Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 01:13:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ điểm chốt bắt đầu (Ký về Sư đoàn 341 - Sông Lam)  (Đọc 293567 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
behienQYV7C
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1482


« Trả lời #70 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2011, 02:07:25 pm »

Behien đã thấy rõ hình máy bay "cá rô" của bạn lethanh80 gửi lên chưa? Thỏa mãn rồi chứ? Nếu Behien thích hôm nào xuống "Nhà trưng bày di tích chiến tranh" số 14 đường Võ Văn Tần, anh sẽ chụp ảnh cho behien QYV7C đứng bên chiếc trực thăng Mỹ nha, miễn phí 100% khuyến mãi cafe, nước ngọt.
Chúc BehienQYV7C vui ve trong ngày chủ nhật này nghe.

Cám ơn anh lethanh80 cho BH xem biết " con cá rô " ra sao ? ngày xưa nó là một trong vũ khí làm sát thương bộ đội ta tương đối nhiều, vì nó thường vo ve ở những tuyến đường " trọng yếu " nó tới rất nhanh nên khó ai tránh được, BH có 2 người chú , một chú ruột và một chú nuôi , chết vì bị " cá rô " chụp . nghe nói nó bay và có mang theo khẩu súng gì đó , khi gặp bộ đội nó quạt là không chạy thoát với nó Sad .

Còn cái nhà " trưng bày di tích chiến tranh " năm 1979 nó có tên là " bảo tàng triển lãm tội các Mỹ ngụy " anh ĐTS biết không ? năm đó BH mới học lớp 5 , có lần cô giáo dẫn các học sinh đi tham quan ở đó , BH thấy cái lọ có em bé bị ướp formol , đứa bé bị quân Mỹ mổ bụng người mẹ lấy ra trong trận càn Sơn Mỹ , lần đó BH đã sợ mấy năm trời đó anh Sơn Sad .

Anh Sơn hiện ở Sài gòn hay Hà nội mà nói chụp ảnh cho BH , hihi .
Logged

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #71 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2011, 02:43:32 pm »

Đúng rồi Behien ah, tháng 3 năm 1977, anh cùng với anh em trong lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện Quân đoàn 4 vào tham quan lần đầu tiên ở Bảo tàng tội ác chiến tranh Mỹ ngụy. Hồi ấy có triển lãm cái máy chém khổng lồ của chế độ Ngô Đình Diệm. Người bị hành quyết cuối cùng là đ/c Hoàng Lệ Kha - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh theo luật 10/59 vào lúc 5 giờ sáng tại Trảng Lớn, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Anh hiện sinh sống tại TP.HCM, nếu tính ra ở SG từ ngày đầu giải phóng đến nay. Tuy nhiên trong đó có thời gian ở chiến trường biên giới Tây Nam và chiến trường K. Nhưng thỉnh thoảng vẫn về SG công tác, vì Quân đoàn bộ đóng ở căn cứ Sóng Thần.
Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #72 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2011, 07:17:13 pm »

  Không biết thời các bạn ở QD4 ,chú Hoàng mình Phương đã về làm PTL QD chưa ? Hôm rồi trong TP Bác ,mấy chị em mình được gặp chú khi chú đến viếng anh Hải . Chú là người được BQP cử đi đón ông già và cả nhà mình ở Bằng Tường khi ông về nước năm 1956 . Chú kể xong chuyện ông già nói với chú về Tổ quốc thì bắt đầu kể chuyện khi chú ở K . Chú bảo khi đó chú gửi lương về cô bảo chú mua mì chính gửi về thì lương sẽ được tăng gấp đôi khi cô bán đi số mì chính đó. Nhưng chú không làm được vì mình là lãnh đạo ai lại làm thế ?
 Mình kể thế mà cháu lại sang mua được xe máy đấy chú ạ . Chú bảo cái con Hatuyenha@ này ghê thật.
Logged
lethanh80
Thành viên
*
Bài viết: 270


« Trả lời #73 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2011, 08:12:10 pm »

Cái súng của chiếc cán gáo này không phải là MINIGUN đâu bác ạ. Mini gì mà to thế. Nó là Machine gun. Nó bắn dai như bò đái. Sau 1972 không có nó nữa là vì 2 loại này là đặc sản của không quân Mỹ, Không quân VNCH chưa được chơi thứ này.
     Đúng rồi MACHINE chứ không phải MINI,cảm ơn bác Hiêu6x đính chính giúp.Cái con cá rô khi nó vãi đạn thì kinh lắm,lợi hại hơn dòng UH1<cá nóc> nhiều chỉ có yếu điểm là không chở quân được.Không biết sau 75 ta có đươc chiếc nào không chứ  loại này hồi nào tới giờ không thấy trong các bảo tàng ở tp.
     
     
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #74 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2011, 10:57:43 pm »

Tiếp theo :KÝ ỨC SƯ ĐOÀN
Trong những tuần đầu sau ngày nhập ngũ, chúng tôi được học về chính trị, 10 lời thề danh dự của QĐNDVN và 12 điều kỷ luật. Hàng ngày huấn luyện về điều lệnh đội ngũ, điều lệnh nội vụ. Buổi tối sinh hoạt tiểu đội hoặc đại đội, chỉ có tối thứ 7 và tối chủ nhật chúng tôi được nghỉ xả hơi thoải mái. Sinh hoạt tiểu đội chủ yếu là thảo luận chính trị, còn sinh hoạt văn hóa văn nghệ là tập hát những bài hát truyền thống. Tôi thích nhất là bài “Tiến bước dưới quân kỳ” và một bài tôi không nhớ tên, nhưng có mấy câu đầu như thế này: “Ta ra đi khi đầu trần chân đất, qua núi non cao không một dấu chân người. Uống nước suối trong chia nhau củ sắn lùi, bên bếp nhà sàn sưởi ấm bao niềm vui…”  Trong tiểu đội, có Tân, Đề, Trung và tôi là hay phát biểu thảo luận, còn mấy anh em khác rất ít phát biểu. Có lẽ do họ ngại nói trước đám đông hoặc cũng có thể do lý do khác. Khi bước sang tháng 1 năm 1975, chúng tôi bắt đầu học xạ kích bắn súng bài 1 và tập chiến thuật tấn công cấp trung đội. Thao trường tập đội ngũ và thể dục là bãi cát ven sông, thao trường tập chiến thuật là những bãi đất bỏ hoang của dân.
 Quê tôi nghèo nhưng người dân quê tôi hết sức tốt bụng, và đặc biệt rất thương yêu bộ đội. Có nhiều đơn vị chiến đấu ở Lào, hoặc trong miền Nam ra đều ở lại quê tôi an dưỡng một thời gian, sau đó lại vào chiến trường chiến đấu. Tôi không nhớ Lữ đoàn 22 này đóng quân ở quê tôi từ năm nào và rút đi từ khi nào sau khi chúng tôi vào Nam chiến đấu. Nhưng đối với các chiến sỹ tân binh khắp mọi vùng quê về đây để huấn luyện thì họ không bao giờ quên được những kỷ niệm và tình thương của đồng bào quê tôi dành cho họ. Họ sẽ nhớ mãi tên đất tên làng và con người ở đây. Có thể nói hàng vạn người lính ở Lữ đoàn 22 sau 3 tháng huấn luyện từ nơi đây rầm rập ra trận bổ sung cho cả 3 chiến trường K, B, C. Ai mất? ai còn? ai có lần quay về nơi đầu tiên họ trở thành người lính? Một năm Lữ đoàn 22 nhận hai đợt tân binh, mỗi đợt hàng trăm người. Trong những ngày đầu sau khi khoác lên người bộ quân phục, công việc đầu tiên đối với họ là tỏa đi khắp mọi nhà mọi ngõ ngách thôn xóm của các xã để xin tre, lá cọ về làm doanh trại. Người dân cho hết chú bộ đội này rồi đến chú bộ đội khác khác, cho đợt này rồi đến đợt khác, đến khi những cây cọ trơ trụi lá, bụi tre xác xơ không còn những cây tre già nữa thì thôi. Có thể bạn cho rằng tôi nói ngoa điều ấy. Bạn cứ hỏi ai tùng là cán bộ khung hay là tân binh của Đoàn 22 thì sẽ rõ. Nhiều chú bộ đội thấy ái ngại móc tiền ra trả, nhưng họ không lấy. Mặc dù tre và lá cọ là nguồn thu nhập từ mảnh vườn nghèo khó của gia đình họ. Còn tôi may mắn là quê ở đây nên không phải đi xin tre lá. Ngày thứ 3 sau ngày nhập ngũ tôi về nhà vác dao ra bụi tre sau vườn, chọn cây tre to, dài và thẳng nhất để đốn rồi nhễ nhại mồ hôi vác về đơn vị.

Thứ 7, ngày 25/1/1975, tôi được đơn vị cho về nhà lấy màu và bút lông để làm báo tường cho số báo “Mừng xuân dâng Đảng” sắp tới của đơn vị. Vì ở đại đội thì đào đâu ra những thứ đó? Còn ở nhà tôi có đủ các loại màu vẽ, nào là hộp màu nước của Trung Quốc bên ngoài in hình chiếc phản lực Mỹ đang bốc cháy trên ngọn dừa, nào là màu bột (hồi đó thường gọi là bột goát), nào là a dao để pha màu và các loại bút vẽ từ số nhỏ đến số to. Vậy tôi lại có dịp được về thăm nhà. Về nhà đáng lẽ tôi vui mừng, nhưng không hiểu sao lòng buồn man mác, đứng ngồi không yên và cũng chẳng biết đi đâu. Tôi bèn sang Sơn Thủy và đến nhà Hồng Nga, cô bạn gái mà tôi thầm yêu trộm nhớ lúc đi học. Tôi và Nga lặng lẽ ngồi nhìn nhau mà chẳng nói được gì nhiều. Tôi chỉ lắng nghe Nga kể chuyện học hành và công việc thường nhật, còn tôi kể chuyện tập luyện ở đơn vị rồi tôi giả vờ nói buồn chán vì mệt mỏi. Thấy thế Nga đã động viên tôi hãy an tâm làm nhiệm vụ ...
Hôm nay là ngày chủ nhật, anh em trong đại đội vào rừng lấy củi, tôi và Cường được đơn vị phân công làm báo tường cho đại đội. Cường là dân thị trấn, nhà có tiệm chụp hình “Việt Hùng”, cậu ta cũng có hoa tay nên vẽ khá đẹp. Hai đứa tôi vừa vẽ, vừa biên tập lại bài của anh em rồi viết vào tờ báo. Lúc học phổ thông, tôi là người thường xuyên đảm nhiệm việc kẻ khẩu hiệu và làm báo tường, báo liếp cho lớp nên việc làm báo đối với tôi chẳng có gì khó khăn, hết ngày thứ 2 thì tờ báo cũng hoàn thành. Nhìn chung cũng khá đẹp. Nhưng có lẽ quá hài hước nếu tôi trích vào đây mấy bài thơ của các “liều thơ” đại đội 4, vì một số cậu làm thơ bằng cách lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” chắp vá vào nhau làm cho tôi và Cường cười  đau cả bụng, sặc sụa chảy cả nước mắt:
Bài thơ về anh bộ đội có câu:
“…Hoan hô chiến sỹ Điện Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên Sông Hồng…”

Có cậu làm bài thơ nói về “Thi đua” của đơn vị như sau:
“Thi đua ta quyết thi đua.
Thi đua ta quyết không thua thằng nào.
Thằng nào ta cũng thi đua
Thi đua ta quyết vươn lên hàng đầu
Thằng đầu nó đứng đi đâu?
Thằng đầu nó đứng lên đầu thằng sau…”

Còn bài tiễn đưa bằng thơ lục bát thì có 2 câu “quá hay”:
“Tiễn anh ra bến ô tô
Em về em khóc tồ tồ cả đêm…”

Có lẽ nhà thơ Bút Tre cũng “chắp tay” chào thua kiểu thơ này. Thế nhưng trong đại đội cũng có một số bài thơ và văn viết khá hay như của Nguyễn Quốc Trung hoặc của một số anh em khác. Tôi cũng nhờ Trung sửa lại một số bài của anh em trước khi viết vào tờ báo. (Bây giờ Nguyễn Quốc Trung là đại tá nhà văn quân đội và hiện đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội)
                  *
                    *      *
(Còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười Một, 2011, 09:52:06 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #75 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2011, 04:43:48 pm »

           Chào bạn ĐTS . hồi ký về thời đâu nhập ngũ của bạn viết rất hay, cuốn hút người đọc. Đã là bộ đội thì ai cũng có cái thời kỳ đầu này. Nên đọc bài của bạn TP cũng thấy giống giống như là thời kỳ đầu của TP. TP còn nhở hôm đầu nhập ngũ được phân về b3-c5-d817-QK3. TP được bổ xung nên nhập ngũ sau đột hơn chục ngày so với ae khác.

           Đi bộ vừa đói vừa mệt từ thị xã TB tới xã Lô Giang Huyện Đông Hưng khoảng hơn 20km. 8h Tối đ/c Trung đội trưởng Đởn nhận và dẫn mình về Trung đội . Đ/c Đởn vừa đi vừa nói: Trung đội 3 đang xây dựng là Trung Đội "đột phá" của Đại đội. TP có biết đột phá là gì đâu nghĩ ngay đến những hình ảnh trong những bộ phim, mà có nhiều người ôm những khối thuốc nổ (Bộc phá)vuông, hoặc dài lên đánh hàng rào ,hay lô cốt giặc trong khi đối phương đang bắn xối xả. và thường là anh dũng hy sinh. TP bắt đầu nghĩ đến hy sinh và cái chết thật sợ. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười về sự ngây thơ thời đầu quân ngũ đó.

                      Chúc bạn cùng gia đình khỏe, luôn có nhiều niềm vui cuộc sống !
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #76 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2011, 09:43:10 pm »

(Tiếp theo KÝ ỨC SƯ ĐOÀN)
Có lẽ cái ngại nhất đối với chúng tôi lúc bấy giờ là phải gác đêm. Đang tuổi ăn tuổi ngủ mà phải thức đêm thì quả thật là khó chịu. Chúng tôi bắt đầu gác từ 9 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Mỗi người một tiếng đồng hồ theo thứ tự xoay vòng. Cậu nào được gác ca đầu hoặc ca cuối thì mừng ra mặt. Nhưng vì xoay vòng nên anh chàng nào cũng trực đủ các giờ trong đêm. Súng thì chẳng có viên đạn nào, nhưng đêm đêm vẫn mang súng AK đứng gác trong khu vực được phân công. Trời thì lạnh, muỗi vo ve, lai buồn ngủ nữa, có bữa tôi ngồi hiên nhà ngủ gà ngủ gật. Nếu chẳng may anh nào bỏ gác cán bộ trực ban hoặc cán bộ đại đội bắt được thì sẽ báo động làm mất ngủ toàn đại đội, và hôm sau sẽ bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống. Vì vậy anh nào cũng cố chịu đựng, chẳng dám bỏ gác. Cả tiểu đội có được một cái đồng hồ Ponjot không biết của ai vì tôi không nhớ. Thế là mỗi lần hết ca đổi gác, người trước đưa súng cho người sau và đưa luôn chiếc đồng hồ đó. Có đêm chẳng biết cậu nào buồn ngủ quá bèn vặn kim đồng hồ nhanh hơn 30 phút. Thế rồi người cuối cùng gác hoài mà chẳng thấy trời sáng. Khi tiếng kẻng báo thức của đại đội vang lên thì mới biết là đồng hồ bị chỉnh chạy nhanh 30 phút, vậy là ca gác sau cùng của cậu ta đúng một tiếng rưỡi.
Ngày ngày nhìn thấy những cây cam trĩu quả chín vàng mọng, nhưng chẳng dám xin, mà cũng chẳng hiểu sao không hỏi mua của dân, mặc dù thèm nhỏ nước dãi…Ai trong chúng tôi mới vào lính nên tiền trong túi hãy còn rủng rỉnh. Nhưng đêm canh gác, nhiều cậu đã hái trộm cam của dân để ăn. Tôi cũng vậy, có một lần thèm quá, tôi đã chọn một quả nấp trong tán lá, hái cam bằng cách ngắt luôn cả cuống, chứ không cầm quả cam rồi dứt ra. Vì làm như thế sẽ bị chủ nhà phát hiện do cuống cam lòi ra có khi cả mảng vỏ còn dính trên cuống cam. Tôi vừa gác vừa ăn cam và vứt vỏ vào cái hầm trú ẩn ven đường. Cam bù quê tôi là đặc sản, nếu cây tươi tốt quả to bằng cái bát sứ Hải Dương, có vị ngot thanh và rất thơm. Vì vậy ăn vụng cam nếu không rửa tay kỹ sẽ có có mùi thơm ở người ăn. Cậu Thân cũng “tinh ma”chỉ cho tôi sau khi ăn cam xong, bứt tàu lá nghệ xoa vào tay thế là mất hẳn mùi cam, chỉ còn mùi lá nghệ, sẽ không bị phát hiện…
Chúng tôi ở trong dân và được nhân dân rất tin yêu. Chủ nhà tôi ở cũng vậy, rất thương bộ đội. Trong nhà có cô em chồng tên là Xanh bị khuyết tật không nói được. Nói gì chỉ ra hiệu bằng tay, thế nhưng quý chúng tôi vô cùng. Hàng ngày đi tập về chưa đến giờ cơm, bụng đói meo, cô Xanh lại mang ra cho chúng tôi khi thì rổ khoai lang, khi thì khoai sắn. Nhà có bữa giỗ chúng tôi cũng được một mâm riêng để dành. Thế mà những quả cam chín vàng mọng lại cám dỗ, làm chúng tôi không thực hiện đúng 12 điều kỷ luật của quân đội. Tôi nghĩ rằng dân cũng biết mất cam, nhưng không nói ra thôi. Bây giờ nói ra điều này thật là xấu hổ, nhưng là kỷ niệm của người lính thuở ban đầu nên không thể không nói ra. Tôi cũng không nhớ nhà bác Sọan có mấy người con, chỉ nhớ chồng bác Sọan làm công nhân ở Lâm trường Hương Sơn, và có em Lý là con gái đầu lòng, lúc tôi đóng quân trong nhà Lý đang học lớp 7. Sau ngày giải phóng miền Nam tôi có gửi thư về mấy lần, sau rồi lười viết thư thành ra bặt vô âm tín. Vừa qua nghe Trung Trẹo về sinh sống ở quê nói rằng cô Xanh đã mất do bị bệnh, còn Lý thì lấy chồng về Sơn Diệm…

Ở Hà tĩnh có câu nói: “Trai Đức Thọ, gái Hương Sơn”. Quả thật con gái quê tôi nổi tiếng là xinh xắn. Tuy nhiên ở cái xóm nhỏ nơi chúng tôi đóng quân thì không thấy cô nào xinh cả. Nhưng xóm dưới có một cô gái khá xinh tên là Duyên, Duyên là con nhà bà Tiến nên anh em thường gọi là Duyên Tiến. Nghe anh em nói Duyên là bạn gái của Nguyễn Trịnh Ngọ. Hai người yêu nhau khi đang còn học ở trường cấp III. Ngọ là người xã Sơn Tây, có dáng người cao ráo, đẹp trai và có máu văn nghệ. Bỡi Ngọ là người ngâm thơ, thổi sáo và chơi đàn mandoline khá hay. Thỉnh thoảng Duyên có vào đơn vị thăm Ngọ, anh em lại bàn tán: Cặp ấy thật xứng đôi vừa lứa. Khi đang huấn luyện cùng đại đội 4 ở Đòan 22, tôi và Ngọ không chơi thân với nhau. Nhưng sau ngày về làm nhiệm vụ quân quản thành phố, thì tôi và Ngọ trở thành đôi bạn thân thiết. Tôi làm thống kê quân lực, còn Ngọ thì ở trung đội trinh sát. Nhưng có gì hai đưa cũng chia sẻ cho nhau.Tôi sẽ nói thêm về Ngọ ở phần sau.
Thường thường chiều ngày chủ nhật được nghỉ xả hơi, có dịp là chúng tôi sang thị trấn Phố Châu để mua sắm lặt vặt và sửa chữa quần áo. Hồi ấy qua Phi Nga, tôi quen được cô thợ may tên Ngọc khá xinh xắn, (vì Nga và Ngọc chơi thân với nhau). Lúc còn học chung với nhau, tôi rất mến Nga, nhưng Nga là dân thị trấn, học khá môn văn, nên chúng tôi thường ganh đua với nhau. Hơn nữa Nga cũng khá xinh nên có một chút gì đó hơi kiêu kiêu. Vì thế tôi cảm thấy không hợp, dần dần tình cảm giữa tôi và Nga nhạt dần. Còn Ngọc vừa xinh lại có nét thùy mỵ, nói chuyện cũng rất có duyên, nên chúng tôi nhanh chóng trở thành đôi bạn thân. Hễ có dịp rãnh rỗi là tôi sang nhà Ngọc chơi. Vừa để sửa quân phục, vừa có dịp nói chuyện tào lao về tình bạn, tình yêu, về cặp này cặp nọ, chứ cũng chẳng có gì đặc sắc. Mẹ của Ngọc cứ nghĩ rằng tôi và Ngọc yêu nhau, nên mẹ Ngọc rất quý tôi. Nhưng thực tình tôi và Ngọc chỉ là bạn thân của nhau chứ không hề có chút yêu yêu gì cả. Sau này, khi tôi vào chiến trường B2, thỉnh thoảng Ngọc có xuống nhà tôi chơi, và điều đó cũng làm cho cha mẹ tôi lầm tưởng tôi và Ngọc yêu nhau.

Thứ 3, ngày 21 tháng 1, tôi nhận được thư của Phạm Văn Liên, cậu bạn thân học cùng lớp. Mặc dù ở cùng huyện thế nhưng chúng tôi không có dịp gặp được nhau, chỉ gửi thư trao đổi với nhau. Trong thư Liên đã kể chuyện ở quê và động viên tôi an tâm làm nhiệm vụ và hy vọng có dịp đọc được “tác phẩm” của tôi viết về đề tài người lính và chiến tranh. Thế nhưng cho đến bây giờ đầu đã hai thứ tóc, tôi cũng chẳng làm nên công cán gì, Cũng chẳng thành “lều văn” hay “lều thơ” gì như mong muốn của Liên. Tháng 12 năm 1982 tôi về quê gặp Liên, và thật vui Liên cũng ở DakLak về quê tổ chức đám cưới. Tôi đã đứng ra làm MC đám cưới cho Liên và Tuyên. Tất cả giới lời thiệu trong ngày đám cưới tôi làm bằng thơ lục bát. Có thể đó là đám cưới đặc biệt đầu tiên ở quê có anh bộ đội vừa làm MC giới thiệu bằng thơ, vừa làm "phó nhòm" chụp ảnh cho đôi uyên ương. Ngày đầu gặp lại cậu ấy tôi nói rằng: “Hình như mày thất vọng về tao phải không? Nhưng mày nhớ rằng hồi ấy trong xã đi 8 anh em, giờ chỉ mình tao còn mặc áo lính, cái “gáo” mẹ cho vẫn còn nguyên vẹn. Còn trên thân thể ít nhiều bị xây xát do trải qua 2 cuộc chiến…”
(Còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2011, 11:18:53 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #77 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2011, 09:47:10 pm »

(Tiếp theo : KÝ ỨC SƯ ĐOÀN)

VÀO SƯ ĐOÀN 341

Đang ngủ ngon giấc sau một ngày tập tành mệt nhoc, 4h30 phút ngày 31/01/1975, cũng là ngày thứ 6 của tuần thứ 7 kể từ ngày nhập ngũ, có lệnh báo động hành quân di chuyển. Chúng tôi ai nấy đều nhanh như sóc vội gấp màn chăn chiếu và tư trang bỏ vào ba lô nhanh chóng ra vị trí tập trung của đại đội là một bãi cát ven sông mà thường ngày vẫn tập thể dục sáng và tập điều lệnh đội ngũ. Đại đội trưởng Linh đọc tên điểm danh quân số từng trung đội. Sau khi điểm danh xong không thấy thiếu ai, đại đội trưởng ra lệnh từng trung đội đi theo một hàng dọc hành quân ra bến sông Ngàn Phố. Chúng tôi bước đi và xì xào to nhỏ với nhau về lần tập này. Đến bến sông, chúng tôi lần lượt bước lên chiếc đò ngang, đò chỉ chở được khoảng 15 chiến sỹ mỗi chuyến để qua sông sang đất Sơn Diệm. Từ bến sông chúng tôi đi qua bãi cát thoai thoải lên đường 8, và đi đến sân vận động. Đến nơi tôi thấy hàng chục chiếc xe Hồng Hà đã chờ sẵn. Khi đó chúng tôi mới chắc chắn biết rằng lần báo động tập hành quân di chuyển lần này không phải là tập, thực ra là hành quân đi xa. Lần lượt từng trung đội lên xe, sau khi gom đủ quân xe bắt đều chuyển bánh. Lúc này phía Đông trời đã ửng sáng, nhưng vì mùa đông nên sương mù chưa tan, trời vẫn còn tối mịt chưa thấy rõ mặt người.

Khi xe ra khỏi sân vận động rồi hướng ra phía Đông đường số 8, chúng tôi biết là đi vào Nam. Vì nếu xe chạy theo hướng Tây là sẽ sang nước Lào, (đường số 8 là con đường huyết mạch nối liền Quốc lộ 1 từ Ngã ba Bãi Vọt sang Lào (qua cửa khẩu cầu Treo bây giờ). Trong đầu tôi thầm nghĩ: ”Lần này bị cán bộ cho ăn quả lừa rồi” . Lúc ban đầu mọi người vẫn nghĩ là báo động tập. Và ai cũng nghĩ rằng “nếu có đi đâu thì cũng phải xong 3 tháng huấn luyện và ăn tết xong đã”. Nhưng không ngờ lần này chúng tôi bị “tập kích” như thế. Bỡi ngày chủ nhật trước đó 26 tháng 1 anh em vẫn vào rừng lấy củi, còn tôi vẫn ở nhà làm báo tường và kẻ khẩu hiệu chuẩn bị đón Tết. Tuy vậy cũng có người manh nha biết được là chuẩn bị vào Nam…
Trong đại đội có Lê Hồng Thân người Sơn Trà, nhìn cậu ta có vẻ cục mịch, nhưng không ngờ lại là người “khôn ranh” nhất đại đội. Chủ nhật lần trước đó đi lấy củi, thay vì lấy 30 kg về nộp cho đơn vị, cậu ta đã lấy luôn 70 kg, sau khi về đơn vị chỉ nộp một nửa, nên chủ nhật vừa rồi Thân không vô rừng lấy củi mà dông thẳng một mạch về nhà, buổi chiều lên đơn vị nộp số củi còn lại nên chẳng ai biết cậu ta mò về nhà. Hình như cũng phong phanh từ nguồn “thông tấn vỉa hè” từ đâu đó tiết lộ ra là cuối tháng này đơn vị sẽ đi B. Do vậy lần này về nhà cậu ta đã báo tin cho gia đình. Ngoài ra cũng có một vài anh em biết nữa. Mặc dù tôi luôn sát cán bộ trung đội và đại đội mà chẳng cảm nhận được điều gì sắp diễn ra. Đúng là mình lớ ngớ thật.
Sáng hôm đơn vị hành quân qua sông để sang sân vận động Sơn Diệm, nghe nói đã có rất nhiều thân nhân của anh trong đơn vị kéo sang Sơn Quang để đưa tiễn con em, nhưng không ai sang đò được. Có thể do bí mật quân sự và sợ anh em tụt tạt phía sau khi có người nhà đến, nên cán bộ cấp trên đã không cho người lái đò chở thân nhân của bộ đội sang sông.

Tôi cũng không biết hôm ấy chỉ có K8 hay có các K khác trong Đoàn 22 cùng hành quân. Nhưng biết rằng các đại đội trong tiểu đoàn tôi đã lần lượt tập kết theo đội hình từng đại đội tại sân vận động. Lại điểm danh quân số. Trong lúc điểm danh có một số cậu được sắp hàng riêng, đến khi chúng tôi lên xe, thì số anh em sắp hàng riêng đó được ở lại khung. Trong số đó có Cường (người cùng làm báo tường với tôi), Thái Vinh Quang người Sơn Thủy là bạn học. Sau ngày giải phóng Quang và Cường có đến tìm tôi ở đồn Cây Mai, nên tôi mới biết sau đó anh em ở lại được bổ sung cho đơn vị hải quân…
Sau khi kiểm tra đủ quân số. Cán bộ đại đội lệnh cho từng trung đội lên từng chiếc xe. Khi xe lần lượt chuyển bánh thì những người thân của bộ đội, nào cha, nào mẹ, nào chị, nào em chạy theo xe kêu tên bộ đội í a í ới, chẳng ai nghe được tiếng ai, vì tiếng động cơ xe nổ máy, tiếng người ồn ào như ong vỡ tổ. Nhiều người mẹ, người chị đã khóc lóc vì xe đã chạy không gặp được con. Tôi thì chẳng có ai đưa tiễn. Nhưng hôm đó khi bước chân lên đến đường 8, tình cờ tôi gặp được một người quen cùng xóm và gửi về nhà thư chúc Tết của đơn vị phát cho tất cả bộ đội trước đó mấy ngày. Tôi nhắn tin cho người nhà là hôm nay đơn vị tôi hành quân vô Nam. Tôi nhớ mãi chi tiết này, khi xe chạy đến chợ Choi (thuộc xã Sơn Hà), có Nguyễn Ngọc Hân (người Sơn Trà), cũng tình cờ nhìn thấy mẹ ở chợ nên cất tiếng gọi. Khi hai mẹ con nhìn thấy nhau, mẹ Hân chạy theo xe khóc và kêu gào. Vì đang giữ đội hình hành quân nên xe không thể dừng lại, Hân định nhảy xuống xe để gặp mẹ, nhưng do xe chạy nhanh, anh em trên xe thấy không an toàn nên đã giữ chân Hân lại. Mẹ của Hân chạy theo và vấp ngã sóng soài trên đường 8 hai tay chới với theo chiếc xe, chiếc rổ rau văng ra tung tóe trên đường đá sỏi gồ ghề, Hân quay đầu lại nhìn mẹ giàn dụa nước mắt trong khi xe vẫn lao đi. Khi về sư đoàn Hân được bổ sung về đại đội 8, tiểu đoàn 2, trung đoàn 273. Sau này, trong trận đánh địch ở ngã ba SăngKe Hân bị thương, được xe đưa về Việt Nam, khi xe chạy qua đường 13 để về về trạm phẩu tiền phương ở Bến Sỏi, chiếc xe Gat đưa Hân về bị bọn lính PolPot từ trong rừng Hòa Hội tập kích 12,7ly, Hân bị thương lần thứ 2 và đồng chí Tập chiến sỹ lái xe của Trung đoàn cũng bị thương luôn. Sau đó Hân được đưa về VQY 175, nhưng vì vết thương quá năng Hân đã hy sinh. Một điều oái oăm nữa cũng làm chúng tôi chạnh lòng và với cả với mẹ và gia đình cậu ấy: Khi Hân hy sinh ở QYV 175, bệnh viện không báo về đơn vị và cũng không báo về gia đình. Cho nên Hân không có giấy báo tử. Mãi những năm sau này gia đình đi hỏi khắp nơi và được xác nhận thì Hân mới được công nhận là liệt sỹ. Mẹ Hân nay đã lớn tuổi và già yếu, chiều chiều lại trông ra đầu ngõ như đợi chờ bước chân Hân về. Rồi mẹ lại bước vào nhà trầm ngâm nhìn lên di ảnh của người con trai mà mẹ mang nặng đẻ đau, đã hy sinh cho Tổ quốc khi còn tuổi đôi mươi, trên cái bàn thờ đơn sơ. Giá như ngày ấy xe dừng lại cho Hân được gặp mẹ vài phút, hoặc chúng tôi không giữ Hân lại trên xe thì có lẽ mẹ con Hân đã gặp nhau lần cuối cùng. Giá như… làm sao nói hết được hai từ giá như…

Từ lúc nhỏ cho tới lớn, tôi chưa từng đi ra khỏi huyện nhà, đây là lần tiên tôi đi xa nhất. Ngồi trên xe tâm trạng xốn xang khó tả và buồn vui lẫn lộn. Trên xe vừa đứng vừa ngồi, cậu Dông Tố là Việt Kiều Thái Lan về sống ở xã Sơn Tây, người cao to khá đẹp trai và mấy cậu nữa trên xe hát bài “Tiếng đàn Ta Lư” với ca từ xuyên tạc nghe cũng vui vui. Sau gần 4 ngày hành quân bằng xe ô tô, dọc đường xe dừng chân để nghỉ nấu cơm ăn. Tôi nhớ nhất là lúc dừng chân khi qua phà Ròn thuộc Quảng Bình, chúng tôi vào trong nhà dân để nghỉ. Khu vực này có vẻ nghèo, nhà lá đơn sơ chổ nào cũng cát trắng, nhưng được cái lòng dân không nghèo mà rất thương bộ đội ….
Khoảng 4h30 chiều ngày 03/02/1975 xe đưa chúng tôi đến Vĩnh Linh. Nơi tập kết là một sân bóng đá của Trung đoàn. Tôi cảm thấy mệt lữ và đói kinh khủng. Khi đang ngồi trên xe tôi cứ mường tượng sau khi xuống xe sẽ được đơn vị cho ăn cơm ngay, hoặc phát cho mỗi đứa một ổ bánh mì luộc thì sướng biết bao. Nhưng đến vị trí tập kết chúng tôi lại tiếp tục sắp hàng ngồi chờ đọc tên từng người biên chế về từng đơn vị. Đến lúc này tôi mới biết được phiên hiệu đơn vị mà chúng tôi đến là Sư đoàn 341, còn gọi là Đoàn Sông Lam.

 Đại đội tôi đóng quân ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp thuộc đặc khu Vĩnh Linh có hòm thư 271-588JB03. Hầu hết anh em cùng xã với tôi được bổ sung về tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 3, duy nhất tôi được về tiểu đoàn 1. Cũng chẳng hiểu sao tôi thuộc dạng “thấp bé nhẹ cân” nhưng lại được biên chế tiểu đội 10 là tiểu đội hỏa lực cối 60 ly của đại đội 3. Doanh trại của chúng tôi là những dãy nhà làm bằng cây rừng và lợp cũng bằng lá nằm trên một quả đồi thoai thoải. Phía trước dãy lán có một cái sân khá rộng có chăng cả lưới bóng chuyền. Đại đội có 3 trung đội, trung đội 1 anh Trần Quang Trung làm trung đội trưởng, trung đội 2 do anh Dũng (chúng tôi gọi là Dũng Râu vì anh có râu quai nón) làm trung đội trưởng, Trung đội 3 do anh Ngô Quảng Vinh làm Trung đội trưởng (Rất tiếc sau này, vào năm 1999 anh Ngô Quảng Vinh bị tai nạn trực thăng ở Lào cùng với đoàn cán bộ cao cấp, trong đó có trung tướng Đào Trọng Lịch hy sinh). Ngoài ba trung đội nói tên có thêm hai tiểu đội hỏa lực gọi là A10 của tôi và A11.
(Còn tiếp)


 
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Một, 2011, 09:50:23 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #78 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2011, 09:46:09 pm »

.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Một, 2011, 09:56:09 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #79 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2011, 10:26:59 pm »

Hình họp mặt E 273
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM