Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 03:19:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1  (Đọc 38979 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 03:32:22 pm »


Từ khi khai thông trọng điểm Xiêng Phan, dù địch vẫn tiếp tục đánh phá với cường độ không giảm - không chỉ đánh tập trung vào 2 cây số men theo chân núi đá mà còn đánh suốt 10 cây số chiều dài trọng điểm; nhưng không còn thế độc đạo nên vận chuyển không bị ngưng, địch đánh đường chính ta đi đường tránh và ngược lại. Công binh túc trực khắc phục kịp thời. Đêm đêm xe vẫn vào ra đều đều. Có những ngày địch đánh suốt chiều dài trọng điểm, sườn núi sụt lở một khối lượng đất đá rất lớn. Anh em công binh có khẩu hiệu: "Hạn chế tắc giờ, không để tắc đêm". Tuy vậy có đêm phải gần bốn giờ sáng mới thông đường. Có mặt tại hiện trường lúc đó, anh em chúng tôi như đứng ngồi trên lửa. Trời gần sáng, trong khi gần một trăm chiếc xe nặng hàng của Tiểu đoàn 101 do anh Phạm Văn Thi - Tiểu đoàn trưởng và anh Hoàng Hồ làm chính trị viên chỉ huy dàn đội hình ở bắc trọng điểm, chờ lệnh thông đường. Quả là "tiến thoái lưỡng nan". Quay về thì trời sáng, mà xe chẳng kịp về tới bãi tập kết giấu xe, sẽ làm mồi cho máy bay Mỹ. Chỉ có vượt nhanh, họa chăng xe, hàng mới tới kho an toàn. Năm ba cái đầu chụm lại bên ngọn đèn hạt đỗ trong căn hầm chữ A trên trọng điểm, bàn đi, tính lại cuối cùng chúng tôi quyết định, bằng mọi giá phải cho xe vượt trọng điểm. Liền đó, Ban chỉ huy binh trạm lệnh cho công binh bám đường, túc trực cứu kéo kịp thời, các trạm chỉ huy giao thông phối hợp nhịp nhàng, lực lượng kho chủ động đón xe, bốc dỡ hàng nhanh gọn và đặc biệt pháo phòng không tập trung hỏa lực đánh máy bay địch, bảo vệ đội hình xe. Toàn binh trạm hiệp đồng chặt chẽ, như một guồng máy, một dây chuyền mang tính công nghiệp. Đường thông, trời tảng sáng; cả đoàn xe vượt trọng điểm an toàn. Nhìn đoàn xe như lùm cây di động dần xa trọng điểm, anh Đặng Ba nhìn anh Kỷ và tôi, thở phào nhẹ nhõm.

Cũng để tăng cường lực lượng đánh địch, bảo vệ vận chuyển, tháng 11 năm 1968, Bộ Tư lệnh bổ sung cho Binh trạm 31 Trung đoàn phòng không 84, trang bị pháo 37 và 57 ly. Trung đoàn trưởng là anh Nguyễn Văn Thành, Chính ủy là anh Phạm Trang. Anh Phạm Trang cùng quê với tôi. Trong Cách mạng tháng Tám, anh Phạm Trang là Chủ tịch huyện Đức Phổ; kháng chiến bùng nổ, anh tham gia quân đội và những ngày đầu kháng chiến đã là Chính trị viên tiểu đoàn. Bạn bè cùng quê, lại gặp nhau ở "tọa độ lửa", tình càng đậm.

Chỉ huy sở Trung đoàn 84 đóng gần sở chỉ huy Binh trạm. Một phần lực lượng được bố trí bảo vệ khu kho 050 và trục đường bắc Xiêng Phan; một tiểu đoàn cơ động đánh địch, bảo vệ vận chuyển trên đường 12B. Cũng trên tuyến đường này, chúng tôi bố trí Trung đoàn 83 công binh do đồng chí Cường làm Trung đoàn trưởng, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông, mở đường, chuẩn bị lắp đường ống xăng dầu vào bắc Xóm Péng.

Từ tháng 12, hoạt động vận chuyển nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Ban chỉ huy binh trạm quyết định đưa Tiểu đoàn 2 công binh vào thay một phần vị trí đảm trách của Tiểu đoàn 25 - quãng từ 050 vào bắc Xiêng Phan; để Tiểu đoàn 25 tập trung cho quãng từ Xiêng Phan vào nam Pác Pha Năng. Về lực lượng vận tải, chúng tôi sử dụng cả hai tiểu đoàn ô tô 101 và 990 chạy theo đường 128 qua Xiêng Phan vào giao hàng cho Tiểu đoàn 53 tại Xóm Péng, còn Tiểu đoàn 53 chuyển hàng từ đó vào giao cho Binh trạm 32 ở Lùm Bùm - bắc đường 9.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 03:32:43 pm »


Trong chiến đấu trên Tuyến 559, tư tưởng tiến công được quán triệt vận dụng vào từng binh chủng với những nội dung cụ thể khác nhau. Với nguyên tắc lấy bộ đội vận tải cơ giới làm trung tâm, các binh chủng khác, có nhiệm vụ chiến đấu bảo đảm cho xe chuyển hàng ra phía trước, nên tư tưởng tiến công của bộ đội phòng không là "quay nòng pháo theo bánh xe lăn, bảo vệ xe, bảo vệ hàng, bảo vệ trọng điểm, đánh tiêu diệt, bám trụ trọng điểm". Nhưng với Trung đoàn phòng không 84, do mới vào tuyến, anh em vẫn trung thành với tư tưởng chỉ đạo đánh tiêu diệt của Quân chủng Phòng không - Không quân. Do đó, khi giao nhiệm vụ cơ động pháo theo đội hình xe vận chuyển để đánh địch, thì một số anh em phần vì chưa thật thông suốt, phần vì chưa quen, nên hiệu suất chiến đấu thấp. Chỉ khi chứng kiến Tiểu đoàn 14 và Tiểu đoàn 6 phòng không của Binh trạm đánh tốt, bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo vệ trọng điểm, kho tàng và đội hình xe vận chuyển, chỉ huy Trung đoàn 84 mới chịu.

Kết thúc thắng lợi nhiệm vụ mùa khô 1968-1969, trong buổi họp mặt để chia tay Trung đoàn 84, Ban chỉ huy Trung đoàn 84 hoàn toàn nhất trí với chúng tôi về tư tưởng tiến công và cách đánh tiêu diệt địch, mỗi chiến trường có nhiệm vụ và cách đánh riêng, phù hợp với đặc điểm chiến trường đó. Đối với hai tiểu đoàn cao xạ trực thuộc, trước khi về Binh trạm 31, Tiểu đoàn 14 chiến đấu hiệu suất chưa cao. Nhưng do nhanh chóng rút kinh nghiệm, đơn vị đã đánh tốt, thắng giờn giã, bắn rơi 15 máy bay trong một mùa khô, bảo vệ được xe, kho tàng. Tiểu đoàn 6 cao xạ cũng nhanh chóng "nhập cuộc" và từng bước làm chủ tình hình.

Vào một ngày đầu tháng 12 năm 1968, tôi cùng một vài cán bộ tham mưu của Binh trạm xuống nắm tình hình chiến đấu của Tiểu đoàn 6. Sở chỉ huy tiểu đoàn đóng trên một đỉnh đồi ở giữa đội hình ba đại đội đang bảo vệ đội hình vận tải, kho 49, cung đường phía nam Xiêng Phan và Sở chỉ huy binh trạm (lúc này Sở chỉ huy Binh trạm đã chuyển vào một dãy núi có nhiều hang động, cách kho K49 chừng 2 cây số, gần trục đường 128). Chúng tôi xuống tới Sở chỉ huy tiểu đoàn đúng vào lúc máy bay trinh sát của địch phát hiện được trận "địa của Đại đội 1, đang chỉ điểm cho bọn cường kích tiến công, hòng "hót sạch" trận địa pháo. Mặc dù trận địa pháo Đại đội 2 và Đại đội 3 chưa bị lộ nhưng nếu cứ "án binh bất động" để bảo toàn lực lượng, chắc chắn địch sẽ "xơi" gọn Đại đội 1. Không chần chừ, qua trao đổi chớp nhoáng, tôi chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Văn Tú - Tiểu đoàn trưởng lệnh cho Đại đội 2 và Đại đội 3 tập trung hỏa lực phối hợp đánh địch. Đồng thời, tôi điện ngay về Sở chỉ huy binh trạm đề nghị anh Đặng Ba cho khẩu cao xạ 100 ly chốt ở khu vực Na Tông đánh hỗ trợ. Gặp hỏa lực pháo 57 ly, 100 ly đánh khá dữ, từng tốp F4, F5 không dám bổ nhào thấp, phải dãn ra, ném bom ở tầm cao, xác suất trúng mục tiêu rất thấp. Có đợt, bom rơi trúng trận địa pháo, khói bụi trùm kín một vùng. Từ trên đài chỉ huy tôi không khỏi lo ngại. Hỏng rồi. Nhưng, khi máy bay địch bỗ nhào tiếp, thì từ trong đám khói đen đặc đó, từng chùm đạn pháo vọt lên loang loáng, tiếng nổ gọn, đanh. Thật cảm phục tinh thần chiến đấu quả cảm của những người lính phòng không. Với trận đánh đó, Tiểu đoàn 6 bắn rơi hai máy bay. Ta hy sinh hai, bị thương ba đồng chí, hỏng hai khẩu pháo 37 ly. Nhưng cũng tại trận địa này, trong một trận chiến ác liệt sau đó, đồng chí Tú - Tiểu đoàn trương Tiểu đoàn 6 đã anh dũng hy sinh trên đài chỉ huy. Được tin Tiểu đoàn báo về, anh Đặng Ba và tôi lặng người, tiếc thương vô hạn một cán bộ tiểu đoàn dũng cảm, năng động và sống rất mực tình cảm, trách nhiệm với đồng chí, đồng đội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 03:33:21 pm »


*

Thực tiễn chiến trường từ cuối năm 1968 đúng với những nhận định của Bộ Tư lệnh 559, từ đầu mùa khô, địch gần như dồn hết đạn bom để hòng hủy diệt, chặn các tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Mọi thành tựu của nền khoa học công nghệ quân sự phi nhân tính của Hoa Kỳ đã được thực nghiệm ở Trường Sơn - Việt Nam lúc này. Không chỉ bom tấn, bom tạ, chất độc khai quang, mà cả hàng tá kiểu loại mìn để sát thương con người hiệu quả nhất đã được địch rải dày trên từng trọng điểm, từng lối mòn. Có lần địch thả mìn vướng dày đặc, vây chặt cả đại đội cao xạ trên đỉnh đồi. Là loại mìn mới, anh em chưa hề tháo gỡ, hễ đụng tới là thương vong. Chỉ khi Ban chỉ huy binh trạm phái công binh tới "giải tỏa", bộ đội mới có đường xuống suối lấy nước.

Hoạt động trinh sát của địch bằng máy bay cũng vô cùng lợi hại. Máy bay OV10, OV2, C130 của địch thay nhau quần lượn vè vè suốt ngày, giương những cặp mắt cú vọ, xoi mới, lùng sục các khu vực tác nghiệp, kho tàng, trạm bãi giao liên của ta. Chỉ mấy tháng mùa khô này mà Sở chỉ huy binh trạm đã không ít lần trúng bom. Khi sở chỉ huy ở trong hang Na Tông đã mấy lần dính bom ở bên cạnh, thậm chí có lần bom nổ trên nóc hang, nhưng may không sập; sau khi chuyển vào gần khu kho K49 cũng bị đánh mấy lần, song thương vong rất ít. Duy nhất một lần, thượng úy Nguyễn Văn Bé vừa đi công tác về bị bom phạt đứt hai chân. Toàn bộ y, bác sĩ của binh trạm tập trung cứu chữa, giành giật với tử thần mạng sống của đồng đội. Sau ba lần phẫu thuật, phải cắt gần hết cả hai chân mới cứu sống được Bé. Cán bộ, chiến sĩ cơ quan binh trạm góp nhóp từng con gà, chim rừng, nấu lấy nước để nuôi anh. Hôm chuyển anh về tuyến sau, không ai trong chúng tôi cầm lòng nổi khi nghe Bé nói: Anh quyết sống một phần vì anh và một phần vì nghĩa tình đồng đội.

Địa phận thuộc Tiểu đoàn 27 công binh phụ trách (trục đường 128 từ ngã ba Xóm Péng vào Lùm Bùm và đường 129 vào kho K3 - Binh trạm 32), mặc dầu cường độ đánh phá của địch không dữ như khu vực 050, Xiêng Phan, Pác Pha Năng - nơi Tiểu đoàn 25 công binh và Tiểu đoàn 2 công binh phụ trách; nhưng cũng vô cùng ác liệt. Bom từ trường, bom nổ chậm, mìn vướng, mìn lá nhan nhản dọc các trục đường, trong rừng; dày đặc ở những cao điểm, bến vượt sông suối, những nơi mà chúng nghi ta trú quân hoặc có kho tàng. Vì bom mìn dày đặc và kẻ địch thường xuyên cải tiến, "nâng cấp" các sản phẩm giết người này, nên chúng ta gặp không ít khó khăn, thương vong. Sau khi tìm được nguyên lý gây nổ, anh Chu Thế Kỳ - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 27 đã trực tiếp cùng một tổ công binh dùng gậy, sào chọc cho mìn vướng nổ và nhặt mìn lá tập trung lại đốt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 03:33:51 pm »


Qua nghiên cứu, tìm hiểu các thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn của không quân Mỹ, chúng tôi thấy: Nếu như mùa khô trước, địch chủ yếu đánh bằng bom phá, bom sát thương, bom bi, thì mùa khô này, địch sử dụng phổ biến các loại bom nổ chậm, bom từ trường, mìn vướng nổ, mìn lá, mìn "răng rồng". Thủ đoạn đánh phá của chúng là ném bom phá, hủy hoại đường trước; tiếp đó thả bom bi, bom từ trường và cuối cùng là mìn vướng, mìn lá... nhằm cản trở ta khắc phục hậu quả đánh phá, ngăn cản đội hình xe, gây sát thương lớn cho ta. Đặc biệt nguy hiểm lúc này là địch rải dọc các trục đường, khắp các triền rừng hàng vạn khí tài trinh sát điện tử, gồm các loại cảm ứng âm thanh có dù với tên gọi là Spike bouy; máy cảm ứng địa chấn có bộ ăng ten râu giống như cây thông, được gọi là "cây nhiệt đới", thả cắm xuống đất lẫn với cây rừng để thu chấn động của đất và máy cảm ứng hỗn hợp cả âm thanh và chấn động có tên là Acousid, khi rơi xuống thường vướng vào cành cây. Các loại khí tài này khi bắt được mục tiêu, lập tức phát tín hiệu báo cho máy bay đến đánh.

Theo hướng dẫn của cơ quan kỹ thuật công binh, chúng tôi đã chỉ đạo, tổ chức cho anh em dò tìm và áp dụng mọi phương cách để phá bom mìn, ví như dùng khung dây phá bom từ trường, chọc nổ mìn vướng, gom đốt mìn lá...

Giúp bộ đội Trường Sơn khắc phục - phá các loại khí tài giết người tối tân của địch, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã tung vào tuyến một lực lượng khá đông đảo các nhà khoa học kỹ thuật quân sự, chủ yếu là cán bộ Viện Kỹ thuật quân sự - các anh Hoàng Đình Phu, Hoàng Đức Dụ, Chử Ngọc Bích, Thái Quang Sa, Nhâm Xuân Coóng... Đầu năm 1969, Bộ còn đưa vào tuyến một loại khí tài phá bom từ trường do ta mới nghiên cứu chế tạo là xe phóng từ. Binh trạm 31 cũng được trang bị loại khí tài này. Khi xe phóng từ hoạt động ở những quãng đường thẳng, diện tiếp xúc rộng, xa thì hiệu quả phá nổ tốt. Nhưng ở trường hợp xe đi qua cua hẹp, từ bị cản, sự kích thích nổ hạn chế, bom có thể nổ gần, xe dễ bị hỏng và người dễ bị thương vong.

Có lần tôi xuống Xiêng Phan kiểm tra tổ xe phóng từ phá bom từ trường ở trọng điểm này. Do địa hình phức tạp, anh em không cho tôi đi cùng xe mà chỉ đứng quan sát từ xa. Ở quãng đường thẳng, xe gây nổ liên tiếp mấy quả rất gọn ghẽ; nhưng vào cua hẹp, bất ngờ một tiếng nổ dữ dội, rất gần, hất xe văng ra xa chừng 5 mét. Tổ ứng cứu có mặt kịp thời, chúng tôi cùng lao đến. Rất may, người trong xe bị sây sát chút ít. Còn xe thì bị hất nghiêng, nắp buồng lái và đầu xe móp méo, dúm dó. Khi máy húc đến lật lại, xe từ lại hoạt động bình thường. Mấy anh em trong tổ lái mặt mũi nhom nhem, nhìn chiếc xe, cười "thả phanh" và nói với tôi: Với bọn em, chuyện này như cơm bữa Chính ủy ạ. Chỉ buồn cười là xe của chúng em bây giờ giống hệt con lợn bị cắt tai... Ôi, cái hồn nhiên, nghịch ngợm của những người lính trẻ Trường Sơn lúc đó mới quý làm sao!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 03:34:26 pm »


Tổ chức bảo đảm giao thông, tổ chức cho đội hình vận tải cơ giới vượt trọng điểm đèo dốc đã khó, nhưng đối với các ngầm, bến phà, nhiệm vụ đó càng khó khăn hơn. Bởi lẽ cùng một lượng bom đạn nhưng nếu trúng ngầm, sự hủy hoại sẽ gấp nhiều lần ở địa hình đèo dốc, và dĩ nhiên để khắc phục được đòi hỏi nhiều công sức hơn. Ở Binh trạm 31 có hai ngầm ở thượng và hạ lưu sông Pác Pha Năng là hai trọng điểm đánh phá của địch. Anh Nguyễn Bửu Ký - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 25 đã có sáng kiến làm cầu chìm dưới mặt nước chừng hơn nửa mét ở quãng sông tương đối rộng, mớn nước không lớn và tổ chức ngụy trang kỹ đường hai đầu cầu. Bởi vậy suốt mùa khô này, xe vẫn vượt sông bình thường mà máy bay trinh sát của địch không thấy cầu phà, bến vượt.

Không thực hiện được âm mưu hủy diệt khu vực vượt khẩu, từ đầu năm 1969 địch chuyển sang đánh rộng ra toàn tuyến. Cường độ đánh phá của không quân địch ở địa bàn Binh trạm 31 có giảm so với trước, nhưng ở Xiêng Phan, khu vực 050, Pác Pha Năng... không ngày nào không có tiếng bom. Với Xiêng Phan, chỉ trong vòng hơn 100 ngày đêm đầu mùa khô này, máy bay địch đã đánh 1.972 trận, ném 125 nghìn quả bom. Cao điểm, trong một ngày, địch đã sử dụng 50 lần máy bay B52 ném bom rải thảm - không kể cường kích đánh xen kẽ. Nếu chia đều cho lực lượng chốt giữ trọng điểm này, thì mỗi người lính phải hứng chịu trên 1.000 quả. Núi đồi có thể thành bình địa, sông Sê Băng Phai chảy qua đây có thể bị đất đá lấp đầy; cỏ cây bị khai quang..., nhưng những người lính Binh trạm 31 vẫn trụ bám kiên cường. Để rồi, đêm đêm những đoàn xe lại vượt trọng điểm tiến về Nam - tiến về phía trước theo ánh lửa được thắp lên từ trái tim những người lính Trường Sơn.

Ở địa bàn trọng yếu của tuyến, ở những "cửa tử” này, không chỉ tập kích bằng đường không, kẻ địch còn cho biệt kích, thám báo, bộ binh đánh phá. Có lần địch đổ một lực lượng khá lớn biệt kích xuống dãy Phu Át có độ cao 1.000 mét, nằm ở tây bắc huyện Lằng Khằng, trinh sát hoạt động của ta, vừa chỉ điểm cho máy bay, vừa phối hợp đánh phá ta. Phát hiện hoạt động của địch, chúng tôi kịp thời lệnh cho Đại đội 1 bộ binh trực thuộc Binh trạm phối hợp với lực lượng vũ trang bạn Lào truy lùng diệt gọn.

Cùng với hoạt động trinh sát đường không, lực lượng biệt kích, thám báo của địch săn tìm vị trí đặt sở chỉ huy, kho tàng, bãi giấu xe, trận địa cao xạ... cũng gây cho ta vô vàn khó khăn. Địa bàn từ Cổng Trời (khu vực 050) đến ngầm Na Tông dài chừng 25 cây số, rộng từ 7 đến 8 cây số là khu rừng rậm, xen kẽ núi đá có nhiều hang động, đã được Bộ Tư lệnh 559 cho xây dựng thành khu kho cơ bản có sức chứa từ 5.000 đến 10.000 tấn hàng và là nơi trú đậu từ một đến hai tiểu đoàn xe. Vì vậy địch tập trung mọi lực lượng, phương tiện soi mới, săn lùng, đánh phá. Có lần địch đánh vào giữa cánh rừng già. Lại có lần, phát hiện xe của Binh trạm 12 từ 050 vào trả hàng muộn, chúng tập trung máy bay đuổi đánh, xe cháy, hàng cháy. Sau lần đó, chúng đánh khu kho 050 hàng tuần liền, đánh sập một hang núi chứa 1.000 tấn vũ khí, đạn. Binh trạm tập trung lực lượng đào bới gần nửa tháng mới lấy hết số súng đạn đó. Được tin, Bộ Tư lệnh 559 cử Tham mưu trưởng Nguyễn Lang trực tiếp chỉ đạo củng cố kho tàng. Và cũng chính những ngày lưu lại khu kho 050, anh Nguyễn Lang dính B52 rải thảm. May mắn là bom nổ gần hầm anh trú, lấp cửa hầm, nhưng anh em moi, đưa anh lên kịp.

Trong chiến đấu, đặc biệt là chiến đấu với kẻ thù là đế quốc Mỹ, chuyện thắng và tổn thất là chuyện thường; cũng như trong lãnh đạo, chỉ huy có đúng, có sai là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu thiếu sự hiệp đồng giữa các lực lượng, các đơn vị - đặc biệt là sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cấp lãnh đạo, chỉ huy từ cấp binh trạm (trung đoàn) trở lên để cùng hoàn thành nhiệm vụ chung, thì vô tình sẽ gây khó khăn cho nhau, thậm chí gây thiệt hại về người và vật chất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 03:35:01 pm »



Mùa khô này, Binh trạm 12 thuộc Bộ Tư lệnh 500 có nhiệm vụ chuyển hàng giao cho Binh trạm 31 chúng tôi ở cung độ sâu hơn. Đây là quyết định đầy tính thiện chí của Tổng cục Hậu cần và Bộ Tổng Tư lệnh, nhằm "chia lửa", vơi đỡ một phần cho Bộ Tư lệnh 559. Nhưng lúc này Binh trạm 31 đang bị địch đánh vô cùng ác liệt. Hầu như các trục đường, kho tàng, sở chỉ huy, bãi giấu xe... đều bị máy bay địch oanh tạc. Người cũng như xe bị tổn thất, việc vận chuyển hàng lên phía trước cho Binh trạm 32 bị ngưng trệ. Toàn Binh trạm 31 đang dồn sức tháo gỡ ách tắc, đặc biệt là giải tỏa trọng điểm Xiêng Phan.

Nhận thông báo của trên, chúng tôi báo cáo ngay lên Bộ Tư lệnh đề nghị Binh trạm 12 tạm ngừng chuyển hàng vào. Khi nào đường thông, tình hình khá hơn, chúng tôi sẽ tiếp nhận khôug hạn chế. Nhưng rồi có thể đề đạt của chúng tôi không thấu tới đơn vị bạn, hoặc do ở tuyến ngoài, Binh trạm 12 không bị địch đánh dữ, nên vẫn tới tấp chuyển hàng vào. Thường thì thấy hàng vào nhiều, cán binh đều vui, nhưng lúc này anh em chúng tôi như đứng ngồi trên than, trên lửa. Do không đủ kho, hang để nhập, anh em lái xe cứ đổ hàng xuống hai bên đường... Hậu quả là bị địch đánh cháy khá nhiều. Việc anh Nguyễn Lang xuống trực tiếp kiểm tra Binh trạm 31, một phần cũng vì chuyện đó. Kết thúc mùa khô 1968-1969, Binh trạm 12 vẫn được biểu dương là hoàn thành tốt nhiệm vụ, đẩy nhiều hàng lên phía trước. Được tin đó, tôi cảm thấy xót xa. Trách nhiệm để tổn thất hàng, một phần thuộc về mình, đơn vị mình. Một hạt gạo, viên đạn vào tới cửa khẩu cũng đã đánh đổi bao mồ hôi xương máu của người hậu phương, của những chiến sĩ trên tuyến vận tải; để rồi lại thành tro, thành lửa. Nhưng, trong tổn thất, nguyên do chính là "tự ta làm khó cho mình". Một dây chuyền cần sự vận hành thống nhất, chúng ta lại tạo nên những nhát cắt không cần thiết. Kéo dài sự tồn tại Tuyến 559 độc lập với Tuyến 500, dĩ nhiên là nguyên cớ sâu xa cho việc thiếu đồng bộ, gây tổn thất đáng kể này. Cũng vì lý do đó, chỉ một thời gian sau, Tuyến 500 được sáp nhập vào Tuyến 559, và những trục trặc như trên được khắc phục cơ bản.

Một chiến công đáng kể của Binh trạm 31 trong mùa khô này là đã hoàn thành mạng đường ống xăng dầu từ Minh Hóa (Quảng Bình) vào tới Xóm Péng, nối dài tuyến đường ống chiến lược từ hậu phương miền Bắc vào địa bàn Tuyến 559, bảo đảm cung cấp xăng dầu cho Binh trạm và chuyển tiếp cho các binh trạm tuyến trong. Đây là tuyến đường ống đầu tiên trên địa bàn 559. Cuối năm 1969, Bộ Tư lệnh 559 lắp đặt tuyến đường ống thứ hai theo trục đường 18 từ Ra Mai, Pha Băng Nưa vào Bản Cọ, Sê Pôn (bắc đường 9). Ngày 22 tháng 12 năm 1969, đúng vào lễ kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chủ trì lễ khánh thành tuyến đường ống thứ hai này. Từ thành công của hai tuyến ống ban đầu này, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh 559 quyết tâm hoàn chỉnh tuyến đường ống xăng dầu suốt tuyến trong những năm sau. Đưa đường ống xăng dầu vào tuyến, Bộ đội Trường Sơn có thêm một phương thức vận chuyển xăng dầu mới, hiện đại, thêm một binh chủng mới, khắc phục được tổn thất lớn về xăng dầu do phải sử dụng ô tô vận chuyển bằng phuy hoặc xi-téc. Đây là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm cho vận tải hàng hóa bằng cơ giới và cơ động binh chủng kỹ thuật quy mô lớn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 03:35:23 pm »


Cùng với lực lượng công binh, vận tải, phòng không..., góp phần làm nên thành tích của Binh trạm trong mùa khô này, còn phải kể đến những người lính giao liên. Bất chấp bom đạn, các trạm giao liên vẫn tổ chức đưa đón, đảm bảo cho bộ đội hành quân qua tuyến an toàn. Bộ đội đói, giao liên chưa được nghỉ. Bộ đội chưa có chỗ nghỉ, giao liên còn phải lo. Nhường thuận lợi cho bộ đội hành quân, nhận khó khăn, thiếu thốn về mình... là nét đẹp thầm lặng, sự hy sinh vô bờ bến của những cán bộ, chiến sĩ hậu cần, giao liên.

Trên lĩnh vực phối hợp chiến đấu, giúp bạn, Binh trạm 31 có nhiệm vụ giúp huyện Lằng Khằng, tỉnh Khăm Muộn và các xã có đường ô tô đi qua. Binh trạm tổ chức bốn đội công tác và một đại đội bộ binh phối hợp cùng bạn đánh địch, đồng thời giúp bạn xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang.

Có thể nói, từ cuối năm 1964 - đầu năm 1965, khi ta chủ trương "lật cánh" sang Tây Trường Sơn, phát triển vận tải cơ giới quy mô lớn, đường ô tô "xẻ dọc, dọc ngang" đã có không ít bản Lào dành nương vườn cho bộ đội Việt Nam mở đường, lập tuyến. Dân bạn lại bồng bế, dắt díu nhau tìm lập bản mới. "Lửa thử vàng” - càng trong khó khăn mới thấy sáng lên tình nghĩa thủy chung son sắt Việt - Lào. Để đáp lại nghĩa tình của bạn, ngoài phối hợp với cán bộ huyện giúp bạn xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở, đánh địch, chúng tôi còn giúp bạn tổ chức sản xuất, cung cấp hạt giống, đỡ đần một phần gạo, muối... khi bạn gặp khó khăn; chữa bệnh cho dân... Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ này mà bạn đã giúp chúng tôi kịp thời phát hiện, tiêu diệt lực lượng biệt kích, thám báo của địch đổ xuống dãy Phu Át.

Trong giúp bạn xây dựng cơ sở, mùa khô này, một tổ công tác của Binh trạm đã phát hiện Sao Đi - một thiếu nữ Lào bị bệnh phong. Trước sức ép của tập tục ác nghiệt, nặng nề của bản làng, của địa phương, gia đình buộc phải đưa Sao Đi vào sống biệt lập ở trong rừng. Khi hai chiến sĩ của ta bắt gặp, Sao Đi đã như người rừng, mình vấn lá cây, thịt da lở loét.

Mặc dù bị cô phản ứng quyết liệt, nhưng anh em gắng sức thuyết phục, báo cho quân y sĩ của binh trạm, của Tiểu đoàn 25 công binh gắng sức nuôi dưỡng, chạy chữa. Và từ cõi chết, Sao Đi đã trở về với tuổi xuân tràn trề sức sống. Cô được học chữ, được học nghề y. Khi Sao Đi trở về bản, người thân trong gia đình không tin là sự thật, ngỡ là “bóng ma - hồn thiêng" của cô hiện về. Sau này Sao Đi trở thành một cán bộ cấp huyện giỏi của huyện Lằng Khằng. Báo Trường Sơn, cùng với một vài phương tiện thông tin đại chúng của ta hồi đó cũng có đề cập đến câu chuyện Sao Đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 03:36:36 pm »


Với mùa khô này - mùa khô khốc liệt nhất ở cửa khẩu, biết bao công việc phải lo, phải làm, để những trăm, nghìn... quân vào chiến trường, để hàng nghìn tấn hàng ra phía trước, nhưng chúng tôi vẫn tổ chức đội văn nghệ biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ binh trạm; động viên các đơn vị chăm lo đời sống tinh thần cho bộ đội. Chỉ có thể sống trọn, sống cùng những người lính một thời lửa đạn, bi hùng ngày ấy, nơi ấy, mới hiểu được phần nào mấy chữ "tiếng hát át tiếng bom". Thời gian tôi ở Binh trạm 31, có một số đoàn văn công Trung ương và của tỉnh Quảng Bình vào phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong. Nhiều nhà báo, nhà văn từ hậu phương vào đưa tin, lấy chất liệu thực tiễn để sáng tác; Tổng cục Chính trị cử một tổ làm phim do đồng chí Xuân phụ trách vào công tác. Tôi đã trực tiếp dẫn tổ làm phim xuống Xiêng Phan, ghi được một trận địch đánh trọng điểm với bom rơi, lửa đạn ngùn ngụt, cây cối ngổn ngang tưa tướp, sườn núi sụt lở... Và sau đó là cảnh công binh phá bom nổ chậm, khắc phục hậu quả...

Hoạt động văn hóa, văn nghệ không thể nói là phong phú, đa dạng, nhưng cũng lắm kiểu. Tuy vậy xúc động nhất vẫn là những buổi "diễn" của đội văn nghệ binh trạm. Diễn viên là những người lính công binh, những nam nữ thanh niên xung phong gạt vội bùn đất trên đầu, trên mặt, không son phấn; trang phục chỉ là bộ quân phục tươm tất, lành lặn mà thôi. Sàn diễn là bãi trú quân. Diễn viên, khán giả không ranh giới. Từ những "sàn diễn" đó, biết bao ,khúc ca, bài thơ vừa bốc lửa, vừa đượm tình đã gây xúc động cho người nghe, như: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Bài ca Trường Sơn... "Diễn viên" cùng khán giả rất mê những bài hát, bài thơ của chính người lính Trường Sơn; ví như: Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Niềm vui bám trụ của Trọng Khoát... Đặc biệt bài thơ "Nghe tiếng bom ở Seng Phan" của anh Phạm Tiến Duật, thực sự gây xúc động mạnh, bởi anh đã nói hộ tâm trạng, ý chí, cốt cách... của những chủ nhân Seng Phan, của những người lính Trường Sơn trong mấy vần thơ ngắn ngủi:

      “…
      Tôi đến gần Seng Phan
      Nghe cây ào ào đổ
      Cốc chén chẳng nằm yên
      Lung lay cả ngọn đèn
      Tiếng bom như tiếng thú.

      Tôi đứng giữa Seng Phan
      Cao hơn tiếng bom là khe suối, tiếng đàn
      Tiếng mìn công binh phá đá,
      Tiếng điếu cày rít lên thong thả
      Tiếng oai phong, xe rú máy trên đường.
      Thế đấy giữa chiến trường,
      Tiếng bom nghe rất nhỏ...".

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2016, 03:37:07 pm »


*

Vậy là từ tháng Giêng năm 1969, hệ thống đường sá thuộc Binh trạm 31 quản lý thông suốt, bảo đảm xe vận tải chạy liên tục, giao hàng cho Binh trạm 32 và các hướng chiến trường vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt trong hai tháng 3 và 4, thực hiện chiến dịch vận chuyển đột kích do Bộ Tư lệnh 559 phát động, các lực lượng đều hoạt động đạt hiệu quả cao. Bộ đội kho, công binh trong gần sáu chục ngày đêm của chiến dịch, bám hàng, bám đường; không khí như ngày hội, lập công cao, bù lại những lúc tắc đường. Anh em lái xe, những "chiến mã Trường Sơn", không chờ lệnh trên, chủ động đăng ký tăng cung, vượt chuyến. Lính lái yêu cầu Ban chỉ huy binh trạm lệnh cho các lực lượng khác, đặc biệt là bộ phận kho bốc dỡ hàng nhanh để anh em có đủ thời gian vượt cung, tăng chuyến.

Trong chiến đấu, công tác vô cùng khẩn trương, ác liệt, thường xảy ra những chuyện khúc mắc thuộc quan hệ nội bộ, quan hệ cán bộ, chiến sĩ. Nhưng cũng qua những "sự cố" rất đời thường, đã xuất hiện những việc làm, những gương sáng tạo được cảm tình, uy tín lớn đối với đồng chí, đồng đội.

Ở binh trạm bộ lúc đó, có nữ nhân viên tài vụ Hoàng Thị Vân, quê Hà Tĩnh. Với vốn kiến thức tốt nghiệp cấp II, tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, Vân được giao phụ trách tài vụ cơ quan binh trạm, được bầu là tổ trưởng phụ nữ cơ quan. Do công tác ở địa bàn chiến sự thường xuyên diễn ra hết sức ác liệt; nam nữ thanh niên xung phong đều được tổ chức và sinh hoạt như quân đội. Tuy vậy, với đặc thù có đông nữ thanh niên xung phong, chúng tôi tổ chức thành các tổ phụ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em trong sinh hoạt, công tác và giúp đỡ lẫn nhau, đề xuất với cấp chỉ huy những khó khăn của chị em... Là người phụ trách tài vụ, cô Vân thực hiện nghiêm túc chặt chẽ yêu cầu chuyên môn, không thâm hụt, nhưng vẫn bảo đảm được chế độ tiêu chuẩn của bộ đội. Sau vài năm công tác, Vân đã được kết nạp vào Đảng.

Sống giữa chiến trường khốc liệt, con gái "chân yếu tay mềm" là đối tượng để anh em yêu quý, chiều chuộng. Nhưng có một số anh em đôi khi trêu chọc quá đà, dẫn tới có biểu hiện thái quá! Những trường hợp đó thường được phản ánh với tổ trưởng phụ nữ, để tổ trưởng có ý kiến với lãnh đạo, chỉ huy. Nhiều lần, cô Vân gặp tôi báo cáo những chuyện như vậy, và đề nghị chấn chỉnh số anh em có biểu hiện thái quá trong ứng xử với chị em. Để ý, thấy cô chỉ báo cáo tôi, chứ không là ai khác, tôi thân mật hỏi: Tại sao đồng chí chỉ trình bày những chuyện này với tôi? Tại sao không báo Binh trạm trưởng, Tham mưu trưởng?

Không một chút ngần ngại, Vân trả lời: Vì chú là Chính ủy!

Ôi! Thật giản đơn mà cũng chí lý. Với chị em, Chính ủy luôn là người mẫu mực, khuôn thước nhất. Chỉ một vài chuyện nhỏ vậy thôi, nhưng cũng gợi nhắc tôi rằng cán bộ, chiến sĩ nói chung và chiến sĩ gái luôn tin tưởng người cán bộ làm công tác đảng, công tác chính trị. Cũng vì thế, mỗi lần chị em phản ảnh, tôi thường nhắc nhở anh em, kể cả gặp trực tiếp những người cần gặp, góp ý chân tình để đồng chí mình sửa chữa. Và dĩ nhiên, quan hệ giữa anh chị em ngày càng "yên ấm" hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2016, 10:39:42 pm »


MỞ ĐƯỜNG XUYÊN ĐÔNG DƯƠNG
TÔ ĐA MẠN
Ghi theo lời kể của Thiếu tướng PHAN QUANG TIỆP
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98
Nguyên Cục trưởng Cục Tham mưu công binh Đoàn 559

"Đúng ra là tôi không được đi cùng Trung đoàn. Lúc đầu Bộ đã giao cho đồng chí Quốc Tuyển, trung đoàn trưởng Trung đoàn 229 nhiệm vụ này, nhưng cấp trên thay đổi, do đồng chí Quốc Tuyển phụ trách công trình quốc phòng, với tính chất bảo mật, không được phép vào Nam, nên tôi được thay thế.

Hẳn ai cũng còn nhớ, năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, kéo theo sự phá sản của chiến lược "chiến tranh đặc biệt". Năm 1965, Mỹ ồ ạt kéo quân vào, chúng ta phải đương đầu với một thế lực mạnh hơn rất nhiều, đòi hỏi miền Bắc hậu phương lớn phải chi viện sức của, sức người gấp nhiều lần. Đoàn 559 chúng ta, từ năm 1959 đến năm 1964 chỉ dùng biện pháp thô sơ gùi, thồ để vận chuyển chi viện, đến bây giờ không thể kéo dài được nữa.

Với quyết tâm của trên là phải vận chuyển bằng cơ giới; con đường cho ô tô đương nhiên đã đến lúc phải xuất hiện, và không ai khác, làm con đường đó đúng là nhiệm vụ của lực lượng công binh. Từ năm 1961 ở nam - bắc giới tuyến, đã có một số đoạn đường ô tô và công trình quốc phòng do một số đơn vị công binh Quân khu 4 trong đó có Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 98 thực hiện, nhưng chủ yếu là để phục vụ chiến dịch, cần nói đầy đủ là khi Trung đoàn 98 công binh công trình, lực lượng dự bị của Bộ vào, mới chính thức mở đường ô tô Trường Sơn thuộc Đoàn 559".

Anh Tiệp tâm sự tiếp: "Cũng là duyên số! Mình ở miền Nam từ đơn vị bộ binh của Quân khu 5, tập kết ra Bắc năm 1954, do biết ít nhiều về công tác trắc địa, xây dựng, nên được chuyển sang Binh chủng Công binh. Tháng 4 năm 1964, khi đang làm Trưởng ban huấn luyện Cục Công binh Bộ Quốc phòng do đồng chí Phạm Hoàng làm Cục trưởng. Thời đó, bộ đội ta đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, đề phòng địch đánh ra miền Bắc trước hết bằng không quân. Các binh chủng toàn quân, trong đó công binh rất sẵn sàng, đã luyện tập mọi hình thức để đối phó chống trả. Ban huấn luyện cũng bận rất nhiều công việc.

Một ngày cuối tháng 5 năm 1964, mình nhận được chỉ thị của Cục chuẩn bị bàn giao công việc huấn luyện cho đồng chí khác, rồi lên Cục Tác chiến nhận nhiệm vụ mới. Khi vào đến Cục Tác chiến gặp ngay anh Phan Hàm - Cục phó, người đã cùng chiến đấu thời chống Pháp ở Khu 5. Anh mời ngồi, hỏi thăm sức khỏe, gia đình rồi vào việc ngay.

Anh Hàm nói: Thực hiện nghị quyết Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng giao cho công binh cấp tốc vào mở đường cơ giới ở Trường Sơn để hướng tới vận chuyển ngày càng nhiều hơn, nhanh hơn, tạo điều kiện thời cơ để nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trên tấm bản đồ đã trải rộng trên bàn, anh Hàm chỉ cho mình hướng đường Trường Sơn phải mở, các điểm cần phải đi qua, từ miền Bắc, Quảng Ninh, qua đất bạn Lào, đến miền Đông Nam Bộ, một trục dọc đầu tiên của tuyến đường. Nhưng trước mắt phải mở nhanh vào tới Bắc Tây Nguyên, một địa khu chiến lược cực kỳ quan trọng. Công việc khá khó khăn và gấp, anh về chuẩn bị. Sắp tới Bộ sẽ trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh, anh trực tiếp dẫn một trung đoàn công binh vào trước, đó là Trung đoàn 98.

Anh Phan Hàm còn nói vui: Vinh dự cho bạn được trở lại miền Nam trước mình nhé! Rồi chúng tôi tạm chia tay, hẹn ngày gặp lại trên miền Nam khi hoàn toàn giải phóng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM