Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:27:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xuân giải phóng  (Đọc 41160 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 01:37:26 pm »


        Trên miền Bắc, Hiệp định Paris cũng quy định cho Mỹ phải tháo gỡ hết bom mìn đã thả xuống để phong toả cảng Hải Phòng. Điều rất đáng buồn cười là cả hai bên đều cử cán bộ cấp cao, qua tận Paris để cùng nhau định nghĩa thế nào là một con sông? Đầu đề tranh cãi là số phận của những quả bom chưa nổ, vô phúc còn nằm phơi trên các bãi ven sông: khi nước lên thì nó nằm dưới nước, trách nhiệm thuộc về Mỹ phải tháo gỡ; nhưng khi nước ròng, nó lại bày ra trên bãi cát, thì trách nhiệm phá huỷ lại thuộc về ta. Một thiếu tướng Mỹ đến căng lều, trải bạt ở cuối bãi Đình Vũ, huy động nào trực thăng, nào ca nô tự điều khiển, thôi thì đủ các phương tiện hiện đại. Để quảng cáo, để răn đe hay là để thu thập tình báo? Kết quả sau mấy tháng làm việc, chỉ vớt được vẻn vẹn có 3 quả bom từ trường. Một quả núi đẻ ra một con chuột nhắt. Thành tích trục vớt như thế này xét ra không hơn gì kết quả công tác của một cô dân quân gái, được trang bị một đoạn dây đồng và một mảnh sắt rỉ, sau một ngày rà phá không lấy gì làm căng lắm.

        Trong giai đoạn này của cuộc chiến tranh chống Mỹ, hơn bất cứ lúc nào, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương tập trung cao độ sự chỉ đạo các chiến trường ở miền Nam. Trước ngày ngừng bắn, luôn luôn đã có chỉ thị hướng dẫn rất kịp thời, và về sau, các nề nếp báo cáo, thỉnh thị, các nơi đều chấp hành chặt chẽ và nghiêm túc. Ngoài những báo cáo của các bộ chỉ huy các chiến trường gửi về Bộ Tổng tham mưu, còn có các báo cáo của các cấp uỷ gửi về Ban Bí thư Trung ương Đảng, các báo cáo của Ban Thống nhất, Ban Miền Nam v.v… So với những năm trước, sự đi lại ra vào cũng ít vất vả hơn và nhanh chóng hơn rất nhiều, nên việc nắm tình hình các chiến trường làm tương đối đầy đủ và kịp thời. Sự chập chững trong những ngày đầu ở một vài nơi, tuy chỉ trong một thời gian ngắn, đã có sự uốn nắn lại nhưng không phải là không gây ra tổn thất. Về mặt quân sự, một khi tiến công hay phòng ngự không xác định thì nhất định sẽ có những lúc do dự, quyết tâm không dứt khoát, chiến thuật không rõ ràng, tác chiến bị thương vong cao, bộ đội không được củng cố, bổ sung vật chất không được đầy đủ kịp thời, sự hiệp đồng giữa các chiến trường không chặt chẽ. Về mặt chính trị, binh vận, thì lực lượng bị bộc lộ, cơ sở bị xáo trộn, phong trào ở nông thôn, đô thị đều gặp khó khăn; về mặt kinh tế thì, một phần do viện trợ của Mỹ giảm, nên Thiệu ra sức vơ vét lúa gáo; phần khác, họ ráo riết ngăn chặn đánh phá các cửa khẩu, phong toả các hành lang vận chuyển nguồn tiếp tế, lực lượng dự trữ các loại cứ vơi dần.

        Tháng 3 năm 1973, các Bộ tư lệnh các chiến trường về họp, đánh giá tình hình sau ba tháng thi hành Hiệp định Paris, đề ra phương hướng và nhiệm vụ mới. Thực chất đây là toàn bộ công tác chuẩn bị cho cuộc họp Trung ương Đảng sắp đến. Nói là chuẩn bị, chứ không phải chỉ có việc nắm tình hình, viết báo cáo như thường lệ; mà là những cuộc họp giữa Quân uỷ Trung ương hay Bộ Tổng tham mưu với các chính uỷ, tư lệnh các chiến trường để nghiên cứu tình hình, từng bước đề bạt với Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương những chủ trương công tác lớn vừa là cơ bản lâu dài, vừa là cấp bách trước mắt, trong bước đầu của giai đoạn mới, đồng thời, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chiến trường.

        Bước sáng tháng 7 năm 1973, sau nửa năm đấu tranh gay go quyết liệt, các cuộc hành quân lấn chiếm và bình định bắt đầu bị chặn lại. Mặc dù đến tháng 10 năm 1973, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 130.000 bắt sống trên 2.000 tên, thu 6.000 súng các loại, nhưng đối phương vẫn còn ngoan cố hung hăng.

        Khi nói về giai đoạn này, nhiều nhà bình luận quân sự phương Tây, vì không nắm đầy đủ các tài liệu, nên dễ có những cách nhìn lệch lạc. Ai hiếu chiến? Ai vi phạm Hiệp định? Xin nhường lời cho Giô-dep Am-tơ:

        “Cả Hiệp định hoà bình lẫn việc chấm dứt ném bom, Mỹ đều không đưa lại hoà bình ở Đông Nam Á. Hoà bình thực sự không thể có được, chừng nào Mỹ còn ủng hộ Thiệu và còn bảo đảm với hắn về việc viện trợ để hắn tránh hoà hợp chính trị và tiếp tục tiến công quân sự, vi phạm các điều khoản của Hiệp định Paris. Mặc dù Thiệu luôn luôn lấn chiếm, dùng máy bay đánh phá các vùng của phe cách mạng, nhưng Bắc Việt Nam tiếp tục kiềm chế. Vào cuối tháng 10 năm 1973, Bộ Chính trị ở Hà Nội mới quyết định đánh trả các hành động của Sài Gòn, nhưng chỉ với quy mô hạn chế. Nhưng mỗi hoạt động của Việt cộng, dù rất nhỏ, cũng bị Sài Gòn kêu ầm lên, như cuộc tiến công đã bắt đầu. Đó là để kích động Nixon giữ lời hứa bí mật của mình, chính trên thực tế, lực lượng Bắc Việt Nam chỉ tấn công các căn cứ mà lực lượng Sài Gòn xây dựng một cách không hợp pháp trong khu vực của Việt Cộng đã được quy định theo Hiệp định…” (Việt Nam-Viedict).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 01:38:24 pm »


        Tháng 10 năm 1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 nhận định: “Địch không thi hành Hiệp định, tiếp tục chiến tranh Việt Nam hoá, thực chất là chiến tranh thực dân kiểu mới, hòng chiếm lấy cả miền Nam, thì ta không có con đường nào khác là phải tiến hành chiến tranh cách mạng tiêu diệt chúng, giải phóng miền Nam”. Phương châm chung là: kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự với ngoại giao. Hội nghị chỉ rõ: “Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, để đưa cách mạng tiến lên. Vấn đề giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển lực lượng cách mạng, vừa là yêu cầu bức thiết, vừa là cơ bản trong giai đoạn mới…”. Hội nghị cũng dự kiến tình hình có thể phát triển theo hai khả năng: “Một là, do đấu tranh tích cực trên các mặt trận: chính trị, quân sự, ngoại giao, từng bước ta có thể buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris, hoà bình được lập lại thực sự, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam tuy còn khó khăn, lâu dài, phức tạp, nhưng ngày càng phát triển và ở thế tiến lên mạnh mẽ. Hai là, do bản chất cực kỳ ngoan cố, âm mưu cực kỳ thâm độc của Mỹ-nguỵ, Hiệp định cứ tiếp tục bị vi phạm, xung đột quân sự có thể bị tăng, cường độ chiến tranh sẽ ngày càng lớn. Ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng gay go, quyết liệt, để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn…”.

        Trải qua mười mấy năm chiến đấu vô cùng gian khổ, chống một đối phương cực kỳ hung hãn và lớn mạnh, có thể rút ra một điều là trong những lúc tình hết sức khó khăn và đứng trước những bước ngoặt mới, chính nhờ sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn của Đảng ta, nhừ sức chiến đấu anh dũng và nỗ lực phi thường của quân và dân ta, chúng ta đã đưa cách mạng tiến lên những bước tiến nhảy vọt.

        Đứng trước bước ngoặt mới của chiến tranh, lãnh đạo của ta thấy rõ được chiều hướng phát triển của tình hình, đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa địch và ta, xác định rõ đối tượng, nhiệm vụ, phương hướng tấn công, nắm vững thời cơ. Và sau khi đã có chủ trương chính xác, còn có quyết tâm thật cao, khắc phục mọi khó khăn, tổ chức thực hiện thật tỷ mỷ cụ thể, kiểm tra chu đáo để thực hiện bằng được ý định chiến lược, đường lối vạch ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 01:41:12 pm »


Chương 3

CHUYỂN MÌNH

        Tình hình miền Nam Việt Nam, đầu năm 1974 đã có chiều hướng thay đổi. Báo cáo của cơ quan DAO xem chừng hơi dịu giọng: “Tình hình ở nam quân khu 1, cũng giống như ở đồng bằng sông Cửu Long hay bất cứ một nơi nào khác, quân chính quy Việt Nam Cộng hoà nắm được quyền kiểm soát trong những trung tâm dân cư và dọc những tuyến giao thông quan trọng; còn quân Bắc Việt, ít nhiều bị loạng choạng bước đầu, nay đang phục hồi, củng cố lại và đang nhận được quân thay thế từ miền Bắc vào. Quân địa phương Nam Việt Nam, đang chịu gánh nặng của những cuộc tiến công của cộng sản, những cuộc tiến công đã bào mòn tinh thần của họ, làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn đã căng thẳng, và góp phần tạo nên một sự suy sụp, tuy chậm, nhưng rõ nét trong dân chúng, mấy lâu nay vẫn được xem là dưới sự ảnh hưởng và sự kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng hoà…”

        Kèm theo bản báo cáo trên, có một sơ đồ vẽ lên hình thái đôi bên trong thời gian này. Trên toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam, có một chuỗi khoanh tròn nho nhỏ, tô mầu đỏ, nằm rải rác dọc biên giới Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào. Đó là những căn cứ của Quân giải phóng. Đọc bản báo cáo và nhìn qua sơ đồ, chắc có người đã suy nghĩ: “Như thế này thì làm gì có chuyện nổi dậy và tấn công trong vài ba năm nữa”.

        Có hai điểm trong báo cáo phản ánh tương đối đúng tình hình thực tế ở chiến trường quân khu 1 lúc bấy giờ: Lực lượng Quân giải phóng đang được phục hồi, và “sự bào mòn tinh thần của quân địa phương đang chịu gánh nặng của những cuộc của cộng sản”.

        Mùa xuân 1974, Quân khu uỷ Quân khu 5, cũng có nhận định như sau: “Với lực lượng địch đã đưa ra sử dụng trong hơn một năm nay, trong lúc hoạt động của ta còn yếu, mà chúng chỉ đạt được những kết quả như vậy, thì có thể nói đây là đỉnh cao của bình định lấn chiếm, của chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh trong giai đoạn mới”.

        Sự chuyển biến trên chiến trường mà bản báo cáo của DAO đã thừa nhận, cũng như kết luận trên đây của Quân khu uỷ Quân khu 5 là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết 21 Trung ương tháng 10 năm 1973 và nghị quyết tháng 3 năm 1974 của Quân uỷ Trung ương. Trước những đòn giáng trả của ta, quân địa phương đã tỏ ra bất lực, kế hoạch bình định bị chừng lại; một bộ phận quân chủ lực Cộng hoà Việt Nam phải phân tán, thay thế cho quân địa phương, đi làm nhiệm vụ bình định. Trong một số tướng tá có kẻ đã thấy trước được nguy cơ rải quâ, dàn đều trên khắp các chiến trường, nên cố tạo điều kiện để nắm trong tay một lực lượng dự bị đáng kể. Điều ngược đời là: ở cấp sư đoàn trong vùng chiến thuật 1, mỗi viên tư lệnh lúc đầu con giữ được một trung đoàn, hay vài tiểu đoàn làm lực lượng dự bị, nhưng càng lên trên, lực lượng càng ít dần và đến Bộ Tổng tham mưu, thì coi như trắng tay: sư đoàn dù, sư đoàn thuỷ quân lục chiến, hai con át chủ bài nay đã bị kìm chặt trên chiến trường Trị Thiên. Để khắc phục nhược điểm này, cũng có người đưa ra ý kiến muốn xây dựng quân đội Cộng hoà thành một kiểu “quân đội nhân dân”, vũ trang rộng rãi trong nhân dân để giữ đất, để cho quân chủ lực được cơ động hơn. Nhưng cái hình thức bề ngoài, cái tên gọi, thì làm thế nào có thể trở thành quân đội nhân dân, khi mà bản chất không thay đổi. Chế độ nguỵ trao vũ khí cho nhân dân, thì có khác gì kẻ đã khát nước mà đi uống thuốc độc.

        Thiệu không bao giờ dám để mất một tấc đất, cho dù mảnh đất ấy không có một mống dân nào và cũng không có giá trị về bất cứ một mặt nào. Ông ta cố sống cố chết bám giữ các đồn bốt ở những nơi hẻo lánh, heo hút, giữa rừng sâu như Đắc Pét-Măng Bút-Tống Lê Chân, mà phương tiện tiếp tế duy nhất là những chiếc trực thăng vừa ít ỏi lại vừa cổ lỗ. Vấn đề đặt ra cho Quân giải phóng là phải xoá sạch các ung nhọt ấy đi để làm cho vùng căn cứ được mở rộng hoàn chỉnh hơn: việc làm đường, làm kho tàng, cũng như việc cơ động lực lượng được thoải mái, dễ dàng hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 01:44:54 pm »


        Khúc ruột miền Trung dằng dặc có đường quốc lộ 1 chạy suốt từ Bắc chí Nam và các đường quốc lộ 19, 21, chạy từ bờ biển lên biên giới phía Tây Nguyên. Cái “dằng dặc” của miền Trung là nỗi lo lắng lớn của Mỹ-Thiệu trong suốt cả cuộc chiến tranh: lúc nào cũng nơm nớp sợ bị chia cắt. Sở dĩ như thế là vì giải đất này cơ lưng dựa vững chắc là dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. 80 năm đô hộ, có nhiều nơi trên dãy núi này, thực dân Pháp chưa dám bước chân đến. Những cái tên: Bến Hiên, Bến Giằng, Trà Mi, Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, An Lão, Gia Hội, Vĩnh Thạnh, đối với lính Pháp và lính “bản xứ” xưa kia là những nỗi kinh hoàng, có đi mà chẳng có về. Trong kháng chiến chống Pháp, cả vùng này được hoàn toàn tự do, nhân dân đã được cách mạng giáo dục, biết Boóc Hồ, cơ sở cách mạng càng thêm vững chắc. Ấy thế mà lần này, Mỹ cậy có sức, có tiền dấn thân vào. Trong thời kỳ chiến tranh cục bộ, tại những nơi này và suốt cả cùng giáp ranh với đồng bằng, lính Mỹ kéo đến, hết bò đến lết, nào phục kích, nào bịt hành lang, cố tình ngăn chặn lực lượng cách mạng từ trên núi xuống. Sau khi có Hiệp định Paris, theo chân Mỹ, Thiệu đã dùng những nơi này làm nơi xuất phát của các lực lượng chuyên đi càn quét, lấn chiếm trái phép. Trên bàn hội nghị ở trại David, đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời đã lớn tiếng tuyên bố sẽ trừng trị đích đáng những thủ đoạn ấy tại những nơi này. Và chúng ta đã nói là làm. Từ chỗ bị động phòng ngự trong thời kỳ đầu, ta đã bung ra cài lại thế, nhưng chưa sử dụng hết lực lượng chủ lực, nên sự chuyển biến ban đầu tuy chắc nhưng còn chậm.

        Kỳ Trà là một cứ điểm nhỏ do đại đội địa phương 931, hai trung đội nghĩa quân và 60 dân vệ đóng giữ, án ngữa phía tây nam quận lỵ Tam Kỳ-Tiên Phước, một con đường tỉnh lộ thọc sâu vào căn cứ của Quân khu 5. Trận tiêu diệt Kỳ Trà là một trậnh đánh mức bình thường. Nhưng tư lệnh sư đoàn 2 nguỵ, tướng Trần Văn Nhật đã cảm thấy có điều gì khác thường. Ông ta vội vàng điều ngay tiểu đoàn 1 của trung đoàn 2 và một tiểu đoàn của trung đoàn 6 bộ binh đến giải toả, nhưng không thành công. Tiếp đến một vị trí khác do tiểu đoàn 131 địa phương đóng giữ, gần quận lỵ Tiên Phước, bị đánh chiếm, Nhật điều động cả liên đoàn biệt động quân 12 đến tăng cường cho Tiên Phước. Chỉ trong vòng 10 ngày, liên đoàn này đã bị thiệt hại nặng; rồi tiếp theo các trung đoàn 4 và 5 thay phiên nhau bước vào chiến đấu. Đến đầu tháng 6 năm 1974, toàn bộ sư đoàn 2 gần như mất hiệu lực, vì thương vong quá nặng nề. Chiến sự không những chỉ bùng lên trong phạm vi tỉnh Quảng Tín, mà cả ở Quảng Ngãi, Nhật cũng phải đối phó rất chật vật với lữ đoàn 52 Quân giải phóng.

        Trong lúc tiếng súng ở vùng giáp ranh nổ giòn giã, thì ở Tây Nguyên, trên đường 14, phía bắc Kon Tum, Đắc Pét bị tấn công. Đây là một đồn tiền tiêu do tiểu đoàn biệt động quân 88 với 360 người, 10 trung đội nghĩa quân với 300 người chiếm giữ. Mặc dù được 70 lần chiếc máy bay yểm trợ, Đắc Pét vẫn bị “tràn ngập”. Sự xuất hiện của xe tăng và pháo lớn ở khu vực này đã làm cho họ hết sức kinh ngạc và lo sợ. Đối phương từ đâu đến và từ bao giờ?

        Những chiến thắng trong mùa hè năm 1974 ở Khu 5, chưa phải đã lớn lắm, nhưng đã có một tác động rất lớn. Nó đã đem lại sự tin tưởng vào sự chỉ đạo của cấp trên, sự thống nhất tư tưởng quân sự trong toàn khu vực: Trong lúc này không ai còn ý kiến là nên phân tán các đơn vị chủ lực ra, chia đều cho các địa phương, để be bờ, ngăn chặn, hay gỡ từng chốt một, mà phải quán triệt tinh thần tiến công, lấy phương châm “phản công và tấn công” mà Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng đã chỉ ra, để hành động.

        Thắng lợi xuân hè năm 1974 đã làm cơ sở cho quyết tâm của đợt hè thu năm ấy. Một kế hoạch hoạt động quy mô lớn hơn nhiều và đều khắp hơn nhằm tẩo cho quân khu một thế chiến lược mới: Lần lượt giải phóng các thung lũng thọc sâu vào căn cứ, đưa chủ lực xuống đứng ở đồng bằng, uy hiếp quốc lộ 1, áp sát các đô thị. Không chỉ phải một đợt mùa thu mà thôi, đây cũng là phương hướng hoạt động của quân khu trong suốt thời gian còn lại của năm 1974, để từng bước, thực sự làm chủ chiến trường.

        Chiến dịch tổng hợp mừa thu năm 1974, diễn ra trong phạm vi ba tỉnh: Quảng Đà, Quảng Tín, Quảng Ngãi. Trận chiến đấu mở màn diễn ra ở Nông Sơn, Trung Phước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:41:49 pm »


        Nông Sơn, Trung Phước nằm trong thung lũng sông Thu Bồ. Đồn Chính nằm trên cao điểm 270, trên bờ tây sông. Cả một hệ thống đồn vệ tinh nằm rải rác hai bên bờ sông vào tận đến chân đèo Le. Hai vạn dân bị kìm kẹp trong thung lũng này. Ngày 17 tháng 7 năm 1974, sư đoàn 2 thiếu trung đoàn 38,nhưng lại được phối thuộc thêm trung đoàn 36 và đầy đủ các binh chủng kỹ thuật: đặc công, pháo binh, thiết giáp, cao xạ mở màn chiến dịch. Việc tiêu diệt dứt điểm Nông Sơn và tất cả các đồn bốt chung quanh diễn ra trong đêm khá gọn. Phản ứng trong ngày hôm sau rất yếu ớt. Vài chục lần chiếc A37 đến ném bom vu vơ, vài loạt đạn pháo và trận địa đặt trong thung lũng Quế Sơn, bên kia núi Hòn Tàu, bắn hú hoạ đến chiều thì tiếng súng thưa và bặt hẳn. Các đơn vị chuyển sang đánh viện. Chiến trường được lựa chọn là chân núi Kỳ Vĩ, nam sông Thu Bồn. Sư đoàn 2 Quân giải phóng đã chờ sẵn ở đấy. Kết quả sau mấy ngày chiến đấu là hai tiểu đoàn của trung đoàn 2 quân đội Cộng hoà bị đánh thiệt hại nặng ở Kỳ Vĩ-Khương Quế và cách đấy mấy cây số, ở Đức Dục, tiểu đoàn 3 cũng bị tan vỡ, sau khi tiểu đoàn trưởng bị thương nặng. Theo lệnh tướng Ngô Quang Trưởng, liên đoàn 12 biệt động quân ở Quảng Ngãi vội điều động đến để lấp vào chỗ trống; tiếp đến, ngày 26 tháng 7, trung đoàn 54 ở chiến trường Trị Thiên cũng kéo vàp, chân ướt chân ráo mới đến vùng Gò Nổi đang chuẩn bị bước vào vòng chiến, thì bị đánh cho tơi tả. Ngô Quang Trưởng vốn dĩ là hiếu chiến, lại được cái ô Mỹ che chở, nên rất hùng hổ. Với một đối thủ như vậy, thì tổ chức đánh bồi, đánh nhồi, nhất định sẽ ăn to. Trong vòng chưa đầy nửa tháng, từ ngày 17 đến ngày 30, Trưởng liên tiếp mở ba cuộc hành quân trên cùng một địa điểm. Các đơn vị cứ sắp hàng dọc mà lao vào chỗ chết. Cùng một lúc, sân bay Đà Nẵng mấy ngày liền bị pháo kích, 17 chiếc bị huỷ, một số khác bị hỏng nặng. Cầu Nam Ô phía bắc thành phố bị đánh sập. Trong lúc Trưởng đang cố vét từng đơn vị đưa ra mặt trận, mà vẫn chưa đến được Nông Sơn, thì tiếng súng ở Thượng Đức lại rộ lên. Nông Sơn nằm trong thung lũng sông Thu Bồn, và Thượng Đức nằm trong thung lũng sông Vũ Gia, như hai cánh cây xoè ra, cắm sâu vào trong lòng dãy Trường Sơn, mà gốc cây là vùng B Đại Lộc. Ở đấy có quận lỵ Đại Lộc và quận lỵ Đức Dục. Không hiểu vì lẽ gì, Mỹ lại đặt cho vùng này một cái tên rất Mỹ: bang Arizona; chỉ biết rằng, về phương diện quân sự ở mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng, thì vùng này có tầm quan trọng đặc biệt. Từ trước đến nay, nó là vùng hậu cứ của Quân giải phóng ở mặt trận 4; nhưng sau ngày có Hiệp định, bị lấn chiếm trái phép, nên trở thành vùng tranh chấp. Ba phía: bắc, tây, nam đều là vùng căn cứ của ta, được nối liền với nhau bằng những đường sông, đường bộ rất thuận tiện cho việc cơ động lực lượng. Một khi ta làm chủ được vùng này, đặt trận địa pháo 130 ly, thì toàn tỉnh Quảng Đà, trong đó có căn cứ liên hiệp Đà Nẵng, đều nằm trong tầm pháo. Trong kế hoạch tác chiến chiến dịch của quân khu, ta cũng đã có tính đến mối quan hệ hữu cơ giữa Nông Sơn và Thượng Đức và ngược lại. Cho nên, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ lực và địa phương, giữa lực lượng chính trị và quân sự ở hai nơi này thì dù đối phương có tăng viện đến bao nhiêu, ta vẫn nắm được quyền chủ động chiến dịch,từ đầu đến cuối.

        Quân đội Cộng hoà ở Quảng Đà chưa kịp hoàn hồn, thì ở Quảng Tín, trong thung lũng Quế Sơn, trung đoàn 38 của sư đoàn 2 Quân giải phóng cùng với các tiểu đoàn địa phương của tỉnh, huyện tiến công một loạt cứ điểm: Hòn Chiện, Lạc Sơn, Núi Ngang, v.v… khôi phục lại hình thái trước ngày ngừng bắn. Đồng bào được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang nổi lên diệt ác, phá kìm, bao vây, bức rút, bức hàng hàng loạt đồn, bốt, đấu tranh quyết liệt, phá vỡ các khu tập trung ở đông Quế Sơn, từng mảng chốt rơi rụng. Sư đoàn 2 và trung đoàn 57 của sư đoàn 3 quân đội Cộng hoà bị chôn chân trong thung lũng này cho đến ngày hoàn toàn tan rã. Sau ba cuộc hành quân bị thất bại, Nguyễn Duy Hinh tay trắng và tiếp đó một vài hôm đến lượt Ngô Quang Trưởng trắng tay, một tên lính dự trữ cũng không còn. Trưởng đành phải cầu cứu đến Bộ Tổng tham mưu, xin rút hai lữ đoàn du 1 và 3 ở Trị Thiên về mặt trận Thượng Đức để đối phó với sư đoàn 301 của ta mà chúng vừa phát hiện được phiên hiệu và còn biết là từ Đắc Pét mới ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:45:50 pm »


        Như mọi người đều biết, sau chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Nguyễn Văn Thiệu đưa cả 2 sư đoàn dự bị chiến lược ra tăng cường cho quân đoàn 1 án ngữ nơi đầu sóng ngọn gió này. Sau hơn một năm rưỡi trời bị đưa ra chốt giữ trên chiến trường phía bắc, 2.900 sĩ quan và binh lính chết, 12 ngàn bị thương, 300 bị mất tích. Đối với một đơn vị mà biên chế đầy đủ là 13 ngàn người, thì tổn thất nói trên, có nghĩa là trăm phần trăm binh sĩ đã bị loại ra ngoài vòng chiến đấu. Những loại lính ưu tú nhất không còn nữa, số tân binh mới được bổ sung-bao giờ cũng giành cho lính dù ưu tiên-thì tinh thần sa sút, “do tác động của nghèo đói, của bản thân và gia đình”. Trong một báo cáo của DAO, đã có đoạn nói về họ như thế, mà còn có chú thích thêm: “nạn đào ngũ không hề bị trừng phạt, nạn say rượu, ma tuý, đánh giết chỉ huy ngày càng tăng”. Dù sao, công bằng mà nói, năng lực chiến đấu của quân dù và thuỷ quân lục chiến vẫn còn cao hơn lính cộng hoà một bậc. Lính dù đến Đà Nẵng ngày 8 tháng 8, quen thói, hợm hĩnh, chẳng còn coi ai ra gì, và rêu rao là chỉ trong vài ngày, sẽ lấy lại Thượng Đức.

        Nhưng tình hình đã khác trước rất nhiều. Trong một báo cáo gửi lên cấp trên, Phạm Kiều Loan, phó chủ nhiệm trung tâm hậu cần trung ương quân đội Cộng hoà Việt Nam, có than vãn về tình hình vật chất lúc bấy giờ như sau:

        “Thiếu đạn dược, phụ tùng máy bay và xăng dầu. Giờ hoạt động của máy bay chỉ còn 50%; súng M.16 trước kia mỗi cơ số là 500 viên, nay phải rút xuống còn một nửa, thiếu pháo sáng, đạn vạch đường. Loại xe tăng M.48 thì quá tinh vi, nên không có người sửa chữa, phải đưa về Mỹ; súng M.16 cần 3 loại dầu nhờn khác nhau, loại pháo 175 ly tầm bắn xa, nhưng phải bắn mò. Tên lửa TOW, 3.000 đô la một quả, quá đắt…”

        Đến lúc này, lính dù lại phải bày ra cái trò đánh theo lối con nhà nghèo. Hồi đánh nhau ở Quảng Trị, trên khu vực Thành Cổ, mỗi bề rộng chừng trên một cây, mỗi ngày Mỹ đã giội xuống đây vài vạn viên đạn pháo lớn, từ các chiến hạm bắn lên yểm trợ, nắm sáu trăm lần chiếc máy bay, trong đó có vài trăm lần chiếc B.52 biến hẳn bốn bức tường thành mấy đống gạch vụn chỉ trong có mấy ngày. Sỏi đá cũng trở thành tro bụi. Lúc bấy giờ, lực lượng bổ sung cho quân dù và thuỷ quân lục chiến còn dồi dào, có chọn lọc, có ưu tiên, nên đánh xong một trận là có lính mới thay vào ngay, quân số luôn luôn giữ múc 600-700 của một tiểu đoàn. Bây giờ, thời kỳ hoàng kim ấy không còn nữa. Trên toàn cả mặt trận dài hàng chục cây số, mỗi ngày chỉ có 30-50 lần chiếc máy bay bay tít trên chín tầng mây, vì sợ pháo cao xạ, và trên dưới 1.000 viên đạn pháo. Về phương diện chiến thuật, rõ ràng là có một bước lùi, một sự thay đổi đáng kể. Để nhanh chóng tái chiếm lại Thượng Đức đã bị rơi vào tay Quân giải phóng từ ngày 8 tháng 8. Họ đã áp dụng một chiến thuật mới: bàn tay xoè, nghĩa là phân tán ra thành đơn vị nhỏ, dũi lấn tới. Hoả lực chi viện thì yếu ớt, tinh thần lại bạc nhược, nên xoè ra đến đâu, vừa bị đánh, lại phải co lại, nằm yên, be bờ, chốt giữ. Với một đội quân đánh thuê, từ tổ chức, huấn luyện, trang bị, tư tưởng chiến thuật, chiến lược đều phải răm rắp theo điều lệnh của quân đội Mỹ, mà đánh theo kiểu này, thì chỉ càng bộc lộ thêm nhiều nhược điểm, sơ hở mà thôi. Hai tuần lễ tác chiến rõng rã, mà quân dù vẫn không đến được cao điểm 1062, một đài quan sát tuyệt vời ở đông Thượng Đức. Về phần mình, sau khi làm chủ Thượng Đức, ta còn có thêm một trận địa pháo vừa an toàn, vừa bí mật ở phía nam sông. Với thế trận như thế, toàn bộ thung lũng Vũ Gia và vùng B Đại Lộc đều bị ta khống chế, ai đã chui đầu vào đây, nhất định sẽ bị sứt đầu mẻ trán. Cho nên chỉ trong vòng 2 tháng, hai lữ đoàn dù 1 và 3 đã có 2.000 bị loại ra khỏi vòng chiến đấu. Bộ Tổng tham mưu ta chủ trương phải giữ vững khu vực Thượng Đức, đánh bại cuộc hành quân tác chiến của sư đoàn dù. Tuyệt đối không được đặt thành tiền lệ là quân dù đi đến đâu là giải toả được đến đấy. Phải tăng cường sự lãnh đạo tư tưởng giải quyết cách đánh nào tốt, phát huy cách đánh chốt có công sự, bẻ gãy thủ đoạn đánh dũi của đối phương, đồng thời nắm chắc lực lượng cơ động, nhằm vào sở chỉ huy lữ đoàn, trận địa pháo của đối phương mà diệt, phát huy cách đánh của phân đội nhỏ, tinh nhuệ, đánh vào sau đội hình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:48:23 pm »


        Để quán triệt hơn nữa ý định của Bộ, đồng thời để tuyệt đối giữ bí mật, một ý đồ chiến lược đang chớm hình thành, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã triệu tập thiếu tướng Hoàng Văn Thái và thiếu tướng Lê Linh, tư lệnh và chính uỷ quân đoàn 2 về Hà Nội, giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy mặt trận Thượng Đức cho quân đoàn. Đại tướng chỉ thị: “Việc giữ Thượng Đức và đánh bại quân dù đi giải toả, có một ý nghĩa chính trị, quân sự lớn, đối với địch, cũng như đối với ta. Phải đánh sụp truyền thống của kẻ địch, đồng thời xây dựng truyền thống tốt cho ta. Vì vậy, vấn đề nóng bỏng nhất của quân đoàn hiện nay là Thượng Đức. Phải tìm mọi cách làm suy yếu, giam chân quân dù trên chiến trường này càng lâu càng tốt, suốt cả mùa xuân năm 1975, để tạo điều kiện cho các nơi khác hoạt động. Tân binh, vật chất, đạn dược sẽ được bổ sung đầy đủ”.

        Chúng ta thừa biết trình độ chỉ huy của Ngô Quang Trưởng chỉ có thể đối phó với một chiến dịch. Nếu có đôi ba nơi cùng tiến công một lúc, thì sẽ bối rối, không xử trí nổi. Ở phía nam vùng một chiến thuật, Trưởng đã phải điều động trung đoàn 4 của sư đoàn 2 ra thung lũng Quế Sơn, để thay thế cho sư đoàn 3 bị đánh tơi bời, làm cho lực lượng phòng thủ ở Quảng Ngãi bị suy yếu, mặc dù ngoài lực lượng còn lại của bản thân, sư đoàn 2 còn được phối thuộc thêm 12 tiểu đoàn địa phương quân và 3 tiểu đoàn thuộc liên đoàn biệt động quân 11. Ở Quảng Ngãi, cũng như ở các nơi khác, mỗi thung lũng thường là một quận lỵ, giao cho một tiểu đoàn quân biệt động và một số quân địa phương, cùng với nhiều trung đội nghĩa quân chiếm giữ. Ngoài ra, còn có bọn cán bộ bình định phượng hoàng, thiên nga, chiêu hồi… Tiểu đoàn biệt động quân 68 đứng ở quận lỵ Sơn Hà; tiểu đoàn biệt động quân 78 ở Trà Bồng và tiểu đoàn biệt động quân 70 ở Gia Vụt. Chừng ấy lực lượng đủ kìm kẹp trên dưới vài ban vạn dân tập trung trong vài ba khu vực. Lúc bình thường, xem ra có vẻ mạnh nhưng đến giữa năm 1974 trở đi, với trình độ tác chiến và khả năng bảo đảm của ta, thì đây là những miếng mồi béo bở, những khu vực mục tiêu được lựa chọn trong kế hoạch hoạt động của quân khu. Lữ đoà 52 Quân giải phóng và một đơn vị pháo, được giao nhiệm vụ giải phóng quận lỵ Minh Long, áp sát vào các vùng đông dân cư như quận lỵ Nghĩa Hành, uy hiếp cả hai quận lỵ Mộ Đức và Đức Phổ. Đơn vị bảo vệ Minh Long cùng với 15 trung đội nghĩa quân ở các tiền đồn chung quanh nhanh chóng bị diệt.

        Trong số chiến lợi phẩm, có cả những khẩu pháo 105 ly, còn tốt dùng được ngay. Tướng Trần Văn Nhật cho 3 tiểu đoàn đến cứu nhưng không kết quả. Ba ngày sau, Nhật đề nghị rút bỏ Gia Vụt, Sơn Hà, Trà Bồng nhưng Trưởng nhất định không nghe. Ông ta ra lệnh: “Nhất định không để một quận lỵ nào rơi vào tay cộng sản mà không qua chiến đấu”. Y như rằng, sau đó một thời gian ngắn, Gia Vụt được giải phóng.

        Như vậy trên chiến trường Khu 5, sau hè thu, đã xuất hiện mấy nhân tố mới: bộ đội địa phương và du kích có thể cùng đồng bào tiêu diệt, bức hàng, bức rút từng mảng chốt nhỏ thuộc hệ thống kìm kẹp, để giàh dân, giành quyền làm chủ.

        Bộ đội chủ lực có khả năng diệt địch trong công sự vững chắc ở trong chu khu, quận lỵ, giải phóng từng khu vực một.

        Ta có khả năng đánh bại các cuộc hành quân giải toả của đối phương, bất kể các loại quân nào, giữ vững vùng giải phóng và phát triển thế tiến công, mở rộng thắng lợi.

        Tuy nhiên vấn đề phá bình định, nổi dậy ở vùng ven các đô thị và những vùng quan trọng còn nhiều vướng mắc. Nổi dậy thì được nhưng giữ như thế nào?

        Phong trào chính trị ở các đô thị còn yếu.

        Bộ đội chủ lực tuy có diệt được nhiều địch nhưng chưa gọn, đặc biệt, cách đánh cụm cứ điểm, quận lỵ, cũng như đánh vận động diệt từng chiến đoàn, trung đoàn địch ở đồng bằng, địa hình trống trải, thì quân khu chưa có kinh nghiệm.

        Giải phóng các cư điểm Đắc Pét-Măng Bút-Măng Đen-Ia súp ở Tây Nguyên và vùng giáp ranh, Khu 5 đã mở rộng vùng căn cứ của ta từ Trường Sơn ra đến biển và gần như liên hoàn từ bắc chí nam, đã khôi phục lại trạng thái trước ngày 28 tháng 1 năm 1973 và còn mở rộng thêm ra…

        Khác với những chiến trường khác ở miền Nam Việt Nam, chiến trường Trị Thiên có một nét khá độc đáo: ngày thường thì có vẻ là sóng yên bể lặng nhưng lúc bất thình lình nổi cồn cao sóng dữ thì không đâu bằng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:51:40 pm »


        Sự kiện nổi bật nhất gần đây là việc thành lập Quân đoàn 2, ngày 17 tháng 5 năm 1974, với các sư đoàn 304, 324, 325 và các đơn vị binh chủng kỹ thuật trực thuộc; đơn vị nào cũng được gần 30 tuổi quân, có nhiều kinh nghiệm tác chiến. Ngoài việc phái ra một số đơn vị để tham gia chiến dịch hè thu ở Quảng Nam-Đà Nẵng và ở Trị Thiên, quân đoàn dốc sức vào công tác huấn luyện, bổ sung trang bị, làm đường cơ động từ Tà Bạt nằm trên trục đường chiến lược chạy đến núi Bạch Mã, vào đến bắc Đà Nẵng và tích luỹ dự trữ vật chất. Giữa lúc Ngô Quang Trưởng đang bù đầu rối rít về chiến sự ở Quảng Đà, Quảng Tín, Quảng Ngãi, thì sư đoàn 324 bắt đầu tiến công vào tuyến phòng ngự ở tây nam Huế, ngày 25 tháng 8 năm 1974. Trong khu vực này, có những điểm cao chạy dọc theo rìa phía tây đường số 1 vào đến núi Bạch Mã như cao điểm 144, 273, 224, 350, núi Bông, Mỏ Tàu. Chỉ trong ngày đầu tiến công, tiểu đoàn 2, trung đoàn bộ binh 3 quân đội Cộng hoà và tiểu đoàn địa phương 129 bị diệt. Tiểu đoàn thứ hai của trung đoàn này bị pháo bắn thiệt hại, rút chạy. Toàn bộ công sức bỏ ra để xây dựng tuyến phòng thủ trên các điểm cao nói trên, bị xoá sạch chỉ trong mấy ngày. Những người khách bộ hành đi trên đường quốc lộ số 1, chẳng ai chú ý đến những mỏm đồi này làm gì; nhưng đối với những cán bộ của Quân đoàn 2 thì lại khác: một khi đã chiếm được bất cứ một mỏm nào để đặt đài quan sát, lại có trận địa pháo ở phía sau, thì khống chế được một đoạn đường quốc lộ rất dài từ nam Huế đến bắc Hải Vân. Đối phương cũng nhanh chóng nhận ra được rằng, cuộc tiến công lần này, chẳng phải như lần trước là nhằm mục đích tạo ra một hàng lang để xuống đồng bằng, hỗ trợ cho phong trào phá bình định, mà chính là nhằm cắt con đường giao thông huyết mạch này: mọi công tác vận chuyển, tiếp tế, đi lại trên chiến trường bắc vùng I bằng đường bộ, đường sắt và cả đường không, sẽ bị tê liệt. Cho nên sống chết gì cũng phải đổ quân vào đây mà giải toả cho bằng được.

        Ngay từ đầu, Trưởng đã phải ném cả trung đoàn 51 vào vòng chiến, không kết quả, lại phải cấp tốc điều cả trung đoàn 54 đanh bị đánh nhừ tử, từ chiến trường Quảng Nam ra, vẫn chưa đủ. Thậm chí đến lữ đoàn dù, đang án ngữ trên tuyến sông Bồ ở bắc Huế, tiểu đoàn 37 biệt động quân, cũng đưa đến để cứu nguy và như vậy là đã vét sạch những lực lượng tinh nhuệ nhất ở vùng I, để giành giật lại những điểm cao nóng bỏng này với Quân giải phóng. Chiến sự kéo dài, cho đến đầu mùa xuân 1975. Tại đấy, cả hai bên đầu có một trở ngại chung: mưa và bão. Trên đất nước Việt Nam, có lẽ lượng mưa ở khu vực này là cao nhất và trong cả năm, thì cũng tập trung nhất ở những tháng ngày này: hết mưa, đến bão. Hành quân, tiếp tế vô cùng khó khăn. Chủ trương của Bộ Tổng tham mưu là làm thế nào để duy trì được cường độ hoạt động, đồng thờ kiện toàn, chấn chỉnh được các đơn vị để được sung sức hơn trong mùa xuân đến. Các trung đoàn thuộc sư đoàn 324, được lệnh bí mật lùi về phía sau, giao lại chiến trường cho các đơn vị chủ lực của địa phương: trung đoàn 6 và trung đoàn 271. Để làm cho có vẻ rầm rộ hơn, ngày 21 tháng 10 năm 1974 mở thêm một mặt trận mới đánh vào các tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ 6, 8 và 61, lúc bấy giờ đang đứng trên tuyến phòng ngự Phong Điền ở phía bắc Huế. Việc thay quân ở Phú Lộc, được thực hiện rất êm đẹp, mãi đến mùa xuân 1975 đối phương mới phát hiện ra.

        Nghị quyết 21 đã đến với chiến trường Nam Bộ rất kịp thời. Trung ương Cục và Quân uỷ Miền nhanh chóng triển khai cho các cấp uỷ Đảng, các cấp chỉ huy tỉnh đội… nghiên cứu quán triệt. Tiếp theo đó, nhiều cuộc hội nghị được tổ chứ để nghiên cứu các chuyên đề lớn, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc nhất: Hội nghị tổng kết kinh nghiệm đánh giá bình định, hội nghị binh vận v.v… Qua học tập, nhiều nhận thức lệch lạc, nhiều vướng mắc được uốn nắn lại và đạt được sự nhất trí cao. Đây là một thắng lợi rất cơ ản. Sự nhất trí từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đã đem lại sức mạnh rất to lớn.

        Quán triệt tinh thần Nghị quyết 21 và nghị quyết của Quân uỷ Trung ương, tháng 3 năm 1974, Trung ương Cục và Quân uỷ Miền đề ra phương hướng chính cho chiến trường Nam Bộ là: “Phải đẩy mạnh phá bình định ở đồng bằng sông Cửu Long, phá hậu phương trực tiếp cung cấp sức người sức của cho chiến tranh: tiêu diệt địch ở rừng núi, mở hành lang, tạo bàn đạp tấn công, hoàn chỉnh và mở rộng vùng giải phóng miền Đông, phá lỏng và tạo bàn đạp chung quanh đô thị, nhất là vùng ven Sài Gòn (Nghị quyết 21-TWC, tháng 5 năm 1974)”.

        Dưới ánh sáng của các nghị quyết nói trên, các chiến trường có sự phối hợp nhịp nhàng hơn trước, tạo điều kiện cho nhau chuyển dần lên thế chủ động tiến công, đã đánh trong mùa khô, lại liên tục đánh cả mùa mưa, dồn đối phương vào thế suy yếu toàn diện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 11:00:52 pm »


        Phía bắc Sài Gòn, các cư điểm vòng ngoài đều bị cô lập, không thể dùng bộ binh, thậm chí cả đến hoả lực, để chi viện tiếp cứu cho nhau: Tây Ninh-Tống Lê Chân, An Lộc-Chơn Thành-Phước Vĩnh-Đồng Xoài… Theo cách suy nghĩ của Thiệu nếu để bất cứ một nơi nào lọt vào tay Quân giải phóng thì cũng thành vấn đề chính trị lớn, ảnh hướng đến tinh thần của nhân dân, đến sức mạnh của quân đội Cộng hoà. Bỏ thì thương, vương thì tội, nên mặc dù phải dùng đến hàng nghìn lần chiếc trực thăng mỗi tháng để bảo đảm tiếp tế, các cứ điểm nói trên vẫn cứ ngắc ngoải cầm hơi. Không quân, dù có thừa hưởng được cái gia tài đáng giá do Mỹ để lại, cũng không đủ sức để bảo đảm lâu dài cho cả hệ thống đồn bót này nhất là trong lúc xăng dầu đang là vấn đề nan giải.

        Để khắc phục lại tình trạng khó khăn này, đối phương có ý đồ nối liền hệ thống cứ điểm này lại với nhau, lập ra tuyến phòng thủ chạy từ Chơn Thành sang Phước Vinh-Đồng Xoài. Ta mở mặt trận Bù Bông, Tuy Đức, tiêu diệt đồn Nha Bích đứng giữa đường Chơn Thành-Đồng Xoài, đốt kho xăng Nhà Bè. Bị đánh đau, chúng vội co về bên trong, lập ra tuyến phòng thủ hẹp hơn, kéo dài từ An Nhơn Tây sang Bến Cát. Đằng sau cái chiến luỹ ấy, họ mặc sức tung hoành càn quét liên miên vùng Trảng Bàng, bắc Củ Chi, kết hợp với hoạt động của phượng hoàng, thiên nga, cố đẩy lực lượng chính trị, vũ trang ta ra ngoài, xoá thế da báo. Bộ tư lệnh Miền đặt vấn đề phá tuyến, để hỗ trợ cho phong trào phá bình định vùng ven, giữ các lõm giải phóng, xây dựng các địa bàn đứng chân ở chung quanh Sài Gòn.

        Một bộ phận của sư đoàn 9 tiến công vào tuyến phòng thủ này. Các cứ điểm nằm trên tỉnh lộ 7, Ri Nét-Rạch Bắp do tiểu đoàn địa phương 301 đóng giữ bịt diệt, cánh cửa phía bắc vào Tam giác sắt được mở toang. Một đơn vị thuộc sư đoàn 9 phát triển dọc theo sông Thị Tính được 6 cây số, buộc viên tư lệnh vùng 3 chiến thuật, phải tung sư đoàn 7 biệt động quân ngăn chặn hướng tiến công của ta về Phú Cường. Cùng lúc, trên hướng đông bắc Sài Gòn sư đoàn 7 Quân giải phóng cũng mở đợt tiến công phối hợp. Toàn bộ chủ lực quân đội Cộng hoà và một bộ phận khá lớn quân địa phương trên các hướng này, đều bị căng kéo cho đến hết mùa mưa.

        Mặc dù lữ đoàn 3 thiết giáp và một vài đơn vị quân đội Cộng hoà có bị đánh thiệt hại nặng, nhưng nhiệm vụ tiêu diệt địch của đợt hoạt động chưa hoàn thành. Nguyên nhân là chỉ đặt vấn đề chốt chặn để giữ tuyến mà không đặt vấn đề tiêu diệt nên không cơ động lực lượng và cũng thiếu sự chỉ huy thống nhất.

        Ở đồng bằng sông Cửu Long, bước sang năm 1974, Thiệu mặc dù vẫn phải khư khư giữ lấy vùng đông dân nhiều của này, muốn hay không, buộc phải tiếp tục hạ thấp yêu cầu. Ông ta đang lâm vào thế bị động chiến lược. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh lãnh thổ phải đặt lên hàng đầu. Đã xa rồi, thời kỳ tự do tung quân đi tìm diệt, càn quét, đánh phá phong trào. Thay cho yêu cầu mở rộng vùng kiểm soát dành thêm dân, lần này chỉ đề ra nhiệm vụ cố gắng giữ đất, giữ dân.

        Tuy nhiên, Thiệu vẫn còn nuôi dưỡng ý chí ngăn chặn sự thâm nhập của Quân giải phóng vào vùng đồng bằng, tỏ ra rất nhạy bén trong việc ngăn chặn ta từ bên kia biên giới.

        Đầu năm 1974, một bộ phận của sư đoàn 5 Quân giải phóng và sư đoàn Đồng Tháp tiến công vào Long Khốt-Quéo Ba trong vùng Mỏ Vẹt, gần biên giới Việt Nam-Campuchia, nhằm thu hút đối phương, hỗ trợ cho phong trào bình định ở đồng bằng, đồng thời mở thông hành làn từ tây sông Vàm Cỏ Tây nối liền với Đồng Tháp, Kiến Tường, Kiến Phong, Mỹ Tho. Lập tức Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh vùng 4 chiến thuật, tung sư đoàn 7, sư đoàn 9 và lữ đoàn thiết giáp 4 ra ngăn chặn. Phối hợp với vùng 4, Phạm Quốc Thuần, tư lệnh vùng 3, cũng đưa sư đoàn 25 cùng với các lữ đoàn đặc nhiệm 310, 313, 320 với xe tăng, pháo binh và được sự chi viện tích cực của 50 lần chiếc trực thăng vũ trang và 100 lần chiếc máy bay chiến đấu trong ngày, liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân dài ngày cho đến mùa mưa năm 1974. Trong những tháng 4, 5, 6, chiến sự vẫn diễn ra rất ác liệt trên một vòng cung chạy từ Long Khốt đến Đức Huệ, Gò Dầu Hạ. Để phô trương thêm sức mạnh, mượn cớ là để truy kích đối phương đến tận hang ổ, quân đội Cộng hoà miền Nam đánh tràn sang đất Campuchia, nhằm mục đích chặn đứng một hiểm họa mà đêm ngày họ ăn không ngon, ngủ không yên: cắt quốc lộ 4, uy hiếp Sài Gòn.

        Trên chiến trường miền Tây, cũng để thực hiện ý đồ ngăn chặn, quân đội Cộng hoà liên tiếp mở các cuộc hành quân nam Nước Trong, Trị Pháp, triển khai cho bằng được các chi khu Hưng Long, Hậu Mỹ, Phương Hồng nhằm chiếm lĩnh khu trung tuyến, cắt đứt hành lang vận chuyển của ta từ trên biên giới xuống.

        Để có quân, họ rút bỏ hàng trăm đồn bốt ở những nơi không quan trọng, chỉ trong ba tháng, từ tháng 6 đến tháng 9, số đồn bốt từ 335 cái rút xuống 267 cái-lập ra hệ thống phân chi khu ở xã để thống nhất các lực lượng lại, nâng bảo an lên cấp tiểu đoàn. Sư đoàn 21, vốn đã bị vào loại kém nhất, hiệu suất chiến đấu thấp nhất, nay lại phải dàn mỏng hơn nữa, một mình phụ trách những sáu tỉnh đồng bằng: Phong Dinh, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Chương Thiện, Kiên Giang và An Giang.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Hai, 2017, 11:13:30 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 11:11:25 pm »


        Trong lúc ở vùng 4 đang gặp khó khăn về quân số, thì ở Bộ Tổng tham mưu cuộc khủng hoảng lại càng trầm trọng hơn. Biện pháp tháo gỡ khó khăn là giải thể biệt khu 44, để lấy ra 9 tiểu đoàn còn có chút ít máu mặt, để lấy quân bổ sung, ứng cứu cho những nơi khác, còn nguy hiểm hơn nhiều. Biết được thóp của trên, đàn em ở dưới chẳng còn có ai chịu nâng quân số lên để cho trên hốt gọn.

        Về phía ta, nhờ có sự phối hợp chung trên toàn chiến trường, sự kết hợp giữa các mặt đấu tranh ngày càng chặt chẽ hơn, nên cục diện chiến trường cũng thay đổi, nhân lúc chủ lực quân đội Cộng hoà bị chôn chân ở trên biên giới, các nơi khác bung ra đánh đều khắp và quyết liệt. Kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến và xây dựng, các lực lượng tại chỗ lớn mạnh nhanh chóng, chất lượng các tiểu đoàn địa phương có khác trước rất nhiều. Sự thay đổi này đã tạo ra tính chất đồng đều và phổ biến của phong trào. Ở những nơi, trước nay phong trào đã mạnh sẵn, lại có chủ lực hoạt động như Cần Thơ, Bạc Liêu, Chương Thiện thì tính chất rầm rộ, sôi nổi là điều dễ hiểu; đến những nơi không có một đơn vị chủ lực nào cũng thi đua, mở các “chiến dịch tổng hợp”. Với một đại đội không quá 30 người làm nòng cốt, Sóc Trăng đã huy động một số đông dân quân du kích và nông dân mở mảng, mở vùng ở hai huyện Mỹ Xuyên và Thạnh Trị. Về vũ khí, quân khu chỉ cấp cho một ít đạn B.40, B.41, còn thì địa phương phải tự túc lấy. Chiến thuật chém vè, hù dọa lại có dịp phát triển. Nhân dân vùng đồng bằng, tưởng như đã sống lại những ngày đồng khởi năm nào.

        Sự chuyển mình nhanh chóng, mạnh mẽ, đồng đều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, không những chỉ nói lên được sức mạnh của những nghị quyết mà còn nói lên truyền thống đấu tranh cực kỳ anh dũng, sự nỗ lực vô bờ bến của đồng bào Nam Bộ. Những nhận thức lệch lạc về hiệp định chỉ là cá biệt, quảng đại quần chúng thì lại khác. Tuy thời gian tìm hiểu Hiệp định Paris chưa được bao nhiêu, nhưng người dân ở đây lại hiểu khá đầy đủ ý nghĩa, tinh thần của nó, và vận dụng nó một cách rất tài tình và sáng tạo. Dày dạn kinh nghiệm đấu tranh, họ không hề nuôi một ảo tưởng gì về đối phương, không mảy may hy vọng là chúng sẽ thực hiện những điều cam kết. Bản chất của đối phương là như vậy. Nhưng, Hiệp định đâu phải chỉ là vấn đề giấy tờ, mà đây là kết quả của cả một cuộc đấu tranh, cách mạng lâu dài, gian khổ, với ta, nó là vũ khí đấu tranh, với đối phương nó là một thứ thuốc độc, cứ ngấm dần… Ban đầu, thì chưa thấy phản ứng gì, nhưng tác hại thì rất lớn. Tinh thần của Hiệp định là hoà bình, hoà hợp. Tinh thần ấy phù hợp với thực tế. Đây là nguyện vọng của tất cả mọi người Việt Nam, dù đứng trên bất cứ trận tuyến nào. Trước kia, chính trị phản động là quốc gia, chống cộng, chia cắt đất nước, ngày nay chính trị phản động là chống Hiệp định Paris, là chống hoà bình, chống hoà hợp dân tộc, chống lại mơ ước từ bao đời nay của tất cả mọi người Việt Nam.

        Hàng ngày, trực tiếp đương đầu với đối phương, đồng bào hiểu họ rất rõ, nhận thấy sự thay đổi hàng ngày hàng giờ trong hàng ngũ họ. Rõ nhất là cái thế quân sự so với trước ngày ngừng bắn, thì khác nhau xa. Bây giờ là thế thủ, thế bị động, thế lùi, không thể nào gượng lại được. Đối phương muốn bung ra giữ lắm, muốn chiếm nơi này nơi khác, nhưng mỗi mùa hoạt động lại phải hạ thấp yêu cầu, thì lấy vải thưa mà che mắt thánh thế nào được?

        Trước kia, trong lúc chính sách bình định đang đạt hiệu quả cao nhất, bọn ác ôn mặc sức tung hoành. Người ta sợ một tên ác ôn hơn cả một đơn vị chủ lực nguỵ, vì nó biết tất cả trong địa phương: ai là cách mạng, ai là trung thành, thật bụng với quốc gia, ai là lưng chừng vâng vâng dạ dạ về ngoài, nó biết tất cả phong tục tập quán, thông thạo các hang cùng, ngõ hẻm. Bây giờ thì không thế nữa. Người trong đồn vẫn mặc bộ quần áo lính, bề ngoài vẫn rằn ri như cũ, nhưng ở trong khác trước nhiều biết bao nhiêu: họ là con cháu của dân. Những cấp chỉ huy, cán bộ tâm lý chiến, mặc sức hò hét, lừa bịp, cũng khó mà xua họ đi chém giết bà con họ, và tề nguỵ, dù có ngoan cố, độc ác đến đâu cũng không có ai dại dột đến nỗi đi đôn quân, bắt lính để mua cái chết cho con cháu họ. Một tên lính đi càn quét bị vướng mìn chết. Đồng bào khiêng xác nó lên đồn, đấu tranh đòi cấp chỉ huy phải thi hành đúng điều 6 Hiệp định Paris, không được tung quân đi càn quét, không được bắn phá, đồng thời đòi bồi thường thiệt hại cho gia đình nó. Từ đấy, dấy lên một phong trào chống bắt lính, lôi kéo con cháu về nhà làm ăn. Một mũi tên bắn trúng ba mục tiêu cùng một lúc. Chỗ dựa chủ yếu của đối phương để bình định, khủng bố, đàn áp ngày càng rệu rã như thế đấy.

        Địa phương mà bị yếu, thì chủ lực sẽ giảm mất sức cơ động vì phải phân tán ra để giữ đất thay thế cho địa phương. Nguồn bổ sung cũng cạn dần, chủ lực rốt cuộc cũng yếu theo. Quân số các tiểu đoàn bảo an thì lơ lửng ở con số 100 đến 150 là cùng. Lại nữa, lính chủ lực mà về các địa phương thì chẳng thuộc người, chẳng biết địa hình, suốt ngày phải do đối phó với chiến tranh du kích và với những cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng; có nơi lại còn phải lo đấu tranh với số quân và chính quyền ở địa phương, vì cả hai đều có máu tranh ăn, tranh giành quyền lợi.

        Báo cáo của quân đội Cộng hoà giữa năm 1974, khác hẳn với giọng lưỡi đầu năm: “Ở quân khu 4, tình hình an ninh lãnh thổ ngày càng sụp đổ. Lực lượng lãnh thổ sa sút nghiêm trọng. Nếu để kéo dài, quân lãnh thổ sẽ tan rã, đồn bốt không còn, không thể nào thực hiện bình định được. Đã mất đất thì mất dân, mà nếu không có khả năng thu hồi, dần dần sẽ chết. Hiện nay, cộng sản đang đánh phá khắp nơi, không ngăn được. Không có an ninh vì chưa chấn chỉnh được lực lượng, quân số quá thấp, thiệt hại cao, đào ngũ nhiều, bắt lính hạn chế. Đòi hỏi cấp bách phải có an ninh lãnh thổ, kiện toàn cho được quân địa phương là yếu tố quyết định. Nếu không, bình định sẽ thất bại, có làm cũng bị phá, vì cộng sản có mặt ở khắp đồng bằng…”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM