Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 12:44:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bầu trời chiến tranh  (Đọc 137619 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #190 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2010, 09:19:43 am »

Chúng tôi cất cánh từ sân bay này để rồi lại hạ cánh ở sân bay khác. Và hôm nay, chúng tôi hạ cánh gần địa điểm M. Khi bay trên cái thành phố tối như phủ một thảm muội đèn này, tôi cảm thấy rờn rợn. Người ta có thể nói đây là một trận động đất, đã lay chuyển đất dưới chân thành phố, làm sụp đổ tất cả các nhà máy, các lò cao và nhà cửa. Chúng tôi chỉ còn ở được trong những ngôi nhà nhỏ chưa bị động đến ở ngoại ô.

Một sự kiện xảy ra trên đường xe lửa, đúng trước khi bọn Đức rút lui, đã truyền từ cửa miệng người này sang người khác như một truyền thuyết: khi rời thành phố, bọn phát xít dự định chuyển sang Đức tất cả những người dân khỏe mạnh còn ở lại thành phố, chủ yếu là các cô gái trẻ.

Đoàn tàu vừa rời bánh khỏi ga thì trên trời xuất hiện những máy bay tiêm kích có ngôi sao đỏ trên cánh. Và, đường như đoán biết đoàn tàu chở cái gì nên các phi công ta không bắn vào các toa xe mà bắn vào đầu máy và đã phá hủy nó. Đoàn tàu dừng lại. Bọn Đức đi áp giải bỏ chạy. Các phi công ta đã cứu được hàng trăm đồng bào.

Chúng tôi càng tự hào về những anh hùng của câu chuyện có tính truyền thuyết chân thực nói trên vì đây chính là những phi công của trung đoàn chúng tôi. Chính một phi công của chúng tôi, I-van Ba-bắc, đã phá hủy chiếc đầu máy định đem những công dân Xô-viết về trại tập trung phát xít.

Bà chủ ngôi nhà mà Gô-lu-bi-ép và tôi ở còn kể cho chúng tôi nghe sự hy sinh anh dũng của người thợ đúc thép nổi tiếng người U-cra-i-na: Ma-ca Ma-dai. Bọn Đức muốn bắt buộc đồng chí đúc kim loại cho nước Đức phát xít Nhưng đồng chí dứt khoát từ chối phục vụ bọn chiếm đóng và chúng đã bắn anh.

Trong suốt thời gian này, tôi tạm thay Crai-ép bị ốm. Vì vậy, công việc và những lo lắng càng nhiều gấp bội.

Một hôm kỹ sư quân giới, đại úy Giơ-mút ra gặp tôi tại sân bay:

- Cho phép tôi nói với đồng chí một câu chuyện riêng - Anh nói. 

Tôi nhìn anh, khuôn mặt anh gầy võ, tái nhợt, những nếp nhăn hằn sâu, đoán ngay anh định đề nghị gì: hôm trước, bộ đội ta đã giải phóng Nô-ga-ít-xcơ, nơi bố mẹ, vợ và các con anh đã ở trước chiến tranh.

Anh không chờ đợi những tin tức may mắn: ở Ta-gan-rốc, Giơ-đa-nốp và Ô-xi-pen-cô, bọn Đức đã giết tất cả những người Do thái. Và Nô-ga-ít-xcơ cũng nằm trên đường rút lui của chúng. 

- Này anh bạn - Tôi nói với kỹ sư - Nếu tai họa đã xảy ra rồi thì cũng không thể hàn gắn dược. Phải cứng rắn lên. Hãy lấy một chiếc xe và đi đến đấy.

Anh chia tay tôi, nặng trĩu đau buồn, và tim tôi cũng se lại.

Còn tôi cũng nhớ lại những phi công bị rơi trên bầu trời vùng bị tạm chiếm. Bây giờ họ ở đâu? Tình cánh họ ra sao?. Phải tìm cách liên lạc được với những người dân ở các khu vực dưới vùng trời mà các máy bay ta bị hạ. Có thể họ biết được đôi chút về số phận của các đồng chí ta. Các bà mẹ và các bà vợ của những người bị mất tích sẽ viết thư hỏi trung đoàn. Trả lời họ sao đây
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #191 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2010, 09:20:42 am »

5

Bộ đội Xô-viết tiến đến vùng lân cận Mô-lốt-snai-a. Trên bờ sông. bọn Đức điên cuồng chuẩn bị cuộc phòng thủ Các chuyến bay trinh sát có nhiệm vụ tìm hiểu xem quân địch có chuyển về khu vực này những lực lượng từ Crưm không, và các sân bay của chúng nằm ở đâu.

Nhiệm vụ rõ ràng, hành trình quen thuộc: hai năm trước, tôi không chỉ bay trên vùng này mà còn hành quân trên xe tải kéo theo một chiếc Mích bị hỏng.

Sau khi bay trên Crưm, chúng tôi hướng về Mê-li-tô-pôn, bây giờ là điểm tựa của tuyến phòng thủ địch trong vùng này. Chúng tôi nhận thấy những đoàn quân Đức đông đảo đang di chuyển về hướng Bắc, đến Mô-lốt-snai-a. 

Xăng dầu còn lại cho phép chúng tôi kiểm tra thêm khu vực ở phía tây Mê-li-lô-pôn. Chúng tôi phát hiện ở đây một số sân bay đã chiến có máy bay. Bộ tham mưu đánh giá cao kết quả nhiệm vụ của chúng tôi và người ta dự định phái thêm một biên đội hai chiếc đi trinh sát những con đường từ Crưm đến.

Crai-ép cho gọi Rếch-ca-lốp.

- Máy bay đồng chí có các thùng dầu phụ ở ngoài không? - Anh hỏi.

- Không.

- Thế các thùng dầu đâu?

- Tôi đã để lại ở Pô-pô-vít-se-xcai-a như các đồng chí khác.

- Vậy thì lấy các thùng dầu của Pô-crư-skin. Đồng chí bay trinh sát trên không phận Crưm cùng với người hộ vệ.

Trong khi họ trao đổi ý kiến, tôi vẫn ngồi ở một góc sở chỉ huy, đang viết báo cáo. 

- Vì mấy cái thùng dầu chết tiệt của Pô-crư-skin mà tôi phải lao vào cái lò lửa. Anh ấy mang nó theo làm gì nhỉ? - Rếch-ca-lốp phàn nàn.

Không chịu được, tôi lại gần bàn chỉ huy và nói:

- Được! Tôi lại cùng với Gô-lu-bi-ép đi trinh sát. Nhưng Rếch-ca-lốp hãy nhớ lấy: Khi bộ đội ta đã chia cắt được Crưm, tôi sẽ dùng những thùng dầu phụ đó bay đánh chặn bọn Gioong-ke trên biển, ra xa bờ biển, lúc ấy đừng có đến mà hỏi mượn.

Rếch-ca-lốp yên lặng rồi anh lầu bầu cái gì như muốn thanh minh, nhưng tôi nghe không rõ.

Sau khi quán triệt mục đích của nhiệm vụ, Gô-lu-bi-ép và tôi cùng đi đến những chiếc máy bay động cơ còn chưa đủ thời gian nguội lạnh. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #192 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 08:43:58 am »

Buổi tối, trở về, tôi thấy kỹ sư I-a-cốp Giơ-mút, có những bạn cùng trung đoàn vây quanh, đang kể lại cuộc hành trình về Nô-ga-ít-xcơ. Đôi mắt mọng đỏ, anh nói, trầm trầm nhát gừng. Mới có một ngày mà hình như anh đã già đi hàng chục năm.

- Chúng nó đã bắn tất cả ư? - Tôi nghe có ai đó hỏi với một giọng bực bội.

Im lặng. 

- Mọi người đều bị vùi chung trong một hố: chị tôi, các cụ, các cháu...

Giơ-mút òa lên khóc. Không khí nặng như chì. Chúng tôi đều chết lặng, hình như cái hố chất đầy thi hài đẫm máu đó đang ở trước mắt chúng tôi.

Câu chuyện của kỹ sư Giơ-mút làm tôi nhớ đền một hình ảnh ghê gớm mà tôi được chứng kiến cách đó không lâu: chúng tôi vừa hạ cánh xuống một sân bay mới. Một máy bay, khi lăn, sụt bánh vào một cái hố gần dải đất bảo đảm của đường hạ cất cánh.

Khi đào để đưa máy bay ra khỏi hố, người ta phát hiện thấy nhiều xác người, đất bám đầy. Để làm rõ sự việc, người ta mời dân chúng xung quanh đến, và rồi cả dân làng bên cũng chạy sang. Người ta tiến hành khai quật. Trong một hào giao thông sâu chất hàng trăm xác người. Thôi thì đủ: người Nga, U-cra-i-na, người Do Thái, Tác-ta, nói gọn là nhiều người thuộc các dân tộc rất khác nhau.

Những người địa phương nhớ lại, họ đã thấy quân Đức dẫn qua làng ít ngày trước khi bộ đội ta đến, một đoàn đông tù binh Xô viết. Mọi người nghĩ rằng bọn Đức đưa họ đến làm việc ở sân bay. Rồi người ta nghe thấy nhiều tiếng súng nổ. Vì thường chúng luôn luôn bắn súng ở sân bay nên không ai nghĩ là bọn phát xít đã bắn tất cả các tù binh đó.

Chúng tôi đã chôn cất những người anh em bị giết theo nghi lễ quân sự, dựng lên trên những nấm mồ một đài kỷ niệm và thề sẽ trả thù cho họ. Và, bây giờ mối thù không thể nào nguôi đối với bọn quốc xã càng bừng cháy hơn lúc nào hết trong trái tim chúng tôi.

Tôi lại gần kỹ sư và nói với anh một cách giản dị như những con người nói với nhau:

- Đừng khóc nữa. Nước mắt không giải quyết được gì. Phải tiến công chúng mạnh hơn với tất cả niềm phẫn nộ. Mình hứa với cậu ngày mai sẽ hạ vài đứa để trả thù cho gia đình cậu.

Đồng chí kỹ sư ngẩng đầu nhìn tôi, khuôn mặt đầy lệ, im lặng bắt tay tôi, tôi siết chặt bàn tay cần cù, từng biết khéo léo sửa chữa những khẩu liên thanh, đại bác và những thiết bị dẫn đường của chúng tôi.

Sáng hôm sau, Gô-lu-bi-ép và tôi làm nhiệm vụ đi săn tự do, trở về rỗng túi. Chúng tôi đã dùng gần hết đạn dược để tiến công những đoàn xe địch trên đường. Bất thần, sở chỉ huy sư đoàn thông báo: có nhiều máy bay ném bom ở phía bắc Ban-sôi Tốc-mắc. Hãy tiến công chúng!

Chúng tôi vội vàng bay tới địa điểm chỉ định. Ngay lần tiến nhập đầu tiên, tôi đã bắn cháy một chiếc Giong-ke. Nhưng tôi không có thì giờ bắn chiếc khác: sáu chiếc Mét-xe đã bám quanh chúng tôi. Vì phải quần nhau với chúng nên chúng tôi không ngăn cản được bọn máy bay ném bom địch thả bom xuống bộ đội ta.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #193 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 08:44:53 am »

Chúng tôi trở về, bực bội ngay với chính mình. Có một điều an ủi: tôi nhận thấy bọn Gioong-ke đã từ hướng tây-bắc đến Ban-sôi Tốc-mắc. Như vậy, chúng phải cất cánh từ những sân bay đâu đó tại Ki-rô-vô-grát. Như thế thì phải đón chúng xa hơn về phía tây, gần Đơ-nhi-ép để chặn đánh chúng cách xa mục tiêu hơn nữa

Buổi trưa, tôi dẫn dầu một tốp bốn phi công thiện chiến đến Ban-sôi Tốc-mắc. Như mọi lần, Gô-lu-bi-ép vẫn yểm hộ cho tôi. Giéc-di-ép và Xu-khốp hợp thành biên đội thứ hai. Đó là một kíp chiến đấu ưu việt.

Sau khi vượt qua tuyến mặt trận ở độ cao, chúng tôi lao dần xuống Ni-cô-pôn. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về phương án này. Hôm qua chính sư đoàn trưởng Đdút-xốp đến kiểm tra trung đoàn, đã quở trách chúng tôi không yểm hộ tốt cho kỵ binh.

- Chúng tôi đã yểm hộ họ hết sức mình, thưa đồng chí đại tá. - Tôi đáp lại để tự bảo vệ trước lời khiển trách không đúng.

- Hãy nói cho tôi hiểu thế nào là một cuộc yểm hộ! - Đdút-xốp không vừa ý, nói lại - Lúc thì các anh dạo chơi ở đâu, ngườí ta không biết nơi nào mà tìm, mà gọi, lúc thì các anh đánh lộn với tụi Mél-xe. Còn trong khi đó, bọn Gioong-ke cứ bình yên mần việc.

Đến chỗ này, tôi cãi:

- Nếu chúng tôi cứ bằng lòng vo ve như đàn ruồi ngay trên đầu kỵ binh, thì có đem cả thân mình ra cũng chẳng ngăn được bom rơi. Phải chặn chúng lên đường bay như chúng tôi đã làm ở Cu-ban. Muốn vậy, phải cho chúng tôi cất cánh không phải từng biên đội hai chiếc mà thành từng đội.

Đúng là ở Cu-ban, chúng tôi đã biết đánh chặn các máy bay ném bom địch ở xa tuyến mặt trận. Nhưng bây giờ, một số người lại muốn kéo chúng tôi vào con đường mòn cũ kỹ.

Trong khi chúng tôi bay đến Dơ-nhi-ép, tôi không chỉ nghĩ đến buổi tiếp xúc hôm qua với sư đoàn trưởng, mà còn nhớ lại thời kỳ khó khăn của năm 1941. Hồi ấy, chúng tôi bảo vệ bộ đội bằng đội hình hai chiếc, chúng tôi “vo ve’ trên bầu trời. Những trận chiến đấu với bọn Mét-xe thường diễn ra chênh lệch và rất ít khi kết thúc có lợi cho chúng tôi. Nhưng lúc ấy chúng ta không có nhiều máy bay. Còn bây giờ?
Bọn Gioong-ke quả không phụ lòng mong đợi. Như tôi đã dự đoán, chúng xuất hiện từ phía Ni-cô-pôn, bay ở độ cao khá lớn, không có hộ tống. Chắc chúng tin tưởng vào tốp quét sạch vùng trời của chúng đã có mặt ở trên tuyến một.

Trước khi bay đến Ban-sôi Tốc-mắc, chúng tôi đã lấy được độ cao cần thiết và bây giờ chúng tôi đã ở trên bọn Gioong-ke. Nhanh chóng tăng tốc độ để tiến lại gần chúng, tôi ra lệnh trên vô tuyến: 

- Tiến sát vào! tiến sát vào! Tôi tiến công tên tốp trưởng.

Đội hình chiến đấu của bọn ném bom bay ngược lại chúng tôi. Vài giây trước khi nổ súng, không hiểu sao tôi phát hiện hình như trên cánh bay không có dấu thập ngoặc mà là những ngôi sao.

- Máy bay ta! Không được bắn? - Tôi hét lên.

Và bọn Gioong-ke, với các dấu thập ngoặc vàng ánh dưới tia nắng mặt trời, bay qua đầu chúng tôi. Do quá cẩn thận, tôi buồn phiền vì phạm một sai lầm đần độn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #194 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 08:45:57 am »

Ngoặc gấp, tôi lao vào giữa đội hình máy bay ném bom. Vừa đặt được tên tốp trưởng địch vào tròng ngắm, tôi liền ấn một tràng tất cả các khẩu đại liên và pháo. Một bức tường lửa lao về phía tôi. Một đám mảnh vụn của máy bay ném bom tung tóe trên không suýt đập vào máy bay tôi.

Máy bay tôi lao theo đà vào đám lửa. Tôi cảm thấy một chấn động mạnh, tiếp theo là một sự va đập vào thân máy bay, rồi tôi đã lao qua bên kia đám lửa. Nhìn xung quanh tôi, bên phải, bên trái đều có máy bay ném bom. Một chiếc đang bốc lửa, có thể bị trọng thương vì vụ nổ của chiếc máy bay bên cạnh.

Tôi bắt vào trong kính ngắm một chiếc ở đầu bên phải và nổ súng. Từ cánh chiếc Gioong-ke, một làn khói bốc ra. Vòng gấp lại, chiếc Gioong-ke bổ nhào xuống và lủi trốn. Tôi đuổi theo và bằng một tràng đạn nữa trúng động cơ phải, tôi đã kết liễu đời nó.

Rồi tôi vọt cao thẳng đứng. Tôi thấy một chiếc Giong-ke khác bị tốp Giéc-di-ép bắn hạ đang rơi bên cạnh, và lơ lửng trên cao là những chiếc dù của tổ bay chiếc máy bay vừa bị hạ.

“Hãy nhớ đến Ô-xiơ-rốp-xki” - Ý nghĩ đó hiện lên như ánh chớp - Phải, cái chàng trai mà tôi yêu mến như con, cũng nhảy dù như bọn chúng. Thế mà, bọn phát xít đã nã súng vào anh không thương tiếc, ngay ở trên không. Không chế ngự được cơn giận dữ, tôi bóp cò súng.

Thoát ly chiến đấu, với những giọt dầu cuối cùng, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay gần nhất.

Đến chiều, chúng tôi trở về căn cứ. Ở vị trí đỗ, tôi gặp lại kỹ sư Giơ-mút.

- Tôi rất băn khoăn về vấn đề anh đã nêu, đồng chí chỉ huy - Giơ-mút vừa giúp chúng tôi tháo quai dù - Sau một lời hứa như vậy biết đâu...

- Mọi việc đều tốt đẹp, tất nhiên, đôi khi cũng có khó khăn để giữ một lời nguyền trước anh em. Nhưng cám ơn những khẩu liên thanh và pháo: chúng làm việc rất tuyệt. Tôi đã bắn rơi ba chiếc Gioong-ke như đã hứa.

Khi xem xét máy bay chúng tôi phát hiện thấy trên cánh và quanh thân những vết dầu, vết xước và nhiều lỗ thủng. Nó cũng chịu đựng lửa đạn của quân thù.

6

Mùa thu U-cra-i-na đã đến. Từ trên trời cao, người ta thấy trải rộng đến hết tầm nhìn, những cánh đồng vàng óng lúa mì đã chín, và công việc đồng áng tấp nập trên mặt đất. Xa hơn nữa, trên sông Đơ-nhi-ép, từng đám khói vẫn phủ chân trời: Da-pô-rô-gie đang cháy. Chiến tranh vẫn diễn ra dữ dội ở đó.

Bây giờ, trung đoàn chúng tôi đóng ở Rô-dốp-ca, đang nghỉ một đợt ngắn. Nhưng, có thể gọi là nghỉ không, khi luôn luôn có hiệu lệnh báo động, tiếng động cơ máy bay và những trận không chiến làm đứt quãng?

Những chuyến bay hàng ngày qua sân bay của những máy bay trinh sát xa của địch, làm chúng tôi hết sức bực bội, Thường thường, chúng xuất hiện vào một giờ nhất định và bay rất cao. 

Tôi quyết định giăng một cái bẫy trên không. Ý định của tôi là phải khai thác cái thói rởm đời của bọn Đức, nói cho đúng hơn, là cái tính quy ước và thủ cựu trong chiến thuật, để chúng tôi bay gặp chúng ở địa điểm trên dọc đường xa sân bay chúng tôi. Đồng chí chỉ huy phê chuẩn kế hoạch.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #195 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 08:46:56 am »

Một buổi sáng đẹp trời, với thì giờ tính toán chuẩn xác, Gô-lu-bi-ép và tôi cất cánh. Lấy xong độ cao, chúng tôi bay đến tuyến mặt trận, tuần tiễu khu vực thường có bọn máy bay trinh sát địch qua lại.

Không phải chờ lâu, chúng tôi đã thấy xuất hiện trên trời, độ cao khoảng bảy nghìn mét, bóng dáng quen thuộc của chiếc máy bay hai động cơ của bọn Đức. Khi nó vượt qua tuyến mặt trận và bắt đầu bay vào đất chúng tôi, biết chắc rằng nó không phát hiện được mình, chúng tôi nhanh chóng vòng về phía tây và đuổi theo. Chúng tôi đuổi kịp nó trên không phận Rô-dốp-ca.

Nhìn thấy những máy bay tiên kích ta sau lưng, bọn Đức hiểu ngay chúng đã rơi vào bẫy và đổi hướng bay, hạ thấp độ cao để tìm cách lẩn tránh chúng tôi. Nhưng đã muộn. Sau lần công kích đầu tiên, máy bay chúng bốc lửa và sau lần thứ hai, máy bay chúng lao xuống, vỡ tan từng mảnh. Từ hôm ấy, tiếng động cơ máy bay trinh sát địch không còn ầm ĩ trên bầu trời Rô-dốp-ca nữa.

Vào tháng mười năm 1943, những trận chiến đấu tiếp tục diễn ra dữ dội hơn bao giờ hết trong khu vực Mê-li-tô-pôn, đặc biệt kịch liệt ở bên cánh phải mặt trận, xung quanh Ban-sôi Tốc-mắc. Trung đoàn chúng tôi thay đổi nhiều căn cứ trong thời kỳ này: khi thì để hiệp đồng với các lực lượng tiến công vào Mê-li-tô-pôn, khi thì bảo đảm cho hoạt động tác chiến của những người bạn cũ, những kỵ binh, trong những cuộc tiến công về hướng nhà ga xe lửa Fri-sip. Rếch-ca-lốp và Clu-bốp dẫn tốp đi tiến công các đoàn quân địch trong khi tôi và Gô-lu-bi-ép thường cất cánh đi săn lẻ.

Trong một cuộc di chuyển căn cứ đến một sân bay dã chiến mới, trung đoàn trưởng bay trên chiếc Ut-2 với kỹ sư Cô-pi-lốp bị tai nạn khi hạ cánh. Lúc tôi đến thì Crai-ép đã được đưa đi bệnh viện. Cô-pi-lốp chỉ bị xây sát “một lần nữa”. Tôi nói “một lần nữa”, vì đã có một lần chúng tôi từng lôi anh từ đống sắt vụn của chiếc Mích, còn may mắn hơn phi công Xu-prun đã bị thiệt mạng ở đó.

- Mình thấy lần này cậu vẫn còn số đỏ - Tôi thân mật nói với Cô-pi-lốp.

- Có thể đây là lần cuối cùng - Cô-pi-lốp rầu rĩ trả lời - Tôi không bao giờ leo lên máy bay nữa. 

Khi nghe Cô-pi-lốp kể lại tình hình chiếc Ut-2 tiếp đất thô như thế nào, khi hạ cánh rồi bị lật ngược, tôi nghĩ đến Crai-ép, con người đã xa rời mọi nhiệm vụ chiến đấu, đã hoàn toàn mất cảm giác điều khiển máy bay và thói quen bay. Thế mà trước kia, người ta nói anh không phải là một phi công tồi. Còn bây giờ thì không còn gì. Anh không hiểu thực tế thế nào là chiến tranh, với các trận chiến đấu quyết liệt, nguy hiểm và máu lửa. Một người như vậy làm sao có thể điều khiển được các kế hoạch quân sự của trung đoàn!

Ngay sau đó Đdút-xốp đến khu vực xảy ra tai nạn. Sau khi nghe tôi báo cáo, đồng chí tỏ ra yên tâm khi biết là Crai-ép chỉ bị thương nhẹ.

- Thế nào, cậu không bực với mình về những lời mà mình nói với cậu quanh vấn đề bay bảo vệ chứ? - Sư đoàn trưởng hỏi

- Thưa đồng chí đại tá, không ai có quyền bực mình với cấp trên cả... Nhất là lại to tiếng. 

- Đúng đấy - Đồng chí mỉm cười và nói thêm. Nhưng tôi phải nói với cậu là trong trận chiến đấu vừa rồi, các kỵ binh hết lòng cám ơn các anh. Và cả tôi nữa, tôi khen ngợi các anh. Hoan hô! Anh đã thanh toán tốt món nợ với bọn Gioong-ke. - Rồi im lặng suy nghĩ một lát, đồng chí nói tiếp: 

- Thực tế Crai-ép đã đi bệnh viện. Có thể còn lâu. Vậy thì, cậu hãy nắm quyền chỉ huy trung đoàn

Khi biết tin cấp trên đề bạt tôi, các phi công chạy đến hầm tham mưu. Tôi sung sướng thấy từng người đều cố gắng, qua một cái bắt tay mạnh mẽ hoặc một lời nói giản dị, bày tỏ sự mong muốn chân thành là sẽ ủng hộ tôi về mọi mặt. Và tôi bắt đầu có ý thức đầy đủ về những nghĩa vụ lớn sẽ đòi hỏi ở mình, không phải chỉ trong một thời gian, trên những cương vị công tác mới. 

Nhưng tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ. Phải cử ngay một tốp máy bay đi làm nhiệm vụ trong khu vực Mê-li-tô-pôn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #196 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 08:48:00 am »

chương mười lăm
CUỘC SỐNG Ở CÙNG CHÚNG TÔI

NHỮNG nhiệm vụ, những trận chiến đấu, những công  tác, những lo lắng của cơ quan tham mưu... Sinh hoạt bình thường của cuộc sống ở mặt trận. Và ở nơi xa xôi kia, Nô-vô-xi-biếc: ở đó tôi có những người thân, ở đó tôi có cuộc sống thời kỳ niên thiếu.

Mỗi chữ trong lá thư nhà làm tôi nhớ lại ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Ca-men-ca. Qua những lá thư ít ỏi đến được với tôi, tôi cố gắng hình dung cuộc sống ở hậu phương xa xôi. Cuộc sống ở đó khá khắc nghiệt với mọi người: làm việc kiệt sức cho mặt trận, những khó khăn vật chất và dĩ nhiên nhũng lo âu thường xuyên cho số phận của những người thân, cho chúng tôi, từng giờ, từng phút trước lửa đạn.

Tôi rất thông cảm hoàn cảnh nặng nề hiện nay của mẹ tôi. Bà ở lại một mình với người con trai nhỏ còn đi học. Tôi đã gửi về nhà toàn bộ tiền lương, mẹ và em tôi đang bị đói.

Trong những lá thư gần đây gửi mẹ, tôi đã ngừng hỏi tin tức về người anh bị mất tích. Tôi hiểu rõ số phận của anh hơn những người ở nhà.

Khi còn ở Cra-xnô-đa, ngoài hành lang ngôi nhà, phiên tòa đang xử một nhóm phản bội, một trung sĩ không quen biết, lại bên tôi hỏi:

- Có phải anh là Pô-crư-skin không?.

- Phải.
 - Anh có người anh tên là Pi-ốt?

“Anh có”? Câu chuyện của người không quen biết kể lại, xác nhận sự thật chua xót hơn là những câu nói khiến tôi nghi ngờ, đồng chí trung sĩ và Pi-ốt cùng phục vụ ở đơn vị lính thợ chuyên nghiệp kỹ thuật. Chiến tranh đã đưa các anh đến biên giới Phần Lan. Rồi sau đó...

- Chúng tôi bị chia cắt và đẩy đến hồ La-đô-ga. Đạn dược đã cạn, trước khi rút lui, chúng tôi đã phải nhận chìm các khẩu pháo. Rồi chúng tôi làm mảng và ban đêm lao ra ngoài hồ, giữa cơn bão sóng dữ dội. Chúng tôi còn hy vọng lợi dụng bóng đêm, tránh được đòn đánh của không quân Đức và trở về với quân ta ở bờ bên kia, Pi-ốt dẫn đầu một tốp nhỏ ở lại yểm hộ cho đoàn rút lui. Khi từ biệt, anh nói với tôi: “Chỉ còn lựu đạn và một vài viên đạn, bọn tớ sẽ cố gắng mở một con đường xuyên qua rừng”.

- Sau khi rời xa bờ, chúng tôi nghe thấy một loạt súng và nhiều tiếng nổ lớn, kéo dài rất lâu ở phía sau. Từ đó, tôi không gặp anh nữa. Anh có tin gì về anh ấy không?

- Không một chút tin tức gì cả?

- Có thể anh ấy đã hy sinh ở đó. Phải, chính là Pi-ốt Pô-crư-skin. Anh rất giống anh ấy: nhất là đôi mắt. Khi nghe tin tuyên dương “Anh hùng Liên Xô Pô-crư-kin”, tôi tự hỏi: “Phải chăng đó là Pi-ốt?”. Tôi có hiểu chút ít tính nết anh ấy. Một người như anh ấy không thể để địch bắt làm tù binh. Tôi chắc anh ấy đã lao vào quân thù với quả lựu đạn. 

Sau khi chia tay đồng chí trung sĩ, quay lại phiên tòa nghe những lời khai của các bị cáo, tôi mới hiểu rõ lý do chủ yếu về tư cách của bọn phản bội Tổ quốc: một mối lo sợ thấp hèn đối với kẻ thù, sợ từ một chút nguy hiểm. Từ mối lo sợ đê hèn đó đã ló lên sự phản bội, như đầu con rắn hổ mang thò ra khỏi đám rêu rừng. Còn trái lại, trong trái tim những người toàn tâm căm thù bọn xâm lược thì nổi lên đức tính can đảm, lòng trung thành với bố mẹ, anh em, vợ con... vì Tổ quốc! Đáng khinh bỉ biết bao, cái bọn ghê tởm đã bán rẻ linh hồn để cố mà sống ...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #197 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 08:48:38 am »

Khi còn ở Cu-ban, tôi định viết thư về Nô-vô-xi-biếc để báo cho gia đình biết câu chuyện mà tôi nghe được từ miệng đồng chí trung sĩ. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn không quyết định nói: đối với người mẹ, sự chờ đợi dù sao cũng không tàn nhẫn bằng ý nghĩ con trai mình không còn nữa. Tôi dự định nếu có dịp qua nhà một chút thì sẽ kể lại tất cả.

Khi hình dung trong óc cuộc hành trình về Nô-vô-xi-biếc, tôi không thể không nghĩ đến hai ngôi sao vàng. Chẳng cần phải giấu giếm, mặc dù trong chúng tôi, những người lính ở mặt trận, chúng tôi ít nói đến chuyện huân chương. Mỗi người đều hiểu giá trị của nó. Và ai trong chúng tôi chẳng mong mỏi công việc mình làm được công nhận xứng đáng.

Hai ngôi sao vàng mà tôi dược trao (ngôi sao thứ hai vào cuối tháng Tám năm 1943) thường làm tôi nhớ đến quá khứ và gợi tôi nhớ lại cuộc sống của mình. Khi người ta cài lên ngực tôi ngôi sao thứ hai Anh hùng Liên Xô, tôi nghĩ ngay đến Xtê-pan Xu-prun, đến những câu nói của anh trong dịp gặp nhau ở Cô-sta, mấy năm trước chiến tranh. Anh tin rằng tôi sẽ đạt được mục đích và ngay từ đó đã phát hiện ở tôi những đức tính cần thiết cho một người phi công tiêm kích. '

Một con người bao giờ cũng cảm thấy dễ chịu khi biết ràng mình đã đạt được ước mơ, cũng như tôi, khi trở thành một chiến sĩ ưu tú của không quân, người thứ mười được tặng hai lần ngôi sao Anh hùng liên bang. Lúc bấy giờ, tôi sống lại những ngày gian khổ nhất của cuộc đời khi phải quyết định cái điều chủ yếu: liệu tôi có thể tiếp tục theo đuổi con đường đã chọn hay những trở ngại sẽ ném tôi sang một bên?

Tôi hiểu rõ rằng mình được khen thưởng cao cũng là nhờ công sức của các bạn chiến đấu. Không được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các bạn, tôi khó có thể hạ được đến nửa số máy bay được coi là tôi đã bắn rơi. Đúng là tôi sẵn sàng hy sinh trong các cuộc không chiến với kẻ thù, nhưng, sự táo bạo của tôi bao giờ cũng tìm được chỗ dựa trong sự hiệp đồng có hiệu quả với đồng chí hộ vệ và với các phi công khác.

Nghĩ lại quá khứ, tôi nhận thấy có lúc mình hay va chạm với vài người bạn cũ. Nhưng không phải lúc nào họ cũng hiểu đúng những ý kiến và hành động của tôi. Về mặt này, trước hết tôi nghĩ đến Crai-ép. Sau này khi mà chân lý đã xác minh những việc làm của tôi, buộc Crai-ép phải thay đổi quan điểm, chúng tôi không nhắc đến những lần cãi cọ trước kia nữa mà coi như chúng chưa từng xảy ra bao giờ. Nhưng giữa chúng tôi vẫn không có một mối hòa hợp thực sự, vì chúng tôi vẫn là những con người hoàn toàn khác nhau. Thời gian chứng minh điều đó.

Mơ màng nghĩ đến dịp về thăm nhà, tôi cũng không ngừng nghĩ đến Ma-ri-a. Đơn vị cô phục vụ ở một mặt trận khác và trong những lá thư, cô thường khéo léo để lộ cho tôi địa chỉ. Do đó, tôi tỉinh thoảng vẫn có dịp gặp cô.

Trong những lần ghé thăm Ma-ri-a như vậy, dường như không hề xảy ra cái loại chuyện làm tổn hại thanh danh của cô gái trẻ. Nhưng quanh cô vẫn có những con người khác nhau. Và trong số đó, có đôi người thường đánh giá theo cách của họ những cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi, những lời nói bóng gió thấp kém của họ cũng làm vẩn đục mối quan hệ giữa chúng tôi.

Ma-ri-a rất phiền lòng. Và chúng tôi quyết định phải tổ chức lễ cưới khi đến một thành phố lớn đầu tiên, nếu điều kiện cho phép. Nhưng nó ở đâu, cái thành phố sẽ đoàn tụ hai cuộc đời phải phân cách vì chiến tranh? Ngọn lửa chiến đấu liệu có thể hủy hoại một trong những cuộc đời của chúng tôi không?

Ma-ri-a ngày càng lo lắng về số phận của tôi. Cô không bao giờ đòi hỏi tôi đưa cô củng đi, mặc dù tình cảm chúng tôi đã gắn bó từ lâu. Chúng tôi muốn cùng nhau chung sống. Hai bên bố mẹ đều đã biết rõ tình cảm của chúng tôi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #198 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 08:49:37 am »

Vào cuối tháng Tám, sau khi đã quét sạch vùng phụ cận, bộ đội đã tiến vào Crưm. Đầu tháng Mười một, quân đoàn kỵ binh của Ki-rít-sen-cô mà chúng tôi thường yểm hộ, đã đến hiệp đồng với các đơn vị khác ở gần eo đất Pê-rê-cốp.

Từ Đôn-bát, trung đoàn chúng tôi đã di chuyển đến A-xca-nhi-a Nô-va, một căn cứ cảng gần những trận chiến đấu quyết định. 

Ít lâu sau, chúng tôi được đồng chí Tư lệnh lực lượng không quân, Anh hùng Liên Xô Cri-u-kin đến thăm.

Tôi được hân hạnh giới thiệu các phi công với vị tướng phi công anh hùng. Sau khi thăm hỏi anh em, ông phổ biến cho chúng tôi tình hình mặt trận và giao nhiệm vụ cho chúng tôi phải bảo vệ trên không đường qua lại Xi-vát-sơ

Ông nói: “Không để một trái bom nào của địch rơi xuống đầu bộ binh ta. Các đồng chí hãy hình dung hoàn cành của họ: họ phải đương đầu với tất cả: nước đóng băng, đạn trái phá, ít nhất là hãy tránh cho họ khỏi những trái bom. Chúng ta có đủ sức mạnh và phương tiện để làm việc đó”. 

Vừa là cấp chỉ huy lại là phi công, trước hết tôi muốn làm sáng tỏ đường lối và phương pháp hoàn thành nhiệm vụ được giao, không thể chỉ bằng các biên đội tuần tiễu. Một trung đoàn tiêm kích không đủ, phải có nhiều trung đoàn.

Và, một phương án lóe ra trong óc. Tôi đề nghị Tư lệnh lực lượng không quân bổ sung cho chúng tôi một đài ra-đa và một trạm vô tuyến cực mạnh. Đồng chí Tư lệnh bảo đảm sau ngày mai các phương tiện nói trên sẽ có ở sân bay.

Sau khi những đề nghị cần thiết đã được giải quyết, tôi liền dẫn sự chú ý của đồng chí Tư lệnh đến những đôi giày của phi công. Họ đều đi những đôi ủng tồi tệ; gây nên một cảm giác khó chịu. 

- Sao các đồng chí không mang đổi? - Đồng chí tư lệnh hỏi 

- Người ta không cho. Họ nói “nó chưa hết nên hạn dùng”.

- Niên hạn dùng? - Đồng chí tư lệnh ngạc nhiên - Cứ như đó là lỗi của các phi công, nếu bùn lầy kéo dài hàng tháng ở đây và họ phải lội trong bùn!

- Anh em đã nói như thế nhưng người ta không nghe.

- Các đồng chí sẽ có ủng.

Bảo vệ sông Xi-vát-sơ làm sao để không một trái bom rơi xuống đầu bộ binh - đó là nhiệm vụ đặc biệt thứ nhất trên giao cho trung đoàn chúng tôi.

Tôi quyết định bố trí một phi đội ngay bên bờ đầm lầy Xi-vát-sơ ở Dru-giê-li-u-bốp-ca và tổ chức tại đó một trạm cảnh giới thường trực. Khi bọn máy bay ném bòm vừa xuất hiện ở phía chân trời, biên đội trực ban phải cất cánh ngay bằng “mắt”.

Còn từ sân bay chính, chúng tôi quan sát bầu trời bằng ra-đa; ra-đa cho phép phát hiện các máy bay địch sớm, trước khi chúng đến gần tuyến mặt trận.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #199 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 08:50:30 am »

Khi quan sát viên báo cáo kẻ địch xuất hiện, tôi bắn pháo hiệu và phi đội trực ban sân bay phải cất cánh ngay. Đúng thời gian quy định, phi đội phải có mặt trên không phận Xi-vát-sơ. Tôi sẽ điều khiển qua điện thoại hoạt động của phi đội bố trí ở Dru-giê-li-u-bốp-ca, trừ biên đội cất cánh “bằng mắt”. Nếu không chính mình bay làm nhiệm vụ, tôi sẽ chỉ huy cuộc chiến đấu qua vô tuyến, nắm các tình huống bằng ra-da.

Ac-ca-đi Phê-đô-rốp, một tay lão luyện chỉ huy phi đội biệt phái tại sân bay dã chiến, ở cửa vào eo đất. Những tốp cất cánh từ sân bay chính sẽ do Rếch-ca-lốp, Clu-bóp và Ê-rê-min, những người chỉ huy đã được thử thách và cũng là những chiến đấu viên được rèn luyện trong lửa đạn chiến đấu, dẫn vào trận đánh.

Chúng tôi đã từ bỏ phương pháp dùng những biên đội tuần tiễu liên tục từ sáng đế tối. Nhưng để bù lại, những máy bay tiêm kích chúng tôi sẽ xuất hiện với lực lượng mạnh ở thời gian cần thiết trên không phận Xi-vát-sơ và đẩy lui thắng lợi các đợt tập kích của địch.
Các phi công của phi đội Phê-đô-rốp còn lợi dụng cả hoàng hôn để cất cánh đánh chặn máy bay ném bom Đức.

Những trái bom không rơi được xuống những chuyến tàu qua sông. Trái lại, những chiếc Gioong-ke thì bốc cháy rơi xuống những đầm lầy của Xi-vát-sơ.

Khi thời tiết xấu, bầu trời Xi-vát-sơ yên tĩnh, Gô-lu-bi-ép và tôi đi săn trên mặt biển. Chúng tôi biết rằng, lợi dụng những ngày này, máy bay địch được mây thấp che giấu, thường tích cực qua lại giữa Ô-đét-xa và Crưm.  Những thùng dầu ở ngoài cho phép chúng tôi truy tìm, săn lùng và bắt gặp chúng ở tận ngoài khơi. 

Chúng tôi đã cất cánh lên không. Những con đường bùn lầy, làng xóm bỏ hoang, mũi tên trắng Ten-đê-rốp-xcai-a lướt qua dưới cánh. Rồi chúng tôi bay trên mặt biển xám trào lên từng đợt sóng nổi bọt.

Tôi đã bay trên biển, trong thời kỳ ở Cu-ban. Nói rằng tôi đã “công tác” trên biển, về mặt nào đó, có hơi quá cụ thể. Mỗi lần nhìn ra ngoài buồng lái, cái khoảng mênh mông màu xám đầy bão tố ấy, tôi lại bị cái môi trường chứa chất sự phẫn nộ ấy chế ngự, làm tôi không nghe thấy tiếng kêu ù ù của động cơ trong vài giây. Phải có một sức mạnh của ý chí mới đưa tôi ra khỏi cảm giác đó để quay về cái thế giới bé nhỏ thân thuộc là buồng lái với những chiếc kim của các thiết bị dẫn đường.

Và lần này nữa, thoạt đầu tôi cảm thấy như động cơ không kêu giòn giã như trước, những chiếc kim thì di chuyển một cách đáng sợ tới những giới hạn hiểm nghèo, phải có một khoảng thời gian làm cho đầu óc trở lại bình thường và tin vào tình trạng tột cùng sức mạnh của máy bay.

Bờ biển đã lùi xa về phía sau. Muốn tìm ra đường bay của máy bay địch mà ta đã phán đoán, chúng tôi bắt đầu lang thang trên biển, luôn thay đổi hướng bay. 

Và bất thần... Máy bay địch bay ở phía tay trái, cao hơn chúng tôi một chút, gần như sát trần mây. 

Đó là một chiếc máy bay lớn ba động cơ, chiếc Giong-ke 52. 

Bay sát mặt sóng, tôi trườn về phía nó, đến một cự ly thật gần, nó vẫn chưa hề mảy may phản ứng. Tổ bay trên máy bay ném bom địch, rõ ràng không ngờ rằng những máy bay tiêm kịch chúng tôi có thể tuần tiễu trên biển trong thời tiết như vậy. 

Loại đạn đầu tiên buộc chiếc Gioong-ke bổ nhào xuống nước. Loạt thứ hai, nó bốc lửa và đâm xuống biển. Một tiếng nổ vang dội, và những đám lửa cháy trên mặt nước.

Mấy phút sau, chúng tôi lại gặp một chiếc Gioong-ke khác: Tôi định lượn tiến vào công kích thì chợt phát hiện ở phía chân trời một tốp máy bay.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM