Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 06:59:44 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bầu trời chiến tranh  (Đọc 137265 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #80 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2010, 08:45:54 am »

Đúng là sáng hôm sau, Vích-to Pê-tơ-rô-vích quyết định cất cánh. Phải có một người hộ vệ đi với anh.

- Cho phép tôi bay hộ vệ cho đồng chí - Tôi đề nghị với I-va-nốp.

Đồng chí chỉ huy nhìn tôi, ngạc nhiên:

- Vậy thì, thử xem. Nhưng cậu không quen bay dưới quyền điều khiển của người khác kia mà?

Chúng tôi cất cánh. Rõ ràng, đã lâu tôi không bay ở vị trí này. Và làm tròn nhiệm vụ cũng không giản đơn. Vích-to Pê-tơ-rô-vích bay rất tuyệt, Khi vút lên cao, lúc bay là sát mặt đất, anh chăm chú quan sát xem dưới đất có dấu vết gì của một chiếc IL bị hạ.

Và lúc này tôi cũng nghĩ đến Phi-ghi-sêp. Tôi hình dung trong óc: Phi-ghi-sép bay sâu về hướng đông, về sông Đơ-nhi-êp. Nếu chúng tôi tìm thấy anh, một trong chúng tôi phải hạ xuống, để đưa anh lên buồng lái.

Những trường hợp như vậy cũng đã xảy ra. Tôi đã đọc một chuyện trên báo, Trong thời kỳ chiến đấu ở Khan Kin Gôn, anh phi công tiêm kích S.I. Gri-xê-vi-ét cũng đã bốc người chỉ huy của mình lên máy bay ngay trước mũi bọn võ sĩ dạo. Vì chiến công đó, anh đã được tặng ngôi sao vàng thứ hai Anh hùng Liên Xô

Còn tôi bây giờ, tôi cũng sẵn sàng hạ xuống phía sau tuyến địch: vì tình bạn, để tuân thủ những mệnh lệnh của nghĩa vụ và trái tim, vì một cô gái trẻ đang nhỏ lệ....

Những mảnh đất bên kia Đơ-nhi-ép không cho tôi cơ hội thực hiện chiến công đó. Chúng tôi trở về sân bay. Lúc này tôi nghĩ đến Vích-to Pê-tơ-rô-vích. Nếu bọn Mét-xe bất ngờ lao xuống chúng tôi, tôi sẽ bảo vệ đồng chi chỉ huy đến hơi thở cuối cùng.

Pháo cao xạ địch nổ nhưng chúng tôi đều tránh được. Đó là nguy hiểm duy nhất mà chúng tôi gặp trong chuyến bay. 

Chúng tôi quay về, khá thất vọng. Không một dấu vết của Phi-ghi-sép. Có thật anh đã hy sinh rồi chăng? Tôi không thể chấp nhận ý nghĩ đó.

Va-len-ti-na xuất hiện ở cửa sở chỉ huy. Cô dừng lại một lát, hai tay chắp lại, rồi như một con chim bay đến chỗ chúng tôi. 

- Anh ấy đã về! Anh ấy đã trở về! - Cô reo lên sung sướng.

- Nguyên vẹn chứ? - Tôi hỏi khi Va-len-ti-na rực rỡ đứng trước mặt chúng tôi. 

- Bình an vô sự, chỉ còn ngắm chàng thôi! - Vích- to Pê-tơ-rô-vích trả lời thay cô. 

Chúng tôi gặp Phi-ghi-sép ở sở chỉ huy, nhanh nhẹn, không thể chê được, mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao. Cậu ấy kể lại: bị trúng đạn cao xạ, chỉ kịp bay về qua sông Dơ-nhi-ép. Phi-ghi-sép hạ cánh xuồng dải cát dọc sông và đi lang thang khá lâu trong đồng cỏ, trước khi tìm gặp được một đơn vị bộ binh ta. Để máy bay ở đó, cậu ta đi về Tsáp-lin-ca, trên một chiếc xe tải gặp dọc đường. 

- Tại sao đồng chí không nhắn tin về? - Thủ trưởng nghiêm khắc hỏi.

Còn Phi-ghi-sép, quay đầu để nhìn xem Va-len-ti-na có nghe không, khe khẽ nói:

- Tôi cố ý thử thách tình cảm cô ấy. - Và cậu ta phá lên cười. Lời nói và tiếng cười của cậu ta làm tôi khó chịu.

- Cậu đã làm điên đầu cô bé, mà cậu còn thích thú được? - Tôi thân mật trách Phi-ghi-sép. .
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #81 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 12:26:28 pm »

Vích-to Pê-tơ-rô-vích ra lệnh cho tôi bay về sân bay Vô-lô-đa-xcôi-e, ở đó có những xưởng sửa chữa và là nơi những phi công trẻ mới đến trung đoàn đang huấn luyện. 

- Tôi cho đồng chí hai ngày! - Anh nói - Đồng chí cho sửa chữa máy bay của mình, đồng chí kiểm tra những chiếc khác, và đưa máy bay về đây cùng với các chàng trai. Đã đến lúc họ phải bắt đầu chiến đấu.

Sau một giờ rưỡi bay, tôi đã ở sâu trong hậu phương. Tôi muốn nhìn xem các phi công trẻ tập luyện thế nào.

Một chiếc máy bay lăn trên đường băng, rời đất lấy độ cao và sau vài thế bay, quay về hạ cánh. Mọi việc diễn khá êm đềm, chính xác, như một bài học thuộc lòng, nhưng... không biến hóa, không có suy nghĩ, y như mẫu. Tôi có cảm giác xem một cuộn phim quay chậm. Vậy mà các bạn trẻ đang chuẩn bị cho cuộc chiến đấu? 

Ở tuyến cất cánh, tôi gặp lại những khuôn mặt quen thuộc. Ni-ki-tin dong dỏng, đội mũ bay, quân hàm cao nhất, báo cáo với tôi các chuyến bay tập. 

- Chúng tôi đã xong các bài không chiến và bắn bia. 

- Các anh đã sẵn  sàng chưa?

- Thưa, còn vài buổi họp huấn luyện nữa, nhưng đồng chí có thể đưa chúng tôi đi khỏi đây. 

- Ai nói với đồng chi là tôi tới đây làm việc đó?.

Những phi công khác kéo lại. An-đrây Tơ-rut tươi cười nói:

- Những người lao động phía sau gửi lời chào tới mặt trận! .

Tơ-rút cũng phàn nàn là người ta cho họ ra rìa: người ta không tập bắn bia và ném bom ở trường bia.

- Nhưng vì sao lại phải đổ đạn dược vô ích? Mặt trận ở gần đây. Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi có được huấn luyện nhiều đâu, nhưng ai muốn đều có thể học được trong chiến đấu. Bổ nhào như vậy có hơn không?

- Người ta nói, không an toàn - Ni-ki-tin trả lời.

- Được, ngày mai chúng tôi sẽ xem các anh đã học được những gì?

- Rồi đi ngay ra mặt trận! - Một cậu người nhỏ bé, mái tóc đen, lách qua mọi người đến chỗ tôi. Giơ tay lên mũ ca lô anh tự giới thiệu - Xte-pan Xu-prun!.

- Xu-prun à?

- Đúng thế! - Anh vui vẻ trả lời.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #82 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 12:27:21 pm »

- Tôi quen một Xu-prun, cũng tên là Xtê-pan. Các anh là bà con thân thuộc ư?

Anh cúi đầu:

- Chỉ là trùng tên thôi, thưa đồng chí trung úy. Nhưng tôi hiểu tường tận anh ấy hơn cả anh trai tôi. Quyết định đã đăng trên báo. Đồng chí có đọc không?  

- Quyết định nào? Về vấn đề Xu-prun ư?

- Quyết định truy tặng ngôi sao thứ hai Anh hùng Liên Xô cho Xtê-pan Páp-lô-vích Xu-prun. Anh ấy đã hy sinh trong một trận không chiến.

Cái tin làm tôi sửng sốt

- Đông chí biết anh ấy à? - Tiếng Ni-ki-tin nói bên tai tôi.

- Tôi đã gặp anh ấy... Đã có lần, chúng tôi gặp nhau... Tiếp tục đi, các cậu... .  

Nếu có thể lánh xa được ra bất cứ nơi nào, lang thang trên những cánh đồng để khỏi sớm trở về gặp lại các chàng thanh niên. Tôi cũng vậy, tôi đã đọc tất cả những gì người ta viết về Xu-prun, cũng như về Tsca-lốp. Anh xứng đáng là một người con anh dũng của Vôn-ga và đã bổ sung thêm rất nhiều hình ảnh của một phi công tiêm kích.

Tôi lại có một cảm nghĩ mới. Làm sao một phi công hoàn chỉnh như anh mà có thể bị hy sinh? Tôi nhớ anh, tôi nhớ lại cái điều mà trước kia anh đã nói với tôi.

Tôi không trở lại ngay các bài bay tập. Tập hợp các phi công, tôi nói với họ về Tsca-lốp và Xu-prun, những đặc tính đã làm tôi quý mến các anh. Ở người này là lòng can đảm trước mọi thử thách, tính quả quyết, tâm hồn sôi nổi. Ở người kia là trình độ uyên thâm rộng lớn, sự hiểu biết sâu sắc và cũng là tinh thần dũng cảm.

Tôi nói với họ nhiều điều, dẫn dắt họ đến phương pháp rút ra tử sự cơ động thẳng đứng, từ tốc độ nhanh, tử sự cần thiết sử dụng hết giới hạn sức mạnh điều khiển máy bay, và cả phương pháp bắn chuẩn xác. Tất cả là những yếu tố đầu tiên của kinh nghiệm chiến đấu, những kết quả của các quan sát của tôi và những kết luận của bản thân.

Ngày hôm đó, tôi “chiến đấu” trên bầu trời, trên sân bay với từng chàng thanh niên. Và buổi tối, trong bữa ăn, tôi hỏi họ:

- Thế nào, ngày mai, chúng ta lại cùng chơi trò mèo đuổi chuột, hay là... .  

Họ không cho tôi nói tiếp:

- Ra mặt trận!  

- Về trung đoàn

Ngày hôm sau, toàn bộ chúng tôi, trong đội hình nghiêm chỉnh từng đội, lập một vòng tròn quanh Vô-lô-đa-xcôi-e rồi bay về hướng đông, về Mê-li-tô-pôn. Ni-ki-tin, Tơ-rút và Xu-prun dẫn đầu những biên đội hai chiếc. Nhìn họ, tôi nhớ lại những chuyến bay chiến đấu đầu tiên của mình trên sông Prút, những chiến thắng đầu tiên cũng như nhũng thất bại đầu tiên của tôi.

Và trong giây lát, tôi có cảm tưởng mình đang bay lần đầu ra mặt trận. Cuốn theo một tinh thần nồng nhiệt thanh xuân, tôi ước ao được lao thẳng vào cuộc chiến đấu với những bạn trẻ này, và đè bẹp, nghiền nác thành tro bụi quân thù trên bầu trời. Tôi nghĩ đến những công việc chúng tôi đã làm, những người còn sống cũng như những người đã hy sinh trong những ngày đầu tiên của chiến tranh.

Đúng, sông Prút và sông Dơ-nhi-ét đã ở xa đây, và trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, chúng tôi đã hiến dâng tất cả sức lực. Nhìn những người lúc nãy đang bay xung quanh, chúng tôi đã có ý thức rõ ràng. Họ sẽ hiểu điều đó qua các thử thách đầu tiên.

Mê-li-tô-pôn đã hiện ra. Về phía nam A-ki-mốp-ca đang bốc cháy
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #83 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 12:28:34 pm »

chương 6
MỘT CHIẾC MÁY BAY TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG

TÔI và Xtê-pan Côm-lép bay trinh sát vùng Ô-rê-khốp. Trước khi đi, chúng tôi bàn với nhau: trường hợp cần quan sát kỹ mục tiêu, tôi sẽ xuống thấp, còn anh thì ở trên cao yểm hộ.

Bay đến khu vực, trời đầy mây. Tôi bổ nhào xuống sát mặt đất thấy các đoàn xe của ta tiến về hướng Ô-rê-khốp. Vọt lên cao rồi lao xuồng “sục sạo”, lại vẫn thấỵ bộ đội ta ở phía dưới. Lại sắp đánh nhau rồi. 

Bổ nhào lần nữa ở vùng phụ cận Ô-rê-khốp, tôi trông thấy nhiều quân Đức. Chúng bố trí trong vườn, trên đường băng. Nhìn đâu cũng thấy xe tăng, bộ binh cơ giới, pháo binh có xe kéo. Tôi cố nhớ kỹ các mục tiêu quan sát được, địa điểm, rồi quay về. Càng thông báo sớm cho ban tham mưu những tin tức này càng có lợi.

Bay được một lúc, tôi bổ nhào phóng đạn rốc-két đeo dưới cánh máy bay Mích vào quân địch. Thật là thích thú khi bắn vào xe cơ giới và xe tăng địch. Nhưng tại sao đồng chí hộ vệ cũng lao xuống. Nhìn lên trời, tôi phát hiện bốn chiếc Mêt-xe đang đuổi theo. Chúng biết chúng tôi đi trinh sát và quyết hạ chúng tôi.

Đối phương có ưu thế độ cao, còn chúng tôi ở thế bất lợi . Chúng tiến công Côm-lép. Tôi dùng hết sức lực vọt lên như mũi tên, bay đến chi viện cho anh. May là vừa rồi tôi chưa có dịp bắn hết rốc-két. Quả đạn đầu tiên không trúng. Kéo theo một vệt lửa, nó mất hút trong khoảng không. Nhưng nó đã làm tên Đức hoảng sợ. Chiếc Mét-xe tôi nhằm bắn, tức tốc bỏ chạy.

Một chiếc tiêm kích địch lại bám đuổi máy bay Côm-lép. Tôi phóng quả thứ hai đi, trượt bên cạnh mục tiêu. Tôi bèn dùng đại liên. Trúng rồi! Chiếc Mét-xe nổ tung và rơi mất tăm.

Nhưng Côm-lép đâu rồi? Chưa kịp định thần, tôi đã thấy máy bay mình rung động. Ở trên trời, người lái máy bay nghe tiếng máy như nghe tiếng đập của chính trái tim mình. Lập tức, tai tôi nghe rõ tiếng trục trặc của động cơ. Trên bảng đồng hồ, độ cao tụt xuồng. Liệu có thể thoát khỏi phòng tuyến quân địch không? hay là phải hạ cánh nơi đây gần Ô-rê-khốp?

Kẻ địch nóng lòng muốn hạ thủ chiếc máy bay bị thương trước khi nó rơi xuồng đất. Lũ Mét-xe tin chắc không có gì trở ngại, lần lượt thay nhau lao vào bắn chiếc máy bay đang mất dần tốc độ và cân bằng. Chúng muốn nhìn thấy chiếc Mích lao xuống, nổ tung, cột khói bốc lên. Nhưng tôi vẫn còn chiến đấu được. Thu mình thật thấp trong ghế ngồi, được tấm tựa bọc thép che chở, tôi cố tránh mỗi đợt tiến công của địch.

Trong thời điểm hiểm nghèo đó, tôi hiểu ra mánh lới xạ kích của bọn tiêm kích địch. Chúng kéo một tràng liên thanh dài để hiệu chinh đường bắn, sau đó phóng rôc-két. Điều khám phá đó đã cứu được máy bay và tính mạng của tôi. Tôi nhểm đếm tiếng đầu đạn địch đập vào tấm tựa bọc thép như đếm nhịp đập của mạch máu, rồi nắm đủng khoảnh khắc cần thiết, hạ độ cao né sang phải hoặc sang trái. Đường đạn trái phá trượt bên cạnh. Tôi lại tiếp tục bay.

Ba chiếc Mét-xe thay nhau bắn tôi như bắn bia. Tôi biết rằng chúng sẽ không buông tha chừng nào chúng chưa thấy máy bay tôi rơi xuồng đất.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #84 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 12:29:22 pm »

Tôi đã bỏ xa Ô-rê-khốp về phía sau, bay là là trên một con đường cái lớn. Không một bóng người. Chưa phải xa mặt trận, nhưng đây đã là vùng của ta và tôi có thể hạ cánh.

Vượt qua con đường sắt . Ngôi nhà người gác đường. Một em gái nhỏ đang cho bò ăn trong đồng cỏ. Cảnh tượng đó có lẽ đã làm giâm sự tập trung tư tưởng, thần kinh tôi như dãn ra. Hay có thể bọn lái máy bay dịch đã phát hiện được thủ đoạn của tôi. Bỗng nghe tiếng đạn nổ. Cần lái không hoạt động. Máy bay không tuân theo sự điều khiển của tôi nữa và đâm đầu xuồng đất.

Một chiếc Mét-xe ầm ầm lướt qua trên đầu. Máy bay bị va đập rất mạnh. Thân người đang lao về trước bị quật lùi đột ngột và va vào bảng đồng hồ. Tôi thoáng nghĩ là mình đã quên tháo kính bay. Tôi ngất đi, không còn biết gì nữa... .

Tụi Mét-xe tiếp tục bắn. Chúng định thiêu cháy cả tôi và máy bay. Nhưng sự đời lại có những điều trái ngược lạ lùng. Chính loạt bắn ác liệt và tiếng gầm rú của động cơ đã cứu tôi thoát chết. Tiếng động dữ dội đã làm tôi tỉnh lại.  

Ý nghĩ đầu tiên là phải ra khỏi buồng lái và rời xa máy bay. Tôi cố thử mà không làm thế nào gượng dậy được. Dù sao cũng phải leo qua thành buồng lái...

Máu ri rỉ chảy trên đầu... Có thể vì nhìn thấy máu chảy từ mặt xuống ngực mà tôi lấy lại can đảm. Ý nghĩ ghê gớm là mình bị vỡ mất một mắt và như vậy là không còn bay được nữa, đã làm tôi tỉnh táo lại.  

Leo qua thành buồng lái một cách khó khăn, từ trên cánh máy bay tôi để rơi mình xuống đất rồi bò lết di.

Pằng... .pằng... pằng... . .

Một loạt đạn bắn trúng giữa máy bay. Nép mình trong một cái hố, tôi chờ xem nó bốc cháy. Tiếng gầm rú lại vang lên. Phải tìm nấp chỗ khác. Tôi chạy đến ẩn dưới một vòm cầu nhỏ của đường sắt. Những tên đuổi theo không thấy người, liền rời bỏ máy bay của tôi.

Một loạt đại bác nổ vang. Phải rời khỏi nơi ẩn nấp. Tôi rút súng ngắn ra. Trước đó tôi đã lên đạn để nhằm vào mình, thì nay cần phải chĩa nó vào kẻ thù.

Tôi đi lại ngôi nhà. Một bà cụ đẫy đà đứng ở cuối sân. Thấy tôi đến gần, nét mặt bà cụ lộ vẻ sợ hãi. Bà đưa tay ôm mặt và khóc.  

- Mẹ ơi! Ai ở đây? Người của ta hay bọn Đức - Tôi lên tiếng hỏi:

- Người của ta, con ơi, của ta.  

Câu nói đơn giản mà có bao nhiêu ý nghĩa. “Người của ta”. Trong lúc này, điều đó chứa đựng biết bao điều đối với tôi với bà mẹ già, với cô bé chăn bò, với cả vùng đồng cỏ này.

- Cho con xin ít nước!

Bà cụ chạy đi lấy một gầu nước đầy và rót vào bàn tay tôi. Tôi vỗ nước vào mặt; nhận ra ngay là mình vẫn nhìn được bằng cả hai mắt.

“Tốt! tốt! tốt!” - Tôi cứ nhắc đi nhắc lại và reo lên một cách vui vẻ điều nhận biết ấy.

- Có cái gì mà tốt, hở con? Người con đầy máu.

- Không việc gì, mẹ ạ. Máu sẽ khô và được rửạ sạch. Cái chính là mắt con vẫn nguyên vẹn.

Bà cụ mừng rỡ, chỉ cho tôi biết bộ đội ta ở chỗ nào và hỏi tôi có đói không. Còn tôi thì lại nghĩ làm cách nào để dựng chiếc máy bay dậy và đưa nó ra khỏi nơi đây. Nghe tiếng đại bác thì dễ hiểu rằng đạn pháo sẽ bắn tới ngôi nhà gác đường này. Không thể chần chừ ở đây một phút nào.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #85 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 12:31:09 pm »

2

Ở bìa làng, tôi gặp vài chiến sĩ ta đội mũ, đeo súng. Theo đường liên lạc, họ dẫn tôi đến sở chỉ huy. Trung đoàn trưởng đơn vị bộ binh bảo vệ làng Ma-lai-a Tốc-mát-sơ-ca chăm chú nghe tôi trình bày và hứa sẽ cho người và xe tải đưa máy bay ra khỏi khu vực bị bắn phá. Ngay sau đó, đồng chí ra lệnh:

- Liên lạc, đồng chí dẫn trung úy đến trạm cấp cứu.

Trạm cứu thương của trung đoàn ở trong một nhà kho, không xa lắm. Thương binh rất nhiều, và luôn luôn có người được đưa đến. Người ta dùng xe bò đưa họ về phía sau.

Một viên đạn đại bác rít trên đầu, rồi một tiếng nổ. Ngôi nhà kề trạm cấp cứu đổ sập. Có tiếng kêu cứu. Sau đó, hai cô y tá đưa đến một cậu bé tám tuổi, mặc độc một cái quần đùi cũ. Một mảnh đạn đã gây vết thương ở bụng, trông thấy cả ruột. Trong đôi mắt mở to, không có một giọt nước mắt nào. Đưa mắt chầm chậm nhìn mọi người, hình như cậu muốn hỏi những người lớn: “Chúng đã làm cho cháu như thế này? Tại sao chúng lại làm vậy?”.

Khi chúng tôi lại gần máy bay thì súng cối địch nã đến. Người ta nhận ra là địa điểm đã bị địch ngắm sẵn. Phải nấp sau căn nhà và chờ đến tối. Chỉ đến đêm chúng tôi mới bắt tay vào công việc được. .

Ở trên không, chiếc Mích-3 nhẹ nhàng và dễ điều khiển. Nhưng ở mặt đất nó nặng nề và khó xoay xở. Chúng tôi vất vả đến tận nửa đêm để kéo nó lên, mà không ăn thua gì. Máy bay chỉ bập bềnh khi thì cánh bên này, khi thì cánh bên kia. 

- Trở về trung đoàn thôi! - đồng chí hạ sĩ nói - chúng tôi nhổ trại vào ba giờ sáng và rời khỏi đây.'

Tình hình thật khó khăn. Phải bỏ máy bay chăng? Chức trách quân nhân không cho phép bỏ lại hoặc phá hủy một chiếc máy bay mới chỉ hỏng động cơ. Nó còn có thể chiến đấu được.

Ý định kiên quyết của tôi không làm trung đoàn trưởng hài lòng.

- Phải đốt nó đi thôi - đồng chí nói dứt khoát - làm hết cách rồi mà không đưa nó lên được. Mà chúng tôi thì sắp phải hành quân

Tôi nảy ra ý nghĩ là đào đất ở dưới bánh thì sẽ dễ dàng làm cho máy bay lăn đi. 

- Được, đồng chi lấy mấy người đi làm thử một lần nữa xem.

- Cho phép tôi lấy hai chai chất cháy, nếu không làm được thì... 

- Cứ lấy

- Thưa đồng chí thiếu tá, nếu đưa nó lên được, thì phải kéo ngay về hậu phương. Trong trường hợp ấy, người của đồng chí có thể đi với tôi được không? 

- Được. Lúc ấy đồng chí sẽ đi ngay về Pô-lô-ghi. Chúng tôi rút lui theo hướng đó.

- Rõ! - Tôi vừa nói vừa nắm chặt tay đồng chí.

Tôi từ biệt con người tốt bụng ấy, và không bao giờ còn trở lại làng Ma-lai-a Tốc-mát-sơ-ca nữa. Chỉ cần ít thời gian để đào đất phía dưới bụng máy bay, lăn nó lên, đặt đuôi máy bay lên chiếc xe tải: Không để mất thì giờ, xe ô tô kéo theo chiếc Mích bắt đầu lăn bánh trên đường đi Pô-lô-ghi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #86 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 12:32:07 pm »

3

Chúng tôi đi suốt đêm không nghỉ. Chẳng có thì giờ chợp mắt. Đến rạng đông mới dừng chân lại ở mấy ngôi nhà đầu một làng U-cra-i-na nhỏ. Một đàn bò ngăn mất đường đi

Thấy một người đàn bà đứng trong nhà, đồng chí hạ sĩ ngập ngừng nói với mọi người:


- Ta hỏi thử họ xem có gì ăn không?.
- Đúng! - Tôi vừa nói vừa ra khỏi buồng lái. Tôi thấy ân hận vì không quan tâm chăm sóc ba người bạn đồng hành. Họ đã không ăn uống gì từ chiều hôm trước. Cả đêm, họ đã phải làm việc cật lực. '

- Chào chị. - Tôi nói với người đàn bà.

- Chào anh. - Người đàn bâ trả lời nhẹ nhàng bằng tiếng U-cra-i-na.

Tôi chợt nhận ra vẻ mặt đầy lo lắng buồn phiền của chị. Người phụ nữ, người mẹ ấy đứng một mình cạnh cửa. Chị nhìn tất cả chúng tôi, nhìn chiếc máy bay và nhìn khuôn mặt buộc băng của tôi. 

- Chị có chút gì cho chúng tôi ăn được không? 

Chị nhìn tôi, mặt buồn bã và thở dài nói:

- Cái ăn thì có. Nhưng lẽ nào các anh lại bỏ chúng tôi? Ngừng một lát, chị lại nói to điều mình suy nghĩ: Nhà tôi cái ăn gì cũng có. Mùa màng thu hoạch khá, cũng bõ công vất vả. Nhưng để lại cho ai bây giơg - Chị quay gót rồi vừa đi, vừa nói: Anh đi theo tôi và gọi cả các bạn anh nữa.

Tôi đứng im như phỗng. Câu nói trách móc “các anh bỏ chúng tôi” đè nặng lên chân tôi như một tảng đá. Sau giây phút sững sờ, tôi quay đằng sau, vội vàng trở lại máy bay. 

- Lên đường! - Đồng chí lái xe kinh ngạc khi nghe tôi gọi - Cậu thấy không, đàn bò đã đi qua.

Phải, chúng tôi đã bỏ lại những con người cần cù; trung hậu với tất cả tài sản do bàn tay họ làm ra. Biết bao mảnh đất quê hương cũng bị bỏ lại và bị bọn Hít-le xâm lược giày xéo. Thật là chua xót phải thú nhận sự bất lực không thể giúp đỡ được những con người như vậy, và cảm thấy xấu hổ khi nhìn vào mắt họ. Tôi quyết định sẽ không vào bất cứ một mái nhà nào, chừng nào mình không có cách gì an ủi, động viên các cụ già, các chị em và các cháu bé trong tình cảnh đau khổ của họ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #87 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 12:32:57 pm »

Chúng tôi dừng lại trong một làng để hỏi thăm đường. Trẻ con xúm lại như bầy sẻ. Vừa tò mò xem máy bay, các em vừa tranh nhau chỉ cho chúng tôi cần đi qua những đâu. Hầu hết các em cầm trong tay những tầng mật ong. 

- Các cháu lấy ở đâu thế? - Đồng chí hạ sĩ hỏi một cháu. 

- Người ta chia các tổ ong của nông trường cho mọi người. 

- Thế còn các chú, người ta không cho mật à?

- Chú cầm lấy của cháu và cho cháu thuốc hút.

Các chiến sĩ đòi thuốc lá lấy mật ong rồi lại lên đường theo như đã chỉ dẫn.

Đến thị trấn Pô-lô-ghi, tôi quyết định dừng lại để tháo cánh máy bay đặt lên thùng xe. Kéo theo chiếc máy bay có cánh thì rất khó: các con đường đều đầy xe cộ và người tản cư. Tôi đã có một lực lượng đông đảo giúp đỡ là các chú bé. Không phải khi nào cũng thấy một chiếc máy bay được tháo ra tại chỗ.

Công việc vừa xong thì con mắt tôi có cái gì không bình thường. Bọn trẻ dẫn tôi đến bệnh viện quân y đóng trong thị trấn. Bác sĩ sau khi xem xét vết thương, nói với cô y tá:

- Cho đồng chí ấy vào viện.

- Không thể được. Tôi còn một chiếc máy bay và vài người nữa. 

- Nếu anh muốn hỏng mắt thì cứ đi theo máy bay - Bác sĩ trả lời với dáng mệt mỏi.
Câu trả lời cứng nhắc làm tôi khó chịu. Tôi yêu cầu được băng và để tôi đi. Thấy tôi kiên quyết, bác sĩ bảo người băng bó rồi bỏ đi.
Trong khi chăm sóc, các cô y tá cứ khuyên tôi ở lại.

- Hôm qua ở đây cũng có một phi công - Một cô nói.

- Hôm qua à? Anh ta còn ở đây không? - Tôi hỏi và nghĩ đến Xtê-pan Côm-lép. 

- Không. Đưa về hậu phương rồi.

- Các cô có biết tên không?

- Sao lại không? Này các cô, xem lại sổ đăng ký những người chuyển đi xem? 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #88 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 12:34:01 pm »

“Phải Côm-lép không? Bây giờ cậu ấy ở đâu? Nếu họ đã đưa đi xa, thì chắc khó mà sớm trở về trung đoàn”.

- Anh ấy bị thương nặng không?

- Nhẹ thôi, anh ấy hạ cánh phía sau Pô-lô-ghi.

- Trung úy Côm-lép - Một cô y tá vừa trở vào phòng nói.

Tôi không giấu được vẻ xúc động.

- Anh biết anh ấy à?

- Chúng tôi cùng bay với nhau. 

- Vậy sao anh không làm như anh ấy? Nếu anh ở lại, chúng tôi sẽ chữa lành vết thương cho anh.

- Chào tạm biệt! 

Ở phía đông có tiếng đạn đại bác.

- Lên đường thôi - tôi nói với hạ sĩ và các chiến sĩ đang đợi ở cạnh xe tải - Cần phải đi gấp.

- Có việc gì thế?

- Các đồng chí không nghe thấy sao. Đường từ Pô-lô-ghi về phía đông đã bị chặn. 

Quả nhiên, từ phía ấy xe cộ đì ngược trở lại. Tôi lại nghĩ đến Côm-lép: anh đang ở đâu đây?

Trong chốc lát, chúng tôi đã bị rất nhiều xe tải, xe kéo dắt bao vây. Phải lên đường thôi, nhưng đi đâu? Nhớ đến cuộc tiến công của bộ đội ta phía dưới Mê-li-tô-pôn, tôi quyết định tốt nhất là đi xuống phía nam; cố tìm về đơn vị. Nhìn lên tấm bản đồ còn giữ được, không khó khăn nhận ra hướng tiến quân của bọn Hít-le đang vào Pô-lô-ghi từ phía đông. Về phía biển! Đó là nơi tôi phải đi đến. 

Trong những ngày ấy, tất cả sự sống đều đổ xô về hướng đông không gì ngăn trở được. Khi làn sóng ấy gặp vật gì cản lại, lập tức nó rẽ thành một dòng chảy khác. Xe chúng tôi đã đầy người bị thương và binh lính lạc đơn vị. Nhìn tình cảnh họ, ta hiểu rằng chiến tranh đã đặt họ trước một thử thách nặng nề. Nhưng họ không mất tinh thần.

Nguyện vọng duy nhất của họ là nhanh chóng trở lại đơn vị, nghỉ ngơi chút ít, cởi bỏ bộ quần áo đầy mồ hôi, tắm rửa, ăn uống thỏa thuê, rồi lại lao ào cuộc chiến đấu. Tôi hiểu họ và thực lòng chia sẻ với họ những tình cảm ấy. Từ ngày đầu tiên của những gian khổ trên con đường chiến tranh, tôi đã hiểu cuộc hành quân vượt vòng vây trở về đơn vị, thực sự là một chiến công.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #89 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 12:34:43 pm »

Chúng tôi đến vùng phụ cận Véc-ni Tô-mắc lúc trời tối: Máy bay địch vừa ném bom thị trấn. Nhà cửa đang cháy. Trên đường phố, quanh những chiếc xe bị phá hủy, nhiều vũ khí bị vứt trên mặt đất. Bọn tôi nhặt lại và tìm thấy cả một khẩu tiểu liên còn tốt. Tôi cũng lấy được cho mình một khẩu súng nửa tự động và vài quả lựu đạn. Đồng chí hạ sĩ lái xe còn phát hiện được một vò rượu trong một chiếc xe ngựa.

Thấy ở trung tâm thị trấn một đoàn xe và pháo có xe kéo; chúng tôi dừng lại. Tới gần một nhóm các sĩ quan cao cấp tụ tập ở quảng trường, tôi lắng nghe họ bàn bạc.

Họ đang trao đổi về đường đi tiếp theo. Trên bệ pháo và thùng xe không có lấy một hòm đạn. Tôi dự định sẽ đi cùng đoàn này chọc thủng vòng vây về hướng đông

Hội đồng quân sự quyết định lên đường vào đúng nửa đêm. Trở về xe, tôi lại thấy có nhiều thương binh hơn lúc đầu. Phải cho họ ăn và tìm chỗ cho họ nghỉ đêm..

May mắn đến với chúng tôi. Bà chủ ngôi nhà chúng tôi vào tỏ ra rất ân cần.

- Ôi khốn khổ các con - bà kêu lên với giọng U-cra-i-na trong trẻo - Mời các con vào trong sân.

Ngay cả trong hoạn nạn, người đàn bà phúc hậu này vẫn giữ nguyên tấm lòng đẹp đẽ và tính tình vui vẻ, cởi mở.

- Chiều nay, lúc sập tối - bà nói tiếp - một quả bom đã giết mất của mẹ hai con cừu. Vừa đúng dịp các con đến, thế là các con có thức ăn đấy

Sau bữa cơm tối thinh soạn, tôi giao đồng chí hạ sĩ tìm chỗ ngủ cho anh em và tổ chức canh gác xe. Tôi báo cho mọi người biết trước giờ xuất phát.

Khi anh em đã đi khỏi, tôi dặn bà chủ nhà đánh thức tôi dậy vào nửa đêm, rồi đi ngủ để lấy sức.

Có lẽ bà đã thương hại tôi. Khi thức dậy, tôi không còn tin ở mắt mình được nữa: trời đã sáng bạch. Chiếc xe trống rỗng vẫn đậu cạnh nhà. Tôi mặc quần áo vội vàng và chạy đi tìm anh em. Họ bỏ tôi lại chăng?. Tôi thoáng nghi hoặc. Nhưng kia! Họ vẫn ngủ ngon lành như những con người vô tư trong ngôi nhà bên cạnh. Tôi vừa thét, vừa lay họ dậy. Ngửi thấy mùi rượu, tôi hiểu ngay là mình đã phạm một sai lầm tai hại là không giữ lấy vò rượu từ chiều hôm trước. Các chàng trai đã nốc rượu một cách vui vẻ suốt đêm qua.

Tôi chỉnh cho họ một trận, dọa thi hành kỷ luật, nhưng để làm gì? đoàn người chúng tôi định đi cùng thì đã đi xa. Trong cái yên tĩnh của bình minh, lại nghe rõ tiếng đại bác bắn về phía tây.

Làm gì bây giờ Không thể đi về phía đông. Chúng tôi có năm người tất cả và rất ít đạn. Trên đường không còn thấy một người nào của bộ đội ta. Nếu lính mô tô cơ giới địch bắt gặp, chúng sẽ bắn chết chúng tôi như bắn bầy thỏ.

Tôi quyết định đi về Séc-nhi-gốp-ca, một làng gần nhất ở phía tây. Khi chiến sự đang diễn ra ở phía ấy, thì không thể không có quân ta ở đó.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM