Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 09:50:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xuân giải phóng  (Đọc 41519 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #160 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 08:23:26 pm »

 
        Tan họp, mọi người ra về. Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, một vài anh em trong phòng tác chiến và tôi còn nán lại một lúc. Đồng chí Hiền nói:

        - Chúng mình còn phải chọn một cát tên cho chiến dịch này. Có người hỏi:

        - Cái tên chiến dịch “Sài Gòn-Gia Định” chưa được à?

        - Các anh trong Bộ tư lệnh chỉ thị: phải chọn một cái tên khác, cho có ý nghĩa hơn.

        Ở rừng Lộc Ninh, cây thưa, không bị bóng núi che khuất, như trên dải đất miền Trung, nên hoàng hôn đến chầm chậm. Anh em ra về, một mình tôi ngồi lại trong phòng, mải mê nhìn lên tấm bản đồ quyết tâm treo trước mặt, muốn xem kỹ lại một lần nữa những ký hiệu, phù hiệu; những mũi tên xanh, đỏ vẽ trên tấm bản đồ, xem đã thật đúng với ý định của cấp trên chưa.

        Đồng chí trợ lý phòng tác chiến ở phòng bên, chạy sang báo cho biết: có điện thoại ở thị trấn Lộc Ninh báo về; là chiều này, đã có người thấy thiếu tướng Nguyễn Hoà và thiếu tướng Hoàng Minh Thi, tư lệnh và chính uỷ Quân đoàn Quyết Thắng, đang hỏi thăm đường vào sở chỉ huy. Tôi nhẹ nhõm cả người. Lúc này mà “tóm áo” được hai đồng chí này thì hay tuyệt; vì mấy ngày hôm nay, từ Bộ tư lệnh chiến dịch đến các cơ quan ở đây đều mong ngóng trông tin của Quân đoàn. Tôi lẩm bẩm: “Thế là kịp rồi!” và lấy bút chì ghi nhàn nhạt phiên hiệu các sư đoàn của Quân đoàn đã được phân công trên hướng đông bắc, từ Lai Khê đến Bộ Tổng tham mưu.

        Đèn bật lên lúc nào không biết, thấy còn sang sáng, cứ tưởng hãy còn sớm. Ánh sáng đèn ống xanh xanh, dìu dịu hắt lên tấm bản đồ, làm nổi rõ ảnh Bác treo ở phía trên. Tôi nghĩ thầm: chọn một cái tên cho một chiến dịch thì có gì là rắc rối? Thường thì sau khi đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, người ta mới làm đến việc này. Từ trước tới nay, tôi cũng đã từng làm việc này rồi: hoặc là chọn tên chiến dịch theo thời gian: chiến dịch Xuân, Hè, Thu, Đông năm nào đó; hoặc là theo không gian: Chiến dịch Quảng Trị, chiến dịch Tây Nguyên. Đây chỉ là một cái tên riêng, còn ý nghĩa thế nào thì do nội dung và kết quả của chiến dịch, chứ cái tên thì có quan hệ gì lắm đâu: Bạch Đằng, Chi Lăng sở dĩ được ghi vào sử sách là vì do những chiến thắng ở những nơi ấy đã làm cho lịch sử của dân tộc ta sang trang, nếu không thì cũng chỉ là một địa danh như trăm nghìn địa danh khác. Tết Mậu Thân mà tiếng tăm còn lưu lại, là do cuộc tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất của năm ấy, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh; nếu không, thì cũng chỉ là năm tháng thông thường thôi. Chọn tên cho chiến dịch theo kiểu đó, thì có gì mà phải đắn đo, suy nghĩ.

        Tôi đâm ra bực với mình, chỉ có một việc giản đơn như vậy mà nghĩ mãi vẫn chưa ra. Nhưng càng nghĩ, càng thấy khó.

        Tôi lại nhìn lên bản đồ quyết tâm, Tổ quốc ta dài thật. Các đồng chí ở phòng tác chiến đã dùng bút chì đỏ, tô đậm con đường mang tên Bác. Một sợi chỉ hồng xuyên suốt từ Bắc chí Nam. Con đường ấy, cách đây 12 năm, bác đã vạch ra. Tôi còn nhớ như in hình ảnh của Bác, cầm cái bút chì gõ nhè nhẹ lên tấm bản đồ nổi, nghe đồng chí Võ Bẩm và tôi báo cáo tình hình đường sá. Con đường mang tên Bác dẫn đến thành phố mang tên Bác. Như một người học trò vừa tìm được đáp số của bài toán khó, tôi ghi vào sổ công tác: “Chiến dịch giải phóng thành phố Hồ Chí Minh”.

        Tiếng ve rộn rã lúc hoàng hôn đã tắt tự bao giờ. Tôi đứng dậy, bước ra sân. Đồng chí cảnh vệ, thập thò cạnh cửa hỏi:

        - Thủ trưởng chưa về ăn cơm à?

        - Không. Tôi còn làm việc. Chốc nữa sẽ cho cuốn bản đồ lại.

        Trăng thượng tuần lơ lửng trên vòm cây. Nhưng dòng ánh sáng xuyên qua kẽ lá, yếu ớt, vừa đủ đọng lại trên mặt đất những điểm trắng nhạt. Cả khu rừng như được khoác một tấm da báo khổng lồ, đang lay động nhè nhẹ, trước cơn gió từ phương đông thổi đến. Thoang thoảng có mùi thơm hoa rừng.

        Đang đắc chí, tôi bỗng trở lại trầm ngầm. Thì ra cái tên vừa chọn được vẫn chưa thoát ra khỏi nếp suy nghĩ cũ. Thành phố ấy, mặc dù mang tên Bác, vẫn chỉ là một không gian như các nơi khác: Huế-Đà Nẵng v.v… thì ý nghĩa ở chỗ nào?

        Lâu ngày làm công tác ở Bộ Tổng tham mưu, tôi rất biết tính của anh Tuấn: viết, nói, phải ngắn gọn, chặt chẽ; nhất là đối với các văn kiện. Trước đấy, đã có lúc, anh bỏ cả tiếng đồng hồ ra để hướng dẫn cho chúng tôi một câu ra lệnh báo động phòng không, phải cân nhắc kỹ để không thừa, không thiếu một chữ; người nghe không hoảng hốt, vội vàng; mà cũng không thể chần chừ, chậm chạp. Bây giờ, với một cái tên chiến dịch, dài những chín từ, thì chắc là khó được cấp trên chấp thuận. Lại cũng một lẽ nữa, là vấn đề giữ bí mật quân sự. Đành rằng đến ngày hôm nay, 12 tháng 4 năm 1975, mọi người đều biết ta sẽ đánh vào Sài Gòn-Gia Định, nhưng làm công tác tham mưu, có bao giờ được phép nói trước việc mình sắp làm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #161 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 08:25:17 pm »


        Không thể lấy thời gian, không thể lấy không gian, tôi nghĩ đến việc lấy tên Người. Trong kháng chiến chống Pháp trước kia, chúng ta cũng thường làm như thế: Chiến dịch Quang Trung, chiến dịch Hoàng Hoa Thám v.v… Thậm chí ở Liên khu 5 lúc bấy giờ, trên cương vị tham mưu trưởng Liên khu, tôi cũng đã từng lấy tên các đồng chí lãnh đạo, còn sống, để đặt tên cho các chiến dịch. Cũng xin thú thực rằng, nhận thức chính trị của tôi lúc bấy giờ còn rất nông cạn, chưa hiểu, chưa hề tính đến cái ý nghĩa của một cái tên. Có những chiến dịch thành công, có những chiến dịch không thành công, cái tên là cái tên, giữa con người và chiến dịch không có một gắn bó gì mật thiết, ghép nhau lại để cho có một cái tên riêng, để sau này dễ phân biệt mà thôi.

        Trên bản đồ quyết tâm, ở khu vực Sài Gòn - Gia Định, nhiều mũi tên đỏ đâm thẳng quả tim của thủ đô ngụy, nhưng mới đậm nét đến Chơn Thành phía bắc Sài Gòn. Tim tôi bỗng thắt lại. Tôi nhìn lên bức ảnh: đường mang tên Bác mà Bác chưa được đi trên con đường ấy. Đã có lần trên đã có lệnh phải chuẩn bị cho Bác đi. Xe cộ đã sẵn sàng, người phục vụ đầy đủ, nhưng rồi lại thôi. Có ai như Bác đi, từ Sài Gòn ra Hà Nội mà phải vòng quanh cả quả đất, từ bến Nhà Rồng ra đi, vượt qua muôn núi nghìn sông, hết mấy mươi năm trời lặn lội trong phong ba bão táp. Bác trở về đất mẹ, vẻn vẹn một nắm đất trong tay, nhưng mang trong người chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng để làm vũ khí cứu nước cứu dân. Cho đến lúc từ giã chúng ta ra đi. Người vẫn chưa khép kín được hành trình. Đây là điều Người còn bịn rịn và mỗi chúng ta đều ân hận: không làm thế nào để rút ngắn cuộc kháng chiến được năm bảy năm, để người được toại nguyện:

                                       Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
                                       Miền Nam mong Bác nỗi mong cha…


        Nhìn lên ảnh Bác, tôi nhớ từng lời, từng cử chỉ nhỏ của Người. Trong những năm chiến tranh phá hoại, từng thời gian tôi được phép sang báo cáo với Bác tình hình chiến sự; khi ở phòng làm việc, khi ở trước sân, và có khi ở ngay trước cửa hầm trú ẩn. Có lần, sau hồi còi báo an, tôi dìu Bác từ dưới hầm lên, áp đầu dưới vòng tay của Bác. Tai tôi nghe rất rõ tiếng tim đập của Người. Mỗi lần làm việc xong, Bác thường cho hộp thuốc lá, mang về chia cho anh em trong Cục. Mỗi lần đi xa về, Bác thường có quà cho cán bộ, chiến sĩ trong Cục tác chiến: mấy gói kẹo, mấy quả lê, táo và không bào giờ quên món quà thuốc lá.

        Lời phát biểu của đồng chí Phạm Hùng lúc ban chiều: “Làm sao đến lúc kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta có mặt được ở Sài Gòn” hãy còn văng vẳng bên tai. Tôi tính nhẩm: còn 38 ngày nữa mới đến ngày sinh nhật của Người. Các binh đoàn đang lần lượt tiến vào khu tập kết. Bộ Chính trị đã phê chuẩn: ngày 27 tháng 4 bắt đầu nổ súng. Làm thế nào kết thúc được trong tháng Tư? Từ ngày Bác gieo hạt giống cách mạng vào đất nước, tháng Nam đã trở thành một tháng độc đáo, có rất nhiều sự kiện lịch sử. Mồng một: Quốc tế lao động; mồng bảy: chiến thắng Điện Biên Phủ; 19: sinh nhật Bác. Và sẽ đến ngày nào đấy: giải phóng hoàn toàn đất nước? Về thời gian, cũng như về không gian, chiến dịch sắp đến phải gắn liền với tên tuổi của Bác. Người tôi nóng ran, bàng hoàng, xúc động. Ngước mắt nhìn lên thấy Bác trong khung ảnh, thanh thản lạ thường. Mái tóc bạc phơ viền quanh cái trán rộng, như một vầng hào quang toả sáng; đôi mắt sáng với cái nhìn hiền dịu bao dung. Bác đang giơ cao tay, vẫy gọi cháu con. Tay Người với ra tận Trường Sơn, vượt trên núi rừng trùng điệp, giục giã đoàn Quân Tiên phong, Quân đoàn Tây Nguyên đang lao như tên bắn phía trước, bất chấp nắng mưa dãi dầu. Rừng núi đang chuyển mình. Tay Người với ra tận Khu 5 dằng dặc trên biển Đông xa xôi, thôi thúc Quân đoàn Hương Giang, bộ đội Khu 5, bộ đội Hải quân đạp bằng mọi trở ngại, chông gai dọc đường, thần tốc về đây; tay Người với xuống đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, bắt nhịp cho quân và dân những nơi này nổi dậy với khí thế triều dâng, thác đổ, nhận chìm cơ đồ của Mỹ Thiệu đã xây dựng từ bao nhiêu năm nay, trên mảnh đất thân yêu này, để nhanh chóng về họi sư tạ Sài Gòn-Gia Định; tay Người dang rộng ra miền Bắc, thúc đẩy hậu phương lớn, dồn ra tiền tuyến lớn, tất cả những gì quý nhất, tốt nhất, đảm bảo đầy đủ cho trận quyết chiến cuối cùng này. Người đứng đó như một nhạc trưởng, mà nhạc công là toàn thể dân tộc Việt Nam, và bản giao hưởng phát ra lại có một sức mạnh tổng hợp lay trời chuyển đất:

        Ý nghĩa của một cái tên, như Bộ tư lệnh chiến dịch đã hướng dẫn, không phải chờ cho đến lúc đánh xong rồi, chiến thắng vang dội rồi, tổng kết, mới nhận ra được như trước đây có lần ta đã làm; mà ngay từ bây giờ, trong thời kỳ chuẩn bị hết sức khẩn trương này, cái tên ấy phải có một ý nghĩa, phải có một sức mạnh kỳ diệu, làm chấn động lòng người.

                                       Thám Mười đẹp nhất hoa sen
                                       Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #162 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:31:43 am »


        Tôi lại giở sổ công tác, lấy bút chì gạch bốn từ: “giải phóng thành phố” và tô đậm nét “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Công việc hãy chưa xong. Bài toán đã tìm ra đáp số, còn phải thử đi thử lại nhiều lần. Với tất cả người Việt Nam chúng ta, tên Bác thiêng liêng quá. Nói về mục đích, ý nghĩa, quy mô của chiến dịch, thì xứng đáng được mang tên Bác rồi; nhưng còn phải cân nhắc kỹ: chiến dịch phải bảo đảm chắc thắng trăm phần trăm và quán triệt tư tưởng, đạo đức, chữ “nhân” của Người.

        Khi chiều, đồng chí Lê Đức Thọ đã truyền đạt quyết tâm của Bộ Chính trị: trận này không thắng, không trở về. Cũng như tất cả anh em trong cơ quan tham mưu chiến dịch, tôi tuyệt đối tin tưởng vào chiến thắng sắp đến. Với cái thế quân sự, chính trị như bây giờ, với cách bố trí lực lượng trên các cánh, với cách giải quyết các mục tiêu, với sự chuẩn bị về mọi mặt, thì chính quyền Sài Gòn ngày càng bị trói chặt, như con cá nằm trên thớt mà thôi. Sáu mũi tên, như sáu mũi kiếm, nhọn, sắc và rất mạnh, thế nào cũng chọc được vào đến hang ổ cuối cùng là dinh Độc Lập; thời gian dứt điểm có thể nhanh chậm, trước sau chút ít mà thôi. Bác ơi! Cháu con của Bác đã thực hiện đầy đủ bốn điều “nhất định” mà Bác để lại khi ra đi: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi; đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta; Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất; đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

        Nghĩ đến tư tưởng, đạo đức của Bác, tôi còn có chỗ lo lo. Tư tưởng của Bác cao vời vợi, đạo đức của bác trong sáng như pha lê. Tất cả chúng ta đều biết tấm lòng thương yêu, độ lượng không bờ bến của Người đối với đồng bào miền Nam nói chung và đồng bào Sài Gòn-Gia Định nói riêng, “Miền Nam ở trong trái tim tôi”. Làm thế nào để trong chiến dịch lịch sử này, tránh được mọi điều va vấp, tránh được tên bay, đạn lạc cho đồng bào, để mãi mãi sau này, mỗi lần nói đến chiến thắng mang tên Bác, mọi người dân Việt Nam đều thấy vinh dự tự hào, mọi gia đình đều không chút bận lòng, thương tiếc.

        Tôi đặt nhiều tin tưởng vào kế hoạch tác chiến cụ thể đối với từng mục tiêu; tôi càng tin tưởng vào trình độ kỹ chiến thuật của các đơn vị; và biết rằng từ Tết Mậu Thân đến này, đồng bào ở đây đã kinh qua khá nhiều lần thử thách, đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm, không phải chỉ trong đấu tranh chống địch, mà cả trong công tác phòng tránh, để tự bảo vệ mình nữa. Bốn triệu dân Sài Gòn sẽ được bình yên.

        Sáng hôm sau, đồng chí Lê Ngọc Hiền, vừa thấy mặt, đã hỏi ngay. Nghe báo cáo xong, đồng chí trả lời ngay như đã suy nghĩ từ trước:

        - Tán thành: chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Các đồng chí Út Thới, Sáu Long, nguyên Tuyến, Hoàng Dũng, đứng bên cạnh, nhất trí với đề nghị. Báo cáo lên Bộ tư lệnh, cũng được chấp thuận và lập tức điện xin ý kiến Bộ Chính trị. Ngày 14 tháng 4, được trả lời:

        Đồng ý, tên chiến dịch sắp đến là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #163 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:35:33 am »

         
Chương 23

SỐNG GIỮA QUÂN THÙ

        Trên hướng tiến công của Quân đoàn Tây Nguyên, lực lượng đối phương còn như sau: sư đoàn 25 bộ binh có đầy đủ 3 trung đoàn; hai liên đoàn biệt động quân, liên đoàn công binh, hai vạn tân binh ở trung tâm huấn luyện Quang Trung. 20 tiểu đoàn bảo an của các tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Gia Định và mấy chục vạn phòng vệ dân sự. Về pháo binh thì còn những 86 khẩu cỡ từ 105 đến 175 ly. Trong tung thâm, ở sân bay Tân Sơn Nhất có sư đoàn 5 không quân, bộ tư lệnh dù. Chiều sâu phòng ngự kéo dài đến gần 100 cây số: từ Tây Ninh đến Sài Gòn.

        Từ hôm nhận nhiệm vụ về, hai ngày sau, Bộ tư lệnh Quân đoàn hạ quyết tâm lần cuối cùng, giao nhiệm vụ cho sư đoàn 316, sư đoàn 320A và các binh chủng, cơ quan. Vẫn thiếu mặt sư đoàn 10, đơn vị sẽ làm nhiệm vụ chủ yếu của Quân đoàn trên hướng tiến công chủ yếu. Ở các quân đoàn và một số sư đoàn khác, hoàn cảnh cũng tương tự như thế: địch thì đông, công sự thì kiên cố, chiến trường thì mới lạ, mà thời gian chuẩn bị lại quá ít. Sự khủng hoảng về sơ đồ, yếu đồ, làm cho công tác nghiên cứu càng thêm khó khăn, vất vả. Chỉ huy một tiểu đoàn tiến công trong hành tiến vào đối phương đã đề phòng, có công sự, có hoả lực được tổ chức mạnh mẽ, rất chặt chẽ đã là rất khó rồi - nhất là trong việc nắm quân, hợp đồng hoả lực, chỉ huy một trung đoàn tất nhiên càng khó khăn hơn nhiều, huống gì bây giờ, tất cả các sư đoàn, quân đoàn, đều vừa hành tiến, vừa đánh, lại còn phải vượt qua hệ thống sông ngòi chằng chịt, thì thật là không đơn giản tý nào. Mấy ngày gần đây, địch dùng máy bay đánh phá ác liệt khu vực Dầu Tiếng, ném bom phá cầu Bến Củi, nhằm không cho ta đưa được lực lượng lớn qua phía tây sông Sài Gòn. Nhưng nỗi lo lắng của Bộ tư lệnh quân đoàn lại không phải là vấn đề vượt sông, cầu bị đánh sập thì ta có phà của công binh, mà cái chính lại là vấn đề bí mật tập kết bộ đội. Hàng mấy vạn quân, nằm thòn lọn trong một khu vực hẹp, ngang dọc chỉ có mấy cây số, địa hình lại trống trải, trong tầm bắn của gần 100 khẩu pháo lớn. Một quả đạn bắn vu vơ, rơi vào đầu cũng có thể gây ra thương vong. Ngày 20 tháng 4, trung đoàn 174 được bộ đội địa phương, dân quân du kích và đồng bào Tây Ninh dẫn đường, bất ngờ đánh chiếm và làm chủ một đoạn đường bảy cây số trên quốc lộ 22 từ Cẩm An đến Bến Mường. Nhận thấy nguy cơ toàn bộ trung đoàn 49 Việt Nam Cộng hoà và các lực lượng khác ở Tây Ninh, Bến Kéo, Cẩm Giang, Trà Vo bị cắt rời với tuyến phòng thủ tây-tây bắc Sài Gòn, địch tập trung máy bay,pháo binh, lồng lộn đánh vào hướng trung đoàn 174. Nhờ có lưới lửa dày đặc, khá chính xác của trung đoàn cao xạ 232, luôn luôn bám sát đội hình, nên trung đoàn bộ binh này được bảo vệ tốt, ít bị thương vong.

        Cũng chính đêm hôm ấy, trung đoàn 7 công binh đã ghép được 2 phà 50 tấn, một ở Bến Củi, một ở Bến Tranh. Trong một đêm toàn bộ xe tăng, pháo binh, cao xạ đều vượt qua sông, bí mật tiến vào vị trí tập kết. Ba ngày sau, khi các cụm pháo binh của quân đoàn, sư đoàn đã chiếm lĩnh xong trận địa, hoàn thành mọi công tác đo đạc, thiết bị, bão lửa mới bất thình lình dội xuống các căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, Gò Dầu hạ... Theo lý thuyết, trong chiến đấu phòng ngự, một khẩu pháo đặt trong công sự hiệu lực bằng ba khẩu đặt ở ngoài; nhưng trong cuộc đấu pháo mấy ngày liền này, tỷ lệ đó lại ngược hẳn lại: những trận địa pháo cố định của đối phương ở trong các cứ điểm là những mục tiêu rất ngon lành, dễ phát hiện, còn pháo của ta thì lưu động bên ngoài hết trận địa này, lại chuyển sang trận địa khác. Cho nên cả 11 trong tổng số 18 trận địa pháo bị diệt trong một thời gian rất ngắn; số còn lại, thì bị tê liệt hoàn toàn. Trung đoàn pháo binh 40 đã lập công xuất sắc: bằng 48 quả đạn, hai tiểu đoàn 2 và 3 đã diệt gọn 3 trận địa pháo cố định ở Trảng Bàng và Động Chùa.

        Phát huy lợi thế mới tạo ra được, sư đoàn 316 dâng đội hình lên. Trung đoàn 174 áp sát đường quốc lộ, tiểu đoàn 1 của trung đoàn 148 bí mật đóng chốt ở Phước Mỹ, một tiểu đoàn của trung đoàn 149 đứng ở đông Trảng Bàng. Bộ tư lệnh sư đoàn tập trung số còn lại, nắm chắc trong tay, sẵn sàng cơ động, tiêu diệt bất cử kẻ địch từ đâu đến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #164 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:37:34 am »


        Như vậy là thế phòng thủ hướng tây bắc Sài Gòn-Gia Định đã bị suy sụp. Âm mưu của địch co sư đoàn về để tăng cường cho cái lá chắn Đồng Dù không thực hiện được. Thủ đô Sài Gòn-Gia Định nổi lên như một ốc đảo, ba bên bốn bề, cách biệt với thế giới bên ngoài bằng đường bộ; vì cùng trong thời gian này, trên hướng tây, quốc lộ 4, cũng bị cắt vụn thành nhiều đoạn.

        Thế nhưng, đối với một số chính khách Sài Gòn, tình hình vẫn chưa đến nỗi bế tắc. Họ còn có nhiều cách, nhiều đường để cứu vãn một sự sụp đổ chắc chắn đang giáng xuống đầu họ. Một tia hy vọng bật loé lên từ góc sân bay Tân Sơn Nhất.

        Đây là một dãy nhà làm tạm của Mỹ, đã quá niên hạn, nằm nép trong một góc sân bay. Cạnh đấy là những nhà cao cửa lớn của Mỹ vừa xây dựng lên để tặng cho bộ tư lệnh không quân làm sở chỉ huy sư đoàn 5, xa hơn một chút, là cơ quan DAO, Lầu năm góc phương Đông.

        Ngày thường, cũng chẳng ai thèm để ý đến nó làm gì. Những lớp rào kẽm gai chăng dày càng làm cho cái trị David này, thêm cách ly với thế giới bên ngoài.

        Những bãi chuối, cây đu đủ, những đám rau xanh mơn mởn, nằm lọt thỏm giữa một khu đất khô cằn, cỏ cũng không mọc nổi, như muốn thách thức với cảnh vật chung quanh. Những thứ ấy lại không chỉ dùng để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời muốn tỏ ra cho những khách khứa hay lai vãng tới đây, phần lớn là nhà báo, phóng viên trong và ngoài nước, biết rằng: chính quyền ngụy Sài Gòn đừng hòng mà cắt đường tiếp tế lương thực, cắt điện, cắt nước như hàng ngày họ doạ dẫm, mỗi khi ta hoạt động mạnh. Ngọn rau, quả chuối, cái bàn, cái ghế, cũng là đề tài tranh cãi giữa bàn hội nghị, có khi kéo dài đến cả tháng trời.

        Có lẽ cũng chỉ có cuộc chiến tranh ở Việt Nam mới có hiện tượng ngược đời như thế này: một phái đoàn quân sự, đông hàng trăm người, do một thiếu tướng làm trưởng đoàn, lại đặt trụ sở ngay ở thủ đô của phía bên kia. Hàng tuần, cũng đọc diễn văn, cũng họp báo, cũng chửi bới nhau chẳng tiếc lời. Ấy thế mà vẫn “song song tồn tại”, năm này qua năm khác. Nguyễn Văn Thiệu và tướng tá của ông ta ghét cay ghét đắng nhóm người ít ỏi này, xem nó như cây gai trước mắt, mẩu xương chặn trong cuống họng, mà vẫn phải cắn răng chịu đựng. Hình thái “cài răng lược” thể hiện trên cả mặt trận ngoại giao, chứ cứ gì ở chiến trường!

        Hàng ngày mặt giáp mặt với đối phương, những người trong phái đoàn ta đã rút ra được một kết luận thực tế: khi nào ở ngoài kia họ càn quét, khủng bố liêm miên, thì ở đây hết cắt điện lại cắt nước, bỏ đi tất cả mọi thứ gọi là ưu đãi, miễn trừ; nhưng ngược lại, nếu ở ngoài kia ta hoạt động mạnh, thì ở trên bàn hội nghị ở trại David này, cũng như ở Paris, họ lại tỏ ra rất biết điều, giảm hẳn những lời nói cộc cằn, những cử chỉ thô lỗ, bảo vâng gọi dạ răm rắp. Đến như trung tướng Dư Quốc Đống, đã có lần làm trưởng đoàn của phía bên kia cũng hạ giọng, nhũn như con chi chi…

        Lại một chuyện kỳ lạ nữa là từ ngày bắt đầu mở đợt tiến công, cái trại David nhỏ bé và tồi tàn này lại trở thành cái ô che cho cả thầy Mỹ lẫn Thiệu: Đã có người rất láu cá, tưởng rằng mảnh đất hằng ngày bị lãng quên này, chắc chắn là nơi an toàn nhất của cái thủ đô nguy nga tráng lệ này, vì pháo binh, rocket của Quân giải phóng, bắn đâu thì bắn, chứ nhất định phải chừa nơi này ra.

        Những ngày tháng 3 năm 1975, chiến sự rộ lên ở Tây Nguyên, họ ban đầu còn làm ra vẻ cứng, bỏ họp, cắt đứt các chuyến bay thường kỳ ra miền Bắc hay ra vùng giải phóng, hăm doạ đủ trò, nhưng hễ “già đòn thì non nhẽ”, càng đánh tới, đánh mạnh hơn, thì những lời nói tục tĩu, những giọng ngang ngược cũng phải gác sang một bên.

        Họ cũng đoán già đoán non rằng thế nào một phái đoàn lớn và quan trọng như thế này, tất nhiên là phải nắm được những ý đồ chiến lược lớn, biết được nhiều tình hình, nên cũng muốn dùng nơi này để làm nơi thăm dò, săn tin. Vẫn tảng lờ như không, phái đoàn ta vẫn giữ nếp sinh hoạt bình thường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #165 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:40:37 am »


        Những cán bộ tham mưu chiến dịch không khỏi có nhiều lo lắng khi làm kế hoạch đánh vào mục tiêu Tân Sơn Nhất. Trên đã chỉ thị: bắn vào đây làm thế nào để tránh được đạn lạc vào chỗ phái đoàn ta và các phái đoàn bạn. Vì vậy phải đo đạc, xác định mục tiêu, tính toán kỹ thuật để chọn được phần tử bắn thật tốt cho từng loại pháo, lực lượng sử dụng phải chọn cách đánh thích hợp. Ở trại David, các đồng chí lại có ý nghĩ khác. Thấy rõ bản chất ngoan cố và những hàng động ngang ngược của họ trong những lần tiếp xúc, nên kế hoạch của các đồng chí hướng về việc đối phó với địch nhiều hơn. Giả thuyết ném bom, dùng chất độc hóa học đánh vào trại, tuy có đề ra, nhưng đều bị loại bỏ nhanh chóng, vì có ai dám bảo đảm rằng những thứ ấy lại không rơi vào cơ quan DAO, bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân, ở cách đấy không xa? Chắc chắn là họ chẳng bao giờ dám dùng đến những thủ đoạn này. Giả thuyết chắc chắn hơn là họ sẽ dùng lực lượng bộ binh. Xe tăng, sẽ triệt hạ toàn bộ nhà cửa trong khu vực để trả thù. Một kế hoạch phòng thủ được đề ra để nghiên cứu và thực hiện rất bí mật. Những người khách đến trại đều thấy có những cái giếng cạn mới đào, đất mới được rải khắp nơi. Thiếu tướng Hoàn Tuấn vui vẻ, cởi mởi giải thích cho những người đến thăm là phía bên kia thường dùng biện pháp cắt điện, cắt nước để trả thù, nên phái đoàn phải đào thêm giếng, đề phòng khi có sự kiện này xảy ra, thì có đủ nước mà dùng. Lý lẽ xem ra cũng dễ chấp nhận. Kỳ thực, đêm đêm tất cả mọi người trong đoàn đều hóa thành chiến dịch công binh. Thiếu xẻng, cuốc thì dùng dao găm, cọc dây thép gai; đất khô cứng, khó đào, thì ban ngày dội nước, để đêm đến đào dễ hơn và ít phát ra tiếng động. Sau hai ngày họp bàn, đảng uỷ đoàn dã thay đổi khẩu hiệu: “Nhận sự hy sinh để cho sự nghiệp cách mạng toàn thắng” bằng khẩu hiệu: “Giữ vững vị trí, chiến đấu và chiến thắng”. Một không khí vui mừng, phấn khởi tràn ngập cả trại: anh em thi đua, ra sức xây dựng trận địa, mỗi nhà là một ổ chiến đấu, mỗi góc vườn là một tuyến chống tăng. Sau một thời gian không lâu, nhiều địa đạo, sâu lút đầu người, nối liền các nhà lại với nhau: một Củ Chi nho nhỏ, được bí mật xây dựng trong lòng sân bay Tân Sơn Nhất. Điều lý thú là mặc dù sống giữa vòng vây của đối phương, các loại vũ khí bộ binh và chống tăng, từ mìn đến súng AK.47, B40 và B41 cũng được chuyển đến đầy đủ để trang bị cho các tổ chiến đấu. Thành tích đưa được những thứ vũ khí này đến đây lại thuộc về các đơn vị khác. Một cử chỉ rất đẹp đã nói lên tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả của các phái đoàn Hungary, Ba Lan lúc bấy giờ: Các đồng chí cũng dự kiến là họ có thể gây nhiều khó khăn cho phái đoàn ta. Là những nhà quân sự, họ cũng biết rằng Tân Sơn Nhất có thể là mục tiêu đánh phá của pháo binh ta, còn ở duới phố Sài Gòn thì chiến sự có thể sẽ không ác liệt bằng, vì một khi Tân Sơn Nhất đã mất, thì Sài Gòn ắt phải đầu hàng. Tuy nhiên, cả hai phái đoàn Hungary và Ba Lan đều tình nguyện ở lại gần trại David, cùng trong sân bay Tân Sơn Nhất mà không về ở những khách sạn sang trọng, có đầy đủ điều hoà, bể bơi để cùng chia sẻ mối nguy hiểm với ta, để có cơ hội ngăn chặn bàn tay độc ác của đối phương, nếu vạn nhất điều đó sẽ xảy đến.

        Bề ngoài, mọi nề nếp sinh hoạt vẫn giữ như lúc bình thường từ trước đến nay. Cho đến ngày 26 tháng 4, phiên họp cuối cùng tuy có đông hơn mọi lần, nhưng họ vẫn chưa mò mẫm, moi móc được gì trước những câu trả lời nhát gừng, lơ lửng của phó đoàn, đại tá Võ Đông Giang.

        Trong suốt tuần lễ này, tiếng pháo tiến công ở ven đô giội vào trung tâm thành phố, làm bầu không khí chính trị ở đây lên xuống, phấp phỏng, lú lẫn như người vợ béo trong ùng ục của Trần Thiện Khiêm mà còn có vẻ thức thời: đêm 17 tháng 4, trong một bữa tiệc tại nhà Khiêm, người ta thấy bà ấy mình đeo đầy vàng ngọc, trông như một đào hát trên sân tuồng, đang tươi cười đón mời khách khứa, bỗng oà lên khóc rất to một hai đòi rút khỏi đất nước này tức khắc. Ấy thế mà ngồi bên kia bờ Thái Bình Dường, Kissinger vẫn còn tin rằng, có thêm viện trợ, là có thể cứu được Thiệu. Ông ta chờ hai ngày nữa, ngày 19 tháng 4 sẽ đến, để cho quốc hội Mỹ bỏ phiếu về hai vấn đề: Viện trợ cho miền Nam Việt Nam và cho lực lượng Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam để bảo vệ cho kiều dân Mỹ.

        Lạ thật! Đến bây giờ mà CIA chưa hề hay biết gì về sự có mặt của các đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Văn Tiến Dũng ở Lộc Ninh cả. Đây không phải chỉ là do ta giữ bí mật tốt, mà còn có thể là do bộ máy nắm tình hình của Mỹ quá tồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #166 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:41:47 am »


        Ngày 18 tháng 4, một nhóm nhân vật ôn hoà và đối lập ở Sài Gòn đến gặp Thiệu. Theo họ, không phải chỉ có mặt trận quân sự, mà cả mặt trận chính trị, thời gian đã chấm dứt. Họ yêu cầu trong 6 ngày nữa, nếu Thiệu không chịu rút lui, thì sẽ công khai làm việc đó.

        Phản ứng đầu tiên của Thiệu là lập tức ra lệnh tống giam một số sĩ quan trong Quân đội Việt Nam Cộng hoà, những người bị Thiệu gắn cho cái tội là thiếu tinh thần trách nhiệm, trong đó có Phạm Văn Phú, từ ngày ở Tây Nguyên chạy về, cáo bệnh, nằm điều trị tại một bệnh viện ở ngoại ô Sài Gòn. Vô tình hay hữu ý, Thiệu quên khuấy rằng, đứng trước lịch sử, công bằng mà nói, thì kẻ đáng vào nhà tù trước tiên, phải chính là ông ta.

        Và cái ngày 19 kia với bao nhiêu nỗi hồi hộp mong đợi, tất nhiên đến. Quốc hội Mỹ, lần cuối cùng này vẫn cứ trơ trơ. Uỷ ban quân lực cũng bác bỏ luôn mọi điều khoản bổ sung về quân sự. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, Kissinger, người xưa nay vẫn nổi tiếng là thông minh, tự cao, tự đại, đã thú nhận là mình đã thất bại. Ông ta thổ lộ tâm tình với một nhóm nghị sĩ: “Cuộc tranh luận về Việt Nam thế là hết! Chính phủ sẽ chấp nhận sự phán xét của quốc hội mà không kêu ca, phàn nàn gì cả…

        Sáng ngày 21 tháng 4, Nguyễn Văn Thiệu triệu tập Trần Văn hương, phó tổng thống và Trần Thiện Khiêm đến dinh Độc Lập và ngỏ ý muốn từ chức, với lý do là tình hình quân sự đã trở nên vô vọng, nên cảm thấy nếu có cố ở lại cũng vô ích, chỉ tổ ngăn cản một giải pháp mà thôi. Nguyện vọng duy nhất của ông ta là “chuyển giao chính quyền một cách hợp hiến, để tránh tình trạng hỗn loạn”.

        Được lôi từ trong bóng tối ra, Trần Văn Hương khấp khởi mừng thầm. Hạnh phúc đến với ông ta quá đột ngột. Người ta thấy ông ta chống gậy, sờ soạn bước lên vũ đài chính trị. Ông ta chẳng hiêu mô tê gì, mà cứ tưởng mình là người hùng, chẳng biết thân phận, giữa lúc này mà giám xông ra, toan bẻ nạng chống trời. Chết đến nơi rồi, mà vẫn còn già mồm leo lẻo: “Nếu chúng ta không thể thương lượng một cách thoả đáng và thành công, thì Sài Gòn sẽ biến thành một biển máu, và chúng ta sẽ còn phải chiến đấu, vì danh dự quốc gia…”. Học tập Ngô Quang Trưởng trước đây ở Huế, ông ta còn thề quyết tử với thủ đô, thề với quốc dân đồng bào là Quân giải phóng muốn vào Sài Gòn, phải bước qua xác già khô của ổng.

        Ở Washington, tin Thiệu từ chức làm cho Kissinger buồn rầu. Ông ta chỉ còn có một yêu cầu là làm thế nào để Thiệu rời khỏi đất nước được yên lành. Ngờ nghệch, lẩm cẩm hay là quá ngây thơ, ông ta quên khuấy việc vợ Thiệu - từ mấy ngày trước đã dự kiến đầy đủ tình hình, và đã tếch khỏi Việt Nam với hàng bao nhiêu vàng rồi.

        Ở Sài Gòn, Ch.Times thì lại hốt hoảng, vội tìm Dương Văn Minh để tìm cách gạt Hương ra, vì nhận thấy Hương bệnh tật, mù loà, lẩm cẩm, đã hết thời rồi và cũng chẳng có cái thớ gì để nói chuyện với phía bên kia.

        Có một số người Việt Nam, khi nghe Thiệu đọc lời tuyên cáo với quốc dân, thì tỏ ra khoái chí, vì nghe Thiệu đá móc Mỹ mấy câu; một số khác, nhất là trong đám sĩ quan trẻ, thì thấy tội là do Thiệu, mà cũng chẳng thích thú gì Hương. Họ hy vọng là có thể nói chuyện bình đẳng với cộng sản, chứ không phải ở tư thế đầu hàng. Các chính khách cơ hội, chạy đi chạy lại như điên: Trần Thiện Khiêm thì muốn lập nội các, do ông ta và Viên điều khiển, còn Minh thì làm thủ tướng tượng trưng cốt để làm giảm nhẹ đòn tiến công của Quân giải phóng, tranh thủ thời gian lấy tinh thần quân lính. Trần Văn Đôn lại muốn nhảy ra, vồ lấy cái ghế tổng thống nhưng bị Pháp lắc đầu, nhắc khéo là chỉ có Dương Văn Minh, mới được bên kia chấp nhận.

        Về phần mình, Dương Văn Minh tự thấy mình có đủ tư cách hơn, trong sạch hơn và cũng được Pháp săn đón hơn. Ông ta đưa ra ý kiến muốn cử người sang ngày Paris để thảo luận với đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời và Chính phủ Pháp. Ông ta hy vọng sẽ có một cuộc mặc cả, thành lập một chính phủ có đầy đủ các thành phần để kêu gọi ngừng bắn. Ch.Times nghe lỏm được mừng quýnh, vì thấy rất hợp ý mình. Chi ra ngày một nghìn đô la để làm lộ phí. Tiếc thay, số tiền này đã không bao giờ được dùng đến. Ta bác bỏ mọi lời kêu gọi, nhất quyết đòi từ bỏ Thiệu, đòi chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Đài phát thanh giải phóng tuyên bố rất rõ ràng: “Nếu Mỹ không thực sự đáp ứng những đòi hỏi chính đáng đó, lại giở những thủ đoạn lừa gạt dư luận thì không thể giải quyết được gì và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

        Rất kiên nhẫn, tình hình đã đến như thế này rồi, mà Washington cũng như Sài Gòn vẫn cứ cho là còn cơ hội để xoay sở. Cơ sở của niềm tin, lần này, lại phát sinh ra từ đại sứ quán Pháp. Một buổi sáng cuối tháng 4, các sứ quán nước ngoài lần lượt rủ nhau đóng cửa. Các sứ quán Anh và Canada, đã bỏ lại hầu hết những người đã gắn bó với họ từ trước đến nay, sứ quán Đài Loan thì bề ngoài, cũng bắt chước ra đi, nhưng lại bí mật để lại hơn 1.000 nhân viên tình báo. Chỉ riêng có sứ quán Pháp thì lại có vẻ đàng hoàng, chững chạc hơn: họ thông báo trước cho 1 vạn công dân Pháp hãy cứ an tâm ở lại, tin chắc rằng sắp có ngừng bắn đến nơi rồi. Trần Văn Hương lật đật cho mở cửa các nhà tù, thả tất cả tù chính trị, trong đó có 18 nhà báo. Ông ta lại còn tất tưởi đi gặp Minh, cố thuyết phục Minh tham gia vào nội các mới với tư cách là thủ tướng. Dĩ nhiên là Minh từ chối, vì tham vọng của Minh không phải chỉ dừng lại ở cái ghế què chân kia mà thôi. Thế là các nhân vật chính trị lại dấy lên như ong, chống Hương kịch liệt. Trần Quốc Bửu, chủ tịch công đoàn vàng, đòi tống cổ Hương. Thích Trí Quang, buộc Hương phải nhường chỗ cho Minh. Nguyễn Cao Kỳ, thì không tiếc lời mạt sát. Hy vọng, tham vọng tan vỡ như bọt xà phòng.

        Nhà chính trị già mới vỡ lẽ ra một điều: người ta thì ăn ốc, còn mình thi nai lừng đi đổ vỏ! Chính quyền Sài Gòn như rắn mất đầu.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2017, 08:48:33 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #167 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:44:23 am »


Chương 24

MỘT LẦN... MỘT NGÀY

        Đại tá Hoàng Ngọc Diêu đứng dậy, theo thói quen, sờ tay lên ve áo, chỉnh đốn trang phục, mặc dù ở chiến trường, không bao giờ, không bao giờ có mang phù, cấp hiệu. Anh nói đầy xúc động:

        - Chúng tôi hứa sẽ kiên quyết chấp hành mệnh lệnh của đồng chí. Bây giờ, xin đồng chí cho phép tôi ra ngay sân bay Thành Sơn ở Phan Rang, để gặp các đồng chí trong Bộ tư lệnh quân chủng. Quay sang đồng chí trung tá Hoàng Dũng, đại tá nói tiếp:

        - Đề nghị Bộ điện trực tiếp cho anh Lê Văn Tri, tư lệnh quân chủng vào ngay Đà Nẵng, để kiểm tra lại anh em lái MiG17, đang chuyển loại sang lái máy bay A37.

        Anh Tuấn mỉm cười, đứng dậy bắt tay đồng chí Diêu. Nhìn ra ngoài trời, tỏ vẻ ái ngại. Anh cố nói to, để át tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà.

        “Các đồng chí chỉ còn có ba ngày nữa thôi đấy. Nếu quá ngày 28 tháng 4 mà chưa đánh được, thì không còn cơ hội nào nữa đâu. Không quân chiến đấu của các đồng chí, chỉ còn có một ngày, một lần này để lập công mà thôi. Cái khó khăn lớn nhất của các đồng chí trong khi tham gia vào chiến dịch lịch sử này là phải dùng máy bay địch để đánh địch. Như thế, sẽ đẻ ra nhiều cái khó khăn mới, nhưng cũng có nhiều cái lợi hơn: địch sẽ bị bất ngờ lớn, chúng sẽ hoảng loạn hơn. Phải phát huy tinh thần kiên cường dũng cảm và tính sáng tạo, đánh vào sào huyệt đầu não của địch, trong giờ phút quyết định nhất. Đánh như thế này cũng là để chi viện hoả lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các mũi tiến công vào Sài Gòn, và cũng để cho nhân dân nổi dậy.

        Như sực nhớ thêm điều gì, đại tá lại đề nghị tiếp hai điểm:

        - Với anh lái của ta, nếu chỉ mới bay đơn được, đề nghị cũng cho đi chiến đấu; cho đồng chí Nguyễn Thành Trung dẫn đầu đội hình đi chiến đấu, vì đồng chí thông thạo địa hình thành phố Sài Gòn-Gia Định.

        Mưa tạnh đột ngột. Đồng chí Diêu vừa bước ra khỏi nhà, thì một chiếc xe honda cũng vừa xịch đến đỗ ngay trước sân. Như một cái máy, đồng chí leo lên xe, tay ôm lưng người lái. Một cán bộ của Ban 5, tất tả chạy ra, dúi vào sà cột đồng chí mấy gói lương khô và hai bao thuốc lá:

        - Mình có hút thuốc đâu.

        - Cho lái xe, đi đêm đỡ buồn ngủ.

        Chiếc xe honda sơn màu đỏ, chạy men theo các trảng tranh, vòng vèo dưới bóng những rạng cây thưa, thỉnh thoảng ngoặt phải, ngoặt trái rất bất ngờ. Ai đã từng qua đây, đều dễ dàng phát hiện bầu không khí tưng bừng, nhộn nhịp của khu rừng Lộc Ninh này. Chỉ trước đây mấy hôm thôi, kỷ luật giữ bí mật trong hành trú quân của “R” - tức là Trung ương Cục-nổi tiếng khắp miền là nghiêm ngặt chẳng đâu bằng. Thế mà từ ngày A75 vào đến đây, hình như mọi quy định nói trên đều thay đổi cả; xe honda chạy như mắc cửi, mùi xăng thơm lừng. Mật độ người tăng lên một cách đột ngột, lán trại dựng không kịp, tiếng máy chữ đánh lách cách suốt ngày đêm dưới các lùm cây.

        Ra đến bãi, chiếc xe com măng ca đã trực sẵn từ lâu.

        Đồng chí Diêu nói với lái xe:

        - Chúng mình không về chỗ cũ nữa đâu, mà phải ra tận Phan Rang kia. Bây giờ chúng ra Dầu Dây, rẽ lên đường 20, đến Đức Trọng, ra Đôn Dương rồi xuống Phan Rang.

        Cả đồng chí trợ lý tác chiến và đồng chí lái xe ngồi nghe, dạ chừng chừng, tưởng như đã rõ cả; kỳ thực cả hai người đều chẳng hiểu mô tê gì, vì lần đầu tiên họ mới nghe nói các địa danh xa lạ này.

        Họ chuẩn bị cho một chuyến đi xa và gấp-hơn nửa nghìn cây số, vòng quanh cao nguyên Lang Biên trong một đêm-nhẹ nhàng, thanh thản như thế đó. Và xe bắt đầu nổ máy, lên đường.

        Định bụng sẽ tranh thủ ngủ một giấc dài, để lấy lại sức, nhưng không tài nào chợp mắt được. Lòng dạ cứ nao nao, bồn chồn vừa lo lắng, lại vừa phấn chấn vui mừng. Đêm trước, từ Rừng Lá, phía bắc Xuân Lộc, về sở chỉ huy chiến dịch, đã mất ngủ cả đêm rồi. Một phần vì đường sóc, ngồi cứ lắc lư lắc la cả đêm, phần vì băn khoăn với câu hỏi: anh Tuấn gọi mình về để làm gì nhỉ? Hết đoán già lại đoán non, vẫn không tìm ra được câu trả lời. Nay thì lại quá rõ ràng rồi, nhưng lại rất bất ngờ, nên lòng dạ vẫn cứ rối bời. Là phó tư lệnh quân chủng Phòng không-Không quân, từ lúc bắt đầu chiến dịch tới nay, đồng chí Diêu được trên điều động về cơ quan làm đại diện quân chủng bên cạnh trung tướng Lê Quang Hoà. Gần một tháng nay, đồng chí làm nhiệm vụ tiếp thu hơn là hợp đồng tác chiến, vì các đơn vị pháo ca xạ, ngày này qua ngày khác, lo thần tốc hành quân cho kịp với bộ binh, chỉ đánh nhau có mấy trận lẻ tẻ. Được cử vào tiếp thu sân bay Đà Nẵng, mới xem qua, chưa kịp đếm hết chiến lợi phẩm, thì lại phải đi tiếp các sân bay phía nam: Chu Lai, Phù Cát, Đông Tác, Nha Trang, Thành Sơn, nơi nào cũng ngổn ngang đủ loại máy bay, bề bộn xe cộ và bom đạn. Vì vậy, chỉ mới có một khái niệm chung chung, chứ ai mà nắm cho cụ thể và chính xác được. Đồng chí chợt nhớ ra là trong hàng trăm chiếc máy bay chiến lợi phẩm mới thu được, không tìm đâu ra được một quyển lý lịch cho bất cứ một chiếc nào. Đưa ra sử dụng ngay, không kiểm tra, xác minh lại, liệu có phát sinh vấn đề gì không? Rắc rối quá chừng!
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2017, 08:51:22 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #168 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:23:03 pm »

   
        Lời dặn cuối cùng của anh Tuấn cứ văng vẳng bên tai: “Chỉ còn ba ngày nữa thôi đấy…”. Đồng chí mở xà cột, lấy mảnh bản đồ 1/500.000 ra xem. hầu hết những cán bộ tham mưu đi tham gia chiến dịch lần này, đều phải dùng loại bản đồ tỷ lệ quá lớn này để làm kế hoạch hành quân, vì địa bàn hoạt động của các đơn vị, luôn luôn toả ra rất rộng, dùng bản đồ tỷ lệ nhỏ, chẳng biết bao nhiêu mảnh cho vừa. Còn đang tìm kiếm, nhẩm tính thì xe đã đến ngã ba đường 13. Lái xe vừa giảm ga, chưa rẽ sang trái-nghĩa là hướng đi về hướng Lộc Ninh-thì đồng chí Diêu đã đoán trước ngay:

        - Không! Rẽ sang phải chứ. Xuống Chơn Thành, đi theo đường 14 ra Đông Xoài, nhanh hơn.

        - Đồng chí trợ lý tác chiến trả lời: hơi nguy hiểm đấy thủ trưởng ạ, nhất là đoạn từ Chơn Thành ra Đồng Xoài, không biết mấy hôm nay, công binh đã gỡ hết mìn chưa?

        - Chắc là họ đã làm rồi đấy, nhưng phải cái mới mẻ, xe cộ ít đi lại thôi. Đi vòng lên Lộc Ninh, ra Bù Đốp, vòng xuống, chưa chắc nửa đêm nay đã đến được Đồng Xoài.

        Chiếc xe lại hướng về Sài Gòn. Trời về chiều, quang cảnh trên đường, người đi lại tấp nập, phần lớn là bộ đội. Trông thấy mấy cô thanh niên xung phong đang cuốc tháo những vũng nước mưa đọng trên lòng đường, đồng chí lại thêm một nỗi lo: Đêm nay phải vượt qua bao nhiêu sông suối, nhỡ nước lên to, phải nằm lại thì nguy mất. Đang suy nghĩ miên man, thì xe đã đến cầu Nha Bích, một chiếc cầu bắc qua Sông Bé, đã bị ta phá sập từ lâu, nay phải đi ngầm. May quá, trận mưa ban chiều, ập xuống bất thình lình, nhưng rất ngắn, nên nước sông không lên to; chỉ có cái khổ là hai bên bờ rất hõm. Chiếc xe hai cầu lên xuống dốc rất vất vả. Nhờ có công binh đã cho túc trực một cái máy húc C100 ở ngay đấy, chủ yếu là để co kéo xe cộ qua lại, chứ không phải để hạ độ dốc, nên vượt ngầm đỡ tốn nhiều thời gian.

        Đường từ Chơn Thành ra Đồng Xoài, chỉ có hơn vài chục cây số, tráng nhựa, xe chạy tốt. Theo sự chỉ dẫn của đồng chí Thuận, tham mưu trưởng công binh, phải bám giữa lòng đường, không vượt, không tránh, không được tuỳ tiện dừng lại giữa đường. Trên đoạn đường này, nhất nhất đều phải nghe theo lệnh của hai trạm điều chỉnh ở hai đầu.

        Đến Đồng Xoài, các nhà đồng bào vừa mới lên đèn. Một đống đá to tướng nằm lù lù giữa nga tư, trên có cắm rất nhiều mảnh giấy trắng. Đây là một trạm điều chỉnh giao thông chiến dịch. Ngã tư Đồng Xoài là một đầu mới giao thông cực kỳ quan trọng. Gần một nửa lực lượng tham gia chiến dịch, bộ binh và các quân binh chủng, hầu hết khối lượng vật chất bảo đảm cho chiến dịch đều phải qua đây, trước khi rẽ vào các hướng tập kết. Biết vậy, nên mấy ngày gần đây, đối phương oanh tạc khu vực này rất dữ. Trạm điều chỉnh giao thông phải làm việc ngay trong hầm chữ A, ở gần đấy, nên mới phải đắp một đống đá to tướng giưa đường để ai qua lại đều lấy đó làm địa điểm liên lạc.

        Đồng chí Diêu xuống xe đến bên cạnh đống đá, bấm đèn pin soi vào những mảnh giấy trắng, tìm kiếm. Một chốc lâu, khẽ gật đầu nói:

        - Tốt quá! Anh em đã vào đủ rồi đấy.

        Lại lên xe đi về hướng đông, vì đã có quy định là không ai được dừng lại lâu ở nơi ngã tư nguy hiểm này. Đi được vài cây số, thấy một đoàn xe chở mấy quả tên lửa đỗ bên cạnh đường, ở bìa rừng.

        Thấy một đám người ngồi xung quanh một đống lửa, dưới một gốc cây to, đồng chí xuống xe tiến lại gần. Có người nhận ra ngay đồng chí:

        - Báo cáo thủ trưởng, anh em được lệnh dừng lại ở đây thôi ạ, không đi vào sâu nữa đâu, vì đường độc đạo, rất hẹp và các đơn vị bạn ở phía trước cũng đang bị ùn, đang tìm cách dồn đội hình lên.

        - Đồng chí Quang Hùng hiện nay ở đâu? Các đồng chí có biết không?

        - Phó tư lệnh ở trước kia đang chỉ huy đơn vị chiếm lĩnh.

        - Mấy hôm vừa rồi, địch có hoạt động gì nhiều không?

        - Vừa thôi. Mỗi lần vài chiếc, lượn mấy vòng ở Đồng Xoài, Bến Cầu,ném vung vít mấy quả bom vào rừng, vì bay rất cao.

        - Nên đề nghị với anh Quang Hùng cho triển khai tên lửa đánh máy bay trên vùng trời Sài Gòn, nếu không thì hết thời cơ.

        - Theo lệnh của trên, đơn vị chúng tôi phải bí mật bố trí ở đây, chờ đúng “B” mới được lên tiếng. Các loại “F” thì đã có cao xạ rồi. Hồm trước, ở ngoài Buôn Ma Thuột, chờ mãi chẳng thấy “B”, bung gì; không biết sắp đến, chúng có đến cho không, hay lại hẫng như lần trước. Kéo nhau đi từ ngoài kia vào đến đây, không khéo lại chẳng hạ được chiếc nào cũng nên.

        Nghe được cuộc trao đổi ngắn gọn hôm nay, không biết trong quốc hội Mỹ, có ai còn định dùng B52 để làm con ngoáo ộp, để đi cứu bọn tay sai hay đi bảo vệ những công dân Mỹ di tản không? Quay về xe, cả ba người bóc lương khô ra ăn tối. Uống xong một ngụm nước, lại tiếp tục lên đường. Tiếng pháo cối từ hướng Biên Hoà, đường quốc lộ 1 vọng lại, nghe như tiếng trống trận, càng làm cho lòng dạ nôn nao. Lời dặn dò lúc ban chiều còn văng vẳng bên tai: chỉ có một ngày, chỉ có một lần…

        Quân chủng được Bác khai sinh, dạy dỗ mọi điều, hôm nay, trong chiến dịch mang tên Bác, giải phóng thành phố mang tên Bác, nhất định phải lập được chiến công lớn để dâng Người. Mệnh lệnh của trên là có lý, có tình; khó khăn đến đâu cũng phải thực hiện cho bằng được.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2017, 08:28:07 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #169 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:27:05 pm »

        
        Là một cán bộ kỳ cựu của quân chủng, đại tá nhớ rất kỹ từng chặng đường trưởng thành, từng mệnh lệnh, từng chỉ chị của Bộ Tổng tham mưu nói chung và của anh Tuấn nói riêng. Mười năm về trước, cũng trong một buổi sáng tháng 4 như thế này, trực ban tác chiến vừa báo cáo với anh Tuấn có máy bay địch bay vào không phận miền Bắc, anh đã đến ngay trước bảng tiêu đồ. Nhìn vào tấm kính màu, những đốt vẽ bằng bút chì đầu xanh rõ nét, đang nhích dần ra hướng bắc. Địch đang hùng hổ tiến vào bằng nhiều hướng. Hôm qua, hôm kia, chúng đã ném bom, bắn phá đồn biên phòng Nậm Cắn, Nậm Giẽ; thì hôm nay chúng sẽ đánh ra xa hơn: Vinh, Hàm Rồng hay Nam Định? Một mũi dao nhọn, từng giây một, đang ấn sâu vào tim gan chúng ta… Anh chay mày, mắt không rời mặt kính, hỏi:

        - Hỏi lại quân chủng ta thế nào?

        - Báo cáo: biên đội Lan, Túc, Quỳ, Phương đã sẵn sàng trong buồng lái cả rồi. Bộ tư lệnh Quân chủng đang chờ ý kiến của Bộ để hạ lệnh xuất kích. Phương án tác chiến, đã phổ biến cho anh em cả rồi.

        Có tiếng râm ran ở cuối phòng: Đông quá! Toàn F4, F105 cả. bây giờ mà cất cánh thì chúng vũ vào như ong cho mà xem. Làm thế nào mà thoát khỏi vòng vây?

        Máy điện báo đặt bên kia tấm kính tiêu đồ, phát ra đều đều tè tè, tích tích, giục giã một quyết tâm nhanh chóng, chính xác và dứt khoát. Sinh mệnh của đồng bào, truyền thống của một quân chủng lớn, được định đoạt trong những phút giây cực kỳ căng thẳng này.

        Người ta thấy anh nói chầm chậm từng tiếng một.

        - Đồng ý đề nghị của quân chủng, lệnh cho cả biên đội xuất kích. Và quay sang nói với những người xung quanh:

        - Chả nhẽ tổ chức lực lượng ra, để đến lúc này lại ra lệnh chạy trốn à? Mây của ta, trời của ta, ta chiến đấu giữa lòng nhân dân ta, phải tìm cho ra cách đánh của ta. Những người ở mặt đất, phải nghiên cứu để tạo điều kiện cho anh em chiến thắng, xây dựng truyền thống cho đơn vị…

        Mười lăm phút sau, đã nghe có tiếng vang trong máy: “Rơi rồi! Hoan hô!”. Trận mở đầu thử thách đầu tiên ấy đã trở thành trận kiểu mẫu tuyệt vời, mở đầu cho hàng trăm trận chiến công về sau. Trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, đã giải quyết được câu hỏi: lấy yếu đánh mạnh như thế nào, lấy biên đội nhỏ đánh địch đông mà hiệu suất cao như thế nào.

        Bước vào những năm đầu của thập kỷ 70, đế quốc Mỹ lại đưa ra một thủ đoạn ngăn chặn mới. Chiếc tàu chiến bọc thép New Jersey với nhung nhúc tàu hộ khu trục, tàu hộ vệ bám xung quanh, với tầm bắn 35 cây số, đêm ngày khống chế một đoạn đường dài trên tuyến vận chuyển Bắc-Nam, trong phạm vi tỉnh Quảng Bình. Không còn cách gì để làm đường vòng, đường tránh, vì núi đá chập trùng. Pháo bờ biển của ta với hết tầm, chúng vẫn trơ như đá, vững như đồng. Để kịp thời phá tan âm mưu này, cũng theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, một sân bay được xây dựng hết sức gấp rút, hết sức bí mật, giữa lòng dãy Trường Sơn. Một biên đội máy bay tiêm kích mang bom được khéo léo, bí mật đưa đến phục sẵn ở đấy. Lần xuất kích đầu tiên này đã nhận chìm ngay một khu trục hạm. Vừa đau nhói, lại vừa tức tối, các cơ quan tuyên truyền của Mỹ không hề hé rắng, la ó về trận thuỷ chiến này như trận đánh tàu Madox trước kia. Một sân bay, một máy bay,  có một lần đánh, một mục tiêu… và bây giờ thì chỉ có một ngày, chỉ có một lần. Giá mà cấp trên cho dùng cả trung đoàn tiêm kích MiG-21 thì còn nói làm gì. Lần này, lại chỉ cho dùng máy bay chiến lợi phẩm mới là rắc rối. Thông thường, muốn chuyển loại máy bay,với những tay láu cứng cũng phải mất mươi ngày, nửa tháng để nắm lai phần lý thuyết, phải bay ít nhất mươi, mười lăm giờ mới đánh được. Gặp thời tiết tốt, có nhanh cũng phải mất một tháng rưỡi mới gọi là chuẩn bị xong. Thế mà nay, tất cả mọi công việc phức tạp ấy chỉ được làm trong vài ngày, trong điều kiện thiếu giáo viên chuyên môn và chỉ có một máy bay huấn luyện. Tính năng, tác dụng, yếu lĩnh điều khiển, vị trí sắp xếp các nút trong buồng lái đều hoàn toàn khác máy bay ta, lại toàn ghi bằng tiếng Anh. Nếu có nhà chuyên môn về kỹ thuật nào biết được thời gian biểu đã vạch ra, chắc người ấy sẽ cho là điều viễn tưởng, khó tin hoặc là kỳ diệu: chiều ngày 22 tháng 4, bắt đầu học lý luận, để sáng ngày 25, bắt đầu huấn luyện lái, khoá học sẽ kết thúc vào chiều ngày hôm sau; như vậy là chỉ bay kèm được có một lần, tập hạ cánh rồi làm động tác kỹ thuật luôn. Có một chi tiết mà đồng chí Diêu chưa dám báo cáo hết với anh Tuấn: sang nay, trên sân bay Phù Cát, chiếc máy bay huấn luyện vừa đỗ xuống đã bị tắt máy giữa đường băng. Hú vía cho cả giáo viên và học trò. Nghĩ đến đồng chí Trần Mạnh, Tham mưu phó quân chủng, người phục trách chuyển loại các anh em lái, đồng chí Diêu thầm nghĩ. Anh em ta thông minh, dũng cảm và sáng tạo thật. Chỉ có như thế đấy, cứ mỗi lần hoàn thành một nhiệm vụ vừa phức tạp, nặng nề và mới mẻ, quân chủng lại tích lũy thêm được một số kinh nghiệm vô cùng quý báu, lại trưởng thành thêm một bước. Trên con đường dài tiến lên chính quy và hiện đại, quân chủng đã đi được những bước đi vững chắc, nhưng lại với một tốc độ phi thường: chỉ hơn một thập kỷ xây dựng và chiến đấu, trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc, quân chủng Phòng không-Không quân đã dũng cảm, kiên cường, sáng tạo ra những cách đánh rất độc đáo, đã góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, đánh thắng không lực Hoa Kỳ là lực lượng không quân mạnh nhất trong các nước đế quốc. Cả thế giới phải kinh ngạc, những tay lái kiệt suất của Hoa Kỳ đã phải nghiêng mình khuất phục trước lòng dũng cảm và tài nghệ của những Trần Hanh, Phạm Tuân, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Bảy v.v… Đội ngũ này, rồi đây sẽ được nhân lên gấp bội…

        Đang suy nghĩ miên man, đồng chí cảm thấy lành lạnh. Xe tăng nhanh tốc độ. Thì ra trời đã sáng rõ, và cũng đã ra đến quốc lộ 11 tự lúc nào. Đến sân bay Thành Sơn buổi sáng, thì chiều hôm ấy tiếng súng tiến công đã bắt đầu giội lên ở Sài Gòn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM