Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 08:56:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Trường Sơn  (Đọc 92821 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #60 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:12:40 am »

TUYẾN ĐƯỜNG ỐNG XĂNG DẦU ĐẦU TIÊN VƯỢT TRƯỜNG SƠN
MAI TRỌNG PHƯỚC


Dưới những cánh rừng bạt ngàn của Trường Sơn luôn luôn như sôi lên, vỡ ra vì bom đạn của kẻ thù. Hàng ngàn tấn chất độc hóa học đậm đặc đã được trút xuống... tưởng như trên mặt đất này không còn sự sống. Nhưng không, dưới những cánh rừng ấy, sự sống chẳng những không mất đi mà như có phép mầu nhiệm làm cho những tuyến đường ô tô, những tuyến đường giao liên, những tuyến đường thủy và cả những tuyến đường ống sau này nữa, cứ bền bỉ dẻo dai vươn ra phía trước, đan vào nhau, quyện chặt với nhau tạo ra một mạng đường sống sinh động như mạng mạch máu của một cơ thể khỏe mạnh.

Bằng những phương tiện trinh sát hiện đại, kẻ địch cũng cảm nhận được rõ điều đó. Nhưng càng gia tăng đánh phá thì tốc độ phát triển của mạng đường sống ấy lại càng lan nhanh, thủ đoạn đối phó càng tinh vi hơn. Chính hiện thực ấy đã làm cho kẻ địch điên cuồng hơn nhưng cũng mất tỉnh táo hơn, dẫn đến phạm hết sai lầm này đến sai lẩm khác và cuối cùng phải chuốc lấy sự thất bại nhục nhã. 

Đế quốc Mỹ là kẻ chuyên sử dụng vũ khí trang bị tối tân. Chúng hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của xăng dầu trong chiến tranh hiện đại. Bởi vậy, chúng quyết tâm ngăn chặn việc vận chuyển xăng dầu của chúng ta cho tiền tuyến với âm mưu “Sẽ làm cho cả chục vạn cỗ xe, pháo của Bắc cộng trở thành đống sắt gỉ" như lời tuyên bố hợm hĩnh của một viên tướng Hoa Kỳ. Ngược lại, để bảo đảm cho những đoàn xe và thắng lợi của chiến trưởng, chúng ta sẵn sàng bằng mọi biện pháp đưa xăng dầu lên phía trước. 

Ra đời trong bối cảnh lịch sử ấy, tuyến đường ống Trường Sơn chẳng những lớn nhanh như Phù Đổng mà điều quan trọng hơn là đã kịp thời hòa nhập, gắn vào với tuyến vận tải chiến lược như một bộ phận không thể thiếu được. Ngay từ những ngày đầu và suốt trong những năm tháng gian khổ ác liệt sau này, tuyến đường ống Trường Sơn luôn luôn tự khẳng định mình vừa là một phương thức vận tải hiện đại "thích hợp", có đủ sức bảo đảm xăng dầu cho toàn tuyến hoạt động ngày một lớn mà nó còn thực sự là một động lực thúc đẩy sự phát triển về chất cho toàn tuyến vận tải chiến lược.

Nằm trong đội hình chung của tuyến vận tải, tuyến đường ống cũng phải hứng chịu tất cả những gì điên cuồng nhất của kẻ địch trút xuống. Nhưng vì tuyến đường ống phải chuyên chở một thứ hàng đặc biệt, loại chất lỏng rất dễ bị bắt lửa và khá độc, chính điều đó đã làm cho sự ác liệt trên tuyến đường ống được nhân lên gấp bội. Nhưng qua một quá trình thử thách và trưởng thành, bộ đội đường ống đã được đại gia đình tuyến vận tải chiến lược thừa nhận và gắn cho cái tên thật tự hào "Chìa khóa của mọi chìa khóa thắng lợi”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #61 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:13:23 am »

*
*   *

Trên tuyến Trường Sơn, mùa khô 1966 - 1967, vận tải cơ giới đã phát triển cao đồng thời kẻ địch cũng đánh phá ngăn chặn hết sức quyết liệt. Xăng dầu - thức ăn của cơ giới và binh khí kỹ thuật, luôn luôn là mục tiêu đánh phá hàng đầu của địch. Vận chuyển xăng phuy bằng xe tải đã tỏ ra không còn phù hợp vì năng suất vận chuyển thấp, không quản lý được số phuy nằm rải rác khắp nơi. Các xe chở xăng thường khó vượt qua các trọng điểm đánh phá của địch. Không những thế, khi xe chở xăng phuy bị đánh trúng thì khó mà cứu chữa. Chính những xe bị cháy đó đã tạo nên cái nút tắc làm cho các xe chở hàng khác không có lối thoát và khi bị cháy làm sáng cả khu vực, thế là cả đoàn xe làm mồi cho lũ quạ sắt Mỹ. Kẻ địch rất mong đánh được kiểu này vì chúng nhận được hiệu quả cao hơn. .

Đến tháng 9 năm 1966, Đoàn 559 được trang bị một đại đội xe xi-téc vận chuyển xăng dầu. Đây là cách vận chuyển xăng dầu có năng suất cao hơn. Các chiến sĩ lái xe đặc chủng này đã tranh thủ thời gian chạy lấn sáng lấn chiều, tận dụng trời mù... để vận chuyển. Nhưng do chất lượng đường xấu, qua nhiều khe suối sâu, địch lại đánh phá ác liệt nên trong một thời gian ngắn các xe bị đánh cháy và hỏng nặng, toàn tuyến lại trở về vận chuyển xăng dầu bằng phuy.

Với việc phát triển của cơ giới thì việc cung cấp xăng dầu trở thành một yêu cầu khẩn thiết, trọng yếu của công tác vận tải trên toàn tuyến 559 Có làm tốt công tác này mới hy vọng đẩy mạnh phương thức vận chuyển cơ giới phát triển. Tình hình càng căng thẳng khi Đoàn 559 có trên 2.000 xe vận tải, nhưng do thiếu xăng dầu nên chỉ sử dụng được 50 - 60% thậm chí có lúc chỉ bảo đảm đủ xăng dầu cho 20 - 30% số xe hoạt động. Đoàn 559 thiếu xăng nghiêm trọng.

Trước tình hình đó Tổng cục Hậu cẩn giao cho Đoàn Hồng Hà thuộc Cục Vận tải trong 25 ngày phải bí mật đưa bằng được 270 tấn xăng từ Ninh Giang (Hải Dương) vào Thanh Hóa giao cho Binh trạm 10 tiếp chuyển lập chân hàng cho Đoàn 559. Do nỗ lực của hậu phương, Đoàn 559 có thêm xăng dầu bảo đảm cho kể hoạch vận chuyển.

Mùa khô 1967 - 1968, nhịp độ vận chuyển trên tuyến 559 phát triển. Toàn tuyến đã vượt mọi khó khăn để hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, trong thắng lợi đó chúng ta cũng thấy được vấn đề bảo đảm xăng dầu càng trở nên khó khăn. Khó khăn đó tăng lên gấp bội kể từ khi chính quyền Giôn-xơn tuyên bố xuống thang ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra (3-1968).

Cuộc xuống thang này là một âm mưu rất thâm độc của đế quốc Mỹ. Vì một mặt chúng làm xoa dịu dư luận ở cả trong và ngoài nước, nhưng mặt khác quan trọng hơn, chúng tập trung lực lượng không quân và hải quân đánh phá với mức tối đa vào phía Nam tỉnh Nghệ An trở vào nhằm hủy diệt hậu phương trực tiếp của chiến trưởng miền Nam và khu hậu cứ của tuyến chi viện chiến lược của miền Bắc đối với miền Nam ngay từ tuyến đầu

Đường sắt bị phá hủy nặng nề. Trên các trục đường bộ, chúng đánh phá gây ra nhiều trọng điểm, liên kết các trọng điểm tạo ra hệ thống liên hoàn các "Tam giác lửa" để chặn đứng sự chi viện của miền Bắc. Với thủ đoạn này chúng đã làm cho tuyến hậu phương tắc nghẽn từng cung đoạn. Đặc biệt là gây tắc nghiêm trọng và kéo dài ở đường 12 và đường 20, hai con đường vận tải chủ yếu vượt các cửa khẩu vào tây Trường Sơn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #62 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:14:45 am »

Trước tình hình đó bộ đội vận tải với sự hỗ trợ của bộ đội công binh, phòng không đã bằng nhiều biện pháp, cả cơ giới và thô sơ, tổ chức vận chuyển xăng dầu vượt qua các khu vực đánh phá ngăn chặn của địch Đoàn 500 đã dùng 1.000 người kéo các phuy xăng ngược dòng sông Gianh trên đoạn đường dài 30 ki-lô-mét. Suốt ngày ngâm mình dưới nước, họ chỉ chuyển được 1.500 phuy. Với số lượng người đông và tốc độ vận chuyển chậm, khó tránh khỏi sự phát hiện của máy bay trinh sát của địch.

Trên đường 20, tại cửa khẩu Trà Ang (ở ki-lô-mét 12), máy bay Mỹ đánh phá dữ dội đã gây tắc nghẽn. Đảng ủy và thủ trưởng Binh trạm 14 kiên trì phương án đưa xe chở xăng phuy và các hàng thiết yếu vượt trọng điểm để kịp thời bảo đảm cho tuyến 559. Được các lực lượng của cấp trên chi viện đã khắc phục được tạm thời đoạn đường bị đánh tắc và đêm hôm ấy đã đưa được 40 xe chở xăng phuy vượt Trà Ang trót lọt.

Nhưng sau đó không còn cách nào để đưa xe chở xăng vượt qua được trọng điểm, binh trạm phải tổ chức lực lượng chuyển tải các phuy xăng ngược dòng suối Trà Ang 4 ki-lô-mét. Sáu đêm chuyển tải được hơn 30 phuy xăng thì hy sinh mất 29 đồng chí. Cái giá phải trả quá đau xót. Binh trạm phải tìm cách khác để giảm thương vong.

Ở cửa khẩu trên đường 12, địch trút hàng ngàn quả bom xuống từ ngã ba Khe Ve đến La Trọng. Đất đá từ đỉnh núi đổ xuống gặp nước tạo thành một đoạn bùn lầy trên đường 12 dài hàng ki-lô-mét. Không chuyển tải được, binh trạm có sáng kiến làm đường ống bằng các cây bương và ống cao su ghép nối lại, từ trên đỉnh núi đưa xuống tránh được trọng điểm. Trong 2 tháng cũng đã chuyển được 150 tấn vào phía trong. Nhưng cuối cùng vẫn phải cho xăng vào túi ni lông để gùi... Anh chị em gùi xăng bị rộp cả lưng, có người say xăng do nhiễm độc. Xăng của tuyến 559 lại thiếu nghiêm trọng.

Cuộc thử nghiệm đưa đường ống vượt qua "Tam giác lửa" Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm thành công. Công trường 18 bàn giao tuyến này (X42) cho Tiểu đoàn 668 quản lý, vận hành để thi công đường ống tiếp nối vào kho của Binh trạm 12 Khe Ve.

Ngày 1 tháng 11 năm 1968, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc. Có điện của Cục Xăng dầu gọi tôi ra gấp Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới. Trong cuộc họp, sau khi phân tích tình hình và âm mưu mới của địch, Chủ nhiệm Tổng cục cầm bút chì đỏ vạch trên bản đồ một đường từ Cổng Trời vượt qua Mụ Giạ đến Na Tông (Khăm Muộn - Lào) rồi nói: "Các cậu phải nhanh chóng làm tuyến này, đặt kho ở Na Tông. Phải làm xong trước Tết Nguyên đán để có xăng cho 559 vận chuyển đột kích trong ba ngày Tết".

Sau đó anh vạch tiếp, từ Na Tông vượt qua ngã ba Lằng Khằng, qua Seng Phan - Pha Nốp xuống Ka Vát đến Lùm Bùm. Anh nói: "Sau khi đến Na Tông các cậu phải nhanh chóng đưa đường ống xuống Ka Vát rồi đi Lùm Bùm tiếp cận nhanh đường 9 để tạo điều kiện thuận lợi việc bảo đảm xăng dầu cho các đơn vị ở nam đường 9...”. Anh nhắc nhở hiện nay địch đang đánh mạnh ở thung lũng Seng Phan và ngầm Pha Nốp, cần phải chú ý tìm mọi cách tránh né, phải giữ được bí mật bất ngờ.

Sau khi nghe chúng tôi trình bày những khó khăn khi thi công trên vùng rừng núi có nhiều núi cao vực sâu, núi đá, nhiều suối... địch lại đánh phá rất ác liệt. Anh đã chỉ thị cho Bộ Tham mưu Hậu cần và anh Phan Tử Quang nghiên cứu giải quyết tạo điều kiện cho công trường hoàn thành nhanh chóng nhiệm vụ, điện cho Bộ tư lệnh 500 và 559 tăng cường lực lượng công binh, chỉ thị cho các binh trạm tích cực giúp đỡ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #63 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:15:30 am »

Về đến công trường chúng tôi một mặt nghiên cứu việc di chuyển công trường bộ lên đóng ngay tại khu vực lèn đá ở Cổng Trời trên đường 12, cử ngay cán bộ đi khảo sát và thiết kế tuyến từ Cổng Trời xuống Na Tông. Bộ phận vật tư tổ chức tiếp nhận ống, bể 25m3, máy bơm các loại nhanh chóng đưa vào tuyến thi công. Khó khăn đầu tiên chúng tôi gặp phải là không đưa xe chở ống dài 6m và xe chở bể 25m3 vượt qua Cổng Trời được. Vì ở đấy dốc cao, nhiều cua, cua lại hẹp và gấp. Vào thời gian này cấp trên phối thuộc cho chúng tôi hai tiểu đoàn công binh. Chúng tôi cùng với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 29 ra ngay thực địa nghiên cứu giải quyết cho xe vượt Cổng Trời.

Sau khi thống nhất phương án, đồng chí Nguyễn Đình Cự Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy thi công. Bốn hôm sau Cổng Trời đã được mở rộng, Đại đội 8 của Cục Xăng dầu liên tục vận chuyển bể sắt cùng máy bơm và phụ kiện vào kịp thời cho anh em trên tuyến thi công.

Sau khi thông Cổng Trời, trong một đêm ngồi uống nước ở Sở chỉ huy, đồng chí Nguyễn Tráng, kỹ sư khảo sát phấn khởi

Có ai dám phá Cổng Trời
Để cho nước chảy ngược đồi lên non
Trải qua sông cạn đá mòn
Cổng Trời cửa khẩu vẫn còn trơ trơ.
Một phen sấm sét bất ngờ
Đội quân đường ống phất cờ tiến công
Tiếng mìn vang dậy núi sông
Cổng Trời mở rộng chọc thông đỉnh đầu
Đưa bể lớn chứa xăng dầu
Khẩn trương đáp ứng yêu cầu tiền phương
.

Tiếp nhận ống đến đâu chúng tôi thi công ngay đến đó khu bể 500m3 ở Cha Lo (phía bắc Cổng Trời) và khu kho 1.000m3 ở Na Tông cũng đã làm xong. Trung tuần tháng 12-1968, sau khi hoàn chỉnh tuyến ống, chúng tôi tiến hành bơm nước để rửa ống, kiểm tra việc lắp ráp ống và tìm các thông số vận hành (gọi tắt là thử rửa).

Một máy đẩy không bơm nước lên được đỉnh đèo Mụ Giạ, các kỹ sư lại cho lắp thêm một máy bơm nữa cũng đẩy không lên. Sau khi chuyển dịch bơm đẩy thứ hai và thử đi thử lại nhiều lần cuối cùng bơm được nước lên đỉnh đèo Mụ Giạ. Nhưng khi cột nước từ trên đèo Mụ Giạ giội xuống đã làm vỡ ống vào trước trạm bơm T3 đặt ở chân núi 050. Tìm được nguyên nhân gây ra sự cố và sau khi khắc phục xong chúng tôi tiếp tục cho vận hành. Nước hút từ suối Cha Lo vượt đèo Mụ Giạ xuống 050 vào đến Na Tông để tìm các thông số phục vụ cho vận hành xăng.

Vào một đêm cuối tháng 12 năm 1968, các kỹ sư ở Sở chỉ huy vận hành đang chăm chú theo dõi ghi chép các số liệu do các trạm trưởng trạm bơm T1, T2, T3 báo cáo về (áp suất vào áp suất ra, vòng quay và nhiệt độ của máy), các đồng chí theo dõi áp suất của các van có đồng hồ áp suất trên tuyến lần lượt phản ảnh về thì bỗng có tiếng ì ì ở phía Nam đèo Mụ Giạ vọng lại. Đồng chí Nguyễn Hữu Cầu - Tham mưu trưởng của công trường đang trực ở T3 báo động cho toàn tuyến có B52. Trạm bơm đầu vừa tắt máy xong, mọi người xuống hầm thì nghe từng loạt bom nổ rung cả núi đồi. Tiếng cây đổ, tiếng đá bay rào rào, đường dây thông tin bị đứt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #64 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:16:16 am »

Sau đợt đánh thứ nhất, anh chị em thông tin nhanh chóng đi nối đường dây bị đứt. Thông tin thông, nắm lại tình hình các đơn vị đều an toàn. Sáng hôm sau, chúng tôi lên Mụ Giạ đi về hướng 050 thì thấy chúng đánh một vệt từ phía đông sang phía tây 050. Ngày hôm đó máy bay trinh sát OV10 luôn luôn bay trên không, hễ thấy động tĩnh là gọi máy bay cường kích đến đánh phá.

Không khắc phục tuyến ống ban ngày được chúng tôi đợi khi trời sẩm tối, không còn tiếng máy bay trinh sát nữa thì chúng tôi đem ống dự phòng ra thay thế. Nhưng rồi nửa đêm, B52 lại tiếp tục đánh. Để đối phó với B52, cứ tối đến anh em công binh Tiểu đoàn 29 bạt hàng trăm mét khối đá để đào một rãnh sâu tạo thành một đường hào dài 10 ki-lô-mét chuẩn bị sẵn sàng để khi kết thúc đợt đánh của B52 sẽ nhanh chóng lắp đặt tuyến ống.

Những ngày về sau, trên trọng điểm 050 không những địch đánh ban đêm mà đánh cả ban ngày không xe nào qua lọt. Ở đây không khi nào ngớt tiếng bom đạn. Núi đá bị bóc đi hết lớp này đến lớp khác, đá tơi thành bột cộng với lớp đất đã tạo thành những thảm bụi dầy. Bom đạn địch chà đi xát lại nhiều ngày đêm hòng ngăn chặn sự vận chuyển của chúng ta, thiêu hủy tiếp các kho tàng còn lại và cả đường ống ở trên khu vực 050. Trước tình hình đó, chúng tôi đi tìm một tuyến khác để tránh 050. Cuối cùng cũng tìm được đường tránh nằm ở phía tây của chân núi ở cách phía đông cao điểm 050 chừng 1 ki-lô-mét.

Cuộc đấu trí giữa lực lượng thi công với máy bay Mỹ để làm tuyến tránh trên "Tọa độ lửa" đã diễn ra hết sức gay go và quyết liệt. Để đánh lừa địch, chúng tôi vẫn tiếp tục khắc phục như thật trên tuyến bị địch đánh phá. Để bảo đảm bí mật cho tuyến tránh, anh em phải vác ống leo qua đèo Mụ Giạ ven theo bìa rừng tập kết vào khu vực an toàn để đến tối mới đưa vào tuyến để lắp ráp theo con đường hào đã đào hôm trước. Lắp ráp đến đâu chôn lấp ngay đến đó và dùng cây cối bị đổ để ngụy trang. Việc đưa ống vào tuyến thi công đã khó thì việc chuyển máy bơm PNU 35/70 nặng hàng tấn đã bằng sức người đưa vào vị trí lại càng khó hơn.

Khắc phục được khó khăn đưa máy vào vị trí xong thì tôi được điện gọi ra Sở chỉ huy tiền phương của Tổng cục làm việc. Có lẽ anh Đinh Đức Thiện nóng ruột vì ngày Tết sắp đến, nếu không có xăng cho Đoàn 559 vận chuyển đột kích trong 3 ngày Tết là một khó khăn lớn. Tôi biết anh Thiện rất nóng tính, không khéo kỳ này ra gặp chắc cũng phải bị anh "cạo" cho một trận...

Gặp anh Đinh Đức Thiện ở Sở chỉ huy, anh hỏi tôi ngay khi tôi chưa kịp ngồi xuống: "Anh có làm được không thì nói...". Tôi bình tĩnh báo cáo về tình hình đánh phá của địch, cách khắc phục của chúng tôi và bảo đảm chỉ vài ngày nữa là xong. Anh hỏi tôi về cách tổ chức ngụy trang cũng như việc nghi binh đánh lừa địch. Tôi trình bày lại cách làm của tôi. Trong quá trình nghe tôi báo cáo tôi thấy thái độ của anh dần dần vui lên.

Anh Đinh Đức Thiện còn hỏi thêm về tình hình các kho hậu cần sau khi bị địch đánh phá, tình hình xe vận tải trên đường và sinh hoạt của anh em bám trụ trên khu vực này. Tôi đã trả lời rành rọt các vấn đề mà tôi nắm được. Những vấn đề tôi đề nghị, anh đều giải quyết ngay. Anh bảo đồng chí Trần Lư ghi những ý kiến đề nghị mà anh chưa giải quyết và lấy quà gửi về cho anh chị em trên tuyến. Anh nhắc lại là phải tuyệt đối giữ bí mật và sau khi nối tuyến phải bơm ngay, kết quả ra sao phải báo cáo ngay về Sở chỉ huy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #65 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:17:10 am »

Trở về công trường tôi truyền đạt lại ý kiến của anh Đinh Đức Thiện và quà Tết của anh gửi cho công trưởng. Mọi người rất phấn khởi, thấy sự quan tâm của Chủ nhiệm Tổng cục. Chỉ hai ngày sau đã nối xong tuyến và tổ chức bơm nước để thử rửa. Sau khi thử rửa xong tiến hành bơm xăng ngay vào kho Na Tông và tổ chức cấp phát kịp thời cho các xe. Đến đêm giao thừa của Tết năm Kỷ Dậu xăng vẫn còn đầy kho Na Tông để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo. Đây là một chiến công mà nhiều người không ngờ tới.

Khi tiếp nhận những dòng xăng của đường ống đầu tiên ấy, đồng chí Tham mưu trưởng Đoàn 559 cảm động nói: "Thật là tuyệt vời - dòng sông ngầm vượt núi...". Nó đã bảo đảm kịp thời cho các binh trạm của Đoàn 559 vận chuyển đột kích trong ba ngày Tết Nguyên đán mà còn tạo ra lượng dự trữ cho nhiệm vụ tiếp theo.

Riêng về bộ đội đường ống, do đã tập kết vật tư sẵn ở kho Na Tông nên lợi dụng 3 ngày ngừng bắn, đồng chí Nguyễn Ngọc Tài, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe, đã tổ chức vận chuyển vật tư vượt Seng Phan và Pha Nốp vào cho Tiểu đoàn 968 thi công tuyến từ ngã ba Lằng Khăng xuống Ka Vát. Đồng chí Nguyễn Công Sỏi, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 968 nhanh chóng tổ chức cho anh em thi công tuyến ống tranh thủ vượt Seng Phan và Pha Nốp trong những ngày ngừng bắn.

Tuyến thi công của Tiểu đoàn 968 có nhiều trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt. Suốt ngày đêm hầu như bầu trời không có lúc nào ngớt tiếng máy bay. Rừng núi, lòng khe liên tục chớp lửa và rung lên bởi những trận bom rải thẩm của B52.

Cuộc đấu trí giữa ta và địch diễn ra hết sức căng thẳng. Địch cứ đánh, ta cứ làm. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 968 anh dũng bám sát trận địa thi công. Bằng nhiều biện pháp thi công và nhiều thủ đoạn nghi binh đánh lừa địch nên tuyến đường ống phát triển được theo tiến độ. Có nhiều đoạn xe không tập kết ống vào được thì dùng sức người để khắc phục đưa ống, máy và vật tư vào tuyến. Những câu hò động viên của các chiến sĩ văn nghệ làm tăng thêm nghị lực cho chiến sĩ và cán bộ thi công: .

"Trăm tấn sắt trên vai chiến sĩ
Vượt băng qua đỉnh đá tai mèo
Tiếng hò át tiếng bom reo
Mấy sông cũng vượt, mấy đèo cũng qua..."


Và điều mừng nhất là ngày 3 tháng 3 năm 1969, đã nối thông được tuyến đường ống từ Vinh vào Cồng Trời vượt Trường Sơn đến Ka Vát dài 350 ki-lô-mét. Đến ngày 9 tháng 3 năm 1969, bốn tiểu đoàn đường ống lần đầu tiên vận hành thông suốt từ hậu phương miền Bắc vào đến kho Ka Vát, bảo đảm xăng dầu kịp thời cho Đoàn 559 tiếp tục đợt 2 "Tổng công kích" trong mùa khô 1968 - 1969. Và cũng từ đây Binh trạm 31 và 32 không phải lui cung vượt qua các trọng điểm để lấy xăng nữa.

Tuyến đường ống đầu tiên vượt Trường Sơn là như thế. Chính sự thành công của tuyến vượt Trường Sơn đầu tiên này làm cơ sở cho lòng tin để sau này cho các tuyến đường ống vượt tiếp Trường Sơn trên đường 18 tiếp cận nhanh xuống đường 9 và đường ống ở phía Đông vượt Trường Sơn trên đường 14. Các tuyến ống này đã gặp nhau ở Tây Nguyên để tiến xuống Phước Long, địa đầu của miền Đông Nam Bộ, phục vụ kịp thời cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hôm nay tôi ghi lại những ngày đầu tiên đáng nhớ ấy và cũng nhớ lại những năm tháng thi công và vận hành xăng dầu trên tuyến đường Trường Sơn, những ngày gian khổ và ác liệt nhất, để tưởng nhớ công lao của những chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp, những chiến sĩ bị thương do bom đạn, bị nhiễm chất độc màu da cam của đế quốc Mỹ rải xuống hoặc nhiễm độc của xăng pha chì cùng những anh chị em khác là những người đã một thời cống hiến tuổi thanh xuân của mình để xây dựng nên công trình đường ống này, một công trình đến nay đã trở thành huyền thoại - huyền thoại có thật - trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của cả dân tộc.
Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1999
MTP
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #66 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:19:55 am »

CÔ GÁI LÁI XE VƯỢT CỔNG TRỜI
MAI SƠN

Cuối năm 1970, tôi về phụ trách Trường Huấn luyện của Đoàn 559. Một hôm, sau cuộc họp, trở về phòng làm việc, tôi thấy một phong thư trên bàn. Phong bì đề tên tôi có cả cấp bậc một cách trịnh trọng. Nhưng không có tên người gửi. Đôi khi tôi nhận được những lá thư không có tên và địa chỉ người gửi; nhưng thư riêng lại ghi cả cấp bậc như thế này thì đây là lần đầu.

Nhìn nét chữ chân phương, mềm mại nhưng lạ lẫm, tôi không đoán được là của ai. Mở ra xem mới hay đó là thư của Phàn - Phạm Thị Phàn (Phạm Thị Phàn, thôn Đại Nại, xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên (nay là huyện Phù Cừ, Hưng Yên) - đi thanh niên xung phong năm 1965.) - cô gái lái xe đồng hương mà tôi gặp ở Cổng Trời hồi cuối năm 1969. Trong thư Phàn cho tôi hay là cô không ở binh trạm nữa mà đã về công tác ở Xưởng sửa chữa của Đoàn. Cô kể về quê nhà, về công việc và cả về người yêu của cô ...

Vừa lúc đó, đồng chí trợ lý xe máy của Trường đến báo cáo:

Hôm đến Xưởng sửa chữa nhận xe, tôi gặp một cô gái lái thử xe trên bãi. Cô ta lái "khiếp" lắm. Khi biết thủ trưởng ở đây, cô ấy vội vào nhà xe, viết thư này, nhờ tôi mang về và nhắn khi nào thủ trưởng có điều kiện, rẽ qua Xưởng, sẽ nói chuyện nhiều.

*
*  *

Nhớ lại một ngày cuối tháng 10 năm 1969, tôi cùng hai đồng chí cán bộ Ban Nghiên cứu của Bộ tư lệnh Công binh là Lê Văn Trung và Hoàng Công Quang (Đồng chí Lê Văn Trung, PTS về phá nổ. Hiện vẫn công tác tại Viện Kỹ thuật Công binh. Nhà riêng ở 134... phố Đốc Ngữ, Hà Nội. Đồng chí Hoàng Công Quang, ký sư hóa - nổ. Hiện ở 302 G8B Thành Công, Hà Nội.) đi nghiên cứu quy luật của địch trên tuyến đường Trường Sơn đồng thời phổ biến kinh nghiệm khắc phục bom mìn của địch cho các đơn vị trên tuyến ...

Chiếc GAT-69 đưa chúng tôi đến ngã ba Khe Ve, rời đường 15A rẽ vào đường 12 đi Mụ Giạ. Đèo Mụ Giạ nằm trên biên giới Việt - Lào, ở độ cao hơn 400 mét so với mặt biển, là một trong những đèo vắt qua đỉnh dãy Trường Sơn để sang nước bạn Lào. Đường Khe Ve đi Mụ Giạ dài 45km, quanh co, khúc khuỷu, lắm dốc. Có dốc ngoằn ngoèo mang cái tên rất hình tượng: dốc ruột gà. Với tỏi, đường 12 này khá quen thuộc, vì có thời gian tôi đã chỉ huy Trung đoàn hỗn hợp Công binh - Cao xạ bảo đảm vận chuyển ở đây

Sáng hôm đó, sương mù dày dặc, cách 10m đã không rõ mặt người. Lưng sườn núi và dưới vực sâu chỉ thấy một biển sương mù trắng xóa. Ai đã từng đi xe trong sương mù giữa ban ngày mới thấy hết giá trị của bức màn ngụy trang thiên nhiên hết sức lý tưởng này. Dạo ấy dù đêm tối đen như mực, xe chạy, hay thậm chí chỉ mới nổ máy, cũng vẫn bị máy bay OV10 của địch có kính hồng ngoại phát hiện và bắn trúng liền. Nhưng sương mù dày đặc và ẩm đã bịt chặt những con mắt cú vọ của máy bay địch.

Xe chúng tôi leo gần đến Cổng Trời thì gặp một chiếc xe tải, chạy cùng chiều, đang đỗ lại bên đường. Vượt lên quá một đoạn chúng tôi cũng dừng lại. Qua cửa xe thấy một cô gái mặc thường phục dáng quen quen, đứng cạnh kho hàng đang chỉ trỏ. Khi cô quay lại, tôi chợt nhận ra và reo lên:

- Phàn!

Phàn ngẩng lên. Nhận ra tôi, cô lao nhanh đến bên xe mừng rỡ. Cô rối rít hỏi han đủ chuyện rồi kể: sau khi Trung đoàn Công binh 251 của chúng tôi vào chiến trường thì nhiều anh chị em thanh niên xung phong cũng vào bộ đội. Một số nữ được đi học lái xe. Học xong, phần lớn chạy xe ở tuyến sau. Riêng Phàn và một số phục vụ ở Binh trạm 12 - Binh trạm tiền phương.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #67 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:21:20 am »

Giơ chiếc đồng hồ đeo ở tay, Phàn khoe:

- Lái xe qua trọng điểm địch đánh phá nên em được thưởng đấy!.

Tôi thấy vui lây niềm vui của em và cứ để Phàn kể chuyện, không chêm vào câu nào. Thực ra cũng không nói xen vào đâu được, vì hình như Phàn sợ không đủ thời gian để nói...

Nhớ lại hối Trung đoàn 251 chúng tôi cùng anh chị em thanh niên xung phong xây dựng sân bay Yên Bái, có lần tôi nói đùa là "phải cho em đi học lái máy xúc" tôi hỏi:

- Thế em không đi học lái máy xúc à?

Phàn cười giòn tan:

- Nếu thế thì làm sao em lại đứng ở đây được?

Ngoái lại phía xe của Phàn, tôi hỏi: 

- Ai đi cùng xe với em thế?

- Cái Tiếp, anh ạ! Anh không biết nó đâu. Nó bị thương, điều trị chưa khỏi hẳn mà đã đòi về, tiếp tục đi với em đấy!

Rồi cũng đến lúc phải chia tay. Tỏi chỉ kịp ghi số hòm thư của Phàn vào cuốn sổ tay. Nhanh như sóc, Phàn chạy về xe mình và lập tức nghe tiếng máy nổ.

Đến lúc này đồng chí cán bộ của binh trạm đi cùng với chúng tôi mới kịp lên tiếng như khẳng định những chiến công của Phàn: .

- Ở đây mọi người vẫn thường nhắc đến thành tích lái xe qua trọng điểm của cô ấy đấy!

Xe chúng tôi sắp chuyển bánh thì Phàn - vẫn cái kiểu tinh nghịch - cho xe mình vượt lên trước và vẫy tay chào. Chỉ loáng một cái, xe em đã mất hút trong màn sương dày.

Với tôi lần gặp này, em hiện ra rồi biến đi y như một nàng tiên trong chuyện cổ tích thời ấu thơ...

Đến chỗ rẽ vào binh trạm, chúng tôi xuống đi bộ. Nắng xuống, sương tan rất nhanh. Mặt trời đã lên cao. Khi những tia nắng rọi chiếu tới mặt đường thì chúng tôi đã khuất vào những lùm cây rậm rạp.

Tối hôm ấy, nói chuyện với anh Bạch Quyền, Phó binh trạm trưởng Binh trạm 12, anh kể cho nghe nhiều chuyện về Phàn rồi kết một câu:

- Ở đây người ta gọi nó là "Phàn Lê Hoa" đấy?

Nói đến Phàn Lê Hoa - một nữ tướng xông xáo trong truyện Chinh Đông Chinh Tây, đọc từ hồi nhỏ - tôi thấy thích thú và hình dung ra rất rõ nét tính cách của Phàn. Nhưng tôi vẫn nói lên nỗi băn khoăn của mình:

- Nữ lái xe bây giờ không hiếm. Nhưng lái xe ở tuyến lửa thì quá hiểm nguy, gian nan, vất vả... Lại còn phải vượt qua trong điểm địch đánh phá... thì đến lúc này tôi chỉ mới thấy có một.

Ngẫm nghĩ một lát, tôi khẽ nói như tự hỏi mình:

- Có nên để phụ nữ làm cái công việc nguy hiểm và căng thẳng quá này không nhỉ?

Anh Quyền cũng trầm ngâm:

- Đúng là đang có cuộc tranh luận quanh vấn đề này. Chiến tranh ác liệt quá! Lái xe qua trọng điểm, tinh thần rất chẳng thẳng, dễ ảnh hưởng đến tâm sinh lý con người. Thế mà nhiều cô gái gan dạ quá. Cứ cười nói vui đùa như đi chơi ấy thôi! Nhưng dẫu sao cũng phải bố trí công tác khác, thích hợp hơn cho chị em!
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #68 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:23:36 am »

*
*   *

Trong số chị em làm việc gần đơn vị xe máy của Trung đoàn 251 trên công trường xây dựng sân bay Yên Bái ngày ấy tuy khỏng gặp Phàn nhiều, nhưng cô để lại những hình ảnh rất đậm nét bởi cái tác phong nhanh nhẹn, tính cách nghịch ngợm, vui nhộn và nét mặt lúc nào cũng như đang cười.

Một lần Phàn cùng mấy chị em đang xúc đất. Xúc chưa đầy chiếc xe cải tiến mà đã định tranh thủ đẩy ào đi. Tôi cau mày nhắc khéo:  

- Đến phải cho em đi học lái máy xúc thôi!

Lập tức. Phàn đứng nghiêm, áp xẻng sát vào người giả làm cây súng, miệng dõng dạc:

- Báo cáo thủ trưởng! Em xung phong?

Tôi bật cười.

*
*   *

Tính cách của Phàn là như thế. Em đi học lái xe, tôi không lạ. Nhưng hơi ngạc nhiên và rất mến phục khi biết em dám lái xe qua trọng điểm mà nhiều lái xe sừng sỏ cự phách, đôi lúc cũng phải phởn?

Tôi đã nhiều lần đi xe qua trọng điểm nên cũng rõ sự nguy hiểm ở đây. Bầu không khí luôn luôn căng thẳng, kể cả khi địch không bắn phá. Trong ánh sáng vàng khè của đèn ô tô đã được ngụy trang hoặc dưới ánh trăng mờ, quang cảnh thật hoang tàn... Đường sá nham nhở, đất đá ngổn ngang, cây cối trơ trụi... Những gốc cây cháy dở sau trận bom napal còn để lại những hòn than to đỏ rực.

Gặp đợt địch đang đánh phá thì khi pháo sáng trên không vừa tắt là lúc đạn pháo 20 ly từ máy bay C130 vãi xuống như trấu. Bom bi, mìn vướng nổ, bom từ trường chưa dẹp hết, cũng nổ bất thần. Nếu lúc đó đường tắc, mà việc này rất dễ xảy ra, thì hàng loạt xe dồn ứ lại, nằm chết cứng một chỗ, tiến thoái lưỡng nan, đành giơ lưng chịu đòn... Điều gì cũng có thể xảy ra!

Ngày mai, chúng tôi sẽ đi bộ dọc tuyến đường phía tây Trường Sơn. Cái nghề công binh cứ phải đi ban ngày để mà quan sát, nghiên cứu. Và phải nhằm những trọng điểm mà đến. Ở đây mới phơi bày tất cả những thủ đoạn đánh phá của địch cũng như đầy đủ các phương tiện giết người mà chúng sử dụng.  

Thời gian đi sẽ khá lâu. Chưa biết hôm nào trở lại. Tôi lấy giấy viết thư, nhờ anh Quyền chuyển cho Phàn.

Sau đợt ấy, Phàn được điều về Xưởng sửa chữa của Đoàn 559 công tác.

*
*   *

Đêm đã khuya mà tôi cứ ngồi suy nghĩ miên man về Phàn. Từ một cô gái đẩy xe đất còn lặc lè, hôm nay đã là cô gái lái xe chững chạc và dũng cảm!

"Công trường năm ấy em vừa tới
Đẩy xe cải tiến đất còn vơi.
Đường vào tiền tuyến hôm nay gặp
Em đã lái xe vượt Cổng Trời!"


Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, ta đã dốc toàn lực để đánh thắng kẻ thù. Biết bao cô gái đang tuổi thanh xuân đã tự nguyện hiến dâng tuổi trẻ, xông pha nơi chiến địa, gánh vác trên vai những nhiệm vụ nặng nề tưởng chừng như không thể chịu đựng được. 

Câu chuyện nhỏ này xin được coi như niềm cảm thông và lòng mến phục gửi đến chị em thanh niên xung phong "quê đất nhãn lồng" đã một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
M.S

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #69 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:25:19 am »

ĐÒ RỪNG
NGUYỄN ĐỨC MẬU


Một mình lẽo đẽo đi bộ suốt từ sáng sớm, vượt 11 qua mấy cái dốc cao, mấy cánh rừng dày đặc dây leo, cho tới 2 giờ chiều, tôi mới tới được bến đò. Nhiệm vụ của tôi, một chiến sĩ tiền trạm của sư đoàn là liên hệ với người lái đò để đêm mai đơn vị vượt sông. Thanh (tên người lái đò) quả là vui tính, dễ gần. Vừa mới gặp nhau, chuyện trò chưa được mấy, tôi và Thanh đã thân nhau ngay. Thanh làm lính chèo đò, tôi làm lính bộ binh. Thanh sống cảnh hiu quạnh thích có người nói chuyện, lại gặp tôi là bạn đường nên niềm vui của anh lộ ngay ra nét mặt. Thấy hành trang của tôi có độc một bao gạo và khẩu AK đeo vai, Thanh hỏi luôn: 

- Ba lô của ông đâu?

- Bom đánh vào nơi trú quân, ba lô quần áo, chăn màn của tôi bay hết, hậu cần chưa kịp cấp phát. Đêm. nay anh cho tôi ngủ chung nhé.

- Được ngủ chung càng vui, nhưng đêm nay nằm chung với mình được, chứ đêm mai không có chăn màn tăng võng, ông ngủ với ai. Tóc ông dài thế sao chưa cắt?

Bị Thanh hỏi dồn, tôi đâm lúng túng.

- Hơn một tháng ròng đơn vị tôi hành quân miết.

- Trước khi ông tắm giặt mình tranh thủ cắt tóc cho. Từ đận làm nghề lái đò, mình luôn thủ sẵn bộ đồ nghề cắt tóc. Các đơn vị dừng chân ở đây, ai cần thì mượn. Khi nào tóc mình rậm thì nhờ người khác cắt giùm.

Thanh kéo tôi ngồi xuống một khúc cây được cưa làm ghế, vừa cắt tóc cho tôi vừa nói chuyện vui. Cắt tóc xong, Thanh rủ tôi cùng đi tắm. Tắm giặt xong, Thanh lại rủ tôi ra ngồi trên con đò đuôi én. Phong cảnh núi rừng tĩnh mịch và hoang vắng khiến chúng tôi cảm thấy thích ngồi bên nhau, thích được chuyện trò. 

Buổi chiều nắng nhạt những đám mây màu sữa sà sát cánh rừng. Con đường xuống bến đò đỏ lựng màu đất, in kín những dấu giày, dấu dép lầy lội. Sát bờ sông, bên bụi lau phơ phất có ba con đò hình đuôi én nằm song song trên bến. Từ bên này sang bên kia sông có ba sợi dây cáp chăng ngang. Bến đò ở đây khác hẳn với những bến đò ở mọi vùng quê tôi gặp. Thấy tôi ngạc nhiên. Thanh giải thích:

- Trước kia bến đò có ba người, mỗi người chèo lái một mình. Bây giờ chỉ có một mình mình cai quản vẫn nhàn. Ông có biết tại sao không? Trước khi xuống đò mình hỏi mọi người: "Có ai biết chèo đò không”. Hỏi cho lấy lệ chứ ông tính bộ đội mình thiếu gì người biết chèo đò. Vậy thì nhờ các đồng chí giúp cho một tay, hay là ai, người nào biết chèo thì cầm lái, người nào không biết chèo thì kéo dây. Nào, xuống đò đi, xuống từ từ kẻo lật đò nhé”. Cứ vậy mình vừa làm vừa vận động khách sang ngang giúp mình chèo, kéo. Quân có đông mấy, mình vẫn cứ úng dung.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM