại trận và bất cứ người nào tham gia trận chiến đấu cũng đều biết như vậy.
     
Nhưng cũng tối hôm ấy và ngày hôm sau bắt đầu có những tin tức dồn dập đưa về, cho biết là binh lính bị thương vong nhiều chưa từng thấy, rằng quân đội đã tổn thất mất một nửa, và thực tế không thề nào mở một trận mới được nữa.

Không thể nào tác chiến trong khi chưa thu thập được tin tức, chưa thu nhặt được thương binh, chưa bổ sung đạn được, chưa đem hết số quân sĩ tử trận, chưa chỉ định những sĩ quan chỉ huy mới thay cho những sĩ quan đã thương vong, trong khi binh sĩ chưa được ăn, ngủ cho lại sức. Nhưng đồng thời ngay sau trận đánh, vừa mới sáng hôm sau, quân đội Pháp (do cái sức mạnh thúc đẩy kia bây giờ dường như đã tăng lên theo tỷ lệ ngược với số bình phương của khoảng cách) đã tự nó tấn công vào quân đội Nga. Kutuzov đang muốn tấn công vào ngày hôm sau và toàn quân cũng đều muốn như vậy Nhưng không phải cứ muốn là có thể tấn công được, cần phải có khả năng tấn công, mà bây giờ thì chưa có cái khả năng đó.
   
Không thể nào không rút lui thêm một chặng. Rồi lại một chặng nữa, và cuối cùng, vào ngày mồng một tháng chín, - khi quân đội đã rút về gần Moskva - mặc dầu trong hàng ngũ lòng căm thù đã lên rất mạnh, hoàn cảnh vẫn bắt buộc phải rút quá Moskva. Và quân đội đã rút lui thêm một chặng nữa, chặng cuối cùng, và để cho Moskva rơi vào tay quân địch.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #527 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:24:02 pm »

Những người quen nghĩ rằng các tướng lĩnh ngồi vạch ra kế hoạch các cuộc chiến tranh và các trận đánh cũng y như bất cứ người nào trong chúng ta, khi ngồi trong thư phòng trước một tấm bản dồ, suy nghĩ xem trong trận này trận kia mình sẽ điều binh khiển tướng như thế nào, ắt phải thắc mắc không hiểu tại sao trong khi rút lui, Kutuzov lại không hành động như thế này, như thế nọ, tại sao ông ta lại không chiếm lĩnh vị trí trước khi đến Fili, tại sao ông ta lại không rút ngay ra con đường Kaluga sau khi bỏ Moskva v.v… Những người quen nghĩ như vậy thường quên mất hoặc không biết đến những điều kiện tất yếu bao giờ cũng chi phối hoạt động của bất cứ nhà cầm quyền nào.
     
Hoạt động của một vị tổng tư lệnh không hề có chút gì giống như cái hoạt động mà ta vẫn tưởng tượng ra trong khi ngồi thoải mái trong thư phòng, nghiên cứu một chiến dịch nào đó trên tấm bản đồ, với một số quân nhất định bên này bao nhiêu bên kia bao nhiêu, và ở một địa phương nhất định, và bắt đấu xuất phát từ một thời điểm nhất định nào đó. Một vị tổng tư lệnh không bao giờ ở trong cái hoàn cảnh khởi điểm của một biến cố như chúng ta thường hình dung khi xét một sự kiện. Một vị tổng thống tư lệnh bao giờ cũng ở vào giữa một loạt những biến cố đang tiến triển thành thử không bao giờ, không có phút nào ông ta có thể ngẫm nghĩ về ý nghĩa của biến cố đang tiến triển. Biến cố đó vẫn từng lúc một lộ rõ ý nghĩa của nó, và ở mỗi giai đoạn trong cái quá trình bộc lộ nhất quán, liên tục đó, vị tổng tư lệnh đều đang ở vào trung tâm của một hoạt động phức tạp, đầy những thủ đoạn, những âm mưu, những nỗi lo lắng, những mối lệ thuộc, những uy quyền, những dự định, những lời khuyên răn, những câu hăm doạ, những sự lừa phỉnh, ông ta luôn luôn buộc phải trả lời vô số những câu hỏi đề ra cho ông ta, những câu hỏi nhiều khi mâu thuẫn nhau.
     
Các nhà lý luận quân sự thông thái nói với chúng ta một cách rất nghiêm trang rằng lẽ ra Kutuzov phải chuyển quân ra con đường Kaluga từ lâu trước khi Fili, và thậm chí còn nói rằng có người đề ra ý kiến với ông ta. Nhưng trước mắt vị tổng tư lệnh nhất là trong giờ phút gay go, không phải chỉ có một ý kiến, mà bao giờ cũng có hàng chục ý kiến trong một lúc. Và mỗi ý kiến như vậy, vốn căn cứ trên chiến lược và chiến thuật lại dẫn đến mâu thuẫn lẫn nhau. Có thể tưởng đâu công việc của vị tổng tư lệnh chẳng qua là chọn lấy một trong những ý kiến đó. Nhưng dù chỉ có thế thôi, thì ông ta cũng không thể làm được. Sự việc và thời gian không đợi ai hết. Chẳng hạn có người đề nghị với ông ta là đến ngày hai mươi tám cho chuyển quân ra đường Kaluga; nhưng khốn nỗi ngay lúc đó lại có một viên sĩ quan phụ tá của Miloradovite phi ngựa đến hỏi xem nên giao chiến ngay với quân Pháp hay là nên rút lui. Thế là ngay lúc ấy ngay phút ấy ông ta phải ra lệnh. Mà lệnh rút lui lại làm cho quân ta phải rời xa các chỗ ngoặt đưa đến con đường Kaluga.
     
Rồỉ tiếp theo viên sĩ quan phụ tá lại có viên quản lý quân nhu đến hỏi xem phảì chở lương đi đâu, rồi một viên thủ trưởng bệnh xá hỏi phải chở thương binh đi đâu; cũng ngay lúc ấy lại có thư của nhà vua từ Petersburg gửi đến, một mực không chấp nhận ý định bỏ Moskva, còn kẻ tranh quyền với vị tổng tư lệnh, kẻ đang cố tìm cách ngầm hại ông ta (những kẻ như vậy thì lúc nào cũng có, và không phải chỉ một, mà khá nhiều) thì để ra nột kế hoạch mới, ngược hẳn với kế hoạch tiến ra đường Kaluga. Trong khi đó thì bản thân vị tổng tư lệnh đang cần ngủ và cần bồi dưỡng cho lại sức, thế nhưng lại có một viên tướng già không được khen thưởng đến khiếu nại; rồi dân sở tại đến van xin ông che chở cho, rồi một viên sĩ quan được phái đi xem xét địa thế trở về báo cáo những điều trái hẳn với viên sĩ quan được phái đi lần trước, rồi người trinh sát, tên tù binh và viên tướng phụ trách việc kiểm tra trận địa. - mỗi người đã quên không hiểu hoặc quên những hoàn cảnh thực tế tất yếu đó của bất cứ vị tổng tư lệnh nào, có thể trình bày cho ta biết vị trí các đạo quân ở Fili và bảo răng ngày một tháng chín vị tổng tư lệnh có thể hoàn toàn tự do giải quyết vấn đề bỏ hay giữ Moskva trong khi vấn đề này không thể đặt ra được vì quân đội Nga đang ở cách Moskva năm dặm. Vậy thì vấn đề này được giải quyết vào lúc nào? Nó được giải quyết ở Drissa, cũng như ở Smolensk, và rõ hơn cả là ngày hai mươi bốn ở Sevardino cũng như ngày hai mươi sáu ở Borodino, cũng như ở bất cứ ngày nào, giờ nào, phút nào trong khi rút từ Borodino đến Fili.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #528 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:24:41 pm »

Phần XI
Chương - 3
     
Quân đội Nga rút từ Borodino đến đóng ở Fili. Yermolov vừa cưỡi ngựa đi xem địa thế về, đến gặp vị tổng soái nói:

- Không thể nào chiến đấu trên địa thế này được.

Kutuzov ngạc nhiên nhìn ông ta và bảo ông ta nhắc lại câu vừa nói. Nghe xong, Kutuzov chìa tay ra bảo:

- Anh đưa tay đây tôi xem nào, - Kutuzov nói đoạn cầm lấy tay Yermolov để bắt mạch, rồi tiếp: - Anh ốm rồi đấy anh bạn ạ. Bận sau nói gì phải suy nghĩ nhé.
   
Trên đồi Poklonny, cách cửa ô Dorogomilov sáu dặm, Kutuzov xuống xe và đến ngồi trên một chiếc ghế dài bên vệ đường. Một đám tướng tá rất đông xúm lại quanh ông. Bá tước Raxtopsin mới ở Moskva đến cũng nhập bọn với họ. Cả đám người sang trọng ấy phân ra làm mấy nhóm, đang bàn tán về những lợi hại của địa thế, về vị trí các đạo quân, về các kế hoạch được đề ra, về tình hình Moskva, về các vấn đề quân sự nói chung. Mọi người đều cảm thấy rằng đây là một phiên họp hội đồng quân sự, tuy không ai nói rõ như vậy, và tuy họ được triệu tập đến đây cũng không phải để họp hội đồng quân sự.   Nhưng câu chuyện vẫn xoay quanh các vấn đề chung. Nếu có ai cho biết hay hỏi han những tin tức cá biệt, thì cũng chỉ nói thì thầm rất khẽ, rồi lại chuyển ngay sang các vấn đề chung chung; trong đám người đó không hề thấy có ai nói đùa hay cười cợt gì cả, dù chỉ là cười mỉm thôi cũng vậy. Rõ ràng là mọi người đều hết sức cố gắng có một thái độ xứng đáng với tình hình. Và trong khi nói chuyện với nhau, tất cả nhóm đều cố gắng nghe và thỉnh thoảng lại bảo nhắc lại một câu họ vừa nói, nhưng bản thân ông ta thì không góp chuyện và không phát biểu ý kiến gì cả.  Thường thường, sau khi nghe câu chuyện trao đổi trong một nhóm nào đấy ông ngoảnh mặt đi có vẻ thất vọng, dường như họ không nói đến những điều mà ông muốn biết. Nhóm thì bàn tán về địa thế đã chọn, phê phán chính cái địa thế đó thì ít, mà phê phán trí thông minh của những người đã chọn nó thì nhiều, một nhóm khác thì lại chứng minh rằng sai lầm là sai lầm từ trước kia; lẽ ra phải khai chiến cách đây ba hôm mới phải; một nhóm thứ ba thì bàn về trận đánh ở Xlanmanca mà một người Pháp mặc quân phục Tây Ban Nhan là Croxa vừa kể lại (cùng với một hoàng thân Đức phục vụ trong quân đội Nga, người Pháp này đang phân tích cuộc vây hãm thành Xaragossa có ý muốn đề nghị dùng chiến thuật ấy để phòng thủ Moskva). Trong nhóm thứ tư, bá tước Raxtopsin đang nói rằng ông ta sẵn sàng hy sinh tính mệnh dưới thành Moskva cùng với đội dân vệ, nhưng dù sao ông ta cũng không thể không phàn nàn rằng người ta đã không cho ông biết rõ tình hình, vì giá ông được biết từ trước, thì đâu đến nỗi như thế này. Nhóm thứ năm thì đang phô trương những tư tưởng chiến lược uyên thâm của mình, cho biết quân đội phải chuyển về hướng nào. Nhóm thứ sáu thì bàn toàn chuyện nhả. Gương mặt của Kutuzov mỗi lúc một thêm lo âu và phiền muộn. Qua tất cả những câu chuyện bàn tán qua lại ấy, Kutuzov chỉ thấy có một điều là không hề có một khả năng vật chất nào để phòng thủ Moskva, mà cái nghĩa trọn vẹn nhất của chữ này, nghĩa là đến cái mức mà giả sử có một vị tổng tư lệnh điên rồ nào ra lệnh xung trận, thì sẽ xảy ra một tình trạng hỗn loạn ghê gớm rốt cục trận đánh sẽ vẫn không diễn ra. Trận đánh sẽ không diễn ra bởi vì tất cả chỉ huy cao cấp không những đều cho rằng địa thế này không thể nào giữ được, mà trong khi nói chuyện họ lại chỉ bàn đến những việc sẽ xảy ra sau khi rút quân ra trận địa, trong khi chính họ cho rằng trận địa ấy không sao giữ nổi? Các sĩ quan chỉ huy cấp dưới, và ngay cả quân lính nữa (họ cũng biện luận), đều cho rằng vị trí này không thể giữ được, cho nên họ không thể chiến đấu trong khi đang tin chắc là sẽ thất bại. Nếu Benrigxen nằng nặc đòi giữ vị trí này và có những người còn bàn về chuyện ấy, thì vấn đề tự bản thân nó cũng chẳng còn có ý nghĩa nào nữa, mà chỉ là một cái cớ để gây gổ và kèn cựa nhau thôi.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
selene0802
Moderator
*
Bài viết: 2783


...áo xanh, nón tai bèo, mưa đầu mùa...


« Trả lời #529 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 10:25:15 pm »

Những điều đó Kutuzov hiểu cả.
     
Benrigxen, người đã chọn vị trí này, hăng hái phô trương lòng ái quốc Nga la tư của mình (mỗi lần nghe cái giọng ái quốc này Kutuzov không thể không cau mặt) và khăng khăng đòi giữ Moskva. Kutuzov thấy rõ như ban ngày cái thầm ý của Benrigxen nếu việc phòng thủ thất bại, thì sẽ đổ tội cho Kutuzov, là người đã đưa quân rút về đến tận dãy núi Vorobiov mà không mở một trận nào; nếu thắng lợi thì sẽ nhận công trạng về mình; còn nếu bị bác đi thì sẽ trút bỏ được trách nhiệm vể tội bỏ Moskva. Nhưng bấy giờ vị tướng già không bận tâm nghĩ đến những mánh khoé ấy. Ông còn mải nghĩ đến một vấn đề duy nhất và đáng sợ. Mà vấn đề đó thì ông chẳng nghe ai đưa ra một lời giải đáp nào cả. Bây giờ đối với ông chỉ có một vấn đề là: có phải chính ông ta đã để cho Napoléon tiến tận đến Moskva, và ta đã làm việc đó từ lúc nào? Việc đó được định đoạt từ lúc nào?
     
Phải chăng từ hôm qua, khi ta ra lệnh cho Plotov rút lui, hay là từ chối ngày hôm kia, khi ta ngủ gật và ra cho Benrigxen tuỳ tiện xử trí? Hay là từ trước nữa?. Nhưng cái việc khủng khiếp ấy định đoạt từ bao giờ, từ bao giờ? Thế nào cũng phải bỏ Moskva. Quân đội phải rút lui, ta phải ra lệnh rút lui". Ông có cảm tưởng là cái lệnh kinh khủng này cũng chẳng khác nào từ bỏ chức vụ chỉ huy quân đội. Thế nhưng, không những ông thích quyền hânh và đã quen với quyền hành (hồi ông phục vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, danh vọng của công tước Prozorovxki làm cho ông bực tức), ông lại còn tin tin chắc rằng mình là con người tiến định để cứu nước Nga. và chỉ vì vậy mà ông ta đã được cử làm tổng tư lệnh theo ý nguyện của nhân dân và trái với ý nguyện của Sa hoàng. Ông tin chắc rằng trong hoàn cảnh khó khăn này chỉ có một mình ông có thể cầm đầu quân đội, rằng trong thiên hạ chỉ có một mình ông có thể không run sợ khi phải đương đầu với tướng Napoléon bách chiến bách thắng kia; và ông thấy kinh hãi khi nghĩ đến cái lệnh mà ông buộc lòng phải ban ra. Nhưng phải quyết định một cái gì chứ, phải chấm dứt những cái chuyện bàn tán ở xung quanh đi: những câu chuyện đó đã bắt đầu quá tự do.
       
Ông gọi các vị tướng thâm niên nhất lại, nói:

- Trí óc của tôi, dù khôn dù dại, cũng chỉ biết mong chờ vào mình nữa mà thôi!

Ông vừa nói vừa đứng dậy ra xe đi về Fili.
Logged

...thành phố đang nhớ nhung một dáng hình ai...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM