Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 12:35:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bản hùng ca xuân 1975  (Đọc 3064 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #10 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2021, 07:59:44 pm »

HƯƠNG THƠM CỦA KHÓI


ĐỖ TIẾN


Có lẽ trong đời mỗi con người ai cũng có một làn khói để gửi vào nỗi nhớ. Tuổi thơ, tôi thường đi chăn trâu cùng lũ trẻ trong làng. Cánh đồng tháng Chạp sau vụ gặt lúp xúp gốc rạ. Gió mùa đông bắc thổi thông thốc trên những thửa ruộng trông. Đốt đống lửa, chúng tôi ngồi xúm xít hơ tay sưởi ấm. Làn khói tà tà trong chiều lạnh bay vào kỷ niệm tuổi thơ. Lớn lên vào bộ đội, mỗi lần hành quân gặp dòng khói lam chiều ấm cúng, lãng đãng vương trên xóm nhỏ lòng chúng tôi lại rưng rưng nhớ về quê nhà. Nhưng nhớ hơn với tôi vẫn là làn khói của mùa hè năm ấy. Khói lúa. Khói của mối tình quân dân cá nước. Cho đến tận hôm nay, dẫu sương trắng thời gian giăng bạc mái đầu, làn khói ấy vẫn thơm mãi trong tôi, thơm mãi không thể nào tan.


Đó là mùa hè năm 1968. Ở miền Nam quân ta đang đánh lớn. Chiến dịch Khe Sanh nổ ra từ tháng Giêng đã kéo dài hơn một trăm ngày. Sau khi chi khu quân sự Hương Hóa, cứ điểm Làng Vây bị ta tiêu diệt lính thủy đánh bộ Mỹ điên cuồng mở "Cuộc hành quân Ngựa bay" phản kích.


Ở miền Bắc, tuy Giôn-xơn tuyên bố xuống thang, ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào nhưng chúng lại dồn bom vào Khu 4, vùng mà chúng gọi vùng cán xoong hòng ngăn chặn sự tiếp tế, chi viện của ta cho chiến trường. Chúng dùng bom từ trường, bom nổ chậm, bom phát quang, bom cháy... mìn lá, mìn tai hòng ném xuống các trọng điểm giao thông. Chúng giở thủ đoạn bắn tên lửa Bun-póp vào vách đá để làm đá đổ xuống mặt đường.


Khu 4 trở thành tuyến lửa, không ngày nào, đêm nào không nghe tiếng bom rền. Các nút giao thông như cầu Cấm, Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, Phà Gianh, phà Xuân Sơn, phà Quán Hầu, phà Long Đại... là những tọa độ của máy bay giặc đánh phá bất kể đêm ngày. Giao thông tắc, tình hình vận chuyển khó khăn, nhiều chân hàng trống rỗng. Ở mặt trận Khe Sanh có đơn vị khẩu phần ăn của chiến sĩ từ 5 lạng rút xuống 3 rồi 2 lạng một ngày. Tiểu đoàn vận tải của chúng tôi lúc đó dừng chân ở Triệu Sơn (Thanh Hóa). Được phổ biến tình hình, lòng chúng tôi như có lửa đốt. Ai cũng muốn nhanh chóng được "tăng cung, vượt trạm" vận chuyển hàng ra chiến trường.


Rồi chúng tôi cũng được lệnh lên đường.

Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi vào tuyến lửa. Mấy đợt vận chuyển hàng tôi chỉ đi ngắn, từ Khu 3 vào Thanh Hóa. Tôi đã "nếm" mùi bom đạn ở Hàm Rồng, Phà Ghép... song tói đây tôi mới thấm hết sự ác liệt của chiến trường. Khu 4, mùa hè năm 1968 đầy nắng nóng và bom đạn. Gió Lào hầm hập, xoắn xít như chiếc roi bện bằng nắng nóng quất rát mặt. Hơi bom khét lẹt xộc vào ca bin. Những đêm trắng chiến tranh, bầu trời trắng nhợt nhạt trước cửa kính ô tô, chốc chốc lại đỏ ối bởi ánh sáng ma quái của đèn pháo sáng địch. Những tiếng xoẹt xé toạc màn đêm của bầy quạ, Mỹ vút qua đầu để lại tiếng rít chói tai phía sau và tiếng bom nổ ì ầm dậy đất ở phía trước. Những cung đường bất chợt le lói ngọn đèn phòng không đứng gác và bóng nhỏ nhắn của các o thanh niên xung phong xuất hiện cùng lời dặn dò ngọt ngào ấm lòng:

- Các Eng ơi, chú ý bom từ trường...

Một đêm trắng chiến tranh như thế, đoàn xe chúng tôi vượt trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc. Theo kế hoạch, lẽ ra chúng tôi phải vượt qua "túi bom" này lúc 1, 2 giờ sáng. Do chập tối địch đánh phá dữ dội nên đoàn xe chúng tôi phải nằm chết gí ở bãi giấu xe. Khi có báo hiệu thông đường, đồng hồ đã chỉ hơn 4 giờ sáng. Con đường 15 ngầu bụi đỏ, quầng đục dưới ánh đèn gầm. Đoàn xe "no" hàng lắc lư bò qua mép những hố bom sâu hoắm. Chúng tôi vượt qua trọng điểm thì trời đã tang tảng sáng. Bình minh mùa hè đến rất nhanh. Phía đông, những đám mây vừa mới rạng trắng đã bén nắng mai cháy đỏ. Được lệnh tăng tốc lao về phía điểm tập kết. Chúng tôi đã bớt lo lắng vì vượt qua được trọng điểm một quãng khá dài. Đoạn đường ở đây tưởng như khá bình yên với những ruộng lúa đang mùa gặt rưng rức chín vàng hai bên đường. Bỗng có tiếng xoẹt, tiếng rít trên đầu. Đầu tiên một tiếng nổ "bụp" nho nhỏ vang khẽ trong khoảnh khắc im ả của ban mai. Liền đó liên tiếp tiếng nổ lụp bụp phía trước, phía sau đoàn xe. Đồng chí chính trị viên xe trước ló đầu ra khỏi ca bin, vừa vẫy tay vừa ra hiệu vừa hét to:

- Đạn khói chỉ điểm. Nhanh lên, cố gắng đến đường rẽ vào dãy núi trước mặt...

Tôi nghiến răng, ghì vô lăng, dận ga cố gắng bám theo. Khi xe lọt được vào đường hẻm ở khe núi, tôi ngoảnh lại phía sau. Không kịp được rồi còn hơn hai mươi xe nữa vẫn đang phơi mình trên đoạn đường trống trải. Đồng thời những chấm đen xuất hiện từ phía đông lao đến. Cánh chéo hình tam giác, thân ngắn, máy bay F4 của bọn hải quân Mỹ. Đúng lúc đó, tôi phát hiện thấy trên cánh đồng không chỉ có dòng khói trắng chỉ điểm của địch. Một, hai, ba... liên tiếp những đám khói khác xuất hiện. Từ xóm làng bên đường thấp thoáng những bóng người xổ ra. Những người lom khom chạy đến đâu lửa cháy đến đấy. Cả cánh đồng đã gặt... Cả cánh đồng chưa gặt giây lát cuồn cuộn khói, xóa nhòa những luồng khói chỉ điểm đầy chết chóc. Đồng chí chính trị viên bên tôi đang lo lắng nhìn ra phía đường, rồi bỗng như gào lên:

- Bà con đốt đồng... bà con che chở cho chúng ta.

Những dòng khói trên cánh đồng lúa vàng phút chốc giao nhau thành một màn khói ngụy trang khổng lồ che kín đoàn xe. Trong tiếng rít của máy bay giặc, không hiểu sao tôi lại nghe rất rõ tiếng "thở" của những chiếc xe ô tô nhanh chóng tản vào đường hẻm núi, tiếng lúa nổ lép đép thành chuỗi từ những cánh đồng.


Rồi trong cái màn khói ấy tôi nhận ra cái hương thơm của lúa chín, của mùa màng, của tình quân dân cá nước cứ nao nao quấn quýt, quấn quýt bay đến bọc lấy chúng tôi như kén bọc tằm... Trên khuôn mặt sạm đen của người chính trị viên dòng nước mắt ứa ra thay vào tiếng nói...

Đ.T
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #11 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2021, 08:00:43 pm »

NHỮNG BỨC ĐIỆN ĐẶC BIỆT ĐÊM ẤY


XUÂN THU


Năm 1972 là một trong những năm ấy gian khổ đối với tổ thông tin của chúng tôi.

Những năm ấy, tình hình chiến sự rất khó khăn, địch mở nhiều đợt càn quét nhằm đẩy lùi Cộng sản ra xa thành phố Sài Gòn. Quân ta phải rút lên căn cứ để bảo toàn lực lượng. "Miền" ra lệnh cho quân khu Sài Gòn - Gia Định bằng mọi cách phải "bám trụ", nhất là Củ Chi. Bộ phận thông tin phải giữ liên lạc từ Củ Chi lên Bộ Tư lệnh Miền lúc đó gọi là R. Mỗi đêm cơ sở của ta phải tìm cách bắn vài quả B40 hoặc gây tiếng nổ nào đó để chứng tỏ quân ta vẫn còn bám trụ.


Tổ thông tin chúng tôi có năm người. Tôi là đài trưởng, đồng chí Xen người Thanh Hoá làm báo vụ, đồng chí Vọng người Hải Dương là cơ công, đồng chí Trị người Hưng Yên là y tá và một đồng chí nữa người của cơ sở Củ Chi. Nhiệm vụ của tổ là bảo đảm liên lạc thông suốt từ Củ Chi lên R. Nếu đài chúng tôi mà mất thì đường liên lạc sẽ bị cắt đứt. Do bị địch càn quét vây ép nên nguồn tiếp tế hậu cần cho chúng tôi đều không có. Tổ phải tìm cách cất giấu phương tiện trong các hầm. Hầm giấu máy, hầm giấu thức ăn, hầm để nghỉ riêng biệt nhau để nếu địch có phát hiện thì đỡ bị tổn thất. Lúc xuống hầm, phải mở nắp hầm bí mật lên sau đó cho chân, thả người xuống trước. Khi thấy chạm vào bịch cát là đã đến đáy hầm thì liệu tìm cách khom người mà đi sâu vào phía trong. Có hôm bọn chúng sục sạo ném lựu đạn xuống hầm inh tai nhức óc, nhưng do đường địa đạo sâu trong lòng đất nên chúng tôi rút an toàn. Cũng có nhiều đồng chí ở các đơn vị khác không may hy sinh. Ban ngày anh em nằm ở hầm trong lòng địa đạo Củ Chi, đêm đến thì mò lên cử nhau đi lùng sục đồ hộp lương khô của bọn Mỹ thả lạc xuống để lấy cái mà ăn. Phương châm là lấy thức ăn Mỹ, súng Mỹ để ăn và đánh Mỹ. Chúng tôi gài mìn để diệt thú rừng làm thức ăn cho tổ. Có hôm bẫy được cả năm con lợn rừng đem về thịt ướp muối ăn dần. Có hôm 1 chiếc xe tăng Mỹ M118 bị tan xác do trúng mìn của chúng tôi gài. Gian nan là vậy nhưng năm anh em chúng tôi của các đài 15 oát ngày ấy vẫn kiên cường bám trụ đảm bảo thông tin liên lạc từ địa đạo Củ Chi lên R.


Một đêm cuối tháng 8 năm 1972, tại khu vực Bến Đình (địa đạo Củ Chi) ở ven sông Sài Gòn trời tối đen như mực. Chỉ có phía thành đô ánh sáng điện hắt lên bầu trời một vùng nhò nhờ. Thỉnh thoảng bọn địch lại bắn những quả pháo sáng lên trời kèm theo những loạt pháo vu vơ nhức óc. Chúng tôi lại nhoi lên khỏi hầm bò đi sục sạo tìm thức ăn. Vừa bò vừa giữ phương hướng, vừa căng mắt tìm đồ hộp của bọn Mỹ thả lạc. Khoảng 11 giờ tất cả chúng tôi trở về hầm. Đêm ấy chúng tôi cũng kiếm được kha khá đồ hộp. Chúng tôi dành mấy hộp để ăn, còn lại cất vào "kho dự trữ" dùng dần. Sau đó bọn tôi lăn ra ngủ. Căn hầm có kích cỡ 2 x 2 x 1,5 mét vừa đủ cho chúng tôi căng 5 cái võng. Lần đầu ngủ võng, cũng khổ, nhưng sau đó trở thành quen. Vì thế sau này khi vào giải phóng Sài Gòn kỷ niệm đêm đầu tiên của tôi là được ngủ trên giường nhưng không sao nằm được vì cái lưng đã bị cong sau 10 năm liền nằm hầm ngủ võng.


Đang ngon giấc, đồng chí cơ yếu cùng đồng chí Tham mưu trưởng trung đoàn Sáu Thanh điện lên. Chúng tôi vục cả dậy ai vào việc đó. Mấy ngọn nến được thắp lên toả ánh sáng dưới hầm sâu lung linh huyền ảo. Đồng chí Sáu Thanh nói: "Các đồng chí phát ngay 32 bức điện ZN lên R". Tôi mở máy 15 oát, chụp ống nghe vào tai. Cậu Trị và cậu Xen mặc quần cởi trần quay "Ga-ru-nô". Không khí ở dưới hầm ngột ngạt nóng ghê người. Đêm ấy, sóng đài lại rất nhiễu, tôi phải dò khá lâu mới liên lạc được. Khi tôi bắt đầu phát tín hiệu thì đồng chí Sáu Thanh đứng ngay sau tôi. Hết bức điện nọ lại tiếp đến bức điện kia. Tai tôi dần dần ù lên. Chưa bao giờ tôi phải phát nhiều bức điện đến thế. Cậu Trị và cậu Xen quay "Ga-ru-nô" chắc cũng mỏi nhừ tay vì tôi thấy người hai cậu ướt đẫm. Cậu Vọng thỉnh thoảng phải vào quay thay bổ trợ. Căn hầm im ắng ong ong đến lạ thường. Mà sao đồng chí Sáu Thanh cứ đứng ngay đằng sau lưng tôi cơ chứ. Chắc là nội dung điện quan trọng lắm. Mọi lần chỉ có đồng chí cơ yếu mang điện đến cho chúng tôi phát là xong. Thế mà đêm nay đích thân Tham mưu trưởng trung đoàn mang điện đến lại còn trực tiếp theo dõi chúng tôi phát nữa. Đích thị là quan trọng rồi. Tôi chỉ đoán vậy vì nguyên tắc bí mật chúng tôi không được phép biết nội dung mật mã đã được mình truyền đi. Cả tổ chúng tôi không ai bảo ai cũng hiểu được tầm quan trọng của buổi phát tín hiệu đêm nay.


2 giờ sáng, 32 bức điện ZN (dịch ngay) đã được tôi phát xong. Tôi bỏ tổ hợp ở tai ra. Đầu óc tôi ong ong, tai tôi ù lên choáng váng. Hai tiếng đồng hồ liền căng thẳng làm cho cả tổ mệt nhoài. Khi tôi phát xong bức điện thì nghe thấy tiếng thở phào của đồng chí Tham mưu trưởng. Chắc đồng chí cũng căng thẳng không kém. Đồng chí Sáu Thanh tươi cười bắt tay tôi và anh em trong tổ. Sau đó đồng chí rút ngay 20 ngàn đồng tiền Sài Gòn thưởng luôn cho chúng tôi.


Khi đồng chí Sáu Thanh đi khỏi, chúng tôi lên võng rồi mà không sao chợp mắt được. Mệt mỏi căng thẳng vậy nhưng buổi phát tín hiệu liên lạc đêm nay đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng, phán đoán. Có lẽ sắp đánh nhau to rồi chăng? Bao giờ thì lại tổng phản công như cái đận Mậu Thân, Kỷ Dậu? Đánh thôi, chứ chui lủi mãi dưới địa đạo này cực lắm, ức lắm. Cái nghiệp thông tin này nhiều lúc cũng vui nhưng nhiều lúc cũng ức đáo để. Vui vì được ở bên thủ trưởng, được gọi là lính cậu, được bảo vệ chu đáo. Ức vì anh em người ta đuợc cầm súng xông pha ở chiến trường còn mình thì toàn ở hầm, bộ phận hữu tuyến thì "đi trước về sau", bộ phận vô tuyến thì "điếc tai, chai đít, công ít, phạt nhiều". Mấy năm đầu làm lính thông tin anh nào cũng có tâm trạng ấy. Cứ kiếm ngay khẩu súng lao ra mặt trận cho nó tung hoành chứ suốt ngày dây máy vướng víu khó chịu lắm. Về sau, quen dần, nhất là khi hiểu được vai trò quan trọng của thông tin là mạch máu của chiến trường giữa chỉ huy và chiến sĩ, giữa đơn vị nọ và đơn vị kia thì ai cũng yên tâm quyết hoàn thành nhiệm vụ. Như đêm nay đấy thôi, nếu không có chúng tôi chắc gì những mệnh lệnh của chỉ huy đến được các đơn vị, chỉ huy làm sao mà nắm nổi tình hình chiến sự trên các mặt trận để xử lý quyết đoán kịp thời. Mệt đấy mà vui lắm đấy.


Về sau này tôi biết được 32 bức điện chúng tôi phát đi đêm ấy chính là những báo cáo quan trọng, khẩn cấp, cơ mật về tình hình địch ta của mặt trận Sài Gòn - Gia Định lên Bộ Tư lệnh Miền chuẩn bị cho một chiến dịch đánh lớn. Cả đời quân ngũ của tôi gần 12 năm trời chuyên làm lính thông tin, 8 năm ở địa đạo Củ Chi có biết bao kỷ niệm nhưng có lẽ kỷ niệm về cái đêm phát đi 32 bức điện ZN tại một căn hầm khu Bến Đình ven sông Sài Gòn năm ấy là tôi nhớ nhất. Tôi tự hào về những tháng năm là lính thông tin của mình vì đã góp một phần nhỏ bé đảm bảo mạch máu thông tin của Đảng, của quân đội thông suốt, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc ta.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #12 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2022, 08:46:16 am »

MÙA XUÂN RA TRẬN


PHẠM NGỌC SƠN


Mùa xuân năm ấy đến sớm và bất chợt quá, một ngày tươi đẹp bỗng xuất hiện giống như mối tình đầu chớm nở. Thế là xuân của đất trời, xuân của lòng người đã đến với đất nước ta, đến với chúng ta, những người lính đêm nay trên đường ra trận, đúng như lời một bài hát của nhạc sĩ nào đó: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm". Không đẹp sao được khi mà những người lính chúng tôi mang trong tim bầu máu sục sôi lòng căm thù giặc, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì giải phóng miền Nam, chúng tôi đến nơi đâu có giặc.


Đêm đã đi vào chiều sâu, bốn bề im lặng, ngay cả ngôi sao xa trên bầu trời cũng đứng im long lanh như giọt nước mắt, lặng lẽ của những người mẹ, mong chờ con bao nhiêu ngày cách biệt. Gió se lạnh thoang thoảng hương lúa mới, thơm như sữa của người mẹ trẻ. Điều gì đây như đang trào dậy trong lòng người lính trẻ đi trong đêm nay. Đêm giao thừa, mùa xuân ra trận.


Đoàn quân đi theo một hàng dọc, dẫu rằng phải tuyệt đối giữ bí mật, từ bước đi, cho đến mọi hành động phải hết sức nhẹ nhàng, giống như một con trăn trườn trong đêm tối. Vậy mà vẫn dấy lên trong chúng tôi một khí thế hừng hực, thế tiến công của đoàn quân ra trận. Không ai nói với ai, nhưng có lẽ họ đều chung một dòng suy nghĩ mà trong cuộc họp chi bộ trước giờ ra trận ở khu rừng già chân điểm cao 367 phía tây huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Buổi lễ kết nạp đảng viên mới, người đảng viên Nguyễn Cảnh Nam thay mặt những đảng viên được kết nạp tuyên thệ lời thể bất tử: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Lời thề đó là quyết tâm của cả Đại đội 15 chúng tôi đi và đến nơi đâu có giặc, quyết đánh và quyết thắng.


Người dẫn đường nai nịt gọn gàng, luôn nắm chắc trong tay khẩu AK báng gấp, tư thế sẵn sàng nổ súng, đó là bản lĩnh quen thuộc của người lính chiến, anh đi đầu đội hình, cứ trông tác phong của người dẫn đường, chúng tôi vững lòng tin, theo sát anh là tổ trinh sát của đại đội do tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Tài và các trinh sát viên Nguyễn Văn Khâm, Âu Văn Mênh. Tôi đi sau tổ trinh sát dẫn đầu đội hình vượt ra khỏi khu rừng non, đến khu vực có địa danh Mộ Ông Chưởng, người đạo lộ dè dặt từng bước, anh dừng lại ra hiệu, tôi hiểu phía trước có gì nghi vấn.


Tôi phát ám hiệu cho đại đội dừng lại. Cả đội hình nhanh chóng tản ra, lợi dụng các bờ ruộng nép mình vào ẩn nấp. Tôi và tổ trinh sát đến bên người dẫn đường quan sát, người thì thầm nói vừa đủ mấy người nghe. Anh chỉ tay về phía trước: "Tôi nghi đoạn này thường ngày chúng hay phục.... phải cẩn thận anh ạ, lỡ ra thì...". Anh bỏ lửng câu nói. Tôi hiểu ý người dẫn đường, những con người dày dạn kinh nghiệm dẫn khách đi vào vùng địch chiếm đóng. Đêm nay anh dẫn đoàn quân vượt đường, vượt sông để ngày mai vào trận, anh phải có trách nhiệm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đoàn quân không được khinh suất. Đại đội có được tiểu đội trinh sát dày dạn trong nắm địch như Tài, Khâm, Mênh, Long... khiến tôi yên tâm mỗi khi vào trận. Chúng tôi tiếp tục cơ động qua cánh đồng, đến làng xóm, nơi đây chỉ còn kia thưa những bụi tre, cây chuối, những tường nhà bị đốt cháy chỉ còn trơ trụi mấy cột nhà cháy dở đen đúa, cây cối xác xơ bởi đạn pháo của địch vẫn còn hăng hắc mùi ngai ngái, cái mùi thường gây cho người lính những ám ảnh rờn rợn. Dân chúng vùng Thượng Lâm đã bị địch dồn cả về khu ấp chiến lược, xung quanh thị xã Quảng Trị, nơi đây chỉ còn vườn không nhà trông, có lẽ đêm nay bà con mới có dịp về lại làng quê nơi chôn rau cắt rốn để thắp cho tổ tiên nén nhang ngày tết. Đó đây những nền nhà hoang vắng hiện lên ánh lửa lập loè, với những bóng người lầm lũi khấn vái vội vàng, chỉ trong chốc lát rồi đám người lại biến nhanh như có ma đuổi, xóm thôn lại trở nên hoang vắng, lạnh lùng.


Đại đội 15 phải vượt đường số 1 và vượt sông Nhùng giữa hai đồn địch, một bên là đồn cầu Nhùng, một bên là đồn cầu Dài, cách nhau chừng vài kilômét, nằm vào địa phận xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng.


Tôi ra lệnh đại đội dừng lại trong một làng phía tây quốc lộ 1, tiến hành làm công tác chuẩn bị và cũng là chờ đợi đúng giờ quy định mối được vượt đường, vượt sông. Tôi xem đồng hồ đã 23 giờ, như vậy chỉ còn một giờ nữa là đến giao thừa, cũng giờ đó chúng tôi mới được lệnh vượt đường và vượt sông, anh em sơ tán trong vườn nhà dân chờ đợi. Các gia đình đang sắp mâm ngũ quả, gà xôi, bánh trái ở giữa sân, mùi hương thơm ngào ngạt toả lan cả một vùng. Tiếng pháo dạo đầu mùa xuân đã đì đùng nổ râm ran, xen lẫn tiếng súng từ các đồn cầu Nhùng, cầu Dài của địch bắn vút lên trời, nối đuôi nhau tạo thành những tia đạn lửa đỏ lừ trong không trung, với những chùm pháo sáng vàng khè, đỏ quạch treo lơ lửng trên vòm trời đen sẫm toả xuống làng Thượng Xá, làm cho không khí đêm giao thừa xáo động đến bề bộn. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của một nhà cách mạng khi ông bị giặc bắt giam trong nhà tù, đêm giao thừa nghe tiếng pháo nổ ông tức cảnh câu thơ: "Lạch tạch, lạch tạch đùng. Than ôi! Xác pháo đã nổ tung. Hõi ơi! Xác pháo không còn nữa. Đã nổ tung ra vạn cánh hồng". Câu thơ thể hiện tinh thần lạc quan, chí khí của người cộng sản, tuy đang trong tù nhưng ông vẫn tin ở ngày mai "xác pháo không còn nữa, nhưng sẽ tung ra vạn cánh hồng" đó là niềm tin của những người cộng sản.


Những tốp lính đi chơi đêm, đang rảo bước về đồn, xem ra đi chơi xuân mà chúng cũng phải nai nịt súng đạn đầy đủ, điều đó chứng tỏ chúng luôn luôn lo sợ như cá nằm trên thớt. Bà con cô bác thôn Thượng Xá như đã được báo trước, các má, các chị em túa ra chỗ anh em chúng tôi, thăm hỏi động viên, cho quà tết, thôi thì đủ thứ bánh chưng, bánh cốm, bánh giầy, thuốc lá Ruby. Các má, các chị xà vào chúng tôi như gặp lại người thân, cầm tay từng người các má nói: "Má biết các con vô trong ni đánh giặc, xa gia đình, xa cha mẹ vào những ngày tết cổ truyền, chắc các con nhớ nhà...". Nói chưa hết câu, các má, các chị nức nở không thành lời. Chúng tôi cảm động trước tình cảm thân thương của bà con cô bác dành cho người lính sâu nặng nghĩa tình.


Pháo đã nổ râm ran, chuông chùa thỉnh liên hồi, cùng với tràng súng liên thanh từ các đồn cầu Nhùng, cầu Dài bắn lên đan chéo trong không gian chằng chịt cả bầu trời như những chùm pháo hoa lạnh lẽo.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #13 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2022, 08:47:11 am »

Phút giao thừa đã đến, tôi mở nhỏ chiếc đài bán dẫn vừa đủ cho mấy chiến sĩ Vãng, Mênh, Tài, Khâm, Phúc, Toàn bò sát đến nghe, Đài tiếng nói Việt Nam đang truyền đi lời chúc Tết của Bác Hồ:

   "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
   Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
   Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
   Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta".


Nghe thơ chúc Tết của Bác mà lòng chúng tôi náo nức như được truyền tiếp thêm sức mạnh, tăng thêm nghị lực và ý chí quyết tâm đối với mỗi người lính đêm nay ra trận. Nghe xong thơ chúc Tết của Bác lòng chúng tôi ấm lại. Tài và Khâm có trình độ văn hoá lớp 10, thường mỗi khi nghe một bài thơ trên đài lại đến cùng tôi bình thơ, hôm nay chúng tôi không dám bình thơ Bác mà chỉ dám nêu ý nghĩ phỏng đoán bài thơ của Bác xem năm nay thế sự chiến trường ra sao? Những năm qua cứ tết đên, chúng tôi ai nấy đều khắc khoải ngóng trông thơ chúc Tết của Bác. Chúng tôi coi thơ chúc Tết của Bác là lời Hịch, điều tiên đoán, sự chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam nói chung và với cách mạng miền Nam nói riêng, mà cuộc chiến đấu - chúng tôi những người lính đang đôi mặt với kẻ thù. Nghe thơ Bác, chúng tôi hiểu được phần nào vận mệnh của đất nước và thế trận trên chiến trường sẽ ra sao. Đó là niềm tin, là sức mạnh đối với mỗi con người Việt Nam, cũng như mỗi người lính chúng tôi càng lạc quan tin tưởng ở thắng lợi ngày mai. Lời chúc Tết của Bác vừa dứt, những tràng pháo nổ rộn ràng, tiếng chuông chùa rền vang báo hiệu mùa xuân chiến thắng.


Lệnh vượt đường và vượt sông vào đúng giờ phút thiêng liêng của đất nước sang xuân. Có lẽ cấp trên chọn thời điểm này là đảm bảo an toàn nhất, để bảo toàn lực lượng cho trận chiến đấu ngày mai, cuộc tiến công và nổi dậy toàn miền Nam. Trong hội nghị giao nhiệm vụ tại Bộ chỉ huy mặt trận 7, đồng chí Tư lệnh mặt trận cầm tay đồng chí Chính ủy và nâng cao, tỏ thái độ và ý chí quyết tâm, quyết chiến và quyết thắng. Súng của địch xen lẫn tiếng pháo giao thừa vẫn nổ, những chùm pháo sáng treo lơ lửng sáng rực cả một vùng. Đoàn quân chúng tôi vẫn cứ vượt sông. Những chiếc thuyền nan bé nhỏ tưởng đến mong manh, vậy mà những tay chèo lái điêu luyện của các nữ du kích Hải Lăng thoăn thoắt như những con thoi, chẳng mấy chốc cả đại đội chúng tôi đã sang sông an toàn. Thật đúng với nghĩa của bài hát: "Du kích Trị Thiên chúng mình giỏi... lập nhiều chiến công..." quả thật không sai.


Tôi cho đại đội dạt vào khu vườn làng Thượng Xá Đông, tiến hành kiểm tra lực lượng và trang bị. Vừa lúc đó đoàn cán bộ do Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hải Thượng dẫn đầu đến thăm và chúc Tết. Đứng trước hàng quân đồng chí Chủ tịch xúc động lặng đi hồi lâu mới nói: Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Thượng, chúc anh em năm mới mạnh khoẻ, đánh giặc giỏi, lập nhiều chiến công. Chúng tôi cám ơn các bà mẹ đã sinh ra những người con vào đây cùng chúng tôi chiến đấu, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chúng tôi hiểu rằng giờ phút thiêng liêng đón giao thừa ở quê nhà, gia đình đón xuân mà lòng nhớ thương những người con xa quê hương, đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam...". Đoàn cán bộ đưa quà đến tay từng chiến sĩ, các má, các chị cầm tay bịn rịn như muốn gửi những tình cảm thân thương của bà con cô bác như sợ mất con.


Rời Hải Thượng lúc gần 2 giờ sáng mồng Một Tết Mậu Thân. Dẫn đường cho đại đội tôi là nữ du kích Hồng Thái, người con gái xã Hải Chánh. Thái chừng mười tám đôi mươi, có dáng vóc thon thả, nhanh nhẹn. Với tác phong và sự hiểu biết của cô, tôi cứ tưởng cô phải ngoài hai mươi, cô nai nịt gọn gàng bằng cái thắt lưng da Mỹ, với hai trái lựu đạn mỏ vịt, một bi đông nước, một cái ni lông được gấp nếp rất cầu kỳ, từng ấy thứ bao quanh thân hình bé bỏng của cô đến ái ngại, với khẩu AK báng gấp càng nặng nề hơn. Đứng trước hàng quân bằng giọng nói miền Quảng Trị vừa đủ nghe:

"Xin thông báo với các đồng chí, đường đi không xa, nhưng toàn là đường đi trên cồn cát, không rõ đường rõ lối chi mô, đề nghị mọi người phải bám sát nhau, nếu không sẽ lạc đường là đi vô địch đó nghe? Các đồng chí quen đi đường rừng, nay đi đường cát e mỏi gôi, chồn chân đó, phải cố gắng thôi". Rồi cô quay ngoắt về phía tôi và nói: "Ta đi thôi hè". Những mẫu người con gái như Thái tôi gặp không phải là số ít, họ hành động là chính, nói ít mà sâu sắc, không văn hoa gì, mà đủ lý khiến mọi người cảm phục. Tôi chỉ còn biết ra lệnh đại đội đi theo, thoắt cái cô đã lẩn vào trong đêm tối, chỉ còn lờ mờ cái bóng di động phía trước.


Trời chuyển dần về sáng, không khí giao thừa đã thưa dần, chỉ còn vương lại tiếng pháo nổ thưa thốt... lạch tạch... lạch tạch... đùng... rót lại của buổi tàn canh. Mọi người nghe chừng đã thấm mệt, đoàn quân đi lặng lẽ, chỉ nghe tiếng xào xạc của lá ngụy trang, thi thoảng có tiếng lách cách va nhẹ phát ra từ sau chiếc ba lô của ai đó. Tiếng cô du kích dẫn đường vẫn lanh lợi: "Đi lẹ chút nữa, trời sắp sáng rồi, eng mô kiểm tra có tiếng kêu đó". Tôi lại đôn đốc anh em tăng tốc độ.


Đại đội đến xã Hải Vinh lúc 4 giờ sáng mồng Một Tết. Đây là một xã nằm gần bờ biển, xung quanh những cồn cát trắng xoá cả vùng, cách đường quốc lộ 1, chừng trên 10km và cũng cách xa các đồn địch. Có lẽ vì thế mà cấp trên đưa toàn bộ trung đoàn xuống ém quân ở vùng này. Tôi đưa cán bộ trung đội đi trinh sát thực địa quanh làng, đồng thời giao nhiệm vụ cho các trung đội bố trí theo phương án chiến đấu chống càn. Các trung đội triển khai xong nhiệm vụ cũng là lúc trời vừa sáng rõ.


Sáng mồng Một Tết, tiết trời êm dịu nhẹ nhàng đến dễ chịu, ánh nắng mùa đông vừa đủ xoá tan màn sương đêm của một làng quê nghèo phủ đầy cát trắng. Làng xóm như vẫn còn chìm trong giấc ngủ muộn mằn của một đêm là một năm mới có một lần. Sự yên lặng đến tĩnh mịch và u ám, chỉ lác đác đó đây lũ trẻ tranh nhau đì đùng tiếng pháo tép, mấy cụ bà xúng xính trong bộ áo tứ thân bao tượng xanh đỏ đi lễ chùa, vài cụ ông áo the khăn xếp đủng đỉnh ra đình làng tế lễ cầu may ước vận cho một năm yên ổn xóm làng. Tôi cùng chính trị viên đại đội đi kiểm tra trận địa, cũng là lúc anh em đã bố trí xong quả mìn định hướng cuối cùng, tiếp tục đào công sự và tiến hành ngụy trang. Dù rằng đêm qua gần như thức trọn một đêm, nhưng khí thế của người ra trận không biết mệt mỏi, chúng tôi đến tiểu đội nào cũng nhận được những lời chúc Tết tốt đẹp, một tình cảm chân tình cởi mở của một ngày mới.


Thế là ngày mồng Một Tết anh em phải nằm ngoài trận địa. Được cái trận địa chạy ven theo làng, núp dưới luỹ tre xanh tốt, kín đáo nên đỡ căng thẳng. Theo lệnh trung đoàn trưởng, đơn vị phải tổ chức trực 100% quân số tại trận địa sẵn sàng chiến đấu, không một ai được vào nhà dân, nêu một vài tên lính đi chơi tết mà vào trận địa, thì bằng mọi cách bắt sống, không được manh động nổ súng bừa bãi, phải tuyệt đối giữ bí mật lực lượng. Khả năng địch đi càn quét vào mấy ngày Tết chắc không xảy ra, trừ khi chúng đã phát hiện lực lượng của ta. Quả thật cấp trên nhận định không sai. Cả ngày mồng Một Tết không có một tên lính nào bén mảng vào làng Hải Vĩnh. Thế là anh em được các gia đình đưa cơm đến từng tiểu đội, bà con cô bác cho ăn Tết tại chiến hào khá đầy đủ, cũng thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh cốm, bánh giầy. Như vậy là chúng tôi được ăn Tết những hai lần cơ đấy.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2022, 08:47:47 am »

Theo lệnh của trung đoàn trưởng, đúng 13 giờ mồng Một tôi có mặt tại nhà trung đoàn trưởng để nhận lệnh, mọi cán bộ đến họp đều phải cải trang bảo đảm bí mật. Tôi cải trang bằng chiếc áo dài đen, cụ chủ nhà cho, mặc ngoài bộ quân phục, chiếc nón lá đội trùm chiếc mũ tai bèo. Trung đoàn trưởng Tống Sỹ Ngùy đứng trước cửa nhà thờ họ, nhà ông ở, ông mặc bộ bà ba đến, trên tay ông thường khi nào cũng cầm một điếu thuốc lá, ông rít một hơi thuốc khoan khoái. Ông cười, nụ cười độ lượng, với lời chào hỏi chúc Tết cán bộ đến họp bằng những câu nửa đùa nửa thật: "Chào các cụ lý, cụ trương". Chúng tôi đùa gọi ông là cụ chánh, vì mọi người đểu cải trang bằng những bộ áo dài, có người còn mượn cả quần trắng ống sớ, nón chóp dứa. Tôi quan sát một lượt, thôi thì đủ kiểu, đủ loại, ai kiếm được loại gì mặc loại đó, thật buồn cười.


Cuộc họp được bắt đầu bằng lời chúc Tết của trung đoàn trưởng. Sau ông nghe đơn vị báo cáo rất vắn tắt tình hình có gì đặc biệt. Ông tiến hành bổ sung nhiệm vụ và chỉ thị hiệp đồng, ông nhắc đi, nhắc lại giờ G + 3. Cuộc họp được kết thúc nhanh chóng. Mọi người ai nấy đều tất tưởi trở về đơn vị. Không nói ra nhưng trong mỗi con người đều hiểu rõ nhiệm vụ lịch sử cuộc Tổng tiến công nổi dậy toàn miền Nam, ai cũng mau nhanh chóng trở về đơn vị tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh nhất. Tôi cũng như mọi người hăm hở bước ra sân tíu tít bắt tay chúc tụng nhau chiến thắng... Đồng chí tác chiến trung đoàn đến bên tôi nói nhỏ: "Anh quay lại gặp trung đoàn trưởng". Tôi thầm nghĩ chắc lại điều gì nữa đây, tôi chưa kịp báo cáo ông đã cười, cái cười của ông bao giờ cũng làm cho cấp dưới dễ chịu hơn khi nhận một nhiệm vụ, ông ôn tồn nói: "Nhiệm vụ của Đại đội 15 như tôi đã giao, cần lưu ý vây chặt, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, không cho một tên địch nào chạy vào thị xã Quảng Trị là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về đơn vị giao việc chỉ huy đại đội lại cho đồng chí đại đội phó, đồng chí cải trang thường dân cho tốt, o du kích đây". Ông chỉ cô gái đứng gần đó: "Là người dẫn đường". Đồng chí nhanh chóng tiếp cận mục tiêu trước khi trời tối. Tôi nhanh chóng trở về đơn vị.


Sau khi trao đổi công việc với Chính trị viên Cương và Đại đội phó Trạm, tôi và Vinh - cô du kích dẫn đường xuất phát 15 giờ mồng Một Tết. Tôi vẫn mặc chiếc áo dài ngoài bộ quân phục, chiếc áo dài đen không che kín màu áo Tô Châu, đội chiếc nón lá trông thật buồn cười. Anh em cứ vây quanh tôi trêu đùa:"Trông thủ trưởng cứ như người làm xiếc". Vinh mặc bộ áo cánh rất mốt của cô gái Quảng Trị, khoác chiếc khăn rằn, đội nón bài thơ, càng tô vẻ đẹp dịu dàng của cô gái miền quê pha chút phong sương dày dạn. Khẩu súng tiểu liên nhỏ nhẹ được bọc kín trong tấm vải dù. Chúng tôi đi bên nhau trong vai vợ chồng đi chơi Tết. Đó là ý trung đoàn trưởng dặn tôi và Vinh, nếu trên đường đi mà gặp tình huống thì chỉ Vinh giao tiếp và phải nói là vợ chồng, còn tôi chỉ gật đầu và lắc không được nói, vì nếu nói thì lộ tiếng người miền Bắc. Như vậy có nghĩa là tôi phải giả câm.


Đi hết đường làng Hải Vinh ra đường cồn cát, trên đường chúng tôi gặp nhiều người ngược xuôi họ chuyện trò cười nói vui vẻ. Tôi và Vinh chỉ lẳng lặng đi bên nhau, hệt như đôi vợ chồng mới cưới thẹn thùng đi chơi xuân, thi thoảng gặp tốp người họ chào hỏi, chúc tụng, chỉ có Vinh trả lời, còn tôi cười ậm ự không thành tiếng, khi họ đi qua rồi tôi và Vinh lại bật cười đến là ngộ. Tuy thế nhưng cũng có những tốp người hình như họ nhận ra điều không bình thường của tôi, thường đi qua rồi họ quay lại nhìn theo rồi rì rầm nói cười. Lại có những tốp trẻ trâu chúng chạy theo nhòm ngó thì thầm một cách nghịch ngợm. Vinh quay lại nói: "Các cháu đi trâu răng chạy theo cô chú mần chi hề...", chúng mới chịu dừng lại đồng thanh đọc câu: "Chồng đi trước, vợ đi sau, quay lại hôn nhau tui cho đồng bạc...". Chúng cười ầm ĩ chạy xa. Mặc kệ chúng, tôi không để ý đến sự trêu chọc nhảm nhí của trẻ con, mà tập trung quan sát đường đi, địa hình, làng mạc, nhất là quan sát những dòng người đi lại xem có lính ngụy đi trong đó không? Phía thị xã Quảng Trị mấy chiếc trực thăng bay lượn qua lại, lên xuống, làm cho tình hình trở nên sống động hẳn lên. Chúng tôi đâm chột dạ, Vinh đi sát bên tôi thầm thì: "Eng ơi! Người qua lại nhiều quá, lại cả trực thăng nữa e đi không lợi mô, lỡ có chuyện chi, nguy hại cho nhiệm vụ, có lẽ anh em miềng tạm dừng chờ xế chiều, vãn rồi ta đi". Tôi suy nghĩ, đúng như Vinh nói, trên đường đi đã gặp một vài tình huống đáng ngại, ngay cả hướng quận lỵ Hải Lăng người xe đông thế kia cũng khó có thể an toàn được. Tôi đồng ý phương án của Vinh tạm dừng chờ thời điểm thích hợp đi tiếp.


Chúng tôi chui vào một bụi cây giữa cồn cát, gọi là bụi cây nhưng khá rộng và rậm rạp, tương đối kín đáo, xa cả hai vùng dân cư, người qua lại thưa thớt. Chúng tôi vạch ra một đám gọn gàng vừa đủ cho hai người, bẻ lá trải thành một chỗ ngồi. Hơn hai tiếng đồng hồ chờ đợi, chúng tôi hết ngồi lại nằm bên nhau, nói chuyện quê hương, gia đình, thế sự. Vinh hỏi tôi về chuyện vợ con, tôi cũng hỏi Vinh về đời tư, thế là chúng tôi đều đã hiểu nhau và cả hai chúng tôi đều chưa một lần. Tình huống đã tạo cho chúng tôi điều kiện khó lường. Trong lúc này, chỉ có chàng và nàng, có lúc trong chúng tôi đã dấy lên cái bản năng vốn có của người con trai và người con gái. Bỗng tôi nhớ lời bất hủ của nhà văn nước ngoài: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những lúc hy sinh gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, mà chỉ có những ngăn cách. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ngăn cách đó...". Tôi nghĩ phải chăng đây là phút hy sinh gian khổ, hạnh phúc hay bản năng vốn có trong mỗi con người, mà lúc này đây nó đang quấy quả chúng tôi, nó đòi hỏi sự sống, sự nảy sinh trong tôi người con trai chưa một lần và cô gái kia còn bé bỏng hơn cả sự tưởng tượng của tôi. Thế rồi tôi ngồi bật dậy trong sự ngơ ngác của Vinh. Cô hiểu điều gì? Cô cũng ngồi dậy, thẹn thùng rút chiếc lược chải mái tóc xổ tung. Chúng tôi đã có sức mạnh vượt qua sự thèm khát, đó là sức mạnh trái tim người lính, sức mạnh của kỷ luật quân đội, vì nhiệm vụ để giành chiến thắng của trận chiến đấu ngày mai.


Chúng tôi đã đến mục tiêu quận lỵ Hải Lăng trước khi trời tối, đủ thời gian để tôi tiến hành quan sát đường, hướng tiến và khu vực chiếm lĩnh trận địa. Khoảng 21 giờ đơn vị có mặt tại thôn Hậu, cũng vừa lúc tôi và Vinh về đến đó. Sau khi trao đổi tình hình với Ban chỉ huy đại đội, tôi đưa cán bộ tiểu đội, trung đội đi trinh sát và giao nhiệm vụ cho từng trung đội trên từng khu vực, từng hướng. Cán bộ tiểu đội, trung đội đi trinh sát cụ thể theo nhiệm vụ đã giao, cũng phải đến 24 giờ cán bộ mới trinh sát xong.


Đúng 2 giờ ngày mồng Hai Tết tôi ra lệnh chiếm lĩnh trận địa. Chỉ trong phạm vi một giờ đồng hồ toàn đại đội đã chiếm lĩnh trận địa an toàn. Anh em tiến hành đào công sự, chủ yếu đào công sự lộ thiên tránh mảnh và tránh đạn bắn thẳng. Tôi đi kiểm tra từng tiểu đội, nhìn chung anh em chiếm lĩnh và bố trí binh hoả lực đúng ý định chiến thuật, trở về vị trí chỉ huy cũng là thời điểm toàn miền Nam nổ súng tiến công và nổi dậy.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #15 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2022, 08:48:18 am »

Tôi nhìn về hướng thị xã Quảng Trị ánh lửa lập loè và tiếng nổ rền vang, hướng phía nam cũng rộ lên những ánh chớp của pháo binh, súng cối và những khối bộc phá nổ làm sáng rực cả vùng trời. Theo chỉ thị hiệp đồng của trung đoàn, hiệp đồng tiếng súng, căn cứ vào nhiệm vụ của đơn vị độc lập chiến đấu, chỉ huy quyết định giờ nổ súng cho phù hợp. Tôi xem đồng hồ đã 3 giờ 15 phút, đèn trong quận lỵ Hải Lăng vụt tắt chỉ còn mấy chiếc đèn pha quét loang loáng qua lại ra phía cách đồng, lính trong đồn chạy rầm rập ra các phía hàng rào. Chớp thời cơ, tôi ra lệnh nổ súng. Ngay loạt đạn đầu các loại súng B40, B41, cối 60 ly và các bệ phóng 320 đồng loạt bắn vào các mục tiêu đã chuẩn bị sẵn, đặc biệt một bệ phóng (2) quả bom 50kg trúng giữa quận lỵ, nổ rung chuyển cả một vùng, những chiếc đèn pha tắt ngấm ngay sau khi quả bom nổ. Cũng phải đến mươi mười lăm phút sau, địch trong quận mới phản ứng bằng những tràng đại liên, súng cối bắn tới tấp ra những gò cát, bụi cây, không có pháo lớn chi viện.


Vinh ghé vào tai tôi nói nhỏ vẻ đắc chí: "E quân địch bị đánh khắp nơi, không có khả năng chi viện pháo cho quân địa phương anh hỷ". Với nhiệm vụ bao vây, kiềm chế, tiêu diệt, tiêu hao từng bộ phận quân địch, không cho địch chi viện cho thị xã Quảng Trị. Tiếng súng đã đồng loạt tiến công vào sào huyệt của địch, phút chốc cả miền Nam đã nổi dậy giội bão lửa xuống đầu lũ bán nước và quân xâm lược. Chúng phải đền tội ác trước lòng căm thù uất hận của đồng bào chiến sĩ cả nước.


Khoảng 9 giờ, phía Thành cổ Quảng Trị xuất hiện máy bay trực thăng. Chúng nhào lượn lên xuổng, quần lộn xả đạn, phóng rốc két xuống. Lần đầu tiên xuất hiện loại máy bay rọ lợn, xương cá, bắn rất khó trúng mà nó bắn cũng rất dai dẳng. Loại utiti máy bay này cũng đáng ngại nó bay rất nhanh và bay theo kiểu nghiêng nghiêng trông đến ghét và cũng đáng sợ. Cứ mỗi khi chúng nhào tới hướng Hải Lăng cứ tưởng như nó đã nhìn thấy mình, ai yếu bóng vía mà vượt chạy là nó đuổi đến cùng nếu không tiêu diệt được chúng.


Đến 10 giờ, một lực lượng địch ngồi trên 5 xe quân sự, dưới sự yểm trợ của cối, chúng cơ động ra khỏi quận lỵ về hướng thị xã Quảng Trị. Tình huống địch cơ động chi viện cho Quảng Trị, đúng như phương án đã chuẩn bị. Tôi nhắc trung đội trưởng Trung đội 1: "Bình tĩnh để địch vào đúng phương án, chắc ăn mới nổ súng". Trung đội trưởng Trịnh Quốc Phong vốn là một cán bộ gan dạ, dũng cảm, giao nhiệm vụ cho anh là tôi yên tâm, với chất giọng Thanh Hoá anh trả lời: "Thủ trưởng yên tâm, tôi sẽ diệt gọn 5 xe địch, không còn lấy một thằng". Lời nói của Phong khiến tôi yên tâm. Đùng... đoàng... một loạt tiếng nổ ròn rã khói mù mịt cả một vùng. Những chiếc xe khựng lại, lính trên xe nhảy xuống chạy tháo thân, bị lực lượng ta chặn diệt. Cối ở trong quận bắn ra chi viện cho một lực lượng bộ binh cơ động ra, tôi lệnh cho Trung đội 2 chặn đánh, chúng điều tiếp bộ binh ra chia thành hai hướng đánh vào phía sau Trung đội 1, cuộc chiến trở nên quyết liệt. Tôi ra lệnh Trung đội 3 dùng cối bắn vào trung tâm quận lỵ, lệnh Trung đội 1 kiên quyết tiêu diệt quân địch. Trung đội phó Thái Hữu Song báo cáo, trung đội hy sinh năm đồng chí, trong đó có đồng chí Phong trung đội trưởng và tiểu đội trưởng Nguyễn Cảnh Nam. Tôi sững người xót xa, mới đó đã mất những người đồng đội thân yêu, Phong vừa nói với tôi như một lời thề quyết tử, Nam một cán bộ dũng cảm mới hôm này trước giờ ra trận anh đã đứng trong hàng ngũ của Đảng, lời thề của anh còn mãi trong trái tim những người cộng sản.


Trao đổi với chính trị viên Cương, tôi quyết định giao đồng chí Song thay thế trung đội trưởng, các trung đội bám sát quân địch tiêu diệt từng bộ phận, khống chế toàn bộ lực lượng địch trong quận lỵ Hải Lăng. Thế là cuộc chiến trong mấy ngày tết kết thúc. Chúng tôi đã bao vây, kiềm chế, tiêu diệt, tiêu hao quân địch, hoàn thành nhiệm vụ trung đoàn giao. Mấy hôm sau đại đội tôi được lệnh cơ động về xã Hải Thành, cùng trung đoàn tổ chức chống địch càn quét ở đồng bằng thuộc các xã Hải Quế, Hải Vĩnh, Hải Chánh, đến Phong Thu, Phong Bình. Hơn một tháng trời quần nhau với địch, đơn vị đã bị tiêu hao lực lượng và đạn dược. Chúng tôi được lệnh cơ động lên căn cứ, đầu nguồn sông Ô Lâu.


Thế đấy, giao thừa mùa xuân năm ấy đã qua đi một chặng đường dài lịch sử, những năm tháng thăng trầm của đất nước. Đến bây giờ, cứ mỗi độ xuân sang, những kỷ niệm một thời oanh liệt, thời xa xưa, cái đêm giao thừa năm ấy như vẫn còn chôn sâu trong ký ức người đại đội trưởng, một dấu ấn không phai. Đêm giao thừa lịch sử, trong chiến đấu giải phóng dân tộc, đêm giao thừa có một không hai trong cuộc đời chinh chiến của người chiến sĩ giải phóng quân. Thế là sau cái đêm giao thừa năm ấy, bao nhiêu người đồng đội đã ra đi mãi mãi không về, vĩnh biệt mùa xuân. Song tên tuổi các anh, những liệt sĩ ra đi trong mùa xuân Mậu Thân 1968 vẫn sống mãi trong trang sách các em thơ, trong ký ức người dân Thành Quảng Trị anh hùng.

P.N.S
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #16 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2022, 08:49:22 am »

Ở TRẠI ĐAVÍT


TẠ HƯNG


Davis camp - địa danh không thể nào quên

Chiến dịch lịch sử mang tên lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ước mơ cháy bỏng của cả dân tộc là độc lập, thống nhất Tổ quốc đã trở thành sự thật. Bắc - Nam đã sum họp một nhà, cả nước đang chung lưng đấu cật xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu. 30 năm trôi qua, đất nước Việt Nam đã "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" - đúng như di huấn của Bác Hồ để lại cho thế hệ con cháu chúng ta.


Để có được chiến công vĩ đại ấy là cả một sự phấn đấu hy sinh phi thường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; là sự đồng tình; ủng hộ, giúp đõ của bạn bè khắp năm châu bốn biển. Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa thắng lợi và tầm vóc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất Tổ quốc đã được viết thành sách, làm thành phim và được thể hiện qua nhiều hình thức văn hóa nghệ thuật khác. Tuy nhiên, còn một cái tên - một địa danh - tuy nhỏ nhưng đã ghi lại chiến công của người lính trên mặt trận ngoại giao quân sự ngay trong lòng địch, thiết nghĩ cũng phải được nhắc đến để mọi người có dịp hiểu thêm về người lính trên mặt trận này. Cái địa danh đó là "Davis camp" (Trại Đavít) nằm trong khu sân bay Tân Sơn Nhất, là trụ sở của Ban Liên hợp quân sự "Bốn bên" rồi "Hai bên" sau Hiệp định Pa-ri về Việt Nam.


Là người vinh dự được tham gia từ đầu đến cuối đơn vị đặc biệt này và sau đó tham gia Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định, tôi muốn nhân dịp này - dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà - kể lại với bạn đọc những kỷ niệm không thể nào quên trong thời kỳ ấy.


Cuộc hành quân vào Davis camp

Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam sắp được ký kết. Trong Hiệp định có đề cập đến vấn đề thành lập Ủy ban Liên hợp quân sự bốn bên và hai bên ở Trung ương (Sài Gòn) và các khu vực ở miền Nam Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được giao trọng trách tổ chức triển khai nhiệm vụ quan trọng này. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Đảng ủy quân sự Trung ương, của Trung ương Cục và Đảng ủy quân sự Miền, Tổng cục Chính trị đã phối hợp với các cơ quan trong và ngoài quân đội, ở miền Bắc cũng như ở miền Nam để tuyển chọn cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất cho cả Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lúc đó, tôi đang công tác tại Cục Nghiên cứu Tổng cục Chính trị được điều động đi làm nhiệm vụ mới và được phân công công tác trong Đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Anh em trong đoàn miền Nam chúng tôi từ Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại thương, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội gộp lại. Sau khi được Thiếu tướng Nguyễn Đôn gặp gỡ động viên giao nhiệm vụ, chúng tôi về tập trung tại khu văn công Mai Dịch - Hà Nội. Tại đây không khí thật nhộn nhịp. Mỗi người vừa lĩnh tư trang cho mình, vừa lĩnh thêm suất tư trang cho một đồng chí ở "R" cũng vào Sài Gòn công tác. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội cũng như gia đình, bạn bè đến lưu luyến chia tay. Niềm vui rạng rỡ trên nét mặt và nụ cười của mọi người.


Đêm 26 tháng 1 năm 1973, một đoàn xe U-oát xuất phát đưa chúng tôi đi vào Lộc Ninh để từ Lộc Ninh vào Sài Gòn. Sáng 27 tháng 1 năm 1973 chúng tôi dừng chân tại một khu rừng của Thanh Hóa, chuẩn bị đem lại đi tiêp. Trưa 27 tháng 1 năm 1973, đoàn nhận được điện khẩn của Tổng cục Chính trị là phải quay ra Hà Nội ngay vì Hiệp định Pa-ri sắp ký, đi dọc Trường Sơn vào sẽ không kịp. Đêm 27 tháng 1 năm 1973, thay vì đi vào Nam, chúng tôi lại trở ra Hà Nội. Ra đến Hà Nội, chúng tôi được biết, để kịp triển khai hoạt động, Mỹ đã đồng ý đưa hai đoàn của ta vào Sài Gòn bằng máy bay C130 của Mỹ. Chúng tôi lại tiếp tục chuẩn bị cho phương án di chuyển mới theo chỉ thị của trên. Đúng 8 giờ 15 phút, thứ hai, ngày 29 tháng 1 năm 1973 chúng tôi rời địa điểm đi sân bay Gia Lâm để vào Sài Gòn. Tại sân bay Gia Lâm, hai chiếc C130 - một chiếc cho đoàn miền Bắc, một chiếc cho đoàn miền Nam - đã chờ sẵn. Đoàn miền Bắc do Thiếu tướng Lê Quang Hòa dẫn đầu được tiễn đưa rất trọng thể. Quân phục mới, quân hàm, quân hiệu chỉnh tề, đoàn lên đường với khí thế chiến thắng. Đoàn miền Nam chúng tôi lúc đó với danh nghĩa đi công tác nước ngoài về ghé qua Hà Nội, nay được lệnh của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào Sài Gòn công tác. Chúng tôi với quân phục giải phóng mới, mũ tai bèo mới, va li ngoại giao mới tiến về chiếc C130 dành riêng cho đoàn. 11 giờ 25 phút ngày 29 tháng 1 năm 1973 máy bay cất cánh. Chúng tôi vui mừng khôn xiết. Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội đã tạo điều kiện thuận lợi, tạo thế cho chúng tôi vào lòng địch để thực hiện một cuộc chiến đấu mới, một cuộc chiến đấu tuy không phải bằng súng đạn, song cũng không đơn giản và dễ dàng.


14 giờ 45 phút cùng ngày, máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Qua cửa sổ máy bay, chúng tôi thấy xe quân cảnh của Mỹ - ngụy chạy tới tấp, rồi cả hai máy bay được bao vây bởi hàng rào lính dù trong tư thế sẵn sàng nổ súng. Trời nắng gắt, sân bay nóng ran. Một, hai, rồi ba giờ trôi qua, chúng tôi vẫn không được rời máy bay. Chúng tôi ăn lương khô, uống nước bi đông mang theo và chờ đợi. Đoàn miền Bắc cũng vậy. Hai máy bay đậu gần nhau, việc liên lạc, phối hợp đấu tranh không khó khăn gì. Nguyên nhân chính chúng tôi chưa được rời máy bay là vì chúng tôi kiên quyết không chấp nhận điều kiện vô lý của phía ngụy Sài Gòn lúc bấy giờ. Chúng bắt chúng tôi phải làm thị thực nhập cảnh - tức phải thừa nhận miền Nam Việt Nam là một nước riêng biệt. Chúng tôi kiên trì đấu tranh, tiếp tục ngồi trên máy bay, đại tiểu tiện xuống sân bay. Bọn Mỹ thấy vậy, đưa sĩ quan liên lạc đến cung cấp túi ni lông để chúng tôi đại tiểu tiện vào đấy; đem thức ăn, nước uống đến cho chúng tô. Lúc đầu chúng tôi ngại không dám ăn, uống. Sau nghĩ rằng chúng tôi đại diện cho một chính phủ, địch khó có thể đầu độc; vả lại thế của ta lúc đó là thế thắng, địch cũng đang cần ta vào đây nên chúng tôi đã dùng khẩu phần lương thực và nước uống của Mỹ đem đến. Nhiều đồng chí tức quá đã đưa các túi ni lông chất thải lên để ở buồng lái. Cuộc đấu tranh tiếp tục qua đêm đến ngày hôm sau. Chúng tôi yêu cầu Mỹ cho máy bay cất cánh đưa chúng tôi ra Hà Nội. Trước thái độ kiên quyết của ta, Mỹ - ngụy đã phải nhượng bộ. Đúng 11 giờ 30 phút, thứ 3 ngày 30 tháng 1 năm 1973 đoàn chúng tôi rời máy bay trở về địa điểm - đó là Davis camp ở ngay trong khu sân bay.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #17 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2022, 08:50:17 am »

Davis camp

Theo lời những người lái xe cho phái đoàn (do phía ngụy cử đến) thì đây vốn là khu kho của sân bay, sau thành trung tâm huấn luyện biệt kích: bọn mũ nồi xanh do Mỹ huấn luyện chuyên làm nhiệm vụ phá hoại, do thám ở các vùng biên giới; sau đó chuyển thành khu vực của không quân Mỹ thuộc tập đoàn không quân số 7. Cái tên Davis camp có từ đó. Trại Đavít rộng chừng 200m, dài chừng 800m. Nhà bằng gỗ thông, cưa xẻ từ Mỹ theo quy cách thống nhất. Sàn gỗ cách mặt đất 50cm, xung quanh có quây lưới thép nhỏ, trần gỗ thông dán. Hơn 80 nhà lớn nhỏ đánh số từ T-501 (phòng hành chính văn thư) đến số T-582 (phòng giải trí).


Ba khu vực chính: Thẳng cổng vào, bên phải sân lớn là bãi đậu xe và khu A (khu sĩ quan) có 11 nhà, nhà ăn, nhà tắm riêng. Phía đông, trên một khu chữ nhật là khu B bố trí 32 nhà ở của binh sĩ theo hình chữ u, ở giữa là nhà ăn, nhà kho, nhà bếp và nhà vệ sinh. Phía nam, trên một tam giác sát đường Lê Văn Lộc là khu C gồm những nhà phục vụ chung như nhà xem chiếu bóng của sĩ quan, phòng họp lớn, kho tiếp liệu, kho nhiên liệu, bãi đậu máy bay lên thẳng, nhà căng tin, nhà giải trí cho lính, bệnh xá, nhà Bóc-đen (hộp đêm) cho sĩ quan, sân quần vợt, tháp nước.


Sân và đường lớn, nhỏ đều bằng xi măng. Đường chéo lớn ngăn cách khu B và C, Mỹ đặt tên là đường Michigan. Một sự bố trí hợp lý hóa cao độ kiểu Mỹ cho một trại lính Mỹ ở vùng nhiệt đới. Mọi khoảnh đất đều được tận dụng, có thuốc diệt chuột ở gầm nhà, có lưới thép phòng muỗi và rắn độc...
Một sự ngăn cách lớn giữa sĩ quan và binh lính của một quân đội đế quốc, cách bức nhau trong sinh hoạt và hưởng thụ. Màu sắc lính tây còn đây đó: những bức tranh phụ nữ khỏa thân dán trên tủ sắt; vài bức họa sơn dầu thô kệch sặc mùi thực dân; hàng lô tập Playboy tục tĩu, chuyện trinh thám giật gân, truyền đơn van xin lính Mỹ cai nghiện hê-rô-in bên những ống tiêm hê-rô-in bằng nhựa đã bóp hết thuốc vào mạch máu, và khủng khiếp hơn là những bông băng dính đầy máu và mủ ở các xó gầm tủ, thùng rác, hố rác... Một người lái xe nhắc chúng tôi: Các ông phải đốt cho kỹ, phải tẩy uế cho thật dữ các nơi rửa mặt, nhà tắm, nhà vệ sinh của bọn này kẻo lây bệnh đó. Anh em ta làm vệ sinh kịch liệt hơn một tuần lễ mới tạm sạch. Ở mỗi căn nhà đều có một biển gỗ lớn treo trên cửa ra vào, in những hàng chữ: khi bị tấn công không được đứng, ngồi, đi, hoảng hốt và phải: bò ngay ra hầm, đội nậm lên đầu, nghe theo lệnh của trung đội trưởng. Hầm bao quanh các dãy nhà. Hầm của quan sâu hơn của lính, có kèo gỗ và vỉ sắt ở trên, đắp thêm bao cát, đất, xi măng pha cát. Hầm lính ở gần sân bóng rổ có khắc một loạt dấu hiệu phản chiến hình tròn có ba mũi súng chụm nhau. Phía trong hầm, những hàng chữ nguệch ngoạc: đây là địa ngục, ngày thằng Đích chết ở đây: 16-5-1972 - Lạy chúa! Tôi sẽ lên thiên đàng vì tôi đã ở địa ngục này rồi!


Sau giải phóng, trước khi vào trung tâm Sài Gòn, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Miền, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh như Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng... đều qua đây. Biết được nơi ăn, ở, sinh hoạt của phái đoàn ta, cách cư xử của phía Mỹ - ngụy đối với chúng tôi, đồng chí Lê Đức Thọ nói vui: "Tớ biết nó để các cậu ăn ở thế này thì tớ đã không ký".


Trưởng đoàn Trần Văn Trà vào Sài Gòn

Đoàn miền Nam bay từ Hà Nội vào là bộ phận của đoàn tiền trạm. Sáng 31 tháng 1 năm 1973, các phó đoàn của Ủy ban Liên hợp quân sự bốn bên họp bàn việc đón Trung tướng Trần Văn Trà, trưởng phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với cương vị và uy tín của mình, việc đồng chí Tư Chi (Trần Văn Trà) vào Sài Gòn được dư luận đặc biệt quan tâm.


Sáng 1 tháng 2 năm 1973 (29 Tết Nguyên đán), tại sân bay Lộc Ninh, hàng ngàn nhân dân, cán bộ chiến sĩ ta với cờ hoa và biểu ngữ trong tay lưu luyến tiễn đồng chí Tư lệnh lực lượng vũ trang miền Nam vào làm việc tại Sài Gòn. Các sĩ quan và phi công Mỹ - ngụy làm nhiệm vụ đón đồng chí Tư Chi tỏ ra ngạc nhiên và bối rối trước sức mạnh và tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đối với Mặt trận Giải phóng, Chính phủ thân yêu của mình.


Sau gần 2 giờ bay, những chiếc trực thăng treo cờ bốn bên đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đại diện Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát (ICCS), đại diện các đoàn trong Ủy ban quân sự bốn bên cùng nhiều cán bộ của hai đoàn miền Bắc, miền Nam có mặt tại Sài Gòn ra đón đồng chí Tư Chi và các cộng sự của ông. Trong bộ quân phục giải phóng màu xanh ô liu, với nụ cười tươi tắn và tư thế của người chiến thắng, đồng chí Tư Chi lần lượt chào các quan khách, đồng đội và không quên giơ tay vẫy chào lại những người của phía bên kia đứng rất xa đang hướng về buổi đón tiếp đồng chí. Các tin tức, báo chí đã đưa tin đậm nét và đăng các hình ảnh người Tư lệnh lực lượng vũ trang của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trở lại Sài Gòn với cương vị và trọng trách mới. Thế là hôm nay mồng 1 tháng 2 năm 1973, đoàn miền Nam đã tập hợp đầy đủ lực lượng từ các hướng về: Hà Nội vào, ở "R" ra, ở Pa-ri về và còn có cả các đồng chí hoạt động ở nội thành Sài Gòn nữa. Trưởng đoàn Trần Văn Trà, các phó đoàn Bùi Thanh Khiết, Võ Đông Giang, Ba Trần, Bảy Sỹ quây quần bên cán bộ, chiến sĩ của mình chuẩn bị vui đón xuân mới và bước vào cuộc chiến đấu mới không kém phần khó khăn và phức tạp.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #18 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2022, 08:51:17 am »

Đón xuân mới với lương khô và nước lã

Theo Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, phái đoàn của chúng tôi được hưởng quy chế ngoại giao, được tự do đi lại mua bán lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác phục vụ cho công tác, sinh hoạt và được giao tiếp với đồng bào Sài Gòn thân yêu của mình. Thế nhưng Mỹ - ngụy đã "nhốt" chúng tôi vào Trại Đavít với dây thép gai và lính bao bọc xung quanh. Mọi thứ thiết yếu phải mua qua nhà thầu (cơ quan mật vụ trá hình) của chúng. Cán bộ của đoàn đi lại làm việc thì "quân cảnh" và "tuần cảnh" chặn đầu, khóa đuôi; chúng tôi rơi vào tình trạng bị giam lỏng.


Biết được tình trạng đó, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị đã chuẩn bị cho cả hai đoàn đầy đủ bánh chưng, giờ chả, các loại lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để hai đoàn ăn Tết cổ truyền đàng hoàng tại Sài Gòn. Số hàng này sẽ được chuyển vào Sài Gòn bằng chuyên bay liên lạc C130 thường lệ Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại như Hiệp định Pa-ri đã quy định.


Đúng dịp này, tại Davis camp số lính Mỹ phục vụ bỏ về với lý do "đã giao trách nhiệm cho chính quyền ông Thiệu". Phía ngụy Sài Gòn thì không đến. Đoàn chúng ta rơi vào tình trạng thiếu điện, thiếu nước, không lương thực, thực phẩm. Chúng tôi đấu tranh thì Mỹ đổ cho ngụy, ngụy đổ cho Mỹ - một chiến thuật "lúc giao thời". Dã tâm này càng bộc lộ rõ khi chuyến bay liên lạc C130 đến bầu trời Hà Nội, bay lượn vài vòng trên sân bay Gia Lâm rồi bay trở lại Sài Gòn với lý do không thể hạ cánh vì "thời tiết xấu". Số hàng tết Tổng cục Chính trị chuẩn bị cho hai đoàn phải nằm lại ở Hà Nội. Chúng tôi đành lấy lương khô thay bánh chưng xanh, lấy nước lã thay rượu để đón xuân mới. Lo bị thiếu lương thực lâu ngày, lương khô cũng phải ăn hạn chế.


Chưa hết, đêm 30 rạng mồng Một Tết cũng đúng ngày kỷ niệm thành lập Đảng (3-2-1973), phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa treo cờ Tổ quốc lên tháp nước để mừng Xuân, mừng Đảng. Mỹ - ngụy đã cho 4 trực thăng vũ trang quần đảo, chiếu đèn pha trên bầu trời của Trại Đavít, 6 xe bọc thép đến án ngữ trước cổng; tiếp đó 4 xe chở đầy quân, trang bị vũ khí đến tận răng đến vây quanh trụ sở của đoàn ta.


Địch dùng vũ khí, vật chất và tâm lý để lung lạc chúng tôi. Nhưng chúng đã nhầm. Chúng tôi đã bão hòa với các thủ đoạn nham hiểm này của chúng từ lâu rồi. Hành động của chúng càng làm cho cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận này thêm quyết tâm chiến đấu đến cùng cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Chủ nhật, mồng 4 tháng 2 năm 1973 - mồng Hai Tết, 4 trưởng đoàn của ủy ban Liên hợp quân sự bốn bên đến thăm 4 trưởng đoàn Ủy ban Quốc tế là Hung-ga-ri, Ba Lan, In-đô-nê-xi-a và Ca-na-đa (sau đó Ca-na-đa được thay bằng trận). Ngày 5 tháng 2 năm 1973 họp phiên đầu tiên của các trưởng phái đoàn quân sự bốn bên. Phía ta đã tố cáo mạnh mẽ thái độ và hành động của Mỹ - ngụy đối với hai đoàn ta trong mấy ngày qua. Địch chống chế và sau đó buộc phải từng bước đảm bảo cuộc sống và làm việc bình thường cho hai đoàn ta.


Chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài

Ngay từ những ngày đầu, ta đã thấy được thái độ và hành động lật lọng của Mỹ - ngụy đối với Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh một mất một còn này, kẻ địch có thể còn có những âm mưu thủ đoạn mới đối với phái đoàn ta. Điện, nước, lương thực, thực phẩm có thể bị cắt; chuyến bay liên lạc thường lệ Sài Gòn - Hà Nội và Sài Gòn - Lộc Ninh có thể bị đình chỉ. Điều kiện sống và làm việc của ta có thể gặp không ít khó khăn. Chúng tôi bắt đầu tích trữ lương thực, thực phẩm và bắt đầu đào giếng nước, trồng rau và cây ăn trái. Các loại giống từ Hà Nội vào, từ Lộc Ninh ra được gieo trồng khắp trụ sở của phái đoàn được phủ lên một màu xanh mát dịu. Các loại bầu, bí, mướp, rau muống, su su, bắp cải, xu hào, các loại rau thơm... mọc lên như nấm. Đôi lúc anh em chúng tôi còn chuyển sang cho một số gia đình thuộc "khu gia binh" ngụy sống sát hàng rào của phái đoàn, họ đón nhận với lòng khâm phục. Chúng tôi còn trồng cả cây ăn quả như sầu riêng, roi, xoài... dọc theo lối đi trong cơ quan. Sau 2 năm, nhiều cây đã có trái. Lúc này, nếu ai mới vào đây, khó có thể cho rằng đó là một trại lính Mỹ vốn quen với lối sống Mỹ. Davis camp thực sự trở thành một doanh trại của quân đội ta, thể hiện rõ lối sống tự túc tự cường, tự cấp, tự túc.


Nực cười nhất là chuyện đào giếng nước. Chúng tôi tiến hành đào giếng ở giữa khu nhà ở. Địch phát hiện ra và tố cáo rùm beng là "Việt cộng" đang tiến hành đào "địa đạo" hướng về trung tâm Sài Gòn. Lập tức các máy đào, xúc được điều đến để đào giao thông hào quanh trụ sở phái đoàn nhằm ngăn "địa đạo" vượt ra khỏi khu Davis camp. Ta đã mời đại diện của phái đoàn ngụy đến thị sát và nói với họ rằng do bị giam lỏng, chúng tôi phải đào giếng nước để dùng vào việc tưới rau, tưới cây nhằm thư giãn sau ngày làm việc căng thẳng. Chiến dịch vu cáo ta dần dần lắng đi.


Đấu tranh đòi Mỹ - ngụy trao trả hết tù chính trị

Đi đôi với việc kiểm tra Mỹ rút quân, đấu tranh đòi phía ngụy chấm dứt chiến sự, chấm dứt lấn chiếm vùng giải phóng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các đoàn của ta ở Davis camp đã tập trung phần lớn thời gian và công sức vào việc nhanh chóng đón đồng chí, đón đội của chúng tôi trở về từ các nhà tù khủng khiếp của Mỹ - ngụy.


Tôi được cử tham gia nhóm bốn bên nghiên cứu xác định vị trí trao trả từ Lộc Ninh đến Quảng Trị và thăm nơi giam giữ cuối cùng ở một số nhà tù trong đó có nhà tù ở đảo Phú Quốc. Trái với Hiệp định Pa-ri, khi đến các nhà tù, hầu như Mỹ - ngụy không cho đại diện của đoàn ta thăm nơi giam giữ cũng như điều kiện sinh hoạt của tù nhân. Họ chỉ tập trung một số anh chị em vào một chỗ rồi để cho chúng tôi gặp. Ở Phú Quốc, chúng tập trung anh em tại sân bay rồi đưa chúng tôi đến. Chúng tôi đã kịch liệt phản đôi thái độ thiếu thiện chí của phía bên kia. Mỹ - ngụy rất sợ dư luận tố cáo tội ác của chúng đối với tù binh và tù chính trị của ta. Vào thời điểm này, chúng đã tiến hành thuyên chuyển tù nhân từ nơi này đến nơi khác. Chuyển tù chính trị thành tù thường phạm, không cung cấp đầy đủ danh sách để trao trả cho ta. Nhưng chúng đâu có biết ta đã có đầy đủ danh sách do chính chúng lập ra và được lưu trữ tại các nhà tù của chúng, kể cả ở Côn Đảo. Ta đã vạch mặt chúng tại Hội nghị bốn bên ở Sài Gòn và qua các phương tiện thông tin đại chúng, buộc chúng phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri về Việt Nam trong vấn đề trao trả người bị bắt. Từ Davis camp, tờ mờ sáng chúng tôi ra đi, tối mịt hoặc nửa đêm chúng tôi mới lại trở về. Mỗi ngày được tin địch trao trả thêm được nhiều đồng chí, đồng đội là mỗi ngày chúng tôi vui mừng khôn xiết.


Chuẩn bị cho cuộc quyết chiến giải phóng Sài Gòn - Gia Định

Khi chiến dịch lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu, vòng vây Sài Gòn ngày một khép lại, Đảng ủy và chỉ huy của đoàn đã có nghị quyết lãnh đạo và phương án tác chiến để phối hợp với các lực lượng từ ngoài đánh vào và từ nội thành đánh ra. Trưởng phái đoàn hai bên, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, đã đến từng chi bộ, từng tổ đảng động viên cán bộ, chiến sĩ hạ quyết tâm "sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc". Chúng tôi biết chắc rằng, để giải phóng Sài Gòn phải khống chế được sân bay Tân Sơn Nhất. Điều đó có nghĩa là trụ sở của phái đoàn hoàn toàn nằm trong tầm pháo của ta. Địch để đoàn ta ở đây cũng chính là để bảo vệ sân bay khỏi bị ta pháo kích. Được biết, lãnh đạo của đoàn đã báo cáo với cấp trên các phương án bảo vệ và tác chiến của đoàn khi giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn sẽ đến. Từ khi giải phóng Buôn Ma Thuột, hầu như cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn tập trung toàn bộ thời gian và sức lực vào việc đào địa đạo. Bằng xoong nồi, cọc màn sắt và các dụng cụ tự tạo khác chúng tôi đã đưa được địa đạo Củ Chi vào Trại Đavít mà phía địch không hề biết gì. Hệ thống hầm ngầm này đã nối các nhà lại với nhau và nốỉ với hầm chỉ huy của các đồng chí Hoàng Anh Tuấn và Võ Đông Giang. Bằng số vũ khí được bí mật chuyển từ Lộc Ninh ra, lãnh đạo đã phổ biến phương án tác chiến cho cán bộ và chiến sĩ trong trường hợp Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho bộ binh và xe tăng tiến vào tiêu diệt phái đoàn. Phương án tiêu diệt phái đoàn đã có và chỉ có Thiệu mới có quyền ra lệnh. Tuy nhiên, trước sự tấn công như vũ bão của chủ lực lượng vũ trang ta, Thiệu đã nhanh chóng cao chạy xa bay, không còn kịp thực hiện dã tâm của hắn. Suốt ngày, đêm 29 và sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 đạn pháo các loại của ta cấp tập gầm rú trên bầu trời và sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn, tạo điều kiện rất thuận lợi cho các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn, chọc thẳng vào Dinh Độc Lập trước sự reo hò của cả triệu đồng bào Sài Gòn - Gia Định.

T.H
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #19 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2022, 08:54:00 am »

CHUYỆN Ở R


CÔNG VIỄN


Là khu căn cứ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền. Đó là khu rừng rộng mênh mông, chạy dọc dài biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia thuộc hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước bây giờ. Chuyện ở R có thể kể cả ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác cũng không hết. Chỉ riêng mẩu chuyện về sự ra đời của "Suối tiên cô" vào tháng năm nào, các "Nàng tiên" xuống tắm ra sao mà anh Tư Nhị - phó ban căn cứ tỉnh Phước Long rủ rỉ kể cũng phải một tháng tròn. Có thể nói không ngoa rằng, đây là những pho huyền thoại, ai có tài viết, nói sẽ trở thành những "Ngàn lẻ một đêm" của Việt Nam mình. Nhưng đấy là việc của các nhà văn. Còn ở đây, tôi chỉ xin kể hai chuyện ở Phòng Chính trị Cục Tham mưu Miền chúng tôi.


Chuyện thứ nhất: Anh Sáu Chí là Phó ban Tuyên huấn chúng tôi, dân tộc Khơ-me, người Trà Vinh. Đi tập kết, anh em dạy cho dăm chữ rồi trở về R từ năm sáu hai (1962). Trước đó hai năm - năm 1960, có một em bé gái, cũng người Khơ-me tên là Tư Vệ, chừng mười hai tuổi, mới được đưa từ Trà Vinh lên R. Mấy chú ở R hỏi:

 Ở dưới quê, cháu thương nhứt ai? Ghét nhứt ai?

Hỏi để biết cháu có ghét ba thằng lính Diệm hông. Chẳng dè, cháu biểu:

- Cháu thương nhứt mấy anh Giải phóng, ghét nhứt ba thằng Việt cộng!

Chui cha! Mấy chú ớ ra. Mãi sau, một chú mới hỏi tiếp:

- Tại sao cháu thương Giải phóng mà ghét Việt cộng?

- Vì Giải phóng dạy cháu múa, cháu ca. Còn Việt cộng dữ lắm, nó có lông, có đuôi, ăn thịt con nít, nhai xương ngâu ngấu.

- Vậy cháu đã coi được Việt cộng lần nào chưa?

- Rồi. Cháu được coi trong máy chớp hình.

Thế mới biết khoa tâm lý chiến của thằng ngụy "siêu sao" thật. Ấy vậy mà, sáu năm sau - năm 1966 - em lại thương, rồi thành vợ một Việt cộng chính tông là anh Sáu Chí ở ban tôi. Bốn năm sau, năm bảy mươi (1970), trên điều anh Tư Được từ Phòng Quân lực Miền về làm Trưởng phòng Chính trị chúng tôi. Anh Tư, người Bến Tre, thuộc lớp người học trường Tây Sài Gòn trước ngày Nam Bộ kháng chiến nên câu văn của anh rất khúc chiết. Anh có phong cách duyệt báo cáo rất là điệu nghệ. Báo cáo chẳng những phải cụ thể, hướng chỉ đạo phải mang tầm chiến lược, có sức thuyết phục cao mà câu cú phải gọn, chấm phẩy phải đúng chỗ. Ở Phòng Chính trị chúng tôi anh nào lên gặp thủ trưởng để duyệt cũng hãi. Hầu hết đều phải viết đi viết lại nhiều lần, như anh Thân Nam Chinh - Phó ban Tổ chức có lần phải viết lại năm lần. Ấy vậy mà anh Sáu tôi chẳng sợ chút nào. Thủ trưởng trả về bắt viết lại, anh lại viết y như cũ. Mọi người lên thủ trưởng duyệt báo cáo đều chăm chú nhìn vào mắt thủ trưởng. Qua đó mà đoán được ý thủ trưởng thế nào. Còn anh Sáu tôi lại không làm như vậy. Lần nào anh cũng quay sườn mình vào mắt thủ trưởng và bật bật thuốc rê liên hồi, phả khói trùm lên như làn sương sớm. Trước cảnh ấy và trước báo cáo viết y như cũ, anh Tư mủm mỉm cười rồi hỏi:

- Anh viết báo cáo như vầy, vậy khi nào anh phẩy, khi nào anh chấm?

Anh Sáu tôi chả có dạ vâng, thưa gửi chi cả, anh nói phứa:

- Thì cứ mỏi tay tôi phẩy, buồn ngủ tôi chấm!

Chà chà! Anh Tư cười khì khì rồi buông câu:

- Vậy tôi chịu anh rồi!

Không chịu cũng không được. Mà tội nghiệp cho anh Sáu tôi. Hồi nhỏ đi ở đợ cho ông Hội đồng, cực quá chịu không nổi mới trốn đi theo bộ đội Trà Vinh làm liên lạc từ lúc còn ở trần. Ngày tập kết ra Bắc, anh em dạy cho biết đọc biết viết là trở lại chiến trường, cùng đồng đội đánh đổ hết Diệm đến Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Phan Khắc Sửu và bây giờ là Nguyễn Văn Thiệu cùng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Ních-Xơn chứ có được vào trường sở nào đâu mà biết thế nào là "phẩy", thế nào là "chấm".


Chuyện anh Sáu tôi cũng chưa tức cười bằng chuyện "Ba ông vua dóc", ở khu căn cứ hàng chục năm trời, một cánh thư cũng không hề có nên tự nhiên hình thành nhu cầu về cái gì đó để mong để đợi. Một trong những cái để mong đợi đó là kết quả của một "chuyện dóc". Người đầu têu ra những chuyện dóc ấy là anh Tám Triêm - Trợ lý ban Tổ chức rồi đến anh Năm Dinh - Trợ lý ban Cán bộ và anh Bảy Tích - Phó ban Bảo vệ. Anh Tám và anh Năm đang cư trú tại cư xá Bắc Hải, quận 10 thành phố mang tên Bác, anh Bảy ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ba anh quy ước với nhau và tụi lính trẻ chúng tôi rằng, cứ mỗi lần một anh nói dóc mà một anh tin thì các tin ấy phải cống cho hai anh kia và chúng tôi một lạng thuốc rê, một gói chè "con cọp". Thế là đêm đó vừa hút thuốc và uống trà vừa cười hơ hớ với nhau ở lán anh bị lừa hoặc dưới hầm tránh B52 của ban ấy để rồi lại mong kết quả của một "chuyện dóc" khác.


Trong ba anh, chỉ có anh Tám Triêm là tài dóc nhất nên được chúng tôi phong cho danh hiệu là "ông vua dóc". Cũng do vậy mà cả Phòng Chính trị đều kêu anh "Tám dóc". Tôi cũng xin lược qua vài chuyện của các anh.


Tháng tám năm bảy mươi (1970), sau trận càn Móc Câu - Mỏ Vịt, tụi địch bao vây khắp các ngả đường vào căn cứ. Anh em tiếp phẩm chúng tôi không sao xuống khẩu được nên ở căng tin của phòng do tay San phụ trách, một sợi thuốc rê cũng không còn. (Hiện nay San ở làng Đông Cao, xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Anh Tám, anh Bảy và anh Năm lại là những tay nghiền thuốc nặng. Không có thuốc, đến con ruồi đậu mép, các anh cũng không thèm đuổi. Đói thuốc, anh nào cũng bần thần, gặp nhau mặt cứ ỉu xìu. Cũng vào các chiều mưa dầm dề ấy, anh Tư Được kêu anh Tám Triêm lên duyệt báo cáo. Anh Tám chạy lắp xắp dưới mưa qua lán anh Bảy Tích, anh Bảy thương tình mới đánh câu:

- Ê! Tám dóc, đâu đó?

Thế là dịp may hiếm có, một ý "dóc" bật ra trong đầu anh Tám. Anh không chạy theo đường vào nhà thủ trưởng nữa mà rẽ sang lối vào căng tin. Anh chạy vội vàng hơn, lẹ hơn và ném lại câu:

- Dóc dách cái gì. Tiếp phẩm mới về, kiếm lạng rê!

Anh Bảy tưởng thật, quờ vội áo mưa rồi ba chân bốn cẳng chạy theo. Anh Tám nháy tay San rồi nấp vào một góc. Tay San nháy lại, ý chừng hiểu được "bẫy" của anh Tám nên cứ để mặc anh Bảy vào. Anh Bảy vừa giũ áo mưa vừa bảo tay San:

- Để tao lạng rê!

Thế là anh Tám nhảy ra, chỉ vào anh Bảy mà rằng:

- Một không rồi nhá?

Có tay San làm chứng, anh Bảy cứ đà ra, không ngờ bị "Tám dóc" chơi cho cú đau quá xá. Thế là ngay chiều hôm ấy, anh Bảy phải mò sang tỉnh đội Phước Long, vật đầu vật óc với anh Tự Nhị, anh Tư Nhị thương tình cho không một lạng rê và gói chè "con cọp" về nộp phạt. Đêm đó chúng tôi được bữa thuốc no nê.


Đã mấy năm anh Bảy "gài bẫy" mà anh Tám đều tránh được. Cho mãi đến bốn năm sau, năm 1974, vào dịp đêm 30 Tết, chúng tôi cùng anh Bảy đang ngồi đánh "tiến lên" thì anh Tám hổn hển chạy về, anh muốn thở đứt hơi, bảo:

- Tao mới hạ thủ được một con nai, chúng bay xếp bài lại, theo tao đi khênh về ăn Tết!

Chúng tôi quơ bài cho vào túi cóc rồi chặt đòn, rút dây võng theo anh. Vừa tắt qua lộ 17, con đường đi vào khu căn cứ Tà Thiếc bây giờ, suýt vấp phải một chú nai, dễ bằng một con trâu mộng nằm chềnh ềnh ra đó, cưỡi lên lưng nai, vỗ bồm bộp vào bụng nó. Tay San lại còn dùng hai tay nắm bờm, hai chân huých huých vào bụng nai, hô "Chạy! Chạy! Chạy". Chúng tôi cười chảy nước mắt mũi. Anh Tám khoái lắm, anh móc gói thuốc rê cho chúng tôi và anh Bảy, mỗi người cuộn một điếu. Chuyện hả hê, anh Bảy giơ tay xem đồng hồ, tủm tỉm cười rồi bảo:

- Chui cha! sắp giao thừa rồi. Anh Tám về tắm giặt cho kịp, để tụi tôi ở đây khênh nai về.

Anh Tám đi rồi, anh Bảy ném cho chúng tôi gói rô-bi và bảo vào quần Quân bưu thuốc nước cho no nê để khênh nai một mạch về cứ. Đi được nửa đường, tôi cứ thấy điều gì qua cái cười của anh Bảy nên lùi lại nấp vào một gốc cây. Anh Bảy rút con dao găm vẫn đeo ở cạnh sườn ra gại gại xuống một phiến đá rồi khoét một mắt nai. Cũng không rõ anh khoét để làm gì nên tôi cũng không nói cho ai hay.


Sáng hôm sau, mồng Một Tết năm Ất Mão (1975), cả Phòng Chính trị chúng tôi đều ùa ra bãi đặt nai. Ai cũng trầm trồ khen tài anh Tám. Chỉ có một viên AK trúng vào tim nai mà anh hạ thủ được nó. Con nai đực, nung núc những thịt là thịt. Xem chừng anh Tám khoái lắm, miệng anh cười, mắt sáng bừng lên đáp lại sự chia vui của mọi người. Thế là Tết At Mão - ăn thịt nai trên đường ra trận... Kỷ niệm nhớ đời của người lính chúng tôi.


Dăm ngày sau, phòng tôi được chia làm ba ngả. Một đi theo các binh đoàn từ đường 14 tiến ra Đồng Xoài xuống Lái Thiêu để hai cánh quân này hợp nhau tại ngã ba Bình Dương rồi tiến vào giải phóng Sài Gòn mà trước đó dăm năm, trong ca khúc "Lá đỏ" của Hoàng Hiệp và Nguyễn Đình Thi đã có câu: "Hẹn gặp nhé! Giữa Sài Gòn/ Hẹn gặp nhé! Giữa Sài Gòn". Quả thực, câu ấy cho đến bây giờ vẫn như trong mơ, nên nhạc sĩ Xuân Hồng mới chớp được khoảnh khắc thiêng liêng ấy để có câu: "Người đi... như trong đêm mơ! Tuổi lớn rồi mà như ngây thơ/Ôi ta đi, đi giữa rừng hoa/ Hay đi, đi giữa rừng cờ!)".


Vâng. Rừng hoa và rừng cờ ấy đã làm nên bản anh hùng ca - bản anh hùng ca của 29 năm có lẻ, bản anh hùng ca của trên vạn ngày nằm nơi rừng sâu núi thẳm của chúng tôi.

C.V
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM