Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:40:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91115 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 11:08:13 am »

Nhưng trên thực tế, dù đã xúc tiến cho việc ra đi của Johnson thì đó cũng là phần ít quan trọng nhất của cú nhấn hụt VFW-MacArthur. Nó làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa tổng thống và vị tướng, ông này bị buộc phải lui lại và tôn trọng lịnh của tổng thống, một tiến trình rất không vui và xa lạ với ông, và làm vết thương thêm mưng mủ. Đó cũng là một lời cảnh báo rõ ràng cho Nhà Trắng, như chuyến thăm đến Đài Loan, rằng MacArthur là một người bất đồng quan điểm, cả về thứ bậc lẫn chính sách. Nó cho thấy ông không có chút nào đồng tình với chính sách của họ ở Á châu, bao gồm cả mục tiêu khả dĩ của cuộc chiến mà họ đang chiến đấu, và rằng ông còn gần như là một nhà đối lập nghiêm trọng trong vấn đề đang ám ảnh họ – Trung Hoa. Đó không là một khuyết điểm nhỏ: tổng thống và ngoại trưởng muốn, nếu có khả năng, thì tách biệt Triều Tiên với vấn đề lớn hơn: Trung Hoa; nhưng còn vị tướng thì không, không chỉ muốn kết nối hai vấn đề mà ông còn muốn nhiều hơn như ông đã nói: rằng ông quỳ gối và cầu nguyện mỗi đêm cho Trung Hoa tham chiến – rõ ràng là không lấy làm lo với viễn cảnh Trung Hoa canh thiệp.

Để thay thế Johnson, Truman đã tiếp xúc với George Marshall, ông này thì đã mệt mỏi bởi những nhiệm sở trước đó và sức khỏe cũng đã suy giảm, và ông cũng chỉ cách sinh nhật tuổi bảy mươi vài tháng nữa. Ông cũng đang mong đợi một cương vị danh dự khi hồi hưu là làm chủ tịch hội Chữ thập đỏ. Truman, đã ý thức được với trường hợp Johnson, nên đã thăm dò xem Marshall có chịu ra công tác lần nữa không. Marshall trả lời rằng ông có thể công tác, nhưng chỉ 6 tháng thôi với Bob Lovett, một cán bộ triển vọng nhất trong hệ thống an ninh quốc gia,  sẽ đứng vị trí số hai và sau này thay ông. Ngài có chắc là muốn tôi làm không? Marshall hỏi lại vị tổng thống. Tổng thống có thể muốn cân nhắc thêm, ông bảo “thực tế là việc bổ nhiệm tôi có thể gây tác dụng xấu đến ngài và chính phủ của ngài. Bởi họ vẫn buộc tôi với việc sụp đổ của chính quyền Tưởng giới Thạch ở Trung Hoa. Tôi muốn giúp ngài, chứ không phải làm tổn thương ngài”. Sau này khi kể lại cuộc trao đổi đó qua thư từ với vợ, Truman viết rằng: “Em nghĩ rằng có thể có ai khác nói được như vậy không? Như anh, anh không thể và ông ấy là một trong những vĩ nhân.

Ngay cả khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, thì cái chết của một nước Trung Hoa cùng với sự ra đời của một nước Trung Hoa khác vẫn treo lơ lửng trên đầu chính phủ – đây là một vấn đề làm chính phủ bắt đầu mất máu. Nếu trong năm 1948 đảng Cộng hòa vẫn tìm kiếm một vấn đề để công kích thì đến năm 1949 lời cầu nguyện của họ đã được đáp ứng. Sự sụp đổ của chế độ Tưởng Giới Thạch là một bước quan trọng đầu tiên cho điều sau này sẽ thành một cuộc đụng độ kinh khủng giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa trên chiến trường ở chừng 20 tháng sau. Ngày 3 tháng Mười Một năm 1948, ngay trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ, quân đội Trung Hoa Dân quốc triệt thoái khỏi Shenyang (Thẩm Dương???), thành phố lớn nhất Mãn Châu Lý, lần đầu tiên bỏ một thành phố quan trọng (và quyền điều khiển của hầu hết các vùng đất chung quanh) cho lính Hồng quân Trung Hoa của Mao Trạch Đông. Đường đã mở. Quân đội Tưởng Giới Thạch trong tiến trình sụp đổ choáng váng, cứ mỗi thất bại mới dường như khẳng định thất bại kế tiếp sẽ còn lớn hơn và xảy ra nhanh hơn. Đôi khi cả hàng sư đoàn Quốc dân Đảng bị bao vây và ngay lập tức gia nhập vào quân đội của Mao. Những sư đoàn khác đơn giản là biến mất và để lại phía sau cho phía Cộng sản thù địch hàng triệu đô là tài sản thiết bị quân sự của Mỹ.

Kể từ đó, Hoa Kỳ và một Trung Hoa mới, cách mạng, đôi khi dường như điếc, như câm trước những xung động chính trị – quân sự của nhau, ngần ngại trong một điệu vũ vụng về chậm chạp hướng đến một cuộc đụng độ vũ trang không mong muốn. Có hàng đống dấu hiệu suy tàn của Tưởng Giới Thạch từ bốn năm trước, nhưng bởi thông tin tuyên truyền của rất nhiều nhà báo ưa thích chế độ này, nên khi quyền lực của Tưởng kết thúc, tin này vẫn gây choáng váng cho hàng triệu người dân Mỹ. Một Trung Hoa yêu dấu đột nhiên thành cộng sản, một đất nước trong suốt thế chiến II họ được bảo là cần cù siêng năng, ngoan ngoãn, đáng tin cậy, những người châu Á tốt (trong khi mới gần đây Nhật Bản còn được cho là xảo trá, thậm thụt, không đáng tin, và là những người châu Á xấu). Đầu tiên là nước Nga, một đồng minh trong suốt thế chiến II, đã thành thù; và giờ đây, có lẽ còn choáng váng hơn, Trung Hoa cũng thành thù và thành một đồng minh của Liên Xô.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 11:09:56 am »

Với hàng triệu người dân Mỹ điều này cảm giác như là một sự phản bội, một tai họa bởi khi một nước Trung Hoa với lãnh thổ rộng lớn và dân số đông đúc cộng thêm vào với diện tích bao la cùng dân số của ngước Nga, thì thế giới này trông nguy hiểm hơn.  Hai quốc gia đó nhuộm đỏ cả một vùng địa lý rộng lớn trên bản đồ thế giới, như vậy với các lý do chính trị, giờ họ thường thấy cái bản đồ đó đầy những dấu hiệu báo điềm gở. Bởi những tình cảm với Trung Hoa gieo trong lòng hàng triệu người Mỹ lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và bởi đảng Dân chủ đã thắng liền một dọc 5 cuộc bầu cử và đảng Cộng Hòa đang tìm kiếm một vấn đề mới, nóng, nên sự phân rã chính trị trong vấn đề Trung Hoa sụp đổ thể hiện rất đáng kinh ngạc. Một câu hỏi đặt ra khi ấy – một câu hỏi có tính phe phái rất lớn – là: Ai làm mất Trung Hoa? Cùng với đó là những giả định còn nghiêm trọng hơn – và quan niệm lịch sử sai lầm một cách khổng lồ – rằng Trung Hoa là chúng ta; và hơn nữa: là chúng ta thất bại. Sự sụp đổ của Trung Hoa Tưởng Giới Thạch, dù rất ít người hiểu về điều đó – hoặc muốn hiểu về nó, thời ấy – là một phần của cái giá phải trả trong tấn bi kịch biến đổi cấu trúc quyền lực thế giới vốn đã diễn ra trong sáu năm chiến tranh tổng lực. Thế Chiến II bên cạnh là một cuộc chiến thảm khốc giữa hai bên: phe Trục và phe Đồng Minh, cũng như thế Chiến I, đã để lại những hậu quả về sau trên toàn thế giới.

Trung Hoa trong trí óc của hàng triệu người Mỹ là một quốc gia huyền ảo nhất, với đầy những nông dân có trách nhiệm, ngoan ngoãn những người yêu và thích người Mỹ, những người không có gì khác hơn là thích họ. Đó là một quốc gia nơi những người nông dân bình thường được cho là mong thành người Thiên chúa giáo và thiết tha, dù có những trở ngại đáng kể trên con đường của họ, vươn lên khỏi cái quá khứ mà người Mỹ cho là ngoại đạo. Hàng triệu người Mỹ tin rằng không chỉ họ yêu (và hiểu) Trung Hoa cùng người Trung Quốc, mà còn cho rằng nghĩa vụ của họ là Mỹ hóa người Trung Hoa. “Với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta sẽ nâng Thượng Hải lên, ngay cả đến khi nó ngang bằng với Kansas” thượng nghị sỹ Kenneth Wherry của bang Nebraska nói, ông là một trong những nhân vật Cộng hòa chỉ trích chính phủ cay độc nhất trong các chính sách Trung Hoa (và cũng là người thích gọi Đông Dương của người Pháp là Trung Hoa lai – chỗ này chơi chữ nguyên văn là French Indochina và Indigo-China)

Rất lâu trước khi Tưởng chạy sang Đài Loan, và thiết lập một Trung Hoa của cá nhân ông tại đó, thì đã tồn tại hai Trung Hoa. Một Trung Hoa trong trí tưởng tượng của công chúng Mỹ, một Trung Hoa mà người Mỹ muốn nó phải như thế, và một Trung Hoa khác, một Trung Hoa thực, với thực tế đáng buồn hằng ngày với những người Mỹ ở đó. Một Trung Hoa huyền ảo là một đồng minh anh hùng, cai trị bởi một Tưởng Giới Thạch dũng cảm, cần cù, theo Công Giáo và theo Mỹ; cùng với người vợ xinh đẹp Tống Mỹ Linh, thành viên của một gia tộc giàu có nhất Trung Hoa và có mối quan hệ rất rộng, chính bà cũng theo Công giáo và được giáo dục tại Mỹ, và là một người dường như được sắp đặt trực tiếp từ trung tâm Casting để phục vụ cho một chiến dịch PR quan trọng. Mục tiêu của vị Thống chế và phu nhân của ông, luôn dường như chính xác là mục tiêu của nước Mỹ, giá trị với họ cũng bằng với chúng ta. Nhưng thực tế thì dĩ nhiên là khác hoàn toàn. Và theo cách đó, những gì diễn ra sau thế chiến II là những trò đùa ác nghiệt nhất: ảnh hưởng của hàng ngàn nhà truyền giáo Mỹ tận tụy đến Trung Hoa hơn một thế kỷ qua lớn hơn các quan điểm chính trị của quốc gia ở Trung Hoa, đất nước họ hi vọng sẽ thay đổi. Hàng triệu, hàng triệu trẻ em Mỹ, như John Melby, một trong những thành viên thông thái của sứ quán Mỹ ở thủ đô thời chiến của Trung Hoa – Chongqing – sau này viết lại, đã thành thật mang những đồng xu của họ đến trường học Chủ Nhật để tặng cho Trung Hoa nghèo khổ, bẩn thỉu. Cha mẹ họ nghe theo những nhà truyền giáo, khi trở về nước, đã giảng ở các nhà thờ và gợi lên không chỉ đất nước và con người Trung Hoa kỳ diệu, mà còn những thách thức to lớn luôn tồn tại trước mặt những người mong ước làm công việc của Chúa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 11:10:51 am »

Trong thực tế, Trung Hoa là một quốc gia phong kiến bị chia rẽ nghiêm trọng về mặt chính trị và địa lý, một quốc gia nghèo khổ tận cùng và thường bị cai trị bởi các lãnh chúa địa phương cực kỳ tàn bạo. Đó là một quốc gia với chừng 500 triệu dân được điều hành bởi một chính phủ yếu ớt, tham nhũng, đục khoét lợi tức ngoại quốc, với một lượng vô số các lãnh chúa và một tập đoàn đầu sỏ chính trị bé xíu trong một chính quyền song trùng. Một dạng lãnh đạo mà phương Tây, vốn tìm kiếm những lợi ích thương mại bền vững, thì một Trung Hoa yếu kém và đầy khuyết điểm là một nơi như vậy. Nội chiến Trung Hoa chính là một nỗ lực lịch sử của một bộ phận trong nước nhằm tái khẳng định tư cách một quốc gia, một quốc gia thống nhất thực thụ, có lẽ sẽ mạnh mẽ hơn, và không còn nhạt nhòa dưới quyền lực của phương Tây ngoài xa cũng như các lãnh chúa địa phương trong nước. Quốc gia này bị xé nát bởi cuộc nội chiến đánh-rồi-ngưng-rồi-đánh trong suốt hai thập niên và cũng bởi công cuộc kháng chiến đẫm máu của người dân trước sự chiếm đóng của Nhật Bản. Đó là gánh nặng trên vai Trung Hoa, và giờ đây khi thế chiến II đã kết thúc, cùng với sự lãnh đạo sai lầm nghiêm trọng của Tưởng Giới Thạch, thì khó mà cân bằng nổi trước những thách thức phi thường của các vấn đề khó khăn cả trong lẫn ngoài nước. Theo cách nói lịch sử: thời cơ đã chín muồi.

Dĩ nhiên là có rất nhiều cảnh báo về việc Tưởng Giới Thạch sẽ sụp đổ. Ngay cả trong thế chiến II, bên cạnh cuộc chiến chính cùng nhau chống lại người Nhật, thì vẫn có trận đánh phụ giữa hai phe Quốc gia của Tưởng Giới Thạch và Cộng sản của Mao Trạch Đông. Các báo cáo nối tiếp nhau được gửi về từ chiến địa, cả bởi những cán bộ quân sự lẫn dân sự, cả từ những người lý tưởng hóa Tưởng Giới Thạch lẫn những ai kinh hoảng ông ta, và đều phản ánh quan điểm rằng phe Cộng sản được lãnh đạo tốt hơn trong quân sự lẫn chính trị, và có tính hợp pháp chính trị lớn hơn nhiều. Ngay cả khi Thế chiến II dần tới hồi chót, rất ít người có mặt tại chỗ và biết rõ những sự kiện quân sự đã diễn ra, nghĩ rằng Tưởng có thể làm được. Nhiều người trong hệ thống an ninh quốc gia, như James Forrestal, cho rằng cơ hội thắng của Tưởng Giới Thạch mong manh tới nổi Hoa Kỳ phải thận trọng không nên để cho Nhật Bản quá yếu đi tới mức không còn có thể dùng như một con đê chắn ngọn sóng cộng sản ở Bắc Á. Rồi thế chiến II thực sự kết thúc, cuộc nội chiến bắt đầu nóng lại, các báo cáo từ thực địa trở nên u ám hơn. Phe Tưởng Giới Thạch thu liễm lại, căn cơ của ông nhỏ hẹp hơn trong khi chính sách cai trị lại hà khắc hơn. Ngay cả một nhân vật rất đồng cảm với Tưởng là thiếu tướng Claire Chennault – chỉ huy của các phi đoàn Phi Hổ Mỹ đã chiến đấu ở Trung Hoa trong suốt thế chiến – và là một nhà ủng hộ nhiệt tình lâu năm của viên Thống chế, lúc gần cuối thế chiến đã viết thư về cho Roosevelt rằng nếu nội chiến có diễn ra thì có vẻ như “chính quyền Diên An [tức phía Cộng sản] có cơ hội vượt trội để chiến thắng dù có hay không sự hỗ trợ của người Nga”.

Có lẽ một ngày hợp lý như bất kỳ ngày nào cho cột mốc bắt đầu thế chiến II là tháng Bảy năm 1937, khi quân Trung Hoa xung đột với lính xâm lược Nhật gần Bắc Kinh, sát biên giới Trung Hoa – Mãn Châu. Nếu không có gì khác, thì đó chắc chắn là sự kết thúc mọi hi vọng về việc vươn lên của một nước Trung Hoa hiện đại, bán dân chủ dưới chính quyền Quốc gia của Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng, một kiểu Trung Hoa mà nhiều người Mỹ đã hi vọng, một giấc mơ dài lâu trước khi nó trở thành một điều vô vọng nhất. Trung Hoa khi ấy, dưới hai áp lực quá mạnh mẽ: sự xâm lược của người Nhật và cuộc nội chiến ngấm ngầm liên miên, đã biến đổi hoàn toàn nền chính trị, kinh tế và xã hội như thế giới hiện đại đã chứng kiến. Đó là một cơn đại hồng thủy trước hết được đưa tới bởi những thách thức bên ngoài, dù không hoàn toàn. Bên cạnh đó là một thách thức đến từ một Trung Hoa dù chưa ra đời nhưng nguy hiểm tiềm tàng bởi những quy phạm và lòng căm thù với một Trung Hoa khác, yếu kém, tàn bạo và man rợ theo cách riêng của nó: một thách thức giữa một nhóm người chuyên quyền, hung dữ với một nhóm khác cũng chuyên quyền và tàn nhẫn vốn đã cai trị một cách tệ hại và cực kỳ tàn bạo trong một thời gian dài. Đó là một hệ thống áp bức hơn là một chính quyền được áp đặt lên thường dân Trung Hoa với sự hung bạo và tham tàn vô song. Chỉ một số ít người có lợi ích (trong hệ thống đó) là giàu có và đầy quyền lực, họ sống trên pháp luật, mà thứ này trong những trường hợp khác, được thiết lập bằng vũ lực. Trong khi đa số dân sống vô vọng trong nghèo đói dường như vĩnh viễn. Mỗi thể hiện không chịu đựng nổi trong cuộc sống thường nhật của họ mang đầy những dạng thức bất công và thiếu phẩm giá. Trung Hoa này có lẽ đang chết dần ngay cả trước khi những quân lính đầu tiên của Nhật hành quân vào Mãn Châu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 11:12:32 am »

Quá trình vươn lên của Tưởng Giới Thạch cũng phản ánh cho thấy sự phân rã của trật tự cũ. Ông không phải là một nhà lãnh đạo tầm cỡ như được tô vẽ bởi giới truyền thông Mỹ: như một người mạnh mẽ sống sót, tồn tại bằng cách cân bằng những xung đột lợi ích. Barbara Tuchman đã chỉ ra trong quyển sách của bà về sự sụp đổ của Trung Hoa, với những người phương Tây, nickname của Tưởng Giới Thạch là “Billiken”, theo tên một con búp bê mập mạp và không thể bị đánh ngã. Ông gia tăng các mối quan hệ chính trị của mình vào năm 1927 khi thông qua hôn nhân bước vào gia tộc họ Tống, một gia tộc Trung Hoa có ảnh hưởng mạnh nhất về tài sản và quan hệ với các quyền lực tài chính phương Tây. Tống Mỹ Linh, con út gia đình đó, một giáo dân Công giáo, học ở Wellesley và có tham vọng chính trị. Trước đó, Tưởng đã cố cưới người chị của bà, nguyên là vợ góa của tổng thống đầu tiên của Trung Hoa: Tôn Dật Tiên, nhưng bị từ chối. Để cưới bà Mỹ Linh, ông phải tống khứ đi hai bà vợ khác và cải đạo sang Công giáo, những điều này thì ông sẵn lòng làm. Đến lúc đó thì Tưởng Giới Thạch được người dân Mỹ biết đến dưới cái tên ngài Thống chế  hay gọi tắt là Gimo, và bà ta, không luôn trìu mến, là Missimo. Cuộc hôn nhân đã làm quan hệ chính trị của ông với Hoa Kỳ mạnh lên rất nhiều, và với cả những ai mong mỏi những điều phi hiện thực nhất, một nhà lãnh đạo Trung Hoa quốc gia vừa theo Công giáo và vừa là một nhà tư bản.

Cuộc chiến vĩ đại của Tưởng trong những năm đó là với những người Cộng sản, họ có vận hội tốt để thách thức một chính quyền nhưng không phải cai trị. Tất cả những gì họ phải làm là khai thác hàng đống những mối bất bình và những sự khổ sở trong nước. Họ đã làm điều này với một kỹ năng đáng nể, điều chỉnh một cách thông minh những mối bất bình của người nông dân hướng vào Tưởng và những lãnh chúa có liên hệ với ông ta. Trung Hoa của Tưởng dần dần tích lại những ngòi nổ trong lòng – bất kể khối lượng viện trợ quân sự to lớn của Mỹ và cố vấn, bất kể những loại cảnh báo từ giới báo chí, ngoại giao, quân sự  rằng ông cần thay đổi và điều chỉnh chính phủ của mình. Hàng loạt những cố vấn quân sự và chính trị Mỹ, những người đã khẩn nài ông sử dụng các nguồn lực của mình một cách khéo léo, đã thất bại một cách sầu thảm. Lợi ích của họ và lợi ích của ông ta hiếm khi trùng khớp – họ muốn ông đưa ra một hình thái lãnh đạo đặc kiểu Mỹ, còn ông thì muốn tồn tại thêm một ngày nữa; cấu trúc chính trị quân sự tham nhũng mà người Mỹ muốn ông xóa bỏ lại không gì khác hơn là chìa khóa cho sự tồn tại chính trị của ông. Rốt cuộc, nếu có một điều gì thông minh ở ông, đó chính là dáng vẻ đồng ý với các cố vấn Mỹ – hơn hết, ông không muốn làm tổn thương các cảm nhận của họ – và rồi không để tâm gì đến bất cứ thứ gì từ đó, vẫn tiếp tục làm chính xác những gì ông vẫn luôn làm.

Rồi đến khi chính phủ sụp đổ vào năm 1949, thì không có chút ngạc nhiên nào cả. Tướng Joseph (Vinegar Joe) Stilwel, cố vấn quân sự Mỹ chính, được chỉ định làm việc với Tưởng trong suốt Thế Chiến II, ngay từ rất sớm hồi 1942 đã xác quyết rằng Tưởng Giới Thạch là hoàn toàn vô dụng, miễn cưỡng, nếu không nói là không có khả năng sử dụng quân đội của ông chống lại người Nhật. Stilwel hẳn không cô độc giữa những người Mỹ ở đó trong việc không ưa Tưởng Giới Thạch. Cái biệt danh của vị Thống chế trong đa số lính Mỹ phục vụ ở Trung Hoa phản ánh cho thấy sự thất vọng của họ với ông ta; Chancre Jack,  họ gọi ông như vậy. Stilwel phục vụ đến 3 nhiệm kỳ ở Trung Hoa và có thể nói tiếng Hoa thông thạo, nhưng ông chẳng thể là một đại diện lý tưởng của Mỹ để làm việc với một nhà cầm quyền quá kém và một vị lãnh đạo quá yếu. Ông có quá ít tính ngoại giao, cáu kỉnh, trực tính, thích tranh cãi, và báng bổ; theo như nhà viết tiểu sử của ông Barbara Tuchaman – một người hâm mộ ông – viết rằng ông có lẽ là “thô lỗ hoặc cay độc hoặc đôi khi lỗ mãng hoặc cục mịch một cách có chủ tâm”. Ông nói ra những gì ông nghĩ mà không có tế nhị mấy. Không có gì khác biệt giữa góc nhìn riêng của ông về vị lãnh đạo Trung Hoa và những gì ông nói với bất kỳ ai đang nghe ông nói. Ông sớm xác quyết rằng Tưởng Giới Thạch hầu như vô dụng dưới góc độ là một công cụ của chính sách Mỹ. Có một lần, phóng viên trẻ của tờ Time – Teddy White – hỏi Stilwel để giải thích cho việc thất bại của quân Trung Hoa trong một trận đánh, và ông trả lời: “Chúng ta đang liên minh với một thằng nông dân chó đẻ, ngu dốt, thất học tên là Tưởng Giới Thạch”. Một mô tả chính xác hơn có lẽ là Hoa Kỳ đã thất bại bởi đã cố tạo một Trung Hoa theo hình ảnh Mỹ sau một đêm, thay vào đó là  một thứ gì đó không giống như vậy. Bất kỳ vị lãnh đạo nào Hoa Kỹ chọn cũng sẽ kết thúc thất bại trước người dân của ông ta hoặc Mỹ hoặc, trong trường hợp này, là cả hai. Thực tế thất bại bởi giấc mơ này đã khả thi ngay từ đầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 11:14:33 am »

Stilwel thường xuyên báo cáo về Washington rằng Tưởng Giới Thạch hoàn toàn vô vọng ở góc độ là một đồng minh quân sự, không thể hoặc miễn cưỡng triển khai bất kỳ bước cần thiết nào để đưa quân đội của ông ta giao chiến với quân Nhật. Nhưng ở Washington, báo cáo của Stilwel không được để tâm mấy. Dù rằng, thời đó, tham mưu trưởng lục quân là George Marshall, người bảo trợ cá nhân của Stilwel, ở phía bên ông ta, nhưng Tưởng Giới Thạch luôn có một bàn tay mạnh hơn. Phía bên Tưởng chính là nhân vật quan trọng nhất, Franklin Roosevelt, ông này thì sợ rằng nếu ép Tưởng quá, thì Tưởng có thể sẽ ký một hòa ước riêng lẻ với người Nhật, và như thế sẽ cho phép Nhật đưa những tập đoàn quân vốn đang bị sa lầy lâu dài trên đất Trung Hoa đến các khu vực châu Á khác. Khi chiến tranh kéo dài, quan điểm của Tưởng Giới Thạch và người quanh ông hướng về đồng minh phương Tây của họ, đặc biệt nhất là với người Mỹ, sa vào chủ nghĩa hoài nghi  tuyệt đối. Như sau này Barbara Tuchman viết về chính sách của ông là “việc sử dụng những kẻ man rợ để đánh nhau với những kẻ man rợ khác là một nghệ thuật chính trị quan trọng mang tính truyền thống  của người Trung Hoa, giờ xuất hiện còn nhiều hơn không chỉ để thích hợp mà còn để bào chữa. Dư luận Trung Hoa, theo một người nước ngoài cư trú tại đó, tin để không chỉ bào chữa cho việc Trung Hoa vẫn thụ động sau cả 5 năm kháng cự, ‘đó là quyền của nước này để thoát khỏi  đồng minh càng nhiều càng tốt khi họ chiến đấu’. Việc sử dụng quyền này, cô ta ghi nhận, trở thành nỗi lực chiến tranh của lãnh đạo chính phủ”

Quân đội của Tưởng Giới Thạch rất hùng mạnh, trên giấy tờ. Còn trong thực tế, đó là một sự vờ vịt. Ông ta cho rằng đang chỉ huy ba trăm sư đoàn, nhưng Stilwel tin rằng, trung bình, ít nhất có đến 40 phần trăm không đủ lực lượng, và đầy lính ma để các chỉ huy của họ có thể rút tiền lương ra bỏ vào túi riêng. Rất sớm trong Thế Chiến II, khi Trung Hoa tuyên bố chiến đấu cho chính mình, các cố vấn Mỹ đơn giản là thất kinh bởi việc bắt lính. Một sỹ quan cao cấp Mỹ trong ban tham mưu của Stilwel, đại tá Dave Barrett, viết về việc tuyển mộ: “Quân lính chỉ có những trang bị nghèo nàn nhất. Không có chăm sóc y tế. Không phương tiện vận chuyển. Nhiều người ốm. Phần lớn lính tuyển vào là cưỡng bức, trói mang đến. Việc bắt lính là một chuyện bê bối. Chỉ những ai thiếu may mắn, không tiền, không quan hệ mới bị bắt vô”. Một con số khổng lồ những sư đoàn thiếu khả năng đã không tồn tại bởi tình huống ngẫu nhiên; đó là cách Tưởng Giới Thạch mua lấy uy thế trong một thế giới phong kiến, tham nhũng đang đổ sụp quanh ông. Nếu ông làm theo cách người Mỹ muốn, ông hiểu rõ hơn họ nhiều, thì ông có lẽ sẽ nhanh chóng rơi khỏi quyền lực.

Cuộc chiến cay đắng, lâu dài và chia rẽ giữa Stilwel và Tưởng Giới Thạch chỉ có thể có một kết quả: mùa thu năm 1944, Stilwel, người kể quá nhiều sự thật không mong muốn, và như vậy trở thành một vị khách không được chào đón nhất, đã bị gọi về nước. Roosevelt chọn đồng hành với Tưởng, cho dù ông ta một công cụ hư hỏng, vô vọng của chính sách Mỹ. Có hai lý do: một là điều này sẽ giữ Trung Hoa tham chiến; và thứ hai là, Roosevelt có cái nhìn lãng mạn vô vọng về Trung Hoa, và dường như tin rằng nếu chúng ta đối đãi Tưởng Giới Thạch với tư cách một lãnh đạo vĩ đại của một quốc gia vĩ đại, mang cho ông ta vị trí lãnh đạo tầm cao trong những cuộc hội đàm của lãnh đạo thế giới, thì khi đó ông ta sẽ có hình dạng theo thứ mà tổng thống muốn.

Nếu Tưởng Giới Thạch thành công về mặt chính trị trong cuộc đấu hai người với Stilwel thì cũng không làm những lời tiên tri của viên tướng Mỹ kém đi. Mọi điều ông nói đều trở thành sự thật; ngay cả việc xuống dốc nghiêm trọng của chính quyền Tưởng Giới Thạch cũng không gì khác hơn làm một tiến trình lịch sử uyên thâm, sự sụp đổ của một quốc gia là nằm ngoài tầm khống chế của bất kỳ người ngoại quốc nào, bất kể đất nước của họ giàu hay mạnh tới mức nào. Không một quân nhân nào trong thời chiến có được nhiều thành công trong đủ loại công việc mệt nhọc như George Marshall, nhưng khi được gửi đến Trung Hoa vào cuối năm 1945 trong một nhiệm vụ trung gian hòa giải cho cuộc chiến Quốc – Cộng, ông đã học được một thất bại trọn vẹn – và hiểu rõ một sự thật, ông quá thông minh để không hiểu rằng không bên nào sẽ nghe ông, và rằng những lực lượng mà ông làm việc không thể hòa hợp nhau được. Lúc đó Marshall đã 65 tuổi và vừa ra khỏi quân đội, thể chất mệt mỏi và không muốn gì hơn là trở thành một điền chủ ở Leesburg, Virginia. Nhưng Harry Truman, bị rung động mạnh bởi những sự kiện ở Trung Hoa và sợ rằng vấn đề Trung Hoa có thể sẽ  tác động đến trong nước nếu vấn đề đó không được cải thiện nên đã gọi cho ông: “Tướng quân, tôi cần anh đến Trung Hoa, vì tôi”. Và như vậy chỉ ngay trước ngày Giáng Sinh năm 1945, John Carter Vincent, vụ trưởng vụ Viễn đông của bộ Ngoại Giao, nhìn thấy Marshall bay đi. Ông xoay đầu cậu con trai mười tuổi lúc máy bay cất cánh và nói: “Con à, đấy là người đàn ông dũng cảm nhất thế giới. Ông sẽ cố gắng thống nhất Trung Hoa”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 11:18:17 am »

Chuyến đi là một thảm họa và Marshall dường như đã già đi một cách rõ ràng trước những trợ tá của ông. John Melby, phiên dịch viên cho ông, viết trong nhật ký rằng ông dường như quá mệt mỏi, buồn bã và trông rất bệnh. Như thể ông trông thấy sự thất bại đang đến với Trung Hoa và độc tố từ đó sẽ tạo ra trong hệ thống chính trị Mỹ. Vào một thời điểm trong tháng Năm năm 1946, ông chạy đến gặp Dwight Eisenhower khi đó cũng ở Trung Hoa. Theo yêu cầu của Truman, Eisenhower thông báo cho ông về việc về thay Jimmy Byrnes ở cương vị Ngoại trưởng, một trách nhiệm to lớn với một người đã mệt mỏi vì  phục vụ đã quá lâu. “Thật tốt quá, Eisenhower, tôi sẽ nhận bất kỳ công việc nào trên thế giới để thoát khỏi nơi này!” Marshall nhanh chóng trả lời. Khi nghe được về nhiệm vụ thất bại của Marshall, Joe Stilwel nói “ Nhưng họ trông đợi cái giống gì nhỉ? Dù là George Marshall thì cũng chẳng thể đi bộ được trên mặt nước” . Với Marshall, Trung Hoa là vô vọng. Có một điều ông muốn làm hơn bất kỳ điều gì khác là ngăn chặn các lực lượng chiến đấu Mỹ gửi đến để hỗ trợ cho Tưởng Giới Thạch như những lãnh đạo Dân quốc muốn. Như lúc ông nói hồi năm 1947 với Walton Butterworth, ông này là vụ trưởng vụ Viễn đông của bộ Ngoại giao thời ấy, “Butterworth, chúng ta không nên chui vào rắc rối đó. Tôi sẽ phải cần đến 500,000 lính lúc khởi đầu và đó chỉ là khởi đầu thôi nhé”. Rồi ông dừng lại một lát và nói thêm: “Và tôi gỡ ra thế nào đây?

Với những ai hiểu biết về Trung Hoa, tình hình ở đây bắt đầu xấu đi khi thế chiến II kết thúc, thì những người ngoài cuộc có thể được thứ lỗi cho việc nghĩ rằng vị trí của Tưởng Giới Thạch dường như vẫn đáng thèm muốn. Ông vẫn có được sự ủng hộ của chính phủ mới ở Mỹ dù rằng những thành viên có ảnh hưởng nhất trong chính phủ đó lo ngại về khả năng tồn tại của ông. Ông được nhìn nhận là một nhà lãnh đạo thế giới, và hình tượng của ông trong lòng người dân Mỹ, cảm ơn những nỗ lực của bộ máy tuyên truyền thông minh, vẫn là một nhà lãnh đạo châu Á vĩ đại và đồng cảm. Mùa thu năm 1945, quân đội của ông và đảng của ông: Quốc dân đảng, khống chế tất cả những thành phố chính của Trung Hoa và các cơ sở công nghiệp hiện có, và hơn ba phần tư tổng dân số, khi đó được ước lượng đâu đó khoản từ 450 đến 500 triệu người. Ông cũng có hơn 2,5 triệu lính chính quy dưới tay, và đội quân đó được trang bị tương đối hiện đại do Hoa Kỳ cung cấp.

Phía Cộng sản không có tới một nửa số quân đó dưới quyền và chỉ cai trị vùng nông thôn cùng khổ ở tây bắc Trung Hoa. Thế nhưng với tất cả các loại quan sát viên ngoại quốc hay nội địa, quân sự cũng như dân sự, đều tin rằng sức mạnh của Tưởng GIới Thạch hoàn toàn chỉ là ảo ảnh và chính quyền đó đang trên bờ sụp đổ. Tài chính của quốc gia là một trò đùa. Nằm trong tay một nhóm rất nhỏ – một dạng máng vàng – hầu hết dòng tiền chảy vào quốc gia này được khống chế bởi một số rất rất ít người Trung Hoa. Rõ ràng là tình hình đất nước này không còn dài vậy nên đây là thời điểm để ai kiếm được nhiều tiền càng nhanh càng tốt. Những nhà chỉ trích chính phủ nói công khai rằng các quan chức lớn tích trữ vàng thỏi để dự phòng cho tương lai của họ. Marshall cảnh báo Tưởng Giới Thạch rất nhiều về ngân sách quốc gia đã chi quá nhiều – từ 80 đến 90 phần trăm – cho quân sự, và rằng tài chính sẽ sụp đổ trước khi có được một chiến thắng quân sự.  Ông cũng nói với vài bộ trưởng của Tưởng rằng nếu chính quyền Trung Hoa nghĩ người đóng thuế Mỹ sẽ “bước vào vùng chân không do điều này tạo ra, thì các ngài có thể đi chết đi”. Và khi điều này trở nên rõ ràng hơn, phản ứng duy nhất của chính quyền Tưởng là in thêm tiền – “xưởng in tiền” .

Nhưng Tưởng có rất ít cảm giác về những điểm yếu của ông. Giờ đây, với việc người Nhật đã bại trận, ông vẫn tin rằng ông giữ được ngọn roi với người Mỹ bởi ông phải đánh nhau với kẻ thù mới nhất của đất nước, những người cộng sản. Điển hình như Tống Tử Văn (*), có lẽ là người quyền lực nhất (và giàu nhất) trong chính phủ, ông công khai khinh khỉnh người Mỹ. Ông đi khắp Nam Kinh và nói với bạn đồng sự rằng không phải lo gì về họ (người Mỹ) “Tôi có thể quản cái đám khờ đó” ông nói. Tất nhiên, người Mỹ dường như sẵn sàng làm phần việc của họ như Tưởng đã dựng lên kịch bản. Ngay cả khi quân Nhật chuẩn bị đầu hàng, Hoa Kỳ đã ráng chuyển các lực lượng của mình sang trạng thái “cảnh binh” tạm thời, ở yên vị trí, với vũ khí trong tay, cho đến khi quân Dân quốc, chứ không phải Hồng quân, tiến đến chấp nhận sự đầu hàng. Rồi quân Mỹ còn giúp không vận hoặc hải vận hơn năm trăm ngàn lính Dân quốc từ miền tây nam Trung Hoa đến các vị trí quan trọng trên khắp cả nước. (“không thể nghi ngờ, đây là đợt chuyển quân lớn nhất bằng không lực trong lịch sử thế giới”, tướng Albert Wedemeyer kiêu hãnh nói, ông là người trực tiếp làm công tác này với tư cách quan chức quân sự cao cấp của Mỹ trong khu vực ở thời kỳ hậu Stilwel). Với nhiều địa điểm ở khu đông bắc Trung Quốc, Hoa Kỳ đã gửi những biệt đội thủy quân lục chiến của mình, có lẽ phải tới 50 ngàn lính đến giữ vị trí cho đến khi lính Dân quốc tới được. Và như vậy, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, các lực lượng của Tưởng Giới Thạch mới có khả năng tiếp nhận sự đầu hàng của chừng 1,2 triệu lính Nhật cùng với trang bị vũ khí, thứ mà những người Cộng sản cực kỳ thèm muốn.

(*) Em út trong nhà họ Tống, em của Tống Ái Linh, Tống Khánh Linh, Tống Mỹ Linh
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 11:19:33 am »

Ngay cả khi cuộc nội chiến nhìn bề ngoài có vẻ như ổn, thì sự thật cũng rất khác biệt. Không ai hiểu điều này hơn cựu tham mưu trưởng lục quân Mỹ. Tháng Mười năm 1946, lúc gần kết thúc nhiệm kỳ làm đại diện đặc biệt của Truman, George Marshall lặp đi lặp lại cảnh báo với Tưởng rằng không nên chăm chăm tìm diệt quân Cộng sản ở những căn cứ của họ thuộc khu  bắc và tây bắc. Tưởng Giới Thạch đang ôm đồm quá nhiều, dàn mỏng quân và rơi vào kế của Mao Trạch Đông, Marshall biện luận. Thêm vào đó, với cảm quan về phương thức chiến đấu của quân Cộng sản, ông đã cố đưa ra vấn đề mấu chốt với vị Thống chế. Hồng quân Trung quốc có thể đang rút lui, nhưng họ không đầu hàng. Điều này mang hàm ý rõ ràng: rằng một khi lính Dân quốc ở xa căn cứ và tuyến tiếp vận, thì lúc đó, và chỉ lúc đó các đơn vị cộng sản sẽ tấn công. Dĩ nhiên là Tưởng Giới Thạch không nghe theo. Ông không bao giờ nghe theo. Ông tự mãn với các chiến thắng dù đó không phải là chiến thắng, mà việc các đơn vị HỒng quân rời các chiến trường là một phần của chiến lược lớn hơn bên phía cộng sản. Tưởng hứa với Marshall rằng ông sẽ hủy diệt Hồng quân trong vòng 8 đến 10 tháng, và rồi bỏ qua tất cả những khuyến nghị của Marshall, ông đề nghị Marshall, một người Mỹ xuất chúng nhất trong thế hệ của ông cả về quân sự lẫn dân sự, một con người đã mệt mỏi và mong được hồi hưu, ở lại làm cố vấn quân sự riêng cho ông ta. Marshall rất dứt khoát trả lời là KHÔNG – một khi ông không tác động nổi tới Tưởng với tư cách là đại diện của tổng thống Hoa Kỳ, thì ông hiểu cơ hội nào cho mình lúc nằm trong danh sách trả lương của Tưởng (“Lòng tin vào tôi của Tưởng có lẽ là vô cùng, nhưng điều này cũng không ngăn ông bỏ ngoài tai những lời tư vấn của tôi”, vài này sau Marshall chua chát nói).

Trước các sức mạnh bề nổi của Tưởng Giới Thạch, lúc đó phía Cộng sản có thể không tin chắc nhiều. Họ lui về những hang động vùng Diên An nghèo khó, nhưng họ đã bất ngờ thành công trong những trận tấn công kiểu du kích vào quân Nhật, và còn thành công hơn trong nỗ lực xây dựng quan hệ có chiều sâu với phần lớn quần chúng nông dân Trung Hoa. Hiểu rõ những vấn đề của Dân quốc, họ hoàn toàn tin tưởng vào mục tiêu và chiến thắng chắc chắn của mình, chỉ là sớm hay muộn. Ở Mỹ, các lãnh tụ tôn giáo đầy quyền lực, tràn đầy đức tin, bị tổn thương bởi khả năng chiến thắng của họ, nhưng trong con đường rất khác thường của họ – những người Cộng sản – lại là những người của đức tin, của chính trị và chiến tranh những thứ đó bện vào nhau trong một thứ giống như một sự nhiệt tình tôn giáo, một niềm tin trong họ rằng họ chính là lực lượng mang đến vận mệnh. Với Mao Trạch Đông và các cộng sự, họ xây dựng một hình thái chiến tranh mới vào thời điểm đó, dựa trên cơ sở ban đầu là không tập trung nhiều vào lực lượng vũ trang mà thay vào đó là tăng cường sự ủng hộ của nhân dân

(Hết chương 15)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 01:20:40 pm »

Chương 16

Tưởng giới Thạch chỉ đợi thế chiến kết thúc là triển khai tấn công cánh Cộng sản ngõ hầu thay chân họ và mở rộng tuyến liên lạc, bên phía Cộng sản họ cũng mong ông làm đúng điều đó. Viện trợ Mỹ tiếp tục đổ vào. Như thể ông đang theo một lịch trình mà phía Cộng sản dựng sẵn cho ông. “Hoa Kỳ trang bị vũ khí cho Quốc dân đảng thì tốt thôi, bởi ngay sau khi chúng nhận được thì cũng ta cũng sẽ lấy vũ khí đó từ chúng” một đại diện Cộng sản khi đó nói. Như đã biết, Hoa Kỳ đã chuyển 2,5 tỷ đô viện trợ cho Trung Quốc trong thời gian cuối thế chiến II đến năm 1949, lúc Tưởng chạy sang Đài Loan. Thực vậy, phần lớn viện trợ quân sự đã bị lãng phí và bị ăn cắp trong suốt cuộc chiến điều mà các phi công Mỹ vận tải thiết bị vượt qua cái Bướu – nghĩa là dãy Himalaya – từ hướng Ấn độ, một nhiệm vụ tiếp vận cực kỳ nguy hiểm với phi cơ thời đó, giễu cợt nói: “Uncle Chump from over the Hump”

Trên giấy tờ, Hồng quân lúc đầu rất bé nhỏ và trang bị tồi tàn, nhưng họ có sự lãnh đạo tốt, có kỷ luật và bất bình với xã hội. Họ có kỹ năng chiến đấu và một chiến lược khắc khổ. Đầu tiên là cuộc Vạn lý trường chinh dài 6000 dặm (gần 12000 km), một chuyến đi dài 370 ngày từ miền nam Trung Hoa đến Diên An bắt đầu từ tháng Mười năm 1934, và giữa những điều khác thì điểm chú ý là sự vươn lên nắm quyền của Mao Trạch Đông trong Đảng trong cuộc hành quân. Rồi kế tiếp là sự thử thách lâu dài  trong đấu tranh dành sự sống chống lại quân Nhật trong suốt những năm chiến tranh, thời kỳ này đã giúp họ thiết lập hình thái chiến tranh phù hợp với tiềm lực và tối thiểu hóa những khuyết điểm của họ. Họ đã chiến đấu chống quân Nhật với kỹ năng tuyệt vời, sử dụng các đơn vị du kích nhỏ cơ động, chỉ tấn công khi họ vượt trội về quân lực và biến mất khi các đơn vị địch quân lớn hơn, mạnh hơn. Và giờ đây, bị truy đuổi bởi các lực lượng Dân quốc đông hơn, trang bị tốt hơn, họ lại điều chỉnh hợp lý nhằm thay đổi chiến trường, những chiến trường phù hợp với mục tiêu của họ hơn là quân địch. Họ không cố giữ các thành phố, và không chiến đấu một trận chiến cố định; họ vận hành ngoài các căn cứ và ở khoản cách quá xa đến mức hầu như các lực lượng qui ước không thể tiếp cận được. Lúc ban đầu họ kiếm được nhiều thứ hơn đơn giản bằng cách cướp vũ khí của lính Dân quốc. Sáu mươi năm sau, khi các lực lượng Mỹ chiến đấu ở Iraq đánh với các du kích trong thành phố, thì có một cái tên mới cho hình thái chiến tranh đó – chiến tranh bất đối xứng.

Năm 1945, dù các vị trí của họ dễ bị nguy hiểm nhưng tinh thần của những người Cộng Sản rất cao. Không bao lâu, cảm nhận về động lực thay đổi cán cân quân sự đã rõ ràng trước mắt các nhà quan sát ngoại quốc. John Melby, một trong những quan chức trẻ của bộ Ngoại giao ngay từ tháng Mười Hai năm 1945 đã ghi trong nhật ký: “Một trong những bí ẩn to lớn với tôi là tại sao một nhóm người vẫn còn niềm tin, trong khi một nhóm lớn khác có cùng nguồn gốc và kinh nghiệm lại đánh mất nó. Qua nhiều năm những người Cộng sản đã chịu đựng những sự trừng phạt khổng lồ, chịu tội cho những hành động tàn bạo mà vẫn giữ được toàn vẹn niềm tin vào con đường của họ, và sẽ thắng thế. Trái ngược với Quốc Dân đảng, thể hiện qua những khổ não dị thường, dù được thừa mứa, và sống sót qua một cuộc chiến lớn với thanh thế không thể tin nổi, giờ đây lại ném mọi thứ đi với mức độ kinh hoàng, bởi niềm tin cách mạng đã đi mất và thay thế vào đó là dấu hiệu tham nhũng và sụp đổ”   

Gần như ngay từ đầu chiến thuật của phía Cộng sản đã thành công, trong khi phía Dân quốc thì thất bại. Mùa thu năm 1946, lúc cuộc nội chiến ác liệt, các cố vấn Mỹ của Tưởng giới Thạch bi quan, nhưng là các quân nhân truyền thống, họ đánh giá quá cao mức giá trị của những thiết bị quân sự Mỹ trong cuộc chiến này đồng thời lại đánh giá quá thấp những thành công giản dị mà phía cộng sản đã áp lên cuộc chiến. Họ cho rằng quân Tưởng giới Thạch rốt cuộc sẽ sa lầy vào trong một cuộc chiến dài hơi khác, ngay cả đi đến một tình trạng bế tắt, có lẽ sẽ đến việc phân cắt đất nước, phía Cộng sản sẽ lấy miền bắc còn phía Dân quốc chiếm miền nam. Họ không hiểu được động lực ghê gớm của một cuộc chiến tranh chính trị, rằng quân lực và sự cân bằng sẽ không ở trạng thái tĩnh. Một khi phía Dân quốc vẫn không hiểu về động năng đó – và tốc độ đáng kinh ngạc của đó – thì nó còn làm cho phía Cộng sản đẩy nhanh nhịp đi hơn. “không ai lường trước được tốc độ và kỹ năng mà những người Cộng sản Trung Hoa có thể làm để chuyển ngay chiến dịch du kích chống Nhật của họ sang các chiến dịch chiến tranh cơ động” John Fairbank và Albert Feuerwerker viết trong quyển Cambrige Lịch sử Trung Hoa.

Thực ra, có một người hiểu. Trong những ngày mà Tưởng ở điểm mạnh nhất và giành được vài thành công ban đầu, Mao Trạch Đông vẫn không mất đi đức tin, cũng như lòng tin cốt yếu của mình rằng các lực lượng của ông đã gần nông dân hơn rất nhiều so với Tưởng Giới Thạch. Mùa hè năm 1946, khi ấy có một lần hưu chiến ngắn, Robert Payne, một nhà sử học lỗi lạc người Anh đã đến thăm Mao Trạch Đông tại vị trí cố thủ ở Diên An. Lúc gần kết thúc cuộc phóng vấn dài hơn dự kiến, Mao rõ ràng thấm mệt, hỏi rằng liệu có còn thêm câu hỏi nào nữa không. Payne trả lời “Thêm một câu nữa thôi, sau bao lâu nữa Cộng sản Trung Hoa sẽ chiếm được Trung Hoa nếu cuộc hưu chiến này đổ vỡ?” “Một năm rưỡi” Mao trả lời. Payne ghi nhận điều này được nói ra một cách chậm rãi và đầy chắc chắn, và nó chính xác một cách đáng ngạc nhiên. Đến giữa năm 1948, cuộc chiến gần kết thúc và quân Tưởng Giới Thạch gần như chỉ biết tháo lui. Nhưng đó cũng là lúc dường như sự kiêu hãnh là dữ dội nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:06:04 pm »

Lúc ban đầu, ít nhất là ngoài bề mặt, thì phía Dân quốc đang thắng; vài thành thị được chiếm lại từ tay Hồng quân. Nhưng dù họ có chiến thắng hay không thì vẫn luôn có một câu hỏi – có phải họ là một phần trong chiến lược lớn của phía Cộng sản: nhử mồi và đợi. Phía Dân quốc chiếm thành phố và rồi bất động, phía cộng sản phải di chuyển liên miên và cơ động cao. Những người Cộng sản học mau lẹ cách di chuyển nhanh chóng trong đêm. Họ hoàn thiện nghệ thuật phục kích. Họ dùng chiến thuật: “nghi binh và lừa địch mọi lúc mọi nơi”  như một sử gia Mỹ ghi nhận. Thường họ nghi binh bằng một trận tấn công vỗ mặt vào một đơn vị Dân quốc trong khi vẫn giữ lực lượng chính ở phía sau trong các trận địa được chuẩn bị kỹ, để sẵn sàng công kích ác liệt khi lính Dân quốc rút lui và gây kinh hoàng (một chiến thuật họ triển khai lần nữa với ít nhiều thành công khi đánh nhau với người Mỹ trong những ngày đầu chiến tranh Triều Tiên). Họ thường tấn công vào ban đêm lúc bên Dân quốc ít chuẩn bị nhất. Bởi họ có mối quan hệ với nông dân và bởi họ thường thâm nhập vào các đơn vị Tưởng, nên tình báo của họ rất xuất sắc. Họ dường như biết trước mọi hành động mà phía Dân quốc sẽ làm. Khi phía CỘng sản mất người trong chiến đấu, thì bởi các kỹ năng chính trị vượt trội, họ có thể tuyển được nhiều quân hơn cả mong đợi từ những căn cứ nông dân địa phương dồi dào.

Đến tháng  Năm 1947, việc tấn công trên bộ của Tưởng phải dừng lại. Vì sự chỉ huy quân đội yếu kém, trải ra quá mỏng và tuyến tiếp vận mở quá rộng nên họ bị vây khốn trong các thành thị, tinh thần xuống thấp mỗi ngày. Họ chùng nhụt và yếu đuối trước khi những viên chỉ huy nhận biết được điều đó. Cuối mùa hè năm 1947, Mao trạch Đông và người của ông ước lượng rằng trong số 248 lữ đoàn, Tưởng Giới Thạch đã dùng 218 lữ vào cuộc tấn công và đã bị mất 97 lữ, hoặc gần 800,000 lính. Vài người Mỹ, cả ở Hoa Kỳ bắt đầu vỡ mộng về Tưởng Giới Thạch. “Tại sao chứ, nếu tay ấy là một thống chế, sao ổng không có (góc nhìn)  tổng quát?” thượng nghị sỹ Tom Connally giận dữ hỏi, ông là một đảng viên Dân chủ, chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế của Thượng viện.

Những người Cộng sản nhận được rất ít viện trợ từ người Nga – một nguồn gốc cho sự căng thẳng sau này giữa Mao và Stalin. Ngược lại, phía Dân quốc trở nên càng phụ thuộc vào người Mỹ. Những vũ khí Mỹ họ mất vào tay quân địch mà người Mỹ nghĩ rằng ở mức đáng báo động cũng không làm họ lo – giải pháp là hỏi xin thêm. Hồi giữa năm 1947, Wellington Koo, một người quan hệ rộng, một đại sứ hết sức mềm dẻo của Dân quốc tại Washington, chạy đến gặp George Marshall, lúc đó làm Ngoại trưởng. Một Marshall vỡ mộng, chán ngấy trước thể hiện của quân đội Tưởng trên chiến trường cũng như những vấn đề chính trị do những người như Koo gây ra cho chính phủ Washington, ông nói với Koo rằng Tưởng Giới Thạch là “một viên tư lệnh quân đội tệ hại nhất trong lịch sử”. Nhưng điều này cũng không làm Koo chấm dứt việc xin thêm vũ khí. “Ông ấy đã mất đến 40% lượng tiếp vận cho quân thù” Marshall nói với Koo và mỉa mai nói thêm: “Nếu tỷ lệ mà lên tới 50% thì ông ấy sẽ phải quyết định xem là có khôn ngoan không khi tiếp tục tiếp vận cho quân ông ấy”. Sau này Mao nhận xét vắn tắt rằng Tưởng Giới Thạch là “sĩ quan tiếp vận của chúng tôi”. Khi Lạc Dương và Tế Nam thất thủ vào năm 1948, David Barr, cố vấn quân sự Mỹ cuối cùng của quân đội Tưởng Giới Thạch đã nói thêm: “Quân cộng sản có nhiều vũ khí của ta (Mỹ) hơn quân Dân quốc có”.

Cuối tháng Mười năm 1948, thành phố Shenyang của Mãn Châu thất thủ, đại tá Dave Barret, trợ tá tùy viên quân sự, và John Melby đến phi trường của thủ đô Nam Kinh, muốn tìm một chuyến bay lên phía bắc để khảo sát tình hình trong khu vực giao tranh. Nhưng không có chuyến bay nào lên phía bắc cả. Tất cả phi cơ được trưng dụng để chở các vị tướng  Dân quốc, cùng bạn gái và tài sản cá nhân của họ. Barrett quay sang nói với Melby: “John à, tôi đã thấy được mọi thứ cần thấy. Khi tướng tá bắt đầu chuyển vàng, cùng thê thiếp đi, thì  kết cục đã gần tới rồi”. Sự sụp đổ của một chế độ đang đến và nó gây ra một tình huống chính trị rất nguy hiểm và dễ bùng nổ ở Mỹ, thật rõ ràng và đáng buồn bởi tất cả những người có ảnh hưởng lớn vì nhiều lý do chính trị và lòng trung thành đã từ chối nói lên sự thật khi họ trở về Mỹ hoặc bởi những ai viết giảm nhẹ trong các báo cáo của họ để làm sự kiện dường như là do Mỹ đã làm Tưởng Giới Thạch bại trận hơn là Tưởng đã làm chính ông, cùng dân của mình và đồng minh bại trận. Điều đã làm John Melby và nhiều người khác đã cố báo cáo trung thật về sự sụp đổ của Tưởng tức điên lên đó là tính lá mặt lá trái của nhiều nhân vật Mỹ, khi ở Trung Hoa thì họ nói về Tưởng và tại sao ông ta sẽ bại trận, nhưng về lại Mỹ, trước áp lực ủng hộ Tưởng trong giới chính trị nội địa, họ đã đổi phe, từ chối vạch ra những sai lầm của ông ta mà còn là những tiếng nói nặng cân trong ban vận động Trung Hoa, họ đổ lỗi cho những sai lầm của Tưởng là do chính phủ và chính sách Trung Hoa của bộ Ngoại giao, những ai đã cảnh báo về các sai lầm của Tưởng và thắng lợi tương lai của Cộng sản. Như thể có một sự thật để bạn nói ra khi ở Trung Hoa với những người Hoa, người Mỹ chung quanh biết rõ tình trạng thảm bại của quân Tưởng, và một sự thật khác khi bạn trở về Hoa Kỳ, vây quanh là những bạn bè thủ cực, những người muốn sự thật của họ được gia cố thêm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #139 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2013, 02:10:00 pm »

Một biểu tượng của việc này, như theo góc nhìn của Melby, chính là thể hiện của tướng Albert Wedemeyer. Vào mùa hè năm 1947, George Marshall, vui vẻ rời Trung Hoa và đã gửi Wedemeyer, một người bạn cũ của Tưởng giới Thạch, đến trong một nhiệm vụ tìm kiếm sự thật. Được nhìn nhận là một sỹ quan tham mưu rất có năng lực, Wedemeyer còn là một người chống Cộng sắt máu, và đó là một toan tính mạo hiểm của chính Marshall, nó phản ánh lại niềm tin của ông rằng ý thức hệ của Wedemeyer sẽ ở vị trí thấp hơn là cảm nhận về sự thật. Chuyến đi của Wedemeyer cũng cho thấy một hi vọng lớn của Marshall mong rằng phản ứng của những người bảo thủ là ủng hộ. Ngỡ như Wedemeyer sau khi đối diện với sự thật kinh khủng ngay tại thực địa Trung Hoa có thể sẽ giúp giảm bớt áp lực  của cánh hữu lên chính phủ. Sự thật là chuyến công tác của Wedemeyer có hiệu quả trong tầm ngắn hạn, nhưng lại bất lợi trong tầm dài hạn. Chỉ vài ngày sau khi đến, Wedemeyer đã điện về cho Marshall rằng phía Dân quốc bị “đổ vỡ về mặt tinh thần”. Người dân mất tin tưởng vào lãnh đạo. Ngược lại, ông ghi, phía Cộng sản thì có “tinh thần cực kỳ, gần như là một sự nhiệt tình cuồng tín”. Ông xác định chính quyền (Tưởng) thì “tham nhũng, phản động và thiếu hiệu năng”. Sau này, lúc được hỏi trong trường hợp của Tưởng thì điều sai lầm nằm ở đâu, Wedemeyer nói rằng: “Thiếu tinh thần, đặc biệt là thiếu tinh thần. Họ không thiếu vũ khí trang bị. Theo ý tôi, họ có thể phòng thủ được (sông) Dương Tử chỉ cần với cán chổi, nếu họ có ý chí làm việc đó”.

Ngày 22 tháng Tám năm 1947, chỉ ngay trước lúc Wedemeyer về nước, ông có bài phát biểu trước một cuộc họp các bộ trưởng Dân quốc. Và ông được khuyến nghị bởi người bạn cũ – Tưởng Giới Thạch, dù đần độn nhưng vẫn là Thống chế, ông này chơi trò hai mặt như ông ta vẫn thường thế – rằng nên gọi cho John Leighton Stuart, đại sứ Mỹ và rằng Wedemeyer nên nói một cách thận trọng và không quá chỉ trích quân đội Dân quốc. Tuy vậy, Stuart, lại bảo Wedemeyer rằng thời gian đang cạn dần đi và không cần phải tỏ ra dễ thương nữa. Và vì thế Wedemeyer đã nói thẳng tưng một cách độc ác. Ông nói chính phủ có rất ít sự ủng hộ từ người dân; và thất bại này giúp cho phía Cộng sản đi tới thành công; còn tinh thần thì đổ vỡ. Đó là một thời khắc tàn phá. Một vị quan chức cao cấp đã khóc công khai. Đêm tiếp theo là tiệc tối chia tay đã được lên kế hoạch tại nhà của Stuart. Nhưng đến phút cuối, vị Thống chế hủy dự vì lý do bịnh. Nhưng Thống chế phu nhân sẽ tới. Wedemeyer không cần điều này, nên ông cũng hủy buổi tiệc tối luôn.

Nhưng rất nhanh, khi trở về lại Mỹ, nhân vật chống Cộng tận tụy Wedemeyer tái xuất, từ ban vận động Trung Hoa ông thúc dục rằng Tưởng giới Thạch bị thất thế bởi thiếu viện trợ và bởi sự bội bạc trong lòng Mỹ. Tháng Mười hai năm 1947, ông đến trước Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện, lúc đó chủ tịch ủy ban là Style Bridge, một nhân tố chính trong ban vận động Trung Hoa, hỏi ông về Tưởng Giới Thạch. Ông trả lời rằng vị Thống chế là “một người tốt và quý ngài trong ủy ban này có thể tin cậy và trông đợi vào ông ta”. Bridges nhấn mạnh thêm rằng có thật khẩn cấp trong việc gửi thêm viện trợ quân sự cho ông ta không? Wedemeyer, chỉ mới đây khi còn ở Trung Hoa đã nói rằng không cần thêm viện trợ, đã trả lời đồng tình. Và Wedemeyre nghĩ Hoa Kỳ đã giữ đúng lời hứa của mình với Tưởng qua chừng ấy năm không? “Không thưa ngài, tôi nghĩ là không”. Sự thật và chính trị ở Trung Hoa rõ ràng là khác nhau với sự thật và chính trị ở Washington.

Kết cục của Trung Hoa đến nhanh một cách bất ngờ. Ngày 5 tháng Mười một năm 1948, chỉ ba ngày sau chiến thắng bất giờ của Harry Truman trong cuộc bầu cử tổng thống, đại sứ Mỹ ở Nam Kinh đã khuyến nghị mọi người Mỹ ở Trung Hoa nên ra đi. Và gần như cùng lúc Mao Trạch Đông nhận được cảnh báo từ Anastas Mikoyan sứ giả đặc biệt của một Joseph Stalin còn lo lắng hơn, rằng không nên để các tập đoàn quân của ông vượt sông Dương tử và vội vàng nam tiến, vì sợ sẽ chọc tức người Mỹ can thiệp vào nội chiến Trung Hoa. Ngày 21 tháng Giêng 1949, Tưởng chỉ còn điều khiển chính phủ Dân quốc trên danh nghĩa thông qua ủy nhiệm và chuyển vàng dự trữ của ông sang Đài Loan, và tự biến ông trở thành, như thông cáo của bộ Ngoại giao viết, “một người tị nạn trên một hòn đảo nhỏ bé ngoài bờ biển Trung Hoa” và đã vứt bỏ đi “một sức mạnh quân sự lớn hơn bất kỳ nhà cai trị nào từng có trong lịch sử Trung Hoa”. Ngày 21 tháng Tư năm 1949, quân của Mao Trạch Đông vượt sông Dương Tử. Ba ngày sau, họ chiếm Nam Kinh, thủ đô của Dân quốc. Kết cục đã trong tầm mắt.

Truman, Acheson và Marshall đã hiểu rõ từ năm 1947 về những gì họ muốn ở Trung Hoa, đó là một sự rút lui-giải thoát có hệ thống, với việc can dự vào cuộc nội chiến đang diễn ra càng ít càng tốt, và dĩ nhiên với tác động chính trị nội địa càng nhỏ càng tốt. Cũng như sự sụp đổ của chế độ Sa hoàng trong thế chiến I, sự sụp đổ của Tưởng Giới Thạch là do những lực lượng mang tính lịch sử mạnh mẽ vượt quá ảnh hưởng của chính sách Mỹ: một quốc gia đã mục nát và hiếm khi đoàn kết, bị tiêu diệt bởi sức mạnh cộng hưởng từ một kỳ đại hồng thủy thế chiến. Tuy nhiên, có sự khác nhau cơ bản giữa sự sụp đổ của Sa Hoàng với chế độ Dân quốc. Đó là chưa từng bao giờ có một hội vận động Nga mạnh mẽ ở Mỹ để động viên ý chí của người Mỹ trong những năm sau khi nhà Romanov bị sụp đổ. Nhà thờ Thiên chúa giáo phương đông của Nga dù cũng có hiện diện tại Hoa Kỳ nhưng không có mối quan hệ với thường dân Mỹ như các nhà thờ Tin Lành và hội truyền giáo Thiên chúa giáo đã có.  Nước Nga chưa bao giờ được cân nhắc ở Mỹ và như vậy không thể nói là bị mất do Mỹ, nhưng với Trung Hoa thì có.

Và như vậy sự sụp đổ của Tưởng đã để lại một vết rách lớn trên tấm áo chính trị Mỹ. Trong mặt trận chính trị nội địa, không ai hứng thú nói về bi kịch đó. Đôi khi những gì chính phủ muốn là đến một thời điểm nào đó Truman có thể đàm phán với những nhà lãnh đạo Trung Hoa mới và liệu xem họ có thể ít ra là phân hóa chút đỉnh với Moscow. Ngoài ra có thể có một chính sách mới ngay cả đi đến việc công nhận Trung Hoa của Mao, những điều mà bị nhìn nhận một cách sai lầm là Mao và những đồng sự của ông trong chính phủ rất muốn. Đã không như vậy.

(hết chương 16)
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM