Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:28:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nội chiến Hoa Kỳ  (Đọc 64107 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:44:09 pm »


Pháo đài Stedman bị đánh bất ngờ và thất thủ. Nhưng nỗ lực này vô dụng, tướng Grant có thể thành công và chiếm lại nó ngay lập tức, đồng thời làm tăng thêm áp lực lên vị trí cố thủ của quân Liên minh phía Tây Nam Petersburg. Canh bạc tuyệt vọng của tướng Lee đã kết thúc với cuộc đại bại của ông ta. Tướng Sheridan giờ đây đến trụ sở của tướng Grant với toàn bộ lực lượng kỵ binh của mình và một quân đoàn bộ binh đang trên đường tới nơi. Điều này cho tướng Grant sức mạnh giáng đòn chí tử vào đối phương vừa bị đánh tan tác. Tướng Grant nói với tướng Sheridan “giờ đây tôi cảm giác sẽ có thể kết thúc vấn đề này”. Đoán được nỗ lực chạy trốn của tướng Lee, tướng Grant ra lệnh cho quân kỵ binh của tướng Sheridan và toàn bộ quân đoàn sông James, lúc này dưới quyền chỉ huy của người kế nhiệm ông Butler, thiếu tướng Edward Ord, mở cuộc càn quét về phía nam của sông Appomattox và tấn công đường rút lui cũng như đường tiếp viện của quân Liên minh: tuyến đường sắt Southside.

Bị đại bại tại pháo đài Stedman, ngày 28 tháng 3 tướng Lee bắt đầu di chuyển. Để bảo vệ cho sườn phải đang sơ hở, ông rải mỏng phòng tuyến của mình thành một đội quân cơ động dưới quyền chỉ huy của tướng Fitzhugh Lee. Ông này sẽ đánh lạc hướng mối đe dọa của Liên bang. Ông chỉ thị cho tướng George Pickett, viên tướng chỉ huy lữ đoàn bên trái cố thủ Five Folks, một vị trí quan trọng, bằng mọi giá để có thể ngăn chặn lực lượng Liên bang không đến được tuyến đường sắt Southside.

Có lẽ tới lúc này việc cố thủ Five Folks là ngoài khả năng của quân Liên minh. Nhưng cách thua của các vị tướng Liên minh chẳng mang lại chút vinh quang gì cho những người mang trách nhiệm phải cố thủ nó. Cuối giờ chiều ngày 01 tháng 4 , trong lúc tướng Fitzhugh Lee và tướng Picket đang nướng cá trích tại tổng hành dinh của tướng Thomas L. Rosser, một trong những sĩ quan chỉ huy kỵ binh của tướng Fitzhugh Lee, quân tướng Sheridan đã tấn công áp đảo quân Liên minh đang không kịp đối phó và chiếm lấy Five Folks. Sáng hôm sau, tướng Grant chọc thủng phòng tuyến quân Liên minh tại Petersburg với một trận tấn công giáp lá cà, toàn bộ vị trí của tướng Lee giờ đây đã không thể nào trụ vững. Quân đội của ông ta đã phải đối mặt với sự hủy diệt. Đêm đó, đội quân Bắc Virginia, giờ đây chỉ còn 35 ngàn quân lính dũng cảm nhưng áo quần đã sạm đen khói súng, rút khỏi tuyến phòng thủ của mình và hành quân về phía tây.

Những cảnh ấy đã diễn ra tại ngoại ô Richmond, những cảnh cuối cùng cũng đã được phô diễn tại các tòa nhà lớn ở Richmond, trước đây là tổng hành dinh của các đơn vị lập pháp và chính quyền Davis. Cuộc tranh cãi dữ dội về vấn đề trang bị vũ khí cho nô lệ là hoạt động đáng kể cuối cùng của Hạ viện Liên minh. Ngày 18 tháng 3, vấn đề này đã được hoãn lại không bàn tới và để rồi không biết bao giờ mới kết thúc. Trong vài ngày, Tổng thống Davis và nội các của ông ta tiếp tục hội họp. Họ giải quyết trò chơi đố chữ đang bày ra trước mắt với sự thận trọng. Sáng chủ nhật, ngày 02 tháng 4, Tổng thống Davis vẫn ở vị trí thường ngày của mình tại nhà thờ Tân giáo St. Paul. Tại đây ông nhận được thông điệp ngắn gọn của tướng Lee rằng thủ đô phải được bỏ trống ngay lập tức. Tổng thống Davis đứng lên ra khỏi nhà thờ, khuôn mặt của ông “bình thản như một mặt nạ bằng sắt”. Đêm đó, ông cùng nội các dời thành phố đầy bất hạnh lên tàu hướng tới miền Nam. Chính phủ Liên minh đã từ bỏ quyền bính.

Ý định của tướng Lee trong việc rút lui khỏi thủ đô là nhằm chiếm được tuyến đường sắt Richmond - Danville Rairoad và đi về hướng nam để kết hợp với tướng Johnston ở đây. Biết được mục đích này, tướng Grant tấn công thẳng tay vào hai đội quân bộ binh và đội kỵ binh của tướng Lee. Ông tấn công liên miên vào mỗi bước lùi của quân Liên minh. Tướng Lee đến được tuyến đường sắt này tại địa điểm Amelia Courthouse. Nhưng ông ta đã để mất một ngày quý báu bởi mệnh lệnh của ông đã không thích hợp với thời cuộc khi muốn vơ vét lương thực dự trữ ở đây. Ông cảm giác rằng bắt buộc phải cướp bóc để thỏa mãn cơn đói của binh lính mình. Sự chậm trễ này cho phép quân đoàn của tướng Ord bao vây tuyến đường sắt tại Burkeville, buộc tướng Lee phải tiếp tục cuộc hành quân về phía Tây với niềm hy vọng ảm đạm có thể kết hợp với tướng Johnston bằng cách đi đường vòng xuyên qua Lynchburg.

Giờ đây cuộc rút lui trở thành một cảnh tượng đói khát, mệt mỏi và tuyệt vọng. Chỉ có lòng tôn kính của quân lính với tướng chỉ huy của mình mới giữ được sự đoàn kết trong quân đội Liên minh đang thiếu thốn. “Tướng Lee còn ở ngoài mặt trận, thế nên lính của ông vẫn cứ mãi theo ông”. Nhiều người lính không theo ông nữa. Họ đã bị cực khổ mang cho cảm giác rằng: chiến đấu nữa cũng không hiệu quả, nên đã bỏ quân ngũ. Số này lên tới vài trăm. Sau một tuần hành quân và giao tranh, một trận đánh lớn ngày 06 tháng 4 với quân của tướng Sheridan tại sông Creek Sayler, chỉ còn 3/4 lính Liên minh trụ lại với đội hình. Trong lúc đó, tướng Grant cưỡi ngựa và chỉ huy quân đội mình tấn công thẳng vào đội quân đang nản chí của tướng Lee. Ngày 08, tướng Sheridan đến được ga Appomattox trước quân Liên minh. Sáng hôm sau, quân bộ binh của tướng Ord cũng đến đây và chiếm cứ vị trí này.

Hai ngày trước đó, tướng Grant gởi cho tướng Lee lời đề nghị đầu hàng. Tướng Lee từ chối. Tin rằng chỉ có quân kỵ binh của tướng Sheridan đang chờ mình phía trước. Ngày 09, tướng Lee tấn công vào buổi sáng với hy vọng mở đường máu. Khi quân kỵ binh của Liên bang bị đánh dạt, một đội quân hùng hậu bộ binh với quân phục màu xanh dương được triển khai ngay phía sau quân kỵ binh hiện ra. Lúc này tướng Lee phải khó khăn lắm mới đưa ra quyết định được - quyết định từ khi làm tổng tư lệnh quân đoàn Bắc Virginia: đầu hàng!

Không cần phải bàn, chỉ cần ông ra lệnh, rất nhiều binh lính dưới quyền ông sẽ nguyện hy sinh thân mình trong một trận chiến quyết tử cuối cùng chống lại phòng tuyến Liên bang. Tướng E. Porter Alexander, tướng chỉ huy pháo binh xuất sắc của tướng Longstreet, đưa ra sự lựa chọn: đầu hàng hoặc tấn công liều chết. Ông Alexander gợi ý, chỉ việc giải tán quân đội và để lính trình diện ra nộp vũ khí cho các thống đốc bang của mình là được. Nói cách khác, hãy để miền Nam tiếp tục cuộc chiến bằng lối đánh du kích.

Tướng Lee bác bỏ lời đề nghị này. Là người cơ đốc giáo, tướng chỉ huy phải cân nhắc về hậu quả của một quyết định như vậy đối với bức tranh toàn cảnh của cả nước. Khắp miền Nam đã bị hủy diệt sau 4 năm giao chiến. Không có ai đứng ra kiểm soát và không có lương ăn, những quân nhân kia sẽ buộc phải trở thành kẻ cướp. Kỵ binh Liên bang sẽ truy sát và sẽ cào nát rất nhiều khu vực cho đến giờ này vẫn chưa bị chiếm đóng. Một hành động như vậy buộc nước Mỹ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi. Các sĩ quan trẻ hơn có thể thích giải quyết như vậy nhưng đối với ông chỉ có một con đường giữ lấy phẩm hạnh của mình là gặp tướng Grant, đích thân đầu hàng và chịu trách nhiệm về mọi hậu quả về hành động của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:44:50 pm »


Cao trào của cuộc nội chiến diễn ra vào chiều ngày hôm ấy ngay bậc thềm nhà tướng McLean tại ngôi làng Appomattox Courthouse. Đây có lẽ là một khung cảnh đáng nhớ nhất của lịch sử nước Mỹ, tướng Lee, một vị tướng con nhà dòng dõi đã phải tự mình nói lời đầu hàng, giao quân lính mình cho một người bình dân nhưng cao thượng, người đã đánh thắng họ. Tướng Grant cho phép mọi sĩ quan binh lính được cam kết về với mái ấm của mình. Sĩ quan Liên minh được giữ lại vũ khí đeo bên mình và cả ngựa nữa. Theo lời gợi ý khẽ khàng của tướng Lee, tướng Grant cũng cho mỗi người lính Liên minh con ngựa hoặc lừa để gây dựng đàn gia súc sau này, giúp cày cấy tại nông trại của họ. Tướng Lee nhận xét “điều này mang ý nghĩa nhiều nhất đối với những người lính này. Đấy là hành động cao thượng và đắc nhân tâm đối với lính của tôi”.

Binh lính Liên bang chiếm Richmond ngay sau khi quân Liên minh rút lui. Phần lớn thành phố này bị thiêu rụi trong lửa cháy lan ra từ những nhà kho cầu đường và các kho đạn dược. Tổng thống Lincoln thăm thành phố Richmond vào ngày 04 tháng 4. Ông ngồi vào ghế của Tổng thống Davis và đọc lời chúc mừng những người lính quả cảm của Liên bang. Hai tuần sau, tướng Lee cưỡi ngựa về nhà trong bão lửa. Cả binh lính Liên bang lẫn Liên minh đều ngả mũ chào ông.

Đêm 11 tháng 4, sau khi trở về từ Richmond với sự háo hức, Tổng thống Lincoln đứng trong Nhà trắng đọc diễn văn trước một rừng người tụ họp dưới bãi cỏ phía dưới. Ông chủ yếu nói về những khó khăn trong việc tái thiết: “Tái thiết chất chồng những khó khăn. Đó không phải là một tình thế tiến thoái lưỡng nan bình thường mà những người như chúng ta, trung thành với tổ quốc, lại đang có những ý kiến ngược nhau về hình thức, phương tiện và cách tổ chức tái thiết như thế nào”. Ông bình luận qua loa, coi đó “chỉ là một sự lơ đãng nguy hại” khi nói về lý thuyết của những người cực đoan liên quan tới tính chất hợp pháp của những bang li khai... Ông nhắc lại những lập luận trước đây để bảo vệ cho kế hoạch tái thiết của mình. Dù thú nhận rằng hiến pháp Louisiana chưa hoàn thiện, ông vẫn nói về nó như sau: “chúng ta sẽ có được gà sớm hơn bằng cách ấp trứng chứ không phải bằng cách đập trứng”.

Nhưng Tổng thống Lincoln cũng tuyên bố những câu cho thấy ông đang từng bước đến gần hơn với các quan điểm của những đối thủ chính trị của mình. Rằng ông sẵn sàng sửa đổi kế hoạch nếu như nó “đi ngược lại quyền lợi của dân chúng”. Ông kết thúc bằng cách nói rằng tình trạng hiện nay có thể tôi phải đưa ra một lời tuyên bố mới đối với người dân miền Nam đó là nghĩa vụ của tôi. Tôi đang cân nhắc và nhất định sẽ làm như vậy khi nào thích hợp”.

Tổng thống Lincoln tổ chức họp nội các buổi cuối cùng vào sáng ngày 14 tháng 4 với sự có mặt của tướng Grant. Khi bàn về tái thiết, Tổng thống Lincoln thú nhận có lẽ ông đã quá vội vàng. Ông chấp thuận lời đề nghị của tướng Stanton: tạm thời cứ để quân đội chiếm đóng miền Nam. Nhưng ông không chấp nhận lời đề nghị của tướng Stanton rằng: biên giới của các bang nên được xóa bỏ như là một phần của tiến trình tái thiết. Về vấn đề quyền bầu cử của người da đen lại không được bàn tới. Khi nói về hành động của Liên minh, Tổng thống Lincoln phát biểu đầy nhân từ về tướng Lee và những sĩ quan khác, về những người Liên minh khoác áo lính đã chiến đấu vô cùng anh dũng để bảo vệ sự nghiệp của mình. Ông nói ông không muốn trả đũa, không có tắm máu hoặc thậm chí không hề tỏ thù nghịch với những nhân vật chủ trương li khai có nhiều tội nhất, mặc dù ông nói ông muốn thấy họ quá sợ hãi mà phải bỏ nước Mỹ ra đi. Nói đến đây bàn tay ông thực hiện một động tác như đuổi đám gà con ra khỏi sân vậy.

Tổng thống Lincoln không còn cơ hội bày tỏ suy nghĩ của ông về những sự kiện và vấn đề quan trọng của thời bấy giờ nữa. Đêm đó tại nhà hát Ford, trong lúc đang xem Laura Keene biểu diễn vai của mình trong vở kịch Người bà con Mỹ của chúng ta, ông đã bị John Wilkes Booth bắn gục. Cùng đêm đó, ông Seward bị thương nặng trong nỗ lực không thành nhằm cứu mạng cho Tổng thống. Tổng thống Lincoln qua đời ngay ngày hôm sau.

Ngay sau khi Tổng thống Lincoln qua đời, ông Stanton tuyên bố bên giường bệnh của Tổng thống rằng: “Giờ đây ông đã thuộc về lịch sử, tên ông sẽ được lưu danh muôn đời”. Những lời này còn vang vọng mãi trong trái tim của hàng triệu dân Mỹ. Ông George Templeton Strong đã viết trong nhật ký của mình: 'TỐNG THỐNG LINCOLN VÀ ÔNG SEWARD BỊ ÁM SÁT ĐÊM QUA!!!... Miền Nam gần như đã gây tội ác đến tột cùng... Tôi sững sờ, như chính thảm họa ụp xuống đầu tôi... Chúng ta sẽ mãi mãi biết ơn Tổng thống Lincoln”.

Rõ ràng, rất nhiều đảng viên đảng Dân chủ miền Bắc không phải ào ào tuôn suối lệ lúc này. Tất nhiên họ ủng hộ cho Liên minh. Nhưng sự kiện này đã khiến hàng triệu đồng bào của Tổng thống Lincoln ở miền Bắc đau đớn và giận dữ. Trong số đó có cả những người trước đây từng chỉ trích và châm chọc ông. Lễ tang của ông diễn ra tại tòa nhà quốc hội. Tang lễ được cử hành bằng một toa xe lửa đi từ Washington băng ngang qua các vùng đông bắc tới tận Albany, sau đó sang phía tây tới Chicago và cuối cùng là đến quê hương ông, Springfield, Illinois. Ông được chôn cất ở đây dưới sự chứng kiến của cả rừng người thương tiếc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:45:17 pm »


Phản ứng của miền Nam đối với cái chết của Tổng thống Lincoln là những cảm xúc lẫn lộn. Nhiều người Liên minh tỏ ra vui mừng khi thấy kẻ thù cứng đầu của mình bị đốn hạ. Một người trong số họ, biểu đạt tâm trạng như sau “cái chết của Tổng thống Lincoln giống như... một tia nắng le lói trong một ngày mùa đông ảm đạm”. Một cô gái tại đồn điền nói rằng (kẻ sát nhân) đáng được nhiều thế hệ người miền Nam hoan nghênh và rằng cô ta hy vọng ông này sẽ tìm được chốn nương náu tại miền Nam. Ngược lại, phần đông dân chúng ở hầu hết các thành phố miền Nam bày tỏ cảm xúc thương đau chỉ trích cuộc ám sát này. Một cô gái trẻ ở New Orleans đã chứng kiến: thành phố của cô đầy ắp những biểu hiện của đám tang và cô nhận xét mỉa mai “những người dân thành phố càng bạo lực để li khai bao nhiêu, họ càng biết ơn bấy nhiêu đối với cái chết của Tổng thống Lincoln. Các căn nhà mang những vật tượng trưng của niềm đau khổ... bởi vì đất đai bị sung công và họ bị bỏ tù… giờ đây cũng đã cột một dải lụa màu đen trên cửa nhà mình nhằm cứu lấy nhà cửa cho mình”.

Nhưng rất nhiều người miền Nam có sự cao thượng để không hằn thù trong kế hoạch tái thiết của Tổng thống Lincoln. Có lẽ họ cũng cảm động bởi những lời lẽ trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai của ông. Đối với những người miền Nam này, ông trở thành một người bảo hộ của miền Nam chống lại những kẻ cực đoan đầy ác ý. Họ coi cái chết của ông như một đòn đau giáng vào khu vực miền Nam cũng như một tai ương đối với cả nước Mỹ. Rất nhiều lãnh đạo cao cấp quân sự cũng như dân sự của Liên minh bày tỏ sự thương tiếc sâu sắc và chân thành đối với sự kiện này. Tướng Joseph E. Johnston nói đó là “thảm họa lớn nhất đối với miền Nam”. Bà Chesnut nói việc lên nắm quyền của ông Andrew Johnston, là “sự phản bội thô thiển” sẽ mang đau khổ đến cho miền Nam.

Một trong những lời nói đau đớn nhất của một người miền Nam khi bàn tới việc ám sát Tổng thống Lincoln là những dòng trong nhật ký của một chủ đồn điền. Ông này phản đối li khai, trung thành ủng hộ Liên bang. Ông viết: “Cái chết của Tổng thống Lincoln, theo nhận xét của tôi, là mất mát lớn nhất quốc gia này phải gánh chịu... Theo ý riêng tôi, đó là mất mát to lớn đối với cả nước Mỹ và đặc biệt là miền Nam. Bởi nhờ có ông, chúng ta có quyền kỳ vọng những điều khoản hòa bình có lợi hơn từ bất cứ người nào khác ngồi vào ghế Tổng thống sau ông. Ôi! Nước Mỹ đáng thương của tôi! Liệu còn có nỗi đau nào hơn thế này”.

Cái chết của Tổng thống Lincoln mặc dù xảy ra quá trễ để có thể gây ảnh hưởng đến toàn cục của cuộc nội chiến. Song ảnh hưởng của nó đến với thời kỳ hậu chiến là chủ đề của những cuộc tranh cãi không ngớt: tự Tổng thống có thể thành công trong việc duy trì một công trình tái thiết mang tính hòa giải đối với những bang li khai hay không? Liệu việc thay đổi một chương trình như vậy, giống như người kế nhiệm của ông, có chịu nổi những lời dèm pha bôi nhọ hay không? Hoặc cuối cùng liệu ông có đứng về phía những kẻ cực đoan để theo đuổi kế hoạch của họ hay không?

Những nhân vật cực đoan tin rằng cái chết của ông đã tháo gỡ một rào cản lớn cho kế hoạch của họ. Ngày ông qua đời, nhóm nhân vật cực đoan đã tổ chức họp kín. Một người trong số họ, hạ nghị sĩ George W. Julian của bang Indiana viết về cuộc họp này: “Trong lúc mọi người đều chấn động bởi vụ ám sát Tổng thống, cảm xúc chung là việc ông Johnston nhậm chức Tổng thống cho thấy một điều may mắn bất ngờ Chúa ban cho nước Mỹ. Không tính tới chính sách nổi tiếng của Tổng thống Lincoln về việc nhẹ tay đối với những kẻ nổi loạn... quan điểm của ông về vấn đề tái thiết là vô cùng khó chịu đối với các thành viên đảng Cộng hòa cực đoan”.

Trong những sự kiện hỗn loạn nơi chiến trường và tại Washington, Tổng thống Davis không chịu đầu hàng. Từ Danville, Virginia, ngày 05 tháng 4 ông tuyên bố rằng rất đau lòng đã để thủ đô Liên minh thất thủ. Nhưng ông kêu gọi một giai đoạn mới của chiến tranh và đưa ra kế hoạch dùng hình thức kháng chiến linh động. Ông nói rằng “không còn phải lo canh giữ những địa điểm cụ thể, quân đội chúng ta sẽ được tự do di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác, tấn công kẻ thù từ những miền cách xa căn cứ của chúng”.

Một tuần sau, cùng tướng Joseph E. Johnston tại Greensboro, Bắc Carolina, Tổng thống Davis thúc giục rằng cuộc chiến phải được tiếp tục. Nhưng vì quân đội dưới quyền chỉ huy của tướng Lee đã đầu hàng và sự mệt mỏi cũng như chán nản của người dân miền Nam không muốn tham chiến khiến chẳng còn ai quan tâm đến việc kháng chiến thêm nữa. Tướng Johnston bác bỏ đề nghị của Tổng thống Davis. Ngày 18, tướng Johnston đầu hàng tướng Sherman với những điều khoản ưu đãi đối với miền Nam, những điều khoản như đã được đề nghị với tướng Lee. Thậm chí Liên bang còn chấp thuận việc công nhận chính quyền các bang hiện còn tồn tại nếu công chức của những chính quyền này thề sẽ trung thành với Liên bang, đảm bảo cho từng công dân miền Nam quyền lợi về chính trị, đất đai và thân thể. Ngày 04 tháng 5 tại thị trấn Citronelle, Alabama, cách Mobile chỉ một quãng đường ngắn về phía Bắc, tướng Richard Taylor đầu hàng tướng Canby, cùng toàn bộ quân Liên minh ở Mississippi.

Nhưng Tổng thống Davis vẫn không chịu thua. Ông và vợ cùng với đoàn tùy tùng nhỏ nhoi theo đường sắt băng qua các bang của Carolina, đến vùng lãnh thổ Mississippi. Ở đây ông hy vọng sẽ làm sống lại chính quyền Liên minh dưới sự hỗ trợ của tướng Kirby Smith và một đội quân Liên minh vẫn còn có tổ chức. Hi vọng này đổ vỡ không lâu sau đó. Ngày 10 tháng 5, gần làng Irwinsville, Georgia, Tổng thống Davis và những người đi cùng ông đã bị phát giác và bị bắt. Chính kỵ binh Liên bang dưới quyền chỉ huy của tướng Wilson làm việc này. Ngày 26 tháng 5 tại Baton Rouge, tướng Kirby Smith đầu hàng tướng Canby. Nội chiến thế là kết thúc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:46:21 pm »


XIV
Nhận xét về các nhân vật chủ chốt và các biện pháp thời chiến
-----------------------X---------------------------


Hơn 125 năm đã qua đi kể từ khi nội chiến kết thúc, rất nhiều học giả, quân nhân và những người dân thường nỗ lực giải thích nguyên nhân chiến thắng của Liên bang và thất bại của Liên minh. Ông Grandy McWhiney và Perry D. Jamieson nhận xét rằng: mỗi nhà sử học về cuộc chiến này lại đưa ra lời giải thích khác nhau cho kết cục của nó. Có người tính toán rằng: mỗi một ngày qua đi từ khi cuộc chiến tranh kết thúc đến nay, lại có một cuốn sách ra đời viết về nội chiến. Hầu hết những tác phẩm này đều có những lời giải thích khác nhau, dù là thẳng thắn, hay ngụ ý về kết quả của cuộc chiến.

Ông Robert E. Lee nói trong bài diễn văn cuối cùng của mình với binh lính của ông tại Appomattox rằng sau bốn năm nỗ lực không ngừng và chịu đựng ngoan cường, họ buộc phải thua vì đối phương áp đảo cả về số lượng lẫn về nguồn lực. Tổng thống Davis gắn bó một quãng đời với thăng trầm của chính phủ Liên minh, nói: cuộc chiến là một cuộc tranh tài giữa những lực lượng không cân sức và một cuộc chiến đấu không công bằng đối với người dân Liên minh. Lý do quân số và nguồn lực yếu hơn hẳn so với đối phương đã trở thành lời giải thích truyền thống của những người miền Nam về vấn đề miền Nam không thể thắng.

Người miền Bắc thuộc thế hệ tham chiến coi chiến thắng của Liên bang là một phần thưởng cho một phẩm chất vượt trội. Một người theo chủ nghĩa dân tộc và bài nô nhiệt thành, ông Henry Wilson tin rằng đấng tối cao đã can thiệp để hủy diệt cả chế độ nô lệ đầy tội lỗi cũng như nỗ lực tội lỗi không kém của miền Nam muốn rút chân ra khỏi Liên bang. Nhà sử học nổi tiếng James Ford Rhodes tin “uy lực về mặt đạo đức của Tổng thống Lincoln vượt trội hơn hẳn so với Tổng thống Davis” chính là nhân tố chính cho chiến thắng của Liên bang.

Những học giả của thế kỷ XX, cả miền Bắc lẫn miền Nam, là thế hệ sống ở thời điểm chiến tranh kết thúc đã rất lâu tự do hơn, không bị tình cảm và định kiến về cuộc chiến làm ảnh hưởng tới sự sáng suốt của mình. Họ thường có xu hướng giảm thiểu sức mạnh vượt trội của miền Bắc về quân số, nguồn lực khi cho rằng nó là một điều kiện quan trọng của Liên bang. Năm 1919, ông Nathaniel W. Stepheson viết rằng: mối bất hòa nội bộ của Liên minh và phòng tuyến Liên bang siết chặt hiệu quả góp phần chính yếu vào thất bại của miền Nam. Vài năm sau, ông Frank L. Owsley đưa ra lời giải thích về thất bại Liên minh như là một kết quả của thuyết chính trị về quyền các bang.

Những người khác nhấn mạnh tới những yếu kém về kinh tế và xã hội, họ coi đó là nguyên nhân dẫn đến thất bại của miền Nam. Ông Bell Wiley ghi nhận rằng điểm bất lợi của miền Nam là xã hội nông nghiệp và có tác phong tỉnh lẻ “bị kiềm chế bởi lối suy nghĩ lạc hậu và những định kiến xưa cũ..., không đủ linh động để tiến hành chiến tranh hiện đại chống lại khu vực quốc gia hiện đại như đối thủ của mình lúc ấy”. Ông Peter J. Parish đưa ra một hệ luận cho lời giải thích này: “Trong tài lãnh đạo về chính trị cũng như quân sự, miền Bắc dần cho thấy khả năng mau phục hồi và linh hoạt, cùng với sự hiểu biết sâu rộng. Điều này miền Nam không thể sánh kịp”. Công bằng mà nói Liên minh không có những phương pháp tiến hành một cuộc cách mạng để tương đương với Liên bang trong hành động dập tắt cách mạng bùng nổ.

Vài nhà nghiên cứu về thời chiến chỉ ra điểm yếu trong kết cấu của Liên minh, về quyền các bang, về sự yếu kém về mặt chính trị của chính quyền Liên minh. Ông McWhiney và ông Jamieson nói rằng: Liên minh chính là nạn nhân cho bản chất cục bộ của chính mình, bản chất này chủ yếu xuất phát từ tộc người Celtic, thúc ép binh lính tấn công liều chết một cách dại dột và liên tục không dùng những loại vũ khí hiệu quả, như súng hỏa mai và đạn cối mi ni. Những loại vũ khí này có lợi về chiến thuật tấn công khi đụng độ với vũ khí lỗi thời.

Giáo sư Wiley gợi ý rằng: sự đoàn kết của miền Nam bị yếu đi bởi họ quá đề cao chủ nghĩa cá nhân. Ông Davis Herbert Donald cũng có ý kiến tương tự khi kết luận rằng: Liên minh tự hủy diệt mình bằng việc áp dụng một nền dân chủ với những chính trị gia và quân nhân. Ông Wiley cũng tin rằng ý chí của miền Nam đã bị tê liệt bởi tội lỗi khi chấp nhận chế độ chiếm hữu nô lệ, chấp nhận hành vi dị giáo về chính trị đó là li khai. Ông Beringer, Hattaway, Jones và Still đặc biệt tâm đắc với ý kiến trong lời tuyên bố rằng: văn bia của Liên minh nên mang dòng chữ: “Chết vì tội lỗi và không có ý chí”. Giáo sư Drew Gilpin Faust cho rằng hệ tư tưởng của Liên minh “đại bại bởi những mối bất hòa nội bộ mà tình hình chiến sự khắc nghiệt khắc họa nó nổi bật, rõ nét hơn bao giờ”

Những giả thuyết như vậy không tồn tại lâu, chúng chỉ là những kết luận cá nhân do những học giả nghiên cứu về cuộc nội chiến đưa ra. Rõ ràng có những điểm chung trong kết luận này. Có nên bắt đầu từ những lý do gây ra hậu quả của cuộc chiến. Nhìn nhận rằng mọi lời nhận xét như vậy đều là phỏng đoán, dù ít dù nhiều là ý kiến cho ta biết thêm thông tin. Không có một lời giải thích nào trên đây sẽ là chân lý cuối cùng, không có lời giải thích nào phủ nhận cho những giải thích khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:47:05 pm »


Một yếu tố được tất cả những nhà nghiên cứu biết tới là: Liên bang nắm giữ lợi thế lớn về quân số và sự hùng mạnh dồi dào nguồn lực vật chất. Những điểm chênh lệch này chứng tỏ những nhận xét của triết gia quân sự Clausewitz đủ để đảm bảo thắng lợi dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên chiến thắng của Liên minh có thể xảy ra nếu Liên minh có vị thế về tài năng, sự đoàn kết và ý chí đủ lớn để vượt qua những lợi thế của Liên bang. Cần thấy ở đây, Liên minh thất bại trong việc tìm và gây dựng cho mình các kỹ năng quân sự cần thiết, sự đoàn kết và ý chí. Chiến thắng của Liên bang là kết quả của sự vượt trội về số lượng các sản phẩm sản xuất phục vụ chiến tranh, các nguồn lực nhiều vô kể về vật chất lẫn tinh thần. Còn có một bằng chứng buộc phải công nhận đó là tin rằng: cùng với những lợi thế về quân số và vật chất, Liên bang cuối cùng thắng lợi trong việc phát triển một chiến thuật hiệu quả hơn so với Liên minh để phát triển quốc gia; chiến thuật kết hợp tài tình những chính sách ngoại giao, cùng với các nguồn lực hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh. Liên bang cũng đã thắng lợi trong việc phát triển một chiến thuật quân sự hiệu quả, được nhiều người hiểu và làm theo. Những chiến thuật vượt trội ấy là một phần kết quả của sự vượt trội về công nghiệp, giao thông vận tải thương mại và nguồn lực vật chất cộng với những kinh nghiệm có được từ một nền kinh tế đang phát triển rực rỡ. Các chiến thuật này cũng là sản phẩm của các hệ thống xã hội và chính trị hiện đại hơn miền Nam. Họ cho thấy sự chính xác của những nguyên tắc tổng quát do chính trị gia quân sự Clausewitz đưa ra rằng: các xã hội có xu hướng tham chiến có cách thức nhất quán với tính chất cơ bản của chính xã hội đó.

Những chiến thuật của Liên bang cũng là kết quả của tài lãnh đạo nổi trội trong đó Tổng thống Lincoln nổi bật hơn tất cả. Mặc dù ông thiếu kinh nghiệm quân sự và quản trị, hoặc, như nhiều người khác đã từng nói, ông không có được sự tin tưởng nhờ kinh nghiệm, thế nên ông có thể nhìn nhận cuộc chiến như một bức tranh toàn cảnh và sáng tạo một chiến thuật áp dụng cho toàn quốc làm sao phù hợp với những nhu cầu của Liên bang. Sáng suốt hơn tất cả những cá nhân khác: ông nhận thấy việc bảo toàn Liên bang mới là nguyên nhân chính và chi phối toàn bộ cuộc chiến. Ông kiên định cho mục tiêu này với sự quyết tâm và gạt xuống dưới tầm mọi cân nhắc khác chỉ để đạt tới mục tiêu mình đã đặt ra.

Quan trọng hơn, Tổng thống Lincoln có được khả năng phi thường khi thông báo về mục tiêu và kế hoạch của mình với quần chúng nhân dân miền Bắc và thuyết phục họ nghe theo mình. Dù cho những ngôn từ được ca ngợi trong những bài diễn văn lớn của ông hoặc kiểu nói bình dân cho thấy sự thỏa mãn hoặc bất mãn của ông về xã hội hay về những viên tướng, chính trị gia, chủ bút các tờ báo, song lời ông nói đã ăn sâu vào tâm não của đại đa số dân chúng. Như một bậc thầy văn xuôi tiếng Anh, giống như Tổng thống Roosevelt và Churchill trong các cuộc chiến sau này, Tổng thống Lincoln đã thổi sức sống vào ngôn ngữ và tải nó đến tận các chiến trường xa xôi.

Tổng thống Lincoln rất có tài lãnh đạo, thuyết phục, tán dương hoặc ép buộc những nghị sĩ, thành viên nội các, tướng tá và những công dân hay chống đối. Ông khiến họ hợp tác với mình để thực hiện các kế hoạch do ông đưa ra. Ông có thể lý tưởng hóa hoặc thực dụng, có thể cứng nhắc hoặc linh hoạt, có thể khăng khăng theo ý mình hay chấp nhận đàm phán dễ dàng hoàn toàn dựa vào vấn đề nêu ra và hoàn cảnh khi xảy ra sự việc. Đôi khi ông phỏng đoán về hướng phát triển của các phong trào (ví dụ phong trào giải phóng nô lệ) trước những người khác. Nếu trong một số trường hợp ông theo những lời giáo huấn của Thánh Moses hoặc Chúa Giêsu, thì lại có những lúc khác ông hành động với tinh thần của Machiavelli và Bismarck.

Tổng thống Davis chứng tỏ không có khả năng giành độc lập cho miền Nam, bởi tính cách bản thân ông về sau càng mỏi mòn. Sau cuộc chiến ông bị coi như một tay đạo tặc cản trở quá trình tái thiết. Nhiều học giả vẫn nổ lực châm biếm ông, coi ông như một lãnh đạo thời chiến bất tài và vụng về. Sử gia Davis M. Potter có lần đưa ra lời nhận xét khinh miệt về Tổng thống Davis: “Không có một bằng chứng thực sự nào cho thấy đã có lúc miền Nam làm những việc cần làm để giành chiến thắng trong cuộc nội chiến... Cũng không có gì là thiếu thực tế nếu ta cho rằng: Liên minh và Liên bang nếu có đổi Tổng chống cho nhau, Liên minh chắc sẽ giành được độc lập”.

Bản cáo trạng này là mục tiêu của nhiều tranh luận. Những nhà học giả đáng kính khác đã nêu ra những ý kiến thiên vị hơn về tài lãnh đạo của Tổng thống Davis. Ông Rembert Patrick có lý lẽ thuyết phục rằng: nói về điểm yếu của Liên minh và sự bất lực của chính quyền này, Tổng thống Davis điều hành chính phủ một cách hiệu quả nhất. Hai ông Hattaway và Jones thú nhận rằng: đứng về mặt chính trị Tổng thống Davis không bằng Tổng thống Lincoln. Nhưng họ kết luận rằng “lòng dũng cảm và sự thành công trong tài lãnh đạo của Tổng thống Davis ở lãnh vực quân sự cho thấy ông không hề có thiếu sót gì”. Họ còn đi xa tới độ đưa ra lời nhận xét rất dễ gây tranh cãi rằng: nỗ lực thời chiến của Liên minh dễ dàng vận động và dễ dàng dẫn dụ hơn là nổ lực thời chiến của Liên bang.

Tổng thống Davis buộc phải làm việc với xã hội miền Nam bởi ông không còn con đường nào khác. Một xã hội mang trong mình rất nhiều yếu kém đặc biệt những yếu kém ấy đã không thể đứng vững trước những sức ép khủng khiếp của một cuộc chiến như cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Những yếu kém này bao gồm học thuyết chính trị về quyền các bang, sự thù nghịch quê mùa đối với việc áp dụng thuế, sự bất mãn giữa dân nghèo đối với những người giàu có. Nền văn hóa quê kệch cục bộ, đề cao cá nhân đã đi ngược lại mọi nỗ lực kết hợp giữa những lãnh đạo và công dân miền Nam, đồng thời làm tăng thêm sự bất mãn đối với các nguyên tắc và những phương pháp tổ chức. Thêm vào đó là một nhân sinh quan đã phóng đại mức độ ảnh hưởng của miền Nam đối với nền kinh tế quốc tế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:47:41 pm »


Liên minh bị yếu đi cũng bởi việc chống lại chủ nghĩa hợp nhất một cách công khai giữa nhiều người miền Nam thiếu quyết đoán. Mọi nhân tố nói trên đều góp phần tạo nên thất bại chính của liên minh: không thể phát triển tinh thần ngoan cường của chủ nghĩa dân tộc miền Nam.

Rõ ràng, Tổng thống Davis là nhân vật trung tâm trong việc đưa ra một biện pháp đáng sợ nhằm gây dựng sức mạnh Liên minh. Ông kiên định và tận hiến cho hành động li khai của miền Nam cũng như Tổng thống Lincoln kiên định và tận hiến cho mục tiêu bảo toàn quốc gia của mình. Tổng thống Davis đưa quá nhiều tính cách cá nhân và quyết đoán của bản thân trong việc truyền đạt sự nghiệp của Liên minh tới công chúng. Ông hấp dẫn người dân miền Nam bằng những bài diễn văn hùng hồn mang đến cho họ bầu máu nóng là động cơ thúc đẩy để tham gia cuộc chiến giành độc lập cho miền Nam và tự do cá nhân.

Tổng thống Davis cho thấy mình đáng kính phục trong việc lãnh đạo một tiến trình để từ đó Liên minh có thể tự trang bị vũ khí và đứng vững trong một cuộc chiến lớn và kéo dài. Một nổ lực đặc biệt ấn tượng khi cái giá quá đắt và thời gian kéo dài của cuộc nội chiến như càng trầm trọng thêm bởi những cuộc xung đột tại châu Âu trong cùng thời kỳ. Đó là chiến tranh Áo - Phổ kết thúc bằng chiến thắng của nước Phổ trong vòng bảy tuần. Chiến tranh Pháp - Phổ kết thúc bằng chiến thắng của Phổ trong vòng sáu tháng. Liệu có một dân tộc nào chịu hiến dâng những người con ưu tú và nguồn lực của mình để phát huy lòng can đảm quân sự lớn hơn Liên minh lúc ấy chăng?

Mặc dù Tổng thống Davis hiểu sự cần thiết phải nhen nhóm và nuôi dưỡng một tinh thần bất khuất về chủ nghĩa dân tộc của Liên minh trong lòng người dân miền Nam, dù tận hiến rất nhiều nổ lực của mình để lãnh đạo Liên minh, thì nỗ lực của ông cũng không thể đáp ứng nổi công việc to lớn này. Vì vậy thất bại của ông trên cương vị là một lãnh đạo chính trị góp phần vào thất bại của ông trên cương vị một lãnh tụ quân sự. Quan điểm độc đoán và việc vô cùng cứng rắn khi nhấn mạnh tới những đặc quyền khiến ông cao ngạo, hay cáu bẳn và cứng nhắc. Người ta nói rằng, có thể bẽ gãy ông nhưng không bao giờ bắt ông uyển chuyển được. Thiết lập mối quan hệ hòa hợp với rất nhiều những nhân vật thét ra lửa trong giới chính trị gia và tướng tá của Liên minh là chuyện khó lòng xảy ra. Cách hành xử của Tổng thống Davis đối với họ đã gây ra sự xung đột không thể tránh khỏi và mang tai họa khủng khiếp.

Mặc dù những lời tuyên bố của Tổng thống Davis là chân thành và can đảm, chúng vẫn không thể sánh với nổ lực giao tiếp vĩ đại nhất của Tổng thống Lincoln. Người viết hồi ký của Tổng thống Davis, ông Clement Eaton, viết rằng: Cũng có thể Tổng thống Davis có tài hùng biện hơn Tổng thống Lincoln. Nhưng chính sự cao cả trong sự nghiệp của Liên bang đã khiến những bài diễn văn của Tổng thống Lincoln có sức thuyết phục hơn của Tổng thống Davis. Dù giải thích thế nào chăng nữa, Tổng thống Lincoln vẫn vượt xa Tổng thống Davis trong tài hùng biện chính trị. Việc giao tiếp của Tổng thống Davis với dân thường rõ ràng kém hiệu quả hơn. Giáo sư Wiley nói: Tổng thống Davis dường như quên sự cần thiết trong việc khẳng định và lấy lòng tin từ dân chúng với mình.

Điểm tương phản lớn giữa Tổng thống Lincoln và Tổng thống Davis trên cương vị tổng tư lệnh quân đội đó là sự kiên định trong việc chỉ định một viên tướng tổng tư lệnh của Tổng thống Lincoln và việc từ chối bổ nhiệm một chức vụ như vậy đối với Tổng thống Davis cho tới khi chuyện trở nên quá trễ. Tổng thống Lincoln cũng thấy được tướng Grant là người lý tưởng để giữ vị trí tổng tư lệnh quân đội Liên bang. Tướng Grant đã chỉ huy phối hợp nhịp nhàng các cánh quân và thực hiện được chiến thuật cần thiết để giành chiến thắng.

Viên tướng ưu việt của Liên minh, tướng Lee có lẽ phải được chỉ định làm tổng tư lệnh ngay từ đầu cuộc chiến. Trên cương vị một tổng chỉ huy quân đội, ông sẽ không còn bị kiềm chế bởi bất cứ ai, và cũng không ai ngang tài ngang sức với ông để giữ vị trí này. Hai ông Hattaway và Jones cũng phải kết luận rằng: về tài năng thực hiện các chiến dịch, tướng Lee nổi bật hơn tất cả vị tướng nào trong nội chiến. Dù tướng Lee có lên kế hoạch và thực hành một chiến thuật chung hiệu quả và mang tác dụng sâu rộng thì đó cũng là vấn đề gây tranh cãi giữa những người nghiên cứu cuộc chiến này. Nhưng việc chỉ định ông vào vị trí tổng tư lệnh cũng sẽ khiến cho quân đội Liên minh có được sự thống nhất về mệnh lệnh. Ông sẽ tạo lập được sự phối hợp và đoàn kết ở mức độ cao hơn nhiều giữa ông và các tướng dưới quyền cũng như giữa ông và Tổng thống Davis.

Bởi vì chiến thuật thực sự của Liên minh không thể giành được chiến thắng, nên trở thành cái bung xung cho những lời chỉ trích, đặc biệt là của những người đương thời. Những lời chỉ trích này thông thường phản ánh một mức độ đáng kể về tính trung thực của lịch sử. Các học thuyết về một chiến tranh toàn diện xuất hiện từ kinh nghiệm của Mỹ trong Thế chiến thứ II được củng cố bằng sự diễn giải theo lối Mỹ, những ghi chép của triết gia quân sự Clausewitz, đặc biệt là những lời nhấn mạnh của ông về sự hủy diệt của quân đội đối phương như là một phương tiện cuối cùng giành chiến thắng, đã mang lại niềm cảm hứng cho nhiều sử gia quân sự để xem xét cuộc nội chiến sâu sắc hơn.

Cũng vậy, Tổng thống Lincoln, tướng Grant, tướng Sherman cũng được coi là những người điều khiển cuộc chiến mang tư tưởng hiện đại. Tổng thống Davis, tướng Lee và tướng Jackson bị coi là các chiến binh lỗi thời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:48:29 pm »


Việc Liên minh chấp nhận một số hình thức chiến thuật quân sự khác với Liên minh thực sự được triển khai có thể là một động thái khôn ngoan. Tuy nhiên, “bất cứ chiến thuật nào đạt chiến thắng cho Liên minh đều phải kinh qua những cuộc cãi vã để đi đến quyết định trên chiến trường” là điều vẫn còn gây thắc mắc. Bên cạnh những bất lợi của Liên minh về quân số vũ khí, nguồn lực và cấu trúc xã hội, thì kinh tế chính trị của miền Nam có lẽ quá yếu ớt để duy trì một cuộc chiến kéo dài. Một cuộc chiến mà trong đó người miền Nam phải chịu đựng một gánh nặng không cân xứng về con số thương vong, về tình trạng chia rẽ và cả sự hủy diệt.

Những kinh nghiệm quân sự gần đây trên khắp thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm từ chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ, từ người Nga tại Afghanistan, cũng là một hình thức khác phải chịu chỉ trích như là chiến thuật của Liên minh. Là một bên tham chiến có phần yếu hơn, Liên minh có thể chấp nhận chiến thuật cổ điển của kẻ yếu. Đó là tránh những trận chiến quyết định, không khăng khăng đòi đất ngay lập tức, không áp dụng chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh, mà gây dựng một cuộc chiến tranh du kích trên quy mô lớn. Bằng cách đó ta có thể tin rằng ý chí của Liên bang cuối cùng cũng sẽ bị tiêu diệt vì vô số những lần tiêu hao sinh lực như vậy.

Lập luận ủng hộ cho kiểu chiến tranh du kích do Liên minh áp dụng không có gì mới mẻ. Tướng Alexander đã gợi ý một cuộc chiến tranh du kích đối với tướng Lee tại Appomattox. Tổng thống Davis cũng hình thành mô hình một cuộc chiến như vậy khi muốn tiếp tục nổ lực kháng cự của Liên minh. Các nhà cầm quyền Liên bang lo sợ chuyện này xảy ra. Lập luận này rất xác đáng. Một dân tộc kiên định, cứng rắn duy trì một cuộc chiến tranh du kích có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị chinh phục. Người miền Nam trong cuộc cách mạng Mỹ đã cho thấy họ vừa có sự kiên định vững vàng vừa có những kỹ năng nổi bật trong việc tổ chức các chiến dịch ở phạm vi chiến tranh du kích, các hoạt động của dân quân thực sự đã được Liên minh thực hiện ở một phạm vi hạn hẹp cho thấy rằng người miền Nam vẫn có được những kỹ năng quân sự hiệu quả cho một cuộc chiến tranh như vậy. Rõ ràng tướng Lee cũng rất hứng thú với một phong trào quân dân du kích. Rõ ràng, tướng Forrest, Morgan, Mosbys và các viên tướng Liên minh khác hoàn toàn có tài năng và thích hợp cho một chương trình quân sự như vậy.

Tuy nhiên còn một vấn đề quan trọng nữa là: liệu dựa vào một cuộc chiến tranh du kích ở mức độ sâu rộng có khả thi với những lãnh đạo Liên minh chăng? Điều này có lẽ đã khó khăn khi mà hầu hết người miền Nam thực sự tin họ có khả năng chiến thắng bằng những cách thông thường. Và sau bốn năm phải chịu thiệt hại về của cải và đổ máu quá nhiều, kèm với thất bại quyết định trên chiến trường, đại đa số dân chúng miền Nam liệu có còn sẵn lòng thực hiện một cuộc chiến tranh không biết đến khi nào kết thúc hay không?

Hơn thế nữa, những rủi ro của một cuộc chiến tranh du kích lớn hơn rất nhiều những thiệt hại từ cuộc chiến thông thường. Người ta cũng gợi ý rằng: Liên minh có thể buộc phải thực hiện những chiến dịch lâu dài hàng thập kỷ để có thể giành được mục tiêu của mình. Điều này sẽ kích động quân chiếm đóng Liên bang, khiến họ sẽ ở lại miền Nam vĩnh viễn cộng với lệnh thiết quân luật chặt chẽ. Rõ ràng điều này chẳng khác nào việc cầm tù ở diện rộng, những cuộc xung đột dân sự giữa các tầng lớp và bè cánh miền Nam sẽ xảy ra như cơm bữa... Nói tóm lại, sẽ có một sự xâu xé ở diện rộng và kéo dài không dứt, sự phá hủy liên miên gây suy đồi lối sống của người miền Nam. Nếu như không giành được độc lập, chiến tranh du kích sẽ là thảm họa không thể đếm hết.

Tất nhiên, người ta còn không biết liệu những chính sách như vậy của Liên bang có làm khích động khơi lên trong số người da trắng miền Nam một tinh thần không thể kiềm nén được về sự đoàn kết và một lòng kháng chiến cần phải có để giành được độc lập. Nhưng thậm chí nếu như có, chiến tranh du kích cũng sẽ gây tai họa cho đất miền Nam. Triết gia quân sự Clausewitz nói “loại chiến tranh như vậy được coi là trực tiếp ban bố tình trạng hỗn loạn về mặt luật pháp trong cả nước, đe dọa trật tự xã hội trong nước, đồng thời biến quốc gia ấy thành miếng mồi ngon cho kẻ thù từ bên ngoài”.

Có thể hình thức kháng chiến này sẽ mang tới sự hủy diệt cho người miền Nam hơn là việc đổi lấy hòa bình. Dù tuyên bố đầu hàng nhung họ vẫn giữ được phẩm giá và danh dự, giữ được vị thế của mình trong hệ thống chính trị toàn quốc, giữ được mái ấm và của cải, ngoại trừ nô lệ. (Mà nô lệ chỉ có thiểu số người da trắng tại miền Nam sở hữu được mà thôi). Hầu như người miền Nam giữ lại được tất cả những thành tố của lối sống theo truyền thống của mình. Tướng Lee rõ ràng sẽ không nói rõ mọi nguyên nhân kể trên khi ông bác bỏ lời đề nghị khơi mào một cuộc chiến tranh du kích. Nhưng ý tưởng ấy có thể ông đã nghĩ tới.

Cuộc nội chiến kết thúc sau quá nhiều mất mát máu xương và của cải. Cả hai phe đều là tấm gương nổi bật về lòng dũng cảm, sự hy sinh. Đồng thời cả hai đều cho thấy mình có thể nhẫn tâm và tàn bạo tới chừng nào. Hồi ấy với số dân ít ỏi, mà con số thương vong đã rất đáng sợ: Quân nhân Liên bang 260 ngàn người. Quân nhân Liên minh 258 ngàn người.

Nội chiến đã giúp giải quyết hai rắc rối lớn: vấn đề giải phóng nô lệ và sự trường tồn của Liên bang. Nó đã giúp cho nước Mỹ có được những phẩm chất còn tồn tại tới bây giờ. Hầu hết người Mỹ cả miền Bắc lẫn miền Nam, nhận thức cuộc chiến này như một bi kịch không thể tránh khỏi và là một thiên sử thi đầy chất anh hùng ca, ghi dấu ấn vĩnh viễn trong lịch sử của quốc gia. Nội chiến là câu chuyện về một thiên sử thi của người Mỹ.



Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM