Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 10:23:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91508 lần)
0 Thành viên và 5 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2013, 04:37:38 pm »

Cả Triều Tiên là một vùng đất màu mỡ cho việc nổi dậy, bởi người Nhật. Khi sự chiếm đóng mở rộng, thuyết định mệnh bén rễ trong đa số trí thức trung lưu, còn phần lớn tầng lớp thượng lưu thì miễn cưỡng hòa hoãn với người Nhật và tiếp tục làm giàu nhờ sự cộng tác đó. Một số lớn trong đó lại nổi lên thời hậu chiến như là những nhân vật có ảnh hưởng ở Nam Hàn. Trong khi hầu hết người dân Triều Tiên có nguồn gốc nông dân, họ ghét người Nhật và không có lý do kinh tế để thỏa hiệp, bị lôi kéo về phía cực tả. Bằng sự nô dịch đầy khắc nghiệt, người Nhật khiến họ cảm thấy xa lánh. Trong mắt người Nhật, người Triều Tiên thuộc chủng tộc thấp kém hơn, và phàm những ai ở đẳng cấp thấp cũng dễ dàng bị chinh phục.

Bởi lý tưởng đế quốc và vì sự lớn mạnh  của đất nước, người Nhật phải hủy diệt vết tích độc lập của Triều Tiên. Cái họ muốn không gì khác là xóa mờ văn hóa Triều Tiên, bắt đầu từ ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính thức ở Triều Tiên được tuyên bố là tiếng Nhật; trong trường, bài giảng được thực hiện bằng tiếng Nhật. Sách giáo khoa tiếng Nhật được mang tên Văn tuyển quốc ngữ (Mother tongue reader). Người Triều Tiên lấy tên Nhật. Tiếng Hàn giờ thành một thứ tiếng địa phương, không gì hơn. Giống như các nước thực dân khác, thứ người Nhật muốn là sự giáo dục, dĩ nhiên, một khi cần có điều gì đó có giá trị với một dân tộc bị chinh phục, cần, nhưng phải có hạn chế. Chỉ làm những điều thông thường – lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo địa phương, những thứ dễ dàng đạt được – có ý nghĩa thực sự. Sự phân hóa do chế độ thực dân Nhật bản gây nên rất sâu sắc trong xã hội hơn xa những gì đa số người nước ngoài nghĩ tới. Đất nước không chỉ đơn thuần chia cắt ở vĩ tuyến 38, mà còn chia rẽ trong lòng dân tộc – nó tác động đến định hướng của người Triều Tiên dù ở phe nào trong thời điểm đau lòng đó. Nó gây ra những phân hóa trong nội bộ dân tộc, và các cánh đó xung đột nhau trong suốt chiến cuộc Triều Tiên. Đây không chỉ là một cuộc xâm lăng – vượt biên giới, miền Bắc chiếm miền Nam – mà còn là nhiều điều hơn thế nữa, trong đó có nỗi ám ảnh của thời kỳ thực dân vừa trôi qua, có sự đấu tranh chính trị dai dẳng hàng thập kỷ. Cả hai bên đều có lý lẽ của riêng mình, dù với phương thức và khẩu hiệu khác nhau, vẫn còn đó sau gần nửa thế kỷ. Cả hai bên đều có lý lẽ của riêng mình, dù với phương thức và khẩu hiệu khác nhau, vẫn còn đó sau gần nửa thế kỷ. Sự khắc nghiệt ghê gớm của luật lệ Nhật hiển nhiên đã khiến cho những người theo chủ nghĩa dân tộc khó tồn tại nổi trên mảnh đất khô cằn này. Do vậy, hầu hết những câu chuyện của Triều Tiên thời đó đều theo một sự thật là: – những người yêu nước ở lại tổ quốc trước sau gì cũng bị tha hóa bằng cách này hay cách khác của việc hợp tác với người Nhật; – còn những ai sống lưu vong thì cũng sẽ như thế; hoặc ít nhất là bị ảnh hưởng nặng, bởi việc cộng tác với các siêu cường: Nga, Trung, Mỹ – những nước đã cưu mang họ

Bởi đất nước bị chiếm đóng, bị đô hộ, nghèo đói và vô vọng đã đưa Lý Thừa Vãn vào hành trình lưu vong xin xỏ trên đất Mỹ, và cũng sản sinh ra Kim Nhật Thành nhưng theo một lối đi khác hẳng, ông này thì gia đình đã bị tác động của việc mất cân bằng kinh tế từ rất sớm. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã tham gia các hoạt động chính trị, và đã lưu vong từ tuổi vị thành niên, ông đã dùng cả thời trai trẻ để đấu tranh chống lại người Nhật. Ông thể hiện theo cách riêng mình cho một thời kỳ lịch sử cận đại của đất nước đầy đau thương và hận thù.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2013, 04:53:37 pm »

Ông chào đời với tên khai sinh là Kim Thành Trụ vào ngày 15 tháng tư năm 1912 ở làng Nam-ri, chỉ hai năm sau khi người Nhật bắt đầu thời kỳ thực dân ở Triều Tiên. Thử nghĩ với góc độ một đứa trẻ châu Âu hiện đại, lớn lên ở Hà Lan hoặc Pháp dưới sự chiếm đóng của phát xít nhưng trong cả ba mươi ba năm đầu đời, thì sẽ dễ hiểu hơn cho sự giận dữ và cứng rắn của ông. Quê nội của ông ở làng Vạn Cảnh Đài (Mangeyondai) nơi sau này được xem là quê nhà của ông. Kim Nhật Thành bảo rằng ông cố của ông là một trong những chỉ huy của cuộc tấn công vào thương thuyền có vũ trang mang tên Tướng Sherman của Mỹ, chiếc tàu này vốn nhỡ đi lạc lên quá xa trên sông Đại Đồng và rồi lại tiếp tục một sai lầm nữa là bị mắc cạn, thế là dân địa phương người Triều Tiên đã xông lên chiếm tàu và chém chết người ngoại quốc. Việc họ tộc nhà Kim Nhật Thành có thực sự tham gia vụ việc trên hay không là một câu hỏi, còn với ông, việc tô vẽ cho tự truyện của mình là việc được làm rất nghiêm túc.


Kim Nhật Thành năm 1926

Cha ông, Kim Hanh Tắc (Kim Hyong Jik), thuộc giai cấp nông dân, nhưng lưu ý là có học trung học – dù chưa tốt nghiệp. Ở tuổi mười lăm, ông Kim Hanh Tắc cưới con gái của một hiệu trưởng trường làng, sau đó ông làm giáo viên tiểu học, làm lương y và có lúc làm quản trang (gác nghĩa địa, nghĩa trang). Vợ ông, Kang Ban-sok, khi ấy mười bảy tuổi, lớn hơn ông ta hai tuổi. Bà cũng được học hành đàng hoàng. Phía gia đình bà có nhiều người làm giáo viên, làm mục sư Tin lành.  Đám cưới của hai người ít được phía vợ hoan nghênh bởi địa vị bên họ nhà trai (họ Kim) thấp kém hơn và chỉ có hai mẫu ruộng làm vốn. Khi Kim Nhật Thành ra đời, cha ông cũng chỉ mới mười bảy tuổi và vẫn phải sống cùng bố mẹ. Chính hội truyền giáo Tin lành đã kết nối hai bên gia đình nhà Kim, dù rằng trong lý lịch được “trong sạch hóa” sau này của mình, Kim Nhật Thành ghi là gia đình ông vô thần, và rằng cha ông đi nhà thờ chỉ bởi giáo hội Trưởng lão mở trường dòng cho học. “Nếu có tin vào một ai, thì hãy tin vào thánh thần Triều Tiên”, sau này Kim Nhật Thành bảo cha ông đã dặn như vậy. Chưa tính tới chuyện thật giả ở đây, thì rõ ràng có một sự thật là ở đa số các khu vực kém phát triển trên thế giới sự quyến rũ của hội truyền giáo nằm ở việc họ cung cấp cơ hội được học hành tốt hơn và cơ hội phát triển kinh tế. Một sự thật khác cũng không phải bàn cãi là gia đình Kim Nhật Thành có dính líu đến chính trị, bởi cha ông và hai người chú phải vào tù vì các hoạt động đòi độc lập. Năm 1919, khi Kim Nhật Thành lên bảy, gia đình ông, cũng như hàng ngàn người Triều Tiên có tinh thần dân tộc cao, cùng nhau di cư qua biên giới phía bắc vào vùng Mãn Châu để thoát khỏi những luật lệ của người Nhật. Họ ngụ tại thị trấn Giang Đạo (*), nơi có một cộng đồng lớn người Triều Tiên sống, và cậu bé Kim Nhật Thành đến trường người Hoa, học ngôn ngữ.


Kim Hanh Tắc

Khi ông lên mười một, cha gửi ông về lại Triều Tiên, để ông cảm nhận được quê hương và tiếng mẹ đẻ tốt hơn ngay cả khi thứ tiếng đó không được nói công khai. Ông sống với ông bà ngoại một thời gian trước khi quay lại Mãn Châu và ghi danh vào một học viện quân sự được lập bởi những người Triều Tiên yêu nước. Sau này ông nói rằng ông rất quyết liệt ở trường nên đã rời đó sau sáu tháng. Dù gì đi nữa thì ông cũng sớm chuyển đến Cát Lâm, nơi có rất nhiều người Triều Tiên lưu vong – và cũng như nhiều điệp viên siêu hạng người Nhật. Đây là thời điểm nảy nở các nhà cách mạng. Như Kim Nhật Thành sau này kể lại, ông và bạn bè luôn tranh luận với nhau nên làm việc nào trước: một cuộc cách mạng chấm dứt tình trạng kinh tế nặng nề, hay một cuộc cách mạng nhằm kết thúc sự chiếm đóng của người Nhật. Họ cũng tranh luận với nhau về việc cách mạng nên nổ ra trước tiên ở Triều Tiên hay nên chờ đến khi nước Nhật bị chính những lực lượng cộng sản nổi lên nắm quyền. Cũng như đa số người Triều Tiên cùng thế hệ, ông trở nên cấp tiến hơn, cực đoan hơn khi thời gian trôi đi và những tổn thương nặng nề do người Nhật gây ra càng thường xuyên hơn. Cha ông mất trong những năm tháng ấy, còn mẹ ông bắt đầu làm thợ may. Bản thân Kim Nhật Thành thì theo học ở một trường trung học của người Hoa, nơi ông gặp gỡ Shang Yue (**), một nhà giáo Đảng viên CS quan tâm tới ông và cho phép cậu trai trẻ dùng thư viện của mình (Shang sớm bị tử hình bởi tư tưởng cực đoan và trên thực tế trở thành một trong các sử gia hàng đầu của CS Trung Hoa)

(*) Nguyên văn là Jiandao

(**) Không rõ tên theo phiên âm Hán Việt, Trương Duệ Huh



Kim Nhật Thành năm 1927
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2013, 05:04:24 pm »

Lúc này Kim Nhật Thành đã ngả hẳn sang cánh tả, và trở thành một thành viên sáng lập trẻ tuổi của một hội thanh niên cộng sản. Mùa thu 1929, ở tuổi mười bảy, ông bị nhà cầm quyền Mãn Châu Lý bắt và tống giam. Theo nhà viết tiểu sử Bradley Martin, ông ta khá may mắn đã không bị giao cho người Nhật. Sáu tháng sau, Kim Nhật Thành được phóng thích, rồi năm sau ông gia nhập Đảng Cộng Sản – Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Người ta tin rằng đâu đó trong thời gian này ông lấy tên hoạt động là Kim Nhật Thành. Những người chỉ trích ông cho rằng ông cướp tên của một nhà ái quốc Triều Tiên nổi danh khác – một chiến sỹ du kích lừng lẫy; nhằm hưởng cái danh của một Robin Hood Triều Tiên. Bởi luận cứ này, những kẻ phỉ báng ông tin rằng thời kỳ hoạt động du kích của ông ở Mãn Châu là giả mạo. Đây không phải là vấn đề, dù rằng khi nắm quyền ông đã thổi phồng vai trò lãnh đạo du kích của mình, nhưng rõ ràng kể từ năm 1931, Kim Nhật Thành đã trở thành một kẻ thù nghiêm trọng của người Nhật, từ đó ông đã phải sống một cuộc sống gian khổ, đầy nguy hiểm của một lãnh đạo du kích trước họng súng quân Nhật.


Ở một đội du kích Triều Tiên

Như vậy, từ năm hai mươi tuổi ông đã cầm vũ khí đánh Nhật, và đến mùa xuân 1932 ông đã có một đội quân du kích riêng của mình. Ông và những người như ông là thành viên của một tổ chức mang tên nhóm Kapsan (Thất Sơn???) theo tên của dãy núi Kapsan của Mãn Châu, nơi ông và những người Cộng sản Triều tiên khác cư ngụ sau khi chạy thoát khỏi tổ quốc. Người Nhật, khi tham vọng chiếm vùng Đông Á đã thành công, liền mở rộng chế độ thực dân ủy trị lên vùng Mãn Châu và đặt cho nó một cái tên rặt Nhật Manchukuo. Đội du kích của Kim Nhật Thành là một trong nhiều nhóm chiến đấu chống Nhật, một số là người Triều, một số là người Hoa. Cuộc đấu tranh du kích chống Nhật kéo dài hơn một thập kỷ, một cuộc chiến mà phía du kích không mấy khi dành được chiến thắng. Bởi người Nhật có nhiều lính hơn, có vũ khí tốt hơn và có hậu cần cung cấp đạn dược không giới hạn – so với phía quân Triều Tiên gần như bị bao vây. Phía Nhật còn có khả năng đưa ra cho nông dân địa phương một lựa chọn đau khổ: quà thưởng hậu hĩ nếu cung cấp thông tin du kích – những người đôi khi là bạn, đồng hương với họ – hoặc nếu không hợp tác, là cái chết.


Kim Nhật Thành – 1932

Trong khoản từ năm 1934 đến 1940, phía Nhật đưa sang một lực lượng lớn hơn vào khu vực và sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn để thuyết phục dân địa phương. Cuối cùng họ cũng phá được quân du kích và dồn họ về vùng đất phía đông Liên Xô. Trong giai đoạn này, đội quân của Kim Nhật thành sáp nhập vào cái gọi là Liên quân Kháng Nhật Đông Bắc, tư lệnh là một tướng Trung Quốc: Yang Jingyu. Nhiệm vụ của quân du kích không phải là cố thắng quân Nhật mà quấy rầy chúng, làm cho mỗi chuyến đi đến Trung Quốc có thêm phần khó khăn. Hầu hết quân của Kim Nhật Thành là người Triều, nhưng rõ ràng là ông hành động theo sự đỡ đầu của cộng sản Trung Hoa.

Dĩ nhiên là tầm quan trọng của Kim Nhật Thành trong vai trò lãnh đạo du kích ở giai đoạn này không có gì bàn cãi. Chức vụ của ông to dần từ tiểu đoàn trưởng rồi sau đó lên sư đoàn trưởng, dù thực tế dưới quyền ông chưa bao giờ có quá 300 quân. Ông nổi tiếng lên. Phía cộng sản thì ngày càng đánh giá cao ông ở góc độ một lãnh tụ du kích trung kiên, đáng tin cậy và quan trọng; còn với người Nhật thì ông là một trong những thủ lãnh du kích cần truy nã gắt gao nhất trong thời kỳ đó; năm 1935, phía Nhật treo giá cho đầu ông; và ông tiếp tục ẩn tránh. Với thượng cấp, trước là người Hoa sau là người Nga, thì ông là một người cứng rắn, thực dụng, hoàn toàn đáng tin cậy. Trong đó ý cuối cùng rất quan trọng, dù rằng có ràng buộc ý thức hệ mạnh mẽ giữa ông và thượng cấp, nhưng vẫn còn có các quốc gia khác đáng lo, và như vậy sự hoài nghi là không tránh khỏi.

Khi tướng Yang Jingyu bị bắt và bị người Nhật giết vào năm 1940, lúc ấy Kim Nhật Thành trở thành người du kích bị tầm nã nhất trong vùng, giá treo cho đầu ông lúc cao nhất là 200,000 yen. Rồi quân Nhật ngày càng mạnh, mạnh hơn, quân du kích phải triệt thoái. Đâu đó trong giai đoạn này, có lẽ trong năm 1940, rốt cuộc Kim Nhật Thành bắt đầu làm việc dưới sự chỉ đạo và bảo hộ của người Nga. Năm 1942, ông gia nhập Hồng quân và được gửi đi huấn luyện tại một quân trường gần làng Voroshilov ở miền đông Liên Xô. Ông nhanh chóng trở thành chiến sỹ một tiểu đoàn bí mật của Hồng quân, thuộc lữ đoàn lính bắn tỉa độc lập đặc biệt số 88, nhiệm vụ chính là trinh sát các hoạt động của quân Nhật trên lãnh thổ Liên Xô (dù Liên Xô và Nhật khi ấy chưa tuyên chiến với nhau). Lúc đầu ông là một đại úy và sau này là một tiểu đoàn trưởng trong lữ đoàn kể trên. Bởi sự chuyên chính trong quân đội, nên ông ta hoàn toàn là một người lính Liên Xô và trên thực tế là một công dân Liên Xô. Cũng có chừng 200 người trong đơn vị ông là người gốc Triều Tiên, hầu hết lớn lên trong vòng tay người Nga. Tất cả đều được giác ngộ chính trị, bởi việc học chính trị cũng quan trọng với người Nga như các bài tập chiến thuật quân sự – hồng hơn chuyên. Thỉnh thoảng trong thời kỳ thế chiến II, hình như Kim Nhật Thành có đến Moscow. Phía Liên Xô xem tiểu đoàn của ông ta không phải là một đơn vị dùng để đối đầu với quân Nhật mà để dành cho các vai trò có ích khác một khi chiến tranh sắp kết thúc và lực lượng Liên Xô sẽ đông tiến.


Tướng Yang Jingyu


Một nhân vật khác trong đội du kích kháng Nhật, nhìn rất quen !!!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2013, 05:09:35 pm »

Như mọi người Triều Tiên cùng thế hệ, Kim Nhật Thành hiểu rằng để giải phóng đất nước khỏi người Nhật, không thể thiếu được trợ giúp từ bên ngoài. Với ông – hiện đang khoác trên người bộ quân phục sỹ quan Liên Xô – thì Nga là một nhà tài trợ lớn cho Trung Quốc, mà người Hoa thì đã nhúng tay vào lịch sử Triều Tiên nhiều hơn Nga, và Moscow thì xa hơn Bắc Kinh. Bên cạnh đó, từ năm 1944, Nga đã nắm chắc chiến thắng và thành một thế lực chính thời hậu chiến, trong khi cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông vẫn còn giới hạn trong khu vực nghèo khổ miền tây bắc Trung Hoa. Hơn nữa, mô hình Liên Xô hình như có sức hấp dẫn đặc biệt với các vị sắp-làm-lãnh-tụ cộng sản ở các nước kém phát triển, bởi người Nga đã thực sự triển khai, đã hoàn thành cuộc cách mạng, đã chiến thắng kẻ thù và còn xoay sở để hiện đại hóa một quốc gia lạc hậu. Vì vậy nên Kim Nhật Thành trở thành một dạng thức mới mẻ, một người yêu nước Triều Tiên và đồng thời cũng là một người trung thành, tận tụy với học thuyết Sô viết. Những người khác có thể thấy tương phản giữa việc là một người theo chủ nghĩa dân tộc với một người theo chủ nghĩa độc đoán Sô viết, nhưng Kim Nhật Thành thì không. Ngay từ đầu cả hai thứ với ông là như nhau: những gì tốt cho Liên Xô thì cũng tốt cho ông – và cho đất-nước-Triều-Tiên-của-ông.

Kết thúc nhanh chóng của cuộc chiến làm hầu hết mọi người ngạc nhiên, cả người Nga lẫn người Mỹ. Triều Tiên ngay lập tức bị chia đôi theo vĩ tuyến 38. Hồng quân tiến vào – không phải do lữ đoàn đặc biệt 88 dẫn đầu – chiếm lấy danh tiếng giải phóng cho người Nga chứ không phải cho người Triều Tiên. Cánh quân người Triều Tiên thuộc Hồng quân chỉ được phép vào sau đó vài tuần. Ngay từ đầu, Kim Nhật Thành cơ bản là phải phụ thuộc. Ông không có tư cách để làm lãnh đạo hơn người Nga, đó là cách Stalin muốn triển khai trong thế giới cộng sản, Stalin hiểu rằng một người được lên thông qua các cuộc bầu cử chính trị thật sự sẽ trở nên khó điều khiển và họ sẽ suy nghĩ theo cách thực sự độc lập. Tốt nhất là tìm một ai đó phù hợp với yêu cầu, rồi thông báo rằng đó chính là một anh hùng, dựng lên một huyền thoại, nếu cần là tiểu sử giả và rồi đưa người đó lên nắm quyền.

Đó chính là cách họ làm với Kim Nhật Thành. Ông ta không cần phải có uy tín, và ông chắc chắn là không. Đảng không cần những người có uy tín ở các nước phụ dung. Josip Bros Tito của Nam Tư và Mao Trạch Đông – hai người này Stalin không tin cậy bởi những thành tích đáng phục của họ – rốt cuộc cũng cho thấy nguy hiểm thế nào với những người là tượng đài quyền lực ở các nước đó. Không có vấn đề gì về ý thức hệ với Kim Nhật Thành: họ đã nhào nặn ông trong nhiều năm, ông cũng đã vượt qua hàng lô các loại bài kiểm tra bí mật, và ông thực sự là một tín đồ. Những gì Liên Xô nói về phương Tây, về chủ nghĩa tư bản, về Triều Tiên đều khớp với nhau, và Kim Nhật Thành cũng nhận ra được từ kinh nghiệm cá nhân. Nhiều năm sau này, sau khi Stalin chết khá lâu, sau những phe phái khác nhau nối tiếp chia rẽ thế giới CS, Kim Nhật Thành vẫn là người theo chủ nghĩa Stalin vĩ đại đến cùng: cứng rắn, giáo điều, không nhân nhượng, ông tin vào tất cả những sự thật xưa cũ cho dù đa số trong đó đã cho thấy là sai. Ít nhất ở Triều Tiên, chúng cũng không phải là những lời dối trá, bởi Kim Nhật Thành, với quyền lực của một nhà độc tài, đã làm chúng thành đúng. Sau rốt, ông cố để tạo lập nên một xã hội bị quản lý chặt chẽ nhất, lâu bền và hà khắc nhất – một xã hội Stalinist thật sự nhất trên toàn thế giới. Nếu Joseph Stalin được sinh ra ở Triều Tiên và nắm quyền trong cùng thời kỳ, thì ông cũng sẽ điều hành chính xác như những gì Kim Nhật Thành đã làm, sẽ sống như Kim đã sống cho đến tận khi cái chết làm nốt phần việc của mình.

Bắc Triều Tiên chắn chắn trở thành một thiên đường cho người viết tiểu sử các vị thánh, và Kim Nhật Thành là một truyền thuyết thời hiện đại ở đó. Hẳn sẽ không có lời nịnh hót quá trơ tráo nào được dùng để miêu tả sự nghiệp anh hùng của Người trong thời chiến tranh, không có một trở ngại nào mà Người không thể vượt qua dù chỉ một thân một mình, không tiểu đoàn quân Nhật nào mà Người không hủy diệt, không một chiến binh du kích nào khác có chiến tích xứng đáng được kể lại chi tiết, và mặt trời không thể mọc trên đất nước này nếu không có sự hỗ trợ của Người!!!. Ở Bắc Triều Tiên, có một cuộc cách mạng, nhưng đó là cuộc cách mạng bị áp đặt cho nhân dân. Không giống như ở Trung Hoa (và ngay sau đó là Đông Dương), quyền lực đất nước Triều Tiên chuyển vào tay CS không phải từ một ý tưởng cách mạng được thi hành khéo léo, khắc khổ để chống lại chủ nghĩa thực dân cũ và mới trong một cuộc đấu tranh trường trì gian khó vốn cần phải có dự hỗ trợ to lớn từ người dân. Thay vào đó, nó đến từ quyền lực thô bạo của HỒng quân, và mọi quyết định được quyết ở Moscow, Kim Nhật Thành chỉ là vừa đúng phù hợp với yêu cầu của người bảo trợ. Ông trẻ, dũng cảm; và thấm nhuần tư tưởng. Ông không có kẻ bảo trợ nào khác; nói thẳng tưng là ông nợ họ nhiều thứ. Đặc biệt là ông không có nhiều quá khứ chính trị – không có gì để tháo gỡ và cũng không có lực lượng nào của riêng mình. Có vẻ như ông được nhào nặn từ đầu và sẽ thành bất cứ gì mà Liên Xô muốn. Rốt cuộc kiểu người mà ông trở thành là gần như duy nhất trên toàn cầu, nó phản ánh thời trai trẻ khắc nghiệt của một người Triều Tiên, phản ánh chế độ thực dân tàn ác của Nhật, phản ánh sự cô lập và tính đa nghi làm khổ sở phần lớn người Triều Tiên cùng thế hệ: một người yêu nước nhưng bài ngoại, theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, và cũng là người mà ở thời điểm ông chết, đã không còn quan hệ với gần như tất cả lãnh đạo các nước khác trên toàn thế giới, để cả những nước thuộc thế giới CS.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2013, 05:13:49 pm »

Những nhân vật khác có khả năng làm ứng cứ viên cho vị trí lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ít nhất là không thích hợp với phương pháp điều hành kiểu Stalin, đều bị tự động loại trừ do việc quá độc lập của họ. Vài người Triều Tiên chiến đấu trong quân đội của Mao Trạch Đông một thời gian dài, bất kể có thành tích gì trong thời chiến, cũng bị cho là có vết do họ quá gần gũi với Trung Quốc. Những người khác thì bị nhận định là có ý tưởng và mơ ước quá khác với các nhân vật trong điện Cẩm Linh. Hyon Chun Hyok, một thành viên nổi bật của Đảng CS Triều Tiên, nhanh chóng bị phán là quá độc lập và bị ám sát bí mật vào cuối tháng 9 năm 1945. Ông ở trong xe, cạnh Cho Man Sik, ông này cũng nổi tiếng, khi bị kẻ ám sát bắn. Rõ ràng là một chính trị gia Triều Tiên bị loại khỏi cuộc chơi và một người khác thì bị cảnh cáo. Cuộc ám sát xảy ra hầu như cùng thời điểm Kim Nhật Thành xuất hiện lần đầu ở Bình Nhưỡng, trong quân phục của một thiếu tá Liên Xô.

Kim Nhật Thành có thể là người của họ (Liên Xô), nhưng ông là một chính trị gia không hoàn chỉnh, và ông sẽ gây thất vọng cho người Triều Tiên vốn mong mỏi có một ai đó có năng lực tốt lãnh đạo họ, và không muốn một thế lực ngoại bang nào – cho dù thế lực đó lúc đầu đã được hoan nghênh khi vào giải giáp quân Nhật -  đặt một nhà lãnh đạo lên họ. Người Nga hình như đưa Kim Nhật Thành ra công khai lần đầu là trong một buổi tiệc tối nhỏ tổ chức ở một khách sạn Bình Nhưỡng vào đầu tháng Mười 1945. Một viên tướng Nga đã nói với mọi người rằng Kim Nhật Thành là một nhà ái quốc Triều Tiên vĩ đại, rằng ông này đã dũng cảm chiến đấu với quân Nhật. Trong số những người tham dự, có Cho Man Sik, một người nổi tiếng hơn nhiều, một nhà đấu tranh bất bạo động, được biết như là Gandhi của Triều Tiên. Biết tình hình hiểm nghèo của mình, nhà đấu tranh này đã đi những bước chính trị hết sức khéo léo, bởi một lần nữa người Triều tiên không nắm được quyền điều khiển. Ông xuất hiện ở bữa tiệc nhằm cho thấy sự thích nghi với người Nga. Và một phần công việc là phải chào mừng Kim Nhật Thành. Dù Cho Man Sik là một người rất được người dân ủng hộ, nhưng trong mắt người Nga, ông có quá nhiều quá khứ và không được tin cậy về mặt ý thức hệ. Người Nga xếp ông vào nhóm tư bản yêu nước và đó không phải là một phân loại được chuộng. MỘt nhà tư bản yêu nước thì sẽ không hiểu hết những quyết định quan trọng được ra từ Moscow!!! Nếu ông đóng vai trò một cách đúng đắn và hoàn toàn phụ thuộc thì Cho Man Sik có thể sẽ có giá trị ở góc độ một nhà lãnh đạo bù nhìn, nơi giữ quyền lực thực sự đã cẩn thận phân tích như vậy. Nhưng là một nhà chính trị độc lập, ông không có cơ hội. Tướng Terenti Shtykov – người của Stalin tại chỗ, một Sa hoàng của Triều Tiên như ở Bình Nhưỡng hiểu – nghĩ rằng Cho Man Sik quá chống Liên XÔ và chống Stalin, và đã báo cáo như vậy về Moscow.

Bữa tiệc tối đầu tháng Mười đó không mấy thành công. Những nhà chính trị người Triều Tiên khác có mặt ở đó không ấn tượng gì với một Kim Nhật Thành trẻ tuổi và thiếu thanh nhã. Một phiên giới thiệu chính thức, quan trọng hơn, rộng rãi hơn, đến vào giữa tháng Mười  tại một cuộc mít tinh đông người ở thủ đô miền Bắc, ngày hôm ấy đã cho thấy sự thất vọng của đông đảo quần chúng mong chờ một nhân vật Triều Tiên yêu nước quan trọng ra mắt. Hình như người dân mong được nghe, được thấy một nhà lãnh đạo đáng trọng, người đã phục vụ cho đại nghĩa của họ trong nhiều năm qua, và là người sẽ phản ánh khát vọng của họ về một tổ quốc giờ được công bố chính thức là đã tự do khỏi ách đô hộ nước ngoài. Nhưng đây chỉ là một màn trình diễn của người Nga. Kim Nhật Thành đã phát biểu thẳng tưng, bằng một giọng đều đều, những từ do người Nga viết ra, và thứ đám đông nghe thấy là một chính trị gia trẻ măng, không mấy hoạt ngôn với một “giọng đều đều như vịt đực”. Một nhân chứng đã nói rằng bộ vét của Kim Nhật Thành quá chật và ông ta hớt tóc quá cao như “một bồi bàn người Hoa”. Nhưng thứ thật sự làm buồn lòng đa số quần chúng là sự nịnh hót của ông ta với Liên Xô và Stalin. Tất cả chỉ để tán dương Hồng Quân huyền thoại. Quần chúng ở đó rõ ràng mong chờ những câu về nước Triều Tiên tự do, nhưng những thứ Kim Nhật Thành nói cho thấy một dạng tuân phục chính trị mới, những từ ngữ Triều Tiên theo nhu cầu của người Nga, quá nhiều “những thứ tái diễn đều đều vốn đã chia rẽ nhân dân”. Có hai tấm ảnh rất khác nhau, mỗi cái đều nói lên sự thật theo cách riêng về sự kiện trên. Tấm thứ nhất, Kim trông trẻ và đầy lo âu, hai bên có ít nhất ba viên tướng Nga cao cấp; tấm thứ hai – bảng chỉnh sửa được làm sau này lúc Kim Nhật Thành “cải tiến” câu chuyện huyền thoại về mình theo hướng độc lập, tự chủ hơn, trong tấm thứ hai ông vẫn trên bục, với góc máy chỉ khác tý ty, nhưng ba viên tướng Nga biến mất một cách bí ẩn. Thời gian của Cho Man Sik giờ chỉ còn tính bằng ngày. Đầu năm 1946, ông bất đồng với người Nga về một số điều quan trọng với tư cách một người Triều Tiên yêu nước, và như vậy, trong mắt họ, ông trở thành một kẻ phản động hạng nặng. Tướng Shtylov đã cố gắng và đã được Stalin cho phép thanh trừng ông ta. Nên ngay sau đó, ông (Cho Man Sik) bị giam tại một khách sạn ở Bình Nhưỡng. Không ai được phép gặp ông. Và trên thực tế không ai còn thấy được ông lần nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2013, 05:18:37 pm »

Rốt cuộc thì Kim Nhật Thành cũng nắm được quyền lực ở nửa nước, nhưng còn lâu ông mới là một nhân vật có hạng trên trường quốc tế, ngay cả khi chỉ tính trong thế giới cộng sản. Ông thiếu tính hợp pháp rộng lớn như Mao Trạch Đông, người đã vươn lên nắm quyền lực mà không cần nhiều giúp đỡ từ Liên Xô, hoặc như so với Hồ Chí Minh, lãnh tụ Cộng sản Đông Dương, người đã lãnh đạo cuộc chiến chống thực dân Pháp, là hiện thân của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Thay vào đó, sau gần một thập kỷ độc lập của Triều Tiên, Kim Nhật Thành – như Bradley Martin đã viết – “đóng vai một cộng sự trung thành với các cố vấn Nga, xu nịnh và thực hiện các chỉ thị của họ, họ thưởng ông bằng cách gia tăng quyền lực và quyền tự quản”. Kim Nhật Thành nhanh chóng hiểu và dùng quyền lực của một quốc gia toàn trị hiện đại, cùng với chế độ cảnh sát và nỗi sợ hãi. Như Stalin, ông biết cách chia để trị, cách tiêu diệt đối thủ và ông cũng hiểu sự thật lớn nhất của Stalin: không ai dù trông trung thành thế nào đi nữa được tin cậy hoàn toàn.

Kim Nhật Thanh nhanh chóng hiểu ra, như Stalin và Mao Trạch Đông đã làm trước ông, cần thiết có sự sùng bái cá nhân trên toàn quốc, gần như một dạng kính Chúa, và ngay sau đó ông đã cạnh tranh được với hai nhân vật kể trên trong lãnh vực này. Đầu tiên là tiểu sử, xuất bản năm 1948, đã nâng tầm ông lên đứng trên toàn bộ những lãnh tụ du kích Triều Tiên chống Nhật. Ông là “Anh hùng yêu nước vĩ đại nhất của đất nước ta, mặt trời hi vọng của nhân dân ta”. Tiểu sử còn nói thêm rằng đế quốc Nhật Bản “căm ghét tướng quân Kim Nhật Thành nhất trong toàn bộ ba mươi triệu người Triều”. Không đầy một năm kể từ khi ông trở về Triều Tiên, bài thơ “Tướng quân Kim Ca” đã xuất bản có đoạn: “Gió tuyết Mãn Châu

Đêm sâu rừng rậm

Ai du kích trường kỳ

Ai yêu nước vô song

Ai một lòng vị quốc ?

Mặt trời vĩ đại tân Triều Tiên
»

Đầu năm 1950, ông đã thu tóm tất cả các loại quyền lực một cách có hệ thống. Lúc này trong tâm trí ông, vấn đề lớn nhất là việc chỉ điều khiển có nửa nước. Trên tất cả, ông nóng lòng bung cái quân đội mạnh mẽ được trang bị vũ khí Liên Xô, được Liên Xô huấn luyện và kỷ luật cao để xâm lược, mà theo ý ông là giải phóng, miền Nam, nơi có hàng trăm ngàn người đang chờ đợi. Ông muốn hai miền Triều Tiên thành một. Khi quân miền Bắc tiến xuống trong ngày 25 tháng Sáu, những thắng lợi ban đầu dường như khẳng định lời tiên đoán của ông. Bởi họ đã khởi đầu rất tốt, nên Kim Nhật Thành và đồng sự tiếp tục đối đãi với đại diện của CS Trung Hoa không mấy tôn trọng, gần như là khinh rẻ. Ngày 5 tháng Bảy, Stalin đề nghị Trung Quốc nên gửi 9 sư đoàn đến bờ sông Áp Lục phía Tàu để phòng khi hữu sự. Phía Trung Quốc cũng nghĩ tương tự, họ gần như không được tự tin như Kim Nhật Thành khi nghĩ về hành động của phía Mỹ. Thực tế là vài ngày trước, Chu Ân Lai đã chỉ định Zhai Junwu – một người ông tin cậy nhất – sang Bình Nhưỡng để tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Ông Zhai đến nơi vào ngày 10 tháng Bảy và gặp ngay Kim Nhật Thành và Kim nói rằng : « Nếu đồng chí cần gì thì cứ tìm tôi bất kể lúc nào ». Rồi ông ủy quyền một trong các quan chức của mình báo cáo tình hình ngắn gọn hằng ngày cho Zhai, với cách này thì Bắc Triều Tiên loại Zhai ra khỏi mạch chiến cuộc. Bởi những bảng tin này hoàn toàn vô dụng, thứ mà người ta có thể có được từ các hãng tin ngoại quốc tại chỗ. Một bộ phận lãnh đạo Trung Hoa yêu cầu gửi một nhóm sỹ quan cao cấp qua để nghiên cứu tình hình mặt trận cũng bị từ chối. Kim Nhật Thành chắc ăn là không cần người Hoa giúp. Mọi thứ đã tiến triển tốt

(Hết chương 4)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2013, 05:21:22 pm »

Chương 5

Quân Nam Hàn hầu như không được huấn luyện cũng như sẵn sàng chiến đấu. Một ngày nào đó Nam Hàn sẽ là một xã hội năng động, mạnh mẽ hơn nhiều, nhưng trong những năm đầu tiên, đó là một quốc gia tổ chức kém, lộn xộn và quân đội phản ánh đúng tình hình của chính phủ. Các sỹ quan cấp cao thì tham nhũng. Binh sỹ Nam Hàn (ROK) thì thiếu cơ động và trang bị chủ yếu bằng vũ khí cũ, thải ra từ thế chiến II. Họ có rất ít pháo binh, gần như không có thiết giáp, và cũng không có chiến đấu cơ, bởi Washington sợ rằng một khi Lý Thừa Vãn có được những vũ khí trong danh sách mong ước, ông ta sẽ Bắc tiến ngay ngày hôm sau. Những điều này phản ánh sự rất không thoải mái tồn tại giữa Lý Thừa Vãn – một tay nóng nảy, cà khịa và độc lập trong khi là bù nhìn hoàn toàn phụ thuộc – với những người tự cho mình là người bảo trợ của ông ta. Chống Cộng gần như bệnh hoạn, Lý Thừa Vãn muốn đánh nhau với miền Bắc hơn mọi thứ trên đời (hoặc, có lẽ tốt hơn đứng yên, là chọc nước Mỹ giàu, mạnh hơn chiến đấu cho ông ta). Mục đích của ông cũng giống như Kim Nhật Thành nhưng đảo ngược : một nước Triều Tiên không CS, thống nhất, độc lập do ông ta đứng đầu. Đây là một phiên bản khác của bài học lặp đi lặp lại đầy khổ ải mà nước Mỹ được học ở Á Châu, trong đó bài đầu tiên là với Tưởng Giới Thạch : một nhà lãnh đạo châu Á được người Mỹ giúp lấy vị trí trong thời kỳ hậu thực dân mới, nhưng khi ông càng phụ thuộc Mỹ thì mối quan hệ càng khó khăn như trên, bởi khi càng phụ thuộc ông ta càng khát khao triển khai những hành động thể hiện sự tự chủ của mình và không bằng lòng với những thứ được cho là phía Mỹ điều khiển.

Thứ bậc tôn ti và tính độc đoán của bộ đội miền Bắc phản ánh hình ảnh của Bắc Triều Tiên ở năm 1950, còn lính Nam Hàn là bóng dáng của một quốc gia đầy lộn xộn mà họ đại diện – một xã hội nửa phong kiến, nô dịch vẫn còn phải đấu tranh với tàn dư thực dân phong kiến của quá khứ, rất lúng túng, chậm chạp và dường như còn kém hơn cả lúc xưa, dưới sự lãnh đạo độc tài, thiếu kiên định của một người tự tin rằng mình rất dân chủ. Tiến trình hiện đại hóa Triều Tiên đang đến, lúc đầu nó diễn ra rất chậm ở miền Nam, trong khi miền Bắc nhanh hơn nhưng đó là một kiểu hiện đại hóa vô hồn, giả dối, đặt gánh nặng lên vai nhân dân từ trên xuống, một nhà nước chính trị, kinh tế và bộ máy an ninh kiểu Sô viết. Ở miền Nam, đó là một tiến trình vô vàng khó khăn đầy rắc rối. Thực tế là chính cuộc xâm lăng đã giúp cho miền Nam tìm ra được cả phương thức phát triển lẫn mục đích của mình. Năm mươi năm sau, miền Nam đã có một xã hội đáng ngưỡng mộ, đầy năng động, công nghệ cao và dân chủ hơn, trong khi miền Bắc vẫn chìm trong khô cằn, độc tài kiểu Sô viết, đáng ngạc nhiên là giống hệt như thứ đã tồn tại từ trước khi chiến cuộc xảy ra.

Hồi tháng 6 năm 1950, ở Miền Nam thì đó là một quân đội hạng bét nhất chiến đấu bảo vệ cho một thứ quốc gia cũng có hạng không kém, một quốc gia chưa thật sự tồn tại. Lính Nam Hàn là những cậu bé dốt nát, thô kệch thường bị lôi một cách không tự nguyện khỏi đường phố và ruộng vườn và tống vào lính. Đa số bước vào chiến đấu mà hầu như chưa qua huấn luyện. Mức đào ngũ trong năm chiến tranh đầu tiên thật choáng váng – khi một trận đánh nổ ra, thì lập tức có một lượng lớn lính Nam Hàn tự nhiên biến mất, có lẽ bị giết hoặc bị thất lạc nhưng rồi vài tuần hoặc vài tháng sau lại tái suất, thường là không còn vũ khí trong tay. Cấp sỹ quan thì cũng có vài người trẻ dũng cảm đáng lưu ý, nhưng cũng – như Clay Blair viết – « là nơi trú ẩn cho quá nhiều kẻ cơ hội tham nhũng, những kẻ đã dùng quyền lực để phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Trong đám này, mua chuộc, hối lộ, chơi xấu nhau, đánh lén v.v… là chuyện thường ngày ở huyện ». Để thành một quân đội hiện đại, quân Nam Hàn cũng như quốc gia này, còn phải trải qua một chặng đường dài kể từ tháng 6 ấy.

Nhưng vào tháng 6 năm 1950 thì không nhân vật hữu trách nào của quân đội Nam Hàn nói về sự khốn nạn ấy. Rất tương phản. Đáng ngạc nhiên là mức độ tự dối mình về chất lượng của đội quân này cũng rất cao trong nhóm cố vấn Mỹ và các viên chức cao cấp trong Phái bộ Cố vấn quân sự Triều Tiên (Phái bộ cố vấn này có tên viết tắt chính thức là KMAG – Korean Military Advisory Group – nhưng với các đơn vị chiến đấu Hoa Kỳ, những người cùng sát cánh chiến đấu với lính Nam Hàn, đã nhạo báng nói trại ra thành Kiss My Ass Goodbye). Một thập kỷ sau, sự tự dối đó cũng lặp lại tương tự nhưng sốc hơn ở Việt Nam – bởi các sỹ quan cao cấp Mỹ khi đó đã có kiến thức tốt hơn, công khai tuyên bố cái quân đội bản xứ ấy là hạng nhứt châu Á. Cả ở Triều và Việt, người Mỹ đều sợ trong rất nhiều trường hợp, một khi họ nói lên sự thật – rằng họ là cố vấn cho cái quân đội thiếu huấn luyện và khả năng chiến đấu cực kỳ mơ hồ – thì họ sẽ không được thăng tiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2013, 05:31:56 pm »

Tướng William Lynn Roberts, người vừa kết thúc nhiệm kỳ công tác ở vị trí trưởng phái bộ KMAG chỉ vài tuần trước cuộc chiến, là một ngoại lệ hiếm hoi, ông đã viết một lá thư dài tới 2300 chữ cho thượng cấp, trung tướng Charles Bolte trong bộ Tổng Tham mưu Liên Quân, vào tháng 3 năm 1949, trong đó mô tả chính xác tình hình u ám của quân đội Nam Hàn hiện hữu. Nhưng lúc đó Hoa Kỳ đang rút các đơn vị chiến đấu của mình ra khỏi Triều Tiên bởi các lý do ngân sách, nên cáo bạch công khai lại rất khác rằng : quân Nam Hàn đã qua khỏi thời kỳ khó khăn và binh sỹ được trang bị tốt hơn bộ đội Bắc Triều Tiên. Chính Bolte đã phát biểu như vậy trong phiên điều trần trước tiểu ban hạ viện trong tháng 6 năm 1949. Ông còn thêm rằng đây là thời điểm để xúc tiến việc rút quân Mỹ ra khỏi đó an toàn. Gần như không ai có liên quan đến việc huấn luyện quân Nam Hàn tin vậy.  Trong những tuần trước khi hồi hương, tháng 6 năm 1950, tới lượt chính tướng Roberts cũng đã nhắm mắt cúi đầu vì một vị trí mới trong lầu Năm góc, nên ông bắt đầu chiến dịch quảng cáo rằng quân đội Nam Hàn rất thiện chiến. Các thuộc cấp của ông ở phái bộ KMAG đều biết, rất đáng buồn, điều đó không đúng sự thật. Một báo cáo của KMAG gửi về lầu Năm góc ngày 15 tháng 6 năm 1950, mười ngày trước cuộc chiến, đã chỉ ra rằng quân Nam Hàn đang trong tình trạng khá khó khăn. Hầu hết cơ giới và phần lớn vũ khí và bất khả dụng. Họ chỉ có thể tự vệ tối đa trong mười lăm ngày. « Hàn Quốc bị đe dọa sẽ có một thảm kịch tương tự như ở Trung Quốc », bảng báo cáo kết luận. Tình hình tồi tệ tới mức nào, đó không hẳn là một bí mật trong giới quân sự nên thiếu tướng Frank Keating, người được lầu Năm góc bổ nhiệm thay tướng Roberts đến đó để chờ về hưu chứ không phải để tìm kiếm một cơ hội thăng tiến.

Tướng Roberts đặc biệt lo ngại trước việc không quân Bắc Triều Tiên có hơn một trăm phi cơ Nga. Nhưng đáng ngạc nhiên, với tư cách một cựu tư lệnh xe tăng, ông không lo chút gì về các lực lượng xe tăng địch cũng có nhiều không kém, ông lập luận rằng xe tăng không quan trọng ở một quốc gia quá rõ là không thích hợp với một trận chiến xe tăng. Ông đúng, đó là một quốc gia không thích hợp cho xe tăng – và các nhà chế tạo xe tăng cũng như các chuyên gia đánh tăng, sau cuộc chiến, đã không dám khẳng định như vậy ở bất kỳ nơi nào khác. Bởi ngay lập tức thực tế đã chứng minh ông ta sai, xe tăng Bắc Triều Tiên, chứ không phải không quân, chính là vũ khí quyết định trong các tuần chiến đấu đầu tiên, đặc biệt khi đánh nhau với một lực lượng không có xe tăng và được trang bị súng không giật lỗi thời, yếu ớt. Với bộ binh thông thường, bất kể được huấn luyện tốt tới đâu, thì không gì đáng sợ hơn việc đối đầu với xe tăng mà không có thứ tương tự bên phe mình hoặc vũ khí chống tăng thích hợp. Trong hoàn cảnh đó, không phải chính xe tăng mà chỉ cần những câu rằng xe tăng địch tới đã gieo rắc sợ hãi trong các đơn vị Nam Hàn ở những tuần khủng hoảng ban đầu ấy. « Với một sỹ quan xe tăng đầy kinh nghiệm như Roberts,  người biết rõ sự kinh hoàng mà xe tăng Đức đã gây ra với bộ binh không xe tăng trong trận Bulge, thì việc không quan tâm đến lực lượng xe tăng quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên là không thể giải thích nổi ». Clay Blair viết.


T-34 của bộ đội Triều Tiên

Lúc đó T-34 không còn là xe tăng hiện đại nhất trong quân đội Nga, bởi họ đã thay bằng IS-3, nhưng dù sao đó cũng là những cổ máy đáng sợ, và Bắc Triều Tiên có tới 150 chiếc. Trong vài tuần đầu tiên, T-34 có khả năng kết thúc bất kỳ trận đánh nào mỗi khi xuất hiện. Chừng mười năm trước, tăng T-34 đóng vai trò chính trong việc phòng vệ Moscow trước quân phát xít. Tướng Heinz Guderian, tư lệnh các sư đoàn tăng Đức, người đã dễ dàng băng qua Ba Lan vào năm 1939, gọi chúng là « xe tăng tốt nhất trên thế giới ». Khi xuất hiện lần đầu trên chiến trường Nga trong năm 1942(*), phía Nga rốt cuộc cũng bắt đầu cân bằng được với Đức. Xe nầy có thiết kế mặt cắt nghiên thấp tác động làm trệch hướng đạn pháo địch, xe bền và chạy rất nhanh, tốc độ tối đa đến 32 dặm/giờ (khoản 52km/h). T-34 cũng có trục xe rộng bất thường để giữ nó khỏi sa lầy trên tuyết và bùn, đồng thời cũng có thùng xăng lớn chứa tới 100 ga-lông, cho phép nó chạy xa đến 150 dặm mà không cần tiếp liệu. Xe nặng ba mươi hai tấn, với một khẩu pháo 85 ly, hai khẩu súng máy 7,62 ly cùng vỏ thép dày. Đối diện với T-34, phía Nam Hàn và Mỹ chỉ có những dàn rocket 2.36 inch vốn không mấy tốt từ hồi thế chiến II. Chuẩn tướng Jim Gavin cho rằng những dàn rocket đơn giản hồi đó của Đức còn tốt hơn. Và giờ, năm năm sau, những quả đạn không giật 2.36 inch ấy không làm trầy nổi da của những chiếc T-34 Bắc Triều Tiên, ngoài ra đôi khi lại không nổ. Không nghi ngờ gì, trong những ngày đầu, T-34 đã đánh gãy mọi kháng cự phía Nam Hàn. May sao Mỹ cũng đã chế tạo được loại rocket hữu năng hơn, loại 3,5 inch. Đạn của loại này  được đưa vào sản xuất hồi ngày 10 tháng 6 năm 1950. Đến 12 tháng 7, những khẩu không giật mới này cùng những nhà chuyên môn đã đến huấn luyện các lực lượng sẽ triển khai đến Triều Tiên. Và một khi thứ này ra mắt, lợi thế cực lớn của bộ đội miền Bắc không còn nữa.


Khẩu rocket 2.36 inches


Rocket cải tiến 3,5 inches

Bộ đội Triều Tiên đã tấn công vào vị trí yếu nhất trong vành đai phòng thủ từ xa của một siêu cường mới, mà quốc gia này vốn vẫn chưa xác định được trách nhiệm an ninh quốc gia thật sự sẽ như thế nào. Nên không ngạc nhiên là phía Nam Hàn không giữ được nhiều vị trí sau trận công kích dữ dội của cánh CS. Nam Hàn sụp đổ nhanh chóng : bộ đội Triều Tiên chiếm Seoul, thủ đô Nam Hàn, cách vĩ tuyến 38 khoản 60 dặm vào ngày 27 tháng 6, chỉ hai ngày sau khi chiến cuộc bắt đầu. Và quân Nam Hàn vội rút chạy đến nổi không kịp các cây cầu bắc qua không Hàn để cho chính họ có chút thời gian để thở.

(*) Có lẽ tác giả muốn nói tới dòng T-34-85, còn T-34 nguyên thủy đã được trang bị cho Hồng quân từ đầu năm 1941

Hết chương 5
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2013, 05:37:26 pm »

PHẦN 3 WASHINGTON THAM CHIẾN

Chương 6


Khi thông tin Bắc Triều Tiên xâm lược đến Washington, đó là tối thứ bảy, chính phủ Mỹ không làm việc mười tám giờ một ngày, và bảy ngày một tuần , nên đang phân tán khắp cả. Tổng thống, vốn rất thích du lịch bằng xe lửa, đi khánh thành một sân bay mới – Baltimore Friendship – vào ngày thứ bảy, rồi sau đó bay về quê ở Independence, Missouri. Dean Acheson, ngoại trưởng, đang ở nông trại của mình tại Maryland, còn những nhân vật quan trọng khác trong chính phủ thì đang làm những việc vô bổ của một ngày cuối tuần thông thường. Các thuộc cấp báo tin cho Acheson về việc Bắc Triều Tiên tấn công, sau khi kiểm tra cẩn thận, ông báo động cho Truman (« Ngài Tổng Thống, tôi có một tin rất nghiêm trọng, Bắc Triều Tiên xâm chiếm Nam Hàn »). Truman những muốn về ngay Washington, nhưng Acheson gàn lại – bởi thông tin nhận được không đủ. Bên cạnh đó, một chuyến bay muộn trong đêm về Washington sẽ mang theo cảm giác khẩn cấp và có thể sẽ báo động đến các nước khác, Acheson cho rằng vậy. Bên cạnh đó, Acheson nhấn mạnh rằng đằng sau sự kiện này cảm giác là có chuyện lớn.

Trong ba mươi sáu giờ kế tiếp, tin tức từ Triều Tiên dồn dập về Washington. Có lẽ tín hiệu quan trọng sớm nhất về sự kiện đã rất nghiêm trọng đến từ John Foster Dulles  và John Allison, hai ông này đánh điện cho Truman và Acheson vào sáng Chủ Nhật từ Tokyo, bảo rằng nếu Nam Hàn không trụ nổi thì Mỹ cần phải can thiệp. « Ngồi yên trong khi Hàn Quốc bị tràn ngập bởi một cuộc tấn công quân sự vô cớ có thể sẽ châm ngòi cho một chuỗi bất hạnh của các sự kiện có thể dẫn đến chiến tranh thế giới ».  Được thự danh của Dulles, bức điện còn là một cách để nhắc nhở rằng luôn phải có sự cân nhắc về mặt chính trị với các vấn đề này – không phải Truman cần bất kỳ kiểu áp lực chính trị nào về việc trên, nhưng phản ứng của ông là bản năng, gần như là nguyên thủy và chính trị dường như lúc đầu chẳng tác động gì vào.

Ngay lúc Truman biết tin về cuộc xâm lăng, ông đã bắt đầu sửa soạn cho việc quay về Washington. Nhưng ông vẫn cẩn thận không làm xáo trộn lịch trình. Sáng Chủ Nhật đó, ông vẫn đến thăm trang trại của người anh em Vivian như theo kế hoạch ban đầu. Rồi đến giữa buổi chiều , ông bay về để họp phiên đầu tiên trong danh sách họp dài lòng thòng với các cố vấn quân sự và dân sự hàng đầu của mình. Quyết sách đầu tiên – dùng hải lực, không lực Mỹ ở Triều Tiên để bảo vệ người Mỹ – và nếu như quân Bắc tiếp tục nam tiến với tốc độ nhanh hơn còn quân Nam sụp đổ thì điểm tột đỉnh trong quyết định định mệnh trong tuần là gửi quân bộ vào.

Tổng thống Harry Truman là một kiểu người khá liều lĩnh. Ông không còn ở dưới cái bóng của Franklin Roosevelt, và ông cũng đã tự chứng minh mình trước nhân dân Mỹ trong một cuộc đấu vĩ đại, cuộc bầu cử tổng thống và đã chiến thắng vang dội. Ông càng thêm tự tin vào khả năng ra quyết định, cùng với những người quanh ông – George Catlett Marshall, Dean Acheson, Omar Bradley, và Averell Harriman người đã triển khai công việc thay ông ở Châu Âu nhưng nhanh chóng trở thành người chuyên giải quyết sự cố với một sự ủy quyền rộng lớn, một nhân vật có giá trị ngoại cỡ. Ông cũng thêm phần thân cận với Acheson, ngoại trưởng của mình, họ nhanh chóng có một mối quan hệ thống nhất khắng khít hàng đầu trong biên niên sử chính trị hiện đại. Ông không có lo lắng gì trong công tác. Không có gánh nặng quá khứ, không các thế lực trong nước quấy rầy, thứ mà Franklin Roosevelt phải lo. Với Harry Truman, không có gì phải quay lại nhìn phía sau lưng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2013, 05:43:00 pm »

Và vì thế,các quyết sách chính về vấn đề Triều Tiên đã được định ra trước khi máy bay của Truman hạ cánh. Hầu hết cố vấn hàng đầu của ông đã xác lập phương án họ sẽ làm, Truman cũng vậy. Với các nhân vật đứng đầu của Hội đồng An Ninh Quốc gia Mỹ, thì hành vi của Bắc Triều Tiên vượt biên giới được xem là vi phạm nghiêm trọng tới lợi ích của Hoa Kỳ. Một quốc gia xâm lược một nước khác, và nếu các nhà lãnh đạo Cộng sản của phần kia thế giới nghĩ điều này được nhìn nhận ở Washington tương tự như cách diễn tiến của nội chiến Trung Hoa, thì họ đã lầm to. Thay vì phản ứng như những người cùng thế hệ vốn xem an ninh quốc gia dưới lăng kính Thế Chiến II, hành vi của Bắc Triều Tiên làm sới lên ký ức về thời điểm khởi đầu của một cuộc chiến, một cuộc chiến mà cánh dân chủ đã để cho một thế lực vượt biên giới và thất bại trong hành động. Trong vô số những tính toán sai của cả hai phía trong chiến tranh Triều Tiên, có lẽ vấn đề lớn nhất chính là phía cộng sản đã tính sai về cánh dân chủ Tây phương do Mỹ lãnh đạo sẽ phản ứng thế nào trước việc miền Bắc xâm chiếm miền Nam Triều Tiên, bởi nó được nhìn qua lăng kính của sự kiện Munich. Trên chuyến bay về Washington, Truman đã hồi tưởng lại việc thế giới tự do đã bỏ mất cơ hội cuối cùng để chặn Mussolini tiến vào Ethopia, chặn Nhật vào Mãn Châu, và việc Anh-Pháp lẽ ra đã có thể dễ dàng ngăn Hitler tiến vào Áo, Tiệp Khắc. Trong đầu ông, chính Liên Xô đã ép – và thậm chí là ra lệnh – cho Bắc Triều Tiên vượt giới tuyến, và ông cho rằng thứ ngôn ngữ duy nhất mà người Nga có thể hiểu là sức mạnh quân sự. Sau này ông viết lại : »Chúng tôi phải gặp họ ở điểm cơ bản đó ». Vấn đề không phải họ cho Triều Tiên quá quan trọng – mà đó là vấn đề Mỹ phải hồi đáp thế nào trước sự khiêu khích của Cộng sản. Uy tín của Mỹ đang bị đe dọa lúc cuộc xâm lăng nổ ra, mà uy tín, như Acheson nói khi nghe tin quân Bắc vượt biên giới « đi liền với quyền lực, rất quan trọng »


Truman là một con người kiên định. Quảng thời gian năm năm sau Thế Chiến II là một giai đoạn khó khăn, hai quốc gia hùng mạnh và đầy lo toan đã đối mặt với nhau, mỗi bên đều không thoải mái với vai trò mới: siêu cường; mỗi bên đều có đường lối chính trị và hệ thống kinh tế khác biệt khiến hai bên nhìn nhau như kẻ thù không đội trời chung, mỗi bên đều có thị kiến khải huyền với bên kia như một thứ dã thú ghê gớm là nguyên nhân hủy diệt họ, cả hai đều lo âu khắc khoải với vị trí mới của mình trong kỷ nguyên hạt nhân kinh khủng này. Cả hai nước đều có những nỗi niềm riêng, và thực vậy – đều hoang tưởng. Một Truman đầy sôi nổi và vênh váo một cách đáng ngạc nhiên đã phần nào đánh giá sai Stalin khi họ gặp nhau lần đầu ở hội nghị Postdam tại Đức vào cuối tháng Bảy năm 1945, sau khi Đồng Minh chiến thắng ở châu Âu, và cũng lượng định không đúng những mặt còn đen tối hơn của ông ta. Truman hiểu được một góc cảm quan chính trị của Stalin (sau cuộc gặp ông nói : « Stalin khá giống với Tom Pendergast », sếp sòng thành phố Kansas – người đã tạo dựng bước đầu sự nghiệp của Truman) nhưng đã tỉnh ngộ về ý tưởng có thể thương lượng được với Stalin. Sau này ông nói : «Và tôi trông như một thằng nhóc lạc loài». Tại Postdam, Truman hi vọng sẽ có một sự thẳng thắn, kiểu mọi người đều ngửa bài ra, để có thể đưa đến vài điểm thỏa hiệp có chừng mực và chấp nhận được cho thời kỳ hậu chiến, hoặc ngay cả là kiểu quan hệ trong thời chiến. Nhưng những bước đi đầu tiên này không có hiệu lực với Stalin, ông ta không bao giờ đưa bất kỳ một quân bài nào lên bàn, gần như là nhất định không với vị tổng thống của cái quốc gia tư bản to nhất trên thế giới này. (Tính thẳng thẳn của Truman thật ra không nhiều như ông nghĩ ; lúc ở Postdam, cuộc thử nguyên tử đầu tiên đã thành công, có vài thứ ông không thèm hạ cố nhắc đến, nhưng Stalin, qua các điệp viên Liên Xô, đã biết tới lá bài tẩy này rồi)
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM