Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:52:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Trường Sơn  (Đọc 92797 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2010, 06:47:36 pm »

Tôi suy nghĩ một chút rồi nói: 

- Đường 128 rất trống, có nên đi thế không? Tôi hoạt động ở đấy mấy mùa, cũng đã sục sạo kỹ vùng này. Nhiều cán bộ công binh, tác chiến hiểu rất sâu, có thể đáp ứng mọi điều Chính ủy cần. 

- Mình chẳng ưa thói lên gân đâu. Nhưng không có một chút hình ảnh nào trong mắt về khu vực trọng yếu đó thì liệu có ích gì khi tôi góp ý với sư đoàn nên thế này, thế kia?

Tôi thấy Chính ủy có lý. Vì không gì chán hơn khi phải nghe những công thức có sẵn, mặc dù "giáo huấn" đúng đến từng chữ một. Tôi lặng im chấp hành kế hoạch đi của ông. 

- Báo cáo thủ trưởng Tôi bị đảo kế hoạch, xin cho chậm nửa giờ nữa hãy xuất phát. 

- Ông vẫn là chủ cơ mà - Chính ủy cười dí dỏm - Tôi lại đước thêm thời gian đọc tiếp cuốn truyện này. Ông đã xem chưa? - Chính ủy giở sách - Nói về tuyến chiến lược Trường Sơn đấy. Viết được lắm, có nhiều ý đáng suy ngẫm... 

Tôi bỗng cảm thấy người Chính ủy mặt trận gần gũi đáng mến hơn. Ông ham đọc, ham viết, có tấm lòng rộng mở trân trọng tình người, không ngộ tưởng mình cao hơn thiên hạ... Một nhân cách hiếm thấy trong lứa lãnh đạo với ông.

Đúng giờ đoàn xe xuất phát.

Vừa khỏi đèo Phu Xủng, bỗng hai loạt cao xạ đỏ lừ bay lưng trời, tiếp theo tiếng kẻng đổ hồi của đài quan sát báo động B52.

Hai chiếc Com-măng-ca khựng lại. Chúng tôi bật cửa xuống chiếc hầm kèo bên đường. Tổ công binh hộ tống chỉ dẫn xe đi sâu vào tận hốc núi. Một trung đội xe tải cũng vừa xộc tới, chỉ kịp giấu xe vào đường "xương cá” anh em lái nhảy vội xuống hầm. Gần chục người ép chặt nhau trong ba thước vuông mà cũng lọt.

Đột nhiên trời tối sập, tai ù đặc, chiếc hầm như đặt trên bè mảng bị sóng nhồi liên tiếp. Rồi khói, bột đất sặc vào hầm, tuồn vào cổ áo, dồn xuống bụng. Mọi người bụm miệng, úp mặt vào lưng nhau mà vẫn ho sặc sụa. Vạt rừng chân đèo bốc lửa ngùn ngụt, tàn lửa bùng lên trùm kín cả đoạn đường trước mặt. Chúng tôi không nghe thấy gì nữa, chỉ cảm nhận được từng đợt bom rải thảm qua những lần cả sườn đồi chao đảo. 

Một đồng chí lái nhổm người, mồm ngoác to, nổi gân, ráng sức gào. Không biết đến lần thứ mấy tôi mới nghe văng vẳng: 

- Ra thôi Đảnh! Chưa chừng cái két nước của tao bị thiến mất rồi 

- Phản lực mò đến... 

- Kệ mẹ nó. Nhìn xem có lửa chỗ giấu xe không?

Giọng cười hô hố rộn lên. 

- Lũ mù ném đếch trúng đâu cả

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2010, 06:49:16 pm »

Họ như bầy chim trong tổ bung ra, đạp bừa lên cây đổ ngổn ngang, chạy đến những chiếc xe nấp trong đường tránh. 

- Thằng OV10 đấy. 

- Phớt nó đi.

Tiếng dao phạt cày phầm phập, cuốc đá chan chát. Chỉ hai chục phút sau, khói bụi chưa tan hết, tổ công binh hộ tống cùng anh em lái đã dọn xong con đường vừa bị phá hoại. 

- Kiểm tra lại xe! - Anh cán bộ nói như quát. 

Không quả bom nào trúng chỗ giấu. Những cây đổ đá văng tới cũng sinh chuyện. Tiếng gọi ồn ã

"... Quỳnh ơi! Xe mày vỡ một lốp...". 

- Xe thằng Tảo bị cây đổ bẹp ca bin...". 

- Két nước của tao đi đời thật rồi...:

Lái, thợ, chỉ huy xúm vào sửa chữa. Họ làm từng bộ phận theo đúng quy tắc kỹ thuật dưới sự đe dọa của máy bay giặc. Khoảng một giờ, xong việc anh chỉ huy trung đội khum tay, lên miệng: 

- Được rồi. Có tín hiệu đài quan sát, thằng Đảnh vọt trước. Tảo kéo xe cậu Thông vỡ két nước đi sau cùng... 

Chính ủy từ ngách đường giấu xe tập tễnh bước. tới bên người cán bộ trung đội:

- Chúc mừng sự may mắn của các đồng chí. 

Tôi khẽ nhắc: 

- Chính ủy Đặng Tính đấy! 

Anh cán bộ xe tròn miệng, lấp gấp, đưa cả hai bàn tay to bè ôm lọt bàn tay Chính ủy rung mãi. Hai mắt đầy tròn đen nhoáng nước. 

- Các đồng chí bình tĩnh dũng cảm lắm - Chính ủy trìu mến đặt tút thuốc lá vào bàn tay anh cán bộ - Xin tặng anh em và gửi lởi cảm phục của tôi đến toàn đội

- Dạ! Xin cảm ơn Chính ủy. 

- Đồng chí tên gì? 

- Tôi là Phan Thanh Hùng. D51.

- A. Phải Hùng vượt bom từ trưởng ở dốc Con Tiên đường 45 không? Tỏi có xem một bài bích báo nhắc tên đồng chí "... Sáu lần ngạo nghễ qua đầu giặc. Anh vẫn ngâm thơ át tiếng bom...". Hà, hà đẹp lắm, kiêu hùng lắm!

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #22 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2010, 06:49:24 pm »

Nghe Chính ủy Tính đọc thơ chiến sĩ, tôi xúc động trước tình cảm trân trọng nét sống văn hóa của người lính và giữ ấn tượng đẹp lâu đến thế! .

Mặt Thanh Hùng đỏ lựng. Anh chiến sĩ đứng bên nói đỡ: 

- Báo cáo đích thị trung đội trưởng em đấy.

- Hà; hà... Đánh giặc thì ung dung vậy, khi được nhắc tên sao lại như chàng rể gặp bố vợ thế

Cậu nào lém lỉnh hỏi to: 

- Chính ủy còn chị nào chưa... không ạ? 

- Ha, ha..: cậu láu thế. Định phỗng tay trên đồng đội hả?

- Không ạ? Em hỏi hộ trung đội trưởng Hùng... anh ấy hăm sáu mà chúa ngố. Chẳng biết cưa kéo gì. 

- Chắc cậu "cưa" giỏi lắm nhỉ? 

Tiếng cười trẻ bật lên rang rảng. Khu rừng bên vẫn rực lửa.

Trên đài quan sát nổi lên hồi kẻng báo yên.

Phan Thanh Hùng giật chân, đưa tay lên vành mũ

- Báo cáo Chính ủy! Trung đội xin phép đi làm nhiệm vụ!

Chính ủy Tính chào lại, đột nhiên ôm lấy Thanh Hùng ghì vào ngực, hôn lên hai má. Toàn thân Hùng thoắt rung rẩy.

Rời khỏi vòng tay Chính ủy, Thanh Hùng quay mình bước vội đến những chiếc xe đã phát động máy.

Chính ủy Tính đằm thắm nhìn trung đội xe lần lượt ra khỏi nơi trú ẩn, ông giơ cả hai tay vẫy chào.

Các chiến sĩ lái nghiêng đầu ra cửa, mặt đẩy bụi, nụ cười loa lóa tươi rói.
Trại viết Trường Sơn 
3-1999 
N.V.P
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #23 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:44:32 am »

MỘT MÌNH VƯỢT TRƯỜNG SƠN
.
NHƯ AN


Huấn luyện tân binh mới hai tháng thì chúng tôi được lệnh lên đường vào chiến trường. Ngày nghỉ, đêm đi vào đến Nghệ An tôi đã bị trẹo chân trong một đêm hành quân qua những bờ ruộng gập ghềnh. Lúc đầu chỉ là bong gân sơ sài, nhưng vì đi miết nên chân ngày một sưng to. Dù anh đã mang vác một phần ba lô súng đạn, tôi vẫn tụt lại sau trên mỗi chặng hành quân: Nhiều lần đơn vị định giữ lại, nhưng tôi cứ nằng nặc đòi đi, ở lại ai biết sẽ ra sao, không khéo khi vào đến chiến trường chỉ còn nhặt ống bơ gỉ. Cứ thế lẽo đẽo, tôi cũng đến được Quảng Bình.

Tại trạm 17B thuộc huyện Minh Hóa, chúng tôi kháo nhau: Bắt đầu từ đây, những trạm tiếp theo sẽ vượt Trường Sơn. Một lần nữa chính trị viên đại đội vận động và giải quyết giữ tôi ở lại trạm, dù có ý kiến gì đi nữa. Cùng được giữ lại trạm 17B, cả đoàn có 5 người. Cán bộ trạm đến gặp cho tùy nghi lựa chọn, ai muốn ra tuyến ngoài điều trị thì sẽ cho ra. Đêm nằm trong lán trạm, bốn anh bàn nhau quay ra, tôi không đồng ý vì nghĩ đơn giản: - Mất cả tháng trời cực nhọc mới vào được đến đây, ra rồi lại vào như các anh nói thì phí quá. Tôi sẽ chữa khỏi chân tại trạm để còn đuổi theo đơn vị. ..

Lán tôi ở thường xuyên có cô y tá tên Thảo đến chăm nom điều trị, cô quê ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh, mới khoảng mười chín, đôi mươi, thấp người, mặt tròn vành vạnh, da ngăm. Bù lại Thảo có mái tóc dài chấm thắt lưng, đôi mắt long lanh, giọng nói dễ thương và có tấm lòng nhiệt tình. Thuốc men chẳng có mấy, nhưng ngày hai buổi Thảo đến tiêm thuốc kháng sinh, xịt cồn lạnh và xoa bóp bàn chân sưng tấy của tôi. Theo Thảo thì có giỏi lắm bàn chân này cũng mất nửa tháng trời mới đi được. “Vậy là chết tôi rồi, mười lăm ngày đơn vị thì đi mà tôi cứ nằm làm sao đuổi kịp đây?". Tôi nghĩ thế và chợt nhớ ngày còn ở nhà có người mách phương pháp chữa mẹo bong gân bằng cách nhờ phụ nữ có thai bóp chân cho.

Thế là, chờ Thảo đi sang lán khác là tôi tập tễnh chống gậy đi vào xóm, hỏi thăm hết người này sang người khác để tìm cho ra một người phụ nữ đang có mang. Rồi cuối cùng cũng đến được một nhà mà theo người. mách có một chị không chồng lại chửa. Chị ngồi đó sau tấm mành thưa che cửa, đôi mắt u buồn nhìn thẳng vào tôi mà không nói gì. Tôi hơi hoảng. Khi biết ý định nhờ vả của tôi theo cách chữa mẹo, chị buông thõng một câu: - Tôi mất cháu rồi anh ạ.

Tôi quay người và lặng đi, không dám nhìn vào đôi mắt u buồn ấy. Lần đi hỏi thăm nhà khác tôi được chỉ đến nhà một bà cụ mà nghe nói "Mạ có phương pháp gia truyền hay lắm...". Nhà mạ tềnh toàng, ba gian mái tranh vách đất, chiếc bàn gỗ đóng khấp khểnh và 2 chiếc ghế băng kê chính giữa, một bộ ván không bào nhẵn đặt gian bên, còn chiếc võng gai mắc vào hai cột tre ở gian đối diện. Vách trong, dưới chiếc bàn thờ treo vài chùm ngô giống.

Mạ bảo tôi ngồi võng rồi tỉ mỉ xem chân, xong, bảo đợi. Nói xong, mạ lui cui đi lên đồi thoải phía sau nhà. Lát sau mạ về, trong tay cầm một nắm lá. Mạ mang giã nát rồi chưng nóng trong một cái ống sữa bò. Mạ mang vào một chất bột sền sệt màu xanh đen và kèm vài mảnh lá chuối hơ mềm. Mạ đắp thuốc bọc kín bàn chân, lấy lá chuối đùm lại, buộc vài cái dây rơm cho khỏi tụt thuốc. Xong, mạ bảo tôi lên bộ ván nằm nghỉ. Cảm giác êm ấm dễ chịu thay cho những cơn bỏng rát đã đưa tôi vào giấc ngủ ngon lành.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #24 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:45:06 am »

Chiều tỉnh lại, "mạ" cho ăn mấy bắp ngô luộc. Hỏi ra; đây cũng là bữa ăn chính của gia đình. Nhà "mạ" chỉ có hai mạ con, cậu con trai trạc tuổi tôi đang trọ học cấp III trên huyện. Những hạt gạo hiếm hoi chỉ dành để cho con. Buổi chiều, mạ thay "băng" cho tôi một lần nữa và dặn tôi ngày mai đến tiếp.

Tôi tập tễnh về đến lán thì đã sẩm chiều. Thảo vẫn chờ đến tiêm và bôi thuốc xoa bóp. Xem lại bàn chân đang bọc trong lá chuối, Thảo ngạc nhiên bởi bàn chân tôi xẹp đi khá rõ, đã thấy vài vết nhăn do ngấm thuốc thay cho màu đỏ mọng. Cứ thế, bốn ngày sau thì tôi bỏ gậy mà đi, tuy bước đi còn gượng... Tôi cố tập đi cho dẻo chân trở lại

Thấm thoắt, hơn một tuần nằm lại trạm, tôi lên gặp trạm trưởng đề nghị cấp giấy giới thiệu các trạm dọc đường để đi tiếp vào tuyến trong, đuổi theo đơn vị. Vẫn phải chờ thêm một ngày nữa do trạm yêu cầu, để chờ cấp thêm một "cơ số” thuốc men nhất thiết phải có trên tuyến Trường Sơn.

Ngày hôm ấy tôi kịp đến thăm và chào mạ lên đường. Tôi giở ba lô xem có gì tặng mạ. Những đồng tiền ngân hàng Việt Nam đã tiêu hết đâu đó ngoài Thanh - Nghệ. Ngoài hai bộ quần áo, xem ra chỉ còn có đôi giày Trung Quốc cao cổ là đáng giá. Tôi đành xách mang đi, tính là tặng cho con trai mạ, nhưng nào mạ có nhận cho. Tôi năn nỉ khiến mạ không thể từ chối bởi một lý do là tôi chưa "đủ sức" để mang cho hết.

Buổi tối ấy, về đến lán tôi gặp Thảo. Sau khi biết tin từ trạm trưởng, Thảo đến và kiên quyết bắt tôi ở lại. Theo cô, nếu đi sớm thì chân đau sẽ tái phát. Tôi dọa Thảo là không ngăn được quyết tâm của tôi với điều kiện tôi đã có lệnh lên đường. Cuối cùng, tôi chuyển sang năn nỉ Thảo bởi Thảo có quyền của một thầy thuốc bắt "bệnh nhân" ở lại. Tôi đưa ra lý do còn giữ của đơn vị một vài tài liệu quan trọng, không thể không đuổi kịp để giao lại.

Không khuyên can được, Thảo quay ra khóc. Đây là lần đầu tiên trong đời, có một người con gái khóc vì tôi. Nhưng biết làm sao đây, tôi đành xin Thảo thương tôi bằng cách đi kiếm cho một ít thuốc lọc nước, để còn uống nước suối dọc đường.

Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm chuẩn bị lên đường. Có một anh tuyến trong ra nằm giường kế bên đang say sưa ngủ. Thấy đôi dép cao su của anh còn tốt quá, lại ôm vừa khít bàn chân chứ không trắt trẹo như đôi dép của tôi, tôi tráo đôi dép của mình, bụng nghĩ: "Con đường anh về hậu phương không còn bao xa, chắc là anh sẽ thông cảm cho tôi".

Lên đến lán trạm thương, Thảo đã chờ sẵn, dúi vào tay tôi một bọc thuốc. Trạm trưởng bảo: "Hôm nay có giao liên dẫn một đoàn đi vào, cậu sẽ đi cùng, nhớ bám sát giao liên". Anh còn đưa tôi một tờ giấy giới thiệu, nguyên văn như sau: "Kính gửi các trạm phía trước. Trạm 17B giới thiệu đồng chí Việt là chiến sĩ đoàn H31 đi vào đuổi theo đơn vị. Đề nghị các đồng chí nhiệt tình giúp đỡ...".

Đã có lao xao tiếng gọi của đồng chí giao liên. Hình như Thảo đã nước mắt vòng quanh. Tôi vội quay ra phía trạm trưởng, miệng lắp bắp "Báo cáo, tôi đi” rồi vụt nhanh kịp nhập vào đoàn quân, không có một lời nào với riêng cô Thảo. Nhưng từ đấy, hình ảnh Thảo đôi khi trở lại suốt đường hành quân và cho tới bây giờ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #25 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:45:51 am »

*
*   *

Chặng đường đầu tiên là đi với một đoàn quân cỡ tiểu đoàn. Tôi mau chóng nhận ra là đi đầu với giao liên thật sướng. Vài trăm người cứ hàng một mà đi, gặp đoạn đường khó thì phải nghỉ chở nhau. Đến trạm, trong khi đoàn lớn phải đi nhận bãi khách, phân bố vị trí cho từng đơn vị, rồi mắc võng tăng, đào bếp Hoàng Cầm thì tôi cứ việc trình giấy giới thiệu của trưởng trạm 17B là được các "trạm phía trước" ưu tiên đặc biệt cho ngủ ngay ở lán trại đã dựng sẵn của khu vực cơ quan trạm, ăn uống cũng được "ưu tiên".

Nhưng tốc độ hành quân theo đơn vị lớn thế này biết khi nào đuổi kịp đơn vị? Tôi tính vượt binh trạm một mình! Lần theo đường mòn vài trạm giao liên nữa đều được các "trạm phía trước" ưu tiên cho các điều kiện bảo đảm về ăn, ở. Trong lòng nôn nóng muốn vượt trạm với bất kỳ giá nào, miễn là phải gặp được đơn vị. Tôi tự quyết định rồi hỏi thăm mò mẫm cắt rừng ra tuyến đường xe để xin đi nhờ.

Không thể lẽo đẽo trên tuyến đường mòn mãi được! Gặp đường lớn, lại vào lúc ban ngày nên nào có xe đi. Gay thật rồi? Nếu cứ ngồi đây chở biết khi nào mới có xe? Đi tiếp chăng? Không được! Hay trở vào rừng tìm trạm giao liên? Cũng không nên! à, quay trở ra, cứ theo vệt bánh xe cách gì cũng gập được xe vào. May mà gặp một bãi tập kết của một đoàn xe đang chuẩn bị chở hàng vào phía trong.

Tôi lân la đến làm quen với chiến sĩ lái, thoạt tiên là hỏi thăm đồng hương, sau đó nói rõ mục đích. Trong tâm trí những công dân Trường Sơn hồi ấy thì những người đi vào cần phải được ưu tiên mọi thứ. Vì vậy, tôi được chấp nhận ngay như một thành viên của đoàn xe, được bố trí trên một ca-bin xe không có phụ lái và được cấp cả xôi, cơm nắm, thịt rang trước lúc lên đường. 

Cứ tưởng đi xe là sướng hơn đi bộ, nào ngờ, những con đường xe của Trường Sơn còn khốc liệt gấp trăm lần tuyến đường giao liên bộ. Tháng 6, mưa đã dầm dề, những chiếc xe chở nặng vũ khí, quân lương cứ lóp ngóp bò đi trên những con đường khấp khểnh trồi sụt. Đêm mông lung, chỉ một vầng sáng đèn gầm vàng vọt bé nhỏ như chiếc chiếu trước mũi xe. Tôi, một anh lính bộ binh ngồi trên ca-bin không thể nào nhận ra trước mắt có gì trong màn đêm đặc kịt phía trước. Vậy mà, chiến sĩ lái xe vẫn căng mắt săm soi, cánh tay ghì chặt vô lăng điều khiển chiếc xe ì ạch bò trên con đường lầy lội tiến về phía trước.

Tôi hỏi, anh bạn lái trả lời gọn lỏn: "quen rồi". Lắm đoạn đường lõng bõng bùn nước trong hai vệt xe đi trước để lại. Bánh xe quay tít trong bùn mà xe không nhúc nhích. Thế là chủ và khách chia nhau đào, cuốc chặt cây, cuốc đất đá nhồi nhét xuống dưới bánh xe. Nếu không được thì bắn pháo hiệu, ít phút sau đã có công binh xuất hiện tiếp cứu.

Xe còn tranh thủ chạy lúc bình minh hoặc lúc sẩm chiều. Những lúc ấy Trường Sơn có một gương mặt khác, thật đau thương và hoành tráng. Những nghĩa địa xe hàng trăm chiếc cháy đen nằm ngổn ngang dưới vực sâu ngay sát con đường. Những trái đồi bị bom phá làm trống hoác, chỉ sót lại vài cây cháy dở nghều ngoào vẽ những nét đen sì trên nền trời hoàng hôn đỏ máu. Con dường vẫn sống và cựa quậy bởi bàng trăm, hàng ngàn... những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong đang tất bật dọn đá, lấp hố bom cho "đường lối liền đường".

Đến ngã ba rẽ về Tha Mé, anh lái xe bảo: "Cậu phải xuống đây thỏi, vì bọn tớ rẽ về đường khác không đi tiếp vào trong nữa". Hóa ra xe các anh vận chuyển hàng sang một chiến trường khác. Tôi chào các anh - những con "tuấn mã" Trường Sơn, nhảy xuống xe, tôi vào trạm gác barie trình giấy, xin ở lại để chờ xe cùng đường xin đi tiếp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #26 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:46:30 am »

Cùng xuống trạm barie, có đồng chí tiểu đoàn phó đoàn xe xuống để điều hành những tốp xe sau. Nghe chuyện của tôi, lại là đồng hương, đồng chí đề nghị tôi về tiểu đoàn làm quân lực, nếu không thích thì cho đi học lái xe phục vụ ngay tuyến Trường Sơn. Đồng ý thì chỉ sáng mai, có xe trở ra đưa ngay về tiểu đoàn bộ. Tôi đành xin từ chối. Đồng chí tiểu đoàn phó có tên là Dũng ấy, lúc đầu nghe tôi trình bày chỉ nhoẻn miệng cười, sau rồi anh nghiêm sắc mặt:

- Ông dở bỏ mẹ đi ấy? Chiến trường ở đơn vị nào mà chẳng phải chiến đấu! Mình có đào ngũ đâu mà sợ? Trường hợp thuyên chuyển đơn vị theo kiểu này cũng nhiều. Nhưng thôi, đồng hương không muốn thì tôi chẳng ép. Cứ chờ đây, đêm mai cách gì cũng có xe vào.

Tôi chỉ im lặng... Đến lúc đổi ca trực trạm barie, các chiến sĩ công binh đưa tôi vào đơn vị cách chừng nửa giờ đi bộ. Tôi bịn rịn chia tay với anh Dũng. Anh cho tôi hộp dao cạo và ba bao thuốc tam đảo. 

- Thôi! Chúc đồng hương nhanh chóng đuổi kịp đơn vị. Hình như giọng anh nghẹn lại, tôi thì xúc động, nếu không kìm chặt, có thể bật lên tiếng khóc. 

Thật không ngờ, trại của đơn vị công binh lại quá đàng hoàng. Ngoài lán ở còn có cả hội trưởng, nhà ăn riêng biệt. Các anh còn trồng cả rau xanh và hoa. Ngủ một giấc ngon lành trên sạp nứa, sáng hôm sau tôi được các anh dẫn xuống nhà ăn. Được ăn bữa cơm nóng với thịt hộp và canh rau cải, tôi như được tỉnh táo và hơi sức lại sau những ngày lang thang trên đường.

Cảm động nhất là các anh chỉ huy gọi tôi ra cắt tóc, cũng ngồi ghế gỗ, khăn dù vắt vai như một tiệm nào. Các anh cũng khuyên tôi nên ở lại ngay đơn vị bởi nhiệm vụ nào cũng là nhiệm vụ. Chiến đấu ở Trường Sơn cũng vinh quang chẳng kém chiến trường. Để khỏi phụ lòng tốt của các anh, tôi đành nêu lại lý do là còn giữ những tài liệu quan trọng của đơn vị nhất thiết đuổi kịp để giao cho đơn vị. Đêm buông xuống, một ngày trôi qua, trước khi ra trạm barie chờ xe, đơn vị công binh còn tặng tỏi một ruột tượng gạo và mấy hộp thịt hộp.

Khoảng 9 giờ tối ngày hôm ấy, có một chiếc xe con kiểu com-măng-ca đi vào trong đón thủ trưởng binh trạm. Đi xe con thì nhanh hơn nhưng cũng hiểm nguy không kém các đoàn xe lớn, bởi xe con đơn thương độc mã, không ai cảnh giới canh chừng máy bay. Cứ mỗi lần thấy đèn dù máy bay địch thả sáng trưng là xe chạy bán sống bán chết, khiến người nhảy tưng tưng hoặc ngã dúi dụi trong xe.

Đi khoảng hai đêm như thế thì tới ngã ba Mường Noọng. Lái xe bảo: "ở đây gần một trạm giao liên Bộ". Tôi nhẩm tính có thể đuổi kịp đơn vị và xin xuống. Anh lái xe cẩn thận chỉ cho tôi một nhánh đường mờ tối trong đêm, dặn: "Sáng mai cứ đi thẳng vào, khoảng ba tiếng thì tới trạm, giờ tìm mấy cái hầm mà trú, ở đây hay có bom tọa độ".

Chia tay xong, tôi mò mẫm tìm hầm song không thấy, lại sợ lạc mất con đường vào trạm nên cố lần theo đường mà đi vào. Đường khá rộng nhưng đã mọc đầy cỏ lau cao tới ngang ngực. Đi khoảng chừng cây số thì thấy mấy cụm le, tôi liền mắc võng tăng nằm đợi sáng. Chẳng mấy chốc thiếp đi một cách ngon lành, quên đi nỗi sợ mơ hồ về bom tọa độ, rắn rết, trăn hay thú dữ.

Sáng hôm sau tôi cứ theo con đường xe cũ rẽ cỏ đi vào suốt buổi sáng không gặp một ai ngoài những bầy gà rừng líu ríu kiếm ăn. Trời gần đứng bóng mới gặp vài nhà kho với dăm người canh gác. Hỏi ra thì đây đã sát bên Binh trạm 19 giao liên Bộ. Hỏi đường vào cơ quan trạm trình giấy hỏi thăm đoàn H31 dã đi qua chưa? Anh cán bộ trạm lật sổ xem qua, nói đoàn đã qua rồi. Tôi thất vọng quá.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #27 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:47:08 am »

Lại có tiếng lao xao ngoài cửa rừng, tôi chạy ra xem, vừa định mở miệng hỏi thăm thì đã thấy bóng dáng thân quen. Tôi reo to: “thủ trưởng Kính" và ào tới. Chính trị viên đại đội Nguyễn Hữu Kính tròn mắt ngạc nhiên rồi la lớn "Thằng Việt bay ơi...". Anh ôm chặt lấy tôi trong vòng tay thân thiết.

Tôi gắn bó với anh từ ngày nhập ngũ, binh nhì làm liên lạc cho chính trị viên đại đội. Anh là người thầy binh nghiệp đầu tiên của tôi, kể từ khi tôi nhập ngũ. Anh là bộ đội chống Pháp, tái ngũ trở lại quân ngũ khi đã có vợ và ba con hiện đang ở miền quê nghèo nổi tiếng Thanh Hóa, huyện Nông Cống.

Thế là tôi đã kịp đuổi theo đơn vị.

Tôi đeo ba lô cùng đơn vị về bãi khách cách đó không xa. Hôm đó kể như một ngày vui sướng nhất trong suốt cuộc hành quân vào Nam đánh giặc. Sau những hàn huyên, ngồi tính lại thấy từ ngày xa đơn vị đã đúng 32 ngày.

Đặng Văn Giang - chiến sĩ liên lạc thứ hai, người đồng hương huyện, vô cùng khỏe và luôn đói đã kịp thì thào vào tai tôi về bao gạo. Tôi kịp xúc cho bạn hai bát sắt, còn lại tôi đề nghị chia đều cho bốn trung đội, mỗi đơn vị vài bát nấu cháo ăn thêm, còn lại thì C bộ làm một nồi cơm thật đích đáng liên hoan.

Chính trị viên tiểu đoàn xuống thăm, nghe chuyện và khen ngợi. Hôm sau, trước lúc hành quân, tiểu đoàn phát động phong trào thi đua noi gương tôi trên chặng đường còn lại đồng thời đọc quyết định phong quân hàm vượt cấp cho tôi từ binh nhì lên hạ sĩ. Vài ngày sau trong một ngày được nghỉ, liên chi đoàn còn tổ chức cho tôi lên kể chuyện cuộc hành trình trước toàn bộ đoàn viên...

Thực ra, có chuyện gì mà nói đây, bởi mang tiếng một mình vượt Trường Sơn nhưng tôi đã được sự che chở, đùm bọc nâng đỡ và dìu dắt của các thử trưởng, đồng chí, đồng đội, thanh niên xung phong, các đơn vị trên tuyến đường Trường Sơn. Họ đều thuộc về binh đoàn Trường Sơn anh hùng. Xin các anh, các chị hãy tha lỗi cho tôi vì không còn nhớ tên riêng của một ai, không nhớ số hiệu của từng trạm, từng đơn vị đã cưu mang tồi trên suốt cuộc hành trình. Ai trong số họ còn sống, ai trong số họ vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn? Như cô Thảo, mạ Quảng Bình, những trạm trưởng như anh Dũng, ạnh Kính, trạm barie, đồng chí lái xe... mãi mãi tôi không thể quên. Giờ đây, tôi chỉ có thể gọi tên chung của các anh, các chị bằng cái tên giản dị mà thiêng liêng: "BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN”

Hà Nội 3-1999
NA
Ghi theo lời kể của
NGUYỄN QUỐC VIỆT
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #28 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:48:19 am »

BẠN XÓM ĐỒI
NGUYỄN TIẾN HẢI


Mới chớm sang mùa đông mà đất trời đã nóng hầm hập, đèo Ba Xê (3c) đỏ loét, nhòe nhoẹt. Máy bay phản lực gẩm rú, dọa nạt; OV10 lượn lờ, xoi mói. Không gian căng tức chở đợi những cuộc đối đầu quyết liệt.

Thọ, trung đội trưởng công binh vừa đi vừa làu bàu:

- Cái thằng Mậu. Lúc ngủ thì tán chuyện. Lúc đi làm thì ngáp ngắn ngáp dài. Tý nữa ra đèo mà ngủ gật, ông bảo.

Mậu xốc lại can nước trên lưng, ưỡn ngực, rầm rập bước vượt lên:

- Ngủ gật mà bừng bừng thế này à - chưa hết, anh ót hai bàn tay đưa lên miệng - A lô? A lô? Đề nghị trung đội bước nhanh lên cho kịp thằng ngủ gật.

Thọ với tay bẻ một chiếc roi như nhứ về phía trước:

- Mày rỡn anh mày hả? Đêm nay xe cộ vượt đèo không thông đồng bén giọt, anh mày cho sưng đít.

Mậu nhảy cẫng lên, hai tay xoa vào mông:
 
- Ối đau quá! ối đau quá!  

Anh em cười nghiêng ngả. Tôi lặng lẽ bước. Từ trạm thông tin tôi rẽ rừng ra nhập với trung đội công binh. Nhiệm vụ của tôi là phục vụ trung đội "con cưng" này của cả binh trạm. Năn nỉ đại đội trưởng Tào mãi tôi mới được đồng ý đảm nhiệm tổ đài thông tin sóng cực ngắn ở đây. Lý do tôi đưa ra rất nhiều, nặng nhẹ khác nhau. Đại đội trưởng Tào chỉ cười nhìn tôi. Có một lý do chính tôi giấu anh, nhưng tôi đoán rằng trước sau gì anh cũng biết: Tôi xin xuống đèo Ba Xê để được gần Mậu.

Chiều qua, hai đứa gặp nhau được một lúc. Đang hứng thì trung đội công binh họp. Trạm thông tin cũng gọi tôi về hội ý, chuyện trò đã đâu vào đâu.

Chiếc máy P105 chốc chốc lại xệ xuống. Thành máy xiết vào lưng tôi bỏng rát. “Người ta gọi "2 oát" là "2 rát" quả không ngoa”. Tôi lẩm bẩm.  

Đã từng nếm trải mấy mùa khô. Xe vào, xe ra, đạn bom, bụi đất... với tôi đâu còn lạ lùng nữa. Anh em đã gọi tôi là "cựu binh" rồi. ấy vậy mà tôi vẫn thấy hồi hộp. Đêm nay xe nhập tuyến. Sau mùa mưa tầm tã, cả binh trạm thức dậy, háo hức cũng vì mấy từ giản dị đó. Xe nhập tuyến là mùa khô bắt đầu, là hàng vào, là tất cả lên mặt đường, là ngày ngủ đêm thức, là bữa ăn đứt ra mấy lần vì tiếng súng cấp cứu, là đạn bom và máu đổ... phải chăng vì những lẽ đó, về mùa khô những người lính chúng tôi gần lại với nhau hơn?.

Thọ đứng lên nóc hầm chữ A sát chân đèo, tay trái giơ chiếc đèn báo đã bọc bìa cát tông kín mít chỉ để lại một lỗ tròn nhỏ, giọng nghiêm nghị:

- Đêm nay xe nhập tuyến. Đêm mở màn của chiến dịch vận chuyển. Mọi điều cần nói tôi đã nói chiều qua. Vạn sự khởi đầu nan, mọi người phải tập trung cao độ hoàn thành từng phần việc đã phân công. Bây giờ tôi xin tiết lộ một điều tuyệt mật. Nếu tình hình thuận lợi sau khi đón một đoàn xe tải chúng ta sẽ được đón một đoàn xe tăng đầu tiên...

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #29 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:49:46 am »

- Hoan hô! Hoan hô!. 

- Xe tăng vào, đánh lớn đến nơi rồi! 

- Sắp giải phóng rồi anh em ơi? 

- Cậu về quê tớ trước rồi tớ lên quê cậu.

Trung đội phó Khoa ôm chặt lấy tôi, cọ cọ hàng ria lún phún vào cổ vào má tôi. Rồi anh nhảy lên với một cành cây giả làm cờ, phất đi, phất lại, giọng bò rống: 

- Giải phóng miền Nam. Chúng ta cùng quyết tiến bước... 

- Thôi! Trật tự... trật tự - Thọ gào lên. 

Tất cả đứng im. Cái tin "Đón một đoàn xe tăng" làm cho mọi người không thể ngồi được. Với tôi, mang tiếng là "cựu binh" nhưng đã nhìn thấy xe tăng thật bao giờ đâu. 

- Khi xe tăng vượt đèo, mỗi người đảm nhiệm một chiếc, cầm đèn, đi lùi - Thọ tiếp tục nói, giọng sang sảng - Bộ phận điều động chân đèo phía Bắc phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của tôi, khi tôi lên đèo, đồng chí Khoa thay tôi đảm nhiệm việc đó. Vị trí chỉ huy: tại hầm 2 oát của đồng chí Tiến. Nhớ cầm đèn quay lỗ phát sáng về phía xe tăng. Chiếc xe tăng đầu tiên, tôi dẫn. Chiến xe tăng thứ hai, đồng chí Mậu. Chiếc xe tăng thứ ba... Tất cả rõ chưa?

- Rõ.

Tôi cũng góp phần làm cho tiếng hô đó to như chưa bao giờ to như thế.

Anh em tản ra mỗi người một việc. Người cặm cụi chêm cuốc xẻng, người nắn nót đổ thêm dầu vào đèn, người buộc lại giầy, người cắm thêm lá ngụy trang... Mặt trời tụt dần xuống sau dãy núi xanh thẳm, không gian trầm êm tĩnh lặng.

Tôi lúi húi nối dây điện thoại giữa máy P105 với máy TA57. Quan trọng như đêm nay chắc chắn sử dụng liên tục chế độ điều khiển xa. Mậu chạy đến vỗ nhẹ vào vai tôi: 

- Tớ mới nhận được thư của Lệ .

- Chúc mừng cậu. Xong việc đêm nay khao nhé. Mà sao chiều qua không nói. 

- Cậu về rồi anh Thọ mới đưa. 

- Đại khái nội dung thế nào? 

Mậu chớp mắt liên tục, tay trái đưa lên vân vê mụn trứng cá trên má, lúng túng: 

- À. Tốt... Lệ báo tin mới nhập ngũ như đã hứa với bọn mình hồi nào. Lệ bảo đống củi ba đứa kiếm vẫn còn nguyên. Chẳng ai dám đun. Thỉnh thoảng mẹ cậu mẹ tớ dỡ củi ra phơi rồi lại xếp vào chỗ cũ. Lệ... hẹn gặp... chúng, chúng mình... Ở... quê... à, ở chiến trường.

- Mồm miệng cậu hôm nay sao thế? Không nói ra tấm ra món được à?

Mậu im lặng, mắt lại chớp liên tục: Hình như Mậu cố nín, cố nín một điều gì đó thì phải, ngực căng lên: Đúng lúc tôi đang đón đợi một tiếng thở dài thì Mậu bật dậy, mang cả tiếng thở dài chạy theo anh em. 

Tôi bồi hồi nhớ về xóm Miến. Nhớ về thuở bọc trò ngổn ngang những kỷ niệm buồn vui.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM