Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:12:00 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xuân giải phóng  (Đọc 41382 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 11:33:34 pm »


        Ngày 10 tháng 3, sau khi ta nổ súng đánh vào sân bay thị xã, thì trung đoàn đặc công 198 đánh vào sân bay Hoà Bình. Ngay phút đầu, căn cứ trung đoàn 44, 53 bị tê liệt hoàn toàn. Ta làm chủ trận địa. Nhưng đến sáng, đặc công rút ra, thì địch hồi phục lại được và bắt đầu chống cự có tổ chức. Ngày hôm sau, trung đoàn 149, được tăng cường xe tăng, mở nhiều đợt tiến công, nhưng không có kết quả. Ngày 13 cũng không có tiến bộ gì hơn mà số thương vong thì cứ tăng dần. Máy bay địch cũng tập trung vào khu vực này để chi viện cho bộ binh chiến đấu. Sức chống trả của địch dường như được tổ chức chặt chẽ hơn những ngày trước. Ngày 14 tháng 3 Phú tung ra lực lượng đặc nhiệm gồm có trung đoàn 45, một tiểu đoàn của trung đoàn 44, một tiểu đoàn của liên đoàn biệt động quân 21, nhằm đánh vào phía tây đường 21, phối hợp với lực lượng còn lại trong sân bay Hoà Bình: một tiểu đoàn của trung đoàn 53 và bộ phận còn lại của các tiểu đoàn 72, 92 của liên đoàn biệt động quân 21.

        Trong sở chỉ huy chiến dịch, chúng ta theo dõi từng giờ, từng phút mọi hoạt động của địch, phán đoán thế nào chúng cũng sẽ đưa nốt lực lượng còn lại của sư đoàn 23 đến đây. Tôi nhớ trong Hố Nai Bộ Chính trị, lời phát biểu của đồng chí Trường Chinh, trước đây: “Phải tìm cách dăng một cái bẫy, buộc địch phải xông vào, để ta tiêu diệt”. Thì giờ đây cái bẫy ấy đang cài ra trước mắt đây rồi. Tất cả các ngả đường đều bị khóa chặt. Phương tiện duy nhất mà địch có thể đưa quân đến đây là trực thăng. Dù chúng có đông đến bao nhiêu, thì cũng chỉ là bộ binh đơn thuần với những vũ khí mang vác, nhiều lắm là mấy khẩu súng cối, súng không giật và nhất định phải nhỏ giọt đợt một. Mấy hôm đầu, còn được 7-8 chiếc Chinok, nhưng con số ấy cứ hao hụt dần xuốn 3 rồi 2, rồi 1 vì “lý do kỹ thuật”. Có một điều mà các tướng tá ngụy không bao giờ nghĩ ra: trên địa bàn Buôn Ma Thuột vốn có các hậu cứ, các trung đoàn của sư đoàn 23, cho nên, mỗi lần trực thăng đến đổ quân, thì một số lính vội vứt bỏ súng ống, cởi áo, cải trang làm thường dân, tìm cách móc nối, đưa cho được vợ con ra ngoài vòng lửa đạn.

        Về phần ta, thì sau khi giải phóng Đức Lập, sư đoàn 10 bàn giao toàn bộ chiến trường lại cho bộ đội địa phương và các lực lượng bảo vệ đường dây của đoàn Trường Sơn, đang ùn ùn kéo đến Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 320, trung đoàn 95, trung đoàn 25 cũng đứng sát gần. Về vũ khí, đạn được, phương tiện thông tin, xe cộ thì chỉ tính riêng số chiến lợi phẩm thu được còn lớn hơn số dự trù cho toàn bộ chiến dịch gấp nhiều lần. Lần đầu tiên trong cuộc đời làm công tác chi viện ở Bộ Tổng tham mưu, tôi mới thấy lần này các đơn vị xin 1, yêu cầu nhận 2, 3…

        Khi hai tiểu đoàn 1, 2 của trung đoàn 45 vừa đổ bộ, tiến về phía sân bay, thì bị ngay trung đoàn 24 được tăng cường xe tăng pháo binh rất mạnh, đánh cho tan tác, phải rút về co cụm ở khu vực cao điểm 581, trong một vườn cà phê. Ngày 16 tháng 3, ta tiếp tục tiến công, chúng chạy về Phước An; đến hôm sau, sư đoàn 10 diệt nốt Phước An, địch lại lui về Chư Cúc. Sáng hôm sau, lại bị đánh, địch chia thàn từng tốp nhỏ chạy tản vào rừng.

        Nói đến vấn đề chỉ huy trong trận phản kích này, Legro, tuỳ viên quân sự Mỹ ở Sài Gòn viết: “Tư lệnh Lê Trung Tường bị thương nhẹ khi máy bay trực thăng chở ông ta bị trúng đạn ngày 10 tháng 3 và chính ông ta đã di tản, chuyển quyền chỉ huy sang đại tá Đức, thuộc lực lượng đặc nhiệm”. Như vậy là sau khi biết phu nhân đã lên trực thăng với túi tiền khá lớn, như đã nói trên thì Tường cũng bỏ cuộc. Vết thương chỉ cần băng bó qua loa, nhưng Tường vẫn đi nằm bệnh viện, tránh trách nhiệm về sự thất bại của sư đoàn.

        Sáng ngày 12 tháng 3, tiếng súng ở thị xã vừa chấm dứt thì ở sở chỉ huy chiến dịch cũng rời lên phía trước, gần quận lỵ Thuần Mẫn. Trung tướng Hoàng Mình Thảo và đại tá Đặng Vũ Hiệp, ở sở chỉ huy, phụ trách chun; Thiếu tướng Vũ Lăng đi theo sư đoàn 10, chỉ huy đánh địch phản kích, ở hướng đông; đại tá Nguyễn Năng đi chuẩn bị chiến trường ở hướng bắc; đại tá Phí Triệu Hàm và tôi ở lại thị xã Buôn Ma Thuột. Chúng tôi được giao nhiệm vụ giúp uỷ ban quân quản một số công tác trong những ngày đầu mới giải phóng: giữ gìn trật tự an ninh, phát triển lực lượng tại chỗ và chuẩn bị cho các lực lượng chủ lực phát triển chiến đấu trên các hướng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 10:13:28 pm »


        Có một số ít người, trong lúc hỗn quân hỗn quan, chạy từ Buôn Ma Thuột về Nha Trang, đã không tiếc lời vu cáo Quân giải phóng trên đài Sài Gòn. Họ đã vẽ lên một bức tranh rất rùng rợn, hỗn loạn ở các thị xã, thị trấn mới được giải phóng. Sự thật là, chiều hôm ấy, khi bước chân đến nơi, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên trước quang cảnh yên lành của một vùng đông dân còn mù mịt khói đạn. Những trận đánh nhau lẻ tẻ còn đang tiếp diễn cách thị xã không đầy 2 kilômét và xa hơn một chút, chiến sự ở sân bay Hoà Bình vẫn còn ác liệt; nhưng trong thị xã hoạt động đã gần như trở lại bình thuờng. Ở các căn cứ của quân đội Cộng hoà thì đổ nát hoàn toàn, những đám cháy còn âm ỉ dần dần bị dập tắt, nhưng ở các khu phố đông dân, nhà cửa hãy còn nguyên vẹn. Trên đường phố, lẻ tẻ đã có người đi lại. Chợ không đông, những cửa hiệu lớn cửa đóng kín mít, nhưng những quán hàng nhỏ lác đác đã có người mua bán. Trường Bồ Đề tấp nập người ra vào. Uỷ ban quân quản tạm dùng nơi này để cho ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, đăng ký và nạp súng. Ngay tối hôm sau, cơ sở điện nước đã hoạt động trở lại bình thường. Cuộc truy quét tàn binh, ác ôn tiến hành êm ả. Bằng cách này hay cách khác, đồng bào đã phát hiện chỗ chúng ẩn nấp cho bộ đội, hoặc tự tổ chức thành đội ngũ để truy lùng. Những đội tự vệ cũng nhanh chóng được thành lập, đêm ngày tuần tra canh gác, bố phòng, cứu chữa. Nhờ vậy mà sau vụ oanh tạc, trưa ngày 12 tháng 3, vào khu vực đông dân của thị xã, chỉ gây ra một vài đám cháy nhỏ và không có thương vong lớn.

        Dưới bóng râm một lùm cây, trên bờ một đoạn giao thông hào và mấy cái hố cá nhân đào vội, chúng tôi gặp đồng chí Chín Liêm, đồng chí Y Blốc, nay đã là đại tá, chủ tịch Uỷ ban quân quản và đồng chí Huỳnh Văn Mẫn, bí thư tỉnh uỷ Đắc Lắc. Chúng tôi vồ lấy nhau, ôm hôn nhau, xiết chặt người vào nhau. Mới cách đây mấy hôm, còn nằm cùng một lán với nhau ở sở chỉ huy cơ bản, hôm nay gặp nhau, không hiểu sao, chúng tôi cảm thấy có cái gì mới, khác khác, quấn quít với nhau một cách lạ thường. Quen biết nhau ngót 30 năm trời, trong kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đã từng sát cánh bên nhau, chia bùi sẻ ngọt trong những lúc khó khăn, trong những giờ chiến thắng, cũng trên mảnh đất này, nhưng hôm nay, niềm hân hoan phấn khởi đến quá đột ngột. Trong chúng tôi, không ai ngờ, chiến thắng lại đến rất nhanh, rất to lớn như thế này.

        Từ chỗ làm chủ được mấy nghìn dân, ở rải rác khắp nơi trong rừng sâu, núi thẳm; đến nay làm chủ hàng bao nhiêu đất đai, giải phóng hàng chục vạn dân, làm sao mà khỏi choáng ngợp. Không ai bảo ai, chúng tôi đều nghĩ rằng, giải phóng lần này là vĩnh viễn, ít nhất là với mảnh đất thân yêu này.

        Đồng chí Chín Liêm vừa cười, vừa ứa nước mắt. Tôi biết trong niềm vui hôm nay, đồng chí không khỏi không nhớ đến những người bạn chiến đấu trong cảnh tù đày, đã ngã xuống, trong gần nửa thế kỷ qua, trong nhà lao nổi tiếng này. Thông báo đầu tiên của đồng chí với chúng tôi là:

        - Tốt quá, anh em mình được cơ sở đưa ra, an toàn cả. Đêm đầu, trong lúc bộ đội đánh nhau thì cán bộ cơ sở cũng đột nhập vào các khu đông dân trong thị xã, các khu tập trung ở ngoại ô, để làm công tác tuyên truyền, tổ chức v.v… Nhờ có một ít cơ sở bên trong, nên việc móc nối cũng khá nhanh, lại nhờ có số anh em ở nhà tù mới ra, nên có ngay được một số cán bộ làm việc mấy hôm nay, nếu khong thì gay gó lắm đồng chí ạ. Khu uỷ có chuẩn bị sẵn 100 cán bộ ở dưới xuôi, như tôi đã nói hôm trước, để đưa lên tăng cường cho Tây Nguyên, nhưng tình hình phát triển nhanh như thế này chắc chưa kịp.

        Sẽ là không thực tế, nếu trong ngày đầu, đòi phải có những cuộc mít tinh lớn, những cuộc xuống đường rầm rộ, thì mới gọi có đòn tiến công chính trị, mới có nổi dậy, binh vận, phối hợp. Đối với một nơi gần 30 năm trời sống dưới sự kìm kẹp của đối phương, hàng ngày bị bộ máy chiến tranh tâm lý, gieo rắc nọc độc, chống lại cách mạng, mà chỉ trong thời gian rất ngắn, tình hình đã được ổn định đến mức như thế này, thì nếu chỉ riêng có lực lượng quân sự, sẽ không có thể nào làm được. Ở đây có sức mạnh của chính trị, của tổ chức tác động rất lớn, mặc dù không có ồ ạt, rầm rộ. Ngay từ lúc súng bắt đầu nổ, sức mạnh này cũng đã được phát huy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 10:15:51 pm »


        Việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương trước nay làm rất chật vật, thì nay tiến hành thuận lợi hơn, khác trước rất nhiều, từ chỗ lèo tèo chỉ có vài đại đội, có đầu đơn vị mà thiếu cả quân số, trang bị, không làm thế nào để bổ sung được đầy đủ theo biên chế, thì nay, chỉ trong vài ngày đã phát triển lên thành nhiều tiểu đoàn, được trang bị đầy đủ. Lực lượng này trình độ kỹ thuật còn thấp, nhưng trong công tác truy lùng ác ôn, bảo vệ trật tự trị an, thì tác dụng còn lớn hơn bộ đội chủ lực nhiều, vì quen người, thông thạo chiến trường. Chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ đã đem lại kết quả như thế đấy. Mỹ muốn thay đổi màu da trên xác chết, tung vũ khí, tiền bạc ra, dùng người bản xứ trị người bản xứ; thế mà hôm nay, chính những thứ vũ khí mang nhãn hiệu USA đó, lại sẵn sàng nhả đạn vào đầu chúng. Các đơn vị địa phương này, trước mắt đã nhanh chóng thay thế cho bộ đội chủ lực để cho lực lượng này được rảnh tay, mở rộng hoạt động sang các chiến trường mới.

        Thực hiện phương châm càng đánh càng mạnh, các sư đoàn, mặc dù thương vong mấy ngày qua không nhiều, cũng được củng cố, chấn chỉnh lại. Đặc biệt các đơn vị công binh, pháo binh, thiết giáp, thông tin vận tải, lấy vũ khí, phương tiện, xe cộ của địch trang bị cho mình, nên sức chiến đấu được nâng lên gấp bội, so với lúc bước vào chiến dịch. Nhờ được huấn luyện cơ bản tốt từ trước, nên việc thay đổi trang bị không mất nhiều thì giờ, chỉ sau một vài buổi huấn luyện, các đơn vị pháo binh đã sử dụng thành thạo vũ khí của địch. Phấn khởi nhất là có rất nhiều đạn và sức cơ động được nâng lên rõ rệt.

        Lệnh của Bộ phát triển chiến đấu lên hướng bắc, tiêu diệt Cheo Reo và bao vây Plây Cu. Chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng vận tải kể cả xe kéo pháo, trong một đêm, chuyển toàn bộ trung đoàn 95B lên phía trước, thay thế cho sư đoàn 320, đang đứng ở bắc Thuần Mẫn.

        Trong những ngày chiến trường nam Tây Nguyên sôi sục thì ở các nơi khác, sự phối hợp cũng rất nhịp nhàng. Vùng giải phóng như một vết dầu đang loang rộng ra bốn chung quanh: ở phía nam, một bộ phận của trung đoàn 271, ngày 9 tháng 3 đánh chiếm Nhân Cơ, áp sát sân bay Gia Nghĩa; ngày 11, trung đoàn 25 diệt một số khá nhiều xe ở đông Chư Cúc, chặn đứng bộ phận địch từ Khánh Dương lên, định tham gia giải toả Buôn Ma Thuột; ngày 12 tháng 3, một bộ phận của sư đoàn 968 diệt hai chốt ở tây nam Plây Cu uy hiếp Thanh An, cùng ngày 13 tháng 3, trung đoàn 95A tiến công diệt quân cứ điểm ở ngã ba Plây Bong trên đường 19 và sau đó, đánh tan hai chi đoàn xe thiết giáp rồi phát triển về đèo Mang Giang. Về phía đông An Khê, sư đoàn 3 của Quân khu 5 diệt các chốt trên đường 19 và phát triển lên hướng Vườn Xoài. Con đường chiến lược này vĩnh viễn bị chia cắt. Những đơn vị pháo binh của ta, đêm ngày bắn vào các sân bay Kon Tum, Plây Cu. Mọi đường chi viện bị cắt đứt.

        Trong phạm vi toàn miền Nam, các chiến trường lần lượt vào đợt. Điều làm cho mọi người không khỏi ngạc nhiên là chỉ mới trong một vài ngày thử lửa, với hơn một triệu quân trong tay, đối phương đã tỏ ra vô cùng bối rối. Ở vùng 1 chiến thuật, hai nơi bị đánh: Chúc Mao ở Thừa Thiên; Tiên Phước, Phước Lâm ở Khu 5, Ngô Quang Trưởng đang bối rối, hốt hoảng, thì lại nhận được lệnh thứ hai của Bộ Tổng tham mưu, phải đưa ngay sư đoàn dù về miền đông gấp, vì Dầu Tiếng cũng bị tràn ngập.

        Đã có lần Thiệu nói với quan thầy: “Nếu cho tôi đầy đủ viện trợ, tôi sẽ giữ toàn bộ lãnh thổ, nhưng nếu cho tôi một nửa, tôi cũng chỉ có thể giữ được một nửa lãnh thổ mà thôi”.

        Với tâm trạng rối bời như vậy, ngày 14 tháng 3, Thiệu ra Cam Ranh để gặp Phú. Cùng đi có Khiêm, Viên, Quang, Đức, nhằm phổ biến cho Phú biết ý định chiến lược mà ông ta vừa chợt nghĩ ra.

        Từ Plây Cu, Phú bay về Cam Ranh một mình. Trong điện triệu tập đã nói rõ: Thiệu chỉ gặp riêng Phú mà thôi, không có sĩ quan tham mưu nào được phép dự họp.

        Phú cũng đoàn biết được chuyến đi này dũ nhiều lành ít. Cái tội để mất thủ phủ quan trọng của cao nguyên trung phần sờ sờ ra đó. Ngồi trên trực thăng, Phú suy tính cách trình bày, báo cáo thế nào để chống chế được chừng nào hay chừng ấy. Địa điểm họp cũng làm cho Phú suy nghĩ nhiều. Tại sao lại không họp ở Nha Trang? Ở Cam Ranh thiếu gì nhà cao cửa lớn mà lại chọn ngôi nhà này, ở một nơi rất hẻo lánh, rất ít người biết đến.

        Đó là một ngôi nhà hai tầng độc nhất, không lớn, nằm lọt thỏm giữa rừng phi lao thưa, trông ra cái hồ nước ngọt nằm gần mép biển. Vợ chồng Nixon, có lần sang, đã tắm ở đây, nên gọi là cái hồ Nixon. Đứng về mặt bảo mật, thì đây là nơi rất lý tưởng. Ý nghĩa của việc lựa chọn địa điểm này, có thể là như vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 10:19:31 pm »


        Trời nắng đẹp. Gió biển lồng lộng thổi vào trong phòng quá rộng, đối với một nhúm người dự họp, nhưng bầu không khí sao mà ngột ngạt, nặng nề, cái ngột ngạt từ phía tây đưa lại. Thiệu đã đến từ lâu, đứng trên lầu nhìn Phú nặng nề bước lên cầu thang. Họ không săn đón với nhau như lệ thường, lạnh nhạt là khác. Vào họp, vào đề ngay.

        Phú trình bày rất ngắn gọn:

        - Lực lượng địch đã biết trước: sư đoàn 10, sư đoàn 320 và các đơn vị địa phương. Mới phát giác: sư đoàn 968, sư đoàn 316, 2 trung đoàn đặc công, một trung đoàn pháo.

        Tình hình các mặt hiện nay: địch cố đẩy trung đoàn 45 và liên đoàn biệt động quân 25 về hướng Thanh An, tây Plây Cu. Nhờ một tiểu đoàn của trung đoàn 45 tăng viện và nửa tiểu đoàn có sẵn ở Bầu Cạn, tây Thanh An, nên sư đoàn 968 không chọc thủng được phòng tuyến. Phi trường Cù Hanh bị pháo kích 4 ngày liền. Không có lực lượng tăng viện, tuy nhiên, vẫn cố gắng cho phi trường hoạt động để tiếp tế nhiên liệu và đạn dược hàng ngày.

        - Hương đông: quốc lộ 19 liên đoàn 4 biệt động quân bị pháo kích, quân số đơn vị này chỉ còn 50 phần trăm và thiết đoàn 3 kỵ binh đã bị mất 12, 13 chiếc xe tăng.

        - Trên hướng bắc: trung đoàn 8, thuộc sư đoàn 10 tiếp tục tiến công liên đoàn 23 biệt động quân, tại Kon Tum. Quân số phòng thủ có thể chặn được địch tại thị xã.

        - Ở Bình Định: trung đoàn 41, trung đoàn 2 và trung đoàn 13 sư đoàn 3 Quân giải phóng nỗ lực từ phía đông để chiếm phi trường Phù Cát. Tin tưởng sư đoàn 22 quân đội Cộng hoà có thể giữ được…

        Thiệu có vẻ sốt ruột:

        - Ông báo cáo ngay tình hình Buôn Ma Thuột đi.

        Phú vừa tố khổ, vừa kể công:

        - Phía bắc như thế là vững vàng. Tôi đã điều liên đoàn biệt động quân từ Kon Tum về để tăng cường cho mặt trận phía đông, phía tây Plây Cu, chuẩn bị chiến đấu đến người lính cuối cùng. Còn phía nam, chấp hành mệnh lệnh của tổng thống quyết giữ Buôn Ma Thuột bằng bất cứ giá nào, nên đã tăng cường cho nơi này hai trung đoàn 44 và 45.

        Hiện nay, phi trường Phụng Dực (tức sân bay Hoà Bình) vẫn giữ vững, các chiến sĩ của quân đội Cộng hoà đã tỏ ra vô cùng anh dũng trước một đối phương thiện chiến và đông hơn gấp bội. Được Bộ Tổng tham mưu tăng phái trực thăng của quân đoàn 1 đến để chuyển quân, nhưng phải mất ba ngày mới chuyển được một trung đoàn 1.500 người. Trực thăng bị hư hại nhiều, nên chuyển quân ngày càng chậm.

        Một người khác nói chen vào:

        - Không quân xuất kích 70 phi vụ ngày, tập trung yểm trợ tối đa cho quân phòng ngự.

        Phú như muốn trút tất cả tội lỗi lên đầu những người đang ngồi nghe, nên mỉa mai:

        - Yểm hộ tối đa à? Lúc 8 giờ ngày 11 tháng 3, họ đã thả bom làm sập trung tâm hành quân của sư đoàn 23, và ban chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc, trong lúc quân ta đang kịch chiến với đối phương; lúc 16 giờ ngày 13 tháng 3, họ lại thả bom nhầm vào vị trí pháo binh của ta ở trong căn cứ-căn cứ pháo duy nhất còn sót lại-2 quả bom. Kết quả tai hại là hai khẩu pháo 155 ly hoàn toàn bị tê liệt, quân trú phòng chỉ còn sống sót 15 người chạy về. Vì vậy mà chiến xa, bộ binh họ thừa cơ vượt lên, băng qua được trận địa pháo, đến tối, khó khăn lắm mới đánh bật ra được.

        Vẻ mặt Thiệu tưởng đã rạng rỡ bỗng xịu xuống.

        Ông ta ngước mắt nhìn lên bức ảnh nửa thân, được phóng đại, treo trên tường, giữa phòng họp. Thiệu trong ảnh trông có vẻ bảnh trai, thản nhiên, vô tư; còn Thiệu ngồi đây sao mà trông buồn rầu, thiểu não… Hôm trước ông ta được tin tảng đá nhọn như mũi dao trước ngôi chùa mẹ ông ta đang trù trì, tu nhân tích đức, có 30 lính mặc quân phục trắng, đêm ngày canh gác, ở làng Tri Thuỷ cạnh cảng Ninh Chữ, bỗng nhiên bị sét đánh vỡ đôi. Trước khi lên máy bay đi Cam Ranh, ông ta đã cho mời thầy chiêm tinh đến để hỏi thăm cho biết vận mệnh, trong những ngày tới. Thầy đã nói lên cái điềm gở: “Thời gian đã hết”. Thế là thế nào?

        Thiệu hỏi Viên:

        - Mất bộ tham mưu, thì phải tìm cách lấy lại. Còn quân trù bị để tăng viện cho Quân đoàn 2 không?

        - Sư đoàn 22 bị dàn ra quá mỏng rồi. Không có quân dự bị.

        Thiệu lại quay sang hỏi Phú:

        - Nếu không có quân tăng viện, ông giữ được bao lâu?

        - Tôi có thể giữ được một tháng với điều kiện là: không quân yểm hộ tối đa, tiếp tế bằng không vận đầy đủ vũ khí, đạn dược, nhiên liệu và được bổ sung quân số đủ để bù lại số bị thiệt hại vừa qua.

        Thiệu lẩm bẩm, gần như nói với mình mình:

        - Quân viện bị cúp, thiếu đạn và tiền, địch lại đánh mạnh hơn năm 1968, 1972. Sẽ phải bỏ Plây Cu, Kon Tum. Rút lui như vậy là cần thiết, để dồn lực lượng tái chiếm Buôn Ma Thuột. Đây mới la điểm then chốt.

        Trông ra ngoài cửa sổ hướng đông, một mảnh chân trời bị núi che khuất, phần còn lại là đại dương bao la, thăm thẳm, trên bờ bên kia Thái Bình Dường, các quan thầy có thấu cho nỗi lòng của tôi tớ hôm nay? Nước Mỹ vừa gần lại vừa xa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 10:23:20 pm »


        Tấm bản đồ chiến sự treo trên giá, làm cho ông ta mất cảm tình. Viên sĩ quan nào trong Bộ Tổng tham mưu hành quân đã vẽ lên đây, những mũi tên đỏ quái ác, khác nào như những mũi kiếm nhọn hoắt, xuyên thẳng vào tim. Ông ta khẽ gật đầu, nói to lên như tìm ra được điều gì mới lạ:

        - Kon Tum, Plây Cu, người ít, kinh tế không có, rút quân về cứu Buôn Ma Thuột và giữ vững vùng duyên hải. Dù sao, Buôn Ma Thuột cũng vẫn là then chốt, như những nhà chiến lược Pháp đã nói cách đây 20 năm. Nếu chiếm lại được nơi này, tôi tin rằng chúng ta sẽ có cơ hội để chiếm lại Plây Cu, Kon Tum.

        Phú bàng hoàng, kinh ngạc giương to đôi mắt lên nhìn Thiệu, Thiệu làm như không biết, quay sang hỏi Viên:

        - Rút bằng đường 19 có được không?

        Nhớ lại đến cảnh rùng rợn cách đây 20 năm, khi binh đoàn cơ động 100 của Pháp bị hoàn toàn tiêu diệt ở khúc quẹo Dak Pơ và những trận đánh nhau trong 10 năm gần đây, Viên đáp:

        - Lúc Mỹ còn, đã phải cắm ở đây cả 3 sư đoàn quân Nam Triều Tiên và mấy sư đoàn của Mỹ: kỵ binh bay, America mà còn bị đánh liên tục, huống nữa là bây giờ… trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, chưa có lực lượng nào rút theo đường 19 mà khỏi bị tiêu diệt?

        - Thế thì đường 14 ra sao?

        - Lại càng không thể đi được.

        - Đường số 7?

        - Từ lâu không dùng đến, nên không rõ. Có thể là xấu nhưng có hai cái lợi: một là không có địch ở đây, hai là bất ngờ, không có người nào làm công tác tham mưu mà lại có thể dự kiến, sẽ có một cuộc chuyển quân lớn, trên đường đó.

        Đã đến lúc cần phải có những quyết định dứt khoát. Người ta thấy Thiệu đứng dậy, tay cầm mảnh giấy viết sẵn, dõng dạc tuyên bố:

        - Điều 1: các lực lượng thường trực, các đơn vị còn lại của sư đoàn 23, các liên đoàn biệt động quân, và lữ đoàn thiết giáp, phải rút lui khỏi Kon Tum, Plây Cu và đi về hướng biển, với mục đích là để tái chiếm Buôn Ma Thuột.

        - Điều 2: các lực lượng địa phương và dân vệ cùng gia đình binh lính, dân sự và các đơn vị thuộc cơ cấu hành chính, Plây Cu, Kon Tum phải ở lại, để yểm hộ cho cuộc rút lui của các lực lượng nói trên.

        - Điều 3: việc triển khai phải tiến hành hết sức bí mật và thực hiện trong một vài ngày để gây bất ngờ cho địch.

        - Điều 4: con đường lui quân sẽ là con đường 7B. Việc lựa chọn con đường này cũng nhằm tạo thế bất ngờ. Các ông thiết kế cuộc rút quân ngay đi.

        - Bao giờ rút lui?

        Tuỳ anh quyết định. Có một điều cần phải chú ý là phải hết sức giữ bí mật, không được cho các lực lượng địa phương hoặc người Thượng biết việc này.

        Thiệu từ từ ngồi xuống ghế, đưa tay lên nới cổ cà vạt cho dễ thở hơn. Bỗng nhiên như sực nhớ ra điều gì rất quan trọng, vụt đứng dậy nhắc thêm:

        - Phải hết sức giữ bí mật, không được cho lực lượng địa phương hoặc người Thượng biết việc này. Cả người Mỹ nữa nhá, không cho họ biết làm gì.

        Sau khi trao đổi thêm một vài ý kiến nhỏ với Phú, Thiệu bước ra khỏi phòng, lên trực thăng đi thẳng về Sài Gòn.

        Có thư từ Washington gửi đến.

        Trong lúc tình hình ở miền Nam Việt Nam rối như canh hẹ, thì từ Washington đại sứ Graham Martin đã giao cho đại diện lâm thời W.I.Lehman một bức thư để chuyển cho Thiệu, toàn văn như sau:

        Thưa tổng thống thân mến!

        Khi đọc những tin tức mới đây từ Washington về hành động của quốc hội đối với vấn đề viện trợ cho Đông Dương, chắc chắn ngài và các đồng nghiệp trong chính phủ cảm thấy không phấn khởi, không biết đường lối của Mỹ có giữ vững hay không? Tin tức từ Phnôm Pênh quả là xấu và góp phần làm cho quốc hội Mỹ có cảm giác thất vọng, không tin rằng viện trợ sắp đến sẽ làm thay đổi tiến trình của các sự kiện. Mặc dù chính quyền Mỹ vẫn giữ những nỗ lực nhằm viện trợ cho Campuchia, nhưng giờ đây, rất có thể là khoản viện trợ đó sẽ không đủ, tuy cá nhân tôi, không nghĩ rằng Phnôm Pênh sẽ thất thủ trước mắt. Điều nguy hiểm cho Việt Nam sẽ là quốc hội sẽ quan niệm tình hình Campuchia giống như tình hình Nam Việt Nam. Để giảm tới mức tối thiểu khả năng xảy ra xu hướng này, tôi không muốn khoản 300 triệu đôla viện trợ bổ sung, sẽ được bỏ phiếu ngay. Quốc hội sẽ nghỉ lễ phục sinh từ 21 tháng 3 đến 6 tháng 4. Trong thời gian đó, tất cả chúng tôi ở đây, sẽ thầm lặng vận động, để công chúng hiểu rằng, Nam Việt Nam khác hẳn với Campuchia và rất có khả năng tự lực, nếu như chúng ta giúp họ khoản viện trợ, mà chúng ta hứa giúp trong vài năm nữa. Tôi tin rằng trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ có những thành công trong việc vận động để công chúng hiểu như vậy. Như tôi đã nói với ngài từ trước, tôi không nghĩ rằng, hiện nay, người Mỹ thực sự được đủ tiêu chuẩn pháp lý, để giúp ý kiến cố vấn về quân sự. Để có tác động lớn, nếu như có thể có cơ hội, trong vài tuần tới, quân lực Việt Nam Cộng hoà, phải đánh một trận đẹp mặt với quân Bắc Việt Nam, để công chúng thấy rõ, thì điều đó rất có tác dụng: Phản ứng chín trị ở Mỹ sẽ rất tốt, nếu như có sự kiện như vậy. Có thể các trận đánh sắp tới, ở Tây Ninh hoặc ở nơi khác trong quân khu 3, sẽ tạo một cơ hội nói trên.

        Ở đây, có một số người lo rằng, có thể ngài muốn dùng quá nhiều lực lượng để chiếm lại Buôn Ma Thuột. Tôi đã nói là tôi hoàn toàn tin vào các quyết định quân sự của ngài, là tiêu diệt các bộ phận chủ lực của đối phương, sau đó, ngài sẽ lấy lại những vùng mà ngài cho là sinh tử, đối với chính phủ Nam Việt Nam.

        Tôi có một ý kiến đề xuất, tôi có cảm tưởng rằng, đại tướng Cao Văn Viên, rất thận trọng trong việc cho phép chi dùng đạn dược. Chùng nào mà còn chưa có những khoản chuẩn chi thông thường, thì đó là một phương hướng khôn ngoan. Nhưng nếu nhân dân Mỹ thấy quân lực Việt Nam Cộng hoà không những giữ vững vị trí mà còn thắng một vài trận lớn, thì điều đó sẽ góp phần đưa đến những khoản chuẩn chi nói trên, với số lượng đầy đủ. Tôi có thể bảo đảm với ngài rằng sẽ có đạn dược cho Việt Nam; và chúng tôi cũng có thể đạt được những khoản này nhanh hơn, với số lượng nhiều hơn, nếu chúng ta có một vài chiến thắng vang dội để làm bằng cớ, chứng tỏ khả năng thực sự của quân lực Việt Nam Cộng hoà. Trong tình hình hiện tại, một canh bạc có thể đem lại lợi ích tốt đẹp…

        Trên chiến trường miền Nam, thời gian tới sẽ là một thời kỳ gay go. Tôi chắc rằng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ mau chóng đồng ý với ngài là hiện nay, ngài đang vấp phải một cuộc tiến công mà cường độ rất có thể vượt cường độ của của cuộc tiến công năm 1972. Ở Washington, mặt trận đấu tranh trong thời gian tới, cũng sẽ gay go và tôi tin rằng, nếu tôi ở lại đây một thời gian nữa, tôi sẽ có thể phục vụ cho lợi ích chung của hai nước chúng ta. Tôi có thể bảo đảm chắc chắn với ngài rằng tổng thống và các ông bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bộ ngoại giao đều quyết tâm rằng, khi các cuộc tranh cãi ở Washington chấm dứt, thì các ngài cũng sẽ nhận được những nguồn của cải cần thiết. Với những nguồn của cải này, tôi chắc rằng ý chí và quyết tâm của nhân dân Việt Nam, muốn sống trong tự do, sẽ chiến thắng.

        Nếu ngài muốn liên lạc trực tiếp với tôi, thì ông Lehman có thể chuyển bất kỳ một bức điện nào qua kênh sóng tuyệt đối an toàn của Nhà Trắng.

        Kính thư


Martin       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 10:25:40 pm »


        Đại tá Phạm Duy Tất, chỉ huy trưởng biệt động quân, Quân đoàn 2, sáng ngày 14 tháng 3 đến thăm bộ tư lệnh lữ 2 kỵ binh và liên đoàn 4 biệt động quân, ở căn cứ 92, gần đèo Mang Yang. Báo cáo của liên đoàn trưởng 4 xám xịt. Chỉ trong vòng 10 ngày, từ 4 tháng 3 đến nay, trang bị vũ khí mất béng một nửa.

        - Tạm ngừng mọi cuộc tấn kích, hãy lo bảo vệ cho các điểm đang chiếm giữ. Có thể sẽ cho liên đoàn 3 đến thay thế, để các ông về Phước Long để chỉnh bị.

        Vừa nói xong, Tất được điện của Quân đoàn 2, triệu tập về họp gấp ở Plây Cu. 16 giờ ngày hôm đó, về đến nơi đã thấy đông đủ; cả tư lệnh quân đoàn Phạm Văn Phú, phụ tá hành quân: chuẩn tướng Trần Văn Cẩm; tư lệnh sư đoàn 6 không quân; chuẩn tưởng Phạm Ngọc Sang và tham mưu trưởng Quân đoàn 2, đại tá Lê Khắc Lý.

        Như trên trời rơi xuống đất, Tất được vinh thăng lên cấp chuẩn tưởng. Nừa mừng nửa lo, vì đã có vay thì phải có trả. Biết trả thế nào đây?

        Phú phổ biến quyết định của Thiệu, rút các lực lượng ở Plây Cu, Kon Tum về Nha Trang, theo đường 7B để tái chiếm Buôn Ma Thuột. Tất chỉ huy cuộc rút lui, Cẩm và Lý làm kế hoạch, lệnh tuyệt mật, không được đánh máy, không được dùng điện đài, mà chỉ dùng mật hiệu, để chỉ huy từng giai đoạn rút lui.

        Nghe xong, Lý đứng dậy chất vấn:

        - Xin Trung tướng cho tôi một tuần hay ít nhất 3 ngày để nghiên cứu chuẩn bị và trình bày kế hoạch.

        - Không được để cho bất cứ một sĩ quan tham mưu nào biết, để nghiên cứu kế hoạch trước.

        Lý vẫn chưa chịu buông tha. Ông ta đề nghị với Phú, thử rút theo đường 19, cho rằng có thể khai thông được đường này, bằng cách cùng một lúc mở hai cuộc hành quân sục sạo ra phía Plây Cu và phía đông Hàm Rồng, căn cứ của sư đoàn 23. Lập luận của Lý là đường 19 tốt hơn nhiều, còn đường 7B thì phải có một lực lượng công binh rất lớn mới khai thông được, bởi vì có rất nhiều mìn của cả hai bên đối địch; cầu cống bị sập hoàn toàn và đã lâu lắm không sử dụng đến. Yêu cầu là phải có lực lượng, có thời gian. Lý nói:

        - Nếu quân Mỹ còn ở đây, họ còn có thể dùng cần cẩu bay để chở trang bị công binh đến khu vực này rất dễ dàng. Nhưng hiện nay ta không có các phương tiện ấy. Đấy là một khó khăn rất lớn.

        - Nhưng mà địch sẽ bất ngờ. Phú lặp lại ý kiến của Thiệu.

        - Lúc đầu, đối phương có thể bị bất ngờ, nhưng thời gian kéo dài, yếu tố bất ngờ sẽ không còn nữa.

        - Tổng thống đã quyết định, tổng thống và tổng tham mưu trưởng, đại tướng Cao Văn Viên, đều thừa biết những khó khăn đó; nhưng sở dĩ chọn đường 7B là dựa vào yếu tố bất ngờ, bất ngờ ông rõ chưa? Khi địch biết được, thì chúng ta đã đến Tuy Hoà rồi, và sẽ được không quân yểm trợ. Còn thời gian, thời gian gì? Chúng ta không còn thời gian. Ngày mai mọi việc sẽ phải bắt đầu. Mệnh lệnh hành quân chỉ được phổ biến trước một giờ cho các đơn vị trưởng. Nhớ đấy nhé.

        - Thế còn các cán bộ tỉnh, quận, quân địa phương, gia đình binh sĩ và nhân dân thì sao?

        - Hãy bỏ mặc họ. Phú thản nhiên trả lời. Các anh không có trách nhiệm về họ. Nếu các anh cho họ biết tin này, các anh sẽ không thể chỉ huy nổi cuộc hành quân và cũng không thể về đến Tuy Hoà. Tình hình sẽ rất lộn xộn cho mà xem.

        Bảy giờ sáng hôm sau, Phú lên máy bay đi về Nha Trang, mang theo một số sĩ quan tham mưu chủ chốt.

        Tức giận với những sự sắp xếp và chỉ huy của Phạm Văn Phú, Trần Văn Cẩm cũng rút lui nốt bằng máy bay đi Tuy Hoà, và dặn lại:

        - Ông Lý, ông hãy điều khiển mọi việc. Tôi sẽ gặp ông ở Tuy Hoà vì tôi chỉ là người giám sát, mà thôi, ở lại đây không tiện…

        Lý cảm thấy bản thân phải chịu hết trách nhiệm điều khiển một cuộc rút lui của trên 160 nghìn người, bơ vơ không có một ban tham mưu, không có lấy một kế hoạch nhỏ, và cũng chẳng có sự chỉ đạo của tham mưu cấp trên Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 05:43:28 am »


        Những tư liệu ta bắt được trong toà đại sứ Mỹ sau ngày giải phóng, đã bổ sung thêm một chi tiết về cuộc rút lui có một không hai này.

        Tình hình ở đại sứ quán Mỹ trong lúc này.

        Một nhân chứng đã viết:

        “Sau cuộc họp, một nhân viên CIA, trong bộ tham mưu của Phú, báo cáo cho người sĩ quan Mỹ chỉ huy mình ở địa phương là sắp có việc rút bỏ Tây Nguyên. Viên sĩ quan không tin và gửi ngay một điện thượng khẩn về Nha Trang yêu cầu giải thích đồng thời báo cáo về Sài Gòn. Trùm CIA ở đây hốt hoảng và chạy đến phòng của đại sứ để báo cho Lehman phó đại sứ biết, nhưng Lehman đi vắng. Ông này lại gọi điện thoại ra Nha Trang yêu cầu xác nhận lại tin này, đồng thời yêu cầu tổng lãnh sự quán Mỹ ở Nha Trang, Spear, rút hết những người Mỹ còn lại ở Plây Cu, Spear hỏi: đây có phải là lệnh không?

        - Tất nhiên là không, nhưng tôi báo cáo ông biết: ông phải rút những người đó ngay lập tức, nếu không thì sẽ có nguy cơ mất họ. Nếu có sự lộn xộn ở Plây Cu, thì trong vòng vài giờ nữa sẽ không dùng được sân bay.

        Ít lâu sau, Lehman trở về sứ quán, nhưng ông ta không muốn ra lệnh rút lui. Ông ta nghi ngờ giá trị của tin tức tình báo, vì trước đó mấy giờ, đã gặp Thiệu mà không thấy nói gì về việc rút lui cả. Ngoài ra, nếu đóng cửa tiền đồn cuối cùng của Mỹ ở Tây Nguyên, thì đó sẽ là một liều thuốc nổ về chính trị…

        Đến trưa, sốt ruột quá, những người chỉ huy CIA ở Sài Gòn, trực tiếp ra lệnh cho máy bay của Air America cất cánh, rút tất cả các quan chức CIA ra khỏi Plây Cu…”

        Rõ ràng là Nguyễn Văn Thiệu đã có những quy định rất nghiêm ngặt về giữ bí mật. Còn đối với người Mỹ, thì như ông ta bà ta xưa nay đã từng nói: “Thà làm tớ thằng khôn, còn hơn làm thầy kẻ dại”.

        Ở Sài Gòn, thầy đã vậy thì ở chiến trường, tớ rối rắm đến dường nào.

        Tình hình như một nồi nước đang đun, lúc đầu chỉ mới sủi tăm nhưng trong nháy mắt, đã sôi lên ùng ục, và khi áp suất đã vượt qua mức cho phép thì nổ tung lên. chiều ngày 14 và suốt cả ngày 15 tháng 3, thực hiện giai đoạn đầu của cuộc rút lui, Lý ra lệnh cho 2 liên đoàn biệt động quân 6 và 23 rút khỏi Kon Tum. Nhiệm vụ của hai đơn vị này là cùng với 1 tiểu đoàn công binh mở đường từ Phú Túc đến Sơn Hoà giáp giới với Phú Yên và bảo đảm cạnh sườn phía Thuần Mẫn, chiếm lĩnh trước các trận địa có lợi như đèo Chu Tsê trên đường 7B. Vấn đề bảo đảm an ninh cho cuộc hành quân, chẳng thấy đề ra kế hoạch cũng chẳng có ai để phê chuẩn. Từ Sơn Hoà trở đi, thì có lực lượng của địa phương Phú Yên đảm trách. Tại Kon Tum, chỉ còn lại có 2 liên đoàn biệt động quân thuộc quyền chỉ huy của tiểu khu trưởng.

        Nhưng dột từ trên nóc dột xuống. Sau khi Phú rời khỏi đại bản doanh, thì sư đoàn 6 không quân, với phương tiện rất hiện đại nắm sẵn trong tay, cũng ồ ạt theo chân Phú. Một số gia đình binh sĩ không quân ở trong thị xã, được đưa vào sân bay để di tản, đã làm tiết lộ việc rút bỏ thị xã này. Tin giật gân lan ra rất nhanh chóng, như một bệnh dịch, chẳng mấy chốc mà cả thị xã và các vùng lân cận đều biết cả. Những cảnh tượng rùng rợn mà trong mấy ngày qua người ta đã có tưởng tượng ra để mô tả trên đường phố Buôn Ma Thuột đã làm cho mọi người hoang mang khủng khiếp. Cuộc tắm máu mà xưa nay họ thường rêu rao ai ngờ nay lại diễn ở đây và như thế này. Mới 8 giờ sáng, nhân dân đã tràn vào sân bay Cù Hanh. Khi thấy chiếc máy bay C-130 chở thương binh vừa cất cánh, họ thấy rõ ngay là cuộc rút bỏ Plây Cu không còn là tin đồn đại nữa. Thế là một đi, hai đi, ba bốn cũng đi. Giá vé máy bay lên dần từng phút một. Lý phải để lại tất cả các máy bay và trực trăng, các trang bị nặng, quan trọng, những phương tiện, khí tài của lực lượng đặc biệt, hàng vạn tấn đạn dược, xăng dầu…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 05:50:01 am »


        Biết là bị bỏ rơi, các đơn vị địa phương và dân vệ cũng bắt đầu làm loạn. Nhân dân, binh lính trở nên vô kỷ luật. Đục nước béo cò, bọn kiêu binh bại trận tha hồ đi hiếp dâm, đốt nhà, cướp của. Mạng người rẻ như bèo. Sân bay ở trong tình trạn hỗn loạn. Một chiếc máy bay vận tải vừa hạ cánh, nhưng rồi lại không tài nào cất cánh lên được, người ta chen lấn xô đẩy, đấm đá nhau túi bụi, giẫm lên nhau, chửi bới kêu khóc, để được lọt vào cửa máy bay quá hẹp. Lý đã phải dùng đến súng ngắn để lấy lại trật tự cũng không xong. Không có máy bay thì đi xe. Xe nhà binh, xe tải, xe du lịch, xe honda, không đi xe thì đi bộ: gồng, gánh, bồng bế dắt nhau mà đi. Tai nạn có thể xảy đến với bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Nhiều nhân chứng đã kể lại: cả thị xã hỗn loạn như mặt biển trong ngày mưa bão, còn trên đường đi, từng đợt sóng người, xô tới đẩy lui, ùn lại rồi dạt dần về phương nam: tắc nghẽn. Cảnh tượng thật là kinh khủng. Nhiều ông già, bà già, trẻ con, chết gục bên đường; xe tăng, xe thiết giáp cán qua người họ mà đi. Dòng người gần như tự nhiên, trôi lên phía trước, chẳng còn ai chỉ huy ai. Từ các căn cứ quân sự ở dọc hai bên đường, rải rác một vài đám cháy lớn. Những tiếng nổ ghê rợn càng làm cho quang cảnh đã hỗn độn càng thêm hỗn độn trên hàng chục cây số, cả một biển người quằn quại dưới ánh nắng như thiêu đốt đầu hè. Đói khát, chết chóc và kinh hoàng, khủng khiếp.

        Cuộc hành quân kéo dài lê thê vì việc sửa chữa đường sá, cầu cống mất rất nhiều thì giờ, các đơn vị biệt động quân đi ở cuối đường muốn tìm cách vượt lên phía trước để ngăn chặn áp lực của ta đối với Cheo Reo, nhưng vô cùng vất vả vì đường sá bị tắc nghẽn.

        Các liên đoàn 7 và 25 còn đang bảo vệ phía tây Plây Cu thì bị sư đoàn 968 đánh cho tan tác. Nhiệm vụ nghi binh của sư đoàn này đã chấm dứt và nó hiện nguyên hình trước kẻ thù là một đơn vị hừng hực khí thế tiến công: pháo, rocket liên tục bắn vào đội hình, bộ binh thì bám chặt thắt lưng chúng mà truy kích, các chốt ở đèo Thanh Bình và phía tây Thanh An đều bị đánh bại. Chi khu Thanh An bị hạ. Chỉ trong một ngày, cả ba tiểu đoàn của liên đoàn biệt động quân này đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu, toàn bộ pháo bị huỷ diệt. Nhưng tai họa lại không đến được một cách đơn độc; một đơn vị thiết giáp đi mở đường ở đông Cheo Reo, bị máy bay A37, vì bay quá cao ném bom nhầm: 4 xe tăng bị phá huỷ và một số dân chúng bị giết chết? Ai? Hoá ra những người bị ngồi trong các xe vỏ thép, đâu phải là lính chiến đấu, mà phần lớn là vợ con của các tướng ta. Cho nên hỗn loạn càng thêm hỗn loạn.

        Chưa phải đã hết, ở hướng bắc một trung đoàn khác của sư đoàn 968 đang truy kích sát gót địch rút chạy từ Kon Tum về Plây Cu phối hợp rất nhịp nhàng với trung đoàn 95A từ Phú Mỹ, ở phía đông thị xã đánh quật trở lại. Plây Cu trở thành nơi hội tụ của các lực lượng tác chiến ở phía bắc.

        Những tình tiết về cuộc rút lui có một không hai, trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam này đều không lọt khỏi tai mắt của các đơn vị trinh sát của ta, bố trí trên các cao điểm dọc đường 14 và số 7; được trang bị ống nhòm có bội số lớn và cả máy vô tuyến điện thoại đến lúc này thì được dùng rộng rãi. Ngay từ ngày 15 tháng 3, Quân uỷ Trung ương đã nhận thấy Phước An và đường 21 là những cái bẫy để thu hút địch và Phú Bổn là cái túi để dồn địch vào đấy mà tiêu diệt rồi. Trong bức điện gửi cho anh Tuấn hôm ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “tập trung lực lượng để tiêu diệt sư đoàn 23 ở Phước An, đồng thời sẵn sàng diệt địch ở Phú Bổn (Cheo Reo). Việc tiêu diệt sinh lực địch lớn ở đây sẽ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của chiến dịch trên cả chiến trường Tây Nguyên v.v…

        Thời cơ lớn đến rồi. Như đã nói trên, nếu ở Phước An, địch dù có bao nhiêu quân cũng không có sức mạnh, vì phần lớn binh khí kỹ thuật đã lọt vào tay ta cả rồi; thì ở Phú Bổn, ngược hẳn lại, địch cứ dồn vào đây biết bao nhiêu thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, bao nhiêu lữ đoàn pháo binh, trước sau rồi cũng sẽ nộp cả cho ta mà thôi. Ở đây, chúng chết vì có quá nhiều vũ khí nặng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 05:50:09 am »


        Kết hợp ý kiến của A75, khẳng định việc địch sẽ rút lui và chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến dịch phải nắm chắc thời cơ để hoạt động cùng với những điều mà các đơn vị trinh sát báo cáo về, Bộ tư lệnh chiến dịch đã nhạy bén, kịp thời tung lực lượng ra, ghìm địch lại. Mới nửa chiều ngày 16 tháng 3, tiểu đoàn 9, trung đoàn 64, sư đoàn 320 đã tìm cách lách núi, luồn rừng, để sáng hôm sau ra cắm chốt trên đường giữa Cheo Reo và đèo Tân Á, cắt đôi địa hình của liên đoàn 7 biệt động quân, vừa ở phía sau lách tới. Toàn bộ sư đoàn 320, được tăng cường thêm trung đoàn 95B làm lực lượng dự bị và được một tiểu đoàn xe tăng một cụm pháo binh của chiến dịch chi viện. Đơn vị nào ở phía trước cứ đi, đơn vị ở sau vừa hành quân vừa chấn chỉnh đội hình, không có đường lớn thì đi đường vòng, không có đường vòng thì dùng bản đồ, địa bàn, xẻ rừng, cắt núi mà đi. Từ cán bộ chỉ huy đến anh em chiến sĩ, mọi người đều cảm thấy phải mang hài 7 dặm, nhất tề xông lên phía trước với một quyết tâm sắt đá là tiêu diệt sạch sành sanh quân thù, nhất định không để một tên nào chạy thoát về xuôi để có cơ hội phản kích lại ta sau này. Tiếng chân giẫm trên lá khô xào xạc, tiếng chim hót trên cây, tiếng thác nước đổ xa xa trước mặt nghe như những tiếng còi xung trận, tiếng reo hò, tiếng cổ vũ của non sông đất nước. Họ biết cả mặt trận, cả nước đang hồi hộp theo dõi từng bước đi của từng đơn vị. Chỉ cần một tổ nhỏ 3 người, với một khẩu B.40 và vài viên đạn, một khẩu AK là có thể xông lên phía trước nổi lên một điểm chốt trên đường ghìm địch lại, tạo điều kiện cho các đơn vị sau kịp thời xông tới, bao vây, tiêu diệt hàng vạn tên địch, diệt hàng trăm xe tăng, phá huỷ hàng trăm đại bác, ai trong họ là người sẽ đón nhận niềm vinh dự cao quý ấy? Cũng có đói khát, mệt mỏi, nắng nóng; một mấu lương khô, một bi đông nước lã, trong lúc này quí giá vô cùng, nhưng sẵn sàng nhường nhịn nhau để giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ. Họ hiểu rằng ta khó một, địch còn khó gấp nghìn vạn lần. Cuộc săn đuổi này đã đem đến kết quả làm nức lòng người.

        10 giờ ngày 17 tháng 3, tiểu đội của Nguyễn Vi Hợi trong trung đội do Đoàn Việt Hùng chỉ huy, chỉ huy, thuộc đại đội 11, tiểu đoàn 9, trung đoàn 64 đã có mặt trên đường số 7, nổ phát súng đầu tiên, ghìm địch lại. Tiếp theo đó là cả tiểu đoàn và sang ngày 18, lại có thêm tiểu đoàn thứ hai của trung đoàn này, cắt ngang đội hình hành quân của địch, một nửa lọt qua khỏi đèo Tân Á; còn một nửa bị hất ngược về phía thị xã, phối hợp tuyệt đẹp với trung đoàn 48, cũng hôm ấy, bỏ rừng xông thẳng ra đường cái lớn để truy kích cho nhanh, diệt một tiểu đoàn bảo an ở Cầu Cháy, tây Phú Bổn 7 cây số và phát triển tiến công vào cái thị trấn đông nghịt người này.

        Nói đến tình cảnh của bọn địch ở Cheo Reo, đại tá Đặng Đình Siêu, lữ đoàn phó lữ đoàn 2 kỵ binh đã thú nhận:

        “Ngày 17 tháng 3, buổi sáng:

        Thiết đoàn biệt động quân liên đoàn 7 và chiến đoàn 1 với 14 chiến xa có nhiệm vụ mở đường, thanh toán chốt tại nam Cheo Reo. Lúc 9 giờ, đụng chốt. Một chiếc xe cháy xin không quân oanh kích: máy bay A37 ném bom nhầm vào tiểu đoàn này. Một đại đội bị loại khỏi vòng chiến đấu.

        Chi đoàn báo cáo không qua được. Bộ tư lệnh lữ đoàn ra lệnh phải tìm đường vòng phía trước mặt chốt, tìm cách qua khỏi, để bảo đảm an ninh đến chân đèo. Kết quả: 3 xe bị cháy, kể từ đó, mất liên lạc.

        Buổi chiều, bộ tư lệnh lữ đoàn lại ra lệnh cho chiến đoàn 3/1CX theo vết cũ mà đi. Chỉ liên lạc được lúc xuất phát, sau đó cũng mất liên lạc.

        Ở sở chỉ huy bộ tư lệnh lữ đoàn bị pháo 130 ly từ hướng Thuần Mẫn bắn đến xối xả.

        13 giờ, lệnh cho rút các lực lượng trong đêm. Hoả Long được điều động đến để thả hoả châu yểm trợ. Vẫn đi theo các đơn vị trước. Vì trời tối, và bị thiệt hại gần chục chiến xa, nên bộ tư lệnh lữ đoàn lệnh cho các đơn vị trở lại làng Buôn Bleck đông nam thị trấn Cheo Reo, để phòng thủ. Tại đây, cảnh hỗn độn vì có quá nhiều xe của quân và của dân nên không thể lui tới gì được. Tư lệnh lữ đoàn rời xe và không có lệnh gì khác cho các đơn vị. Không một ai biết đương sự đi đâu… các đơn vị biệt động quân, cũng chia thành toán nhỏ rời xe thiết giáp tự động tìm đường đi bộ theo gia đình…”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 05:53:32 am »


        Nói về nguyên nhân thất bại trên quãng đường từ Cheo Reo đến đèo Tân Á, Siêu viết tiếp:

        “Có sự bất đồng ý kiến trong kế hoạch phối trí lực lượng và điều quân giữa lữ đoàn và quân đoàn. Giữ quá nhiều thiết giáp ở Cheo Reo, lẽ ra phải sớm đưa ra bố trí dọc đường.

        - Tinh thần binh sĩ hoang mang dao động vì có tin, chính phủ đã ký, giao lại mặt trận, các tỉnh miền cao nguyên, trong thời hạn 3 ngày phải rút hết quân.

        - Việc yểm trợ bằng không quân ít, lại không chính xác, gây tổn thất cho bạn. Khi đụng chốt, không giải quyết được, mà tổn thất quá cao. Địa thế độc đạo, chỉ có đường duy nhất để xuống duyên hải. Hơn nữa, các xe quân sự bị các xe dân sự cản trở quá nhiều hầu như không thể điều động được.

        - Các tướng tá đã dùng các chiến xa để chở gia đình nên không có sức chiến đấu. Các quân nhân cũng quá bịn rịn vợ con, nên không tác chiến được.

        - Một số cấp chỉ huy chấp hành kỷ luật không nghiêm: đáng lẽ sau khi vượt qua khỏi chốt, phải ở lại giữ an ninh, lại bỏ chạy luôn mà không báo cáo.

        - Khi tư lệnh rời cuộc hành quân, bộ tham mưu bỏ trốn, các đơn vị tự động rời xe thiết giáp, tìm đường đi bộ. Các đơn vị còn lại không ai chỉ huy, dần dần tan rã…”

        Sông Ba là một con sông lớn ở miền Nam Trung Bộ. Nguồn của nó rải khắp Tây Nguyên nên ít khi có lụt lớn. Nó phát nguyên từ chân núi Ngọc Linh, bắc Tây Nguyên chảy từ bắc vào nam, dọc theo sườn phía tây Trường Sơn, đến Cheo Reo được thêm nước sông A Yun đổ vào nó trở thành một con sông lớn, cắt ngang dãy núi Trường Sơn, dòng chảy chuyển huớng về phía đông rồi ra biển. Ở nơi chuyển hướng này, hình thành một cái thác, nước chảy hơi xiết đổ vào một cái vực sâu, có lắm cá sấu. Không có nhiều bờ cao, thác dữ. Một vài nơi có những bãi phù sa rộng rãi, trên mặt sông rất hiền lành, nhưng ở dưới là nền da ban phong hóa.

        Nhưng ngày đầu, khi những liên đoàn biệt động quân đi tiên phong của đoàn quân rút lui vượt sông bằng một chiếc cầu phao thì an toàn; nhưng đến lúc đại quân lếch thếch kéo đến, xe người hỗn độn, chen nhau vượt sông, cầu gãy. Bãi cát bờ phía tây sông hóa thành một khối nam châm khổng lồ, bao nhiêu xe cộ đi qua đấy đều bị hút xuống lòng sông: xe trước vừa dừng lại, xe sau lách lên, cả hai đều chết cứng. Càng rồ máy càng lún sâu thêm. Xe xếp hàng 4, hàng 5, hàng 6; xe chồng đôi, chồng ba, vài chiếc trực thăng cần cẩu cẩu những tấm vỉ sắt đến để chống lún, nhưng lửa xe nước gáo, thấm vào đâu. Hì hục mãi không nhích lên được nửa bước, ngoái cổ về phía tây đã thấy trung đoàn 64 của sư đoàn 320 đang đuổi gâp. Lại giẫm lên nhau mà chạy. Từ đây trở đi quân ta cứ đường cái mà truy kích, nhanh như vũ bão. Ngày 22 tháng 3, phân đội phái đi trước của trung đoàn 64 gồm bộ binh và xe bọc thép đã ghìm được địch ở quận lỵ Phú Túc, trong nháy mắt diệt ngay một bộ phận. Một vài đơn vị của sư đoàn đã nhanh chóng bơi vị trí vượt sông Ba và đến ngày hôm sau thì bắt liên lạc được với tiểu đoàn 96 địa phương Phú Yên, đang chặn đầu địch rút chạy. Chủ lực phối hợp với địa phương hình thành thế trận bao vây Củng Sơn rất đẹp. Tại đây đối phương đã có sẵn liên đoàn 6 biệt động quân về đóng chốt từ trước. Cùng số quân, lóp ngóp từ Tây Nguyên mới chạy về, lực lượng phòng thủ khá mạnh: trên 6 nghìn quân, 40 xe tăng thiết giáp và hàng trăm xe vận tải. 13 giờ ngày 24 tháng 3, ta bắt đầu tiến công, địch chống trả điên cuồng, tập trung hoả lực của pháo binh và trực thăng vũ trang quyết ngăn chặn ta. Xe tăng, xe bọc thép, dựa vào số lượng đông hơn gấp bội, phản kích liên tục. Bộ binh và xe tăng đã chiến đấu vô cùng anh dũng, vượt qua lưới lửa dày đặc của địch, theo đường cái tiến công vào Tịnh Sơn. Bộ đội cao xạ bắn rơi 1 máy bay A37 tại trận, đến chiều thì chiếm được quận lỵ. Trên hướng bắc ta tiến công vào Hòn Một, địch phản kích bị ta đánh bật, phải tháo chạy; 15 giờ ngày, Hòn Một rơi vào tay ta. Cùng lúc ấy, nắm được tình hình địch đang hoang mang cao độ, bộ tư lệnh sư đoàn 320 hạ lệnh tiến công đồng loạt vào các mục tiêu đã được phân công, sau một đợt pháo bắn chuẩn bị ngắn, ta chiếm được Hòn Ngang, rồi phát triển sang sân bay cùng với tiểu đoàn 96 dứt điểm mục tiêu này.

        Củng Sơn hoàn toàn được giải phóng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM