Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 13 Tháng Năm, 2024, 07:52:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp  (Đọc 152921 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2012, 07:31:18 pm »


21 giờ 55 phút ngày 26 tháng 1, trung đội thuộc đại đội 1029 nổ súng tiến công đồn trường học Tân An, hội đồng Vinh và đồn Ông Nhất, nhưng không kết quả nên đã chuyển sang bao vây. Sáng sớm 27 tháng 1, Ban chỉ huy chiến dịch tăng cường một cối 81mm cho đại đội 939, 6 giờ đơn vị nổ súng tiến công các lô cốt số 4, 5, 6, 7, 8 và bắn đạn cối vào thị trấn Cao Lãnh. Địch dùng hỏa lực trong thị trấn chi viện cho một trung đội địch tiến ra đánh bật hai tiểu đội chặn viện của ta và bộ phận đánh bao vây lô cốt số 6 (Chủ Sen) của đại đội 939; cả hai bộ phận này phải rút sang rạch Ca Từ (sau lô cốt số 8 ), dùng tuyến rạch làm trận địa phòng ngự ngăn chặn địch.

Sau 2 giờ chiến đấu, bao vây lô cốt 4, 5, 6 ta bị hy sinh hai đồng chí, bị thương hai người, bộ phận này nao núng nên rút về rạch Bà Lời, bố trí hai bờ kênh ông Ca, do đó các lô cốt này được giải tỏa.

Bộ chỉ huy lệnh cho đại đội 1028 đưa sang một tiểu đội 12,7mm và một tiểu đội đại liên bắn chế áp địch, yểm trợ cho đại đội 939 tiến hành bao vây các lô cốt lần thứ hai. Đến 11 giờ, đơn vị đã giành được thế áp đảo địch, lập lại thế bao vây như trước. Cùng lúc, hai trung đội của đại đội 1029 nổ súng vào các bốt phía tây thị trấn, địch chống trả và cho một trung đội xuất kích, bị ta đánh lui, địch chết và bị thương một số tên. Đến 10 giờ, được tăng cường gần hai trung đội, địch tổ chức phản công lần thứ hai. Chỉ huy bộ phận này cảm thấy bị hở sườn (vì bộ phận chặn viện và bao vây lô cốt số 8 đã rút), tư tưởng dao động nên cho đơn vị rút về bố trí ngang với đồn Kinh Cụt (lô cốt số 7), do đó việc vũ trang tuyên truyền ở vùng Hòa An và việc bảo vệ đường tiến của đại bộ phận lực lượng vũ trang tuyên truyền không thực hiện được.

Bộ phận vũ trang tuyên truyền chia thành hai cánh và tổ chức vượt sông ở hai đoạn An Bình và sông Cần Lố. Địch phát hiện, báo động và tổ chức những cuộc chống trả nhỏ. Cuộc tiến quân của ta vẫn thuận lợi. Quân ta đánh, số quân này phải lui vào đồn bốt, ta bao vây theo kế hoạch và tổ chức mít tinh vũ trang tuyên truyền, trừ gian, diệt tề trên các xã Tịnh Thới, Tân Tịch, Tân Thuận Đông. Đến 10 giờ thì mất liên lạc với hướng của đại đội 1029.

Sau khi thấy đại đội 939 và 940 tiến công các lô cốt không thành công, nhất là chưa giải quyết được lô cốt số 2, đại đội 939 không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, trung đội của đại đội 1029 không làm tròn nhiệm vụ, nên Ban chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang phương án 2 “Hoàn thành vũ trang tuyên truyền trong một ngày đêm”. Tập trung lực lượng giải quyết một số lô cốt ven sông Cao Lãnh và lệnh cho bộ phận vũ trang tuyên truyền tiến lên vùng Hòa An, Tân Thuận Tây; nếu hoàn thành nhiệm vụ thì rút về tăng cường cho ba đại đội 939, 940, 941 trước sáng ngày 28 tháng 1 năm 1950.

Đến 24 giờ, bộ phận này đã tổ chức mít tinh trên 20 địa điểm, phát 15.000 truyền đơn, họp gia đình, giải tán hai ban hội tề của xã Hòa An và Tân An; bắt một số lính bảo an, giải thích chính sách rồi tha tại chỗ, lấy lại 4.000 giạ lúa (100 tấn) trả lại cho nhân dân, làm chủ tình hình ở sáu xã của tổng An Tịnh.

1 giờ 30 phút, ta để lại dân quân du kích và quốc vệ đội hoạt động, còn phần lớn lực lượng tiến công trong cù lao rút về căn cứ để củng cố, chuẩn bị chiến đấu cho ngày hôm sau.

Lực lượng chặn bộ binh và tàu ở vàm Sông Con được tăng cường thêm hai trung đội của đại đội 1029, liên tiếp tổ chức tiến công lô cốt số 2 và 3, địch chống trả yếu ớt và 6 giờ sáng 28 tháng 1, địch ở lô cốt số 2 xin thương thuyết rồi đầu hàng lúc 7 giờ 20 phút; ta thu toàn bộ vũ khí, bắt toàn bộ quân địch, san bằng lô cốt.

Đại đội 1030 và một trung đội của đại đội 1035 về hợp sức với đại đội 939 tiến công mạnh lô cốt 4, 5, 6, 7, 8, bắn đạn cối vào thị trấn. Đến 15 giờ, vì ta bao vây không chặt, địch ở lô cốt số 6 bỏ chạy, ta thiêu hủy lô cốt. Địch cho tàu theo sông Tiền vào tiếp viện, đồng thời cho lính Hòa Hảo đổ bộ lên vàm Tân Thuận Tây (gần đồn số 1), khoảng 50 tên theo lộ Hòa An định đánh vào lực lượng ta phía ngoài thị trấn. Hai tàu đổ bộ khác dưới sự chi viện của pháo và máy bay ném bom, đi vào sông Cao Lãnh. Quân ta bố trí ở đây đã tiến đánh, địch phải lui hết về đồn số 1. Bộ phận chặn tàu của ta đánh đắm một chiếc, bắn bị thương một chiếc, làm nhiều địch chết và bị thương. Đến 17 giờ, địch cho ba tàu đến bắn dữ dội vào mặt trận ta và kéo hai tàu bị đắm và bị thương về Sa Đéc. Hướng Cần Lố, Ban chỉ huy tăng cường đại đội 1027 triển khai chiến đấu với đại đội 941, nhưng mặt này vẫn yên tĩnh. Do đó, gần tối 28 tháng 1, Bộ chỉ huy chiến dịch rút hai trung đội của đại đội 1207, một tiểu đội 12,7mm và một Badôca về tăng cường cho đại đội 940. Đại đội 1030 bố trí chặn viện mặt thị trấn và chuẩn bị tiến công tiêu diệt bốt số 7, bao vây bốt số 8. Đại đội 939 uy hiếp các lô cốt 4, 5 và 6.

Trong đêm 28 tháng 1, ta tiến công mãnh liệt các lô cốt ở ven sông Cao Lãnh. Đến 8 giờ sáng ngày 29 tháng 1, địch ở lô cốt 3 bỏ chạy sang lô cốt 4, ta phát hiện chậm nên không diệt được địch, chỉ san bằng lô cốt. Đại đội 1030 uy hiếp mạnh đồn số 7 (Kinh Cụt) bằng hỏa lực cối 81mm và 12,7mm, nên đến 17 giờ, địch đầu hàng, ta thu toàn bộ vũ khí và bắt sống gần 30 lính ngụy.

Đến 24 giờ, quân ta hết đạn, Ban chỉ huy chiến dịch cho các đơn vị phía tây Cao Lãnh rút, chỉ để lại đại đội 1030 và một trung đội của đại đội 1035 tiếp tục bao vây bắn phá các lô cốt, kết hợp với dân quân du kích đột nhập quấy rối về phía Hòa An, Tân Thuận Tây. Hai trung đội du kích chuyển xuống hoạt động nghi binh ở Mỹ Xương và Bình Hàng Trung. Cũng trong đêm, ta thiêu hủy thêm hai hội quán của bọn tề có vũ trang ở xã Hòa An; địch ở lô cốt số 23 hoang mang bỏ chạy, dân quân vào phá sập.

Sáng 30 tháng 1, địch ở lô cốt số 4 và 5 bí mật rút lui, ta phát hiện khi chúng đang lội sông về phía Hoà An, nổ súng diệt được vài tên, số còn lại chạy thoát. 16 giờ, một bộ phận quân địch từ tàu thủy đổ bộ lên đoạn giữa đồn số 1 và lô cốt số 2, vì chúng đã mất tinh thần nên khi mới đụng quân ta đã bỏ chạy tán loạn, ta giết và làm bị thương một số, trong đó có một quan hai.

Ngày 31 tháng 1, Ban chỉ huy chiến dịch điều hai đại đội 1207 và 1030 trở lại hoạt động tác chiến; địch ở lô cốt số 21 bỏ trốn, quân ta san bằng. Vì đạn dược đã cạn nên 7 giờ ngày 1 tháng 2 năm 1950, Ban chỉ huy ra lệnh kết thúc chiến dịch; đồng thời để lại đại đội 1030 cùng dân quân du kích hoạt động ở vừng Mỹ Trà, Mỹ Ngải, Hòa An, Tân Thuận Tây, Tịnh Thới, Tân Tịch để tuyên truyền và khuếch trương chiến quả.

Kết quả: Sau sáu ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt lô cốt số 2 và cứ điểm số 7, bức rút và phá hủy sáu lô cốt khác; phá hủy hai hội quán của tề; đánh chìm một tàu đổ bộ VP-15, bắn bị thương tàu VP-10; một máy bay; diệt 20 tên Pháp và lê dương (có một quan hai thủy quân và một quan hai bộ binh), 75 lính ngụy (có hai chỉ huy); loại khỏi vòng chiến đấu 55 tên; bắt một lính Pháp và 32 lính ngụy (có một chỉ huy); bắt và thả tại chỗ số đông bảo an; giải tán hai ban hội tề của xã Hòa An và Tân An; giải phóng ba xã Tân An, Hòa An, Tân Thuận Tây với 600 dân; thu 40 súng các loại. Ta hy sinh 17 người, bị thương 30 người.



Mục đích đề ra rõ ràng và đã thực hiện được cơ bản1. Thắng lợi rõ nhất là về mặt vũ trang tuyên truyền; bên cạnh đó đã tiêu hao, tiêu diệt được một số lượng đáng kể sinh lực địch, san bằng được một loạt lô cốt, thực hiện được kế hoạch vừa phá được tuyến phòng thủ của địch, đập tan bàn đạp nơi xuất phát để đi càn quét, vừa ngăn chặn âm mưu lấn chiếm của chúng một cách tích cực nhất; đã đẩy địch từ thế chủ đóng tiến công phải rút về phòng ngự và phải có thời gian củng cố khôi phục. Thắng lợi của hai mặt tuyên truyền vũ trang và tác chiến quân sự đã gây được không khí hăng hái giết giặc lập công của bộ đội và dân quân du kích, củng cố được lòng tin và sự ủng hộ kháng chiến của quần chúng nhân dân.

Ưu điểm nổi bật là Ban chỉ huy chiến dịch đã xây dựng được một phương án tác chiến tỉ mỉ, có nhiều giả định và đề ra được cách đối phó cụ thể nên đã giúp cho chỉ huy các cấp chủ động, không bị lúng túng khi diễn biến tình huống thay đổi. Công tác nghi binh cũng tiến hành tốt, đạt hiệu quả cao. Ban chỉ huy đã vận dụng tốt đường lối chiến tranh nhân dân, huy động và tổ chức được nhiều lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân tạo nên sức mạnh to lớn của chiến dịch.

Nhưng chiến dịch cũng bộc lộ rõ một số điểm yếu: “Thực chất đây không phải là một chiến dịch mà là một đợt hoạt động vũ trang tuyên truyền tương đối có quy mô”2. Trong phương châm nhiệm vụ và trong kế hoạch tác chiến ý định “tiêu diệt địch” không rõ ràng, nặng về bảo vệ đường và ngăn chặn địch để phục vụ cho vũ trang tuyên truyền. Phân công nhiệm vụ chưa hợp lý (một đại đội 939 mà giao bao vây một cứ điểm, năm lô cốt đồng thời phải chặn viện thì quá sức, không làm nổi); công tác nắm địch nhiều lúc chưa chắc chắn dẫn đến bố trí lực lượng phân tán, dàn trải, không tập trung lực lượng vào mục tiêu chủ yếu, do đó bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, hạn chế đến kết quả, thắng lợi chung.
____________________________________
1.Hồ sơ: VL-11.829BQP ghi: “Chiến dịch Cao Lãnh không đạt được mục đích và nhiệm vụ đề ra”... tr. 67.
2.Lời kết luận trong Hồ sơ VL-11.829-BQP.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 11:22:45 pm »


CHIẾN DỊCH LÊ HỒNG PHONG 11
(Tiến công, từ ngày 7 tháng 2 đến ngày 7 tháng 3 năm 1950)


Sau các chiến dịch Sông Thao, Lê Lợi và những trận tiến công của ta vào Yên Bình Xã, Nghĩa Đô (tháng 11 năm 1949), phòng tuyến Tây Bắc của quân Pháp bị phá vỡ một mảng lớn. Chúng phải rút quân ở một số vị trí tiền tiêu về Yên Bình Xã - Nghĩa Đô, rút Bảo Hà về Võ Lao, phạm vi chiếm đóng thu hẹp lại. Trong khi đó, cách mạng Trung Quốc đang phát triển thuận lợi, Giải phóng quân Trung Quốc đang ào ạt tiến xuống Hoa Nam, dồn tàn quân của Quốc dân đảng chạy xuống sát biên giới Việt - Trung và tản ra biển Đông. Quân Pháp ở tây bắc nước ta rất lo sợ trước diễn biến của tình hình quốc tế và sự hoạt động ngày càng mạnh của quân ta. Để đối phó với tình hình, chúng tăng cường cho phân khu Lào Cai hai đại đội Ta-bo (65 và 68) thuộc tiểu đoàn Ta-bo số 10, một số phân đội công binh, pháo binh và hai đại đội lính bảo an, đưa tổng số địch ở Lào Cai lên đến 1.000 quân. Chúng liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét. Bọn phản động địa phương cũng ngóc đầu dậy, chỉ điểm, đưa đường cho chúng lùng bắt cán bộ ta, đánh phá vào các vùng đồng bào người Giáy, Tày, Dao bên tả ngạn sông Hồng như Xuân Quang, Phố Lu, Thái Niên, v.v... Lực lượng vũ trang địa phương mới được củng cố tuy đã tiến bộ trưởng thành nhưng chưa đủ sức đánh tiêu diệt mà chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ chống càn, quấy rối địch.

Trước tình hình trên, nhận rõ tầm quan trọng của Tây Bắc, ngày 6 tháng 5 năm 1949, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị trong đó chỉ rõ nhiệm vụ: “Mở rộng căn cứ địa Tây Bắc của ta suốt từ bờ sông Thao đến sông Đà, phá vỡ phòng tuyến Yên Bình Xã, Bảo Hà, Nghĩa Lộ và cô lập tiểu khu Lào Cai của địch, để phá thế uy hiếp sau lưng Việt Bắc, củng cố bàn đạp tiến sang Thượng Lào. Tiêu diệt một phần sinh lực của địch, phá tan khối ngụy binh Thái trắng, để phá kế hoạch củng cố của địch, làm đà cho cuộc chuẩn bị tổng phản công...”.

Đầu năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị mở chiến dịch Tây Bắc. Bộ Tổng tư lệnh quyết định lấy tên là “Chiến dịch Lê Hồng Phong 1”. Mục đích của chiến dịch được Bộ Tổng tư lệnh đề ra là: “… Tối thiểu làm tan rã khối ngụy binh, tiêu diệt một số vị trí địch, lấy ảnh hưởng chính trị với quốc tế và nhân dân để nuôi dưỡng lực lượng ta. Tối đa là khôi phục lại Lào Cai mở thông đường quốc tế” 2.

Sẵn sàng phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa tiêu diệt tàn quân Quốc dân đảng nếu chúng tràn qua biên giới.

Địa bàn chiến dịch diễn ra trên hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Địa hình rừng núi là chủ yếu, xen giữa các dãy núi là cánh đồng lúa, làng mạc chạy dọc theo hai bên bờ sông Hồng từ bắc xuống nam. Tuyến giao thông quốc lộ 1 gồm cả đường bộ và đường sắt chạy dọc từ Lào Cai xuống Yên Bái về Việt Trì xuôi Hà Nội, là tuyến huyết mạch quan trọng nhất. Ngoài ra có các tuyến đường bộ liên tỉnh, liên huyện từ thị xã Lào Cai, thị xã Yên Bái, thị trấn Phố Lu, Bảo Hà, Văn Bàn, Nghĩa Đô... đi các huyện vùng cao. Dân cư trên địa bàn gồm nhiều tộc người thiểu số, ở các thị trấn đa số là người Kinh từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lên định cư lâu đời. Phần lớn nhân dân đã được giác ngộ cách mạng, một lòng ủng hộ kháng chiến. Một bộ phận bị địch mua chuộc làm tề, ngụy cho chúng. Thời điểm chiến dịch mở ra, phong trào chiến tranh du kích trên địa bàn đang phát triển. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng địa phương, nhân dân đã huy động nhiều lương thực, thực phẩm và hàng ngàn dân công phục vụ chiến dịch.

Hướng chủ yếu của chiến dịch được xác định là Phố Lu, hướng thứ yếu là Nghĩa Đô. Phương châm là bộ đội chủ lực sẽ bao vây tiêu diệt cứ điểm bằng phương pháp cường tập, đồng thời kết hợp đánh viện, làm tan rã khối ngụy binh, tạo điều kiện cho bộ đội địa phương và dân quân du kích diệt tề, trừ gian, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc, khuếch trương thắng lợi, tiếp tục củng cố tổ chức đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và phong trào quần chúng, mở rộng vùng giải phóng. Trong đó quân và dân hai huyện Văn Chấn và Văn Bàn, tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ nghi binh lừa địch ở Võ Lao (Văn Bàn).

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308 và trung đoàn 165, tiểu đoàn 11 Phủ Thông, tiểu đoàn pháo binh 40 của Bộ, 10 đại đội địa phương của các huyện, ngoài ra trong quá trình chiến đấu, được trên tăng cường trung đoàn 209.

Bộ chỉ huy chiến dịch: Chỉ huy trưởng: Bằng Giang; Chính ủy; Song Hào; Chỉ huy phó: Cao Văn Khánh; Tham mưu trưởng: Phạm Đức Hóa.

Công tác chính trị: Bộ chỉ huy mặt trận Tây Bắc và Bộ chỉ huy Đại đoàn 308 thống nhất chỉ định Ban công tác chính trị chiến dịch. Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, công tác chính trị đã tập trung giải quyết các nội dung; Quán triệt nhiệm vụ quan trọng của chiến dịch tới bộ đội, nêu rõ khó khăn và thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nỗ lực vượt qua. Chú trọng đặc biệt công tác địch vận, nhất là thành phần ngụy binh, ngụy quyền và cả lính Âu - Phi trên địa bàn chiến dịch. Xây dựng kế hoạch và phân công cán bộ nắm nhân dân và khôi phục chính quyền ở những vùng mới giải phóng. Phối hợp hiệp đồng giữa Bộ chỉ huy chiến dịch với Ủy ban kháng chiến Liên khu để huy động sức dân và lương thực, thực phẩm chuẩn bị chiến dịch và để tuyên truyền thắng lợi trong khu tự do, trong vùng mới giải phóng và trong vùng địch hậu. Giáo dục bộ đội về ý thức phòng gian, giữ bí mật quân sự. Cùng lúc với việc giáo dục, quán triệt nhiệm vụ: công tác chính trị đã phát động được tinh thần thi đua lập công giữa các đơn vị với nhau. Bộ đội vừa tích cực làm công tác chuẩn bị chiến đấu, vừa sáng tác thơ ca, báo tường, tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ hướng về nhiệm vụ, xây dựng được tinh thần phấn khởi, lạc quan, khắc phục khó khăn gian khổ khi luyện tập kỹ thuật, chiến thuật cũng như khi hành quân chiếm lĩnh, triển khai nhiệm vụ chiến đấu.

Công tác chuẩn bị chiến trường: Bộ chỉ huy chiến dịch đã tổ chức lực lượng quân báo, tham mưu các thành phần chỉ huy của các đơn vị đánh hướng chính và hướng phụ trực tiếp đi trinh sát thực địa, tiếp cận sát vị trí địch để nắm rõ địa hình quanh khu vực Phố Lu (hướng chính) và Nghĩa Đô (hướng phụ) về bổ sung kế hoạch chiến đấu và điều chỉnh nội dung luyện tập thực binh của bộ đội.

Công tác hậu cần: Ban quân nhu chiến dịch đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức dân chính đảng các địa phương Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái chuẩn bị được 378 tấn gạo, 20 tấn muối, dùng hàng trăm lần tàu thuyền của dân công vận chuyển theo dòng sông Hồng và sông Chảy đến các hướng tiến công của bộ đội. Đến gần ngày nổ súng mở màn chiến dịch (cuối tháng 1 năm 1950), ở hướng sông Chảy, gạo đã lên tập kết ở bến Cóc được 103 tấn, hướng sông Hồng, gạo lên tập kết ở Mậu A, Báo Đáp được gần 100 tấn. Số còn lại sẵn sàng lên thuyền, khi nổ súng sẽ vận chuyển tiếp. Về đạn, các đơn vị mang trên vai đủ cơ số quy định, còn đạn dự trữ chủ yếu là đạn súng trường, súng máy và một ít đạn cối tập kết ở kho Làng Cóc để bổ sung cho các hướng trong quá trình phát triển chiến đấu. Tóm lại đạn và gạo đã được dự trữ đủ để bộ đội chiến đấu dài ngày.

Cùng thời gian này, Bộ đã giao cho trung đoàn 174, tiểu đoàn 426 làm nhiệm vụ nghi binh trên hướng Cao Bằng và Lạng Sơn, đồng thời chuẩn bị chiến trường, khuếch trương chiến quả, sẵn sàng phân tán lực lượng ứng chiến chiến dịch. Mặt khác, Bộ sử dụng trung đoàn 36, hai tiểu đoàn độc lập 88 và 87, cùng bộ đội địa phương đề phòng địch ở hướng trung du, trọng điểm là Thái Nguyên đánh ra vùng tự do của ta; đẩy mạnh du kích chiến tranh, bảo vệ vụ chiêm, tích cực chuẩn bị chiến trường về mọi mặt để phối hợp, tạo hậu thuẫn cho Chiến dịch Tây Bắc - Lê Hồng Phong 1 thắng lợi.
_________________________________
1. Còn gọi là Chiến dịch Nghĩa Đô - Phố Lu.
2. Mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh mở Chiến dịch Tây Bắc (Lê Hồng Phong 1). Trong “Chỉ thị về nhiệm vụ tác chiến mặt trận Lê Hồng Phong” số 13/CT-63 ngày 25 tháng 2 năm 1950 của Bộ Tổng tham mưu có ghi: “... Nếu có điều kiện thuận lợi mới giải phóng thị xã Lào Cai”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 11:26:55 pm »


Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 102 được tăng cường tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn 40 pháo 75mm được giao nhiệm vụ tiêu diệt Phố Lu, một vị trí lớn do một đại đội Pháp và một đại đội lính khố đỏ cùng 80 lính dõng rất gian ác đóng giữ. Đây là cửa ngõ hiểm yếu trên con đường Việt Trì - Phú Thọ lên biên giới Lào Cai nên địch xây dựng kiên cố, bố phòng cẩn mật với hệ thống lô cốt, tháp canh, hàng rào. Chúng làm tường trình dày hai mét cao hai mét bao quanh thị trấn bố trí những hỏa điểm mạnh để ngăn cản ta tiến công. Cạnh căn cứ là một sân bay dã chiến. Viên chỉ huy phân khu coi Phố Lu là một vị trí bất khả xâm phạm.

Đây là trận đầu tiên ta đánh công kiên cấp trung đoàn, có sử dụng lực lượng pháo binh tập trung bắn cấp tập trước khi bộ binh xung phong và yểm hộ cho bộ binh phát triển chiến đấu.

Theo kế hoạch, tiểu đoàn phóng pháo 69, trung đoàn 102 sẽ bắn loạt mở màn; pháo binh từng khẩu bắn vào các mục tiêu được phân công; tiểu đoàn 79 được tăng cường một đại đội của tiểu đoàn 54 đảm nhiệm hướng đột kích chủ yếu, từ phía đông đánh vào thị trấn; tiểu đoàn 18 vượt sông sang bố trí đánh chặn viện và phối hợp đánh từ phía tây (phía sau) vào thị trấn; tiểu đoàn 54 (thiếu một đại đội) bố trí vòng ngoài bắn máy bay và làm lực lượng dự bị. Tiểu đoàn 11 sẵn sàng vào chiến đấu khi mũi đột kích chủ yếu của tiểu đoàn 79 gặp khó khăn.

Hướng thứ yếu đánh vào Nghĩa Đô do trung đoàn 165 và một số đơn vị bộ đội địa phương đảm nhiệm.

Đêm 7 tháng 2 năm 1950, khi hành quân vào vị trí chiếm lĩnh, một chiến sĩ quân báo để lộ. Các hướng, mũi tiếp tục hành quân vào triển khai chiến đấu, nhưng yếu tố bí mật bất ngờ đã mất, địch đề phòng, tăng cường tuần tiễu, sục sạo và canh gác.

Trên hướng Phố Lu, 17 giờ ngày 8 tháng 2, ta nổ súng tiến công, nhưng do hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh không chặt, sử dụng pháo binh chưa đúng (pháo bố trí phân tán, bắn rải rác không phá được tường trình, không diệt được hỏa điểm), nên mặc dù xung phong rất quyết liệt, nhưng tiểu đoàn 79 không đột phá được hai lô cốt số 1, số 2 và không đánh chiếm được khu đồn dõng. Đợt tiến công đầu tiên phải tạm ngừng.

Địch cho một đại đội tăng viện từ Lào Cai xuống. Tiểu đoàn 18 chặn đánh nhưng chỉ diệt được một số tên, số còn lại tháo chạy. Ta tiếp tục bao vây Phố Lu. Sang ngày 10, tiểu đoàn 54 vào thay tiểu đoàn 69, chia thành ba mũi xung phong quyết liệt, nhưng cả hai mũi của hai đại đội 267 và 269 đều bị hỏa lực địch ngăn chặn, ta thương vong nhiều mà không tiến lên được. Mũi của đại đội 273 do đồng chí Phúc Anh chỉ huy, được khẩu sơn pháo 65mm từ bên kia sông từng bước bắn yểm hộ chính xác, sau loạt đạn pháo, dãy nhà lính bốc cháy, hỏa lực địch rối loạn, đại đội tràn vào được trong đồn, diệt được một số hỏa điểm, nhưng sau đó bị địch tập trung hoả lực ngăn chặn nên cũng không phát triển được. Tình huống ngày càng khó khăn, trung đoàn phải ra lệnh lui quân.

Ngày 12, ta tiến công lần thứ ba. Lần này ta điều cả ba khẩu pháo của tiểu đoàn 40 do đồng chí Doãn Tuế chỉ huy, đồng chí Nguyễn Đình Ước làm chính trị viên về phía đông để tập trung bắn chế áp địch. Tiểu đoàn 11 do đồng chí Dũng Mã chỉ huy được lệnh vào chiến đấu. Trung đoàn hình thành hai hướng rõ rệt: Hướng chủ yếu từ phía đông đánh vào lô cốt số 1 và 2; hướng thứ yếu từ phía tây, sườn bên phải thị trấn vào diệt lô cốt số 3. Các hoả lực cối 81mm được tận dụng triệt để. Ngoài ra trung đoàn kiên quyết đem các cỡ súng trợ chiến bắn thẳng vào gần hơn nữa nhằm tập trung hỏa lực bịt lỗ châu mai, kịp thời yểm hộ cho bộ binh đột phá, xung phong. Đến 16 giờ 30 phút, sau bốn ngày vây hãm, ba lần tiến công ta chiếm được Phố Lu; phần lớn địch ở đây bị diệt, trong đó có đại úy đồn trưởng Gô-chi-ê (Gauthier), ta loại khỏi vòng (chiến đấu hai đại đội địch, số còn lại chạy về Lào Cai.

Trên hướng Nghĩa Đô, lượng thứ yếu của chiến dịch: 24 giờ ngày 27 tháng 2, tiểu đoàn 115 và một bộ phận của tiểu đoàn 542 bắt đầu nổ súng tiến công phân khu Nghĩa Đô. Nhưng do không giữ được bí mật nên cả ba lần tiến công đều không thành công. Sau đó ta chuyển sang bao vây. Ngày 24 tháng 2, địch tăng cường một tiểu đoàn biệt kích dù cho Nghĩa Đô. Ta tiếp tục bao vây, vị trí Nghĩa Đô bị uy hiếp mạnh. Ngày 10 tháng 3, địch buộc phải rút khỏi Nghĩa Đô về Bắc Hà.

4 giờ 30 phút ngày 9 tháng 2, một tiểu đoàn của trung đoàn 165 và một đại đội bộ đội địa phương tiến công địch ở Bản Lầu, địch ở đây phải rút chạy về Mường Khương. Ngay sau đó bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương tiến hành vũ trang tuyên truyền, phá tề trừ gian, đánh tan hai trung đội địch từ Bản Phiệt sục sạo sang Bản Lầu. Trong 10 ngày (từ ngày 11 đến ngày 22 tháng 2), hai lần quân ta đánh lui quân địch từ Lào Cai, Bản Phiệt đến phản công định chiếm lại đồn Bản Lầu.

Ở Bắc Hà, ta vừa đánh vừa kêu gọi binh lính địch ra hàng, phá được đồn Nậm Núc và Nậm Lùng, tiếp nhận 107 hàng binh, một trung liên và 100 súng trường.

Ngày 20 tháng 2, tiểu đoàn 564 của trung đoàn 165 vòng qua biên giới đánh đồn Bát Xát nhưng không kết quả vì chuyển quân qua sông chậm.

Ở Trịnh Tường, nhờ làm tốt công tác địch vận, ta chiếm được đồn địch, thu toàn bộ vũ khí và lương thực.

Tại Bảo Thắng, sau khi diệt vị trí Phố Lu, ta bắn pháo vào đồn Làng Cù, địch sợ bỏ đồn chạy, nhưng sau đó chúng chiếm lại; đến 27 tháng 2, bộ đội địa phương tiến hành đánh đồn này, địch bỏ đồn rút chạy. Trước đó ngày 26, bộ đội địa phương san bằng đồn Bền Đền, giải phóng 3000 dân; hai xã Xuân Giao và Gia Phú được giải phóng hoàn toàn.

Phía Tả ngạn sông Hồng, trước sức ép về quân sự và hoạt động địch vận của ta, hai tiểu đội lính dõng ở bốt Làng Chì và Làng Nhò xã Xuân Quang cùng với số tàn quân từ Phố Lu chạy sang đã ra đầu hàng quân ta.

Phối hợp với chiến dịch Lê Hồng Phong 1, hai đại đội 96 và 97 bộ đội địa phương tỉnh Yên Bái và trung đội bộ đội địa phương của huyện Văn Bàn kiềm chế địch ở Ca Vịnh, Võ Lao và Phong Dụ, đã giải phóng một nửa xã Phong Dụ, một phần thôn Ba Xá và các làng Võ Lao của người H’mông và người Dao làng Cam Cọn xã Kèn Sơn.

Trước tình hình đó, địch vội vàng thả 200 quân dù xuống Võ Lao, tăng cường cho Lào Cai và bổ sung quân cho vị trí Pa Kha. Ngày 7 tháng 3, địch tăng cường phòng thủ. Nhận thấy sức chiến đấu của quân ta đã giảm sút vì thương vong nhiều, Bộ Tổng tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Ta tiêu diệt bốn vị trí, bức rút năm vị trí khác, phá vỡ một phần phòng tuyến Tây Bắc của địch, uy hiếp Lào Cai, làm cho khối ngụy quân, ngụy quyền hoang mang và bắt đầu tan rã. Ta diệt 300 tên địch, bắt 34 tên, buộc ra hàng 157 tên; phá hủy một khẩu pháo, ba cối 81mm, một kho lương thực; thu ba đại liên, chín trung liên, một cối 60mm, 300 súng trường và tiểu liên; giải phóng 6.000 dân và một vùng đất rộng 2.000 km2.

Chiến dịch kết thúc nhưng không đạt được các mục tiêu đề ra. Hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh không chặt chẽ, sử dụng hỏa lực pháo binh quá phân tán, không tạo được áp lực khống chế để tạo thuận lợi cho bộ binh đột phá, hiệu quả về chiến thuật không đạt cho nên cả mục tiêu chủ yếu (Phố Lu) và thứ yếu (Nghĩa Đô) đều bị “sượng”, đợt 1 đánh trầy trật mấy ngày không được nhưng Bộ chỉ huy không kịp thời rút kinh nghiệm cho đợt 2. Mặt khác, Bộ chỉ huy chiến dịch chưa giải quyết thành công việc đánh viện binh và đánh địch rút chạy. Nghệ thuật chiến dịch trong chỉ đạo chiến thuật với từng trận đánh, nhất là trận then chốt còn thiếu linh hoạt và nhạy bén. Nhận thức về “thắng” và “bại”, về ưu và khuyết điểm của cả Bộ chỉ huy và bộ đội chưa đúng đắn để làm bài học cho các chiến dịch sau1
______________________________________
1. Trong bức điện ngày 20 tháng 3 năm 1950 của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi Ban chỉ huy mặt trận Lê Hồng Phong 1 đã chỉ rõ:
    “1- Ban chỉ huy mặt trận cần tự kiểm thảo nghiêm ngặt. Đứng trên quan điểm nào mà kiểm thảo? Đứng trên quan điểm đường lối chiến lược, chiến thuật của ta nói chung và nói riêng là chủ trương của Bộ trong lúc này.
    Đường lối ấy là: tiêu diệt sinh lực dịch, nghĩa là vừa tiêu diệt địch, vừa bồi dưỡng sức của ta, nghĩa là nhằm theo sự bồi dưỡng lực lượng ta sau chiến dịch mà kiểm điểm chứ không chỉ nhìn thấy sự thiệt hại của địch (... ).
    2- Trong trận Phố Lu, ta tiêu diệt được một thị trấn quan trọng của địch, thu được vũ khí, đạn dược, địch bị thiệt hại gần 100, nhưng ta bị hy sinh 100 chiến sĩ, trong đó có 11 cán bộ cấp trung đội và đại đội, bị thương 180, trong đó có 13 cán bộ.
    Vấn đề cụ thể là: Trước khi đánh Phố Lu, Ban chỉ huy ước lượng mức hy sinh như thế nào? Và nếu biết trước là phải hy sinh đến chừng ấy thì có quyết định đánh không?
    Nếu không ước lượng trước là khuyết điểm. Nếu ước lượng đúng rồi chủ trương đánh, cũng là khuyết điểm. Trong hai trường hợp, Ban chỉ huy đều phải thấy khuyết điểm của mình, nhất là trong lúc chiến thắng.
    3- Nhận khuyết điểm rồi mới tìm nguyên nhân.
    Nếu ước lượng mức hy sinh quá thấp thì tức là không hiểu địch, chủ quan về địch (... ).
    4- Nếu sự hy sinh tăng lên vì “bộ đội quá hăng”, hoặc vũ khí bắn sai, thì tức là khuyết điểm trong việc sử dụng vũ khí, trong việc phối hợp pháo binh và bộ binh (... ).
    5- Ban chỉ huy mặt trận Lê Hồng Phong có tự kiểm thảo theo tinh thần trên hay không?
        a) Thư đồng chí Song Hào: “Sự thiệt hại kể cũng hơi nặng, nhưng Phố Lu là một thị trấn, công sự của địch rất kiên cố, vào đến nơi mới thấy rằng lấy được đồn Phố Lu, mức hy sinh như vậy cũng chưa phải là nhiều”.
        b) Thư đồng chí Khánh về Phố Lu, nêu nhiều kinh nghiệm, nhiều nhận xét, mà không có nhận xét gì về tổn thất của ta. Theo thư ấy thì nếu địch còn tinh thần thì ta còn tốn máu nhiều.
        c) Thư đồng chí Bằng Giang: Tiêu hao nặng của ta không phải vì địch làm ta tiêu hao nhiều, mà chính vì tinh thần của anh em quá hăng nên mới xảy ra.
    Tự kiểm điểm như vậy là không nghiêm ngặt, là chỉ thấy ưu điểm mà không thấy khuyết điểm, thấy thiệt hại của địch mà không thấy thiệt hại của ta, cắt nghĩa mà không nhận khuyết điểm.
    Nhân tiện, tôi nhắc các đồng chí kiểm điểm trận Nghĩa Đô:
    1- Địch bị tiêu hao một số. Ta thu được 20 súng trường và tiểu liên, bị tiêu hao 32 súng trường, bốn trung và tiểu liên, 91 bị hy sinh và thất lạc, 202 bị thương (... ).
    2- Thế là thất bại hay không?
    Đồng chí Khánh cho rằng “không phải hoàn toàn thất bại”. Lúc kết luận cả hai mặt trận thì cho rằng kết qủa thực tế của ban đầu đã làm được bảy phần mười. Nhưng riêng ta thì mua hơi đắt.
    3- Trận Nghĩa Đô phải coi là một trận thất bại. Không nên vì địch rút, vì địch tiêu hao một số, vì gần đây dõng đầu hàng, mà không kiểm điểm nghiêm ngặt những khuyết điểm ở Nghĩa Đô.
    Và nếu làm lễ chiến thắng ở Nghĩa Đô thì trong việc khen thưởng từng chiến sĩ, hay từng đơn vị, không nên để cho cán bộ hiểu nhầm rằng trận Nghĩa Đô là một thành công (...)”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 11:41:28 pm »


CHIẾN DỊCH TRÀ VINH
(Tiến công, từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1950)


Trước sự phát triển lớn mạnh và sức tiến công của quân ta, trong hai năm (1948 - 1949) trên chiến trường chính Bắc Bộ, quân Pháp đang lâm dần vào thế bị động. Trên chiến trường Nam Bộ, cuối năm 1949, đầu 1950 quân ta hoạt động mạnh và liên tục, chiến tranh du kích phát triển rộng khắp khiến cho quân địch luôn bị tiêu hao, tinh thần mệt mỏi. Trước tình hình đó, thực dân Pháp ra sức bắt lính để tăng cường quân đội, xây dựng hệ thống đồn bốt xung quanh các thành phố, thị xã và trên các trục giao thông quan trọng; tập trung lực lượng mở các cuộc hành quân càn quét để mở rộng sự kiểm soát ra các vùng nông thôn; thực hiện âm mưu cắt đứt sự liên lạc giữa hai vùng đông và tây Nam Bộ của ta, tiêu diệt lực lượng du kích và chuyển một phần lực lượng quân chính quy ra tăng viện cho chiến trường chính Bắc Bộ.

Tại Trà Vinh, một tỉnh nằm trong vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, người dân tộc Khơ-me chiếm 80 phần trăm dân số, ngay từ ngày chiếm đóng, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách chia rẽ dân tộc. Chúng ráo riết bắt lính và tổ chức tề ngụy ở nông thôn, hình thành một tổ chức mới gọi là “bảo an Miên”, lùa hầu hết thanh niên thậm chí có cả người già năm mươi tuổi trong vùng kiểm soát của chúng vào tổ chức này, thực hiện vũ trang không thoát ly, tạo thành lực lượng đông đảo tại chỗ để chống phá cách mạng. Chúng xây dựng ở Trà Vinh thuộc phân khu Sóc Trăng thành sáu tiểu khu: thị xã Trà Vinh, Cầu ngang, Cầu Cống, Trà Cú, Bắc Trang và Tiểu Cần. Sau chiến dịch tiến công Cầu Kè (12-1949) của ta, địch ở Trà Vinh ráo riết củng cố và xây dựng hệ thống cứ điểm dọc các trục giao thông và các vùng đông dân, tăng cường vũ trang cho lực lượng “bảo an Miên”, tuyên truyền kích động dân chúng để thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, “Dùng người Miên diệt người Việt”.

Để phá hệ thống phòng ngự, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch và cầm chân không cho địch tiếp viện cho chiến trường Bắc Bộ, Bộ tư lệnh Nam Bộ quyết định mở chiến dịch Mùa xuân 1950 trên toàn chiến trường Nam Bộ, lấy tỉnh Sóc Trăng của Khu 9 làm hướng chính, các khu khác trong đó có Trà Vinh là hướng phối hợp (vì không gian chiến dịch “Mùa xuân 1950” trải rộng trên miền Tây Nam Bộ, nên ở trên mỗi hướng lại tổ chức một chiến dịch cụ thể, chủ trương này để tạo cho các hướng tinh thần chủ động đánh địch. Chiến dịch Trà Vinh là một trong những chiến dịch thực hiện theo chủ trương đó).

Trà Vinh nằm giữa hai con sông lớn Cổ Chiên và Bát Sác (nay gọi là Tiền Giang và Hậu Giang), có nhiều rạch lớn đổ ra biển như rạch Giăng, rạch Giốc, rạch Ông Bích, rạch Gia, rạch Cỏ, rạch Ba Động, rạch Láng Sắc, Cồn Lai, La Chỉ... Mỗi sông lớn (sông Tiền và sông Hậu) lại có nhiều vàm, sông Măng Thít nối sông Tiền và sông Hậu là tuyến giao thông thủy chiến lược, tàu lớn đi lại dễ dàng. Tóm lại hệ thống giao thông thuỷ thuận tiện cho ta khi vận chuyển nội địa, nhưng lại bất lợi khi vận tải liên tỉnh, nhất là khi địch dùng trực thăng và súng pháo trên tàu lớn khống chế.

Đường bộ có liên tỉnh lộ 70 (nay là quốc lộ 53) mặt đường trải nhựa, đây là tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Vĩnh Long - Trà Vinh. Tỉnh lộ 6A nối Trà Vinh với thị xã Bến Tre. Tỉnh lộ 34 từ Trà Vinh đi Tiểu Cần. Tỉnh lộ 36 từ Trà Vinh qua Trà Cú sang Đôn Châu. Tỉnh lộ 37 nối huyện lỵ Tiểu Cần với huyện lỵ Cầu Kè. Tỉnh lộ 39 nối Cầu Kè với Trung Hiệp. Ngoài ra còn các tuyến đường liên huyện, liên xã tạo nên mạng lưới giao thông bộ thuận tiện.

Đường không, có sân bay thị xã Trà Vinh do Pháp xây dựng năm 1948. Từ đây, máy bay Đa-cô-ta, trực thăng cất cánh đi bắn phá và yểm trợ cho các cuộc hành quân càn quét của chúng.

Lực lượng địch ở Trà Vinh gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một đại đội cơ giới, một đại đội pháo và một lực lượng bảo an Miên đông đảo. Chúng tổ chức biên chế thành hai bộ phận. “Bộ phận cơ động” gồm một đại đội bộ binh và một đại đội cơ giới, ngày thường đóng tại thị xã Trà Vinh với nhiệm vụ phản kích khi tác chiến phòng ngự và càn quét khi tiến công. “Bộ phận chiếm đóng” phân tán rải rác ở sáu tiểu khu và dọc trục đường giao thông. Mỗi tiểu khu có từ một trung đội đến một đại đội, trang bị từ một đến hai cối 60mm, hai đến bốn súng máy (trung, đại liên), còn lại là súng trường, tiểu liên và lựa đạn. Bộ phận này có nhiệm vụ kết hợp với bảo an Miên giữ gìn trật tự, bảo vệ giao thông, chiến đấu giữ vị trí khi đối phương tiến công. Công sự phổ biến xây bằng gạch, có hàng rào tre ở bên ngoài.

Căn cứ vào chủ trương của Bộ tư lệnh Nam Bộ, Bộ chỉ huy Khu 8 quyết định mở đợt hoạt động Trà Vinh (sau này tổng kết gọi là “Chiến dịch Trà Vinh”) để phối hợp với chiến dịch Sóc Trăng nhằm mục đích: Bao vây và đánh các tháp canh, bao vây cứ điểm để đánh địch tiếp viện, gây lại cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm, phá lực lượng “bảo an Miên”, đập tan âm mưu “dùng người Miên đánh người Việt” của địch.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm năm tiểu đoàn (307, 309, 308, 310 và 312)1 (thiếu hai đại đội) và một trung đội liên quân Miên - Việt.

Đồng chí Nguyễn Văn Quạn, Phó tư lệnh Khu 8 làm Chỉ huy trưởng chiến dịch; Nguyễn Đặng, Phó tư lệnh Khu 8, Nguyễn Hữu Xuyến, Chỉ huy trưởng liên trung đoàn 109 - 111 và Lê Văn Bông, Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Trà Vinh làm Phó chỉ huy chiến dịch2.

Phương châm tác chiến là: Đánh điểm diệt viện và vây điểm diệt viện. Tiến công quân sự kết hợp với địch vận, mật giao, tuyên truyền vũ trang để tạo thế mạnh từ đầu đến khi kết thúc chiến dịch.

Kế hoạch tác chiến: Chia thành ba đợt hoạt động; mỗi đợt từ năm đến sáu ngày, giữa hai đợt có một vài ngày củng cố, nghi binh và bổ sung kế hoạch.

Ý định chiến dịch: Phân tán lực lượng, chia khu vực hoạt động tác chiến cho các tiểu đoàn. Mỗi tiểu đoàn hoạt động độc lập trên một khu vực, đơn vị tác chiến chính là đại đội, nhưng tiểu đoàn phải áp dụng linh hoạt hình thức phân tán và tập trung để đạt được mục đích tác chiến, hoàn thành được nhiệm vụ.

Ở chiến dịch này, tuy chưa thành lập đảng bộ và cử đảng ủy, chưa có ban công tác chính trị, mọi mặt công tác chuẩn bị về quân sự chính trị, hậu cần đều do thủ trưởng quân chính trực tiếp chỉ đạo, nhưng trước chiến dịch, Bộ chỉ huy đã tiến hành chỉ đạo các đơn vị giáo dục nhiệm vụ, động viên tinh thần thi đua giết giặc lập công đối với bộ đội đồng thời tích cực làm công tác dân vận, cùng với lãnh đạo, chính quyền địa phương huy động được hàng nghìn ngày công phục vụ chiến dịch. Toàn bộ việc cung cấp, tiếp tế lương thực, thực phẩm, tải thương... đều do dân quân du kích và quần chúng nhân dân thực hiện. Trước và trong chiến dịch, công tác địch vận đã phát huy tác dụng làm tan rã tổ chức bảo an của địch, một số binh linh đã tình nguyện chạy sang hàng ngũ cách mạng.
__________________________________
1. Trong cuốn “Lực lượng vũ trang nhân dân Trà Vinh 30 năm kháng chiến” Đảng ủy - BCHQS Trà Vinh, Nxb QĐND, 1998, trang 94 ghi: Lực lượng tham gia chiến dịch gồm có tiểu đoàn 307 cơ động của Khu 8, các tiểu đoàn 308, 310 và 312 cùng các đại đội địa phương quân tỉnh, du kích tập trung huyện, thị và công an.
2. Hồ sơ lưu trữ BTTM(T35(24)721.3) ghi rõ: Về tổ chức chỉ huy không thấy nói đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và của chính ủy, mà là một tổ chức thống nhất quân chính, không có tổ chức hậu phương riêng của quân đội mà tất cả mọi vấn đề: Cung cấp lương thực, tiếp tế, tải thương... đều do cơ quan đoàn thể địa phương đảm nhiệm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 11:43:18 pm »


Đợt 1 (từ Ngày 25 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4 năm 1950):

Phạm vi tác chiến chia thành ba khu vực hoạt động: Từ Giồng Lức - Hưng Hòa - Bắc Trang đến Đôn Châu do tiểu đoàn 307, 309 và một đại đội thuộc tiểu đoàn 312 đảm nhiệm.

- Khu vực Giồng Lức - Cầu Cống - Ba Cum do hai tiểu đoàn 308 và 310 (thiếu hai đại đội) đảm nhiệm.

- Khu vực Ba Cum - Đôn Châu - La Bang do tiểu đoàn 312 (thiếu một đại đội) đảm nhiệm.

23 giờ ngày 25 tháng 3, ta nổ súng1. Đến gần sáng 26 tháng 3, ta mới hạ được tháp canh Xà Lơn2, tước vũ khí và giải tán toàn bộ lính bảo an Miên ở hai sóc Xà Lơn và Cổ Chi. Các nơi khác chỉ tước được một phần vũ khí của bảo an Miên, còn phần lớn chúng chạy thoát. 9 giờ sáng 26 tháng 3, địch cho hai trung đội từ Tiểu Cần xuống thăm dò, đến ngã ba rạch Lớp gặp một bộ phận quân ta chặn đánh, địch chết 10 tên, bỏ lại một khẩu tiểu liên, số còn lại chạy về Tiểu Cần.

Ngày 27, địch đổ bộ 200 quân lên rạch Lớp. Cùng ngày, địch phái một tiểu đoàn bộ binh và một lực lượng cơ giới hình thành một mũi đánh vào đội hình ta đang bao vây Cầu Cống. Bộ chỉ huy kịp thời chỉ thị cho tiểu đoàn 307 và 308 tập trung đánh cánh quân này; đến tối ta hạ được năm tháp canh, thu toàn bộ vũ khí và giải tán số bảo an Miên của ba sóc.

10 giờ ngày 28, địch từ Giồng Lức tổ chức hai cánh quân, dưới sự yểm trợ của không quân và pháo binh đánh xuống Cầu Cống. Cánh 1 - tiểu đoàn 1 Âu - Phi của trung đoàn 6 tiến xuống đến giồng Cổ Chi lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 308. Ta nổ súng, địch chết và bị thương nhiều3, số còn lại quay chạy về Giồng Lức cố thủ.

Cánh 2 - một tiểu đoàn Ma-rốc tiến qua rạch Lớp đến rạch Te Te bị một bộ phận quân ta chặn đánh. Thấy cánh 1 bị diệt, cánh 2 không dám tiến vào Cầu Cống mà phân thành hai bộ phận tiến xuống Trà Trót (Tập Sơn) và ấp Ba (ngã ba Len) để chạy về Bắc Trang. Quân ta ở khu vực này bố trí quá phân tán nên không diệt được địch. Địch về đến giồng Bà Của - Cổ Rạng, bị một đại đội của tiểu đoàn 307 chặn đánh, chúng phải dừng quân, tổ chức phòng ngự chờ viện binh.

Ngày 29, địch thả 70 dù tiếp tế cho tiểu đoàn Ma-rốc. Ta xung phong lấy được ba dù, thu hai hòm đạn và một máy vô tuyến điện. Cánh quân Ma-rốc cố gắng phá vòng vây để trở về Bắc Trang. Địch cũng tiếp viện cho lực lượng ở Trà Cú 100 dù, sau đó cánh quân này tổ chức đánh ra; ta bố trí mỏng nên một trung đội bị tiêu hao nặng.

Ngày 30, địch được tăng viện nhưng chưa dám đánh ra. Quân ta bao vây và hạ được tháp canh Nomen, bức hàng địch ở tháp canh Trà Sót, tước khí giới và giải tán toàn bộ bảo an ở sóc Trà Sót. Quân địch ở Cầu Cống phối hợp với một bộ phận ở Trà Cú cùng 30 xe bọc thép tập trung ở Sóc Ruộng tiến đánh quân ta ở Đôn Châu. Bộ chỉ huy lệnh cho tiểu đoàn 310 chặn đánh. Sáng 1 tháng 4, cánh quân này nhờ có gián điệp chỉ điểm, khi tiến xuống đã phát hiện trận địa phục kích của ta. Trước tình thế bất lợi, ta quyết định nổ súng rồi xung phong, bắt được một số tù binh, số khác bỏ chạy, ta truy kích, nhưng do lực lượng quá ít, địch tập trung binh lực và cơ giới phản kích, đội hình quân ta rối loạn, địch đánh thẳng vào sở chỉ huy và giành lại số quân vừa bị ta bắt. Ta tiêu diệt một số tên. Tiểu đoàn 310 bị tiêu hao nặng. Ta chủ động kết thúc đợt 1.

Đợt 2 (từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 4 năm 1950):

Địch đã tăng cường một trung đội cho vị trí Cầu Ngang và tăng cường canh phòng tuần tiễu nên Bộ chỉ huy quyết định thay đổi kế hoạch không đánh Cầu Cống mà đánh giải phóng vùng Đôn Châu (có một cứ điểm và ba tháp canh). Tiểu đoàn 307 được giao nhiệm vụ diệt cứ điểm Đôn Châu và phối hợp với tiểu đoàn 309 diệt viện từ Hậu Giang đổ lên. Tiểu đoàn 308 và một đại đội của tiểu đoàn 310 diệt ba tháp canh. Tiểu đoàn 312 diệt tháp canh Mẽ Lánh và phục kích tàu địch trên sông Láng Sắt.

Địch ở Đôn Châu có hơn một trung đội (có sáu lính Pháp). Đêm 7 tháng 4, tiểu đoàn đào hào lấn vào tiếp cận địch rồi dùng xe trấu, chất củi xung quanh cứ điểm phóng hỏa đốt (hỏa công). Đốt hai đêm liền nhưng không kết quả vì địch dùng hoả lực bắn mạnh ngăn chặn ta tiếp cận.

Sáng 9 tháng 4, tiểu đoàn 308 hạ được một tháp canh, hai tháp còn lại địch sợ bỏ chạy về Cầu Cống. Cùng ngày, tiểu đoàn 310 đánh đắm một tàu chiến trên sông Láng Sắt. Ngày 11, địch dùng một tiểu đoàn có cơ giới và pháo binh đi cùng từ Cầu Ngang tiến xuống chi viện cho Đôn Châu. Bộ chỉ huy chỉ thị cho tiểu đoàn 307 ngừng đánh Đôn Châu, tập trung lực lượng đánh quân tiếp viện. Nhưng vì tiểu đoàn 307 bố trí quân quá phân tán, tập trung không kịp, chưa tổ chức chiến đấu xong thì địch đã đến sát trận địa phục kích. Tiểu đoàn vẫn cố gắng tổ chức đánh tan được bốn đợt xung phong, tiêu diệt được một số quân và xe cơ giới, buộc địch phải vòng qua cánh đồng trống để vào Đôn Châu.
________________________________
1. Ngày 24 tháng 8, trong khi bộ đội đang trên đường hành quân chiếm lĩnh trận địa thì Bộ tư lệnh Khu 8 nhận được chỉ thị của trên là ngừng hoạt động vì chiến trường chính Sóc Trăng chưa chuẩn bị xong. Nhưng vì thu quân không kịp lại sợ lộ hoạt động của bộ đội nên Bộ tư lệnh Khu 8 quyết định vẫn thực hiện kế hoạch tác chiến và chủ trương kéo dài đợt hoạt động để phối hợp với chiến trường chính.
2. Cách đánh tháp canh, vị trí địch: - Bộ đội ta dùng súng máy, súng trường bắn khía từng viên gạch ở lỗ châu mai, dần dần lỗ châu mai mở rộng thì bộ đội xung phong, ném lựu đạn vào.
    - Dùng xe chất đầy bao trấu đi trước, hai, ba người theo sau tiếp cận địch. Khi tiếp cận rồi thì bắn kiềm chế cho bộ đội vứt củi vào xung quanh tháp canh sau đó phóng hỏa, gọi là “chiến thuật hỏa công”.
    - Dùng bùi nhùi tẩm xăng, châm lửa rồi quăng lên nóc tháp canh khiến cho nóc tháp canh nóng bỏng. Đây là sáng kiến của chiến sĩ Nam Bộ ở những năm đầu kháng chiến, khiến cho quân địch rất sợ hãi.

3. Sách “Lực lượng vũ trang nhân dân Trà Vinh...” ghi: Ta diệt 60 tên, có bảy sĩ quan; bắt 14 sĩ quan trong đó có Rous - quan tư chỉ huy tiểu khu Trà Vinh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 11:45:38 pm »


Đợt 3 (từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 5 lăm 1950).

Sau hai đợt tác chiến, đạn còn quá ít (trung liên 100 viên, súng trường 20 viên/khẩu); bộ đội đã mệt mỏi, sức khoẻ giảm sút. Nhưng ngày 4 tháng 4, chiến dịch Sóc Trăng đã mở màn; để phối hợp với mặt trận chính, Bộ chỉ huy quyết định vượt mọi khó khăn, tiếp tục mở đợt 3, tác chiến trong phạm vi Cầu Kè, Mặt Bắt, Tiểu Cần. Phương châm là đánh nhỏ, tránh mũi nhọn của địch, kết hợp tác chiến với phá hoại, làm dân vận và địch vận.

Trong bốn ngày đêm, bộ đội phân tán từng trung đội, đại đội tiến hành bao vây các tháp canh, phum, sóc, kết hợp với kêu gọi binh lính địch trở về với nhân dân. Lực lượng dân quân được sự yểm trợ của bộ đội đã cắt đứt các tuyến giao thông Tiểu Cần - Trà Vinh, Tiểu Cần - Mặt Bắt và Tiểu Cần - Cầu Kè. Các trục đường này bị hoàn toàn tê liệt đã tạo cơ hội tốt cho bộ đội hạ được 11 tháp canh, giải tán được nhiều tổ chức bảo an và thu được nhiều vũ khí của địch.

Vào 21 giờ đêm 30 tháng 4, quân ta bao vây các bốt Sam Bua, Đông Ray, pháo kích sân bay Trà Vinh, tước vũ khí bảo an Bào Kiến, hạ lô cốt Lu Tu, chiếm bốt Hồ Kiếm. Dân quân du kích được sự hỗ trợ của công binh, phá các cầu Ô Chác, Huyền Hội; Bà Lãnh và phá lộ.

Ngày 1 tháng 5, hạ lô cốt An Bình tại vàm Bông Bót, hạ lô cốt Trinh Phụ trên đường Tiểu Cần - Mặt Bắt, đốt cháy lô cốt Đại Trường, Lò Ngò, Lâm Vồ và Sa Đô, hạ lô cốt Cầu Tre, Tha La, Đình Ông, bao vây tiến công mạnh các lô cốt Ban Chang, Ô Tà Rưng, giồng Cây Hẹ, Sóc Kha. Dân quân tràn vào phá các trục lộ giao thông, đột nhập Cầu Kè quấy rối. Trong ngày, phi cơ, pháo binh địch bắn dữ dội vào vùng Huyền Hội, Ô Đùng, Cầu Kè. Sau đó địch từ Ô Chát cắt đường ruộng xuống chi viện cho Tiểu Cần.

Ngày 2 tháng 5, địch cho phi pháo bắn phá vùng phụ cận và dùng 25 xe chở khoảng một tiểu đoàn thuộc trung đoàn RTA, thận trọng tiến quân xuống Tiểu Cần. Ngày 3 tháng 5, ta hạ lô cốt Ô Tà Rưng, đêm đến pháo kích Tiểu Cần, Cầu Kè. Dân quân khẩn trương phá lộ. Ngày 7 tháng 5, một tiểu đoàn bộ binh địch có 25 xe Cờ-ra-béc (Crabes) và phi pháo yểm trợ, càn vào Tân An - Hựu Thành bắn giết dã man. Đến 16 giờ 30 phút, ta chặn đánh gần chợ Thầy Phó xã Hựu Thành hạ ba xe Cờ-ra-béc. Hơn nửa giờ sau cánh quân của ta ở Ngã Chánh cấp tốc vận động đánh vào sườn đội hình địch. Chúng hoảng sợ rút về đồng Trà Mẹt, bỏ lại nhiều xác chết và vũ khí.

Trên các hướng kiềm căng địch: Ở Cầu Ngang, các lực lượng vũ trang và dân quân bao vây huyện lỵ, bức rút đồn Bến Giá, bao vây đồn Sóc Ruộng, địch phải chi viện một trung đội đến giữ. Du kích phá sập cầu Tân Lập, phá tuyến lộ từ Trà Vinh đi Cầu Ngang nhiều ngày. Trục lộ 70 từ Trà Vinh đi Vĩnh Long ta liên tục phá hoại. Ngay từ đầu chiến dịch ta đã đánh sập cầu Mỹ Huê, đốt cháy cầu Mây Tức, gỡ hết ván cầu Ba Sỉ... Suốt chiến dịch ta làm chủ lộ 70, địch chi viện phải dùng tàu đổ bộ lên Trà Vinh hoặc Tiểu Cần...

Ngày 7 tháng 5, Ban chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch1. Các đơn vị được lệnh hành quân về căn cứ. Quân địch tưởng ta chưa rút nên chúng dùng một tiểu đoàn cùng một đại đội cơ giới thọc sâu vào vùng hậu phương của ta. Địch tiến đến xã Hữu Thành bị tiểu đoàn 310 chặn đánh, bắn cháy ba xe lội nước, diệt toàn bộ số địch trên xe. Địch hoảng sợ bỏ chạy về Cầu Kè, bỏ lại hơn 30 xác chết và nhiều vũ khí.

Kết quả: ta đã diệt gần 700 tên địch, triệt hạ 30 tháp canh; bức rút sáu tháp canh khác; thu 240 khẩu súng và cơ bản đã xoá bỏ hệ thống tổ chức bảo an Miên của địch nằm trong thôn xóm.



Ta đã đạt được mục đích của chiến dịch đề ra; tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch với số lượng tương đối lớn, hạ và bức rút được hệ thống tháp canh, giải tán được hệ thống tổ chức bảo an Miên và thu nhiều vũ khí của địch để tăng cường cho lực lượng ta. Chiến dịch Trà Vinh thắng lợi đã tạo thuận lợi và hỗ trợ trực tiếp cho chiến dịch Sóc Trăng - hướng đánh chính, mặt trận chính của Nam Bộ. Kết quả của chiến dịch vừa gây được thanh thế cho các đơn vị chủ lực, vừa động viên tinh thần giết giặc lập công của lực lượng vũ trang địa phương, gây được lòng tin lớn với quần chúng nhân dân; đồng thời đã làm hoang mang, rệu rã tinh thần và tổ chức của địch trong vùng, đặc biệt là lực lượng bảo an Miên.

Bộ tư lệnh Khu 8 đã “chọn chiến trường” đúng nơi địch vốn đã yếu lại bố trí phân tán, công sự phòng thủ sơ sài và gần sát hậu phương của ta. Về tổ chức chỉ huy, việc đưa thành viên trong ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh vào Ban chỉ huy chiến dịch đã thống nhất được các lực lượng tham gia chiến dịch, làm cho hành động giữa quân chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương luôn ăn khớp, tiêu biểu nhất là ở đợt 3, chủ lực bao vây và hạ tháp canh, lực lượng vũ trang địa phương thì phục kích và chặn cắt giao thông rất hiệu quả. Do đó, đã huy động được lực lượng to lớn của quần chúng nhân dân tham gia phá hoại, tiếp tế, cung cấp lương thực, tải thương, v.v... Sử dụng lực lượng theo kiểu phân tán, phân phạm vi hoạt động cho từng tiểu đoàn, không có mục tiêu tập trung, không tổ chức lực lượng dự bị - cách tổ chức này ở tại thời điểm và chiến trường diễn ra chiến dịch là phù hợp, phát huy được tính chủ động của các đơn vị. Nhưng theo đó, cũng bộc lộ nhược điểm lớn là, không phát huy và đáp ứng được yêu cầu về chiến thuật của quân đội ta. Suốt chiến dịch ta chỉ vận dụng hình thức chủ yếu là phục kích và bao vây tháp canh, với lối đánh “hoả công” tuy đạt được mục đích nhưng thể hiện rõ tính chất “du kích chiến”, trình độ còn rất hạn chế của quân ta. Trong sử dụng lực lượng có lúc chưa phù hợp nên hạn chế đến hiệu suất chiến đấu (tiểu đoàn 308 có kinh nghiệm đánh cứ điểm lại không giao cho đánh Đôn Châu mà giao cho tiểu đoàn 307 là đơn vị giỏi đánh phục kích, nên đã không đánh được Đôn Châu). Mệnh lệnh của người chỉ huy trong nhiều tình huống còn chưa cụ thể rõ ràng, đơn vị thực hiện khó.

Các chính sách chiến trường (dân vận, địch vận, thương binh, tử sĩ...) cơ bản làm tốt, mang lại hiệu quả lớn cho chiến dịch. Nhưng có lúc, có nơi còn khuyết điểm: quân phiệt với dân quân, bản vị địa phương, một số thương binh bị tử vong vì chăm sóc không chu đáo, cá biệt có đơn vị đối xử không đúng chính sách với tù, hàng binh. Những khuyết điểm này ảnh hưởng xấu đến đơn vị và hạn chế thành tích của chiến dịch.
____________________________________
1. Sách “Lực lượng vũ trang nhân dân Trà Vinh...” ghi: Chiến dịch Trà Vinh, quân ta đánh chiếm 22 lô cốt: Giồng Lức, Tua Thóc, Củ Chi, ngã Ba Trẹm, Sà Lơn, Sóc Ruộng, Nộ Men, Trà Sất Ngoài, Ba Cụm ngoài, Lộ Quẹo, Bà Nhì, kinh La Bang, chùa La Bang, Lu Tu, Đình Ông, Tha La, Hồ Kiếm, Lâm Vồ, Trinh Phụ, An Bình, Sư Độ, Cầu Tre; huỷ diệt hai lô cốt: Lò Ngò, Đại Trường; bức rút sáu lô cốt: Tra Suất trong, Ba Cụm trong, Lạc Sơn, Bến Giá, Cầu Xây, Mé Láng; bắn cháy một tàu, một sà lan, một xe bọc thép, sáu xe lội nước. Ta diệt và làm bị thương 650 tên (có năm quan hai chết). Bắt tù binh 125 tên; hàng binh 184; thu 43 súng (có hai cối 60mm, ba trung liên, 11 tiểu liên, ba Thom Sơn, một vạn viên đạn, 500 lựu đạn); ba máy vô tuyến điện và một máy phát điện; phá hư sáu cầu; đào 500m3 đường, đắp 230 mô, đốn ngả 1800 cây cản đường; cắt gần 2.000 mét dây điện...
    Ta hy sinh 22 Vệ quốc đoàn, 13 dân quân, bị thương 157 đồng chí, mất một cối 60mm, hai đại liên, hai trung liên và 12 súng trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2012, 10:10:22 am »


CHIẾN DỊCH SÓC TRĂNG 1*
(Tiến công, từ ngày 4 đến ngày 30 tháng 4 năm 1950).


Sóc Trăng vựa lúa của miền Tây Nam Bộ nằm ở cuối lưu vực sông Hậu, sát biển Đông với ba cửa biển lớn tàu bè ra vào thuận tiện: cửa Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh. Sóc Trăng là tỉnh đồng bằng châu thổ, không có rừng núi, chỉ có rừng chồi ngập mặn ven biển, có nhiều cù lao lớn như cù lao Dung, Phong Nẩm... Hệ thống kênh, rạch, sông chằng chịt, sông Bá Sắc với hai cửa lớn, tàu 10 vạn tấn có thể ra vào; sông Mỹ Thanh từ cửa biển Mỹ Thanh vào Cổ Cò, Vàm Lẻo đến trung tâm thị xã Bạc Liêu; sông Xanh Ta, kênh Quảng Lộ, Phụng Hiệp tàu hàng ngàn tấn đi lại dễ dàng. Đường bộ có quốc lộ 1 chạy giữa tỉnh nối liền từ Cần Thơ qua trung tâm thị xã Sóc Trăng đến Bạc Liêu, nối với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và đường vành đai ven biển.

Nhân dân Sóc Trăng hơn một nửa là người Kinh, còn lại người Khơ-me chiếm hai phần ba và một phần ba là người Hoa kiều và những người có quốc tịch Pháp. Bởi vậy từ năm 1949 đến đầu 1950, thực dân Pháp vừa ra sức củng cố hệ thống đồn bốt tháp canh ở Sóc Trăng, vừa ráo riết xây dựng mạng lưới tề điệp, ngụy quân, ngụy quyền, các sóc Khơ-me vũ trang, tuyên truyền phản động để chia rẽ dân tộc, ra sức xây dựng địa bàn thành hậu phương vững chắc của chúng để có điều kiện đối phó với chiến trường Bắc Bộ ngày càng nóng bỏng, đối phó với thực trạng thiếu quân số nghiêm trọng của chúng.

Về phía ta, Trung ương chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến trên chiến trường toàn quốc và giành thế chủ động trên chiến trường Nam Bộ, mở các chiến dịch liên hoàn để phối hợp với chiến trường chính mở Chiến dịch Biên Giới. Thực hiện chủ trương đó, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Khu 9 quyết định mở Chiến dịch mùa Xuân và chọn Sóc Trăng làm chiến trường chính. Mục đích của chiến dịch là: Phá hậu phương, thu hẹp phạm vi kiểm soát của địch, phá âm mưu chia rẽ dân tộc của chúng; đồng thời tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tích cực kiềm chế địch tại chỗ, không để chúng đưa quân ra Bắc Bộ. Khu vực mở chiến dịch là địa bàn ba huyện Châu Thành, Thạnh Trị và Kế Sách; hướng chủ yếu là huyện Châu Thành. Phương châm tác chiến là: đánh điểm, vây điểm để diệt viện, đồng thời với vũ trang tuyên truyền và phá hoại giao thông.

Lực lượng tham gia chiến dịch có tiểu đoàn 402 chủ lực của Khu và tiểu đoàn 404 chủ lực Nam Bộ, ba đại đội (1098, 1089 và 1094) thuộc liên trung đoàn 123 - 125, và lực lượng dân quân du kích của ba huyện Châu Thành, Thạnh Trị và Kế Sách và đơn vị Ít-sa-rắc. Lực lượng phục vụ chiến dịch có 7.000 dân công của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Bộ tư lệnh Nam Bộ cử đồng chí Võ Quang Anh làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Nguyễn Hoàn làm Chính uỷ. Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Sóc Trăng đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo địa phương đẩy mạnh hoạt động và phục vụ chiến dịch.

Bộ chỉ huy chiến dịch đã chia địa bàn thành ba mặt trận và phân công nhiệm vụ tác chiến cho từng đơn vị: Mặt trận A (mặt trận chính) tại huyện Châu Thành, do các tiểu đoàn 402, 404, đại đội 2006, trung đội du kích Châu Thành, đội biệt động và đại đội công binh đảm nhiệm. Mặt trận B tại huyện Kế Sách và một phần huyện Long Phú do các đại đội 1089, 1098, trung đội Ít-sa-rắc và dân quân du kích hai huyện đó đảm nhiệm. Mặt trận C tại huyện Thạnh Trị do đại đội 1094, trung đội du kích huyện Thạnh Trị và một bộ phận công binh đảm nhiệm.

Đêm 4 tháng 4, đại đội 3003 chủ lực Nam Bộ nổ súng tiến công đồn Bưng Tróp trên trục lộ An Thạch đi Bố Thảo, cách thị xã 12 ki-lô-mét, do một trung đội lính Khơ-me và hai chỉ huy Pháp đóng giữ. Ta nổ súng muộn nên không diệt được đồn, phải chuyển sang bao vây để chờ đến đêm hôm sau. Đêm 5 rạng ngày 6 tháng 4, ta tiến công đến 3 giờ sáng thì địch đầu hàng. Ta bắt tù binh, thu vũ khí và san bằng đồn. Lực lượng chính trị và dân quân du kích chiếm tuyến Bưng Tróp làm công tác tuyên truyền vận động quần chúng và truy bắt, giáo dục và giải tán lực lượng Khơ-me phản động ở đây.

Sáng 6 tháng 4, một đoàn xe quân sự chở khoảng một đại đội từ thị xã Sóc Trăng kéo theo một đại bác 90mm vào chi viện, vì đường sá dân quân ta phá nên chúng phải xuống đi bộ. 11 giờ, địch hành quân đến đoạn Bố Thảo - Mỹ Phước thì lọt vào trận địa phục kích của ta. Ta nổ súng diệt gọn và thu vũ khí (khẩu đại bác địch phá cụt nòng nên ta bỏ lại, ta thu 30 súng có một khẩu cối 60mm và một trung liên). Địch cho máy bay đến bắn phá trận địa. Ta vừa rút lui vừa bắn máy bay. Sau trận công đồn diệt viện đầu tiên giành thắng lợi, địch ở Sóc Trăng lo sợ không dám ra tiếp cứu phải xin Sài Gòn chi viện bằng máy bay. Nhiều phum, sóc, chùa chiền bị máy bay bắn phá hư hỏng. Chính quyền địa phương Châu Thành vẫn huy động 2.000 nhân dân ra phá các lộ Ba Rinh - Đông Dương, Xeo Gừa - Bố Thảo, Bố Thảo - Sóc Trăng, để ngăn cản việc di chuyển của địch.

Từ ngày 7 đến ngày 17 tháng 4, lực lượng vũ trang đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền. Các tiểu đoàn được phân tán vào các xóm, chùa nói chuyện tuyên truyền cách mạng cho quần chúng nhân dân. Bộ đội địa phương huyện Châu Thành liên tục pháo kích các lô cốt trên tuyến lộ Đông Dương, phát loa kêu gọi, bức rút một số tháp canh. Ở huyện Kế Sách, Long Phú lực lượng vũ trang tiến công gỡ đồn Tập Rèn (Kế Sách) và một đồn ở Long Phú, thu toàn bộ vũ khí. Đại đội 1098 mở nhiều cuộc vũ trang tuyên truyền từ ngã ba An Trạch đi Vũng Thơm và trên tuyến lộ Chung Đôn sát thị xã Sóc Trăng. 1.500 dân quân huyện Kế Sách phá hoại tuyến đường Vũng Thơm - Kế Sách, Vũng Thơm - Trường Khánh. Đại đội 1089 tiến hành vũ trang tuyên truyền trên tuyến lộ Tân Hương đi Long Phú. Hàng ngàn đồng bào tham gia phá lộ Cái Oanh đi Long Phú.

Dân quân du kích huyện Thạnh Trị phá sập cầu Cà Lâm và phá banh lộ Cà Lâm đi Gia Hội. Đại đội 1094 tổ chức nhiều cuộc vũ trang tuyên truyền với đồng bào Khơ me ở Trà Cuôn - Thanh Phú.

Ngày 24 tháng 4, một đại đội thuộc tiểu đoàn 402 đánh đồn Xã Vì. Ngày 27 tháng 4, tiểu đoàn 402 đánh đồn Gióc-đan (Jourdan) đều không đạt kết quả.

Ngày 25 tháng 4, tiểu đoàn chủ lực Nam Bộ, có pháo 90mm yểm trợ, tiến công đồn Mỹ Phước. Sáng hôm sau, ngày 26 tháng 4, địch cho quân tiếp viện, ta phục kích đánh tiêu diệt một trung đội địch trên lộ Bố Thảo - Tam Sóc, thu một số vũ khí. Chiến dịch kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1950.

Kết quả: Ta diệt được đồn Bưng Tróp, loại khỏi vòng chiến đấu hơn một đại đội tiếp viện của địch, thu một pháo 90mm và một số súng đạn. Về quân sự ta không giành được thắng lợi trọn vẹn như mục tiêu chiến dịch đề ra, nhưng về chính trị ta đã giành thắng lợi rất lớn. Ta đã phá vỡ và thâm nhập được vùng mà địch vẫn cho là “bất khả xâm phạm”; bằng tuyên truyền vũ trang, ta đã đưa được tiếng nói của cách mạng, “tiếng nói kháng chiến” của “bộ đội Cụ Hồ” vào giác ngộ cho hàng vạn lượt đồng bào trong vùng đang bị địch kìm kẹp và chia rẽ. Từ đó, làm lung lạc tinh thần binh lính ngụy, thực hiện được ý định chiến dịch: căng kéo và kìm chân lực lượng của địch, không cho chúng mở rộng vùng chiếm đóng, bình định hậu phương và tiếp viện cho chiến trường Bắc Bộ. Cũng từ các cuộc vũ trang tuyên truyền, ta đã huy động được hàng nghìn quần chúng nhân dân tham gia phá đường, tiếp lương tải đạn phục vụ chiến dịch. Đây là thành quả lớn nhất của Chiến dịch Sóc Trăng 1.

Trong nghệ thuật chiến dịch ta còn bộc lộ nhược điểm là: Trong kế hoạch, chưa dự kiến hết khả năng đối phó bằng phi pháo của địch nên khi tình huống xảy ra ta rơi vào thế bị động, lúng túng và không tổ chức bắn trả được máy bay địch. Công tác nắm địch làm chưa tốt, lực lượng ta bố trí dàn trải, không tập trung vào những mục tiêu chính nên hạn chế đến kết quả của chiến dịch.
________________________________________
*.Lúc đầu lấy tên là Chiến dịch TOFACO (tổng phản công). Sau này đổi tên là “Chiến dịch Sóc Trăng 1”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2012, 10:11:47 am »


CHIẾN DỊCH PHAN ĐÌNH PHÙNG
(Tiến công, từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 24 tháng 10 năm 1950)


Tại chiến trường Bình Trị Thiên đầu năm 1950, địch ra sức củng cố ngụy quyền, xây dựng thêm các lô cốt tháp canh, củng cố vùng chiếm đóng, ra sức vơ vét lúa gạo, bắt lính, đánh phá dữ dội vùng tự do của ta. Cuối tháng 2, Bình Trị Thiên lại bị trận lụt lớn, lương thực thực phẩm khan hiếm, tình hình chiến trường Bình Trị Thiên hết sức khó khăn.

Mặc dù vậy, quân dân Bình Trị Thiên vẫn ra sức đẩy mạnh chiến tranh du kích, tập trung lực lượng chống càn bảo vệ nhân dân gặt mùa, cất giấu lương thực.

Ngày 14 tháng 4 năm 1950, thực hiện chủ trương “Phát triển chiến tranh du kích đến cực độ, đẩy vận động lên địa vị chủ yếu” của Trung ương, Hội nghị quân chính Bình Trị Thiên họp bàn mở Chiến dịch Đông Xuân. Hội nghị quyết định huy động cao độ khả năng của nhân dân ba tỉnh mở Chiến dịch Phan Đình Phùng nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, giáng đòn phủ đầu quân cơ động của Pháp mới được tổ chức trên chiến trường Bình Trị Thiên, rèn luyện nâng cao trình độ đánh vận động chiến của bộ đội ta, lấy thắng lợi của chiến dịch thúc đẩy cuộc chiến tranh du kích ở Bình Trị Thiên lên đỉnh cao mới.

Quân địch ở Bình Trị Thiên lúc này, ngoài các lực lượng chiếm đóng (khoảng 90 cứ điểm, 120 lô cốt tháp canh) còn có hai tiểu đoàn Âu - Phi cơ động: tiểu đoàn An-giê-ri (RIA) và tiểu đoàn 2 trung đoàn bộ binh Ma-rốc số 4 (2/4e RTM).

Ngày 10 tháng 6, tại xóm Luật Sơn, Trường Thuỷ (Lệ Thủy), Bộ chỉ huy mặt trận Bình Trị Thiên chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Ý định của Bộ chỉ huy là tiêu diệt đội ứng chiến tỉnh Quảng Bình và một bộ phận ứng chiến liên tỉnh, lấy tiêu diệt quân ứng chiến liên tỉnh làm chính. Tổ chức diệt một cứ điểm để rút kinh nghiệm huấn luyện bộ đội đánh công kiên.

Lực lượng tham gia chiến dịch, trận hướng chủ yếu có trung đoàn 18 (gồm tiểu đoàn 346, 274); trung đoàn 95 gồm tiểu đoàn 227, 302, 310 và tiểu đoàn pháo binh 888). Hướng phối hợp có trung đoàn 101, tiểu đoàn 364 cùng lực lượng vũ trang địa phương của ba tỉnh. Chỉ huy chiến dịch là đồng chí Trần Quý Hai, Chỉ huy trưởng Mặt trận Bình Trị Thiên; Chỉ huy phó là đồng chí Lê Nam Thắng.

Để đảm bảo bí mật cho việc chuẩn bị trên hướng chính, Bộ chỉ huy mặt trận lệnh cho tất cả các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích trên hướng phối hợp tăng cường hoạt động tập kích, quấy rối, đánh phá giao thông để căng kéo, phân tán sự đối phó của địch. Mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành vào trung tuần tháng 6. Chiến dịch được tiến hành theo hai đợt:

Đợt 1 (từ ngày 17 đến 27 tháng 6):

Ngày 17 tháng 6 ta mở màn đợt 1. Một đại đội của trung đoàn 18 tổ chức bao vây quấy rối đồn Sen Hạ. Đại đội Lê Hồng Phong, bộ đội địa phương Quảng Trị bao vây đồn Ba Định. Ngày 18, ta tiếp tục bao vây đồn Sen Hạ nhằm kéo quân ứng chiến liên tỉnh đến để tiêu diệt.

Đúng như dự kiến, sáng 19 tháng 6, địch đưa khoảng 400 quân từ Hòa Luật Nam vào ứng cứu Sen Hạ. Lực lượng này lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 274 trung đoàn 18 ở Sen Động, Phú Thiết, bị tiêu diệt và bắt sống 250 tên. Ta phá hủy chín xe, thu nhiều vũ khí trang bị. Phát huy thắng lợi, tối ngày 19, trung đoàn 18 sử dụng trọng pháo chi viện cho bộ binh tiến công Sen Hạ. Trận đánh không thành công, địch cho hai đại đội dù nhảy xuống Sen Hạ và Hoà Luật Nam để củng cố hai vị trí này.

Thấy chủ lực ta hoạt động mạnh, bộ chỉ huy Pháp ở Bình Trị Thiên quyết định tập trung lực lượng lớn để tiêu diệt chủ lực ta. Chúng tổ chức càn quét quyết liệt vùng Mỹ Thổ, Duy Tân và yểm hộ cho đồng bọn ở Mỹ Trạch, Liêm Thiện rút về Hòa Luật.

Từ ngày 20 tháng 6, được tin địch tập trung quân ở Hồ Xá, Mặt trận điều trung đoàn 95 và tiểu đoàn 274 vào khu vực Hạ Cờ, Chấp Lễ. Ngày 25 tháng 6, năm tiểu đoàn của ta dưới sự chỉ huy của ban chỉ huy trung đoàn 95, tổ chức trận địa phục kích suốt chiều dài bảy ki-lô-mét hai bên quốc lộ số 1 từ Sen Thủy đến ngã ba Sa Lung (Vĩnh Linh). Chiều ngày 27, một đoàn xe địch hơn 70 chiếc chở trên 1.000 quân từ Đồng Hới vào Đông Hà, đi đến Hạ Cờ (Chấp Lễ - Vĩnh Linh) thì bị chặn đánh. Cả đoàn xe địch bị chia cắt thành nhiều đoạn, song địch vẫn ngoan cố dựa vào địa hình, co cụm chống trả ta quyết liệt. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt năm giờ mới kết thúc, ta diệt hơn 300 tên địch, bắn rơi một máy bay.

Hạ Cờ là trận đầu tiên ta sử dụng hai trung đoàn phục kích ban ngày trên địa hình đồng bằng chiến trường Bình Trị Thiên. Trận đánh đã làm tổn thất nặng nề quân ứng chiến của địch trên địa bàn, gây tiếng vang lớn trong nhân dân. Sau trận Hạ Cờ, ta cơ bản kết thúc đợt 1 chiến dịch.

Đợt 2 (từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 24 tháng 10):

Từ ngày 1 tháng 7, chiến dịch bước vào đợt 2. Ban đầu ta đẩy mạnh các hoạt động nhỏ liên tục của bộ đội địa phương. Đến ngày 13 tháng 7, ta sử dụng tiểu đoàn 436 được tăng cường trọng pháo, cường tập Sen Hạ tạo điều kiện cho trung đoàn 95 đánh viện. Địch không tăng viện bằng đường bộ như ta dự kiến mà tăng viện bằng quân dù, ta không diệt được viện. Sau trận này, Bộ chỉ huy chiến dịch ý định cho kết thúc chiến dịch. Đúng lúc này, Bộ Tổng tư lệnh điện cho Mặt trận Bình Trị Thiên kéo dài chiến dịch Phan Đình Phùng để phối hợp với chiến trường Biên Giới.

Nhận được điện, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương giao nhiệm vụ tác chiến khu vực bắc Quảng Bình cho bộ đội địa phương, dân quân du kích, còn chủ lực nhanh chóng cơ động vào nam Quảng Bình tác chiến.

Suốt trong đợt 2 chiến dịch (đến 24 tháng 10) ta chỉ hoạt động với quy mô vừa và nhỏ nhằm duy trì chiến đấu liên tục của chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương để tiêu hao, tiêu diệt địch. Ta tập trung lực lượng hoạt động ở Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Trị, đánh phá các cơ quan ngụy quyền, đồn bốt, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Nổi bật nhất trong đợt 2 là trận phục kích đoàn tàu quân sự 15 toa tại Như Sơn - Bến Đá ngày 24 tháng 10 của tiểu đoàn 227 trung đoàn 95 và một bộ phận của trung đoàn 101. Trong trận này, ta đã phá hỏng một đầu máy, 10 toa, thu một khẩu pháo 40mm, hàng trăm súng, diệt và làm bị thương 160 tên.

Kết quả toàn chiến dịch, ta diệt 540 tên, làm bị thương 300 tên, bắt 20 tù binh, phá hủy một đoàn tàu bọc thép, 40 xe vận tải, bắn rơi một máy bay thu hàng trăm súng các loại.



Mặc dù tiến hành trong điều kiện hết sức khó khăn, song chiến dịch Phan Đình Phùng đã tiêu diệt, tiêu hao một phần quân ứng chiến của địch, bảo vệ được mùa màng, phối hợp nhịp nhàng với chiến trường chính Bắc Bộ. Chiến dịch còn góp phần nâng cao trình độ của cán bộ chiến sĩ trong quá trình chuyển từ tác chiến du kích lên chính quy.

Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã thành công trong một số lần “khêu ngòi diệt viện”, bước đầu đánh bại chiến thuật “khối ứng chiến lớn” hành binh lớn của Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên. Trong chiến dịch ta đã tổ chức một số trận phục kích khá lớn, diệt nhiều địch.

Tuy vậy, do chiến dịch mở ra trên địa bàn rộng, phương tiện thông tin chưa tốt, nên việc chỉ huy hiệp đồng chưa chặt chẽ, hiệu quả chiến dịch chưa cao.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2012, 10:21:14 am »


CHIẾN DỊCH BẾN TRE
(Tiến công, từ ngày 3 đến ngày 31 tháng 7 năm 1950)


Bến Tre là tỉnh hẹp nhất trong chín tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (diện tích 2.224,75 km2), là tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long, giáp với biển Đông, cách thành phố Sài Gòn 86 ki-lô-mét về hướng tây nam. Là xứ đất bồi mang hình rẻ quạt bởi bốn nhánh của sông Cửu Long (sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên). Mỗi mùa nước lũ, các nhánh sông lại bồi đắp hàng triệu mét khối phù sa, tạo thành ba cù lao lớn: cù lao An Hoá, cù lao Bảo và cù lao Minh. Bến Tre được hợp thành bởi ba cù lao này. Địa hình bằng phẳng, rải rác có những giồng cát xen kẽ với ruộng vườn tươi tốt, làng mạc trù phú. Bến Tre không có rừng già, chỉ có rừng chồi (cây mắm, đước, chà là, bần) diện tích 14.286 héc ta ở ven biển, quanh năm ngập nước. Một hệ thống sông, rạch, kênh chằng chịt đã tạo nên mạng lưới giao thông thuỷ vô cùng thuận tiện. Đường bộ có các đường liên tỉnh 6A chạy từ phà Rạch Miễu (Tiền Giang) qua thị xã Bến Tre đến Mỏ Cày và ra phà Cổ Chiên; cù lao Minh có tỉnh lộ 30 nối huyện Chợ Lách - Mỏ Cày - Thạch Phú; cù lao Bảo có tỉnh lộ 26 nối Châu Thành - thị xã Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri; cù lao An Hóa có tỉnh lộ 17 nối từ liên tỉnh lộ 6A đến huyện Bình Đại. Bến Tre là vùng đất tốt, người đông, nhân dân có truyền thống yêu nước và giác ngộ cách mạng, là tỉnh bị giặc Pháp tái chiếm sớm, nhưng đồng thời là nơi có phong trào chiến tranh du kích kiên cường và rộng khắp.

Trong hai ngày đêm 8 và 9 tháng 2 năm 1950, lực lượng huyện và dân quân du kích Châu Thành, bằng phương pháp cải trang kỳ tập đã san bằng 11 đồn tua, thu hàng trăm súng, lôi kéo gần 100 binh sĩ Hòa Hảo về với kháng chiến; giải phóng hoàn toàn xã Châu Bình. Đây là xã đầu tiên của cù lao Bảo được giải phóng. Sau sự kiện này, thực dân Pháp trả thù điên cuồng bằng các đợt tập trung càn quét dã man: chặt đầu, mổ bụng, moi gan, liệng xác đồng bào ta xuống sông. Một số cán bộ dao động chạy lên Sài Gòn và vùng lân cận lẩn trốn, một số nằm im bất động. Trước tình hình đó, tháng 5 năm 1950, tỉnh ủy, tỉnh đội và một số cán bộ chủ chốt của các tiểu đoàn chủ lực của Khu mở hội nghị tại cù lao Minh và quyết định mở “Chiến dịch tiến công Bến Tre” nhằm phá kế hoạch lấn chiếm cù lao Minh của địch, giải phóng và giữ vững một số vùng theo sự chỉ đạo của Khu 8. Địa bàn chiến dịch là vùng bắc Mỏ Cày gồm các xã Tân Bình, Hưng Khánh Trung, Vĩnh Thành (Cái Mơn), Vĩnh Hòa, Tân Thạnh Tây, Hòa Lộc, Nhuận Phú Tân và Đa Phước Hội. Địa hình ở các xã này liền nhau, ít sông rạch ngăn cách, cho phép ta tập trung đánh lớn, có khả năng diệt từ một đến hai tiểu đoàn địch. Hậu phương của ta rộng, cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ chiến dịch được dài ngày.

Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch gồm: Trên vùng Cái Mơn có 22 đồn bốt, đóng trên các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Song Phú và Long Thới; vùng Giồng Keo có một đồn chính và 14 tháp canh; khu vực thị trấn Mỏ Cày có hai kho, do lính Pháp và Ma-rốc chiếm đóng, khu Thành Thới do lính Hòa Hảo chiếm đóng. Lực lượng ứng chiến có hai tiểu đoàn cơ động (501 và 502), tiểu đoàn UMDC thuộc lực lượng phản động đội lốt Thiên Chúa giáo của tên Lê-ông Lơ-roa đóng ở An Hoà. Ngoài ra, địch có một trung đoàn đóng ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh sẵn sàng cơ động tăng viện cho Bến Tre khi cần thiết.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: ba tiểu đoàn chủ lực của khu (307, 308 và 310), hai đại đội địa phương tỉnh và một đại đội bộ đội địa phương huyện Mỏ Cày - Chợ Lách cùng dân quân du kích các xã và hàng ngàn dân công phục vụ chiến đấu.

Đồng chí Nguyễn Đăng, phó Tư lệnh Khu 8 làm Tư lệnh chiến dịch; đồng chí Võ Văn Thời làm Chính ủy; hai đồng chí Đồng Văn Cống và Bùi Sỹ Hùng làm Phó tư lệnh chiến dịch.

Phương châm tác chiến là: “đánh điểm, diệt viện” và “vây điểm diệt viện”.

Kế hoạch dự kiến: Khi mở màn chiến dịch, phải diệt cho được đồn chính Lò Heo (Cái Mơn) và đồn Giồng Keo (Tân Bình). Đồng thời bao vây uy hiếp mạnh toàn bộ hệ thống đồn bốt trong vùng. Đối tượng tác chiến chủ yếu là đánh quân cứu viện thuộc các tiểu đoàn cơ động 501, 502 và UMDC. Diệt phần lớn quân cơ động sẽ bẻ gãy kế hoạch lấn chiếm vùng căn cứ từ đó mở thêm một số “lõm” du kích ở vùng bắc Mỏ Cày.

Đêm 3 tháng 7 năm 1950, chiến dịch mở màn. Đại đội 945 tiểu đoàn 310 diệt gọn một trung đội địch ở đồn Lò Heo, thu toàn bộ vũ khí. Các đại đội của tiểu đoàn 307 gồm: Đại đội 931 đánh bốt Hoà Khánh; đại đội 932 đánh hai bốt Cây Đa và Bác Vật Vinh; đại đội 933 đánh các bốt Ông Kèo, Bà Thiết và Giáp Sang đều không thành công. Ngày 4 tháng 7, tiểu đoàn chuyển sang bao vây vòng ngoài để chờ đến tối tiến công. Đến 16 giờ, địch ở bốt Hòa Khánh rút chạy. 18 giờ, địch ở bốt Cây Đa bỏ trốn, ta bắt được một số tên. Đến 20 giờ, địch ở bốt Bà Thiết cũng bỏ chạy. Ngày 5 tháng 7, địch ở bốt Ông Kèo ra đầu hàng. Một đại đội địch từ thị xã Bến Tre hành quân bằng đường thủy theo sông Hàm Luông đổ bộ lên xã Thạch Ngãi, đánh sang Vĩnh Hòa, bị tiểu đoàn 310 chặn đánh, diệt 20 tên, thu 10 súng, số còn lại tháo chạy xuống tàu.

Đêm 6 tháng 7, bộ phận trợ chiến của tiểu đoàn 307 phục kích để đánh tàu trên Hòa Lộc nhưng địch không xuất hiện, đại đội 933 chạm súng với gần một đại đội địch ở Thành An, nhưng không kết quả. Ngày 12 tháng 7, đợt 1 chiến dịch kết thúc.

Sau đợt 1, Bộ chỉ huy chiến dịch bổ sung quyết tâm và điều chỉnh lại đội hình: Tiểu đoàn 308 về Tân Thành Tây, tiểu đoàn 307 về Gia Khánh, tiểu đoàn 310 về Tân Phú Tây.

2 giờ 30 ngày 13 tháng 7, tiểu đoàn 308 tiến công cứ điểm Giồng Keo và kết hợp gọi loa địch vận nhưng không kết quả. Ta tổ chức bao vây và liên tiếp tiến công vào các đêm 14, 17 và 18 nhưng do nắm địch không chắc nên cả ba đêm đánh không thành công. Lực lượng của tiểu đoàn 307 bố trí hai bên bờ rạch đoạn giữa chợ Xếp và Giồng Keo để đánh chặn viện (cho Giồng Keo). Lúc 16 giờ ngày 19, địch hành quân băng qua các khu vườn và cánh đồng, qua đồn Giồng Keo, tiến vào khu vực của đại đội 933. Tiểu đoàn lập tức điều đại đội 931 và 932 sang phối hợp đánh địch. Nhưng do hiệp đồng không chặt chẽ nhịp nhàng, đại đội 933 xung phong quá sớm, nên ta chưa hình thành kịp thế bao vây địch, để chúng chạy thoát về phía đồn Giồng Keo. Trận này địch chỉ chết và bị thương chừng 30 tên.

Ngày 21 tháng 7, một tiểu đoàn địch từ Mỏ Cày tiến vào Giồng Keo, có xe lội nước và pháo binh yểm trợ. Nhân cơ hội này, bọn lính đồn trú ở đồn Giồng Keo cũng rút luôn theo đường bộ dọc bờ phía nam rạch Mỏ Cày – Giồng Keo, bộ đội địa phương tỉnh truy kích, diệt được một số tên. Xã Tân Bình hoàn toàn giải phóng. Lực lượng chủ lực không đánh được quân địch này vì trước đó đã đưa lực lượng sang bố trí ở các vườn phía bắc rạch Mỏ Cày - Giồng Keo.

Bộ đội ta vẫn triển khai bao vây, bọn bị vây kêu cứu nhưng không được chi viện, vì chúng phát hiện lực lượng ta định đánh lớn nên các tiểu đoàn 501, 502 và UMDC vẫn bất động, nằm im tại thị xã Bến Tre. Nhiệm vụ chủ yếu của ta là diệt quân cơ động không thực hiện được. Cuối tháng 7, Bộ chỉ huy ra lệnh kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Ta diệt được bốn đồn, giải phóng một xã; diệt 230 tên địch, làm bị thương một số và bắt 25 tên; thu hai trung liên, bảy tiểu liên, 30 súng trường; bắn hỏng hai xe lội nước, đốt hai xuồng máy.

Nét nổi rõ của chiến dịch là đã biết kết hợp giữa tiến công địch và tiến hành công tác binh, địch vận, khiến quân địch ở nhiều bốt hoang mang bỏ chạy; ta diệt được bốn đồn tua, 10 bốt nhỏ ở cù lao Bảo, giải phóng một xã, gây được lòng tin trong nhân dân. Nhưng do thiếu sót trong tổ chức nắm địch, trong chỉ đạo chiến thuật và trong hiệp đồng chiến đấu thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng nên hầu hết các trận tiến công đồn bốt, lô cốt địch tương đối kiên cố đều không thành công; không tập trung được lực lượng vào những mục tiêu chủ yếu, không phát huy được sức mạnh của các đơn vị chủ lực, bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, mục tiêu chính đề ra là diệt quân cơ động không hoàn thành, mặc dù cuối chiến dịch bộ đội còn sung sức, vùng du kích chưa được mở rộng liên hoàn như dự kiến ban đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2012, 10:23:41 am »


CHIẾN DỊCH ĐẮC LẮC*
(Tiến công, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1950)


Sau khi chiếm được Tây Nguyên, thực dân Pháp quyết định tách các tỉnh thuộc Tây Nguyên thành một đơn vị hành chính riêng và lập “Ủy phủ Liên bang” trực thuộc cao ủy Pháp. Dựa vào bọn tay sai và hệ thống ngụy quyền cũ, Pháp đã lập lại bộ máy cai trị từ tỉnh đến buôn, làng. Chúng củng cố và mở rộng các đồn bốt cũ, xây dựng đồn bốt mới, hình thành một hệ thống cứ điểm chằng chịt quanh các tỉnh lỵ.

Từ đầu năm 1949, địch tập trung lực lượng tăng cường càn quét ngăn chặn các đường tiến công của ta nhằm đẩy lùi các đội gây cơ sở đang tiến sâu vào Tây Nguyên. Chúng ra sức bắt lính, bắt phu, xây dựng ngụy quân, ngụy quyền, lợi dụng những sai sót của ta để tuyên truyền chia rẽ, kích động hằn thù dân tộc ở vùng Tây Nguyên.

Bất chấp mọi thủ đoạn của kẻ thù, cuộc kháng chiến ở Tây Nguyên không ngừng phát triển. Với sự kết hợp chặt chẽ giữa vận động gây cơ sở và tiến công quân sự, đến cuối năm 1949, một vùng cơ sở rộng đã hình thành trong khu tam giác Cheo Reo - Buôn Hồ - Ma Đơ Rắc (Đắc Lắc). Giữa năm 1950, các đơn vị chủ lực Liên khu và bộ đội địa phương Tây Nguyên được phát triển và củng cố vững mạnh thêm. Trung đoàn 803 được thành lập tháng 6 năm 1950, trung đoàn 84 hoạt động ở nam Tây Nguyên được củng cố.

Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương gây dựng cơ sở địch hậu, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, phá âm mưu củng cố vùng tạm chiếm của địch, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh về nhiệm vụ mùa hè của Liên khu 5, Bộ tư lệnh Liên khu quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ ở nam Tây Nguyên với mục đích phối hợp với chiến trường Bắc Bộ, bồi dưỡng lực lượng ta, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở ở địch hậu. Hướng trọng điểm chiến dịch là vùng tam giác Cheo Reo - Biển Hồ - Ma Đơ Rắc.

Địch trong khu vực này có chín đại đội, trong đó một phần ba là lính Âu - Phi, còn lại là lính ngụy người địa phương. Hoạt động chủ yếu của chúng là càn quét bắt lính, quấy rối vùng tự do, thăm dò phát hiện lực lượng ta.

Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: Trung đoàn 803 chủ lực Liên khu (ba tiểu đoàn bộ binh, một đại đội công binh, một đại đội trợ chiến); trung đoàn 84 (gồm một số đại đội độc lập và tám đại đội vũ trang tuyên truyền). Ngoài ra Liên khu còn điều một số đại đội có nhiều kinh nghiệm chiến đấu của Quảng Nam, Khánh Hoà và của trung đoàn 108, 803 bổ sung cho trung đoàn 84. Để chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch, Liên khu thành lập Mặt trận Nam Tây Nguyên gồm các đồng chí: Nguyễn Đôn - Chỉ huy trưởng mặt trận; Trương Quang Giao - Chính ủy; Lư Giang - trung đoàn trưởng trung đoàn 803 và Nguyễn Tuyến - Trung đoàn trưởng trung đoàn 84 làm Chỉ huy phó mặt trận.

Chiến dịch được tiến hành theo hai đợt:

Đợt 1 (từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 năm 1950):

Bộ chỉ huy Mặt trận sử dụng hai tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn 803 tập trung đánh các cứ điểm địch trên đường số 7 để hỗ trợ cho đại đội bộ đội địa phương, các đại đội vũ trang tuyên truyền và cán bộ dân chính đảng tiến lên Biển Hồ, đi sâu vào vùng địch hậu, gây cơ sở. Đêm 15 tháng 7, tiểu đoàn 365 tổ chức tiến công cứ điểm Ma Phu. Trong trận đánh, tiểu đoàn đã sử dụng súng phá bom do Liên khu chế tạo (sử dụng lần đầu tiên), song không diệt được đồn. Ngày 16 tháng 7, địch tăng viện từ BLá xuống ta cũng không đánh được. Các ngày sau đó ta phân tán đánh các lực lượng địch ở Ma Drik (Blang), BLôi, BLá, đường số 7, đường 21 để hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang tuyên truyền hoạt động.

Đợt 2 (kéo dài trong tháng 9):

Chủ lực tập trung đánh quân ứng chiến càn quét vào vùng Ma Đơ Rắc - Cheo Reo, đánh giao thông trên đường 21. Các đại đội vũ trang tuyên truyền phối hợp mở rộng khu du kích Biển Hồ, tiến vào xung quanh vùng thị xã Buôn Ma Thuộc, bản Đôn, bốt Đà Lạt.

Kết quả, sau ba tháng hoạt động, ta đã diệt 120 tên (có 14 lính Âu - Phi) làm bị thương 50 tên, bắt sáu tên, thu một máy vô tuyến điện, 37 súng các loại, phá hủy một súng cối 81mm, một máy vô tuyên điện, hai xe ô tô.

Kết quả diệt địch của Chiến dịch Nguyễn Huệ không lớn, song có ý nghĩa đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng địch hậu. Chiến dịch đã góp phần phát triển xây dựng cơ sở ở Đắc Lắc, một chiến trường chính ở Tây Nguyên. Ta đã tạo được một khu căn cứ địa ở vùng tam giáp Cheo Reo - Biên Hồ - Ma Đơ Rắc, tạo bàn đạp mở rộng cơ sở vượt qua tây đường 14 sang đông Cam-pu-chia.

Về nghệ thuật chiến dịch, đây cũng là chiến dịch nhỏ trong thời kỳ quá độ tác chiến du kích lên tác chiến chính quy. Thành công của chiến dịch là ở chỗ ta đã áp dụng phương thức (kinh nghiệm ở Sầm Nưa) dùng lực lượng tập trung tiến công, kiềm chế các cứ điểm, hỗ trợ cho các đội vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm gây cơ sở, đẩy phong trào địch hậu ở nam Tây Nguyên phát triển, điều mà mấy năm trước Liên khu chưa làm được.
____________________________________
*.Còn có tên gọi là Chiến dịch Nguyễn Huệ hoặc Nam Tây Nguyên.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM