Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:46:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91312 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 09:54:06 am »

Không mấy ai hiểu con người ông, ngay cả với những ai đã đặt ông vào chiếc vé của đảng Dân chủ năm 1944. Không phải là họ rất cần ông cũng như họ không thích những ứng viên phó tổng thống tiềm tàng khác, đặc biệt là Herry Wallace, phó tổng thống lúc ấy.  Như Jonathan Daniels, một phóng viên miền Nam ghi rằng, họ “biết thứ họ muốn, nhưng không hiểu thứ họ lấy”. Có lẽ ông hợp với suy nghĩ của dân thường trong một đất nước muốn có tổng thống của thời hiện đại. “Ôi một bài kiểm tra dân chủ nếu nó thực có!” Roy Roberts, phóng viên tờ Kansas City Star và một thành viên bên trong giới quyền lực đảng Cộng Hòa đã đau đớn viết trong những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của Truman. Đó chính xác là những gì xảy ra, một bài kiểm tra của nền dân chủ. Ông cũng là một nhà chính trị làm việc rất tốt, với cảm giác nhạy bén với những suy nghĩ của dân thường, những nhu cầu, những nỗi lo của họ, bởi gốc gác của chính ông cũng rất bình dân và bởi phần lớn trong đời, ông đã sống như họ.

Lúc đầu khi ông được phóng lên ghế tổng thống, ông phàn nàn thường xuyên với bạn bè rằng ông không thích nó – cái nhà tù vĩ đại Nhà Trắng, như ông gọi – và dường như có lúc ông sẵn sàng ủng hộ Dwright Eisenhower cho cuộc đua năm 1948 nếu ông ta chuyển về đảng Dân chủ. Dần dần ông thay đổi quan điểm. Vị trí tổng thống đã câu thúc cách sống riêng của ông và chia cách ông với gia đình – Bess và con gái của họ, Margaret, dường như luôn muốn về Independence và ông mong ở cạnh họ – nhưng ông không bao giờ là người từ bỏ việc khó, và khi ông nhìn những người mà họ nghĩ rằng họ sẽ thay thế ông thì ông càng tin thêm rằng đất nước sẽ tốt hơn nếu còn ông phục vụ trong Nhà Trắng. Nếu ông cần thanh minh cho các chính sách của mình bằng việc tham gia chạy đua tranh cử năm 1948, thì ông sẽ làm – đó là không là một sự hi sinh sao. Rõ ràng trong ông có tính vênh vang của một chú gà trống. Ông sẽ không hạ đài, và lúc đó, người Mỹ cảm nhận ra điều đó và đã cho ông phần thưởng vì điều đó.

Nguồn gốc dân thị tứ của ông không khác mấy với đa số đảng viên Cộng hòa, những kẻ thù chính trị cay đắng nhất của ông, nhưng cuộc phiêu lưu của cá nhân ông thường không quá khó khăn như họ, và ông nghiêm túc quan ngại tới những sự thật ở thị tứ mà họ quá mù quáng tin. Chính trị Mỹ trong thời đó, người dân vẫn bầu cho túi tiền của họ, và đảng Dân chủ, vì chính sách Kinh tế mới, vẫn giữ ngọn roi kinh tế trong tay, ngay cả với những thứ được cho trung tâm. Mỗi thị tứ nhỏ trong số 8000 thị tứ có lẽ có chừng một ngàn công nhân áo xanh trong nhà máy, hầu hết họ theo đảng Dân chủ,  chỉ có một nhúm dân thành thị – chủ xí nghiệp, quản lý và những đồng minh địa phương phụ thuộc như chủ nhà băng, luật sư, và bác sỹ – là người hầu hết dồn phiếu cho đảng Cộng hòa. Đa số thường dân Mỹ tin rằng họ đang sống tốt hơn hồi trước. Họ không tin những gì họ nhận được – như đảng Cộng hòa dường như ám chỉ – là thuộc chủ nghĩa xã hội. Rất ít công nhân  cảm  thấy họ thích hợp với một chính phủ Cộng hòa. “Công nhân làm việc mỗi ngày / Đến chỗ làm trên xe hai cửa mới / Đừng để chúng lấy mất đi” đây là lời bài hát của Đảng Dân chủ thời đó. Những vấn đề văn hóa, bắt đầu từ giữa thập niên 1960, dần khoét sâu vào liên minh đảng Dân chủ với công nhân áo xanh, với thế hệ con cái của làn sóng đại di cư từ châu Âu, người da đen, và những chính trị gia da trắng của miền nam. Người lao động có tổ chức công đoàn mới, vẫn rất mạnh mẽ, và dễ chịu với những thành tựu kinh tế gần đây.

Khi ông chuẩn bị cho cuộc chạy đua bầu cử tổng thống của riêng ông vào năm 1948, Truman đã không tin vào cơ sở kinh tế chính trị và thay đổi rất nhiều. Dù gì, ông là một nhà tài chính thủ cựu và rất cẩn trọng trong ba năm đầu, ông tối thiểu hóa mọi khả năng tăng thuế. Thêm vào đó ông có giác quan thứ sáu trong việc phát hiện ra những sai sót của đảng Cộng Hòa: sự khác biệt giữa những gì họ nói và chính sách của họ; khi còn ở trong hội nghị toàn quốc thì rất cảm động với thính giả cả nước đến những cách biệt rất xa khi họ (Cộng hòa) làm lãnh đạo bảo thủ ở Hạ viện. Ông nhận xét rằng những người Cộng hòa ở Hạ viện là một đảng ngoài tầm với của người Mỹ trung lưu ở thành phố và tăng ảnh hưởng với các khu vực ngoại ô ở các bang lớn.  Họ diệt bất cứ vấn đề tự do nào ông đề xuất trong chuyện nhà ở, hỗ trợ giáo dục, chăm sóc y tế, và những thứ đưa đến hội nghị để đề nghị họ thông qua. Được, ông lên kế hoạch rọi đèn vào sự phân hóa tính cánh đó; như vậy, khi được chọn tranh cử năm 1948, ông ngay lập tức tuyên bố rằng ông sẽ gọi Hạ viện họp lại – để thông qua các vấn đề đảng Cộng hòa hỗ trợ trong cương lĩnh của họ. Đó là một nước cờ bậc thầy và tỏ ra là một quyết định đúng đắn. Phía CỘng hòa không vui vẻ khi được triệu tập – “chàng Ajax dỗi hờn của vùng Ozark(*) ”, thượng nghị sỹ Styles Bridges gọi Truman như vậy

(* Ozark là một vùng cao nguyên ở trung Mỹ, nằm phía nam bang Missouri)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 09:56:56 am »

Lúc cuộc vận động tranh cử đầu tiên trong năm 1948 bắt đầu, nhiệm vụ trước mặt ông dường như vô vọng. Ngay cả những ông chủ các thành phố lớn cũng chống lại ông. Khi nghe tin rằng Dwright Eisenhower không muốn đại diện tranh cử cho đảng Dân chủ, Frank Hague, ông chủ New Jersey nói: “Truman, Harry Truman. Ôi Chúa ơi”. Mọi thứ xếp hàng để chống lại ông: trong mắt của đa số, cả về mặt chính trị lẫn con người, ông dường như co ro trong cái không gian rộng lớn do người tiềm nhiệm để lại, và rằng đảng Dân Chủ đã nắm quyền quá lâu rồi. Có những vụ bê bối không tránh được. Vài người bạn thân, tin tưởng nhất của ông đã ăn quá nhiều. Những vụ bê bối, dù chúng không dính tới cá nhân Truman, cũng được đánh hơi bởi bộ máy của Pendergast. Cánh tự do trong đảng của chính ông, do Jimmy Roosevelt, người con tự do nhất của tổng thống quá cố, đã rất liều mạng thu phục Dwight Eisenhower,  dù rằng hầu hết mọi người tin rằng Ike không có ý tưởng trần tục về chính trị và dù Eisenhowe đã rất rõ ràng từ chối cuộc tranh cử. Không ai  dường như muốn nắm tấm vé. “Chúng tôi không muốn một cuộc vận động tranh cử với một con lừa chết Misouri” thống đốc bang Arkansas Ben Laney nói.

Cuộc bầu cử năm 1948 có kết cục theo cái cách không ai hiểu nổi được vào lúc ấy, và cũng rất đau lòng bởi sự cay đắng của một đảng bị thất bại thẳng cánh lần thứ năm liên tiếp. Đảng Cộng hòa đã không được ưa thích. Clare Boothe Luce, vợ của một nhà xuất bản quyền lực nhất đất nước, trong hội nghị đảng Cộng Hòa lúc họ chào mừng một chiến thắng ngay cả khi mùa hè chưa kết thúc, nói Truman là  “một tay khờ hết thời”. MỌi chuyên gia chính trị có kiến thức thừa nhận cuộc bầu cử rất có lợi với Tom Dewey, một người được cho là tuyệt vời, nếu không nói là đáng yêu. Lúc đầu cuộc vận động tranh cử, thượng cấp đảng Cộng hòa thậm chí đã quyết định là không cần phải tốn tiền của đảng cho việc thăm dò ý kiến, bởi suy luận logic cho thấy rất chắc ăn. Elmo Roper, một người thăm dò ý kiến (cử tri) chính, lúc đầu tháng Chín đã thông báo rằng ông có thể dừng thăm dò bởi cuộc bầu cử có một kết luận biết trước được: “Thomas E. Dewey gần như chắc được bầu… Đó là đều chắc chắn, tôi nghĩ không có gì khờ hơn hoặc thông thái hơn khi hành động giống một bình luận viên thể thao cảm thấy anh ta phải giả vờ đang theo dõi một cuộc đua vai kề vai”.   Tất cả những điều này có ảnh hưởng đáng kể lên chính Tom Dewey. Khi một đảng viên Cộng hòa khác đến thăm Dewey tại nông trại của ông ở Pawling, New York, Dewey cho ông xem câu nói của Roper và bảo: “Công việc của tôi là ngăn chặn bất điều gì không mong muốn”. Rõ ràng là mục tiêu chính của cuộc tranh cử không cần phải định vị nhiều và rằng chiến thắng giữa thế kỷ của đảng Cộng hòa có nghĩa là tránh gây ra những sai sót. Dĩ nhiều, điều này sai lầm kinh khủng, dù đảng Dân chủ dường như đang phân rã trầm trọng. Đảng chia làm ba cánh, và ít nhất trên giấy tờ là dường như cực kỳ dễ bị tổn thương: cánh cực tả của Henry Wallace; trong khi những đảng viên Dân chủ miền Nam – hay còn gọi là Dixiecrats – thì theo Storm Thurmond của bang Nam Carolina. Nhưng không có cánh nào làm Truman lo lắng nhiều. Dĩ nhiên điều này làm mọi thứ khó khăn hơn, dù rằng những nhân vật biểu tượng của đảng phân rã kịch thích hơn nhiều so với sự phân rã của đảng. (Trong tiệc tối kỷ niệm ngày Jefferson – Jackson ở Washington, tháng Hai năm 1948, thượng nghị sỹ Olin Johnston, một đảng viên Dân chủ từ bang Nam Carolina, mua cả một bàn lớn được đặt ngay trước bục, bởi vợ ông trong ủy ban hòa giải. Và vì buổi tiệc tối không phân biệt nên nhà Johnston đã giữ chiếc bàn đó nhưng đảm bảo không ai có mặt – một sự lăng mạ có chủ đích với sự hiện diện của  tổng thống. “Chúng tôi chi 1,100 $ để giữ chiếc bàn này bỏ trống” một trong những bạn bè của họ nói).

Điều làm cho Truman lo lắng khi chiến dịch tranh cử diễn ra là đảng Dân chủ, dù đã giữ chính quyền trong 16 năm qua, hoàn toàn không còn tiền, và không ai sẵn lòng ngồi vào ghế trưởng ban tài chính. Thêm một điều khó khăn cho cơ hội mong manh của đảng Dân chủ. Ngày 1 tháng Chín năm 1948, chiến dịch tranh cử đã diễn ra được hai tuần, Truman triệu tập 80 người có ảnh hưởng lớn trong đảng – những người có khả năng tiếp cận tiền bạc – tới Nhà Trắng để bàn về vấn đề tài chính của họ.  Chỉ có 50 người có mặt. Lúc ấy, tổng thống đề nghị một người nào đó tình nguyện phụ trách ban tài chính. Không một ai đứng lên. Ngày hôm sau Truman gọi cho Louis Johnson và nài xin ông làm việc này. Johnson đồng ý. Ông là một ví dụ cổ điển cho kiểu Washington, một tay khéo léo mặc cả bất lương, một tay tự lập với cảm giác phóng đại về khả năng chính trị của mình. Bởi ông không thấy có hạn chế với khả năng của mình, nên Johnson hay xông xáo nhảy vào bất kỳ khoảng trống quyền lực nào ông tìm thấy. Ông định khi nhiệm kỳ tổng thống của Truman kết thúc thì ông sẽ ra tranh cử tổng thống. Cơ sở chính trị của ông dựa trên mối liên hệ với hội Lê dương Mỹ, những quan chức cao cấp mà ông và họ cùng chia sẽ quan điểm ngoại giao. “Ông ấy là một tay cờ bạc” Jean Kearney nói, người này làm việc cho Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ trong mùa hè năm ấy. Bà ấy nói thêm: ông ta nhận công tác kiếm tiền cho Truman “với một cung cách toan tính máu lạnh – ông cược rằng Truman sẽ thắng, và nếu ông kiếm được tiền cho ông ta, thì điều này sẽ làm vị trí ông thăng tiến ở Washington với tư cách một luật sư và là một nhân vật lớn của đất nước”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 10:01:09 am »

Tại thời điểm Truman đang có vị trí cực thấp trên biểu đồ, và đảng Dân chủ không còn tiền, nặng gánh nợ nần. Johnson đã đến và ký ngay một biên nhận cá nhân trị giá 100,000$, thứ này cho phép đảng hết nợ và giúp đoàn tàu Truman, theo lịch sẽ rời ga Union trong hành trình vận động bầu cử trong cả nước vào ngày 17 tháng Chín, khởi hành đúng giờ, và còn đi xa hơn Pennsylvania, lúc đó dường như là điểm dừng cuối. Johnson đã làm xuất sắc công việc trưởng ban tài chính, và kiếm được hơn 2 triệu $ trong hai tháng. Khi chiến dịch kết thúc, Truman mang ơn rất sâu nặng, vì vậy nên khi James Forrestal có vấn đề về trí tuệ, Johnson được ngay chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Việc thiếu tiền lúc bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 1948 nghiêm trọng hơn việc chia rẽ lý tưởng trong nội bộ đảng. Chiến dịch của cánh Wallace, cánh tả, trên thực tế đã cho Truman lớp bảo vệ để chống những lời buộc tội rằng ông có thể quá thiên tả, từ khi đó không ai tấn công ác liệt hơn những người Cộng sản và các ủng hộ viên của họ. Với cánh Dixiecrats (cánh Dân chủ miền Nam), họ chỉ giữ 4 bang miền Nam với tổng cộng 39 phiếu đại cử tri. Sức mạnh đặc biệt của Truman trong năm ấy chính là việc ông không bao giờ mất niềm tin vào bản thân mình và vào nhân dân Mỹ. Ông đã quyết liệt vận động với phong cách thẳng thắn và giản dị. Các vấn đề kinh tế vẫn là yếu tố chính. Trước khi Truman bắt đầu chiến dịch, phó tổng thống Alben Barkley đã nói với ông: “Hãy đi ra kia và hạ chúng thôi”. “Tôi sẽ hạ chúng, Alben” như theo tường thuật, Truman đã trả lời “và tôi sẽ đá đít bọn chúng”. Không biết làm sao phần này – về việc đá đít – bị lọt ra ngoài và đám đông thích nó. Luôn có nhiều người ở mỗi điểm vận động hò hét “Đá đít chúng đi, Harry” , và ông đã làm điều đó, và người dân Mỹ nồng nhiệt đáp ứng. Nếu ông không thể là Roosevelt thì ông cũng đã tìm được vai trò hoàn hảo, một người bề dưới nhỏ bé vênh váo, tựa lưng vào tường đánh lại những đứa to bự. Ông không chính xác mưu toan hình ảnh đó,  nhưng vai trò đó phù hợp với cả ông và thời đại một cách hoàn hảo.

Mọi người đều chắc rằng ông hết thời rồi, ngoại trừ chính bản thân ông, người ứng cử. Trong chiến dịch 1948 ông xoay sở để định vị chính ông trong mắt những công dân ủng hộ mình theo các cách ông đã không thể làm trong ba năm rưỡi qua. Đây là một trong những chiến dịch chính trị sau cùng được thực hiện từ xe lửa, một chuyến đi vận động thăm viếng người dân Mỹ, thường ở các thị tứ nhỏ, những nơi Truman cảm thấy có quan hệ thân thuộc dễ dàng với đám đông tụ tập quanh toa tàu. Một hiện thân rất thoải mái và cực kỳ tin cậy. ”Ông rất ổn khi ở trên tàu” cộng sự Sam Rayburn của đảng Dân chủ, người phát ngôn Hạ viện đã có lần ghi “bởi ông thân thuộc. Ông cười như không với họ”.

Chiến dịch trần trụi và gan góc của ông đến gần với cử tri đã không bắt mắt giới truyền thông và những nhân vật cấp cao của đảng Cộng hòa (cũng như nhiều người trong đảng của ông). Đảng Cộng hòa đã quá cả tin, dựa vào sự thể hiện kém cỏi của đảng Dân chủ trong đợt bầu cử giữa kỳ năm 1946, và họ tin vào huyền thoại Truman bất tài. Dewey tổ chức một chiến dịch tranh cử bất hạnh. Như Clarence Buddington Kelland, một ủy viên trung ương đảng Cộng hòa người bang Arizona nói: “Chiến dịch của Dewey đỏm dáng, ngạo mạn và khinh khỉnh”. Dewey thực hiện chiến dịch như thể ông đương nhiệm, còn Truman là người thách đấu và đảng Dân chủ là một  đảng thiểu số. Những bài diễn thuyết của ông chán ngắt và đầy chủ nghĩa tự tin. Vài trợ lý, như Herbert Brownell, đổ lỗi cho vợ ông bởi bà không muốn Dewey chiến đấu dưới tư cách một đảng công kích mà muốn ông càng giống tổng thống càng tốt bất kể cơ sở chính trị. Nếu đây là sự thật thì đó cũng không phải là lần đầu tiên bà là nhân tố quyết định trong việc xây dựng hình ảnh của ông ta. Những trợ lý khác cũng thuyết phục nhiều năm rằng ông nên cạo bộ ria trứ danh đi – một thứ có giá lúc ông là một viên chưởng lý cứng rắn ở quận, nhưng ở vị trí ứng cử viên tổng thống nó làm ông khó chịu và lạnh lùng. “Mặt ông quá nhỏ và bộ ria lại quá to” Brownell vài năm sau than vãn. Nhưng bà Dewey thích bộ ria, và thế là nó vẫn tồn tại.

Thực ra Dewey là một người cực kỳ có khả năng, được chuẩn bị tốt cho vị trí tổng thống sau sáu năm làm thị trưởng New York – vị trí ông được bầu những ba kỳ liền – về bản chất giống như những bậc thang chính trị mà Roosevelt đã đi đến vị trí quan chức cao cấp nhất của đất nước. Ở tuổi 46 ông trẻ trung và dường như hiện đại – ứng cứ viên tổng thống đầu tiên sinh trong thế kỷ 20.  Ông khởi nghiệp với tư cách Ngài Trong sạch –  một công tố viên dốc lòng vì nhân dân New York, và có lẽ, như vài nhà chỉ trích nghĩ, đó là vấn đề. Đó là một vai trò cần bề ngoài thực sự lạnh lùng, một dáng điệu vô giá với một công tố viên trước tòa, nhưng nó lại không hấp dẫn ở vị trí một ứng cử viên tổng thống vốn cần có bản chất rất người. Alice Roosevelt Longworth gay gắt nhận xét rằng, ông như “một hình nhân bé nhỏ trên bánh cưới”. Và như một người cộng tác lâu năm nói: ông “lạnh lùng. Lạnh lùng như cột băng tháng Hai”. Ngay cả trên chuyến tàu vận động tranh cử, chung quanh là các chính trị gia đảng Cộng hòa, ông vẫn ứng xử như mình là trung tâm và ông ăn trưa một mình. “ Cười đi, ngài thị trưởng” một nhiếp ảnh gia gọi ông trong chuyến tranh cử. Ông trả lời: “Tôi cho là tôi đã cười rồi”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 10:03:58 am »

Không chỉ bộ dạng cá nhân là vấn đề duy nhất của ông. Mà còn vấn đề mâu thuẩn kinh khủng trong nội bộ đảng Cộng hòa. Với những người theo chủ nghĩa biệt lập, ông là bằng chứng sống của mọi điều sai lầm trong đảng. Đại tá Robert McCormick của tờ Chicago Tribune ghét ông vì cái chủ nghĩa quốc tế của ông và vì ông đã thất bại trong cuộc bầu cử năm 1944, và luôn coi thường ông. Quyết định bị chỉ trích nhất của chiến dịch tranh cử là ông không chịu theo chủ đề có thể làm họ hào hứng: chủ đề thoái hóa biến chất của chính phủ, và từ chối biến nó thành trung tâm của chiến dịch. Thực vậy, ở thời điểm mấu chốt trong một cuộc tranh luận với Harold Stassen trong trận chiến chính ở Oregon, ông đã phản đối việc đặt đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Ông nói – và ông là một con người của luật lệ – rằng điều này chỉ tổ làm cho những người Cộng sản (chuyển sang) hoạt động bí mật. Những nhân vật lớn khác của đảng Cộng hòa bắt đầu ngửi thấy mùi máu trong nước, và hiểu họ đang gặp rắc rối với các vấn đề kinh tế, nên đã ép ông dùng tới việc cáo buộc Cộng sản – ở – Washington. William Loeb, một nhà xuất bản ở New Hampshire theo cánh hữu và thượng nghị sỹ Styles Bridges, người của Loeb ở Thượng viện cũng như các lãnh đạo chiến dịch tranh cử toàn quốc của đảng Cộng hòa đã nài nỉ Dewey sử dụng vấn đề thoái hóa biến chất này để chống lại Truman và đảng Dân chủ. Ông lắng nghe họ cẩn thận và rồi , theo như cách dùng từ của một trong những trợ lý tranh cử của ông, Hugh Scott, bảo rằng ông “điểm tới điều này một cách nhẹ nhàng”.Thay vì vậy ông nghĩ rằng nó làm mất giá trị và buộc tội tổng thống Hoa Kỳ đã mềm mỏng với Cộng Sản. Ông đã không, như ông nói với thượng nghị sỹ Styles Bridge, là sẽ không đi quanh và “nhìn xuống dưới gầm giường”.

Chiến dịch tranh cử của ông nhạt nhẽo vô song. Ngay cả khi Truman đang lôi cuốn những đám đông lớn hơn, thì Dewey vẫn cứ tiếp tục thể hiện những bài diễn thuyết lạnh nhạt, vô trùng một cách đáng ngạc nhiên. Tờ Courrier Journal của Loiusville, Kentucky viết rằng chiến dịch tranh cử của ông có thể “tóm tắt lại trong bốn câu nổi tiếng lịch sử: Nông nghiệp là quan trọng. Những con sông của ta đầy cá. Bạn không thể có quyền tự do nếu không có nền tự do. Tương lai nằm phía trước”. Dường như, chiến thắng vẫn là điều chắc chắn. Truyền thông, trong thời đại trước khi có truyền hình, vẫn là các tập đoàn báo chí, đã giúp tạo nên chiến thắng của Truman trong sự ngạc nhiên to lớn bởi những thành viên của giới báo chí đã tiêu tốn nhiều thời gian phỏng vấn một thứ khác và bỏ qua những gì đang diễn ra ngay trước mặt. Ví dụ, giữa tháng Chín, Joseph Alsop, khi ấy là một phóng viên quan trọng thuộc tờ báo nhiều ảnh hưởng New York Herald Tribune, đã chứng kiến hai sự kiện: Truman diễn thuyết ở cuộc thi cày quốc gia ở Iowa trước 75,000 thính giả nhiệt tình – một tổng thống sắc sảo, tập trung và tấn công mạnh mẽ – và rất nhanh sau đó, một buổi diễn thuyết của Dewey cũng được  diễn ra trước một đám đông nhỏ một cách đáng thất vọng, 8000 người ở đại học Drake cũng tại Iowa. Một phóng viên mẫn cảm với sắc thái chính trị có lẽ sẽ cảm thấy được vài điều sắp đến, nhưng Alsop thì không “Có vài điều đáng buồn về sự trái ngược giữa lần xuất hiện đầu đáng mong đợi trước công chúng trong chiến dịch tranh cử ở đây, Iowa” ông viết “Buổi trình diễn của Truman thì sáo mòn cũ rích và hiển nhiên là không thành công – còn của Dewey thì phong phú. Được tổ chức đến từng thiết bị âm thanh sau chót. Nó cũng cho thấy sự tin cậy. Cuộc chiến thực sự rất không cân sức. Sau rốt điều còn đọng lại là sự đồng cảm rõ ràng với một tổng thống ngoan cố ra sức”.

Đến giữa tháng Mười, tờ Newsweek tiến hành khảo sát với 50 cây bút nội chính trong khắp cả nước. Mọi người đều dự đoán Dewey thắng. Người của Truman dù biết báo sẽ ra, nhưng cái tựa đề “Năm mươi chuyên gia chính trị dự báo Dewey thắng”  dù sao cũng làm họ nhụt chí. Chỉ có một người không thấy bị điều này làm phiền, đó chính là bản thân vị ứng cử viên. “Ồ những cái đám theo đuôi chết thiệt này, dù gì bọn chúng cũng luôn sai lầm” ông nói “Quên nó đi, các cậu, hãy tiếp tục công việc nào”. Ngay đêm trước ngày bầu cử, giới báo chí vẫn tiếp tục sai lầm. Alistar Cooker, tờ Manchester Guardian, đã đặt tựa cho bài viết cuối cùng trước bầu cử “Harry Truman – Học thất bại”, và rồi người ta cũng xuất bản trên tờ báo rất có ảnh hưởng Kiplinger bài viết tiền-bầu-cử  “Dewey sẽ làm gì”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 10:07:20 am »

Cuối cùng Truman đã chiến thắng khá thuận lợi: 24,1 triệu phiếu bầu so với 21,9 triệu phiếu của Dewey, ông cũng thắng được ở 28 bang với 303 phiếu đại cử tri, so với Dewey thắng 16 bang và 189 phiếu đại cử tri, và ông đã có thể có cả bang nhà New York của Dewey nếu Wallace không chuyển phiếu cánh tả. Đây là một trong những cuộc lật đổ ngoạn mục nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Vị tổng thống vừa tái cử ăn mừng chiến thắng một cách nổi tiếng bằng việc để nhiếp ảnh gia chụp bức hình đang cầm trong tay tờ Chicago Tribune với dòng tiêu đề “Dewey đả bại Truman”. Các nhà hài hước có một ngày tưng bừng. “Hiện nay, cách duy nhất để đảng Cộng hòa có thể vào Nhà Trắng là cưới Margaret Truman” Groucho Marx nói.

Với những người Cộng hòa, đó là sự khải huyền. Roosevelt đã đi rồi, nhưng đảng Dân chủ, dẫn dắt bởi một nhà buôn đồ lót đàn ông nhỏ bé, một người họ hoàn toàn coi rẻ, vẫn chiến thắng. Thêm vào đó, đảng Dân chủ kiếm thêm được 9 ghế ở Thượng viện. Họ đã ghi được một chiến thắng phi thường, nhưng cũng có một cái giá lớn phải trả, chính sách ngoại giao – hoặc chính xác hơn, lòng trung thành và an ninh tác động chính sách ngoại giao – có thể nằm trong số chi phí sắp đến, một lãnh địa phì nhiêu cho đảng Cộng hòa

Kỹ năng thực thụ của Truman, một chính trị gia thượng thặng, trong việc ông xoay sở khéo léo với hầu hết những nhóm truyền thống trong đảng Dân chủ, đồng thời chọc thủng sự kháng cự của đảng Cộng hòa ở các bang, đã không lộ ra với đa số địch thủ trong một thời gian dài – ông rời Nhà trắng trước khi đa số họ hiểu được rằng ông thực sự tài tình tới mức nào. “Tôi không quan tâm đến việc giải thích như thế nào. Nó thách thức mọi nhận thức thông thường để đưa tay chính trị gia vô lại đó trở lại Nhà trắng” Bob Taft nói, những từ này đã giúp giải thích vì sao Truman thắng. Walter Lipmann, một nhà báo nội chính ghi nhận, dù Truman không có tinh thần, tâm lý hay niềm tin của một người ủng hộ Kinh tế mới thực thụ, nhưng ông vẫn khôn ngoan giữ liên minh chính trị của Roosevelt lại. Với những nhà bảo thủ đảng Cộng hòa, ý tưởng rằng ông ấy có thể chiến thắng, trong khi rõ ràng là đến lượt họ, là thứ không thể tưởng tượng ra nổi (Một trong những quyển sách hay nhất viết về cuộc bầu cử đó có cái tựa là Chiến thắng trượt khỏi miệng). Sau đó, họ trách Dewey và cánh tự do trong đảng đã triển khai một lần nữa cuộc tranh cử như cũ, nhưng nếu mà Truman có cạnh tranh với Robert Taft, người họ ưa thích, thì có lẽ chênh lệnh sẽ còn lớn hơn nữa.

Hồi tưởng lại quá khứ, không thể nào ước lượng thấp ảnh hưởng to lớn của chiến thắng Truman lên đảng Cộng hòa – điều này và nhu cầu tuyệt vọng tìm cho ra được một vấn đề mới, đã tạo ra và quyết định đó là vấn đề Trung Hoa sụp đổ, trong một cảm giác rộng lớn hơn đó là sự thoái hóa biến chất của Washington. Giả sử Dewey thắng điều gì có thể sảy ra, phải chăng quan hệ lưỡng đảng vốn đã tồn tại gần một thập kỷ qua vẫn có thể tiếp tục với những điều chỉnh không đáng kể, phải chăng những lời buộc tội cay đắng với tội phản quốc lên những cán bộ cao cấp sẽ có thể điềm tĩnh hơn, những điều này vẫn là một câu hỏi hấp dẫn. Nếu Dewey là tổng thống và John Foster Dulles làm ngoại trưởng trong chính quyền ông ta, thì liệu cánh hữu đảng Cộng hòa có “truy sát” họ ở mọi nơi như đã làm với Truman và Acheson? Liệu rằng đất nước có thể thoát khỏi những lời buộc tội huynh đệ tương tàn ghê tởm như trong thời McCarthy, và suy rộng hơn họ sẽ có gì hơn những vấn đề do tay thượng nghị sỹ Wisconsin ấy đưa ra? Và giả như Dewey là tổng tư lệnh trong những năm ấy thì liệu có phóng tay làm việc (và nếu cần thì huyền chức) một Douglas MacArthur cứng đầu, một người hùng Cộng hòa? Hoặc phải chăng MacArthur, hiểu rằng ông có vị trí chính trị thấp dưới Dewey hơn là Truman, nên sẽ hoạt động với sự tôn trọng hơn với thượng cấp?

Lúc những người Dân chủ ăn mừng chiến thắng của Truman, một số ít người lo lắng khi nghĩ về việc thất bại trong một dọc 5 kỳ bầu cử nghĩa là sẽ đưa đến một đảng thiểu số, thì một số lớn những nhân vật quan trọng nhất lại buồn rầu rằng họ có thể là thành phần của một đảng thiểu số vĩnh viễn. Với những đảng viên Cộng hòa, thất bại đồng nghĩa với việc không còn là ngài Dễ thương nữa. Nếu về mặt chính trị họ bị chặn đường bởi thế lực công nhân áo xanh cùng với sự trỗi dậy và trưởng thành chính trị của các nghiệp đoàn, thì họ sẽ không còn nhẹ nhàng với vấn đề biến chất của chính quyền nữa. Lòng trung thành và chống chủ nghĩa cộng sản là khẩu hiệu mới của họ, câu thần chú tấn công chính trong những chiến dịch của họ. Và họ còn được giúp đỡ rất nhiều bởi các thế lực ngoài tầm kiểm soát của bất cứ ai, đặc biệt nhất trong đó là chính phủ Tưởng Giới Thạch, cũng chính chỗ này rốt cuộc cũng cho họ một vấn đề mang tính định hướng. Chính trị trong nước ngày càng phát triển theo hướng cay đắng hơn với lời buộc tội chống lại đảng Dân chủ rằng đã phản quốc trong hai mươi năm.

(Hết chương 14)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 10:47:38 am »

Chương 15

Sự trỗi dậy của Trung Hoa ở góc độ một vấn đề chính trị nội địa lớn, sự gia tăng xung đột về chính sách đối ngoại Mỹ, và việc chính phủ Dân chủ dù theo các nhà chỉ trích cánh tả là quá cứng rắn, nhưng lại bị buộc tội là nhún nhường – tất cả những điều này có nghĩa là cuộc chiến Triều Tiên không bao giờ được xem xét một cách biệt lập như là một cuộc chiến nhỏ ở một đất nước nhỏ; nó không bao giờ chỉ gói gọn ở Triều Tiên. Nó luôn được gắn liền với những thứ to lớn hơn: Trung Hoa, một quốc gia gây ra cảm giác chua cay nhất trong tranh cãi chính trị nội địa. Lúc chính phủ Truman gửi quân đến Triều Tiên, luôn có một câu hỏi đen tối to lớn mà chưa có câu trả lời ám ảnh họ, đó là mối đe dọa của việc quân Trung Hoa Cộng sản tham chiến, điều tổng thống và đa số những người xung quanh lo sợ nhất, trong khi đó là điều vị tướng tư lệnh chiến trường và vài người ủng hộ ông dường như sẵn sàng đón chào. Và như thế vị tổng thống đã đưa quốc gia vào một cuộc chiến khó khăn với tay bị cột chặt. Và ông cũng, dù không ai muốn thừa nhận điều này, làm chính trị theo kiểu phòng thủ, và đó là tại sao ông không có lựa chọn nào khác với vị tướng tư lệnh chiến trường.

Ngay cả bên trong nội bộ chính phủ của ông cũng cãi nhau ầm ĩ thường xuyên về vấn đề Trung Hoa từ khi Loius Johnson tham chính và bắt đầu đụng độ với Acheson. Hai người này bắt đầu cãi nhau về việc viện trợ cho Đài Loan ngay khi Johnson vừa nhậm chức. Chỉ bốn ngày sau khi Bắc Triều Tiên vượt qua biên giới, thượng nghị sỹ Robert Taft, lãnh đạo đảng Cộng hòa, đã có một bài diễn thuyết đầy cảm xúc ở thượng viện, công kích Truman đã không tìm kiếm sự chấp thuận của nghị viện khi tiến hành tham chiến. Taft cũng nói rằng cuộc xâm lăng của Bắc Triều Tiên cho thấy chính sách của Acheson ở châu Á là cực kỳ thiếu sót, rằng chính phủ đã quá nương tay với chủ nghĩa cộng sản, và rồi kêu gọi Acheson hãy từ chức. Vài giờ sau bài phát biểu của Taft, Averell Hariman, ông vừa được Truman triệu hồi từ châu Âu về để giúp Acheson, tình cờ có mặt trong văn phòng của Johnson. Điện thoại reo và Johnson bắt máy – Bob Taft gọi. Johnson tán dương bài phát biểu vung vít (đặc biệt với đoạn Acheson nên từ chức). “Có vài điều cần phải được nói ra” ông bảo Taft. Harriman hoàn toàn bị sốc – trông giống đang ở sau chiến tuyến và nghe lãnh đạo quân thù nói chuyện. Ông còn choáng váng hơn khi Johnson đề nghị Harriman cùng tham gia với ông ta và sẽ được giúp làm Ngoại trưởng. Ngay lập tức Harriman báo với Truman về sự việc, và đó là bắt đầu cho việc kết thúc chiếc ghế Bộ trưởng Bộ quốc phòng của Johnson.

Johnson, một kẻ ủng hộ Tưởng giới Thạch và thù địch với các nội hàm chính sách của Truman, họ có thể dễ dàng khống chế. Ông tự đánh giá quá cao khả năng chính trị của mình, còn các cán bộ quân đội cao cấp khinh miệt ông ta. Nhưng MacArthur, tư lệnh chiến trường của họ, thì lại là vấn đề khác. Ông dường như là những gì cần có để đối đầu với chính phủ. Một trong những cuộc đụng độ sớm giữa ông và Truman diễn ra trước chiến tranh Triều Tiên, cuối tháng Mười hai năm 1948, tạp chí Life, một tuần báo đầy quyền lực của Herry Luce, một người ủng hộ Trung Hòa và là nhà chỉ trích quan trọng  các chính sách Trung Hoa của chính phủ, đã chạy một tít khổng lồ: “MACARTHUR NÓI SỰ SỤP ĐỔ CỦA TRUNG HÒA LÀM HOA KỲ GẶP NGUY HIỂM”. Tờ Life cũng nói rằng MacArthur đã gửi một điện thư dài 16 trang cho chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, thứ đã “cho các cán bộ quân sự cao cấp của chúng ta một cú sốc lịch sử”.  Còn Liên Xô, theo như ông báo cáo, giờ ở trong vị trí để chiếm Nhật Bản. “Khi đối diện với các sự thật dường như quá rõ ràng, vậy sao Washington còn có thể quá tự mãn với những hậu quả của chiến thắng Cộng sản ở Trung Hoa?”. Đây là một bài báo hấp dẫn – lãnh đạo quân sự của chính phủ ở châu Á đã xếp hàng theo những kẻ thù cực đoan của chính phủ trong vấn đề chính trị nhạy cảm nhất. Đó không phải là một điềm báo tốt đẹp cho tương lai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 10:51:01 am »

Trận chiến kế tiếp diễn ra vào cuối tháng Bảy năm 1950. Có một cuộc cãi vã ít nhiều cay đắng về Đài Loan trong nội bộ chính phủ, với việc hội đồng tham mưu liên quân bắt đầu rút lại ý kiến của họ về giá trị của hòn đảo đó – đảo này có điểm gần nhất là cách bờ biển Trung Hoa tầm 85 dặm – và nay cuộc chiến Triều Tiên đã bắt đầu. Thông tin từ các nguồn tình báo – sau này đã được cho thấy là hoàn toàn sai lầm – rằng một hạm đội khổng lồ của Cộng sản Trung Hoa với chừng 4,000 ngàn hải thuyền đang được tập hợp trong đại lục, có thể là một phần của các công tác chuẩn bị tấn công Đài Loan. Điều này gây ra một mối quan ngại còn lớn hơn. Acheson thì lo rằng bất kỳ hành động nào cũng có thể liên kết các nỗ lực của Hoa Kỳ ở Triều Tiên với họ Tưởng và có thể làm cuộc chiến mở rộng, và ông vẫn chống lại việc viện trợ cho Tưởng. Trong suy nghĩ của mình, ông cho rằng bất kỳ sự trợ giúp nào cho Đài Loan cũng sẽ đồng nghĩa với giúp cho Tưởng Giới Thạch và đó sẽ là một chính sách định mệnh của Mỹ. Tuy vậy, Truman bắt đầu đưa ra các điều chỉnh chính trị của riêng ông. Tổng thống yêu cầu gửi một đội nghiên cứu  đến đánh giá các nhu cầu cần thiết để phòng vệ cho Đài Loan. Sau đó hội đồng tham mưu liên quân chuyển yêu cầu đó cho MacArthur, ông này quyết định là ông sẽ lãnh đạo đội nghiên cứu đó. Lúc này Hội đồng liên quân bắt đầu có chút lo ngại và đề nghị rằng ông nên gửi ai đó khác trong chuyến tiền trạm này – có thể là một sỹ quan cao cấp – và bộ Ngoại giao cũng bộ quốc phòng vẫn còn ở đó sẽ điều khiển đội. Hay nói cách khác, nó sẽ trông giống như một dạng viếng thăm của chính phủ hơn là một nỗ lực đánh giá các nhu cầu quân sự.

Nhưng MacArthur không có ý định chờ đợi cũng như không có ý để bộ Ngoại giao đóng vai trò chính. Ông gần như bay đi ngay lập tức, bỏ lại đại diện chính của bộ Ngoại giao, Bill Sebald ở lại Tokyo, và mang theo một đội lớn các sỹ quan cao cấp của ông, nhiều tới mức phải dùng đến hai chiếc C-54 khổng lồ. Trên đường, MacArthur gọi báo cho lầu Năm góc rằng nếu như Trung Hoa triển khai xâm lăng, ông sẽ dùng ba phi đoàn F-80 để đẩy lùi chúng. Việc này làm căng thêm tình hình ở Washington, đặc biệt nhất là với Acheson, ông tin rằng viên tướng đã chuyển ba phi đoàn đó tới Đài Loan, và như vậy đã vi phạm quá mức giới hạn quyền chỉ huy của ông ta. Acheson còn chọc tức thêm, nhưng cũng là nhắc nhở Hội đồng tham mưu liên quân rằng không nên hướng sự quan tâm đến Tưởng Giới Thạch mà nên là Đài Loan, và rằng họ đã không điều khiển nổi MacArthur trong khi có thể điều khiển được các tư lệnh chiến trường khác. Sẽ là tốt hơn nếu chính Truman lịnh cho MacArthur tạm dừng chuyến đi, sau này Omar Bradley viết lại.

MacArthur hạ cánh xuống Đài Loan vào ngày 29 tháng Bảy, sau một tháng một tuần trong cuộc chiến (Triều Tiên) nổ ra. Người của Tưởng chấn động. Ông được chào đón với nghi thức không thua lãnh đạo nhà nước, và cả ông cùng Tưởng Giới Thạch đã thực thi với tất cả nghi thức phẩm giá. Ông ga lăng hôn tay Tưởng phu nhân và gọi Tưởng giới Thạch là “cựu chiến hữu”, dù họ chưa từng gặp nhau trước đó. Quan trọng nhất, dù về mặt kỹ thuật không có thay đổi nào trong chính sách, nhưng chuyến đi này đã đưa ra một dấu hiệu  thay đổi chính sách, hoặc ít nhất cũng thể hiện một chính sách riêng biệt. Đây là một ân hệ lớn cho guồng máy PR của Tưởng. Tưởng giới Thạch phát biểu rằng Hoa Kỳ và Trung Hoa đang có những “lý do chung” để cùng nhau chống lại kẻ thù chung của họ. “Cạm bẫy tác động trong tuyên truyền của Trung Hoa Dân quốc là đã đưa ra cảm tưởng rằng Hoa Kỳ đã, hoặc sẽ tiếp tục là đồng minh thân cận nhất của Tưởng trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Cộng sản ở Viễn Đông, và ngay cả việc chúng ta có thể vũ trang cho ông ấy trong công cuộc “trở lại đại lục”” Omar Bradley đã viết vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 10:53:26 am »

Có thể đoán biết được là cả Truman và Acheson vô cùng điên tiết. Đây là một dấu hiệu, đầu tiên trong nhiều cái sắp đến, rằng Douglas MacArthur không chỉ đang đưa ra chính sách mà còn cho quyền, ít nhất trong suy nghĩ của ông ta, thực thi nó, rằng ông ta luôn có chương trình nghị sự riêng và chương trình đó không nhất thiết phải giống như của tổng thống. Tổng thống chắc chắn rằng viên tướng đã dùng chuyến đi đó để khích lệ Nhóm vận động Trung Hoa và để tăng cường ảnh hưởng của ông lên cánh hữu. Khi nghe được tổng thống đang rất giận, và như để phản ứng việc chuyến đi của ông gắn liền với cánh báo chí, MacArthur còn chọc tức thêm khi nói rằng chuyến thăm của ông:  “bị xuyên tạc một cách ác ý đến công chúng bởi những người trong quá khứ lúc nào cũng tuyên truyền một chính sách của chủ nghĩa thất bại và chủ nghĩa nhượng bộ ở Thái Bình Dương”. Đây là một cái tát khác dành cho Acheson.

Sự việc vừa  xảy ra có vị trí quan trọng với Washington, Truman ngay lập tức đưa một đội ba người đến Tokyo và Triều Tiên để chắc chắn rằng sự kiện đó không xảy ra lần nữa, và đồng thời để tìm hiểu xem cuộc chiến sẽ như thế nào và bao nhiêu mệnh lệnh cần phải có. Đó chính là đội mà Matt Ridgway là thành viên lúc ông đánh giá Walton Walker. Nhưng nhân vật chính lại là Averell Harriman, khi ấy là một nhà giải quyết sự cố hàng đầu của Truman. Nhiệm vụ cơ bản của ông là làm tăng cường mối quan hệ giữa Washington và MacArthur, tìm hiểu xem những gì ông ta cần về lính và quân trang, đồng thời chuyển đến hai thông điệp từ tổng thống, như sau này Harriman ghi lại, cái đầu là: “Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để cho ông ta những gì ông ta muốn hỗ trợ; và thứ nhì là tôi muốn anh nói với ông ta rằng tôi không muốn ông ta đưa chúng ta vào cuộc chiến với những người Cộng sản Trung Hoa”. Ngoài ra ông cũng gắng tìm hiểu xem MacArthur đã hứa gì với Tưởng Giới Thạch, và cảnh báo ông ta nên giữ khoản cách với Tưởng. Nhưng ngay cả khi Harriman đang trên đường bay đến Tokyo thì đã có một tường thuật phát ra từ sở chỉ huy của viên tướng, trích dẫn từ một một nguồn tin đáng tin cậy rằng MacArthur định nói với Harriman rằng cuộc chiến Triều Tiên sẽ tỏ ra vô dụng nếu Hoa Kỳ không chiến đấu với chủ nghĩa Cộng Sản mọi nơi nó thò đầu ra ở châu Á.

Những cuộc trao đổi giữa Harriman – MacArthur dường như thành công rất hạn chế. Sau này Harriman báo cáo với tổng thống rằng, những chỉ thị của tổng thống sẽ có thể được MacArthur tuân thủ, nhưng sự thiếu nhiệt tình là rất đáng kể. Là một người lính, ông có thể sẽ tuân lệnh, Harriman báo cáo “nhưng không hoàn toàn tin chắc”. Sự thông minh sắc sảo của Harriman không phải là một dấu hiệu tốt. Hay theo một cách nào đó ông là một con người xuất chúng như MacArthur, ông là một nhân vật quan trọng cũng rất lâu và không thể nào bị vị tướng đe dọa. Lúc đến nơi, khi MacArthur gọi ông bằng tên riêng – “Averel, mừng gặp lại ông” – thì ông cũng gọi lại ngay viên tướng bằng tên riêng; nếu đã là Averell thì có Douglas lại ngay.

Harriman biết rõ là MacArthur nghĩ bất kỳ hình thức thỏa hiệp nào với Mao Trạch Đông và nước Trung Hoa của ông ta là một chính sách nhân nhượng, dù ông không nói rõ ra vậy. Điều này sẽ đến sau. Ông ta cũng nói với Harriman rằng ông nghĩ Hoa Kỳ đã quá cứng rắn với Tưởng Giới Thạch  - họ nên “chấm dứt việc đối xử thô bạo với ông ta”. Nhưng dù ông không đánh giá cao quân đội Tưởng – không có sự bất đồng ý kiến nào với vấn đề này – thì về bản chất ông đã đứng về một phía trong vấn đề Trung Hoa, bên phía bắt đầu ám ảnh chính trị Washington. “Vì nhiều nguyên nhân khá khó để giải thích”  Harriman báo cáo với Truman khi ông quay về “Tôi không có cảm giác rằng chúng tôi đã đồng ý hoàn toàn với nhau về cái cách mà chúng tôi tin là có thể xử lý được Đài Loan và vị Thống chế. Ông ta chấp nhận cương vị tổng thống và sẽ phối hợp hành động, nhưng không hoàn toàn tin chắc. Ông có ý tưởng lạ lùng rằng chúng ta nên chống lưng cho bất cứ ai sẽ chiến đấu chống cộng sản, dù rằng ông không nói với tôi một luận cứ nào về việc tại sao vấn đề chống cộng của viên Thống chế có thể là góp phần ảnh hưởng lên việc điều đình với cộng sản ở Trung Hoa”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 11:00:20 am »

Buổi họp sau cùng giữa MacArthur và đội từ Washington diễn ra vào ngày 8 tháng Tám lúc cuộc chiến Triều Tiên còn đang trong giai đoạn khó khăn. Quân Bắc đang ép mạnh lên vòng cung Pusan. Trong buổi họp, MacArthur với sự vui vẻ đáng ngạc nhiên, tiết lộ kế hoạch một cuộc đổ bộ bất ngờ lên phía sau tuyến quân Bắc Triều Tiên ở một cảng tên là Inchon, ở tận xa trên bờ biển phía tây Triều Tiên. Đó nguyên là kế hoạch chiến dịch Trái Tim xanh mà MacArthur đã ủng hộ trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, giờ được mở rộng và nâng cấp rất nhiều. Cuộc đổ bộ lên Inchon, ông lên lịch là vào ngày 15 tháng Chín, không là một kế hoạch chuẩn bị chiến đấu ám ảnh quá nhiều. Gần như ngay từ thời điểm quân Bắc Triều Tiên vượt biên giới và nam tiến, ông ta đã nghĩ về nó. Trong một cuộc họp ban tham mưu hồi đầu tháng Bảy, một số cán bộ của ông đã được yêu cầu  nghĩ về hình thái của một cuộc đổ bộ đường thủy và đưa ra các đề xuất. Nhiều vị trí đã được đưa ra: một sỹ quan tham mưu chọn một cảng ngay sau tuyến quân Bắc Triều Tiên, người kế tiếp thì chỉ ra một nơi cách 10 kilomet về hướng bắc vẫn trong tầm pháo binh Mỹ. Một sỹ quan thứ ba, một thiếu tá trẻ tên là Ed Rowny, người dũng cảm nhất, thì đề nghị một nơi cách chừng 25 km trên bờ biển phía đông. MacArthur không ấn tượng. “Tất cả các anh thiệt là nhát gan”  ông nói. Rồi ông tiến đến bảng đen và viết bằng tiếng Pháp – Rowny nhớ rất rõ sau nhiều năm bởi đó là MacArthur vĩ đại và một cuộc thể hiện vĩ đại, và còn làm điều đó tốt hơn bởi đã bất ngờ sử dụng tiếng Pháp – “De Qui Objet?”. Mục đích là gì? Và rồi ông lấy một cây bút chì mỡ khổng lồ khoan tròn Inchon, một cảng của Seoul, hoàn toàn vượt qua những gì ai khác có thể đề nghị. ”Đó là nơi chúng ta nên đổ bộ, Inchon – thẳng vào yết hầu”. Một sỹ quan trẻ hơn nói về những khó khăn về thủy triều và sợ rằng cảng đã bị gài mìn, nhưng MacArthur quẳng những thứ đó sang một bên. “Đừng đưa những nỗi sợ của các cậu ra – đây chỉ đơn giản là vấn đề về quyết tâm và dũng cảm”. RỒi ông bảo họ xây dựng ra phương án đổ bộ lên Inchon.

Và giờ đây, với Harriman và Ridgway, ông đẩy mạnh cuộc đổ bộ. Như thường lệ ông cần 4 sư đoàn cho chiến dịch, nhưng quân lực Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi việc giải trừ quân bị thời hậu chiến, nên ông sẽ làm với hai sư đoàn, sư bảy bộ binh và sư Thủy quân lục chiến số một. Ridgway nghĩ đó là một phần giới thiệu rất hay của một chiến lược cao cấp độc đáo, ông ủng hộ một cách nhiệt tình, và là người đầu tiên trong tổ an ninh quốc gia ở Washington tham gia vào nhóm ủng hộ viên của kế hoạch Inchon. Ridgway cũng rất ấn tượng với sự quan tâm của MacArthur với những thử thách gay go của binh sỹ khi mùa đông Triều Tiên sắp đến, một mùa đông kinh khủng, ông chắc chắn vậy, hơn bất kỳ những gì họ đã trải qua ở Đức. MacArthur bảo họ tấn công vào Inchon càng sớm càng tốt. Một khi mùa đông đến, MacArthur lưu ý thêm, sẽ rất khắc nghiệt, có thể những thương vong không phải do chiến đấu còn vượt quá những thương vong trong chiến đấu. Mỉa mai thay những lý luận đó của ông đã thành hiện thực vào cuối tháng Mười Một, khi MacArthur đã không do dự đưa tập đoàn quân 8 và quân đoàn 10 tiến lên phía bắc đến tận sông Áp Lục trong thời tiết lạnh chết người, và thường cũng chỉ với quân phục hè, cả Harriman và Ridgway không thể quên. Họ phán định rằng, MacArthur có thể tranh luận mạnh mẽ ở bất kỳ góc nào của vấn đề – dựa trên mục tiêu là nó có phù hợp với dự định hiện tại của ông hay không.

Với  Harriman, sự độc đáo của kế hoạch đổ bộ Inchon làm lúng túng những lãnh đạo dân sự, MacArthur một người có hai cái tôi – một vị tướng tài năng, giàu sức tưởng tượng, nhưng cũng rất khó cho những vị sếp bên dân sự của ông để làm việc cùng, một sỹ quan gần như thường xuyên không chịu phục tùng, với một chương trình nghị sự luôn khác biệt với các thượng cấp của mình. Họ đều hiểu rằng điều này như một hành động phản xạ với ông để chống lại những thông tin chỉ trích. Làm thế nào để lấy ra được những gì tốt nhất từ một người dường như thường xuyên tạo những làn sóng chính trị ngược, đơn thuần là không làm theo luật lệ dùng cho các cán bộ quân sự cao cấp khác, và không bao giờ gần gũi, thẳng thắng với bạn? Cách nào để bạn giao việc và điều khiển được ông ta? Liệu rằng một con người thông minh như ông ta có thể thực sự thuộc đội của bạn? Chuyến công tác của Harriman và Ridgway nhấn mạnh vào nan đề hoàn hảo của MacArthur: tình hình lộn xộn do ông tạo ra với họ Tưởng, và sự thông minh sáng chói của kế hoạch Inchon. Trong một nhận định bất thường về tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà MacArthur luôn gây ra cho các thượng cấp dân sự, Harriman đã nói với Ridgway rằng chủ yếu “là do sự cân nhắc về mặt chính trị lẫn cá nhân bị gác sang một bên và chính phủ của chúng ta làm việc với tướng MacArthur cao ngạo bởi ông là vốn quý của quốc gia”. Nhưng cho dù buổi họp của họ diễn tiến theo hướng tích cực, thì những dấu hiệu rầy rà trong tương lai vẫn đầy dẫy. Nếu mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh, vốn được xếp vào dạng đồng minh thân thiết trong khối Cộng sản, nhanh chóng cho thấy khó khăn một cách bất thường thì nó cũng được cân bằng bởi mối quan hệ gai góc giữa sở chỉ huy quân Mỹ tại Tokyo với các thượng cấp quân – dân sự ở Washington.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 11:04:58 am »

Cánh dân sự hiểu rằng luôn sẽ có một rắc rối kế tiếp với MacArthur. Với việc này họ không phải đợi quá lâu. Không tới ba tuần. Đó là một bài phát biểu ở VFW.  Vị tướng được đề nghị phát biểu, hoặc ít ra gửi về một bài nói để đọc trước hội nghị thường niên của Hội cựu binh các cuộc chiến ngoài nước, một dạng lính Lê dương Mỹ và không là nhóm cử tri bồ câu. Một lần nữa, bài phát biểu nhắc đến Đài Loan. Ông ta nói rằng giá trị quân sự của nó là không nên bị đánh giá thấp. Từ Đài Loan, Hoa Kỳ “có thể khống chế bằng không lực mọi cảng biển ở châu Á từ Vladivostok đến Singapore và ngăn chặn bất kỳ hoạt động thù địch nào vào Thái Bình Dương”. Thật là lạ lùng như thể ông mang đạn dược đến tặng cho các quốc gia đối thủ với việc nói ra rất công khai chủ đề cực kỳ tế nhị này. Chủ đề này – rằng Đài Loan là một căn cứ quân sự to lớn cho người Mỹ – chính xác là vị trí cho người Nga, cả với danh nghĩa của chính họ hay nhân danh cho cho người Trung Quốc, đang cố khai thác ở Liên Hiệp Quốc, và đồng thời cũng là điểm mà Washington muốn tối thiểu hóa để giới hạn viễn cảnh của cuộc chiến Triều Tiên. Thế rồi MacArthur còn đi xa hơn, một lần nữa vặn sườn chính phủ với một phát biểu dường như là của một nhà chỉ trích chính trị hơn là một chiến tướng. “Không gì có thể sai lầm hơn những lý lẽ cũ rích  đưa ra bởi những kẻ tán thành chính sách nhượng bộ và chủ nghĩa thất bại ở Thái Bình Dương rằng nếu chúng ta bảo vệ Đài Loan thì lục địa châu Á sẽ xa lánh chúng ta… Những kẻ nói như vậy chẳng hiểu gì về phương Đông. Chúng không chấp nhận rằng khuôn mẫu tâm lý phương Đông là tôn trọng và theo sự lãnh đạo xông xáo, cương quyết và năng động”. Nếu đây không là một đợt công kích vào bản thân Truman thì nó hiển nhiên là một cú đấm vào mặt Acheson.

Một lần nữa Truman tức điên. Dù bài nói đã được công khai và truyền trên hệ thống truyền thông, nhưng nó vẫn chưa được đọc trong hội nghị VFW. Truman gọi các cán bộ hàng đầu và bảo Louis Johnson, ông này đồng tình với MacArthur trong chủ đề này, kêu MacArthur rút lại bài nói – và đó là một mệnh lệnh của tổng thống. “Anh có hiểu không?” ông hỏi. “Vâng thưa ngài, tôi sẽ làm” Johnson trả lời. “Hãy đi làm ngay đi” tổng thống nói (ông cũng giận Johnson và có cảm giác rằng ông ta là một kẻ đồng âm mưu trong vấn đề này). Nhưng Johnson trở về văn phong mình và dao động, và không thích ý tưởng rằng kêu MacArthur tự tiêu bài nói đi. Ông gọi Acheson và đề nghị các phương án để làm uyển chuyển bớt lịnh của Truman – đại loại rằng thứ mà MacArthur nói chỉ là ý kiến cá nhân của một người và rằng mọi người đều có quyền có quan điểm riêng. Acheson lưu ý ông rằng đây là lệnh của Truman. Cả ngày đó điện thoại qua lại liên tục giữa các nhân vật hàng đầu, chỉ trừ Truman. Cuối cùng, đến giữa giờ chiều, Truman gọi cho Johnson và đọc tùng chữ thông điệp gửi cho MacArthur: “Tổng thống Hoa Kỳ trực tiếp yêu cầu ngài rút lại phát biểu ở Hội nghị Cựu Binh Viễn chinh quốc gia, bởi nhiều chi tiết trong đó xung đột với chính sách của Hoa Kỳ và vị trí của đất nước ở Liên Hiệp Quốc”. Cuối cùng bài nói cũng được rút lại – và giờ tới lượt MacArthur nổi giận. Nhưng vì bài phát biểu đã được đưa ra công khai rồi lại rút đi, nên rắc rối này dù kết thúc nhưng không kết liễu được. Sau này, sau khi MacArthur và Truman đụng độ nhau lần cuối và tổng thống bãi nhiệm ông ta, Truman đôi khi càu nhàu rằng ông nên làm điều này từ sớm hơn, từ hồi có vụ phát biểu VFW.

Đây cũng là hồi chuông báo tử cho Louis Johnson, tổng thống đã lịnh cho ông từ chức chừng hai tuần sau đó. Johnson đã bật khóc khi Truman liên tục bảo ông ký tên vào thư từ biệt. David McCoullough người viết tiểu sử của Truman đã ghi rằng Johnson “có lẽ là vị trí bổ nhiệm tệ hại nhất mà Truman từng mắc phải”. “Một gã lập dị” Acheson nói như vậy về Johnson. Trong cả quá trình ngắn ngủi tại chức Johnson đã làm bực mình hầu hết mọi người trong chính phủ, trong đó có cả tổng thống, ngoại trưởng, toàn thể nội các, và gần như toàn bộ các sỹ quan cao cấp. Những sỹ quan cao cấp thường cay đắng cãi nhau về vai trò của người kia thời hậu chiến, đã thống nhất được với nhau ở một điểm – tất cả họ đều ghét Louis Johnson. Với họ, ông dường như là một bức biếm họa ác mộng tệ hại nhất của họ về một chính trị gia dân sự.  Ông thường chê bai những kỹ năng của họ. Với bom hạt nhân trong đầu, ông đã viết cho một một đô đốc vào tháng Mười Hai năm 1949 (dùng thứ mà nhà văn Robert Heinl gọi là “sự tế nhị tiêu biểu” của ông ta): “Ngài đô đốc, Hải quân trên đường tàn lụi… Không có lý do nào để tồn tại Hải quân và Thủy quân lục chiến. Tướng Bradley nói với tôi rằng các cuộc đổ bộ đường thủy giờ đã là quá khứ. Chúng ta sẽ không bao giờ có một cuộc đổ bộ đường thủy nào nữa. Thứ này ra đi cùng Thủy quân lục chiến. Và ngày nay, không lực có thể làm mọi thứ mà Hải quân có thể, và như vậy Hải quân cũng ra đi”. Ông bị các tướng lĩnh lục quân ghét  bởi áp lực ông đặt vào việc thu nhỏ nhanh chóng lục quân Mỹ vốn đã nhỏ bé đi rồi. Lúc ông bị sa thải vào tháng Chín năm 1950, lúc chiến tranh Triều Tiên đã được ba tháng, có một câu chuyện cười chua cay lan truyền trong lầu Năm góc rằng: Hội đồng tham mưu Liên quân thông báo cho Johnson là ông rốt cuộc đã có thể dừng cái yêu cầu giảm quân nghiêm khắc của mình – bởi số lính bị giết hằng ngày ở Triều Tiên đã đưa sức mạnh của Mỹ về đến mức mong đợi rồi. Ông cũng bị hầu hết những người từng làm việc với ông coi thường. “Truman không ý thức được rằng ông đã thay một ca tâm thần bằng một ca tâm thần khác” Omar Bradley sau này viết trong hồi ký, khi liên hệ tới Forrestal.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM