Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:17:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những người sống và những người chết  (Đọc 17382 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #120 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2019, 06:14:22 am »

Anh liền quyết định chạy đến chỗ quân ta càng nhanh cáng tốt để lấy một người giúp sức, rồi sẽ cùng quay trở lại đón Xintxốp.

Sau khi nhét giấy tờ của Xintxốp vào túi áo bằng những ngón tay run lẩy bẩy, anh lưỡng lự một giây rồi cầm lấy ống tay tấm áo quân phục đã rách nát, dứt khuy mà kéo ra khỏi người Xintxốp.

Tuy anh quyết định sẽ quay trớ lại đón Xintxốp nếu gặp được quân ta, nhưng anh tính rằng cuộc gặp gỡ đó cũng có thể không xảy ra, do đó anh không muốn để quân phát xít thấy tấm áo quân phục mà nhận ra chính trị viên và sẽ làm nhục anh, dù là khi anh còn sống hay đã chết.

Chạy được một lúc, Dôlôtarép quẳng chiếc áo vào đám cành lá rậm rạp của một cây thông nhỏ, và chạy được hai trăm bước nữa thì anh bắt gặp bốn chiến sĩ hồng quân đang vọt tiến, kéo cả khẩu «Mácxim» theo sau. Ba người trong số đó mặc quân phục lính xe tăng, còn người thứ tư thì chính là trung úy Khôrưsép bằng xương bằng thịt hẳn hoi, với món tóc bạch kim lòi ra dưới chiếc mũ calô đội lệch.

Dôlôtarép bắt gặp trung đội trưởng của mình đúng vào giây phút mà anh ta, sau khi vọt tiến, đang phục xuống đằng sau khẩu súng máy. Anh ta là người đầu tiên trông thấy Dôlôtarép đâm bổ về phía mình, và mỉm cười, không tỏ vẻ ngạc nhiên gì cả, tựa hồ như chính mình đang đợi người chiến sĩ này, anh kêu to:

—Thế là Dôlôtarép đã hiện ra đây rồi, từ trên trời rơi xuống hả! Có đạn không?

— Có.

—Thế thì nằm xuống, bắn đi! Bọn «phritx» sắp thò mặt ra bây giờ đấy.

Còn có mấy chiến sĩ nữa mặc quân phục lính xe tăng và quân phục lính bộ binh chạy ngang qua họ và nằm xuống giữa những gốc cây. Ai nấy đều nhớn nhác ngoái nhìn lại đằng sau, phía rừng rậm nơi mà Khôrưsép đã quay mũi súng chĩa vào đó.

Không nhìn Dôlôtarép, anh hỏi:

— Một mình à?

— Cùng với Xintxốp.

— Thế chính trị viên đâu rồi?

— Anh ấy bị thương nặng. Nằm ngay gần đây thôi. Anh cho tôi một người. Chúng tôi sẽ cõng anh ấy về!

—Thế cậu để anh ấy lại chỗ nào?..

Dôlôtarép giơ tay trỏ áng chừng về phía mà, theo anh, anh đã để Xintxốp nằm lại đó.

— Anh ấy bị thương vào đầu?—chắc là Khôrưsép đang thầm tính xem nên mang chính trị viên ra bằng cách nào thì tốt hơn. nên đã hỏi Dôlôtarép như vậy, nhưng đang nói nửa chừng thì anh đã phải dán mình xuống đất: những tràng tiểu liên đã quạt vào đám cành cây trên đầu họ, khiến những chiếc lá úa rơi lả tả. — Chúng mày quạt chúng ông thì chúng ông lia lại chúng mày! — Khôrưsép chửi rủa, hét lên như vậy, rồi lia ngay một băng đầu tiên trước khi Dôlôtarép trông thấy mục tiêu mà Khôrưsép bắn vào.

Sau đó, Dôlôtarép cũng đã trông thấy bọn Đức đang luồn qua các gốc cây để vọt tiến.

Khẩu súng máy của Khôrưsép vừa lên tiếng thì cạnh đó một khẩu trung liên cũng cất tiếng và xa hơn về phía bên phải là một khẩu đại liên.

Còn các loạt đạn tiểu liên Đức vẫn quạt vào đám cành cây trên đầu.

Dôlôtarép đã mấy lần kịp thời nổ súng vào bọn Đức đang vọt tiến. Sau đó thấy bọn chúng nằm rạp cả xuống.

Khôrưsép liền ra hiệu vọt tiến. Họ vọt tiến lên chừng một trăm thước rồi lại chiếm lĩnh vị trí.

Nhưng quân Đức cũng không hề chờ đợi: những quả đạn súng cối hạng nhẹ của chúng đã bắt đầu nổ giữa các gốc cây nhưng bóng lính Đức đang vợt tiến lại đã thấy hiện ra ở đằng trước

Khẩu súng máy của Khôrưsép và những khẩu khác ở bên phủi anh lại nhả đạn, ép chặt quân Đức xuống đất, và các anh lại thay đổi vị trí.

— Làm thế nào bây giờ?—Dôlôtarép bò lại gần Khônrsép hỏi. — Cho tôi một chiến sĩ để tôi đi tìm, đem chính trị viên về...

— Cậu đi đâu được bây giờ? —Khôrưsép ngắt lời,— Ngốc hết sức. Nào, cậu định đi đâu, chỉ xem nào, đi vào chỗ nào?

Dôlôtarép cũng đành đưa tay chỉ vu vơ, nhưng bản thân cũng đã thấy được rằng bây giờ do diễn biến của trận đánh, quân Đức đã nằm chắn ngang giữa mình với nơi mình định đến để tìm Xintxốp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #121 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2019, 06:14:48 am »

— Đáng lẽ phải cõng đi ngay lúc ấy, chứ bây giờ còn làm thế nào được nữa! — Khôrưsép giận dữ nói.

— Thì tôi đi một mình vậy! — Dôlôtarép nói.

— Đừng có đâm đầu vào thòng lọng! Kìa, nổ súng đi! Thấy không, bọn «phritx» đang tiến kia!

Quả là bọn Đức lại đang len lỏi chạy giữa những gốc cây, và lần này chúng đã tiến lại gần hơn trước. Mặc dầu tuyệt vọng trong lòng, nhưng vẫn tỏ ra cố gắng và thành thạo như khi làm bất cứ việc gì trong đời lính, Dôlôtarép bắt đầu nổ súng vào những bóng màu xanh lục đang vọt tiến phía trước mặt mình.

Trung úy Khôrưsép cùng mười chiến sĩ của mình và mười chiến sĩ xe tăng, trong một khu vực nhỏ hẹp đêm ấy, vẻn vẹn chỉ có thể mà yểm hộ cả một bên sườn cho lữ đoàn xe tăng của Klimôvíts chọc thủng hậu tuyến quân Đức.

Về phần mình, lữ đoàn Klimôvíts cũng chỉ là một trong những đơn vị thuộc mặt trận phía tây, sau khi đi qua hậu tuyến của quân Đức vẫn tiếp tục chiến đấu, vừa rải xác quân mình và xác quân địch trong các khu rừng vùng lân cận Maxcơva, vừa công phá vành đai quân Đức suốt đêm hôm ấy, suốt ngày hôm sau và cả một nữa đêm sau nữa, bị mất tới nữa quân số, nhưng dù sao vẫn đột phá ra được khỏi vòng vây.

Họ lập nên chiến công thần kỳ đó bằng hỏa lực ít, máu nhiều. nhưng sau khi đã phá vây, họ vẫn không hề được nghỉ ngơi và bổ sung thêm, mà vẫn phải ở lại nguyên tại chỗ.

Hỏa tuyến vẫn mỗi lúc một nhích lại gần Maxcơva, và trong những ngày ấy, tiền duyên của quân ta chốc chốc lại vỡ ra trước những đòn công kích của quân Đức. Người ta đã lấp ngay một trong những lỗ hổng đó bằng những đơn vị vừa ra khỏi vòng vây, sau khi đã tiếp tế lương thực, lựu đạn và đạn súng bộ binh cho họ.

Ngay tối hôm ra khỏi vòng vây, những chiến sĩ đó đã lại phải chiến đấu, nhưng bây giờ mặt trận của họ không quay về hướng đông mà quay về hướng tây, Maxcơva không ở đằng trước họ nữa mà ở đằng sau họ, và họ đã có một ít pháo binh cùng các bạn láng giềng bên phải và bên trái. Và mặc dầu đã mệt mỏi quá mọi sức chịu đựng của con người, họ vẫn vui mừng về việc đó.

Nhưng Dôlôtarép vẫn cảm thấy mình là một con người bất hạnh, và mặc dầu anh chỉ là một con người bé nhỏ, một binh nhì không hơn không kém, ngay buổi sáng hôm thứ hai sau khi ra khỏi vòng vây, anh đã chứng minh được cho mọi người thấy rằng anh cần phải được gặp lữ đoàn trưởng xe tăng, trung tá Klimôvíts.

Nhờ một sự tình cờ hoàn toàn, Klimôvíts vừa thoát chết trong một trận pháo kích dầy đặc của địch. Anh mới từ đài quan sát trở về chí huy sở và đang đứng bên một ngôi trường làng đã bị đạn đại bác hủy hoại. Anh bỏ mũ, giơ cái đầu nhẵn nhụi ra hứng lấy những giọt mưa thu đang đều đặn rơi xuống, như người ta gội đầu dưới cái hương sen, trông thật khoan khoái.

— Cứ mưa thế này cho một tuần là thấy nhau ngay, đường sá sẽ ngập hết, hai bên đều vất vả nhưng bọn Đức vẫn sẽ gay hơn, — anh vừa nói với một đại úy xe tăng đứng cạnh mình, vừa liếc mắt nhìn Dôlôtarép mới bước tới.

— Gì thế đồng chí?

Dôlôtarép báo cáo đầu đuôi sự việc. Anh thấy rõ là lữ đoàn trưởng không có thời giờ nói chuyện với mình lâu, nhưng Klimôvíts đã nghe anh nói mà không tỏ vẻ sốt ruột gì. Trung tá chỉ ngắt lời một lần, khi Dôlôtarép nói rằng mình có nghe chính trị viên bảo là đồng chí ấy có quen biết đồng chí trung tá.

— Chuyện quen biết thì không dáng kế! — Klimóvíts cắt ngang. — Ngày nào chúng ta cũng bỏ mình cho cả những người quen và không quen, có phân biệt gì đâu! Trong chiến tranh thì quen với biết mà làm gì?!

Và giọng nói của anh đượm nỗi chua xót của một người đã chính mắt mình trông thấy biết bao con người tốt chết đi, đến nỗi không phải do dửng dưng mà là vì lòng công bằng anh đã không thể thương tiếc một người nào nhiều hơn tất cả mọi người khác được.

Khi Dôlôtarép nói xong và móc giấy tờ của Xintxốp ở trong áo quân phục ra, anh có nói thêm, nhưng cũng chí vẻn vẹn mấy câu thôi.

— Sao, cậu đã không quay lại tìm anh ấy nên bây giờ lương tâm cắn rứt lắm hả?

— Vâng.

— Thế cậu, khi đi, tưởng là sẽ quay trở về được đấy hả?

— Vâng.

— Thế thì chẳng có gì phải tự trách mình cả đâu. Mình muốn làm cho thật tốt, nhưng sự việc lại xảy ra theo mệnh lệnh của chiến tranh kia! Có nhiều trường hợp cả ông trời cũng chẳng đoán ra nữa! — Ngay phút đó, Klimôvíts sực nhớ rắng nếu chính mình không quyết định làm thế nào cho tốt hơn, không để cho gia đình đi từ Xlônin đến Xlútxk bằng xe ôtô thì họ đã không bị chết trong trận ném bom đó, mà nếu cứ để sáu giờ sau mới ra đi bằng xe lửa thì họ lại vẫn còn sống sót như nhiều gia đình khác.

— Đưa đây!

Anh cầm mọi giấy tờ của Xintxốp từ tay Dôlôtarép trao cho người đại úy đứng cạnh mà báo:

— Ivanốp, cậu cất vào chỗ các giấy tờ của chúng ta ấy.

Anh không nói rõ ý của mình. Nhưng cả hai người đều hiểu rõ: giấy tờ của tất cả những người đã bỏ mình trong chiến đấu đều lần lượt được xếp vào một chiếc hòm sắt như táng vào một nấm mồ chung, và chiếc hòm sắt ấy đã đi theo họ trong suốt thời gian vượt vòng vây...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #122 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2019, 06:02:55 am »

CHƯƠNG MƯỜI

Xintxốp không biết là mình đã nằm ngất đi trong bao lâu trong năm phút hay một giờ, nhưng cảm giác đầu tiên mà anh thấy sau khi hồi tỉnh là sự yên tĩnh.

Anh ngẩng đầu rồi chống tay ngồi dậy, đưa lòng bàn tay quệt lớp máu đã dính kín hai mắt. Sau đó, anh đưa mắt nhìn quanh. Xung quanh chẳng có một ai.

— Dôlôtarép!— Anh cất tiếng gọi yếu ớt, và lần thứ hai anh gọi to hơn: — Dôlôtarép!

Anh tưởng Dôlôtarép đã hy sinh, nên chỉ đành đưa mắt để tìm kiếm. Nhưng khắp bốn xung quanh đều không thấy Dôlôtarép đâu cả, dù là còn sống hay đã chết.

Xintxốp sờ lên đầu. Khắp mái đầu toàn là máu, nhưng anh chỉ thấy đau một bên đầu ở phía trên thái dương. Anh để cho ngón tay móc phải lớp da toạc và bỗng rú lên. Một dòng máu lại trào xuống trán.

Anh cất mình đứng dậy, Anh không hiểu tại sao trong người thấy ớn lạnh, nhưng anh cảm thấy mình chưa đến nỗi yếu lắm và còn có thể đi được. Theo bản năng, anh áp lòng bàn tay vào ngực và hoảng sợ buông ngay tay xuống. Thoạt tiên anh trông thấy hai vết máu trên chiếc sơ mi lót và sau đó mới hiểu ra rằng trên người mình không còn có áo quân phục nữa.

Anh không tài nào suy đoán nổi những việc đã xẩy ra trong thực tế. Anh nghĩ khác, tưởng là trong lúc hôn mê mình đã cởi áo quân phục ra và nhét nó vào đâu đó cùng với giấy tờ. Anh đã từng suy tính nhiều lần rằng trong trường hợp không tránh khỏi chết thì phải kịp xé nát hoặc cất giấu giấy tờ đi. Có lẽ anh đã làm việc ấy trong lúc mê man.

Anh ngồi phịch xuống đất, bắt đầu lục lọi khắp xung quanh và trông thấy những vết đen kéo thành một vệt dài trên cỏ úa. Đó là máu của anh. Anh vừa ngồi lê dưới đất, vừa lấy tay vạch những bụi cây nhỏ mọc xung quanh, lần mò ngược trở lại theo vết máu của chính mình. Nhưng trong các bụi cây không thấy có áo quân phục, cũng chẳng thấy những giấy tờ mình đã quẳng đi, tóm lại là không tìm thấy gì cả.

Cuối cùng, anh lần được đến cây thông và nhận ra nó ngay, chính là anh đã ngã xuống chỗ này khi quả đạn nổ, không còn hồ nghi gì nữa cả.

Đúng là chỗ ấy đây rồi! Có cả một vết máu to đã thấm xuống đất. Anh lại áp tay lên ngực tựa hồ như chỉ tại mình có cảm tưởng là mình mặc áo sơ mi lót. Nhưng không có áo quân phục thật.

«Có lẽ, đây là Dôlôtarép tưởng mình chết rồi, nên lột áo mình ra... » — lần đầu tiên Xintxốp nghi nghi hoặc hoặc nghĩ thầm như vậy.

Xa xa, nghe có những tiếng vang của một trận đánh. Ở đó, súng vẫn đang nổ. Ta phải đến đó! Anh lại lắng tai nghe ngóng, lảo đảo đứng thẳng lên và trông thấy hai tên Đức đang đi về phía mình. Một tên cầm súng trường ở cách anh chừng ba chục bước, còn tên kia thì đã tới gần sát, chĩa khẩu tiểu liên vào anh:

— Hantơ(1)!

Xintxốp trông thấy cái miệng điên cuồng há hoác đến tận mang tai của tên Đức đang sẵn sàng xả đạn vào bụng anh. Anh thản nhiên nghĩ tới khẩu súng lục nằm trong túi quần đã hết đạn từ lâu và giơ tay lên, cảm thấy rằng nếu chúng cứ bắt mình đứng như thế hồi lâu thì mình sẽ quay lơ ra mất.

Từ lúc Xintxốp bị thương ngất đi cho tới lúc ấy đã được hơn một giờ, và quân Đức đã càn quét khu rừng này một cách có hệ thống, sau khi trận đánh lan ra đến đây rồi chuyển về phía đông.

Tên Đức cầm khẩu súng trường cùng những tên Đức khác ở phía xa hơn tiếp tục tiến qua rừng, còn tên cầm tiểu liên lấy mũi súng chỉ đường rồi dẫn Xintxốp quay lại phía mà sáng nay anh đã cùng Dôlôtarép từ đó đi ra.

Xintxốp đi từ từ, mặc cho tên Đức cứ bực mình quát tháo và thậm chí một lần đã lấy tiểu liên thúc nhẹ vào ngang thắt lưng anh.

Xintxốp đã đỡ chóng mặt và có thể đi nhanh hơn, nhưng anh không đi nhanh, vì cóc sợ gì tên Đức đang đi đằng sau mình cả.

«Kệ cha nó, cứ cho nó bắn đi», —anh vừa thản nhiên nghĩ thầm vừa lắng nghe tiếng súng nổ đang xa dần.

Tên Đức cầm tiểu liên dẫn Xintxốp tới toán tù binh ngồi ở cửa rừng, rồi vừa nói gì với hai tên Đức đã luống tuổi đang cầm súng trường đứng gác, vừa trỏ vào anh. Một tên rút cuốn sổ ra, thoạt tiên ghi dấu chữ thập, sau đó hi hoáy viết những gì dấy, có lẽ là họ tên của thằng Đức đã dẫn Xintxốp đến, và thằng này còn ngoái nhìn lại một lần nữa rồi mới quay đi. Tên Đức già cầm sổ nhìn vào đầu đẫm máu của Xintxốp mà nói:

— Dêtx đikh(2)!

Xintxốp ngồi xuống cạnh bốn tù binh khác: một người bi thương ở tay, một người quấn băng ở cổ, một ngươi nữa luôn luôn nhổ ra máu, anh ta bị rách má và mồm.


(1) Đứng lại!
(2) Ngồi xuống.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #123 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2019, 06:05:03 am »

Xintxốp nom nét mặt người chiến sĩ bị thương ở tay có vẻ quen quen, thế mà đủng thật.

— Đồng chí chính trị viên, — người chiến sĩ đó nhích tại gần anh thì thầm, — té ra lại phải gặp nhau ở chốn này. May mà đồng chí đã kịp cởi bỏ áo quân phục!

—Tôi cũng chả nhớ cởi ra lúc nào.

— Có sao, cởi được ra là tốt rồi, — người chiến sĩ vẫn thì thầm với cái giọng thông cảm ấy. —Tội gì để chúng xử bắn mình một cách vô ích!

Về sau đã nhiều lần Xintxốp còn phải nhớ lại câu nói đó.

— Thế mà chúng mình cứ mơ tưởng là đã hoàn toàn thoát nạn rồi! — Người kia im lặng chốc lát rói nói tiếp. — Không ngờ lại thế này!

Té ra hôm ấy, ở trên đường ôtô, anh này đã cùng Khôrưsép quay lại chỗ đơn vị xe tăng và cùng họ vượt vòng vây trong chín hôm. Nhưng hôm nay, trong khi đánh nhau, anh bị thương, đang phải băng bó thì bị tụt lại sau và rơi vào tay bọn Đức.

— Cách xa đây không?

— Chừng ba cây số.

«Thế nghĩa là dù sao Klimôvíts cũng đã đưa được anh em lính xe tăng chạy thoát ra khỏi Ennha», — Xintxốp nghĩ thầm, vừa kính phục vừa thấy thèm muốn một cách đắng cay.

—Từ giờ tôi sẽ không gọi đồng chí theo cấp bậc nữa, — người chiến sĩ lại thì thầm. — Kẻo chúng nghe lỏm được.

Quả thực bọn Đức đang nghe ngóng, mặc dầu hình như chủng chẳng hiểu gì hết.

— Svaigân! Svaigân!(1) —một tên cố làm ra vẻ hung dữ quát lên.

Bọn chúng không muốn tù binh trò chuyện với nhau.

Ba giờ sau, bọn Đức tập trung ở cửa rừng tất cả những ai bị bắt làm tù binh trong khu rừng này sau khi bộ đội Nga đánh thọc qua, và chúng lùa họ đi thành đoàn về phía Bôrốpxk, mới đầu theo đường rừng, sau đó theo đường ôtô.

Đoàn gồm khoảng bốn mươi người, một nửa là thương binh nhẹ. Không có ai phải khiêng cả. Theo lời tù binh thì thầm kháo nhau thì tất cả những người bị thương nặng đều đã bị bọn Đức bẳn chết tại chỗ ngay trong rừng. Nếu không kể cái đó thì bọn áp giải cũng không tỏ vẻ tàn ác lắm, chỉ thỉnh thoảng lại thúc giục đoàn tù và quát lên: «Svaigân! Svaigân!» khi nhận thấy có người nói chuyện.

Có thể là đến đây quyển sổ áp giải có những chữ thập hay nói đúng ra là con số tổng cộng các tù binh, đã bắt đầu phát huy tác dụng. Quyển sổ này bây giờ đã chuyền từ tay tên lính Đức già sang tay một tên trung úy Đức cũng đứng tuổi, có đôi chân sếu dài nghêu, đang đi áp giải toàn đoàn. Hắn đang ủ rũ bước bên vệ đường, mặt cúi gằm xuống đất, không trông coi mấy tên lính áp giải mà cũng chẳng nhìn ngó anh em tù binh.

—Cứ thế này chúng lùa đi đến tận tối, đến nơi phân loại của chúng đấy, — người chiến sĩ quấn lớp băng bẩn ở cổ, vừa tập tễnh đi bên cạnh Xintxốp vừa thì thầm, sau đó chúng sẽ bắt xếp hàng rồi lắc đầu hồi: «Nikht ôphitxir? Nikht politruk? Nikht iuđe?..(2)» , «iuđe» theo tiếng của chúng nghĩa là người Do Thái.

— Làm sao cậu biết?—Xintxốp hỏi.

—Tôi đã bị chúng bắt một lần rồi. Đã bỏ trốn, bây giờ lại bị một mẻ nữa! Mà bao giờ lục vấn tất cả mọi người xong đâu đấy rồi chúng mới thí cho ăn.

Người chiến sĩ có cái cổ quần băng này là một trong bốn người mà tên Đức đã dẫn Xintxốp đến nhập bọn khi ở trong rừng. Lúc họ còn đang ngồi đó, Xintxốp đã lén rút được khẩu súng lục không có đạn của mình ra khói túi và nhét vào đám rễ cây tùng, bởi vì khẩu súng đó cộng với chiếc áo quân phục đã cởi bỏ, sẽ có thể làm mình lộ chân tướng.

Nhưng liệu có kẻ nào trong số bốn người kia sẽ phản anh không? Một người đã biết anh là chính trị viên, còn ba người kia thì có thể là đã nghe thấy người họ xưng hô với anh theo cấp bậc, lúc còn ngồi ở trong rừng.

Mãi đến bây giờ, khi người chiến sĩ quấn băng ở cổ sực nói tới việc phân loại, Xintxốp mới nẩy ra ý nghĩ kể trên, nhưng anh suy nghĩ rối lại xua đuổi ngay cái ý nghĩ này ra khỏi đầu óc: «Họ sẽ không khai đâu, cả cái cậu quấn băng ở cổ kia cùng sẽ không khai đâu. Anh ta nói tới việc phân loại không phải để ám chỉ việc ấy đâu, mả ngược lại, để báo cho mình biết trước mà đề phòng thôi... ».


(1) Im lặng! Im lặng!
(2) Có ai là sĩ quan không? có ai là chính trị viên không? có ai là Do Thái không?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #124 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2019, 06:06:39 am »

Sau khi đi được hai giờ, đoàn tù rời đường ôtô rẽ vào con đường nhánh, rồi lại rẽ sang một con đường khác. Con đường này bị một đường hào chống tăng cắt ngang, lúc này thấy có một đám đàn bà đang bị bọn Đức ốp ra lấp cái hố đó bằng xẻng và tay không.

— Thật là chẳng coi công lao động của người ta ra cái quái gì cả! — một người nào đó trong đoàn kêu lên.

— Chúng trừng trị mà lại! — một người khác cũng đáp lại rõ to. — Chắc chúng bảo: chúng mày tự tay đào ra để đánh chúng tao thì bây giờ phải tự tay lấp lấy!

— Svaigân!

Chị em phụ nữ chỉ hơi chểnh mảng cái công việc khổ sai của mình một chút để lấm lét nhìn anh em tù binh thì bọn lính ốp họ đã trông thấy và quát tháo họ bằng cái giọng thô bạo và khản đặc như bị cảm lạnh.

— Chắc chúng lại văng cha chửi mẹ theo cái tiếng Đức nhà chúng nó đây, — anh chàng quấn băng ở cổ nói với Xintxốp.

Đi khỏi cái hố chống tãng được một cây số, bọn áp giải bắt đoàn tù đứng lại cạnh một cái làng hoang vắng đã bị đại bác tàn phá nặng, ở rìa làng có một tòa nhà xây bằng đá hầu như không bị hư hỏng gì với biển đề: «Nhà hộ sinh».

Mặc dầu xung quanh là cảnh chiến tranh tàn phá, tòa nhà này vẫn phảng phất còn lại một nét gì mới mẻ. Có lẽ nó mới được xây xong vào mùa xuân hay đầu mùa hè năm nay, ngay trước khi nổ ra chiến tranh.

Té ra chúng dừng đoàn tù lại trước tòa nhà này để cho ăn uống và để băng bó cho những người bị thương, cả hai việc đó đều do những bàn tay người Nga làm. Hàng núi khoai tây và củ cải nuôi gia súc đổ đầy trên sàn bếp của nhà hộ sinh. Hai người đàn bà đang nấu mì trong một chiếc thùng và một chiếc chảo tráng men to bắc trên lò. Trong bếp bốc lên mùi khói, mùi đất và mùi vỏ khoai, vỏ củ cải. Ở đây người ta nấu nướng không phải để cho tù binh mà là cho đảm dân chúng bị lùa đi làm công việc đất đá ăn; nhưng rõ ràng là tên trung úy áp giải đoàn tù đã nắm được tình hình, nên đã sải đôi chân sếu dài ngoẵng của hắn mà đưa cả đoàn đi thẳng đến đây.

Trong bếp vẻn vẹn chỉ có mười cái đĩa sâu bằng nhôm; tù binh phải xếp hàng nối đuôi nhau để bà nấu bếp múc vào đĩa cho mỗi người một muôi cái thứ chất lỏng đục ngầu hăng hắc, lổn nhổn khoai tây và củ cải giở sống giở chín. Và mỗi khi trông thấy trong số người bước đến có những anh quá hom hem hốc hác thì lần nào bà ta cũng khóc nức lên vì thương hại.

Thứ canh này nóng như lửa, nhưng ai nấy đều phải ăn vội ăn vàng đến phát bỏng mồm để cho bạn khỏi chờ lâu. Còn tên Đức thì đứng bên bà nấu bếp theo dõi, để bà ta khỏi múc thêm và để không một tù binh nào được lĩnh lần thứ hai.

Xintxốp ăn hết đĩa xúp của mình, phát bỏng mồm lên và suýt nữa thì nôn tháo ra. Lấy tay bưng miệng, anh phải nuốt chửng cơn buồn nôn đang dâng lên cổ, rồi bước sang phòng bên cạnh bếp, nơi băng bó cho thương binh.

Có lẽ trước kia đây là phòng đẻ, nhưng bây giờ chí còn thấy chỏng chơ có một cái bàn với hai chiếc ghế đẩu. Sát chân tường có mấy thân hình đắp những vật linh tinh đang nằm dài trên lớp cỏ khô trải vải bẩn. Một người đang rên rỉ não nuột. Hình như đó là một người đàn bà.

Có hai người băng bó cho thương binh: một nữ y tá đã luống tuổi bị tàn phế, vẹo hẳn một bên sườn và một bác sĩ già rất to béo, có bộ mặt sư tử, với hai bàn tay còn khỏe và rất thành thạo, nhưng chốc chốc hai bàn tay đó lại run bắn lên, hoặc do tuổi già, hoặc bởi vì ở đây cũng có một thằng Đức đứng ốp như ở trong bếp. Chỉ có cái khác là tên Đức trong bếp luôn mồm kêu: «Hênúc! Hênúc!(1)»  còn tên này thì cứ giục: «Snelơ! Snelơ!»(2)

— Cố chịu đau nhé, — ông bác sĩ bảo Xintxốp khi anh ngồi lên ghế đẩu và chìa đầu ra.


(1)  Đủ! Đủ!
(2) Nhanh hơn! Nhanh hơn!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #125 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2019, 06:08:09 am »

Sau khi phun nước hiđrô perôxít vào vết thương kêu xèo xèo, ông ta mạnh tay móc vào những mẩu da toạc, đưa mấy nhát kéo xén trụi tóc quanh mép vết thương, rồi bôi iốt vào xót đến nỗi Xintxốp phải kêu rú lên. Đoạn ông ta đặt một cái gì lên trên, lại lấy ngón tay ấn vào vết thương một lần nữa làm anh đau điếng người, rồi đẩy anh ngồi sang chiếc ghế đẩu tiếp theo mà báo bà y tá:

— Băng lại!

Người đến sau với những ngón tay dập nát đã ngồi vào chỗ Xintxốp.

Bà y tá hơi khập khiễng trên cái chân thọt và vặn vẹo một bên vai, bắt đầu băng đầu cho Xintxốp, mồm lẩm bẩm ra ý bực tức. Thoạt tiên Xintxốp không thể hiểu nổi bà ta nói gì, nhưng sau đó hiểu là bà đang chửi bọn Đức cứ đứng ốp ông Nicôlai khiến ông ta không thể làm việc bình tĩnh được. Chắc là cả hai ông bà bác sĩ và y tá già này đã cùng làm việc với nhau từ đời nảo đời nào, cho nên bây giờ bà ta mới tỏ vẻ thương hại ông bác sĩ của mình hơn là thương hại anh thương binh như thế.

Lúc này Xintxốp mới trông thấy gương mặt của ông bác sĩ phẫu thuật, gương mặt mà anh không thể trông thấy khi còn ngồi trên ghế đẩu bên cạnh ông, và mới hiểu rằng con người ấy phải chịu đựng một cực hình như thế nào khi bị bắt ép làm việc như một lão lang băm chữa bệnh cho ngựa. Tên Đức sẽ không chịu đợi gì ai, mà ông thì chỉ muốn cho thái nhiều thương binh đi qua bàn tay bắt buộc phải tàn nhẫn nhưng thành thạo của mình ! Khuôn mặt sư tử của ông, với hai hàng lông mày bạc, và với cái mũi tẹt rộng và bộ ria cứng vênh lên như ria mèo, đã ướt đẫm mồ hôi vì căng thẳng, trông thật khổ sở và hung dữ. Nếu có thể được, chắc hẳn ông đã dùng con dao mổ chọc thẳng vào họng cái tên Đức khốn kiếp kia đang hối thúc ông như một cái máy: «Snelơ! Snelơ!.. »

Đúng một giờ sau, đoàn người đã phủi tập hợp lại. Một bộ phận thương binh còn chưa được băng bó nhưng tên trung úy chân sếu đã nhìn vào chiếc đồng hồ của hắn, và sau đó thì bất kỳ những việc gì còn lại cũng đều không có nghĩa lý gì nữa cả. Bọn áp giải có vẻ muốn đưa bằng được tù binh đến đúng địa điểm đã định, do đó mỗi lúc chúng một quát tháo dữ dội hơn và dấn bước nhanh hơn.

Nhưng bỗng nhiên tất cả những việc ấy đã dừng cả lại và đoàn người phải đứng lại rất lâu. Té ra đằng trước có một đoàn xe Đức chạy qua làm nghẽn mất đường, và chỉ đứng đây nhìn cũng đủ thấy dường như đoàn xe đó là vô cùng tận. Cố nhiên, đoàn tù có thể rẽ sang bên cạnh để đi vòng qua, nhưng ở nơi này rừng cây kéo tới sát hai bên đường, và hình như tên trung úy chân sếu không hề có ý cho đi vòng vào rừng để vượt chỗ nghẽn.

— Thế là đứng rồi nhé! — Anh chiến sĩ quấn băng ở cổ nói với Xintxốp; họ lại đi bên nhau.

— Vậy cậu không được băng bó à, không kịp à ? — Xintxốp hỏi.

— Mình có bị thương đâu, chỉ bị nhọt thôi... Bây giờ chúng mình sẽ đứng chơi thôi, — anh nói tiếp. — Cậu cho là chúng nó có trật tự à?! Chúng nó chả có trật tự gì, cũng loạn xị thôi. Lần trước, khi mình bị lùa vào trại, trong suốt hai ngày chưa trốn được, mình đã ngắm chán cái cảnh mắc nghẽn này rồi, và lần nào mình cũng nghĩ thầm: không quân ta đâu rồi nhỉ?— Anh im lặng giây lát rồi nói vẻ mơ ước: — Chà, giá bây giờ có thuốc hút cho đỡ buồn nhí!

Xintxốp không trả lời, nhưng ông bạn đồng hành vẫn không nín lặng được:

— Khi người ta băng cho cậu, cậu có thấy những người nằm trên nền nhà không?

— Có thấy, —Xintxốp nói.—Theo tớ thì một người là đàn bà...

— Không phải một mà là tất cả! Khi múc xúp cho tớ bà nấu bếp bảo thế đấy. Tất cả đều là các bà, và tất cả đều bị cụt tay ráo. Quân ta có gài mìn ở một chỗ bên cạnh hố chống tăng, thế là chúng bắt các bà dùng tay bới mìn. Còn những ai bị nổ mìn chết thì chúng đã vùi ngay dưới hố chống tăng ấy rồi.

Suốt ngày hôm nay, từ những phút đầu tiên bị bắt, Xintxốp đã đâm ra rất chán nản, nhưng bây giờ bỗng nhiên anh lại trở nên không thờ ơ, bất kể là quân Đức có mang bắn anh hay không, anh có đi đến nơi không, hay ngã xuống và bị bắn chết dọc đường... Anh lại muốn dùng bất cứ cách gì để trốn thoát và không phải chỉ trốn thoát thôi, mà trốn thoát để sau này tiêu diệt quân Đức, bắt chúng phải đền tội về việc chúng đã bắt phụ nữ dùng tay không mà lấp hố chống tăng, về việc chúng đã khiến cho họ bị mìn nổ cụt mất tay...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #126 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2019, 06:09:49 am »

Khi hai chiếc máy bay «II» đầu tiên gầm rú và lao vút phía trên đường, cả Xintxốp lẫn anh em tù binh khác vẫn chưa hiểu việc gì đã xảy ra. Chính nhờ bọn Đức nên lát sau họ đã hiếu: bọn Đức thì nhau từ trên ôtô nhẩy bổ xuống rãnh, bọn lính áp giải cũng lăn nhào xuống đất, trong lúc mỗi lúc một thêm nhiều máy bay lao vun vút phía trên đường...

Có ai kêu thất thanh như đang rãy chết, một phần tù binh nằm lăn ra đường, còn mấy người khác lại vẫn đứng trơ ra mà nhìn lên trời như bị thôi miên.

— Niđer! Txu bôđen! Zêchtơ ôikh!..(1)—Tên trung úy Đức nằm bò ra đất, quát tháo tù binh.

Mọi vẻ bình tĩnh của hắn đã biến mất, hắn gào thét và luống cuống giật khẩu «Parabenlum» đang bị vướng trong bao. Chắc là hắn thấy kinh khủng và nhục nhã vì phải chui rúc trên đường như con sâu, con bọ, còn những người tù này thì lại đứng thẳng cả người lên ngay trên đầu hắn. Nhưng máy bay vẫn tiếp tục lướt qua, nã súng máy xuống, và hắn chẳng còn hơi sức đâu để bắt buộc mình phải đứng dậy cũng như bắt buộc anh em tù phải nằm xuống. Không, hắn vẫn bắt họ nằm xuống.

—Txu bôđen!..— hắn lại quát, rồi dùng khẩu «Parabenlum» bắn vào đám đông tù binh vẫn đang còn đứng túm tụm trên đường.

— Các đồng chí, chạy di!.. — Xintxốp nhác thấy anh chiến sĩ quấn băng ở cổ ôm đầu gục xuống chân mình, liền thét lên một cách đột ngột mà chính mình cũng không ngờ tới nữa.—Chạy đi!—anh lại thét lên lần nữa, nhảy phắt qua rãnh, rồi đạp gẫy bụi cây và đâm bổ vào rừng, tai nghe tiếng mấy người nữa cùng chạy, đạp gãy cành cây kêu răng rắc. Trên đầu có tiếng súng máy nổ tới tấp, còn đằng sau thì nghe tiếng nổ và tiếng tiểu liên bắn hàng tràng.

Xintxốp không sao biết được có bao nhiêu người đã chạy thoát trong hôm ấy: anh em chạy tán loạn vào rừng, tỏa ra nhiều phía khác nhau, thành thử không gặp được nhau nữa. Anh đi, đi hầu như không nghỉ, chỉ thỉnh thoảng ghé ngồi tạm vài phút để lấy thở, đi suốt cả phần thời gian còn lại của cái ngày tháng mười ngắn ngủi ấy để cho tới lúc trời tối hẳn, và rồi đi suốt cả đêm nữa. Anh đi qua rừng, qua một cái làng bị đốt trụi nào đó rồi lại qua rừng, lần qua hai đường hào chống tăng và những công sự đã bỏ hoang. Anh vấp phải các xác chết trong một công sự và cũng nhờ đó anh mới sống sót được, nếu không có lẽ anh cũng chết cóng mất rồi. Anh cới lấy một áo quân phục và một áo lót bông gần như mới chỉ hơi vấy máu, ở mép của người đã chết cạnh xác một người khác, anh lại nhặt được một chiếc mũ trùm tai của người đó văng ra, và anh nghiến răng lại ấn chiếc mũ vào đầu mình, trùm lên cả đám bông băng. Anh định cầm lấy khẩu súng trường nằm lăn lóc ngay đó, nhưng té ra súng đã mất khóa nòng, anh đã lần mò sờ soạng khắp xung quanh mà vẫn không tìm thấy. Sau đó, anh vượt qua hai con đường, một con đường vắng tanh vắng ngắt, còn con đường kia anh vượt qua vừa đúng được một phút thì có một đoàn môtô Đức chạy qua.

Anh luôn ngửi thấy mùi cháy khét lẹt, thấy những ánh lửa và thấy súng nổ khi ở bên trái, khi ở bên phải mình. Lúc ấy anh đã có cảm giác mình đang vượt qua mặt trận, và tình hình quả thực là như vậy...

Nhưng khi trời vừa hửng sáng, lúc anh bi kiệt sức ngã gục xuống đất trong khoảng rừng rậm thì anh lại thấy tiếng đạn pháo nổ vang rền, không ở bên phải, bên trái, hay đằng sau mình nữa, mà ở đằng xa, phía trước mặt. Vì quá mệt mỏi, nên anh không thể suy xét được và anh không hề nghĩ ra rằng những tiếng nổ xa xa đó có thể chỉ là máy bay Đức ném bom xuống hậu phương của ta mà thôi. Thậm chí ngược lại, anh nghĩ rằng trước đó mình chỉ tưởng là đã vượt qua mặt trận, chứ thực ra chiến tuyến vẫn ở đằng trước như cũ.

Quyết tâm tìm mọi cách để trốn thoát, nhưng không muốn liều mạng vô ích. anh bèn uống mấy vốc nước đầm rồi chui vào bụi nằm. Tốt hơn hết là đợi đến tối và tìm cách vượt qua mặt trận vào ban đêm: anh trông mong vào ban đêm hơn là ban ngày. Sau khi quyết định như vậy, anh ngủ thiếp đi mấy tiếng đồng hồ liền. Anh ngủ say như chết và khi tỉnh dậy thấy trời đã bắt đầu hơi ngả màu xám.

Anh đứng dậy rồi lại lên đường, và còn đi được thêm năm cây số nữa trong khu rừng vô tận đó. Có một lần anh nghe thấy tiếng người, thậm chí còn nghe cả một phát súng nổ rất gần khiến anh giật cả mình. Kể ra nếu anh đi ngay đến chỗ có tiếng người và tiếng nổ đó thì anh đã lọt vào khu vực của một tiểu đoàn quân y đóng ở đấy rồi. Nhưng anh vẫn đinh ninh là mình chưa vượt qua mặt trận, cho rằng cả tiếng nói lẫn tiếng súng ấy đều là của quân Đức, nên cứ tiếp tục đi hoài.

Cuối cùng, khi trời đã hầu như tối hẳn, anh từ trong rừng đi ra một cảnh đồng có một đường hào chống tăng đào lổn nhổn. Anh lần qua cái hào chồng tăng đó và đi đến một xóm nhỏ mới lập gồm ba căn nhà nhỏ có những hàng dậu chạy dài phía sau.

Anh trèo qua gò đất, tiến lại gần ngôi nhà ngoài cùng, bốn bề im lặng như tờ. Anh nghĩ là ngôi nhà không có người ở, nhưng khi bước lại gần hơn thì thấy có một người chiến sĩ đã đứng tuổi, xách thùng từ một góc nhà đi ra về phía anh

Và chính việc đó đã diễn ra như một chuyện thần kỳ ! Chính cái việc người chiến sĩ xách thùng đi ra giếng một cách thoải mái như vậy đã khiến Xintxốp không nghi ngờ gì nữa : anh đã về tới chỗ quân ta.


(1) Nằm xuống! Nằm xuống đi!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #127 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2019, 06:10:22 am »

Xintxốp nhìn người chiến sĩ, còn người chiến sĩ thì nhìn Xintxốp. Xintxốp trẻ hơn người chiến sĩ xách thùng bởi vì người này trông trạc độ bốn mươi, nhưng Xintxốp không hình dung được rằng bây giờ với bộ râu mười hai ngày không cạo xổm xoàm như thế thì trông mình ra thế nào. Do đó anh rất ngạc nhiên khi người chiến sĩ xách thùng kia chăm chú nhìn anh và hỏi:

— Bố cần gì thế hả bố?

Anh lặng lẽ tiền lên hai bước về phía người chiến sĩ xách thùng, khiền người ấy thậm chí phải thụt lùi lại mà hỏi:

— Cụ đến tìm ai?

Nhưng Xintxốp vẫn im lặng như trước, giơ cả hai bàn tay ra và bắt đầu lắc mạnh bàn tay của người chiến sĩ cùng với cái thùng, khiến nó kêu loảng xoảng trên tay anh ta.

— Ra đến nơi rồi!.. — mãi sau anh mới thốt nên lời.

— Ra đến nơi rồi thì cứ ra, — người chiến sĩ nói, chiếc thùng trong tay vẫn lúc lắc vì Xintxốp vẫn tiếp tục lay mạnh. — Lắc gì mà lắc khiếp thế! Từ đây đến hỏa tuyến còn những hai chục cây số. Vậy mà không gặp ai trước tôi hay sao?

— Không. Tôi đi ban đêm còn ban ngày thì nằm trong rừng. Tôi cứ tưởng là còn phải đi một đêm nữa...

— Thế cấp bậc của đồng chí là gì ạ? — người chiến sĩ ngó nhìn bộ râu muối tiêu của Xintxốp chăm chú hơn trước, rồi đã chuyển sang gọi anh bằng «đồng chí» mà hỏi vậy.— Chắc cũng phải là đại tá rồi chứ ạ? Hay còn cao hơn nữa ạ?

Trong cặp mắt anh ta thậm chí còn ánh lên một vẻ hài lòng: biết đâu mình lại chẳng gặp đúng một vị tướng vừa ra khỏi vòng vây cũng nên? Mặc dù tình hình chung là rất nặng nề, nhưng giá có một câu chuyện như vậy thật thì anh cùng sẽ phấn khởi không ít.

Nhưng Xintxốp đã làm cho anh ta cụt hứng:

—Tôi là chính trị viên.

— Thế thì, đồng chí chỉnh trị viên ạ, hoặc đồng chí đợi tôi, bây giờ tôi còn ra giếng lấy nước, hoặc đồng chí cùng đi với tôi, rồi tôi sẽ đưa đồng chí đến chỗ chính trị viên trưởng của chúng tôi. Đồng chí đã từ vòng vây chạy ra vừa vặn đúng cái nhà của anh ấy đấy!

Xintxốp đi theo anh ta ra giếng, đợi anh ta múc nước xong rồi quay lại ngôi nhà, lòng vẫn chưa tin hẳn vào niềm sung sướng của mình.

— Ờ... đồng chí để được bộ râu hợp đấy. — Người chiến sĩ dẫn Xintxốp vào nhà, đặt thùng xuống, rồi mở một trong hai cái cửa ăn thông vào buồng trong: — Đồng chí chính trị viên trưởng, xin phép báo cáo! Tôi đã đưa đến đây một đồng chí chính trị viên vừa mới thoát khỏi vòng vây!

Trong nhà có một người trạc trung niên đang ngồi sau bàn và húp xúp trong chiếc cà mèn đặt trên tờ báo. Ông ta ngồi húp xúp với dáng rầu rĩ, tay chống vào má theo kiểu đàn bà, và rồi vẫn để tay như thế ông quay người nhìn ra phía cửa. Bộ mặt ông trông phúc hậu, dịu dàng, hơi có vẻ đàn bà; những phù hiệu có một vạch trên cổ áo ông đều màu xanh, rõ ràng là của không quân, do đó Xintxốp kết luận rằng mình đã lọt vào một đơn vị không quân.

Một chân của chính trị viên trưởng xỏ vào ủng, còn chân kia thì đi bít tất len. Một chiếc ủng nằm trên nền nhà, cạnh bàn dựng chiếc ba toong tự tạo chạm trổ rất khéo.

«Chắc là cậu chiến sĩ này đã chạm trổ cho ông ta», — không hiểu sao Xintxốp lại nghĩ vậy, mặc dầu lúc này anh có thể nghĩ đến hàng nghìn việc khác quan trọng hơn nhiều.

— Thế hả, vào đây, — chính trị viên trưởng nói và hơi nhổm dậy, chìa tay ra. — Chà, khổ quá nhỉ! — ông nói, giọng thông cảm. — Đói lắm hả?

— Trước hết xin cho uống trà! — Xintxốp đáp; mặc dù đã hai ngày hai đêm nay không có tí gì vào bụng, nhưng anh muốn uống cho ấm người lên cái đã.

—Trà thì sẽ có trà, — chính trị viên trưởng gật đầu chỉ cái ấm đặt trên bàn, nói vậy. —Nhưng hẵng tạm chén cái này đi đã. — Rồi ông lấy ruột bánh mì lau sạch chiếc thìa, đẩy cà mèn với cả tờ báo về phía Xintxốp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #128 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2019, 06:11:48 am »

Xintxốp cầm thìa và bắt đầu ăn, còn chính trị viên trưởng thì ngồi đối điện và nhìn anh, không phải nhìn anh ăn mà nhìn thẳng vào mặt anh.

Khi trong cà mèn còn lại vài thìa, Xintxốp đã bắt gặp cái nhìn đó và sực nhớ ra là mình vẫn đội mũ. Anh liền buông thìa và cà mèn ra một cách chật vật, rối dùng cả hai tay nắm lấy mũ, lôi nó ra, miệng kêu ối lên một tiếng vì đau. Ở bên trong, có chỗ mũ hơi dính vào băng.

— Đồng chí bị thương à? — chính trị viên trưởng nhác thấy lớp băng có vết máu xẫm bèn hỏi.

Nhưng Xintxốp cố húp nốt hai thìa cuối cùng rồi trả lời:

— Không nặng lắm. Tôi bị choáng đến nỗi phải chật vật lắm mới tỉnh lại được; còn vết thương thì chỉ là mất một mảng da với ít tóc...

—Thế đồng chí được băng bó ở đâu? — chính trị viên trưởng rót một ca trà và đẩy về phía Xintxốp.

Câu hỏi cũng là tự nhiên thôi: khi đi đường Xintxốp không hề bỏ mũ ra lần nào nên lớp băng hầu như còn mới tinh. Anh kể lại mình đã được băng bó ở đâu và như thế nào, rồi từ chuyện đó anh kể lại tất cả những chuyện khác.

Hồi tháng sáu và tháng bảy ông chính trị viên trưởng ngồi trước mặt anh cũng đã từng phải vượt vòng vây từ tận biên giới, sau đó ông phải nằm viện rồi xin ra viện trước thời hạn, và mới trở lại mặt trận vẻn vẹn được có ba hôm. Ông nghe Xintxốp kể lại với vẻ thông cảm và không thấy trong câu chuyện của anh có gì đáng lạ lùng cả, có chăng chí trừ một điều là một người đã gặp bao nỗi gian nan như vậy, mà nay vẫn lại đang ngồi trước mặt ông, vẫn còn sống và nói chung là còn mạnh khỏe.

— Tôi có ngờ đâu là mình vượt quá mặt trận những hai chục cây số và chạy ra đúng vào chỗ anh em phi công như thế này?—Xintxốp vừa nói vừa đẩy cái ca không sang bên cạnh.

Rõ ràng là chính trị viên trưởng đã nhiều lần bị hiểu nhầm như vậy lần giải thích này không phải là lần đầu tiên. Ông nhếch mép cười:

—Đừng căn cứ vào phù hiệu. Số là những ngày đầu chiến tranh tôi làm chính ủy một tiểu đoàn báo vệ sân bay. Chúng tôi không phải là phi công, mà chỉ là tiểu đoàn công binh. Tiểu đoàn trưởng và chính ủy cũ đã chết vì một quả bom Đức. Tôi từ quân y viện đến thẳng đây, còn tiểu đoàn trưởng mới thì do ủy ban quân vụ huyện cử đến. Chúng tôi đào hầm suốt ba ngày đêm nay. Cái phòng tuyến chúng tôi đào hầm đầu đã bị người ta bỏ lại rồi. — Ồng bực tức lắc đầu. — Theo tôi, nếu cứ đào bới rồi lại bỏ đi thì thà ném quách ra trận đánh nhau như bộ binh để báo vệ Maxcơva còn hơn! Mặc dù người ta bảo là thiếu cả súng trường đi nữa. Súng nằm ở đâu chẳng biết, còn chúng tôi thì phát khóc lên vì súng.

— Thế nghĩa là tình hình gần Maxcơva gay lắm sao?— Xintxốp hỏi với một giọng đau khổ.

Từ khi chiến tranh bắt đầu đến nay đã bao lần anh tưởng rằng cái gay go nhất đã lùi lại phía sau, thế mà té ra nó lại vẫn ở đằng trước! Và ngay cả bản thân mấy tiếng Maxcơva mà lần đầu tiên anh nói ra cửa miệng bỗng nhiên làm anh xúc dộng, mặc dầu mấy tiếng ấy cũng chí do chính anh nói ra mà thôi. Gần Maxcơva!.. Không có gì kinh khủng hơn thế nữa!

— Dĩ nhiên chúng tôi chỉ là những con chuột dũi, công việc của chúng tôi là đào đất, nhưng cũng thật là gay go,— chính trị viên trưởng im lặng chốc lát rồi bất đắc dĩ thốt lên như vậy, đoạn ông nhìn bộ mặt tái nhợt của Xintxốp, nhìn vào lớp băng buộc trên đầu anh, nói thêm: —Tiểu đoàn quân y ở cách đây không xa lắm đâu.

Xintxốp lắc đầu:

— Không, tình hình đã như vậy thì tôi chỉ muốn được chiến đấu ngay. Nếu đồng chí cho phép, tôi sẽ ngủ lại ở đâu đây, rồi sáng mai lại lên đường.

— Đi đâu?

— Ra mặt trận, theo bất cứ đợt bổ sung nào và vào bất cứ đơn vị nào. Không có giấy tờ trong lúc này thì chẳng hòng làm gì nhiều hơn được, nhưng nếu chỉ xin làm chiến sĩ thôi thì tôi chắc người ta sẽ nhận!

Chính trị viên trưởng không hề ngạc nhiên: từ lúc Xintxốp kể được nửa chừng câu chuyện, ông ta đã chờ đợi sự thú nhận đó, bởi vì những ai thoát khỏi vòng vây có đủ giấy tờ thì thường thường ngay từ đầu họ đã lập tức xuất trình giấy tờ với vẻ tự hào. Xintxốp bèn kể lại tỉ mỉ vì sao đến nỗi anh không còn giấy tờ gì. Anh kể xong, nhưng bỗng cảm thấy hình như lần đầu tiên người tiếp chuyện đã nhìn mình với vẻ nghi ngờ, tựa hồ muốn nỏi: «Thôi anh bịa ra làm gì? Thôi, thấy quân Đức đến anh lại đem giấy tờ xé đi hay chôn quách đi rồi... Thôi, thế là đủ rõ rồi!.. Cũng là chuyện thường tình. Thế thì nói dối làm gì?»
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #129 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2019, 06:12:28 am »

—Thôi nhé.—chính trị viên trưởng nói to, — đã vậy thì cứ ngủ ở đây với cậu chiến sĩ đã gặp anh lúc nãy, cậu Ephrêmốp ấy mà, còn tôi thì phải đi đây. Nghe như chiếc xe tải đã đến đón tôi rồi.

Quả thực mấy phút trước đó có tiếng ôtô bóp còi, rồi tắt máy phía ngoài cửa sổ.

— Ở đây công việc của chúng tôi thật ngập đầu: hết đào hố, lại đến đắp ụ... Mà cũng chẳng còn cách nào khác...— Ông ta định nói tiếp nhưng lại ngừng lời. Sau khi nghe Xintxốp kể lại điều mà ông không tin được thì ông không còn muốn cởi mở nữa. — Ừ, đồng chí ngủ đi,—ông nhắc lại. Đến sáng mai, tôi với đồng chí tiểu đoàn trưởng sẽ giới thiệu để đồng chí đi... Ephrêmốp này, Ephrêmốp!

— Báo cáo chính trị viên trưởng, tôi xin nghe lệnh đồng chí ! — Ephrêmốp hiện ra trên ngưỡng cửa và nói.

— Ephrêmốp, nhờ cậu giúp tớ xỏ chiếc ủng... Sau khi bị thương thì lắm chuyện lôi thôi quá...—Câu này chính trị viên trưởng có ý nói với Xintxốp, ông ta ngượng vì phải nhờ người khác xỏ ủng giúp.

Ephrêmốp cúi lom khom giữ chiếc ủng, còn chính trị viên trưởng thì nhăn mặt lại vì đau, ấn chân vào ủng. Sau đó, ông cầm cây gậy dựng cạnh bàn, khập khiễng đi ra.

Xintxốp đi theo sau chính trị viên trưởng, nhưng ông ta chỉ vừa đi vừa dặn dò Ephrêmốp, rồi không quay người lại nữa, trèo vào buồng lái chiếc xe tải tấn rưỡi.

— Đồng chí có tự cạo râu lấy bằng dao được không?— Ephrêmốp dõi theo chiếc xe và hỏi Xintxốp.

—Tôi cạo được.

— Hay là để tôi cạo cho nhé?

Xintxốp không còn đủ sức để từ chối mà cũng không muốn từ chối nữa. Ngồi trên ghế đẩu, ngửa đầu ra để cho người ta cạo râu cho mình thì thật là một cảm giác kỳ lạ !

Ephremốp cạo râu cho anh mà anh thì mỗi lúc một buồn ngủ, và qua cơn mơ màng phải chật vật lắm anh mới loáng thoáng nghe và hiểu rằng tiểu đoàn này đã xây dựng phòng tuyến lần này là lần thử ba, thế mà quân ta vẫn cứ lùi hoài, rằng Xintxốp gặp chính ủy chứ không gặp tiểu đoàn trưởng là may, và rằng trưa nay quân Đức đã ném bom xuống hố chống tăng làm cho hai chục người bị tàn tật, tuy rằng đó chỉ là những anh em bộ đội hậu phương, nhưng quả bom nó có phân biệt ai đâu, đối với nó thì ai cũng đều là người được việc tất...

Sau đó, Xintxốp bỗng ngủ lịm hẳn đi, gục đầu xuống một cải, khiền lưỡi dao cứa phải gò má đau điếng người.

— Ấy đấy! Chớ ngủ, không thì tôi cứa đứt mặt ra bây giờ. — Ephrêmốp nói có vẻ trách móc rồi cấu một mẩu báo lót dưới cái cà mèn, dán vào vết đứt.

Anh ta cạo mặt cho Xintxốp xong, rồi ra sân và dội mấy ca nước vào tay cho anh hứng. Xintxốp rửa mặt, cố tránh không làm ướt băng.

— Có lẽ thay băng mới đi nhỉ?—Ephrêmốp hỏi.

Nhưng Xintxốp từ chối.

— Tôi sợ lại trầy mất vết thương.—Và anh ngáp một cách mệt mỏi.

Họ bước vào một căn buồng xép có để một số dụng cụ nhà bếp và lương thực dự trữ, mấy bao khoai tây và bắp cải, trên chiếc trường kỷ hẹp đã thấy trải một tấm nệm cỏ rộng, xòa cả ra ngoài.

— Đồng chí nằm đây, — Ephrêmốp trỏ cho Xintxốp chiếc trường kỷ.

— Thế còn đồng chí?

— Tôi thì là việc con nhà lính trơn, có lẽ còn có ông tiểu đoàn trưởng ông ấy về nữa cơ đấy.

Xintxốp ngủ thiếp ngay đi trước khi đặt được cái đầu xuống trường kỷ, và khi tỉnh dậy thì đêm đã khuya.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM