Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 09:18:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thành phố hòa bình  (Đọc 17517 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2020, 09:05:34 am »

   
        Và anh cảm thấy một cái gì đó nóng bỏng như đang đốt cháy và tỏa ra khắp người anh. Anh sẽ rất chán nản nếu lúc này người ta nói với anh rằng thôi, sẽ không chiến đấu nữa vì kẻ thù đã lùi, chúng không dám chạm trán với chúng ta nữa.

        Nhìn ra cánh cửa, Bô-cốp co dúm người lại, như thể bị lên cơn rét và giúi tay vào giữa hai đùi.

        Một ngươi nào đó vừa đi nhanh theo hành lang vừa mở khóa nòng súng trường. Anh thanh niên trẻ với mái tóc Di-gan ngồi dậy, làu bàu điều gì đó và lại nằm xuống sàn. Hình như một mối lo lắng đột ngột đang truyền đi theo các tầng của ngôi nhà lớn, trong đó có hai nghìn con người đang ngủ đêm cuối cùng, trước lúc ra trận. Và lại im lặng.

        — Các bạn ạ, tất cả đều theo đúng quy luật cả!... — Pa-ven nói với vẻ cương quyết, giọng trầm trầm, khuôn mặt to, kiên nghị của anh có vẻ nặng nề. — Chả lẽ chúng ta lại không biết rằng, sớm hay muộn rồi chúng ta cũng sẽ phải chiến đấu sống chết với chủ nghĩa tư bản hay sao? Bởi vì chính sự tồn tại cửa chúng ta cũng đủ làm cho chủ nghĩa tư bản khiếp sợ rồi...

        Đôi mắt sáng và sâu của Pa-ven long lanh, ánh lên đến mức tưởng chừng như chúng có vẻ to hơn trước. Anh giơ tay ra trước mặt.

        — Hòa bình và hạnh phúc cho tất cả các dân tộc! — Anh nói nhỏ, giọng trầm trầm. — Những người cộng sản chỉ mong muốn điều ẩy: hòa binh và hạnh phúc.

        Bỗng nhiên anh ôm chặt vai các bạn, ghì vào mình rồi bỏ ra.

        — Các đồng chí của tôi! Các bạn là những người của giữa thế kỷ hai mươi, những người của thế kỷ cách mạng. Có trời mà biết được hết điều này!... — Pa-ven lại mỉm cười. —Khi còn nhỏ, chúng ta đã mơ ước đi giúp cách mạng Tây Ban Nha!... Chúng ta đã lo lắng cho đất nước này. Chúng ta đã ghen tị với các chiến sĩ trong các đơn vị quốc tế vô sản và các phi công của ta chiến đấu ở đó. Chẳng bao giờ chúng ta quên Ma-đrít, và tất cả các tên gọi: A-ra-gôn, Ca-sti- li-a, A-xtu-ri-a, Gva-đa-la-kha-ra. Và không khi nào chúng ta tha thứ cho những gì mà bọn phát xít gây ra ở Tây Ban Nha. Một đất nước tuyệt đẹp có phải không ? Còn những người Phi-líp-pin — một dân tộc cũng rất tốt — còn Xác-cô và Van-xét-ti, còn những thanh niên da đen ờ Scốt-sbô-rô! Các bạn ạ, tóm lại, chủ nghĩa tư bản là tội ác đối với nhân loại!

        — Đúng đấy Pa-sa ạ! — Bô-cốp khẳng định.

        — Hừ, ngọn núi dựng đứng và không đi qua được! Bà cô cậu đã nói như thế, phải không? — Trô-sin nói, vỗ khẽ vào tay Pa-ven và dịu dàng nhìn anh. Anh thường có cử chỉ như vậy. Dù trong lòng anh có phản đối bạn mình thế nào chăng nữa, nhưng cuối cùng anh cũng không thể không tuân theo sức ép vô tư tốt bụng của bạn.

        — Đúng đấy... Không tài nào tránh khỏi được, — Pa-ven lại đưa tay vuốt tóc. — Các cậu hãy thử tính xem, các cậu hãy thử tính xem: Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, một phần sáu thế giới trở thành chủ nghĩa xã hội... Ta hãy xem xem cuộc chiến tranh này kết thúc ra sao...

        Tì lên cánh tay duỗi thẳng, Bô-cốp chuyển thế ngồi, những sợi tóc xoăn xõa xuống mắt, nhưng anh làm như không nhận thấy điều này.

        — Các cậu ơi! Mình rất lo cho Ma-ri-na, — anh nói ấp úng, vội vàng. — Mình chỉ có một mình cô ấy... Mình không học tiếp được cũng vì cô ấy... Ừ, mà nói cái gì cơ chứ! Mình đưa tất cả tiền lương cho cô ấy. Phải chăng mình lo lắng cho bản thân? Chỉ có điều mình bực mình lắm, các cậu ạ ! Mình sẽ vặn răng bọn chó đẻ !...

        — Khẩu súng trường sẽ trở nên hữu hiệu hơn, — Trô-sin nói. —  Cậu hãy dựa vào kỹ thuật nhiều hơn nữa.

        — Này, Va-nhi-a, cậu nghĩ gì vậy ? Thế mà mình cứ tưởng có chuyện gì xảy ra với cậu cơ... — Pa-ven nói.

        — Mình không lo cho mình — Bô-cốp nói to như phản đối ai đó. — Còn nếu mình có làm sao... Mà thôi, Ma-ri-na không mất được. Cô ấy không ở lại một mình, không ở sa mạc Ca-ra-cum, có phải thế không ?

        Pa-ven nhìn Bô-cốp như muốn nói: « Chúng mình sợ cái gì cơ chứ. Cậu tự nghĩ xem...».

        Người chiến sĩ ra khỏi phòng lúc này đã quay lại. Ông đứng ở cửa, ngáp, và không đi đến chỗ của mình, mà đến chỗ Pa-ven.

        — Có thuốc không, đồng chí chỉ huy? — Ông hỏi. Không cần đợi Pa-ven trả lời, ông ngồi xồm xuống bên cạnh. Người ông gù, gân guốc, tay dài, râu mọc lởm chởm thành từng túm nhỏ. Trong khi ông ta vân vê diếu thuốc, Pa-ven chăm chú nhìn người chiến sĩ của mình: một người trung niên, ngoài bốn mươi tuổi, anh chưa kịp làm quen với tất cả mọi người trong trung đội.

        — Thợ mỏ à? — Pa-ven hỏi — Tên đồng chí là gì?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2020, 09:06:37 am »


        Người chiến sĩ châm thuốc và gật đầu:

        — A-nhi-xi-mốp Pi-e, — ông nói giọng khàn khàn, — ở bộ phận số hai phía nam...

        — Tôi đã đến đó. — Pa-ven nói.

        — Tôi không nhận ra anh. — A-nhi-xi-mốp trả lời và ho. Khói thuốc quyện lấy mặt ông ta.

        — Đồng chí đã phục vụ trong quân đội bao giờ chưa ? — Pa-ven tiếp tục hỏi.

        — Chưa. Ông nói trong khói thuốc màu xám.

        — Thế nào, lúc đầu đồng chí cảm thấy mình ra sao? Tinh thần ra sao ?

        Làn khói thuốc tan dần, tỏa lên trần nhà và khuôn mặt người công nhân mỏ đang nở nụ cười giễu cợt, một mắt lim dim còn mắt khác ánh lên một vẻ khôn ngoan, dưới hàng lông mày lởm chởm.

        — Tại sao mọi người cứ quan tâm đến tâm trạng của tôi thế nhỉ? — Ông nói — Cứ làm như tôi là mụ đàn bà non nớt ấy, có phải thế không!... Hôm nay chính trị viên tiểu đoàn đã hỏi, sau đó là nhà báo và bây giờ lại đến anh, đồng chí chỉ huy trẻ ạ! Còn tôi có thể có tâm trạng gì à ? Dửng dưng! Tôi nói như vậy...

        — Dửng dưng à? — Pa-ven hỏi lại. — Tại sao vậy?

        — Còn tại sao à? Chiến thắng hay là chết! — A-nhi-xi-mốp trả lời. — Hoặc chúng giết tôi, hoặc là tôi giết chúng. Tôi chỉ nghĩ tới một điều là làm sao nhanh nhanh lên để tôi được giết chúng...

        Pạ-ven im lặng giây lát, sâu đó anh cười phá lên. Giọng cười của anh đứt đoạn. Nhớ ra là mọi người đáng ngủ. anh kìm lại. A-nhi-xi-mốp đứng dậy.

        — Lại ngủ nữa chăng? — Ông nói — Tôi khuyên anh cũng ngủ đi, đồng chí chỉ huy ạ!

        Mười lăm phút sau, Pa-ven đã tháo ủng và cuộn mình trong chăn ngủ. Anh lấy bao đồ gói đầu, một cái gì đó như hộp xà phòng nhô ra cồm cộm, nên anh lại gối tay vậy. Bên cạnh, Trô-sin đang trằn trọc trên sàn nhà quá cứng, còn Bô-cốp lại ngồi trên chiếc ghế cạnh cửa, đơn độc một mình ngồi giữa đám người đang nằm ngủ. Nhìn thấy Trô-sin chui đầu vào chiếc bành tô xám mỏng, Pa-ven nói nhỏ:

        — Này, Ê-go! Ê-go! Mai cậu lấy chiếc áo len của mình mà dùng nhé! Mình chẳng cần gì đến nó cả...

        Làm như đã ngủ, Trô-sin không trả lời. Lúc này anh ta không hài lòng với chính mình, vì đã bực bội chống lại Pa-ven, ngay khi họ mới bắt đầu nói chuyện.

        Sau khi nói chiiyện với A-nhi-xi-mốp, Pa-ven thấy lòng thanh thản không còn bị kích động nữa và anh thiêm thiếp ngủ. Tuy rất buồn ngủ, nhưng Pa-ven vẫn dành thì giờ nghĩ đến vợ. Lần này anh cỏm thấy chị ở rất xa anh, như thể trong giờ cuối cùng này khoảng cách giữa hai người đến vô hạn. Lúc này anh cũng, không thấy tiếc vì không có chị ở bên, nhưng vẫn thấy có một cảm giác dịu dàng, trìu mến dâng lên trong người anh. «Na-ta-sa, bây giờ em ở đâu? Mong sao cho em được bình an và may mắn. Rất tốt là em không đến đây. Chúc em gặp nhiều may mắn ». — Nhũng lời thì thầm đó cứ lởn vởn trong tâm trí anh. Sau đỏ như từ màn sương dày đặc, hình người cha lờ mờ xuất hiện trước mắt anh.

        «Ôi! Ông già ương bướng! Mình có thể làm gì với ông được nhỉ ?» — Pa-ven bồn chồn lo lắng.

        Một lần nữa anh lim dim mắt để kéo dài cuộc gặp gỡ tưởng tượng với bố. Anh lờ mờ phân biệt được sợi dây lửa đỏ hồng trong bóng đèn trên trần. Sợi đây nhòe ra thành đám mây tỏa sáng, màu da cam phát ra những tia sáng chập chờn và Pa-ven thiếp đi. Trên khuôn mặt anh còn đọng lại vẻ tò mò, ngây thơ.

        Năm giờ sáng, người trực ban gọi Pa-ven dậy. Lúc đó anh lại trông thấy ngọn đèn đỏ quạch trên trần. Như thể nhớ ra điều gì đó, anh nhìn lên nó, với vẻ thú vị khó hiểu. Hoặc là không khí trong phòng đã sạch hơn hoặc điện thế tăng lên, cho nên lúc này đây tóc bóng đèn thủy tinh đã tỏa ánh sáng chói lòa đều đặn hơn...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2020, 09:08:40 am »


*

        Sáu giờ sáng, trung đoàn công nhân tập hợp ở sân trường. Trong ánh sáng mờ mờ của buổi sáng mùa thu ảm đạm, các tiểu đoàn xếp thành những hàng chật ních tạo ra chữ « u » khổng lồ. Trời lạnh và không có gió, tuy không mưa, nhưng hơi nước cứ đọng trên mặt các chiến sĩ, lên quần áo và lên vũ khí. Mọi người dựng cổ áo lên và thắt chặt thêm dây lưng. Trong trung đội Pa-ven chi có mình anh là để hở cổ và kéo mũ về sau gáy. Trô-sin kéo khăn quàng đến tận cằm, còn A-nhi-xi-mốp ho khùng khục... Tiếng hô « Nghiêm!» rẩt to, bất ngờ và có vẻ bực tức, làm cho Pa-ven ngạc nhiên. Nhưng khi đứng nghiêm và theo quy định phải ngẩng cao đầu, Pa-ven cảm thấy rất hài lòng vì trong nháy mắt anh đã làm việc này cùng với tất cả mọi người. Một cảm giác đặc biệt rằng mình là một phần tử của cái gì đó rất to lớn, rất vĩ đại, rất,đa dạng và thống nhất dâng lên trong lòng Pa-ven.

        Một nhóm chỉ huy đi qua sân vào cổng và họ biến mất trong màn sương mù dày đặc. Sau đó những khẩu lệnh lại vang lên và những hàng người khồng lồ bất động từ nãy đến giờ ở trong sân lại bắt đầu chuyền động. Những tiếng rập của hàng loạt đôi ủng vang lên. Sâu trong sân một hình khối vuông to, liền cạnh xuất hiện và bắt đầu di chuyển ra giữa sân. Chỉ đến khi cạnh của nó ngang hàng với Pa-ven, anh mới phân biệt được tiếng người trong đội hình.

        Tiểu đoàn một đi qua, những bóng đó lờ mờ rung rinh trên đầu những người chiến sĩ tình nguyện, trên những chiếc mũ chào mào, lưỡi trai, mũ kiểu Cu-ban, mũ trùm tai của họ — đó là những lưỡi lê đang lay động. Ở tiểu đoàn một, chủ yếu là công nhân nhà máy chế tạo máy cái và Pa-ven biết nhiều người trong họ. Đôi lúc Pa-ven tưởng như anh trông thấy hết người quen này đến người quen khác ở trong các hàng: kia kìa cậu nhân viên định mức trẻ tuổi của phân xưởng cơ khí, sau đó là người kiềm tra kỹ thuật của nhà máy xuất hiện trong giây lát với dáng người thấp, đội mũ lông tròn. Bên cạnh - anh ta, là chàng trai xưởng đúc gầy gò với đôi chân dài ngoẵng, vừa đi vừa ưỡn ngực vẻ hãnh diện. Những khẩu súng trường giống nhau lủng lẳng trên lưng tất cả mọi người và hàng trăm bộ giò nện đều xuống đá.

        Một giọng hô mới, cao, căng thẳng lanh lảnh cất lên bất ngờ từ phía cổng.

        — Giai cấp công nhân chế tạo máy muôn năm! — Từng tiếng .vang lên rành rọt — Những người thợ co khí... dội cận vệ... của giai cấp công nhân hãy tiến lên!...

        «Đội cận vệ của giai cấp công nhân...» — Như có một người nào đó nhắc lại ngay bên tai Pa-ven: và anh căng hết lồng ngực, hít đầy không khí vào người. Những tiếng hô « U-ra! » vang lên đáp lại rồi im bặt. Tiểu đoàn một tiến ra đường phố nhịp nhàng cất những bước chân nặng nề, tiếp theo là các đại đội của tiểu đoàn hai. Tiểu đoàn trưởng mặc áo kỵ binh dài thượt đi đầu, vừa đi vừa ngoái cổ lại quan sát các chiến sĩ của mình. Sau đó là các chiến sĩ diệt xe tăng đi thành hàng bốn, gồm những thanh niên khỏe mạnh được lựa chọn kỹ càng, các vận động viên điền kinh và các môn thể thao khác, Pa-ven biết một số người trong họ. Các chiến sĩ diệt tăng mặc đồng phục: áo bông bộ đội, mũ có vành che tai, một vài người khác mặc áo vải bạt. Sau đó những chiếc bành tô và blu dông lại lướt qua mặt Pa-ven.

        — Những người chiến sĩ quân khí vinh quang muôn năm! — Tiếng hô lại vang lên từ phía cổng lớn. Qua giọng hô, Pa-ven nhận ra La-tô-skin, bí thư tỉnh ủy — vì Tổ quốc Xô-viết của chúng ta, hãy tiến lên! Tiêu diệt chủ nghĩa phát xít!...

        Từ trong đoàn quân lại rền vang tiếng hô «U-ra-a a a!». Trời sáng dần, đã trông rõ nét mặt những người trong các hàng quân. Tòa nhà khổng lồ của trường học nghề tuy vẫn còn là một khối đen, nhưng đã hiện rõ dần trên bầu trời xám xịt. Từ chiếc của sổ ở tầng bốn đơn độc tỏa ra ánh sáng lờ mờ, tưởng chừng như ngôi nhà trống trải đang cố nhìn lại lần cuối cùng những người khách trọ chốc lát của mình...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2020, 02:22:44 pm »


        Cuối cùng theo khẩu lệnh, tiểu đoàn ba cũng tiến bước, Pa-ven đi đầu trung dội của mình.

        «Một hai, này, này...» — anh nhẩm đếm bước.

        « Một hai, này, này...» — Như có một cái gì thôi thúc trong người anh. Cảm thấy mình nhẹ nhõm lạ thường, như không có trọng lượng trong không khí, anh nhìn lên nhóm người đứng ở cổng ra vào, với nét mặt sung sướng và ngạc nhiên. Một tiếng gọi từ phía ngoài làm anh phải quay lại.

        — Pa-sa! Pa-sa! — Một người nào đó vừa chạy xuyên qua hàng người vừa gọi.

        — Pi-e Ki-rin-lứt! — Pa-ven gào to.

        Đủng là Pi-e Ki-rin-lứt Oóc-lốp, nhà cơ học kiệt xuất, người thầy giáo đầu tiên của anh và là bạn thân của bố. Ông già người cao to, râu bạc trắng, đội chiếc mũ lưỡi trai đen, thời bấy giờ người ta ít đội, đang rối rít vẫy tay.

        — Pi-e Ki-rin-lứt! — Pa-ven xúc động, gọi lại. Anh không thể dừng chân được.

        — Pa-sa, đừng... khinh suất nhé! — Ông già gào lên lanh lảnh —  Có nghe rõ không: đừng khinh suất nhé!...

        Tựa như có cái gì đó trào lên cổ, Pa-ven thở dồn, cố kìm cơn cho thắt đau nhói, bước vội qua cổng, chẳng nhìn thấy gì trước mặt

        — Những người thợ mỏ và thợ luyện kim muôn năm! Những người Xô-viết vô địch muôn năm ! — Từ phía sau vọng lại những tiếng hô vang to, kéo dài.

        Qua khỏi cổng được mấy bước, Pa-ven mới biết là trên đường phố ban mai này không phải chỉ có một mình anh và các chiến sĩ cùa anh. Dọc hai bên đường đầy người, đông nhất vẫn là các bà, các chị. Họ chạy dọc theo đoàn quân tựa như trời báo trước cho họ biết cuộc xuất quân của trung đoàn. Ra tiễn người thân đi vào trận đánh là những ông già, những bà mẹ với các gói thức ăn, những người vợ mang theo con nhỏ và những cô gái — người yêu Khi nhận ra những người thân của mình trong đoàn quân, họ vừa vội bước theo vừa gọi, vừa nói chuyện, cầu phúc và chia tay.

        — Mi-chi-a Len-nốt-sca gửi lời chào con dấy! Nó viết rằng, nó tới nơi bình yên, Mi-chi-a!— Người đàn bà đứng tuổi quàng khăn trơn trên vai nói như gào lên. Không theo kịp người con đã tiến lên phía trước, bà cố hết sức đi sát bên người Pa-ven.

        Và kỳ lạ thay, nhịp bước của trung đoàn mỗi lúc một nhanh hơn trên đường phố, Những người đàn ông rất sung sướng khi nhận ra người thân ruột thịt của mình. Họ lên tiếng gọi và khuyên răn nhau một điều gì đó. Tuy vậy, hàng trăm đôi chân vẫn nện mỗi lúc một nhanh hơn xuống mặt đường đá sỏi, như thể những người con, người chồng, người yêu này muốn vội vã thoát khỏi cái cảnh bịn rịn của tình yêu và nước mắt, đã phục kích đón chờ từ ngay phút bắt đầu lên đường.

        — Xa-sca, em quên không nói. Xa-sca dừng lại một chút đã nào! — Một giọng yếu ớt, cuồng nhiệt cất lên. Một người con gái trẻ, mặc áo vét ngắn, cố đuổi theo ai đó, huých cả vào tay Pa-ven.

        — Đứng lại đã nào... Em muốn nói với anh... Xa-sca!... Xa-sca ! —  Chị gọi người nào đó. Giọng của chị chìm hằn trong tiếng ồn ào đều đều và lạo sạo.

        Đầu hàng quân mất hút ở cuối dãy phố với những hàng giậu dài thăm thẳm, những giàn xây và các khoảng trống. Và cũng chinh ở đấy những bóng người hối hả đã mất hút trong ánh sáng lờ mờ ẩm ướt của buổi sáng mùa thu. Một phụ nữ cao, đi ủng, mặc blu dông nam bằng lông chạy ngược chiều đoàn người. Chị đứng lại trong giây phút để nhìn hàng quân, lát sau lại chạy tiếp. Từ xa đã nghe thấy tiếng gọi ú ớ của chị, và khi đến gần, Pa-ven mới nghe rõ:

        — A-nhi-xi-mốp! Anh ở đâu ? Các anh có nhìn thấy A-nhi-xi-mốp không?

        Pa-ven quay lại và đưa mắt tìm người thợ mỏ, nhưng anh ta vẫn bình thản bước đều và không hề có ý định đáp lại.

        — Vợ anh phải không? — Không kìm được, một người nào đỏ đi bên cạnh nói.

        Anh thợ mỏ không trả lời.

        — A-nhi-xi-mốp! Anh ấy ở đâu thế nhỉ?... A-nhi-xi-mốp ! —  Người phụ nữ tức giận lặp lại. Chờ đến khi chị ngang hàng với mình, anh ta mới niềm nở trả lời:

        — Anh ở đây, ngay trước mặt... Đừng gào lên như vậy, Ma-ru- xi-a !

        Người phụ nữ dừng lại và bực bội kéo chiếc khăn trùm đầu xuống.

        — Đồ quỷ, anh làm sao thế! — Chị vừa mắng vừa đi bên hàng quân. Mà anh cũng không trả lời... Còn em thì chạy suốt hàng quân.

        — Thôi, tình hình ở nhà ra sao? — A-nhi-xi-mốp hỏi. Anh đi ở hàng thử ba tính từ ngoài vào nên phải nói to gần như gào. — Đã thu hết khoai tây chưa, không bị giá rét chứ?

        — Thứ khoai tây ấy thì để làm gì cơ chứ? — Chị nói vẻ nồng nhiệt và bất ngờ lại gọi to hơn: — Pê-chi-a-sa! ... — Chị vừa gọi vừa cố chạy lên phía trước để nhìn chồng rõ hơn.

        — Thôi, im đi! Ma-ru-xi-a!— A-rìhi-xi-mốp dịu dàng nói —  Anh cũng như tất cả mọi người thôi...

        Bỗng chị khóc rất to, chẳng thẹn thùng gì cả. Khuôn mặt còn khá trẻ với những đường nét thanh tú lúc này nhăn lại và trông thật tội nghiệp.

        — Đừng làm thế nữa, đừng làm thế nữa. —A-nhi-xi-mốp khẩn khoản. — Sao, em làm sao thế? Thật là ngớ ngẩn. Anh sẽ trở về mà... Anh nói là anh sẽ trở về! Đánh xong bọn Đức sẽ về, dứt khoát dấy!

        Chắc là anh rất thương vợ và cũng ngượng ngùng với các đồng chí. Còn những người^khác thì cố làm ra vẻ không trông thấy gì...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2020, 02:24:07 pm »


        A-nhi-xi-mốp nhìn đồng đội và không hiểu sao anh nháy nháy mắt với mọi người. Sau đó anh ngẩng cao đầu, đề lộ cục hầu khá nhọn trên cò, cất giọng hát:

        — Bọn Đức đã đến gần.
        Tôi sợ...


        Người phụ nữ không khóc nữa và nhìn chồng bằng con mắt ngạc nhiên, rớm lệ.

        — Hãy tiễn anh đi.
        Ma-ru-xi-a yêu quý!


        Người thợ mỏ hát với giọng nam cao khàn khàn nhưng dễ nghe.

        Trong các hàng quân, mọi người bắt đầu mỉm cười, phía sau cỏ tiếng cười khuây khỏa.

        « Cừ lắm! » — Pa-ven thầm nói với vẻ biết ơn. Một người nào đó sung sướng kêu lên:

        — Đấy, thế mới là phong cách của chúng ta... Tôi yêu lòng can đảm!

        — Đừng buồn cô gái ơi! Hãy chờ tin chiến thắng! — Một người nào đó nói theo.

        Người phụ nữ chạy lên phía trước, đứng lại không rời mắt khỏi chồng. Bỗng nhiên trên khuôn mặt mới khóc hãy còn đẫm lệ ánh lên vẻ phấn chấn, tuy rụt rè nhưng không giả tạo. A-nhi-xi-mốp đi qua gật dầu với chị, bộ râu xồm xoàm của anh ta dựng đứng trên cổ bành tô.

        — Tạm biệt! Em cẩn thận nhé... — Anh chào !

        — Pê-chi-a-sa! — Người phụ nữ thốt lên giọng âu yếm, dịu dàng.

        Như chôn chân ở một chỗ, chị buông tay và không bước thêm bước nào nữa...

        Buồi sáng đến chậm chạp. Bầu trời trên các nóc nhà chỉ hơi xanh hơn một ít. Một làn gió hiu hiu hiếm hoi ít thấy trước đây tràn qua hàng quân tỏa vào mặt mọi người và như mơn trớn với các mái tóc trăn.

        ... Tiến lên chờ đón ánh bình minhy
        Các đồng chí quyết lao vào chiến đấu..,


        Tiếng hát đều và trẻ của các chiến sĩ đội diệt tăng vang lên từ đầu hàng quân,

        Ta mở đường tiến lên
        Bằng gươm và súng đạn...

        Phần cuối được hát to hơn, nhiều giọng hát mới đã hòa vào với những giọng trẻ trung.
     
        Mãi đến khuya, bà An-na-grô-mô-va mới về nhà và rất dõi ngạc nhiên khi nhìn thấy cô cháu dâu đang ngồi ở bậc thềm rét run và mệt mỏi vì phải chờ lâu.

        — Sao cháu lại ngồi ở đây thế này? — Bà già nghiêm giọng hỏi Na-ta-sa, và chị phải ấp úng giải thích sự xuất hiện đột ngột của mình.

        — Thế cháu biết làm gì cơ chứ ? — Sờ sợ trước giọng nghiêm khắc của bà cô chồng, Na-ta-sa nói — Trong nhà không có một ai. Cửa lại khóa...

        Khi thấy cửa khóa thật, bà An-na mới giật mình dẫn Na-ta-sa vào nhà và bật đèn, bà ngạc nhiên nói:

        — Ông A-li-ô-sa lại biến đi đâu mất rồi? Rõ ràng là ông ấy không chịu đến « Nê-va ». Trời ơi!

        — Cháu không hiểu gì cô ạ! — Na-ta-sa trả lời.

        Ở trong phòng ấm áp sáng sủa, Na-ta-sa vui vẻ hẳn lên và tò mò nhìn xung quanh.

        — Cô ơi, thế anh Pa-ven ở đâu? Khi nào anh ấy về hả cô? —  Chị hỏi bà An-na.

        — Pa-ven hả?...— Bà già lặng im, chăm chăm nhìn Na-ta-sa —  Nhưng cháu cứ ngồi xuống đã, sao lại đứng như vậy ? — Bà nói, giọng dịu hơn. — Pa-vcn của chúng ta còn lâu mới về.

        ... Đêm đó, hai người phụ nữ hầu như không ngủ. Sáng hôm sau, theo lời chỉ đường của bà cô, Na-ta-sa đi tìm trung đoàn tình nguyện tự vệ công nhân.

        Buổi sáng cuối tháng mười ẩm ướt và buồn thiu. Đằng tây một đám mây thấp nặng nề trôi và trên nền sẫm của nó, mập mờ hiện ra những ngôi nhà gỗ ở khu Bờ sông. Sau một đêm, mặt đất biến thành vũng bùn sền sệt phù khắp các vỉa hè, không khí ẩm ướt, buồn tẻ, chán chường. Hôm qua, nhìn thành phố chìm trong ánh pháo sáng lạnh lẽo, trong đám mây đỏ lừ bao phủ một khoảng trời, trong ánh lửa chập chờn đang nghiến ngấu mặt đất, Na-ta-sa cảm thấy sau những biến động của một đêm anh dũng, rất căng thẳng với những loạt súng rung chuyển, chị dường như rơi vào một thành phố nào đó hoàn toàn khác.

        Tin Pa-ven gia nhập trung đoàn công nhân không làm chị ngạc nhiên: ở T., nơi mà từ cậu bé cũng xung phong chiến đấu với giặc thì làm sao Pa-ven có thể đứng ngoài cuộc được. Chị chỉ tiếc rằng anh đã không đợi được. Chị chỉ tiếc rằng anh đã không đợi được chị. Sau đó, nỗi lo lắng cho Pa-ven đã xâm chiếm người chị và chị đã thương cho chính bản thân mình. Lần đâu tiên trong đời, chị cảm thấy buồn thương thực sự. Và lúc này ý muốn chóng được gặp Pa- ven thôi thúc chị bước nhanh trên đường phố. Nhưng không phải để vĩnh biệt anh — ý nghĩ này làm chị hoảng sợ — và cũng không phải để hỏi han là sau này chị sẽ sống ra sao. Điều quan trọng, là theo bản năng chị muốn tận mắt trông thấy Pa-ven không làm sao, vẫn sống mạnh khỏe và yêu chị như xưa.

        Na-ta-sa đi qua chiếc cầu bắc qua dòng sông đen ngòm. Nhớ lời dặn của bà An-na, chị rẽ theo đường tàu điện. Có lẽ, chị đã đến đúng nơi đêm qua chị đã đi, nhưng lúc này chị không nhận ra chúng nữa. Những ngôi nhà cửa kính dán giấy kín mít, những đại lộ với hàng cây trơ trụi, những quảng trường vắng lặng với những cột gang xám xịt đã gây cho chị cảm giác lạnh lùng, cô quạnh đến nỗi có thể gào lên được vì buồn tẻ. Từ trong cửa sổ vuông đầy hơi nước của hiệu thuốc trước mặt Na-ta-sa tỏa ra ánh sáng của hai ngọn đèn —  một màu xanh, một màu da cam. Trên biển quảng cáo hiệu ảnh có tấm hình em gái mặc áo đen với đuôi sam vắt trên khuỷu tay. Na- ta-sa chăm chú nhìn những tấm ảnh trên đó. Tất cả những chi tiết mà Na-ta-sa nhìn thấy trong buổi sáng sớm bình thường đến một cách chậm chạp trên thành phố này tưởng như chỉ là những điều vụn vặt, nhưng lại làm cho chị càng thêm lo lắng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2020, 02:24:40 pm »


        Cứ đi dọc theo đường tàu diện, cuối cùng rồi chị đã đến ngôi nhà bốn tầng màu xám của trường trung cấp cơ khí: hai đầu có hàng rào ngăn cách. Tim Na-ta-sa đập mạnh, khi chị đọc xong bảng chữ trước cửa, chị chạy đến chiếc cổng đóng kín: theo lời bà An-na thì lúc này Pa-ven đang ở đâu đây. Người lính gác cầm súng trường ngăn chị lại ờ trước cổng ra vào. Na-ta-sa vội vã nói cho anh ta biết rằng chị là ai và đi tìm người nào. Người lính định phản đối Na-ta- sa điều gì, nhưng chị hồi hộp đến nỗi không nghe hết lời anh ta.

        — Đây là giấy tờ của tôi... Tôi đến tìm gặp chồng là đồng chí Grô-mốp. Tôi từ Mát-xcơ-va tới... Anh hãy xem giấy tờ đi. — Chị khẩn khoản lặp lại và đưa giấy phép của minh ra.

        Một người phụ nữ cũng đứng trước cổng, khẽ chạm vào khuỷu tay Na-ta-sa.

        — Chị phí công mà nằn nì thôi ! — Bà nói vẻ thông cảm —  Chị sẽ chẳng tìm thấy ai ở trong này đâu...

        Na-ta-sa hoảng hốt nhìn người phụ nữ.

        — Tôi định mang đến cho con tôi chiếc áo len dài tay nhưng chậm chân. — Bà ta nói thêm.

        — Thế họ ở đâu? — Na-ta-sa hỏi, đôi mắt nâu thẫm ánh lên vẻ không hiểu và khẩn khoản.

        — Người ta đã nói với chị rồi thôi: sáng sớm nay tất cả mọi người đã ra trận địa rồi.

        — Ôi, chị nói gì thế? — Na-ta-sa không tin.

        Trận địa — đấy là một cái gì đó gắn liền với mặt trận, với những trận đánh, chị thầm nghĩ rằng từ nay đến hết chiến tranh sẽ không còn được gặp Pa-ven nữa.

        — Sáng sớm nay... Thật là rủi ro! Trời ơi, sao mà không may đến thế! — Chị thốt lên. — Thế trận địa của họ ở đâu?

        — Ôi, cái này thì chẳng ai người ta nói cho chị đâu — người phụ nữ nói.

        Trông hình dáng bên ngoài, người phụ nữ trạc độ bốn mươi. Dáng người dong dỏng, đôi mắt to, xanh lơ nổi bật trên khuôn mặt xương xương còn khá hấp dẫn, tuy đã có những nếp nhăn ở miệng. Có thể nói bà ta thuộc loại người trẻ lâu. Bà mặc áo bành tô sẫm, sạch sẽ và quàng chiếc khăn thơm tho trên cổ.

        — Thật là cứ chóng cả mặt. — Sau một vài giây im lặng, bà thú nhận, — chẳng biết nên đi về hay là chạy ra trận địa.

        — Chạy đi đâu, nếu chị không biết rõ trận địa ở chỗ nào? —  Na-ta-sa nói.

        — Cũng không khó tìm lắm đâu... Nó ở gần đường cái, không thể ở nơi khác được, có thể ở chỗ nhà máy gạch hoặc vườn hoa văn hóa...

        — Trận địa ở trong vườn hoa ư? — Na-ta-sa ngạc nhiên —  Không thể nào như thế được!

        — Rất có thể có đấy! — Người phụ nữ nói — Chúng tôi đã đào công sự ở đấy.

        — Bây giờ đi ra đấy đi, — Na-ta-sa đề nghị — Ta cùng đi đi...

        — Mười hai giờ tôi phải đi làm. Tôi e không kịp... Nhưng chả lẽ lại không đi? — Bà lầm bằm như tự hỏi mình — Cũng cần phải gửi chiếc áo len dài tay cho thằng con trai.

        — Đấy, chị thấy đấy! Tất nhiên là cần phải gửi. — Sợ người phụ nữ thông thạo mọi điều này bỏ chị một mình, Na-ta-sa vội thốt lên.

        — Nào, ta đi theo đường làng thì tốt hon. Như thế sẽ gần hơn. —  Bà nói.

        Họ vội vàng đi theo ngõ hẻm nhỏ, hay chính xác hơn là đi lối quanh co giữa các ngôi nhà. Sau đó, theo người bạn đường của mình, Na-ta-sa luồn qua khe hở ở một hàng rào.

        — Thế ra là chị đi thăm chồng hả? — Người phụ nữ lại bắt đầu nói. — Tôi có con ở trong trung đoàn ấy. Tên nó là Vô-lô-đi-a, Vô-lô-đi-ạ Chi-khô-nốp.

        — Thật may là tôi được gặp chị. Chị tên là gì ạ? — Na-ta-sa hỏi.

        — Tên tôi ư? Tôi là Chi-khô-nô-va Ôn-ga I-li-ni-na. — Chị có tin rằng tôi tự hành hạ mình, là tại sao tôi không giữ Vô-lô-đi-a của tôi lại! — Người phụ nữ nói nhỏ. — Tôi có cảm giác như mới hôm qua lần đầu tiên tôi còn dẫn nó đến trường. Thế mà giờ đây nó đã thành người chiến sĩ trinh sát rồi đấy!

        Họ đi theo bãi trống trần trụi có hàng rào bao bọc ba phía, còn phía khác là một tòa nhà gạch xây dở. Một đàn ngỗng trắng quanh quẩn cách đó không xa, giúi mỏ xuống đám cỏ nâu thẫm. Một đám mây tuyết thấp, xanh thăm phủ kín bầu trời, thấp đến nỗi tưởng như sà xuống đuổi theo hai người. Nhìn ra chung quanh, Na-ta-sa rất đỗi ngạc nhiên, bởi quang cảnh ảm đạm, buồn tênh của khu vực giáp với chính trận địa mà họ đang tìm đến.

        — Ừ, mà ai có thể giữ được Vô-lô-đi-a cơ chứ? — Bà bạn đường của chị vẫn tiếp tục nói. — Nó rất thật thà, can đảm, thẳng thắn... Làm sao nó có thể chịu được cơ chứ? — Chị như muốn tự bào chữa : — ngay từ khi chúng tôi nói về tội ác dã man của bọn phát xít, nó chỉ có một ý nghĩ : đi báo thù. « Tình hình nghiêm trọng đấy, mẹ ạ! — Nó nói với tôi như thế. — Nhưng mẹ đừng lo. Con sẽ giúp bố đánh bọn phát xít». Còn chồng tôi, anh I-van Cxc-nô-phô-to-vich cũng ở mặt trận. Ngay từ tháng sáu, người ta đã động viên anh ấy rồi. — Người phụ nữ tâm sự mà không cần biết Na-ta-sa có nghe hay không. Chắc là bà ta không thể im lặng được trước những ý nghĩ đang nung nấu trong lòng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2020, 02:25:39 pm »


        Qua bãi trống, họ lại tới ngõ hẻm và từ đây người phụ nữ tên là Ôn-ga, dẫn Na-ta-sa tới đại lộ rộng, thoai thoải dốc. Sau chỗ ngoặt, một khẩu đại bác xanh phủ kín lưới ngụy trang, đặt ngay trên đường nhựa, bên ngôi nhà lớn với những hàng cột. Những người pháo binh đội mũ sắt đi lại quanh khẩu súng giống như con quái vật sa lưới. Chiếc cổ dài, thẳng với đầu nòng đen ngòm, nhô ra trong màn sương dày đặc trên đại lộ, như con thú dữ đang rình mồi.

        «Chả lẽ đây là trận địa?» — Na-ta-sa thoáng nghĩ. Chị bỗng rảo bước như sợ người ta bắn vào mình. Nhưng ngay lúc đó chị dừng lại chỗ người bạn đường tụt lại sau.

        — Tôi không thể leo nhanh được... — Ôn-ga ngượng ngùng nói. — Tim tôi đập mạnh quá...

        Ở phía trước, trong màn sương mù xám ngắt, hiện ra lờ mờ một vật gì kỳ lạ, khá cao với những đường gãy nét. Đến gần, Na-ta- sa mới nhận ra toa tàu điện, đặt ngang đường phố và chung quanh nó xếp đầy những thùng, hộp, cây cối, rào sắt, gạch đá.

        — Cái gì thế này ? — Chị hỏi to — Chuyện gì thế này ?

        — Chẳng có chuyện gì cả, — Ôn-ga trả lời — một chướng ngại vật bình thường. Ở ngoại ô chúng tôi đã dựng rất nhiều chướng ngại vạt thế này.

        — Chị chờ tôi một lát... Chị thứ lỗi cho nhé! — Bà ta vừa thở vừa khàn khoản.

        — Thế chị để tôi dìu tay nào, — Na-ta-sa đề nghị.

        — Không sao, tôi đi bây giờ đây, cảm ơn. — Người phụ nữ nói.

        Từ phố bên cạnh, một chiếc xe tải phủ vải bạt lao ra, rồi chạy ngược chiều. Trên nền tráng của thùng xe hiện ra một chữ thập đỏ tươi tắn. Chắc là họ mới sơn lại xe. Hai người đàn bà sợ sệt đưa mắt nhìn chiếc xe cứu thương và hầu như cùng nghĩ tới một điều kinh hoàng nào đó. Cũng may là trên xe không có người.

        — Ta đi thôi... kẻo không lại muộn mất! — Na-ta-sa nói.

        Chị cứ lo ngay ngáy trong lòng là bất cứ giây phút nào đó súng có thể nổ và sẽ không được gặp Pa-ven của mình.

        — Ừ đúng rồi, ta đi thôi! Tôi cũng còn phải đi làm cơ mà ! — Ôn-ga sực nhớ ra.

        — Cả trong bọn trẻ, giữa các đồng chí của mình, Vô-va1 cũng là đứa đầu tiên. — Cố gắng theo kịp Na-ta-sa, bà ta lại lắp bắp nói: — trong nhà tôi lúc nào cũng có cả một đơn vị bọn chúng. Tất nhiên, trước đây chúng còn là trẻ con, bây giờ đã trở thành người lớn rồi.

        Men theo lối nhỏ bên cạnh, Ôn-ga và Na-ta-sa vượt qua chướng ngại vật và họ nhìn ngay thấy nhiều người đang đào hào ở đó. Bên dải cát vàng nhạt trên bờ, những cái đầu quàng khăn, những đôi tay đeo găng lao động, những cái xẻng lố nhố khắp nơi trong lòng đường phố, đất đá bay rào rào lên không và những hòn dá nhỏ lăn đi rất xa.

        Một cô gái mái tóc rối bù đứng trên tấm gỗ bắc ngang qua hào.

        — Đắp cao lên các bạn ơi! — Cô gái nói to — Để cho Hít-le gãy chân ở đây! Để cho cái thằng đáng nguyền rủa ấy không rút ra khỏi đấy!...

        — Ta-nhi-a, ở đây có cái ống gì ấy! — Một giọng nữ vang lên. — Làm thế nào bây giờ ?

        — Lại còn ống nào nữa nhỉ? — Cô gái bực dọc hỏi.

        Một ông đeo kính, đội mũ phớt rướn thẳng người lên nhìn, tay vẫn giữ nguyên xẻng đất.

        — Tôi cho rằng đây là ống dẫn nước, — ông nói, — theo tôi, tạm thời đừng động đến nó.

        — Đúng đấy! — Cô gái gào lên. — Tạm thời đừng động đến nó, chị Phê-đô-nốp-na.

        — Cần phải biết xem người của chúng ta đi đâu rồi ? — Người bạn đường của Na-ta-sa nói. — Đợi một tí, tôi hỏi thăm ngay bây giờ,

        Bà vội vàng đến mép hào và tìm xem nên hỏi ai. Mọi người đã đào đến thắt lưng, họ làm việc rất khẩn trương và sôi nổi. Na-ta-sa chú ý đến một em bé gái khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, mặc chiếc bành tô quá rộng, chác là của mẹ. Em phải nâng cao chiếc xẻng để hất đất lên trên, tay áo bành tô tụt xuống đến khuỷu để lộ ra đôi tay nhỏ rất trắng. Môi mím chặt, mặt đỏ nhừ, nhem nhuốc, em có vẻ như đã kiệt sức. nhưng vẫn cứ tiếp tục đào.

        Nhìn em gái, Na-ta-sa thấy bối rối... « Chỉ cần thấy được Pa-ven, sau đó mình sẽ đào, làm việc như tất cả mọi người... » — chị nghĩ thầm.

        Một người phụ nữ tóc đen, thân hình cân đối với bộ ngực nở nang mặc blu dông da đã sờn, kéo lê chiếc xẻng trên mặt đất.

        — Ta-nhi-a, tớ chạy về nhà nửa tiếng nhé! — Chị nói như hát, giọng trầm trầm, ấm. — Đến giờ tớ phải cho con bú rồi!

        — Nhớ đấy, chỉ nửa tiếng thôi, — cô đội trưởng nhắc nhở.

        — Như tới hiệu thuốc thôi... Tớ không phải đi xa. — Chị vén váy lên để lộ đôi chân đẫy đà và trèo lên khỏi hào giao thông.

        Ôn-ga quay lại chỗ Na-ta-sa.

        — Chẳng ai biết rõ là họ ở đâu ? — Với vẻ lo lắng và thất vọng, chị ta báo tin. — Người ta nói, chắc chắn hơn cả là ở Vườn hoa văn hóa.

        Theo lối dường nhựa mà xà beng chưa động đến, họ đi sang bờ bên kia của hào giao thông.

        — Nhanh tay lên nào, các bạn ơi! — Giọng cô đội trưởng vang lên sau lưng hai người. — Nhin-ca, đưa tớ chiếc xẻng của cậu, còn cậu hãy ngồi nghỉ đi một lát!

------------------------
        1. Tên gọi Vô-lô-đi-a một cách trìu mến.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2020, 11:08:05 am »


        Chắc là ranh giới thành phố cách đây không xa: xen kẽ với những tòa nhà đá cao, mới xây, đã bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà gỗ một tầng.

        Tháp nước cao mái nhọn, sừng sững trong sương mù như vọng gác của thành phố. Ôn-ga rẽ sang phải, và từ đây hiện ra dãy nhà dài thấp lùn chung quanh có hàng rào gang.

        Từ đó, ở một vài ô của sổ còn tỏa ra ánh sáng vàng ệch màu hồ phách giống như ánh sáng của ngọn nến. « Bệnh viện thành phố », Na-ta-sa đọc nhanh hàng chữ nổi trên tấm biền am-pi ở sâu trong sân.

        Nhảy chồm chồm trên con đường lổn nhổn gạch đá, ba chiếc xe quân sự màu xanh, xếp dày những hòm kim loại, lao nhanh qua phố xá. Tiếp theo là một toán đàn ông mặc áo quần dân sự nhưng lại đeo súng trường cũng đuổi kịp Na-ta-sa. Từ trong hàng cây, bất ngờ hiện ra cái cổng gỗ dán có treo tấm biền màu hồng đã phai bạc vì nắng mưa. Chắc đây là cổng vào Vườn hoa thành phố. Trong Vườn hoa, những người được vũ trang giãn ra thành hàng một lẫn mình trong các bụi cây.

        — Trước kia Vô-lô-đi-a hay đến đây lắm, — người bạn đường của Na-ta-sa nói. — Mùa đông ở đây có trạm trượt tuyết, cả sân băng nữa. Cho nên ngày nào cũng vậy, cứ sau khi đi học về là nó chạy đến sân băng...

        Bà chưa kịp nói hết, thì ở ngay bên cạnh vang lên tiếng nổ đanh, chói tai, như có người nào đó đập quả tạ sắt xuống đá. — Na-ta-sa kêu lên và nắm lấy tay người bạn đường. « Đã bắt đầu rồi dấy! — Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu — Mình lại chậm rồi! ». Nhưng tiếng nổ của sắt thép im bặt một cách đột ngột như khi bắt đầu và trong bầu không khí yên lặng trở lại, chị nghe thấy tiếng xào xạc của cành cây trên đầu.

        — Phải chăng đã bắt đầu bắn nhau ? — Ôn-ga nói, giọng nhỏ nhẹ. Bỗng nhiên bà nhào người khỏi chỗ ngồi và chạy đến cổng. Na-ta-sa đuổi theo sau.

        Tiếng súng máy lại vang lên và chị vô tình nhắm mắt lại. nhưng văn cứ đi. Khi loạt súng im bặt, Na-ta-sa hé mắt và nhìn thấy phía bên trong cổng, hàng bạch dương già tuyệt đẹp chạy sâu vào vườn hoa. Những thân cây tráng, thẳng như cột nhà, mất hủt trong lớp cành trần trụi mờ mờ như khói phủ. Đi theo hàng cây là toán người đeo súng trường và ba chiếc xe xanh đã vượt hai người ở phố. Na- ta-sa nhìn rõ một cách lạ thường tất cả những cảnh này. Như vấp phải đá trong khoảnh khâc, Na-ta-sa sững lại, chị văn chưa tin vào chính mắt mình. Bên gốc cây gần đấy, Pa-ven, chồng chị đang đứng nói chuyện với một người nào đó mặc áo ca pốt. Chị nhận ra anh bởi dáng người, bởi cái đầu hơi nghiêng sang một vai, bởi chiếc mũ da hươu sần sùi đội lệch về đàng sau.

        — Páp-lích Pa-ven, anh không thấy gì sao!... — vẻ trách móc, chị gọi to, và lao nhanh giữa hàng cây.

        Pa-ven quay phắt lại, trên khuôn mặt anh hiện rõ vẻ ngạc nhiên và có vẻ như là bực bội.

        — Em đây, em đây mà! — Tưởng Pa-ven không nhận ra mình chị cố gọi thật to.

        Lao người tới Pa-ven, chị ôm ghì lấy anh và như thể theo quán tính, chị gục đầu vào ngực anh và cảm thấy mình bé bỏng, trẻ trung, yếu đuối hơn và như có phép mầu nhiệm, chị lập tức thấy lòng thanh thản lại.

        Ngỡ ngàng, Pa-ven dịu dàng đang tay trái ôm lấy cổ vợ, chằm chằm nhìn chị như thể còn nghi ngờ: chả lẽ lại là cô ấy? Mãi lát sau anh mới ngước đôi mát bối rối nhìn đại đội trưởng, người vừa mới nói chuyện với anh.

        — Vợ cậu đấy à? — Anh ta nghiêm giọng hỏi.

        — Vâng... Thế là cô ấy đã đến. — Pa-ven ấp úng trả lời,

        Cả hai người cùng im lặng nhìn người phụ nữ trẻ trung, nhỏ nhắn, mặc áo bành tô xanh, đội mũ nồi dựng đứng lên mái tóc váng óng.

        Na-ta-sa cựa minh và ngẩng đầu lên.

        — Páp-ỉích, ta đi đâu đi, — chị nói giọng rất thản nhiên.

        Người trung úy đại đội trưởng còn trẻ hơn Pa-ven nhíu đôi lông mày đen dày, nghiêm khác nhìn trung đội trưởng của mình, rồi quay ngoắt lại, đi thẳng.

        — Chúng mình đi ngay bây giờ, bây giờ, — Pa-ven nói. — Thế là em đã đến, Na-ta-sca! — Anh thốt lên — Đây thật là một điều tuyệt vời, em đã đến đây! Bây giờ anh sẽ thu xếp hết.— Nhích người sang một bên, anh nói với chị: — em đứng đây một tí. — Anh nhào người đuổi theo trung úy đại đội trưởng của mình.

        Na-ta-sa sửa lại áo và ngắm nhìn mình. Một cảm giác thoải mái dễ chịu không tài nào tả nổi choán lấy người chị. Sau khi đã tìm thấy Pa-ven, vẫn lành lặn và đối với chỉ vẫn rất yêu quý, thân thương như trước, chị không còn lo lắng gì cho mình và cho người khác nữa bời vì theo chị, không thể có gì khủng khiếp xảy ra với họ được nữa. Nhớ đến Ôn-ga, chị đưa mất tìm, nhưng không thấy đâu cả. Chị nghĩ chắc là người bạn đường của chị cũng đã tìm thấy con và cũng đã quên mất chị. Nhìn theo Pa-ven từ đằng xa, Na-ta-sa vô cùng sung sướng vì trông thấy anh vẫn to, cao, năng nổ, không hề thay đổi và vì đã nhanh chóng trút được nỗi kinh hoàng mới đây.

        Từ chỗ trung úy, Pa-ven chạy về với chị, khuôn mặt rạng rỡ.

        — Hẳn nửa tiếng, họ giải phóng... U-ra! — Vừa chạy, anh vừa reo lên.

        — Sao lại nửa tiếng? — Na-ta-sa ngạc nhiên rất chất phác.—  Chỉ có nửa tiếng thôi ư?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2020, 11:35:21 am »


        Nhưng giờ đây chị cảm thấy hạnh phúc đến nỗi không cần đề ý đến những lời nói của anh nữa.

        — Rất tốt là em đã đến đây. — Pa-ven lặp lại rất to và đầy xúc động. — Làm sao em lại quyết định đến đây? Hử, cừ lắm!

        Anh nắm chặt bàn tay chị và đan lấy mấy ngón tay chị trong lòng bàn tay mình.

        — Chúng mình đã quy ước là em đến chỗ anh rồi cơ mà! —  Chị nói, giọng lạc đi.

        Cũng như mọi lần, khi họ đi bên nhau, từ phía dưới, chị chỉ nhìn thấy cái cằm, hàng lông mi và những sợi tóc bướng bỉnh trên trán. Nhận thấy tất cả đều như xưa và không hề thay đồi, Na-ta-sa cảm thấy vô cùng mãn nguyện.

        — Anh đã viết cho em về tất cả mọi điều, Na-ta-sca. — Anh nói— Em có hiểu không, tình hình biến chuyền đến nỗi anh không thể ở lại hậu phương.

        — Em chẳng nhận được gì cả, nhưng chủng mình đã giao hẹn với nhau rồi cơ mà! — Chị lặp lại.

        — Đúng, đúng rồi! — Anh xác định. — Em hiểu không, anh đã hai lần nộp đơn xin gia nhập trung đoàn.

        — Em chẳng biết gì... Chắc là thư bị lạc... — Na-ta-sa nói.

        Vì chị hân hoan đang được đi bên Pa-ven, đang được nghe giọng nói của anh, nên lời trách móc bưu điện nghe đặc biệt âm vang vui vẻ.

        — Em biết không, hôm qua anh còn tiếc là không có em ở đây, hôm qua anh còn nghĩ về điều này. — Pa-ven nói.

        Về phần mình, anh rất biết ơn chị, vì chị đã tới đây. Anh muốn kể cho Na-ta-sa nghe ngay tất cả mọi điều đang nung nấu, đang sôi động trong lòng anh.

        — Ở chỗ anh xảy ra một việc! — Anh tiếp — Chuyện này khó kể lắm. Cần phải chính mình tham gia vào việc này thì mới có thể.

        — Làm sao anh lại có thể nghĩ rằng em không đến đây nếu chúng mình đã giao ước với nhau. — Chị trách anh.

        — Ừ nhỉ... Em thứ lỗi cho anh. — Pa-ven nhận lỗi. — Em cũng biết đấy, tình hình rất căng thẳng... Nhưng má... ôi, thật tiếc là sáng nay em không đến lúc bọn anh ra quân !...

        — Em đã đến đây từ hôm qua cơ đấy! — Chị nói.

        — Em nói gì thế? Từ hôm qua cơ à?

        — Thật đấy, từ đêm qua... Em mò mẫm khắp thành phố và lạc cả vào hầm trú ẩn nữa. — Chị nghiêng đầu sang một bên để nhìn rõ Pa-ven hơn. — Như một Ô-đi-xê chính hiệu. Khi không thấy anh ở nhà, em rất sợ. Em tưởng có chuyện gì đó xảy ra với anh. Té ra anh đi chiến đấu!

        Trong trung đội anh có nhiều bạn cũ. — Pa-ven vội vã sung sướng cướp lời chị. — Va-nhi-a Bô-cốp này, Trô-sin này, anh đã kể với em rồi. Những cậu bạn tuyệt vời! Bọn anh cùng lớn lên, sau đó cùng học với nhau và...

        — Em đã làm quen với cô anh rồi, — Na-ta-sa ngắt lời Pa- ven, — với cô An-na của anh...

        — Dã làm quen rồi cơ à ? — Pa-ven nghiêng người, nhìn vào đôi mắt nâu thẫm, lòng trắng hơi xanh, dịu dàng, cái mũi nhỏ đáng yêu, trắng ra vì giá rét, cái môi dưới màu hồng hơi nhô ra và...

        — Còn ông bố thì không muốn đi khỏi thành phố. — Pa-ven nói điều này bằng giọng rất kích động và hạnh phúc. Ông già bướng bỉnh như trẻ con và không thể nào khuyên được. Bố đã già lắm... Còn bố mẹ em thế nào ?

        — Đã đi sơ tán... Cả mẹ và Ma-ri-na. Dĩ nhiên là mọi người đều ôm và hôn anh.

        Cứ như vậy họ cướp tranh lời nhau, nhảy từ điều này sang điều khác, cố nói những gì quan trọng nhất đã xảy ra, khi hai người sống xa nhau. Hai người tới một cái sân có vòi phun nước ở giữa và họ đi dạo vòng quanh nó mấy vòng.

        — Em chóng cả mặt, lạy trời, — Na-ta-sa nói. — Chúng mình ngồi xuống đâu đi, Páp-lích!

        Na-ta-sa đảo mắt nhìn chung quanh và mãi tới lúc này chị mới nhìn kỹ vòi phun nước với những giọt nước giống như nước mưa bắn ra tận bờ bức tượng một cô gái cao lớn bằng thạch cao cầm mái chèo đứng sừng sững ở đảo giữa. Những chiếc lá rụng nằm trên đôi vai trần, trắng của cô, bơi trên mặt bể nước đục ngầu, chúng phủ khắp nơi trong vườn hoa một màu nâu ẩm ướt và hầu như không còn lạo sạo dưới chân nữa. Ở đầu đường chính có hai quầy hàng, trên một quầy, Na-ta-sa đọc được tẩm bảng nhỏ đề chữ « Kem » đã phai màu bạc trắng. Dù quay đi đâu chăng nữa, ở mọi nơi họ cũng bât gặp những cây bạch dương thẳng tắp và không hiểu sao, chúng gợi cho ta một ý nghĩ về một điệu nhảy dân gian Nga nhịp nhàng. Lúc này, một đám mây thấp bay lơ lửng trên vườn hoa và trên nền phông khó chịu của nó hiện rõ những thân cây màu sáng thẳng tắp cường tráng với vô số cành con. Phía sâu trong vườn hoa có bóng người lố nhố sau những hàng cây, nhưng ở chỗ này, tại đấy không có một ai, ngoài Pa-ven và Na-ta-sa.

        — Ở chỗ các anh, toàn những bạch dương là bạch dương —  chị nói. — Và sao mà to đến thế! Chưa bao giờ em trông thấy những cây đẹp như thế này.

        — Ừ, vườn hoa tuyệt đẹp... Vườn hoa lâu đời. — Pa-ven thốt lên.

        Vẫn cầm tay Na-ta-sa, Pa-ven dẫn chị đi theo một trong những con đường mòn tỏa ra từ đài phun nước.

        — Mới rồi họ bắn ở đằng kia... rất gần. Bắn gì thế, hả anh ? — Na-ta-sa hỏi.

        — Người ta thử súng máy... Em sợ lắm hả?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2020, 06:50:20 am »


        "Chị mỉm cười lắc đầu. Lúc này khi vai chị đang dựa vào lồng ngực nở nang của Pa-ven, khi bàn tay khô, rắn khỏe của anh đang nắm chặt những ngón tay nhỏ nhắn của chị, thì không thể có những điều gì đe dọa nghiêm trọng xảy ra đối với cả hai người được. Trong phút này lòng tin sẵn có của chị vào Pa-ven, vào tình yêu của anh, vào sự cao thượng của trái tim anh là vô tận, như thể trên thế giới này thực sự không có mối nguy hiểm nào mà tình yêu và lòng cao thượng không ngăn ngừa được.

        — Em vẫn chưa nhìn thấy thành phó của anh. Ở đây không chỉ có vườn hoa, — anh tiếp tục, vẻ xúc động. — Không hiểu sao chính anh trước kia cũng ít nhận thấy nó. Hừ, thành phố nào chả là thành phố, hơi bẩn nữa cơ... Và chỉ đến lúc này anh mới kịp nhận thấy thành phố thay đổi một cách khác thường trong những năm gần đây. Còn con người — con người ở đây rất bình thường — chẳng hạn ở trong trung đội anh có A-nhi-xi-mốp thợ mỏ...

        Bỗng nhiên Na-ta-sa cười to.

        — Em làm sao thế? — Anh hỏi và thích thú nghe tiếng cười trong sáng, dễ lôi cuốn của chị. — Em làm sao thế? Em cười gì vậy?

        — Em nhớ lại hôm qua tí nữa em bị lạc trong thành phố của anh, — Na-ta-sa ngả đầu vào vai chồng. — Ôi Pa-sa, nếu mà anh biết lúc đó em cảm thấy mình bất lực như thế nào!

        — Ừ, hiểu quá đi chứ, lần đầu tiên em đến đây mà! — Anh nói. — Thế đấy, A-nhi-xi-mốp... Đây quả là vàng mười, chứ không phải là con người bình thường.

        Pa-ven rất muốn cảm ơn Na-ta-sa một cách chân thành nhất, trìu mến nhất, vì chị đã tới đây, và với cả tâm tình của mình, anh muốn chia sẻ với chị những gì quan trọng nhất, quý giá nhất, mà lúc này anh đang trân trọng nghĩ tới.

        — Thế mình sẽ ngồi xuống đâu ? Na-ta-sa nói.

        Họ đến cuối đường mòn, nhưng chẳng có lấy một chiếc ghế nào cả, dù họ đã để ý tìm. Lúc này, ngay trước mặt họ có bãi cỏ nhỏ với những lùm cây ở chung quanh, trên có chiếc bục gỗ nhỏ đề cho dàn nhạc. Những cái đuôi màu vàng của tràng hoa giấy treo lơ lửng trên nền gỗ ván. Rẽ khỏi đường mòn, Pa-ven đưa Na-ta-sa vào đấy. Ở sâu trong lòng chiếc bục gỗ ngổn ngang những giá nhạc bằng kim loại, lá cây bay cả vào đây, phủ đầy nền gỗ.

        — Thật tuyệt! — Na-ta-sa thốt lên... — Lại còn khô ráo nữa...

        Pa-ven đỡ ngang lưng Na-ta-sa và nhẹ nhàng nâng chị lên bục. Sau đó, tì một tay xuống bậc, anh cũng nhẹ nhàng nâng thân hình to lớn của mình lên. Chỉ có điều là dưới sức nặng của anh những tấm ván oằn xuống và một giá nhạc trượt trên thềm, kêu leng keng.

        Phủi mấy chiếc lá trên mặt cái hòm dài ở đây, anh dịu Na-ta-sa ngồi xuống cùng với minh. Chị nhích lại gần anh và tựa vào vai anh.

        — Toàn bộ trung đoàn của anh là những người tình nguyện. — Anh nói. — Và đây chỉ là phần nhỏ những người nộp đơn tình nguyện. Đảng ủy khu phố ở đây cứ bấn lên với những tập đơn... Từ tờ mờ sáng đến tận đêm khuya, rất nhiều thanh niên mang theo bao đồ cứ ngồi lì ở khu đoàn Côm-xô-môn. Nhiều đoàn từ các nông trang đến đây và đòi gia nhập đơn vị. Em không thể tưởng tượng nổi một khí thế sôi nổi như thế nào dâng lên trong nhân dân! — Và anh lại bắt đầu kể về các chiến sĩ của trung đội do anh chỉ huy, về sáng nay người thầy giáo già của anh tiễn anh như thế nào và về chuyện A-nhi-xi-mốp chia tay với vợ ra sao.

        Na-ta-sa im lặng, mlm cười lơ đãng và hơi căng thẳng, chẳng hiểu gì về những điều Pa-ven nói, chị chỉ chờ đợi đến lúc nào anh mới ôm hòn chị.

        «Nào, nào... sao anh lại thế? Em đây đang ngay cạnh anh...» — Chị thầm nói với chồng. Đôi lúc bị lôi cuốn bởi câu chuyện, anh đặt tay lên đầu gối chị, và mặt Na-ta-sa đỏ nhừ, nín thở, ngoan ngoãn đợi chờ. Nhưng Pa-ven vẫn như không nhận ra điều đó, vẫn cứ say sưa tường thuật cho chị nghe về buổi ra quân của trung đoàn. Những ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc về buổi sáng nay vẫn xâm chiếm người Pa-ven, vẫn chưa rời anh. Và như thể anh trao cho người thân thiết nhất của mình những gì đối với anh rất to lớn và đầy hy vọng.

        Lim dim mắt, Na-ta-sa gục đầu vào tay áo ẩm bằng len của anh. Cả hai ngồi yên không nói một lời khoảng một phút.

        «Páp-lích, anh chẳng hiểu cái gì cả, — chị nghĩ với vẻ dịu dàng và trách móc. — Như trẻ con, như cậu con trai mới lớn thôi, thật thế ...»

        Anh ôm chị mỗi lúc một chặt hơn. Nhưng khuôn mặt hiền từ, hạnh phúc của Pa-ven trong chốc lát trở nên buồn rầu và lo lắng. Bỗng nhiên anh nhớ ra, anh cùng Na-ta-sa chỉ được bên nhau có nửa tiếng đồng hồ và thời gian cho hai người đã gần hết. Chỉ vài phút nữa là vợ anh phải ở lại một mình trong thành phố lạ mà ngày mai hoặc ngày kia kẻ thù sẽ tới.

        Tự nhiên Na-ta-sa mở bừng mắt và ưỡn thẳng người ra. Trong khoảnh khắc này, chị cũng nhớ ra cái thời hạn ngắn ngủi đến phì cười mà họ cho phép Pa-ven. Chị lạnh người đi khi nghĩ rằng lát nữa anh ấy sẽ đi mất. Nhưng mặt anh trông u buồn đến mức, tiếng than phiền chỉ đọng lại trên môi chị.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM