Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:14:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp  (Đọc 152386 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2012, 07:58:27 am »


Cuối tháng 11 năm 1953, lực lượng chủ yếu của chiến dịch bất đầu hành quân từ Nam Đàn, Nghệ An vào Chu Lễ, Hương Khê rồi vượt đèo Quắc và dốc Trìm Trẹo tiến sang phía bắc Trung Lào. Theo sau cánh quân này là gần 2.000 dân công Nghệ An, Hà Tĩnh do Liên khu 4 tổ chức bảo đảm việc vận chuyển đạn, gạo phục vụ chiến dịch.

Sau một thời gian hành quân gian khổ, vượt Trường Sơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đầu tháng 12, các đơn vị đã tới khu vực tập kết ở vùng biên giới Việt - Lào. Ngày 19 tháng 12, Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ và phổ biến kế hoạch tác chiến cho các đơn vị.

Theo kế hoạch, ngày 23 tháng 12 năm 1953, trung đoàn 66 sẽ nổ súng tiến công cứ điểm Mụ Giạ, Ba Na Phào, mở màn chiến dịch. Nhưng trong ngày 20 tháng 12 đoàn cán bộ trung đoàn 101 khi trinh sát thực địa, đã bắt được tù binh và phát hiện địch đã cho tiểu đoàn An-giê-ri số 27 (27e BTA) và một đại đội pháo 105mm từ Thà Khẹc, Nhom Ma Rát lên xây dựng cứ điểm mới ở khu vực cầu Khăm He. Binh đoàn cơ động số 2 cũng đã thiết lập sở chỉ huy nhẹ ở khu vực cầu Kha Ma (đường số 12).

Ban chỉ huy trung đoàn 101 quyết định chuyển từ chuẩn bị phục kích sang tổ chức tập kích tiêu diệt tiểu đoàn Âu-Phi ở cứ điểm Khăm He và báo cáo Bộ chỉ huy chiến dịch đề nghị điều chỉnh phương án chiến dịch.

Được Bộ chỉ huy chuẩn y, trung đoàn đã khẩn trương tổ chức đội hình hành quân theo hướng đường 12 đến căn cứ Khăm He.

Trong đội hình trung đoàn lúc này có hai tiểu đoàn bộ binh 328, 274 và một số bộ phận trực thuộc. Trung đoàn trưởng là đồng chí Trần Văn Bành và chính uỷ là đồng chí Hoàng Văn Thái.

Xuống tới chân đèo Phu Ắc, trung đoàn gặp một tốp lính Âu-Phi chốt trên quả đồi ven đường. Đại đội đi đầu đã nhanh chóng hình thành bao vây và tiêu diệt toán địch.

Mờ tối ngày 21, trung đoàn ra tới mặt đường và nhanh chóng tổ chức đội hình áp sát cứ điểm Khăm He ngay trong đêm 21. Mọi vấn đề về xây dựng quyết tâm, tổ chức hiệp đồng được tiến hành ngay trên thực địa.

4 giờ sáng ngày 22, sở chỉ huy trung đoàn phát lệnh nổ súng. Hoả lực súng cối của các đơn vị dồn dập bắn vào cứ điểm, sau đó hai tiểu đoàn trên hai hướng tổ chức nhiều mũi đánh vào căn cứ của địch. Cứ điểm rộng, lực lượng địch đông, lính Âu-Phi dựa vào công sự trong cứ điểm ngoan cố chống cự, trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Bộ đội ta trên hai hướng phải tổ chức hai mũi thọc sâu đánh thẳng vào sở chỉ huy và trận địa pháo 105mm, chia cắt địch ra thành nhiều mảng, kết hợp trong đánh ra ngoài đánh vào, tiến công mãnh liệt không để cho địch co cụm. Đến sáng ngày 22 ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Hầu hết binh lính thuộc tiểu đoàn An-giê-ri số 27 và đại đội pháo 105mm bị diệt, hơn 60 tên bị bắt sống. Ta thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng, trong đó có bốn khẩu pháo 105mm cùng hàng nghìn viên đạn pháo.

Sau khi làm chủ Khăm He, trung đoàn 101 sử dụng tiểu đoàn 274 bố trí hai đầu đường cách Khăm He ba đến bốn ki-lô-mét, sẵn sàng chặn địch từ Ba Na Phào và Nhom Ma Rát kéo tới. Trưa ngày 22, tên thiếu tá chỉ huy cứ điểm Ba Na Phào đích thân dẫn một đại đội thuộc tiểu đoàn Ma-rốc số 2 trung đoàn 4 xuống ứng cứu cho Khăm He. Lực lượng này rơi vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 274 và bị diệt gọn. Tên thiếu tá Pháp bị chết, ta thu một xe Zép cùng nhiều tài liệu quý, trong đó có tấm bản đồ phòng thủ Trung Lào.

Chiều ngày 22, chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, trung đoàn 101 để lại một đại đội tiếp tục chặn quân địch ở hướng Ba Na Phào còn toàn bộ lực lượng hành quân theo đường 12 xuống tiến công địch ở Kha Ma.

Lúc này, ở Kha Ma, chỉ huy binh đoàn cơ động số 2 được tin tiểu đoàn An-giê-ri 27 ở Khăm He bị diệt, vội vàng điều lính Ma-rốc lên tổ chức các chốt ở dãy đồi bắc đường 12, đồng thời cho rời sở chỉ huy về Nhom Ma Rát, đề phòng ta tiến công.

Đêm 22, trung đoàn 101 tới Bản Bo, được sự giúp đỡ của nhân dân, đơn vị đã áp sát Kha Ma, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và hình thành thế bao vây toàn bộ quân địch. Sáng ngày 23, trung đoàn đồng loạt nổ súng. Địch dựa vào các mỏm đồi cao ngoan cố chống lại. Bộ đội ta phải chia cắt và diệt từng mỏm đồi. Sau năm giờ chiến đấu quyết liệt, ta làm chủ Kha Ma. Tiểu đoàn địch ở Kha Ma bị đánh tan tác, 90 tên bị bắt, số sống sót tháo chạy thục mạng về Nhom Ma Rát.

Hai cứ điểm Khăm He và Kha Ma bị diệt, tinh thần binh lính Pháp trên tuyến phía đông suy sụp, hệ thống phòng thủ của địch ở Trung Lào rung chuyển. Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh cho các đơn vị chiếm giữ đường số 8, đường số 12, rút nhanh về thị xã Thà Khẹt và thị xã Xa-van-na-khét để cố thủ phòng tuyến sông Mê Công.

Phát hiện ý định chuẩn bị rút khỏi đường số 8 và đường số 12 của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho trung đoàn 66, tiểu đoàn 319 kết hợp cùng các đơn vị Pa-thét Lào gấp rút đánh vào các mục tiêu đã quy định, trung đoàn 101 nhanh chóng đánh xuống thị trấn Nhom Ma Rát.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy, đêm 23 tháng 12, trung đoàn 66 tiến vào bao vây vị trí Mụ Giạ và Ba Na Phào. Nhưng địch ở đây đã bỏ đồn chạy về hướng Pà Cuội từ buổi chiều. Trung đoàn tổ chức cắt rừng truy đuổi địch. Đến ngã ba Na Ca Chăm, ta gặp địch, diệt một số. Số còn lại trên một tiểu đoàn chạy vào khu vực đồn Pà Cuội. Mặc dù lúc này ta chỉ mới có một đại đội giáp địch, nhưng lợi dụng lúc chúng đang hoang mang, trung đoàn vẫn hạ lệnh tiến công. Đại đội 134 các tiểu đoàn Lê Lợi đi đầu tổ chức tiến công thẳng vào lực lượng địch ở Pà Cuội. Các lực lượng đi sau nhanh chóng dồn lên hình thành một mũi từ phía sau chia cắt đội hình địch. Cả tiểu đoàn Ma-rốc số 2 (24 RTM) cùng đại đội ngụy Lào trong đồn Pa Cuội bị thiệt hại nặng và nhanh chóng tan vỡ. Ta bắt hàng trăm tù binh và làm chủ Pà Cuội.

Trên hướng đường số 12, trong hai ngày 23 và 24, trung đoàn 101 liên tục đập tan các cụm chốt của binh đoàn Âu-Phi số 2 ở khu vực cầu Buông Pao, cầu Bi Lan, bản Na Hay rồi đánh thẳng vào thị trấn Nhom Ma Rát. Ngày 24 tháng 12 năm 1953, thị trấn Nhom Ma Rát được giải phóng, cửa ngõ vào Thà Khẹt mở toang, trung đoàn 101 gấp rút tiến hành công tác chuẩn bị đánh Thà Khẹt.

Cùng thời gian này trên hướng thứ yếu, một số đơn vị của bạn Lào đã thực hiện việc đánh cắt giao thông trên đường 13, đoạn nối Trung Lào với Thượng Lào. Tiểu đoàn 319 cùng bạn đánh chiếm Na-pê, Cam-cớt, Lạc Sao. Tiểu đoàn Ta-bo số 9 của địch bị quây chặt trên đường số 8 không còn đường rút, vội vã phá hủy 70 xe và bốn khẩu pháo 105mm, rồi rút bằng đường không về Xa-van-na-khét.

Bị đòn tiến công liên tục, hai binh đoàn cơ động Pháp trên tuyến phòng thủ đường 12 và đường số 8 bị diệt hơn một nửa, không còn đủ sức thực hiện kế hoạch “cố thủ Thà Khẹt”. Ngày 25 tháng 12, địch rút khỏi thị xã Thà Khẹt, trung đoàn 101 tiến vào giải phóng thị xã và bàn giao cho bạn. Tỉnh Khăm Muộn rộng hơn bốn vạn ki-lô-mét vuông, cùng hàng chục vạn dân cơ bản được giải phóng.

Cùng ngày 25 tháng 12, Na-va lên Sê Nô nghiên cứu tình hình và quyết định điều động thêm quân từ đồng bằng Bắc Bộ và Sài Gòn lên Xa-van-na-khét, hòng chặn đứng cuộc tiến công của liên quân Việt - Lào, cứu vãn tình thế nguy ngập trên hướng Trung Lào. Trong những ngày cuối cùng của năm 1953, Na-va điều đến Xa-van-na-khét chín tiểu đoàn, gồm hai tiểu đoàn dù Âu Phi số 1 và 2, một tiểu đoàn dù số 2 trung đoàn 1, hai tiểu đoàn dù lê dương số 2 và 6, một tiểu đoàn dù ngụy số 3, một tiểu đoàn cơ động ngụy số 17, hai tiểu đoàn pháo ngụy số 1 và 35. Đầu tháng 1 năm 1954, Na-va điều tiếp thêm binh đoàn lê dương số 1, binh đoàn cơ động ngụy số 51 và một số đại đội lẻ để bổ sung củng cố các đơn vị bị tổn thất ở Khăm Muộn.

Qua hai lần ồ ạt tăng quân lực lượng địch ở Trung Lào đã lên tới 24 tiểu đoàn bộ binh và ba tiểu đoàn pháo binh. Chúng tổ chức một tập đoàn cứ điểm mới ở Sê Nô, lấy tên là binh đoàn tác chiến Trung Lào do tướng Phờ-răng-xi chỉ huy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2012, 07:59:16 am »


Trước tình hình địch tăng cường lực lượng, được sự đồng ý của tiền phương Bộ Tổng tham mưu, cuối tháng 12 năm 1953, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định chủ động kết thúc đợt 1 chiến dịch và chủ trương tiến hành đợt 2, với mục đích bao vây, giam chân quân cơ động của địch ở Sê Nô, mở đợt tiến công xuống phía nam phá vỡ phòng tuyến đường số 9. Kế hoạch tác chiến được xác định như sau:

Trung đoàn 101 hoạt động trên đường 13, có nhiệm vụ đánh xuống phía nam sông Xê Băng Phai, phối hợp cùng bạn mở rộng vùng giải phóng xuống bắc tỉnh Xa-van-na-khét và sẵn sàng đánh bại các cuộc hành quân hòng chiếm lại thị xã Thà Khẹt của địch.

Trung đoàn 66 chuyển xuống Ca Sốc, Ma Pi Lạng, đánh một số cứ điểm và cắt đường 9 Xa-van-na-khét, buộc địch phải ứng cứu, tổ chức phục kích đánh địch ngoài công sự, tạo điều kiện giải phóng miền Đông tỉnh Xa-van-na-khét.

Trung đoàn 18 cùng bộ đội địa phương Cam Lộ, Hương Hóa tăng cường hoạt động đánh cắt giao thông trên đường 9, chuẩn bị cùng trung đoàn 66 tiến công phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch trên đường 9.

Thời gian nổ súng tiến công tuyến phòng thủ trên đường 9 dự kiến vào 0 giờ ngày 15 tháng 1 năm 1954.

Trong khi ta đang gấp rút chuẩn bị cho đợt 2 chiến dịch, ngày 6 tháng 1, địch tung ba tiểu đoàn Pháp và Âu-Phi ở Sê Nô ra chiếm một số bàn đạp ở khu vực bắc sông Xê Băng Phai và đưa một tiểu đoàn cơ động ngụy lên chiếm lại vị trí Hìn Xìu.

Trước tình hình địch tổ chức phản công, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho các trung đoàn 66 và 101 tích cực tổ chức tập kích, phục kích tiêu hao, tiêu diệt quân địch ở ngoài công sự.

Đêm ngày 8 tháng 1, trung đoàn 66 tập trung cả ba tiểu đoàn tập kích quân địch ở Hìn Xìu, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn ngụy cơ động số 3, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 tên, bắt sống 88 tên, trong đó có tên đại uý tiểu đoàn trưởng Môn Lê.

Cũng trong các ngày từ mồng 7 đến 12 tháng 1, các tiểu đoàn 319, 328 và 274 thuộc trung đoàn 101 liên tiếp tổ chức các trận tập kích, phục kích đánh vào hai tiểu đoàn Âu-Phi số 1 và lê dương số 6 đang lưu động ở khu vực bắc sông Xê Băng Phai, buộc hai tiểu đoàn này phải rút về Sê Nô.

Ngày 18 tháng 1, địch tiếp tục đưa binh đoàn lê dương số 1, binh đoàn Âu-Phi số 2 và một số đơn vị dù ra lập các cụm cứ điểm mới ở Po Ung, Na Xoi. Tiếp đó, chúng phát triển theo trục đường số 13 và bờ bắc sông Xê Băng Phai đánh lên hướng Ma Ha Xây, Thà Khẹt, Nhom Ma Rát.

Kiên quyết bảo vệ vùng giải phóng của bạn, trung đoàn 101 kết hợp cùng lực lượng vũ trang của bạn liên tục chặn đánh, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Đặc biệt ở khu vực Na Kham, tiểu đoàn 328 cùng cơ quan trung đoàn bộ đã anh dũng chiến đấu, bẻ gãy cuộc tiến công của ba tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 600 tên. Âm mưu chiếm lại tỉnh Khăm Muộn của địch bị đánh bại một bước quan trọng.

Trên hướng đường 9, theo kế hoạch, trung đoàn 66 phải nổ súng tiến công địch vào ngày 15 tháng 1, song do công tác đảm bảo gặp nhiều khó khăn, nên đến ngày 24 tháng 1, trung đoàn mới thực hiện được. Đêm 24, cả trung đoàn đồng loạt nổ súng: tiểu đoàn Lê Lợi tiến công cứ điểm Pha Lan, tiểu đoàn Cô Tô tiến công cứ điểm Ha Xa Lai và tiểu đoàn Nguyễn Huệ diệt cứ điểm Xê Ta Mốc. Sau khi diệt song ba cứ điểm, trung đoàn sử dụng tiểu đoàn Cô Tô và Lê Lợi tổ chức trận địa phục kích trên đường 9 đoạn từ Đồng Hến đến Pha Lan (cách Đồng Hến khoảng 20 ki-lô-mét về phía đông). Sáng ngày 26 tháng 1, binh đoàn cơ động ngụy Việt Nam số 51 từ Đồng Hến hành quân bằng cơ giới xuống hòng chiếm lại Pha Lan. Tiểu đoàn đi đầu của địch lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn, bị đánh thiệt hại nặng nề. Hai đại đội ngụy bị diệt, 40 xe bị phá huỷ, gần 100 tên bị bắt sống, lực lượng còn lại vội vã quay về Đồng Hến. Cũng ngay trong đêm 26 tháng 1, tiểu đoàn Nguyễn Huệ của trung đoàn 66 đã nổ súng tiến công Mường Phìn, một cứ điểm nằm ở ngã ba đường 9 đi Xa Ra Van, diệt gọn một đại đội ngụy Lào trong căn cứ này.

Suốt trong đợt 2 chiến dịch, bộ đội ta ở Trung Lào đã phá tan âm mưu nối lại đường số 9 trước Tết Nguyên Đán (31.1.1954) của địch, đánh thiệt hại nặng sáu tiểu đoàn, vô hiệu hoá hoàn toàn đường số 9. Hai cụm cứ điểm lớn của địch ở hai đầu đường 9 là Sê Pôn và Sê Nô bị cô lập. Chiến trường Đông Dương gần như bị cắt làm đôi. Thế trận của địch trên chiến trường Trung Lào hết sức bất lợi.

Trên hướng Hạ Lào, ngay từ cuối tháng 11 năm 1953, tiểu đoàn 436 trung đoàn 101 đã được lệnh hành quân từ Nghệ An cắt rừng tiến xuống Hạ Lào làm nhiệm vụ thọc sâu chiến dịch và tạo bàn đạp cho lực lượng lớn của ta từ Trung Lào phát triển xuống, buộc địch phải phân tán hơn nữa khối cơ động chiến lược của chúng. Do nhiệm vụ đặc biệt, tiểu đoàn được tăng cường lực lượng và hoả lực mạnh. Tổng quân số tiểu đoàn có 760 cán bộ chiến sĩ (gấp rưỡi biên chế thông thường) được biên chế thành năm đại đội (ba đại đội bộ binh, một đại đội ĐKZ và một đại đội súng cối 82mm). Các chiến sĩ bộ binh được trang bị hầu hết là tiểu liên K50. Hai đồng chí trung đoàn phó và phó chính uỷ trung đoàn 101 trực tiếp xuống chỉ huy tiểu đoàn.

Tham gia chiến đấu trên hướng thọc sâu (Hạ Lào) còn có đại đội quân tình nguyện Liên khu 5 và tiểu đoàn chủ lực của bạn đang đứng chân ở Xa Ra Van bắc Hạ Lào.

Giữa tháng 1 năm 1954, tiểu đoàn 436 vượt dốc Pa Ninh, theo đường dây của Liên khu 5 vào tập kết ở khu căn cứ Quân khu Hạ Lào. Ngày 28 tháng 1, ta và bạn mở hội nghị quân chính bàn kế hoạch đánh địch.

Mục tiêu tiến công đầu tiên của ta và bạn là hệ thống chiếm đóng của địch ở Atôpơ. Lực lượng định trong vùng gồm một tiểu đoàn tăng cường (khoảng 1.000 tên) bố trí thành hai cụm: cụm thứ nhất ở khu vực thị xã và sân bay Atôpơ, có bốn đại đội chủ lực; cụm thứ hai ở cứ điểm Pui tây nam Atôpơ 19 ki-lô-mét có một đại đội xung kích và một trung đội pháo. Ngoài ra, chúng còn có lực lượng địa phương và phỉ đóng ở các đồn lẻ rải rác trong vùng để khống chế kìm kẹp nhân dân.

Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình địch, ta và bạn hạ quyết tâm đánh địch ở Atôpơ theo hai bước. Bước 1, tập trung toàn bộ lực lượng của tiểu đoàn 436 đánh cứ điểm Pui, các lực lượng chủ lực của nam Hạ Lào và bộ đội tình nguyện Liên Khu 5 diệt các lô cốt tháp canh ở ngoại vi thị xã và tiến hành bao vây khu vực thị xã, sân bay Atôpơ. Bước 2, tiểu đoàn 436 chuyển về cùng các đơn vị bạn tiến công thị xã, phát triển giải phóng hoàn toàn vùng Atôpơ.

Nửa đêm về sáng ngày 30 tháng 1 năm 1954, từ hai hướng, tiểu đoàn 436 tiến công cứ điểm Pui. Địch ở đây ngoan cố chống cự, song do ta đưa được hoả lực lên sát hàng rào, xung kích xung phong mãnh liệt nên chỉ sau 30 phút, ta đã đánh tan cứ điểm Pui, diệt gọn số địch ở đây và bắt sống 84 tên.

Tại khu vực thị xã Atôpơ, ngay từ chập tối ngày 29 tháng 1, các đơn vị của bạn đã tổ chức vây ép, uy hiếp địch. Sáng 30 tháng 1, nghe tin cứ điểm Pui bị diệt, địch ở Atôpơ hoang mang lo sợ, tổ chức đốt phá kho tàng, phá hủy vũ khí và tổ chức rút quân về thị xã Pắc Xế. Chiều ngày 30 tháng 1, khi tiểu đoàn 436 từ Pui vận động đến thì thị xã đang bốc cháy. Tiểu đoàn cùng lực lượng của bạn lập tức tiến công giải phóng thị xã. Đến 21 giờ, ta làm chủ thị xã, thu rất nhiều vũ khí đạn dược và bắt sống trên 100 tên địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2012, 08:02:23 am »


Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 2, tiểu đoàn 436 truy kích địch chạy về Pắc Xế. Trên đường truy kích, tiểu đoàn đã cùng bạn quét sạch địch ở các vị trí Nha Hỏn, Keng Xay, Huội Coòng... Số địch chạy từ Atôpơ cơ bản bị diệt và tan rã, chỉ còn một bộ phận rất nhỏ chạy về được Pắc Xế.

Ngày 5 tháng 2, tiểu đoàn 436 tiến lên vùng Xa Ra Van, đánh vào các cứ điểm Bung Kma, Lào Ngam. Quân địch ở đây bỏ chạy về thị xã Xa Ra Van. Tiểu đoàn 436 tiếp tục đánh sang thị trấn Thà Teng (Viêng Thông), nơi địch đang bị chủ lực bạn bao vây từ trước đó bốn ngày. Khi phát hiện tiểu đoàn 436 tràn tới, địch vội vã tháo chạy về thị xã Xa Ra Van.

Trước nguy cơ thị xã Xa Ra Van có thể bị mất, địch điều ngay một binh đoàn lê dương vừa từ Bắc Bộ sang và binh đoàn ngụy số 51 từ Sê Nô xuống lập thêm hai cụm cứ điểm mới ở thị xã Xa Ra Van và Pắc Xế. Quân cơ động Pháp lại một lần nữa bị phân tán hơn.

Trung tuần tháng 2 năm 1954, khi trung đoàn 18 được điều sang cùng trung đoàn 66 hoạt động ở Trung Lào, thì trung đoàn 101 (gồm tiểu đoàn 329 và 328) được lệnh xuống Hạ Lào, đông bắc Cam Pu Chia cùng tiểu đoàn 436 tiếp tục phát triển tiến công địch để phối hợp với Chiến trường Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 3, trung đoàn 101 (cả ba tiểu đoàn) vượt qua cao nguyên Bô Lô Ven vào tập kết ở phía tây Bờ Chom thuộc phía nam tỉnh Atôpơ. Tại đây, trung đoàn 101 đã thống nhất kế hoạch chiến đấu cùng bạn Cam Pu Chia. Theo kế hoạch, trung đoàn 101 sẽ nhanh chóng tiến công hai cứ điểm lớn của địch ở hai thị trấn Xiêm Pạng tỉnh Xtung Treng và thị trấn Von Xai tỉnh Ra Ta Na Ki Ri nhằm đẩy nhanh sự tan vỡ hệ thống phòng thủ của địch trên vùng đông bắc Cam Pu Chia.

Trung tuần tháng 3 năm 1954, tại khu vực Xiêm Pạng, tiểu đoàn 319 dùng một bộ phận nhỏ vây cứ điểm địch, còn đại bộ phận tổ chức trận địa phục kích tại Bản Khế, phía tây cứ điểm Xiêng Pạng 3 km. Một tiểu đoàn ngụy thuộc binh đoàn cơ động 52 đi giải toả cho cứ điểm, lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn, bị đánh thiệt hại nặng, 20 xe quân sự và bốn khẩu pháo 105mm bị phá huỷ. Thừa thắng, tiểu đoàn tổ chức tiến công làm chủ hoàn toàn cứ điểm Xiêm Pạng.

Cũng trong thời gian này, tại khu vực Von Xai, tiểu đoàn 436 đã chặn đánh làm tan rã một tiểu đoàn địch ở bắc Von Xai hai km, thu hai khẩu pháo 105mm, sau đó tiến công vào Von Xai, diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, làm chủ thị trấn.

Thừa thắng, trung đoàn 101 hình thành hai mũi đánh dọc trục lộ 13 và trục lộ 19, lần lượt chiếm Bò Kéo, Bò Kó, Bò Kham, La Ban Xiếc... và áp tới gần thị xã Xtung Treng.

Trong bảy ngày chiến đấu ở vùng đông bắc Cam Pu Chia, trung đoàn 101 đã đánh thiệt hại nặng binh đoàn cơ động ngụy số 52, loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.000 tên, góp phần giải phóng vùng đất đai rộng ở vùng đông bắc Cam Pu Chia.

Lo sợ trước sức tiến công của ta ở Hạ Lào đông bắc Cam Pu Chia, địch phải điều thêm nhiều tiểu đoàn củng cố các cứ điểm dọc sông Mê Công ở các khu vực Không Xê Đôn, Pắc Xế, Phia Phay, Xtung Treng... Quân cơ động Pháp tiếp tục bị căng ra trên toàn chiến trường miền trung Đông Dương và tiếp tục ngập sâu trong thế lúng túng bị động.

Từ hạ tuần tháng 3, trung đoàn 101 được lệnh tiến sâu hơn nữa xuống phía nam, cùng bạn chuyển sang hoạt động quy mô nhỏ (cỡ đại đội), từng bước mở rộng củng cố các khu du kích, tiếp tục kìm chân một bộ phận lực lượng cơ động của địch.

Cũng trong tháng 3 và tháng 4 năm 1954, khi trung đoàn 101 chuyển xuống hoạt động ở Hạ Lào, đông bắc Cam Pu Chia, thì ở Trung Lào, địch huy động các binh đoàn cơ động số 1 và 2 mở các cuộc hành quân chiếm lại các vị trí đã mất. Trung đoàn 66, trung đoàn 18 cùng lực lượng vũ trang bạn đã liên tục vây hãm, chặn đánh làm hai binh đoàn này bị tổn thất nặng nề.

Trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt cuối, cuộc tiến công của ta và bạn ở Trung Lào kết thúc.

Trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào, ta giành thắng lợi lớn, đã loại khỏi vòng chiến đấu 9.510 tên địch (4.715 tên bị giết, 3.716 tên bị thương, 1.039 tên bị bắt, có ba quan ba, 10 quan hai, ba quan một), thu nhiều vũ khí1, xóa sổ nhiều căn cứ và giải phóng 16.000km2 với 600 nghìn dân.



Trên cơ sở thắng lợi quan trọng về tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai, Chiến dịch Trung-Hạ Lào đã thực hiện được một yêu cầu chiến lược hàng đầu là buộc Na-va phải tiếp tục phân tán khối cơ động chiến lược của chúng, góp phần làm giảm khối chủ lực của địch trên chiến trường chính Bắc Bộ, nhất là đối với hướng chính Điện Biên Phủ. Ở Trung Lào, ta đã mở rộng vùng giải phóng của bạn từ nam, bắc đường 9 xuống đến đông Xa-van-na-khét, vô hiệu hoá đường số 12, cắt đứt đường số 9, buộc địch phải ở trong tình thế “Đông Dương bị cắt làm đôi”. Ở Hạ Lào và đông bắc Cam Pu Chia, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, nối liền các căn cứ du kích đông, đông bắc Cam Pu Chia với vùng giải phóng Hạ Lào, góp phần thực hiện chủ trương đánh thông hành lang chiến lược nam bắc Đông Dương, sau đó tiếp tục kìm chân một bộ phận lực lượng cơ động của địch sau Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Về nghệ thuật chiến dịch, chiến dịch Trung - Hạ Lào có bước phát triển. Trước hết, ta đã chọn đúng nơi địch yếu và sơ hở để mở chiến dịch tiến công, quan trọng hơn là ta đã liên tục thọc sâu xuống phía nam, đánh vào “hậu phương an toàn” của địch, từng bước làm đảo lộn thế phòng thủ của chúng ở khu vực này. Mở chiến dịch Trung - Hạ Lào và không ngừng phát triển xuống phía nam, ta đã ngày càng khoét sâu điểm yếu cơ bản của địch là mâu thuẫn giữa chiến trường rộng với binh lực hạn chế; giữa tập trung binh lực trên chiến trường chính với đối phó với nhiều hướng tiến công của ta. Mũi thọc sâu chiến dịch ở Hạ Lào - đông bắc Cam Pu Chia của ta là bất ngờ lớn đối với địch. Chúng cho rằng ta không có đủ sức vượt qua “tuyến cấm” (đường số 12) và lá chắn Sê Nô để phát triển tiến công. Từ bất ngờ ban đầu ở Trung Lào, tiếp đến ở Hạ Lào và cuối cùng là đông bắc Cam Pu Chia, địch phải liên tiếp điều lực lượng từ các chiến trường nhất là từ miền Bắc đến để đối phó, nhưng cũng không hạn chế được nhịp độ phát triển nhanh và ngày một sâu xuống phía nam của ta.

Về cách đánh chiến dịch, ngay từ đầu cũng như trong quá trình phát triển chiến dịch, ta đã liên tiếp triển khai thế trận chia cắt địch. Ta đã chia cắt địch trên các đường chiến lược số 12, số 9 và số 13, chia cắt địch trên từng khu vực, từng địa bàn. Với lực lượng ít hơn địch nhiều, song ta đã từng bước chuyển hướng tiến công, đánh vào những vùng quan trọng về chiến lược, nhưng mỏng yếu của địch, nhằm chia cắt địch, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực của chúng, mở rộng vùng giải phóng và thực hiện yêu cầu chiến lược thu hút, phân tán chủ lực địch.

Trong thực hành chiến dịch ta đã rất linh hoạt trong đánh điểm diệt viện và truy kích địch. Ta đã chọn các mục tiêu vừa sức nhưng lại có vị thế quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch, tạo nên sự chấn động lớn, buộc chúng phải ứng cứu giải toả để ta đánh địch ngoài công sự hoặc tạo thuận lợi uy hiếp tiến công các mục tiêu chính. Khi địch rút chạy, mặc dù địa hình không quen thuộc, nhưng bộ đội ta đã biết dựa vào bạn, khẩn trương nhanh chóng, quyết tâm truy kích địch đến cùng.

Một nét nổi bật trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cánh, các hướng; giữa bộ đội Việt Nam với nhân dân và lực lượng vũ trang nước bạn. Đó là sự hiệp đồng chiến đấu với ý thức chủ động rất cao giữa các lực lượng thuộc các đơn vị khác nhau trên một địa bàn chiến dịch rộng lớn, kéo dài từ Trung Lào đến đông bắc Cam Pu Chia. Sự phối hợp hành động của nhiều lực lượng trên một phạm vi rộng trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào, chứng tỏ trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng cấp chiến dịch của ta có bước phát triển quan trọng.
_______________________________________
1. Số vũ khí thu được gồm: 647 súng trường, 315 tiêu liên, 85 trung đại liên, 12 súng cối, bảy ĐKZ, bốn khẩu pháo 105mm, 63 máy vô tuyến điện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2012, 08:09:29 am »


CHIẾN DỊCH BẮC TÂY NGUYÊN
(Tiến công, từ ngày 26 tháng 1 đến ngày 17 tháng 2 năm 1954)


Nghiên cứu kế hoạch Na-va của địch, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh đã dự kiến khả năng địch mở cuộc tiến công đánh chiếm vùng tự do Khu 5 và Khu 9. Sau Hội nghị quân sự tháng 11 năm 1953, trong phương án tác chiến chiến lược trình Bộ Chính trị (27-11-1953), Tổng Quân uỷ đã chỉ rõ: nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Liên khu 5 trong Đông xuân 1953-1954 là phát triển vào Tây Nguyên, trước hết là phía bắc đồng thời tiếp tục củng cố và bảo vệ vùng tự do hiện nay.

Chấp hành chủ trương chiến lược trên, đầu tháng 12 năm 1953, Hội nghị Liên Khu uỷ và Đảng uỷ Bộ tư lệnh Liên khu 5 quyết định mở chiến dịch tiến công bắc Tây Nguyên nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, củng cố và mở rộng vùng tự do về phía tây, nối Liên khu 5 và Hạ Lào, phá âm mưu củng cố Tây Nguyên của địch.

Bắc Tây Nguyên gồm hai tỉnh Kom Tum và Gia Lai, địa hình rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt. Khu vực này có các đường giao thông số 5, 14, 19 nối bắc Tây Nguyên với các tỉnh phía đông và phía nam. Bắc Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, uy hiếp trực tiếp vùng tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi của ta. Tiến công vào bắc Tây Nguyên ta có điều kiện mở rộng vùng tự do về phía tây, uy hiếp toàn bộ vùng Tây Nguyên, Hạ Lào và đông Cam Pu Chia của địch.

Trên địa bàn Tây Nguyên, địch chia làm bốn khu: Kon Tum, Gia Lai, Buôn Ma Thuộc và Lâm Đồng. Bắc Tây Nguyên thuộc chiến trường “Cao nguyên Trung Bộ” của địch, gồm hai khu Kon Tum, Plây Cu, lực lượng có khoảng bốn tiểu đoàn cơ động và 15 đại đội chiếm đóng (cơ bản là ngụy quân). Tại khu Kon Tum, địch phòng thủ thành ba khu vực (Bắc, Nam, Đông) và thị xã. Khu Đông gồm các cứ điểm dọc đường số 5 như cứ điểm Măng Đen, Kon Brây, Măng Bút, là khu vực phòng ngự tương đối mạnh. Đặc biệt là Măng Đen, một cứ điểm trên đường 5 cách Kon Tum khoảng 40 ki-lô-mét, là một cứ điểm mạnh, do một tiểu đoàn đóng giữ. Khu nam Kon Tum có các cứ điểm Đạc Đoa, Buôn Hồ án ngữ trục đường 14 nối Kon Tum với Plây Cu. Nhìn chung, các cứ điểm của địch đều án ngữ các trục giao thông, các cứ điểm cách nhau khoảng 10 đến 30 km. Trong mỗi cứ điểm có một số đồn, nhiều cứ điểm có hệ thống công sự, vật cản khá kiên cố.

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm: hai trung đoàn chủ lực 108, 803, trung đoàn địa phương 120, cùng một số tiểu đoàn, đại đội độc lập của Liên khu và các địa phương. Tổng số quân tham gia chiến dịch khoảng 10.000 người.

Giữa tháng 12 năm 1953, kế hoạch tiến công lên bắc Tây Nguyên chính thức được thông qua. Theo kế hoạch, chiến dịch được tiến hành trên hai hướng.

Hướng chính: Bắc Kon Tum, sử dụng trung đoàn 108, trung đoàn 803 (thiếu một đại đội), tiểu đoàn 30 chủ lực độc lập, liên đội đặc công, toàn bộ các đơn vị pháo, cối, phòng không, phần lớn các đơn vị công binh, trinh sát, thông tin cùng lực lượng địa phương tại chỗ thực hành tiến công theo hai bước. Bước 1: trung đoàn 108 và đặc công tiến công hai cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, phá vỡ thế phòng thủ đông bắc của địch; trung đoàn 803 tiến công cứ điểm Công Brây, uy hiếp thị xã Kon Tum, đánh viện trên đường 5, đoạn Kon Tum - Công Brây. Bước 2, một bộ phận chủ lực tiếp tục kiềm giữ địch trên đường số 5, còn phần lớn lực lượng phát triển sang hướng tây bắc, phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch trong khu vực Đắc Tô – Đắc Lây, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Kon Tum.

Hướng phụ: Đường 19 An Khê do trung đoàn địa phương 120 cùng tiểu đoàn 40 chủ lực của khu, đại đội 11, tiểu đoàn 59, trung đoàn 803 đảm nhiệm. Hướng này phải nổ súng trước, tiêu diệt các cứ điểm Kà Tung, Ba Bả, Kà Tu, đánh phá giao thông trên đường 19, diệt sinh lực, thu hút giam chân địch, tạo điều kiện cho hướng chính phát triển.

Để thống nhất việc lãnh đạo chỉ huy, được sự ủy nhiệm của Trung ương, Liên khu uỷ Khu 5 quyết định thành lập Đảng uỷ, Bộ chỉ huy Chiến dịch bắc Tây Nguyên. Đồng chí Nguyễn Chánh - Bí thư Liên khu uỷ Khu 5 giữ chức Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh kiêm Chính uỷ chiến dịch đồng chí Nguyễn Bá Phát - Tham mưu phó Liên khu làm Tham mưu trưởng chiến dịch. Cơ quan của Bộ tư lệnh Liên khu hình thành hai bộ phận, một bộ phận phục vụ sự chỉ đạo chỉ huy chiến dịch, một bộ phận chỉ đạo chỉ huy hoạt động thường xuyên của Liên khu. Gần 200 cán bộ cấp tỉnh và huyện được điều động về tăng cường cho bộ máy lãnh đạo dân công phục vụ mặt trận. Hàng trăm cán bộ khác của cơ quan khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu được giao nhiệm vụ về các tỉnh tự do, kiểm tra đôn đốc việc xây dựng lực lượng, sẵn sàng đánh trả các cuộc tiến công của định.

Căn cứ vào ý định của Liên khu, phòng cung cấp Liên khu 5 cùng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tổ chức soi đường, mở các tuyến hành lang bí mật lên Tây Nguyên, huy động hơn 100.000 dân công vận chuyển gạo, muối lên dự trữ ở những vùng tiếp giáp chiến trường. Gần như toàn bộ lực lượng vận tải ở tuyến hậu phương của Liên khu dài 264 km, đã được huy động để vận chuyển chuẩn bị cho chiến dịch. Đến ngày 15 tháng 1 năm 1954, 10 hành lang vận chuyển từ 5 đến 10 cung vận tải bộ (có hành lang tới 15 cung) đã đưa hơn 1.000 tấn gạo, gần 100 tấn muối và thực phẩm tới các kho mặt trận. Vũ khí, đạn dược của Tổng cục Cung cấp chi viện cho Liên khu 5 cũng đã vào đến nơi. Bộ đội tham gia chiến dịch được trang bị ĐKZ 57mm, được bổ sung đạn súng trường DAM (lúc đó rất thiếu ở chiến trường Liên khu 5) và được chuẩn bị khá đầy đủ về vũ khí trang bị chiến đấu1.

Để đảm bảo bí mật cho việc chuẩn bị và nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của địch, từ đầu tháng 1 năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo các tỉnh ở vùng sau lưng địch như Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Bình Thuận... tổ chức lực lượng vũ trang phối hợp với nhân dân hoạt động rầm rộ, tập kích các căn cứ hậu cần, kho tàng, diệt tề trừ gian...

Đúng trong dịp này, ngày 20 tháng 1 năm 1954, Na-va huy động gần 30 tiểu đoàn các loại, bắt đầu cuộc hành binh Át-lăng (Atlante) tiến công vùng tự do Phú Yên. Nắm được tình hình, trong cuộc họp ngày 21 tháng 1, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Phần lớn lực lượng cơ động của địch đã tập trung ở Phú Yên. Nếu đòn tiến công của ta lên Tây Nguyên không đủ sức uy hiếp mạnh thì không buộc được địch điều động lực lượng lên đối phó. Bộ chỉ huy hạ quyết tâm cho hướng thứ yếu nổ súng trước tiêu diệt các cứ điểm trên đường 19 từ Plây Cu đến An Khê để thu hút sự chú ý của địch, đồng thời trên hướng chính mở màn bằng một đòn tiến công đồng loạt ba mục tiêu: Măng Đen, Măng Bút và Công Brây, đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự đông bắc Kon Tum của địch.

Đêm 26 tháng 1, trên hướng phụ, trung đoàn 120 nổ súng diệt các cứ điểm Kà Tung, Ba Bả, Tà Tu và Búp Bê trên đường 19, mở màn chiến dịch, tiếp đó phát triển tiêu diệt thêm ba cứ điểm trên địa bàn đảm nhiệm.

Trên hướng chính, đêm ngày 27 tháng 1, ta nổ súng tiến công ba cứ điểm mạnh nhất trong hệ thống phòng thủ bắc Tây Nguyên của địch: Măng Đen, Măng Bút và Công Brây. Măng Đen và Măng Bút cách nhau 10 ki-lô-mét, Công Brây nằm lùi về phía Kon Tum, cách Kon Tum 30 ki-lô-mét và cách Măng Đen 25 ki-lô-mét. Măng Đen là cứ điểm then chốt nhất, nằm trên quả đồi hình yên ngựa và được xây dựng thành hai khu: Khu A (đồn lớn) cấu trúc theo hình tam giác, ở giữa có lô cốt mẹ bằng bê tông cốt thép, ba góc là ba lô cốt nhỏ, nối liền các lô cốt là hệ thống giao thông ngầm, xung quanh là hệ thống dây thép gai hình ngôi sao rộng từ 30 đến 90 mét. Khu B được xây dựng theo hình móng ngựa cũng có ba lô cốt và hệ thống hầm ngầm, giao thông hào ngầm nối liền các lô cốt. Giữa khu A và khu B rộng khoảng 800 mét, có một sân bay nhỏ. Khu A do hai đại đội địch đóng giữ, còn khu B thường có từ 100 đến 150, có khi lên đến 400 lính ứng chiến.

23 giờ 30 phút, tiểu đoàn 19 và 70 của trung đoàn 108 cùng nổ súng đánh vào Măng Đen. Ở hướng tiến công vào Khu A, do tiểu đoàn 19 đảm nhiệm, địch dựa vào công sự lô cốt, hầm ngầm chống trả quyết liệt. Sau ba đợt tiến công, ta thương vong lớn song vẫn không phát triển được. Trận đánh rơi vào thế giằng co.

Trên hướng tiến công vào khu B, do công sự và hoả lực của địch yếu hơn nên sau sáu giờ chiến đấu, tiểu đoàn 79 đã hoàn toàn làm chủ trận địa và tổ chức một mũi vượt qua sân bay đánh vào sau lưng địch ở khu A, hỗ trợ cho tiểu đoàn 19. Bị kẹt giữa hai hướng tiến công, địch ở khu A rơi vào thế bị động lúng túng và lần lượt bị tiêu diệt. 7 giờ ngày 28 tháng 1, sau tám giờ chiến đấu liên tục, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Măng Đen.

Cùng đêm 24, tiểu đoàn 59 trung đoàn 803 tổ chức đánh cứ điểm Công Brây. Do đường vận động xa hơn nên khi hướng Măng Đen nổ súng, tiểu đoàn vẫn còn cách Công Brây 5 km. Địch ở Công Brây đề phòng. Bộ đội ta nằm phục đến mờ sáng, thấy địch có biểu hiện chủ quan cho là ta không đánh mới bất ngờ nổ súng diệt đồn. Địch tan rã nhanh chóng. Sáng 28, tiểu đoàn 59 làm chủ Công Brây. Hướng Măng Bút, trận đánh diễn ra nhanh gọn. Tiểu đoàn 89 cùng liên đội đặc công làm chủ cứ điểm sau 30 phút chiến đấu.

Ba cứ điểm Măng Đen, Công Brây, Măng Bút bị san phẳng, cụm phòng ngự then chốt của địch ở bắc Tây Nguyên bị đập tan, tiểu khu Kon Tum bị uy hiếp trực tiếp. Lực lượng cơ động (GM100) đang bị giam chân ở Phú Yên chưa thể ứng cứu ngay được. Địch ở Kon Tum rơi vào tình trạng hoang mang dao động.
_____________________________________
1. Kết quả về công tác đảm bảo hậu cần trong chiến dịch, các địa phương đã huy động hơn 10.000 tấn lương thực thực phẩm, hơn 200.000 lượt dân công, phục vụ gần 6.000.000 ngày công, hơn 2.000 xe đạp thồ, hơn 1.000 xe bò, xe ngựa. Hậu cần chiến dịch đã cung cấp cho bộ đội 72 tấn vũ khí đạn dược, 900 tấn gạo, 200 tấn thịt, 50 tấn cá tươi, gần 100 tấn thực phẩm khô, 20 tấn thuốc quân y cứu chữa hơn 2.000 thương binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2012, 08:10:10 am »


Chớp thời cơ, đêm 28 tháng 1, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho các đơn vị đẩy nhanh tốc độ tiến công. Trung đoàn 28 phát triển tiến công địch trên hướng bắc Kon Tum, diệt các cứ điểm Đắc Tô, Đắc Sút, Đắc Lây... Trên đường 14 trung đoàn 803 áp sát uy hiếp thị xã Kon Tum, đồng thời đưa một bộ phận luồn sâu xuống phía nam cắt đường 14, đoạn Plây Cu - Kon Tum. Trung đoàn 120 phát triển sang hướng đèo Măng Giang tiến công các cứ điểm của địch ở khu vực ngã ba đường 19 và đường 19 bis.

Bước vào đợt 2, trên hướng bắc Kon Tum, trung đoàn 108 đã nhanh chóng tổ chức tiến công địch từ ngày 29 tháng 1. Nhưng nghe tin chủ lực ta tiến công, địch ở các đồn từ Đắc Tô, Đắc Lây, Đắc Sút cùng nhiều đồn bốt khác đã bỏ chạy trước khi ta đến. Trung đoàn chuyển sang truy kích địch. Sau bảy ngày đuổi địch, trung đoàn 108 đã diệt và bắt hàng trăm tên, giải phóng dải đất phía bắc Kon Tum và áp sát uy hiếp thị xã.

Trong khi trung đoàn 108 đang truy kích, tiến về thị xã Kon Tum từ phía bắc, ngày 31 tháng 1, địch điều GM100 từ Phú Yên lên tăng viện cho Kon Tum và Plây Cu (một tiểu đoàn ở Plây Cu, hai tiểu đoàn ở Kon Tum). Ngày 1 tháng 2, địch ở Kon Tum mở cuộc hành binh giải toả ra hướng Măng Đen, đến gần Công Brây thì sa vào trận địa phục kích của một bộ phận trung đoàn 803, một đại đội bị diệt, số còn lại phải quay về Kon Tum. Ngay đêm đó, đặc công của trung đoàn 803 đã tập kích diệt sở chỉ huy tiểu đoàn địch ở trung tâm thị xã. Trung đoàn 803 tiếp tục vây ép thị xã Kon Tum và cho một bộ phận xuống phía nam thị xã để chia cắt đường 14 theo kế hoạch. Ngày 4 tháng 2, tiểu đoàn 59 (bộ phận luồn xuống phía nam Kon Tum) của trung đoàn 803 đã phục kích một đoàn xe địch trên đường 14 từ Plây Cu tiếp tế cho Kon Tum, diệt bảy xe.

Mặc dù lực lượng ở bắc Tây Nguyên còn đông, nhưng thế trận của địch hoàn toàn bất lợi. Đường số 5, số 14 bị cắt, Kon Tum bị uy hiếp và hoàn toàn cô lập. Để thực hiện chủ trương co cụm hòng đối phó với cuộc tiến công lớn của ta, Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh bỏ thị xã Kon Tum, co về phòng thủ Plây Cu, đồng thời tạm dừng cuộc hành quân Át-lăng, đưa lực lượng tăng cường tuyến phòng thủ đường 19 và nam Tây Nguyên.

Đêm 6 tháng 2, địch rút khỏi Kon Tum, trung đoàn 803, do không nắm chắc địch, đã bỏ lỡ cơ hội diệt địch. Ngày hôm sau, trung đoàn tổ chức truy kích, song không có kết quả.

Bộ Tư lệnh chiến địch quyết định đưa trung đoàn 108 và 803 tiếp tục phát triển về hướng Plây Cu. Đêm 16 rạng ngày 17 tháng 2, cùng lúc ta tổ chức tiến công cứ điểm Đắc Đoa và tập kích thị xã Plây Cu.

Đắc Đoa là một cứ điểm mạnh do hai đại đội của binh đoàn cơ động 100 chiếm giữ. Cứ điểm có hệ thống công sự, lô cốt khá vững chắc. Trung đoàn 803 tổ chức hai mũi tên tiến công Đắc Đoa. Mũi chủ yếu phát triển khó khăn, mũi thứ yếu gặp thuận lợi hơn. Cuộc chiến đấu kéo dài hơn tám tiếng sáng ngày 17, ta làm chủ Đắc Đoa, xoá sổ hai đại đội địch, bắt sống 150 tên lính Âu - Phi.

Tại thị xã Plây Cu, đại đội 1, tiểu đoàn 78, trung đoàn 108 tập kích một số kho tàng và sở chỉ huy địch, diệt và làm bị thương gần 200 tên. Tại Buôn Hồ, ta vây ép, gọi hàng một đại đội địch, thu vũ khí rồi phóng thích tại chỗ.

Ngày 17 tháng 2, Chiến dịch bắc Tây Nguyên kết thúc. Trải qua hơn 20 ngày đêm chiến đấu, bộ đội ta đã diệt hơn 2.000 địch, bắt sống 310 tên, đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở Kon Tum giải phóng một vùng chiến lược gần 16.000km2 gồm cả một thị xã. Cùng với cuộc tiến công ở Hạ Lào, tạo thành vùng giải phóng liên hoàn từ nam Quảng Ngãi tới Hạ Lào. Ta còn thu nhiều vũ khí đủ trang bị cho một trung đoàn bộ binh.



Chiến dịch bắc Tây Nguyên là một thắng lợi lớn của quân và dân ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Đây là lần đầu tiên ta giải phóng được một vùng rộng lớn trên chiến trường rừng núi bắc Tây Nguyên, trong đó có một thị xã có tầm quan trọng cả về quân sự và chính trị. Thắng lợi của chiến dịch còn có ý nghĩa buộc địch phải ngừng cuộc hành quân Át-lăng, rút sáu tiểu đoàn bộ binh và dù lên ứng cứu cho Tây Nguyên, xây dựng hai tập đoàn cứ điểm ở Plây Cu và An Khê. Chiến dịch bắc Tây Nguyên đã đánh bại ý đồ “chủ động tiến công trước” và làm phân tán hơn nữa khối cơ động chiến lược của Na-va trên chiến trường Đông Dương.

Thành công của Chiến dịch bắc Tây Nguyên là ở chỗ ta đã chọn cách đánh hay cả về chiến dịch và chiến thuật, tổ chức hiệp đồng toàn diện, có hiệu quả trên địa bàn toàn liên khu.

Về chỉ đạo tác chiến trên địa bàn toàn liên khu, liên khu đã giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang và nhân dân vùng tự do chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đánh địch bảo vệ hậu phương đồng bằng, để bộ đội chủ lực rảnh tay tác chiến tập trung trên chiến trường rừng núi; chỉ đạo vùng sau lưng địch đẩy mạnh hoạt động để phối hợp với hướng chính. Sự chỉ đạo phối hợp này không những đã tạo thêm bất ngờ đối với địch trên hướng chủ yếu (Tây Nguyên) mà còn buộc địch phải đối phó trên diện rộng trong địa bàn toàn liên khu trước khi địch mở cuộc hành quân Át-lăng.

Về nghệ thuật chiến dịch nét độc đáo của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên là ta đã chọn đúng hướng mở màn chiến dịch. Đông bắc Kon Tum là khu vực phòng thủ cứng của địch nhưng lại là khu vực phòng ngự hiểm yếu, không liên hoàn nên khi ta tiến công địch buộc phải ứng cứu, tạo điều kiện cho ta đánh địch ngoài công sự. Khi bị mất thì toàn bộ khu vực bắc Kon Tum và thị xã Kon Tum bị uy hiếp trực tiếp và nhanh chóng dẫn tới tan vỡ.

Sau khi diệt xong các cứ điểm trong tuyến phòng thủ đông bắc Kon Tum, Bộ chỉ huy chiến dịch đã thúc đẩy các đơn vị nhanh chóng bước vào đợt 2, chuyển hướng tiến công các cứ điểm trên tuyến Đắc Tô – Đắc Lây và áp sát uy hiếp thị xã Kon Tum. Chủ trương linh hoạt đó đã khiến cho lực lượng lớn của địch trong thị xã không đủ khả năng tự cứu mà một lực lượng cơ động lớn được điều lên ứng cứu (GM100) cũng bị vô hiệu hóa.

Trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên ta còn chủ trương nổ súng đồng loạt trên các hướng (đông bắc, bắc và đường số 19) và tiêu diệt hàng loạt cứ điểm trong mấy ngày đầu chiến dịch, làm đảo lộn thế trận phòng thủ của địch, gây tâm lý hoang mang dao động trong binh lính địch, tạo điều kiện thuận lợi để ta đánh các trận tiếp sau.

Trong thực hành, bộ đội ta đã vận dụng khá linh hoạt các hình thức, thủ đoạn chiến thuật. Ngoài việc tổ chức tiến công một loạt các cứ điểm, ta đã tổ chức các trận địa phục kích trên đường 5 và đường 14 để đánh địch ngoài công sự, chớp thời cơ tập kích khi địch chủ quan, hay tổ chức các lực lượng luồn sâu đánh phá sở chỉ huy địch trong thị xã.

Tuy còn một số hạn chế trong tổ chức chỉ huy đánh địch trong công sự cũng như trong đánh vận động, song Chiến dịch Bắc Tây Nguyên là một bước tiến quan trọng về nghệ thuật tiến hành chiến dịch ở một chiến trường xa sự giúp đỡ hậu phương của ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2012, 08:14:14 am »


CHIẾN DỊCH THUỢNG LÀO 1954
(Tiến công, từ ngày 29 tháng 1 đến ngày 13 tháng 2 năm 1954)


Trưa ngày 26 tháng 1 năm 1954, trước tình hình địch đã tăng cường phòng ngự ở Điện Biên Phủ, Đảng uỷ Chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định tạm thời đình chỉ cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiếp tục chuẩn bị thêm để đánh với phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Đồng thời, Đảng uỷ chiến dịch quyết định đưa Đại đoàn 308 tiến công sang hướng Thượng Lào, nhằm cô lập địch ở Điện Biên Phủ hơn nữa, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giúp bạn Lào mở rộng vùng giải phóng, không cho địch đánh vào sau lưng ta, vừa nghi binh thu hút sự chú ý của chúng, bảo đảm cho bộ đội ở Điện Biên Phủ rút ra khu tập kết an toàn.

Về địch, sau khi tướng Na-va quyết định xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để giao chiến với chủ lực ta, thì ở Thượng Lào từ đầu tháng 12, địch cũng bắt đầu xây dựng “Phòng tuyến sông Nậm Hu”. Phòng tuyến này gồm một loạt cứ điểm dọc sông Nậm Hu từ Pắc U lên Mường Ngòi, Mường Khoa, với tổng số binh lực khoảng 20 đại đội (sáu tiểu đoàn). Nhiệm vụ của “phòng tuyến sông Nậm Hu” là bảo vệ Thượng Lào, bảo vệ cho Điện Biên Phủ khỏi bị cô lập, và tạo thành hành lang bảo đảm việc lui quân từ Điện Biên Phủ về Luông Pha Băng (Lào) khi cần thiết.

Về phía ta, 14 giờ ngày 26 tháng 1, Đại đoàn 308 chính thức nhận lệnh hành quân sang Lào kết hợp với bạn tiến công phòng tuyến sông Nậm Hu. Mặc dù trong mệnh lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép “lực lượng sử dụng bao nhiêu tuỳ thuộc vào khả năng cung cấp của đại đoàn... làm sao bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ... giữ vững lực lượng, có lệnh trở về ngay”1, nhưng Đảng ủy đại đoàn đã họp và quyết định đưa toàn bộ đại đoàn sang Lào để thực hiện nhiệm vụ.

Vào thời điểm này, biên chế của Đại đoàn 308 gồm các trung đoàn bộ binh 102, 88, 36, tiểu đoàn phòng không, cối 102 mm và một số đơn vị trực thuộc. Toàn bộ đại đoàn ở khu vực Hồng Lếnh phía tây cánh đồng Điện Biên Phủ.

18 giờ 30 ngày 26 tháng 1 (chỉ sau khi nhận lệnh bốn giờ), các đơn vị của đại đoàn lần lượt rút khỏi Điện Biên Phủ lên đường sang Thượng Lào. Chỉ huy đại đoàn sang Thượng Lào là đồng chí Vương Thừa Vũ - Tư lệnh kiêm bí thư Đảng uỷ đại đoàn.

Vì thời gian gấp nên đại đoàn vừa hành quân vừa tổ chức nắm địch, nghiên cứu địa hình, tổ chức bảo đảm hậu cần tại chỗ. Khó khăn lớn nhất trong đảm bảo cho chiến dịch là vấn đề thuốc quân y và lương thực. Mỗi ngày đại đoàn cần năm tấn gạo, nhưng khi lên đường các chiến sĩ của đại đoàn chỉ mang theo mỗi người một ngày lương khô và một ngày gạo. Đại đoàn đề ra phương châm “tự lực và gấp rút”, nhanh chóng tổ chức lực lượng cán bộ đi bắt liên lạc với cán bộ địa phương bạn huy động lương thực trong nhân dân. Bộ phận tiền phương của Tổng cục Cung cấp một mặt cử đoàn vận tải hỗ trợ tiếp tế cho đại đoàn, một mặt cử đại diện sang Lào liên hệ với bạn giải quyết vấn đề cung cấp tại chỗ cho bộ đội (ta dựa vào bạn dùng tiền Đông Dương để mua lương thực thực phẩm). Bộ Tổng tham mưu cũng cử một đại đội trinh sát của Bộ đi trước nắm địch ở Mường Khoa, để đảm bảo cho đại đoàn tiến quân thuận lợi.

Ngày 29 tháng 1, sau khi vượt 80 ki-lô-mét đường rừng, phần lớn lực lượng đại đoàn đã tới Sốp Nạo, riêng bộ phận đi trước đã tới sát bờ sông Nậm Hu. 20 giừ ngày 29 tháng 1, đại đoàn nhận được điện của Bộ Tổng tư lệnh tiền phương: “Địch đã phát hiện Đại đoàn 308 rời khỏi Điện Biên Phủ sang Lào, chúng đã ra lệnh rút khỏi Mường Khoa và các đồn lân cận về Nậm Bạc”.

Nhận được điện, Bộ chỉ huy đại đoàn quyết định: chia làm hai cánh, nhanh chóng truy kích địch: Cánh thứ nhất, trung đoàn 102 truy kích theo hướng Mường Khoa - Mường Sài; cánh thứ hai, trung đoàn 88 và 36 truy kích theo hướng Nậm Bạc - Luông Pha Băng.

Sáng ngày 30 tháng 1, cánh quân thứ nhất tổ chức vượt sông Nậm Hu tiến về phía Mường Khoa - Mường Sài. Đi cùng cánh quân này có sở chỉ huy nhẹ của đại đoàn, do Đại đoàn phó Cao Văn Khánh phụ trách. Nửa đêm 30, trung đoàn 102 vừa được lệnh dừng lại nghỉ đêm thì nhận được tin của quân báo đại đoàn phát hiện địch đang trên đường nhạy về Mường Sài, ở cách đơn vị khoảng 10 ki-lô-mét. Cả đơn vị lập tức gấp rút đuổi theo. Bộ phận quân báo của đại đoàn nhanh chóng tìm đường vượt lên trước, đến rạng sáng ngày 31, bộ phận này đã kết hợp được với một đơn vị địa phương tạo được một “cái nút” chặn trước đường hành quân của địch.

Quân địch đang nhốn nháo do bị chặn ở phía trước, thì phía sau, đại đội 261 tiếp đó là cả tiểu đoàn 18 của trung đoàn 102 đã kịp thời ập tới, tổ chức nhiều mũi đánh thẳng vào đội hình địch. Một đại đội Pa-thét Lào thuộc tiểu đoàn 920 đang trên đường đi Mường Sài để phối hợp với ta, nghe tiếng súng nổ đã chủ động đến cùng tiểu đoàn 18 đánh địch.

Bị tiến công bất ngờ, đội hình địch bị chia cắt làm đôi. Cụm thứ nhất gồm tiểu đoàn Ta-bo số 5 và ba đại đội ngụy do thiếu tá Vô-đơ-rây chỉ huy; cụm thứ hai có ba đại đội thuộc tiểu đoàn lê dương số 2 và một đại đội ngụy do thiếu tá Ca-ba-ri chỉ huy. Các cụm quân này chiếm giữ các điểm cao, vừa ngoan cố chống cự, vừa tìm đường rút chạy. Địch đông, địa hình rừng núi phức tạp nên trận đánh kéo dài, ta diệt và bắt sống một số, nhưng không đủ khả năng dứt điểm.

Chiều ngày 31 tháng 1, đại bộ phận lực lượng của trung đoàn 102 mới tới khu vực đánh địch. Trung đoàn trưởng lệnh cho các tiểu đoàn 79 và 54 tổ chức tiến công địch ngay. Lúc này lợi dụng trời bắt đầu tối và địa hình rừng núi, địch bí mật rút về Mường Sài. Tiểu đoàn 18 thấy cụm quân của Vô-đơ-rây xuống núi, lập tức chiếm lĩnh địa thế có lợi từ trên đánh xuống diệt hàng trăm tên, bắt sống 54 tên.

Ở phía sau, tiểu đoàn 79 và 54 tổ chức tiến công chậm. Lợi dụng trời tối, bốn đại đội do Ca-ba-ri chỉ huy đã rút chạy trước khi ta tiến công. Trung đoàn tổ chức lùng sục, truy đuổi địch ngay trong đêm.

Sáng ngày 1 tháng 2, tiểu đoàn 79 phát hiện được địch ở khu rừng rậm trước mặt. Đây chính là đại đội địch ở cụm 2. Tiểu đoàn nhanh chóng tổ chức một mũi vòng xuống phía nam chốt chặn, còn đại bộ phận tổ chức nhiều mũi đồng loạt tiến công bọn địch đang tạm dừng. Địch chống cự yếu ớt, nhanh chóng tan rã, lẩn trốn vào rừng tìm đường về Mường Sài. Trong các ngày 1 và 2 tháng 2, trung đoàn 102 tiếp tục tổ chức lực lượng đuổi địch và truy tìm những tên còn lẩn trốn trong rừng. Cả hai tiểu đoàn địch chạy từ Mường Khoa cơ bản bị trung đoàn 102 loại khỏi vòng chiến đấu. Trung đoàn đã diệt và bắt sống hàng trăm tên, trong đó có tên thiếu tá Ca-ba-ri và tên đại uý Lăm-be. Đêm 2 tháng 2, trung đoàn dừng lại ở sát Mường Sài củng cố chờ nhận nhiệm vụ mới.
_______________________________________
1. Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Nxb QĐND, H, 1991. tr.752.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2012, 08:14:47 am »


Trên hướng Nậm Bạc - Luông Pha Băng, trung đoàn 36 đi đầu cũng khẩn trương xuyên rừng tiến về hướng Nậm Bạc. Chiều 30 tháng 1, trung đoàn đến sát Mường Ngòi, địch ở đây đã rút chạy. Sáng ngày 1 tháng 2, trung đoàn tổ chức vượt sông Nậm Hu. Nhân dân địa phương huy động thuyền độc mộc giúp đơn vị chở vũ khí nặng và các chiến sĩ đau yếu, còn lại toàn đơn vị kết bè mảng, dùng mọi thứ làm phao dìu nhau vượt qua sông rộng.

Tiểu đoàn 89 vượt sông đầu tiên, phát hiện một tiểu đoàn địch đang tạm dừng trên các quả đồi trước mặt, tổ chức tiến công ngay và nhanh chóng đánh tan đội hình địch. Suốt trong ngày 1 tháng 2, tiểu đoàn đã truy đuổi đánh 10 trận đạt hiệu suất cao và xóa sổ cả tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Ngày 2 tháng 2, trung đoàn 36 tiến vào thung lũng Nậm Bạc. Trong thung lũng có một đồn địch. Quân địch trong đồn đang nhốn nháo chuẩn bị rút chạy. Chớp thời cơ đại đội 396, bộ phận đi đầu của tiểu đoàn 89, nhanh chóng đánh thẳng vào đồn. Địch hốt hoảng bỏ chạy, ta làm chủ cả vùng thung lũng Nậm Bạc.

Nậm Bạc là một khu vực ngã ba, một đường đi về phía Mường Sài, nơi trung đoàn 102 đang đánh tới, một đường qua Nậm Ngà rồi thẳng xuống Luông Pha Băng, nơi có sở chỉ huy Pháp ở Thượng Lào.

Sau khi chiếm được Nậm Bạc, trung đoàn 36 xốc lại đội hình, ngày 3 tháng 2, tiếp tục tiến thẳng về phía Nậm Ngà. Phía sau trung đoàn 36, trung đoàn 88 cũng đã tiến vào các khu vực mới giải phóng truy quét tàn binh địch, cùng bạn xây dựng cơ sở cách mạng. Ngày 5 tháng 2 trung đoàn 36 tiến đến sát Nậm Ngà. Đi đầu đội hình vẫn là tiểu đoàn 89, gồm đại đội 399 dẫn đầu, tiếp sau là các đại đội 395 và 397.

Lúc này, tiểu đoàn ngụy Thái số 1 cũng từ Mường Sài tới tăng viện cho Nậm Ngà. Đại đội đi đầu của chúng đã vào đồn, còn hai đại đội đang tới khu vực ngã ba Nậm Bạc - Nậm Ngà - Mường Sài.

Hai đại đội (395, 397) đi sau của tiểu đoàn 89, gặp địch ở khu vực ngã ba, nhanh chóng tổ chức thế bao vây hai đại đội của địch ở khu vực này. Đại đội 399 đi đầu tiếp tục tiến về phía đồn Nậm Ngà, tổ chức bao vây địch ở trong đồn. Ở khu vực ngã ba, trận tao ngộ chiến diễn ra khá ác liệt. Ta và địch đều cố chiếm những điểm cao có lợi, dùng hoả lực kiềm chế nhau. Lực lượng của ta dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn phó và chính trị viên tiểu đoàn, nhanh chóng chia thành nhiều mũi hình thành thế bao vây đồng thời sử dụng cối 82mm và súng máy chi viện cho bộ binh tiến công phía chính diện. Ở phía sau, chính trị viên của đại đội 395 dẫn một tiểu đội vòng theo đường núi đánh chọc sườn cụm hoả lực của địch. Bị bất ngờ, cụm hoả lực địch không kịp trở tay nhanh chóng bị tiêu diệt. Mất hoả lực, lại bị phân tán và uy hiếp bởi nhiều mũi tiến công của ta, hai đại đội địch tan rã và bị tiêu diệt gần hết.

Thừa thắng, tiểu đoàn 89 dồn toàn bộ lực lượng tiến công đồn Nậm Ngà. Địch ở đây chống cự yếu ớt và chịu thất bại hoàn toàn. Như vậy chỉ sau vài giờ chiến đấu, tiểu đoàn 89 đã giành được thắng lợi giòn giã, loại khỏi vòng chiến đấu gọn một tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng.

Chiều ngày 7 tháng 2, trung đoàn 36 tiến xuống tới Bắc Sương. Ở đây, trung đoàn bắt liên lạc được với tiểu đoàn địa phương 970 của bạn và biết năm đại đội địch đã bỏ đồn chạy về Luông Pha Băng. Trung đoàn tiếp tục tiến vào hướng Luông Pha Băng. Ngày 11 tháng 2, trung đoàn vượt sông Nậm Hu (quãng ngã ba sông Nậm Hu gặp sông Mê Công). Ngay chiều hôm đó, tiểu đoàn 80 - bộ phận đi đầu của trung đoàn 36 đã tổ chức tiến công đồn Bản Na cách Luông Pha Băng 10 ki-lô-mét. Địch hoang mang, tan vỡ nhanh chóng, ta diệt một trung đội lê dương, một trung đội dù ngụy, bắt sống hàng chục tên, trong đó có tên quan hai Pháp.

Trên hướng Mường Sài, từ ngày 4 tháng 2, trung đoàn 102 cũng áp sát các vị trí tiền tiêu, dùng cối bắn vào các khu vực của địch. Trước sức ép của ta, địch phải lập cầu hàng không tăng cường lực lượng cho Mường Sài và Luông Pha Băng, xây dựng hai tập đoàn cứ điểm ở đây. Lực lượng cơ động chiến lược của Pháp lại thêm một lần nữa bị phân tán. Ngày 13 tháng 2 năm 1954, Đại đoàn 308 được lệnh của Bộ kết thúc chiến dịch và bí mật quay trở về Điện Biên Phủ. Đơn vị trinh sát của Bộ ở lại làm nhiệm vụ phao tin ta chuẩn bị đánh Luông Pha Băng để đại đoàn rút quân an toàn.

Như vậy, trong hơn mười ngày tiến công, truy kích địch trên chặng đường dài hơn 200 kém, Đại đoàn 308 đã đánh nhiều trận đạt hiệu quả cao. Ta và bạn đã tiêu diệt gọn một tiểu đoàn lê dương (2/2 REI), ba đại đội ngụy, đánh tan hai tiểu đoàn ngụy, tiêu hao một bộ phận của tiểu đoàn Ta-bo số 5 (tổng số 15 đại đội). Loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.000 tên, bắt sống 354 tên (trong đó có một quan tư, hai quan ba, sáu quan hai, một quan một), thu hàng chục tấn vũ khí, quân trang, quân dụng. Toàn bộ phòng tuyến sông Nậm Hu của địch bị phá vỡ. Một vùng rộng lớn lưu vực sông Nậm Hu được giải phóng, đẩy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế hoàn toàn bị cô lập.

Đòn tiến công sang Thượng Lào của Đại đoàn 308 thực sự bất ngờ đối với bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp. Thất bại ở Thượng Lào lần này chứng tỏ ý định của Na-va chiếm đóng Điện Biên Phủ để bảo vệ Thượng Lào, bảo vệ Luông Pha Băng đã bị phá sản. Địch buộc phải tăng quân cho Mường Sài và Luông Pha Băng, lực lượng cơ động của chúng lại một lần nữa bị phân tán. Chiến dịch Thượng Lào đã đạt được mục đích đề ra là tiêu hao sinh lực địch, đánh lạc hướng chú ý của địch với Điện Biên Phủ, tạo điều kiện để các lực lượng chuẩn bị tốt hơn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng Thượng Lào còn tạo điều kiện cho trung đoàn 148 cùng bộ đội Pa-thét Lào giải phóng Bun Tầy, Bun Nừa, khu vực tỉnh lỵ và một vùng rộng lớn tỉnh Phông Xa Lỳ. Có thể nói Chiến dịch Thượng Lào đã đạt trọn vẹn mục tiêu của cả chiến lược và chiến dịch.

Nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Thượng Lào trước hết thể hiện trong việc sử dụng lực lượng. Mặc dù được Bộ Tổng tư lệnh cho phép tự quyết định quy mô lực lượng ra quân (ít nhất là một tiểu đoàn), nhưng Bộ tư lệnh chiến dịch đã quyết tâm khắc phục khó khăn về bảo đảm hậu cần, sử dụng toàn bộ lực lượng của đại đoàn, tạo sức mạnh áp đảo trên cả hai hướng chiến dịch. Trước sức mạnh áp đảo của ta, địch buộc phải rút chạy, tạo điều kiện cho ta truy kích đánh địch ngoài công sự.

Việc tổ chức điều hành chiến dịch cũng là một thành công của Chiến dịch Thượng Lào. Chỉ sau khi nhận lệnh bốn giờ, đại đoàn đã hoàn thành cơ bản mọi công tác tổ chức chuẩn bị, từ chuẩn bị bộ đội, tổ chức dẫn đường nắm địch, tổ chức tiền trạm, tổ chức thông tin đảm bảo liên lạc đến việc đảm bảo hậu cần trong điều kiện chiến trường rừng núi xa, rộng và chia cắt. Điều này chứng tỏ trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ Đại đoàn 308 đã có bước trưởng thành đáng kể.

Trong thực hành chiến dịch, một ưu điểm nổi bật của cán bộ chiến sĩ đại đoàn là tính chủ động trong truy kích địch. Ở địa hình rừng núi, trên từng cánh, việc chỉ huy toàn bộ lực lượng của một trung đoàn hay cả đại đoàn là rất khó khăn. Mà việc truy kích địch thì thời gian, thời cơ lại là nhân tố hết sức quyết định. Trong chiến dịch, cán bộ các cấp của đại đoàn đã nêu cao tinh thần chủ động, không chờ đợi cấp trên, không chờ đủ lực lượng, đơn vị nào gặp địch là chủ động triển khai đánh địch, đơn vị đến sau hiệp đồng theo tiếng súng, hỗ trợ cho đơn vị đến trước, nhanh chóng khoét sâu điểm yếu tinh thần của quân địch rút chạy để tiến công giành thắng lợi. Trong truy kích, ta còn tổ chức được các bộ phận gọn nhẹ vượt lên trước ngăn chặn địch, tạo điều kiện cho các đơn vị phía sau đuổi kịp triển khai tiến công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2012, 09:56:47 pm »


CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
(Tiến công, từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954)


Thực hiện kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954, ngày 15 tháng 11 năm 1953, Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc, mở cuộc tiến công giải phóng Lai Châu. Phát hiện sự di chuyển của chủ lực ta lên hướng tây bắc, ngày 20 tháng 11, Na-va vội vã mở cuộc hành binh Ca-xto, đổ sáu tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ đánh chiếm Điện Biên Phủ, một địa bàn chiến lược quan trọng để giữ vững Lai Châu và bảo vệ Thượng Lào.

“Vô luận rồi đây địch sẽ thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta”1. Ta kiên trì kế hoạch tiến công giải phóng Lai Châu, đồng thời tăng cường Đại đoàn 308 lên vây địch ở Điện Biên Phủ.

Ngày 3 tháng 12 năm 1953, Na-va quyết định bỏ Lai Châu, co lực lượng về Điện Biên Phủ, đồng thời gấp rút tăng cường lực lượng, phương tiện chiến tranh xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, gọi là “Binh đoàn tác chiến Tây Bắc”. Đến ngày 15 tháng 12 năm 1953, quân địch ở Điện Biên Phủ đã lên đến 12 tiểu đoàn. Chúng hy vọng Điện Biên Phủ vừa là một cái chốt, vừa là một cái bẫy sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn thép của đối phương.

Khi Na-va chấp nhận giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ và quyết giữ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào, thì phương án tiến công Điện Biên Phủ của ta cũng cơ bản được dự thảo xong. Đầu tháng 1 năm 1954, Bộ Chính trị họp tại bản Tỉn Keo, xã Điềm Mạc, huyện Định Hoá, Thái Nguyên nghe Tổng Quân uỷ báo cáo và chính thức hạ quyết tâm: “Tập trung đại bộ phận chủ lực thiện chiến của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương này”. Tại cuộc họp, Bộ Chính trị đã cử Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm: Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ mặt trận; Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; Lê Liêm, Chủ nhiệm chính trị; Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm cung cấp. Ngày 5 tháng 1 năm 1954, đồng chí Võ Nguyên Giáp lên đường đi Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu, là một thung lũng rộng lớn nằm ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 300 ki-lô-mét đường chim bay, cách Luông Pha Băng 190 ki-lô-mét. Thung lũng Điện Biên (cánh đồng Mường Thanh) có chiều rộng từ sáu đến tám ki-lô-mét, chiều dài gần 20 ki-lô-mét, nằm gần biên giới Việt-Lào, trên một ngã ba của nhiều tuyến đường quan trọng. Xung quanh thung lũng là một vùng rừng núi điệp trùng bao bọc. Núi có độ cao trung bình 500m, có mỏm đột xuất cao tới 1461m. Thung lũng Điện Biên là cánh đồng bằng phẳng đồng ruộng khô ráo, thỉnh thoảng nổi lên những đồi cao hơn mặt ruộng tám đến 20 mét, cá biệt có điểm cao tới 250m. Trong thung lũng có sông Nậm Rốm chảy theo hướng bắc nam đổ xuống sông Nậm Hu và có sân bay Mường Thanh được xây dựng từ năm 1889.

Thời tiết Điện Biên Phủ chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9. Vào mùa khô sương mù dày đặc từ 15 giờ ngày hôm trước đến tận 9 giờ ngày hôm sau. Mùa mưa, mưa kéo dài, nhiều lũ, độ ẩm lớn nên việc cơ động trong rừng vô cùng khó khăn.

Dân số Điện Biên Phủ có hơn hai vạn người, gồm 11 dân tộc khác nhau, đời sống nhân dân trong vùng còn rất khó khăn.

Về địch, đến khi ta nổ súng tiến công, chúng đã có gần bốn tháng để xây dựng và củng cố hệ thống phòng ngự ở Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Lực lượng phòng ngự ở đây có 12 tiểu đoàn và bảy đại đội bộ binh, hai tiểu đoàn lựu pháo 105mm (24 khẩu), hai tiểu đoàn súng cối 120mm (20 khẩu), một đại đội trọng pháo 155mm (4 khẩu), một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng (10 chiếc), một đại đội xe vận tải (khoảng 200 xe ô tô) và một phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Tổng số quân lúc đầu lên tới 11.800 tên, chủ yếu là lính dù và Âu - Phi tinh nhuệ, đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá Đờ Cát-xtơ-ri.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có 49 cứ điểm, mỗi cứ điểm đều có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hoả lực để độc lập chiến đấu, đồng thời những cứ điểm gần nhau lại được tổ chức lại thành cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng). Tập đoàn cứ điểm có tám trung tâm đề kháng (mỗi trung tâm mang tên một thiếu nữ Pháp) và được chia thành ba phân khu:

Phân khu trung tâm (trận địa trung tâm) là phân khu quan trọng nhất, nằm ở ngay giữa Mường Thanh, có năm tiểu đoàn chiếm đóng, ba tiểu đoàn cơ động (tức gần 2 phần 3 lực lượng của định ở Điện Biên Phủ). Phân khu trung tâm được tổ chức thành năm trung tâm đề kháng bao bọc lấy cơ quan chỉ huy của tập đoàn. Các trung tâm đề kháng đó là: Trung tâm đề kháng đồi D (Đô-mi-nich), phòng ngự ở hướng đông bắc, gồm các cứ điểm D1, D2, E1, D3, 203, 204, 507, 508 do tiểu đoàn 3 An-giê-ri (3/3 RTA) chiếm giữ; trung tâm đề kháng đồi A (E-li-an), phòng ngự hướng đông và đông nam, là khu vực phòng ngự then chốt của trận địa trung tâm, gồm các cứ điểm C1, C2, A1, A3, 512, 506, 511 do tiểu đoàn 1 Ma-rốc (1/4 RTM) và tiểu đoàn 2 ngụy Thái (2e BAT) chiếm giữ; trung tâm đề kháng nam sân bay Mường Thanh (Clô-đin), phòng ngự hướng tây nam, gồm các cứ điểm 309, 310, 311B, 305, 322, 603, 604, 607 do tiểu đoàn 1 lê dương (1/13 DBLE) chiếm giữ; trung tâm đề kháng tây sân bay (Huy-ghét) trực tiếp bảo vệ sân bay, gồm các cứ điểm 311, 311A, 206, 209, 307, do tiểu đoàn 1 lê dương (1/2 REI) chiếm giữ. Trung tâm đề kháng Him Lam (Bê-a-tơ-ri-xơ) là vị trí phòng ngự đột xuất ở đông bắc cách Mường Thanh 2.500 mét, gồm các cứ điểm 101A, 101B, 102 do tiểu đoàn 3 lê dương (3/13 DBLE) chiếm giữ. Khu vực phía đông của phân khu trung tâm có các điểm cao có giá trị, địch đã xây dựng thành các cứ điểm rất lợi hại, đặc biệt là các ngọn đồi A1, C1, D1, E1...

Phân khu bắc gồm hai trung tâm đề kháng: Trung tâm đồi Độc Lập (Ga-bri-en) do tiểu đoàn 5 An-giê-ri (5/7 RTA) chiếm đóng, trung tâm Bản Kéo - Căng Na (An-nơ Ma-ri) phòng ngự ở hướng bắc, gồm các cứ điểm 104A, 104B, 105, 106 do tiểu đoàn ngụy Thái số 3 (3e BAT) chiếm giữ.

Phân khu nam còn có tên gọi là Hồng Cúm (I-da-ben) có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tiến công từ phía nam lên. Phân khu này do binh đoàn cơ động số 6 chiếm giữ. Lực lượng cụ thể gồm tiểu đoàn lê dương số 3 (3/3 REI), tiểu đoàn An-giê-ri số 2(2/1 RTA) một đại đội pháo 105mm và một trung đội xe tăng có ba chiếc.

Trung tâm đề kháng Him Lam (Bê-a-tơ-ri-xơ) tuy thuộc phân khu trung tâm, nhưng cùng với các trung tâm đề kháng đồi Độc Lập và Bản Kéo của phân khu bắc tạo thành trận địa phòng ngự tiền duyên án ngữ phía bắc, ngăn chặn sự tiến công của ta từ hướng bắc và đông bắc.

Pháo binh của tập đoàn cứ điểm được chia thành hai căn cứ: căn cứ Mường Thanh có một đại đội pháo 155mm (bốn khẩu), một tiểu đoàn pháo 105mm (12 khẩu) và hai đại đội cối 102mm (16 khẩu); căn cứ Hồng Cúm có một tiểu đoàn pháo 105mm.

Đại đội xe tăng có 10 xe hạng nhẹ: bảy chiếc ở trận địa trung tâm, ba chiếc ở phân khu nam.

Với lực lượng đông, hoả lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh và tận dụng được thế lợi của địa hình, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực sự là một hệ thống phòng ngự mạnh chưa từng có ở Đông Dương lúc bấy giờ. Bộ chỉ huy Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá” và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng” ở đây.
________________________________________
1. Báo cáo về kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn. Bộ Tổng tham mưu, xb, 1963, tr.16.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2012, 09:59:35 pm »

Về phía ta, lực lượng tham gia chiến dịch lúc đầu gồm các đại đoàn bộ binh: Đại đoàn 308 (có trung đoàn 102, 88, 36), Đại đoàn 312 (có trung đoàn 141, 209, 165), Đại đoàn 316 (có trung đoàn 174, 98, một tiểu đoàn của trung đoàn 176); và trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304. Hoả lực có Đại đoàn công pháo 151 gồm: trung đoàn pháo binh 45 (có hai tiểu đoàn pháo 105mm: 24 khẩu); trung đoàn sơn pháo 675 (có năm đại đội sơn pháo 75 mm: 15 khẩu); trung đoàn pháo cao xạ 367 có hai tiểu đoàn cao xạ 37 mm (24 khẩu) và hai đại đội súng máy cao xạ 12,7mm (24 khẩu). Tổng số quân chủ lực của ta khoảng hơn 40 nghìn, nếu tính cả tuyến hai thì số quân lên tới 55 nghìn.

Lực lượng phục vụ chiến dịch cũng rất lớn: 628 ô tô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng nhiều tàu thuyền, lừa, ngựa...

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được Bộ Chính trị phê chuẩn mang mật danh Chiến dịch Trần Đình, ngày 14 tháng 1 năm 1954, tại Thẩm Phúa, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy chiến dịch mở hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch tiêu diệt tập đoàn Điện Biên Phủ theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Ý định ban đầu của ta là “Tập trung ưu thế binh lực, hoả lực đột phá chủ yếu từ phía tây đánh thắng vào trung tâm Mường Thanh đồng thời từ phía đông giáp công...”, dự kiến ngày 20 tháng 1 năm 1954 sẽ nổ súng.

Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, ta thấy địch đã ráo riết xây dựng trận địa phòng ngự vững chắc hơn, đồng thời hàng ngày sử dụng từ 50 đến 60 chuyến máy bay chở từ 150 đến 200 tấn hàng tăng cường cho việc phòng thủ Điện Biên Phủ. Mặt khác, việc làm đường và đưa pháo vào trận địa của ta gặp rất nhiều khó khăn, ta chỉ dự kiến kéo pháo trong ba đêm song thực tế phải dùng một đại đoàn bộ binh kéo pháo trong bảy đêm liền mà pháo vẫn chưa vào hết vị trí. Bộ chỉ huy chiến dịch phải lùi thời hạn nổ súng vào 16 giờ ngày 25 tháng 1 năm 1954.

Trước sự tăng cường phòng ngự của địch và những khó khăn của ta về kéo pháo, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thấy nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì không đảm bảo chắc thắng. Đúng 15 giờ 45 phút ngày 25 tháng 1 năm 1954 (trước thời hạn nổ súng 15 phút), Bộ chỉ huy quyết định hạ lệnh đình chỉ cuộc tiến công, kéo pháo ra, rút bộ đội, dân công về vị trí tập kết, và tiến hành mọi công tác chuẩn bị theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Đại đoàn 308 được lệnh tiến công sang Thượng Lào nhằm giúp bạn mở rộng vùng giải phóng và nghi binh thu hút địch, tạo điều kiện cho các đơn vị ở Điện Biên Phủ rút ra chuẩn bị tiếp.

Theo kế hoạch mới, việc chuẩn bị và thực hành chiến dịch chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, chủ yếu là làm đường vận chuyển, xây dựng các trận địa pháo binh thật kiên cố, bí mật, triển khai đội hình bao vây khống chế sân bay.

Giai đoạn 2: tiến hành đánh bao vây nhằm tiêu diệt các trung tâm đề kháng ngoại vi, hình thành và thắt chặt trận địa bao vây tiến công địch, thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng, tiêu hao lực lượng, khống chế sân bay.

Giai đoạn 3: tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Về tác chiến, giai đoạn thực hành chiến dịch dự định chia làm hai đợt.

Đợt 1: Tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt các trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, phá vỡ thế trận phòng ngự ở phía bắc và đông bắc của tập đoàn cứ điểm, chiếm địa hình có lợi, siết chặt trận địa bao vây tiến công.

Đợt 2: Mở các trận tiến công tiêu diệt các cụm cứ điểm trên dãy điểm cao phía đông, đồng thời ở phía bắc tiến vào chiếm lĩnh sân bay, hình thành vòng vây lửa xung quanh tập đoàn cứ điểm, thu hẹp không phận và sự tiếp viện của địch, tạo thời cơ chuyển sang tổng công kích. Sở chỉ huy chiến dịch đặt tại Mường Phăng. Thời gian nổ súng dự định vào ngày 13 tháng 3 năm 1954.

Việc chuẩn bị cho chiến dịch theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” được tập trung triển khai từ sau Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 7 tháng 2 năm 1954. Công việc nặng nề nhất là chuẩn bị đường cơ động và xây dựng trận địa kiên cố cho pháo. Lần này ta chủ trương bố trí pháo phân tán trên các điểm cao thành một đường vòng cung bao lấy tập đoàn cứ điểm để có thể ngắm bắn trực tiếp các mục tiêu dưới lòng chảo. Qua nghiên cứu thực địa, ta tìm được sáu trận địa cho các đại đội lựu pháo 105mm. Cự ly từ các trận địa pháo đến trung tâm Mường Thanh khoảng từ sáu đến tám ki-lô-mét (tức nằm gọn trong trong tầm bắn có hiệu quả của pháo binh hạng nặng của ta). Pháo và đạn được đặt trong hầm khoét sâu vào triền núi và được ngụy trang kín đáo. Để đưa pháo lớn vào các trận địa đã lựa chọn, ta phải mở năm tuyến đường cơ động với tổng chiều dài 63 ki-lô-mét. Đường phải đủ rộng cho xe pháo đi lại được dễ dàng và phải giữ được bí mật nghiêm ngặt. Các con đường mới đều qua các sườn núi ngọn đèo và nằm trong tầm hoạt động của phi pháo địch nên công việc hết sức khó khăn. Nhiệm vụ làm đường do trung đoàn công binh 151, Đại đoàn 312 và 316 đảm nhiệm.

Cùng với việc xây dựng trận địa pháo, các đại đoàn bộ binh còn tổ chức xây dựng một hệ thống công sự trận địa tiến công quy mô lớn. Các sở chỉ huy, hầm thương binh, hầm nghỉ đều được cấu trúc kiên cố.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2012, 10:06:56 pm »


Công tác đảm bảo hậu cần cho chiến dịch1 được Trung ương Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo tính toán, khối lượng vật chất đảm bảo cho chiến dịch đánh theo phương châm, đánh chắc, tiến chắc tăng vọt lên gấp hai, ba lần. Riêng về lương thực, tổng số gạo cần huy động không phải là trên bảy nghìn tấn như trước mà là trên 20 nghìn tấn. Trung ương Đảng và Chính phủ đã động viên toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hệ thống đường vận chuyển cơ giới, đường thuỷ và đường bộ được tổ chức chặt chẽ để đảm bảo cho chiến dịch.

Tổng cục Cung cấp tiền phương được tăng cường thêm lực lượng (tổng quân số gồm 3.168 cán bộ chiến sĩ và hơn ba mươi nghìn dân công) để tổ chức lại một bộ máy hậu cần chiến dịch gồm sở chỉ huy hậu phương, các kho, các tuyến vận tải, các đội điều trị... Ta đã tổ chức ba tuyến hậu cần chiến dịch2, mỗi tuyến đều có một ban chỉ huy riêng, không những chỉ đảm nhiệm công tác vận tải quân sự mà còn làm cả nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, thống nhất chỉ huy các ngành hậu cần trên toàn tuyến.

Vào cuối thượng tuần tháng 3, sau một thời gian cố gắng liên tục, công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn thành, thế trận chiến dịch đã triển khai xong, các đơn vị đã sẵn sàng nổ súng vào đúng ngày quy định. Trong thực tế, chiến dịch được tiến hành theo ba đợt:

Đợt 1 (từ 13 đến 17 tháng 3 năm 1954): Tiêu diệt hai cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo.

Nhiệm vụ của đợt tiến công thứ nhất là tiêu diệt cả ba trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, phá vỡ thế trận phòng ngự từ tây bắc sang đông bắc tập đoàn cứ điểm, đánh chiếm các vị trí vành ngoài, tạo điều kiện để ta thắt chặt vòng vây và tiến công vào khu trung tâm.

Nhiệm vụ cụ thể các đơn vị được phân công như sau: Đại đoàn 312 (thiếu trung đoàn 165) tiến công trung tâm đề kháng Him Lam; trung đoàn 165 Đại đoàn 312 và trung đoàn 88 Đại đoàn 308 tiến công trung tâm đề kháng Độc Lập; trung đoàn 36 Đại đoàn 308 tiến công trung tâm đề kháng Bản Kéo; Đại đoàn 316 (thiếu trung đoàn 176) tổ chức nghi binh và bí mật xây dựng trận địa tiến công ở phía đông phân khu trung tâm; trung đoàn 57 Đại đoàn 304 tổ chức hoả lực kiềm chế pháo binh địch phân khu Hồng Cúm; Đại đoàn công pháo 351 bắn phá hoại công sự địch trong các trung tâm đề kháng chi viện cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, tập kích hoả lực vào sân bay, sở chỉ huy, kho tàng của chúng.

Lúc đầu, ta định đồng thời đánh cả Him Lam, Độc Lập và bao vây Bản Kéo. Nhưng khi trinh sát lần cuối, phát hiện địch bố trí nhiều hoả điểm tiền duyên ở Him Lam và Độc Lập, Bộ chỉ huy chiến địch quyết định tập trung pháo ngắm bắn trực tiếp đánh Him Lam trước, rồi nhanh chóng cơ động pháo sang đánh Độc Lập sau.

Trung tâm đề kháng Him Lam có năm điểm cao được tổ chức thành ba cứ điểm vững chắc do tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 (3/13 DBLE) phòng giữ. Cứ điểm 1 (102) ở phía tây, gồm hai cao điểm 515 và 507, là điểm tựa chủ yếu có sở chỉ huy tiểu đoàn. Cứ điểm 2 (101A) ở đông bắc gồm hai cao điểm 517,5 và 505. Cứ điểm 3 (101B) ở phía nam, là đồi trọc, thấp hơn hẳn cứ điểm 1 và 2. Ở từng cứ điểm trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, có nhiều lô cốt và chiến hào, vòng ngoài có bốn đến sáu hàng rào dây thép gai và nhiều bãi mìn rộng từ 100 đến 200m.

Xác định đây là trận then chốt mở màn chiến dịch, Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ đánh Him Lam cho Đại đoàn 312 và tăng cường cho đại đoàn hai đại đội sơn pháo 75mm (6k), hai đại đội cối 120mm (8k), hai đại đội cối 82mm (8k). Trong quá trình chiến đấu, đại đoàn còn được hai đại đội lựu pháo 105mm chi viện trực tiếp.

Theo kế hoạch, 16 giờ pháo binh sẽ bắn chuẩn bị 15 phút, sau đó chi viện trực tiếp cho Đại đoàn 312 tấn công. Phát hiện ta xây dựng trận địa tiến công, khoảng 12 giờ ngày 13, địch cho một đại đội bộ binh cùng hai xe tăng từ Mường Thanh ra đánh phá. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho đại đội 806 (lựu pháo 105mm) bắn 20 quả vào trung tâm đề kháng Him Lam. 18 quả đạn của ta bắn trúng mục tiêu, tên thiếu tá Pê-giô tiểu đoàn trưởng cùng ba sĩ quan khác bị chết trong loạt đạn này, bọn địch đi lùng sục hoảng sợ bỏ chạy về Mường Thanh.

Đúng 17 giờ, pháo 105mm của ta bắn cấp tập, mãnh liệt vào các trận địa pháo của địch ở 307A, 307B, chân đồi A và D, sau đó chuyển sang bắn phá hoại sân bay và cứ điểm 1, cứ điểm 3. Tranh thủ thời cơ địch bị chế áp, hỏa lực các cỡ của Đại đoàn 312 vào chiếm lĩnh trận địa, tham gia bắn phá hoại, chi viện trực tiếp cho bộ binh chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong. Kết quả hoả lực bắn chuẩn bị rất tốt, đã làm tê liệt các trận địa pháo, sân bay, phá hủy nhiều mục tiêu, công sự trận địa hoả lực của địch, chi viện có hiệu quả cho các tiểu đoàn bộ binh hoàn thành việc chiếm lĩnh trận địa tiến công.

Từ 18 giờ 30, bộ binh ta bắt đầu mở cửa, trung đoàn 141 (ba tiểu đoàn) sử dụng tiểu đoàn 11 làm nhiệm vụ chủ công, tiến công trên hướng bắc tiêu diệt cứ điểm 102; tiểu đoàn 428 làm nhiệm vụ trợ công, tiến công trên hướng đông bắc tiêu diệt cứ điểm 101A. Trung đoàn 209 sử dụng tiểu đoàn 130 tiến công trên hướng đông nam tiêu diệt cứ điểm 101B.

Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt, nhất là trên hướng chủ yếu khi tiến công cứ điểm 102. Đây là cứ điểm rắn nhất của trung tâm Him Lam, đại đoàn phải tung lực lượng dự bị (tiểu đoàn 166 thuộc trung đoàn 209) vào tham gia chiến đấu, đồng thời có một mũi của tiểu đoàn 128 đánh từ 101A sang phối hợp mới chiếm được cứ điểm cuối cùng này.

Khoảng 23 giờ 30 phút, trận đánh kết thúc: trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt. Hơn 200 tên bị chết, 270 tên bị bắt sống, tiểu đoàn lê dương số 3 bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Mất Him Lam, Bộ chỉ huy Pháp bàng hoàng và liên tục thúc dục Đờ Cát tung quân ra phản kích chiếm lại. Nhưng trong suốt ngày 14, Đờ Cát không có cơ hội làm điều đó vì phải lo chỉ huy cấp dưới củng cố lại trận địa và đối phó với các cuộc tập kích hỏa lực chính xác của pháo binh ta. Đặc biệt, khu vực sân bay Mường Thanh đã bị pháo binh ta khống chế chặt chẽ. Chiều ngày 14 tháng 3, địch cho tiểu đoàn dù ngụy số 5 (5[supe[/sup] BPV) nhảy dù xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ.

Đêm 14 tháng 3, ta mở cuộc tiến công vào trung tâm đề kháng đồi Độc Lập, một cụm cứ điểm có chiều dài khoảng 500m, rộng 200m cách trung tâm Mường Thanh bốn ki-lô-mét về phía bắc. Đây được coi là cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố nhất của Điện Biên Phủ, trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, có hệ thống công sự phụ khá mạnh, xung quanh có nhiều lớp hàng rào vật cản nhất là ở phía bắc và phía nam. Trung tâm do tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn An-giê-ri thứ 7 (5/7 RTA) và một đại đội ngụy Thái chiếm giữ.

Nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập được giao cho trung đoàn 165 Đại đoàn 312 và trung đoàn 88 Đại đoàn 308, được tăng cường hai đại đội sơn pháo 75mm cùng hai đại đội cối 120mm vừa đánh Him Lam xong. Chỉ huy trận đánh là đồng chí Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308.

Trung đoàn 165 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu đột phá từ hướng đông nam vào, trung đoàn 88 đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu đột phá từ hướng đông bắc vào. Trận đánh dự định vào 16 giờ 45 phút ngày 14, nhưng do trời mưa, sơn pháo 75mm và cối 120mm từ Him Lam chưa sang kịp, đồng chí Chỉ huy trưởng trận đánh quyết định để lựu pháo 105mm bắn chuẩn bị vào 17 giờ theo kế hoạch, còn bộ binh chờ pháo ở Him Lam tới, chuẩn bị thật chu đáo mới nổ súng.

2 giờ sáng ngày 15, sơn pháo 75mm và cối 120mm có mặt đầy đủ và nhanh chóng bắt tay vào xây dựng trận địa bắn. Đúng 3 giờ 30 phút, đồng chí Chỉ huy trưởng hạ lệnh nổ súng tiến công đồi Độc Lập. Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 165 đột phá thuận lợi. Một mũi thọc sâu để tạo điều kiện cho trung đoàn nhanh chóng đánh sâu vào cứ điểm, diệt khu thông tin, trận địa cối, uy hiếp sở chỉ huy. Trên hướng thứ yếu, trung đoàn 88 lúc đầu mở cửa chưa đúng hướng, phải định hướng lại do đó vào chiến đấu bên trong chậm hơn. Cuộc chiến đấu bên trong khá quyết liệt, song do tinh thần chiến đấu dũng cảm và sức tiến công áp đảo, 6 giờ 30 phút ngày 15 ta hoàn toàn làm chủ trung tâm đề kháng đồi Độc Lập, diệt 483 tên, bắt 200 tên, trong đó có hai tên tiểu đoàn trưởng.

Trong lúc trận đánh đang diễn ra trên đồi Độc Lập, địch đã điều một tiểu đoàn bộ binh cùng năm xe tăng ra tăng viện. Lực lượng này bị pháo binh của ta bắn chặn, cháy một xe tăng, thương vong một số tên, chúng phải chạy về Bản Kéo.

Hai trung tâm đề kháng Him Lam và Độc Lập thất thủ, tinh thần binh lính địch ở trung tâm đề kháng Bản Kéo suy sụp. Theo kế hoạch, trung đoàn 36 Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ triển khai tiến công tiêu diệt Bản Kéo. 15 giờ ngày 11 tháng 3, sau khi ta bắn 20 quả lựu pháo 105mm uy hiếp và tiến hành binh vận gọi hàng, mặc dù bị bọn chỉ huy khống chế, binh lính tiểu đoàn ngụy Thái số 3 (3e BTA) đóng ở Bản Kéo đã kéo cờ trắng chạy vào rừng đầu hàng quân ta. Trung đoàn 36 chưa cần nổ súng đã chiếm được cụm cứ điểm Bản Kéo, tiếp nhận 232 hàng binh.

Đến đây, ta kết thúc đợt một chiến dịch. Trong năm ngày với hai trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng lớn ta đã đập tan hệ thống phòng ngự tiền tiêu của địch trên hướng bắc và đông bắc, mở thông cửa xuống vùng lòng chảo, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chiến dịch áp sát khu trung tâm. Đây là thắng lợi mở đầu rất quan trọng không chỉ về quân sự mà còn đánh mạnh vào tinh thần, tâm lý của địch, làm cho chúng vô cùng hoảng sợ, đối phó lúng túng.
_____________________________________
1. Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp. Lực lượng huy động cho chiến dịch lên tới 53.830 người, cộng với 33.000 thanh niên xung phong và dân công thường xuyên phục vụ. Hậu cần chiến dịch đã đảm bảo cho bộ đội 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu. 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác; đã cứu chữa 10.130 thương binh, 4.429 bệnh binh. Để có lượng lương thực, thực phẩm trên cung cấp cho chiến dịch, Hội đồng cung cấp Mặt trận đã huy động 25.056 tấn gạo và 1.824 tấn thực phẩm. Về nhân lực đã huy động 261.453 lượt người, phục vụ gần 12 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 736 xe thô sơ khác...
2. Ba tuyến hậu cần chiến dịch là: Tuyến Sơn La - Tuần Giáo gồm các lực lượng vận tải, kho tàng, đội điều trị 6 (sau chuyển thành bệnh viện Mặt trận Sơn La); tuyến Tuần Giáo - Km 62 đường vào Điện Biên Phủ cũng gồm các lực lượng vận tải, kho tàng, đội điều trị 7 (sau chuyển thành bệnh viện Mặt trận); tuyến Hậu cần hỏa tuyến ngoài lực lượng vận tải, kho tàng còn hai đội điều trị 1 và 4.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM