Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 12:47:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ điểm chốt bắt đầu (Ký về Sư đoàn 341 - Sông Lam)  (Đọc 293563 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #540 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2013, 11:35:07 pm »

CỰU CHIẾN BINH SƯ ĐOÀN 341 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH VIẾNG ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP









Chiều nay 13h30 ngày 12/10/2013. Đoàn cán bộ CCB Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) tại Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Đại tá Nguyễn Tấn Miên - Nguyên chủ nhiệm chính trị sư đoàn làm trưởng đoàn, vào hội trường Dinh Thống Nhất viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả của Quân đội ta với niềm kính trọng và tiếc thương vô bờ bến.

Chúng tôi bồi hồi nhớ lại cách đây hơn 40 năm, gắn với sự ra đời của Sư đoàn 341, là nhớ tới Đại tướng kính yêu. Bỡi ngày 7/9/1972, Đại tướng đã thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương điện chỉ thị cho Quân Khu 4: “Phải khẩn trương tổ chức xây dựng lực lượng mới, có chất lượng, luôn sẵn sàng cơ động tiêu diệt địch, gấp rút hoàn chỉnh kế hoạch tiêu diệt địch dùng bộ binh tiến công vào địa bàn Quân khu”. Tiếp theo chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 23/11/1972, Bộ Quốc Phòng ra quyết định thành lập lại Sư đoàn 341
Ngày 20/01/1975, theo yêu cầu của chiến trường miền Nam, Sư đoàn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Quân uỷ Trung ương – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ vào chiến đấu tại chiến trường B2, Đại tướng nói: "Sư đoàn 341 do Bộ trực tiếp trang bị, có nhiệm vụ vào tham gia chiến đấu tại chiến trường B2".

Nhận nhiệm vụ Bộ giao, cán bộ chiến sỹ sư đoàn đã gấp rut khẩn trương công tác chuẩn bị hành quân vào chiến trường. Ngày 03/02/1975, Sư đoàn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời làm lễ xuất quân.
Ngày 04/02/1975, Sư đoàn xuất phát hành quân vào chiến trường B2 bằng xe cơ giới, theo đường 9 đi về phía Tây, qua đèo Lao Bảo rồi theo đường Tây Trường Sơn, sư đoàn đã tiến thẳng vào Lộc Ninh trong một tháng với chặng đường gần 2000 km an toàn tuyệt đối.
Sau khi vào chiến trường B2, Sư đoàn nằm trong đội hình của Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) cùng với các đơn vị bạn, Sư đoàn đã tham gia giải giải phóng chi khu Chơn Thành, Dầu Tiếng, Túc Trưng, Gia Kiệm. Sư đoàn 341 cùng với  Sư đoàn 7 đã kiên cường chiến đấu đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài "bất khả xâm phạm" của địch tại Xuân Lộc. Ngày 27/4/1975, Sư đoàn nổ súng tiến đánh Trảng Bom, Suối Đỉa mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, Táo bạo, táo bạo hơn nữa" theo mệnh lệnh của Đại tướng, Sư đoàn nhanh chóng tiến đánh Hố Nai, sân bay Biên Hòa, cùng đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong ngày 30/4/1975.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, Sư đoàn được Bộ giao nhiệm vụ Quân quản thành phố. Đây là một nhiệm vụ hết sức mới mẻ. Đó là một trận chiến đấu mới âm thầm nhưng không ít gay go vất vả. Ngày đêm những người lính sư đoàn làm việc không mệt mỏi, tuần tra canh gác để cho thành phố được bình yên, đấu tranh với bọn phản cách mạng còn nằm lại, từng bước ổn định đời sống nhân dân, tham gia xây dựng chính quyền phường khóm đồng thời vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ngày 02/9/1976, khi vào thăm Sư đoàn, Đại tướng đã biểu dương khen ngợi: “ … Là một Sư đoàn trẻ nhất của quân đội ta, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, đã khẩn trương bước vào nhiệm vụ Quân quản và Sư đoàn lại hoàn thành tốt, được nhân dân yêu thương, mến phục nhất là về kỷ luật. Các đồng chí vào thành vẫn vững như thành, làm mẫu mực về xây dựng quân đội chính quy trong các lực lượng vũ trang ta ở phía Nam, cái này rất là đặc biệt. Tôi biểu dương chung thành tích của các đồng chí và đặc biệt biểu dương tinh thần đó…”.

Hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành của Sư đoàn 341, Sư đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc Phòng tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó hai lần được tuyên dương Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", Huân chương Apsara hạng Nhất của Nhà nước Campuchia...
Những thành tích mà Sư đoàn đạt được là kết quả của sự lãnh đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng với sự chỉ đạo trực tiếp của Quân đoàn 4, Quân khu 4, của nhân dân các nơi sư đoàn đứng chân. Đó là mồ hôi, xương máu sức lực và trí tuệ của hàng vạn cán bộ chiến sỹ cùa sư đoàn qua các thơi kỳ.

Đại tướng ra đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong trái tim và sâu thẳm ký ức người lính Sư đoàn 341, hình ảnh một vị Tướng đầy tình cảm trìu mến, thân thương và giản dị ngày đến thăm Sư đoàn còn đọng mãi trong ký ức chúng tôi...
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười, 2013, 11:45:41 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
mauphuongtim_258
Thành viên
*
Bài viết: 25


« Trả lời #541 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2013, 06:18:25 am »

SỰ XÚC PHẠM NGU DỐT



Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị anh hùng dân tộc, vị đại tướng đầu tiên của Việt Nam. Người được xem như vị tướng huyền thoại đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên cuộc kháng chiến oanh liệt chống lại kẻ thù, mang lại thắng lợi cuối cùng cho cả dân tộc ta.
   Chiều ngày 04 tháng 10 năm 2012, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời trong sự tiếc thương của cả dân tộc. Nhân dân Việt Nam không khỏi bồi hồi trước sự ra đi của một người anh hùng, một tượng đài sống về sức mạnh và ý chí quật cường, dẻo dai của nhân dân Việt Nam. Dư luận thế giới viết về đại tướng cũng như sự ra đi của ông bằng niềm tiếc thương và lòng kính trọng lớn lao. Báo chí cũng như các phương tiện truyền thông, các học giả lớn trên thế giới cũng nói về ông bằng những lời ca tụng, tiếc thương đối với một minh chứng hùng hồn cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam cũng như cuộc đấu tranh của các dân tộc vì độc lập, tự do, dân chủ trên thế giới.
   Có thế nói, không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết công lao của Đại tướng với thành quả cách mạng, với cuộc sống ngày hôm nay của bất cứ ai trên đất nước này. Là người Việt Nam, sẽ chẳng có điều gì ngoài những lời ngợi ca, biết ơn trân trọng, những tiếc thương với sự ra đi của ông. Vậy nên, thật đau xót khi tôi nhìn thấy những dòng viết thiếu tôn trọng, những hành động gây rối loạn của chính những con người được sinh ra và lớn lên trên chính đất nước này.
   JB Nguyễn Hữu Vinh, Phương Bích, Bùi Tín, page Nhật ký yêu nước là một trong những kẻ như thế.

   Dưới cái nhìn của một con người Việt Nam, một người Việt Nam bình thường được sống trên một đất nước hòa bình, ổn định, tôi không thể hiểu được những hành động đó. Hoặc đó là những kẻ ngu dốt, thiếu hiểu biết, không có nhận thức; bằng không, đó là những kẻ thiếu nhân tính, không có lương tri.
   Sẽ không có hành động nào đáng sợ hơn việc con người tự quay lưng với chính nguồn gốc của mình. Quay lưng, bôi nhọ phủ nhận những con người anh hùng của dân tộc, những người đã làm nên thắng lợi cho cuộc chiến đấu của đất nước khác nào, chúng đang phủ nhận lý do được sống tự do, yên ổn từng ngày của chính mình; phủ nhận toàn bộ những gì nhân dân Việt Nam đang được hưởng đằng sau những năm tháng chiến tranh gian khổ.
   Thử hỏi, ai đã đánh đổi mồ hôi, nước mắt và cả máu cho cuộc sống bình yên hôm nay của chúng. Trong những kẻ đó, có bao nhiêu người đã đi qua chiến tranh, đã biết đến mất mát, hi sinh, đau thương, nước mắt của chiến tranh để trân trọng những gì mà dân tộc đã có được, trân trọng những con người làm nên thắng lợi cho dân tộc này có được ngày hôm nay. Chúng nghĩ bôi nhọ, xuyên tạc hình ảnh một vị tướng anh hùng của dân tộc sẽ mang lại ý nghĩa gì. Ai sẽ tin những điều chúng nói. Như vậy chỉ khiến nhân dân Việt Nam phẫn nộ, phản cảm hơn với chúng.
   Còn nếu không phải đó là thiếu nhận thức, vô học, ngu dốt, chúng hẳn là những kẻ vô lương tâm, không có nhân tính.
   Chỉ có vô lương tâm với làm vậy với một người anh hùng lỗi lạc của dân tộc, người đã cùng với bao con người Việt Nam trong cuộc chiến mang lại thắng lợi cho nhân dân ta, người mà mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn không ngừng cống hiến, tham gia góp ý cho công cuộc xây dựng đất nước ngày hôm nay.
   Không chỉ vậy, đó còn là sự xúc phạm đối với một người vừa ra đi, ở tuổi xưa này hiếm ai đến được. Xúc phạm người đã chết, bịa đặt, xuyên tạc, hay lợi dụng cái chết để nói xấu chế độ, bôi nhọ Đảng, Nhà nước thì chỉ có kẻ vô nhân tính mới dám làm. Mọi người dân Việt Nam ghê sợ, coi thường hành động của chính chúng.
   Còn đáng khinh bỉ hơn nếu chúng sẵn sàng làm vậy vì những đồng tiền nhơ bẩn mà chúng nhận được từ bọn phản động, từ các thế lực thù địch. Hành động của chúng sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ của bất kì người dân nào.
   Mong linh hồn của đại tướng sẽ được thanh thản yên nghỉ. Nhân dân Việt Nam sẽ đời đời nhớ đến công lao, cũng như sự ra đi của Người.

Ann*



Bài này bác copy nơi khác thì phải trích dẫn nguồn, chứ không thì ai cũng nghĩ là bài của bác viết .
http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://kbchn.net/In/phan-hoi-bai-viet-cua-nha-bao-tran-nhat-phong-tren-bbc.aspx
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #542 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2013, 06:54:37 am »

Vâng cám ơn bạn mauphuongtim_258

Bài này mình cũng không biết tên tác giả chính thức, dưới bài có ghi tên là "Ann", mình đã chép nguyên tên tác giả vào rồi. Còn nguồn thì lấy từ tờ Phu Nữ New.
Chân thành cám ơn bạn.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #543 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2013, 07:52:57 am »

               Chào bác chủ! Tranphu341 rất cảm ơn Đậu Thanh Sơn đã đưa bức hình cùng bài viết về lễ viếng, Đoàn CCB Sư đoàn 341 đã kính viếng Đại Tướng Tại Dinh Độc Lập.

              Đúng là Sư đoàn 341 là Sư đoàn Tái thành lập sau một số các Sư đoàn khác. Nhưng Sư đoàn đã thường xuyện được sự quan tâm của Quân Ủy Trung Ương và sự quan tâm trực tiếp của Đại Tướng. Tranphu nhớ là khi Sư đoàn được chọn là Sư đoàn làm Quân Quản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau giải phóng 30/4, Thành phố còn vô cùng phức tạp. Nhưng chỉ một thời gian ngắn Sư đoàn 341 cùng với các đơn vị và các lực lượng khác đã xây dựng Thành Phố đi vào nền nếp. Mọi cán bộ chiến sỳ của Sư đoàn đều giữ nghiêm kỷ luật. Trong lần Đại Tướng vào Thăm Thành Phố, Vào thăm Sư đoàn. Đại Tướng đã tặng Sư đoàn dòng chữ mang rất nhiều ý nghĩa:
                                                           " VÀO THÀNH, VỮNG NHƯ THÀNH"

            Vâng chúng ta những CCB Sư đoàn 341. Là người lính của Đại Tướng xưa và nay khi Đại tướng đã về cõi VĨNH HẰNG. Còn chúng ta tưổi cũng đã cao hầu hết đã trở về với đời thường trừ một số Tướng lĩnh đang đương nhiệm. Chúng ta vẫn mãi mãi là người lính của Người chỉ huy, của người Anh cả, vị Tổng tư lệnh Đại Tướng VÕ VĂN GIÁP vô cùng kính yêu.
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #544 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2013, 09:37:12 am »

Chào bác Trần Phú

Có lẽ trong những ngày qua, từ khi Đại tướng  kính yêu của chúng ta ra đi, cũng như quân và dân cả nước, mỗi cán bộ chiến sỹ và CCB Sư đoàn 341 chúng ta đã xúc động vô cùng với niềm tíếc thương vô hạn đối với Đại tướng - Vị tướng nhân dân, người Anh hùng Dân tộc, Người đã dìu dắt Sư đoàn 341 chúng ta...
 Không có lời nào, từ ngữ nào diễn tả hết tình thương yêu của nhân dân đối với Đại tướng, và diễn tả hết sự ca ngợi của nhân dân Việt Nam và bạn bè Quốc tế nói về Người... Đạị tướng đã trở thành tượng đài trong lòng mỗi người dân và người chiến sỹ của Quân đội ND Việt Nam...

Chúc anh và gia đình nhiều sức khỏe.
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #545 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2013, 09:38:28 am »


MIÊN MAN NGHĨ VỀ BÁC GIÁP
(Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Mấy ngày hôm nay, mở mạng ra là đọc tin, bài viết về bác Giáp. Mình định rủ mấy anh em lớp cũ Đ.H ở Hà Nội ghé 30 Hoàng Diệu tưởng niệm Bác nhưng tối qua về ngang qua hơn 6h30 vẫn thấy dòng người vẫn đông đúc và chờ đợi, mình đành thôi.

Sự ra đi của Bác Giáp có ảnh hưởng sâu đậm đến người dân Việt Nam khắp các vùng miền đất nước, đặc biệt là các lão thành cách mạng, các quân nhân đã nghỉ hưu và những ai đã duyên lành có được một kỉ niệm cùng bác Giáp.

Sự ra đi của Bác Giáp cũng thổn thức những trái tim em nhỏ, dẫu các em chưa hiểu biết nhiều về vị anh hùng lững lẫy của đất nước.

Trước sự ra đi của Bác Giáp và tình yêu mến của nhân dân đang dành cho Bác, có ý kiến cho rằng, đó là dịp để nhiều người đang sống nhận thức lại giá trị sống!

Cũng có người nói rằng, tình cảm ấy cho thấy lòng dân, quan trọng là được nhân dân vinh danh!

Nhân dân đang đến gần với Bác Giáp hơn…và hơn bao giờ hết bác Giáp được tận hưởng niềm yêu mến mãnh liệt của muôn triệu trái tim con dân nước Việt và bè bạn khắp năm châu.

Việc lựa chọn địa điểm an táng Bác Giáp ở Quảng Bình lại là thể hiện tư duy tầm chiến lược và đầy chiều sâu nhân văn. Rồi đây Quảng Bình sẽ còn là một địa chỉ của lòng người đến thăm viếng bác Giáp- thăm viếng chốn yên nghỉ của vị danh nhân tỏa sáng đến muôn đời.

Hình như bác Giáp và gia đình Bác đang làm theo những chỉ dẫn của Di chúc Bác Hồ năm xưa…không tự chọn cho mình một khuôn viên đóng kín mà một không gian mở để yên giấc ngàn thu.

Người chiến sĩ cách mạng của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu là vậy, sống trong nhân gian và vẹn toàn giữa nhân dân.

Giá như có được một khoảng không đủ rộng để nhiều người, mọi người được có cơ đến tiễn đưa Bác Giáp nhiều hơn.

Bởi không phải ai cũng tranh thủ được nhiều thời gian và sự kiên nhẫn chờ đợi xếp hàng đến lượt mình trong khi dòng người vẫn trầm mặc nối dài tưởng chừng đến vô tận!.

Và cũng bởi nhiều người nói với nhau rằng, tình yêu thương Bác Giáp đang dâng lên trong tim họ và họ đang từ xa bày tỏ niềm ngưỡng vọng tiễn biệt. Nếu đến trực tiếp được 30 Hoàng Diệu thì đó là điều tốt, không đến được cũng đành cầm lòng vậy.

*

VĨ NHÂN…

(Viết trong ngày cả nước tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Sống làm nhân, chết hóa thần
Có những con người trở thành bất tử
Sẽ sống mãi với nhân dân trong từng trang sử
Bởi đơn giản là họ đã sống trọn vì dân
Dẫu thác rồi, dân mong được hóa thánh thần
Để phù trợ nhân dân muôn đời muôn kiếp
Để lịch sử không ngừng viết tiếp
Những trang sử vàng mang khuôn mặt vĩ nhân

Sống làm nhân, thác hóa thánh thần
Là những con người ắt đạo cao đức trọng
Tâm hồn họ như trùng dương dậy sóng
Biển sóng yêu thương dâng hiến vỗ về
Với những nẻo đời khắp mọi chốn quê
Với những lam lũ của con người trần tục
Với sâu thẳm của nhân gian đông đúc
Với vời vợi non xanh những ước vọng con người

Vĩ nhân là ai, vĩ nhân chính là người
Vĩ nhân là ai, vĩ nhân giản đơn thôi:
Người vĩ đại trong những tầng giản dị
Người cao sâu mà bình dân triết lý
Người đưa con người lên những nấc thang hoa
Người sống gần mà lại nghĩ rất xa
Không chỉ cho mình mà cho muôn vạn nẻo

Những vĩ nhân không bao giờ chết
Mà ánh mắt trùm xuyên suốt bao la
Những vĩ nhân trong thực tại đời ta
Là khát vọng của xa xưa tiền kiếp

Những vĩ nhân sở dĩ là vĩ nhân
Vì chính họ đã sống cho dân
Vì chính họ mới cần cho cuộc sống
Vì chính họ đã mang niềm hy vọng
Của vô lượng người, vô lượng con tim

Vĩ nhân tôi cần người dắt tôi lên
Để tôi thấy niềm tin nương tựa
Để tôi đến những miền đất hứa
Thoát thai tôi khỏi những nhọc nhằn
Tưới tắm tôi giữa những khô cằn
Của cuộc đời nhuốm màu ô trọc

Ta luôn khao khát những vĩ nhân
Sống cho nhân dân, chết hóa thánh thần
Để phò trợ nhân dân thêm nhiều lần nưã, lần nữa
Để mỗi sáng khi khung cửa mở
Ta thấy niềm tin dâng trọn một ngày!

Hà Nội, 10/10/2013
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #546 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2013, 09:43:13 am »

BẤT TỬ
(Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê
Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử
Thành Núi thành Mây thành Ruộng Đồng, Sông, Bể
Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông
Thành Đền thờ trong mỗi tấm lòng Dân
Thành Ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối
Thành Mặt trời cho trần gian nắng mới
Thành Mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng
Người ba năm không nói không cười vươn vai thành Phù Đổng
Người cuối đời phải dấu ánh sao Khuê trong tấc dạ trung thành
Nhẫn và Vinh đốn ngộ Vinh và Nhẫn
Trái tim hồng thành Xá lị, Kim đan
Người không nghĩ mình sẽ hóa Thánh nhân
Khi nằm xuống cả non sông thương khóc
Cả non sông thành Rồng chầu Hổ phục
Tôn vinh Người vị Thánh của lòng Dân
Bắn lên trời cao những tiếng sấm vang rền
Tiễn Người vào Bất Tử
Nghe trái đất rùng mình thương nhớ
Hướng về Người lấp lánh giữa trời sao…

Hà Nội, 10.10.2013
NGUYỄN TRỌNG TẠO


« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười, 2013, 12:50:05 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
Quocngoaicu
Thành viên
*
Bài viết: 373



« Trả lời #547 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2013, 11:11:48 am »

VỊ TƯỚNG GIÀ
(Nhà thơ Anh Ngọc)


Bài thơ nói về vị tướng già nghe sao sao ấy, không hay.
Bài này được phổ nhạc và mới phát trong chương trình trực tiếp sáng nay của VOVTV.
Logged
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #548 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2013, 04:34:46 pm »

VỊ TƯỚNG GIÀ

Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu".


(Nhà thơ Anh Ngọc)

BẤT TỬ
(Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)



Vetran chào bác chủ  và các bác tham gia topic. Hôm nay mới bình tĩnh đọc các bài thơ ca ngợi Đại tướng trong topic. Những bài thơ ca ngợi Đại Tướng thật tuyệt vời sâu sắc đầy đủ tất cả ý nghĩa "vắt" ra trong sâu thẳm ý nghĩ nhà thơ mà chắc chắn ai ai là từng là chiến sĩ của Người cũng "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" với nhà thơ Trọng Tạo, Anh Ngọc.Cám ơn  các nhà thơ và cả cám ơn @Dauthanhson, người đăng bài.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười, 2013, 03:15:22 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #549 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2013, 09:36:08 am »

Xin chào anh em và các thành viên VMH.
 Thanh Sơn xin chia sẻ một số hình ảnh của nhà văn Nguyễn Quang Vinh về nơi an nghỉ của Đại tướng sau lễ tang Người. Nguồn bài này lấy từ Báo giaoduc.net.vn.

Hình ảnh mới nhất về nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Bài và ảnh của nhà văn NGUYỄN QUANG VINH)

Sau khi quốc tang Đại tướng kết thúc, nhiều người dân nơi đây vẫn hàng  giờ đến viếng bên mộ Người. Là người con sinh ra trên mảnh đất Quảng Bình anh dũng, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng giống như bao người dân khác vẫn, hòa chung vào dòng người, lặng lẽ để ra viếng tại phần mộ vị Đại tướng kính yêu.
Trên trang cá nhân của mình, nhà văn đã chia sẻ dòng tâm trạng cùng nhiều hình ảnh nơi Đại tướng đang yên nghỉ ở Vũng Chùa - Đảo Yến. Đặc biệt nhà văn cho biết, người dân nơi đây đang phải chống trọi với trận bão lớn sắp tới.
"Mình biết là chỉ còn vài giờ nữa bão vào đất liền, Quảng Bình sẽ bị ảnh hưởng, sẽ mưa lớn và sau đó sẽ lũ lụt. Mình vội chạy ra viếng mộ Đại tướng.
Gió đã thổi mạnh, sóng biển ở vũng Chùa ào ạt đánh vào bờ. Rất nhiều đoàn xe, và người dân tới viếng mộ Người. Bây giờ thì nhân dân có thể đi xe tới sát chân mộ của Người từ Quốc lộ 1 A nếu ở Bắc vào. Sau khi qua đèo Ngang hay ở trong Nam ra thì khi đi qua cầu Roòn, nhìn thấy Bảng lớn chỉ vào Khu cảng Hòn La, bạn rẽ vào theo con đường ấy, thêm khoảng 1 km thì rẽ phải chạy một mạch đến chân đồi thông nơi an táng mộ Đại tướng.

Từ bãi để xe, chỉ cần đi 103 bậc rất thấp và thoáng, người già yếu vẫn lên được, là tới mộ. Bạn chỉ nên cầm hoa, không thắp hương. Thật cảm động. Đất trời đã ngưng gió, ngưng mưa cho ngày an táng. Tối qua,tới 12 giờ đêm nhân dân vẫn lên mộ viếng Người.

Giờ thì mưa bão rồi. Không ai muốn mưa bão, nhưng nếu mưa bão thì việc lớn đã toại nguyện. Chiều 13/10, tại khu Vũng Chùa, sau khi an táng, ráng trời bỗng nhiên đỏ rực lên, cảnh tượng đẹp đến tráng lệ quanh khu Mộ của Người.
Các chiến sĩ an ninh, quân đội vẫn túc trực nghiêm trang bên mộ Người, kính cẩn đứng nghiêm trước những người dân tới viếng mộ. Xe phát sóng di động của Vietel vẫn hoạt động tại chỗ phục vụ cho những công việc tiếp theo của Lễ an táng và cho nhân dân có sóng liên lạc.
Trong ngôi nhà công vụ xây theo kiểu đình làng, nhiều phòng ở, hàng lang rộng, thoáng đẹp để gia đình sau này tiếp khách, nghỉ ngơi, lễ tiết và làm chỗ ở cho lực lượng bảo vệ của quân đội.Vừa tiếp tục phục vụ nhân dân tới viếng, các chiến sĩ an ninh quân đội và cảnh sát vừa đang kéo buộc bảo vệ tấm bạt che mộ và che bàn thờ trước mộ.
Người nằm vị trí quá tuyệt vời, đầu quay về núi, từ vị trí này mắt Người ôm cả biển Đông. Mộ Người được phủ trong cát trắng Quảng Bình, trên nền đất núi là cát trắng tinh, trắng lắm, màu trắng nghẹn lắm, trắng như nước mắt....
Từ mộ của Người nghe rất rõ tiếng suối chảy róc rách, nghe rất rõ tiếng sóng biển, nghe rất rõ tiếng rừng cây xào xạc, và nghe rất rõ cả một tiếng gà gáy. Khi mình rời khu mộ chừng 15 phút thì trời bắt đầu đổ mưa.
Và khi đang viết những dòng này thì Quảng Bình đang mưa to, nhân dân đỏ mắt lo lắng một trận lũ lớn đang đe dọa".


Dưới đây là những hình ảnh mới nhất về nơi an nghỉ của Đại tướng do nhà văn Nguyễn Quang Vinh ghi nhận được.


Dọc đường  lên mộ, quanh khu đồi của nơi Đại tướng yên nghỉ có hàng ngàn vòng hoa ...


Đường lên mộ Đại tướng, 103 bậc đá hoa cương


Phần mộ Đại tướng


Hàng giờ, rất nhiều người dân thay phiên nhau đến viếng bên mộ Đại tướng


Sóng biển Vũng Chùa.


Từ mộ Đại tướng, nhìn rộng ra toàn cảnh


Tháp chuông gia đình đã xây dựng từ trước,nằm phía trước của ngôi mộ


Các chiến sĩ quân đội, cảnh sát vẫn 24/24 bên mộ




Xe phát sóng hoạt động phục vụ những công việc tiếp theo cho Lễ tang của Người


« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười, 2013, 09:47:35 am gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM