Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:59:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xuân giải phóng  (Đọc 41391 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 10:45:37 pm »


        Trên hướng bắc trung đoàn 18, ngày 27 tháng 3 chiếm được đèo Phú Gia và tiến nhanh về hướng Lăng Cô. Đến 18 giờ ngày 28 thì chiếm được cái cầu vô cùng quan trọng này. Địch trong phía nhà ga, dựa vào vách núi, chống cự mãnh liệt. Chúng ở trên cao, ta dưới thấp, nên có lợi thế hơn ta. Suốt đêm, phản kích bốn lần, cố chiếm lại cầu. Giá tỉnh tảo hơn một chút, chỉ cần một vài tạt huóc nổ, đánh sập vài nhịp cầu trước khi bỏ chạy lên đèo, thì cánh quân này của ta phải bị ùn lại, phơi mình trên bán đảo, một bên là đầm Lăng Cô rộng mênh mông, một bên là biển, và sẽ trở thành mục tiêu rất tốt cho máy bay và tàu chiến ngày hôm sau. Sư đoàn trưởng, đại tá Phạm Đức Tâm, cũng đã sớm thấy điều đó và bộ tham mưu quân đoàn cũng đã nhận thấy thế, nên trong đêm, cấp tốc tăng cường cho đơn vị 6 xe tăng lội nước PT.85, nhất quyết chiếm cho kỳ được đèo Hải Vân trong ngày hôm sau.

        Mờ sáng ngày 29 tháng 3, xe GMC chiến lợi phẩm chở trung đoàn 18 và sở chỉ huy sư đoàn tiến công lên đèo. Tiểu đoàn 8, do tiểu đoàn trưởng Trân Minh Thiệt chỉ huy là mũi tiến công chính. Đại đội 6 do đại đội trưởng Nguyễn Tiến Lăng chỉ huy, ngồi trên xe tăng dẫn đầu đội hình tiến công của sư đoàn. Khi đến gần đỉnh đèo, một đại đội địch ra ngăn chặn, bị xe tăng ta đang lao tới, tiếng máy nổ ầm ầm, tiếng xích nghiến mặt đường rợn óc, đã hốt hoảng, vứt vũ khí tháo chạy.

        8 giờ 30, ta chiếm kho xăng Liên Chiểu, một giờ sau, tiếp cận cầu Thuỷ Tú. Nhân dân tràn ra hai bên đường hoan hô bộ đội. Bỗng một cụ già, tách ra khỏi đám đông, tay khăn, tay áo giơ lên khoát lia lịa, như muốn cản cả đoàn xe lại. Người ta thấy cụ lao vào chặn xe, miệng thét to, tay chỉ xuống gầm cầu: “Mìn, mìn!”. Một chiến sĩ trên xe hiểu ý, nhảy xuống. Nhác thấy một làn khói xanh đang xì lên ở chân cầu; không một giây do dự, người chiến sĩ ấy lao tới, dùng hết sức mình, giật mạnh đoạn dây cháy chậm, vứt xuống sông. Hú vía! Đoàn xe lại tiếp tục tiến.

        11 giờ trung đoàn 18 tiến đến ngã ba trung tâm thành phố, đánh chiếm các mục tiêu: cầu Trịnh Minh Thế, sư đoàn 2 của quân khu đã chiếm giữ từ trước. Tiến thẳng ra phía bắc, tiểu đoàn 8 cắm cờ trên mũi Sơn Trà lúc 13 giờ 30. Trên trục đường 14, trung đoàn 9, sư đoàn 304 cùng một tiểu đoàn xe tăng, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn cao xạ và một tiểu đoàn pháo binh hành quân suốt cả ngày đêm. Họ vừa hành quân, vừa phải khắc phục mìn, nên đến sáng ngày 29 mới triển khai được ở Đá Đen. Địch đã rút chạy từ trước. Ta nhanh chóng chiếm Phước Tường, Hoà Khánh và sở chỉ huy của sư đoàn 3 quân đội Cộng hoà ở Sủng Mây. Đến 14 giờ ngày 29 thì đến toà thị chính. Các đơn vị tiếp tục vượt qua cầu Trịnh Minh Thế sang bán đảo Sơn Trà và triển khai ngay đội hình chiến đấu, lập tức bắn cháy một số tàu chiến trong lúc chúng rối loạn rút lui.

        Trên hướng tây, sau khi đánh tan sự chống cự của địch ở Đồng Lâm, trong ngày 28 tháng 3, trung đoàn 24 truy kích sát gót; ngày 29 đánh trên đoạn Ái Nghĩa-Hiếu Đức và đến 12 giờ 30 thì vào đến sân bay Đà Nẵng.

        Cũng trong lúc này, trung đoàn 1, sau khi bắn cháy một xe tăng địch ở bến đò Xu, thu một xe tăng và bắt sống một số, đã tiến chiếm được sở chỉ huy quân đoàn của quân đội Cộng hoà. Một bộ phận phát triển sang phía tây, phối hợp cùng trung đoàn 24 chiếm sân bay, bắt 159 tù binh. Một bộ phận khác, tiến ra ngã ba Huế rồi đánh chiếm toà thị chính và chi cảnh sát lúc 12 giờ. Trước đó không lâu, khi các đơn vị chủ lực tiếp cận vùng ngoại ô, thì các tiểu đoàn địa phương của Quảng Đà trung đoàn 96, tiểu đoàn 401 và đội biệt động Lê Độ ở Cầu Đỏ, bến đò Xu đã cùng với đội biệt động khác đã lót sẵn tại chỗ chiếm toà thị chính lúc 11 giờ 15.

        Ở nhà lao Non Nước, anh em tù chính trị cũng đã vùng dậy, đập phá nhà tù và thoát ra. Những con chim mới sổ lồng đã nhanh chóng hoà mình với quần chúng, cùng với cán bộ địa phương đứng ra giải phóng, hô hào những tên lính bại trận nhanh chóng vứt bỏ cái xác đánh thuê và quay về với nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 10:48:26 pm »


        Một sự phối hợp vô cùng đẹp mắt trong một chiến dịch lớn. Chỉ cách đây mấy hôm, các đơn vị bắt đầu xuất phát tại những địa điểm cách xa nhau hàng trăm cây số. Mỗi đơn vị đều vượt qua biết bao nhiêu đèo cao, sông lớn, đánh không biết bai nhiêu trận lớn nhỏ, để hợp điểm lại một nơi trước sau trên một tiếng đồng hồ, trên mảnh đất lịch sử này.

        Ngọn cờ nửa đỏ nửa xanh, tung bay trên sóng nước sông Hàn, trên đỉnh Sơn Trà. Chính tại nơi đây, một trăm mười bảy năm về trước, quân đội viễn chinh Pháp, đã cắm lá cờ ba sắc đầu tiên trên đất nước ta, bắt đầu một đêm dài nô lệ.

        Trong lúc các cánh quân của ta tiến nhanh như vũ bão, thì đối phương có dần tuyến phòng ngự lại. Cũng gọi là phòng tuyến này phòng tuyến nọ, nhưng thực chất sức chiến đấu không có bao nhiêu. Những trận chiến ở nam Thừa Thiên, ở Tam Kỳ, ở Quảng Ngãi trong tháng 3 đã thực tế đánh quỵ các đơn vị chủ lực quân đội Cộng hoà; một số lớn binh khí kỹ thuật đã rơi vào tay Quân giải phóng. Trên đường rút lui, phần lớn nghĩa quân, địa phương quân do bà con khuyên nhủ, lôi kéo, rã ngũ tại chỗ. Một số lớn quân chủ lực, người ở các nơi khác đến, thì tìm đường tháo chạy, đập phá, cướp bóc lung tung, cuối cùng sa vào tay của nhân dân. Tình hình trên bãi biển Đà Nẵng cũng chẳng khác gì trên bãi biển Thuận An mấy hôm trước.

        Một nhân chứng kể lại.

        ‘Ngày 29 tháng 3, khoảng 10 giờ, binh sĩ thuỷ quân lục chiến kéo nhau lội xuống biển, ra tàu. Họ vứt bỏ súng ống hỗn độn; có rất nhiều loại quý giá như hoả tiễn “TOW”, súng đại bác không giật 90 ly, hồng ngoại tuyến, súng chống tăng X.202. Ở đầu cầu Trịnh Minh Thế, quang cảnh vô cùng hỗn loạn; còn trong sở chỉ huy của bộ tư lệnh quân khu ở gần đấy, thì mọi người đã bỏ đi từ bao giờ. Đến 15 giờ, mới thấy có tàu HQ403 cập bãi, cách đó 4 cây số về phía nam, mấy chiếc xe M.113 chạy đến để bắc cầu nhưng chỉ được một lúc, vì tàu không neo nên cứ troi ra, dạt bào. Biển động mạnh, làm chết rất nhiều người. Đám tàn quân rã dần…

        Tình hình ở sân bay còn rối loạn hơn. Khi chiếc máy bay Boeing 727 đầu tiên lượn trên đường băng thì một đoàn xe tải quân sự chật ních người của quân đội nam Việt Nam Cộng hoà chạy ra đường băng bắt đầu bốc dỡ. Trong nháy mắt, hàng nghìn người Việt Nam khác, chờ sẵn ngoài lối ra vào, chạy ùa lên máy bay, giẫm đạp lên cả phụ nữ và trẻ em. Lính bảo vệ Mỹ vung gập đánh như mưa xuống đầu họ, nhưng chẳng ăn thua gì. Phi công mở máy rồi cất cánh. Hàng chục người bám lấy càng và bánh xe của máy bay; nhiều người đã bị nghiền chết. Nhiều người khác đã bị rơi khi máy bay lơ lửng trên không. Đây là chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ bay ra khỏi Đà Nẵng.

        Ở sân bay Nước Mặn tình trạng hỗn loạn cũng không kém gì. Kế hoạch máy bay bắt đầu đi vào đường băng thì hàng trăm binh lính lao theo, túm lấy cánh, lấy thân máy bay, không cho cất cánh. Viên tổng lãnh sự Mỹ vừa chạy nhanh dọc theo đường băng, vừa la chửi, đánh đấm túi bụi. Nhiều người trong số lính đang bám cánh máy bay quay trở lại nện hết đòn này đến đòn khác vào cổ vào mặt viên lãnh sự trong khi chiếc máy bay nặng nề cất cánh bay lên trời. Vị đại diện của nước Mỹ được ăn một trận đòn nên thân.

        Trên một chiếc tàu hạm đội 7 được phái đến Đà Nẵng để răn đe cũng đang diễn ra những cảnh tượng rùng rợn:

        Hơn một nghìn năm trăm lính Việt Nam ăn nằm ngổn ngang trên boong, trên sàn tàu. Cách đài chỉ huy không đầy 30 thước, một lính Cộng hoà đang hiếp một phụ nữ, trong khi những người lính khác thản nhiên đứng nhìn. Một người trong số đó hét rất to: “Chúng ta muốn về Philippin và hãy nhốt thuyền trưởng trên boong và khoá chặt buồng lái lại”.

        Khi những chiếc tầu nhỏ đến cặp mạn tàu vận tải, người ta thả thang dây xuống và khách bắt đầu leo rất nguy hiểm. Nhiều trẻ em và người già trượt chân ngã xuống, va đầu vào chiếc tàu đã chở họ đến. Đến chập choạng tối, gần một nghìn người chết như thế đấy. Phải chăng đây cũng là một kiểu răn đe…”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 10:52:17 pm »


Chương 14

QUÂN TÌM TƯỚNG

        Sau những đòn sấm sét ở Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Phước An, tình hình trên cao nguyên có phần lắng dịu-ngoại trừ những hoạt động nhỏ lẻ trên đường 19-trong lúc từ đầu đến cuối vùng 1 chiến thuật, bão lửa của chiến tranh nhân dân ngày đêm giội xuống đầu thù. Đây chẳng qua là sự lắng dịu giữa hai cơn bão. Trên thực tế, trong những ngày này, ta và địch tranh thủ từng giây từng phút để hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, cho những trận chiến đấu cuối cùng, trên giải đất còn lạ của miền Trung.

        Chiều ngày 21 tháng 3, bữa cơm chia tay nhau của các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, chưa kịp bày ra bàn, thì Trung tướng Hoàng Mình Thảo, người chủ trì buổi liên hoan, được lệnh của A75 đã phải cấp tốc lên xe ra ngay đường 19, để kịp chỉ huy sư đoàn 968 và trung đoàn 95A đang cùng với trung đoàn 12 của sư đoàn 3, tiến công vào bốn cứ điểm tiền tiêu cảu thị trấn An Khê.

        Ngày 23, thị trấn này được giải phóng. Ta bắt 1.300 tù binh, thu 1.500 súng. Thẳng đà truy kích, tiến công bao vây địch trên đất võ Bình Khê, quê hương của Nguyễn Huệ. Sau một tuần chiến đấu, một loạt các thj trấn khác: Tam Quan, Bồng Sơn, Phù Mỹ rồi toàn bộ tỉnh Bình Định được giải phóng. Sư đoàn bộ binh 22 quân đội Cộng hoà có nguy cơ bị tiêu diệt. Địch vội vã giải thể một loạt các trường trại, trung tâm huấn luyện, trường quân dịch, trường nghĩa quân, trường địa phương quân, để vét người bổ sung, hòng khôi phục lại sư đoàn 22 đang bị tan rã từng mảng lớn. Biện pháp này, xem ra chẳng đem lại kết quả gì, vì các “khóa sinh” đã theo dõi diễn biến tình hình vùng 1 rất chặt chẽ, nên chẳng còn ai dám “xung phong” ở lại với đội ngũ đang rã rời này. Đến ngày 30 tháng 3, các cơ sở ngụy quyền ở các cấp đã ngừng hoạt động, trong lúc các đơn vị Quân giải phóng áp sát vào thị xã Quy Nhơn cùng với lực lượng tại chỗ nổi dậy giành quyền làm chủ và chặn đánh các nhóm tàn quân đang tháo chạy về phía nam.

        Trên mặt trận Phú Yên, sau khi đã trút gánh nặng, chỉ huy cuộc rút lui chiến lược cho tham mưu trưởng Lê Khắc Lý, chuẩn tướng Trần Văn Cẩm chạy về Tuy Hoà, gọi là để chỉ huy điều động của cuộc rút lui chiến lược nổi tiếng này. Cùng với tàn quân của các liên đoàn biệt động quân 35 và 21 và một số xe pháo mới ở Tây Nguyên lóp ngóp chạy về, Cẩm nắm trong tay cả 8 tiểu đoàn bảo an có sẵn tại chỗ để hình thành lực lượng phòng thủ cho cái thị xã nhỏ bé này.

        Phạm Văn Phú không hé nửa lời chê trách Cẩm vì cái tội bỏ lý một mình trên đường 7, để đưa đến tai vạ tày đình, nướng sạch mấy vạn quân, vì chính chủ tướng Phú cũng đã nêu gương chạy trước. Hơn thế nữa, Phú còn giao cho Cẩm toàn bộ trách nhiệm rất nặng nề trong lúc này là ngăn chặn Quân giải phóng trên hai hướng đường 7 và đường 21, đang tràn xuống đồng bằng như nước vỡ bờ. Kể ra, thì toàn bộ lực lượng trong khu vực này cũng tương đối lớn, nếu chỉ tính về mặt số lượng. Ngoài các lực lượng nói trên, còn có lữ đoàn 3 dù ở Đà Nẵng và trung đoàn 40 thuộc sư đoàn 22 ở Bình Định, mới được đưa đến để tăng viện lại có liên đoàn địa phương quân Khánh Hoà, hai tiểu đoàn của tiểu khu Ninh Thuận. Dọc đường 21, sát gần mặt trận, ở Dục Mỹ, còn có các trung tâm huấn luyện quân biệt động, trường pháo binh ở Ninh Hoà. Ở Nha Trang có sở chỉ huy Quân đoàn 2, vùng 2 duyên hải; sư đoàn không quân 2; trường hạ sĩ quan và trung tâm huấn luyện quốc gia Lam Sơn. Xa xa về phía nam, có đặc khu Cam Ranh do chuẩn tướng Lê Văn Thân chỉ huy, với các đơn vị thuộc sư đoàn 23 ở Tây Nguyên chạy về, mới được bổ sung 5.000 tân binh.

        Địa hình tỉnh Khánh Hoà rất thuận lợi cho việc phòng thủ. Ở phía bắc, từ Phú Yên vào, Quân giải phóng phải vượt qua một dãy núi qua Đèo Cả và Dốc Mỏ; ở phía tây xuống, phải qua đèo Phượng Hoàng. Ngay trong tỉnh, từ các huyện phía bắc xuống phía nam phải qua các đèo Ro Tượng và Rù Ri. Toàn bộ tỉnh Khánh Hoà nằm ven theo bờ biển; nơi nào cũng được pháo dưới tàu chi viện tích cực. Các sân bay Nha Trang, Thành Sơn đều là những loại sân bay quân sự lớn. Các kho tàng ở động Bà Thìn, Thành Sơn, đầy ắp nhưng đạn và bom. Dựa vào những vật chướng ngại thiên nhiên ấy, với lực lượng còn khá đông như nói trên, nếu tổ chức chỉ huy chặt chẽ, thì cũng có khả năng gây nhiều khó khăn cho đối phương. Bộ Tổng tham mưu quân đội Cộng hoà cũng đã thấy được những thuận lợi ấy, nên mới bàn với nhau việc lập tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ tây sang đông: Tây Ninh, Đà Lạt, Nha Trang, và sau lưng là căn cứ Thành Sơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 10:20:28 am »


        Giữa hai mặt trận có mối quan hệ rất cơ hữu với nhau; trên đường 7, địch cố tìm cách chạy để thoát chết; còn trên đường 21 thì chúng cố chặn ta lại để tìm lấy cái sống. Từ chỗ khác nhau ấy, hai sư đoàn 320 và sư đoàn 10 đã vận dụng hai lối đánh khác nhau.
        Trên đường 7, Bộ tư lệnh sư đoàn 320, sau khi chiếm Củng Sơn, phải thi hành mệnh lệnh của trên: tiêu diệt sạch bọn địch còn sót lại và nhanh chóng thu quân, để chuyển sớm vào Nam Bộ. Tuy nhiên, kẻ địch trước mắt còn khá đông. Vì phải khắc phục rất nhiều mìn trên đường đi, nên tốc độ tiến quân phải chậm lại, mãi đến ngày 31 tháng 3 mới đến đường quốc lộ 1. Ta đã nhanh chóng chiếm các cao điểm Chóp Chài ở phía bắc, Nhạn Tháp ở rìa phía taâ thị xã Tuy Hoà, hình thành thế bao vây địch. Ngày 1 tháng 4 sư đoàn đã có sự phối hợp đắc lực của các tiểu đoàn tỉnh, đã tiêu diệt toàn bộ địch, cùng quần chúng nổi dậy làm chủ thị xã này. Trần Văn Cẩm bị bắt.

        Trên đường 21, địch phòng ngự có bài bản hơn: lữ đoàn 3 dù và trung đoàn 40, dựa vào các cao điểm ở núi Chư Kroi, bố trí thành nhiều nút chặn, có xe tăng M.48 và pháo binh cỡ lớn chi viện. Ngày 22 tháng 3, sư đoàn bộ binh 10 cùng với trung đoàn bộ binh 25, trung đoàn pháo binh 40 và một tiểu đoàn xe tăng tiến công vào Khánh Dương. Lúc bấy giờ, địch mới phát hiện ra một mạn đường lâm nghiệp, xuyên qua các khu rừng rậm, ở phía tây tỉnh Khánh Hoà. Đây chính là một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh, từ chiến khu Bắc Ái, tây nam Khánh Hoà, đi ra các tỉnh phía bắc. Rút kinh nghiệm trên đường 7, họ dự đoán ta có thể đưa một lực lượng lớn, tiến theo đường này, để đánh chiếm quận lỵ Diên Khánh, vu hồi thành phố Nha Trang từ phía tây. Để được chủ động, chúng vội vã rút trung đoàn 40 ở Dục Mỹ và đưa ngay vào phía nam để cùng với một tiểu đoàn địa phương và ba khẩu pháo 105 ly bảo vệ sườn phía tây thành phố. Thực ra lối đánh của sư đoàn 10 ở đây khác hẳn. Với tinh thần khẩn trương, mạnh dạn, nhưng vững chắc, từng đơn vị được phân công mục tiêu, chuẩn bị chu đáo, đánh gom từng tiểu đoàn địch lại, để diệt gọn. Khi tiến công vào mục tiêu trước mặt, thì đồng thời, có bộ phận cơ động bao vây luôn mục tiêu phía sau. Với lối đánh này, chỉ trong ngày đầu bắn chuẩn bị, pháo binh của ta đã diệt được 12 trong tổng số 24 khẩu pháo lớn của địch, và sau bốn ngày liên tục chiến đấu, lữ đoàn 3 dù chỉ còn 25 phần trăm quân số.

        10 giờ sáng ngày 1 tháng 4, được tin về mặt trận đường 21, cả trung tâm huấn luyện Lam Sơn, trại biệt động quân, trường pháo binh đùm túm kéo nhau chạy về Nha Trang. Gần trưa, chúng ùn vào thành phố, nổ súng bắn loạn xạ, cướp xe, thẳng một mạch chạy về Cam Ranh. Chớp lấy cơ hội thuận lợi, trên 1.000 tù nhân ở trại cải huấn nổi dậy, giết lính gác, phá khám, thoát ra ngoài làm náo động cả thành phố. Tiểu khu trưởng Khánh Hoà, từ trước đến nay vẫn tin tưởng vào sự bảo vệ của quân đoàn chủ lực bên cạnh, bỗng nhiên thấy mất hút đơn vị bạn. Ông ra đánh xe chạy đến Đông Bắc Nha Trang để xem tình hình ra sao thì đã thấy một số sĩ quan đứng xếp hành trên đường băng. Thì ra sư đoàn không quân đã chuẩn bị di tản mà không hề báo cho tiểu khu biết. Lại có tin đồn dồn dập: Lệnh tử thủ Quy Nhơn của Thiệu vừa ban ra chẳng được ai chấp hành, mà nhân dân Bình Định thì đã nổi dậy cướp chính quyền rồi, tỉnh trưởng nhờ nhanh trí, nhảy lên một chiếc xe đò mà thoát chết. Tỉnh trưởng Phú Yên bị tử thương do chậm chân, nên đành phải chuồn bằng hai chân

        Ngồi trong dinh Độc Lập, Thiệu, Viên làm thế nào hiểu được cái mớ bòng bong này. Cả đến quan thầy Mỹ cũng mù tịt. Chẳng thế mà giữa lúc nước sôi lửa bỏng này mà Thiệu còn cử đại diện của ông ta, Phan Quang Đán và Ford còn cử đặc phái viên, tướng Wayand, đến Nha Trang để “thị sát tình hình”, giải quyết vấn đề dân tỵ nạn. Rút cuộc, cả hai đều cắp cặp chuồn thẳng về Sài Gòn, không kèn không trống.

        Hết hô hào tử thủ Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, đến bây giờ Thiệu lại hô hào tử thủ Nha Trang. Trong mệnh lệnh có nhấn mạnh “Phải cố thủ khu vực Nha Trang và sẽ có lực lượng hùng hậu đển giải vây, tác chiến dưới quyền chỉ huy của tướng Oánh. Lực lượng hùng hậu lấy ở đâu ra? Trên thực tế, tất cả chỉ là giấy tờ. Lực lượng mới tổ chức lại, có người mà không có súng, vì bao nhiêu kho tàng, đã bị Quân giải phóng chiếm sạch. Trong lúc Oánh đang khóc giở mếu giở thì may quá, đến 20 giờ ngày 1 tháng 4 bỗng nhiên Phú xuất hiện. Ông ta đến đây chỉ có một mục đích duy nhất là dùng dây nói để thuyết phục cấp trên thấy rõ tình cảnh bi đát của ông ta hiện nay, để trên chấp thuận cho đưa toàn bộ cơ quan chỉ huy vào phi trường để di tản.

        Nhưng lệnh của Đổng Văn Khuyển ở Bộ Tổng tham mưu, là Phú ở lại Nha Trang với “anh em” vì ở đây còn có các căn cứ không quân và hải quân, các trường trại v.v… Phú là người chỉ huy cao nhất nên không được đi đâu cả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 10:22:59 am »


        Cao Văn Viên thì nói thẳng thừng:

        - Tổng thống bảo không được rút lui Nha Trang, phải tiêu diệt địch tối đa, không bằng bộ binh thì bằng hoả lực của không quân và hải quân. Khốn nỗi! Trong lúc thế tàn lực kiệt thì lệnh của tổng thống còn có hiệu lực gì nữa? Sẵn có chiếc trực thăng trong tay Phú hết đi mây về gió, nhởn nhơ trên bầu trời suốt cả ngày, để lại dưới đất một đám chuẩn tưởng: nào Lương, nào Oánh, nào Châu, cá mè một lứa chẳng ai chỉ huy ai.

        Người ta thấy mới 5 giờ sáng ngày 2 tháng 4 Phú đã bay từ Cam Ranh đến Nha Trang và sau đó đã có mặt ở Phan Thiết. Đến 14 giờ gặp tư lệnh phó Quân đoàn 3, Nguyễn Văn Hiếu cho biết: theo lệnh của Thiệu phần đất còn lại của vùng 2 được sát nhập vào quân khu 3, còn Phú thì về trình diện trung ương. Thoát nợ.

        Khi trình bày nguyên nhân thất bại, bản đệ trình của Phú đã kết luận rất ngon lành. Phú còn đổ trách nhiệm cho trên:

        “Việc rút cao nguyên, gặp hoả lực mạnh của địch, gây thiệt hại cho quân và dân nên bị hỗn loạn.

        Lực lượng địch quá đông. Ta không có lực lượng tổng trù bị. Quân số phải phân tán trên nhiều mặt trận.

        Dân chiến nạn, từ quân khu 1 kéo vào, gây ra sự hỗn loạn, làm sai kế hoạch của quân khu. Trình phó thủ tướng Phan Quang Đán nhưng không được giải quyết.

        Trung ương chỉ huy trực tiếp các chính quyền địa phương, làm cho quân khu bị tê liệt.

        Quân trú phòng Nha Trang mât tinh thần khi lữ đoàn 3 dù bị chọc thủng phòng tuyến.

        Dân chúng hoang mang vì có lời đồn đại, và các cơ sở Hoa Kỳ di chuyển…”.

        Thế là Phú thoát chết và cũng thoát cả tội. Ông ta không hề nhắc đến chuyện: trong suốt ba tuần lễ, từ Buôn Ma Thuột đến Plây Cu, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú chỉ có mặt trước khi bị tấn công, nhưng lúc bão lửa ập đến, thì Phú đã chuồn sớm bao giờ. Ở Đà Nẵng thì tướng tìm quân, ở Nha Trang thì quân tìm tướng. Quân với tướng đều một mực đổ trách nhiệm lên đầu nhau.

        Chính quyền trốn chạy, quân sĩ bỏ đi. Trong lúc đang tháo chạy nháo nhác, thì viên tổng lãnh sự Mỹ ở Nha Trang M.Spear vẫn tỏ ra thản nhiên, bình chân như vại, ít nhất là vẻ bề ngoài. Ông ta sợ bọn tay sai mất tinh thần nếu Mỹ rút đi trước như Plây Cu chăng, hay là ông ra vẫn còn đặt nhiều tin tưởng vào quân đội Cộng hoà, mà ông ra thừa biết là số lượng này còn khá đông, trên mảnh đất Nha Trang này? Có lẽ là như thế này thì đúng hơn: hạm đội 7 với mấy trăm tàu chiến, mấy tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ đang diễu võ dương oai ở sát gần đấy. Họng súng lăm lăm chĩa vào bờ.

        Trong lúc lực tàn vật mạt như thế này, họ lại muốn giở cái trò “ăn cháo đá bát”, xử tệ với quan thầy. Sau ngày miền Nam giải phóng, CIA mới phát giác ra rằng: ngày 28 tháng 3, Phạm Văn Phú đã gặp tư lệnh sư đoàn không quân Quân đoàn 2 và báo cáo cho nhau biết là sẽ bỏ Nha Trang. Việc gấp rút điều động trung đoàn 40 từ Khánh Dương về Diên Khánh, cốt là để bảo đảm an ninh cho cuộc rút lui ấy. Ấy thế mà, đối với Mỹ, Phú giấu tiệt. Thậm chí ngày 29 tháng 3, khi Wayand từ Mỹ, chân ướt chân ráo mới đến Sài Gòn, đã cấp tốc đến sở chỉ huy của Phú ở Nha Trang, xem tận mắt cuộc khủng hoảng, thì Phú hãy còn liến thoắng, nào là: “Người Việt Nam không bị sa sút tinh thần theo bất kỳ nghĩa nào của từ nay”; nào là “đang thiết lập một tuyến phòng thủ ở phía bắc thành phố”. Trùm CIA Archer đã tâm sự: “Tôi cảm thấy thật sự đau lòng khi nghe người tị nạn nói là Hoa Kỳ đã bỏ rơi họ. Ở Nha Trang, họ đang phản bội và bỏ rơi chúng ta (Mỹ). Các viên tuớng của họ không chịu nói với chúng ta về kế hoạch của họ và khi bắt đầu rút lui, thì ai ai cũng khăng khăng đòi lôi theo tất cả cô, dì, chú bác, ông bà…”

        Ai bỏ rơi ai? Xin hãy nghe đồng nghiệp của ngài Archer kể lại:

        “Khi có tin Mỹ rút lan ra trong thành phố, những đám đông bên ngoài cổng, trước cửa lãnh sự quán, tăng lên đến hàng ngàn người. Lúc đầu, lính quân cảnh thuỷ quân lục chiến Mỹ cư xử với họ lịch thiệp, nhẹ nhàng… nhưng khi có nhiều người trong đám đông vượt qua hàng rào lãnh sự quán, thì lính quân cảnh thuỷ quân lục chiến Mỹ, rút dùi cui ra và hành động dữ dội. Khi những cái đầu bị đập trúng, và những người rơi từ hàng xuống, nhưng những con ruồi gãy cánh, thì những đám đông ngoài đường phố, mặt đầy sắc khí nhìn vào…

        Và khi chiếc máy bay cuối cùng rời khỏi Nha Trang, một cảnh thương tâm đã diễn ra:

        … Chiếc máy bay thứ hai sau đó đến ngày. Khi viên phi công nổ máy và chuẩn bị cất cánh, thì một ông già người Việt Nam ẵm đứa trẻ trong tay, khập khiễng ra khỏi đám đông và nâng đứa trẻ lên buồng máy, cầu khẩn với người Mỹ cho nó lên máy bay. Một trong những ngườì bạn Mỹ đã đi ra chặn cửa và lấy gót giầy nện vào mặt ông già. Đứa trẻ rơi xuống đất và gần như đúng lúc, chiếc trực thăng cuối cùng ra khỏi lãnh sự quán, gầm rú và bay lên bầu trời…”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 10:27:33 am »


Chương 15

RỆU VÀ RÃ

        Chi khu Dầu Tiếng là một cụm cứ điểm mạnh, nằm trong hệ thống phòng ngự phía bắc Sài Gòn. Ở đây có ba tiểu đoàn bảo an, tiểu đàn 351, trên hướng đông bắc, tiểu đoàn 312 ở Cầu Tào, và Bến Củi, tiểu đoàn 354 ở giữa. Xa hơn một ít, có tiểu đoàn 313 ở suối ông Hùng và ngã ba Đất Sét. Trên đường 20 từ Cầu Tào đến ngã ba Đất Sét, có đến 5 vị trí để bảo vệ giao thông và kiểm soát vùng đông dân này.

        Trong kế hoạch, đối phương có chiến đoàn 46 thuộc sư đoàn 25, được giao nhiệm vụ sẵn sàng chi viện cho chi khu Dầu Tiếng, nhưng vì mải lo đối phó với ta trên núi Tây Ninh, các chiến đoàn của sư đoàn 25 luôn luôn thay phiên nhau đi giải toả núi Bà Đen, nên trên hướng chi khu, có phần nào sơ hở. Trái với dự đoán của địch, sang đợt 2 của mùa khô, để phối hợp với Tây Nguyên, ta bỏ qua Tây Ninh, khoét sâu vào chỗ sơ hở này.

        5 giờ 30 ngày 11 tháng 3, sư đoàn 9 Quân giải phóng bắt đầu tiến công chi khu Dầu Tiếng, sau Buôn Ma Thuột 24 tiếng đồng hồ. Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 2 luồn được vào bên trong, áp sát vào phía đông của chi khu, nhưng bị chặn lại. Ở phía bắc, trung đoàn 3 phát triển thuận lợi, chiếm tây Cầu Tào. Cùng ngày, trung đoàn 16 diệt vị trí suối ông Hùng, đánh lui nhiều đợt phản kích của lữ 3 kỵ binh. Sáng hôm sau, ta đưa thêm xe tăng lên tham gia tiến công, chiếm được chi khu. Địch tan vỡ, tháo chạy. Nguyễn Văn Toàn vội vàng điều động lực lượng đặc nhiệm 318 gồm lữ 3 kỵ binh và tiểu đoàn biệt động 33 đến phối hợp với sư đoàn 25, địch mở cuộc hành quân chiếm lại chi khu. Ta chuyển hướng tiến công sang đường 26 và đường 22, cắt đoạn Trà Võ, Cẩm Giàng, diệt vị trí Cầu Khởi, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi, đánh lui nhiều đợt phản kích. Kế hoạch chiếm lại Dầu Tiếng, nối lại đường 26 bị thất bại hoàn toàn. Chỉ trong vòng mấy ngày, ta diệt trên 2.000, bắt sống 1.000, thu 2.000 súng, bắn rơi 11 máy bay.

        Đề phòng ta đánh dọc theo sông Sài Gòn, Toàn cho triển khai toàn bộ lữ đoàn 3, rút các tiểu đoàn quân biệt động 61, 92 từ Biên Hoà; trung đoàn 48 từ Long Bình, tiểu đoàn 3 của trung đoàn 7 từ Lai Khê, sang tăng cường cho tuyến phòng thủ. Ngày 23 tháng 3, đánh nhau to ở Truồng Mít. Tiểu đoàn 3 bị tiêu diệt gần hết, phải rút về Bình Dương, trả lại cho sư đoàn 5.

        Cùng trong thời gian này, một cánh quân khác của ta gồm có trung đoàn 6 và trung đoàn 174 của sư đoàn 5 từ đất Campuchia đánh sang Bến Cầu, Quéo Ba ở phía nam, mở thông hành lang xuống Khu 8. Lại cùng như trên hướng Tây Ninh, điều mà họ dự kiến là ta sẽ tiến công vào Mộc Hóa, trên biên giới Việt Nam-Campuchia, lại không hề xảy ra. Hai tiểu đoàn của trung đoàn 48 ngụy, chiến đấu quyết liệt với cánh quân này ở Gò Dầu Hạ, tây sông Vàm Cỏ Tây. Ngày 21 tháng 3, sau khi ta chiếm Đức Huệ, tuyến phòng thủ Hậu Nghĩa trên hướng tây bắc Sài Gòn bị chọc thủng; đối phương bị dồn ra đến tận sông Vàm Cỏ Đông.

        Có được bao nhiêu vốn liếng trong tay, kể cả các tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến 14, 16 mới thành lập lại ở Long An, chúng cũng dồn hết ra đây, quyết tâm bảo vệ quốc lộ 1.

        Trong lúc trên hướng tây, tây bắc Sài Gòn, tiếng súng phối hợp chiến trường trên toàn Miền nổ giòn giã, thì trên hướng bắc, tình hình cũng khẩn trương không kém. Viên phụ tá sư đoàn 5 ngụy sau này thú nhận: “Sau khi mất Buôn Ma Thuột, quân khu 3 nhận định, Quân giải phóng sẽ thừa thắng đánh xuống Quảng Đức rồi chọc thẳng vào Bình Dương, uy hiếp mặt bắc Sài Gòn. Chúng cũng vừa phát hiện được sư đoàn 341 mới từ miền Bắc vào. Thần hồn nát thần tình, địch ra lệnh cho 6 tiểu đoàn địa phương, ba chân bốn cẳng rút khỏi quốc lộ 13, bỏ cả An Lộc, để lại cho Quân giải phóng 5 khẩu pháo 155 ly chưa kịp phá.

        Rất nhạy bén trong chỉ đạo, chỉ huy, Quân uỷ và Bộ tư lệnh Miền, giao nhiệm vụ cho Quân đoàn, nhanh chóng dùng trung đoàn 2 của sư đoàn 9 cơ động từ hướng đường 26, Tây Ninh sang, lập tức bao vây chi khu Chơn Thành. Tại đây, địch có 2 liên đoàn biệt động quân 31 và 32. Ta vưa tiến quân vừa chuẩn bị. Bắt đầu tiến công từ mờ sáng ngày 24 tháng 3, không dứt điểm được, vì hoả lực của xe tăng và pháo tầm xa chi viện rất mạnh. Công sự ở các cứ điểm này, tương đối kiên cố, vì đây là những cứ điểm cũ của Mỹ để lại. Trận chiến đấu kéo dài đến sáng 28 tháng 3, chuyển sang bao vây. Ngày 31 tháng 3, ta sử dụng toàn bộ sư đoàn 341, được xe tăng chi viện, tiếp tục tiến công vào Chơn Thành, nhưng vẫn không phát triển hơn được. Đối với địch, cuộc chiến đấu ở đây đã trở nên vô vọng. Cả một dải đất miền Trung còn không giữ nổi, huống gì một cứ điểm cô lập như Chơn Thành. Sau khi dùng 52 phi vụ ném bom yểm hộ, ngày 1 tháng 4, tháo chạy: liên đoàn 31 thì rút về Khiêm Hạnh bằng đường không, còn liên đoàn 31 thì rút về Lai Khê, Bầu Bàng bằng đường bộ. Như vậy là ta đã tạo ra được một bàn đạp vô cùng thuận lợi để sau này tiến công vào Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 10:30:32 am »


        Thế ta là thế đứng trên đầu thù.

        Trong lúc này, mối đe dọa không những từ phương bắc đến, mà còn từ hướng đông lại nữa. Nguy hiểm quá! Trung đoàn 48, trước nay vẫn hoạt động trên địa bàn này, vừa rồi đã bị Toàn điều sang tăng phái cho sư đoàn 25 trên hướng Tây Ninh mất rồi! Giữa đêm đông, một tấm chăn nhỏ, đắp sao cho đủ ấm, được đầu thì hở chân. Ngày 17 tháng 3, trung đoàn 14 của sư đoàn 7 Quân giải phóng tiến công vào chi khu Định Quán. Ta chỉ chiếm được 3 phần 4 mục tiêu; địch co cụm vào trong các hang đá và cao điểm 258 ở phía tây chi khu. Chiến sự diễn ra ác liệt, nhưng sau bốn ngày liên tục tiến công, sư đoàn 7 cũng diệt được hoàn toàn chi khu này, đánh thiệt hại tiểu đoàn 2, trung đoàn 43, tiểu đoàn 67 bảo an và chiến đoàn 43 của sư đoàn 18 mới tăng cường đến; giải phóng hoàn toàn quốc lộ 20 từ cầu La Ngà đến Phương Lâm.

        Cuộc tiến công vẫn tiếp tục. Hướng phát triển mới: Lâm Đồng.

        Một trung đoàn, được trang bị gọn nhẹ, bí mật vượt lên phía trước, làm nhiệm vụ vu hồi từ phía bắc thị xã này. Sư đoàn thiếu còn lại, ngồi trên xe ô tô, tiến theo sau một đơn vị xe tăng, nhanh chóng lướt qua các đồn bốt nhỏ dọc đường, chỉ một đêm, thọc sâu trên 50 cây số. Sáng ra, vừa đến nơi, xông vào đánh ngay, phối hợp rất đẹp với đơn vị phái đi trước và trung đoàn địa phương 812 của Quân khu 6; ngay từ phút đầu, gói gọn thị xã này trong vòng vây, chỉ sau vài tiếng đồng hồ, ngày 28 tháng 3 giải quyết gọn Lâm Đồng rồi nhanh chóng phát triển về Di Linh - Đà Lạt.

        Tiểu khu Tuyên Đức vội vàng tung ra ba tiểu đoàn địa phương để làm trì hoãn thế tiến công như chẻ tre của Quân giải phóng. Sau một ngày chiến đấu, một tiểu đoàn địa phương bị loại ra khỏi vòng chiến đấu, một phi cơ L.19 bị trúng đạn, phải hạ cánh khẩn cấp, đúng 16 giờ ngày 31 tháng 3, lực lượng phòng thủ, rút về phía bắc cầu Đại Ninh, và phá sập cầu qua sông Đa Nhim. Ngày 1 tháng 4, chỉ huy trường võ bị quốc gia và tiểu khu Tuyên Đức quyết định triệt thoái khỏi thị xã Đà Lạt. mệnh lệnh đặt chất nổ vào đài truyền tin Lang Biên, tổng đài điện thoại tự động, kho xăng, kho đạn v.v… đều không ai thực hiện. Nhờ vậy mà ngày 21 tháng 4 ta tiếp thu nguyên vẹn.

        Khác hẳn với miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long bước vào đợt hai, không rầm rộ, sôi nổi như những đợt khác. Thế của địch đã xuống nhiều; nhưng lực chúng hãy còn đông, nên chúng còn ngoan cố. Chúng vẫn đinh ninh rằng, ta chưa có khả năng tiến công lớn vào mục tiêu. Do đó, kế hoạch hoạt động mùa khô 74-75 của địch, hãy còn mang nặng nhiều tham vọng: phải khôi phục trạng thái trước mùa mưa 1974…

        Ta bước vào đợt 2, không được suôn sẻ lắm: một số nơi bị sượng ngay từ đầu; nhiều điểm then chốt không dứt điểm được, đánh viện cũng không gọn, tốc độ phát triển bị chững lại.

        Đêm 10 tháng 3, ở Vĩnh Tra, trung đoàn 3 mở màn không diệt được yếu khu Thày Phó, do liên đoàn bảo an 945 đóng giữ. Hôm sau, trung đoàn 2 quân đội Cộng hoà từ Cần Long tiến vào Vĩnh Xuân để tiếp viện cho yếu khu, thì tiểu đoàn 1 của ta lại đánh hụt, chỉ tiêu hao được vài chục tên. Mãi đến ba ngày sau, cả 2 trung đoàn mới đánh thiệt hại nặng được hai tiểu đoàn. Chiến sự kéo dài mãi đến ngày 17 tháng 3. Bị uy hiếp nặng, chúng mới chịu rút cả yếu khu Thày Phó chạy về Vĩnh Xuân, ta giải phóng 2 xã Hữu Thành và Thuận Thới.

        Đêm 11 tháng 3, quân khu tập trung 2 trung đoàn diệt yếu khu Ba Càng, chi khu Cái Vôn, cắt quốc lộ 4; nhưng chỉ diệt được một bộ phận nhỏ bên trong. Trong lúc đó, lực lượng tỉnh, kết hợp ba mũi giáp công, chuyển sang diệt các phân chi khu, giải phóng một số xã như My Thuận A-B; làm chủ tỉnh lộ 2 Cái Vôn-Ba Càng và Cái Vôn-Bến Bắc. Địch tập trung hai trung đoàn chủ lực, bốn tiểu đoàn bảo an, hai chi đoàn, hai chiến đoàn ra sức giải toả lộ nên ta chỉ làm chủ được từng đoạn, từng thời gian.

        Về phía tây, trung đoàn 20 mở màn không diệt được căn cứ Bà Đầm, chuyển sang diệt điểm Đồng Tháo, vây cụm Thái Lài để diệt viện, địch không đi, ta gỡ hơn 5 đồn, giải phóng hoàn toàn xã Trường Xuân, thị xã ô Môn, sát Thái Lai. Trung đoàn 10 và 2 tiểu đoàn của tỉnh Cần Thơ không diệt được chi khu 1.000, chuyển sang gỡ các đồn bốt tạo ra những lõm giải phóng ép dần đối phương lại… Như vậy tuy không diệt được như kế hoạch, nhưng tất cả các tiểu đoàn của sư đoàn 21 quân đội cộng hoà đều bị thiệt hại nặng. Ta đã áp sát lộ vòng cung, uy hiếp Cần Thơ. Sư đoàn 21 và 1 trung đoàn của sư đoàn 7, thiết đoàn 9 và 6 tiểu đoàn bảo an, hai giang đoàn phải co về giữ thị xã, bỏ Chương Thiện và hành lang đi K.8, tạo ra thế hết sức thuận lợi cho ta sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 10:34:06 am »

       
        Tình hình chiến sự diễn ra như trên, phản ánh rất trung thực so sánh lực lượng đôi bên, trong lúc này, ở tại khu vực này. Ta chưa hơn đối phương về lực, chưa diệt gọn được đơn vị nào; nhưng tất cả đơn vị quân đội Cộng hoà từ chủ lực đến địa phương, ít nhiều đều bị thiệt hại nặng, trong cái thế chung, chúng rệu dần. Rệu và chưa rã hẳn, chúng còn cố gắng, còn lắm âm mưu.

        Nếu Sài Gòn là đầu não của chính quyền Thiệu, thì đồng bằng sông Cửu Long là cái dạ dày. Vùng đồng bằng mầu mỡ này, không những chỉ cung cấp lúa gạo cho cả nước, mà còn là một nguồn nhân lực rất dồi dào. Đặc biệt khi cả giải đất miền Trung rơi vào tay Quân giải phóng, hết khu vực này đến khu vực khác, thì tầm quan trọng của vùng đồng bằng duy nhất còn lại này, càng được nâng cao thêm một bước nữa.

        Sau khi mất Tây Nguyên, Mỹ, Thiệu nghĩ ngay đến Cần Thơ. Thị xã này cũng nằm trong danh mục các mục tiêu của ta năm 1975, theo kế hoạch họ nắm được. Ngoài ra, Vĩnh Long, Mỹ Tho, quốc lộ 4 cũng đều có liên quan mật thiết với nhau.

        Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh mới vùng 4 chiến thuật, gấp rút bố trí lại lực lượng. Ngoài Cần Thơ ra, ông ta tập trung sư đoàn 9 giữ Kiến Tường, Gò Công Mỹ Tho, mà đối tượng chính là sư đoàn 5 Quân giải phóng, sư đoàn 7 giữ phần còn lại của Định Tường. Với các tỉnh còn lại: Châu Đốc, An Giang, Vĩnh Bình, Kiên Giang, Vĩnh Long, thì họ lại có sáng kiến tổ chức ra các bộ tư lệnh đặc nhiệm Quân đoàn 4, còn lực lượng thì lấy ở trong các liên đoàn bảo an ra. Khốn khổ cho các bộ tư lệnh này, có tiếng mà không có miếng, vì có còn lực lượng nào nữa đâu: 9 tiểu đoàn bảo an định lấy lên thì phải tăng cường ngay cho 9 trung đoàn của 3 sư đoàn chủ lực, để mỗi trung đoàn có được 4 tiểu đoàn và mỗi sư đoàn có được 4 trung đoàn; còn kế hoạch đôn 15 liên đoàn thành 15 trung đoàn độc lập trực thuộc quân đoàn, thì chỉ mới có trên giấy tờ; vì bắt không ra lính. Phong trào đấu tranh chính trị, binh vận đang lên mạnh. Vấn đề đôn quân xây dựng lực lượng như trên nếu đặt ra và thực hiện trước đây một năm, hay là 5, 7 tháng, thì có thể còn có kết quả chút ít; chứ bây giờ mới đề ra, thì đã quá muộn màng! Trong lúc đối phương đang rối như gà mắc tóc, phải lo đối phó với hoạt động của các lực lượng vũ trang của ta, thì làn sóng đấu tranh chính trị, binh vận cuồn cuộn đang dâng ở khắp nơi, khắp chốn, hãm chúng vào một tình thế không phương chống đỡ. Chủ trương rút bớt đồn bốt để tập trung lại, chiếm giữ các nơi quan trọng, mới xem ra thì rất hay; nhưng lại đưa ra giữa lúc đang có cao trào diệt đồn, phá bốt, mở rộng vùng giải phóng, với khẩu hiệu hừng hực khí thế tiến công: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện”, khác gì diều gặp gió, ngày cứ bốc lên cao. Vì vậy, mà chính họ cũng phải thừa nhận là tình hình an ninh của đồng bằng đang đi xuống nhanh chóng, có gia tốc. Đã thế, như ta thường nói: “Tai hoạ không đến một mình”. Bộ Tổng tham mưu quân đội Cộng hoà, ngồi ở Sài Gòn, rất ít thông cảm với những khó khăn của dưới, nên cứ nay thì đòi rút, mai thì điều động hết đơn vị này đến đơn vị khác, làm cho ruột đã rỗng, càng rỗng thêm: quân khu mới dồn lên được 16 tiểu đoàn, 5 đại đội địa phương và một số kha khá trung đội nghĩa quân, thì lại phải đưa lên trên để làm quân bổ sung. Giữa lúc bê bối này, chừng ấy đơn vị chẳng thấm vào đâu, chẳng khác gì tiền vào nhà khó, gió vào nhà trống.

        Trong 7 tỉnh vùng đồng bằng: Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, liên tiếp nổ ra hàng nghìn cuộc đấu tranh trực diện với hàng chục vạn người tham gia. Cái mới lúc bấy giờ là có cả đồng bào dân tộc ít người và gia đình binh sĩ cùng tham gia. Ở Trà Vinh, có lần đã huy động gần hai vạn sư sãi-đa số là người Việt gốc Miên-ra đấu tranh, giành giật lại hàng trăm thanh niên bị bắt lính; bắt bồi thường hàng triệu đồng bạc đồng thời trừng trị những ác ôn có nợ máu. Trước thế tiến công quân sự, chính trị, các đảng bộ địa phương đã lãnh đạo chặt chẽ một phong trào binh vận rộng lớn; ban đầu còn lẻ tẻ từng người, từng gia đình; nhưng về sau, hình thành những tập thể, thôn xóm, rồi lan rộng ra đến cả khu vực. Chẳng những chỉ có vận động, lôi kéo người thân về nhà làm ăn, mà còn hù dọa, làm tan rã hàng ngàn tên địch. Ở Trà Cú, đồng bào và sư sãi đã phá ra một lần cả 11 đồn bốt ngụy. Bọn ác ôn bắn chết hai đồng bào Khơ Me. Bất chấp tục lệ cổ truyền, họ không đem thiêu xác mà lại đem chôn, cắm bia, phát động căm thù, tố cáo tội ác. Đàn áp, khủng bố cũng không uy hiếp nổi tinh thần của nhân dân, mà trái lại, chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Để cắt đứt đường giao thông thuỷ, đồng bào Khu 9 phát huy truyền thống và kinh nghiệm hồi kháng chiến chống Pháp, đã vận động một chiến thuật rất độc đáo: đắp cản-ngăn sông, chặn tàu địch, cắt những con đường vận chuyển có tính chất chiến lược của chúng như kênh Măng Thích ở Vĩnh Long, kênh Xáng Xẻo Rô ở Rạch Giá. Lấp sông không còn là một câu chuyện huyền thoại nữa rồi!

        Ở Long Xuyên, đồng bào Hoà Hảo chống tăng thuế dưới chiêu bài ủng hộ những đồng bào bị nạn cộng sản, buộc đối phương phải nhượng bộ; vận động phòng vệ dân sự trả súng về nhà. Quyết liệt hơn nữa đồng bào Châu Thành dùng dao, búa, gậy gộc, chặn xe M.113 trên đường chúng đi càn quét phá hoại mùa màng.

        Phong trào tòng quân, gia nhập lực lượng vũ trang rất sôi nổi. Khác hẳn với những năm trước, bước vào năm 1975, lực lượng vũ trang ở đồng bằng phát triển rất nhanh. Ở Sóc Trăng, Lịch Hội thượng, tổ chức cơ sở vốn rất yếu, đến nay quần chúng tự nguyện đưa con em mình đến để xây dựng ba đại đội, trong một thời gian rất ngắn. Hàng ngàn quần chúng tham gia các tổ chức cách mạng, phục vụ chiến đấu. Được bộ đội địa phương hỗ trợ, quần chúng đã diệt đồn Bằng Lăng, làm chủ cùng một lúc năm ấp chiến lược.

        Đây là những việc xưa nay chưa từng có.

        Như thế đó, trong lúc ở Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, ta giải phóng lần lượt hết nơi này đến nơi khác, thì trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, sự phối hợp cũng rất nhịp nhàng, buộc đối phường phải bị động đối phó, khi thì quay sang phía tây, khi thì chuyển sang phía đông, ngược lên phía bắc. Ta tạo thế gom dần đối phương lại, mở ra nhiều địa bàn đứng chân rất vững chắc, dần dần áp sát Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai lực lượng lớn sau này.

        Các tỉnh ở đồng bằng, tuy không có những trận thôi động, những đã kết hợp rất tài tình ba mũi giáp công, đẩy cuộc chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao chưa từng có, làm ruỗng bên trong, kìm chặt chủ lực, không cho một người nào trong tổng số hơn 20 vạn quân, cả chủ lực lãn địa phương lọt được về Sài Gòn.

        Thực chất của khái niệm “ung thối hoá”, như họ đã có lần nói đến là như vậy.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2017, 11:25:11 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 11:27:16 pm »


Chương 16

ĐƯỜNG VÀO NAM BỘ

        Toàn bộ chiến trường miền Nam đang rung chuyển! Ngày 28 tháng 3 năm 1975, đồng chí Lê Đức Thọ lên đường vào Nam, mang theo nghị quyết của Bộ Chính trị ngay 25 tháng 3, với tinh thần là giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975, thì hôm sau 29 tháng 3, ta giải phóng Đà Nẵng.

        Bộ Chính trị lại họp, và đến ngày 1 tháng 4 năm 1975 có nhận định và quyết tâm mới:

        “Chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã thêm 35 phần trăm sinh lực địch trong một thời gian không đầy ba tuần lễ; lần đầu tiên tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hai quân đoàn địch, tiêu diệt trên dưới 40 phần trăm lực lượng các binh quân chủng kỹ thuật hiện đại của chúng, thu và phá huỷ trên 40 phần trăm cơ sở vật chất, hậu cần của địch, giải phóng 12 tỉnh, đưa tổng số dân giải phóng lên gần 8 triệu người”…

        Đặc biệt, trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, đã xuất hiện rõ hiện tượng kết hợp giữa tiến công quân sự và phần nào nổi dậy của quần chúng, trong tình hình nhân dân căm phẫn cao độ, chỉ chờ có cơ hội là tiến lên, và được tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị tốt. Đại bộ phận binh lính địch đã mất tinh thần chiến đấu; nên mặc dù với lực lượng ít hơn, quân và dân ta đã kịp thời và táo bạo tiến công, nên đã nhanh chóng tiêu diệt căn cứ liên hiệp lớn vào bậc nhất, nhì ở miền Nam.

        Sau những thắng lợi nói trên, lực lượng chủ lực của ta lớn mạnh vược bậc, thương vong ít, lực lượng bổ sung dồi dào, vũ khí đạn được tiêu hao không đáng kể mà số thu được thì rất nhiều; tinh thần quyết chiến quyết thắng, kinh nghiệm chỉ huy và chiến đấu cũng được nâng lên.

        Các lực lượng địa phương cũng theo cái đà chung ấy mà lớn lên như thổi. Các đại đội huyện, từ chỗ lèo tèo chỉ có vài ba chục người với vài mươi khẩu súng; các tiểu đoàn tỉnh quân số trên dưới 100, vũ khí trang bị toàn là súng trường và lựu đạn, hoạ hằn lắm mới được vài khẩu B.40, B.41 hay cối 81, thì nay tỉnh nào cũng có một, hai trung đoàn, có đơn vị trợ chiến, quân số đầy đủ; huyện có tiểu đoàn, trang bị đầy đủ. Kể về trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng lớn thì còn non, nhưng với nhiệm vụ truy quét tàn binh địch, giữ gìn trật tự trị an, thì không có thể đơn vị chủ lực nào sánh kịp, bởi lẽ họ thông thuộc địa hình, nơi nào cũng quen người, quen mặt. Ở vùng giải phóng, lực lượng này hoàn toàn có khả năng thay thế cho các đơn vị chủ lực, để những đơn vị này cơ động sang chiến trường khác. Nhìn chung, trên toàn bộ chiến trường, cả thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị của ta đã lớn mạnh, áp đảo đối phương; còn chúng thì đang đứng trước nguy cơ sụp đổ nhanh. Mỹ tỏ ra bất lực, và dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế nguy ngập này. Điện của Bộ Chính trị gửi cho Trung ương Cục và anh Tuấn có đoạn viết: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn-Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu. Cách mạng ta đang trong thời kỳ phát triển sôi nổi nhất, với nhịp độ một ngày bằng hai mươi năm”.

        Quyết tâm của ta là:

        “Nắm vững thời cơ chiến lược, thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng Tư năm nay, không thể để chậm. Phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc.

        Phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược, kết hợp tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, trên từng hướng và trong từng trận, phải tập trung lực lượng áp đảo, tiêu diệt gọn, làm tan rã nhanh quân địch, tận dụng thời cơ và thuận lợi mới mà dồn dập tiến công, phát triển thắng lợi.

        Trước mắt, như trước đã định, nay cần phải làm nhanh hơn, gất rút tăng thêm lực lượng ở hướng tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4 và áp sát Sài Gòn; đồng thời phải nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng đông và đông nam, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây, cô lập hoàn toàn Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu.

        Tổ chức sẵn sàng những đơn vị chủ lực, được trang bị binh khí kỹ thuật mạnh, để lúc thời cơ xuất hiện, thì đánh chiếm những mục tiêu quan trọng nhất ở trung tâm, thành phố Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 11:27:58 pm »


        Ở đồng bằng sông Cửu Long, cần thúc đẩy các lực lượng quân sự, chính trị của ta hành động mạnh bạo khẩn trương, phát triển tiến công và nổi dậy, tiêu diệt chi khu quận lỵ, phá banh từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của địch, nhanh chóng mở rộng vùng giải phóng ở các khu vực trọng điểm.

        Muốn thực hiện phương hướng chiến lược nói trên cho kịp thời gian, thì ngay bây giờ, cần vạch kế hoạch hành động táo bạo với lực lượng sẵn có tại chiến trường miền Đông.

        Quân uỷ Trung ương đã quyết định nhanh chóng chuyển quân đoàn Tây Nguyên cùng các binh khí kỹ thuật vào, đồng thời ra lệnh đưa quân đoàn Quyết Thắng vào. Những để tranh thủ thời gian, không nên chờ đợi lực lượng tăng cường đến nơi thật đầy đủ, cũng cần tránh điều động quân không hợp lý, làm ảnh hưởng đến kế hoạch đánh địch…”.

        Cũng trong cuộc họp này, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ tư lệnh và Đảng uỷ mặt trận Sài Gòn-Gia Định để tập trung thống nhất lãnh đạo, chỉ huy. Bộ tư lệnh chiến dịch gồm các đồng chí:

        Đại tướng Văn Tiến Dũng, tư lệnh trưởng.

        Đồng chí Phạm Hùng, chính uỷ.

        Các đồng chí: Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn phó tư lệnh. Lê Đức Anh, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng, Lê Quang Hoà phó chính uỷ kiêm chủ nhiệm chính trị.

        Do công tác bảo đảm vật chất cho chiến dịch sắp đến rất lớn và rất phức tạp, cần phải tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả nước, Bộ Chính trị còn quyết định thành lập Hội đồng chi viện chiến trường do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị làm phó chủ tịch và một số khá đông các bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên các uỷ ban của Đảng và Nhà nước làm uỷ viên.

        Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu của ông ta, lại có lập luận khác hẳn: “Mặt trận đã lấy được 11 tỉnh ở miền Trung, thì ít ra cũng phải mất 11 trung đoàn để quản lý vùng mới giải phóng, sẽ không còn lực lượng đưa vào Nam Bộ. Mà muốn đưa lực lượng lớn từ miền Bắc vào thì phải có thời gian”. Sau những “biến cố” ở vùng 1, vùng 2, họ thừa nhận mới mất có 35 phần trăm lực lượng của một đội quân đông hơn 1 triệu người; và nếu chỉ tính riêng khu vực Sài Gòn-Gia Định và Phan Rang, thì còn những 30 vạn quân chủ lực, được trang bị tương đối khá. Cùng với gần 20 vạn chủ lực ở đồng bằng sông Cửu Long và trên 1 triệu dân vệ được vũ trang từ 1 phần 3 đến một nửa, thì lực cũng không đến nỗi nào. Vốn liếng hãy còn kha khá. Muốn tiến công vào toàn bộ lực lượng này. Quân giải phóng cần phải có những điều kiện gì? Họ đặt câu hỏi: ‘Mặt trận lấy đâu ra lực lượng và tiến công? Hơn nữa, để đảm bảo cho một lực lượng chiến đấu lớn như vậy, thì phải có một lực lượng phục vụ chiến đấu đông hơn gấp bội-có thể lên đến hàng triệu người-thì Mặt trận làm sao mà giải quyết được”. Và cũng tự trả lời luôn:

        “Với phương tiện hiện có của chúng ta (ngụy) hùng hậu về máy bay, tàu vận tải và sẵn có kho tàng tại chỗ, Quân giải phóng cũng phải mất ít nhất một tháng mới điều động được một quân đoàn từ Đà Nẵng vào miền Đông Nam Bộ. Việt cộng phải mất ít nhất 2 tháng, mới đưa được lực lượng vào đến đây. Và thời tiết sẽ ủng hộ chúng ta”.

        Thực ra, thì với quyết tâm chiến lược mới của Bộ Chính trị, những con số mà họ ước tính, đưa ra như trên hãy còn là quá thấp. Ta không phải chỉ sử dụng có 12 sư đoàn bộ binh như kế hoạch ban đầu đề ra, mà Bộ Tổng tham mưu phải tập trung đủ 15 sư đoàn, không kể lực lượng dự bị từ xa đứng ở bắc vĩ tuyến 17, để đề phòng trường hợp Mỹ liều lĩnh nhảy vào một vài sư đoàn thuỷ quân lục chiến, lấy trong lực lượng răn đe, để cứu nguy cho Thiệu. So với chiến dịch nam Tây Nguyên, số đầu đơn vị chỉ gấp 5 lần, nhưng quân số thì lại tăng lên gấp 7 lần; binh khí, truy kích đưa ra sử dụng lần này, cũng gấp 10 lần; còn lực lượng vận tải thì tăng vọt lên rất nhiều. Lực lượng, khối lượng vật chất thì cứ tăng dần lên, mà thời gian thì cứ rút ngắn lại. Bao nhiêu cái khó khăn vất vả, đều từ đấy mà ra!

        Nhưng quyết tâm của Bộ Chính trị là quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân. Ý Đảng, lòng dân, là một.

        Được biết cuộc gặp gỡ giữa anh Lê Đức Thọ và các đồng chí lãnh đạo, các bộ tư lệnh ở các chiến trường miền Nam, trước đây định tổ chức tại Chư Leo vào đầu tháng 4 năm 1975 sẽ không có nữa, vì đồng chí Võ Chí Công vừa dẫn một đoàn cán bộ ở Khu 5 lên, định giúp cho tỉnh Đắc Lắc trong công tác tiếp quản. Đến Kon Tum phải cấp tốc quay trở về, vì chiến sự ở đồng bằng Khu 5 đang diễn ra rất khẩn truơng. Đồng chí Phạm Hùng ở Nam Bộ, cũng không ra được, vì lý do như trên. Anh Tuấn chỉ thị cho cơ quan A75.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM