Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 03:14:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Trường Sơn  (Đọc 92778 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #110 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2010, 06:34:26 pm »

Đồng chí trinh sát lại đi, bóng nhòa nhòa rồi mất hẳn vào màn đêm. Đom đóm thi nhau cắt thành nhiều đường chéo lạnh lùng. Tôi ngồi quan sát sau mô đất có cây lúp xúp. Tiếng tên lính gác kho, rồi tiếng chúng nó nói với nhau. Tôi kéo súng đặt ngón tay vào lẫy cò, chuẩn bị. Một tên địch nói:

- Con chuột nào lạ, vừa vào kho, tớ nghe tiếng lẹt xẹt khang khác. 

Tên kia trả lời:

- Tôi cũng nghe. Ta đưa cái bẫy sắt ra đây, cài miếng thịt vào. Cả hai đứa đều nói giọng Bắc đặc sệt, có lẽ là cái bọn đã chạy vào năm 54, theo bố mẹ, nên nghe giọng rất trẻ - tôi nghĩ vậy. Chúng nó vẫn tiếp tục câu chuyện:

- Thịt chuột ấy à? Liệu chuột có chịu ăn thịt chuột không?

- Anh bảo ở đây không dùng thịt chuột thì còn thịt gì nữa. Cứ nướng thơm lên, ướp tý lá sả rừng vào là mất mùi chuột, thơm phức chẳng khác gì thịt chó, thịt lợn đâu.

- Bẫy sắt không bắt được chuột nữa, phải tìm các kiểu bẫy mới. Hôm qua, tớ cài miếng thịt, thế mà chúng nó khôn lắm, một con đưa hai chân trước giữ cần bật cho con kia kéo miếng thịt ra ngoài rồi mới thả cần bật. Tớ nghe sầm một phát, đinh ninh là chuột bị chẹt, chạy tới, chẳng thấy gì, lại mất miếng thịt. Tớ rình xem, bắt quả tang hành động của cu cậu. Này Thắng xem lại lỗ dò ở cái hang đá kia, nước từ đâu tới, làm kho ẩm ướt quá thể.

Tôi lặng im, thở rất nhẹ, sợ chúng vào kiểm tra kho ngay sẽ "đụng độ" tức khắc với đồng chí trinh sát. Tôi lật lật khẩu súng, chuẩn bị yểm hộ, nhưng thú thật là vào cái giờ ấy tôi cũng không muốn bắn vào hai người lính kia, họ nói chuyện rủ rỉ, và họ cũng khổ, họ cũng có hoàn cảnh riêng là kẻ thù đã đẩy họ đến nơi rừng xanh nước độc này. Mình cũng khổ, nhưng mình chịu khổ để mang về thắng lợi cho đất nước cho nhân dân, còn họ khổ cái khổ vĩnh viễn, khổ vật chất, khổ tinh thần, khổ vì không có lý tưởng.

Tên đàn em lên tiếng:

- Tôi tìm mấy tháng liền mới ra cái lỗ rò đó anh Mạnh ạ nó đi từ kho ta chen vào một ngách của hang đá chỉ bằng ngón tay, rồi lên tới đỉnh núi. Đến đây không còn thấy chỗ rò, mà cũng rất khó đào bới, tôi cứ đi lấp vu vơ mãi sau mới phát hiện lỗ rò bắt đầu từ gốc của cây lim. Tôi đã lấp rồi, có lẽ gỗ mục làm hở chỗ rò, ngày mai phải đi lên đỉnh núi để lấp. Anh Mạnh ạ, anh đã ăn mấy cái Tết ở đây rồi?

- Mình vào đây chưa được một năm, nhưng cũng đã hưởng một cái Tết Trường Sơn, ngoài đơn vị làm đường, nơi cả nước vẫn gọi là đường Hồ Chí Minh.

À mấy tên này cũng đã lần mò đến đường Hồ Chí Minh - Tôi thầm nghĩ vậy. .

- Quê anh, Tết đến có gì đặc biệt...

- Pháo thăng thiên - chà đặt pháo lên sợi dây thép phơi quần áo, châm lửa, pháo xuỵt xuỵt bay lên, vèo vèo cao gấp đôi ngọn cau, ban đêm tóe lửa vàng như những vì sao. Rồi vẫn giữ cái cổ truyền là cây đu. Chà những lúc đu tít lên cao, mặt người ngang với mặt đất, sào đu ngang với thân đu như góc thước thợ. Thích lắm. Giá như không có rừng, không có Mỹ - ngụy thì ta trồng một cây du...

Tôi giật mình:

- Người của ta, kho của ta. Sao lại có một cái kho đặt sâu thăm thẳm trong rừng già khi chung quanh chưa có lối vào chưa có đường đi. Tôi muốn nhảy tới ôm chầm lấy những người giữ kho, ôm chầm lấy anh em như ôm người thân thiết, nhưng vào giây phút này bất ngờ xổ ra sẽ bị ngay một loạt tiểu liên, vì anh em giữ kho tưởng là địch tập kích, nên tôi vẫn nằm nghe câu chuyện của họ.

Họ kể cho nhau nghe sự bỡ ngỡ của ngày đầu vào Trường Sơn, những nhớ mong gia đình... tình bạn của thời học sinh. Qua câu chuyện của họ tôi biết thêm cậu Mạnh quê ở Nam Đàn, nhà ở bên bờ sông Lam, còn cậu Thắng quê tận Thái Bình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #111 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2010, 06:45:43 pm »

Sau cùng Mạnh nói: 

- Ngày mai, cậu đi xa hơn tý nữa, hái lấy vài nắm lá mì chính, đào thêm củ nưa để ta đón giao thừa. Kiểu này, cấp trên không chuyển kịp thực phẩm đến cho mình đâu

Ngày kia là ba mươi Tết rồi phải không anh Mạnh.

- Không có đài, không có lịch, nhưng mình nhớ chắc chắn ngày kia là ba mươi Tết.

- Ba mươi Tết cách đây ba ngày rồi, các ông bạn thân yêu ơi - Đồng chí trinh sát từ trong nhà kho nói ra rất to

Cả hai chiến sĩ giữ kho đứng phắt dậy:

- Anh nào chui vào kho làm gì đấy. Thông tin đi phục hồi đường dây phải không? Nếu thế thì đường dây cũ chạy mé ngoài suối kia cơ.

- Thông tin, thông tơ gì; chúng tớ bộ binh đây.

Đồng chí trinh sát vừa nói vừa bước ra phía hai người giữ kho, tôi cũng tiến lên. Khi nhìn rõ chúng tôi, Mạnh nói:

- Các anh từ đâu tới, mà lạ lùng thế này, trên chưa thông báo gì cho chúng tôi biết cả.

Tôi nói hết chuyện để hai đồng chí giữ kho rõ. Nghe xong, các đồng chí mời chúng tôi vào nhà.

Dưới ánh đèn dầu hỏa thắp trong ống bơ thịt hộp, tôi nhìn kỹ hai chiến sĩ giữ kho. Họ còn rất trẻ chỉ khoảng mười chín hai mươi, má đỏ au, tóc đen nhánh, khỏe mạnh, rắn chắc như hai thỏi thép. Nếu ở ngoài Bắc tôi có ấn tượng xấu với hai chiến sĩ giữ kho theo cái câu "Giầu nhà kho, no nhà bếp", nhùng đây là núi rừng, là Trường Sơn, là chiến trường, sự khỏe mạnh của các đồng chí chỉ rõ vừa ở miền Bắc vào, chưa bị sốt rét rừng hủy hoại hồng cầu.

- Báo cáo với các anh, em tên là Thắng - Lê Chiến Thắng. Còn đây là anh Mạnh - Thái Hùng Mạnh, binh nhất, tổ trưởng của chúng em. Tổ chúng em còn một số đồng chí nữa đang về đại đội, có nghĩa là ngược theo dòng sông để đón thực phẩm. Lúc nãy em nghe có anh nói ba mươi Tết đã qua ba ngày rồi, nghĩa là thế nào?

Tôi trả lời: 

- Bọn mình cũng không nhớ ngày Tết thật chính xác, nhưng hôm nọ chui vào đồn địch, nghe chúng kháo nhau về chuyện chuẩn bị ăn Tết, mới sực nhớ đến Tết. Đúng là Tết đã cách dây ba ngày rồi.

- Thế mà anh Mạnh chúng em tính toán thế nào còn hai ngày nữa mới Tết.

Cả bốn chúng tôi đều cười. Cái cười tưởng chảy nước mắt, nhưng rất tự hào, vì điều kiện này, điều kiện nọ, chúng tôi cũng như thanh niên cả nước tạm thời hy sinh quyền lợi cá nhân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #112 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2010, 06:47:48 pm »

Mạnh lấy ra hai bát môn thục nấu đặc mời chúng tôi ăn tạm. Vốn tính bỗ bã của trinh sát, đồng chí trinh sát nói ngay:

- Lính giữ kho mà cũng chén đạm bạc thế này à? Hay là các cậu sợ chúng tớ hiểu nhầm, nên làm ra cái vẻ tư cách ... đạo đức... phẩm chất trong sáng...

- Báo cáo với hai anh thông cảm, trong kho không có một thứ gì ăn được. Một tuần nay chúng em cũng chỉ môn thục.

Đồng chí trinh sát vẫn chưa bằng lòng:

- Kho mà không có gì ăn, nói nghe mới chối tai.

- Dạ kho, nhưng toàn kho vũ khí, nếu không tin sáng mai mời hai anh đi xem.

- Thôi, xin tạm biệt người anh em đêm nay. Mình đã vào kho các cậu rồi, tưởng rằng vào chưa đúng kho thực phẩm, mình đã sờ xem, toàn là đạn ĐK, B40, mìn, bộc phá... còn cái thứ gì nữa to lắm, đựng trong thùng gỗ to hơn quan tài, mình lật ra xem, thấy dây vải lằng nhằng.

Tôi chen vào:


- Rồng lửa.

Mạnh công nhận:

- Đúng rồng lửa!

Chiến sĩ trinh sát:

- Rồng lửa cũng vào đến đây rồi cơ à? Làm sao vào được với trọng lượng nặng như thế, mà đường sá thì một người mang AK đi không lọt.

Mạnh cười:

- Đường Hồ Chí Minh thì vũ khí gì đi lại không lọt hở anh, hơn nữa có cách của nó anh ạ, cấp trên nói là phải tạo ra cách đánh Việt Nam kia mà.

- Nhưng, các cậu "tính" thế nào mà vẫn chịu cái cảnh nước suối môn thục à?

Mạnh trả lời câu hỏi của chiến sĩ trinh sát:

- Không phải hoàn toàn hôm nào cũng như hôm nay anh ạ, cũng có lúc "lên voi" phong phú ra trò, nào: gạo, muối, đường, sữa, thuốc lá, lại còn cả mứt gừng nữa... Nhưng bước vào mùa khô năm nay hàng dồn cho hướng đông, nên bọn em gặp khó khăn. Các anh đến vào dịp không may...

Chiến sĩ trinh sát:

- Theo tớ hiểu, thì đường Hồ Chí Minh chưa mở tới khu vực này, vậy các cậu phải đi bộ rất xa để nhận lương thực, thực phẩm.

- Đường Hồ Chí Minh có nhiều kiểu đường chứ anh. Chưa mở đường to cho ôtô chạy, thì đi bằng đường mòn, đường sông, dường suối... Các thứ cấp trên phát cho chúng em hàng tháng, vận chuyển cũng rất đơn giản, hậu cần cho vào túi ni lông, túi to, bọc hai ba lớp vải nhựa đề tên chúng em ở ngoài, rồi thả xuống suối. Hàng trôi theo suối. Trên bờ suối có một số người làm nhiệm vụ thấy hàng ứ đọng ở đâu, dùng sào chọc cho hàng trôi. Hướng khác vận chuyển kiểu này đã đi lọt hàng trăm tấn gạo mà địch không biết.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #113 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2010, 06:48:34 pm »

Tôi hỏi:

- Các đơn vị cũng đến nhận vũ khí bằng đường sông?

- Không đơn vị nào đến nhận vũ khí ở đây anh ạ, vì bây giờ mặt trận ở hướng khác. Các anh là tổ bộ binh độc nhất vào kho bọn em. Trên đã thông báo có thể hai năm sau cũng chưa có ai đến nhận vũ khí ở kho... Khi nào nghe tiếng mìn của công binh Trường Sơn mở qua đây mới hy vọng giải phóng kho. Giải phóng kho này, tức là đất nước chuyển qua bước ngoặt mới.

Chiến sĩ trinh sát:

- Lúc ấy, có lẽ tóc các cậu đã bạc phơ?

Tôi nói:

- Nhìn tóc các bạn đen nhánh, dày và cứng thế kia đến tám mươi tuổi cũng chưa bạc.

Chiến sĩ trinh sát:

- Các cậu đang làm nhiệm vụ quan trọng dự trữ chiến lược. Các bạn đang giữ vốn cho trận đánh.

Tôi nhìn Mạnh, nhìn Thắng

- Mỗi hoàn cảnh thử lòng người một cách. Giữ một cái kho giữa rừng già này, đòi hỏi sự kiên nhẫn rất cao, sự kiên nhẫn ấy trở thành cấp số nhân đối với tuổi trẻ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #114 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2010, 06:49:18 pm »

Cuối năm 1974, là phóng viên báo Quân đội nhân dân, cùng với một số anh em nữa tôi được cử vào Nam Bộ, chuẩn bị viết bài tuyên truyền khi chiến dịch 1975 bắt đầu. 

Trên đường vào miền Nam lần này, chúng tôi không phải đi bộ như xưa mà có ô tô chở từ Hà Nội, đến các trạm giao liên. Hết Đông Trường Sơn qua Tây Trường Sơn, xe chúng tôi chạy cả ban ngày. Đường Trường Sơn rộng lớn quá. Nhiều tuyến quá lớn như bàn tay xòe đặt về hướng Nam. Trên con đường ấy, ô tô liên tục nối nhau làm cho mặt dường biến thành mùn mùn bốc mù mịt trắng xóa, bụi bốc bay cao tạo lên nền trời một con đường khác. Bụi che khuất các mục tiêu cụ thể, bọn giặc lái chỉ còn ném bom vu vơ. Bụi đến mức xe chạy ban ngày phải bật đèn pha mà vẫn còn va vào nhau.

Đến ngã ba Đông Dương được nghỉ lại một ngày để thay xe. Tôi muốn tranh thủ tìm hiểu vài đơn vị nằm trên dường mình đi vào. Tôi vẫn giữ cái kinh nghiệm muốn biết các đơn vị ở đâu, chiến đấu hướng nào thì cứ tìm đến kho gạo, hoặc kho lương thực, thực phẩm. Đơn vị nào lại không phải tiếp đạn, tiếp thực phẩm?

Những đơn vị đến lĩnh hàng, thường là có xe, hoặc họ cũng biết con đường gần nhất về đơn vị họ, thế là mình đi theo, còn gì nhanh bằng.

Tôi đến hỏi đồng chí trạm trưởng giao liên, đồng chí ấy nói thoải mái:

- Kho à! Đây không những là kho, mà còn là tổng kho. Qua hai con suối trước mặt kia kìa đồng chí sẽ gặp kho ngay.

Quả là tổng kho. Không phải chỉ đông người, mà còn trật tự, ngăn nắp, có mũi tên chỉ, hướng dẫn đường vào đường ra. Có lực lượng chỉ chuyên trồng cây. Không phải trồng cây gây rừng, mà trồng cây vào một chiếc sọt. Ban ngày lực lượng này bê các sọt cây ra đặt che con đường lớn, một nhánh của đường Hồ Chí Minh chạy vào kho; ban đêm bê sọt dồn một chỗ, để đón người và ô tô vào. Kỷ luật bảo vệ bí mật ở tổng kho rất cao. Lá ngụy trang bao giờ cũng tươi như chưa hề bị cắt khỏi cành.

Tôi hỏi thăm đồng chí chỉ huy kho, anh em đến lấy hàng cho biết, cứ tìm cái nhà làm theo hình chuôi vồ thấy bác nào tóc trắng xóa, thì chính hiệu là đại úy chỉ huy trưởng tổng kho.

Tôi gặp đồng chí chỉ huy trưởng tổng kho, khi anh đang mải mê nói chuyện với một người nào đó qua điện thoại về tình hình chiến sự. Tóc anh trắng như gội đầu bằng xà phòng quên giội nước, cứ thế lên cầm máy điện thoại. Môi anh thâm, mắt lõm sâu, đuôi mắt nhiều nét thăn kiểu chân chim.

Khuôn mặt làm tôi quen quá. Giống một người nào đó trong cuộc đời mình đã gặp. Tối lục soát kỷ niệm từ gia đình, họ hàng, làng xóm; bạn bè, đồng đội đồng chí và những vùng đất đã qua... Không nhớ. Trí nhớ tồi quá chăng? à... Mường tượng, mường tượng...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #115 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2010, 06:50:04 pm »

Khuôn mặt của cậu Mạnh, giữ kho giữa rừng già thăm thẳm mười năm trước. Đây là anh hoặc chú của Mạnh... Nhất định đúng... cả đất nước đang dồn vào con đường Hồ Chí Minh, đang đi trên con đường Hồ Chí Minh thì không phải là chuyện ngẫu nhiên. Mình hỏi thăm may a biết Mạnh bây giờ ở đâu.

Tôi đến cạnh đồng chí tóc bạc, khi đồng chí vừa đặt ống nghe điện thoại xuống.

- Xin lỗi... đồng chí có phải là người nhà của ...

Đồng chí chỉ huy tổng kho trố mắt nhìn tôi:

- Ai trông quen dữ quá ta. Trời ơi! Nhớ rồi. Anh vẫn mạnh heng. Anh quên tôi rồi à? Tôi là Mạnh. 

- Mạnh. Mạnh. Mạnh! - Tôi xô tới, buột miệng: - Mạnh, Mạnh đã như thế này rồi ư?

- Mạnh vẫn là Mạnh đây mà. Tóc bạc quá thể phải không anh. Thôi, tóc bạc mà lòng không bạc, tất cả vẫn còn trẻ trung.

- Ờ cậu già thế nào được, chưa đến tuổi ba mươi, hay mới chớm tuổi ba mươi gì đó thôi. - Nói thế xong tôi nôn nóng hỏi chuyện xưa:

- Cái kho năm ấy ra sao?

- Ba năm sau đường Hồ Chí Minh mới chính thức mở qua chỗ chúng tôi. ô tô vào giải phóng kho. Số đạn pháo chúng tôi giữ đã nã vào đồn lũy địch ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Thích quá...

Sau đó tôi định làm một chuyến phép ra Bắc, nhưng không kịp, vả lại mình không muốn đi ra khi cả nước đang ùn ùn vào. Trên hỏi nguyện vọng. Tôi xin tiếp tục đi giữ vốn cho trận đánh, còn cậu Thắng, ngứa ngáy chân tay quá xin đi làm chiến sĩ đặc công - nay đã là đội trưởng. Mỗi lần có người về nhận hàng là hắn biên thư cho tôi, khoe nhiều nhất vẫn chuyện chui sâu trong kho của bọn địch - Nó nói: địch không có kho dự trữ mà toàn của xổi

- Nhưng sao Mạnh gầy quá. Sốt rét nhiều hay kho bây giờ vẫn còn thiếu lương thực?

- Đến hôm nay, không thiếu thứ gì hết anh ạ. Người lính đi qua muốn gì có nấy. Gạo, thịt, đường, sữa, thuốc lá. Cả miền Bắc dành cho chúng ta ăn một cái Tết thật đầy dủ, và mong chúng ta giành chiến thắng vĩ đại trong năm 1975. Có thể thắng anh ạ, vì lâu lắm rồi, bây giờ mới huy động đến kho chúng tôi, huy động đến cái vốn của trận đánh chúng tôi đang giữ.

Mạnh dẫn tôi thăm tổng kho. Mái tóc trắng của anh đi giữa bãi kho, đi giữa rừng xanh, nổi lên như hàng cọc tiêu trên đường Hồ Chí Minh, chỉ đường cho cả nước vào tiền tuyến lớn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #116 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 05:37:25 pm »

Phần thứ hai
Lính Trường Sơn hôm nay...

TRƯỜNG SƠN TÍT TẮP
TÔ ĐỨC CHIÊU


Ông tên là Ilít lvanôvít. Ngồi cùng bàn đối diện với ông là vị sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đã đứng tuổi, cũng trầm ngâm, ông nghĩ tới khách. Là nhà báo hay nhà văn? Ông sẽ viết quyển sách về Trường Sơn như thế nào? Tiểu thuyết hay phóng sự? Và bên trời Âu xa xôi chẳng lẽ không đủ đề tài cho nhà văn tư duy và sáng tạo hay sao mà ông phải lặn lội sang tận nơi đây. Thế giới này có bao quyển sách viết về Trường Sơn? Về con đường nổi tiếng mang tên lãnh tụ kính yêu của chúng tôi. Chẳng lẽ ông chưa đọc? Hay ông muốn làm dáng với đời, làm dáng với người dân Ba Lan bị phát xít tàn sát nhưng đã quá xa tiếng súng hoặc chưa hề nghe tiếng bom về sự khám phá mới mẻ và phản ánh sâu đậm của mình. Trường Sơn với họ mờ xa tít tắp. Phải chăng họ nghe đến Trường Sơn cũng bởi nó mang trên mình con đường Hồ Chí Minh bất diệt.

Vị sĩ quan Việt Nam tên là Minh, ông ra đi từ những ngày đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự, thuở đất nước chia cắt và miền Nam chìm trong máu lửa. Kỷ niệm chiến trường sâu đậm nhất của ông có lẽ là những ngày mở nhánh đường Trường Sơn qua Phu Ắc để quân và dân ta phối hợp với quân và dân bạn tiến hành chiến dịch ép vào Thà Khét năm 1972.

Lúc ấy anh đã là tiểu đoàn trưởng. Năm trăm quân nhân cả nam và nữ cùng hơn một ngàn dân công phải bảo đảm thông đường cho xe bọc thép cùng pháo binh cơ giới từ cao nguyên Na Cay qua Phu Ắc tràn xuống Ma Ha Xây và Noọng Bôốc. Năm mươi hai người con ưu tú đã nằm lại nơi đó.

Một chiến sĩ gái trẻ măng, xinh đẹp, trắng ngần trước khi tắt thở đã bầm bập ôm lấy trung đội trưởng của mình vốn là sinh viên năm thứ ba ngành cầu đường Trường Đại học giao thông, trút lời trăng trối cuối cùng: "Anh ơi! Đừng quên em! Sau này hãy về nói với mẹ em... Anh đừng bao giờ quên em!...". Nơi ấy thuộc Trường Sơn Tây! Nơi ấy rừng núi bạt ngàn. Nơi ấy trùng lai bất tận!

Có vé máy bay đi Buôn Ma Thuột. Minh báo tin vui và suốt đêm ấy IIlít Ivanôvít không ngủ, ông trăn trở, ông nằm rồi lại đứng lên, bước tới bước lui. Rõ ràng trong đầu ông đang gập ghềnh bao nhiêu ý nghĩ. Có thể ông là một trong những người nước ngoài khao khát hiểu biết về con đường Hồ Chí Minh và Trường Sơn của chúng ta. Và chắc chắn ông là một trong những người có thiện ý nhất bỏ thời gian công sức tìm hiểu về con đường kỳ diệu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Ông dậy rất sớm. Cùng với phiên dịch ông sắp xếp hành lý, ông đứng đợi ô tô ở cửa nhà khách. Hai má ông đỏ lên ấy vậy mà suốt chặng đường ra sân bay và quá trình tới Buôn Ma Thuột ông hầu như không nói câu nào. Tưởng như ông mệt. Nhưng rồi ông đã thì thầm:

- Tôi đang hoang mang. Tôi mong đợi đến Buôn Ma Thuột và bây giờ đang đứng chân ở nơi đây cùng với các bạn thì trong đầu xoáy lên với bao câu hỏi: Đường Hồ Chí Minh như thế nào? Có điểm xuất phát rực rỡ cờ bay và điểm cuối cùng huy hoàng nắng mới như tưởng tượng hay không? Những người con của các dân tộc Tây Nguyên tham gia gùi hàng bây giờ ở đâu? Các bạn có thể nhanh chóng giúp tôi tiếp xúc được chăng?

Nói rồi nhà văn im lặng. Tâm trí ông xôn xao, ông muốn reo lên mà không thể nào nói nổi. Các bạn có biết không? Phải, năm 1973 tôi đã tới đây, đã đứng trên tầng năm của khách sạn Anh Đào này mà nghĩ tới con đường, mà phóng tầm mắt tới tít những cánh rừng tìm hình bóng con đường. Lúc bấy giờ tôi được nhà nước Ba Lan cử làm thành viên phái đoàn kiểm soát và giám sát quốc tế ở Việt Nam. Người ta chọn tôi vì tôi yêu mến Việt Nam, yêu quý các bạn, kính trọng và ngưỡng mộ sự hy sinh vô bờ bến của các bạn. Người ta chọn tôi vì tôi sử dụng được tiếng Anh và tiếng Pháp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #117 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 05:38:27 pm »

Cũng vào dịp này của năm 1973 nhiều ý nghĩa ấy, ông đã nhìn thấy người Ê Đê, Xê Đăng, Gia Lai... gùi hàng, song không phải tiếp tế cho các chiến sĩ đội mũ tai bèo mà là gùi lâm sản vào thị xã bán. Hiệp định hòa bình được ký kết ở Pa ri. Nhưng tiếng súng đâu đã im lặng. Khắp các vùng giáp ranh quân Sài Gòn đang làn chiếm.

Ngay nơi đây, khi phái đoàn quân sự Việt Nam dân chủ cộng hoà vừa dừng trước của khách sạn thì những người chống đối do Sài Gòn tổ chức tiếp đến bao bây. Họ hô vang các khẩu hiệu đả đảo Bắc Việt xâm lược. Những kẻ quá khích vì hằn thù hay vì được trả tiền không rõ nữa xông thẳng tới chỗ các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đã có mặt. Chúng tôi cùng với những người anh em Hunggari tạo thành hàng rào che chắn đẩy lực lượng kia lui ra.

- Tôi đã chụp ảnh! - Ilít Ivanôvít nói tiếp - Tôi chụp được một thanh niên lao bổ vào hành hung các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Người ta cho tôi biết hắn là dân Phát Diệm di cư năm 1954, vô công rồi nghề, nhưng lại chẳng có gì để mà hằn thù với Việt Cộng. Chẳng có ai trong gia đình bị quân đội cách mạng xử lý, được trả tiền đủ nhậu nhẹt cho một tuần là hắn hành động. Chính hắn đã cố gắng lấy ve áo của một đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam định giật đứt quân hàm. Các bạn có biết không? - Hắn đấy? Tôi đã thấy hắn ban chiều trước cửa khách sạn Anh Đào. Mười mấy năm rồi nhưng tôi không quên cái mũi khoằm và cằm râu ngày càng tua tủa của hắn. Hắn làm gì ư? - Chữa xe đạp! Chính hắn? Tôi hỏi: Sống thế nào.." - "Bình thường". "Chính quyền mới có gây gì khó dễ cho anh không?". Hắn trợn mắt: "Tôi là cái thá gì mà họ gây khó dễ?" - "Chẳng là cái thá gì cả nhưng có thể do anh cộng tác với chế độ cũ. Hắn lừ mắt nhìn tối gầm gừ: "ông đi đi...". Rồi quát: "Biến!". Nhưng tôi không biến mà chính hắn lại lặn mất tăm sau tiếng quát to.

Công việc được tiến hành và Ilít Ivanôvít không nghỉ, ông làm việc suốt buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều. Có lần Minh đề nghị dọn món ăn ngay lúc ông còn mải mê ghi chép bởi chỉ có thế mới kéo ông tới bàn ăn được..

Đứng ở công trường xây dựng thủy điện Đrây Hơ Linh, ông hết ngắm nhìn các chiến sĩ của Trường Sơn hôm qua giờ đang phá đá lại loanh quanh quan sát thác nước giội trắng xóa chân rừng. Tây Nguyên đó Ilít ơi? Tây Nguyên của chúng tôi ở đâu cũng có rừng già bạt ngàn và thác đổ trắng xóa.

Tây Nguyên có đất đỏ ba dan làm cho hiếm có nơi đâu như ở đây, cây cà phê, cây đậu, cây lạc, sinh trưởng vội vàng và cho các chất dinh dưỡng phong phú. Tây Nguyên nay mai sẽ bạt ngàn những cánh rừng cao su cung cấp nguồn nhựa thiên nhiên giàu có và chất lượng nổi tiếng thế giới.

Một sĩ quan trẻ đang gắng gượng nói chuyện với Ilít Ivanôvít bằng tiếng Nga. Rồi họ ôm chầm lấy nhau. Minh tiến lại, ông chợt nhận ra người cán bộ dưới quyền mình ngày xưa trên đèo Phu Ắc.

- Trời ơi? - ông reo lên - Hóa ra là mày. Tao đang tìm hỏi xem mày đang ở đâu bây giờ?

Sĩ quan trẻ luống cuống:

- Ôi, anh đấy ư! Em đang ở trước mắt anh đây chừ còn đâu nữa. Thông đèo Phu Ắc em theo anh về Lằng Khằng, rồi Tây Nguyên, rồi tới Lộc Ninh và Sài Gòn giải phóng. Em chia tay anh đi học và bặt tin nhau. Sau những năm dài bên nước bạn em lại về nơi đây. Ngày xưa mở đường. Giờ đây làm thủy điện.

Líu ríu mãi Minh mới chợt nhớ ra

- Ngân thế nào? Tâm có thực hiện được lời hứa với người đã khuất không?. 

Sĩ quan trẻ nắm chặt lấy đôi bàn tay của người chỉ huy đứng tuổi:

- Thực hiện trọn vẹn. Mà này, em có vợ rồi. Anh mừng cho em đi. Vợ em tên là Ngà giống Ngân như đúc. - Giọng Tâm bỗng chìm đi, trầm lắng - Chuyến về phép đầu tiên em tìm đến nhà Ngân ở gần lèn Hai Va nhưng thuộc huyện Yên Thành. Anh dân Bắc nhưng chắc quá quen với vùng ấy Vừa đến cửa nước mắt em đã ứa ra. Mẹ Ngân khóc òa lên. Em ở lại đêm ấy với gia đình mẹ. Ba hôm sau em lại đến thăm mẹ. Rồi em đến thường xuyên. Trước khi đi nước ngoài ăn học mẹ đứng ra làm đám cưới cho em và Ngà. Chỉ canh cánh một điều chưa có dịp sang Phu Ắc đưa đồng đội của chúng ta về. Đành rằng việc ấy nhà nước lo nhưng cũng là tình cảm thiêng liêng của mỗi chúng ta với bạn bè nằm xuống.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #118 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 05:39:04 pm »

Ilít Ivanôvít chụp ảnh, ông chụp nhanh thời khắc hiếm có. Hai người lính Trường Sơn xưa gặp nhau trên cương vị mới. Công trường thủy diện Đrây Hơ Linh mở ra bát ngát trên một đoạn sông dưới chân rừng. Cạnh đó là trạm thủy điện do Nhật Bản làm tặng chính quyền Ngô Đình Diệm dưới danh nghĩa bồi thường chiến tranh thời đất nước còn đang chia cắt. Chiến sĩ Trường Sơn hôm nay đang dùng choòng phá đá, ngăn sông, đắp đập, đem ánh sáng về cho đất nước mà trước tiên là chính núi rừng Trường Sơn.

Ivanôvít nhìn quanh. Rõ ràng ông đang bâng khuâng tìm hình bóng con đường. Những ngày trong ban liên lạc bốn bên sĩ quan Thiệu luôn chỉ vào cánh rừng quanh Buôn Ma Thuột và nói: Việt Cộng ở kia? Đường Hồ Chí Minh chạy thế kia?... Bày vẽ vậy chứ chính họ cũng chẳng rõ Việt Cộng ăn ở ra làm sao (ngoại trừ những sĩ quan trong ban liên hợp) và con đường tỏa nhánh thế nào, bởi bén mảng tới đó họ sẽ chẳng tồn tại hay chẳng còn là họ nữa.

Ông mường tượng ra nước Việt Nam kéo dài từ Bắc xuống Nam. Rặng Trường Sơn hùng vĩ ngăn giữa Việt Nam và Lào. Đường Hồ Chí Minh dọc theo những đỉnh núi chót vót hàng ngàn cây số và tỏa nhánh về phía đông, về phía tây vòng tránh qua hàng trăm vùng gọi là điểm tắc, qua suối qua sông, qua bao ghềnh thác ầm ầm lũ thét, bom đạn thù dù có ngàn ngàn cũng không thể nào chặn nổi, biệt kích các loại, cả lính chính quy ở những trận càn lớn nhỏ, cả cây nhiệt đới cùng các loại phương tiện nghe nhìn hiện đại cũng không ngăn nổi dòng thác chiến sĩ cùng trang bị vũ khí vào chiến trường kiên quyết giải phóng miền Nam.

Nhà văn chan hòa với những người lính Trường Sơn năm xưa và thế hệ lính Trường Sơn hôm nay. Rồi ông ngẩn ngơ nhìn ngó dường như đang tự hỏi xem đường Hồ Chí Minh chạy qua chỗ nào? ông sẽ được đưa đi Plây Cu, Kom Tum, sẽ đến Đắc Tô, Tân Cảnh, sẽ qua Đắc Pét, sẽ tới dòng sông Pô Cô ghi mãi bóng dáng người anh hùng lái đò A Sanh - Minh hứa với ông như vậy - Nếu không ngược lên được A Sầu, A Lưới, Lao Bảo, Làng Ho... thì sẽ được nghe giới thiệu trên sa bàn.

Trăn trở lắm phải không? Hồi hộp lắm phải không? Nghề viết thiếu những tháng ngày xúc động bồn chồn thì sao thành tác phẩm được. Cứ day dứt đi. Cứ ngợp ngạo suy nghĩ đi. Con đường vĩ đại ấy đâu còn là những vết mòn. Từ những tháng ngày đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ tàn ác ở miền Nam nó đã vươn lên thành đại lộ Hồ Chí Minh. Nhiều đường ngang nối chúng lại với nhau. Rất nhiều đường nhánh. Rất nhiều đường vòng tránh, hàng ngàn cây số. Hàng vạn cây số.

Rồi đường ống dẫn dầu chạy song song với nó. Hàng trăm cây số đường sông đường suối bổ trợ cho nó. Kênh nhà Lê ở Thanh Hóa - Nghệ An, ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh, cảng Gianh ở Quảng Bình, rồi Khe Rinh, Khe Tang, Cổng Trời, Cha Lo... Những tên sông, tên núi, tên làng, chỉ cần đọc tới đã gợi bao kỷ niệm xôn xao hàng triệu con người về những năm tháng chiến đấu gian khổ.

Ilít Ivanôvít ơi! Đường Hồ Chí Minh đâu phải chỉ xuất phát từ Quảng Bình hay Nghệ An? Nó đâu phải chỉ đến Chơn Thành hay Lộc Ninh là đầu mút cuối cùng. Đường Hồ Chí Minh xuất phát từ Hà Nội - Thủ đô của đất nước chúng tôi, từ Việt Bắc - căn cứ địa thần thánh của cách mạng Việt Nam - con đường lịch sử ấy có từ ngày lãnh tụ kính yêu của đất nước chúng tôi kêu gọi "dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập" và "chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Đường phố Buôn Ma Thuột đông vui. Ilít Ivanôvít không hề quan tâm tới cà phê nổi tiếng của Cao Nguyên và cả đất nước Việt Nam mà chỉ chú ý đến những con người. Sau khi gặp các nhà lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh, nhà văn không về nhà nghỉ mà lang thang trên phố, ông ngó qua các quán hàng, ông hỏi qua thứ này thứ khác.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #119 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 05:40:20 pm »

Ông đột ngột dừng lại ở gốc cây có một tốp thanh niên nam nữ đang ôm đàn đứng đó. Họ ngăm ngăm đen. Họ mặc quần áo các dân tộc ít người. Ilít xán lại, ông hỏi, ông tiến hành một cuộc phỏng vấn lý thú và kéo dài: "Cháu dân tộc gì?", "Học lớp mấy?", "Học bằng tiếng Kinh hay tiếng Ê Đê?" "Hôm qua tôi đã dự buổi biểu diễn văn nghệ của các cháu. Tôi có quyền tự hào là một trong những người Ba Lan đầu tiên được xem các dân tộc ít người ở Việt Nam biểu diễn văn nghệ. Hay không à? Hay chứ! Vui chứ! ở chỗ các cháu Phun Rô còn hoạt động hay không? Và Này nhớ, con đường Hồ Chí Minh có đi qua làng bản của các cháu hay không?".

- Gần lắm.

- Gần à?

- Cách mấy cây số?

- Chừng dăm cây ạ.

- Nó như thế nào?

Cô gái đỏ mặt cười. Tội nghiệp cho em. Em biết trả lời cách răng khi có người hỏi con đường là như thế nào. Lỗ Tấn đã nói trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi. Lẽ tất nhiên con đường ấy không thể có nhựa bê tông phẳng lì. Lại càng không thể có đèn thủy ngân cao áp ở hai bên. Đó là một vạt đồi được chặt quang và bạt đất để xe ô tô lăn bánh chở mọi thứ phục vụ cho miền Nam chiến đấu. Địch đánh bom. Địch tung biệt kích. Địch đổ quân lấn chiếm. Nhưng con đường chẳng những còn đó mà đẻ nhánh chi chít núi rừng.

Một ngày tham quan thú vị dành cho nhà văn Ba Lan. Xe bon nhanh. Cao nguyên Buôn Ma Thuột mở ra bát ngát. Đất màu nâu xậm. Những dải đồi cao su và cà phê hút tầm mắt đến tận chân trời. Đi nhiều nơi trên thế giới nhà văn thấy ở đâu có lớp ba dan mầu mỡ như nơi đây hay không? Và kia là những cánh rừng nguyên thủy ngút ngàn.

Sự hùng vĩ của Tây Nguyên đã tạo ra những con người dữ đội về tính cách và những trường ca dân gian bất tử: Đam San, Xinh Nhã... Đó là khát vọng vô tận của con người về khả năng chế ngự thiên nhiên, về tình yêu chung thủy và cả sự phản kháng với chế độ mẫu hệ từ thời xa xưa vẫn còn tồn tại.

Xin nhà văn hãy lắng nghe bà mẹ Ê Đê ru đứa con mới lọt lòng: "Lớn lên, con bước đi hoa cỏ rừng cây mở lối. Con voi không dám nghênh ngang trước mặt. Con hổ không dám len lén theo sau. Con lên dốc núi trở thành đất bằng. Tiếng con vang như suối...

Có ở đâu con trai đang yêu mơ biến thành muỗi để lúc nào cũng có thể vo ve bên tai hoặc châm đốt người bạn gái hay không? ở đâu con trai mong biến thành cá để lúc nào cũng có thể lượn quanh bạn gái mỗi khi em xuống suối tắm rửa hay không?"

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM