Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:05:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91106 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #180 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:30:06 am »

Người Trung Hoa hiểu rõ những gì xảy ra trên chiến trường; còn lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì không. Một trong những vấn đề trong các hệ thống độc tài toàn trị như Bắc Triều Tiên là những tin xấu sẽ không được đưa chính xác từ chiến trường đến chỉ huy cấp cao. Trong các xã hội dân chủ điều này cũng có thể đúng, nhưng nó còn đúng hơn trong một hệ thống tôn ti thứ bậc như ở Bắc Triều Tiên. Thay vì đó tin tức được giảm nhẹ bớt theo từng nấc đi lên. Ngày 4 tháng Chín, đặc sứ của Mao Trạch Đông, Zhai Junwu nói với Kim Nhật Thành rằng cuộc chiến đã bị khóa vào thế bế tắc trong khu vực Pusan, nhà lãnh đạo Triều Tiên không tin. Ông bảo với đại diện Trung Hoa rằng cuộc đại công kích của ông mới vừa bắt đầu và đó sẽ nhanh chóng phá vỡ thế bế tắc. Rồi khi Zhai lưu ý về khả năng có một đòn đột kích của Hoa Kỳ lên phía sau tuyến quân Bắc, Kim trả lời rằng: “Chúng tôi ước lượng rằng hiện nay một cuộc phản công phía Hoa Kỳ là không thể thực hiện; chúng không có đủ quân hỗ trợ và bởi vậy một cuộc đổ bộ lên các cảng phía sau của chúng tôi là rất khó”. Choáng váng trước câu trả lời, Zhai quay về Bắc Kinh vào ngày 10 tháng Chín, năm ngày trước trận đổ bộ Inchon, và rồi quay lại Bình Nhưỡng lần nữa. Ông mang theo lời đề nghị khẩn thiết từ Chu Ân Lai, rằng Kim Nhật Thành triển khai một cuộc rút lui chiến lược. Kim đáp lời: “Tôi không bao giờ xem xét việc rút lui”. Zhai rất bực bội với câu trả lời, và rồi ngày 18 tháng Chín, ba ngày sau trận đổ bộ Inchon diễn ra hầu như không có sự đánh trả, ông gặp một đại diện cao cấp của Liên Xô và đề nghị lần nữa, rằng quân Bắc Triều Tiên nên lui về, tái lập đội ngũ ở miền bắc, và làm cho phương Tây sợ rằng người Hoa hoặc người Nga có thể tham chiến.


Bản đồ hành quân đường thủy trận đổ bộ Nhân Xuyên

Bản thân trận đổ bộ – 13,000 quân đánh vào con đê biển và cầu tàu – rồi tiến nhanh về Seoul sau đó, không chỉ là thứ MacArthur đã lên kế hoạch mà là cả trong giấc mơ của ông. Những điều kiện thực tế cho thấy tốt hơn mong đợi, những kháng cự ban đầu là khá yếu ớt; kế hoạch do Doyle lập rất có nghề và rất chi tiết, đồng thời các vị thần chiến tranh đã ưu ái họ theo một cách rất định mệnh: họ cho xuống một vị chỉ huy quân địch cẩu thả: Kim Nhật Thành. Cảng Inchon thọc ra ngoài vịnh như một ngón tay cụt. Cách mười dặm về phía đông là phi cảng Kimpo, và thêm năm đến sáu dặm về phía đông, tùy theo đường đi, chính là Seoul. Hai trung đoàn TQLC, trung đoàn Một và trung đoàn Bảy, đã chiếm Inchon, sau đó là Kimpo và rồi vượt sông Hàn qua phía đông, tiến chiếm Seoul. Rất nhanh sau đó, họ liên lạc được với tập đoàn quân Tám của Walker, lúc này có lẽ đã đột phá được từ những vị trí bên sông Naktong và nhanh chóng bắc tiến với một tốc độ còn cao hơn.


Lúc đầu, thiệt hại của TQLC là rất nhẹ: không ai bị chết khi tấn công đảo Wolmi-do, nơi mở ra lối vào cảng, và tính hết ngày thứ nhất chỉ có 20 lính Mỹ chết. Dần dần, khi quân LHQ tiến về Seoul, sức kháng cự tăng lên. Và khi điều này xảy ra, sự căng thẳng giữa Almond, tư lệnh quân đoàn 10, và O.P.Smith sư đoàn trưởng sư đoàn Một TQLC, một đơn vị trong quân đoàn, thêm phần sâu sắc. Almond bắt đầu yêu cầu những thắng lợi nhanh chóng, trong khi Smith thì lại cố hoàn thành những nhiệm vụ có độ khó ngày càng tăng mà không phải hi sinh sinh mệnh lính tráng một cách không cần thiết, Smith cho rằng yêu cầu của Almond là phi thực tế. Smith (và hầu hết các sỹ quan TQLC cao cấp khác) bắt đầu cho rằng Almond là một viên chỉ huy không thực tế, một tay chỉ biết nghe theo cấp trên và bất cẩn với lệnh lạc của mình, vô tình với sinh mạng lính dưới quyền, mà lại, rất, rất quan tâm tới việc PR. Những mầm mống của sự chia rẽ đã có từ trước lâu. Ngay hồi đầu, những sỹ quan hàng đầu của TQLC đã cảm nhận rằng Almond, vốn chưa từng tham gia một trận đổ bộ đường thủy nào trong đời, đã tối thiểu hóa những nguy hiểm và khó khăn, không hiểu đúng những nhu cầu của họ, và không chịu lắng nghe bất cứ ai dưới quyền. Hai sỹ quan đó còn có nhiều khác biệt. Almond là một gã càn rỡ có chủ đích; còn Smith, người ít có uy tín nhất trong các tư lệnh TQLC, thì không quá sôi nổi và chuyên nghiệp. (Thực vậy, tên lóng của ông, mà hông ai dám dùng trước mặt ông là: Giáo sư). Trong sự căng thẳng đó cũng có phần do những khác biệt về mặt bản chất của việc chỉ huy Lục quân và chỉ huy TQLC. Lục quân thì rất lớn, và quan hệ giữa các tư lệnh với lính tráng thường không nhiều tình cảm riêng tư; còn TQLC là một quân chủng nhỏ, nên quan hệ giữa sếp và lính mật thiết hơn, thật vậy rất mật thiết. Bên cạnh đó, O.P. Smith còn là một người cẩn thận hơn so với trung bình các sỹ quan TQLC khác. Ông đã là phó sư đoàn trưởng sư đoàn TQLC số Một từ tháng Mười năm 1944, lúc họ đổ bộ lên đảo Peleliu. Đó là một trong những trận đánh ác liệt nhất, thương vong nhiều nhất trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Đó cũng là một lần tình báo tính sai nghiêm trọng, và TQLC, sau khi đổ bộ lên, nhận ra họ đối mặt với chừng 9000 quân Nhật trong hầm hào được chuẩn bị cực kỳ cẩn thận. Cái kinh nghiệm đó tác động lên ông mãi mãi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #181 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:34:30 am »

Nếu quan hệ giữa các chỉ huy bắt đầu xấu, thì nó sẽ tan đi một khi trận đánh bắt đầu. Thật vậy, mối cừu hận, như theo cách dùng từ của nhà sử học TQLC Edwin Simmons, rốt cuộc đã trở thành “chất liệu huyền thoại”. Simmons đã từng chiến đấu ở trận Inchon và trận hồ Chosin khi còn là một sỹ quan TQLC trẻ, cho rằng một phần không nhỏ của sự căng thẳng có nguồn gốc từ hồi Thế Chiến II, do sự khác biệt trong chiến đấu ở hai chiến trường rất khác nhau. Những người thuộc Lục quân chiến đấu với quân Đức ở châu Âu thường đi cùng hỏa lực áp chế vượt trội, và một khi một đơn vị Đức bị đánh gục, một số lớn sẽ đầu hàng và nhóm còn lại sẽ nhanh chóng tháo lui, điều này cho phép quân Đồng Minh tiến nhanh lên phía trước để phát huy chiến quả. Còn với chiến trường Thái Bình Dương, TQLC và Lục quân, lại phải chiến đấu nghèo nàn hơn nhiều, và một khi quân Nhật rút, họ cũng thực hiện việc đó rất chậm, tốc độ tiến của quân Đồng Minh dường như được tính từng thước, trong khi chỉ có rất ít quân Nhật đầu hàng.

Smith cảm báo cho Almond đừng có để cảm giác dễ dàng của trận đổ bộ Inchon đánh lừa, rằng họ chỉ áp đảo những đơn vị bé nhỏ quân hạng kém, nhưng còn chiếm Seoul là một vấn đề khác hẳn. Ông nói, dựa trên những kết quả trinh sát sơ bộ, có chứng cớ cho thấy thành phố được phòng thủ mạnh bởi hằng ngàn lính tinh nhuệ Bắc Triều Tiên. Smith đã dự đoán chính xác. Nguyên ủy ban G-2 của MacArthur ước lượng có chừng 6 đến 7000 lính địch trong vùng Inchon-Seoul, nhưng lúc quân LHQ tấn công Inchon, Kim Nhật Thành đưa chừng đến thêm khoản 20,000 quân, một sư đoàn đủ cùng với 3 trung đoàn độc lập, đến vùng Seoul. Cuối cùng lên đến 35 – 40,000 quân phòng thủ cho thủ đô của miền Nam, một số là lính mới, nhưng họ chiến đấu rất hăng. Con đường dẫn đến Seoul, như Smith sau này ghi lại vắn tắt là “một trong những chiến dịch hành tiến, trong tin tức thì dễ dàng hơn thực tế nhiều”. Phía Mỹ chỉ vượt trội chút ít về quân số. Nhưng họ hơn hẳn về vũ khí trang bị và hỏa lực. Phía Bắc Triều Tiên thì có điểm lợi là chiến đấu phòng ngự. Trong thành phố, phải chiến đấu trên các đường phố, đó là một lợi điểm không nhỏ. Điều này có nghĩa là cuộc chiến đấu sẽ khó khăn và tổn thất nhiều, và bởi quân Mỹ dựa nhiều vào các loại vũ khí hạng nặng, nên phần lớn thành phố chắc chắn sẽ thành đống gạch vụn. Nhưng khi cuộc công kích chậm lại, cứ mỗi trăm thước đất lại phải trả giá đắt hơn, áp lực lên Smith tăng lên, và Almond trở nên gay gắt hơn, phản ánh lại áp lực từ MacArthur. Almond không hài lòng với tốc độ tiến của Smith, và ông bắt đầu – việc này còn lặp lại trong vài trận đánh khác về sau – làm như một sư đoàn trưởng, ông bay khắp nơi trên chiếc phi tuần nhỏ, ra lịnh trực tiếp đến từng trung đoàn, tiểu đoàn, thậm chí cả từng đại đội trưởng của Smith mà không thèm thông qua sư đoàn bộ. Ông muốn thể hiện rằng ông là một sỹ quan chiến thuật tài ba, và ông bay trên chiến trường, gọi điện xuống chỉ đạo bất kỳ đơn vị nào ông phát hiện ra dưới cánh bay. Smith giận dữ phản đối việc Almond xâm phạm vào quyền chỉ huy của ông. “Nếu ngài ra lệnh cho tôi, tôi sẽ cho thực hiện”, có lúc ông nói với Almond, nhưng không có gì khác xảy ra. Almond vẫn tiếp tục chỉ đạo quân của Smith. Tên mã của Almond là Fitzgerald, và cuối cùng Smith phải lịnh cho đại tá Alpha Bowser, trưởng phòng G-3 của ông, rằng ông không chấp nhận bất kỳ mệnh lệnh nào trong chiến đấu từ Fitzgerald mà không thông qua sư đoàn bộ.

Điều làm cho hai vị tướng căng thẳng với nhau nhất chính là việc Smith tin rằng áp lực đấy là sai lầm, rằng nó không phản ánh nhu cầu cho một chiến thắng nhanh chóng trên chiến trường theo cái nghĩa cắt đứt quân Bắc Triều Tiên, mà thay vào đó là một trận vu hồi, cho thấy sự ám ảnh của việc PR, một yêu cầu bất biến của sở chỉ huy MacArthur về danh tiếng. Ở đây sự chỉ huy của Tokyo và của Washington bị chia rẻ nghiêm trọng: Smith, Walker và Hội đồng tham mưu Liên quân nhìn từ xa từ Washington, tin rằng sẽ là khôn ngoan nếu bỏ qua Seoul, chỉ cô lập nó, và nhanh chóng tiến về phía đông để hội quân với các lực lượng của Walker đang tiến lên phía bắc.  Với việc này, họ hi vọng có thể sẽ không chỉ có một chiến thắng lớn mà còn có thể vây được rất nhiều quân Bắc Triều Tiên. Việc đánh bại Seoul như là mục tiêu tối thượng của trận đổ bộ, theo họ chỉ là nỗi ám ảnh của MacArthur và Almond, bởi việc này sẽ cho phép nhiều quân Bắc Triều Tiên thoát ra được. Nhưng họ biết rằng MacArthur muốn chiếm Seoul trong hoặc trước cái ngày rất có tính biểu tượng, ngày 25 tháng Chín, tròn ba tháng tính từ ngày quân Bắc đầu tiên vượt qua vĩ tuyến 38. Nguyên MacArthur muốn ngày 20 tháng Chín là ngày Seoul được giải phóng, nhưng Almond báo với ông phải ngoài ngày đó. Với Smith, Almond đã mạo hiểm đơn vị TQLC của ông một cách không cần thiết chỉ vì đôi dòng tin thêm trên báo ở quê nhà bởi thượng cấp của ông ta muốn thế. Ông không ấn tượng. Với ông, đó là một thứ mánh quảng cáo, không hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #182 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:39:31 am »

Trong lúc đó, sở chỉ huy MacArthur đang thêm phần thất vọng về Johnie Walker và tập đoàn quân Tám, đơn vị này gặp những vấn đề ban đầu khi phá vây từ các vị trí của họ ở trên tuyến Naktong. Nhưng sự thất vọng của họ chẳng là gì so với những cảm giác của Walker. Khi Walker nhận được những báo cáo đầu tiên về trận Inchon vào ngày 17 tháng Chín, ông nhận ra việc phòng thủ bị xem nhẹ thế nào, và ông nổi giận. “Họ cấp đạn dược để giết một nhúm tân binh ở Wolmi-do và Inchon nhiều hơn những gì tôi được cấp để đánh bại tới 90% lượng quân Bắc Triều Tiên”, Walker nói với một người bạn sau khi nhận báo cáo. Ông cũng biết ở nhiều nơi lính ông đã gặp khó khăn khi phá vây dọc tuyến Naktong. Ông tin là con sông, đã phục vụ cho quân ông như là một chướng ngại vật phòng thủ to lớn để chống lại quân Bắc Triều Tiên tấn công, nhưng nếu nó đã bảo vệ cho lính ông trước bộ đội miền Bắc bao nhiêu thì giờ nó cũng làm cho họ chậm chạm bấy nhiêu khi đuổi theo quân Bắc. Điều làm ông giận dữ là áp lực từ thượng cấp lên ông, và sự thiếu thốn quân bị của ông, đặc biệt là thiết bị bắt cầu. Ưu tiên một là cấp cho quân đoàn 10 để vượt sông Hàn, ở đó toàn bộ cầu đã bị nổ bay hết. Điều làm Walker điên máu là những quyết sách này, về cơ bản do tham mưu trưởng Almond đề ra từ sở chỉ huy của Almond-tư-lệnh-quân-đoàn, vậy đó, ông cảm thấy đây là một cuộc chơi triển khai đế chống lại ông.

MacArthur và ban tham mưu của ông không có những thứ này trong báo cáo. Ở một cuộc họp tham mưu tổ chức trên boong chiến hạm Mount McKinley ngày 19 tháng Chín, với sự hiện diện của nhiều chỉ huy cao cấp Hải quân và TQLC (“gần như là một cuộc họp công cộng” Clay Blair ghi nhận), MacArthur đã nói khá công khai và trong cái cách rất cá nhân về sự thất vọng của ông với Walker và rằng sẽ thay ông ta bằng một ai đó mạnh mẽ hơn. Với Walker, điều này cho thấy một sự xúc phạm phẩm giá quá lớn. Ông gọi Doyle Hickey, tham mưu trưởng tạm quyền, và ráng giải thích tại sao quân ông tiến chậm là có lý do: “Gần đây chúng tôi như là con rơi” ông nói với Hickey “khi thiết bị công binh của chúng tôi còn chưa được quan tâm thì chúng tôi còn trong tình trạng tệ hại”. Rồi ông nói thêm: “Tôi không muốn anh nghĩ là tôi đang lề mề lê gót, nhưng tôi có một con sông chắn trên toàn tuyến mặt trận, và chỉ có hai cây cầu, tôi không có nhiều hơn”.

Nhưng ngay cả khi MacArthur phàn nàn về Walker thì TQLC cũng bắt đầu tiến chậm lại bởi họ đối diện với sức kháng cự mạnh hơn mức Tokyo đã dự báo. Almond muốn một sự đảm bảo chính thức từ Smith rằng TQLC có thể chiếm được Seoul đúng kỳ hạn. “Tôi nói [với Almond] rằng tôi không thể đảm bảo gì hết. Điều đó phụ thuộc vào quân địch. Tôi sẽ làm mọi thứ tốt nhất có thể và sẽ tiến nhanh nhất có thể” sau này Smith nói. Và đó không là một câu trả lời Smith muốn có. Giả mà Smith là một sỹ quan lục quân, chắc ông đã bị thay ngay tại chỗ. Rất nhanh sau đó, Almond đưa ra một bản kế hoạch tác chiến của ông nhằm đẩy nhanh tốc độ, nhưng kế hoạch đó, theo nhận định của Smith là nguy hiểm bởi đã tách các lực lượng Mỹ ra thành nhiều đơn vị nhỏ hơn là tận dụng tối đa khả năng hỏa lực vượt trội của họ. Một khía cạnh của kế hoạch Almond làm Smith đặc biệt lo – là rất có thể rằng lính Mỹ tấn công từ nhiều hướng đối diện của thành phố và khi kết thúc, giữa chiến trường lộn xộn, họ có thể bắn nhầm vào nhau. Ông hầu như bác bỏ kế hoạch của Almond – một kế hoạch ông tin là hoàn toàn nghiệp dư. Đây là một sự bất đồng quan điểm nghiêm trọng – một sư đoàn trưởng bác kế hoạch tác chiến của quân đoàn trưởng –  ông đến rất gần mức không phục tùng thượng cấp.

Một số TQLC đã đến được vùng ngoại ô của thủ đô vào ngày 25 tháng Chín, và như vậy Almond có thể cho đội ngũ tuyên truyền của mình hô lên rằng thành phố đã bị chiếm. Điều này cách khá xa sự thật với những quân binh vẫn còn chiến đấu nơi đây. Một phóng viên hãng Associated Press nêu trong bản tin ngày hôm sau rằng: “Nếu thành phố đã được giải phóng, thì những tay lính Bắc Triều Tiên còn ở đây vẫn không biết về điều đó”.Thực tế là cuộc chiến đấu ác liệt vẫn tiếp tục mãi đến ngày 29 tháng Chín. Cuối cùng người Mỹ đã chiến thắng bởi hỏa lực kinh khủng, nhưng họ cũng đã phá nát cả thành phố trong quá trình đó. Thành phố Seoul được chiếm, như phóng viên người Anh Reginald Thompson viết rằng nó là “một cảnh tượng kinh khủng của sự hỗn loạn và tàn phá với tiếng bom chát chúa trên đầu, với ánh chớp tím bầm của pháo xe tăng, tiếng vỡ vụn của những ngôi nhà gỗ cháy rực, máy điện báo, cột ăn ten cao tần gãy gục trong mớ bùng nhùng dây nhợ…chẳng mấy nhăm người cho rằng sự kinh hoàng này là giải phóng”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #183 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:48:56 am »

Trận chiến dữ dội, đầy thiệt hại diễn ra trong khi mối quan hệ giữa Almond và TQLC có vấn đề đã đưa lại những hậu quả nghiêm trọng. Almond muốn có Seoul cho MacArthur đúng hạn. Như Clay Blair viết, ông đã thể hiện như những gì ông đã từng trong Thế Chiến II. “Đòi hỏi khắt khe, ngạo mạn và thiếu kiên nhẫn”, ông có khuynh hướng chia nhỏ các đơn vị của mình ra, và đưa lên phía trước mà không có dự bị thích hợp hoặc quan tâm nhiều đến việc có ai, nếu giả sử rằng có, ở hai bên cánh. Sau này Blair viết, ông ta “can đảm tới mức thiếu thận trọng, và muốn mọi người cũng thế. Nhưng quan điểm này được diễn giải bởi nhiều sỹ quan dưới quyền ở góc độ là nhẫn tâm với thương vong và an nguy của binh lính”. Ông cũng “đặt tầm quan trọng của việc chiếm nhanh chóng Seoul vì yếu tố tâm lý hoặc PR hơn việc tạo ra một phòng tuyến mạnh (như một cái đe) để ngăn chặn việc đào thoát về phương bắc của lính Bắc Triều Tiên”. Với nhiều nhà phê bình, những gì ông đã làm sau thắng lợi ban đầu của trận Inchon là vấn đề nghiêm trọng nhất. Bởi do điều đó mà rất nhiều quân địch đã xoay sở để thoát ra hỏi cái bẫy lẽ ra nên chăng ra. Johnie Walker phẫn nộ gọi lén quân đoàn X là “lữ đoàn PR”. Nhưng cho dù đó không là một thành công chiến thuật mỹ mãn như nó có thể, thì trận Inchon vẫn là một chiến thắng ngoạn mục và là một chiến thắng mang dấu ấn cá nhân của MacArthur, một điểm cao trong binh nghiệp của ông. Nó làm đổ vỡ tinh thần của quân đội Bắc Triều Tiên và mở toan toàn bộ Nam Hàn cho các đơn vị của ông.

Bởi trận Inchon quá thành công nên nó thay đổi bản chất mệnh lệnh của MacArthur. Trước hết là có những kỷ lục được xác lập. Đó là số người được tặng thưởng vì trận Inchon, và số người từng nghi vấn về nó giờ phải trả giá cho việc thiếu niềm tin. Ngay sau khi Seoul được giải phóng, phi công của Walker, Mike Lynch, nhìn với sự hoài nghi vào MacArthur khi ông này bước xuống từ máy bay ở phi trường Kimpo vừa được giải phóng, MacArthur bước vượt qua Walton Walker, vị tướng ba sao đã quả cảm cùng các đơn vị của mình giữ Pusan (sau những trận đánh nguy hiểm nhất từng có trong tất cả những cuộc xung đột), làm Walker mất mặt, và chỉ nồng nhiệt chào Almond. Ông nói: “Ôi Ned, con trai tôi”. Sự hắt hủi này rõ ràng là một trừng phạt cho việc Walker đã ở cùng phe với Joe Collins và những vị khác trong Hội đồng tham mưu Liên quân khi cho ý kiến về chiến dịch Inchon, nhưng còn có một điều tệ hơn sẽ đến, một hành động mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho tất cả các lực lượng của LHQ. Walker cho rằng sau trận Inchon, quân đoàn 10, vốn được cho mượn, sẽ trả về cho ông, nằm trong đội hình tập đoàn quân Tám. Nhưng giờ đây ông nhận thấy việc này sẽ không xảy ra. Almond vẫn sẽ làm tư lệnh chiến trường của quân đoàn 10 đồng thời với  cương vị tham mưu trưởng BTL Viễn đông. MacArthur đang lên kế hoạch để chia bớt quyền chỉ huy của ông khi họ bắc tiến.

Nguyên thủy cái quyết định giao quân đoàn 10 cho Almond cũng đã làm rất nhiều tướng lĩnh cao cấp ở cả Washington và Tokyo quan ngại, lúc đầu nó được xem như là một bước tạm thời, phù hợp cho tình huống bất thường tại thời điểm đó. Bởi đơn giản là Walker đã bị ngập vào trong công việc phòng thủ Pusan, và sở chỉ huy của MacArthur thì chẳng có mấy người giỏi. Còn giờ đây, Almond vẫn tiếp tục giữ vững quyền chỉ huy quân đoàn 10, một đơn vị độc lập và không trở về lại với Walker. Nếu có điều gì, thì đó chính là việc lúc này Walker lại phải đua tranh với đơn vị của Almond trong cuộc đua lên phương bắc – và một trận đổ bộ đường thủy kế tiếp hiện đang được lên kế hoạch cho quân đoàn 10, lần này là vào Wonsan, phía bắc vĩ tuyến 38 bên bờ biển phía đông. Và trong cơn phấn kích sớm của một dấu hiệu chiến thắng, MacArthur càng giữ được nhiều quyền chỉ huy hơn. Cùng lúc đó, theo một cách định mệnh, những thứ sai lầm bắt đầu xảy ra. Trong thời điểm quyết định này, thay vì dùng cảng Inchon mới chiếm được để chuyển đồ tiếp vận vào thì họ lại dùng để đưa quân và trang bị ra. Thay vì từ Seoul tiến ra phía đông và tạo một gọng kềm khổng lồ vây những đơn vị Bắc Triều Tiên đang rút chạy, các lực lượng của MacArthur lại sử dụng cái thời điểm then chốt này để đủng đỉnh, vụng về chuẩn bị cho quân đoàn 10 trận đổ bộ kế tiếp, lúc này họ đang lên tàu ở Pusan và trực chỉ đến Wonsan. Có nhiều đơn vị Bắc Triều Tiên ráng trốn về phương bắc trước sự truy kích của quân Walker, nhưng rồi lại quân Walker lại vướng phải sư đoàn Bảy – một bộ phận của quân đoàn 10 – đang xuôi nam về Pusan để tham gia trận tấn công đường thủy kế tiếp, sư Bảy được quyền ưu tiên dùng đường. Thế là trên con đường tiếp vận chính bé xíu đó, bất kỳ đoàn xe nào tiến lên phía bắc cũng phải nhường đường cho sư đoàn Bảy đang di chuyển xuống phía nam, và như thế vi phạm nguyên tắc cơ bản của lục quân: không bao giờ để mất dấu kẻ địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #184 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:52:59 am »

Trên thực tế, trận Wonsan là một thảm họa ngay từ khi mới bắt đầu. Phía Hải quân kinh hoảng với ý tưởng đó. Đô đốc Turner Joy, người chịu trách nhiệm, không muốn tham gia vào đó, bởi sợ, mà sợ đúng, rằng cảng Wonsan đã bị gài đầy mìn. Ông ráng xin gặp MacArthur ở Tokyo để phản đối, nhưng không được cho gặp. Nhìn góc nào đi nữa thì trận tấn công đổ bộ đường thủy ở Wonsan cũng như một trò đùa. Nhiệm vụ này có thể hoàn thành dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều, bằng cách dùng một trong các đơn vị của Walker đơn giản thọc lên phía bắc theo cách thông thường.  Thay vào đó mọi thứ đều sai lầm. Các nhà lập kế hoạch không kịp tiến độ, chậm trễ nối tiếp chậm trễ. Các đơn vị bạn đến được Wosan trước. Còn nhục nhã hơn, những đơn vị Nam Hàn thuộc sư đoàn Ba và sư đoàn Thủ đô đã đến đó hồi ngày 10 tháng 10 mà hầu như không gặp kháng cự. Ngày kế đó, Walker bay đến thành phố cảng cùng với thiếu tướng Earl Patridge, tư lệnh không quân trên chiến trường. Nhận thấy phi trường đã được giải tỏa, Partridge bắt đầu dùng phi cơ vận tải để tải hàng hậu cần cho quân Nam Hàn. Cuối cùng đến tận ngày 19 tháng Mười, tàu quân sự mới mang được TQLC đến cảng Wonsan. Nhưng đô đốc Joy vẫn đúng, lúc này phía Cộng sản đã cài chừng 200 quả thủy lôi ở cảng, mà hải quân chỉ có 12 chiếc tàu rà mìn trong tay. Thế là TQLC ở lại trên tàu và chờ tàu phá mìn chậm chạp làm sạch luồng cảng. Rất nhanh, vì chờ quá lâu, nên nhiều lính TQLC bị say sóng. Rồi một làn sóng bệnh lỵ quét đến. Trong một chiếc tàu vận tải khổng lồ, 750 lính TQLC nằm dài ra đó. Khi lính TQLC biết được lính Nam Hàn đã chiếm cảng rồi, họ gọi chiến dịch đổ bộ của họ là “chiến dịch Yo-Yo”. Lời sỉ nhục cuối cùng cho những đơn vị kiêu hãnh đó đến từ Bob Hope, một kịch gia nổi tiếng thường đi giải trí cho binh sỹ ở chiến trường, ông đến Wonsan và diễn một sô USO dự kiến dành cho TQLC, nhưng họ vẫn còn ở ngoài cảng, trên các chiến hạm. Ở đó, trên một sân khấu dựng tạm trong một nhà kho cảng Wonsan, Bob Hope diễu hề rằng đây là lần đầu tiên ông đánh bại TQLC trên bờ. “Thật tuyệt khi gặp các bạn ở đây”, ông nói với một nhóm nhỏ khán giả gồm các đội bảo trì, lính Nam Hàn, và vài lính hạm tàu. “Chúng tôi sẽ mời bạn đến chỗ đổ bộ của chúng tôi”. Chỉ đến ngày 25 tháng Mười, hai tuần sau khi lính Nam Hàn đến, TQLC mới được lên bờ.

Nhưng mối nguy thực sự – hầu như mọi người ở Washington và Tokyo đều biết – đó không phải là trận đổ bộ Wonsan mà là sự phân rã quyền chỉ huy. Trong tất cả luật bất thành văn của học thuyết lục quân Mỹ, điều này có lẽ là bất khả xâm phạm. Đó là điều không được làm. Một khi quân nhân Mỹ nghĩ đến việc chia rẽ quyền chỉ huy, họ nghĩ ngay đến sự hủy diệt của quân George Armstrong Custer trong trận Litter Big Horn. Trong tương lai, cùng với Custer, họ sẽ còn có thêm cái tên Douglas MacArthur và Ned Almond trong suy nghĩ cùng với những bi kịch ở dọc sông Chongchon và sông Áp Lục. Kể từ đây Douglas MacArthur đưa quân của mình vào một vùng đất thù địch, nguy hiểm và khó khăn không nói hết bằng lời (như điều kiện thời tiết mà ông ta đã có lần nêu lên, bắt đầu chống lại họ), và ông cũng rõ ràng là tạo ra gấp đôi khả năng dễ tổn thương của mỗi bộ phận trong lực lượng của ông. Điều này cho thấy rất nhiều mặt thiếu giỏi giang của Douglas MacArthur, nhưng còn tệ hơn, nó phản ánh cho thấy sự thiếu tôn trọng của ông với một kẻ địch tiềm tàng: người Trung Hoa. Mà kẻ địch đó đã nghiên cứu về ông rất kỹ càng, nhưng ở phía ngược lại ông không chịu hạ cố làm, thế là quân binh dưới quyền chỉ huy của ông phải hứng chịu những bất cẩn của ông một cách cay đắng.

Và còn một điều cũng không phải là một vấn đề kỹ thuật nhỏ có thể bỏ qua. Đó là khi MacArthur cho phép Almond một lúc giữ hai chức, không ai có thể tin nổi ông ấy đang làm gì. Theo cách nói của Jack Murphy, thời đó là một trung úy trẻ, rồi sau này là một nhà nghiên cứu chiến tranh nghiêm túc, thì đó: “Có lẽ là sự xung đột lợi ích lớn nhất nằm ở cao tầng quân đội Mỹ mà tôi từng biết”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #185 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 01:57:42 am »

Những mối quan ngại về cấu trúc chỉ huy đó treo lơ lửng trên đầu quân Mỹ đang bắc tiến. Hơn nữa, rất nhiều người vơ vẫn trong các loại sở chỉ huy và nhìn những tấm bản đồ có đánh dấu các đơn vị Trung Hoa đang đợi ngay trên sông Áp Lục. Lúc giữa trận Naktong, Murphy được gọi về sở chỉ huy Tập đoàn quân Tám. Anh nhìn thấy một tấm bản đồ khổng lồ và mắt anh hút về ba cái hình chữ nhật được bôi đỏ, ngay dọc sông Áp Lục. Rồi ai đó nói cho anh rằng mỗi cái hình chữ nhật đó đại diện cho một đơn vị cộng sản Trung Hoa. Murphy nghĩ rằng điều này có nghĩa là có ba sư đoàn Trung quốc ở đó, một con số đáng kể theo anh, cho đến khi anh biết rằng mỗi cái dấu hiệu đó không phải đại diện cho một sư đoàn, cũng không phải cho một quân đoàn hay một tập đoàn quân (ba sư đoàn thành một quân đoàn, ba quân đoàn thành một tập đoàn quân, và ba tập đoàn quân là một phương diện quân), mà chính là đại diện cho một phương diện quân Trung Hoa, hoặc như cánh tình báo đã cho biết, khoản chừng tổng cộng hai mươi bảy sư đoàn, hay tính vo, là khoản 250,000 đến 300,000 lính. Dù rằng nỗi lo sợ về trận Naktong vẫn còn đó, nhưng chỉ với một cái nhìn vào bản đồ, anh nghĩ, càng lo hơn.

Tại sao MacArthur lại chia quân ra và rồi điều đi theo các cánh khác nhau một cách tự tin đến một khu vực vốn được la lối là cực kỳ đáng quan ngại, không ai có thể hiểu nổi. Về sau ông cũng không nói hay làm điều gì để giải thích thỏa đáng về quyết sách này; cũng không một ai trong ban tham mưu của ông hay các nhà báo đồng cảm với ông viết ra điều gì. Với Matt Ridgway, một khi một quyết định được đưa ra mà không có giác quan quân sự, thì nó phải có một cách giải thích khác, đặc biệt với quyết định của MacArthur, một người không làm việc gì một cách ngẫu nhiên và bởi những hành vi của ông ta luôn mang yếu tố chính trị song hành với quân sự. Bốn mươi năm sau Ridgway đưa ra giả thuyết rằng đó là một dấu hiệu cho thấy MacArthur, sau trận Inchon, nhận ra giờ đây ông ở mức cao như thế nào, nên ông nỗ lực tạo ra một quyền chỉ huy riêng trong một quân đội riêng, ngoài tầm với của Washington và hội đồng tham mưu liên quân, và cả Johnie Walker. Ông đang làm giảm vai trò cũng như sự độc lập của tư lệnh tập đoàn quân Tám mà họ đã giao cho Walker, từ đó tạo dựng ra một hệ thống của riêng ông, một hệ thống mà ông có thể có nhiều quyền điều khiển hơn. Almond chỉ là một công cụ – một con tốt thực thụ – cho việc đó, việc chiếm quyền của hội đồng tham mưu liên quan và của Washington, Ridgway tin vậy, và họ bắt đầu hiểu ra điều ông ấy đang làm quá chậm và quá trễ. Việc chia quyền chỉ huy đã cho ông giữ vị trí cao – còn Washington thì thấp hơn nhiều – với quân đội trên chiến trường. Almond sẽ làm bất cứ thứ gì MacArthur muốn mà ngay cả hỏi lại cũng không. Giả mà cần có những mệnh lệnh, MacArthur muốn được tuân thủ với lòng trung thành mù quáng, thì Almond sẽ làm. Còn Walker là chuyện khác, bởi Walker không là người của MacArthur. Chính chiến dịch Inchon đã phơi bày sự độc lập từ phía Walker. Ridgway tin rằng, việc chia quyền chỉ huy là một toan tính thận trọng nhằm thu bớt sự độc lập của Walker và như vậy sẽ giới hạn ảnh hưởng của Washington lên bán đảo Triều Tiên. Điều này có nghĩa là Walker không còn là một tư lệnh lục quân đơn độc dưới quyền MacArthur, và rằng cánh của ông bị cắt đáng kể; giờ đây MacArthur có một trong hai viên tư lệnh, trên thực tế mà nói dù là tư lệnh quân đoàn nổi danh cũng phải thông qua Almond, với cương vị tham mưu trưởng trong bất kỳ vấn đề nào. Thêm vào đó, bởi Walker bị buộc phải cạnh tranh với Almond trong cuộc đua đến sông Áp Lục; ông có thể sẽ có những mệnh lệnh khó khăn về mặt thời gian khi ép ông tiến xa lên phía bắc; ông có thể sẽ phải phòng vệ trước thượng cấp, giải thích tại sao quân của ông không tiến nhanh bằng Almond.  Ridgway nghĩ, về mặt chính trị, về mặt điều khiển và giữ thêm nhiều quyền lực cho Tokyo, thì đây là một bước đi nguy hiểm, hách dịch và một chiến thắng quyết định trên chiến trường là thứ MacArthur luôn đánh cuộc – một thứ để chống lại Washington. Hội đồng tham mưu liên quân, Ridgway tin, đã thức tỉnh trước sự hàm ý này quá muộn.

(hết chương 20)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #186 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 02:01:11 am »

Chương 21

Mùa thu năm 1950, giấc mơ trở lại đại lục của Tưởng Giới Thạch đã thành vô vọng, đặc biệt khi không có bên nào trong Thượng – Hạ viện, kể cả những người ủng hộ Tưởng điên cuồng nhất, muốn lãnh trách nhiệm về việc đưa con em người Mỹ, mà con số có thể đến hàng triệu, đến chiến đấu ở Trung Quốc. Nhưng giấc mơ về cuộc tái hồi đại lục vẫn là một chủ đề chính trị rất tốt, nó cấp cho kẻ thù của Nhà Trắng một chủ đề công kích tự do không có điểm chót. Đồng minh của họ ở tòa đại sứ Trung hoa Dân quốc tại Washington cổ vũ họ, dù rằng nếu những cán bộ cao cấp trong tòa đại sứ có tin tức hoặc tình báo về những gì có thể gây rắc rối với Hoa Kỳ, họ cũng không luôn nói cho những người bạn Mỹ của mình.

Trong những tuần trước khi người Trung Hoa tham chiến, có hàng loạt sự di chuyển của quân Cộng sản hướng về biên giới Trung – Triều. Những quan chức Dân quốc cao cấp ở Đài Loan cũng như ở tòa đại sứ Washington có những nguồn tin tình báo cực kỳ tốt về sự di chuyển đó, còn quan trọng hơn, gần như nhận biết được khá đúng những gì chính quyền cộng sản dự định sẽ làm. Họ hiểu chính quyền Cộng sản sẽ phản ứng thế nào trước tình trạng sụp đổ ở Triều Tiên, với việc quân đội Mỹ cùng Nam Hàn tiến nhanh đến biên giới Trung Hoa, bởi vì đó cũng chính là điều họ sẽ làm trong tình huống ấy. Trên thực tế tin tình báo của họ còn dựa trên những điểm còn căn bản hơn. Một số cựu đồng nghiệp của họ trong nội chiến bị buộc phải gia nhập quân đội Cộng sản khi các sư đoàn của họ đầu hàng, vẫn có thể chuyển qua vô tuyến những gì họ biết về kế hoạch của các tư lệnh cộng sản của mình. Và các cán bộ Trung Hoa Dân quốc cao cấp cũng có những nguồn tin tình báo cực tốt – từ những cựu quan chức Dân quốc giờ nằm trong các tập đoàn quân Cộng sản và từ những công nhân có cảm tình trong hệ thống đường sắt Trung Hoa cũng như các phần tử khác từ cơ cấu chính quyền cũ. Họ có cảm nhận mạnh mẽ về cuộc xung đột sẽ xảy ra, ngay từ ngày các lực lượng Hoa Kỳ vượt vỹ tuyến 38, và mỗi mẩu nhỏ tin tình báo họ nhận được đều xác nhận cho điều đó. (Chúng ta biết việc này một phần, bởi một số điện tín của họ về việc này cuối cùng cũng bị đưa ra công khai do một người phản tỉnh trong tòa đại sứ ở Washington). Việc Trung Hoa Cộng sản bước vào cuộc chiến Triều Tiên hứa hiện một cuộc xung đột mà phía Dân quốc cực kỳ muốn – vì bất kỳ hi vọng một cuộc trở lại đại lục nào cũng dựa trên giả thuyết về một cuộc chiến với Trung Hoa mới. Đó là hi vọng có khả năng duy nhất của họ cho một chuyến trở về.  Do đó họ không vội vàng báo động cho đồng minh Mỹ về điều sắp sửa xảy ra vì như thế sẽ cho phép tránh hậu quả của một cuộc đụng độ như vậy. Bởi những người ở tòa đại sứ Washington ngụy biện trong những vấn đề Mỹ hơn phía đối tác của họ ở Đài Loan, nên họ đã đau khổ bảo phía người ở Đài Loan giữ im lặng và không chia sẽ những thông tin này với người Mỹ.

Sự quan trọng của tòa đại sứ Dân quốc ở Washington không thể đánh giá thấp đựơc, một phần không nhỏ bởi những nhân vật tuyệt đối giỏi giang ở đó, và một phần bởi đây là một phe cánh quan trọng của cánh hữu chính trị Mỹ, cánh này muốn thổi phồng quan điểm Trung Hoa Dân Quốc. Từ năm 1948, vận động cho việc chấp nhận chính phủ Trung Hoa Dân quốc vẫn tồn tại bất kể mọi tình huống, điều này được triển khai ở Washington nhiều hơn là ở Đài Loan, và những người được ủy nhiệm chính là các chính trị gia Mỹ và báo giới chứ không phải thường dân Trung Hoa. Ở tòa đại sứ Washington, có các đại diện thông minh nhất, những người như Tống Tử Văn, Wellington Koo, họ đã hoạt động với những kỹ năng tuyệt vời. Tháng 5 năm 1949, Eirc Sevareid của đài CBS, ông đã quan sát Trung Hoa từ thế chiến II, tường thuật rằng “chính phủ Dân quốc có tất cả nhưng đã bị phân hủy. Cơ quan đầu não của nó, nếu có, thì nằm chính ở nơi đây, Washington, nơi những nhà vận động và những ủng hộ viên người Mỹ đang cực kỳ bận rộn để cố gắng có được một chương trình viện trợ mới, lớn của Mỹ dành cho Trung Hoa”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #187 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 02:05:23 am »

Những lực lượng dẫn đến cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung quốc mạnh mẽ hơn bất cứ phe nào ở Thái Bình Dương nhận thức được – và Đài Loan, gần như không được người Mỹ biết tới, trở thành một điểm tắc nghẽn lớn từ khi Tưởng Giới Thạch sang cư trú ở đó. Và khi Mao Trạch Đông chiếm được chính quyền, nước Mỹ đã bắt đầu tự tách mình ra khỏi bất kỳ khả năng nào để đàm phán với ông ta. Hoa Kỳ kìm lại việc công nhận chính quyền của Mao, trong khi các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, trong đó có cả nước Anh, đã nhanh chân đi trước, như vậy là nước Mỹ bị cô lập chứ không phải người Trung Hoa bị, đồng thời rõ ràng đã đẩy họ thêm sâu vào vòng tay của Stalin. Thêm vào đó, việc này với Tưởng có ý nghĩa là phòng thủ và bảo vệ ông ta, cũng đồng nghĩa phòng thủ và bảo vệ đảo Đài Loan. Mà chính đảo này, trong những năm trước khi sự thể kết cục ở đại lục, Hội đồng tham mưu Liên quân đã không thấy đảo có chút ý nghĩa quan trọng nào với an ninh quốc gia Mỹ. Hồi tháng Ba  năm 1949, không ít các nhân vật như Douglas MacArthur đã từng nói: “Không có lý do quân sự nào cho việc chúng ta sẽ cần Đài Loan với tư cách là một căn cứ”, một tuyên bố thận trọng được bộ Ngoại giao đưa ra công khai (mà việc này không phải là do sự quý mến của Dean Acheson dành cho viên tư lệnh Thái Bình Dương). Chính sách chiến lược có thể thay đổi, dĩ nhiên là vậy. Giờ đây Đài Loan dĩ nhiên có giá trị cao hơn trước. Nhưng sự đảo ngược chính sách đó, quyết định bảo vệ Tưởng và Đài Loan, mang lại những hậu quả cay đắng. Nó có thể được nhìn nhận như là một sự điều chỉnh tương đối thứ yếu của chính phủ trước những yêu cầu lớn lao khác của người châu Á, nhưng với Mao Trạch Đông và các đồng sự điều này không được nhìn nhận như vậy. Với họ, đó là một sự sỉ nhục lớn. Hoa Kỳ đã chen vào giữa họ và việc hoàn thành công cuộc cách mạng, đặc biệt vào thời điểm người Mỹ cắt đứt mọi kênh liên lạc có thể với họ.  Điều này đồng nghĩa với việc không còn chỗ để đu đưa cho cả hai phía. Ở Washington, chính phủ Truman đã phản ứng lại một cách hết sức bản năng và đưa ra điều mà họ nghĩ là một điều chỉnh địa chính trị thứ yếu; với những người chiến thắng ở đại lục, những gì Washington đang làm đã khiến cho việc giải phóng toàn bộ Trung Hoa trở nên bất khả. Trong mắt họ, đây không gì khác hơn là hành vi của một kẻ địch không đội trời chung.

Từ lúc Tưởng giới Thạch rời đại lục, vấn đề tòa đại sứ Trung Hoa Dân quốc và hội vận động Trung Hoa quan tâm hơn hết là việc giữ Hoa Kỳ không công nhận nước Trung Hoa Cộng Sản. Họ đã rất thành công khi việc công nhận Trung Hoa trở thành một vấn đề chính trị nội địa kéo dài, một vấn đề mà đảng Dân chủ sợ đụng vào trong cả hơn hai thập niên sau đó. Tổng thống Richard Nixon – khi còn là một chính trị gia trẻ ông đã đưa ra quan điểm rằng đảng Dân chủ đã yếu ớt bắt tay với những người Cộng sản tiếm quyền, bởi vậy nên ông ta đã được miễn trừ khỏi chiến dịch truy nã cộng sản – ông phá băng mối quan hệ bằng chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Hai năm 1972, một chuyến đi mà không chính trị gia Dân chủ nào, cho dù tới lúc này có thể đảm nhận mà không bị quy chụp cộng sản, trừ Richard Nixon và một vài người khác. Trong lúc đó có một câu hỏi lạ kỳ mà người Mỹ phải quyết định: Quốc gia nào là Trung Hoa? Phải chăng đó là quốc gia có dân số đông đúc 500, rồi sau này là 600 và nhanh chóng là 700 triệu người, hay là cái đảo nhỏ xíu ngoài khơi cái nước kia với chừng 8 triệu dân, trong đó có 6 triệu là người Đài Loan bản địa và ước chừng 2 triệu người mới từ đại lục chạy qua? Đó là một câu hỏi mà trong một thời gian dài người Mỹ không thể có câu trả lời đúng.

Những câu hỏi về chính sách là nghiêm trọng nhất: phải chăng Đài Loan và Tưởng quan trọng, nếu tiếp tục hành động theo kiểu ăn nằm với họ có thể sẽ đưa đến một chương mới, nguy hiểm hơn trong mối quan hệ của chúng ta với một quốc gia rất quan trọng, vừa mới ra đời với tư cách to lớn ở châu Á? Phải chăng chúng ta còn nợ gì với một nhà lãnh đạo thất bại, người vừa thất bại một cách có hệ thống trước nhân dân của ông ta, người đã coi khinh sự cố vấn của người Mỹ trong lĩnh vực quân sự, chính trị và cả kinh tế, và cũng là người đã phục vụ với tư cách là nguồn cung cấp vũ khí chính cho kẻ thù truyền kiếp của ông ta? Liệu có đáng khi đẩy một quốc gia tuyệt vời, rõ ràng là một thế lực đang lên và tiềm tàng nguy hiểm, mà chắc chắn một ngày nào đó sẽ là siêu cường vào vòng tay của kẻ thù bất cộng đái thiên? Liệu có đáng khi gia cố thêm cho niềm tin của Mao Trạch Đông rằng Hoa Kỳ là một đế quốc mới muốn áp đặt lên nước ông?  Có phải chúng ta đang làm đúng chính xác những gì Mao muốn, trong cơn hoang tưởng của ông về Hoa Kỳ và giúp củng cố quan điểm của ông cũng như các chính sách của ông chống lại chúng ta? Lúc này đó là những câu hỏi rất thực tế, và câu trả lời gần như là không chắc chắn. Nhưng đó cũng là những câu hỏi về an ninh quốc gia bị bóp nghẹt trong thời đó, bị những lực lượng chính trị nội địa cùng với những xúc cảm đè bẹp. Rốt cuộc, chính sách của chúng ta là tiếp tục hỗ trợ cho một chính phủ, đã chết.

 

Không ai cảm nhận được về cuộc xung đột trong tương lai rõ ràng hơn John Melby, một cán bộ trẻ trong tổ Trung Hoa, một con người cực kỳ khôn ngoan với những thứ ông chứng kiến trong cuộc xụp đổ của Trung Hoa Dân quốc. Melby là một con người rất hấp dẫn; năm 1945, ông được gửi đến Trung Hoa từ tòa đại sứ Mỹ ở Moscow theo một đề nghị đặc biệt do Avarell Harriman, khi đó là đại sứ Liên xô đưa ra, nhằm quan sát xem người Nga làm gì ở cái đất nước đó. Melby nhanh chóng trở thành một người trong đại sứ quán thất vọng nhất và cũng là tiếng nói chống Tưởng mãnh liệt nhất. Anh nhanh chóng hiểu rằng sự yêu mến và thành công của những người cộng sản không có gì là của người Nga, mà đó chỉ là khả năng của phía Cộng sản Trung Hoa trong việc đáp ứng những mối bất bình trong nước cùng chủ nghĩa dân tộc tiềm tàng, những thứ này đã làm cho họ trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Anh không bao giờ quá quan ngại về mối quan hệ cực kỳ khó khăn giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa của Mao, nhưng anh cũng không lo rằng đó là một cố gắng nghiêm túc đáng giá. Hồi tháng sáu năm 1948, một năm trước khi chế độ Tưởng sụp đổ, anh đã tiên tri khi ghi vào nhật ký: “Tất cả sức mạnh của Hoa Kỳ cũng sẽ không thể ngăn được ngọn triều ở châu Á, nhưng nếu sáng suốt chúng ta có thể hình dung được cách làm những ngọn triều đó  thêm phần thân cận với chúng ta hơn là tình hình hiện giờ”.

Cái quyết định tức khắc trong những ngày sau khi quân Bắc Triều Tiên nam chinh: đưa Hạm đội Bảy đến eo biển Đài Loan, là một quyết định định mệnh nhiều hơn phía Hoa Kỳ nhìn nhận. Mao Trạch Đông hiểu ông không thể mạnh hơn quân Mỹ trên biển và trên không, nên khi ông chọn đối đầu với Hoa Kỳ, thì đó là ở Triều Tiên, nơi có thể sử dụng một lượng quân bộ lớn. Quân của ông ta có thể vượt sông Áp Lục bằng chân nhưng không thể bơi qua eo biển Đài Loan. Nếu Hoa Kỳ đã định ra những tuyến trên các eo biển như vậy, thì Triều Tiên cũng chính là địa phương thích hợp cho Mao vạch ra tuyến của ông ta

(hết chương 21, phần 6)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #188 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 02:10:15 am »

PHẦN 7

VƯỢT QUA GIỚI TUYẾN VÀ BẮC TIẾN

Chương 22


Ở bên phía Mỹ, quyết định vượt vỹ tuyến 38 và bắc tiến là một quyết định vừa đánh vừa quyết. Đó là một quyết định mà các quan chức dân sự cao cấp nghĩ rằng họ có thể điều khiển được khi họ phải đối mặt, nhưng rốt cuộc thì lại bị điều khiển ngược lại. Lúc quân Bắc Triều Tiên xâm lăng, Truman, Acheson và những cán bộ của Acheson ở bộ Ngoại Giao chẳng có nghĩ gì nhiều đến việc sẽ làm gì một khi ngọn triều đổi hướng và các lực lượng quân Bắc Triều Tiên bị tan vỡ. Thực tế trong hai tháng đầu của chính phủ thời chiến chủ yếu là nghĩ đến việc làm sao sống sót. Rất ít suy nghĩ hướng về việc lúc đó hầu như mang tính lý thuyết rằng sẽ làm gì nếu một khi con đường lên phương bắc đột nhiên rộng mở. Giờ đây, sau trận Inchon, câu hỏi đó đột nhiên trở nên quan trọng. Khao khát có một chiến thắng lớn hơn bỗng nhiên được kích thích mạnh. Những người vốn đã rất thận trọng trong việc khống chế các quyết định ra hồi cuối tháng Sáu tại nhà khách chính phủ Blair House, giờ đây lại thiếu kiềm chế khi thấy một chiến thắng lớn lao hơn gần như ở trước mặt. Những khác biệt cốt yếu giữa các quan chức dân sự cao cấp với các cán bộ quân sự cao cấp  và MacArthur bao gồm mọi thứ vấn đề và quan điểm về Trung Hoa, những điều này vốn bị che lấp khi bộ đội Bắc Triều Tiên đang đe dọa chiếm toàn bộ nước này, giờ thì phải đối diện lại. Bởi bên phía Cộng sản đã bắt đầu cuộc chiến bằng việc vượt qua thứ mà người Mỹ xác quyết rằng đó là biên giới, bởi nhiều người Mỹ đã chết ở Triều Tiên, và bởi vị tư lệnh chiến trường luôn muốn bắc tiến, nên về cơ bản là quyết định đã được định từ trước. Hoa Kỳ càng thành công ở miền Nam, thì càng khó để giới hạn việc tiến lên phương Bắc.

Bất kỳ ai cố giới hạn cuộc tấn công lên phía Bắc có thể sẽ bị gán cho cái mũ là bè lũ nhượng bộ. Trên thực tế, Bill Knowland của bang California, một trong những tiếng nói thế lực nhất của hội vận động Trung Hoa ở Thượng viện, đã sử dụng ngôn từ mạnh nhất. Sức mạnh dồn nén của lối tu từ trong Cuộc Chiến tranh Lạnh căng thẳng qua nhiều năm, những từ ngữ gợi ra một thế giới được chia giữa hai thái cực tinh thần trắng và đen, ủng hộ cho việc tiến lên phía bắc, ngay cả những vấn đề đang nghiêm trọng yêu cầu mọi người suy nghĩ theo cực xám (câu này dịch mà không hiểu nói gì cả L ). Rất khó hài lòng với việc thành công một phần trong cái tình trạng luôn không thỏa mãn trước giờ. Phần năng động thuộc về cánh quân sự. Thật là khó để bào chữa cho việc dừng ở vĩ tuyến 38 và đợi bên kia xây dựng lại lực lượng và tấn công lần nữa. Một ý kiến mang tính logic hơn của cánh quân sự, ý kiến này thì Hội đồng tham mưu Liên quân ủng hộ, là tiến qua vỹ tuyến 38 một khoản giới hạn, xây dựng một lực lượng không quân Mỹ đáng kể, và tìm một vị trí thích hợp để pháo binh có thể bảo vệ hữu hiệu, thiết lập công sự, triển khai những biện pháp đủ sức đẩy lùi mọi cuộc tấn công, và rồi tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận khái niệm một chiến thắng hạn chế trong một cuộc chiến hạn chế, và đàm phán với phe mà những người Mỹ khác từ chối nói chuyện. Không chỉ là MacArthur – ông vốn luôn muốn tiến xa lên phía bắc – dù có những vị tư lệnh cao cấp khác thấy khó làm việc với ông, nhưng trong vấn đề này, ít nhất ý định của họ cũng khá thống nhất – rõ ràng đây là một cơ hội phát sinh trong giới quân sự khi họ thấy có cơ hội đánh thắng được, và họ muốn tiến lên phía trước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #189 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2013, 12:27:11 pm »

Quyết định bắc tiến thể hiện cho thấy một cuộc tranh luận không bao giờ được tranh luận đúng nghĩa; bởi các áp lực tiến qua vĩ tuyến 38 quá mạnh mẽ. Ở trong nước sự thay đổi quan trọng nhất xảy ra ở Bộ Ngoại giao, dù chậm chạm nhưng xói mòn một cách có hệ thống ảnh hưởng của George Kennan. Đến khi họ đối diện với quyết định vượt vĩ tuyến 38 thì ông ta không còn một người chịu trách nhiệm chính nữa. Kennan tin rằng nguy cơ cả Liên Xô và Trung quốc tham chiến là cực kỳ to lớn nếu chúng ta quyết thống nhất Triều Tiên. Paul Nitze, trong vấn đề này anh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Kennan, cũng đồng ý như thế. Kennan khẳng định rằng chúng ta đang tiến đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, rằng Washington không điều khiển được MacArthur, và rằng những điều kinh khủng sắp sửa xảy ra. Đó là một cơn ác mộng chính sách: ông cảm thấy Hoa Kỳ đang đẩy mảng quân sự đi quá xa một cách không cần thiết mà không làm tăng được địa vị địa-chính-trị của đất nước – và đang làm điều này với một rủi ro rất khủng khiếp. Nhưng lúc này ông chỉ là một nhà quan sát đứng ngoài cuộc.

Kennan rất đơn độc bên ngoài. Acheson đang tự quyết những điều chỉnh chính trị của mình và đè những gì trong khu vực Viễn đông xuống kể từ khi ông nắm bộ Ngoại Giao. Hầu hết những nhân viên trong tổ Trung Quốc, hoặc những ai chịu trách nhiệm về nước đó, được chuyển đi – dù Acheson không muốn thừa nhận điều này. Acheson quá kiêu hãnh để chấp nhận việc cho mọi người biết rằng ông phải lùi bước trước một vấn đề chính trị nào. Ông kiệt sức trước những lực lượng chính trị chống lại ông trong vấn đề này, của việc cố tạo một trường hợp khá lý thuyết là chủ nghĩa Cộng Sản ở Trung Hoa và chủ nghĩa Cộng Sản Nga có lẽ khác biệt nhau (Lúc đó ông bộc lộ sự thất vọng của mình trong cuộc nói chuyện với Clement Attlee, thủ tướng Anh. Ông nói với Attlee rằng, ông “có lẽ đầy máu me … hơn bất kỳ ai” trong việc ráng phân biệt Liên Xô và Trung Quốc, và ông nghĩ có lẽ trong tương lai không xa sẽ có sự chia rẽ cơ bản giữa hai quốc gia cộng sản này).

Lúc Acheson chuyển những người thuộc tổ Trung Hoa đi thì lại có nhiều tay bảo thủ về. Ở bộ Ngoại Giao, Vụ chuyên trách Châu Á, bị thay đổi nhanh chóng mặt. Dean Rusk, một tay bảo thủ ôn hòa, trầm tĩnh, một con người rất công chức, trở thành nhân vật chính của chính phủ về vấn đề châu Á. Rusk thì lại đối lập với Kennan, ông này thì mang những kiến thức tuyệt vời về Nga và Trung quốc lên bàn nhưng lại khá vô tâm với những áp lực còn mạnh hơn trong thực tế chính trị nội địa Mỹ. Ông rất hòa hợp với những tân nhân vật và ít có cảm giác (hoặc hứng thú) với người cựu trào. Ông chính xác là những gì Acheson muốn trong thời điểm này, lúc sự nhượng bộ là cần thiết. Rusk tình nguyện nhận giáng xuống từ chức phó Ngoại trưởng thành trợ lý ngoại trưởng trong vấn đề Viễn Đông. Lúc đó Acheson nói với ông rằng: “Anh phải có huy chương Purple Heart và Huân chương Danh dự cho việc này”.

Rusk cho thấy là một người cực kỳ theo quy ước trong suy nghĩ về Trung Hoa. Sau này, trong thời kỳ Việt Nam, ông cũng được biết đến như là một tay khét tiếng xấu xa trong giới cộng sản châu Á.  Ngay từ mùa hè năm 1950, Rusk đã bắt đầu nổi lên như một nhân vật kiên định trong Vụ, một góc độ nhìn nhận giúp ông không bị những vấn đề chính trị đương thời, ông tin rằng sự trỗi dậy của Mao Trạch Đông cho thấy một sự thay đổi của lịch sử “sự thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho nước Nga Sô viết và không hay ho gì với Hoa Kỳ”. Không như Kennan, Rusk nhìn thế giới Cộng sản dưới góc độ là một thực thể thống nhất, bền chắc. Ông là một trong số những nhân vật cao cấp đầu tiên đề xuất về việc đưa John Forter Dulles vào Bộ Ngoại Giao, và khi việc đó diễn ra, ông và Dulles nhanh chóng trở thành đồng minh trong vấn đề quan trọng: phòng thủ Đài Loan.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM