Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:34:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hà giang Ký ức của chúng tôi và đồng đội. Phần 17.  (Đọc 183167 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
laoshan1234
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1474



« Trả lời #450 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 02:23:06 pm »

  Hơn 20 năm chiến tranh,tưởng như đã qua đi,vùng đất mà bao nhiêu đồng đội tôi đã đến,trong số đó còn bao người không thể quay trở về.Vậy mà nay đọc lại ở bài viết dưới đây,mới thấy chiến tranh trên vùng đất này là chưa kết thúc.Nặm ngặt;Nơi mà bao người lính vì lũ quân Trung quốc bành trướng,đã từng đến để chiến đấu chống lại chúng tại nơi đây

 "
Bao giờ Nặm Ngặt hết nghèo?
 

HGĐT- Trong những năm chiến tranh ác liệt trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc (đặc biệt là năm 1984), thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) chịu sự tàn phá nặng nề. Dù hôm nay, cuộc chiến ấy đã lùi về quá khứ tròn 3 thập kỷ nhưng tàn dư để lại của một thời bom, đạn dường như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng mỗi người dân. Ngày qua ngày, biết bao ngòi đạn, pháo cối, bom, mìn,... vương lại trên nhiều diện tích đất đã, đang và chưa canh tác của thôn Nặm Ngặt như cứa nát tâm can bao người. Ở nơi ấy, “cuộc chiến” với vũ khí quân sự... giữa thời bình cùng công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững vẫn còn đó nhiều nỗi truân chuyên.

Kỳ 1: Nỗi lo bom, mìn giữa thời bình

Khi chiến tranh biên giới xảy ra, người dân thôn Nặm Ngặt đã cùng nhau đi sơ tán. Năm 1991, khi biên giới bình yên trở lại, họ về quê cũ lập nghiệp. Thế nhưng, ngày trở về, họ phải đối mặt với vô vàn khó khăn do tàn dư của chiến tranh để lại. Nhiều mái nhà trơ trụi, nhiều cây xanh cháy xém và nhiều khoảnh đất vốn bằng phẳng bỗng chốc tạo thành hố sâu, hố thụt nham nhở đến quặn lòng. Không những vậy, ngày hôm nay, trong từng tấc đất vẫn còn đó biết bao bom, mìn, đạn,... chưa được các đơn vị chức năng rà phá hoặc rà phá không xuể. Nhiều người phải bỏ thân mình khi đất nước yên tiếng súng hoặc cam chịu cảnh thương tật suốt đời vì không may cuốc, giẫm phải bom, mìn trong quá trình lao động, sản xuất... Tàn dư của chiến tranh muôn đời khốc liệt là vậy, nhưng vì yêu từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, 54 hộ dân hôm nay vẫn nỗ lực vượt khó để bám đất sản xuất. Ngày qua ngày, họ chống lại tàn dư của cuộc chiến tranh một cách kiên cường nhưng cũng đầy nước mắt...




Anh Bồn Văn Đặng kiểm tra số lượng vũ khí quân sự lượm được trong quá trình lao động của gia đình, chuẩn bị giao nộp cho đơn vị chức năng.


Bên ngôi nhà sàn nhuốm màu thời gian, bà Bồn Thị Nhằm năm nay đã ngoài 60 tuổi, ngồi chống cằm ủ dột, buông ánh nhìn vô vọng vào khu vực cất giữ đạn, mìn, lựu đạn,... mà gia đình lượm được trong quá trình phát nương, làm rẫy. Bà lặng im cho đến khi đôi mắt nhăn nheo ứa những giọt nước mắt thì khi ấy, câu chuyện xót lòng của 22 năm về trước mới vỡ òa: 22 năm qua, chưa một ngày bà quên hình ảnh người con trai đầu lòng của mình. Trong một lần đi phát nương, người ta nghi anh phát trúng ngòi nổ của một quả mìn sót lại trong chiến tranh. Sức công phá ác liệt của vũ khí quân sự khiến anh và một người bạn cùng đi làm, vĩnh viễn để lại tuổi thanh xuân ngay tại mảnh nương đang phát dang dở, chờ ngày trồng ngô... Ký ức đau lòng về cậu con trai ra đi với tấm thân không trọn vẹn chưa một ngày nguôi ngoai thì năm 2006, con trai thứ 2 của bà là anh Bồn Văn Đặng, một lần đi làm nương không may giẫm phải mìn, khiến chân phải của anh vĩnh viễn không bao giờ lành khi quả mìn phát nổ. Giờ đây, với một bên chân giả, việc đi lại của anh rất khó khăn. Nhưng với vai trò là trụ cột gia đình, anh vẫn lao động, sản xuất để chăm lo cho mẹ già và là chỗ dựa cho người vợ trẻ cùng đàn con thơ.


Chung hoàn cảnh với anh Đặng, năm 2008, vợ chồng anh Triệu Văn Nguyên được bố mẹ cho ra ở riêng. Nhưng vì ruộng ít, anh Nguyên đã tự khai phá đất để tăng diện tích trồng lúa, mong cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, diện tích ruộng ấy nằm trong khu vực chưa được rà phá bom, mìn nên chẳng may anh Nguyên mất đi một bên chân phải của mình vì giẫm phải mìn. Đang sung sức ở tuổi 28, giờ mất đi một phần thân thể khiến anh Nguyên không cầm được nước mắt. Những giọt nước mắt của anh không chỉ tiếc cho bản thân không còn đôi chân lành lặn để cùng vợ làm ruộng, phát nương mà hơn hết, anh còn một cậu con trai đáng phải để tâm lo nghĩ. Cháu Triệu Văn Bền, con trai anh không may bị nhiễm chất độc da cam/dioxin – biểu hiện của bệnh ở đời thứ 3, khi ông nội cháu từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặc dù đã 12 tuổi, song hình hài của Bền không khác một đứa trẻ tuổi lên 3 nhưng làn da lại sớm nhăn nheo đến xót lòng. Không những vậy, cháu chưa bao giờ biết cất tiếng gọi bố, gọi mẹ. 2 năm trở lại đây, Bền mới tập đi nhưng đó chỉ là những bước đi chưa bao giờ vững...


Hiện nay, cả thôn Nặm Ngặt có đến 7 trường hợp đang mang thương tật suốt đời về chân, tay và mắt do cuốc, giẫm phải bom, mìn trong quá trình lao động, sản xuất. Đã có 3 trường hợp thương tâm tử vong vì hoàn cảnh tương tự. Mặc dù, nhiều diện tích đất canh tác của người dân đã được các đơn vị chức năng rà phá bom, mìn để họ yên tâm sản xuất. Thế nhưng, mảnh đất nằm trong lòng địch ngày ấy đến nay vẫn chưa yên nỗi lo tiếng bom, mìn có thể nổ bất cứ thời khắc nào. Mới đây thôi, người dân trong thôn đã phát hiện được 6 quả bom, mìn còn nguyên ngòi nổ hoặc chỉ còn thuốc nổ, ẩn dưới lớp đất mỏng do quá trình mưa, lũ sói mòn để lộ, khiến họ phải dừng việc lao động, sản xuất ở khu vực đó. Nếu nhỡ chẳng may... có chuyện không lành. Và cũng mới đây thôi, trong thôn có rất nhiều trâu giẫm phải mìn, khiến chân bị què, cụt. Nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo và trung bình như ông: Tráng Văn Xiệp, Tráng Văn Thịnh, Tráng Văn Cáo bị thiệt hại từ 2-3 con trâu đang trong độ tuổi khai thác sức kéo đã bật khóc, khi “con trâu là đầu cơ nghiệp” không thể đi 3 chân để cầy, kéo...


Thôn Nặm Ngặt hiện nay vẫn còn trên 200 ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp chưa được rà phá bom, mìn. Trong khi đó, những diện tích đất đã canh tác vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn, khi người dân trong quá trình phát nương, làm rẫy lượm được đạn, mìn, lựu đạn, đạn pháo cối,... đã trở thành câu chuyện thường nhật. Câu chuyện ấy không chỉ chứa đầy nước mắt mà còn gây cản trở lớn đến quá trình phát triển kinh tế của người dân thôn Nặm Ngặt."




THU PHƯƠNG



  Nặm ngặt,một bản nằm dưới chân cao điểm 1509
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Sáu, 2014, 02:37:07 pm gửi bởi laoshan1234 » Logged
ngocquyen C6
Thành viên
*
Bài viết: 891


« Trả lời #451 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 05:24:55 pm »

Cảm ơn Bác Laos đã trích đăng bài báo rất hay ,rất có ý nghĩa ! Tác giả bài báo cũng muốn gióng lên hồi chuông kêu gọi cộng đồng chung tay vào mục đích rà phá bom mìn sau chiến tranh ,giúp bà con yên tâm lao đông sản xuất ,tránh thiệt hại đáng tiếc do bom mìn gây ra ?

Bản NÂM NGẶT là bản có rất nhiều duyên nợ với sư đoàn 356 ? Thời gian từ đầu năm 1984 tới đầu năm 1989 hết chiến tranh bà con lại trở về thôn bản xây dựng lại cuộc sống .NGày Nay ,trong suốt thời gian đi khảo sát ,liên hệ xây dưng CÂY HƯƠNG 468 ,chúng tôi đã vào bản liên hệ với trưởng thôn ,gặp gỡ bà con thôn bản ...và được bà con rất quý mến và ủng hộ .Sau khi được cấc cấp chính quyền địa phương thôn ,xã ,huyện đồng ý ủng hộ chúng tôi dã hoàn thành gia đoạn đầu xây dựng cây hương tưởng niệm các liệt sĩ, tại đây là cửa ngõ của bản Nậm Ngặt ?chính vì vậy bà con dân bản sau khi được chúng tôi trình bày ,đã coi cây hương như một ngôi đền thờ của địa phương xây cất,nhằm tri ân đền ơn đáp nghĩa công lao chiến đấu hy sinh của bộ đội Cụ HỒ vì mảnh đất của thôn bản nậm ngặt ...Thật sự cảm động : Cứ Ngày tuần ,Ngày lễ ....LÀ BÀ CON DÂN BẢN ĐEM ĐỒ LỄ LÊN DÂNG HƯƠNG TẠI CÂY HƯƠNG 468 !!!

Hội CCB F356 liên hệ khăng khít với xã Thanh Thủy ,Thôn Nâm Ngặt trong rất nhiều việc có ý nghĩa : Tặng Sách vở cho các cháu trong thôn xã,tặng áo ấm tình thương.......và vừa qua Thôn Nậm Ngặt vừa khánh thành NHÀ VĂN HÓA THÔN NẬM NGẶT .....v..v....Còn rất nhiều tình cảm quân dân ,còn thời gian rất dài cho nghĩa cử ? qua rất nhiều thư kiến nghị gửi đi các cấp đến nay ĐOÀN CÔNG BINH F316 ĐÃ TRƠ LẠI RÀ PHÁ BOM MÌN GIÚP BÀ CON...! Cầu mong cho Cán Bộ chiến sĩ đoàn CÔNG BINH hoàn thành nhiệm vụ AN TOÀN ! chúc mừng Bà con sớm được trả lại ruộng nương SẠCH BOM MÌN !

Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #452 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2014, 05:27:56 pm »

    Báo cáo các bác em hôm qua vừa xuống bảo tàng quân khu 2. Có chụp một số hiện vật. Đây là bức ảnh mẫu cờ của F 313 !



   Còn đây là mấy khẩu pháo, nghe nói có tham gia trong chiến tranh BGPB, súng pháo thì...em chịu, không phân biệt được, nhờ bác Pháo 47 chỉ ra cho em !



 ...nghe nói bác Pháo sử dụng khẩu ngắn nhất !  Grin
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #453 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2014, 05:49:03 pm »



 ...nghe nói bác Pháo sử dụng khẩu ngắn nhất !  Grin
Tính từ bên phải sang là giàn H6, khẩu 37mm và 105 M2A2 của US. Trong đó loại 105 này đã đi vào lịch sử của mặt trận Hg, do bắn nhiều nên nòng nó " ngắn" là đúng thôi, chứ lần đầu " tham chiến" dài ra phết chú ạ Grin
Logged
ngày gió
Thành viên
*
Bài viết: 38


« Trả lời #454 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2014, 07:45:31 pm »

Các chú, các bác cho cháu hỏi có phải khấu 6 nòng kia là H12 không ạ
Logged
laoshan1234
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1474



« Trả lời #455 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2014, 08:28:42 pm »

Các chú, các bác cho cháu hỏi có phải khấu 6 nòng kia là H12 không ạ
H12 tháo ra 11 nòng chỉ còn H1,đó là tính cơ động của dàn hỏa tiễn này
Logged
Vixuyen-hg
Thành viên
*
Bài viết: 260


« Trả lời #456 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2014, 03:49:18 pm »

Trích dẫn từ: ngày gió trong 05 Tháng Sáu, 2014, 07:45:31 PM
Các chú, các bác cho cháu hỏi có phải khấu 6 nòng kia là H12 không ạ
H12 tháo ra 11 nòng chỉ còn H1,đó là tính cơ động của dàn hỏa tiễn này
Nói nhỏ thôi không thằng tàu nó cũng tháo (tháo xẻng xiên qua tai) nó hay pho tô copi pháo Hạ lòng bắn thắng hồi đánh Điên Biên củabác Giáp ta áp dụng ở Vi xuyên ,đánh lấn dũi  (giờ nó cũng dũi ở biển Đông)
Xe tăng còn tháo nhỏ bỏ gùi vượt núi h12 là chuyện nhỏ Bộ đội Việt Nam thông Minh sáng tạo tháo xong lắp lại vẫn thừa con .....ốc ,làm cho chuyên gia Liên xô thè lưỡi lắc đầu
Vâng đúng rồi tháo ra chi còn h1 chia Làm 12 trận địa hoả tiễn bắn tỉa chứ chơi cả dàn bọn em vận tải đếm bao giờ mới đủ 
Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #457 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2014, 11:40:05 pm »

    
                        Chào các bác và anh em.

     Dạo này HG vắng vẻ,đìu hiu quá. Có lẽ bầu không khí oi nóng của mùa hè,vói những sự kiện bức bối ngoài đời thực đã làm ảnh hưởng tới luồng hoài niệm về một thời Ký ức chiến trường của các CCB .
     Âu cũng là lẽ thường tình,khi trong cuộc sống của chúng ta hôm nay vẫn còn ẩn chứa , hiện hữu biết bao bất trắc,cam go,nhọc nhằn,thử thách.v.v..., mà chúng ta lại còn phải thường xuyên tiếp nhận,suy ngẫm ,bức xúc,trăn trở về những thông tin nơi Biển ,Đảo đang ngày đêm bị chính đối thủ một thời máu lửa của thế hệ chúng ta  xâm lấn,quấy nhiễu.
     Là những người đã từng  mang máu xương,mồ hôi,tuổi trẻ của mình ra chiến trường chiến đấu với kẻ xâm lược để bảo vệ cương thổ ,chủ quyền của Tổ quốc ,chắc chắn những CCB chúng ta sẽ có đủ bản lĩnh và sự tỉnh táo sáng suốt để chọn lựa được cho mình cách ứng xử đúng đắn hợp tình hợp lý nhất.
    Trước những thử thách nghiệt ngã nan giải hôm nay,việc chúng ta hồi tưởng ,hoài niệm lại những Ký ức chiến trận tàn khốc ngày xưa,chắc chắn sẽ càng có thêm nhiều phần ý nghĩa tích cực.
     Cám ơn các bác Pb47,Laoshan1234,Nguyenquangtri...những ngày qua vẫn đang cố gắng giữ lửa cho trang nhà.
     Cám ơn những bức ảnh chụp quang cảnh những nơi từng là chiến trường cũ ,hiện vật tư liệu ở bảo tàng QK của bạn trẻ Lính QY , và ảnh của các CCB khác mà bác Laoshan đã đưa lên.
     Dù có thể còn có nhiều điều trong cuộc sống làm cho  nản lòng,phân tâm,cụt hứng,mong rằng dòng Ký ức và tình cảm Đồng đội gắn bó của chúng ta sẽ vẫn luôn được khơi gợi và tiếp tục tuôn trào trên HG.
     Đề nghị các bác Nthai1010,Trinhvanhuong,Đapxichlo,Vixuyen hg...tiếp tục câu chuyện còn đang dang dở của mình;mong một loạt các tên tuổi quen biết( trong đó có nhiều các bạn trẻ ) sớm trở lại với HG.
    
     Chúc các bác và anh em luôn vui khỏe để tiếp tục hành quân.
    
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Sáu, 2014, 06:02:36 am gửi bởi thai60 » Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #458 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2014, 10:21:07 am »

                    Chào các bác và anh em.

     Hôm vừa rồi,Thai60 có việc phải vào trong Chi cục thuế quận Hà đông. Suốt buổi sáng phải chạy đi chạy lại như cờ lông công dưới ánh nắng mùa hè gay gắt vì “ bị thiếu giấy này,phải phô tô giấy kia “…, cuối cùng rồi cũng xong việc.
     Lúc về, Thai60 ghé vào một quán nước vỉa hè ở phố Lê lợi gần góc chợ Hà đông làm chén nước trà nóng cho thư giãn.
     Đang từ chỗ chói nắng chui vào chỗ bóng râm,mắt như bị tối sầm lại.Ngồi một lúc mới thấy trở lại bình thường,giương mắt ngó qua bên kia ngã ba,phía đầu đường Lê Hồng Phong.Bên ấy cũng có một cái hàng nước,nhiều năm trước có nhiều lần Thai60 đã từng ngồi ở quán ấy. Cùng với 1 người bạn lính. Nhưng mấy năm nay không vào đó nữa,vì bạn đã đi xa. Rất xa…
     Đang lơ mơ ngắm về phía đó,chợt thấy có thêm một ông khách ghé vào ,gọi chén nước trà,rít thuốc lào xoe xóe,nhả khói mù mịt. Chẳng biết ông khách ấy và ông chủ quán có quen biết nhau không ,nhưng thấy chuyện trò cởi mở lắm. Ông khách kể rằng nhà ông ở huyện Thạch thất ( Hà tây cũ ),có thằng con trai  là lính cảnh sát biển,đang làm nhiệm vụ ở ngoài khơi xa.Thương và lo cho thằng con đang ở chỗ hiểm nguy,hôm nay ông đưa vợ nó mang ít quà và thư lên cơ quan nó,xem có ai ra đó thì gửi theo.
     Nghe hóng chuyện,chợt nhớ ra ở phía bên kia đường ,nơi trước kia là Tỉnh đội Hà tây cũ,nay là trụ sở của Cảnh sát biển Việt nam.
     Bắn thêm điếu thuốc lào,uống cạn chén nước,ông khách lại lật đật đi sang bên ấy. Dáng đi xiêu xiêu,thân hình gầy gò hom hem,bộ quần áo cũ phếch,đôi dép tổ ong mòn vẹt,trông rõ ra người quê vất vả long đong.
     Cũng nhìn dõi theo ông khách,ông chủ quán tóc bạc phơ vừa rửa chén vừa than thở : Khổ thật,cứ tưởng sau cái thời của các cậu thì sẽ hết khổ vì chiến tranh,vậy mà bây giờ lại thế…
Thai60 ngạc nhiên : Ơ, sao ông biết…
Ông chủ quán nhìn Thai60 : Cậu quên tôi rồi à ?
Thai60 ngắm kỹ lại ,và chợt nhớ ra …

     Một buổi sáng mùa hè khoảng đầu tháng 6/1984,khi lũ lính C25 VT bọn Thai60 còn đang ngủ vùi sau một đêm lặn lội tải hàng,cáng thương, thì trong thung lũng Nà cáy chọt rộ lên tiếng chân chạy huỳnh huỵch,tiếng gọi nhau í ới,râm ran. Thấy lạ,Thai60 mò ra khỏi hầm xem là cái gì. Nhìn sang bên kia khe suối,thấy lốc nhốc một đoàn lính đang kéo nhau từ trên đỉnh 673 xuống,tụ tập đầy trên bãi đất trước cửa hang Phẫu.
     Đang thèm thuốc tới nẫu ruột,thấy có người mới tới,hy vọng kiếm được tý thuốc lào thuốc lá, 60 em vội phi ngay xuống đó.
     Hóa ra ,không phải là lính mới bổ sung,mà là lính cũ,lại ở trong Lao chải ra. Chỗ các ông ấy thì còn đói khan hơn cả ngoài này,chả còn hy vọng kiếm chác gì nữa.
Nhưng vẫn vui,vì trong đám ấy có mấy ông đồng hương Hà đông ở C14.Lâu lắm không gặp,mừng quá,ríu rít mời nhau về hầm.
     Hóa ra không chỉ Thai60 em mới có khách,mà hầm nào cũng có.Hỏi ra mới rõ,số anh em ấy thuộc D7 và một số C trực thuộc ở phía Lao chải ,hôm nay ra tải vũ khí đạn dược ,gạo,nhu yếu phẩm vào đó( Sau này mới biết là để chuẩn bị cho chiến dịch ngày 11/6 ).
     Thai60 lôi được một ông em đồng hương tên là Tuấn về hầm.Nhà Tuấn ở Làng Đơ,gần với nhà 60 em.  Tuấn rất hiền và ít nói,chỉ hay cười,từ hồi huấn luyện vẫn thế rồi.Giữa chiến trường,gặp lại người quen,mừng lắm,vui  như có người nhà lên thăm.
     Vui râm ran.Và vui nhất là khi mấy bác C bộ C25 ( trong đó có bác C phó Khánh- người mà Thai60 đã kể trong một bài viết ở HG phần 9 )đã xin được một cơ số thuốc lào thuốc lá và thịt hộp chia cho các A để tiếp khách. Các A còn được nhận gạo về để nấu thêm cơm cho anh em ăn trước khi quay vào.
     Thế là khói bếp bay lên,hòa với khói thuốc lào,thuốc lá.Mùi cơm tấm lẫn với mùi thịt hộp dậy lên ngào ngạt khắp thung lũng …Thấp thoáng thấy có mấy ông lính mặt tươi như hoa phi từ bên hang Phẫu về,chắc lại đã xin được tý cồn 90 về pha với nước suối và đường giả làm rượu…
     Tíu tít.Ríu rít.Râm ran.Như ngày hội.
     Thế nhưng…

     Tự nhiên một loạt tiếng nổ đề-pa từ phía trên đỉnh 673 dội về,rồi sau đó là hàng chục quả pháo địch dội xuống thung lũng Nà cáy. Hết đợt này tới đợt khác.
     Ngay từ loạt pháo đầu tiên, trong căn hầm của Thai60 đã có 3 người bị thương vì dính mảnh pháo,mà lại toàn là khách mới khổ. Vì lính C25 ( cũng như lính các bộ phận khác ở khu vực này ) đã có phản xạ cứ nghe tiếng đề pa là bật ngửa cuộn người vào phía trong hầm để tránh mảnh đạn từ vách đá đối diện phạt xuống.                           Cái bàn làm bằng hòm đạn cối cùng với cái điếu ục trong hầm cũng bị dính mảnh vỡ toác.
     Tuấn  bị thương. Mảnh pháo đã găm vào bên sườn trái và phá nát một cẳng chân của Tuấn. Hai anh bạn kia một người bị vào vai,một người cũng bị vào sườn.
     Gần 1 tiếng đồng hồ oanh kích,pháo địch ngừng bắn.
     Tứ bề tan tác,tả tơi.Rầm rập í ới tiếng gọi nhau cứu người cứu cháy,moi hầm sập…
Chỉ một lát sau trận pháo kích của địch,anh em khách nhận lệnh lên đường,ngược về Lao chải. Không còn kịp cơm nước gì nữa,và cũng chẳng còn gì để chén nữa,vì tất cả đã tan nát nháo nhào rồi.

     Cuối năm 1991,trong dịp từ nước Đức xa xôi về phép lần đầu tiên, Thai60 đã gặp lại Tuấn. Ở chính cái hàng nước chỗ dầu đường Lê Hồng Phong,gần ngay ngã Ba cắt với phố Lê Lợi.Khu vực đó ngày ấy còn là khu vực chợ mua bán chó .
     Tuấn là thương binh,người khòng vẹo,chân tập tễnh lúc nạng lúc không. Sặc mùi rượu .Và mắt buồn thê thảm,dù cũng rất vui khi anh em gặp lại.
     Những chuyến về phép lần sau,và kể cả khi đã về nước hẳn,mỗi khi đi qua ,vẫn thường nhìn thấy Tuấn ngồi đó,bên hàng nước,hình như bất kể nắng mưa,mù đông hay mùa hạ. Cái hình ảnh xộc xệch của Tuấn ,với cây nạng dựa vai,với nụ cười ngu ngơ,với ánh mắt buồn thê thảm mênh mông như đã thành cố hữu.
     Gặp nhau.Uống với nhau chén rượu nhạt.Dăm ba câu chuyện cũ mới.Thanh toán hộ món nợ cắm quán.Móc cạn túi dúi vào tay chút tiền mọn.Rồi lại chia tay.Bao nhiêu năm qua đi,lần nào gặp nhau Thai60 cũng than thở: Giá hôm ấy tao đừng lôi mày về hầm…Và lần nào cũng thế,Tuấn lại gạt đi : Không phải tại anh đâu,số phận đấy.
     Số phận ư ? Thai60 không tin là như thế.Nhưng Tuấn tin.

     Cuối năm 2013.mùa đông,một lần Thai60 ghé qua đó,không thấy Tuấn ngồi đó,hỏi bà bán hàng,mới biết là Tuấn đã chết. Tuấn chết vì cái mảnh đạn pháo ngày xưa găm vào sườn ngoài việc làm gãy mấy dẻ xương đã làm tổn thương tới tim Tuấn .Vết thương đó,cùng với vết thương ở chân ,đã biến Tuấn thành thương binh loại nặng nhất,có tiêu chuẩn ở trại thương binh vĩnh viễn,nhưng Tuấn đã xin về nhà cho đỡ buồn.
     Cũng trong cái buổi sáng mùa đông buồn bã đó,qua cô con gái của bà chủ quán nước,Thais60 em mới biết tại sao Tuấn hay ngồi ở quán nước đó.Và tại sao ánh mắt Tuấn luôn buồn như thế.
Hóa ra là do một chuyện tình buồn,của Tuấn với chị gái của cô hàng nước đó.
     Ngay từ trước khi nhập ngũ,Tuấn đã yêu một cô gái cùng làng.Cho đến tận ngày Tuấn từ trại thương binh trở về,hai người vẫn yêu nhau . Dù Tuấn bị thương như thế,cô gái ây vẫn sẵn sàng làm vợ Tuấn,nhưng gia đình cô thì có ý lo lắng ngại ngần,và họ cũng không ra mặt ngăn cản.Cái đận hai người xin gia đình tổ chức cưới,bố cô gái có hỏi Tuấn : Nếu hai anh chị cưới nhau,anh sẽ lo cho con gái tôi và con cái của anh chị sau này như thế nào ? Thật thà,chất phác,Tuấn đã trả lời : Cháu bị thương tật như thế này,đến nuôi mình còn khó,nói gì đến lo được cho ai.
     Nghe vậy ông bố nói : Nếu thế thì tôi không dám gả con gái tôi cho anh.
Tuấn tự ái vặc lại : Không gả thì thôi,thiếu gì…
Rồi bỏ về. Tuấn tự ái.Ông bố cô gái cũng tự ái và bực mình không kém.
     Cứ lằng nhằng như thế,hết Tuấn lại đến ông bố cô gái thay nhau tự ái,để rồi, đến một ngày,cô gái ấy bỏ Tuấn đi lấy chồng .
     Cái điều đau xót nhất lại chính là cô ấy vẫn còn yêu Tuấn,và người cũng khổ tâm về chuyện tan vỡ của mối tình ấy lại chính là ông bố cô gái. Ngay sau ngày cô ấy đi lấy chồng,ông bố đã tâm sự ân hận và xin lỗi Tuấn.Nhưng chuyện đã rồi,chẳng còn biết làm sao nữa,hai ông con đành trở thành bạn…rượu chí thiết của nhau vậy.
Và tình bạn vong niên ấy còn kéo dài mãi cho tới ngày Tuấn mất.

    Trở lại với cái ngày hôm trước, sau khi ngắm kỹ lại ông cụ,Thai60 em đã nhận ra ông bố của cô gái ngày xưa,người đã nhiều lần rót ượu cho hai thằng bạn lính ngồi âm thầm đối ẩm bên chõng hàng của cụ. Chỉ mấy năm thôi,mà trông cụ đã khác nhiều,già xọm hẳn đi,nhưng vẫn còn bán hàng nước,” để đỡ buồn ,và cũng là kiếm sống để đỡ phiền cho con cháu “- Cụ bảo thế.
Nói chuyện về Tuấn,cả hai ông con đều ngậm ngùi. Ông cụ xót xa : Giá như ngày xưa tôi đừng hỏi nó như thế thì biết đâu…
Thai60 vội gạt đi : Không phải đâu ông ạ,tại số phận đấy…
Rồi rủ ông uông chén rượu trắng.Lẳng lặng cụ đặt lên bàn 3 cái cốc thủy tinh nhỏ chuyên để uông nước trà nóng.Rót đầy tràn.Tay run run.Mỗi người nâng 1 chén,cạn 1 hơi.Ực.Ực.Im lặng. Rồi cụ bảo ,anh uống hộ em nó đi,tôi uống hộ nó nhiều lắm rồi.
Thai60 nâng chén lên ,mắt nhòe ướt.Uống cạn chén cay cùng người đồng đội đã khuất.

    Chia tay ông cụ,ra về,lòng cứ lẩn thẩn tự hỏi : Số phận ư,có số phận không , và có phải tại vì số phận không?
    Mãi tới những ngày sau vẫn cứ lăn tăn khắc khoải về câu hỏi ấy.
    Cho tới đêm qua ,khi nhớ về lời than thở cuối cùng của ông cụ hàng nước: “Tại chiến tranh nên dân mình mới khổ thế “,dường như 60 em đã tìm ra được câu trả lời cho mình.

    Vâng,không phải tại số phận đâu,mà tại bởi chính chiến tranh đấy.

    Khi đã từng có những vết thương như của Tuấn,khi đã từng có nỗi ân hận dằn vặt như của ông cụ hàng nước,khi đã từng có những giọt nước mắt mặn chát hoen trên khóe mắt đàn ông như của Tha60,càng thấy mong sao cho ông bố và người vợ trẻ của người lính cảnh sát biển kia sẽ không bao giờ phải chịu đựng hệ lụy của chiến tranh nữa.

     Mong cho nó đừng bao giờ lại xảy ra trên mảnh đất Việt nam này,vì hệ lụy của nó từ những cuộc chiến tranh mấy mươi năm trước vẫn còn ngổn ngang hiện hữu khắp đất nước,trên thân xác,trong lòng người,bao phận đời mãi vẫn còn chưa thể hàn gắn,nguôi ngoai.


                      Chào các bác và anh em.

« Sửa lần cuối: 08 Tháng Sáu, 2014, 10:11:49 pm gửi bởi thai60 » Logged
laoshan1234
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1474



« Trả lời #459 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2014, 02:18:45 pm »

  Chào bác thai60,đã lâu rồi mới thấy bác trở lại Hà-giang.Trung đoàn 14 của E trưởng Hoàng Toái,là một đơn vị của F313 cũng là một đơn vị mà công binh D17 của chúng tôi luân luân phải phục vụ.Năm 1979,trong Lao chải D8 thay thế một đơn vị của 122.Từ 1558 A và B đến Đồi -Gianh hay Xín chải,công binh chúng tôi đều có mặt.Câu chuyện của bác,làm tôi nhớ lại hình ảnh những người lính D7,D8,D9 của E14 một thời trên lòng chảo Thanh-thủy năm 1984 ác liệt

 Quên sao được,dù thời gian qua mau.Nhất là những ngày nóng bỏng trên biển đông thế này,khi đất nước luân bị lũ bành trướng phương bắc đe dọa.mong muốn của tôi và anh em tham gia topic,các bác hãy trở lại,để HG đông,vui như đã từng...!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM