Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:40:01 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91301 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2013, 07:57:05 pm »

Chương 10

Hoa Kỳ tham chiến trong tình trạng hoàn toàn không chuẩn bị. Những đơn vị Mỹ đầu tiên được đưa vào chiến trường với trang bị kém, yếu ớt, và quan trọng là được lãnh đạo rất tệ. Một quân đội tuyệt vời đã từng dành chiến thắng ở hai đại chiến trường Âu Á năm năm trước giờ chỉ còn lại cái vỏ ngoài. Cái kiểu quân sự mà nước Mỹ muốn có với giá rẻ, đã được trình diễn ở Triều Tiên ngay lập tức. Trách nhiệm của tình trạng kém cỏi trong quân đội được chia đều cho mọi người – từ tổng thống, ông này muốn giảm thuế, trả tiền vay hồi chiến tranh, và giữ ngân sách quốc phòng ở mức cơ bản nhất; rồi đến nghị viện, nơi này thì muốn giảm mọi thứ ngân sách còn nhiều hơn nữa; cho đến tư lịnh khu chiến MacArthur, ông này thì có đội lính bảo hộ (Triều Tiên) được huấn luyện kém và cũng là người năm năm trước đã nói ông không cần nhiều lính như Washington đã cho ông. Nhưng chịu trách nhiệm lớn nhất phải là Truman – tổng thống phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho những sự việc như vậy: một quốc gia cực kỳ thịnh vượng, giàu có trong một thế giới vẫn còn nghèo đói  và chiến tranh tàn phá lại có một quân đội xác xơ. Khẩu phần ăn uống nghèo nàn, thiếu thốn về tài chính; pháo binh không thể tập luyện đàng hoàng vì không có đạn dược; thiết giáp huấn luyện qua loa bởi thiếu dầu cho các cuộc diễn tập thực địa và quân lính ở những căn cứ nổi danh như Fort Lewis được lịnh chỉ được phép dùng 2 tờ giấy vệ sinh cho mỗi lần đi ị. Có rất ít phụ tùng dự phòng cho xe cộ, mà những phụ tùng đó cũng được lấy từ các trang bị dư thừa do cuộc chiến trước để lại với giá rẻ bèo. Nếu có bất kỳ sự nâng cấp vũ khí nào, thì đó chỉ là biệt lệ dành cho máy bay và các loại vũ khí của Không quân, không có tý gì cho cánh Lục quân.

Thế Chiến 2 đã đưa một quốc gia ngái ngủ, theo chủ nghĩa biệt lập thành một siêu cường. Ngoài tầm bom đạn của quân thù, Hoa Kỳ trở thành một công xưởng vĩ đại của nền dân chủ. Những công xưởng xuất sắc của Mỹ mà sự hiện đại của chúng làm cả thế giới thèm thuồng, đã sản xuất ra những vũ khí hàng đầu với tốc độ chóng mặt. Nhiều nhà phê bình vào thời gian đầu thế chiến II tỏ ra e ngại rằng người Mỹ sẽ không thể là các chiến binh tốt vì đã lớn lên trong một đất nước no đủ. Còn tệ hơn là nghi vấn về khả năng người dân (Mỹ) – bởi vì đất nước quá dân chủ – liệu họ có thể đứng lên đăng lính như ở các quốc gia độc tài toàn trị như Đức, Nhật. Nhưng rồi lính Mỹ cho thấy họ là những chiến binh hạng nhất, và đất nước đã sản sinh ra được một quân đội đáng ganh tị từ một xã hội dân chủ, đã gầy dựng nên một đội ngũ hạ sỹ quan cứng rắn, thông minh và có kỹ năng, một quân đội phản ánh được tiến bộ của nền dân chủ, trong đó khả năng suy nghĩ độc lập và dám nhận trách nhiệm là những tài sản có giá trị trị nhất. Ở chiến trường châu Âu, quân đội hùng mạnh của đế chế Đức đã gặp phải đối thủ ngang tài đó là những cậu trai bình thường đến từ các gia đình bình dân Mỹ với các tiến bộ kỹ thuật Hoa Kỳ; chính những con người ấy cùng Hồng quân hung tợn tấn công quân Đức từ mặt trận phía đông đã làm Đế chế Đức diệt vong. Ở Thái Bình Dương, quân Nhật ngoan cường chiến đấu, nhưng trước sự kết hợp giữa sức mạnh, kỹ thuật vượt trội của Mỹ cùng chiến lược khôn ngoan của MacArthur: cô lập thay vì đánh vỗ mặt các vị trí mạnh nhất của quân địch, cuối cùng quân Nhật với các nguồn lực hữu hạng đã phải sụp đổ.

Nhưng lúc này, hầu như hằng ngày, những câu chuyện kể trên về quân Mỹ đã chạy mất trước đà tiến của bộ đội Bắc Triều. Phải chăng người Mỹ trong thời kỳ hậu chiến mới mẻ này đã ước lượng quá sai về khả năng của quân Mỹ? Phải chăng họ cho rằng cái lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ sản sinh ra trong đầu năm 1944 đại loại là luôn vĩnh cữu trong tình trạng đó, rằng nước Mỹ tự thân hai chữ “siêu cường” sẽ luôn sản xuất ra được những vũ khí tốt hơn và những quân nhân giỏi hơn? Rằng nước Mỹ tin rằng các quốc gia khác dù đã biết điều đó vẫn sẽ luôn giữ khoản cách? Thật sự đó là những cảm giác trong thời kỳ đầu cuộc chiến Triều Tiên, ngay cả trong các cán bộ quân sự cao cấp những người biết rõ quân đội (Mỹ) hiện quá nhỏ và không trong tình trạng tốt. Nước Mỹ đã mong đợi quân đội chiến đấu vượt quá khả năng của họ. Người Mỹ hi vọng – bất kể nó sai bét – rằng một khi quân Bắc Triều vượt biên giới, thì cũng chẳng mấy chốc cuộc xâm nhập đó sẽ bị chặn đứng. Rằng ngay khi địch biết họ đang phải đánh nhau với người Mỹ thì chiến sự sẽ xoay dòng, tin tốt sẽ thay cho tin xấu trên chiến trường. Không chỉ Douglas MacArthur nghĩ rằng ông có thể chiến đấu với quân Bắc Triều Tiên với một lượng quân hữu hạng, mà  nhiều các nhân vật quân sự – dân sự hàng đầu cũng nghĩ vậy, và rất đáng tiếc  nhiều lính tráng cũng thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2013, 08:00:34 pm »

Phần lớn trong đó cho thấy một dạng thức phân biệt chủng tộc đang hiện hữu, một niềm tin về sự vượt trội trên chiến trường của người da trắng đối với người châu Á. Việc rút kinh nghiệm từ  các chiến thắng của người Nhật lúc đầu thế chiến II bị bỏ qua, trong óc người Mỹ các chiến thắng đó được lý giải là vì họ cuồng tín chứ không phải vì họ là người châu Á. Tuy vậy, ở đây, chỉ là người Triều Tiên. Làm thế nào mà người Triều Tiên đánh bại được người Mỹ? Câu trả lời từ một số tư lệnh trong những ngày đầu ấy rất lộn xộn. Cuối tháng 7, thiếu tướng Bill Dean được báo lên là mất tích; thực tế đã bị quân Bắc Triều Tiên bắt sống lúc đang lãnh đạo việc phòng thủ Taejon. Nhưng chỉ vài ngày trước khi ông bị bắt, Keyes Beech của tờ Chicago Daily News đã ngẫu nhiên gặp Dean trên một phi đạo nhỏ, ông bảo Beech: “Hãy đối diện với điều này: quân địch có những thứ mà quân ta không có, đó là sự sẵn sàng hi sinh”. Và Beech đồng ý với ông. Vốn là một cựu thủy quân lục chiến trong thế chiến II, sau này Beech đã viết về những binh sỹ Mỹ đầu tiên được đưa tới Triều Tiên là: “cả tâm lý, tinh thần, và thể chất đều chưa sẵn sàng cho cuộc chiến”. Những  binh sỹ đó được lôi ra từ nếp sống hòa bình ấm êm ở Tokyo, nhiều người trong số họ lúc ở nhà là những đứa trẻ nghèo nàn sống chung với đầy tớ và chỉ trải qua một kỳ huấn luyện ở mức tối thiểu nhất, rồi họ bị ném vào trận chiến với những lời huênh hoang về một thứ rất dễ ăn và họ sẽ về lại Nhật rất nhanh. Rồi hầu như sau một đêm, mọi thứ trở thành một cơn khủng hoảng trọng đại nhất. Các lực lượng Mỹ không thể giữ nổi đất. Các đơn vị xung kích Bắc Triều Tiên chiến đấu rất giỏi và được trang bị tốt hơn quân Mỹ. Quân Mỹ lần lượt bại lui. Đến cuối tháng 7, cuộc chiến đã trở thành một thảm họa, đến mức Hoa Kỳ phải hết sức tăng tốc gầy dựng các đơn vị mới dành cho Triều Tiên, đồng thời tăng tốc cung ứng các loại máy bay, xe tăng và súng không giật có thể chống lại được xe tăng T-34.

Với Triều Tiên, việc bộ đội Bắc Triều chiến đấu hiệu quả trong những ngày đầu là một ngạc nhiên lớn nhất, điều thứ nhì đó chính là sự tệ hại của lính Nam Hàn. Họ hoàn toàn sụp đổ ở hầu hết các mặt trận. Điều ngạc nhiên kế tiếp – với người Mỹ – là sự kém cỏi của các đơn vị Mỹ đầu tiên gửi đến Triều Tiên trong công tác chuẩn bị chiến đấu. Còn hơn cả sự ngạc nhiên, mà đó còn là một cú sốc. Kế hoạch hành binh đầu tiên của quân Mỹ, mang tên chiến dịch Trái tim xanh (BlueHeart), do chính thiếu tướng Nel Almond, tham mưu trưởng và cũng là trợ tá gần gũi nhất của MacArthur soạn thảo; kế hoạch này cho thấy cái nhìn quá mức lạc quan về khả năng tác chiến của quân Mỹ. Nét chính của kế hoạch chính là một cuộc tấn công đổ bộ đường thủy nhanh chóng như theo sở trường của MacArthur vào phía sau tuyến quân Bắc Triều, lên một địa danh có tên là Inchon, kế hoạch được vạch ra như thể cuộc tấn công Bắc Triều Tiên không gì hơn là một bầy muỗi và có thể dễ dàng đập tan. Trận đổ bộ  dự kiến triển khai vào ngày 16 tháng 7, vừa tròn hai tuần kể từ khi đơn vị đầu tiên của Mỹ lóng ngóng, vụng về đặt chân lên đất Triều Tiên. Với tình trạng thảm hại của quân Mỹ đồn trú tại Nhật, thì đây là một nhiệm vụ bất khả thi tại thời điểm đó, khi ráng sống sót là điều còn đáng quan tâm hơn nhiều. Nhưng bảng kế hoạch đó cho thấy sự tự mãn to lớn ở bộ chỉ huy Tokyo trong việc cho rằng bất kỳ đơn vị Mỹ nào cũng có thể đánh bại quân Triều Tiên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2013, 08:06:03 pm »

Chiến dịch Trái tim xanh nhanh chóng bị xếp xó, các đơn vị cần cho một nhiệm vụ cấp thiết hơn: ráng giữ không cho bộ đội miền Bắc đuổi hết quân Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Điều này phản ánh cho thấy tình trạng ít để tâm của bộ tư lệnh với các lực lượng có ở hai miền Triều Tiên; và cũng cho thấy không có các kế hoạch dự phòng nào ở Tokyo. Nhiều quyết định được đưa ra trong những ngày ấy cho thấy tính  phân biệt chủng tộc. Bất kỳ một sỹ quan có kinh nghiệm nào điều biết rằng yếu tố tâm lý là cực kỳ quan trọng với những đơn vị Mỹ đầu tiên được đưa ra chuẩn bị chiến đấu với quân Bắc Triều Tiên, để họ có thế chiến đấu tốt từ những vị trí vững vàng, và để phát huy tối đa ưu thế vũ khí. Nhưng lúc đó khi việc lập kế hoạch đang khủng hoảng, nó cho thấy không chỉ là bất cẩn mà còn mất phương hướng. Sở chỉ huy đã đưa sư đoàn số 24, vốn được hợp nhất từ bốn sư đoàn yếu nhất, trang bị tệ nhất ở Nhật, đến Triều tiên, trước hết là bởi vì sư đoàn đó đóng quân ở Kyushu, chỗ này gần bán đảo Triều Tiên nhất. Và cũng bởi ở nơi xa Tokyo nhất, trên đảo cực nam Nhật Bản, nên sư đoàn 24 là nơi sau cùng được nhận đồ của tổ quốc – từ sỹ quan, binh lính cho đến trang bị. Các sỹ quan cấp trung đoàn và tiểu đoàn của đơn vị  – và đây cũng là vấn đề chính yếu đối với tất cả các đơn vị trong những tháng đầu của cuộc chiến – hầu hết là sĩ quan hạng xoàng hoặc thậm chí hạng kém. Như một trung đội trưởng trong sư đoàn 24 đã phát biểu: “đúng theo nghĩa đen là ở cuối tuyến tiếp vận”. Trang bị của đơn vị, theo một sỹ quan hành quân của trung đoàn 34 rằng “là thứ quốc gia thất sủng”. Đạn dược cho pháo cối không hoàn hảo. Súng đại liên cỡ 30 thì mòn hỏng và rất không chính xác. Họ cũng có những khẩu không giật loại cũ cỡ nòng 2.36. Sau này một trong các sỹ quan của sư đoàn đã viết rằng “rất buồn là hầu hết các đơn vị không đủ sức mạnh, trang bị kém và huấn luyện tồi lại được lịnh”

Những cựu binh thời thế chiến II đã xuất ngũ. Họ được thay bằng những binh lính, như T.R. Fehrenbach, một đại đội trưởng ở Triều tiên ghi nhận: tham gia một cuộc chiến mà họ không hiểu được. Họ không biết cả đâu là bạn đâu là địch, và họ ghét cái đất nước bị đưa đến. Những người tình nguyện tham gia quân đội trong giai đoạn sau thế chiến II và đã nhập ngũ, như theo lời Fehrenbach là: “tìm mọi lý do để tránh chiến đấu”. Quân Mỹ đến Triều Tiên trong những ngày đầu đó, theo như Ned Almond nghĩ, chỉ có chừng 40% khả năng chiến đấu. Ước lượng đó, Clay Blair ghi nhận, là vẫn quá lạc quan. Như mọi đơn vị Mỹ khác ở Tokyo, thay vì mỗi trung đoàn có ba tiểu đoàn, sư đoàn 24 chỉ có hai. Tệ hại hơn, sư đoàn trưởng, vì thiếu tôn trọng quân địch, lúc đầu chỉ đưa 2 trung đoàn, và cả hai đều không đủ quân số – trung đoàn thứ ba thì đang thao diễn đâu đó ở Nhật – và thay vì đưa toàn bộ quân vào một khu vực để có thể tập trung quân số cũng như hỏa lực áp chế, thì ông ta lại chia thành 3 cánh quân nhỏ và đưa đến những nơi mà sau đó họ ngay lập tức bị đối phương bao vây dễ dàng với quân số vượt trội, và rồi không thể trụ nổi trước các đợt xung phong của bộ đội Bắc Triều Tiên. Đối diện với quân thù mạnh, ngoại trừ vài thời khắc anh dũng hiếm hoi, họ đã bại, mà còn bại một cách nhanh chóng; các trận đánh của họ thường chỉ theo một cách – tăng nhuệ khí quân Bắc Triều và làm nản lòng các đơn vị Mỹ vừa đến.

Không có gì là ngẫu nhiên. Mà đó là kết quả trực tiếp của chiến thắng lẫy lừng năm năm về trước kết hợp với ước muốn giải trừ quân bị nhanh chóng. Khi Bob Eichelberger giao tập đoàn quân 8 vào tay Walton Walker, ông hoàn toàn nhận thức được tình trạng yếu kém của nó – “thật ra cũng không có gì nhưng chỉ là tổ chức tiếp vận lại không có  binh sỹ thực chiến mà toàn là cán bộ”.  Sự tôn trọng trong chiến đấu dành cho quân đội châu Á có được trong thời đánh nhau với quân Nhật suốt thế chiến II giờ đã biến mất. Tòng sự tại Tokyo được cho là một công việc rất tốt với tất cả những tiện nghi của người chiến thắng và sinh hoạt khá một cách biệt lệ trong một quốc gia châu Á rất nghèo, mà không có nhiều nhiệm vụ chiến đấu. Những tay lính mới, từ Hoa Kỳ đưa sang được chào mừng và được chia sẽ rằng Nhật Bản là một đất nước tuyệt hảo, rằng nếu biết cách mồi chài thì có ngay một “em gái” một cách dễ dàng và ít tốn, còn có cơ hội kiếm chác chút đỉnh ở chợ đen nữa. Mỗi lính GI Mỹ sống ở đây đều tốt hơn hoàn cảnh lúc ở nhà. Nhất là ở khoản có một “vợ nhặt” (shack girl) theo phương ngữ thời đó. Ở nước Nhật bị đốt trụi, tàn phá và bần cùng này, ngay cả một binh nhì bét dem dường như cũng có thể thuê được người giặt ủi quân phục, đánh giày cho mình. Trong một nước Nhật bị mất cân đối nhân lực, với một binh nhì hoặc hạ sỹ Mỹ đột nhiên giàu có (hoặc ít nhất thì cũng giàu hơn so với hồi người đó ở Ohio hay Tennesse) sống giữa đám người Nhật rền rĩ van xin, thì điều này càng làm cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bẩm sinh của người Mỹ tăng lên và cho thấy thế giới da trắng dù gì cũng ưu việt hơn trên mọi lĩnh vực.  Lính da trắng chiến thắng; người da màu phải đánh giày cho họ, phụ nữ da màu làm bạn tình cho họ. Trong cái quân đội chiếm đóng dễ dãi này, quân sỹ không cần hiện diện trong giờ điểm danh sáng thứ Hai, và trách nhiệm thường xuyên của các thư ký đại đội là làm nên kỳ công để khẳng định rằng cái đơn vị ấy vẫn xuất hiện trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2013, 08:09:01 pm »

Vấn đề binh sỹ không sẵn sàng cho chiến đấu không phải là một bí mật lớn. Thiếu tướng Tony McAuliffe, tư lệnh Bastogne trong trận Bulge hồi năm 1945, được bổ nhiệm chỉ huy các lực lượng miền Nam Nhật Bản vào năm 1948 và ông ghét từng phút giây ở vị trí đó. Keyes Beech đến thăm ông và hỏi rằng ông có thích công tác này không. McAuliffe trả lời ông khá thích “nhưng họ [quân lính] không thích tôi. Thực sự với họ, tôi là một kiểu chó chết nhất. Lý do để quân đội tồn tại trong cả hòa bình lẫn chiến tranh, là nó sẵn sàng cho việc chiến đấu. Nhưng cái thứ quân ở đây thì thiệt tệ hại… Tôi sẽ đảo ngược cái xứ này lên và muốn thấy tất cả binh lính ra thao trường diễn tập. Tôi muốn họ ngủ trên nền đất, muốn họ nhúng ướt chân”. Nhưng hành trình của ông không kéo dài, và tinh thần của ông, như Beech thêm vào, là không dễ lan ra.

Vậy mà những quân lính đó, những đơn vị đầu tiên đến Triều Tiên, lại chắc ăn rằng họ sẽ dễ dàng đánh bại bộ đội miền Bắc. Đại tá Jon (Mike) Michaelis, trung đoàn trưởng có chất lượng chỉ huy khá ổn đầu tiên, đã thất kinh trước sự thể hiện tồi tệ của hầu hết binh sỹ trong những tháng đầu. Ông bảo Robert (Pepper) Martin của tờ Saturday Evening Post hồi đầu tháng Mười rằng: “Khi ra trận, lính còn không biết bắn. Họ không có hiểu biết  về vũ khí của mình. Họ còn không được huấn luyện đàng hoàng với súng trường kiểu cũ nữa là. Thời gian được tiêu tốn nhiều cho việc thuyết giảng sự khác biệt giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Mỹ, và lính không còn đủ giờ để bò trườn trong các cuộc thao diễn với đạn thật rít qua đầu.  Họ đã được chăm bẵm cưng chiều, được dặn lái xe cẩn thận, nhắc mua trái phiếu chiến tranh, được tặng thưởng huân chương chữ thập, tránh VD, nhớ viết thư về cho mẹ – trong khi vấn đề là cần phải dạy cho họ biết cách thông nòng súng khi bị kẹt đạn”. Ông nói thêm, họ còn xa cách đường đất tới nỗi gần như quên mất cách dùng chân “được lịnh đi tuần, trinh sát, thì lính leo lên một chiếc xe tải ba tấn rưỡi, rồi đánh vút ra xa lộ”.

Nếu quân Mỹ thể hiện rất chính xác thái độ ở nước mình, thì phía bộ đội Bắc Triều Tiên, họ cũng phản ánh đất nước họ – cố thay đổi thật nhanh từ một xã hội bị thực dân và đàn áp sang ngay thời hiện đại bằng cách áp dụng nguyên bản mô hình Liên Xô. Họ là những chiến sỹ xuất sắc, cứng rắn, giận dữ và đánh trận giỏi. Họ ăn ý với nhau trong từng chi tiết nhỏ, họ có thể chất còn tốt hơn cả quân Mỹ, và có thể sống sót ở xa hậu cứ hơn so với đối thủ người Mỹ. Theo Roy Appleman, một sử gia thận trọng Mỹ, ước lượng có gần 1/3 số binh sỹ, và gần như là hầu hết sỹ quan, hạ sỹ quan Bắc Triều Tiên – đã chiến đấu trong hàng ngũ Cộng sản Trung Quốc trong các trận chiến gian khổ với quân Quốc gia (Tưởng Giới Thạch). Trong đầu họ, cuộc chiến này chỉ là một phần mở rộng của cuộc chiến mà họ đã tham gia trước đó, cuộc kháng chiến chống Nhật. Họ thấm nhuần tư tưởng – thật sự là rất thấm nhuần; họ gần như tin tưởng một cách máy móc vào con đường phía trước, khi bị bắt, họ vẫn nói về niềm tin chính trị của mình, còn hơn cả những người đồng chí cộng sản Trung Hoa, ngay cả với những người Trung Hoa cuồng tín nhất.

Xuất thân từ nông dân, họ căm ghét sự đô hộ của người Nhật với nước mình, và tin rằng người Mỹ cùng chế độ bù nhìn Seoul là kế thừa quá khứ đó, không có tương lai, người Mỹ giờ lại là đồng minh của  người Nhật cũng như tầng lớp cai trị cũ của Triều Tiên, do vậy, đây chỉ là sự nối tiếp cuộc đấu tranh vốn đã khiến họ lìa xa quê hương trong những năm trước. Trong suy nghĩ của họ, giới  chỉ huy quân đội Nam Hàn chính là hậu duệ của những người Triều Tiên đã theo phe Nhật; thật ra, điều này đúng với lớp sỹ quan cao cấp. Bộ đội Bắt Triều Tiên được huấn luyện nghiêm túc, cực kỳ kỷ luật và năng động. Họ ngụy trang giỏi một cách đáng ngạc nhiên, không sử dụng đường sá và thường vượt qua những vùng đất khắc nghiệt bằng chân, quân Mỹ thì không thể. Giống như những người Cộng sản Trung Hoa đã huấn luyện và chiến đấu cùng, họ có khuynh hướng tránh các trận đánh vỗ mặt. Thay vào đó là tiếp cận sớm và lách sang sườn đối phương, rồi tấn công quân Nam Hàn, quân Mỹ từ phía sau hay cạnh sườn. Họ cũng thường phái các nhóm nhỏ lên phía trước, cải trang thành nông dân, để trinh sát các vị trí quân Mỹ và gọi pháo bắn chính xác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2013, 08:12:19 pm »

Ngay từ đầu họ đã xác định rõ ràng về đối thủ và lý do chiến đấu. Họ đánh nhau với người ngoại quốc da trắng, với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, những đứa con của phố Wall, và dĩ nhiên với bọn bù nhìn đồng minh Seoul. Còn quân Mỹ thì không chắc chắn lắm, dù vẫn có những bài giảng thường kỳ thóa mạ lũ quỷ Cộng sản:  địch thủ họ phải đánh nhau, và lý do tại sao họ phải chiến đấu. Họ là lính đồn trú ở Nhật, và không mong đợi chiến đấu ở một nơi gọi là Triều Tiên gì đó. Một hạ sỹ tên Larry Barnett thuộc trung đoàn bộ binh số 34 nói “Chúng tôi nhận được tin vào ngày Chủ nhật, và phản ứng trong đại đội tôi là câu hỏi: ‘Triều Tiên ở chỗ nào vậy?’”. Ông nói thêm, và câu kế tiếp là: “Hãy để bọn mọi vàng giết lẫn nhau đi”. Thật tệ, bởi trung đoàn 34 và trung đoàn chị em của nó, trung đoàn 21 được lệnh là những đơn vị đầu tiên chiến đấu ở Triều Tiên. Cả hai đều trong thành phần của sư đoàn 24 yếu kém. Sư đoàn 24 được lệnh nhanh chóng đến Triều Tiên rồi di chuyển theo hướng tây của bán đảo, cho đến khi chạm súng với quân địch đang tiến xuống.  Điều này diễn ra ở một nơi gần làng Suwon, ngay phía nam Seoul. Nhưng khi đó sư đoàn trưởng sư đoàn 24, thiếu tướng William Dean, đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng, thay vì việc tập trung số quân hạn chế của mình lại trong một vị trí mạnh và như vậy có thể có được hỏa lực tối đa, thì ông lại thiếu khôn ngoan khi chia nhỏ các đơn vị ra. Điều này, một lần nữa cách điều quân cho thấy quan điểm phóng túng của các tư lệnh Mỹ trước kẻ thù mới. Đơn vị đầu tiên rời Nhật đến tham chiến tại Triều Tiên là lực lượng đặc nhiệm Smith, do trung tá Brad Smith chỉ huy. Phi cơ vận tải đưa họ đến Pusan, một hải cảng nằm ở phía đông nam, cuối đất nước. Bởi vì thời tiết xấu và lượng máy bay có hạn nên cuộc không vận phải tốn đến hai ngày. Những người lính cuối cùng của Smith hạ cánh xuống Pusan vào sáng ngày 2 tháng Bảy. Ngay trong đêm ngày 2 tháng Bảy, quân của lực lượng đặc nhiệm Smith lên tàu, đến Taejon, hơn nửa đường một tý giữa Pusan và nơi mà họ tin là chiến tuyến, vào sáng ngày 3 tháng Bảy. Ở Taejon, trung tá Smith gặp chuẩn tướng John Church. Church là một sỹ quan già thiếu sức sống được MacArthur gửi đến Triều Tiên chịu trách nhiệm khảo sát để xác định rằng cần gì, ở đâu.

Trinh sát của Church không có kết quả mấy khi đối diện với cuộc tấn công chặt chẽ, kín kẽ của Bắc Triều Tiên cùng với sự rút lui hỗn loạn điên cuồng của quân Nam Hàn. Nhưng ngay cả việc chính ông lập tức dời sở chỉ huy của mình từ Suwon về Taejon, cách đó chừng 90 dặm, bởi bộ đội miền Bắc đã đánh bại ông, cũng không làm tiêu tan tính tự phụ của ông. Church bảo Smith rằng, tất cả những gì họ cần, là vài tay lính GI không sợ xe tăng, trụ vững. Và điều này sẽ làm quân Nam Hàn vững tâm. Ông chỉ vào bản đồ và bảo Smith lập chốt ở gần Osan, phía nam Suwon. Thế là Smith đưa quân lên phía bắc bằng tàu hỏa, hướng về Ansong. Ở ga Ansong, họ được người Hàn Quốc reo mừng, lúc đó họ thấy rất tự hào, bởi cho thấy họ là những người tốt, những anh hùng đến cứu vớt một dân tộc hoang mang. Nhưng sau này một sỹ quan, trung úy William Wyrick, cho rằng người Hàn – có tới hàng ngàn, hàng ngàn chạy loạn xuống phía nam – không phải chào mừng sự xuất hiện của lính Mỹ, mà vì tàu đến, và như vậy họ có thể nhanh chóng có được chuyến tàu chạy về phía nam, đến Pusan.

Gần như cùng lúc, thiếu tướng Dean đến Taejon và nhận quyền chỉ huy các đơn vị Mỹ ở Triều Tiên từ Church. Ngay sau đó ông chỉ đạo trung đoàn 34 đến Pyongtaek, ngay ở phía tây nam Osan, trên đường xa lộ Seoul-Pusan. Và như thế, trung đoàn 34 với sức mạnh có hạn, đã bị tách rời với trung đoàn 21, chừng 10 dặm. Vài người cho rằng nên để các đơn vị Mỹ tập trung lại với nhau, xa về phía nam chừng 40 dặm, và dùng chướng ngại vật thiên nhiên là sông Kum sẽ ổn hơn. Nhưng Dean cho rằng sứ mệnh của mình, theo cách nói của ông, là “ngắn và dễ dàng”; và rằng quân Bắc Triều Tiên sẽ không muốn đánh nhau với quân Mỹ. Và vì thế ông đã chia quân của mình ra làm ba, một sai lầm định mệnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2013, 08:20:56 pm »

Trở lại lúc ở Nhật, khi lính của trung đoàn 34 lên tàu đến Triều Tiên, họ được lệnh  đóng gói quân phục hè – sẽ dùng cho diễu hành chiến thắng rất nhanh sau đó ở Seoul. Trung tá Harold (Red) Ayres, một tiểu đoàn trưởng trong trung đoàn bộ binh 34, đã nói với lính: “Lính Bắc Triều Tiên ở phía bắc chúng ta. Bọn chúng chẳng được huấn luyện mấy. Và chỉ phân nữa có vũ khí và chúng ta sẽ không mấy khó khăn để chặn chúng.”. Cánh lính tráng cũng vênh váo không kém: họ trên đường đánh vài tên mọi vàng, theo cách nói thời đó, dạy chúng một hoặc hai bài học; và trở lại với cuộc sống tươi đẹp ở Tokyo. Một lần nữa, đại úy Fred Ladd – sỹ quan tùy tùng của thiếu tướng Ned Almond – nghĩ: chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thấm sâu và lan rộng khắp quân đội Mỹ “tin rằng đám mọi vàng đó không thể đứng vững trước người Mỹ”. Anh thêm “thật khó để nói rằng điều này có thể đảo lộn từ chót lên đầu hoặc từ đầu xuống chót hoặc cả hai” (anh ghi rằng, anh có thể thấy gần như chính xác điều này lần nữa khi anh làm cố vấn sư đoàn ở Việt Nam mười ba năm sau). Khi trung đoàn 34 tiến đến vị trí ở Pyongtaek, họ đi qua một nhóm công binh Nam Hàn đang phá cầu; quân Mỹ đã rầy la lính ROK  vì thiếu tinh thần và ném chất nổ đi.


Lực lượng đặc nhiệm Smith khi vừa xuống tàu.

Điều bộc lộ ra tại thời điểm quân Mỹ và bộ đội Bắc Triều Tiên đụng độ nhau lần đầu, đó là một  thảm họa với quân Mỹ trong một hoạt cảnh rộng đầu tiên, một ví dụ thành sách của thứ xảy ra với một quốc gia đang kiêu căng với sức mạnh của mình phải đối diện với thực tại mới. Ngày 4 tháng 7, Smith mang theo 540 quân, một tiểu đoàn thiếu – hay hai đại đội cứng – lên phía bắc Osan vài dặm. Hầu hết pháo binh hỗ trợ của họ vẫn ở Pusan. Họ đến vị trí vào lúc 3h sáng ngày 5 tháng 7. Trời mưa, lính mệt mỏi, lạnh cóng. Cũng sáng đó, muộn hơn một chút, trung sỹ Loren Chamber, một trợ lý trung đội trưởng, phát hiện ra có 8 chiếc tăng T-34 chạy xuống từ Suwon. Trung đội trưởng, trung úy Philip Day hỏi cái gì đấy. Anh trả lời : “Xe tăng T-34, thưa ngài, và tôi không nghĩ chúng thân thiện với ta đâu”.

Hàng xe tăng tiếp tục tiến – sau đó là một dãy dài bộ binh và rồi, kinh khủng hơn, là một đoàn 24 chiếc tăng Bắc Triều Tiên khác. Khi mũi nhọn của hàng quân, sau này được ước lượng là dài đến 6 dặm, còn cách họ dưới một dặm, quân Mỹ bắt đầu bắn cối. Có vài viên trúng, nhưng đoàn tăng vẫn tiến. Quân Mỹ chờ đến khi đoàn tăng chỉ còn cách 700 thước, họ bắn đạn không giật, cũng có vài viên trúng, nhưng một lần nữa, không hề hấn gì, đoàn xe tăng vẫn tiến. Súng không giật không có tác dụng. Lúc đó trung sỹ Chamber gọi điện cho cối 60mm bắn. Họ trả lời là không đủ tầm. “Thế còn cối 81?” anh hỏi. “Bọn họ không đi cùng chúng ta” đó là câu trả lời. Tiếp đó anh hỏi cối 4.2. Rồi anh được trả lời là họ không thể bắn. Anh hỏi tiếp: “Còn pháo binh đâu?”. Không có liên lạc với pháo. “Không quân thì sao?”. Không quân không biết lực lượng đặc nhiệm đang nằm chỗ nào. Rốt cuộc Chamber nói, rồi, thế phải có một cái máy chụp hình để ít nhất anh có thể chụp được một bức ảnh của vụ này chứ? Anh cảnh báo rằng họ đang trong tình trạng tối nguy hiểm, bị bao vây. Thế là quân Mỹ bắt đầu trở lui nhanh nhất có thể, đa số đơn giản là tháo chạy, một số ném bỏ vũ khí, một số thì thậm chí còn tháo cả giày trận để có thể di chuyển được nhanh hơn trên các cánh đồng lúa với chân trần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2013, 09:11:48 pm »

Sở chỉ huy trung đoàn 34 cách không xa đơn vị phía trước của Smith. Và giờ bộ đội Bắc Triều Tiên hướng đến họ. Denis Warner, thông tín viên người Úc của hai tờ London Telegraph và Melbourne Herald, đã xoay sở tháp tùng theo tiểu đoàn một của trung đoàn 34 đóng gần Pyongtaek, tiểu đoàn trưởng là Red Ayres. Sáng ngày 5 tháng Bảy, ông ở đó với Red Ayres lúc chuẩn tướng George Barth, sỹ quan pháo binh sư đoàn đến. Họ không có pháo binh ở tuyến đầu, nên Dean đưa ông ta đến chịu trách nhiệm ở khu vực tiền duyên. Warner nhìn thấy Barth bước xuống từ chiếc xe jeep, quay về cánh phóng viên tụ tập ở đó, ông nói: “Này các cậu, tới rồi đây. Tôi sẽ bắn phát đạn đầu tiên vinh danh tướng quân MacArthur”. Barth  nói ông đã lịnh khai hỏa một khi quân Bắc Triều Tiên đến trong tầm 1500 thước. Các sỹ quan Mỹ, như Warner nhớ lại, đều cực kỳ lạc quan về việc sắp xảy ra. “Đám cộng sản khốn khiếp đó sẽ quay đầu và cút thẳng một khi chúng nhận ra phải đụng nhau với lính ta”Ayres nói “Chúng ta sẽ trở lại Seoul vào cuối tuần này”. Như đại đa số các phóng viên chiến tranh khác trong tình thế này, Warner băn khoăn tự hỏi liệu có nên ở lại đây để coi chiến trận thế nào hay nên trở lùi và rồi chế tác ra một câu chuyện về quân Mỹ đang giao chiến với quân Bắc Triều Tiên.

Anh quyết định ở lại trong chiến trường. Anh trông thấy một cảnh thương tâm, một dấu hiệu cảnh báo cổ điển: một đoàn dài vô tận nông dân chạy về phía nam trên con đường tắc nghẹn, những người tị nạn chạy tránh bộ đội Bắc Triều Tiên. Hình ảnh người dân chạy loạn lộ ra vấn đề với những ai từng có biết ít nhiều về chiến tranh, như kiểu một sợi rơm bay tung trong gió. Điều làm Warner lo ngại hơn, là sự kiện có rất nhiều lính Nam Hàn cũng tháo chạy, còn nhiều hơn thường dân. Anh bắt đầu đi lên hướng bắc với một số phóng viên khác, nhưng họ ngay lập tức chạm mặt với một tay lính kỵ Nam Hàn đang cưỡi trên lưng một thứ trông như giống ngựa lùn Shetland, hắn kêu ầm lên bằng tiếng Hàn: “Tanku, tanku”. Và Warner trông thấy chiếc xe tăng địch đầu tiên “đều đều và đường bệ tiến lên”. Anh ngay lập tức quay đầu chạy về sở chỉ huy của Ayres. Nhưng dường như Ayres không hiểu được thứ mà Warner vừa trông thấy tận mắt. Ông ta nói: “Chúng ta không có xe tăng

Tôi không nói chúng ta, mà là địch” Warner trả lời

Những cây cầu quanh đây không đủ trọng tải cho xe tăng qua đâu” Ayres khăng khăng.

Thế là Warner lại trở lại chỗ cũ với một đội súng không giật do Ayres cử đi (“có lẽ để làm chiều lòng tôi”). Nhưng rất nhanh, hai chiếc tăng Bắc Triều Tiên hiện ra. Lính bazooka Mỹ chờ chúng tiến đến đủ gần và bắn, nhưng cũng chỉ để thấy đạn của họ bật nảy ra khỏi những chiếc tăng.

Lúc đó, tin về việc lực lượng đặc nhiệm Smith bị tiêu diệt vẫn chưa đến được sở chỉ huy của Ayres. Mãi đến khi có vài người sống sót lạc đơn vị chạy đến và báo cáo rằng hầu hết tiểu đoàn đã mất. Warner ghi lại: “Rất nhanh sau đó, Ayres cùng quân của mình tháo chạy. Sở chỉ huy của Barth cũng tan hàng trong đêm, chỉ ít phút trước khi xe tăng địch ủi đến. Đến bình minh ngày 6 tháng 7, xe tăng địch đã ở Pyongtaek, cách năm dặm đường. Lúc ăn sáng họ còn ở Songwan, và trước khi ngày kết thúc, họ đã tiến tới Chonan, 36 dặm trong 36 giờ”. Cuối ngày kế tiếp, với việc quân Mỹ vẫn tiếp tục sụp đổ, tướng Dean đã cách chức tư lệnh tiền phương của Barth cùng với một trong số các trung đoàn trưởng của ông.

Đó là một sự khởi đầu cực kỳ tồi tệ. Những cánh quân cực kỳ thiếu chuẩn bị được bố trí rất kém đã chẳng làm chậm được mấy bước tiến hung bạo của đoàn quân miền Bắc xuôi Nam –  họ đạt tốc độ tốt nhất trong vài ngày đó. Trong tuần chiến đấu đầu tiên, bộ đội Bắc Triều Tiên đã gần như diệt gọn được hai trung đoàn Mỹ; với chừng 3000 lính chết, bị thương hoặc mất tích; và toàn bộ vũ khí thu được đủ để trang bị từ một đến hai trung đoàn Bắc Triều Tiên.


Toàn cảnh giai đoạn 1 của cuộc chiến Triều Tiên, quân Bắc xuôi Nam
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2013, 09:21:12 pm »

Đó là những ngày kinh hoàng. Tâm trạng ở cả Washington lẫn Tokyo đều rất nặng nề. Nỗi lo sợ rằng quân Mỹ không thể trụ nổi trong một cuộc chiến tranh hạn chế tăng lên và áp lực cho việc dùng vũ khí nguyên tử cũng dần tăng. Một bài xã luận lên tờ NewYork Times ngày 16 tháng 7 đã khéo léo đề cập: “Cảm xúc của chúng ta, khi thấy các chiến sỹ ở Triều Tiên bị địch vượt trội về số lượng, về vũ khí, là sự trộn lẫn giữa tiếc nuối, hối hận và khâm phục. Đây là sự hi sinh mà chúng ta đòi hỏi ở họ, và điều này chỉ được thanh minh bằng hi vọng việc họ đang làm sẽ giữ cho cuộc chiến là một cuộc xung đột nhỏ, và rằng cái chết của một số ít người sẽ ngăn chặn sự tàn sát hàng triệu người. Đây là một lựa chọn kinh khủng. Chúng ta không thể reo vui, hoặc thậm chí im lặng vì điều đó. Nhưng chúng ta không cần quá kích động. Chúng ta không cần một cuộc chiến lớn hơn và làm sụp đổ nền văn minh”.

Nhiều ảo tưởng Mỹ đã sụp đổ trong các tuần đầu chiến tranh Triều Tiên, có lẽ điều quan trọng nhất là niềm tin về bom nguyên tử như một vũ khí tối thượng, thứ vũ khí duy nhất cần thiết. Đó là một ý tưởng nghiêm túc trong suy nghĩ về an ninh quốc gia có ngay từ hồi sau Thế Chiến II, phần bởi vì đó thật sự là một thứ vũ khí ghê gớm và phần vì nó đồng nghĩa với chi phí quốc phòng giá rẻ. Chỉ một năm trước, Omar Bradley, một con người suy nghĩ rất thực tế, đã báo cáo trước nghị viện rằng thời kỳ của các cuộc đổ bộ đường thủy về cơ bản đã chấm dứt. “Nói thẳng tưng, bom nguyên tử một khi được dùng thích đáng thì gần như sẽ làm cho điều đó [việc đổ bộ tấn công đường thủy] không còn khả năng” ông nói. Sau những thất bại đau thương, đất nước nhận ra rằng hệ thống phòng thủ hiện hữu chỉ là một ảo ảnh, rằng bom [nguyên tử] là một thứ vũ khí hạn chế nhất trong bất kỳ loại chiến tranh cục bộ nào, và rằng sự bế tắc với người Nga có thể tạo ra tình trạng căng thẳng khó kiểm soát nổi trong phạm vi ảnh hưởng của hai siêu cường. Cũng có một sự thật mới: vũ khí nguyên tử là cực kỳ mạnh mẽ, một thứ vũ khí kinh hoàng nhưng trong nhiều trường hợp là ghê tởm về mặt đạo đức. Đây là một thứ vũ khí gần như bất khả dụng nhất. Có một sự phòng ngừa tối thượng, thật sự tối thượng, không một quốc gia nào khinh suất tấn công một thành viên của câu lạc bộ nguyên tử mà không có suy xét cẩn thận. Nhưng trước kia, khi Mỹ còn độc quyền với thứ vũ khí này, thì rất nhanh, ngay lập tức, nó dường như đã làm cuộc chiến Thái Bình Dương kết thúc, và tạo nên một ảo tưởng về chi phí quốc phòng Mỹ: chỉ cần phát triển một xí nghiệp pháo binh rẻ tiền, và chỉ cần một vũ khí trong đó. Nếu những quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki dường như đã mở đầu cho một chương mới tinh trong lịch sử vũ khí chiến tranh, giả định là làm cho tất cả các vũ khí thành lạc hậu và tạo nên một thế giới mới, ở đó sức mạnh quân sự chỉ tồn tại với những quốc gia tiên tiến, kỹ thuật cao và giàu có nhất, thì những thất bại trên chiến trường Triều Tiên đầu năm 1950 đã đập nát niềm tin đó. Thế giới quân sự dường như đã thay đổi hoàn toàn hồi tháng 8 năm 1945; nhưng giờ đây rõ là chẳng có mấy chút thay đổi. Bởi đất nước hiểu rõ được hạn chế của vũ khí nguyên tử, nên sự ủng hộ dành cho chính quyền Truman cũng như chiến tranh Triều Tiên bắt đầu suy giảm rõ ràng. Có lẽ không phải vì đa số người dân muốn đổi thành một điều gì đó mới mẻ, cũng không phải vì chủ nghĩa quốc tế thay cho chủ nghĩa biệt lập kiểu cũ, nhưng cũng không có nghĩa là họ thích một thứ đại loại vô chính phủ ở Washington. Nếu đó là thiên mệnh mới trên trường quốc tế của nước Mỹ và họ phải đối mặt, thì đó khó có thể là một định mệnh mà họ chọn.

Tháng 7 năm 1950 là một trong những tháng tồi tệ nhất trong lịch sử quân sự Mỹ: một cuộc rút lui dài nhục nhã kèm với những trận giao tranh nhỏ nhưng kinh hoàng và vài thời khắc dũng cảm rời rạc của các đơn vị Mỹ yếu về số lượng, kém về vũ khí bị áp đảo bởi các lực lượng xung kích lớn, khéo léo của Bắc Triều Tiên. Quân Mỹ luôn bố phòng một cách mỏng manh ở các hành lang xung yếu; rồi với số lính hữu hạn, cố làm chậm bước tiến của quân Bắc Triều Tiên cho đến khi các đơn vị khác được tập trung ở Mỹ lên tàu đến được Hàn Quốc; đó là một quân đội cố mua lấy thời gian quý giá chính bằng một thứ tiền còn quý giá hơn: mạng sống của thanh niên nước mình. Còn ở chính quốc, thì hiện chỉ mới bắt đầu động viên cho cuộc chiến mới nhất. Tình hình nhân lực ở Nhật ngay trước cuộc chiến là quá tuyệt vọng đến mức khi cuộc chiến nổ ra các binh sỹ bị kết án tội nặng và đang còng tay đưa về Mỹ để giam, thì được cho lựa chọn đi đánh nhau ở Triều Tiên và hồ sơ sẽ được xóa. Trung úy William Best một tùy tùng của thiếu tướng Hap Gay – tư lệnh sư kỵ binh số 1 – nói: Nếu bạn là một sỹ quan trong một sư đoàn Mỹ ở Tokyo trong những ngày trước khi cuộc chiến Triều Tiên nổ ra, thì bạn sẽ tiêu tốn một tỷ lệ khổng lồ thời giờ cho việc sắp xếp cho một lượng lớn lính của bạn sẵn sàng trước tòa án binh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2013, 09:26:17 pm »

Đầu tháng 7, MacArthur báo với hội đồng tham mưu liên quân rằng ông cần 11 tiểu đoàn để giữ vững trận tuyến. Đó đích xác là một sự tuyệt vọng theo cái cách mà yêu cầu đó được diễn dịch ở Mỹ: Chú Sam cần bạn, bây giờ (hoặc hôm qua) cho cuộc chiến Triều Tiên [Uncle Sam wants you, now (or yesterday) for the Korean War]. Những thủy quân lục chiến đã từng tham gia thế chiến II và đã vui vẻ phục viên về với đời sống dân sự, nhận ra rằng họ cực kỳ khó chịu về điều đó, họ không tình nguyện vào đội dự bị thủy quân lục chiến và tự cho mình là thường dân, dù sao họ vẫn phải sẵn sàng cho quân ngũ, dựa trên giao ước cũ giữa họ và chú Sam. Chỉ trong vòng không đầy một thập kỷ, họ bị khuấy động khỏi kiếp thường dân của mình những hai lần. Trong lúc ấy, số thanh niên đến các trung tâm tuyển quân không mấy đông đảo như hồi tháng 12/1941, sau trận Trân Châu Cảng, dù đã có tiến hành việc gọi quân dịch. Lính hiện dịch được dồn vào các đơn vị chiến đấu và đưa ngay đến Triều Tiên mà không qua huấn luyện. Khi quân Bắc Triều Tiên tấn công, như theo ghi chép của một sỹ quan, đại úy Frank Munoz, một đại đội trưởng hồi đầu cuộc chiến: “Chúng tôi bật máy hút bụi lên. Và hút lính từ mọi nơi, từ sau bàn giấy, trong bệnh viện, từ nơi tuyển mộ. Chúng tôi nhanh chóng đủ người”. Lúc đầu bảo rằng sẽ có 6 tuần huấn luyện chiến đấu trước khi lên tàu, nhưng thật ra không có thời gian cho việc đó; và rồi sao đó lại nói là sẽ có 10 ngày huấn luyện khi họ đến Triều Tiên; điều này cũng trôi sông trôi biển; cuối cùng có tin là sẽ có 3 ngày huấn luyện đặc biệt một khi họ đến Pusan; và rồi cũng không có thời gian cho ngay điều này, bởi người Bắc Triều Tiến đã tiến gần và còn gần hơn nữa. Thế là quân lính trực tiếp từ Hoa Kỳ, lên tàu, và thường ngay lập được đổ vào các vị trí chiến đấu, dù đa số chưa từng ngắm thử qua súng trường của họ, kiểm tra bắn thử súng cối; và đại liên cỡ .50 chẳng mấy khi được lau chùi.

Ở Lầu Năm góc, lo ngại dần tăng cao về vấn đề năng lực lãnh đạo; đặc biệt với trung tướng Walton Walker, tư lệnh tập đoàn quân 8, thời đó đồng nghĩa với tư lệnh tất cả quân Mỹ (và ngay sau đó là tất cả các lực lượng trên bộ của Liên Hợp Quốc) ở Triều Tiên. Và vì thế nên trong những ngày tệ hại đầu tháng Tám, lục quân đã gửi ngôi sao đang lên của mình, trung tướng Matthew Bunker Ridgway, trong một tổ đặc biệt cao cấp ba người, đến gặp MacArthur, để lắng nghe ông, để xem xét yêu cầu của ông, đồng thời xác định các lo ngại của Washington đặc biệt về quan hệ giữa MacArthur và Tưởng Giới Thạch.

Trong khi Averell Harriman, tổ trưởng của tổ đó, bận rộn với việc lượng giá MacArthur và cố giảm khoản cách giữa ông ta và chính phủ trong vấn đề Trung Hoa và Tưởng Giới Thạch, thì công việc quan trọng nhất của Ridgway là thanh tra Walton Walker và bộ tư lệnh của ông ta ở Triều Tiên. Rigdway đã từng công tác ở một sở chỉ huy trong những ngày dữ dội sau cùng của thế chiến II, chỉ huy quân dù, quân chủng đỉnh của đỉnh, bởi vậy nên ông thất kinh trước những gì ông thấy ở Triều Tiên. Ông tin là hầu hết những sỹ quan chính yếu của Walker không hoàn thành tốt công việc trong cuộc chiến này và các sỹ quan đó đang ở trong cơ hội công tác cuối cùng ngõ hầu có thể về hưu với cấp hàm cùng lương hưu kha khá. Như thể những người có trách nhiệm ở Washington và Tokyo đã cấp vé cho họ vì những quan hệ xưa cũ, hơn là việc gửi hoặc đề nghị một lứa sỹ quan mới, tốt nhất. Walker không thể đồng ý hơn và rất lo ngại về chất lượng của những người ông phải nhận, sự thật là có rất nhiều sỹ quan tốt dường như đã bị hút mất một khi đến Á châu, để phục vụ trong tổng hành dinh Tokyo thay vì chỉ huy thực binh trên chiến trường. Ridgway cho rằng Walker là một sỹ quan đứng đắn, giỏi giang; nếu cho ông ta một đơn vị xe tăng và những mệnh lệnh đặc thù, sẽ không ai có thể làm tốt hơn. Nhưng dù sao Ridgway cũng cho rằng Walker quá tầm trong vị trí này, và hệ thống tham mưu của tập đoàn quân 8 quanh ông ta thực sự yếu, tổ chức kém. Sự thụ động của viên tham mưu trưởng của Walker làm ông sốc. Nhiều trung đoàn trưởng lại già và thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Ông báo cáo về rằng: với tư cách lính chiến, họ không bao giờ với tới tiêu chuẩn của những người tiền nhiệm trong thế chiến II.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2013, 09:34:11 pm »

Gần như mọi thứ trong báo cáo của ông đều tiêu cực. Lính thì thường thiếu bộ binh và không năng động. Họ trở thành tù nhân của máy móc, đặc biệt là xe cộ, trong khi hệ thống đường xá ở Triều Tiên thì ít ỏi và nghèo nàn. Họ không biết phản công, họ không đào hầm hào đúng cách, chẳng chịu cố gắng ngụy trang, sắp xếp cụm hỏa lực và liên lạc giữa các đơn vị kém. Ridgway rất sốc – nơi đây, nước Mỹ đã đưa thanh niên của mình ra chiến đấu trong cái cách cực kỳ nguy hiểm. Cũng ở đó, ông đã vi phạm nguyên lý cơ bản trong tín điều của một tư lệnh bộ binh. Ông mạnh mẽ tin rằng cần phải huyền chức Walker, bởi ông ước lượng rằng Walker thiếu các kỹ năng chỉ huy ở mức độ cao và thiếu tầm nhìn cần có để thay đổi mọi điều. Tuy vậy, Ridgway đã rất thận trọng lúc xây dựng các đề xuất quá mạnh này. Đương nhiên không dễ dàng trong việc huyền chức một tư lệnh đang trên một chiến trường nguy cấp, nơi quân binh đang bị đe dọa sẽ bị hất xuống biển. Hành động như vậy liệu rằng có làm suy sụp tinh thần vốn đã mong manh của binh sỹ? Ridgway tự hỏi. Liệu ông giống như một tay cơ hội, chỉ trích Walker bởi muốn có vị trí chỉ huy cho chính mình. Vì không biết sự khác biệt trong quan điểm giữa MacArthur và Walker là rất lớn, nên ông e ngại phản ứng của MacArthur một khi đề xuất thôi chức Walker. Liệu rằng MacArthur, một người luôn nhạy cảm với Washington, sẽ xem ông là một phần tử xung kích của Truman hay một tay cơ hội chủ nghĩa không? Ông quyết định trao đổi thêm với Harriman, ông này vốn cũng đã kinh qua một nhiệm vụ cao cấp, đầy khó khăn và nghi ngờ hồi thập niên 1930. Trong những cuộc trao đổi quyết định, cũng như tướng Lauris Norstad – một sỹ quan không quân, thành viên thứ ba trong tổ công tác – Harriman tin rằng Walker nên ra đi, nhưng cần phải thực hiện cẩn trọng trong thời điểm này, hoặc phải do chính MacArthur đưa chủ đề đó ra, như Norstad tin, bất kỳ thảo luận nào phải được đề xuất từ viên chỉ huy. Họ không muốn bị xem là do Washington gửi đến để công kích quyền chỉ huy của ông ta.


Trung trướng Matthew Rigdway

Harriman đề nghị, tốt hơn là Ridgway nên thảo luận vấn đề Walker với các quan chức cao cấp ở Washington, trong đó có cả chính tổng thống, và rồi đưa ra khuyến nghị theo các kênh thích hợp. Trớ trêu thay, như Clay Blair sau này đã chỉ ra, chính MacArthur cũng đã mất tin tưởng vào Walker và đang suy nghĩ việc thay thế ông ta, MacArthur cũng tin rằng Ridgway là ứng viên tốt nhất cho vị trí đó. Giả mà Ridgway thực sự thay cho Walker vào lúc này thì, Blair viết, “các sự kiện ở Triều Tiên sẽ diễn biến khác đi và thuận lợi hơn cho quân đội Mỹ”. Vì Ridgway có thể vững vàng trước MacArthur còn Walker thì không, vì Ridgway có thể độc lập với Tokyo hơn Walker, có mối quan hệ với Washington tốt hơn; và gần như chắc chắn rằng sẽ thận trọng hơn trong việc bắc tiến sau khi vượt qua vĩ tuyến 38.

Trên đường về Washington, Larry Norstand thúc Ridgway về vấn đề nắm quyền ở tập đoàn quân 8. “Tôi nghĩ anh nên làm tư lệnh đơn vị đó”. Nhưng Ridgway, cực kỳ nhạy cảm với ý tưởng rằng ông dựa vào vị trí cao và đòn bẩy mạnh của Lầu Năm Góc để tiếm quyền chỉ huy của một người khác, nên đã cưỡng lại. “Làm ơn đừng nhắc tới việc đó. Làm như tui đến đây để kiếm việc, tui không phải vậy”. Còn có một vấn đề khác mà Ridgway ghi nhận lại, nhưng miễn cưỡng đề cập. Là ông rất hồi hộp trước thông tin của MacArthur về kế hoạch đổ bộ đường thủy lên sau tuyến quân địch vào một nơi có tên là Inchon – Ridgway là một sỹ quan dù và ông thích cái ý tưởng về cuộc tấn công bất ngờ cách xa nơi quân địch mạnh – nhưng ông lo ngại những khó khăn gặp phải đi làm việc với một sỹ quan quá cao cấp như MacArthur, mà ông này thì về mặt vật lý cách rất xa cái chiến trường xa lạ, hung tợn và đau khổ đó.

Trên thực tế là quyền chỉ huy [tập đoàn quân 8] gần như đã chuyển cho Ridgway tại lúc đó. Harriman đã thúc rất mạnh cho việc này. Đề nghị của ông đã tiếp cận đến Truman, Louis Johnson – bộ trưởng quốc phòng; Omar Bradley – chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân; và Joe Collin – tham mưu trưởng lục quân. Mọi người đều đồng ý với nước cờ đó, bởi vì nó sẽ đưa một tư lệnh trẻ xuất sắc nhất Hoa Kỳ vào cuộc và một lợi điểm khác – dù không ai thực sự nói ra miệng – là giảm bớt khả năng MacArthur tự tung tự tác. Ridgway là một sỹ quan mạnh mẽ tới mức ngay cả những người kiêu ngạo như Douglas MacArthur cũng sẽ thấy khó khăn hơn trong việc vượt mặt ông ta. Nhưng Joe Collin đã đưa Ridgway danh sách cán bộ nguồn cho vị trí phó tham mưu trưởng vào năm 1951 và lo rằng ở Triều tiên thì “cậu có thể bị mắc míu vào đó và tôi không thể lôi cậu ra được”. Đó là một góc nhìn kỳ lạ với vị trí tư lệnh ở duy nhất một cuộc chiến mà nước Mỹ dính vào, rõ ràng nó phản ánh niềm tin sâu xa ở Washington rằng đó vẫn có thể là vòng sơ loại, còn đòn tấn công lớn thật sự của kẻ thù sẽ nhanh chóng nổ ra ở châu Âu. Trong số những người nghĩ rằng điều này là sự thực, có Rigdway, chính ông.

(hết chương 10)
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM