Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 12:33:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bầu trời chiến tranh  (Đọc 137468 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #140 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 03:13:06 pm »

Vừa rảo bước trở về buồng, tôi cố gắng suy nghĩ lại sự kiện đã xảy ra. Tôi hối tiếc đã trở về phía sau mà không ở mặt trận, để không có dịp nhảy ngay lên máy bay và lao vào trận chiến đấu. Chỉ có đối mặt với nguy hiểm trong chiến đấu cuồng nhiệt với kẻ thù mới làm cho mình giải thoát luồng suy nghĩ nóng bỏng, ngạt thở, nhục nhã đang phát triển trong tâm hồn, và để chứng minh rằng tôi không phải là người để họ dễ dàng dìm xuống bùn đen.

Lao như gió ra khỏi buồng, tôi đi thẳng ra bờ biển. Tôi cần được sự yên tĩnh để nhìn rõ hơn tư cách của mình, để bình tĩnh hướng định lại hoàn cảnh của tôi lúc này. Cần phải làm cái điều người ta thường nói: nhìn mình và nhìn người khác bằng con mắt của một người quan sát khách quan. 

Tôi tự xác nhận là cho đến giờ, trong cuộc sống và hành động tôi vẫn đi đúng đường. Tôi đã chiến đấu như một người cộng sản phải chiến đấu, và không bao giờ đánh giá quá cao công trạng, tôi đã tỏ ra nghiêm khắc với mình cũng như với người khác và không chịu nhượng bộ với mọi cái mà mình thấy sai trái với cuộc sống ở mặt trận: Và bây giờ, tính ngay thẳng lại làm hại tôi

Nhưng ai có thể giúp tôi bây giờ? Vích-to Pê-tơ-rô-vích thì ở xa, chính ủy trung đoàn Mi-kha-in A-ki-mô-vích Pô-grê-bơ-nôi đang nằm viện. 

Theo lệnh của thiếu tá Crai-ép, người ta không cho tôi tập luyện và ở lại nhà dưới con mắt của cấp trên, là điều không thể chịu được. Từ sáng đến chiều, tôi tha thẩn trên bờ biển, rút ra trong óc những bài học kinh nghiệm chiến đấu, suy nghĩ kỹ các thủ đoạn chiến thuật.

Quyển sổ tay ngày càng đầy những điều quan sát bổ ích và trong an-bom, những sơ đồ. Tôi nghĩ rằng những cái này rồi đây, nếu không có ích cho mình thì ít nhất cũng cho người khác: Và công việc làm giải khuây những tâm tư u ám, nó giúp tôi lãng quên một thời gian những đám mây chồng chất trên đầu.

Bạn bè đến thăm tôi buổi tối, những lúc họ rỗi rãi và kể lại tất cả những tin tức mới liên quan đến “việc của tôi”. Theo họ nói, trung đoàn trưởng đã đề nghị người ta trả lại từ Mát-xcơ-va hồ sơ của tôi đã được đề nghị phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Và chính vì vậy mà có lần bên bờ biển đã diễn ra câu chuyện thú vị giữa tôi và Pha-đê-ép. .

- Xa-sa? Cậu không khó chịu với mình chứ? 

- Vì sao vậy?

- Nhưng mà... thật là khó xử: chính cậu đã giới thiệu mình với trung đoàn, và bây giờ mình lại chỉ huy phi đội của cậu? 

- Cứ như là cậu cũng dính vào chuyện đó! - tôi cười nói - Cậu thật kỳ! Hãy nghĩ trước hết chuẩn bị cho cuộc chiến đấu đang chờ chúng ta. Và hãy nhớ: muốn chiến thắng, ta phải có ưu thế độ cao, tốc độ, cơ động và hỏa lực. đây, giữ lấy, tất cả đã nói trong này. Và coi như mình cũng được tự mình. kiểm tra tất cả - trong chiến đấu.

- Vậy thì cậu sẽ làm. Chúng mình sẽ còn nhiều lần đọ sức với bọn phát xít.

- Mình sợ là không có dịp nữa.

- Tại sao lại có ý nghĩ như vậy. Xa-sa? Đừng nói những điều bậy bạ!.

- Hãy để cho mình tự nhìn nhận mình trong câu chuyện này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #141 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2010, 10:38:26 am »

Sau đó, khi đã bình tĩnh lại, tôi mới hiểu là có lúc mình đã yếu đuối. Ngay cả trường hợp người ta khai trừ tôi ra khỏi Đảng, tôi vẫn phải là người cộng sản trong trái tim và trong tư tưởng. Còn tự sát chỉ là liều thuốc của những kẻ không có nghị lực. Phải tranh đấu cho quyền chính đáng và tranh đấu bằng hành động. Chết ư? Đúng - Nhưng phải chết trong chiến đấu. Phải lao ra được mặt trận bằng bất cứ cách nào, được nhận vào bất cứ trung đoàn nào vì bây giờ không còn chỗ cho tôi ở trung đoàn này nữa.

Tôi quyết định gửi ngay một lá thư cho Mác-kê-lốp, trung đoàn anh đang đóng ở đâu đó gần Grô-dơ-ny.

Một thư trả lời khuyến khích đến ngay sau mấy ngày. Nhưng tôi không tìm cách nào trốn được ra mặt trận. Người ta tiếp tục xử lý “sự kiện của tôi”. Những ông dự thẩm đã giữ tôi trong móng vuốt của họ. 

Chỉ có con đường thoát là trốn được ra mặt trận. Nhưng không giấy tờ thật là khó và còn nguy hiểm nữa. Người ta có thể bắt giữ tôi và kết tội là đảo ngũ. 

4

Một buổi tối, trở về căn nhà, gần như mỗi phi công trong phi đội đều lao đến gặp tôi.

- Pô-grê bơ-nôi đã trở về!

- Anh ấy ở đâu? - Tôi hỏi, người run lên, chỉ chực chạy ngay đến anh.

- Người ta đưa anh ấy về hôm nay, anh ấy chưa bình phục, còn nằm ở nhà.

Sáng hôm sau, tôi tìm đến ngay nhà ở của chính ủy. 

- A, Pô-crư-xkin, vào đây, vào đây - Pô-grê-bơ-nôi nói, nhỏm dậy trên giường để bắt tay tôi.

Trên khuôn mặt nhợt nhạt của anh, những sắc đỏ đã xuất hiện, một ngọn lửa lấp lánh trong cặp mắt:

“Anh đang bình phục” - Tôi vui vẻ nghĩ.

Như đoán được ý nghĩ của tôi, Mi-kha-in A-ki-mô-vích cho biết anh sắp đứng dậy được, và từ lâu anh sốt ruột muốn trở về trung đoàn. Cũng vì lẽ đó, anh đã ra viện. 

- Nào, kể cho mình nghe sự việc gì đã đến với cậu - Anh hỏi đột ngột chuyển hướng câu chuyện. Rồi anh lại để rơi đầu xuống chiếc gối đồ sộ.

Tôi báo cáo với anh tất cả sự việc xảy ra và rút từ trong túi bản sao báo cáo với tòa án mà Crai-ép đã ký.

Sau khi đọc tờ giấy, Pô-grê-bơ-nôi im lặng hồi lâu, nằm dài trên giường, hai tay đặt sau đầu. Tôi cũng yên lặng, chờ xem anh nói gì. 

- Đúng, Pô-crư-skin, tình hình khá phức tạp. Phải cố nghĩ cách kéo cậu ra khỏi sự việc. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #142 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2010, 10:39:41 am »

Tôi công nhận mình cũng có phạm một khuyết điểm, nhưng lưu ý là người ta làm việc đã rồi và có thái độ vô nhận đạo. Trừng phạt một lỗi lầm là một chuyện, nhưng cách thi hành vì bực dọc lại là chuyện khác. Tôi đề nghị với Mi-kha-in A-ki-mô-vích thảo một chứng thực về vấn đề của tôi và chuyển lên tòa án quân sự.

- Mình có hiểu cậu chút ít - Pô-grê-bơ-nôi mỉm cười nói - Cậu có lý để nói rằng không được sổ toẹt tất cả những cái tốt trong cuộc đời một con người khi anh ta phạm một lỗi lầm. Nhưng có một số thủ trưởng chúng ta lại nghĩ khác: nếu có ai đấy lỡ một bước chân, phải dìm ngay trong bùn, sợ rằng người đó sẽ đứng dậy, và đứng cao hơn... Cậu đã nhận nhiệm vụ chiến đấu bao nhiêu lần? 

- Trên bốn trăm lần.

- Và bắn rơi bao nhiêu địch?

- Mười hai chính thức, không kể những trận thắng chưa chính thức. 

- A, như vậy, anh bạn, không dẽ dàng gì xóa bỏ được đâu.

Lần nữa, chính ủy tỳ tay nhỏm dậy, ông phàn nàn về cách cư xử của tôi, tiếc rằng sự việc đã đi quá xa, rồi hỏi tôi về các bạn, về công tác huấn luyện. Tôi có cảm giác trở về với những ngày anh thường đến ở mặt trận, trò chuyện với anh dưới cánh máy bay.

- Thôi cậu về, trở lại trong lòng cuộc sống có trung đoàn. Còn tôi, ngay hôm nay sẽ viết bản chứng thực và gửi lên Bộ tham mưu. Ngay hôm nay! - Anh nhắc lại và mạnh mẽ siết tay tôi.

Tôi rời anh, phấn chấn, lòng tràn đầy tin tưởng ở ngày mai. Chỉ còn chờ đợi: chân lý đã làm việc cho tôi.

Một lần, đồng chí công vụ đuổi theo tôi:

- Trung đoàn trưởng tìm anh - Xong cậu ta quay đi luôn. 

Cuộc gặp gỡ làm tôi bồn chồn: “Đúng rồi - Tôi nghĩ - Họ sẽ đưa ngay mình đi Ba-cu”. Ở ban tham mưu, Crai-ép đón tôi với nụ cười của người chỉ huy.

- Lúc nào cũng lang thang - Anh ta nói qua kẽ răng - Tướng Na-u-men-cô gọi điện thoại từ phòng tham mưu tập đoàn quân. Ngày mai anh đến sân bay, ông ấy muốn anh giới thiệu máy bay Mét-xe-smit cho các phi công của trung đoàn bạn.

- Rõ - Tôi trả lời.

Đến đó, bất ngờ tôi lại gặp người đã xảy ra xô xát ở nhà căng tin. Anh thân mật chìa tay: 

- Trung tá Ta-ra-nhen-cô. 

- Đại úy Pô-crư-skin.

Sau khi trao đổi một lát về bản thuyết trình, chúng tôi đi vào phòng học. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #143 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2010, 10:40:44 am »

Trong hai giờ đồng hồ, tôi sống lại với các trận chiến đấu, các cuộc bay, qua bản thuyết trình. Tôi kể lại tất cả những điều đã biết, tất cả những gì họ cần biết về máy bay của kẻ thù đang còn làm chủ trên vùng trời chúng ta. Trả lời hàng loạt câu hỏi của thính giả còn tốn nhiều thời gian hơn khi thuyết trình. 

Rồi, người ta đưa tôi ra sân bay và chỉ cho xem những máy bay kiểu mới nhất. Sao mà tôi muốn ngồi vào trong một chiếc đến thế, vì như người ta ca trong khúc hát U-cra-i-na: “ước gì tôi được rời mặt đất để vọt lên trời cao”. Bay ra mặt trận, tất nhiên là như vậy.

Sau đó trung đoàn trưởng mời tôi dự bữa trưa tại nhà riêng. Tôi lại gặp tại bàn ăn một người chỉ huy mà tôi đã biết, chính ủy trung đoàn. Họ khen ngợi tôi rất nhiều và thỉnh thoảng hỏi thăm tôi về đời sống. Cả hai đều tỏ vẻ không nhắc đến sự kiện ở nhà căng tin, còn tôi lại quyết định kể cho họ nỗi khổ tâm của mình. Đến lượt họ ngạc nhiên vì chuyện đó, họ đều đồng tình với tôi và đồng chí đại tá hứa sẽ gửi cho tư lệnh binh đoàn một bản giải thích có lợi cho tôi về câu chuyện không may đó

Ngày ngày trôi qua. Trung đoàn nhận dược lệnh di chuyển sang khu vực khác để nhận máy bay mới và huấn luyện các phi công trên loại trang bị mới. Khi biết tin, tôi hỏi Crai-ép xem mình phải làm gì. Anh ta chỉ thị cho tôi ở lại đây cho đến khi nào tòa án giải quyết xong sự việc

- Đồng chí chỉ huy, đồng chí đã chuyển lên tòa án bản nhận xét của chính ủy chưa?

- Gửi đi rồi, đồng chí đừng ngại - Anh ta trả lời.

- Không. Bản nhận xét chưa được gửi đi - Tôi nói vì biết chắc chắn là như vậy.

- Đồng chí biết hơn tôi ư? - Crai-ép châm biếm trả lời - Tôi đã nói với đồng chí là tôi đã gửi nó đi rồi.

- Nếu đồng chí cho phép, đồng chí chỉ huy, chúng ta cùng kiểm tra lại - Tôi đề nghị - Bản nhận xét còn nằm lại ở ban quân lực. Và đồng chí nên hiểu tính chất quan trọng của chuyện đó đối với tôi.

- Vậy thì, ta cùng kiểm tra.

Chúng tôi sang phòng bên, nơi có trưởng ban quân lực.

- Nói cho Pô-crư-skin rỡ xem chúng ta đã gửi bản nhận xét về đồng chí ấy của Pô-grê-bơ-nôi chưa? - Cái giọng hỏi đã làm cho Páp-len-cô hiểu phải trả lời theo hướng nào. 

Ngày hôm trước, Páp-len-cô đã báo cho tôi biết là bản nhận xét chưa đợc gửi đi – “Anh sẽ trả lời ra sao” Tôi thấp thỏm suy nghĩ – “Anh sẽ trả lời trái với lương tâm mình chăng?”.

- Chưa, bản nhận xét chưa được gởi đi, đồng chí chỉ huy. 

- Sao vậy? Anh đùa với tôi đó à 

- Tôi nói sự thật, đồng chí chỉ huy. Chính đồng chí đã ra lệnh cho tôi không gửi nó đi!

Tôi nhìn thẳng vào mặt Crai-ép và bước ra không nói một lời. Qua cửa, tôi nghe người chỉ huy “cạo” cho trưởng ban quân lực một hồi, dọa tống anh vào nhà giam.

Trung đoàn hành quân vào ban đêm. Những xe tải đã xếp lên những toa mặt bằng. Phi công và thợ máy ngồi ở trong toa hành khách. Nhớ lại thời thơ ấu, tôi đã chui vào buồng lái một xe tải để đi lậu vé tàu. Tôi không thể ở lại với trung đoàn dự bị. Ở trung đoàn tôi, ai cũng hiểu và bao giờ cũng sẵn sàng bênh vực cho tôi. Còn ở đây, tôi xa lạ với mọi người. Mặt khác, tôi không thể thiếu các bạn! Hơn nữa, khi tôi xin đồng chí chỉ huy binh đoàn cho phép tôi đi, đồng chí đã nói: 

- Hãy đi với trung đoàn anh. Tôi không hiểu người ta đã bày đặt những chuyện gì ở chỗ các anh.

Nghe tiếng còi tàu rồi tiếng bánh lăn, tôi cảm thấy hân hoan vì cuối củng đã rời được cái thị xã hẩm hiu này với tất cả nỗi khổ tâm mà nó đã đem lại cho mình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #144 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2010, 10:42:02 am »

5

Trong lúc xuống căn cứ mới, tôi cố giữ cho khỏi lọt vào mắt các cấp chỉ huy. Và tôi cẩn thận ở không quá xa ngôi nhà của cơ quan tham mưu sư đoàn. Như vậy, họ có thể nhanh chóng tìm thấy tôi khi bất thần có việc cần tới. Đồng chí hộ vệ cũ Na-u-men-cô đến tìm tôi.

Đồng chí đại úy, đồng chí được lệnh đến gặp ngay sư đoàn trưởng - Anh báo cho tôi với nụ cười khó hiểu.

Tôi nghĩ là cấp trên gọi để bắt tôi quay trở lại.

Nhưng Na-u-men-cô đã giải quyết thắc mắc cho tôi. Trên đường đi, anh kể lại: Khi Crai-êp đưa trung đoàn đến gặp đại tá Vôn-cốp, đồng chí chỉ huy mới của sư đoàn, thì đột nhiên đại tá hỏi.

- Đơn vị các anh có phi công Pô-crư-skin. Anh ta đâu? 

- Có, đồng chí ấy thuộc biên chế của trung đoàn, thưa đại tá - Crai-ép trà lời - Đồng chí ấy đã ở lại Ba-cu - Người ta phải xét xử đồng chí ấy. 

- Vì sao? 

- Vì đã hành động như một tên vô lại, và nói chung là... 

- Tiếp tục, tiếp tục, hãy tuôn nốt những điều đồng chí còn muốn nói.

Crai-ép đứng im. ..

- Còn tôi, tôi biết qua những người ở mặt trận, đó là một phi công tiêm kích tốt.

- Họ thổi phồng thành tích của anh ta, thưa đại tá.

- Anh đánh giá bất công về Pô-crư-skin, đồng chí thiếu tá - Chính ủy ngắt lời và quay lại phía sư đoàn trưởng, anh tiếp tục nói: 

- Phải làm sáng tỏ câu chuyện này. 

- Pô-crư-skin cùng đi với chúng tôi, có thể gọi đồng chí ấy - Một phi công nói.

- Đi tìm đồng chí ấy ngay và dẫn đến gặp tôi - Sư đoàn trưởng ra lệnh.

Sau khi cho tôi biết chuyện, Na-u-men-cô vui vẻ vỗ lên vai tôi và nói:

- Không nên nản lòng và hãy cởi mở cho họ biết mọi vấn đề đúng như nó có.

Sau khi nghe tôi trình bày, sư đoàn trưởng và chính ủy cùng nhìn nhau. Rồi tôi viết tóm tắt những điều tôi vừa trình bày và ra về.

Buổi chiều, tôi được mời đến dự một buổi họp Đảng. Chính ủy sư đoàn đã có mặt. Một số anh em hai tháng trước đây do không hiểu sự việc xảy ra, cũng chẳng gặp tôi trò chuyện, đã biểu quyết khai trừ tôi ra khỏi Đảng, vẻ mặt buồn rầu. Ngày hôm nay, coi như không có chuyện gì xảy ra, họ đấu tranh bảo vệ tôi. Tuy bực mình về những việc vô nguyên tắc, tôi cũng phấn chấn thấy câu chuyện kết thúc một cách tốt đẹp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #145 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2010, 10:43:04 am »

Tôi được phục hồi đảng tịch. Và sáng hôm sau, trung đoàn trưởng mời tôi đến để nói về cương vị tương lai của tôi .

- Tôi định chọn đồng chí làm phó trung đoàn trưởng - Anh ta nói. 

- Không, đồng chí chỉ huy - Tôi đáp lại. - Hãy dành vị trí đó cho người nào xứng đáng hơn. Và nếu có thể hãy cho tôi một phi đội. 

Tôi muốn nói một điều khác: làm sao tôi có thể trở thành phó cho một người đã đâm vào tim tôi nhiều vết thương hơn cả các vết thương chiến tranh trên con người tôi.

Tôi trở về trung đoàn như vậy và tôi nắm quyền chỉ huy phi đội của Phi-ghi-sép, trong khi anh trở thành người phó cho trung đoàn trưởng. Các phi công vui vẻ đến tôi, và Pha-dê-êp là người bằng lòng hơn cả. Tôi và anh càng gắn bó với nhau bằng mối tình bạn sâu sắc.

Cuộc ống đã đem lại cho tôi mọi khát vọng những ngày sau đó. 

Mỗi ngày bắt đầu bằng các cuộc bay. Pha-dê-ép và tôi huấn luyện các phi công theo phương pháp mới. Chúng tôi để tâm đặc biệt đến vấn đề cơ động trong các hỏm núi và trên mặt biển. 

Sau bữa trưa là giờ học lý thuyết chiến thuật.

Các phi công của chúng tôi rất ít khi có thời gian đến câu lạc bộ địa phương và sàn nhểy. Họ hơi trách tôi vì muốn đuổi kịp thời gian đã mất, đã không cho họ giải trí đôi chút. 

Nhưng, chúng ta phải chuẩn bị gấp... Thọc vòng qua Xta-lin-grát khói lửa, quân đội Đức đang có sức tiến về Vôn-ga và qua dãy núi Cô-ca-dơ, vươn tới biển Đen. Phải đánh tan quân thù. Và muốn làm như vậy, chẳng có ai giúp quân đội chúng ta.

Giữa một trong những ngày huấn luyện khẩn trương, đài phát thanh đưa đến chúng tôi cái tin bấy lâu chờ đợi: quân đội đồng minh đã mở mặt trận thứ hai. Nhưng niềm vui không kéo dài được lâu. Cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên những bãi cát châu Phi không làm giảm số lượng những sư đoàn Đức trên mặt trận chúng tôi. Châu Phi ở xa, quá xa hang ổ bọn phát xít.

Sân bay xây dựng cho trung đoàn chúng tôi đã sắp hoàn thành. Ban tham mưu sẽ đến ở một thị trấn dân chài bên bờ biển Ca-xpiên. Và rồi chúng tôi cùng nhận được lệnh di chuyển. Gần chiều tối, một tốp sáu chiếc máy bay Y-ắc huấn luyện bay sát nóc những ngôi nhà nhỏ của dân chài và hạ cánh bên kia dãy núi trùng điệp.

Chúng tôi dạo một vòng qua thị trấn Ma-nát trên xe tải, đưa mắt nhìn toàn bộ thị trấn với những ngôi nhà nhỏ, những quán nhỏ và một ngôi nhà rộng rãi, cây cối bao phủ, trên một ngọn đồi. Chúng tôi nhìn thấy ở đó có một cô gái trẻ mặc áo bờ-lu trắng.

Cô-mốt-xa đang điều trị ở ngôi nhà đó. Ở đấy có trạm cấp cứu. Tôi quyết định đến thăm anh ngay buổi chiều. Tơ-rút và Bê-rê-giơ-nôi cũng cùng đi

Ánh sáng mờ nhạt xuyên qua các cửa sổ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #146 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2010, 10:44:01 am »

Sự tĩnh mịch, yên lặng ngự trị trong nhà. Tới đầu một hành lang hẹp và tối, tôi mở cửa và bất thần...

Chỉ có bức tranh kỳ diệu của một họa sĩ tài năng mới có thể khắc sâu vào ký ức và tràn đầy tâm hồn tôi trong một khoảnh khắc như vậy. Trước mắt tôi là một gian phòng rất sạch, một chiếc bàn con trên đặt một ngọn đèn dầu, và dưới ánh sáng của nó, tôi nhìn thấy một cô gái trẻ mặc đồ trắng, hai tay đặt trên quyển sách, ngước mắt chăm chú nhìn tôi.

- Chào cô.

- Chào anh. - Cô gái trẻ trả lời.

- Đại úy Cô-mốt-xa đang điều trị ở đây, có phải không? 

- Vâng.

- Có thể thăm đồng chí ấy được chứ?

- Sao anh đến muộn thế? 

Các nhà thơ có thể gọi là tiếng sét trạng thái tình cảm của tôi khi nhìn cô. Tôi như muốn ngồi mãi bên cạnh cô gái mảnh dẻ mặc đồ trắng, chỉ biết có ngồi nhìn tôi.

- Đó là bạn chúng tôi, và chúng tôi muốn được thăm anh ấy ngay - Tôi nhấn mạnh. 

- Xin mời, anh đến cửa thứ hai trong hành lang. Nhưng không được ở lâu đấy. ..

Tơ-rút và Bê-rê-giơ-nôi bước ra. Còn tôi, tôi vẫn ở lại, chắc chắn là rất hài hước trong cơn bối rối.

- Cô đọc quyền gì thể? Quyển sách đã được gấp lại, và tôi có thể đọc rõ tên sách. 

- Hình như anh đến để thăm người bệnh thì phải?

- Tôi đã đổi ý định. 

Cô gái bật cười. Và cái cười của cô lại càng khiến tôi say mê. Tôi hỏi vài câu bâng quơ để làm đà cho cuộc nói chuyện. Đáng lẽ tôi phải rời cô từ lâu để đến chỗ Cô-mốt-xa, nhưng tôi như bị cột chặt ở đây. Đã lâu lắm, đúng thế, tôi không được nghe một cô gái nói với mình và nhìn mình bằng cái nhìn vuốt ve. Những điều rất cần đối với tôi mà tôi thì lại đang rất thiếu chúng trong cuộc đời. Tôi phải tìm kiếm...

- Em thấy phải dẫn anh đến chỗ anh bạn, kẻo không thì anh lạc đường. Nào ta đi!

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #147 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2010, 10:44:59 am »

Trước khi ra, tôi dừng lại, tư lự bên chiếc bàn cô y tá: lẽ nào để cô rời ngay gian phòng chiếu sáng bằng chiếc đèn dầu này?... Tôi đã sẵn sàng lang thang suốt đêm với cô trên bờ biển, dưới ánh trăng. Có thể nào ra khỏi đây một mình? ít nhất cũng phải hẹn được với cô một buổi gặp mặt tối mai để đi nhảy. Chờ đợi, hy vọng một lần gặp mặt may mắn khác? Không - Tốt nhất là mượn cô quyển sách - Như thế chắc chắn sẽ gặp lại cô. 

- Những người khốn khổ - Tôi đã đọc qua từ lâu và ít nhiều, chính tôi cũng là một người khốn khổ. Cho tôi mượn nhé, tôi muốn đọc lại quyển này. 

- Không thể được. Không phải sách của em.

- Hãy cho biết, khi nào cần phải mang trả? - Tôi hỏi và cầm ngay lấy quyển sách để trên bàn.

- Anh sẽ trả nó cho chủ nhân, nữ y tá Vê-ra.

- Không, tôi chỉ muốn trả nó cho cô thôi. Như thế, từ lúc ấy, tôi không còn cô đơn nữa.

Tôi đã có tên cô gái và quyển sách của cô. Tôi nhớ tên cô mỗi sáng thức dậy. Tôi nghĩ đến cô khi chúng tôi đi ô tô qua thị trấn. Tôi cảm thấy trên người có cái nhìn của Ma-ri-a khi tôi bay trên không

Ngày giờ trôi nhanh hơn, cuộc đời đã mang một ý nghĩa mới: Sự trở lại trung đoàn, cái nhìn của đôi mắt cô gái trẻ tìm tòi trong đám đông, xung quanh sàn nhảy luôn quyện vào tôi, khiến tôi cầm thấy qua mõi lần bay có cái gì đang đòi mới tâm hồn mình. 

Mỗi ngày, trước khi kết thúc chuyến bay huấn luyện, tôi bay qua căn nhà nhỏ có tiểu đoàn quân y đóng. Tôi cố tình làm cho Ma-ri-a nhận ra máy bay tôi và để cho cô khỏi lầm, bao giờ tôi cũng tuần tự thực hiện ba lần bổ nhào liên tiếp. Đó là ám hiệu “Anh thấy em”.

Một trong những ngày hạnh phúc đó, tôi được gọi đến ban tham mưu trung đoàn. Crai-ép, với giọng nhấn mạnh - Anh ta luôn luôn giữ với tôi mối quan hệ theo đúng nghi thức - báo cho tôi biết: tướng Na-u-men-cô muốn gặp. Chưa hiểu lý do nhưng tôi cảm thấy buồn. Nếu trước kia tôi sẵn sàng rời khỏi trung đoàn thân yêu để lao ra mặt trận thì bây giờ tôi chỉ mong có thể ở lại đây ít nhất là một tuần ngắn ngủi. 

Dời Crai-ép, tôi tự nhủ: có thể người ta điều động tôi khỏi trung đoàn chăng? Có thể lắm. Tôi có thể bị điều lên phòng tham mưu tập đoàn quân và không trở lại cái vùng quê nhỏ bé này, không còn gặp các bạn bè cũng như Ma-ri-a. 

Buổi tối, tôi gặp cô như thường lệ. Lúc chia tay, tôi nói:

- Đêm nay anh sẽ đi. 

- Đi lâu không?.

- Có thể đi mãi mãi...

Ma-ri-a chờ tôi nói tiếp. Nhưng tôi không tìm thấy câu nói. Cô nói với tôi, giọng nho nhỏ và run rẩy:

- Có thể chúng mình không bao giờ gặp nhau nữa. Anh hãy giữ làm kỷ niệm quyển sách đã làm chúng mình quen nhau, đã nối chặt mối tình đôi ta. Giữ lấy nó mãi mãi nếu thời gian không cho anh và em hạnh phúc cùng nhau chung sống. 

Cô nắm tay tôi. Tôi ôm cô trong đôi cánh tay và nhìn thấy đôi mắt to yêu đương của cô tràn đầy nước mắt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #148 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2010, 10:45:57 am »

Hôm sau, tôi tới trình diện với tướng Na-u-men-cô. Sau khi hỏi tôi tỉ mỉ về “câu chuyện của tôi”, ông giải thích điều mà mọi người chờ đợi ở tôi. Người ta dự định giao cho tôi chức vụ phó trung đoàn trưởng. Tôi xin một ít thời gian để suy nghĩ.  

- Đồng chí không được trở về trung đoàn. Hãy suy nghĩ: Tôi chờ câu trả lời của đồng chí chiều nay.

Tư lệnh tập đoàn quân nói và cho lệnh đưa tôi ra sân bay.

Những chiếc máy bay La-5 mới óng ánh đang đậu trên sân: những máy bay đang được trang bị cho trung đoàn mà trên dự định đưa tôi về làm trung đoàn phó.

Vị tướng đã tính đúng. Vừa nhìn thấy những máy bay mới, tôi quên hết. Tôi tha thẩn đến tận chiều tới trên sân bay, ngắm nghía máy bay, leo lên buồng lái, mở thử máy vô tuyến.  

Vừa đi, tôi vừa nghĩ: “Trả lời vị tướng thế nào đây?”. Tôi điểm lại trong đầu: Va-đim, Va-len-tin, với những cậu học trò của tôi. Tôi nhớ đến chú “con đỡ đầu” Ô-xtơ-rốp-xki...

Cách đây không lâu, một lá thư trả lời từ một làng gần Mát-xcơ-va đã đến với cậu ta. Nhìn chú thanh niên khi tôi cầm lá thư từ tay chú, nỗi đau của chú đã xâm chiếm lòng tôi: quê hương chú báo tin bố, mẹ, các anh chị em và mọi người thân thích của chú đều đã bị bọn Hít-le bắn chết vì đã có quan hệ với du kích.

Tôi không hiểu cái gì đã dẫn đến cho mình một quyết định “kẻ cả”, và sau khi đọc lá thư, tôi nói: “Hãy coi tôi như “ba” chú, tôi sẽ không để một ai xúc phạm chú.'..”.

Không, tôi không thể xa rời những con người như thế. Chúng tôi đã cùng bay, chiến đấu bên nhau một chặng đường ác liệt. Nhiều điều đã thắt chặt chúng tôi trong tình anh em. Sau khi trình bày điều quyết định với tư lệnh tập đoàn quân, chiều tối tôi mới trở về trung đoàn bằng máy bay. Đợt huấn luyện khẩn trương lôi kéo tôi

Mùa thu đã đến. Biển đáng yêu đã trở thành tối sẫm và khắc nghiệt; Mưa và bùn giam hãm chúng tôi trong những căn hầm. Các phi công cũng giảm nhiệt tình học tập

Người ta làm lễ phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Phi-ghi-sép. Chúng tôi cùng được đề nghị phần thưởng cao quý ấy. Nhưng tôi bị “đánh trượt”. Điều đó không ngăn được niềm vui mừng trọn vẹn đối với bạn. Nhưng không bao lâu chúng tôi đã xa nhau: anh dời đơn vị theo học ở một trường hàng không cấp cao.

Một hôm, chúng tôi được triệu tập cấp tốc đến ban tham mưu. Từ xa. chúng tôi đã nghe thấy nhạc hiệu quen thuộc của đài phát thanh Mát-xcơ-va. Và chúng tôi từ từ, trịnh trọng lại gần loa phóng thanh: ai nấy đều cảm thấy chắc phải là một thông báo cực kỳ quan trọng.
Rồi tất cả chúng tôi lắng nghe, đón nhận bản tin thông báo việc bao vây và tiêu diệt đạo quân Đức ở Xta-lin-grát.

Mọi người muốn hát và khóc lên vì sung sướng. Thể là đã bắt đầu, điều mà chúng tôi nóng lòng chờ đợi suốt cả mùa hè và mùa thu

Cái thị trấn nhỏ bé của chúng tôi, cũng như cả nước và toàn thể giới đều vui sướng vì chiến thắng lớn trên sông Vôn-ga. Và tất cả như bắt vào nhịp điệu khẩn trương hơn. Thời khắc như ngắn lại. Những ngày thu ảm đạm cũng như muốn sáng lên...

Vào một ngày tháng Chạp, Ma-ri-a báo tin cho tôi là tiểu đoàn quân y sẽ hành quân ra mặt trận, và ngày hôm sau, tôi thấy các xe tải chất đầy dời khỏi thị trần. Tử trên một đỉnh đồi, tôi đưa mắt nhìn theo đoàn xe cho đến khi nó khuất hẳn về phía xa...
Hạnh phúc ngắn ngủi của tôi đã kết thúc.

Ở đâu và bao giờ sẽ gặp lại em? Chúng tôi xa nhau với tình yêu nóng bỏng trong tim, không gì có thể làm chúng tôi dời nhau, dù là không gian, dù là thời gian, dù là chiến tranh.

Hôm sau, chúng tôi cũng dời bỏ cái thị trấn dân chài bên bờ biển Ca-xpiên mà tôi giữ kỷ niệm mãi mãi. Qua. Ba-cu, con đường dẫn chúng tôi về phía tây

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #149 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2010, 10:20:11 pm »

chương mười một
“GIÔNG TỐ”

Máy bay kiểu “E Cô-bra” mới óng ánh, đượm một mùi sơn là lạ, lấy độ cao dễ dàng. Mặt đất mùa xuân màu xanh lục sẫm dần trong màn sương mù xám nhạt.

Dãy núi cuối cùng đã ở trước mắt. Phía sau là đồng bằng Cu-ban. Chúng tôi bay ra mặt trận. Ý nghĩ đó kích thích trí tưởng tượng và thúc đẩy chúng tôi cố gắng chuẩn bị tốt hơn cho những thử thách mới. 

Nếu thời tiết xấu không giữ chúng tôi lại ở Cư-tai-xi thì hôm nay chúng tôi đã đánh nhau với tụi Mét-xe-smít. Vừa đúng lúc đến gần mặt trận, chúng tôi lại phải rầu rĩ chờ đợi thêm hai ngày. Khi ta có trong tay một phương tiện chiến tranh và kẻ thù đang gìay xéo quê hương, ta chỉ nghĩ đến chiến đấu, chỉ ham muốn trả thù. 

Những ngọn núi tuyết phủ lướt qua dưới cánh và làm sống lại trong trí nhớ những cuộc bay khác gần đây.

…Kết thúc đợi huấn luyện phục hồi, trung đoàn chúng tôi chờ một thời gian những máy bay mới, do các phi công đặc trách sẽ đem tới. Nhưng ngày ngày trôi qua, máy bay vẫn chưa đến. Cuối cùng có người (Ý nói phía đồng minh Mỹ - Anh.) quyết định chúng tôi có thể tự mình đi nhận máy bay ở nước ngoài.

Chúng tôi đến I-ran trên một máy bay vận tải Li-2. Sau khi bay ở độ cao vượt qua dãy núi ngăn cách thung lũng Cư-ra với cánh đồng cỏ Ba Tư, chúng tôi thấy một thành phố rộng với những tòa lâu đài trắng và các nhà thờ Hồi giáo màu trắng: Tê-hê-ran.

Máy bay “Cô-bra” đậu xếp hàng sát nhau dọc đường hạ cất cánh, sẵn sàng để đưa đi. Chúng tôi đứng tại sân bay, mang sẵn dù, chờ lệnh từng người nhận một máy bay, nhưng rõ ràng người ta chẳng nghĩ gì đến thời gian bị lãng phí. Không ai lo liệu tìm trước một người hướng dẫn để đưa chúng tôi qua dãy núi trên đường trở về

Trời đã sập tối. Người ta cho chúng tôi ngủ đêm trong một khách sạn ở Tê-hê-ran.

Lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với một xã hội xa lạ. Sự giàu sang choáng lộn của những tòa lâu đài hòa với sự nghèo khổ của những túp lều tối tăm, bẩn thỉu. Một cảnh tượng lạ lùng: những người đàn bà giấu mặt dưới tấm khăn voan. Những cảm giác về Tê-hê-ran, những quan hệ hữu nghị và thẳng thắn với những phi công Mỹ vào bữa ăn tối, bù đắp phần nào cho khoảng thời gian bị bỏ phí. Nhưng một chuyện nhỏ đáng bất bình lại làm vẩn đục cảm tình của chúng tôi: trước mắt chúng tôi một sĩ quan người Anh tát một người lính da đen.

Sáng sớm hôm sau; chúng tôi trở lại sân bay. Trong khi chúng tôi đi thành đoàn đến chỗ để máy bay thì Va-dim bất thần dừng lại, mắt hướng về phía xa, cất lên một giọng như sấm:

Giờ đây về với nước Nga
Ba Tư ơi! Chẳng phải ta xa người
Với người, gắn bó trọn đời?.
Nhưng vì yêu nước Nga nơi sinh thành 
Giờ đây trở lại với mình...


Những câu thơ bất hủ của Ét-xê-nhin mang lại sự phấn chấn trong tinh thần chúng tôi.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM