Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 04:54:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Trường Sơn  (Đọc 92927 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #30 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:50:50 am »

*
*   *

Ngày ấy, xóm tôi là một trọng điểm phá hoại của máy bay Mỹ vì có cây cầu Sắt sừng sững. Bố tôi đi công tác xa, các anh chị tôi đang học đại học. Mẹ tôi gồng gánh dắt tôi sơ tán vào xóm Miến. Xóm trung du, nhà ở doãng ra đến hơn chục quả đồi. Quả đồi nhà tôi đến chỉ có một mình nhà Mậu.

Dân xóm Miến chẳng ai giải thích nổi từ đầu có cái tên xóm của mình. Người thì bảo: "Ngày xưa có bà cụ ngồi bán Miến ở đầu xóm nên dân làng đặt tên như vậy". Người khác phản bác: “Làm gì có chuyện đó. Cách đây mươi năm, hổ báo còn ngồi sưởi nắng ở đấy. Bố ai dám liều mạng ngồi bán miến". Có người lại bảo: "Miến là nói lái từ chữ Mướn - tên một cô gái mồ côi, quanh năm đi làm thuê làm mướn cho địa chủ. Cô không có tên vì cha mẹ cô chưa kịp đặt thì mất. Dân làng gọi cô như vậy. Cô yêu say đắm một chàng trai nghèo làm nghề tiều phu. Một hôm, chàng trai nghèo vào rừng kiếm củi chẳng may bị sét đánh chết. Cô lang thang đi tìm hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác. Tìm được xác người yêu, cô vật vã than trời đã không chiều ý hai người. Kiệt sức, cô mất đi hóa thành cây chè. Hương thơm và màu trắng của hoa tượng trưng cho tình yêu nồng nàn, trong sáng của cô. Vị chát bùi của chè biểu hiện cho mối tình cay đắng nhưng cũng rất ngọt ngào".

Lạ thay, khi nghe câu chuyện nặng vẻ truyền thuyết này ngay cả người không tin cũng thích. Sau này tôi mới vở lẽ rằng: Do họ yêu cáy chê nên yêu luôn câu chuyện.

Với tôi sự tích cái tên "xóm Miến" không quan trọng, cái chính là có bạn.

Một buổi chiều, trên đường đi học về tôi thấy bẹ cọ khô rơi lả tả. Trên ngọn cọ cao vút. Mậu nhe răng cười. Xã tôi nằm ở thượng huyện, Mậu học ở trường cấp ba huyện trên nên vào đây đã mấy ngày nhưng tôi chưa "chạm trán" với Mậu. Biết thân phận mình là kẻ đi ở nhờ xóm Miến, tôi phủi bụi trên vai rồi lủi thủi bước. 

- Này, thằng kia?. - Mậu quát. Tôi ngước lên, Mậu lại nhe răng cười - Mày có lấy củi cọ không?

Tôi lắc đầu. Mậu tụt xuống gốc cây nhanh như mèo, ngực ưỡn sát người tôi:

- Không lấy củi thì nhà mày đun bằng gì? Bố tao bảo phải giúp đỡ người đi sơ tán. 

Mậu vơ nhoáng vơ nhoàng những chiếc bẹ cọ lại thành một đống, mắt nhìn trừng trừng như ra lệnh:

- Đống củi này là củi của mày! Cất sách vở đi rồi ra khuân về. 

Ngay tối hôm đó mẹ tôi đau bụng, tôi phải sang xóm Ngõa để mua thuốc của ông lang Mộc. Nhìn khoảng đen mênh mông trước bờ tre, tóc gáy tôi dựng đứng. Ban ngày, khoảng đen mênh mông này là một cánh đồng lúa xanh mượt; cò ung dung thả bước. Về tối, cánh đồng đầy bí hiểm. Tôi vẩn vơ nghĩ đến các tai họa, nào rắn rết, lầy thụt, nào cướp, nào ma.

- Thằng Tiến hả? Sợ quái gì. Để tao dẫn đường - Mậu lên tiếng. Thì ra Mậu nấp sau bờ tre theo dõi tôi từ bao giờ mà tôi không hay biết.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #31 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:52:10 am »

Khác với hôm gặp Mậu chót vót trên ngọn cầy cọ, tôi mừng như chết đuối vớ được cọc: 

- Mày cũng sang xóm Ngõa à?

- Không. Tao biết mày sợ nên đi cùng. 

Mậu giơ chân dập xuống cây nứa làm nó vỡ rôm rộp.

Nháy mắt, trên tay Mậu là một bó đóm to đùng Mậu đi trước, tôi chạy gằn theo sau. Thỉnh thoảng gió táp vào ngọn lửa làm mặt tôi nóng ran:

Chúng tôi quấn lấy nhau từ đấy.

Bước sang năm học lớp mười, Mậu nằng nặc đòi bố chuyển trường. Bố Mậu chấp nhận, thế là tôi với Mậu cùng lớp. Tờ mờ sáng chúng tôi cắp sách đến trường. Con đường mười cây số bây giờ như ngắn đi một nửa. Hôm nào chuyện đang dở cũng thấy cái lớp ẩm thấp, mái tranh lụp xụp hiện ra trước mặt. Ngay ngày ấy cả lớp mười A đã đưa ra những nhận xét về sự "khác người" của hai chúng tôi: 

- Hai đứa thân nhau quên cả ăn.

- Cô gái nào muốn yêu một đứa phải tấn công cả hai.

- Hết năm nay mỗi đứa đi một nơi không hiểu chúng nó sống thế nào?...

Nghe những lời nhận xét ấy tôi và Mậu cũng thấy thinh thích.

Tốt nghiệp mười, cả hai chúng tôi đều thi vào đại học bách khoa. Giữa lúc bạn bè cùng lớp đã có giấy gọi đi trường này, trường nọ thì chúng tôi vẫn im tịt. Tôi yếu đuối nên buồn nản đã đành, Mậu mạnh mẽ, tung tưởi thế mà cũng rũ ra như bó rơm rối. (Sau này chúng tôi mới biết: cả hai chúng tôi đều có giấy gọi đại học nhưng xã giữ lại để cuối năm gọi chúng tôi nhập ngũ, vì “gia đình chưa có ai đi bộ đội").

Tôi và Mậu được xã giao nhiệm vụ làm giáo viên cho lớp học bổ túc buổi tối. Tôi dạy văn, Mậu dạy toán. Đứng trên bục giảng nhìn xuống lớp thấy cả Bí thư, Chủ tịch xã, chúng tôi cũng thấy mình oai ra phết. Một đêm, trên đường về Mậu thì thào: 

- Mấy tối nay tớ giảng dở quá. Cả lớp kêu khó hiểu? 

- Sao vậy? 

- Tại cái con bé mặc áo hoa cà ngồi bàn đầu. Nó nhìn mình thủng tim luôn.

- Kệ

- Kệ thế đếch nào được. Có mỗi trái tim thủng mẹ nó rồi, còn cảm xúc đâu mà giảng. Nó còn viết trộm cả vào sách tớ đây này - Mậu giơ ngọn đóm sát quyển sách. Một dòng chữ rối như tơ, tôi căng mắt một lúc mới đọc được: "Con trai xóm Miến kiêu quá". Tôi nghĩ bụng: "Một đứa "thủng tim" rồi, cơ sự này mình phải cáng đáng cả lớp học mất thôi".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #32 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:53:00 am »

Tối hôm sau; từ hàng ghế cuối cùng tôi chiếu mắt vào “chiếc áo hoa cà", không bỏ xót một chi tiết, kể cả lưng áo lúc căng lúc chùng theo nhịp thở. Trên bục, Mậu lúng búng ngượng nghịu, mặt đỏ tía, câu nào nói ra cũng cụt, cũng thừa. Viên phấn trên tay Mậu run run, những hình vẽ xiêu vẹo cùng những dòng chữ nguệch ngoạc lúc tỏ lúc mờ nhấp nhô trên bảng. "Yêu mất rồi. Trai phải hơi gái mất rồi” - Tôi lẩm bẩm.

Dịch sát chị bí thư xã đoàn đang chăm chú ghi chép, tôi tranh thủ điều tra về "chiếc áo hoa cà". Khi Mậu kết thúc bài giảng, trong óc tôi đã có "một bản sơ yếu lý lịch" gần như mẫu quy định: "Nguyễn Thị Tú Lệ: 17 tuổi; nhà ở gần tầu ghi phía Nam; bố công tác ở thành phố Việt Trì; đi ở với bố từ nhỏ. Mới về ở với mẹ là bà Đỗ hai năm nay; chưa hết lớp 7 thì bị ốm, khi khỏi ngượng không đi học nữa; đan làn giỏi nhất tổ thủ công; ít nói nhưng quả quyết; ai nhờ việc gì đều làm đến nơi đến chốn; đã có vài chàng trai để ý nhưng không ăn thua...". Có một chi tiết hết sức giá trị mà chị bí thư xã đoàn tự cung cấp cho tôi: "Đang vận động mẹ đi sơ tán. Nghe đâu vào xóm Miến.

Ngay đêm hôm đó tôi đã "nhồi" toàn bộ "bản sơ yếu lý lịch" này sang Mậu.

Lớp học bổ túc văn hóa kết thúc tốt đẹp. Uy tín hai chúng tôi nổi như cồn. Xã quyết định mở lớp bổ túc văn hóa thứ hai; hoãn gọi chúng tôi nhập ngũ vào đợt cuối năm ấy.

Khoảng giữa tháng mười, gia đình Lệ sơ tán vào xóm Miến đúng như chị bí thư xã đoàn đã nói. Thật tiếc gia đình Lệ lại chọn quả đồi cách quả đồi hai nhà chúng tôi một nương chè. Tôi động viên Mậu: "Thế là mỹ mãn lắm rồi. Một nương chè với tam tứ núi, ngũ lục sông... có bõ bèn gì!".

Chiều chiều chúng tôi rẽ nương chè sang quả đồi bên ấy. Có lần đến giữa nương thì gặp Lệ. Chả lẽ cứ nhông nhông hai thằng mãi, vô duyên, tôi tự tách ra, chấp nhận sự hy sinh phải "mất" Mậu vào “những giờ cao điểm". Thương tôi, Mậu đã "bù” bằng một sáng kiến: lấy củi tập thể cho cả ba nhà. Đống củi cao lên trông thấy. Chân đống củi ngày một loang rộng, liếm mất một vạt sân. Mấy lần cả tôi cả Lệ ngăn Mậu: "Củi nhiều rồi đấy, không lấy nữa". Mậu một mực: "Trước sau gì thì hai đứa cũng đi bộ đội. Còn phải ăn còn cần đến củi, không sợ thừa". Thế rồi một tai họa khủng khiếp đã đến. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn thấy lạnh xương sống. Chiều đó, trời đã nhá nhem. Lệ ngước đôi mắt lo âu lên đỉnh ngọn cọ, miệng nheo nhéo:

- Xuống đi anh Mậu. 

- Củi vãi khắp nơi, tối rồi, không nhặt xuể đâu. Gió đấy, cẩn thận... .

Tôi cũng gào lên;

- Kệ cậu nhé. Chúng tớ về đây.

Mậu không nghe, lì lợm duỗi chân đạp liên tục. Bẹ cọ rơi lả tả. Tôi và Lệ nhìn nhau lắc đấu. Một ngọn gió ào đến. Rắc, rắc, uỵch. Mậu chới với, rơi xuống gốc cọ. Tôi và Lệ chết đứng.

Suốt đêm đó chúng tôi và bà con xóm Miến thức trắng ở phòng cấp cứu. Đến sáng, Mậu tỉnh lại, mặt sưng húp, hai đường khâu từ cánh mũi chạy ngược lên trán ri rỉ máu. Cả bệnh viện ngơ ngác, xôn xao.

Lệ ở bên Mậu cho đến ngày ra viện.

Đến giữa năm, chúng tôi có giấy gọi nhập ngũ. Lệ ít nói hẳn, đi lại nhẹ nhàng như một cái bóng, đôi mắt lúc nào cũng hoe hoe đỏ. Ngày Lệ và cả lớp bổ túc tiễn chúng tôi lên huyện tập trung mưa tầm tã. Lệ mặc chiếc áo hoa cà ngày nào, bên ngoài khoác một tấm ni lông trong như kính. Chính nhờ tấm ni lông ấy tôi nhìn thấy Lệ trao cho Mậu một quyển sổ bìa đỏ cùng những bông hoa chè chúm chím.

Dọc đường hành quân không biết bao nhiêu lần Mậu giờ quyển sổ cùng những bông hoa ấy ra ngắm...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #33 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:55:30 am »

*
*   *

18 giờ, tôi bật máy, báo cáo: "Trung đội công binh đã sẵn sàng".

18 giờ 30, trên thông báo: "chờ đợi".

19 giờ, trên vẫn thông báo: "chờ đợi". 

Hồi hộp quá.

20 giờ, chiếc xe đầu tiên rì rì xuống đèo. Từ nơi đặt máy TA57 giọng Thọ oang oang:

- Tập trung cao độ nhé. Tốt đấy. Chú ý cọc tiêu bên tả ly âm.

Chiếc xe thứ hai, thứ ba... lần lượt vượt đèo êm ru. Tôi tranh thủ cho máy nghỉ giây lát, nhảy vội lên miệng hầm: 

- Hê hê. Chúc mừng xe nhập tuyến nhé.

- Chào người anh em. Quê đâu đấy

- Phú Thọ.

- À, dân xin xà phòng, bánh chưng đất Hải Hưng đây

Bụi hồng nồng nặc trùm lên người, phả vào miệng. Tôi lia hai hàm răng, sạn xào xạo.

Tranh thủ không có máy bay địch, mật độ xe mỗi lúc một dày. Bụi trùm lên bụi đặc nghịt.

- Có thuốc lào không? Kỷ niệm anh em một gói.

- Búp, búp.

Hai vệt sáng loang loáng táp vào ngực. Tôi cúi xuống, hai bao Điện Biên vuông đầy. "Chà! Lính nhập tuyến năm nay sang quá" - Tôi nghĩ bụng.

- Có thuốc lào không? - Tôi lại hét to vì biết anh em lính công binh khoái loại này

- Búp .

- Búp .

Vẫn những bao thuốc lá Điện Biên vuông đầy.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #34 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:55:45 am »

Thọ nhảy lên miệng hầm. Trong đêm tối tôi vẫn nhìn rõ hàm răng trắng lấp lóa - Anh đang cười. Vỗ mạnh vào vai tôi, giọng Thọ sảng khoái: 

- Qua điện thoại trên báo hết xe tải rồi. Thắng lợi. Thủ trưởng binh trạm rất vui. Nhiệm vụ chúng mình bây giờ là chờ xe tăng. Keo này mới ác chiến. Tí nữa cậu phải mở máy liên tục.

Trên trời sao nêm dày đặc. Không gian im ắng, ngột ngạt. Tôi nín thở ngước về phía đỉnh đèo. 

Thọ chê thuốc lá nhạt phèo, chê tôi chưa hoàn thành “nhiệm vụ xin thuốc". Tuy vậy, anh vẫn rút một điếu châm lửa, rít lấy rít để. Đi đi lại lại một lát Thọ choang cho tôi một câu: 

- Cậu xuống đèo Ba Xê này là vì thằng Mậu chứ vì chó gì bọn mình. 

- Anh không được kết tội. Thế ra em thừa à?

- À không. Tốt. Này, nghe nói cái Lệ say thằng Mậu lắm phải không?

- Cả hai say nhau.

- Thế thì nói làm đếch gì. Phải có đứa say hơn chứ.

Không biết giờ này Mậu đang đứng làm tiêu trên đỉnh đèo nghĩ gì? Nhớ lại khi tối, Mậu nín tiếng thở dài, tôi thấy trong lòng cồn cộn quá.

Tiếng chuông điện thoại reo vang. Thọ hấp tấp nhắc tổ hợp. Tôi cũng chạy về hầm bật máy

- Họa mi gọi Bồ câu nghe rõ không trả lời?

- Bồ câu nghe tốt. Nghe rõ không trả lời?

Tiếp đó, tôi nhận được chỉ thị: "Xe tăng bắt đầu xuất phát". Trung đội phó Khoa về vị trí thay Thọ, còn Thọ trực tiếp dẫn chiếc xe tăng đầu tiên vượt đèo theo như kế hoạch.

Mặt đất rung chuyển. Tiếng bánh xích sầm sập to dần. Đến sát hầm chỉ huy chiếc xe tăng dừng lại. Tôi chạy ra mân mê tháp pháo với tâm trạng đầy kiêu hãnh. Anh chiến sĩ lái xe nhảy xuống bên Thọ. Hai người ôm chặt lấy nhau.

- Thế là ngon rồi - giọng Thọ nghẹn ngào.

Trước khi xe chạy, anh lái xe tung cho Thọ một bọc giấy báo. Thọ bóc toạc bọc giấy, đưa lên mũi ngửi:

- A thuốc lào. Giàu to rồi.

Đưa bọc thuốc lào cho tôi, Thọ chạy ngược lên đèo. Vừa chạy anh vừa dặn với: 

- Tập trung cao độ đấy. Chiếc thứ hai này của thằng Mậu. Có thuốc lào tống hết vào hầm.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #35 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:55:59 am »

Bỗng tiếng máy bay phản lực xèn xẹt. Tôi dựng tóc gáy: “Chết cha, nguy mất rồi". Hình như có cả tiếng C130 ì ì. Tôi bóp chặt liên hợp: 

- Họa mi gọi Bồ câu nghe rõ không trả lời?

- Bồ câu nghe tốt. Nghe rõ không trả lời?

Tôi báo cáo chiếc xe tăng đầu tiên đã vượt đèo an toàn. Chiếc thứ hai đang xuống tiếp. Máy bay địch xuất hiện, có khả năng đánh phá đèo. Trên chỉ thị “dừng ngay chiếc thứ ba lại". Khoa quay máy điện thoại tới tấp để thông báo cho các barie.

Máy bay địch thả pháo sáng. Màn đêm vỡ toang. Con đường đèo ngoằn ngoèo hiện lên vàng ệch. Tốp F4 lảng ra xa rồi đột ngột quay lại bổ nhào. Tiếng bom địch, tiếng pháo cao xạ của ta vang rát.

Ục - Một quả bom nổ gần, miệng hố bom lẹm vào hầm. Tôi và Khoa xô vào nhau. Chiếc máy P105 đổ kềnh. Khoa gào vào máy điện thoại. Vô ích. Đường dây đã đứt. Mặc dù ngực đang nghẹn tức tôi vẫn cố nhoai người dựng lại chiếc máy P105. Không có tiếng gọi của tổ đài ở sở chỉ huy cơ bản, chỉ có tiếng rào rào của máy, "ăng ten đứt rồi" - Tôi phán đoán rồi bò lên nóc hầm, lấy hết sức quăng một đầu dây điện thoại lên một ngọn cây cụt còn lơ thơ vài cành nhỏ. Đúng lúc ấy chiếc xe tăng thứ hai rùng rùng đến. Mừng đến chảy nước mắt, tôi bổ ra đường. Lúc này pháo cao xạ của ta vẫn bắn rát. Máy bay địch không dám bổ nhào nữa, nâng dần độ cao, chuồn thẳng.

Bốn năm người, cả chiến sĩ công binh cả chiến sĩ xe tăng đã túm tụm bên xe. Anh em đang đỡ ai đó từ trên xe xuống. Tôi ghé sát, bàng hoàng:

- Mậu, Mậu ơi?

- Tránh ra - Anh đó vừa nói vừa đẩy mạnh tôi về phía sau làm tôi ngã bệt xuống.

Tiếng chân chạy huỳnh huỵch. Chiếc cáng lao trong màn đêm.

Suốt từ đó đến khoảng bốn giờ sáng, xe tăng tranh thủ vượt đèo. Lòng tôi nóng như lửa đốt. Tôi mở máy liên tục vì đường dây diện thoại không kịp khôi phục. “Bộ ăng ten" tự tạo của tôi đã phát huy giá trị. Tuy thu, phát đều nhỏ nhưng cũng đủ để cấp trên chỉ huy trung đội công binh dẫn xe vượt đèo.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #36 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 08:56:05 am »

Tang tảng sáng, tôi rẽ rừng đến đội phẫu thuật tiền phương. Đồng chí bác sĩ, đội trưởng đội phẫu thuật từ nhà cấp cứu bước ra. Biết tôi vừa ở đèo về, anh nắm chặt tay tôi động viên:

- Nguy kịch qua rồi. Em an tâm.

Mậu nằm bất động trên tấm sạp nứa rải chiếc chăn đã sờn cũ, đầu và ngực quấn băng trắng toát. Nghĩ rằng Mậu đang thiếp đi sau một đêm kiệt sức, tôi nhón nhẹ từng bước. Đến sát Mậu, tôi sửng sốt vì thấy Mậu đang nhìn trân trân lên mái nhà, nước mắt ứa đầy tràn loang cả hai má. Tưởng Mậu quá buồn vì những vết thương đã làm Mậu phải xa đơn vị, tôi ngồi xuống bên cạnh, nói nhỏ:

- Sẽ nhanh khỏi thôi, cậu đừng phiền lòng nhiều làm gì. Mậu gượng nâng bàn tay chỉ về phía chiếc túi mìn mo mà hàng ngày Mậu vẫn đeo bên mình, môi mấp máy: 

- Quyển sổ...

Tôi với chiếc túi, lấy quyển sổ Lệ đã tặng Mậu hôm đưa chúng tôi lên huyện tập trung. Đúng trang sổ kẹp lá thư Mậu mới nhận chiều qua là những bông hoa chè đã khô màu nâu sẫm được Mậu đính chặt vào trang giấy. Tôi rút lá thư? Ồ! Không phải thư của Lệ mà là thư của Hợi, em gái Mậu:

“Đống củi các anh và chị Lệ kiếm vẫn còn nguyên. Những hôm được nắng các nhà dỡ ra phơi rồi thu lại đậy cẩn thận. Chẳng ai nỡ đun lấy một thanh. Anh Mậu ơi! Em báo tin này anh phải dũng cảm lên nhé. Chị Lệ đã bị bom Mỹ cướp đi rồi. Hôm đó chị ấy cùng dân quân xã chiến đấu ở trận địa gần cầu Sắt. Cả xóm Miến mình thắp hương cúng chị ấy. Ai cũng buồn rầu bỏ ăn, bỏ ngủ...".

Tôi cắn chặt hai hàm răng, mắt nhòe ướt:

- Thế này là thế nào? Sao tối qua cậu bảo...

Mậu thả ra từng tiếng:

- Đêm - qua - là - đêm - mở - màn. 

Tôi đứng lặng.

Mậu nói đúng. Đêm mở màn cho một mùa vận chuyển, với những người lính đèo Ba Xê chúng tôi là tất cả.

Trời đã sáng rõ. Qua kẽ lá, những tia nắng le lói chiếu vào nhà cấp cứu.
3-1999
N.T.H
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #37 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 08:26:08 am »

TRƯỜNG SƠN NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ
PHẠM MINH LỢI
(Trích nhật ký)


19-10-1972

Trời vẫn sụt sùi mưa, lạnh và u ám.

Tại cuộc họp vào lúc 7 giờ tối ở Phòng Tuyên huấn, chúng tôi được thông báo tin quan trọng: từ 0 giờ ngày 21 tháng 10 năm 1972 Mỹ sẽ ngừng ném bom miền Bắc; 1 ngày sau đó sẽ ngừng bắn ở miền Nam và một tháng sau ở Lào...

Tuy nhiên, theo lời trung tá Hoàng Nguyễn thì việc đó chỉ xảy ra "nếu không có gì thay đổi". Ông nói: Theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh thì nhiệm vụ của tuyến đường chiến lược trở nên rất gấp và nặng nề. “Trong một tuần, từ hôm nay cho đến ngày thực hiện lệnh ngừng bắn ở miền Nam, bộ đội đường Hồ Chí Minh phải vận chuyển bằng xong một khối lượng hàng cực lớn cho các hướng chiến trường”. Tất cả mọi phương tiện vận chuyển đều phải huy động tối đa kể cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường không... Hiệp định Pari được ký kết đối với cả nước là niềm vui, nhưng bộ đội đường Hồ Chí Minh nhiệm vụ sẽ vô cùng căng thẳng.

Tất cả chúng tôi lặng người, tự nhiên có cảm giác như là chiến tranh đang bước vào hồi kết thúc.

Trăng mờ: Mưa vẫn rơi rả rích ngoài rừng. Không ai ngủ được. Những người lính Trường Sơn từng chịu đựng quá nhiều bom đạn tưởng như đã ngủi thấy mùi ẩm ướt của cánh rừng già trong không khí hòa bình?

Gần sáng, trời mưa to hơn nhưng máy bay địch hoạt động nhiều ở phía Tây. Tôi biết cả tuyến đường đang căng thẳng... Hàng ngàn xe vận tải đang dồn vào Khu 4. Liệu có ngừng bắn thật không?

26-10-1972

Hơn một tuần chúng tôi đợi chờ và mừng... hụt. Ai cũng như phản xạ nhanh hơn để tránh bom cho khỏi phải chết trước lúc hòa bình. Nhưng lẽ ra những sự kiện quan trọng đã nói trên phải được giải quyết vào ngày 21-10-1972 (gồm việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, ngừng bắn ở miền Nam và thành lập Hội đồng hòa giải dân tộc...). Do sự tráo trở của Mỹ, những văn kiện đó đã không được ký kết. 

Trưa ngày 26 tháng 10 đài Hà Nội truyền đi bản Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nêu rõ sự tráo trở của Mỹ, vin cớ "còn một vài khó khăn ở Sài Gòn"... Bản Tuyên bố kêu gọi quân và dân ta đẩy mạnh cuộc chiến đấu.

Dư luận trong bộ đội Trường Sơn: Nhiều người cho rằng ta phải đánh thêm trong nhiệm kỳ ba năm làm tổng thống nữa của Ních-xơn. Một số ít hy vọng hạn cuối (ngày 31-10-1972) việc ký kết Hiệp định hoà bình sẽ trở thành hiện thực. Chúng tôi hiểu Mỹ phải ký hay không cũng còn do sức mạnh của con đường Hồ Chí Minh lịch sử...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #38 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 08:26:59 am »

1-11-1972

Trưởng Ban biên tập báo "Trường Sơn" Lục Văn Thao cổ quấn khăn dù vừa ho sù sụ vừa "ra lệnh" cho tôi và họa sĩ Hoàng Tài Vị làm cuộc hành quân "Xuyên Đông Dương" theo Tiểu đoàn vận tải 101...

Chiếc xe Gát-69 chạy ban ngày, ngụy trang nhìn như một lùm cây di động. Xe vượt qua trọng điểm địch vừa ném bom. Mùi bom lân tinh tanh lợm và khét lẹt, vài chiến sĩ đang cấp cứu thương binh...

Đường vào Tiểu đoàn 101 là một dòng suối được rừng già che kín đến mức sẫm tối dưới trời mưa. Những xe Zin 157, Hồng Hà đi nhận hàng về lội ùng ục theo dòng suối đục ngầu. Lán chỉ huy mù mịt khói vì ngọn đèn "mazut ống bơ". Trợ lý tiểu đoàn đang nài nỉ xin cấp thêm xăng, qua điện thoại, giọng anh the thé như con gái, liên tục đệm những câu "cơ mà" "thế ạ" trong chuỗi ngôn ngữ thỉnh cầu:

- Cơ mà, báo cáo đồng chí 100 lít không đủ đâu ạ? Lần trước dự trữ những 600, chuyến này cấp 100 thì chỉ một phần sáu thôi ạ... vâng, vâng, cơ mà...

Ngoài suối xe đi lại ầm ầm, những chiếc Zin 157 còn khá mới chạy phăm phăm. Tiểu đoàn dồn xăng cho số lớn xe chạy trước. Tôi chọn chiếc Zin chở 4 tấn thuốc nổ, trèo lên ca-bin. Ông bạn lái xe lè lưỡi: "Sao ông chọn xe chở của độc thế này?".

- Yên trí, tôi cùng ông chia sẻ với nhau; nói dại lỡ có làm sao chắc ta chả kịp biết đau đớn là gì?

Chúng tôi cùng cười mà không thành tiếng.

Họa sĩ Hoàng Tài Vị ngồi xe sau, chở đạn B40. Đoàn xe xuất phát khi đêm xuống. Đèn gầm mờ quá, tôi nhìn con đường trước mũi xe một lát mắt đã cay xè giàn giụa. Thương anh em lái xe biết bao? Có lẽ khi về già (nếu còn sống) tất cả các anh sẽ bị mắc bệnh quáng gà. Cái đèn nhỏ xíu đã thụt trong gầm xe lại còn phải trát thêm bùn để tránh khí tài quan sát ban đêm cực kỳ hiện đại của không quân địch...

2-11-1972

Ban chỉ huy tiểu đoàn 101 trú quân dã chiến ven một dòng suối hẹp. Con suối hoang sơ bỗng chốc bị đoàn xe sục nát, nước đục ngầu và đầy váng dầu. Điện thoại réo liên tục. Chính trị viên phó Giảng nhắc các "xê" giấu xe thật cẩn thận và phải cắt người canh gác: "Này, các ông cử người gác thật nghiêm mật. Xe đẩy chất nổ, nhỡ dân công hỏa tuyến mò vào xem, thuốc lào, thuốc lá thì bỏ bố". 

Họa sĩ Vị cứ loay hoay với mấy cuộn giấy to. Cậu ta còn khệ nệ ôm cả mấy tập tranh "Đường ra tiền tuyến", nói là để quẳng cho mấy trạm ba-ri-e ở tuyến trong. Mực nho của Hoàng Tài Vị đổ ra áo lót đen ngòm, thối khăm khẳm mùi keo da trâu.

Hai máy điện thoại réo như phát rồ. Một chiếc gào trong nội bộ, chiếc kia báo cáo với trung đoàn và Bộ tư lệnh ... ấy vậy mà có lúc Giảng vẫn đùa được với tổng đài “Sông hương":

- Thế nào, trên đó có "em” không? Tên ai là Lan vậy? Ồ có nữ thì đã việc gì "Giường chật thì phải nằm kề, chân tay co lại động hề gì em". Thế ra tổng đài mà không có nữ thật à?...

Máy bên kia một cán bộ nói với cấp' trên:

- Dạ, xin khất đến 8 giờ tối, chúng em bận quá chưa tổng hợp được ạ!

Dưới suối xe của C3 đi lấy hàng, va quệt vào cây, đá sầm sầm. Buổi chiều đã tắt nắng trên các vạt rừng. Giữa không khí ồn ào căng thẳng mà cái đài Liđô trên võng vỏng ra một giọng nữ thẻ thọt như đọc truyện đêm khuya.

Đêm nay cả đoàn nằm lại chờ xăng. Tiểu đoàn trưởng Tuất không ngủ được, ôm khư khư cái máy điện thoại để đợi lệnh trung đoàn. Ngọn đèn ác quy vàng như ngái ngủ. Ngày mai dứt khoát đoàn xe phải chạy mà 2 cái xe téc xăng sa sẩy ở đâu vẫn chưa vào...

Một loạt tiếng nổ khiến rừng rung lên bần bật. Anh em lái xe báo cáo máy bay địch rải bom bi xuống tuyến đường. Toàn bộ khu giấu xe như nín thở.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #39 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 08:44:14 am »

3-11-1972

Tham mưu trượng Đôn cao gầy, ho khàn cả tiếng, nói với anh hùng Đỗ Xuân Chiến: "Lực lượng xe phải đi hết sức phân tán. Đài 15W đặt trên xe đì đầu. Đến nơi nghỉ cán bộ canh gác cho anh em lái xe ngủ, nếu có máy bay thì báo động. Nhớ giấu xe theo đội hình zích zắc?".

Trong bữa cơm không đào đâu ra chiếc thìa, cậu liên lạc múc cơm ra bát bằng cái chén uống trà đã sứt quai.

Tiểu đoàn phó Đỗ Xuân Chiến hàm râu rậm tua túa như gai quả dẻ.

Tiểu đoàn trưởng Tuất xăng xái tới lui như không biết đến từ "ngồi", đôi ủng lúc nào cũng ọt ọt dưới chân.

Buổi sáng trời đột nhiên lóe nắng, gió rừng lao xao, tuy nhiên khí hậu cuối thu vẫn lành lạnh. Tham mưu trưởng Đôn và tiểu đoàn trưởng Tuất mỗi người một máy điện thoại, sợ ồn, hai người ngoảnh ra hai phía.

Tham mưu trưởng Đôn:

- Thế nào? Hai cái téc xăng chưa lên à? ối giời ôi, nhỡ kế hoạch to rồi!

Tiểu đoàn trưởng Tuất: 

- Xê 2 đâu? Thông hả? Dồn xăng gọn cho 2B đi trước. Téc còn lâu mới lên! Tháo xăng trong xe ra, dồn cho 2B đi trước, nhớ chưa? hướng đông thiếu đạn là tớ và cậu mất đầu, nhớ chưa?...

4-11-1972

Đại đội 2 chuẩn bị lên đường. 

Khu trú quân của họ vốn là dãy lều tạm đã bỏ không của một đơn vị dân công hỏa tuyến. Sáng nay xe chở xăng đến. Trời chuyển gió mùa đông bắc nên cung đường mưa rét và lầy lội. Các chiến sĩ lái xe ra bãi chuẩn bị tiếp xăng, sương mù luồn vào các hẻm rừng đặc đến nỗi không nhìn rõ mặt nhau, chỉ nghe tiếng chặt lá ngụy trang, tiếng hát, tiếng gọi nhau í ới.

Trung đội trưởng Trung đội 1 có cái tên gọi "đau cả mồm": ông Quải! Quải kể chuyện năm ngoái nhân dịp công tác ra Bắc được ghé thăm nhà. Trận lụt giữa năm 1971 to quá, phải thuê thuyền về Nam Sách (Hải Dương) hết sạch tiền, khi đi đành xin tiền vợ, nhục quá!

Mấy cậu y tá, nuôi quân nô vật nhau kêu oai oái như con gái. Chiến sĩ lái ra khỏi xe, vai đeo ba lô, tay cầm cuốc xẻng chuẩn bị chống lầy. Những con chão chuộc trong khe đá kêu uộc uộc. Bi đông chạm vào bát sắt lanh canh. Mưa rơi nặng hơn, ràn rạt trên mái lán. Mấy phái viên của Bộ tư lệnh cũng ra xe, lủng lẳng điếu cày bên cạnh ba lô. Đài Hà Nội tiếng Kim Liên đang hát chầu văn. Anh nuôi dặn lái xe:

- Mày đi kiếm lấy cái dũng sĩ nhé?

- Ừ! tao đi đây?

- Mày ở lại à?

- Ở lại là thế nào, Mỹ sắp thua rồi!

Những bộ quân phục bê bết dầu trộn bùn đất đi qua lán chỉ huy đại đội. Một chiến sĩ hát to: "Ta đi trước hàng quân, tiến về giải phóng quê hương, tiến về...".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM