Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Năm, 2024, 12:37:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Trường Sơn  (Đọc 92992 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #100 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:08:02 pm »

- Bác Lương hàng xóm nhà ta muốn con ngồi mẫu để bác vẽ, con thấy thế nào?

- Con xấu thế này vẽ gì ạ. Thế ngồi mẫu phải làm thế nào hả bác? 

- Cháu cứ như thế này, ngồi theo một tư thế để bác vẽ thế thôi, lúc nào mỏi ta giải lao, lúc nào bận cháu cứ về, vẽ lâu lâu chứ không phải một buổi là xong.

- Nhưng bác cho cháu một cái tranh để cháu treo ở nhà. Mẹ cháu cũng có một tờ tranh từ hồi nảo hồi nào cất dưới đáy hòm.

- Được bác sẽ cho cháu một bức tranh. Từ ngày mai nhé, cháu cứ dọn dẹp nhà của lúc nào xong sang bên bác...

Vậy mà bây giờ họa sĩ Trần Lương đang ngồi trước cô gái anh ao ước vẽ thì lại không sao vẽ nổi. Có cái gì đấy tự nơi sâu thẳm trong lòng khiến anh cồn cào như sắp cháy lên lại như rã rời, nguội lạnh.

Sợ cô bé chán nản và cũng để cho mối quan hệ bác cháu tự nhiên hơn, họa sĩ Trần Lương gợi chuyện:

- Dung năm nay bao nhiêu tuổi rồi? 

- Cháu hai mươi ba, già rồi bác nhỉ.

- Ai bảo già. Hồi tuổi cháu bác đang ở Trưởng Sơn. Thế quê cháu ở đâu? .

- Người ta bảo quê cháu là xin xà phòng mà cháu chả biết vì sao.

- Thế à, cháu ở xã nào? 

-  Thạch Sơn. Bác đã qua vùng ấy chưa? 

- Bác có biết vùng ấy. Sau chiến tranh bác có về Phong Châu tìm một người quen, cũng là hú họa vì không nhớ ở xã nào. Bác có ghi địa chỉ nhưng cuốn sổ ghi bị cháy trong một trận bom. Thế mẹ cháu bao nhiêu tuổi, làm gì?

- Mẹ cháu năm nay ngoài 40. Mẹ cháu đi bộ đội về rồi ở nhà làm ruộng. Bác ở đây có một mình hở bác? 

- Ừ một mình.

- Thế bác gái đâu?

- Bác không có vợ. 

- Thế thì buồn chết. Bác lại giống mẹ cháu, họ hàng và cháu khuyên mãi mới lấy chồng. 

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #101 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:09:17 pm »

- Sao, cháu khuyên mẹ lấy chồng? Thế bố cháu đâu?

- Mẹ cháu di bộ đội về được mấy tháng thì sinh cháu, cháu chả biết bố là ai, khi lớn cháu hỏi thì mẹ cháu bảo “chắc là bố con hy sinh rồi". 

- Mẹ cháu lấy chồng được lâu chưa? 

- Mới được dăm năm. Mẹ cháu cứ như chờ đợi ai mười mấy năm trời. Cuối cùng thì cũng vì thương dượng cháu mà bằng lòng thôi.

- Vì sao lại phải thương dượng cháu? 

- Dượng cháu gà trống nuôi con, hai đứa con mà lại nghèo. Một hồi theo người ta lên Na Rì đào vàng. Vàng chả thấy đâu chỉ thấy vàng da vì sốt rét, thân tàn ma dại về làng. 

- Vậy à khổ quá nhỉ. Mẹ cháu lấy chồng có đẻ nữa không? 

- Có, già rồi còn đẻ nên em cháu như cái kẹo mút dở. Thế là cả con chung con riêng bốn đứa, nheo nhóc lắm bác ới. Cháu thương mẹ cháu quá, thi đại học chả đỗ chả xin được việc gì cháu xuống đây kiếm đôi đồng đỡ mẹ cháu.

Bất giác họa sĩ Lương hỏi Dung: 

- Hình như cháu có nói mẹ cháu cũng có một bức tranh à?

- Vâng, mẹ cháu cất dưới đáy một hòm đạn dùng đựng quần áo, chắc là kỷ niệm chiến trường.

- Cháu có nhớ bức tranh ấy vẽ gì không?

- Vẽ mẹ cháu... đang lau mồ hôi trán, hơi mỉm cười, phía sau là cánh rừng và ngổn ngang những hòm đạn...

Họa sĩ Lương giật thốt, ông như người mộng du đi ngược về những năm chiến tranh...

Năm 1971, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đang vào thời điểm quyết liệt, Lương đang là sinh viên năm thứ ba Đại học Mỹ thuật thì có lệnh nhập ngũ. Hơn chục anh sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp trước hai năm và được đưa vào các mặt trận. Lương vào Trường Sơn được phân công về tờ báo của Đoàn 559.

Với công việc làm báo và nghề nghiệp họa sĩ của mình, Trần Lương háo hức theo các đoàn xe về các binh trạm trên toàn tuyến.. Đến đâu anh cũng bị hút hồn vào cảnh vào người, anh tranh thủ Ký họa ghi chép với ý thức như người chép sử. Tuổi trẻ cho anh sức lực và cả sự liều lĩnh, bom đạn là thế anh vẫn đến các trọng điểm Seng Phan, Đèo Khỉ, Chà Lý, Phu Lốc Cốc, Bản Na ký họa. Có khi ba, bốn tháng anh mới trở về nơi tờ báo đóng quân. Những tập ký họa cứ xếp dày trong một hòm đạn cối. Một số ít tranh anh gửi về in báo ở hậu phương còn chủ yếu anh cất giữ làm tài liệu, Trần Lương ao ước sau này yên hàn anh sẽ dựng thành tranh và mở triển lãm để công chúng biết được về con đường Trường Sơn vĩ đại này.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #102 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:10:15 pm »

Vào những năm 1972 - 1973 và nhất là sau hiệp định Pa-ri được ký kết, nhiệm vụ của Đoàn 559 càng nặng nề, phải đưa vào chiến trường lượng vũ khí, lương thực rất lớn để đủ sức chiến đấu lâu dài vì nếu thực hiện hiệp định này thì việc chi viện của hậu phương phải chấm dứt. Lúc này vùng chân hàng đường 20, đường 10, đường 15 hoạt động suốt ngày đêm, đáp ứng một khối lượng hàng khổng lồ cho hàng sư đoàn vận tải.

Trần Lương được giao nhiệm vụ xuống vùng kho này phản ánh kịp thời các hoạt động ở đây. Anh về phân kho K đóng quân cạnh đường 20 quyết thắng. Một thung lũng nhỏ vây quanh là núi đá.

Dưới những tán cây săng lẻ, cây lim ngút ngàn là các dãy nhà kho lợp giấy dầu, hàng xếp lên sát nóc, giữa những dãy kho còn từng đống hàng chỗ phủ bạt, chỗ không. Xe nối đuôi nhau vào ăn hàng. Tiếng hòm gỗ lịch kịch va vào nhau, tiếng cười tiếng nói, tiếng xe rú máy ầm ì biến thung lũng như một công trường xây dựng nào đó.

Các cô gái bốc dỡ trẻ trung như đang còn tuổi học trò mà vác hòm đạn 50, 60 cân chạy phăm phăm. Mồ hôi ướt đầm lưng áo, thấm ướt lên cả chiếc đệm vai dày cộp các cô đang khoác. Có cô mồ hôi muối để lại những vết loang trắng như bột trên lưng áo cỏ úa. Trần Lương được phân kho trưởng dẫn đi một lượt khắp phân kho. Nhìn những cô gái vác đạn lòng anh vừa thương vừa phục. Nếu không có chiến tranh những cô gái trẻ trung kia người là sinh viên, người là công nhân, người làm ruộng và họ say đắm với người mình yêu, với thầm mong trộm nhớ.

Sau một ngày đi quan sát khắp phân kho, Trần Lương đề nghị với chỉ huy phân kho cho về cùng sinh hoạt, làm việc với một tiểu đội nào đó. Phân kho trưởng, một người nhỏ thó, đen cháy hấp háy đôi mắt một cách tinh ranh nhìn Lương:

- Sao nhà báo phải "áp sát" như vậy, ông muốn đến đâu thâm nhập thì tùy, ông mang lửa đến cạnh đống rơm của chúng tôi, hậu quả ai chịu...

Lương vội giải thích để phân kho trưởng yên lòng:

- Tôi được phép ở đây bảy ngày, tôi muốn cùng làm việc sinh hoạt với họ để viết và vẽ ra tấm ra món tránh sự cưỡi ngựa xem hoa. Anh đừng lo tôi chỉ cùng làm, cùng ăn chứ không cùng ngủ, lúc nào đặt lưng là tôi về giường trên phân kho bộ.

- Nhớ là ông chỉ xem hoa đấy nhé, nếu có ngắt bông nào thì ngắt thật chứ lơ mơ là tôi lên Cục Chính trị kéo cổ ông về đấy.

- Đừng lo, dám làm dám chịu. Mà thủ trưởng quản lý chặt như thế, láu lỉnh như cánh lái xe còn chịu nữa là.

Phân kho trưởng cười hì hì:

- Ông đã biết chuyện mấy bà Vân Kiều chỗ Binh trạm 32 chưa. Có một cô bị ông lính nào đó làm phềnh bụng, khi chính quyền và đoàn thanh niên phê bình, cô ta bảo: "Của tao, tao cho ai người ấy được chứ đâu của đoàn thể. Sao lại thế, đứa giết người thì phải tù, phải tội tao làm ra người cũng bị tù tội ư?". Nói thế cho vui - Tôi giới thiệu với ông tiểu đội 10 do cô Nhành làm tiểu đội trưởng, xinh đẹp nhất kho nhưng nhiều gai như nhím ấy đấy, ông cứ bám chúng nó khối chuyện để viết. Tôi lạ gì nghề vẽ của ông chỉ thích vẽ gái đẹp.

- Người đẹp ai chả thích, vua chúa, tổng thống cũng vậy à
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #103 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:11:33 pm »

Nét đẹp của Nhành không bong ra ngoài nhưng càng nhìn càng bị gương mặt đó hút hồn. Nhành là tiểu đội trưởng của 11 cô gái hầu hết quê đất trung du. Khi Lương đến, hai mươi tư con mắt bủa vây lấy anh, hình như các cô đang đánh giá, đang cân đong xem anh chàng thư sinh là người thế nào. Nhành chủ động đưa tay ra trước mặt Lương:

- Lái xe thì bọn em gặp hàng ngày nhưng nhà báo thì bây giờ mới gặp. Anh định "ba cùng" với chị em à?

Trần Lương hoàn toàn bị động, anh hơi đỏ mặt. Ba cùng là những gì nhỉ, chắc là cùng ăn, cùng làm, cùng ngủ... Biết trả lời cô ta thế nào, thật là nhiều gai như nhím. Lương hơi ấp úng rồi cũng tìm được câu trả lời chẳng kém phần ỡm ờ: 

- Tiểu dội trưởng cho sao được vậy.

Nhành dõng dạc như một vị tướng trước đám quân sĩ dưới trướng:

- Bớ tiểu đội, nhà báo xin "ba cùng", tôi ra lệnh cho phép không cùng.

Cả tiểu đội cười đấm lưng nhau thùm thụp...

Lương hơi bị choáng vì cô tiểu đội trưởng đáo để này. Không cùng có nghĩa là không có cùng nào, lại có nghĩa là được tất cả không giới hạn. Chả còn biết ý tứ thế nào, Lương đành nói đại:

- Xin tuân lệnh!

Những ngày sau đó Lương như một chiến sĩ dưới quyền chỉ huy của Nhành. Lương không vác hàng được thì anh đứng nâng hàng hoặc làm những việc phục vụ như đi lấy nước, đi lấy đồ ăn phụ. Các cô gái tiểu đội của Nhành thực sự mến Lương nhưng nhiều lúc cũng hơi thái quá để chọc tức, để lên mặt với các tiểu đội khác rằng chúng tao đang có "mì chính cánh".

Toàn các cô gái trẻ rừng rực ăm ắp và tràn đầy thì sự có mặt của Lương như một bóng cây trên con đường nắng lửa. Có những việc chỉ có chị em trong tiểu đội của Nhành mới biết, ấy là một số chị em như nam giới, hàng tháng không có chuyện phải mặc quần đen, giặt xô... Nhưng từ khi có Lương về cùng sinh hoạt với tiểu đội, có bóng dáng người con trai ấy đã khiến một số chị em trở lại cái quy luật mà người con gái trưởng thành đều có. Lương được sự chiều chuộng, chăm bẵm của 12 cô gái trẻ như một ông vua giữa các cung tần mỹ nữ nhưng kỷ luật nhà binh khiến ông vua Lương bị truất một vài đặc quyền, đặc lợi.

Lương tranh thủ ký họa khi chì, khi mực nho. Anh lần lượt vẽ chân dung 12 cô gái, vẽ cảnh vác hàng, vẽ lúc giải lao ngồi bắt chấy. Nhưng người mà anh dành nhiều sức lực, bút mực để vẽ nhất là cô tiểu đội trưởng. Anh vẽ Nhành ở nhiều góc độ, nhiều tư thế. Nhành hiện ra trên trang giấy như nhập hồn vào đó, sự rưng rưng của ngòi bút họa sĩ cộng hưởng khiến các bức tranh sống động và cất thành lời. Hồi ở trường đã bao nhiêu lần Lương vẽ chân dung, vẽ người mẫu khỏa thân nhưng chưa bao giờ anh xúc động như khi vẽ Nhành.

Hình như Nhành cũng không còn bình tĩnh, sắc sảo trước Lương, có cái gì đấy khiến nàng vụng dại, lập cập khác thường, ánh mắt của nàng nhìn Lương nồng ấm, dịu ngọt chứ không sắc lạnh, đáo để như buổi ban đầu. Các cô gái trong tiểu đội cũng nhận thấy sự khang khác giữa hai người nên nhỏ to câu vè:

“Lương tâm, lương thiện,
Nhành nụ, nhành hoa,
Cùng ở khu Ba
Nhập hai thành một...”


Lương và Nhành đều nghe được bài vè đó nhưng cả hai người cùng lờ đi như không biết gì.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #104 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:12:18 pm »

Vào những ngày ấy Trường Sơn như Thánh Gióng vươn vai đứng dậy oai phong và lực lưỡng. Từ một con đường mòn đi bộ, gùi thồ rồi vận tải nhỏ lẻ thì bây giờ các sư đoàn vận tải chiến lược, các quân binh chủng hợp thành ngang nhiên thách thức với kẻ thù. Hàng từ hậu phương theo đường bộ, đường sắt, đường thủy đưa vào các kho tàng đầu mối Đoàn 559 đầy ắp. Công việc nhập hàng, xuất hàng ở phân kho K hầu như thâu đêm suốt sáng. Trần Lương hòa mình vào không khí náo nức ấy, anh như một chiến sĩ bốc dỡ thực sự, chỉ lúc giải lao mới cầm bút

Vào một đêm khi Lương và Hòa - cô chiến sĩ trẻ nhất tiểu đội vừa nâng hòm đạn B40 dưới cùng, sát với hai cây gỗ kê hàng thì Hòa kêu lên:

- Ối, rắn rắn...

Hòm đạn B40 tuột khỏi tay Hòa rơi uỵch xuống. Lương bỗng thấy nhói ở cổ chân và có cái gì lành lạnh ghê người trườn qua mu bàn chân. Lương kêu lên:

- Rắn cắn mình rồi...

Nhành từ phía ngoài, tay cầm đèn pin chạy ùa vào. Cô soi đèn vào cổ chân Lương nhìn thấy hai vết răng đang ứa máu. Cô giúi vội đèn pin vào tay ai đó:

- Soi vào đây soi vào đây

Nhành ghé mồm xuống vết rắn cắn trên cổ chân Lương - Cô dùng hai hàm răng cắn nhẹ đẩy máu chảy ra rồi dùng mồm hút mạnh. Hút rồi nhổ phì phì ra bên cạnh, Nhành hút mạnh để mong nọc độc của rắn theo máu thoát ra khỏi cơ thể Lương. Một cô gái lấy băng buộc chặt quanh bắp chân Lương. Nhành bảo ai đó chạy ra rừng lấy bất kỳ cỏ hoặc lá cây nào. Nhành nhai nắm lá rừng rồi rịt vào chỗ rắn cắn, lấy băng buộc lại. Xong đâu đấy cô và Hòa đưa Lương về phân trạm bộ.

Lương chưa dứt khỏi cơn bàng hoàng, không chỉ vì rắn cắn, cái mà khiến anh vừa xúc động vừa choáng ngợp là hành động của Nhành cứu chữa anh. Nàng như quên nguy hiểm cho thân mình vì anh, hút chất độc nọc rắn vào miệng mình để cứu sống anh. Nàng thành thạo và bản lĩnh như một lão phu đầy kinh nghiệm. Anh được y tá phân kho ga-rô lại cẩn thận, thay băng và sát trùng vết rắn cắn.

Lương tỉnh táo không thấy khác lạ gì nhiều, duy chỉ thấy tê nhẹ nơi rắn cắn. Có lẽ do cấp cứu kịp thời nọc độc của rắn chưa kịp ngấm vào lục phủ, ngũ tạng của anh và cũng may rắn cắn ở cổ chân nên cách xa tim. Nghe nói người bị rắn cắn khi đã để nọc độc vào tim thì khó sống nổi.

Sau một đêm ngủ dậy Lương nhớ lại chuyện tối qua, anh lại trào lên nỗi xúc động về hành động của Nhành, anh thầm cảm ơn người con gái đất Tổ đã cứu anh. Có thể vì không phải rắn độc, có thể là rắn độc thật nhưng được Nhành hút hết nọc độc ra nên anh không ảnh hưởng tới tính mạng. Còn Nhành liệu có bị gì không? Chẳng may nọc độc của rắn lại ngấm vào cơ thể của em thì sao? Nếu em bị ngấm nọc độc thì ta biết lấy gì để trả ân nghĩa sâu nặng này?

Lương băng qua bãi rộng từ phân kho bộ xuống lán nơi tiểu đội của Nhành ở. Tiếng reo lên vì thấy Lương. Nhành ào đến, dang hai tay định ôm lấy Lương nhưng cô kịp ghìm lại. Lương ngây người trước mặt Nhành, lắp bắp:

- Nhành không việc gì chứ? Tôi lo quá, chỉ sợ nọc độc ngấm vào Nhành...

- Gái nhà kho khỏe lắm, chỉ sợ nhà báo thư sinh, lăn quay ra đó thì tiểu đội lấy gì đền cho chị ấy... - Nhành thăm dò Lương.

- Vẫn lính phòng không tiểu đội trưởng ạ
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #105 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:13:26 pm »

Ngày mai Trần Lương rời phân kho K để đến thăm nhập đơn vị khác. Chập tối Nhành bảo chị em họp mặt để chia tay Lương. Nước chè xanh và lương khô 702 cũng thành một bữa liên hoan nồng nhiệt. Ai cũng chúc tụng Lương chân cứng đá mềm và đừng quên "lũ con gái quỷ sứ” ở đây. Lương tặng các cô những bức chân dung do mình ký họa, anh chỉ giữ lại một vài bức anh ưng ý nhất, với Nhành, Lương vẽ nhiều nhất, anh chọn một bức Nhành đang ngồi giải lao, một tay cầm mũ quạt, một tay lau mồ hôi trán... Ở góc tranh anh ghi dòng chữ "Tặng em..." bằng mực Cửu Long.

Đang vui thì có xe đến ăn hàng. Tiểu đội phó Thoa dõng dạc tuyên bố.

- Tối nay tôi chỉ huy tiểu đội, "yêu tiên" cho tiểu đội trưởng làm việc với nhà báo. 

Cả tiểu đội reo hò ầm ỹ nhất trí với sáng kiến của tiểu đội phó. Nhành đỏ mặt, chống chế:

- Có phải làm việc gì đâu... .

- Không làm việc thì ngồi làm mẫu vẽ...

Họ kéo nhau ra kho để lại cho hai người trong lán. Hình như Nhành cũng muốn chấp hành ý kiến của tiểu đội phó nhưng lại bước theo các cô gái. Một tốp đứng chặn ở cửa đẩy Nhành trở lại...

Rồi Lương và Nhành bước lững thững ra bìa rừng cạnh suối. Đêm cuối tháng trăng muộn nhưng trời đầy sao. Sao hấp háy con mắt tinh nghịch đang nhìn họ. Rồi sau đó không biết đôi tay nào dang ra trước, hình như đồng thời, họ ghì chặt lấy nhau. Tình yêu như một cơn lũ ống không gì ngăn cản nổi. Tất cả những thành quách của lề luật, quy phạm, tất cả những hậu quả, răn đe đều nhường chỗ cho trái tim tuổi trẻ. Những tán cây săng lẻ ken lại như mái nhà hạnh phúc của họ. Bầu trời đầy ao bềnh bồng trôi như đang ru họ trong ngập tràn hạnh ,húc...

*
*   *

- Bác ơi, sắp đến giờ cháu về nấu cơm rồi.

Tiếng nói của Dung cất lên như một bàn tay đập mạnh khiến họa sĩ Trần Lương bừng tỉnh. Anh ngơ ngác như người vừa nằm mơ một giấc mơ đẹp bị cắt đứt nửa đường. Anh nhìn tấm toan trước mặt với mấy đường sơn dầu đỏ rực, rồi lại nhìn Dung, cô gái trẻ phảng phất nét thân quen. Một lúc anh định thần chắp nối lại câu chuyện anh đang nói với Dung. Anh hỏi:

- Cháu đã từng xem bức tranh của mẹ cháu rồi phải không?

- Vâng, cháu xem trộm đấy bác ạ, mẹ cháu giấu dưới đáy hòm, hình như thế nào ý nên mẹ cháu chả lồng vào khung treo lên như những bức ảnh mẹ cháu chụp thời con gái.

- Bác hỏi hơi tò mò một chút Dung nhá, bức tranh ấy cháu thấy có chữ gì ghi vào đó? Hoặc chữ ký gì dó?

- Hình như có chữ gì đó bên góc phải bức tranh, nhưng đã bị nhòe. Ai đó vẽ mẹ cháu đẹp thật có khi còn hơn mấy cô hoa hậu mà vô tuyến họ chiếu... Hay là chính bác vẽ mà bác hỏi tỉ mỉ thế.:.

Trần Lương bắt đầu linh cảm một điều gì. Trong người anh một cảm giác như người bị choáng vừa hụt hẫng vừa se se ớn lạnh. Giọng anh run run:

- Này Dung, mẹ cháu tên gì? 

- Mẹ cháu tên là Nhành...

Dung mới nói đến thế bỗng Trần Lương bật dậy, chạy ùa đến ôm chặt lấy cô. Mái tóc hoa râm của anh phủ lên mớ tóc xanh đen của cô gái. Dung rất đỗi lo sợ và ngạc nhiên kêu lên: 

- Kìa bác.

Nhưng cô gái cũng linh cảm một điều gì thiêng liêng sâu thẳm nơi lòng mình khiến cô như đứa trẻ ngoan ngoãn trong vòng tay Trần Lương. Cô nhận rõ giọt nước mắt ấm nồng của người họa sĩ đang lăn xuống bờ vai cô... Giọng họa sĩ Trần Lương nghèn nghẹn, đứt quãng thì thầm bên tai cô:

- Trời Phật đã cho ta ... Ngày mai... con đưa bố về thăm mẹ...! .
Trại viết Trường Sơn
3-1999
TN
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #106 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:14:14 pm »

NGƯỜI Ở “VÙNG SÓNG ĐỎ" A-T-P
SƯƠNG NGUYỆT MINH


A-T-P là tên tắt của trọng điểm, của "Vùng Sóng đỏ": Cua chữ A - ngầm Ta Lê - đèo Phu La Nhích. Những địa danh rất núi rừng heo hút, nhưng cũng khét mùi đạn bom, máu lửa một thời ở Trường Sơn huyền thoại. Có bao nhiêu người lính đã đi qua, có bao nhiêu người lính đã nằm lại nơi đó? Nhiều lắm! Không làm sao biết được.

Cuộc chiến đã lùi xa một phần tư thế kỷ, những người lính đi qua "Vùng Sóng đỏ" ngày ấy, giờ đã ai mất ai còn? Cũng không làm sao biết được? Chỉ biết rằng đây đó ở dọc dài Trường Sơn, ở khắp các nẻo đường Tổ quốc; có những chàng trai cô gái vẫn còn đang đi trên con đường lớn: Con đường từ Trường Sơn huyền thoại đến những công trình lớn dựng xây Tổ quốc. Họ vẫn hoài niệm, họ vẫn không quên những tháng ngày rất đẹp, những tháng ngày mà tuổi thanh xuân cuộc đời gắn liền với khốc liệt, mất mát, hy sinh.

Tôi đã gặp lại một trong những người như thế: Thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn, Tư lệnh Binh đoàn 12 - người đã một thời chỉ huy Tiểu đoàn 33 công binh ở "Vùng Sóng đỏ" A-T-P.

Không trắng, chẳng đen, nước da thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn cứ ngăm ngăm, tôi có cảm giác như khói thuốc bom đạn ngày xưa và gió nắng mưa bão ở các công trường suốt hơn 20 năm sau chiến tranh ngấm vào da thịt ông. Người tầm thước, mặt chữ điền phương phi có cái uy của vị tướng cầm quân quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Nhưng bản lĩnh người lính đi qua chiến tranh, tư duy sắc sảo, tác phong linh hoạt nếp sống giản dị và đôi mắt, cái cười hiền hậu mới là sức thuyết phục lớn của ông với các nhà doanh nghiệp lớn, với cấp dưới.

Nhà của thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn là một căn hộ ba phòng ngay tầng một ở khu tập thể sát đường Nguyễn Trãi. Xung quanh nhà ông là các căn hộ của anh em cán bộ, chiến sĩ binh đoàn ở sum vầy với ông cùng một chung cư. Một khoảng sân nhỏ đặt di cảnh, trà hồng, cúc đại đóa và trên giàn treo lủng lẳng những giỏ phong lan, có giống lấy từ Trường Sơn. Cuối một ngày làm việc, ông thường đi dạo và thư giãn bằng cách chăm tưới cây cảnh cho bớt căng thẳng để đêm về ông lại ngồi một mình trước những tập hồ sơ đấu thầu quốc tế, hay một dự án phát triển kinh tế mới chưa được duyệt.

Bên tường phải phòng khách nhà ông treo bức tranh Mùa Thu vàng của Lê-vi-tan. Bên trái là bức sơn dầu vẽ toàn cảnh "Vùng Sóng đỏ" A-T-P. Ngồi xe, pháo ở vùng trọng điểm không mờ đi mà vẫn hiện rõ mồn một trên nền gam màu nóng, có chỗ chói sáng. Thấy tôi cứ tần ngần bên bức tranh "Vùng Sóng đỏ’, ông nói:

- Kỷ niệm một thời ấy mà. Nhưng không thể quên được. Thời trai trẻ, mình sống ở nơi này.

Dường như nỗi suy tư thầm kín và sự hoài niệm thường vốn có ở những người từng trận mạc xông pha nơi hòn tên mũi dạn, ông lặng người đi một lát. Kỷ niệm một thời trai trẻ, một thời đạn bom bỗng chốc sống dậy trở

Ngày ấy, ông còn trẻ lắm. Chị Hạnh gọi chồng là anh: Anh Đỗ Xuân Diễn, thiếu úy, kỹ sư Đỗ Xuân Diễn vừa mới tốt nghiệp khoa cầu đường Trường Đại học Bách khoa. Đêm chia tay, vợ chồng anh thức trắng đêm. Anh chả dám nói với vợ là đi công tác xa. Mà xa lắm! Xa biền biệt không biết bao giờ gặp lại. Điều đó anh cũng không dám nói với vợ anh nữa. Mùi mồ hôi quen thuộc và cái miệng hơi sữa của đứa con trai chưa tròn một tuổi làm anh thương vợ thương con đến nao lòng. Cảm giác ấy còn theo mãi bên anh những ngày ở Trường Sơn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #107 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:14:58 pm »

Văng Mu là trọng điểm đầu tiên ở Trường Sơn, anh trằn mình dưới bom đạn. Suốt năm 1964, anh và đồng đội trấn giữ cung đường ở chân đồi Văng Mu và giữ cầu ông Giảng. Tôi chẳng hiểu sao lại gọi là cầu ông Giảng. Sau mới biết: Cũng như các địa danh khác, đường chỗ võng chỗ gấp... giống tay áo thì gọi là "Cua tay áo", giống chữ A thì gọi là "Cua chữ A"; rồi dốc lò xo, đèo ông Đản... Lính ta vẫn thường gán gọi như thế.

Còn cầu ông Giảng là thế này: Có một anh bộ đội. Không! Một chú bộ đội tên là Giảng khoác ba lô đi qua cầu, không may quả bom nổ chậm máy bay Mỹ thả dưới cầu từ lúc nào không hay, nổ bất chợt. Cái cầu gỗ nhỏ nhoi bị hất tung lên trời. Cầu mất tích, người mất tích. Sau lính công binh bắc lại và đặt tên cầu... ông Giảng:

Dạo ở Văng Mu, thiếu úy Đỗ Xuân Diễn là một trong số rất hiếm sĩ quan được quân đội cử đi học và có bằng kỹ sư. Vốn kiến thức lý thuyết trên sách vở nhà trường của anh được thực tế chiến trường chấp nhận ngay. Trời đất ạ! Cứ nghe súng báo hiệu tắc đường là nhoáng nhoàng lao ra. Lúc cần nhiều người thì ra ít, lúc cần ít người thì ra nhiều. Sao không làm thêm đường tránh? Sao không làm chủ trọng điểm?

Anh đề xuất đưa cái nhóm 2-3 người lên "chốt" ở các anh đồi, mỏm đồi. Chia nhau ra, người đếm bom chưa nổ, người ước lượng số đất đá xác định vừa mới hất xuống và khối lượng sẽ đổ vào hố bom khít xuống lòng đường, báo cáo ngay về tiểu đoàn để điều các đại đội đến tăng cường. Còn cầu ông Giảng thì luôn có gỗ làm cọc, gỗ làm dầm dự trữ, có lúc đóng sẵn thành khung, có sự cố là sửa chữa, thay thế ngay. Tắc tuyến chính thì có tuyến phụ, đường vòng...

Ở Trường Sơn, nơi anh hứng chịu gian khổ, ác liệt nhất lại là cụm trọng điểm Cua chữ A - ngầm Ta Lê - đèo Phu La Nhích. Lúc anh đến thì rừng vẫn còn xanh, một thời gian là tơi bời, lở loét, không đất đá nào chịu thấu đạn bom. Lúc đầu chúng thả bom hóa học làm trụi lá cây rồi bom phát quang, bom phá, bom bi nổ chậm, mìn lá cây, mìn tai hồng, đến B52 rải thảm, bom tọa độ, bom từ trường, cây nhiệt đới...

Cả cụm trọng điểm A-T-P ngổn ngang, trơ chọi, đá chảy thành vôi, đất thành bụi đỏ. Mỗi lần bom bỏ là khói, là bụi đỏ hất bùng lên thành bão gió dập quật liên hồi dồn dập như từng đợt sóng trùm lên ô tô, lên người, ập vào cửa hang nơi đặt Ban Chỉ huy trọng điểm. Tắc đường rồi lại thông, rồi lại tắc

Anh Diễn nhớ lại. Dạo đó là một ngày đầu năm 1968, anh đang là đại úy, trung đoàn phó, đầu đội mũ sắt mình mặc áo giáp trực tiếp hộ tống Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên đi kiểm tra trọng điểm A-T-P. Qua ngầm Ta Lê nước ngầm đục đỏ, đại tá Đồng Sĩ Nguyên ra hiệu cho lái xe đỗ lại ở đầu ngầm, ông bảo:

- Tôi đưa cậu xuống trọng điểm này làm tiểu đoàn trưởng.

Trung đoàn phó Đỗ Xuân Diễn hoảng hồn, ngơ ngác, tưởng tai mình nghe nhầm. Anh lướt nhanh ý nghĩ trong đầu: Tội vạ ở đâu? Khuyết điểm ở đâu nhỉ? Lời nói của Tư lệnh khác gì một công bố kỷ luật bằng miệng.

Nhưng rồi Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên vỗ vai anh rất thân mật:

- Những nơi này cần có cán bộ ở trên tăng cường xuống trực tiếp chỉ huy. Đây là chủ trương của Đảng ủy - Bộ tư lệnh, là sự tin cậy. Cậu đã có kinh nghiệm bảo đảm giao thông ở trọng điểm Văng Mu. Tôi giao cho cậu giữ chức tiểu đoàn trưởng công binh trực tiếp chỉ huy trọng điểm này. Tôi bảo nhá: Muốn cho đường thông xe chạy, cậu mang mảnh ni lông trải ngay ở đầu ngầm Ta Lê đây mà nằm...

Sau đó không phải mình anh mà cả Tiểu đoàn công binh 33 "mang mảnh ni lông ra ngầm Ta Lê". Đó là quyết tâm lớn của cả Đoàn 559 tiền tuyến lớn đang cần, bằng mọi cách phải thông đường cho xe qua. Vậy tiểu đoàn công binh của anh đã bám đường cả ngàn ngày đêm không nghỉ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #108 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:15:42 pm »

Cua chữ A - ngấm Ta Lê - đèo Phu La Nhích (A-T-P) là một cửa khẩu từ đường 20 vào. Nhiều người đi qua nơi này vẫn còn nhớ trên một đoạn đường 18 cây số, dọc hai bên rộng gần 2 cây số bom đạn địch cày đi, bừa lại nhiều lần. Ba ngày đủ các loại bom đạn, ban đêm pháo sáng trắng rừng. Rồi OV10 trinh sát dai dẳng bay hết giờ này qua giờ khác sốt ruột điên đầu.

Mỗi ngày sau mỗi ngày, quân số của tiểu đoàn công binh cứ vơi đi một ít. Anh bạn tôi vốn là phóng viên báo Trường Sơn dạo ấy đã từng ăn tết ở A-T-P kể:

Tết Kỷ Dậu (1969), Ban Chỉ huy tiểu đoàn công binh và tiểu đoàn bộ đón giao thừa ngay ở hang đá đầu ngầm Ta Lê. Gần tối, địch còn ném bom cầm canh, sát giao thừa thì địch cũng nghỉ, bom đạn tạnh hẳn. Cả "Vùng Sóng đỏ" bỗng chốc im lặng và chìm vào đêm đen sâu thẳm, mênh mông vời vợi.

Tiểu đoàn trưởng Đỗ Xuân Diễn cho bộ đội mở máy bộ đàm, mở tổ hợp điện thoại và mở Đài Trường Sơn (anh em tự chế tạo từ "cây nhiệt đới") bắt sóng Đài tiếng nói Việt Nam. Cả hang đá chợt bùng lên, lâng lâng, xúc động. "Năm qua thắng lợi vẻ vang. Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”. Bác Hồ đọc thơ chúc tết giọng trầm và ấm, nhưng hình như giọng Bác hơi yếu hơn mọi năm. Da diết, bâng khuâng và nhiều người đã khóc. Ngày thắng lợi sắp đến gần mà cuộc chiến vẫn còn ác liệt quá.

Nước mắt vui buồn, nhớ nhung trong lúc giao thừa chưa kịp khô thì một loạt bom tọa độ nổ đanh lạnh, ánh sáng bùng lên trùm xuống mặt đường. Dứt loạt, anh em vội vã chạy ra trọng điểm. Đường tắc và 21 người lính bị thương, 10 người nữa hy sinh ngay trong giờ phút đầu tiên của năm mới. Các anh ở trọng điểm không được đón giao thừa. Các anh hy sinh chưa kịp nếm bánh chưng gói bằng lá chuối rừng do đồng đội vừa mới luộc. Đêm giao thừa thức trắng cấp cứu thương binh, chuyển lên trạm phẫu, thông đường cho xe qua.

Sáng mùng một tết đặt 10 đồng đội nằm thành hàng ngang ngay ngắn, tắm cho các anh bằng nước lá thơm rồi khâm liệm, âm thầm, lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong, đưa tiễn 10 đồng đội thân yêu về nơi yên nghỉ cuối cùng ngay ở cánh rừng bên. Và đặt lên mộ các anh mấy bông hoa rừng còn sót lại. Tiểu đoàn trưởng Đỗ Xuân Diễn đã đi qua một đêm giao thừa như thế, một buổi sáng mùng một tết như thế.

Cũng có "những khoảnh khắc im lặng của chiến tranh", bom không rơi, đường thông và xe vẫn qua ngầm. Là cái lúc anh đứng lên cửa hang chỉ huy, nhìn cánh rừng trụi lá, nhìn từng chiếc xe xanh lá ngụy trang qua ngầm Ta Lê nước đỏ đục ngầu. Anh tự dành riêng cho mình một chút nghỉ ngơi để ngẫm nghĩ về cuộc chiến tranh, ngẫm nghĩ về ngày mai. Rồi anh lại nhớ đến quê nhà. Anh ở trọng điểm, có ác liệt, có mất mát, hy sinh, nhưng anh có sức vóc đàn ông, có đồng đội. Còn vợ anh - chị Hạnh vừa bán hàng mậu dịch, vừa đạp xe lóc cóc dọc sông Cầu Cốc chở con về nơi sơ tán và vò võ ngóng trông tin chồng nơi chiến trận như hòn vọng phu. Anh đã nghe đài báo tin: địch oanh tạc ở quê nhà. Những lúc bom rơi, những lúc "tắt lửa tối đèn"; ba mẹ con ở nhà liệu có sao không? Đã mấy năm rồi anh bặt tin nhà, tin vợ, tin con.

Bất giác, anh lại nhìn lên đỉnh đèo Phu La Nhích. Anh bắt gặp bóng dáng cô gái Hạnh Lê đứng ở đài quan sát đếm bom nổ chậm. Mặt Hạnh Lê ngẩng cao, tóc đỏ dài xuống lưng, quân phục xanh màu cây lá, lồng lộng như tượng đài tạc vào nền trời cao đầy mây trắng bay. Rồi sau nữa sẽ là cô Mận, cô Lan, cô Đào... và sẽ là cô gái, chàng trai nào nữa đêm ngày đứng đếm bom rơi? Dường như sự có mặt của các cô gái làm cho "Vùng Sóng đỏ" bớt khốc liệt hơn, cuộc sống của người lính tươi tắn hơn, anh và đồng đội sống bớt phần giản đơn, xộc xệch cẩu thả mà ngăn nắp hơn.

Những công việc, sự đau thương, cái khốc liệt... các cô cũng san sẻ, gánh bớt phần cho các anh. Những ngày tháng sau, "Vùng Sóng đỏ" A-T-P có thêm nhiều đường tránh. Sông Ta Lê cũng thêm ngầm B, C, D, E... nữa. Và tiểu đoàn công binh của đại úy Đỗ Xuân Diễn cũng mở thêm đường kín cho xe qua. Các chiến sĩ của anh kéo dây mây, dây sóng qua các cành cây, treo phong lan, vít cành xanh che khoảng tầng để ngụy trang. Nhưng vẫn còn các đài quan sát, vẫn còn các cô gái đứng trên đỉnh đèo đếm bom, vẫn còn những chàng trai của Tiểu đoàn 33 công binh, Binh trạm 14 ra trọng điểm khi bom thù ngừng rơi.

Ba mươi năm trôi nhanh quá. Đại úy Đỗ Xuân Diễn ở “Vùng Sóng đỏ" chỉ huy tiểu đoàn công binh ngày nào, nay đã là thiếu tướng, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, ông đã cùng đồng đội trở lại "Vùng Sóng đỏ", trở lại Trường Sơn. Không phải đếm bom rơi, không phải thấp thỏm chờ báo hiệu ra thông đường, không phải đi thăm nơi tuổi xuân một thời máu lửa, mà ông và binh đoàn kinh tế hùng mạnh của ông đi xây dựng lại con đường xưa - đường Trường Sơn công nghiệp hóa hôm nay.

"Vùng Sóng đỏ" A-T-P giờ đã khác xưa. Nhiều mùa mưa, mùa khô đã qua. Cây rừng nhiều lần trút lá, cây rừng đã bạt ngàn xanh. Bây giờ và cả mai ngày nữa, có ai còn nhớ không, một thời có những người ở Trường Sơn, ở "Vùng Sóng đỏ".
Tháng 3 năm 1999
Trại viết văn Binh đoàn Trường Sơn 
S N.M
.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #109 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2010, 06:32:22 pm »

VỐN CỦA TRẬN ĐÁNH
CAO TIẾN LÊ


Một đêm, chúng tôi đang nằm im trên võng, lắc lư ngủ, cũng không dám ngủ, vì sợ đói quá, ngủ là ngủ luôn, chợt nghe tiếng đồng chí trinh sát báo cáo với tiểu đoàn trưởng là phía núi đá cạnh rừng già có một cái kho.

- Kho à? Kho à? Tập kích đi? Kiếm cái gì ăn, không thì chết đói cả nút!

Chúng tôi ngồi dậy phấn khởi hào hứng như chưa từng nhịn đói bao giờ.

Tiểu đoàn trưởng cho ý kiến là đừng tập kích, vì sức khỏe anh em có hạn, mà rồi đây mỗi người sẽ chỉ huy một mũi tấn công, đã gắng đến giờ, thì nên gắng tiếp giữ bí mật, chỉ nên mò vào lấy tý thực phẩm thôi.

Tiểu đoàn trưởng cử tôi và đồng chí trinh sát vừa về đi thêm lần nữa. Anh dặn phải nghiên cứu thật kỹ rồi mới dẫn thêm anh em vào, nhưng phải chú ý nắm thêm mục đích bọn địch đặt kho ở chỗ này để làm gì. Có kho là lính cơ động sẽ tới...

Đêm Trường Sơn làm tôi rùng rợn, một sự rùng rợn kỳ lạ, rùng rợn hơn cả khi nằm trong tầm đạn của địch mà biết mình không có sức chống đơ. Cuộc sống của người lính, thường vẫn sợ nhất những lúc im lặng, sự im lặng dễ làm cho mình mất bình tĩnh mất phương hướng, còn khi đã có tiếng nổ, tiếng ồn ào khua vào không gian là sự bình tĩnh của mình trở lại.

Đom đóm chập chờn, ẩn hiện, như trăm nghìn con mắt giễu cợt. Nghe tiếng động của chúng tôi đom đóm rào rào bay lên, kẻ thành vô vàn đường chéo, đường vòng. Tiếng con chim mồ côi càng khàn khàn hơn khi không nhận được sự trả lời của con mái. Phải sống suốt một đêm trong sự im lặng ma quái này thật là căng thẳng.

Đồng chí trinh sát dừng lại, chờ tôi lên, giọng anh thào thào:

- Kho kia rồi, chỉ cách khoảng 50 mét thôi. Anh đứng dậy, kiểm tra phía ngoài, tôi lên trước, mật hiệu nhận nhau là...

Tôi đi vòng quanh kho. Nhà kho lẫn vào rừng cây. Không thấy đường cho xe vào kho, lối mòn cũng không. Vận chuyển bằng cách nào. Máy bay lên thẳng à? Nhưng rồi những đơn vị đến nhận hàng thì đi ra sao, kho gì kỳ lạ quá, như trên trời rơi xuống. Hay không phải kho, mà là trại huấn luyện biệt kích? Có thể. Bọn Mỹ, ngụy hay chơi cách huấn luyện kiểu này lắm.

Khi đồng chí trinh sát về, tôi đem sự nghi ngờ ấy ra nói lại, đồng chí trinh sát cho biết một trăm phần trăm là kho. Đồng chí trinh sát nói:

- Tôi đã mò vào tận nơi, mùi kho, mùi gỗ thông thơm phức. Đồng chí trinh sát cam đoan là nếu không có mùi gỗ thông thì có thể ngửi được mùi lương khô, kẹo, thuốc lá đường sữa, thịt hộp - Nghe cậu ta nói, tôi rất thèm và bụng quặn đau vì mấy ngày liền chỉ ăn lá rừng.

Tiếng róc rách phía ngoài, tôi đi tới, nhận ra con suối. Tôi hiểu ngay đây là kho. Bọn địch rất bợm, chúng đã vận chuyển theo suối cũng như trước đây, di chuyển đến vùng nào, khi rẽ vào rừng chúng tôi đều cho xe chạy theo suối người đi giữa suối, suối xóa hết mọi dấu vết. Máy bay trinh sát loại có phương tiện kỹ thuật tối tân cũng chịu bó tay. Tôi cho rằng đây là một kho lớn chứ không phải kho nhỏ, địch cũng sẽ không sử dụng ngay, mà dự trữ chiến lược dành phục vụ khi phản công ngăn chặn ta đánh về Huế, hay về Đà Nẵng.

Đồng chí trinh sát nói:

- Nó đi vắng, hay gác vòng ngoài mà chỉ có mấy tên giữ kho thôi anh ạ.

Chúng tôi thống nhất, trước khi quay về gọi thêm người, tôi yểm hộ vòng ngoài, còn đồng chí trinh sát vào kho vác một bao gạo về cho anh em ăn tạm lấy sức.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM