Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:01:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Trường Sơn  (Đọc 92811 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #130 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 02:44:13 pm »

KHI NÀNG H'LINH TỎA SÁNG
ĐẶNG HƯƠNG
(Nguyên Đại tá, Phó tư lệnh Binh đoàn 12.)


Đrây Hlinh là tên của một con thác nằm trên dòng chảy của sông Sê Rê Pốc, cách thị xã Buôn Ma Thuột tỉnh Đắc Lắc không đầy 15 ki-lô-mét theo đường chim bay. Thác, tiếng dân tộc là Đrây, còn Hlinh là tên một cô gái. Chuyện con thác mang tên nàng Hlinh là cả một thiên tình sử mà ai đến vùng này đều có thể được nghe bà con kể lại với lòng thương cảm vô hạn cho số phận nàng Hlinh vô cùng xinh đẹp nhưng trắc trở đường tình duyên đến nỗi phải gieo mình xuống dòng thác tự vẫn.

Tuy Đrây Hlinh cách Buôn Ma Thuột chẳng bao xa nhưng từ bao đời nay vẫn hoang vắng giữa Tây Nguyên bạt ngàn cây cỏ có lẽ vì đây là một ổ dịch bệnh sốt rét nguy hiểm được ghi trong sổ đỏ của ngành y, hơn nữa khí hậu lại khắc nghiệt, nhất là vào các tháng 4, 5, 10 và 11 là thời kỳ chuyển mùa khô, mưa.

Sê Rê Pốc là một con sông lớn của Tây Nguyên, rất hiền hòa với vẻ đẹp hoang dã, thơ mộng về mùa khô, nhưng lại tỏ ra cực kỳ hoang dã và bất kham khi mưa ngàn đổ xuống. Bà con quanh vùng Đrây Hlinh đã kể cho chúng tôi nghe về những tai họa khủng khiếp mà sông Sê Rê Pốc đã gây ra với những bản làng ở hạ lưu con thác trong những năm có mưa to, lũ lớn.

Qua nhiều tài liệu của các chế độ cũ để lại, người ta đã từng nghiên cứu, khảo sát và đánh giá cao tiềm năng thủy điện của dòng Sê Rê Pốc và trước năm 1945 người Pháp đã cho xây một thủy điện nhỏ có công suất 480KW trên bờ phải thác Đrây Hlinh còn hoạt động khá tốt cho tới ngày thủy điện Đrây Hlinh ra đời.

Ai cũng biết tỉnh Đắc Lắc có tiềm năng to lớn về phát triển cây công nghiệp mà trước hết là cây cà phê được Cộng hòa dân chủ Đức quan tâm muốn đầu tư liên doanh sản xuất, chế biến vào những năm 80. Trong khi đó nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh Đắc Lắc chỉ trông vào các máy phát điện chạy bằng động cơ điezen giá thành rất cao mà cũng không đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trước yêu cầu thực tế và nguyện vọng tha thiết của bà con các dân tộc Đắc Lắc, Nhà nước đã giao cho Bộ Năng lượng nghiên cứu một dự án thủy điện trên sông Sê Rê Pốc. Qua khảo sát thực địa đoàn cán bộ kỹ thuật của Công ty khảo sát thiết kế điện I do kỹ sư, Phó giám đốc Công ty Đặng Thị Hợp dẫn đầu đã quyết định chọn Đrây Hlinh để lập dự án xây dựng một nhà máy thủy điện với công suất là 12.000KW.

Đối với hôm nay con số 12.000KW có thể là quá khiêm tốn, nhưng với tình hình lúc đó khi ta phải dựa vào vốn vay của Cộng hòa dân chủ Đức với nhiều ràng buộc cả về thiết bị, kỹ thuật cùng nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác thì khó có thể đòi hỏi cao hơn. Một điều khác cũng cần ghi nhớ, đây là công trình đầu tay của Công ty khảo sát, thiết kế điện I nên đã gặp không ít khó khăn trong cả quá trình khảo sát, thiết kế và thi công.

Dù là một công trình không lớn nhưng ở vào một vị trí không thuận lợi cả về mặt tổ chức thi công cũng như bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống nên khi đã có quyết định của Chính phủ giao cho tỉnh Đắc Lắc và Bộ Năng lượng triển khai công trình thì các đồng chí có trách nhiệm của địa phương và Bộ chủ quản liền nghĩ ngay đến Sư đoàn 470 đang đóng quân trên địa bàn Buôn Ma Thuột, vốn là một đơn vị đã gắn bó với Đắc Lắc từ chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân năm 1975 và đã đứng vững trên địa bàn cao nguyên bằng nhiều công trình cầu đường có giá trị.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #131 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 02:44:49 pm »

Thế là những cuộc gặp gỡ giữa Sư đoàn 470 và địa phương đã diễn ra. Sư đoàn trưởng Hoàng Văn Thám, một lão tướng của bộ đội Trưởng Sơn từ những ngày đầu mở đường Hồ Chí Minh, lúc đó đã sớm nhận thức được trách nhiệm của đơn vị với Tây Nguyên, Đắc Lắc nên chủ động đề nghị Tư lệnh Binh đoàn cho nhận nhiệm vụ thi công thủy điện Đrây Hlinh. Và ngày 7-3-1984 Chính phủ đã ra quyết định giao cho Binh đoàn 12 mà trực tiếp là Sư 470 làm nhiệm vụ tổng B xây dựng, đồng thời Bộ Năng lượng cũng giao nhiệm vụ lắp máy cho Công ty xây lắp điện 4 với tư cách là B phụ cho Sư đoàn 470.

Từ ngàn xưa dòng Sê Rê Pốc vẫn tràn qua Đrây Hlinh trên một diện rộng mênh mông đến 480 mét giữa bạt ngàn rừng khộp, đặc trưng của Tây Nguyên khô, nóng, bỗng náo động lên dưới bàn chân của những chiến sĩ công binh đã một thời mở đường giải phóng Buôn Ma Thuột. Doanh trại dã chiến nhanh chóng mọc lên. Xe máy ùn ùn kéo về; đủ loại đủ kiểu, của nhiều nước khác nhau: Liên Xô, Ba Lan, Đức, Tiệp, Rumani rồi Mỹ, Nhật, v.v...

Ngày 30-4-1984, đúng ngày kỷ niệm 9 năm giải phóng miền Nam, trung đoàn 4 công binh Anh hùng trong đội hình Sư đoàn 470 Anh hùng đã làm lễ khởi công với khí thế những người lính của một trung đoàn từng đánh địch mà đi, mở đường mà tiến ngang dọc Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Bà con, nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột và các bản quanh vùng ngày đó đã nườm nượp đổ về với cồng chiêng, trang phục lộng lẫy, hoan hô cổ vũ bộ đội ra quân, đem nguồn điện về cho Đrây Linh.

Thế là một cuộc trường chinh mới đi xây dựng thủy điện đã thực sự bắt đầu với những chiến binh vốn chỉ quen mở đường và đánh giặc, chưa hề được học qua những điều sơ đẳng về kỹ thuật thi công thủy điện.

Rồi muôn vàn khó khăn từ mọi phía dồn về. Xe, máy tưởng nhiều hóa ra vẫn thiếu vì không phù hợp tính năng kỹ thuật để xây dựng công trình thủy điện, ví như việc đổ bê tông nếu ta có thiết bị phun đẩy bê tông lên cao thì có thể tránh được hiện tượng bê tông bị phân tầng gây rỗ phải xử lý khắc phục vừa tốn thời gian, vừa lãng phí nguyên, vật liệu.

Rồi công tác bảo đảm vật tư cũng nhiêu khê lắm chuyện. Vì là thời bao cấp mọi thứ vật tư đều phải có chỉ tiêu Nhà nước, lại phải qua nhiều khâu mới lấy được từ các kho mà Bộ Vật tư chủ yếu dặt ở miền Bắc, sau đó phải vận chuyển bằng ô tô qua hàng ngàn ki-lô-mét mới đến chân công trình. Đã thế sắt thép yêu cầu nhiều chủng loại, nhiều kích cỡ lại phải cung ứng đúng thời gian, có khi sắt thép vừa chở vào đến nơi, thiết kế thay đổi, thế là công cốc.

Việc bảo đảm xi măng cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt, công ty cung ứng của Bộ Vật tư khẳng định xi măng mác 500 còn chất lượng, vào. đến chân công trình đổ mẫu đưa đi xét nghiệm lại không đạt yêu cầu thế là điện báo cáo ra Hà Nội xin đưa lô khác vào ngay.

Nhưng đâu chỉ có chuyện xe máy, vật tư còn bao nhiêu chuyện đau đầu khác nữa. Từ khâu tổ chức chỉ huy, chỉ đạo kỹ thuật áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đến việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người lao động, lúc nào, nhìn vào đâu cũng thấy có vấn dề phải giải quyết. Rồi còn chuyện hợp đồng với B phụ để đảm bảo tiến độ công trình. Tiếng là công trình trọng điểm nhưng ở xa tít mù khơi nên chẳng được ưu tiên, ưu đãi gì. Nhưng anh em có ý kiến rồi cuối cùng cũng được Nhà nước giải quyết cho một số chế độ giúp cho đời sống bộ đội khá hơn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #132 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 02:45:40 pm »

Sáu mùa khô, sáu mùa mưa của Tây Nguyên cũng qua đi. Mặc cho cái nắng đến cháy da, cháy thịt, mặc cho cái mưa đến thối đất, thối trời, cả Sư đoàn 470 mà nòng cốt là Trung đoàn 4 đã kiên trì bám trụ Đrây Hlinh, đã vượt qua nhiều khó khăn tưởng không khắc phục nổi, đã phải đổ cả máu để lần lượt hoàn thành 13 hạng mục xây lắp chính và trên 20 hạng mục xây lắp khác cùng B phụ là công ty xây lắp diện 4 của Bộ Năng lượng từng bước đưa nhà máy vào hoạt dộng. Và những cái mốc đáng nhớ của công trình đã dần dần xuất hiện.

- Ngày 28 tháng 10 năm 1989: tổ máy số 1 phát điện lên lưới thử nghiệm và chính thức đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 5-12-1989.

- Ngày 17-12-1989 lấn sông đợt 1. Và sông Sê Rê Pốc được bắt đầu lấp từ 8 giờ 50 phút ngày 5-2-1990, kết thúc hàn khẩu thắng lợi lúc 22 giờ 30 phút cùng ngày, nối thông hai bờ.

- Ngày 19-5-1990 phát điện tổ máy số 2.

- Ngày 25-10-1990 phát điện tổ máy số 3.

Hơn 2.000 ngày đã trôi qua. Suốt thời gian đó cả chỉ huy và cơ quan Binh đoàn cũng như nhiều đơn vị trong Binh đoàn đã thường xuyên quan tâm, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho Đrây Hlinh. Trung tá, kỹ sư Đỗ Đức Dương, một chuyên gia kỹ thuật có hạng của binh đoàn đã từng lăn lộn trên nhiều công trình mở đường và vượt sông suốt thời đánh Mỹ trên Trường Sơn được tư lệnh chốt chặt ở công trường từ ngày khởi công đến lễ bàn giao công trình.

Sư đoàn 565 lúc bấy giờ đang tham gia thi công thủy điện Hòa Bình, khi có lệnh đã đưa cả người và máy vào chi viện cho Đrây Hlinh không tính toán thiệt hơn. Trung đoàn 532, Trung đoàn 17, những đơn vị cung ứng vật tư đã ngược, xuôi vào Nam ra Bắc khai thác hàng chục ngàn tấn xi măng, sắt thép, thuốc nổ và nhiều loại vật tư khác phục vụ cho công trình, đảm bảo cả chất lượng, quy cách và tiến độ thời gian.

Một bộ máy từ trung ương đến địa phương đã hoạt động tận tình cho sự ra đời của thủy điện Đrây Hlinh. Từ đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến đồng chí Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, rồi đồng chí Lê Danh, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch Nhà nước và nhiều nhân vật cao cấp khác của Trung ương đã có mặt ngay tại hiện trường vừa kiểm tra công trình vừa giải quyết những vướng mắc cản trở tiến độ thi công.

Một điều không thể quên là Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắc Lắc đã có những đóng góp to lớn cho thắng lợi của công trình. Những ai đã từng có mặt trên công trường trong những ngày nước sôi, lửa bỏng không thể không xúc động trước tấm lòng và tình thương của từng đoàn đại biểu già, trẻ, gái, trai các dân tộc trong tỉnh Đắc Lắc đến thăm và úy lạo bộ đội, công nhân đang lao động ngày đêm vì dòng điện Đrây Hlinh.

Với tư cách Tổng B, Sư đoàn 470 thường xuyên nhận được sự hỗ trợ chí tình về mọi mặt của các cơ quan tỉnh, của Ban quản lý công trình. Tôi cứ nhớ mãi cái không khí ấm cúng, chân tình nhưng không kém phần long trọng của buổi lễ bàn giao xây dựng công trình thủy điện Đrây Hlinh giữa Sư đoàn 470 và Sở Điện lực Đắc Lắc ngay tại hiện trường vào ngày 28 tháng 12 năm 1990. Bữa đó đồng chí A Ma Púi, Chủ tịch tỉnh, người con của các dân tộc Tây Nguyên, đã ôm chặt đồng chí Lê Xuân Bá, đại tá, Sư đoàn trưởng 470 trong niềm vui khôn tả của bà con các dân tộc Đắc Lắc khi thấy nàng Hlinh đã tỏa sáng, đem nguồn điện về phục vụ sản xuất và đời sống của một vùng cao nguyên.

Đường vào thủy điện Đrây Hlinh bây giờ dễ đi lắm. Nếu bạn đến thị xã Buôn Ma Thuột chả cần ai hướng dẫn cứ việc đi theo quốc lộ 14 xuôi phương nam đến cầu Sê Rê Pốc, còn gọi là cầu 14, rẽ phải theo đường nhựa đi 7 ki-lô-mét nữa là đến Đrây Hlinh. Vào đây bạn sẽ dược chiêm ngưỡng một bức tranh phong cảnh tuyệt vời: giữa mênh mông mây - nước là con đập tràn gắn kết đôi bờ Sê Rê Pốc.

Nép bên bờ phải của đập là nhà máy thủy điện gọn gàng, xinh xắn đang cần mẫn ngày đêm cung cấp một phần điện năng đáng kể cho thị xã Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắc Lắc nói chung. Xa xa bên bờ trái dập là những cánh rừng bạt ngàn của cao nguyên. Chỉ xin bạn cố gắng dành chút thời gian ghé thăm nơi nghĩa trang nhỏ nằm ở phía ngoài nhà máy để thắp nén hương tưởng nhớ những chiến sĩ và công nhân đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ và vĩnh viễn nằm lại với Đrây Hlinh.
ĐH
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #133 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 02:46:48 pm »

LÍNH TRƯỜNG SƠN VỚI DÒNG ĐIỆN SÔNG ĐÀ
HOÀNG ĐỨC NHUẬN


Trong buổi họp mặt anh em Viết kỷ niệm sâu sắc về bộ đội Trường Sơn, khi thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn, Tổng giám đốc Tổng công ty nhắc đến quá trình ra đời và trưởng thành của bộ đội Trường Sơn, có một sư đoàn dã tham gia xây dựng thủy điện sông Đà. Tôi như bừng tỉnh nhớ lại những ngày đã đến đây với người lính xây dựng công trình thủy điện. 

Thế là tôi lên sông Đà với ý định tìm gặp những người đã từng lao động ở đây.

Đại tá kỹ sư Lương Gia Vĩnh, giám đốc Công ty xây dựng 565, đại tá Hoàng Minh Thảo - Phó giám đốc - Bí thư Đảng ủy công ty đã đón tôi chân tình. Tôi, anh Thảo, anh Vĩnh đã nhận ra nhau ngay. Tôi giở lại từng trang bút ký trong cuốn sổ đã sờn mép, đọc cho các anh nghe những gì tôi đã ghi chép ý kiến của các anh và những điều tôi đã thu lượm trong dịp về công tác ở sư đoàn cách đây 11 năm.

*
*   *

Đó là những ngày cuối tháng 1-1988, tôi và anh Phan Văn Toàn (nay anh đang làm việc ở đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An), chúng tôi là học viên báo chí về công tác ở Sư đoàn 565, đơn vị làm nhiệm vụ ở công trường thủy điện sông Đà.

Công trình thủy điện sông Đà khởi công ngày 6-11-1979, tháng 12-1980 Sư đoàn 565 đã có một lực lượng tham gia xây dựng gồm Trung đoàn 14, Trung đoàn 39, 3 tiểu đoàn, 4 đại đội trực thuộc sư đoàn. Quân số ngày đầu sư đoàn có mặt trên công trường là 3.500 người.

Ngày ấy, chúng tôi đến sư đoàn với sự háo hức khát khao khám phá. tìm hiểu những sự kiện, những con người đang lao động trên công trường. Nguồn cảm hứng say sưa đó được nhân lên bội phần từ không khí lao động khẩn trương, quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn, của tất cả những người lao động tại đây.

Ngày 29-1-1988, anh Hoàng Minh Thảo, lúc đó là trung tá chủ nhiệm chính trị sư đoàn, làm việc với anh em chúng tôi. Anh thông báo một tin vui: "Sư đoàn vừa được thưởng hoàn thành vượt mức kế hoạch đầu năm. Năng suất lao động tăng 15 - 30%. Chất lượng lao động bảo đảm tốt. Các đơn vị hạ quyết tâm giữ vững tiến độ thi công để khoảng giữa tháng 2-1988 hoàn thành kế hoạch quý 1 năm 1988.

Chúng tôi được biết quá trình sư đoàn lao động ở sông Đà: Tháng 12-1980 đến tháng 6-1981 làm các công trình phụ trợ, đường công nghiệp, làm nhà ở, sân bãi, nhà kho, xưởng cưa .

Tháng 6-1981: Đội xe Ben-la được thành lập tham gia vào nhiệm vụ ngăn sông Đà.

Năm 1982 sư đoàn bắt đầu làm nhiệm vụ khoan đường hầm và đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được sư đoàn tập trung chỉ đạo. 

Năm 1985 sư đoàn có một lực lượng làm hầm xả lũ số 1 số 2. Trong đợt thi công ngăn sông Đà đợt 2 ngày 9-1-1986, Trung đoàn 39 lập kỷ lục 51 mét/tháng, chỉ tiêu lao động làm nổi danh công trường. .

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #134 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 02:47:42 pm »

Tôi vẫn nhớ rõ, khi xuống Trung đoàn 14 đơn vị Anh hùng, anh Lương Gia Vĩnh lúc ấy là thiếu tá; phó trung đoàn trưởng đã gặp gỡ, tiếp xúc với chúng tôi. Trong bộ quần áo bảo hộ lao động, chân đi ủng, đầu mang mũ bảo hiểm lao động. Anh Vĩnh hồ hởi thông báo: "Nhiệm vụ khoan đào hầm của trung đoàn đến nay đã được thực hiện tốt. Những bỡ ngỡ ban đầu đã qua. Chúng tôi phấn đấu đạt được những kỷ lục lao động...". Anh Vĩnh cười, giọng sảng khoái:

- Trăm nghe không bằng một thấy. Mời các anh xuống tận nơi, vào tận đường hầm, các anh sẽ hiểu thêm. 

Anh Vĩnh đưa chúng tôi vào đường hầm thông gió trong lòng cao độ 30. Đây là đường hầm đang được Trung đoàn 14 thi công. Đi khoảng 300m trong đường hầm mới đến được hầm hành lang cửa van (gọi là hầm điều áp).

Anh Vĩnh giới thiệu tôi với thiếu úy Trương Minh Ngọc, phó đại đội trưởng Đại đội 6. Ngọc là chiến sĩ thi đua nhiều năm của đơn vị, ạnh là người đã góp phần vào tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi công bằng các máy khoan MK4, MK5 và máy khoan CBV2K hoàn thành toàn bộ khối lượng khoan hạ nền hầm điều áp 7.646m3 về trước thời hạn trong năm là 3 ngày. Trong tháng ra quân đầu năm nay, Đại đội 6 lập nên một thành tích mới là hoàn thành việc hạ nền hầm hành lang cửa van, khoan đào 1.485m3 đạt 117% chỉ tiêu.

Chúng tôi đi vào đường hầm hành lang cửa van dưới ánh điện vàng khè nhợt nhạt. Đường hầm tranh tối tranh sáng. Khoảng giữa ánh sáng điện là khoảng tối sẫm đặc, đi trong đoạn hầm lầy lụt bùn đất, tôi hỏi anh Vĩnh: 

- Trong hầm đá, sao có bùn lầy lội?

- Đấy là bụi đá trộn lẫn nước đường ống dẫn khoan đấy

Quan sát thành hầm, tôi nhận ra những khoảng hầm chưa được gia cố. Những lỗ hổng to, nhỏ đã tạo nên vết tối sẫm trên thành hầm, vệt tối đen bí hiểm như sẵn sàng đổ ập xuống đầu người hàng khối đất đá. Vẫn có tiếng đá rơi, lúc thì sàn sạt từ thành hầm, lúc thì ầm ào từ nóc hầm. Tiếng đá rơi trong hầm, tiếng bước chân người đi trong hầm nghe cũng khác hẳn trên mặt đất. âm thanh đó đùng đục, nặng nề lại ong ong đập thẳng vào màng nhĩ, làm chói tai, vừa gằn gắt, vừa u u đau nhức.

Tôi cảm thấy sống lưng ớn lạnh, gai người khi nhìn đá rơi. Một ý nghĩ chạy vụt: "Tảng đá to nặng thế kia, nếu chẳng may rơi đúng vào người thì thương vong là cái chắc". Thế mà bước chân anh Vĩnh cứ săn sắn không chút nào lo lắng, sợ hãi. Phải chăng sự khắc nghiệt trong đường hầm đã rèn luyện bản lĩnh cho người lính, cho những thợ khoan phá đường hầm ở đây.

Vào cuối đường hầm, tiếng máy khoan réo ầm ầm chói tai. choáng óc. Tai tôi ù đặc, không khí ngột ngạt khó thở. Tôi phải tự trấn tĩnh vì bên cạnh mình còn có anh Vĩnh đang đi cùng và nhiều chiến sĩ đang làm việc. Máy khoan SBV2K do hạ sĩ Nguyễn Văn Chiến và hạ sĩ phạm Văn Sỹ đang được điều khiển hoạt động nhịp nhàng. Mũi khoan xoáy vào lòng núi rít lên từng chặp.

Chúng tôi vào sâu một đoạn hầm nữa, anh Vĩnh quay sang phía chúng tôi, tôi phải thật chú ý để nghe rõ tiếng: “đường hầm cụt đang ở độ dài 257 mét. Giếng này sâu 50 mét thông xuống hầm máy". Anh chỉ tay xuống một đường hầm thẳng đứng, ở dưới ấy đang dội lên tiếng rít của máy khoan.

Hôm nay, xe ô tô dừng lại trước sân nhà chỉ huy điều hành của nhà máy thủy điện sông Đà, tôi hỏi anh Vĩnh:

- Này anh, cái cao độ 123 ở đâu nhỉ?

Anh Vĩnh chỉ tay:

- Đấy là đập nước của thủy điện.

Ôi! Cái đập nước to lớn lừng lững như một dãy núi phẳng, chính nơi đó đã có những ngày chứng kiến chiến tích lao động của Trung đoàn 14 và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 565.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #135 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 02:48:30 pm »

Những ngày làm việc ở sư đoàn. tôi còn nhớ khi đến Tiểu đoàn 391. Đồng chí Lê Công Tiến, phó tiểu đoàn trưởng đã đưa chúng tôi lên chốt của tiểu đoàn. Anh giải thích cho chúng tôi biết:

- Được sư đoàn đồng ý, tiểu đoàn chúng tôi bố trí một trung đội ở gần hầm B6 để anh em có mặt thi công liên tục 24/24 giờ. Tại vị trí đó chúng tôi gọi là chốt.

- Đơn vị nào đang ở đây? - Tôi bỏi..

- Trung dội 3, Đại đội 9 Anh hùng. - Anh Tiến trả lời.

Con đường lên chốt hẹp, chênh vênh trên đỉnh núi. Mưa xuân lắc rắc, rây bột đọng lấp lánh trên lá, trên cành những bụi sim, bụi lau lách. Đường đi có đoạn dốc dựng đứng, nhẵn lỳ, trơn tuột như láng mỡ. vuốt mồ hôi ướt nhòe cùng mưa bụi, tôi nói:

- Có con đường nào khác nữa chứ! Hay là anh thử sức chúng tôi phải không anh Tiến?

Tiến cười thoải mái, anh khoát tay một vòng rộng:

- Nếu đi đường kia thì quá xa, phải vòng qua hai điểm cao mới tới được. Tôi muốn chúng ta đi đường tắt.

Trong lúc chúng tôi loay hoay bám vào bụi lau, gờ đá để dò dẫm leo lên dốc thì anh Tiến cứ từng bước, đĩnh đạc. Anh còn chậm rãi nói:

- Hàng ngày chúng tôi lên xuống ít nhất bốn lần, chưa kể những chuyện đột xuất thì phải leo lên, tụt xuống nhiều lần. Cứ vậy lâu rồi cũng thành quen anh ạ.

Chốt đây rồi. Một dãy nhà chìm khuất trong mưa bụi bám chênh vênh trên một sườn đồi. Nhà ẩn hiện trong mưa. Ngôi nhà tuy đơn sơ nhưng mọi thứ có vẻ chắc chắn. Trong nhà có 30 chiếc giường cá nhân được kê đặt ngay ngắn, thẳng hàng. Những chiếc chăn ở đầu giường được xếp đặt vuông vức thẳng tắp. Tôi thầm nghĩ: Ngay tại cửa hầm mà nơi ở của người lính thợ vẫn giữ được vẻ gọn gàng, ngăn nắp, đúng với nếp sống chính quy.

Thảo nào, khí đến các đại đội tôi đều thấy trên bảng tin, bên cạnh những dòng thông báo kết quả lao động hàng ngày, còn có một nội dung chấm điểm thi đua về điều lệnh nội vụ và tác phong rèn luyện kỷ luật. Sự gắn chặt việc rèn luyện kỷ luật với chất lượng lao động có tác động không nhỏ đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trong toàn sư đoàn. Đây cũng chính là phẩm chất riêng của người lính, dù là lao động vẫn rèn luyện kỷ luật quân đội.

Chốt của Tiểu đoàn 391 cách hầm B6 khoảng 30 mét, đón chúng tôi ở cửa hầm là tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Cường. Anh vui vẻ:

- Biết tin các anh tới đơn vị, nhưng công việc bận quá tôi không về đơn vị gặp các anh được. Thôi thì chúng ta gặp nhau tại đây càng lý thú phải không các anh.

Đại úy Nguyễn Văn Cường có 21 năm trong quân đội. Trong thời gian tại công trường, anh có nhiều biện pháp để chỉ huy đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ. Ý thức trách nhiệm, lo lắng và tận tụy trong công việc của anh có tác dụng thuyết phục cán bộ, chiến sĩ trong tiểu đoàn. Anh liên tục ba năm liền là chiến sĩ thi đua.

Quê anh ở Nam Đàn - Nghệ An. Nơi ấy, vợ anh với vài sào ruộng và ba con nhỏ - là nỗi lo canh cánh của anh. Vào những ngày cấy, ngày gặt, ngày ba tháng tám anh không giúp gì được cho vợ. Bây giờ là những ngày giáp Tết. Tết nay anh không về.

Anh Cường tâm sự với tôi:

- Tết Mậu Thìn này là tết thứ tám tôi có mặt ở công trường, nhớ vợ, nhớ con nhưng đành chịu vậy anh ạ. Ngày tết ở đây đơn vị vẫn làm việc bình thường. Tôi không nỡ xa anh em.

Tôi vấn vương một suy nghĩ: Những người lính ở đây phải chịu đựng thiếu thốn tình cảm, khác nào sự hy sinh trong chiến tranh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #136 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 02:49:28 pm »

Chúng tôi dừng lại ở đốt 3 đường hầm B6. Tôi hỏi anh Cường:

- Này! Khi làm đường hầm, có lúc nào các anh nhụt chí không?

Anh Cường tư lự:

- Chưa đến mức ấy, nhưng có lúc xuất hiện tâm lý nản lòng. Vì máy móc, thiết bị không đủ, yêu cầu kỹ thuật của lắp ghép, cốt pha lại phải bảo đảm tuyệt đối chính xác. Làm hầm B6 đốt 1 chúng tôi làm 20 ngày, chúng tôi rút kinh nghiệm phương pháp thi công nên đến đốt 3 chỉ còn 13 ngày.

Nhớ lại những ngày tôi có mặt cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 391 ở hầm B6, tôi nói với anh Thảo:

- Tôi muốn thăm lại cái chốt của Tiểu đoàn 391, thăm lại hầm B6 được không anh?

Anh Thảo cười vui, anh bảo đồng chí lái xe đưa chúng tôi vào khu vực hệ thống cửa nhận nước của nhà máy thủy điện.

Đứng trước cửa nhận nước, tôi bị ngợp trước những khối bê tông sắt thép khổng lồ, sừng sững thẳng đứng mọc lên cao vút từ độ sâu dưới mặt nước 80 mét, lên đến nơi chúng tôi đứng là 123 mét. Khu vực cửa nhận nước có 8 cửa, tổng chiều rộng khoảng 250 mét.

Anh Thảo kéo tay tôi chỉ xuống mặt nước:

- Hầm B6 là cửa nhận nước kia kìa. Mực nước hôm nay là 80 mét. Hầm B6 chìm trong lòng nước 65 mét. Ngày ấy chúng ta đi lại, làm việc ở dưới ấy vì bên ngoài đã có đê quai ngăn nước.

Tôi còn nhớ ngày công tác ở sư đoàn, tôi theo ca kíp của Trung đoàn 14 khoan đào hầm được một tuần thì thấy mệt bã người. Mỗi lần đi ca về, người tôi như nhúng nước, có thể do ảnh hưởng thời tiết mưa ẩm lạnh, một phần do nước trong đường hầm rớt xuống. Nước sung sũng trong quần áo, thấm vào da ướt dấp dính, nước ngấm vào đầu tóc ướt bết sin sít. Nước trộn lẫn bụi đất, bụi đá nên đổi màu đen nhờ nhờ. Nước hòa lẫn mồ hôi làm cho người bốc mùi nằng nặng. Nước bẩn còn dai dẳng bám, dù có mang khẩu trang hoặc bịt mặt bằng khăn, nhưng hết ca làm việc, bụi bẩn vẫn còn đọng trong mũi, mắt, lỗ tai... nước bẩn làm cho kẽ chân tay ngứa loét đỏ.

Do thời gian làm việc theo ca, kíp 24/24 giờ, tôi đã nhiều đêm chập chờn mất ngủ. Sau hơn một tuần căng thẳng, tôi gầy sọp, da mặt sạm đen. Tôi tự động viên mình: có thể do sức chịu đựng chưa quen, thời gian tôi làm việc ở đây chỉ còn hơn chục ngày nữa nên phải cố gắng chịu đựng. Nghĩ vậy, tôi càng thương, càng cảm phục những người làm việc ở công trường liên tục bao nhiêu năm nay, họ vẫn còn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi hoàn thành nhà máy thủy điện.

Quá trình làm nhiệm vụ trên công trường thủy điện sông Đà, Sư đoàn 565 đã khoan đào 18 đường hầm với tổng chiều dài 68 ki-lô-mét; xúc chuyển ra khỏi hầm 230.000M3 đất đá, đổ bê tông trong các đường hầm và công trình là 280.500m3, xây dựng 11 ki-lô-mét đường bê tông, 27.000M3 nhà ở. Các công trình do sư đoàn thi công đều đạt tiến độ và bảo đảm chất lượng tốt.

Anh Vĩnh, anh Thảo cùng chúng tôi đi một vòng nhà máy thủy điện Hòa Bình, đến khu vực nào chúng tôi cũng được biết các công trình xây dựng đều có sự tham gia của sư đoàn. Anh Vĩnh nói với tôi: "Bất cứ lúc nào cũng mường tượng ra những người lao động ở công trường. Tôi nhớ rõ từng điểm thi công của Trung đoàn 14. Hôm tôi cùng một số cán bộ đang kiểm tra đường hầm BV7 thì một hòn đá rơi trúng chân, bắp chân tôi sưng to chật cả ống quần, đau, sốt hàng tuần, may mà không gãy chân".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #137 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2010, 02:50:02 pm »

Tôi nhớ lại ý kiến của đại tá, kỹ sư, Anh hùng lực lượng vũ trạng Nguyễn Bá Tòng, Phó tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy Tổng cộng ty: "Năm 1989, Sư đoàn 565 được tuyên dương đơn vị anh hùng lao động, trong các thành tích đặc biệt có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình suốt 12 năm. Sư đoàn đã thực hiện các nhiệm vụ ở nơi khó khăn phức tạp nhất, đã góp phần quyết định việc hoàn thành tiến độ các hạng mục quan trọng của toàn công trường. Sư đoàn đã khẳng định khả năng của người lính Trường Sơn, không những đánh giặc giỏi mà lao động cũng giỏi; đã tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong nhiệm vụ tham gia xây dựng đất nước".

Đi thăm công trình thủy điện, tôi tự hỏi: ở đơn vị có anh Vĩnh, anh Thảo và một số cán bộ chiến sĩ là những người đã từng lao động ở công trường, còn những người lính khác bây giờ họ ở đâu? Nhiều người đã chuyển ngành, nghỉ hưu, phục viên, có 16 chiến sĩ trong sư đoàn hy sinh vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Và, các anh, những người còn lại ở đơn vị - đang phát huy trách nhiệm trong công tác, các anh có được một tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật, biết cách học tập để làm chủ trang bị kỹ thuật... Đấy là những phẩm chất và kinh nghiệm vận dụng từ quá trình lao động ở công trình thủy điện sông Đà

Điều suy nghĩ trong tôi là có cơ sở, anh Vĩnh kể cho tôi nghe: "Cuối năm 1998 khi Công ty 565 xây dựng cầu Lục Khẩu ở Phú Yên, trong thi công vùng chân cầu bị các mạch sủi do nước thủy triều lên, để khắc phục khó khăn đó, anh em đã vận dụng phương pháp kỹ thuật chống thấm ở sông Đà, kết hợp với cải tiến thi công vùng nước có thủy triều. Sau một tháng xử lý kỹ thuật đạt kết quả tốt, cây cầu đã hoàn thành đúng thời gian, cầu dài 40 mét, rộng 13 mét, bảo đảm chất lượng hoàn thành tốt".

Tôi hiểu thêm về những người lính Sư đoàn 565, sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thủy điện sông Đà, họ phải đứng trước sự thay đổi phương thức làm việc từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Trong lúc các công ty khác đã chuyển đổi từ năm 1985, Sư đoàn 565 đến năm 1993 mới chuyển thành Công ty xây dựng 565. Thời gian chuyển đổi quá chậm nên công ty gặp rất nhiều khó khăn, đó là vấn đề thị trường, vốn, kinh nghiệm, thương trường và đặc biệt là sự chuyển đổi cách nghĩ, cách tư duy về hạch toán kinh tế trong cung cách làm ăn mới.

Dẫu vậy - 6 năm nay - đại tá, kỹ sư Lương Gia Vĩnh, Giám đốc công ty đã khẳng định với tôi: "Từ năm 1997, Công ty tham gia đấu thầu, làm có uy tín chất lượng các công trình: Đường 5 đoạn ki-lô-mét 30 đến ki-lô-mẻt 47; đường Láng - Hòa Lạc đoạn ki-lô-mét 10 đến ki-lô-mét 12; các công trình ở khu vực thuộc các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam Ninh... Đến nay, giá trị doanh thu củaCông ty là 24 tỷ V.N.Đ trong một năm. Công ty đang thi công các công trình ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội, Hà Tây, Đà Nẵng, Bình Định, Hà Nam, Hải Dương, Phú Yên".

Anh Vĩnh trầm ngâm: "Điều lo lắng nhất của chúng tôi là vấn đề việc làm. Thị trường cạnh tranh gay gắt và phức tạp thì tìm việc làm lại càng khó. Chúng tôi đã thực hiện nghiêm sự chỉ đạo giúp đỡ của Tổng công ty; giữ mối quan hệ chặt chẽ với các chủ đầu tư, các địa phương, các cơ quan hữu quan. Đồng thời phải tìm cách xây dựng tiềm lực ngày một tăng trưởng. Công ty duy trì, bảo tồn và phát huy vốn tài sản cố định, mỗi năm đầu tư vào 2 tỷ đến 2,5 tỷ V.N.Đ".

*
*   *

Đắm suy trong hồi tưởng về những người lính Trường Sơn với công trình thủy điện Sông Đà, chúng tôi không kịp nhận biết đêm đã ập xuống tự bao giờ. Từ nhà chỉ huy công ty xây dựng 565 đến nhà máy thủy điện Hòa Bình không xa. Ngoài kia là một khoảng trời sáng của nhà máy thủy điện. Nơi ấy khắc ghi dấu ấn người lính sư đoàn. Còn ở đây - anh Vĩnh, anh Thảo và những người lính sông Đà năm trước đang tiếp bước các thế hệ của sư đoàn anh hùng - các anh còn phải lo toan, tính toán đến bộn bề công việc hôm nay và ngày mai.
Trại viết văn Binh đoàn Trường Sơn
Công ty Xây dựng 565, sông Đà
Tháng 3-1999
H.Đ.N

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #138 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2010, 05:04:22 pm »

ĐIỆN BIÊN MONG CÁC ANH VỀ
NGHIÊM THỊ HẰNG


Ao ước mãi rồi tôi cũng lên được Điện Biên, nơi chiến trường năm xưa đã trở thành huyền thoại lịch sử của dân tộc Việt Nam trong lòng thế giới. Năm 1999 này, cả nước hướng về Điện Biên với ngày lễ lịch sử trọng đại - mùng 7 tháng 5, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp. 45 năm đã qua, nơi chiến trường máu lửa năm xưa, núi rừng heo hút miền Tây Bắc đã có nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng.

Điện Biên thủ phủ của tỉnh miền núi Lai Châu cách thủ đô Hà Nội trên 480 km về phía tây bắc trập trùng rừng núi. Cha tôi một cựu chiến binh Điện Biên, vẫn tự hào kể với cháu con, con đường gian khổ năm xưa kéo pháo qua đèo Pha Đin vào trận địa. Mẹ tôi thuở ấy cũng hòa mình trong nườm nượp dân công đi tiếp lương tải đạn. Mẹ đã vượt suối, băng đèo, bằng đôi chân trần, dép lốp đi bộ hàng tháng trời, luồn rừng, vượt suối, dưới bom đạn, vòng vây kẻ thù, để đến với Điện Biên. Anh lính pháo binh và chị dân công tải đạn gặp nhau ở chiến trường, đã nói lời thương, lời nhớ, hẹn hò nhau để rồi sau chiến thắng Điện Biên nên vợ nên chồng. .

Hà Nội - Điện Biên, con đường sau kháng chiến, đường lên Tây Bắc vẫn xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng, cheo leo cùng non cao vực thẳm. Ô tô theo quốc lộ 6 cũng non già nửa tháng mới tới nơi. Mấy năm nay đường lên Tây Bắc đã được nâng cấp rải nhựa dễ đi. Với những chuyến xe du lịch xuất phát từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng thì 7 giờ tối du khách đã đến với Điện Biên. Đó là thời gian tốc hành trên xa lộ, còn qua cầu hàng không Hà Nội - Điện Biên thì chỉ sau 1 giờ bay. 

Trên chuyến bay một ngày cuối năm 1998 lên với Điện Biên, tôi đã được chiêm ngưỡng cảnh núi rừng hùng vĩ miền Tây Bắc dưới cánh bay. Suốt chuyến bay, tôi nôn nao suy nghĩ về chiến trường xưa - nơi mẹ cha tôi - những chiến sĩ Điện Biên đã góp phần làm nên chiến thắng - nơi chiến trường máu đổ đã nảy nở tình yêu - cho hôm nay tôi trở lại đất này.

Sau nửa giờ máy bay cất cánh, dưới cánh bay tôi nhận ra cao nguyên Châu Mộc với mênh mang đồi chè, đàn bò trắng nhấp nhô trên những đồng cỏ xanh ngút ngát. Một chút nữa thêm mấy phút bay - đèo Pha Đin hùng vĩ cao ngất chỉ còn như con đường nhỏ mảnh mai; theo sườn núi lên tới cổng trời. Qua đèo Pha Đin mái nhà Tây Bắc, máy bay hạ dần tốc độ, độ cao, theo bình nguyên xuống thấp. Bất ngờ giữa bốn bên núi cao rừng thẳm, hiện ra cánh đồng Mường Thanh rộng lớn và thị xã Điện Biên những dãy phố cao tầng mới xây, những nếp nhà ngói đỏ như bông hoa rực rỡ và dòng Nậm Rốm như chiếc khăn ai vắt giữa đồng. 

Xuống sân bay, anh cán bộ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lai Châu đã chờ đưa chúng tôi về nghỉ ở khách sạn Hoa Ban, một trong những khách sạn ở trung tâm thị xã. Sau một tuần mải mê với công việc chuyên môn, ngày cuối cùng đoàn chúng tôi mới có dịp đi thăm một số di tích lịch sử và công trình xây dựng ở Điện Biên.

Phượng - cô gái quê gốc ở Thái Bình, con một cựu chiến binh Điện Biên đã định cư ở đất này, trở thành hướng dẫn viên du lịch của phòng văn hóa thông tin thị xã đưa chúng tôi đi thăm Bảo tàng Điện Biên, nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Giọng xúc động Phượng kể với chúng tôi về trận ác chiến 31 ngày đêm giằng co giữa ta và địch, diễn ra trên đồi A1, hơn 2.000 chiến sĩ ta đã hy sinh và hơn 800 lính Pháp cũng đã chết, xác người rải kín ngọn đồi không một thửa đất nào không thấm máu hai bên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #139 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2010, 05:05:04 pm »

Đồi A1 là trận chiến cuối cùng của chiến dịch Điện Biên. Điện Biên lại là chiến trường lớn nhất kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam, ở đây có 3 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất cả nước, đó là nghĩa trang Độc Lập, Him Lam và A1. Trên 10 ngàn liệt sĩ hy sinh ở Điện Biên được khắc tên trên bia đá tưởng niệm ở nghĩa trang A1, nơi đây có phần mộ yên nghỉ của 600 liệt sĩ và 4 anh hùng liệt sĩ. Nghĩa trang A1 được thiết kế xây dựng hoành tráng như một công trình lịch sử văn hóa của đất nước. 

Sau khi thăm nghĩa trang A1, Độc Lập, Him Lam, sân bay Điện Biên, hầm Đờ Cát, suốt chuyến du lịch trong ngày chúng tôi lên với hồ thủy lợi Phe Luông, Hồng Sạt. Qua mỗi công trình, hướng dẫn viên du lịch đều nói với chúng tôi về lịch sử các di tích và không quên nhắc tới tên các đơn vị đã tham gia xây dựng công trình đó là cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 Trường Sơn năm xưa, nay thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12).

Đến thăm những công trình người chiến sĩ Trường Sơn xây dựng ở Điện Biên, trong tôi chợt lóe lên ý tưởng - muốn gặp các anh - bạn bè Trường Sơn một thuở, sau chiến tranh các anh trở về đây xây dựng nghĩa trang Điện Biên nơi an nghỉ ngàn thu cho các liệt sĩ đã hy sinh vì nước. Tôi muốn gặp những chiến sĩ năm xưa mở đường Hồ Chí Minh quyết thắng, giờ xây dựng nâng cấp sân bay Mường Thanh nối miền Tây Bắc xa xôi với thủ đô Hà Nội sau 1 giờ bay. Tôi muốn gặp các anh - những người đã phá núi ngăn sông xây hồ thủy lợi Phe Luông, Hồng Sạt đưa dòng nước mát về tưới cho cánh đồng màu mỡ Mường Thanh làm nên vựa thóc lớn Điện Biên.

Đi tìm các anh - ở nơi đâu? Lòng tôi bỗng xốn xang nhớ về bài hát cũ. Một thuở ở chiến trường giữa đạn bom, con gái Trường Sơn vẫn hát bài ca của nhạc sĩ Phan Nhân. Hát rằng "Anh đi tìm em, chứ em ở nơi đâu. Phải qua bao suối qua bao dòng sông sâu để anh đi tìm em. Em ở đâu, hỡi người con gái đang dãi dầu mưa nắng Trường Sơn". 

Chiến tranh kết thúc, theo câu hát ấy, đã có bao chàng trai tìm được bao cô gái Trường Sơn, dù em ở nơi đâu, để được yêu và nên vợ nên chồng, để được sống đời thường hạnh phúc khi đất nước bình yên.

Sau chiến tranh đã 1/4 thế kỷ, có ngờ đâu những người con gái Trường Sơn năm xưa - như tôi hôm nay -. vẫn đi tìm đồng đội. Đồng đội của tôi - các anh những người chiến sĩ Trường Sơn sau chiến tranh đang ở đâu? Đang làm gì?

Chuyện tình là thế, chuyện đời là thế, không hẹn mà nên, đến Điện Biên không gặp các anh, chỉ còn đây công trình để lại, lòng thêm tơ vương.

Bây giờ đến lượt em đi tìm các anh - từ Hà Nội đến Điện Biên lại xuôi về Hà Nội, các anh ở đâu, theo công trình nào. Câu hát có phép nhiệm màu, có bắc cầu cho em đến với anh?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM