Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:18:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Trường Sơn  (Đọc 92653 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #90 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 08:17:02 am »

Ban chỉ huy Tiểu đoàn và thủ trưởng các đại đội đã được triệu tập. Trạm trưởng trịnh trọng thông báo:

- Đơn vị ta hành quân từ miền Bắc, đến giờ phút này là một đơn vị đã đi xa, đi lâu và đương nhiên phải chịu nhiều gian khổ ác liệt, trên có lệnh cho chúng tôi phải bố trí để các anh tạm dừng chân ăn Tết 3 ngày...

Mới nghe đến đây, cậu liên lạc ngồi gần đang dỏng tai hóng chuyện bất thình lình nhảy cẫng, tung mũ tai bèo lên cao rồi hét toáng "Anh em ơi, Tết, Tết. Được nghỉ 3 ngày ăn Tết...".

Bao cặp mắt sáng lên mừng vui ra mặt, nhưng cứ ngỡ ngàng chưa một lúc tin ngay vào tai mình. Tôi buột miệng: .

- Ồ đã đến Tết rồi à. Tụi tôi đang quá mệt, lại được nghỉ những 3 ngày!

- Vâng - xòe tay ra, Trạm trưởng bấm từng đốt - hôm nay 29, mai 30, thêm mồng một, mồng hai, sáng mồng ba ta lại lên đường.

Như đoán ra sự nóng ruột, dò hỏi, Trạm trưởng nói rành rọt:

- Tý nữa, ta chịu khó đi tiếp, đường núi khấp khểnh rất khó đi, lại tối. Tới chỗ trú quân chắc các anh còn nắm lại tình hình, chuẩn bị chỗ ăn chỗ ngủ, săn sóc anh em ốm... sáng sớm mai, đơn vị cho người vào Trạm dắt về một con bò, kịp chuẩn bị cho chiều 30 liên hoan cũng như lấy hàng Tết: có cari Ấn Độ, chè từ cao nguyên Lâm Đồng, rượu mùi, thuốc lá, bánh kẹo... có thứ gửi từ miền Bắc. Dưa hành thì không nhưng bánh chưng thì có chút ít trạm gói nên cũng nhom nhem...

Chợt nhớ hồi đánh Điện Biên Phủ năm xưa, khi hỏi chiến dịch liệu có đánh thắng nổi không, chiến sĩ bảo không nếu thiếu thuốc lào, tôi vội hỏi: 

- Thế còn món "quốc hồn, quốc túy"?

- À tý nữa quên. Anh hỏi món thuốc lào chứ gì. Có kha khá đấy, đúng là không thể thiếu. Lại cả giấy hồng điều cho vài câu đối tết...

Cán bộ ngồi nghe cứ xuýt xoa hoài kèm theo những tiếng vỗ tay. Trạm trưởng lại tiếp tục:

- Nhưng đề nghị cần lưu ý thêm vài điểm: chỗ trú quân của đơn vị phần lớn phải ở trong hang hốc mà địch thì đánh phá liên miên. Phải vừa ăn Tết, vừa chuẩn bị chiến đấu, không loại trừ các loại biệt kích. Cẩn thận vấn đề bí mật, đi lại, phơi phóng, đêm che kín lửa, ngày không để khói. Đặc biệt chú ý sức khỏe anh em, ăn uống, vui chơi, phòng bệnh đột biến bài học kinh nghiệm quân đi dài ngày mà nghỉ luôn mấy hôm là dễ chùng sức, ốm, ai bị nặng phải nghĩ đến chuyện đưa đi cấp cứu ngay, nhất là với sốt rét ác tính... Cũng nhân dịp Tết, chiều mai 30, Ban chỉ huy Trạm chúng tôi mời cả 4 đồng chí trong Ban chỉ huy đoàn vào Trạm liên hoan mừng năm mới, có rượu Uýt ky từ cửa khẩu Cam-pu-chia chuyển tới. Thôi chúc sức khỏe các đồng chí...

Thế rồi tất cả khẩn trương, nhộn nhịp, vào ra tất tưởi ai vào việc nấy. Vui như Tết mà lại?

Trước hết, chuẩn bị chiều 30 và dón Giao thừa...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #91 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 08:18:12 am »

*
*   *

Trong chiếc động rộng, sâu, nhấp nhô thạch nhũ, vẫn giữ vẻ huyền bí hoang sơ như của bao ngàn năm về trước, cơ quan Tiểu đoàn bộ và Đại biểu các đại đội lên chúc Tết đã tập trung đông đủ.

Vách hang dán đôi câu đối viết vội. Mấy chiếc đèn pin được tháo tạm miếng giấy mầu bịt kín trổ bằng đầu tăm thay nhau phát ra những quầng sáng chiếu ngược lòng hang, soi vào những chiếc mặt bàn mới ghép bằng cành cây, nứa bương khấp khểnh, bên trên để chiếc đài Oriôngtông chạy pin nặng như đá tảng, cùng mấy chai rượu, bánh kẹo, trà, thuốc, vài ba thứ hoa quả do anh em cất công, lặn lội vào rừng sâu hái về. Có mấy tiếng chép miệng, thở dài thườn thượt, tôi hỏi, mấy cậu tranh nhau trả lời: 

- Thủ trưởng ạ! Mấy nải chuối rừng vàng ươm kia kìa, đẹp mắt làm sao, đã lâu lâu.. Thèm ơi là thèm mà không ăn được.

Rượu óng ánh vài ba thứ mầu đựng trong các chai phản chiếu lên các vách hang lồi lõm, mờ ảo, được rót đều vào bát sắt, ca làm bằng ống pháo sáng đủ các loại.

Tôi tuyên bố lý do, mọi người chúc Tết rồi anh em rôm rả chuyện trò, gợi nhớ lại những hình ảnh đậm đà hương vị Tết ở những vùng quê mà lúc này đây đang ở chân trời xa tít tắp. Mọi người vui, trân trọng với những phút giây đấm ấm, những thoáng ưu tư trầm ngâm, nghèn nghẹn đâu đó.

Ánh sáng bất động mờ mờ rọi vào những bộ mặt rắn rỏi khác nhau:  một số anh em mặt bừng đỏ nổi rõ sự gầy guộc, những gò má ngày nào tròn trặn là thế, nay nhô cao, hốc hác, người có nước da xanh mét hơn ngày thường đượm màu sốt rét. Mỗi người mỗi vẻ. Tôi nhìn, ngắm để tìm thêm những gì đó khắc sâu vào ký ức.

Trên đường ra trận, những gương mặt thân quen, dăm tháng luyện quân chuẩn bị, dăm tháng cùng nằm gai nếm mật trên đường. Đa số trẻ măng từ hai quân khu tập trung lại trình độ cấp 2, cấp 3, một số là sinh viên, phải tạm gác bút nghiên theo việc kiếm cung. Một cuộc chiến tranh, mấy cuộc trường chinh, những thế hệ lên đường, xa nhà, xa quê, dấn bước vào cuộc chiến đấu lịch sử vì những gì thiêng liêng còn hơn cả chính mình. Những gì đó có thể gọi thành tên được không? Chắc cùng giờ phút, nếu còn ở hậu phương, trong số này thế nào chả có một cậu đang làm nũng...

Đang suy ngẫm miên man, bỗng tôi giật mình, đứt đoạn. Một tiếng nói như quát, mấy tiếng ồn ào trao đi đổi lại:

- Đề nghị thơ thơ, hát hát, có thưởng có phạt.

- Ừ hay đấy. Nhưng thưởng, phạt thế nào?

- Ai có thơ mà vừa dở dở lại hay hay, hay nhiều hơn dở, được chấp nhận, được thưởng một chén rượu, được chỉ định người khác, còn ngược lại thì... cũng phạt rượu!

- Cậu này khéo lại say rồi, nói năng... Thế ai mở đầu, cậu nhé!

- Được thôi, sẵn sàng!
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #92 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 08:19:54 am »

Rồi cậu liên lạc vênh mặt, hát luôn bài "Quê em miền Trung du, đồng quê lúa xanh rờn.. và tranh thủ giới thiệu: trưa nay lúc ta ăn cơm nắm giữa chặng, vắt đang bò lổm ngổm, thấy anh Tùng cứ cười một mình tôi hỏi tại sao, anh ấy chỉ đọc mấy câu: 

“Một tay cầm cơm
Một tay bắt vắt .
Nhai cơm Trường Sơn
Không hề nhắm mắt...”

- Không ổn rồi, cậu bé ơi - tiếng lao xao phản đối - mấy cảu đó không phải của cậu, mà có phải cũng chưa dính gì đến Tết. Phạt thôi?

- Ấy tha cho cậu ấy. Mình xin thay thế, đọc mấy câu mới làm lúc nãy, gọi là "Xuân... Trường Sơn" được không?

Tôi hắng giọng: .

Trời đất vào Xuân - Xuân chạm ngõ
Lữ thứ hành quân - Quân về đâu
Xuân về, bắc cả nhịp cầu
Đưa quân vào Trạm, hẹn nhau Giao thừa!
Dãi dầu dăm tháng nắng mưa
Bỗng đâu dừng bước đón chờ cái Xuân.
Rượu nồng cũng tạm đôi tuần
Mừng cho thắng lợi xa, gần đâu đây...


Tán thưởng lâu lâu chưa dứt, tôi còn lạ gì, lại muốn vòi vĩnh thêm đây!

Nghe ngóng tình hình, những tiếng rít liên tục, sòng sọc tanh tách quanh tôi, những đôi mắt lim dim, khoan khoái. À anh em đang phóng Bagiôka (súng chống tăng, hồi đánh Pháp bộ đội ta thường chỉ những chiếc điếu hút thuốc lào) vẫn đang có ý chờ.

Trong sâu thẳm, ký ức từ mấy mươi năm về trước hiện về, lặp lại: cũng trong chiếc hang đá tại phía bắc Điện Biên Phủ năm ấy, sau khi xong đợt II kéo pháo ra, chúng tôi đón Giao thừa giữa những tràng đại bác địch nã từ trung tâm Mường Thanh, các chiến sĩ đã ép tôi hút 2 điếu thuốc lào Vĩnh Bảo chính hiệu say đứ đừ, rồi lâng lâng thả hồn bay bổng đi mây về gió. Nhớ ra, tôi tặng luôn

"Thuốc lào... vào Xuân":
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuồng lại đào điếu lên. 
Điếu, Ai, dạo khắp trăm miền
Chớp lòe muôn cõi pháo ran nổ trời.
Mây xuân... trải khắp dặm khơi
Khơi Xuân... lấp cả khoảng trời phía xa.
Bồng bềnh, bay bổng, bay la
Lợ mơ, say, tỉnh, là ta hay mình!
Nhưng kìa,
Điếu gọi,
Hành quân!”


Anh em nổ pháo tay tán thưởng, thưởng 2 chén rượu, tôi nhận có 1, rồi giải thích lý do:

- Lúc nãy cùng mấy đồng chí trong Ban chỉ huy, thay mặt tiểu đoàn vào Trạm giao liên dự liên hoan, tôi vẫn sợ sợ cái thứ Uýt ky đến tận giờ. Là lần đầu, thấy nó nồng nồng đăng đắng, uống đến đâu như nuốt lửa đến đấy. Cũng say ghê, say gớm nhưng vẫn đủ tỉnh táo để quả quyết rằng cái thứ này, không thể bằng cái thứ "quốc lủi ngoài Bắc ta đâu? 

Những chuỗi cười, cả tiếng tặc lưỡi tiếc rẻ: giá mà, giá mà...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #93 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 08:21:07 am »

Bây giờ chỉ định ai? Đây rồi, cậu liên lạc vẫn đi theo tôi có đôi chút máu mê thơ thơ thẩn thẩn...

Giả bộ từ chối vài câu rồi cậu ta lên mặt dọa dẫm, thách ai dám họa lại đôi vần:

Trường Sơn sao lắm đá tai meo
Càng trèo càng thấm nỗi cheo leo
Tết ngã đôi lần hẳn đi đứt
Mỗi lần trời giáng - phạt gào: Meo!


Anh em cười như nắc nẻ. Tôi đã bị một đòn để nhắc với mọi người về chuyện ngủ mà đi, đến nỗi nếu không có cậu ấy ôm chặt thì hẳn đã...

Đắc chí, ranh mãnh lừ lừ nhìn quanh, cậu ta nhìn đến đâu, anh nào anh nấy giật mình thon thót. Nhưng ai kia cũng nhìn lại như có vẻ thách thức. Làm sao mà không bị chỉ định cơ chứ. Cậu trợ lý hậu cần của Tiểu đoàn lúc nãy hí hoáy ghi ghi chép chép đứng lên, liếc nhanh, nụ cười bí hiểm rồi e hèm, dõng dạc:

Có một con bò, thế mới gay
Làm món gì đây cứ loay hoay,
Cẩn thận, ông cho 3 ngày Tết
Để thần tháo dạ, nó... ra tay ! Hay...


Cả vòm hang vang lên tiếng đấm thùm thụp, la ó, huyên náo ầm ỹ, cả tiếng van xin.

Cứ râm ran nhứ thế, đợi Giao thừa!

Bỗng đột ngột, những tiếng kêu nóng quá, rét quá, cả tiếng gọi Mẹ... nối tiếp, lay động màn đêm đen, xen giữa những đợt gió rừng xào xạc, lách qua những cọng lá đọng sương, truyền lan trong không gian im ắng

Mấy đại đội hấp tấp lên báo cáo: một số anh em đang cơn sốt nặng, vật vã, có người đã hôn mê. Chúng tôi bàn bạc, cân nhắc từng trường hợp rồi quyết định cho cáng gấp để kịp đưa vào Trạm cấp cứu. Mỗi cáng phải có 3, 4 anh em đi theo trong sương lạnh, đường núi, lại sắp đến Giao thừa.

Nhưng rồi chính tôi, những dòng điện, giần giật chạy qua, khắp người sởn gai ốc ớn lạnh. Bắt đầu giở trò đây, không biết sẽ là sốt rét thường hay ác tính, nếu là ác tính...

Tôi dặn anh em cứ vui đón Giao thừa, còn mình vào sâu trong hang, gieo mình nằm vật xuống. Mọi thứ chao đảo ngả nghiêng. Tôi dần chìm sâu vào mê man, trở lại con đường thiên lý... Con đường ấy - ven bờ sông Gianh lịch sử, địch đánh trúng đội hình, mấy chục anh em đã đổ máu nằm lại; bao người bị sa vực, rắn cắn, cây đè, rồi những cơn sốt ác liệt, những chiếc cáng... để không còn tiếp tục cùng đi; những dáng hình tạc vào vách núi, những dấu chân trên dãy Trường Sơn tiếng quân đi rậm rịch ngày đêm để lại phía sau hàng trăm núi, ngàn suối, chục sông; những buổi nắng cháy da, những cơn mưa ngập lối thác lũ chặn đường... và cũng trên con đường mòn thần kỳ ấy - một cái Tết đến, một giao thừa được đón trên đường đơn vị tiến quân vào Nam đầu 1967.

Mơ mơ màng màng, không biết lúc này trong cơn sốt đang nóng hay đang rét, có những gì đó đang ùa vào trong tôi: A phải rồi, giọng nói trang trọng, ấm áp, vang xa của Bác kính yêu, tiếng pháo nổ giòn, náo nức....
ĐT
(đại tá nghỉ hưu)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #94 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 08:21:56 am »

CA ĐẺ KHÓ CỦA CÔ THANH NIÊN XUNG PHONG TRONG HÀNG RÀO ĐIỆN TỬ MÁC NA-MA-RA
NGUYỄN TRỌNG TẤN


Đêm cuối tháng Mười, giới tuyến tạm thời xám ngắt. Dưới những bọng mây ủng nước như bụng trâu chửa. Những cơn mưa hóa chất nhằm hủy diệt mọi sự sống được "chế tạo" từ bên kia đại dương đang treo lơ lửng trên đầu những đoàn quân chi viện cho chiến trường. Chúng tôi vẫn đi trên cái bẫy được giương sẵn ấy.

Tin phương Tây loan rằng, hơn ba tháng chụm đầu trong một căn cứ tuyệt mật ở Ghen-let-li bang Mat-xơ-tru-set, cuối tháng 8 năm 1966, bốn mươi bảy bộ óc thông tuệ nhất, tiêu biểu cho cỗ máy chiến tranh Mỹ do giáo sư Phi-sơ, thuộc trường đại học Ha-oai cầm đầu đã đệ trình lên ngài Mác Na-ma-ra Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ kế hoạch xây dựng một hàng rào chống thâm nhập, một hệ thống báo động, các biện pháp do thám, các kỹ thuật làm trụi lá cây và các vũ khí hủy diệt cả một khu vực cắt ngang tuyến đường Trường Sơn nhằm chặn diệt làn sóng thâm nhập của quân chủ lực Bắc Việt vào chiến trường.

Theo mô tả của ngài Phi-sơ thì đây là một bãi tha ma, một lò sát sinh rộng từ 20 tới 40 cây số vắt từ biển Đông trùm lên vĩ tuyến 17 tới tận Sê pôn - Mường Xén trên đất Lào dài hơn một trăm cây số. Trong mảnh đất chết đó sẽ có một dải mìn sát thương rộng 5 cây số chuyên làm nát bàn chân và cụt cẳng đối phương. Một hệ thống báo động điện tử kiểm tra từng xăng-ti-mét vuông mặt đất. Một đội bay 24 giờ mỗi ngày. Mỗi tháng, hàng rào được bổ sung 20 triệu mìn "sỏi" mìn "lá" các loại. Hàng rào điện tử khủng khiếp này được mang tên ông chủ Lầu Năm Góc, ngài Bộ trưởng Quốc phòng Mác Na-ma-ra và mỗi năm nó ngốn hết 800 triệu đô la...

Chúng tôi đi hàng một cách không xa cứ điểm của đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ. Thỉnh thoảng pháo sáng từ Tân Lâm và xa hơn là Cồn Tiên, Dốc Miếu thi nhau phụt lên, tỏa ra một vùng sáng nhợt nhạt như để tự trấn an. Không gian hoàn toàn tĩnh lặng. Tôi nghe rõ hơi thở nặng nhọc của người phía sau. Không một tiếng động của loài gậm nhấm. Không cả tiếng rả rích của côn trùng. Dường như từ ngày ông "Mác" chọn nơi đây làm đất chết, giun dế cũng đã bỏ đi cả.

Đêm đêm đưa khách qua lại trên tuyến đường này, chúng tôi không có quyền lựa chọn, dù biết mỗi mét vuông trong cái "Hàng rào điện tử” này đều có thể là một cái bẫy giết người. Chập tối, trước lúc vượt qua lằn ranh, chúng tôi lặng lẽ nhìn vào mắt nhau, xiết chặt bàn tay nhau hơn. Có đứa còn ôm hôn nhau. Bởi mấy tháng nay, mỗi tốp quân vào, quân ra qua tuyến đường này anh em chúng tôi phải "nằm lại” nhiều hơn. Có khi bị mìn xé nát, lần mò nhặt được một nhúm xương thịt lẫn lộn, ôm về đóng áo quan, chia mỗi cái một ít mà chôn cất, vẽ sơ đồ, ghi dấu cho mai sau.

Vậy mà đêm ấy, cái đêm cuối tháng Mười ấy, tiểu đội đường dây chúng tôi không chỉ về đủ mà còn có một đứa con. Cả tiểu đội được gọi bằng bố. Một đứa con trai nghiêm chỉnh cất tiếng khóc rất to, vang như tiếng hát ngay trong cái hàng rào điện tử chết chóc mà giặc Mỹ dựng lên.

Oét mo-len, vị tướng 4 sao, Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam mô tả sức mạnh đánh chặn nguồn tiếp tế của Việt Cộng trên tuyến đường Trường Sơn, mà ngày ấy chúng tôi không ngờ tới: Tiến sĩ Mi-lân và các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra một thứ hóa chất lúc hòa với nước và đất thì sẽ làm cho đất nhão nhoét... Vào đầu mùa mưa họ đã dùng máy bay C130 rải hàng tấn hóa chất đó xuống một con đường hẹp ở thung lũng A Sầu...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #95 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 08:22:46 am »

Chưa hết, nền công nghệ chiến tranh khổng lồ của Hoa Kỳ còn nghĩ ra nhiều vũ khí "tai quái" khác để làm tê liệt con đường Trường Sơn tuyến giao thông huyết mạch của cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân ta: Loại máy Pi-plơ-xơ-ni-phơ có thể phát hiện được người thông qua mùi nước tiểu. Loại mìn "Ma-rắc 36 đi-xơ-trắc-tơ" sẽ phát nổ khi có người động nhẹ vào, thậm chí chỉ đi qua gần nó... Loại máy bay "Xơ-pun-ki" được cải tiến tinh xảo chuyên hoạt động trên đường mòn Hồ Chí Minh, có thể nghe được thông tin từ các máy "gián điệp", rải khắp nơi trên mặt đất…

Tiểu đội trưởng Cới khoát tay ra phía sau làm hiệu chúng tôi dừng lại, phân tán theo đội hình chiến đấu. Đằng trước chúng tôi, từ một con dốc nhỏ, ì ạch một tốp người nặng nhọc, lặng lẽ hiện dần ra cùng một cáng thương. Bên trong cái tăng trùm che mưa tiếng rên đứt đoạn, kìm nén cứ bật ra theo nhịp lắc của chiếc cáng.

- Đứng lại - Tiếng Cới đanh, dứt khoát - đơn vị nào? Tắt đèn đi, nó "ruốc" cho bỏ bu bây giờ.

- Dạ. Chúng tôi ở bên thanh niên xung phong - Một cậu chỉ tay vào cáng - Cô ấy đang đau đẻ, chúng tôi liều vượt tuyến ra bệnh xá của đoàn.

Chúng tôi ngơ ngẩn nhìn nhau. Tiếng rên quằn quại phát ra càng làm rối trí bảy thằng con trai còn đầy lông tợ trên má. Chỉ có Cới lớn hơn chúng tôi vài tuổi. Cới người Thái Bình, trước lúc nhập ngũ đã kịp lấy vợ, có một con trai. Phải cái Cới rất nóng tính, lúc cuống lên càng hay văng tục. Mà cái dân Thái Bình lạ thế, những từ nơi khác cho là tục tĩu thì Cới bảo quê anh ta không cho là tục. Lúc này Cới là người giàu kinh nghiệm nhất trong chuyện chửa đẻ của đàn bà.

- Chúng tôi lo quá. Đường phía ngoài có dễ đi không anh. Cô ấy đau từ trưa, chúng tôi sợ...

Cới nhằng cái hạt sáng đèn pin chỉ còn như hòn bi vào mặt người vừa nói, hỏi:

- Cậu là thế nào với cô ta?

- Dạ, em là...

- Mẹ khỉ! Không nhịn thêm được vài năm nữa à. Đau kiểu này thì chỉ có nước đẻ ngay ở đây chứ đi đâu nữa. Mẹ khỉ, toàn một lũ đực dựa.

Cả lũ chúng tôi đứng chôn chân nghe Cới chửi. Hắn ta lật mảnh tăng, soi đèn vào cáng rồi nhổ nước miếng, giọng đầy nghiêm trọng:

- Vỡ mẹ nó "ối" rồi đây này. Hai thằng, có thằng nào là y tá không?

- Dạ, em là y tá nhưng chưa đỡ đẻ bao giờ ạ.

- Mẹ khỉ. Thì ai đỡ bao giờ. Bông băng, dao kéo có không?

- Có ạ

- Thôi đành vậy. Đưa cô ta vào lùm cây kia. Tất cả bỏ tăng võng áo mưa ra. Chặt cây làm lán. Che cho kín kẻo nó "ruốc" cho mất chỗ đội nón. Còn mấy anh kia lại đây tìm cách đun vài hăng gô nước sôi, nhanh lên...

Có lần tôi đã nghe Cới bảo: “vợ tớ đẻ thằng cu tí lúc tớ mới hai mươi tuổi. Cô ấy la hét to quá. Tớ sợ ướt hết cả lưng áo, cứ ghé mắt chỗ khe vách trạm xá nhìn. Bà cụ tớ chửi toáng lên, đuổi ra. Lúc lâu thấy im im, tớ lò mò vào, thì ra cô nàng đẻ xong rồi. Nhìn thấy tớ hắn ta toét miệng cười. Tớ mới ghé tai hỏi "đau bụng gì mà sáu, bảy tiếng đồng hồ, chắc lại giả vờ". Hắn mách bà cụ. Cụ lại chửi tớ trận nữa rồi giảng giải nào đau bụng đẻ phải qua mấy bước từ lâm râm, quằn quại, rồi mới đến vỡ ối... những cái ma cái tội gì đó nữa, nghe khiếp lắm. Lại bảo có người vợ đẻ khó, kêu la mãi cạn cả hơi, chồng phải trèo qua nóc nhà, lội qua ao hoặc vác vồ, đóng cọc chuồng lợn cho vợ dễ đẻ..:.”

Tôi chả tin những chuyện đó nhưng trong hoàn cảnh này thì không ai là người giỏi hơn Cới. Chẳng gì thì hắn cũng đã có vợ, có con, hắn bảo gì chúng tôi đều răm rắp làm theo.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #96 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 08:23:46 am »

Một cái ổ đẻ bằng tăng, võng trải cạnh bếp. Những cặp lồng nước sôi, ca nhôm pha sữa... đã sẵn sàng. Chúng tôi đứng đờ cả ra nhìn Cới. Hắn quát:

- Bây giờ ra ngoài hết. Bốn cậu làm nhiệm vụ cảnh giới, còn tất cả quay lưng lại, cấm nhòm. Chỉ tôi với y tá ở trong này.

Tất cả chúng tôi lục đục kéo nhau đi ra. Thằng Huệ lẩm bẩm:

- Lão Cới khôn bỏ mẹ.

“Armed Forces Journal” - Tờ tạp chí của Lục quân Mỹ mô tả sức mạnh hủy diệt của "chiến trường điện tử" trong cuộc chiến đấu giành quyền kiểm soát đường mòn Hồ Chí Minh: Nhũng gì xảy ra ở đây hôm nay có thể tác động đến tương lai của mỗi người mặc áo lính ở mỗi nước trên thế giới, chiến tranh đã trở thành chiến tranh điện tử.

Ủy ban quân lực Thượng viện đã có những buổi điều trần... một biên bản đã qua kiểm duyệt được đưa ra công khai và lần đầu tiên thế giới được biết đến cuộc chiến tranh bí mật nhất này là mọi thời đại...

Khái niệm về cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh là chọn các "yết hầu” hoặc các giao lộ đánh phá với mật độ cực lớn, làm cho giao thông tê liệt rồi rải các loại mìn phá hủy phương tiện, mìn sát thương và hệ thống máy "gián điệp” để theo dõi...

"Đội quân viễn chinh" ấy đang hiện diện chung quanh chúng tôi, được tác giả bài báo là George Weiss mô tả một cách đầy hào hứng:

MAAPM, mìn sát thương trên diện rộng. Hình tròn, có rãnh, "lên cò" tự động.

M36, bom chùm cháy. Mỗi bom mẹ chứa 182 bom con. M36 là tử thần của các loại xe,.. bãi xe và kho tàng.

BLU.31 mìn; 705 bảng, chui sâu xuống lòng đất, tự động nổ tung khi có xe cộ đi qua.

PAVE PATH, nặng tới 2.500 bảng, thả bằng dù, khi nổ phát quang 4 -5.000 mét vuông cây rừng.

MK36... GRAVEL... CBU.24... CBU.49, bom dẫn bằng la de. Bom dẫn bằng điện quang EO. Mìn Gơ-ra-xơ Hô-pơ (con châu chấu)...

Các loại máy cảm ứng: Xơ-pai-kơ-boi, Ơ-kao-boi, Ach-đu-xit, At-xit... những cái tai bí mật nghe được cả tiếng "thở dài" nén trong lồng ngực đối phương. Mỗi tháng "chiến trường điện tử" còn được rải bổ sung hàng chục triệu mìn lá và bom sát thương đra-gơn-tut (răng rồng) có sức ép rất lớn, phá nát bàn chân người và bất cứ sinh vật nào dại dột bước vào mảnh đất ấy...

Có lẽ chưa một trận đánh nào, một sự chờ đợi nào, ngay cả lúc nằm giữa hai đợt bom B52 làm chúng tôi sốt ruột, thấp thỏm như lúc này. Cơn đau đẻ của cô gái trồi lên, sụt xuống cùng với tiếng la xé ruột:

- Nó ra, anh gì ơi nó ra... đấy, chỗ này này. Em chết mất.

Chồng cô gái nhấp nhổm, loi choi cố thò mặt vào bên trong lán. Tiếng Cới quát rất tục. Cái giọng lại thủng thẳng ông cụ non, nghe tức anh ách:

- Ra đ... đâu mà ra. Ông đứng đây, mắt mù à mà không biết. Gào cho lắm vào lấy cứt hơi mà đẻ!

Cứ thế, cả tiểu đội lính trẻ chưa một lần biết thế nào là yêu đương tháp thỏm, trồi sụt cùng cơn đau bụng của cô trong cái bãi mìn của hàng rào điện tử. Phải đến gần nửa đêm trong tiếng mưa rơi não nề, một tiếng trẻ bỗng vỡ tóa ra trong cái tĩnh lặng rợn người của chiến địa. Chúng tôi không ai bảo ai cùng ùa vào lán. Cới cuộn cái sinh vật bé nhỏ, đỏ hỏn trong lượt áo bông lính miệng ngoác ra:

- Thắng rồi Con trai nghiêm nhé.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #97 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 08:24:40 am »

Cả tiểu đội chúng tôi, bố thằng bé và hai anh chàng cáng thương bên thanh niên xung phong ngây người đứng nhìn. Dường như lúc này tôi chỉ còn nghe thấy tiếng thằng bé khóc mà như cười, ào ã, vang dội át cả tiếng mưa, cùng tiếng gầm gào của tụi máy bay địch không ngừng quần đảo như thằng mù trên vòm trời ẩm thếch. Vẫn tiếng Cới quay về phía ông bố trẻ đương dở cười dở mếu:

- Này, lại mà bế con chứ. Tội cậu là to lắm đấy biết chửa? ông mãnh?

Bây giờ mới để ý đến cái “ổ đẻ", mặt đứa nào đứa ấy đỏ rần vì xấu hổ và toát mồ hôi nghĩ đến cái cách đỡ đẻ rất chi là "đấu vật" của ông Cới.

Thu xếp cho mẹ con cô Lẻ nằm êm trong góc lán, chúng tôi cùng dốc ba lô xem còn gì. Vài phong lương khô, ít bột trứng trộn đường, gói pôlivitamin, mấy thanh kẹo lạc ăn dở... thành bữa liên hoan mừng cu Thắng ra đời. Mẹ cu Thắng nước mắt lưng tròng xin bác Cới đặt tên cho cháu là Thắng như tiếng reo đấu tiên của bác. Và cả bảy thằng lính hoi chúng tôi đều được coi là bố đỡ đầu.

Hung hăng, bạo miệng thế mà lúc này Cớ; lúng túng vụng về đến tội nghiệp. Anh chàng mặt đỏ như gà chọi, ấp a ấp úng, mãi mới nói như đôi lời chúc mừng cu Thắng, thơm lên trán nó rồi chuyền cho chúng tôi. Miệng Cới lẩm bẩm:

- Mẹ khỉ, bà "xề" tớ ở nhà mà biết chuyện này thì chỉ có nước ôm manh chiếu ra hè ngủ.

*
*   *
 

Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, nhiều tờ báo phương Tây mới dần công khai nói tới thất bại của hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra cũng như "cuộc chiến tranh điện tử" của Mỹ nhằm cắt đứt hoạt động của đường mòn Hồ Chí Minh. Ông Van Gây-tơ, một học giả người Pháp đã viết rất hay trong cuốn “Đường mòn. Hồ Chí Minh”:

"Cắt đứt con đường mòn Hồ Chí Minh? Khó lòng thực hiện nổi. Mãi đến nay người ta mới đánh giá như vậy. Cũng còn một số ít người tưởng rằng phá hủy được con đường này là hết chiến tranh. Những người Việt Nanh và những người Mỹ có óc thực tiễn đều hiểu rõ rằng khắp nơi ở Đông Dương, người Bắc Việt Nam và Việt Cộng, những bậc thầy trong nghệ thuật chiến tranh du kích có những nơi cất giấu vũ khí đạn dược đầy đủ để tiếp tục cuộc chiến này trong thiều tháng, ngay cả nhiều năm nữa nếu ngay ngày mai đây không còn có gì trên con đường mòn Hồ Chí Minh nữa...”

Không ai có thể làm ngừng bánh xe lịch sử, ngăn chặn làn sóng của những huyền thoại. Những câu chuyện đã sống, đã được thi vị hóa mà người ta thường kể lại cho nhau nghe khi trú quân buổi chiều, sau một ngày căng thẳng ở tiền tuyến mà ở đó thần chết đã mười lần sờ mó vào người anh rồi ...

Ngày mai các anh ấy lại đi trên con đường ra tiền tuyến, con đường đã trở thành một biểu tượng của độc lập

Nhưng tôi dám chắc rằng ông Van Gây-tơ không biết đến chuyện giữa hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra, mảnh đất đã được cả nền công nghiệp chiến tranh Mỹ gài cái chết vào từng xăng-xi-mét vuông ấy, đêm 27 tháng 10 năm 1961, một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong của tuyến đường Trường.Sơn đã thực hiện một ca sinh nở bình thường trọn vẹn. Điều đó có được coi là một huyền thoại chăng. Một kỳ tích đầy chất thơ chăng.
NTT

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #98 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:06:10 pm »

NGÀY MAI CON ĐƯA BỐ VỀ THĂM MẸ
TRẦN NHƯƠNG


Chưa bao giờ họa sĩ Lương ngồi trước giá vẽ lại có cảm giác kỳ lạ như lần này, ông thấy trong lòng xốn xang, bứt rứt và có cái gì nghẹn ứ trong vòm ngực. Bao nhiêu lần ông vẽ người mẫu khỏa thân, các cô gái trẻ trung, thân hình, da thịt khá hấp dẫn nhưng ông vẫn thấy người mẫu ấy như được đắp bằng thạch cao, bằng sáp. Vậy mà hôm nay cô gái ngồi kia vẫn mặc quần áo hàng ngày, kín đáo và e lệ lại khiến ông không tài nào cầm được bút. Ông châm một điếu thuốc lá, rít một hơi thật sâu hình như để trấn tĩnh lại, giống như ngày nhỏ đi đêm ông thường hát lên để đánh bạt nỗi sợ hãi của mình.

Ngồi một lúc mà vẫn không thấy ông họa sĩ bắt tay vào vẽ cô gái tỏ vẻ băn khoăn, cô liếc trộm ông rồi lại cúi xuống cậy móng tay. Họa sĩ vẫn nhìn đăm đắm vào khung toan. Màu trắng của toan phản chiếu lên khuôn mặt họa sĩ một thứ ánh sáng rất trong, rất nhẹ. Mái tóc hoa râm tưởng trắng hơn ra, các nếp nhăn trên trán tưởng hằn thêm sâu. Ông ngồi như nhập thiền, khuôn mặt khắc khổ như một vị La Hán.

Cô gái bối rối không biết nên ngồi hay đứng dậy ra về. Cô tự trách mình sao lại nhận lời ngồi mẫu cho ông. Hình như là sự tò mò vì cô chưa biết họa sĩ họ làm việc thế nào và cũng thích hình ảnh mình hiện lên tranh vẽ.

- Bác ơi, gần đến giờ cháu phải nấu cơm trưa rồi ạ.

Họa sĩ Lương bối rối:

- Mấy giờ rồi? Ờ mà đã 10 giờ rồi kia à ... Xin lỗi cháu bác đang nghĩ ngợi xem thể hiện thế nào.

Ông bóp tuýp sơn đỏ rồi chấm bút mà ông không hề để ý đó là màu gì, ông đưa một đường cong tua trên mặt toan theo dáng ngồi của cô gái. Màu đỏ chói lên trên nền toan trắng như lửa, lại như một dòng máu ngoằn ngoèo đang chảy. Tay ông cầm bút vẽ mắt nheo lại nhìn cô gái, trong lòng mung lung, bất định. Ông nhận ra gương mặt cô gái một nét gì thân quen hình như lâu lắm bây giờ . mới gặp lại...

Cô người mẫu ấy tên là Dung. Cô mới đến ở bên nhà bà Hoa làm "Ô Sin". Từ ngày dân Nam ta được xem cái phim của đất Phù Tang ấy thì những người làm công việc vặt trong nhà, những người lao động dọn dẹp đều gọi là "Ô Sin". Thậm chí có bà vợ phật lòng với chồng ngày nào cũng rượu bia tít mít để mình bà cơm nước, giặt giũ cũng tự nhận mình là "Ô Sin". Lại còn các nhà hàng, tiệm ăn cái phòng không có bàn ghế gì cả, thực khách ngồi xệp xuống sàn cũng gọi là phòng "Ô Sin".

Dung là người cùng làng với bà Hoa, ở quê cũng chẳng có việc gì làm, gia đình hoàn cảnh khó khăn nên bà Hoa nhờ ra đây giúp việc. Cô gái ra Hà Nội sau một tháng thành ra một người khác hẳn: Trắng trẻo, xinh xắn ăn mặc tươm tất và đặc biệt từ thân hình trẻ trung của cô như phát sáng, như rực rỡ sau bộ y phục xuềnh xoàng. Tạo hóa đã cho cô một vóc dáng cân đối đến các nhà nhân trắc học, các vị giám khảo thi hoa hậu cũng thèm khát. Cô vừa có nét kiêu sa, đài các vừa có nét mộc mạc chân quê.

Họa sĩ Lương nhìn thấy Dung đôi ba lần khi cô đi chợ, ông đã phát hiện đó là một người đẹp và ao ước vẽ cô. Cái gương mặt thanh tú đượm buồn của Dung đã khiến ông lục tìm trong trí nhớ, hình như giống ai mà ông đã gặp. Ông háo hức muốn vẽ Dung đến nỗi ông không muốn vẽ gì nữa. Hàng ngày ông đến ngồi trước giá vẽ nhưng đường nét và màu sắc như vô hồn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #99 vào lúc: 09 Tháng Ba, 2010, 06:07:01 pm »

Họa sĩ Lương đã ngoại ngũ tuần còn trẻ trung gì mà phải lòng phải mề. Ông không phải loại người phong tình, mặc dù ông vẫn có quyền ấy, ông là người tự do. Từ ngày giải ngũ về ông chỉ sống một mình, hình như sự yêu đương với ông là thứ đồ cổ, là chuyện cổ tích. Hay nói như kiểu văn chương tiền chiến thì ông đã tắt lửa lòng.

Hồi ra quân Lương mới 40 tuổi, gia đình, bạn bè mối mai nhiều đám nhưng anh dửng dưng, chối phắt. Đến nỗi mọi người xì xầm ông hết khả năng đàn ông, hay bị chất độc màu da cam gì đó mà sợ đàn bà. Lâu rồi mọi người cũng chẳng ai nhắc đến chuyện Lương lấy vợ.

Chiến tranh vẫn để cho ông nguyên lành là người đàn ông, chỉ có tuổi xuân thì đã qua đi. Cái khoảnh khắc hạnh phúc ở Trường Sơn năm nào như một thần linh khiến ông không muốn rời bỏ. Hình như ông muốn làm việc thật nhiều để bù lại những ngày chiến tranh. Ông lao vào vẽ, đam mê cũng ở đấy, sự nghiệp cũng ở đấy, ông mang những ký họa thời chiến tranh ra dựng thành tranh với đủ các chất liệu.

Căn hộ hơn 30 mét vuông một phòng là phòng khách, một phòng vừa ngủ vừa là xưởng vẽ của ông. Một mình một bóng chỉ quẩn quanh với toan, với màu, ông sợ sự huyên náo, xô bồ và khách khứa tốn thời gian vô ích. Thi thoảng bạn bè cũng đến thăm hoặc khách mua tranh nhưng cũng đều chóng vánh. Hàng tuần có một người cháu đến dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo cho ông rồi ra về không bao giờ ngủ lại.

Ông chỉ ra khỏi nhà để xuống hàng cơm bụi đầu phố. Thi thoảng đi xem triển lãm, đi thăm bạn bè. Dân phố nơi ông ở đều coi trọng ông và có phần ngần ngại tiếp xúc. Mọi nghĩa vụ với dân phố ông đều làm đầy đủ từ việc vệ sinh, họp hành hoặc đóng góp các khoản nào ủng hộ đồng bào bão lụt, quỹ an ninh, quỹ xóa đói giảm nghèo...

Trong thời buổi kinh tế mở người ta đang đua nhau mở ra để thu lợi nhuận: Chả thế mà hê-rô-in vào cả học dường, gái mại dâm ngay sau bàn tiệc. Người ta mặc cả sắp xếp chỗ đứng, chỗ ngồi, từng vị trí đều có giá của nó, giống như nhà mặt phố lớn giá cao, nhà trong ngõ giá thấp. Vì có nhiều người cần tiền nên có người dùng tiền công quỹ để mua chức vị, học vị mua tín nhiệm, mua lòng nhân từ thế là thành người tốt, người nổi tiếng, người có khả năng. Ôi cái đồng tiền mỏng manh kia, ngươi có sức mạnh kỳ lạ xuyên thủng tất cả thành trì, tất cả những luật khe khắt nhất, ngươi khuynh đảo cả thế giới.

Vậy mà họa sĩ Trần Lương vẫn như một cái bóng âm thầm làm việc, âm thầm sống trong căn hộ ở một khu nhà chung cư giữa thành phố thời mở cửa, ông như một người từ thời tiền sử còn lại. Người ta mở thì ông đóng, ông sống với những ký ức, với sự đam mê nghệ thuật và với cả tâm trạng chạy trốn, ẩn dật trước cuộc sống xô bồ bây giờ.

Cũng là may mắn, một hôm họa sĩ Lương ngỏ ý với bà Hoa:

- Tôi muốn nhờ cháu Dung ngồi mẫu vẽ bức tranh, bà cho phép không ạ?

- Được bác cứ bảo cháu nếu nó thuận lòng. Hàng ngày cháu chợ búa cơm nước xong cũng còn thời gian rảnh rỗi. Tôi chỉ ngại cháu quê mùa chả hiểu nghệ thuật, nghệ thiếc gì ... 

- Bà đừng ngại tôi chỉ vẽ chân dung thôi mà.

- Vâng tôi hiểu bác và tin bác. Dung ơi?

Dung xuất hiện. Họa sĩ Lương nhìn Dung trong khuôn cửa tưởng là bức tranh đã vẽ xong lồng vào khung đang treo trên tường nhà, ông bị hút hồn vào gương mặt thánh thiện rờ rỡ của cô gái.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM