Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 04:01:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bản hùng ca xuân 1975  (Đọc 3011 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #40 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2022, 07:29:26 am »

Binh trạm 16 Đoàn 559, nơi điều trị cho thương binh, bên bờ suối trên đồi là rừng rậm làm bãi khách cho bộ đội ra vào.

Sau những ngày hôn mê, tôi nhận ra em "Tâm Bình Phương", tay bắt mặt mừng. Giờ mới nhìn rõ lại nhau. Người thương tật, xanh xao và tóc em đang rụng, chỉ có ánh mắt còn giữ nguyên, vẫn long lanh như những ngày còn ở liên chi đoàn, Tâm Bình Phương hát chung bài "Trước ngày hội bắn".   Hoàn thành nhiệm vụ dẫn quân từ A sầu, A Lưới trở về, em cùng tôi chuyện trò bên suối. Buổi chiều Trường Sơn ánh nắng vàng vọt xuyên chéo qua từng vạt rừng tán lá. Da em xanh, môi em thâm vì sốt rét. Đầu không rời chiếc mũ tai bèo. Bộ quần áo lính bạc màu, đôi dép cao su sáu quai gót mòn lỏng lẻo.


Em kể, từ ngày anh đi huấn luyện để đi B, em nhập ngũ ngay, xin vào học lớp hộ lý giao liên rồi xin vào Binh trạm 16 Đoàn 559 là cửa ngõ chuyển quân của mọi mặt trận để chờ dịp gặp anh.


Em kể chuyện dẫn quân, các đoàn quân vào thì nhiều, trở ra thì ít, chỉ thấy thương binh ngày càng lũ lượt khiêng ra, các lán thương binh dồn ứ, cứ năm bảy ngày lại thêm một lán mới. Em ngẩng lên hỏi tôi sau tiếng thở dài:

- Anh ơi, bao giờ mới hết chiến tranh?

- Tóc em bao giờ mới mọc lại được?

- Da xanh thuốc nào chữa khỏi hả anh?

Em nấc lên rồi khóc, em khóc thương cho bao đồng đội đi không về, em khóc cho tuổi xuân của mình, của bạn bè cứ rụng dần theo mùa lá, em khóc cho mỗi ngày chứng kiến bao chiến sĩ trẻ hy sinh mà không có một nén nhang đón đưa.


Tôi ngồi im nghe, đón nhận tiếng khóc, tiếng nấc của em. Dòng suối vô tư thế mà cũng nấc lên theo từng tiếng róc rách rồi xoay tròn từng chiếc lá khô mới rụng, lững thững chảy xuôi.

- Anh à, cả nước có chiến tranh, hậu phương và tiền tuyến đều đang đánh giặc. Tất cả thanh niên nam nữ ra trận, họ hăng hái ra đi, ngày lại ngày em dẫn bộ đội đi, khi về em lại cáng thêm thương binh... Thương quá anh ơi!


Ngày tôi lành vết thương, binh trạm và em tiễn tôi trở lại chiến trường. Ra khỏi cánh rừng, em kéo tôi vào lòng, nước mắt em chảy tràn sang mắt tôi, và nói: "Em sẽ chờ anh đến ngày chiến thắng".

Cuộc chiến đấu cứ như một vòng đèn cù. Ta và giặc đuổi nhau, quần nhau. Đêm và ngày chỉ là đánh dấu thời điểm sáng tối, còn mặt trận là súng nổ, các trận địa gần mặt đường đêm ngày không ngớt tiếng súng nổ, đạn pháo...


Tuổi xuân, đời lính trong lòng chảo cuộc chiến từ Khe Sanh đến A sầu, A Lưới, Đông Hà, Cửa Việt, Ái Tử, sông Sê Pôn, suối La La... chỉ là những chỗ dừng chân ăn vội, ngủ tạm rồi lại truy kích giặc.

Suốt chiều dài cuộc chiến, nhớ sao hết bao lần đại đội phải bổ sung chiến sĩ mới, nhớ sao hết bao lần đào huyệt ngả mũ giã từ đồng đội, bạn bè. Nước mắt mồ hôi hòa vào nhau, trộn với bụi chiến trường khô tự bao giờ.

Rồi lại một trận đánh như bao trận đánh trước, chỉ có khác là đánh với đội quân đồng minh của địch là Mỹ - ngụy - Hàn - Thái ở cứ điểm Khe Sanh, Tà Cơn. Đơn vị tôi đảm nhận đánh lên giành giữ Cao điểm 400 - Nam Khe Sanh. Trận chiến quá ác liệt, ta và địch giành nhau từng thớ đất, khóm cây trong một đêm trời đen như mực, lạnh run người. Chúng tôi ngày càng tiến lên đỉnh cao điểm. Đã gần 3 giờ sáng, biết không giữ nổi cao điểm, địch nã pháo dàn từ Tà Cơn, Khe Sanh đến hủy diệt. Trên trời, các tốp máy bay thả pháo sáng, sáng như ban ngày và thay nhau giội bom, xả đạn và phóng tên lửa không đối đất. Mặt đất rung lên...


Rồi chân tôi không lết đi được nữa. Hai tay ôm chặt bắp đùi. Tôi nghiến răng, tai vẫn nghe tiếng pháo địch nổ ở đường số 9, tôi lịm dần...

Tỉnh dậy, khi mắt chưa mở, tôi cảm thấy mùi thuốc, mùi cồn, mùi bệnh xá mà cách đây mấy tháng mình đã từng tiếp xúc. Toàn thân nhẹ tênh, cảm thấy mười đầu ngón tay vẫn còn. Nháy ngón chân trái, vẫn còn. Nháy chân phải, thấy nhẹ tênh. Thử co chân lên, lấy tay sờ vào mới thấy mình đã mất một chân. Tôi định hét lên... Trong giây phút hoảng loạn ấy, tôi nhận thấy kể vai mình là một mái đầu dựa vào, đang ngủ. Tôi chợt hiểu rằng, em Tâm Bình Phương của tôi đang ngủ ngồi mỏi mệt chăm tôi, em gục ngủ thiếp không biết tự bao giờ.


Tôi lặng người, thương cho mình, thương cho em quá. Nước mắt trào ra... Tiếng gió đập vào cái liêp nứa trên sạp tre làm em choàng dậy. Em cũng vội hiểu ra, chụp mũ vào đầu. Em đứng lên nhìn tôi, tôi ngắm em. Bốn mắt nhòe ướt. Chợt em cúi xuống, ôm choàng lấy tôi rồi bật khóc.


Chao ôi, từ cái chết trở về, trong vòng tay của em, sao tôi thấy êm lạ lùng, mừng thẹn... Nhưng trong giây phút ấy, tôi cũng kịp nhận ra sự thật phũ phàng mà tôi được biết qua một người bạn giao liên: em đã mất một bên ngực, mất một phần vẻ đẹp của người con gái trong một lần bị dính bom B-52.


Nước mắt và hơi thở của em. Đúng rồi, nước mắt và hơi thở nồng nàn của em thật mãnh liệt, đầy thương yêu truyền vào lòng tôi. Em là người con gái đầy sức thanh xuân trong chiếc lán cấp cứu thương binh giữa chiến trường.


Có tiếng bước chân nhẹ nhàng trên lá khô:

- Tâm ơi, đồng chí thương binh tỉnh chưa?

Em đứng lên, gạt vội nước mắt, ra mở cửa. Một luồng ánh sáng đục mờ theo bước chân người thầy thuốc đi vào. Em trả lời, giọng còn nhiều nước mắt:

- Anh ấy vừa mới tỉnh, chị Thương ạ!

Tôi dụi mắt cho hết nhòe, rồi cất tiếng: Chào bác sĩ.

- Anh cứ nằm yên, đừng cựa nhiều. Bác sĩ nói. Anh cũng tên là Tâm, đẹp quá nhỉ! Anh phải cảm ơn nhiều cái Tâm của chúng tôi đấy. Tối hôm kia, đội cứu thương cùng Tâm tìm thấy anh ở Cao điểm 400, đưa về đây trong tình trạng hôn mê sâu, vì chân anh đã nhiễm trùng hoại thư. Đội phẫu thuật quyết định cắt cụt, bỏ phần hoại thư cứu anh. Nhưng máu truyền lại không có, trong khi sức anh đã suy kiệt. May Tâm của chúng tôi cùng nhóm máu đã tiếp cho anh, nên mới có buổi sáng nay chúng ta gặp nhau mà vui trong nước mắt...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #41 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2022, 07:30:16 am »

Ngừng một lát, bác sĩ nói tiếp:

- Anh cứ yên tâm, trạm phẫu này được đào dựng kiểu âm dương, gần mặt trận mà máy bay địch khó phát hiện. Cách đây 3 tháng, máy bay Mỹ rải chất độc rụng lá, nên khu rừng này chỉ còn cây khô và lá khô nên càng dễ ngụy trang.

Chị quay sang nói với Tâm:

- Tâm à, tối qua bộ đội bổ sung cho các mặt trận rất nhiều. Trạm ta người đang sốt, người bị thương nên người thạo đường chẳng còn mấy. Em về bãi khách để thủ trưởng giao nhiệm vụ, mặt trận chờ em dẫn quân vào. Còn anh Tâm, chị và trạm sẽ chăm sóc tốt, em yên tâm.

- Vâng - em trả lời rất nhanh.

Rồi em cúi xuống gần mặt tôi, chậm rãi nói: "Anh nhớ nghe lời bác sĩ, thay băng, uống thuốc, ăn khỏe để vết thương chóng lành. Xong nhiệm vụ, em sẽ về với anh ngay".

Bên ngoài, chiếc OV10 lúc xa lúc gần, tiếng pháo hư hư thực thực...

Nhớ lời em dặn, tôi ngoan ngoãn thay băng, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, mắt đau đáu nhìn qua liếp cửa, tai dỏng lên nghe tiếng bước Ị chân em, quên cả tiếng máy bay, tiếng loa tâm lý của địch ầm ào lải nhải.


Mờ sáng, các anh chị dân công hỏa tuyến cùng bác sĩ Thương nói rằng: Chuyển tôi ra Bắc điều trị vết thương.

Tôi hỏi: "Sao Tâm chưa về?".

Chị Thương bảo: "Em Tâm là người hiểu biết, thạo việc, nên luôn nhận những nhiệm vụ đặc biệt. Anh nhắn nhủ lại điều gì, tôi sẽ chuyển tới em".

Tôi chỉ biết cảm ơn chị cùng binh trạm và em Tâm đã cho tôi sống lại. Tôi nhờ chị nhắn tới em Tâm Bình Phương sẽ là Tâm Bình Phương suốt đời.

Đoàn 558 Thanh Hóa đón thương binh từ mặt trận về với tất cả tình cảm của cha mẹ dành cho con cái đi xa trở về, thật nồng ấm, chan hòa, xúc động.

Vết thương đã lành, tôi về trại thương binh, tôi chăm nghe đài, sưu tầm các tin có liên quan đến Đoàn 559, đến bộ đội giao liên - y tá hoạt động trên đường Trường Sơn.

Thư hỏi thăm, tìm em đã qua nhiều địa chỉ mà tuyệt nhiên không có thư và tin tức hồi âm. Tôi chống gậy vào quê em mà lòng nặng trĩu... Chẳng thấy em rồi, tôi xin rời trại, về quê.

Tôi lấy vợ, sinh cháu đầu lòng. Được 3 tháng thì cháu ra đi. Đến cháu thứ hai dị dạng cả tứ chi. Nuôi con hàng ngày, nghe dư luận, về nhà nhìn con thương như đứt lòng. Ngày con phát bệnh đã sang tuổi 17, đưa con ra Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội chữa bệnh thần kinh, con vào phẫu thuật, cha ngoài hành lang đứng, đi, nghỉ, ngồi đều không yên.


Chợt tôi nhận nhanh ra bóng một người phụ nữ tôi đã gặp ở đâu, đang cõng một người con cũng dị dạng chạy nhanh vào phòng cấp cứu.

Qua cửa kính phòng cấp cứu, tôi nhận ra người phụ nữ đó đúng là em Tâm Bình Phương của tôi rồi.

Chờ em ra khỏi phòng, tôi bước đến bên em, em cũng nhận ra tôi. Chúng tôi nhìn nhau chẳng nói nên lời, chỉ biết ấp bốn bàn tay vào nhau, mặc cho nước mắt ngày nào trào ứa.

Buổi hôm sau như trăm ngàn buổi chiều ở xứ sở này, chỉ khác buổi chiều Trường Sơn là buổi chiều bệnh viện. Trước mặt chúng tôi không phải là dòng suối tím, mà là phòng cấp cứu điều trị của bệnh viện Việt - Đức trong hòa bình.


Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế xi măng bệnh viện. Em úp mặt vào hai bàn tay gục đầu xuống gối, toàn thân rung lên như lên cơn sốt rét. Tôi nhắm mắt, lòng dạ cồn cào. Cơn khóc đang đổ ập xuống... Cơn khóc như đang cắt, đang chia hai nỗi đau nỗi nhớ đã cuộn tròn, vo lại, nay mới nức nở tuôn trào.


Chợt từ lối ra ở cửa phòng cấp cứu, có tiếng nói cười líu ríu, tiếng guốc cao gót gõ gạch hoa. Một toán y sinh trai gái thực tập hết giờ đang vui vẻ ra về. Họ đã nhìn thấy chúng tôi. Họ đi chậm lại sát đường bên kia. Những ánh mắt họ dồn sang phía chúng tôi. Một người bỗng buông ra một câu "Ô, các anh chị tóc đã muối tiêu rồi mà còn mùi mẫn nhỉ...".


Em ngẩng lên, mắt nhìn theo tốp người, quay sang tôi, nói trong nước mắt:

- Em đã cố tình lảng tránh anh... Em nghe các bác sĩ nói với nhau là các con chúng ta đều bị nhiễm chất độc da cam do bố mẹ bị nhiễm trong chiến tranh chống Mỹ. Anh Tâm ơi, hơn hai chục năm từ hôm xa anh đến nay, em chưa được khóc. Em không lấy chồng, em trốn tránh chính mình, trốn tránh anh. Em nhiều lần đến trại thương binh, nhìn anh từ xa, rồi em lại về nông trường để quên đi chính mình, để quên đi những ngày tháng cùng anh, cùng đồng đội cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Thương tật của em, em không dám nói, mà em biết nói cùng ai, khi nông trường của em toàn là phụ nữ, cảnh ngộ như nhau. Rồi một lần, không tự dối mình được nữa, em đã đánh liều xin một người đàn ông cho em một lần làm mẹ.

Có tiếng gọi từ cửa phòng cấp cứu: "Người nhà bệnh nhân di chứng bại não đâu?".

Tiếng gọi đưa chúng tôi về với những đứa con dị dạng của mình. Mắt chúng tôi lại nhòe suốt dọc hành lang đẩy xe đưa con về phòng hồi sức...

Thời gian lại qua đi, không lâu... Tới một ngày hôm ấy, tôi nghe tin em đã qua đời. Với tôi, "Tâm Bình Phương" - cái tên đã thành của báu...

T.N.T
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM