Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:12:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nội chiến Hoa Kỳ  (Đọc 64225 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 09:02:35 pm »


Mãi cho tới năm 1861, Kansas vẫn chưa công nhận là một bang chính thức. Chỉ sau năm 1861 tình hình mới thay đổi, sau khi rất nhiều thành viên miền Nam rút ra khỏi Quốc hội. Sau đó vùng lãnh thổ này đã được công nhận là một bang tự do. Trong tâm trí của những người ủng hộ chế độ bài nô, tình hình hỗn độn ở Kansas đã cho thấy một bằng chứng nữa về sự tồn tại của một âm mưu phô trương thân thế của chế độ chiếm hữu nô lệ đã tồn tại ở Mỹ.

Mối bất đồng và phẫn nộ sâu sắc đối với quyết định của vụ Fred Scott, và mối chia rẽ từ việc phân định bang Kansas là nguyên nhân khơi mào một trong những vụ xung đột chính trị nổi cộm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ rất có quyền thế là ông Douglas thuộc bang Illinois đã phát động cuộc vận động tái tranh cử. Đối thủ của ông chính là Abraham Lincoln.

Lincoln sinh ra trong một gia đình nhà nông ở Kentucky. Lớn lên ở bang Indiana. Khi trưởng thành, ông chuyển đến bang Illinois. Từ đó trở đi, bang này đã trở thành quê hương của ông. Dù không được theo nhiều trường lớp chính quy nhưng với kinh nghiệm thực tiễn ít ai bì kịp trong việc đồng áng và nhiều việc vặt khác. Ông đã tự trang bị cho mình một vốn kiến thức đáng kể để trưởng thành, và đã trở thành một trong những luật sư xuất sắc của bang ông. Ông cũng là tấm gương của một chính trị gia năng động dù có vốn tri thức khiêm tốn. Ông rất cao (1m93) và gầy. Thân hình với những đường nét thô kệch nhưng cực kỳ mạnh mẽ. Ông nổi tiếng vì tài ăn nói có duyên và óc xét đoán khôn ngoan. Hơn nữa ông còn có khả năng kết hợp hai tài năng nói trên thành những câu chuyện ngụ ngôn chất phác. Bạn thân của ông thường là người bang Kentucky hoặc trước kia là cư dân của bang này. Gia đình của họ cũng như gia đình của Lincoln đều sống ở Illinois. Vợ ông, tên là Mary Todd, xuất thân từ một gia đình sở hữu nô lệ giàu có ở Lexington, thủ phủ bang Kentucky. Thần tượng chính trị của Lincoln là ông Henry Clay.

Ông Lincoln thấm nhuần chủ nghĩa dân tộc và cương lĩnh của đảng Dân chủ trong thời kỳ nước Mỹ đang tiến dần về phía Tây. Dù không theo tôn giáo nào, tôn giáo vẫn ảnh hưởng sâu rộng đến ông. Đặc biệt, ông rất chăm đọc Kinh thánh. Chính vì thế, ông hoàn toàn tin tưởng rằng: chiếm hữu nô lệ vừa là tội ác vừa là tai ương về mặt chính trị và xã hội. Suốt bốn nhiệm kỳ liền, ông đại diện cho đảng Whig tại cơ quan lập pháp bang Illinois. Có một nhiệm kỳ ông phục vụ trong Hạ viện Hoa Kỳ. Đó là lúc ông được người ta nhớ đến nhiều nhất bởi ông phản đối sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Mêhicô vì ông tin đó chính là hành động khởi đầu cho một tiến trình tiến tới mục đích giành thêm nhiều đất đai nhằm dung túng chế độ chiếm hữu nô lệ. Lincoln sớm gia nhập đảng Cộng hòa mới được thành lập. Lúc này, ông thách thức ông Douglas trong một loạt các cuộc tranh cãi về những vấn đề lớn của thời ấy. Đặc biệt là các vấn đề về chế độ chiếm hữu nô lệ tại các vùng lãnh thổ thuộc Liên bang. Ông Douglas chấp nhận lời thách thức. Từ cuối mùa hè và mùa thu năm 1858, hai ông liên tục diễn thuyết ở bang này. Nội dung các bài diễn văn lặp đi lặp lại các vấn đề lớn trước những đám đông khán thính giả đầy nhiệt huyết. Toàn nước Mỹ bấy giờ và cả bang Illinois đều lắng nghe tiếng nói của hai ông.

Về mặt uy tín và kinh nghiệm chính trị, ông Douglas trội hơn. Ông là “người khổng lồ” trong chính trường Illinois. Đồng thời, ông cũng là người phát ngôn chính cho vấn đề nổi cộm là chiếm hữu nô lệ. Ông tin tưởng vững chắc vào quyền tự chủ của dân chúng. Tuy nhiên, phán quyết từ vụ Dred Scott lại được đông đảo quần chúng hiểu rằng: nó đã xóa bỏ lý tưởng nhân dân làm chủ, bằng cách coi bất cứ điều luật cấm đoán sở hữu nô lệ trên các miền lãnh thổ thuộc Liên bang đều là bất hợp pháp. Ông Douglas buộc tội ông Lincoln có ý định quấy rối thể chế nôi lệ tại miền Nam, khơi mào binh biến giữa hai miền. Đồng thời ông còn nói ông Lincoln ủng hộ quyền bình đẳng về mặt xã hội và chính trị của mọi sắc tộc. Thời ấy một lời ủng hộ như vậy là đi ngược lại với luật pháp của bang Illinois cũng như không thể có được sự đồng tình của đa số công dân Mỹ. Ông Douglas nói: “Chương trình của ông Lincoln sẽ khiến cho bang Illinois này bị nuốt chửng bởi làn sóng người da đen được trao trả tự do đến từ Missouri và từ mọi nơi trên đất Mỹ”.

Ông Lincoln có một vị trí khiêm tốn trước các cử tri. Ông không phải người bài nô đồng thời cũng không phải (theo lời của ông) là một người tin vào quyền bình đẳng về mặt chính trị và xã hội cho người da đen. Bị đối thủ gây áp lực, ông nói thêm rằng: ông, cũng như bất kỳ ai, rất mong được thấy tộc người da trắng vẫn giữ nguyên quyền thống trị tại xã hội Mỹ. Ông sẽ không đụng chạm đến vấn đề sở hữu nô lệ trừ khi nó vẫn còn là hợp pháp. Nhưng ông không thể không chống đối lại sự bành trướng hơn nữa của thể chế này. Ngay từ những ngày này, ông đã phát biểu một câu sau này người dân Mỹ nhớ mãi: “Một ngôi nhà bị chia năm xẻ bảy sẽ không thể đứng vững. Tôi tin rằng chính phủ này không thể khoác lên mình vẻ ngoài vĩnh viễn một nửa công nhận chế độ chiếm hữu nô lệ một nửa thì không”. Ông đã cho những người ủng hộ mình niềm hy vọng: việc cấm chế độ nô lệ tại những nơi nó đang nhăm nhe bành trướng sẽ là con đường dẫn tới sự xóa bỏ hoàn toàn chế độ này, khi có sự thuận lợi về cả ba mặt: “thiên thời địa lợi, nhân hòa”.

Có lẽ giai đoạn lịch sử đầy kịch tính nhất của một loạt những cuộc đọ sức xảy ra tại thị trấn Freeport. Tại đây ông Lincoln hỏi ông Douglas một câu khiến ông này rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: “Liệu người dân thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ, theo bất cứ cách nào phù hợp với luật pháp, có thể loại trừ chế độ chiếm hữu nô lệ ra khỏi ranh giới địa lý trước khi hình thành hiến pháp của một bang hay không?” Nếu Douglas trả lời có ông ta đã bác bỏ phán quyết từ vụ Dred Scott và chủ động tuyệt giao với nhiều cử tri ở Illinois và hầu hết công dân miền Bắc đang ủng hộ ông. Nếu Douglas trả lời không, ông sẽ chính thức nói lời tuyệt giao với những người còn lại. Vì quá tỏ ra lanh lợi nên chính ông đã bị kẹt trong cái bẫy do câu hỏi này đưa ra. Thực ra câu hỏi này đã được đặt ra cho ông và cũng đã được ông trả lời trong những dịp có ít người chứng kiến hơn. Ông trả lời rằng: bởi vì chế độ chiếm hữu nô lệ có thể chỉ được tồn tại khi nào luật pháp địa phương hỗ trợ và bảo hộ cho nó. Thế nên, nếu đa phần đều muốn như vậy, dân chúng trong vùng lãnh thổ toàn Liên bang có thể bác bỏ nó bằng cách không ban hành một điều luật nào có liên quan tới nó. Học thuyết tại Freeport của ông Douglas đã làm hài lòng những người ủng hộ ông tại bang Illinois. Ông đã tái đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ. Nhưng những lý lẽ của ông Lincoln đã giúp chính ông vững vàng hơn trên con đường tiến tới chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ hai năm sau đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 09:03:36 pm »


Cuối thập niên 50 của thế kỷ XIX, nhiều người miền Nam nỗ lực lập lại đường dây buôn bán nô lệ từ châu Phi. Việc này làm trầm trọng thêm mối bất hòa giữa hai miền Nam-Bắc. Một cuộc họp của giới thương mại miền Nam đã được tổ chức tại Vicksburg, Mississippi. Họ bỏ phiếu ủng hộ cho nghị quyết bác bỏ điều luật của Liên bang cấm nhập khẩu nô lệ. Một chủ báo nổi tiếng, ông De J.D.B. De Bow của bang New Orleans, trở thành chủ tịch của một tổ chức được thành lập chỉ để bác bỏ quy chế này của Liên bang. Sau này, những động thái ấy không mang lại kết quả gì. Bởi lẽ những người trong cuộc họp kia không đại diện cho mong muốn của đa phần dân miền Nam nhưng họ cũng đã xác định và làm tăng thêm mối lo sợ của người miền Bắc: chủ nô miền Nam đã quyết định bành trướng chế độ chiếm hữu nô lệ trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ.

Sự bất hòa giữa hai miền Nam-Bắc trở nên ngày một cụ thể hơn. Nó ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống người dân Mỹ trong suốt thập kỷ ấy. Đầu năm 1854, với một giai đoạn đầy bạo lực có sự góp phần của cuộc trao trả một nô lệ bỏ trốn là Anthony Burns và sự thông qua của điều luật Kansas-Nebraska, nhiều bang miền Bắc đã bổ sung những điều luật tự do cá nhân mới chặt chẽ hơn, nhằm vô hiệu hóa điều khoản áp dụng đối với nô lệ bỏ trốn có trong Thỏa ước 1850. Pháp viện tối cao của bang Wisconsin tuyên bố điều khoản này của hạ viện làm không hợp với hiến pháp. Rồi thì Pháp viện tối cao Mỹ 1859 đã bác bỏ lời tuyên bố của tòa án Wisconsin. Cả nước Mỹ chứng kiến một sự việc nổi cộm: miền Nam với điều luật ủng hộ cách bang đã bác bỏ quyền lực của giới lãnh đạo Liên bang để bảo vệ cho một hiến pháp “độc nhất vô nhị” của nó. Còn người theo dân tộc chủ nghĩa miền Bắc lại bác bỏ quyền của các bang nhằm công kích thể chế chiếm hữu nô lệ ở miền Nam.

Giới học giả ngày nay tiết lộ rằng: do sợ mất thời gian, sợ hao phí tiền của, và thiếu kiên định trong việc bắt lại nô lệ chạy trốn theo điều luật áp dụng đối với nô lệ bỏ trốn, chỉ có vài chủ nô nỗ lực đuổi theo và bắt lại nô lệ của mình đã đào tẩu. Nỗ lực của người miền Bắc nhằm bãi bỏ điều luật này đã làm dấy lên tình trạng thù địch giữa hai miền: trong tâm trí người miền Bắc, điều luật này như một bằng chứng của một tội ác đáng ghê tởm. Trong tâm trí người miền Nam, điều luật này là biểu trưng cho tính chất hai mặt của người miền Bắc trong việc từ chối thực thi những điều khoản thiêng liêng của một Thỏa ước Quan trọng.

Sự thù nghịch giữa hai miền đã lên tới mức không thể kiềm chế được. Mọi khía cạnh của xã hội miền Nam đều nhức nhối bởi sự công kích của những người bài nô. Họ mô tả: giới chính trị gia miền Nam là thể chế chính trị đầu sỏ và đầy những mưu đồ đen tối; Tôn giáo của người miền Nam là báng bổ; Nền giáo dục của miền Nam là trò hề; Đời sống gia đình người miền Nam bị coi là đồi bại; Tính cách người miền Nam là bãi lầy của sự thoái hóa, trụy lạc nhất từng tồn tại với loài người. Ralph Waldo Emerson ở Massachusetts, là một nhà văn và nhà thuyết giảng nổi tiếng nhất ở Mỹ thời ấy, nói: “Tôi không biết làm thế nào một cộng đồng man rợ chỉ mới thấy được ánh sáng văn minh lại có thể được hiến pháp công nhận là một bang. Theo tôi, phải tống khứ ngay chủ nghĩa chiếm hữu nô lệ khỏi quốc gia mình. Nếu không, ta đang vứt bỏ sự tự do của chính mình. Làm gì còn bình đẳng trên đời khi vẫn còn tồn tại bang tự do và bang công nhận chế độ chiếm hữu nô lệ. Tại bang tự do, con người được sống với giáo dục, lao động có kỹ năng, nghệ thuật, với những mối quan tâm về lâu về dài, với những mối ràng buộc gia đình thiêng liêng, với danh dự và công bằng. Còn trong bang có chế độ sở hữu nô lệ, cuộc sống là một cơn sốt khủng khiếp. Con người là cầm thú, chỉ biết sống với những thỏa mãn tầm thường, những suy nghĩ thiển cận, và luôn luôn bị kích động”. Thượng nghị sĩ Wiliam H. Seward đọc một bài diễn văn trong đó có nhắc đến một cuộc xung đột không thể tránh khỏi giữa hai thế lực: một bảo vệ tự do, một bảo vệ cho chế độ chiếm hữu nô lệ.

Những phát ngôn viên của miền Nam cũng đáp trả với sức công kích ghê gớm. Họ phỉ báng dân miền Bắc là những kẻ vô thần quá quắt, cuồng tín và đạo đức giả; đè đầu cưỡi cổ những “nô lệ được trả lương” của họ, bắt họ phải sống trong thiếu thốn và tủi nhục với điều kiện sống không khác gì nô lệ vì lòng tham và những mưu đồ xảo trá. Ông George Fritzhugh, một nhà văn bang Virginia đã cho ra đời một cuốn sách lập luận rằng: tất cả nhân công ở khắp nơi nên được coi là nô lệ. Ông ta bộc lộ tâm trạng đang thịnh hành tại miền Nam khi bêu xấu xã hội tự do ở miền Bắc như một “quái thai”. Những lời nói đầy ác ý như vậy đã tạo tiền đề cho bạo lực xuất hiện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 09:04:20 pm »


Một sự kiện báo trước phong trào bạo lực lên tới đỉnh điểm xuất hiện vào tháng 10 năm 1859. Grim John Brown lúc ấy chỉ còn là một ký ức trong lòng người dân Kansas, tái xuất hiện trong bức tranh toàn cảnh nước Mỹ. Quyết định giáng một đòn mạnh vào đối thủ nhằm bảo vệ ý tưởng giải phóng nô lệ, ông đã lãnh đạo một nhóm người nỗ lực nhen nhóm một cuộc tổng nổi dậy bằng cách chiếm nhà máy sản xuất đạn dược của Mỹ tại Harpers Ferry, Virginia. Sau đó ông phát súng ống giành được cho nô lệ và kêu gọi họ hành động. Không có nô lệ nào hưởng ứng, Brown và nhóm ủng hộ nhanh chóng bị một phân đội hải quân Mỹ, dưới quyền chỉ huy của đại tá Robert E. Lee đánh bại và bắt giam. Ngay lập tức, Brown bị kết án và bị treo cổ vì đã vi phạm luật pháp Virginia. Nhưng trước đó ông ta đã tiên đoán một cách hết sức chính xác rằng: rồi đây, vấn đề nô lệ sẽ có ngày dìm cả bang Virginia trong bể máu.

Người miền Nam thịnh nộ và càng trở nên cảnh giác sau cuộc tấn công Harpers Ferry. Dù đa số dân chúng miền Bắc chỉ trích hành vi của Brown, nỗi sợ hãi và căm phẫn của người miền Nam lan nhanh khi nhiều người ở miền Bắc hoan nghênh Brown. Nếu không nói là hoan nghênh luôn cả phương pháp hành động của ông ta. Emerson nói Brown là một “vị thánh mới đang chờ đợi những hành động tử vì đạo; nếu có chịu thua thiệt, Brown cũng đã biến giá treo cổ thành cây thập tự vinh quang”. Bạn của Emerson, nhà thơ và là người lý luận nổi tiếng Henry David Thoreau gọi Brown “là một thiên thần ánh sáng”. Còn những phát ngôn viên thiếu thận trọng hơn tán thành cả phương pháp bạo động lẫn mục đích của Brown. Wendell Philips của Massachusetts, một nhân vật bài nô đầy nhiệt huyết đã tuyên bố “Virginia như một con tàu cướp biển. John Brown chỉ huy con tàu chiến của đấng tối cao, với trọng trách đánh chìm bất cứ tàu cướp biển nào ông gặp trên đại dương của Chúa ở thế kỷ XIX này”. Cái chết của Brown khiến ông ta nổi tiếng hơn cả khi ông còn sống. Thi thể của ông “mục rữa dưới đáy mồ” sẽ còn tiếp lửa cho làn sóng sôi sục của một cuộc thánh chiến lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Có thể nói không có một sự kiện nào đẩy việc li khai nhanh bằng sự kiện Harpers Ferry. Trong mắt của người miền Nam, hành động của Brown là sự kích động nô lệ đổ máu. Đồng thời, sự đồng cảm của người miền Bắc đối với ông ta là lời báo trước đầy kinh hoàng cho cuộc “giao tranh không thể tránh khỏi”, như lời tiên đoán của Seward. Một nhân vật quá khích, ông Edmund Ruffin của Virginia, đã phát những ngọn giáo mà Brown định trang bị cho người nô lệ, cho những cơ quan hành chính cao nhất tại các bang miền Nam. Chúng được trưng bày trên các bức tường trụ sở quốc hội các bang. Chúng như lời cảnh báo về một kết cục ghê gớm đang chờ đợi người miền Nam nếu như phe bài nô quyết tâm đi theo đường lối của mình.

Nhiều sự kiện căng thẳng và đối đầu về mặt kinh tế và chính trị trong thời điểm ấy khiến làn sóng cảm xúc phấn kích xuất phát từ sự kiện Harpers Ferry càng thêm sôi sục. Hạ viện liên tục phải ban hành nhiều biện pháp lấy lòng cử tri miền Bắc như giảm thuế, “điều luật ấp trại” cho phép dân định cư có trang trại trên lãnh thổ Liên bang không phải nộp thuế, chi tiền xây dựng một đường sắt xuyên lục địa băng qua các bang miền Bắc, cấp đất để hỗ trợ cho các Hiệp hội nông dân. Những biện pháp này liên tục bị vô hiệu hóa bởi sự chống đối của miền Nam tại thượng viện hoặc sự phủ quyết của “Vị Tổng thống nhu nhược”. Cuối cùng, đầu tháng 12 năm 1859, các hạ nghị sĩ hai miền Bắc và Nam đã ra mặt hầm hè với nhau ngay tại hạ viện. Họ công kích và trút giận vào nhau suốt hai tháng trời chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu bầu người phát ngôn của hạ viện.

Cuộc bầu cử Tổng thống rất quan trọng của năm 1860 diễn ra trong bầu không khí xung đột cục bộ. Đại biểu dự hội nghị của đảng Cộng hòa ở Chicago đã không chọn những chính trị gia cực đoan mà chọn một người ôn hòa. Trước đó, ông Seward đã hùng biện theo quan điểm cực đoan, quá thiên vị người nhập cư và các tín đồ thiên chúa giáo nên không được chọn. Một nhân vật theo chủ nghĩa bài nô, ông Salmon P. Chase của bang OHIO cũng bị cho là quá nguy hiểm đối với vấn đề chiến hữu nô lệ. Ông Edward Bates, bang Missouri thua trong cuộc tranh cử lần này bởi những mối liên hệ của ông với đảng Know-Nothing bị coi là mối nguy hiểm với cử tri nhập cư, đặc biệt là nhóm người Mỹ gốc Đức. Người được đắc cử là Lincoln, vì quan điểm thực tế và những bài diễn văn được suy xét cẩn trọng đến từng từ ngữ, đặc biệt là bài diễn văn được đọc vào tháng 02 năm 1860 tại thành phố New York. Giờ đây tên của ông được nhiều người biết đến. Đến kỳ bỏ phiếu kín thứ ba, ông Lincoln đã nhận được đa số phiếu. Ông Hannibal Hamlin thuộc bang Maine, một cựu đảng viên đảng Dân chủ ít tiếng tăm, được chọn là ứng viên cho ghế Phó tổng thống.

Biết đảng của mình không có thế lực ở miền Nam, những người theo đảng Cộng hòa đã ủng hộ một cương lĩnh được soạn thảo nhằm thu phục mọi lá phiếu tiềm năng tại các bang thuộc miền Bắc và miền Tây. Dù công nhận quyền của mỗi bang là được quyết định thể chế riêng của mình (nói cách khác, được quyết định áp dụng chế độ chiếm hữu nô lệ hay không), nó vẫn không chấp nhận quyền của hạ viện (cơ quan lập pháp chung có tầm ảnh hưởng toàn quốc) hoặc bất cứ cá nhân nào (ở đây ý nói tới Tổng thống hay chủ tịch tối cao pháp viện) “chấp thuận sự tồn tại hợp pháp của chế độ chiếm hữu nô lệ trên bất cứ miền lãnh thổ nào của Hoa Kỳ”. Cương lĩnh này cũng đòi thực hiện những biện pháp kinh tế đã từng hấp dẫn các cử tri miền Bắc và miền Tây nhưng từng bị người miền Nam phủ quyết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 09:05:31 pm »


Giờ phút thử thách đã đến đối với đảng Dân chủ. Kể từ năm 1853, đảng này đã giữ ghế Tổng thống nhờ sự liên kết lỏng lẻo giữa các vùng miền. Mối liên kết ấy giờ đây đang khó lòng tồn tại. Cuộc họp của đảng Dân chủ được tổ chức vào tháng 04 ở Charleston, Nam Carolina đã biến thành lò lửa hừng hực cảm xúc của người miền Nam. Hầu hết các đại biểu người miền Nam đều lưỡng lự chấp thuận một cương lĩnh được đề xuất bởi một nhân vật hung hăng người Alabama, ông William L. Yancey. Cương lĩnh này đòi hỏi sự bảo hộ của chính quyền Liên bang đối với chế độ chiếm hữu nô lệ tại các lãnh thổ miền Nam.

Những đại biểu không phải người miền Nam, chiếm đa số thành viên đảng Dân chủ, ủng hộ việc đưa ông Stephens A. Douglas vào ghế Tổng thống. Họ cũng ủng hộ một cương lĩnh về vấn đề sở hữu nô lệ chỉ được bảo đảm bằng vài quyết định của pháp viện tối cao (một sự chứng thực chỉ bằng lời nói: phán quyết từ vụ Dred Scott). Theo nhiều cách, ông Douglas là một lựa chọn tuyệt hảo của đảng này. Người ủng hộ ông rất nhiều. Ông là một trong những người có thể ảnh hưởng tới giới chính trị gia toàn quốc. Ông lại có mối quan hệ chặt chẽ với miền Nam. Nhưng Học thuyết Freeport của ông lại tránh né hợp pháp hậu quả của phán quyết Dred Scott. Đồng thời, sự chống đối của ông với văn bản công nhận bang Kansas trong hiến pháp Lecompton khiến các đại biểu miền Nam không thể chấp nhận ông.

Phần đông người tham dự họp phản đối cương lĩnh Yancey, ủng hộ cương lĩnh Douglas. Sau đó ông William Yancey, con người ương ngạnh của bang Alabama, đã ngay lập tức dẫn đầu hầu hết các đại biểu đến từ bảy bang miền Nam khu vực dưới và đại diện bang Kansas rời khỏi cuộc họp. Theo luật của đảng này, vì thiếu đa số (2/3) thành viên, cuộc họp phải hoãn lại và sẽ tổ chức ở Baltimore hai tháng sau. Nỗ lực tại Baltimore nhằm hàn gắn mối chia rẽ đã trở nên vô vọng. Toàn bộ đại biểu còn lại sau đó đã bầu Douglas vào ghế Tổng thống. Một người có quan điểm ôn hòa xuất thân từ miền Nam, ông Herschel V. Johnson của bang Georgia, là ứng viên chức Phó tổng thống. Những người chủ trương li khai miền Nam (vài người trong số họ chỉ mới gặp nhau lần đầu ở Richmond) nhóm họp ở Baltimore. Họ chấp nhận cương lĩnh của ông Yancey và đề cử Phó tống thống John C. Breckinridge người Kentucky vào ghế Tổng thống. Thượng nghị sĩ Joseph Lane của bang Oregon được đề cử vào ghế Phó tổng thống. Sự đoàn kết của đảng Dân chủ cuối cùng đã không chống đỡ nổi với mối hiềm thù cục bộ. Những sợi dây ràng buộc cuối cùng (theo cách nói của Calhoun) trước đây từng biến quốc gia thành một thể thống nhất bây giờ đã bị cắt lìa.

Rất nhiều cựu thành viên đảng Whig thuộc khu vực phía trên của miền Nam kết hợp với phần còn lại của đảng Knoww-Nothing để lập ra một đảng mới. Họ gọi đảng này là “Liên Hiệp Hợp Hiến” (Constitutional Union), nhóm họp tại Baltimore. Họ đề ra cương lĩnh: tránh né vấn đề nóng bỏng nhất của thời đại - vấn đề sở hữu nô lệ trên các vùng lãnh thổ thuộc Liên bang. Họ tán thành việc trung thành với hiến pháp, trung thành với liên hiệp các bang miền Bắc, và ủng hộ việc tăng cường thực thi luật pháp. Như một bài ca tán tụng Chúa trời, quốc kỳ, mẹ hiền, cương lĩnh này bày tỏ những cảm xúc cao thượng mang tới sức hấp dẫn chung cho dân chúng. Nhưng đằng này đã không có cơ hội có chân trong trong các cuộc bầu cử. Những người thuộc đảng “Liên hiệp hợp hiến” bầu một thượng nghị sĩ mang tư tưởng bảo thủ, ông John Bell người bang Tennessee vào ghế Tổng thống và nhà hùng biện đồng thời cũng là cựu thượng nghị sĩ Edward Everett của bang Massachusetts vào ghế Phó tổng thống.

Ở miền Bắc và miền Tây, cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống chủ yếu được coi là cuộc chạy đua giữa Lincoln và Douglas. Miền Nam: giữa Breckinridge và Bell. Mặc dù đảng Cộng hòa nỗ lực không bộc lộ quan điểm bài nô của mình, lối hùng biện bảo vệ quyền lợi cục bộ của họ không thể lẫn vào đâu được. Còn lối hùng biện của những người chống lại đảng Cộng hòa là miền Nam lại vô độ. Mỗi phe đều mô tả phe kia như mối hiểm họa của số phận quốc gia. Tại miền Bắc và miền Tây, ông Douglas bị buộc tội là kẻ nhu nhược, ông Breckinridge là kẻ chuyên gây mất đoàn kết. Tại miền Nam, ông Lincoln bị coi là một tay bài nô đen tối. Họ cho rằng nếu bầu ông này sẽ gây nên hậu quả thảm khốc cho miền Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 09:06:16 pm »


Những nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa không nỗ lực làm dịu bớt nỗi sợ hãi của người miền Nam về nguy cơ Lincoln. Ông Charles Sumner tuyên bố rằng: hiến pháp không hề bảo hộ cho chế độ chiếm hữu nô lệ. Ông quả quyết rằng: ông Lincoln tự thú nhận mình ủng hộ cho “luật pháp tối thượng” và cho “cuộc xung đột không thể kiềm nén”. Lincoln khôn ngoan giữ yên lặng, không hề phản đối những tuyên bố sai trái nhắm vào ông. Bởi vì theo ông: “... Kẻ xấu... ở miền Bắc và miền Nam” sẽ bóp méo và xuyên tạc bất cứ lời nói nào của ông vào thời điểm này.

Đảng Cộng hòa khẩn nài cử tri miền Bắc và miền Tây giành phiếu cho ông Lincoln. Mặc dù ông chỉ chiếm được thiểu số phiếu (39,9% so với tổng số), ông lại nhận được đa số phiếu của những cử tri cao cấp: 180 so với 123 phiếu của cả ba ứng viên còn lại. Ông có thể giành được đa số phiếu tại những bang đông dân cư nhất ở miền Bắc và miền Tây (54% so với số phiếu của toàn dân trong vùng). Và như vậy ông đã có được toàn bộ số phiếu của các ứng viên thuộc miền Bắc và miền Tây. Ông Lincoln không có một phiếu nào từ miền Nam. Chiến thắng của đảng Cộng hòa tại miền Bắc chứng tỏ sự liên kết sâu rộng của các cựu thành viên đảng Cộng hòa theo đường lối Fremont và các cựu thành viên Know-Nothing theo đường lối Fillmore. Thêm vào đó là sự hỗ trợ quan trọng của các nhóm dân nhập cư theo đạo Tin lành, đặc biệt là những người theo đạo Tin lành gốc Đức và một số ít các cử tri trẻ thuộc thế hệ mới được sinh ra tại Mỹ.

Ông Breckinridge giành được sự ủng hộ từ tất cả các bang tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ ngoại trừ Virginia, Kentucky và Tennessee. Những bang này bầu cho ông Bell. Nhưng ông lại là người giành số phiếu ít hơn tại miền Nam, cũng như Lincoln giành được số phiếu ít hơn nếu tính tổng các bang trên nước Mỹ cộng lại. Ông Breckinridge giành được sự ủng hộ tại các bang miền Nam thuộc khu vực phía dưới cộng thêm bang Bắc Carolina, Maryland và Delaware. Ông nhận được ít phiếu hơn phiếu của ông Bell và ông Douglas gộp lại. Ông Douglas giành được phiếu của thiểu số dân đóng vai trò quan trọng tại miền Bắc và miền Tây đồng thời cho thấy sức thuyết phục đáng ngạc nhiên của ông ở miền Nam (trên 12% tổng số phiếu bầu). Miền Nam là nơi ông vận động tranh cử hăng hái nhất và sôi nổi nhất. Nhưng với bang Missouri, ông chỉ được thêm ba phiếu cộng với bảy phiếu của các cử tri cao cấp tại New Jersey.

Cuộc bầu cử này cho thấy không hề có sự ủng hộ mạnh mẽ nào về các vấn đề sở hữu nô lệ hay li khai. Nó thực sự phản đối cả những người bài nô miền Bắc và những kẻ hung hăng miền Nam. Nhưng hậu quả của nó lại nhen nhóm lên nỗi e sợ sâu xa tại miền Nam bởi vì nó đặt quyền điều hành đất nước vào tay một đảng, về cơ bản, đại diện cho chính kiến của người miền Bắc và miền Tây. Vận mệnh quốc gia giờ nằm cả trong tay một nhân vật ra mặt chống đối thể chế (sở hữu nô lệ) liên quan đến nhiều mặt xã hội và kinh tế, được coi là bất khả xâm phạm của miền Nam.

Những thay đổi của những cơ quan báo chí trước đây ủng hộ đường lối hợp nhất kiểu miền Nam rõ ràng cho thấy hậu quả của chiến thắng của ông Lincoln ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ của người miền Nam. Tờ báo New Orleanss Bee là một ví dụ hoàn hảo. Báo này ủng hộ ông Douglas khi ông này đang tổ chức chiến dịch tranh cử. Ngay trước khi cuộc bầu cử diễn ra, báo thể hiện chủ nghĩa hợp nhất rõ ràng như sau: Dù ứng viên Tổng thống chỉ giới hạn ở một vài nhân vật: ông Bell, ông Douglas, ông Lincoln, hay ông Breckinridge; Dù hạ viện sau này có thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ người da đen hay thuộc đảng Bảo thủ; Dù cho ông Seward có dự định khơi mào một cuộc xung đột không thể tránh khỏi; Dù ông (Robert Barnwell) Rhett có nỗ lực tập hợp các lực lượng vũ trang để ngăn chặn lễ nhậm chức của ông Lincoln; Dù cho John Brown có được phong thánh ở bang New England; Những người đàn ông chân chính của Liên bang sẽ không hề nghĩ tới việc phá vỡ thể chế nhà nước Hoa Kỳ hiện hành”.

Nhưng ngay sau khi cuộc bầu cử Tổng thống hoàn tất, báo này lại viết: “Kết quả thật đáng ngạc nhiên. Nó cho ta thấy quyền năng to lớn và sự ủng hộ của dân chúng đối với đảng Cộng hòa. Điều gì có thể phủ nhận một bằng chứng đầy sức thuyết phục và quá rõ ràng về tính bất lương người miền Bắc? Lý lẽ nào có thể thuyết phục người miền Nam phải tuân thủ và chờ đợi những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai khi mà chế độ bài nô đã lan tràn khắp các bang miền Bắc. Chế độ bài nô chứng tỏ quyền năng ngày càng lớn không thể tưởng tượng ngay chính trong các bang công nhận chế độ sở hữu nô lệ?”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 09:06:46 pm »


Những kẻ hung hăng nhanh chóng tận dụng cơn giận dữ của người miền Nam. Mười năm trước, tại hội nghị Nashville, ông Robert Barnwell đã không thể thuyết phục các bang miền Nam li khai quy tụ về một mối. Ông ta và những người cực đoan miền Nam khác giờ đây đã sẵn sàng khơi dậy cái gọi là “khả năng tuyệt vọng” - ám chỉ hành động li khai: tách các bang miền Nam ra khỏi chính phủ Liên bang. Cơ quan lập pháp của Nam Carolina, vẫn chủ trương li khai kể từ khi chọn ra các thành viên dự đại hội đại biểu cử tri nhằm bầu ra Tổng thống, ngay lập tức bỏ phiếu kêu gọi nhóm họp một hội nghị để quyết định vấn đề quan trọng này. Các thống đốc của các bang khác thuộc khu vực phía dưới miền Nam nói rằng bang của họ sẽ nghe theo sự chỉ đạo của bang Carolina.

Lúc này, ý kiến li khai tại bang Palmetto hầu như giành được sự nhất trí. Mong muốn li khai được tuyên bố trong hội nghị của bang (một hội nghị nhóm họp tại Charleston, một thành phố được trang hoàng với quốc kỳ của bang và cờ trang trí ủng hộ li khai, một thành phố đã được hít thở bầu không khí sẵn sàng li khai) như vậy đã rõ. Ngày 20 tháng 12, một trăm sáu mươi chín đại biểu bỏ phiếu mà không hề có phiếu chống nào. Họ cùng nhất trí tách bang Nam Carolina ra khỏi Liên bang. Tin tức về động thái này đã biến cả thị trấn Charleston thành cơn cuồng phong chính trị. Các doanh nghiệp đóng cửa, chuông nhà thờ đổ liên hồi, pháo nổ rền, quân đội duyệt binh trên các đường phố, người già hò reo và tuần hành trên đường. Cảnh này có lẽ sẽ khiến ông John C. Calhoun đang yên nghỉ dưới ba tất đất ngắm nhìn cũng hài lòng lẫn buồn vui.

Sự rút chân ra khỏi Liên bang Hoa Kỳ của bang Nam Carolina và sự sụp đổ của những nỗ lực trong hạ viện Hoa Kỳ đã châm ngòi nổ cho cuộc li khai xuất hiện ở vùng đất phía dưới của miền Nam. Ngày 9 tháng 1 năm 1861, bang Missouri rút chân ra khỏi Liên bang Hoa Kỳ. Ngoại trừ bang Nam Carolina, có lẽ bang Missouri là một bang có thái độ bảo vệ quyền lợi địa phương mãnh liệt nhất. Một ngày sau khi bang Missouri rút khỏi Liên bang, bang Florida cũng tuyên bố ly khai. Ngày kế tiếp là bang Alabama.

Li khai không diễn ra quá nhanh chóng và có thể dự đoán trước ở ba bang còn lại ở vùng đất phía dưới của miền Nam. Dù đa số dân chúng của các bang này tin li khai là động thái cuối cùng của bản năng tự bảo toàn, hầu hết họ cùng có chung quan điểm rằng: hoàn cảnh hiện tại có thể bào chữa cho bước đi của họ. Rất nhiều người đã thắc mắc liệu có là khôn ngoan chăng khi ngay lập tức li khai thành một bang đơn lẻ. Vài người ủng hộ chính sách đợi để quan sát xem chính quyền Lincoln sẽ làm gì nhằm giải quyết vấn đề chiếm hữu nô lệ. Người khác lại ủng hộ cách li khai theo từng nhóm bang có chế độ chiếm hữu nô lệ. Những đối thủ phản kháng chính sách li khai, tự nhận mình là những người hợp tác. Những người ủng hộ việc li khai ngay để trở thành bang riêng lẻ đã khinh bỉ gọi họ là “bọn người dễ quy phục”.

Hành động của bang Georgia khá nổi bật. Quyết định của chế độ lập pháp yêu cầu một hội nghị. Cựu hạ nghị sĩ Alexander Stephens, một lãnh đạo đáng kính tại bang này phản đối hành động ly khai. Ông tuyên bố: “Chính phủ là đấng phụ mẫu của ta. Dù có những khiếm khuyết này nọ, chính phủ vẫn đang đến gần những mục tiêu để trở thành một chính phủ tốt đẹp hơn và an toàn hơn bất cứ thể chế nào”. Những người chủ trương đoàn kết như ông Herschel V. Johnson và ông Benjamin H. Hill cũng có tư tưởng như ông Stephens.

Nhưng hầu hết những người có máu mặt ở Georgia mang tư tưởng khác họ. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Robert Toombs và Bộ trưởng Bộ tài chính Howell Cobb (hai ông trước đây từng chủ trương đoàn kết) bây giờ đã không còn tin chính quyền thuộc đảng Cộng hòa có thể giành cho miền Nam một sự công bằng. Ông Toombs sử dụng ngôn từ của đại thi hào Homer, cầu khẩn những nhà lập pháp “... Hãy phóng những ngọn lao nhuốm máu vào hang ổ của những kẻ gây bất hòa... Tự rút thân ra khỏi chính phủ Liên bang... Hãy khơi mào một cuộc chiến giành độc lập nữa... Đấu tranh như những chiến binh xông pha ngoài chiến trận một lần nữa. Hãy hành động vì tự do và độc lập”. Và rồi “cuộc bỏ phiếu ngày mồng 04 tháng 03 về vấn đề li khai sẽ đầy những lá phiếu của cư tri đồng lòng nhất trí li khai tại Georgia”. Ông Cobb viết “mỗi giờ khắc qua đi (sau lễ nhậm chức của Tổng thống Lincoln), bang Georgia sẽ bị lu mờ ánh hào quang nếu vẫn còn là thành viên của Liên bang Hoa Kỳ và chắc chắn nó sẽ trở thành cảnh hoang tàn trong một thời gian ngắn”. Bị kích động bởi những lời kêu gọi như vậy, giới lập pháp đã triệu tập một hội nghị. Hòn xúc xắc đã được tung ra. Ngày 19 tháng 01, sau khi áp đảo nỗ lực phản đối mạnh mẽ của phái hợp tác trì hoãn động thái li khai, hội nghị đã bỏ phiếu và đồng ý li khai ngay với số phiếu áp đảo 218/89.

Li khai tại bang Louisiana có lẽ lưỡng lự nhiều hơn tại Georgia. Những chủ đồn điền trồng mía tại bang này làm giàu được nhờ thuế bảo hộ của Liên bang. Rất có thể loại thuế này rồi sẽ không còn ở một thể chế cộng hòa miền Nam bị thống trị bởi quá nhiều người quan tâm đến cây bông. Những thương gia bang New Orleans có những mối quan hệ tài chính vững mạnh với các chủ nhà băng miền Bắc. 40% dân số của thủ phủ New Orleans là người di cư gốc châu Âu. Nhiều người trong số họ có ít hoặc không thể nhiệt tình với việc đấu tranh vì nền độc lập của miền Nam. Tuy nhiên những người chủ trương li khai lại nắm quyền trong cơ quan lập pháp và đã bỏ phiếu yêu cầu tổ chức một hội nghị. Theo sau sự sụp đổ của các nỗ lực hòa giải tại hạ viện, báo New Orleanss Bee, với chủ biên là người ủng hộ đường lối đoàn kết viết: “Miền Bắc và miền Nam không đồng nhất về lập trường. Tốt hơn hết nên tách rời nhau… Chúng ta sẽ sa vào thảm họa nếu như tuyên bố không độc lập về mặt chính trị”.

Đa số đại biểu được bầu trong hội nghị bang Louisiana đã đòi li khai ngay. Mọi động thái của phe hợp tác nhằm trì hoãn hành động hấp tấp này đều bị bác bỏ. Ngày 26 tháng 01 hội nghị đã chọn cách li khai bằng biểu quyết và đã thắng với con số lấn át 113/17. Ít nhất cũng có một vài đại biểu chủ trương li khai ý thức được tính chất cực đoan trong hành động của họ.

Texas là bang duy nhất tại khu vực dưới của miền Nam có chính phủ chia rẽ về vấn đề li khai. Đa số thành viên trong cơ quan lập pháp bang này ủng hộ li khai. Họ đòi tổ chức một hội nghị. Ngày 01 tháng 02, hội nghị đã bỏ phiếu về vấn đề này và phe li khai thắng với số phiếu áp đảo: 166/8. Nhưng thống đốc bang này là ông Sam Houston, một anh hùng cách mạng của bang Texas và là một chính trị gia theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, đã phản đối li khai. Cuối cùng ông đã bị cách chức vì không tuyên thệ trung thành với chính phủ Liên bang của miền Nam Hoa Kỳ. Texas cũng là bang duy nhất có được động thái: quyết định của hội nghị những người chủ trương li khai đã được đệ trình lên cuộc trưng cầu dân ý. Chiều theo hành động của hội nghị, cuộc trưng cầu dân ý đã xác định lại lệnh li khai của bang Texas với đa số phiếu theo tỷ lệ 3 ăn 1.

Đầu tháng 02 năm 1861 bảy bang của khu vực phía dưới miền Nam đã rút lui khỏi Liên bang. Trên khắp cả một vùng rộng lớn, đâu đâu cũng thấy người ta bàn tới học thuyết quyền của bang. Những nỗi sợ hãi cùng cảm xúc mãnh liệt dâng tràn. Câu hỏi quan trọng bây giờ là: “Toàn thể nước Mỹ sẽ phản ứng ra sao với tình trạng này?”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:17:58 pm »


II
Kế sách vũ trang
---------------X---------------


Phản ứng của toàn nước Mỹ với hành động li khai lúc đầu không rõ ràng. Tổng thống Buchanan (người vẫn đương nhiệm trước lễ nhậm chức của ông Lincoln diễn ra vào ngày 04 tháng 03 năm 1861), về bản chất là người ưa hòa giải. Ông cũng có những tình cảm sâu đậm đối với miền Nam. Các động thái của những người trong nội các của ông thể hiện rõ xu hướng này. Người miền Nam giữ khá nhiều vị trí quan trọng trong nội các của Tổng thống Buchanan. Ông Howell Cobb - Bộ trưởng Bộ tài chính, ông Jacob Thompson thuộc bang Mississippi - Bộ trưởng Bộ nội vụ. Ông John Floyd bang Virginia - Bộ trưởng Bộ chiến tranh. Ngoài nội các, những khuôn mặt chính trị gia nổi tiếng của miền Nam như thượng nghị sĩ John Slidell của bang Louisiana và thượng nghị sĩ Jefferson Davis của bang Mississippi cũng là những người bạn tâm giao của Tổng thống Bunachan. Rõ ràng, ông có ảnh hưởng nhất định tới động thái của họ.

Chính tư tưởng chính trị của Tổng thống Buchanan cũng không rõ ràng. Biên bản cuộc họp hàng năm năm 1860 đệ trình lên hạ viện cho thấy những quan điểm bất đồng về mối quan hệ giữa quốc gia với những đơn vị bầu cử. Ông tuyên bố li khai là bất hợp pháp, nhưng lại nói rằng chính phủ Liên bang không có quyền ép buộc một bang bất kỳ phải giữ chân trong Liên bang. Ông Seward đã nhại lại bài diễn văn này cho rằng ý nghĩa của nó là “không bang nào có quyền được li khai nếu như nó không muốn”. Và rằng “nghĩa vụ của Tổng thống là bắt buộc mọi người dân phải tuân thủ luật pháp trừ khi có ai đó chống đối ông ta”.

Về mặt luật pháp, Tổng thống Buchanan đã sai lầm bởi thiếu sự quyết đoán và ý chí. Rõ ràng hành động của ông trong cuộc khủng hoảng chính trị ở nước Mỹ là kém ấn tượng khi so sánh với các ông Andrew Jackson, Abraham Lincoln. Nhưng ông Buchanan sợ hãi rằng nếu chính phủ Liên bang đe dọa hoặc có động thái ép buộc sẽ chỉ thổi bùng lên ngọn lửa đòi li khai chứ không phải dập tắt nó.

Khi đọc bài diễn văn hàng năm vào đầu tháng 12 năm 1860, ông đã phát biểu ý kiến của mình về vấn đề li khai trước khi chưa có bang nào đòi rút chân ra khỏi Liên bang. Tất nhiên sự tự chủ kiên trì của ông đã không ngăn chặn được cuộc li khai của bảy bang thuộc khu vực phía dưới của miền Nam. Có thể chính quan điểm của ông đã khích lệ các bang này li khai. Nhưng có khả năng là họ đã chủ động li khai từ lâu và sự chịu đựng của ông đã đóng góp rất nhiều vào việc ngăn chặn li khai của tám bang có chế độ sở hữu nô lệ còn tồn tại vào thời điểm đó. Một cách gián tiếp, hành động của ông đã giúp một số bang không cùng viện đến động thái li khai. Vào những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông, sau khi hành động li khai trở thành việc đã rồi và nhiều thành viên của các bang miền Nam đã không còn thuộc nội các của ông nữa, ông đã củng cố uy tín của mình bằng cách chỉ định những chính trị gia chủ trương đoàn kết và trung thành với Liên bang giữ vị trí những người đã ra đi.

Ông Buchanan luôn thận trọng là vì ông hy vọng đạt được một thỏa hiệp chính trị lớn khác sẽ ngăn chặn hoặc hạn chế việc li khai của các bang có chế độ chiếm hữu nô lệ tại Mỹ. Cả hạ viện lẫn thượng viện đều chỉ định những ủy ban nghiên cứu tính khả thi của một động thái như vậy. Và điều có khả năng nhất đã xảy ra: Thượng nghị sĩ John J. Crittenden đến từ bang Kentucky đã trình lên ủy ban thượng viện một loạt đề nghị vào ngày 18 tháng 12. Thượng nghị sĩ này đang giữ vị trí của ông Henry Clay trước đây. Ông tự coi mình là người kế nhiệm ông Clay trong vai trò kiến trúc sư của tòa nhà chính trị Mỹ. Điều khoản quan trọng nhất của thỏa hiệp Crittenden kêu gọi bổ sung hiến pháp để có thể phân chia lại ranh giới địa lý theo thỏa ước Missouri và mở rộng vùng ranh giới này cho tới tận biên giới của bang California. Đồng thời chế độ chiếm hữu nô lệ sẽ bị cấm tại các vùng lãnh thổ của Liên bang ở phía Bắc của giới tuyến này. Nhưng thỏa ước Crittenden lại công nhận và bảo hộ cho chế độ chiếm hữu nô lệ ở vùng đất phía Nam giới tuyến.

Dẫn đầu bởi thượng nghị sĩ Jefferson Davis, người miền Nam, bộc lộ thái độ sẵn sàng chấp nhận bảng thỏa ước này nếu những thành viên trong đảng Cộng hòa cũng đồng ý như vậy. Chính đây là vấn đề người đảng Cộng hòa từ chối chấp nhận (một phần do lời khuyên của Tổng thống mới đắc cử Lincoln). Tổng thống nói, trên cương vị cá nhân, ông sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ một biên bản bảo đảm cho chế độ nô lệ vẫn cứ tồn tại ở những bang từng có mặt nó. Nhưng ông cũng đưa ra lời khuyến cáo “… Sẽ không chấp nhận bất cứ một thỏa ước nào nhằm bành trướng chế độ chiếm hữu nô lệ hơn nữa... Hoặc ngay khi ai có ý định bành trướng chế độ nô lệ, chúng ta sẽ không để họ yên. Mọi nỗ lực sẽ là vô vọng và dù sớm dù muộn ý định này cũng sẽ bị bác bỏ. Thà mất lòng trước để được lòng sau”. Như vậy những nỗ lực thỏa hiệp hứa hẹn nhất cũng đã thất bại. Về lâu về dài, việc đẩy lùi và hạn chế li khai trở nên khó khăn. Nhưng ngay tại thời điểm này, việc bác bỏ thỏa hiệp Crittenden đóng vai trò quan trọng khiến cho các bang Georgia, Louisiana, và Texas nhanh chóng đi tới quyết định li khai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:19:17 pm »


Nỗ lực thỏa hiệp được thực hiện bên ngoài chính phủ Liên bang cũng thất bại. Nỗ lực đáng kể nhất là hội nghị hòa bình Washington được nhóm họp vào tháng hai ngay tại thủ đô nước Mỹ theo lời mời của hệ thống luật pháp bang Virginia. Cựu Tổng thống John Tyler là chủ tọa. Đại biểu đến từ 21 bang (không có đại biểu nào từ các bang li khai) đều đồng loạt đề xuất giống hệt như thỏa ước Crittenden nhưng bao gồm một số điều khoản dự thảo nhằm trấn áp sự phản đối của đảng Cộng hòa. Đặc biệt là sự chỉ trích của Tổng thống Lincoln rằng: đề xuất Crittenden sẽ kích động người miền Nam tìm kiếm vùng đất mới để áp dụng chế độ chiếm hữu nô lệ như miền Nam hiện nay. Hội nghị Washington cũng đề xuất một quyền phủ quyết trong việc thành lập những vùng lãnh thổ mới của Liên bang bằng cách yêu cầu số đông bỏ phiếu. Người được bỏ phiếu đều có thể là thành viên của bang tự do và bang có áp dụng chế độ chiếm hữu nô lệ hiện đang có mặt tại hạ viện. Những đề xuất này là không thể chấp nhận được đối với các lãnh đạo đảng Cộng hòa và các đại biểu đến từ các bang có sở hữu nô lệ thuộc vùng lãnh thổ phía trên của miền Nam. Như vậy những đề xuất này cũng chỉ là vô ích.

Khi chính quyền của Tổng thống Buchanan đang không biết đáp ứng thế nào với tiến trình li khai, những bang đã li khai rất kiên định với kế hoạch của riêng mình và đang tiến những bước đáng kể. Ngày mùng 4 tháng 2, đại biểu từ sau khi các bang li khai nhóm họp tại đại sảnh đường của nghị viện thuộc tòa nhà quốc hội bang Alabama và bắt đầu làm việc cùng nhau để kiến tạo một quốc gia mới tại miền Nam. Trong nhóm năm mươi đại biểu có rất nhiều chính trị gia hàng đầu đại diện cho giới chủ nô, luật sư của miền Nam. Ông Howell Cobb giữ vai trò chủ tọa. Họ nhanh chóng thảo và chấp thuận một bản hiến pháp tạm thời cho chính phủ lâm thời của một thể chế chính trị mới mà họ đặt tên: Liên minh các bang Hoa Kỳ. Cuộc họp thượng đỉnh này trở thành đại hội của chính phủ lâm thời. Cử tri đã bầu ra thủ tướng và phó thủ tướng lâm thời. Đây cũng là hội nghị chính thức trong đó các đại biểu thảo ra một văn kiện chính thức cho chính phủ sau này. Bản hiến pháp mang nội dung: Trong vòng một năm, một chính phủ chính thức sẽ được bầu và một hiến pháp chính thức sẽ được phê chuẩn bởi các bang miền Nam li khai.

Một công việc khá khẩn trương trước khi diễn ra hội nghị: bầu thủ tướng và phó thủ tướng lâm thời thật nhanh chóng. Có rất ít bất đồng về cá nhân cũng như về chính trị, đại hội này thống nhất chọn ra ông Jefferson Davis là Tổng thống lâm thời. Ông Alexander Stephens là Phó tổng thống lâm thời. Trong tiến trình chọn và bầu hai ông này, các đại biểu đã bác bỏ các ứng viên quá khích của miền Nam. Một trong số những người nổi bật nhất là ông Braggs, thành viên của đại hội. Và một người khác: ông Yancey đang có mặt tại thủ phủ bang Alabama nơi diễn ra hội nghị. Những thành viên quá khích không kiên định và sẽ là mối hiểm họa cho chính phủ. Hoàn cảnh hiện nay đang đòi hỏi những người ôn hòa có thể mang lại sự ổn định sau cuộc cách mạng đòi li khai. Cũng như trước kia, người ta đã chọn tổng thống Washington và John Adam thay vì chọn Patrick Henry và Samuel Adams.

Ông Davis là một người theo đường lối ôn hòa, xuất thân từ miền Nam. Ông chỉ hoan nghênh li khai sau khi bang của ông rút khỏi Liên bang. Cũng như Lincoln, ông Davis sinh ra ở Kentucky trong một gia đình nông dân. Nhưng ông Davis lớn lên tại Missouri. Gia đình ông chuyển đến vùng này khi ông còn ẵm ngửa. Ông Davis càng lớn, gia đình ông càng trở nên giàu có nhờ sở hữu nô lệ và làm chủ nhiều đồn điền trồng bông. Dù trước đây ông mang tinh thần yêu nước sâu sắc nhưng sau này ông đã thấm nhuần tư tưởng của giới quý tộc sở hữu đồn điền tại miền Nam và các học thuyết chính trị ủng hộ quyền các bang của các ông Thomas Jefferson và John C. Calhoun.

Ông Davis được hưởng một nền giáo dục kinh điển theo truyền thống tại trường đại học Transylvania ở Lexington, Kentucky. Đồng thời ông cũng lĩnh hội các kiến thức quân sự truyền thống tại học viện quân sự Mỹ, khóa 1828. Năm 1835, sau cái chết bi thảm của người vợ mới cưới được sáu tuần, ông Davis từ chức và suốt mười năm trời sống gần như ẩn dật với tư cách là một chủ đồn điền, một nhà nghiên cứu lịch sử và các vấn đề liên quan tới chính phủ. Sau đó ông gặp gỡ và kết hôn với một cô gái trẻ sôi nổi người vùng Nashville: Varina Howell. Cuộc hôn nhân này đã mang lại sức sống cho ông. Hầu như ngay lập tức, ông tham gia chính trường và được bầu vào hạ viện Hoa Kỳ. Từ bỏ địa vị cao quý này, ông đã gia nhập quân đội trong thời kỳ chiến tranh Mêhicô. Ông chỉ huy trung đoàn tình nguyện Mississipi với lòng dũng cảm vô song và kỹ năng quân sự tài tình. Ông đã nổi lên như người hùng của cuộc chiến, một quân nhân lừng lẫy trong lịch sử của bang Kentucky.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:21:15 pm »


Năm 1847, ông Davis tranh cử thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Có lẽ sau lần ấy, ông trở thành nhà vô địch nức tiếng gần xa về tài ăn nói lưu loát trong lịch sử miền Nam. Bốn năm sau, ông rời thượng viện để tranh cử chức thống đốc của bang ông. Nhưng ông thất bại vì quan điểm chống đối Thỏa ước 1850. Ông tỉnh ngộ khỏi quan điểm không rõ ràng về chính trị khi bạn ông là Tổng thống Franklin Pierce bổ nhiệm ông vào chức bộ trưởng bộ chiến tranh. Ông Davis đã biểu hiện tài năng xuất chúng ở vị trí này. Năm 1857, một lần nữa ông lại được bầu vào thượng viện Hoa Kỳ. Ông rời chiếc ghế danh giá ở thượng viện trong cuộc li khai của Mississipi và chấp nhận chức tổng tư lệnh các lực lượng quân đội của bang.

Davis khá cao. Lưng thẳng và dáng người mảnh dẻ. Tác phong của ông đúng là của một quân nhân chính hiệu. Mặc dù nét mặt của ông quá sắc cạnh nên không thể gọi là đẹp trai, nhưng những nét ấy lại rất đặc trưng. Người miền Nam cho rằng nét mặt góc cạnh như vậy mới là quý phái. Ngày 15 tháng 2, ông đến Montgomery với tư cách Tổng thống lâm thời của Liên minh miền Nam. Tại đây ông đã được giới thiệu với đám đông ngưỡng mộ bởi nhà hùng biện Yancey. Ông Yancey nói: “Con người của giờ khắc quyết định đã đến”. Hiếm người tại Liên minh miền Nam không tán thành câu nói ấy.

Phó Tổng thống Stephens nhỏ thó và ốm yếu: Khuôn mặt khô khốc nhăn nheo nhưng trí tuệ lại thông sáng và sắc sảo. Ông là một chính trị gia tài ba. Ông đã đại điện cho bang Georgia ở hạ viện Hoa Kỳ vào năm 1843 cho tới khi về nghỉ năm 1859 để chuyên tâm nghiên cứu và thực thi luật pháp. Với tư cách là một nhà hùng biện có sức thuyết phục của đảng Whig tại hạ viện, ông gây ấn tượng mạnh với đảng mình và với người bạn đồng thời là đồng nghiệp của ông trong hạ viện, Abraham Lincoln. Sau này ông Lincoln có nghe một trong những bài thuyết trình của ông và nhận xét: Đó là bài diễn văn hay nhất với thời lượng một tiếng đồng hồ ông từng được nghe. Cả hai ông đều phản đối cuộc chiến tranh Mêhicô, chính điều này đã tạo một mối thân tình đặc biệt giữa hai ông.

Ông Stephens là một người khó hiểu trong bộ máy chính quyền của Liên minh miền Nam. Ông có tình cảm sâu nặng cả với Liên bang và với hiến pháp của Liên bang. Ông từng hỗ trợ cho ông Douglas để ông ta có được cương vị Tổng thống như ngày nay. Ông phản đối sự li khai của bang Georgia. Thế nhưng ông lại ủng hộ nhiệt thành cho quyền của bang. Ông không hề thấy có gì là mâu thuẫn trong tư tưởng của mình. Cuối cùng, ông đã nghiêng hẳn về học thuyết quyền của bang và chống lại thể chế là cha đẻ của những thứ quyền lợi ấy: Liên bang Hoa Kỳ. Ông rất tin tưởng vào tính đúng đắn của chế độ chiếm hữu nô lệ của miền Nam và coi thể chế này là một nền tảng để nền cộng hòa miền Nam có thể phát triển bền vững.

Hiến pháp chính thức của Liên minh được soạn thảo trong hội nghị và lập tức được phê chuẩn bởi đại diện các bang. Nó giống đến mức đáng ngạc nhiên với bản hiến pháp của Hoa Kỳ trước đây: Chỉ khác ở một số câu chữ và điều khoản mà trong quá khứ chúng đã dẫn tới sự bất đồng cục bộ giữa hai miền. Nó làm rõ hơn việc công nhận quyền của các bang, tính hợp pháp và trường tồn của chế độ chiếm hữu nô lệ. Lời nói đầu không hề có một câu chúc phúc chung nào, nó tuyên bố bản hiến pháp này sẽ có hiệu lực đối với mọi người dân thuộc Liên minh các bang Hoa Kỳ “... Mỗi bang có quyền tự trị và độc lập của riêng mình”. Nó cấm bất cứ điều luật nào của chính quyền Liên minh làm tổn hại đến quyền được sở hữu nô lệ tại các vùng lãnh thổ và các bang thuộc Liên minh miền Nam. Nhưng việc nhập khẩu nô lệ, ngoại trừ từ Liên bang Mỹ ở miền Bắc, hoàn toàn bị cấm. Bảng hiến pháp này cấm luật bảo hộ nhập khẩu và sự chiếm đoạt làm của riêng cho sự cải thiện nội bộ của từng bang. Mặc khác, nó cũng mâu thuẫn với hiến pháp Hoa Kỳ: cho phép áp dụng thuế xuất khẩu. Điều khoản này nhằm ủng hộ miền Nam bởi khu vực này chiếm vị trí thống trị trong lãnh vực cung cấp bông cho toàn thế giới.

Luật cơ bản của Liên minh cũng khác với luật cơ bản của Hoa Kỳ nói chung. Luật quy định một nhiệm kỳ của Tổng thống là sáu năm. Mỗi Tổng thống chỉ phục vụ một nhiệm kỳ mà thôi. Luật cho phép Tổng thống được phủ quyết những điều luật riêng đã được đa số tán thành mà không cần hủy bỏ toàn bộ điều luật ấy. Đồng thời cho phép các thành viên trong nội các (những người này sẽ được hạ viện chỉ định) tham gia vào hạ viện để bàn bạc các biện pháp gắn liền với những phòng ban của họ đang phục vụ. Bản hiến pháp không nói gì về quyền li khai, dù quyền ấy đã được thỏa hiệp ngầm và góp phần hình thành nên chính phủ Liên minh miền Nam.

Ông Davis lập tức hình thành các ban bệ. Hội nghị bắt đầu một nhiệm vụ quan trọng: mang lại sức sống mới cho một quốc gia mới. Ông Davis nhanh chóng bổ nhiệm một nội các trong đó có: Robert Toombs - Bộ trưởng Bộ nội vụ; Christopher G. Memminger người Nam Carolina là Bộ trưởng Bộ tài chính; Leroy P. Walker - Bộ trưởng Bộ chiến tranh; Stephen R. Mallory, thuộc bang Florida: Bộ trưởng Bộ hải quân; Judah P. Benjamin của bang Louisiana là Chánh án Pháp viện tối cao. Và ông John H. Eagan bang Texas là Tổng cục trưởng Tổng cục bưu chính. Nội các còn bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng hàng đầu của miền Nam. Đặc biệt là các ông Toombs và Benjamin (đều là cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ). Nội các còn dành nhiều cương vị công bằng cho các đại diện bang của Liên minh. Người miền Nam nói: họ đã tìm được đúng người giữ những chức vụ phù hợp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:22:20 pm »


Bằng cách giữ lại những nét chính trong luật pháp Hoa Kỳ, chỉ thay đổi chúng khi nào chúng không phù hợp với hiến pháp của Liên minh miền Nam, và giữ bộ máy hành chính, dịch vụ như của Liên bang (nhân viên bưu điện và cách đưa thư chẳng hạn), chính quyền Liên minh dễ dàng thành lập và đi vào hoạt động. Đáng kể là việc tạo ra quân đội Liên minh bằng cách kêu gọi các bang đề nghị góp phần của mình về binh lính cũng như đạn dược. Những sự kiện sắp xảy đến đã nhanh chóng biến quyết định này thành một quyết định vô cùng quan trọng. Một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Davis là cử những đặc phái viên của Liên bang miền Nam tới Washington trong một nỗ lực vô vọng nhằm thiết lập những mối quan hệ thân mật ở đây.

Trong lúc ấy, một trong những vấn đề nhạy cảm nhất mà cả Tổng thống Buchanan và những lãnh đạo của Liên minh lâm thời đều phải đối mặt: vấn đề sở hữu những tài sản của Liên bang (các trại lính, các pháo đài, đạn dược, trụ sở hải quân, và các bưu điện) trong lòng các bang li khai. Khi các bang rút khỏi Liên bang, họ đòi tất cả các cơ sở của Liên bang có trong bang của họ phải đầu hàng. Ngay lập tức, các nhân viên cấp cao của các địa phương, nhiều người trong số họ là người miền Nam đều tán thành quyết định này. Tuy nhiên một vài người không chấp nhận. Một trong số họ chính là thiếu tá Adam J. Slemmer, một sĩ quan chỉ huy của pháo đài Pickens, một vị trí canh gác lối ra vào cảng Pensacola. Một sĩ quan khác cũng không chấp nhận đầu hàng là thiếu tá Robert Anderson, một người Kentucky có nhiều tình cảm sâu đậm với miền Nam. Ông này đóng quân tại một nơi có lẽ là một địa điểm bùng phát nhiều sự kiện chính trị và quân sự nhất trên thế giới, “chiếc nôi” của phong trào li khai: Charleston.

Anderson bảo vệ danh dự bằng cách từ chối giao trả pháo đài Sumter cho người miền Nam. Đây là một công trình kiên cố ở ngay trong cảng và ở vị trí vừa có thể bảo vệ và đe dọa cả thành phố. Tổng thống Buchanan bác bỏ yêu cầu sự đầu hàng của thành trì này do các sứ giả thuộc bang Carolina tại Washington đưa đến cho ông. Ngược lại, ông phái một con tàu có vũ trang mang theo đồ tiếp tế thực phẩm và quân cứu viện đến pháo đài. Ngày 09 tháng 01 năm 1861, con tàu này đã bị bắn hạ bởi một khẩu đội pháo bên cạnh bờ biển miền Nam Carolina. Tổng thống đã quyết định không trả đũa hành động này và coi đó là một tai nạn tất yếu phải xảy ra trong chiến tranh.

Ngày 04 tháng 03, ông Lincoln nhậm chức Tổng thống. Ông được thừa hưởng “một gia tài” to lớn: cuộc khủng hoảng li khai. Ông không hề có một kế hoạch cụ thể nào để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Nhưng trong lễ nhậm chức, ông đã đưa ra một số nguyên tắc hành động cho mình. Ông Lincoln đã khẳng định niềm tin của ông: Liên bang Hoa Kỳ là chính thức và trường tồn. Li khai là nổi loạn. Bạo lực vì mục đích li khai là nổi loạn. Ông nói ý định của ông là chấp pháp của Liên bang Mỹ ở tất cả các bang. Đồng thời gìn giữ, chiếm lĩnh, sở hữu tài sản của Liên bang.

Nhưng một lần nữa, ông cũng cam đoan với miền Nam rằng: ông sẽ không can thiệp vào thể chế sở hữu nô lệ ở những nơi nó có thể coi là hợp pháp. Ông muốn gây cảm tình với các công dân tại các bang li khai bằng cách hứa sẽ không tấn công họ. Đồng thời ông nói rằng sẽ không có xung đột trừ khi họ là người khởi xướng mâu thuẫn. Kế đến, với một thái độ chân thành và đầy sức thuyết phục, ông nói: “Vì các bạn không thề trước đấng tối cao sẽ hủy hoại chính phủ Liên bang, tôi trang nghiêm thề rằng sẽ bảo toàn, bảo vệ và chiến đấu vì nó... Chúng ta không thể là kẻ thù của nhau. Mặc dù cảm xúc đã có khi căng thẳng, nó vẫn không thể làm tình cảm thân thiết của chúng ta rạn vỡ. Sự hòa hợp thần diệu của quá khứ, bao kỷ niệm khi ta cùng chung tay chiến đấu tại các chiến trường, lòng yêu nước đầy tự hào, từng trái tim đang đập và từng viên đá trên cả lãnh thổ rộng lớn này sẽ mãi cùng hòa hợp với Liên bang mỗi khi sự hòa hợp ấy được cần đến, và chắc chắn người ta sẽ còn cần đến nó bởi bản chất thiên thần của mỗi chúng ta”.

Phân tích hoàn cảnh xảy ra tại pháo đài Pensacola và Charleston, những từ ngữ đáng ngại nhất trong bài diễn văn của ông Lincoln chính là lời tuyên bố về việc sẽ kiên quyết “duy trì, chiếm giữ và sở hữu” tài sản Liên bang. Nhưng ông không nói ông thực hiện lời nói ấy bằng cách nào: Bằng vũ lực hay bằng ngoại giao, tại sao và liệu ông có ý định tính cả những công trình hiện đang nằm trong tay các bang li khai chăng? Những sự kiện tiếp theo sẽ cho ta câu giải đáp.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM