Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:30:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1  (Đọc 38643 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 07:56:22 am »


Bỗng cụ Đốc Đóa cởi mở nói sau một chút ngập ngừng: "Chúng tôi biết là với đôi dép hạ, giày ba ta chúng tôi đang dùng đây, đi đường mòn Hồ Chí Minh này là không phù hợp, muốn xin các đồng chí cho chúng tôi mỗi người một đôi dép cao su Bác Hồ được không?".

Yêu cầu đó được đáp ứng ngay - các vị khách hồ hởi, phấn khởi biểu lộ rõ qua nét mặt - trên chặng đường đầu tiên từ lăng Minh Mạng phía Tây thành phố Huế lên dốc Con Mèo khu vực Binh trạm 42, cụ Đốc Đóa đã hiểu ra yêu cầu này, nói thêm:

"Đôi dép Bác Hồ, tôi đã được nghe nói đến từ hồi chống Pháp, đôi dép Bình Trị Thiên, lợi hại lắm, dùng vừa bền, vừa rất thuận tiện".

- À, còn phải dự bị vài quai dép thay thế - anh Thế rút sau túi quần dụng cụ dùng để xâu quai và làm động tác thay quai.

Không biết có phải mới được thấy lần đầu không mà Thượng tọa và bà Tuần quan sát rất chăm chú. Trong tâm tư của họ dường như hết nỗi lo âu là lấy gì để bảo vệ đôi chân sẽ còn phải bước chắc là rất nhiều ngày trên đường mòn Hồ Chí Minh vạn dặm này.

Ba chiếc xe Gát 69 đã sẵn sàng. Xe được ngụy trang cẩn thận, đầu quay về hướng tây.

Cụ Đốc Đóa, bà Tuần Chi đi xe đầu, Thượng tọa Thích Đôn Hậu và chú tiểu ngồi xe thứ hai, tôi cùng hai đồng chí cán bộ của binh trạm ngồi xe thứ ba, có nhiệm vụ hộ tống. Tất nhiên, mỗi xe của các vị khách đều có quân y binh trạm đi theo đề phòng bất trắc về sức khỏe.

Xe đi theo đường B45, về ngã ba La Hạp, một ngã ba trọng điểm bom đạn nổi tiếng ác liệt, đến Binh trạm bộ 33 nghỉ một ngày theo kế hoạch, hôm sau mới về đoàn bộ ở K1.

Đến binh trạm, mới phát hiện chiếc ví đầm bằng da màu đen, bà Tuần Chi luôn cầm tay bị rơi lúc nào không hay biết. Bà Tuần Chi băn khoăn trao đổi với Thượng tọa, rồi cho Binh trạm biết là trong ví còn có giấy tờ của mặt trận, từ lúc ra đi bà xem là vật tùy thân của cả cuộc đời còn lại, cùng một số kỷ vật quý bà mang theo ra Bắc.

Trong tình huống đặc biệt nàv, thật khó tìm ra giải pháp xử lý. Suốt gần trăm kilômét đường đi, xe không có sự cố, không phải dừng lại dọc đường, đường đất đá gồ ghề đi có xóc, nhưng xe vẫn chạy đều đều, máy bay địch không phát hiện được, xe không bị săn đuổi. Người nữ quân y đi theo, ngồi cạnh bà cho biết bà rất tỉnh táo, không say xe, vẫn trò chuyện trao đổi...

Đã có phương án của Binh trạm 33 phải thông báo cho các đơn vị bảo đảm giao thông, sáng sớm mai tổ chức đi tìm lại, hy vọng ban ngày dễ phát hiện hơn.

Tôi bình tĩnh nhớ lại chặng đường đã đi qua, dường như khi đi qua dốc Ông Đời, ánh pháo sáng đã cho tôi nhìn thấy 2 đốm tròn xoe, long lanh sáng chói ngờ ngợ đôi mắt của thú rừng, lúc đó tôi đã nghĩ chắc là con thú nhỏ bị chẹt xe hoặc bị bộ đội bắn chết về phía phải đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 07:57:06 am »


Nghe bà Tuần kể sự việc, liên tưởng đến đó là hai khuy cài tròn bằng đồng của chiếc ví.

Binh trạm tán thành ngay ý kiến của tôi, điện thoại hướng dẫn cho kíp trực barie ở dốc Ông Đời xuống dốc về phía bắc khoảng 50m tìm chiếc ví. Nếu tìm thấy thì theo xe đi ra, mang về Binh trạm bộ. Cán bộ binh trạm không quên dặn không được mở ví, phải giữ nguyên dạng.

Chỉ hơn 30 phút sau, đoàn chúng tôi vừa mới kịp lau rửa chân tay, nhấm nháp miếng lương khô cùng chén trà hồng đào ấm áp, thì một chiến sĩ công binh trực trạm barie dốc Ông Đời đã mang chiếc ví giao trả.

Chiếc ví màu đen dính đất đỏ đã bị biến dạng, vẹt đi một phía. Nét mặt bà Tuần Chi hiện rõ sự vui mừng, nhưng lại thoáng nghĩ chắc gì đã là chiếc ví của mình, sợ ngộ nhận nên chưa dám cầm lại.

Chính ủy Binh trạm hiểu được tâm lý đó nên khẳng định với bà Tuần Chi mấy hôm nay chỉ có đoàn này ở phía nam đi ra thôi, còn bộ đội Trường Sơn kể cả các cháu gái cũng không ai có ví này.

Tay run run, bà Tuần Chi mở ví! Chiếc đèn pin hiệu con cọp bị bật vỡ kính, bà cười vui và cho biết giấy tờ, vàng bạc mang theo không hề suy xuyển.

Mừng vui khôn tả, bà Tuần Chi chỉ kịp thăm hỏi, nói lời cảm ơn với chiến sĩ đã tìm trả lại bà chiếc ví trước khi anh phải tranh thủ trở lại vị trí chiến đấu của mình!

Bà nói hôm qua người nữ y tá cũng đã tốt nghiệp lớp 10, nay anh bộ đội trẻ này vào chiến trường đã 2 năm, cũng đã học xong lớp 10, họ có bằng tú tài cả rồi đó.

Bà xúc động nói: Bộ đội Cụ Hồ có trình độ, có hiểu biết, trẻ khỏe hăng hái ai cũng rất dễ thương. Từ "dễ thương" giọng Huế của bà Tuần Chi, cụm từ địa phương độc đáo của người dân xứ Huế là lời biểu dương thân mật, ngọt ngào, tình cảm.

Bà còn nói: Nếu mất ví này là tôi mất hết cả cơ nghiệp, mất luôn cả tương lai, xin cho phép tôi được cảm ơn các bạn!

Chủ nhà, bộ đội Trường Sơn, không biết rõ trong ví có những gì, quan trọng đến như thế nào, nhưng hiểu được rằng trong đó gửi gắm cả tình cảm, cả cuộc sống về chính trị, về vật chất của bà, cả dĩ vãng và tương lai.

Chiều tối hôm sau, đoàn rời Binh trạm 33 để về chỉ huy sở Bộ Tư lệnh, đội hình vẫn giữ nguyên, thêm một cán bộ Tiểu đoàn 35 công binh dẫn xe theo con đường mới mở vượt ngầm Tha Mé, địch chưa phát hiện, bảo đảm an toàn hơn. Nhưng đến phía nam ngầm Tha Mé thì mới hay nước ngầm còn sâu, xe con không qua được, phải quay lại theo đường xuống hạ lưu sông Sê Băng Hiêng qua cầu nổi Bản Khộp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 07:57:31 am »


Đại đội cầu thuyền đã ghép cầu nổi sắp xong, đơn vị đang loay hoay lắp phà hàn khẩu. Do mới tác nghiệp lần đầu, chưa có kinh nghiệm, tính toán không khớp nên mảng phà hàn khẩu hơi lớn lắp không vừa. Đại đội trưởng Đồng Thế Quá xin lùi thời gian thông xe đến 2 giờ sáng để chỉnh lý nửa cầu phía nam. Anh còn cử đại đội phó bố trí lùi 3 xe chở đoàn khách về phía sau 500m để bảo đảm an toàn.

Tôi nhảy lên cầu, quan sát cụ thể, nêu giải pháp tháo rời phà hàn khẩu, cho từng thuyền một vào tạm neo giữ, sau đó mới lắp dầm và ván mặt cầu. Sau 15 phút, chiếc cầu nổi đã lắp xong nối thông hai bờ Nam Bắc. Đây là chiếc cầu nổi tự tạo bằng gỗ đầu tiên trên dòng sông Sê Băng Hiêng.

Bà Tuần lại không hết ngạc nhiên khi tôi cho biết ba kỹ sư trẻ Phạm Thái Chi, Nguyễn Huy Bảo, Đỗ Đức Dương tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội đã thiết kế và suốt cả mùa mưa này cùng đại đội của Đồng Thế Quá tổ chức công trường thi công bộ cầu nổi này. Bà ôn tồn nói: "Cầu nổi của các anh tự chế tạo có vinh dự được đoàn xe cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lăn bánh khánh thành".

Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên tiếp đoàn khách tại chỉ huy sở của Bộ Tư lệnh tại K1, sau buổi giao ban thường ngày điều hành công việc của mấy chục đơn vị đầu mối cấp dưới và sau khi đã giải quyết các quan hệ nóng bỏng với các chiến trường.

Tư lệnh nói những lời chân tình thăm hỏi đoàn qua ba chặng đường vừa qua. Thoáng nhìn đôi dép cao su, chiếc mũ tai bèo của Giải phóng quân trang bị cho các vị khách và sáng nay ở giao ban Tư lệnh cũng đã nghe việc bảo đảm cho đoàn khách qua hai binh trạm; về câu chuyện chiếc ví đầm và bây giờ là gương mặt vui vẻ, phấn chấn của các vị khách, ông cũng đã thầm hiểu và đánh giá được trình độ "công tác ngoại giao" mà thấy tăng thêm tin tưởng ở khả năng của cán bộ cấp dưới.

Trưởng đoàn —Thượng tọa Thích Đôn Hậu lên tiếng nhỏ nhẹ tế nhị hỏi: "Xin đồng chí Tư lệnh cho chúng tôi rõ thêm bao giờ chúng tôi được đến đường mòn Hồ Chí Minh và từ đó ra Bắc bao xa?".

Tư lệnh cười hiền dịu, cởi mở nói đường mòn Hồ Chí Minh khi mới hình thành là con đường mòn giao liên, gùi thồ nay là trục đường vận tải cơ giới, đang dần dần hình thành mạng đường có nhiều trục ngang dọc nối từ hậu phương vào đến chiến trường Khu 5, Nam Bộ, chính là con đường các vị vừa đi ba đêm qua và còn đi tiếp năm đêm nữa thì mới ra đến hậu phương.

Các vị khách đã hiểu, cùng cười vui sung sướng vì đã được đi trên con đường Hồ Chí Minh gập ghềnh mà vĩ đại, đầy hiểm nguy nhưng lại bao vinh quang!

Trên ba chặng đường đi vừa qua họ đã thấy hàng trăm chuyến xe đầy ắp hàng vào chiến trường vượt qua mọi trở ngại, OV10 trinh sát canh giữ, cường kích đánh phá, gài mìn lá, bom bi, dùng phản lực trút bom xuống trọng điểm, bay cao thả bom tọa độ khi bị pháo phòng không ta bắn trả, dùng B52 rải thảm hết đợt này đến đợt khác.

Chú tiểu, người thanh niên Phật tử lái xe cho Thượng tọa, cảm phục chiến sĩ lái xe Trường Sơn tài giỏi, lái xe hết đêm này sang đêm khác với ánh sáng đèn gầm, tranh thủ pháo sáng dẫn đường, mưu trí lái xe tránh bom đạn, đưa hàng tới đích. Chú tự hỏi họ được đào tạo từ đâu, ở trường nào, bao nhiêu năm?

Đêm nay, cũng trong phòng nhỏ của căn hầm nửa chìm nửa nổi như vậy, khác một chút là xung quanh có phên nứa đan tre tránh đất đổ, mái nứa băm lợp kéo sát xuống một rãnh nhỏ được khơi xung quanh thoát nước mưa, cụ Đốc Đóa ngồi trầm ngâm ghi chép gì đó bên ngọn đèn điện, quanh đèn quây tròn một miếng vải xanh khâu tay, ánh sáng chụm lại vừa vặn trên trang giấy. Thượng tọa Thích Đôn Hậu đứng ngoài sân một mảnh đất nhỏ, tương đối bằng phẳng trước nhà, tay chắp sau lưng ngắm nhìn những vì sao len lỏi qua tán lá cây rừng. Hình ảnh một nhà sư, với bộ thiền phục rộng rãi thoải mái đang nghĩ về thế sự, đang cầu mong trời Phật phù hộ cho những điều tâm đắc đoạn tuyệt được nỗi khổ của chiến tranh, đem lại cho phía chính nghĩa dân tộc Việt Nam được hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất.

Đêm tối mênh mông. Xa xa phía đường số 9, pháo sáng địch vẫn tỏa chiếu dẫn đường cho các đoàn xe hối hả vận chuyển hàng hóa đến các chiến trường. Trên đường mòn Hồ Chí Minh, chiến sĩ lái xe Trường Sơn đang xung trận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 02:14:11 pm »


VƯỢT TA LÊ - SÊ BĂNG HIÊNG
Đại tá BÙI THẾ TÂM
Nguyên Chính ủy Sư đoàn công binh 473

Bước vào mùa khô 1970-1971, biết ta chuẩn bị nhập tuyến, đẩy hàng vào phía nam, Mỹ - ngụy tăng cường các hoạt động đánh phá với mức độ ác liệt hơn. Cuối mùa mưa và đầu mùa khô địch trinh sát liên tục để phát hiện hoạt động của ta và vào đầu mùa khô chúng tập trung thực hiện chiến thuật "tìm diệt" nhất là tìm diệt lực lượng xe, pháo nhập tuyến trên đường 20. Từ giữa tháng 11 đến tháng 12 chúng thực hiện đánh B52 rải thảm kết hợp với cường kích đánh phá khu vực cửa khẩu. Ở khu vực phía Nam máy bay AC130 trang bị thiết bị khuếch đại ánh sáng mờ dùng pháo 20 ly, 40 ly đánh vào đội hình xe hoạt động ban đêm trên đường. Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1971 chúng tập trung bom đạn, tạo nên trọng điểm lớn ở Chà Là, sau đó là trọng điểm cực lớn: Chà Là - Phu La Nhích - Tam Đảo. Chúng bắt đầu sử dụng tia la de đánh mục tiêu ngầm và trận địa pháo, dùng tia la de điều khiển đánh bom vào căn cứ hang đá của ta. Ngay trong mùa mưa, Bộ Tư lệnh Trường Sơn dự kiến Mỹ có thể gây trọng điểm ở khu vực ngoài cửa khẩu nên đã cho Trung đoàn 8 công binh của Bộ tăng cường mở đường 20E vượt Ta Lê vào Lùm Bùm.

Mùa khô này, tuyến đường 20 Quyết thắng được Bộ Tư lệnh xác định là cửa khẩu nhập tuyến chủ yếu. Tư lệnh chiến trường trực tiếp giao nhiệm vụ cho Binh trạm 14 và Trung đoàn pháo cao xạ 224 phải bảo đảm cho xe pháo nhập tuyến với số lượng lớn, đi nhanh gọn và an toàn.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, chỉ huy Binh trạm chủ trương ngụy trang triệt để tuyến vượt khẩu 20C và 20Đ. Sau khi khắc phục sụt lở xong cho Tiểu đoàn công binh 335 ngụy trang toàn bộ hai tuyến đường này bằng cây khô rải kín mặt đường, chuẩn bị sẵn rọ đá tập kết ở ngầm 20C và cho xe ben chở sẵn đá trên lưng xe sẵn sàng, cầu phao 20Đ sau khi lắp xong, tháo ra đưa vào hang sẵn sàng, hiện trạng ngầm 20C và ngầm 20Đ giữ nguyên như cũ.

Đối với đường 20A và đường 20B chúng tôi điều Tiểu đoàn công binh 33 và Tiểu đoàn công binh 24 hàng ngày mở rộng mặt đường, là nhẵn, rải đá cục bộ nhằm tăng tốc độ xe vượt vùng trọng điểm ATP và Ka Tốc.

Chúng tôi cũng bố trí trạm quan sát theo dõi hàng ngày và phát hiện quy luật hoạt động của máy bay Mỹ, thấy rằng địch rà soát liên tục đường vượt khẩu 20A và đường vượt khẩu 20B, ý chừng địch xác định hướng chính đánh ngăn chặn xe nhập tuyến là ở đây.

Trước khi chưa có lệnh nhập tuyến của Bộ Tư lệnh, binh trạm cho xe Tiểu đoàn 781, Tiểu đoàn 52 chạy trên đường 20A, 20B thu hút địch vào tuyến đường này. Khi có dấu vết xe chạy trên tuyến A và B địch lao vào đánh phá ngăn chặn. Ta tranh thủ thời cơ cho các đoàn xe, pháo nhập tuyến đi vào trên đường 20C và 20Đ. Lúc này, tôi cũng có mặt trên ngầm 20C chỉ huy xe vượt ngầm, có một số lái xe đầu tiên vào chiến trường thấy một bãi bom từ trường vàng chóe, ngần ngừ chưa muốn vượt ngầm. Tôi lệnh cho đồng chí lái xe nhanh chóng cho xe vượt qua. Thấy vậy, các xe khác cũng lần lượt "cưỡi" lên bom từ trường. Sau đó tôi lên ngầm 20Đ chỉ huy xe vượt cầu phao 20Đ. Còn Binh trạm trưởng tổ chức cho các đoàn xe, pháo nối đuôi nhau hành tiến trên đường 20C, 20Đ. Trong lúc đó, các đại đội xe của các tiểu đoàn 781, 52 vẫn tiếp tục vận chuyển hàng trên đường 20A.

Đến khi địch phát hiện xe pháo ta hành quân chủ yếu trên đường 20C, 20Đ thì quay lại đánh phá ác liệt. Chúng tôi lại cho số xe nhập tuyến còn lại vượt qua đường 20A và 20B vào phía nam.

Cuộc nhập tuyến giành thắng lợi hoàn toàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 02:18:18 pm »


Sau đợt nhập tuyến, Bộ Tư lệnh phát động chiến dịch vận tải công kích. Ban đầu địch tập trung đánh phá vận tải bằng thủ đoạn tìm diệt xe hoạt động trên đường. Binh trạm cho xe đi phân tán trên các tuyến vượt khẩu bằng tốp nhỏ, giãn cách nhau, luồn qua những nơi, những lúc địch tạm ngừng đánh phá! Khi tiến công cũng như khi quay về đều hoạt động phân tán, phân đội của đồng chí anh hùng Kim Ngọc Quản hoạt động rất tốt, phổ biến nhiều kinh nghiệm chạy xe cho toàn Binh trạm học tập.

Đánh theo kiểu tìm diệt trên đường không đạt kết quả, địch thay đổi cách đánh khác.

Chúng chia tuyến vận chuyển đường 20 thành hai khu vực đánh phá khác nhau: vùng cửa khẩu chúng kết hợp B52 rải thảm với cường kích oanh tạc, khu vực phía nam chúng đánh phá bằng máy bay AC130.

Binh trạm tách ra thành hai cung ngắn: Cung phía bắc do chỉ huy sở cơ bản và tôi là Chính ủy Binh trạm trực tiếp chỉ huy; cung phía nam do sở chỉ huy tiền phương và Binh trạm trưởng trực tiếp chỉ huy. Binh trạm cũng thành lập một cụm kho và căn cứ xe trung gian, cung ngoài do tiểu đoàn xe 781 đổ hàng vào; cung trong do Tiểu đoàn xe 52 đẩy hàng vào Binh trạm 32. Cả hai cung ngắn 100% xe đi quay vòng một đêm/chuyến.

Nhờ sự phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng giữa xe, công binh, pháo cao xạ và bước đầu nắm được quy luật hoạt động của địch nên đã đẩy một khối lượng hàng lớn vào kho trung gian. Phía nam địch bắt đầu hoạt động đánh phá bằng máy bay AC130 có trang bị thiết bị khuếch đại ánh sáng mờ, sử dụng pháo 20 ly và 40 ly nã vào đoàn xe đang vận chuyển trong đêm, sức hút của Tiểu đoàn xe 52 giảm rõ rệt.

Binh trạm trưởng yêu cầu tôi vào chỉ huy cung phía nam, để Binh trạm trưởng ra chỉ huy cung phía bắc đồng thời kết hợp giải quyết một số việc cần thiết khác.

Sau khi bàn bạc thống nhất, chúng tôi quyết định thử nghiệm cho tổ chức 12 xe do đồng chí đại đội trưởng Lập chỉ huy đi công khai dưới sự đánh phá của máy bay AC130. Kết quả, xe của tôi đi đầu vào trả được hàng cho Binh trạm 32, xe của Đại đội trưởng Lập bị đánh ở cửa kho, 10 xe khác phải nằm rải rác dọc đường vì bị đạn bắn xịt lốp.

Trước tình hình đó, tôi quyết định phải thay đổi chiến thuật vận chuyển: cho bộ đội kho làm đường xương cá bí mật tiếp cận đường tuyến, tranh thủ thời điểm máy bay AC130 chưa ra hoạt động, máy bay cường kích đã rút lui, cho xe tăng tốc lực bôn tập đến khu nhận hàng của Binh trạm phía trước. Khi quân ta trả hàng xong thì máy bay AC130 ra đánh phá, ta tập kết xe vào một khu vực chờ khi máy bay AC130 kết thúc đợt hoạt động, rút về, cho xe chạy hết tốc lực, trở về căn cứ trước 6 giờ sáng.

Chiến thuật vận tải này thực hiện được trên nửa tháng, chân hàng kho trung gian tồn lại trước đó và hàng của Tiểu đoàn xe 781 tiếp tục đưa vào đã được chuyển vào Binh trạm 32 trót lọt.

Binh trạm quyết định giải thể hai cung ngắn, trở lại đi cung toàn tuyến, cùng thời gian ấy địch cũng thay đổi cách đánh trên tuyến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 02:18:56 pm »


Trong chiến dịch Lam Sơn 719 đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào nhằm cắt đứt hoàn toàn tuyến vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn, phá hủy tối đa các kho hậu cần chiến lược của ta, Mỹ tập trung đánh phá khu vực Chà Là với cường độ rất cao. Nơi đây là một con suối nhỏ chảy qua một thung lũng, có cây rừng đại ngàn, là nơi tiếp nối, gặp nhau của ba tuyến đường: 20A, 20C và 20Đ.

Nhận biết được vị trí quan trọng của Chà Là, địch huy động một lực lượng không quân lớn kết hợp B52 rải thảm và cường kích oanh tạc. Chỉ trong 10 ngày, khu vực Chà Là trở thành một bãi sa mạc, chiều rộng 3 kilômét, chiều dài 7 kilômét. Tuyến vận chuyển của ta lên phía trước bị tắc hàng nghìn xe pháo đang hành quân.

Lực lượng của binh trạm được huy động để mở một đoạn tránh dài 6 kilômét gọi là đường tránh QA4 nhưng không phát huy được bởi trên tuyến có một cái dốc quá cao.

Sau khi thị sát thực địa, chúng tôi quyết định mở con đường tránh khác bên trái đường 20A có điểm xuất phát từ lưng đèo Phu La Nhích đi qua một hẻm đá. Để mở đường với thời gian nhanh nhất, chúng tôi đã huy động lực lượng toàn binh trạm, kể cả các cơ quan và Bộ Tư lệnh Trường Sơn chi viện Tiểu đoàn công binh 87 làm nhiệm vụ xây dựng đường goòng.

Trong khi đang mở đường kín QZ25, Chỉ huy Binh trạm và Tiểu đoàn công binh 24 tổ chức một cuộc khảo sát tình hình địch đánh phá trọng điểm Chà Là. Chính ủy, tham mưu phó cầu đường, tiểu đoàn trưởng và chính trị viên Tiểu đoàn công binh 24, một số trợ lý trèo lên một núi đá độc lập giữa trọng điểm để nghiên cứu các đường bay ném bom của địch. Sau một đêm xem xét sự oanh tạc của địch thấy rằng địch đã oanh tạc tới mức cao nhất, các đường bay bổ nhào ném bom đan xen nhau gần như đã khít trên không gian. Từ đó, Binh trạm quyết định căn cứ chỗ nào chưa có hố bom, hoặc hố bom rải rác, đưa máy húc và bộc phá mở một con đường đi giữa trọng điểm Chà Là gọi là: "đường tránh túi bom" chuyển toàn bộ công binh, pháo cao xạ, trạm quân y, bếp, hậu cần bám trụ tại chỗ, tổ chức chỉ huy xe ôtô vượt qua trọng điểm Chà Là, thực hiện địch cứ đánh phá, ta cứ vận chuyển. Con đường tránh túi bom không tiếp nhận thêm hố bom mới, xe vào và xe ra an toàn, ngoài ra pháo cao xạ trụ giữa trọng điểm đánh máy bay địch "trị" được thủ đoạn ném bom bằng tia la de, tức là pháo ta cứ bám riết chiếc máy bay chiếu tia la de mà đánh, chúng bị đạn pháo bao vây nên không giữ được đường bay ổn định, bom ném xuống không chính xác.

Đường xuyên qua trọng điểm Chà Là duy trì được công việc vận chuyển nhưng không bảo đảm được lưu lượng xe lớn, Binh trạm khẩn trương đẩy nhanh việc mở đường kín QZ25 để có thêm một đường vòng tránh mới đẩy tốc độ vận chuyển hàng lên phía trước nhiều hơn.

Được thêm một tuyến đường kín QZ25 Binh trạm thực hiện chiến thuật vận chuyển kết hợp đường hở và đường kín, tranh thủ tăng thêm thời gian chạy ngày, chạy lấn sáng lấn chiều, quay vòng tăng chuyến. Đến 5 giờ chiều xe lấy hàng xong, tập kết sát đường tuyến. Sau đợt đánh phá cuối ngày của máy bay Mỹ ta cho đội hình xe lớn bôn tập đoạn đường hở từ cửa khẩu đến Nam sông Ta Lê, nếu địch chưa đến đánh thì cho một bộ phận xe đi thẳng vượt qua trọng điểm Chà Là, còn đại bộ phận chui vào tuyến đường kín, bộ phận nghi binh làm nhiệm vụ thu hút máy bay địch vào đánh phá, bảo đảm cho đoàn xe đến đích an toàn. Khi xe trả hàng xong, chỉ huy sở tiền phương đôn đốc xe quay vòng, trời sáng cho xe chạy ngày trên đường kín QZ25 tập kết ra phía bắc nghỉ ngơi, chuẩn bị kỹ thuật, ăn uống chu đáo. Đến 5 giờ chiều, dưới sự bảo vệ của pháo cao xạ yà tên lửa bôn tập về căn cứ lấy hàng và tiến hành chuyến vận tải tiếp theo. Nhờ tổ chức được quay vòng tăng chuyến nên 50% xe của Binh trạm thực hiện một ngày đêm một chuyến khép kín trên cung 2 đêm chuyến, số lượng tham gia vận chuyển tăng lên 150%, khối lượng hàng cũng được tăng theo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 02:19:32 pm »


Thấy không thể ngăn chặn được tuyến vận tải của ta trên đường 20 Quyết thắng, địch chuyển sang thực hiện một số thủ đoạn đánh phá mới. Chúng tiến hành ném bom có điều khiển vào hang đá nhằm phá hủy hàng hóa của ta cất giấu trong hang. Chúng còn cho thả bom phá có điều khiển bằng tia la de vào ngầm vượt sông. Nhưng ngầm vượt sông Ta Le là ngầm đá liền bờ Bắc và bờ Nam nên cũng không thể phá được. Chúng tăng cường máy bay bổ nhào ném bom phá đường thì bị trận địa pháo phục kích của ta bắn trực tiếp vào hướng bổ nhào của chúng, máy bay địch rơi tại chỗ. Hoảng sợ trước làn đạn pháo cao xạ của ta bủa vây, máy bay địch thường bay cao ném bom nên xác suất bom trúng mặt đường thấp.

Chúng xoay sang thủ đoạn tập kích khu vực xuất phát tiến công của ta, chặn đầu, khóa đuôi diệt gọn đoàn xe. Trong trận này có đoàn cán bộ vận tải quân sự của giải phóng quân Trung Quốc đến tham quan cửa khẩu đường 20, có ba đồng chí trong Ban chỉ huy Binh trạm (1 chính ủy và 2 binh trạm phó, nhiều lái xe) bị địch vây đánh dữ dội. Binh trạm trưởng lệnh cho khẩu đội pháo 57 ly và pháo 100 ly đánh giải vây, hất máy bay địch lên cao, hạn chế tối đa bom trúng đường, trúng xe, trúng hầm. Giữa hai đợt công kích suốt đêm ấy của máy bay địch, Binh trạm cho xe tăng tốc, đưa các đồng chí Trung Quốc ra ngoài vòng địch oanh tạc.

Qua một mùa khô đầy căng thẳng, các lực lượng trên tuyến phải đối phó với nhiều phương thức đánh phá ngăn chặn dã man, ác liệt của kẻ thù. Binh trạm 14 chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, cũng từ thực tế các hoạt động bảo đảm giao thông và vận tải hàng hóa trên tuyến với nhiều cam go, thử thách, hy sinh, hoàn thiện thêm phương cách đối phó của ta, từng bước chuyển đổi tương quan lực lượng địch ta trên tuyến, chủ động làm chủ chiến trường, đẩy mạnh công cuộc chi viện chiến lược. Đó là:

- Đối với thủ đoạn gây trọng điểm: Bộ đội công binh tổ chức trận địa chốt tại trọng điểm, sử dụng nhân lực, thuốc nổ, xe máy khắc phục nhanh hậu quả đánh phá của địch; dùng xe phóng từ phá bom từ trường. Mở đường vòng tránh giải tỏa trọng điểm. Mở nhiều trục vận chuyển khác nhau bảo đảm cầu đường liên tục thông suốt, vô hiệu hóa hoàn toàn thủ đoạn đánh phá tạo ra trọng điểm của địch. Bộ đội phòng không xây dựng trận địa tại vùng trọng điểm, nghiên cứu các thủ đoạn đánh phá của địch và cách đánh địch của ta để bắn rơi máy bay Mỹ tại chỗ hoặc máy bay Mỹ sợ bắn rơi nên ném bom không trúng đường, trúng xe. Đánh chế áp đội hình máy bay địch bằng các loại cao pháo, tên lửa, đẩy máy bay địch lên cao, ra xa ném bom không trúng đường, trúng xe. Cơ động trên đường phục kích máy bay địch bay thấp. Bộ đội thông tin xây dựng mạng lưới thông tin khép kín, khi địch oanh tạc mất liên lạc ta kịp thời xuất kích nối lại, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Các trạm điều chỉnh giao thông điều độ xe chặt chẽ, kịp thời báo cáo thường xuyên về sở chỉ huy, chuyển lệnh của sở chỉ huy nhanh chóng, chính xác. Bộ đội xe sử dụng đội hình hành tiến tập trung, đi gọn, đường thông dùng chiến thuật bôn tập, khi đường tắc dùng chiến thuật mật tập qua trọng điểm nhanh gọn nhất.

- Đối với thủ đoạn địch đánh theo kiểu: "săn tìm, đuổi diệt" xe dọc đường: Bộ đội công binh tổ chức những mũi nhọn được trang bị bộc phá, địch đánh phá gây tắc ở đâu xung kích khắc phục hậu quả ngay ở đó. Bộ đội phòng không cơ động lực lượng theo đội hình xe đánh trả máy bay địch, bố trí rải lực lượng phòng không trên dọc đường đánh địch bảo vệ đội hình xe tiến công; bộ đội xe thực hiện chiến thuật đi phân tán từng tốp nhỏ, đi trên nhiều tuyến, nhiều trục khác nhau, tránh địch oanh tạc, luồn lách vượt qua các vùng đánh phá của địch.

- Đối với thủ đoạn địch tập kích đoàn xe, chặn đầu khóa đuôi, oanh kích diệt gọn: Phướng thức đối phó của ta là khi xe hành tiến trên đường có hình dạng thùng đấu, hoặc bên ta luy dương, bên ta luy âm thì phải dãn đội hình, khi có máy bay địch nhanh chóng cho xe chui vào các khe cạn, lái xe vào ẩn nấp trong các hầm dọc đường, tổ chức pháo 57 ly, pháo 100 ly đánh cứu vây, hất máy bay địch lên cao, hạn chế tối đa bom trúng đường, trúng xe, trúng hầm. Có một phương thức đặc biệt quan trọng là thường xuyên đăng ký tổng hợp phân tích cách đánh của địch, phán đoán được bài bản đánh phá của địch trong từng ngày/đêm để tổ chức chỉ huy xe đi nơi địch chưa đánh, tránh nơi địch sắp đánh, cho xe đi giờ địch không đánh, tránh cho xe đi giờ địch sắp đánh, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch và thực hành chiến đấu binh chủng hợp thành "lấy vận tải làm trung tâm". Thông qua sức mạnh của tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng để phát huy sức mạnh tổng hợp, từng bước chuyển đổi tương quan lực lượng địch - ta thực hiện làm chủ tuyến đường trong mọi tình huống, giành thắng lợi ngày càng lớn trên mặt trận chi viện chiến lược.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 02:20:11 pm »


Ngoài việc đúc kết được "nghệ thuật chiến đấu binh chủng hợp thành lấy vận tải làm trung tâm", Binh trạm đã tổng kết được luận điểm "kết hợp tư tưởng và tổ chức". Xác định công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng là công tác hàng đầu, xây dựng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trên cơ sở quán triệt sâu sắc đặc điểm, vị trí, vai trò to lớn của tuyến chi viện chiến lược đối với sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trên cơ sở quán triệt nhiệm vụ chính trị mà phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy phong trào thi đua lập công, dám xả thân vì thắng lợi của cách mạng, vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Ở đây công tác tư tưởng phải được kết hợp, gắn liền với công tác tổ chức bao gồm cả việc xây dựng Đảng bộ, xây dựng chi bộ vững mạnh toàn diện, xây dựng đơn vị quyết thắng, đơn vị anh hùng. Xây dựng thế trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng trên tuyến vận tải, đủ sức đánh bại các âm mưu, thủ đoạn đánh phá ngăn chặn của địch, thông qua thực tiễn chiến đấu đế rèn luyện chiến thuật, kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn, coi trọng công tác chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất, bộ đội chủ động khai thác nguồn hậu cần tại chỗ để nuôi dưỡng tốt bộ đội, thương bệnh binh, tổ chức công tác đảm bảo kỹ thuật xe máy súng pháo tốt.

Binh trạm 14 đã thực hiện khá tốt luận điểm kết hợp "tư tưởng và tổ chức" nên được đoàn cán bộ cao cấp của Tổng cục Chính trị do đồng chí Hoàng Phương làm trưởng đoàn vào nghiên cứu.

Bước vào mùa khô 1971-1972, Binh trạm 14 đường 20 Quyết thắng đã là một Binh trạm mạnh toàn diện, nói lên sự trưởng thành trên nhiều mặt cả thực lực và trí tuệ.

Bộ tư lệnh Trường Sơn rút lực lượng của Binh trạm để thành lập một số đơn vị: Binh trạm 15 của anh Lê Thanh; Trung đoàn 6 công binh của anh Đỗ Xuân Diễn; thành lập Trung đoàn 8 công binh của anh Phạm Thọ và Trung đoàn cao xạ 573 của anh Đặng Tuấn Phong. Bốn đồng chí nói trên và các đồng chí cán bộ tiểu đoàn, đại đội phần lớn là cán bộ của Binh trạm 14 chuyển sang.

Trước sự điều động khá lớn của trên, nhiều đồng chí trong Binh trạm lo Binh trạm sẽ yếu đi, khó có thể hoàn thành nhiệm vụ trong mùa khô tới.

Mặc dầu sự điều động của cấp trên nhiều như thế nhưng thế và lực của Binh trạm vẫn còn mạnh, đó là 2 tiểu đoàn xe 781 và 52, 3 tiểu đoàn công binh 33, 335, 24, Tiểu đoàn cao xạ 42 (trực thuộc) và Trung đoàn cao pháo 224, Trung đoàn tên lửa 275 phối hợp, ngoài ra còn có không quân hỗ trợ lúc cần thiết; Tiểu đoàn 9 giao liên, Tiểu đoàn kho hàng, Đội điều trị 52, Trạm trung tu xe máy, Đại đội Thông tin...

Ở tuyến đường 20 này vẫn là trọng điểm đánh phá ngăn chặn của không quân Mỹ, thủ đoạn chủ yếu là gây trọng điểm từ trọng điểm đơn đến trọng điểm kép, trọng điểm liên hoàn và trọng điểm liên hoàn cực lớn. Chúng đánh theo kiểu "săn - đuổi - tìm - diệt" xe hoạt động dọc đường, giăng bẫy bom mìn hỗn hợp bằng bom nổ chậm, bom hẹn giờ, bom từ trường, bom nhiệt đới. Máy bay địch chặn đầu chặn đuôi oanh kích diệt gọn đoàn xe bằng các loại bom phá, bom cháy, bom bi. Năm 1971 không quân Mỹ thực hiện chiến thuật rải bom từ trường ở khu vực ATP và khu vực dốc Tam Đảo đường 20Đ, mỗi nơi như thế có gần 100 quả từ trường nhằm ngăn chặn vận chuyển của ta, binh trạm phải cho xe phá bom từ trường mới giải phóng được đường.

Số phi vụ, số trận oanh tạc từ cường kích đến B52, hủy diệt bao giờ cũng nhiều hơn các tuyến vận chuyển khác và do đó cũng chịu nhiều tốn thất hơn về người và phương tiện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 11:14:18 pm »


Từ ngày tôi nhận nhiệm vụ chính ủy, bí thư Đảng ủy Binh trạm 14 cho đến chuẩn bị bước vào mùa khô 1971-1972 thì ngoài các thủ đoạn đánh phá ngăn chặn nói trên, mùa khô này Mỹ có thêm cách đánh mới là dùng máy bay AC 130 trang bị thiết bị khuếch đại ánh sáng mờ dùng pháo 20 ly, 40 ly đánh vào đội hình xe vận hành trong đêm, dùng tia la de đánh vào các ngầm, đánh vào trận địa pháo của ta với xác xuất cao hơn các cách đánh trước đây. Chúng còn dùng bom gây sức ép đánh vào cửa hang đá, bị sức ép quần áo mặc trên người cũng bị vụn thành các miếng nhỏ, nên sự tổn thất của ta, sự khó khăn của ta sẽ cao hơn trước.

Điều suy tư, trăn trở day dứt của tôi lúc này là làm sao giảm được tổn thất về người, về phương tiện đến mức thấp nhất và lại hoàn thành nhiệm vụ tới mức cao nhất.

Là một chính ủy đã cùng đồng chí, đồng đội xông pha nơi bom đạn, đã từng nếm trải trực tiếp các thủ đoạn oanh tạc của địch; sự hy sinh tổn thất là cái giá phải trả để giành chiến thắng, nhưng ta hoàn toàn có khả năng giành được chiến thắng với sự hy sinh, tổn thất thấp nhất, ít nhất.

Có một vấn đề mang tính chỉ đạo tư tưởng xuyên suốt của nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến lược là phải biết kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng "chủ động tấn công và chủ động phòng tránh"; phải hiểu một cách đầy đủ nhất mối quan hệ biện chứng giữa chủ động tấn công và chủ động phòng tránh, có nghĩa là trong chủ động tấn công có bao hàm sự chủ động phòng tránh, trong chủ động phòng tránh cũng biểu hiện chủ động tấn công. Tấn công đơn thuần là hành động mù quáng, là mạo hiểm húc đầu vào đá, là mắc mưu của địch.

Chủ động phòng tránh tức là làm sao để vô hiệu hóa sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, tức là không để Mỹ đánh trúng xe, đánh trúng người, đánh trúng hàng mà đánh vào nơi không có xe, không có người, không có hàng. Muốn làm được như thế thì trước hết phải dốc tâm nghiên cứu, tổng kết cho được quy luật đánh phá của địch trên tuyến vận chuyển của Binh trạm. Nắm được âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch để chủ động đối phó với chúng là tốt nhưng chỉ dừng lại đó thì không đủ, không được mà phải tìm cho ra được quy luật đánh phá của địch, nghĩa là trong quá trình đánh phá ngăn chặn vận chuyển của ta không quân Mỹ đã tung ra những "bài bản" gì và chúng đã dùng những bài bản ấy để ngăn chặn vận chuyển chi viện của ta. Nói một cách cụ thể hơn là trong một ngày/đêm chúng đã chỉ định đánh vào đoạn nào và vào thời khắc nào trong ngày/đêm nhất là trong đêm. Khi ta nắm được quy luật đánh phá ngăn chặn của địch thì ta có thể tránh nơi địch đánh, tránh thời điểm địch đánh và như thế thì tình huống xảy ra là địch cứ đánh không đúng mục tiêu, còn ta thì cứ đi ở nơi và ở lúc không có sự đánh phá ngăn chặn của địch.

Các đơn vị cử người theo dõi chính xác sự đánh phá của địch trong khu vực mình phụ trách và báo cáo, cơ quan tác chiến tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc trong ngày, trong tuần, trong tháng, từ đó rút ra được quy luật đánh phá ngăn chặn của không quân Mỹ, bao gồm trận đánh đầu tiên ở địa đoạn nào, vào thời gian nào cho đến các trận đánh diễn ra tiếp theo của địch trong đêm đó. Khi ta thấy trận đánh đầu tiên thì ta có thể phán đoán được các trận đánh tiếp theo vào địa đoạn nào, vào thời gian nào để ta chủ động tấn công và chủ động phòng tránh. Việc tìm ra quy luật đánh phá, tìm ra các bài bản đánh phá của địch phải trải qua mấy năm vật lộn với chúng mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Vào ban đêm tôi thường xuyên có mặt ở sở chỉ huy cơ bản, hoặc sở chỉ huy tiền phương, dự đoán hôm nay địch sẽ oanh tạc ở đâu vào khoảng thời gian nào để dự kiến phương án vận chuyển, chỉ huy đoàn xe tiến công. Chờ lúc địch mở màn trận đánh đầu tiên thì chuyển từ phương án dự đoán thành phương án chính thức để chỉ huy chuyến vận chuyển. Sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần như thế, trùng hợp đến mức tối đa mới kết luận thành quy luật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2016, 11:15:33 pm »


Mùa khô 1971-1972 Binh trạm đã đi sâu về vấn đề này rồi, về cơ bản chúng tôi đã dựa vào việc nắm quy luật đánh phá thực tế của địch để điều hành vận chuyển và giảm được rất nhiều tổn thất xe và người trên đường vận chuyển (chỉ bị bất ngờ khi địch gây trọng điểm Chà Là và địch ném bom điều khiển vào hang Ka Tốc).

Trong buổi gặp đồng chí Nguyễn Quang Bích - Phó tư lệnh phụ trách tác chiến phòng không đến làm việc với ban chỉ huy Binh trạm 14 trên đường 20 và trong Hội nghị tổng kết mùa khô 1970-1971, tôi đã báo cáo về quy luật đánh phá của không quân Mỹ trên đường 20.

Về bố trí thế trận cầu đường: Trong mùa khô này Binh trạm bố trí một thế trận cầu đường mới: Ngoài các tuyến 20A, 20B, 20C, 20Đ, đường kín QZ25 chúng tôi mở thêm tuyến 20K phía trái tuyến 20E, vượt sông Ta Lê kéo dài vào Lùm Bùm. Mở thêm một tuyến đường kín QA7 phía phải đường 20A nối với đường 129B, rào đường 129B thành đường kín nối liền với đường kín 128C của Binh trạm 32. Khôi phục lại đường tránh túi bom nằm trong lòng trọng điểm Chà Là, đường này tuy có dài hơn nhưng xe đi an toàn tuyệt đối.

Thế trận cầu đường này nhằm mục đích nếu địch gây trọng điểm ở nút cửa khẩu Km 68 - Km 69 thì có đường vòng tránh 20K, 20E, đường 20K đầu nút ở Km 54 đường 20A, cách Km 69-15 kilômét, đó là một đường vòng tránh tốt.

Địch gây lại trọng điểm ở khu vực Ka Tốc thì có đường 20E. Tuyến này đi bên trái đường 20B, cũng là một đường vòng tránh tốt.

Nếu địch gây lại trọng điểm Chà Là - Phu La Nhích - Tam Đảo thì có đường kín QZ25 và đường tránh túi bom đi an toàn trong lòng trọng điểm Chà Là. Nếu địch đánh theo kiểu "săn đuổi" tìm diệt xe hoạt động trên đường vận chuyển thì thực hiện chiến thuật cho xe đi phân tán từng tốp nhỏ trên nhiều tuyến khác nhau, tránh nơi và giờ địch tập kích.

Địch thực hiện thủ đoạn tập kích đoàn xe theo kiểu chặn đầu, chặn đuôi oanh kích diệt gọn thì khi xe đi trên các đoạn đường có hình dáng thùng đấu, bên ta luy dương bên ta luy âm thì ta dãn đội hình ra, gặp địch oanh tạc thì nhanh chóng cho xe chui vào các khe cạn, lái xe vào trú các hầm, chỉ huy pháo 57 ly và 100 ly phối hợp với tên lửa đánh cứu vây, hất máy bay địch lên cao, ra xa ném bom không trúng mục tiêu.

Nếu địch đánh phá theo kiểu ngăn chặn từng đoạn trên đường theo quy luật từ ngoài đánh vào trong đánh ra thì ta cho xe chủ động tránh nơi địch oanh tạc và giờ địch ngăn chặn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM