Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:03:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điểm tin quân sự tổng hợp  (Đọc 286783 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #590 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2012, 03:58:19 pm »

Tàu chiến nhỏ, sức mạnh lớn

Nhỏ gọn, tốc độ cao, hỏa lực đa dạng là những ưu điểm giúp tàu chiến tấn công nhanh đóng vai trò quan trọng trong phòng thủ gần bờ. Trên tạp chí Jane’s Defence Weekly số tháng 5, chuyên gia hải quân Richard Scott có bài đánh giá về sự phát triển của tàu chiến tấn công nhanh (FAC). Theo đó, nhiều bên đang chú trọng chiến lược sử dụng FAC làm nền tảng phòng thủ gần bờ và đảm trách tuần tra ven biển. Loại tàu này trước nay luôn được đánh giá cao nhờ ưu điểm chi phí đầu tư thấp, dễ triển khai nên rất thuận tiện trong việc bảo vệ vùng biển. FAC cũng có thể được sử dụng để phòng ngừa các cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào cơ sở hạ tầng trên biển như giàn khoan dầu. Loại tàu chiến này được thường xuyên cải tiến bằng nhiều loại vũ khí linh hoạt, có độ chính xác cao. Trong đó, các thay đổi đáng kể nhất là tăng cường tính chính xác nhờ công nghệ điều khiển tự động và định vị điện tử cũng như bổ sung những phiên bản tên lửa hạng nhẹ.

 

Tàu Super Dvora MK III có khả năng chiến đấu đa nhiệm - Ảnh: Fresh.co.il

Nổi bật cho thế hệ FAC mới phải nói đến tàu chiến tấn công nhanh lớp Super Dvora MK III do Israel sản xuất, theo i. Tàu Super Dvora MK III đạt tốc độ 90 km/giờ, tầm hoạt động 700 hải lý (1.300 km) nên có thể sớm ngăn chặn các vụ xâm nhập và thừa sức tác chiến trong vùng đặc quyền kinh tế. Lớp tàu này được trang bị 2 pháo cỡ nòng từ 20 - 30 mm, 2 súng máy, tên lửa đối hải và có thể lắp đặt thêm súng phóng lựu để chống người nhái hoặc xe tăng sát bờ biển. Ngoài ra, tàu còn tích hợp thiết bị ngắm quang điện kết nối với tên lửa siêu thanh và hệ thống pháo chính được điều khiển tự động nên đạt khả năng tấn công chính xác cao. Gần đây, Israel còn phát triển phiên bản tên lửa dẫn đường bán chủ động LAHAT dành cho tàu chiến tấn công nhanh. Với cải tiến này, các FAC có thể tấn công lên đất liền để hỗ trợ các cuộc đổ bộ, chiếm đảo và dần trở thành tàu chiến đa nhiệm.

Châu Á sôi động

Từ thập niên 1980, Đài Loan đã chọn FAC làm vũ khí phòng vệ biển chủ lực. Theo tạp chí Asian Military Review, Đài Loan hiện sở hữu 60 chiếc FAC, trong đó có 35 tàu thuộc lớp Dvora do Israel chuyển nhượng bản quyền sản xuất. Gần đây, khi Trung Quốc công bố tàu sân bay đầu tiên, Đài Loan cũng xúc tiến kế hoạch đóng 7 - 11 chiếc FAC lớp Tấn Hải với tổng trị giá khoảng 850 triệu USD và dự kiến biên chế chính thức vào năm 2014. Tàu Tấn Hải sẽ được trang bị tên lửa chống hạm Hùng Phong 3 có tầm bắn 300 km và nhanh gần gấp đôi tốc độ âm thanh. Ở bên kia eo biển, Bắc Kinh đang cấp tập bổ sung tàu tấn công nhanh lớp Hồng Bại 022 với mức giá trung bình khoảng 40 triệu USD mỗi chiếc. Mới đây, tạp chí Wired dẫn nguồn tin từ giới chức quốc phòng Mỹ cho hay Trung Quốc hiện sở hữu 83 chiếc Hồng Bại 022 và sẽ còn đóng thêm.

Ấn Độ cũng tham gia tích cực cuộc đua trang bị tàu tấn công nhanh. Từ tháng 2.2009 đến nay, nước này chính thức biên chế thêm 10 chiếc FAC thuộc lớp Car Nicobar. Với chi phí chỉ 10 triệu USD mỗi chiếc, tàu lớp Car Nicobar được trang bị đầy đủ súng pháo 30 ly, 2 súng máy cùng hệ thống tên lửa. Cuối tháng 4, Đài NDTV dẫn lời Phó đô đốc G Mahadeven của hải quân Ấn Độ thông báo kế hoạch đóng thêm 80 chiếc FAC từ nay đến năm 2020. Không thể ngồi yên, Pakistan ngày 24.4 loan báo hạ thủy tàu tấn công nhanh đầu tiên thuộc lớp Azmat, được trang bị tên lửa đối hạm, do Trung Quốc chế tạo. Theo IRNA, Islamabad sẽ sớm nhận thêm FAC loại này và có thể mua bản quyền để tự sản xuất. Bên cạnh đó, có tin cho hay một số nước Đông Nam Á cũng dự định tăng cường thêm tàu tấn công nhanh, nhất là trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao tại các vùng biển trong khu vực.

Tàu không người lái cho thị trường Đông Nam Á


Tàu không người lái Integrator - Ảnh: Shephard

Tại triển lãm quốc phòng DSA 2012 ở Malaysia hồi tháng 4, Công ty 5G International của Mỹ giới thiệu tàu nổi không người lái (USV) mang tên Integrator. Đây là thế hệ USV thứ 5 mà công ty này chế tạo kể từ thập niên 1990. Hãng tin Shephard dẫn lời Tổng giám đốc Robert Murphy cho biết công ty đang hướng tới việc xâm nhập thị trường Đông Nam Á.

Nguồn http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120510/tau-chien-nho-suc-manh-lon.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #591 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2012, 04:05:06 pm »

Nhật - Hàn sẽ ký hiệp ước quân sự


Các tàu khu trục của Nhật - Ảnh: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin sẽ thăm Nhật vào cuối tháng này để đàm phán với người đồng cấp Naoki Tanaka về các hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự và tạo điều kiện hợp tác trao đổi hàng hóa, dịch vụ quân sự. Tờ Chosun Ilbo ngày 8.5 dẫn một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết, các quan chức quân sự hai nước đang “hoàn tất quá trình chuẩn bị cho việc ký kết hai thỏa thuận”. Đây sẽ là thỏa thuận quân sự đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Nhật chấm dứt việc chiếm đóng Hàn Quốc vào năm 1945. Các hiệp ước sẽ cho phép Hàn Quốc và Nhật chia sẻ thông tin tình báo quân sự và hợp tác về hậu cần trong việc triển khai binh sĩ, chẳng hạn như trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, theo tờ Chosun Ilbo.

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước từng thảo luận về các hiệp ước ở Seoul vào tháng 1 năm ngoái song không thể đạt được tiến triển. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên mới đây đã khiến hai nước cân nhắc lại sự cần thiết của thỏa thuận. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Nhật có sáu tàu khu trục lớp Aegis trang bị hệ thống radar tối tân và hàng chục máy bay do thám có thể giúp họ thu thập thông tin tình báo và do thám CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc chỉ mới mua máy bay do thám đầu tiên vào năm ngoái.

Đổi lại, Nhật trông đợi vào năng lực của Hàn Quốc trong việc thu thập thông tin tình báo bằng con người từ CHDCND Triều Tiên. Theo tờ Chosun Ilbo, hiện có những lo ngại về thái độ của Trung Quốc trước việc Nhật và Hàn Quốc ký hiệp ước quân sự. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói: “Trọng tâm của hiệp ước quân sự là đối phó với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Chúng không phải là bước đầu tiên hướng đến một liên minh quân sự”.

Nguồn http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120508/nhat-han-se-ky-hiep-uoc-quan-su.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #592 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2012, 04:06:52 pm »

Nhật tậu chiến đấu cơ F-35, Singapore mua bom

Ngày 9.5, Kyodo News dẫn lời Phó đô đốc Hải quân Mỹ David Venlet cho hay nước này đang tiến hành những thủ tục cuối cùng để ký hợp đồng bán 4 chiến đấu cơ F-35 cho Nhật Bản vào tháng 6. Số máy bay này sẽ được giao vào năm 2016. Đây là một phần thuộc kế hoạch của Tokyo đặt mua 42 chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 trị giá 10 tỉ USD từ Washington để thay thế số máy bay F-4 lỗi thời mà Nhật Bản đang có.


Chiến đấu cơ F-35  - Ảnh: Defenseindustrydaily

Trong một diễn biến khác, Cơ quan hợp tác an ninh (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc vừa tiết lộ Singapore dự định chi gần nửa tỉ USD để mua vũ khí, thiết bị từ Mỹ để trang bị cho phi đội F-15 của nước này. Theo DSCA, Singapore đề xuất mua 124 bom dẫn đường bằng laser kèm theo các phụ kiện, 3 hệ thống huấn luyện tác chiến P5, quân trang, quân dụng cùng nhiều dịch vụ hỗ trợ không quân khác. Tổng giá trị dự kiến khoảng 435 triệu USD với thời hạn cung ứng 5 năm. Toàn bộ thiết bị này dùng phục vụ phi đội F-15SG của không quân Singapore đóng tại bang Idaho, tây bắc Mỹ, từ năm 2009 đến nay. Với 250 binh sĩ và 12 chiến đấu cơ F-15, phi đội F-15SG chuyên huấn luyện chiến thuật tác chiến không-đối-không và không-đối-đất cùng không quân Mỹ theo một thỏa thuận kéo dài 25 năm giữa hai nước.

Nguồn http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120510/nhat-tau-chien-dau-co-f-35-singapore-mua-bom.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #593 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2012, 04:09:44 pm »

Bộ Quốc phòng Mỹ tin dùng BlackBerry


Thiết bị BlackBerry được nhiều cơ quan chính phủ, doanh nghiệp tin tưởng nhờ khả năng bảo mật cao - Ảnh: Reuters

Hãng RIM hôm 9.5 cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa phê chuẩn sáu mẫu điện thoại BlackBerry 7 được phép sử dụng trong hệ thống mạng của cơ quan này sau hàng loạt cuộc kiểm tra gắt gao về tính an toàn. Theo Reuters, quân đội Mỹ và các nhân viên Lầu Năm Góc từ lâu đã sử dụng các thiết bị (hay nói chính xác là điện thoại di động) BlackBerry, tuy nhiên các phiên bản mới nhất của BlackBerry cần trải qua các cuộc kiểm duyệt của nhà chức trách trước khi được đồng ý cho phép sử dụng trong các "vai trò nhạy cảm", nơi mà sự rò rỉ dữ liệu có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Các điện thoại BlackBerry được Bộ Quốc phòng Mỹ cấp giấy thông hành lần này đều chạy hệ điều hành BlackBerry 7. Hãng RIM cho biết hiện có khoảng 250.000 điện thoại thông minh BlackBerry đang được sử dụng bởi Lầu Năm Góc, và thậm chí Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sử dụng một chiếc BlackBerry phiên bản đặc biệt.

Nguồn http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120510/bo-quoc-phong-my-tin-dung-blackberry.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #594 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2012, 04:13:09 pm »

Nga hướng tới nền quốc phòng thông minh

Những năm gần đây, lãnh đạo Nga đã thực hiện những chương trình phát triển các lực lượng vũ trang, hiện đại hoá tổ hợp công nghiệp quốc phòng chưa từng có. Quay trở lại Điện Kremlin sau 4 năm làm Thủ tướng, tân Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cơ hội thực hiện chính sách “đảm bảo quốc phòng an ninh” mà ông đưa ra khi chạy đua vào Điện Kremlin, nhằm đảm bảo vị thế của đất nước rộng lớn nhất thế giới này.

Điều kiện an toàn


"Nga không được từ bỏ năng lực kiềm chế chiến lược và sẽ tiếp tục củng cố năng lực đó".

Đối với tân Tổng thống Nga, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nước Nga không được từ bỏ năng lực kiềm chế chiến lược và sẽ tiếp tục củng cố năng lực đó. Bởi theo ông Putin, thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của những cuộc chiến tranh khu vực và cục bộ mới. Đang xuất hiện các khu vực không ổn định và sự lộn xộn được hâm nóng lên một cách cố ý. Hơn nữa, những nỗ lực có chủ đích này còn gây ra những xung đột như vậy ngay sát biên giới Nga và các đồng minh. Cùng với đó, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế đang bị mất giá trị và bị xoá bỏ. Đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quốc tế.

“Trong những điều kiện như vậy, nước Nga không thể chỉ dựa vào các biện pháp ngoại giao và kinh tế để loại bỏ mâu thuẫn và giải quyết xung đột”, ông Putin nhận định trong một bài viết đăng trên trang mạng khi còn là Thủ tướng Nga. Trong quan điểm của tân Tổng thống Nga, nước này đang đứng trước nhiệm vụ phát triển tiềm lực quân sự trong khuôn khổ chiến lược kiềm chế và ở mức độ đảm bảo đủ năng lực quốc phòng. Đây là điều kiện cần để Nga cảm thấy an toàn, và những lập luận của nước Nga sẽ được các đối tác chấp nhận trên các diễn đàn quốc tế đa dạng.

Trong một dịp trả lời truyền thông, ông Putin cho biết: “Tôi không dấu diếm, đã có nhiều tranh luận cả về quy mô, cả về tính thời sự của của những khoản đầu tư lớn đến như vậy. Tôi hoàn toàn tin chắc là những khoản đầu tư này hoàn toàn thích hợp với khả năng và nguồn lực của đất nước. Và cái chủ yếu là không thể chần chừ trong việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng các lực lượng vũ trang hiện đại và củng cố toàn diện năng lực quốc phòng”.

Theo Tổng thống Nga, vấn đề không phải là “quân sự hoá” ngân sách Nga mà là những dự kiến “trả bù” cho những năm mà quân đội nước này không được cấp đủ kinh phí và không có được các loại vũ khí trang bị mới. Trong khí đó, các nước khác liên tục gia tăng “cơ bắp quân sự” của họ. Không chỉ vậy, ông Putin cho rằng, cần phải học “nhìn thấy ngoài đường chân trời”, đánh giá tính chất của các nguy cơ trước 30 - 50 năm. Đây là nhiệm vụ nghiêm túc, đòi hỏi huy động tiềm năng của khoa học dân sự và quân sự, các “thuật toán” dự báo dài hạn đáng tin cậy. Từ đó xác định, Quân đội Nga cần vũ khí gì? Yêu cầu công nghệ nào cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng?

Và lời giải cho bài toán này là phải xây dựng hệ thống phân tích quân sự và lập kế hoạch chiến lược “quốc phòng thông minh”, mới về chất và chuẩn bị những “giải pháp” đã được soạn thảo sẵn và nhanh chóng thực hiện chúng trong cơ cấu tổ chức của các "bộ, ngành vũ lực". Theo khái niệm của Nga, các “bộ, ngành vũ lực” còn gọi là “khối vũ lực”, là khái niệm chỉ các bộ Tình trạng khẩn cấp, Tư pháp, Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ và các ngành An ninh liên bang, Tình báo đối ngoại, Kiểm soát ma tuý liên bang, Các chương trình của tổng thống, Cảnh vệ liên bang…

Vũ khí công nghệ cao sánh vai vũ khí hạt nhân

Xác suất chiến tranh toàn cầu giữa các quốc gia hạt nhân chống lại nhau không cao, vì một cuộc chiến tranh như vậy đồng nghĩa với sự tiêu diệt nền văn minh. Vì vậy, ông Putin nhận định, “thuốc súng” của các lực lượng hạt nhân chiến lược vẫn được giữ “khô”, sẽ không có kẻ nào dám liều mạng phát động cuộc xâm lược quy mô chống lại nước Nga.

Tuy nhiên có thể dự báo, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong những lĩnh vực vô cùng phong phú, bắt đầu từ những mẫu vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự mới và kết thúc ở công nghệ tin học - viễn thông, mang lại sự thay đổi về chất tính chất của xung đột vũ trang. Ngày càng nhiều vũ khí phi hạt nhân có độ chính xác cao, tầm bắn lớn, vươn tới vai trò là vũ khí giành chiến thắng quyết định, kể cả trong xung đột toàn cầu.


Nga sẽ chi hàng trăm tỷ USD cho quân đội. Ảnh: Getty

Vì vậy, trong tương lai xa hơn là việc tạo nên những vũ khí dựa trên các nguyên lý vật lý mới (phóng tia, địa vật lý, phát sóng, gien, vật lý tâm thần kinh...), cùng với vũ khí hạt nhân sẽ cho phép có được các “công cụ chất lượng mới” giành lấy các mục tiêu chính trị và chiến lược. Thậm chí, các hệ thống vũ khí tương tự sẽ có thể so sánh với vũ khí hạt nhân về hiệu quả sử dụng, nhưng dễ “chấp nhận” hơn về phương diện chính trị và quân sự. Như vậy, vai trò cân bằng chiến lược của các lực lượng hạt nhân trong kiềm chế xâm lược và bất ổn sẽ giảm dần. Trong đó, ưu tiên quan trọng nhất của chính sách quốc gia của Nga  cho tương lai vẫn là các vấn đề đảm bảo sự phát tiển năng động của các lực lượng vũ trang, công nghiệp nguyên tử và vũ trụ, tổ hợp công nghiệp quốc phòng OPK (ОПК), giáo dục quân sự, khoa học quân sự cơ bản và các chương trình nghiên cứu ứng dụng.

Bốn mảng lớn trong chính sách lãnh đạo của ông Putin ở nhiệm kỳ mới:
1. Đổi mới hệ thống chính trị, thực hiện dân chủ hoá xã hội.
2. Xây dựng nền kinh tế Nga hiện đại dựa vào công nghệ mới, cơ cấu lại nền kinh tế.
3. Đảm bảo quốc phòng an ninh.
4. Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ.


Nguồn http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Nga-huong-toi-nen-quoc-phong-thong-minh/20125/209355.datviet
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #595 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2012, 04:54:41 pm »

Pakistan thử tên lửa Hatf III Ghaznavi

Quân đội Pakistan cho biết đã thử thành công tên lửa tầm ngắn có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân. Tuyên bố của quân đội nước này cho biết tên lửa Hatf III Ghaznavi với tầm bắn 290 km đã được phóng thử vào hôm nay tại buổi tổng kết huấn luyện hàng năm của Lực lượng Chỉ huy Chiến lược quân đội.

Đây là vụ thử tên lửa thứ hai của Pakistan chỉ trong hai tuần qua. Vào ngày 25/4, Pakistan đã thử tên lửa tầm trung sau khi “kẻ thù không đội trời chung” là Ấn Độ tiến hành thử tên lửa do nước này sản xuất. Pakistan thường xuyên tiến hành thử tên lửa mà nước này tự sản xuất. Cộng đồng quốc tế vẫn quan sát chặt chẽ chương trình vũ khí của Pakistan bởi nước này đã tiến hành ba cuộc chiến với “người láng giềng” hạt nhân, Ấn Độ từ năm 1947.

Nguồn http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Pakistan-thu-ten-lua-Hatf-III-Ghaznavi/20125/209433.datviet
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #596 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2012, 05:15:19 pm »

Hạ viện Mỹ xây phòng thủ tên lửa tại East Coast


AP đưa tin, ngày 9/5, Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc xây dựng cơ sở phòng thủ tên lửa trên vùng East Coast (vùng duyên hải trải dài từ Maine tới Florida của Mỹ), qua đó bác bỏ lập luận của Lầu Năm Góc cho rằng cơ sở đó không cần thiết trong khi Đảng Dân chủ phàn nàn rằng việc chi gần 5 tỷ USD cho dự án này là rất lãng phí trong thời điểm ngân sách nhà nước đang eo hẹp. Trải qua một thời gian tranh cãi dài, các nghị sỹ Đảng Cộng hòa vẫn quả quyết rằng cơ sở phòng thủ tên lửa này là cần thiết trong bối cảnh Iran hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công tới khu vực này. Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Michael Turner, người đề xướng dự án trên, nhấn mạnh: "Chúng ta cần tiếp tục dự án phòng thủ tên lửa bất chấp việc tổng thống có muốn hay không."./.

Nguồn http://www.vietnamplus.vn/Home/Ha-vien-My-xay-phong-thu-ten-lua-tai-East-Coast/20125/139721.vnplus

Mỹ ra lệnh điều tra về vụ rò rỉ thông tin của CIA

Trước lời chỉ trích của một số nghị sỹ về việc để lộ các thủ thuật và phương thức hoạt động của tình báo Mỹ, ngày 9/5 Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đã ra lệnh điều tra nội bộ toàn bộ 16 cơ quan tình báo của Mỹ để xác định xem ai là người tiết lộ các thông tin tuyệt mật xung quanh vụ một điệp viên hai mang người Arập Xêút đã thâm nhập vào chi nhánh Al-Qaeda ở bán đảo Arập (AQAP). Điệp viên này đã thâm nhập AQAP để khám phá và phá vỡ âm mưu đánh bom khủng bố nhằm vào các chuyến bay của hàng không Mỹ đúng dịp tròn một năm trùm khủng bố quốc tế Osamar bin Laden bị tiêu diệt. Một quan chức tình báo cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết công việc điều tra đã bắt đầu, nhưng kết quả điều tra sẽ không được phép tiết lộ. Đội ngũ nhân viên an ninh của Nhà Trắng sẽ không nằm trong diện bị điều tra lần này vì họ, về mặt kỹ thuật, không phải là một bộ phận của cộng đồng tình báo Mỹ.

Trước đó, ngày 8/5 một số quan chức Mỹ cho biết phần tử khủng bố được giao nhiệm vụ đánh bom một chiếc máy bay từ lãnh thổ nước ngoài vào Mỹ là một điệp viên hai mang người Arập Xêút được cài cắm vào AQAP ở Yemen. Điệp viên này đã giao chất nổ cho tình báo Mỹ và Arập Xêút và cung cấp thông tin dẫn tới vụ không kích hạ sát một thủ lĩnh al-Qaeda ở Yemen.  Sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác ngoại quốc, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã ngăn chặn được âm mưu đưa một kẻ nổ bom tự sát lên một chuyến bay chở khách tới Mỹ với khối thuốc nổ giấu trong quần lót./.

Nguồn http://www.vietnamplus.vn/Home/My-ra-lenh-dieu-tra-ve-vu-ro-ri-thong-tin-cua-CIA/20125/139664.vnplus
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM