Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 06:37:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Kỳ Cố Sự (Chuyện kể Nam Bộ)  (Đọc 82311 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 10:27:15 am »

SỰ TÍCH CẦU THỊ NGHÈ

Ngày xưa, quan khâm sai Nguyễn Cửu Văn có người con trai tên là Nguyễn Cửu Đàm và con gái là Nguyễn Thị Khánh.

Khi lớn lên, Nguyễn Cửu Đàm theo phò Nguyễn Phúc Chu. Năm 1772, được phong chức Điều khiển nhờ có công đánh đuổi giực Xiêm La xâm lược. Ông đã tham gia xây dựng một cái lũy gọi là Bán Bích cổ lũy chạy dài từ sau đồi Cây Mai qua trường đua Phú Thọ vùng Hòa Hưng, bến tám Ngựa, ga Tân Định đến Cầu Bông để phòng ngự mặt trận tây nam Gia Định.

Ngoài ra ông còn lập một cái chợ nên dân chúng gọi là chợ Điểu Khiển (tức chợ Thái bình ngày nay).

Còn bà Nguyễn Thị Khánh sau là vợ của một ông Nghè làm thơ lại trong thành Gia Định, nhà ở làng Thạnh Mỹ Tây cách thành Gia Định một con sông tên là Bình Trị Giang (tức Nghi Giang). Hàng ngày ông nghè phải sớm đội nón đi tối đội nón về. Bà không biết ông nghè xách nón đi đâu? Dẫu sao, bà nghè cũng không quan tâm đến việc đó vì bà hoàn toàn tin tưởng nơi đức tín của ông chồng. Nhưng có điều bà lo nhiều là mỗi khi đi làm việc quan, chồng bà phải đi đò sang sông, khi nắng ráo thì không nói gì, nếu gặp mưa to gió lớn, thì thật là vất vả nguy hiểm. Bà rất lo ngại cho chồng khi đi làm việc và cũng không quên bà con trong thôn xóm, khi đi làm ăn, mau bán hoặc có việc phải sang sông là điều hết sức phiền phức.

Bà bèn xuất tiền mua vật liệu, huy động nhân lực, trông coi xây dựng một cây cầu bằng gỗ khá rộng và chắc chắn, xe ngựa có thể qua lại dễ dàng.

Cầu bắc xong, dân chúng gọi là cuầ Bà Nghè, về sau gọi là Thị Nghè, rồi dần dần cái xóm nơi bà ở, con sông chảy ngang qua cũng được gọi bằng tên Thị Nghè.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 10:30:13 am »

SỰ TÍCH ĐỒNG ÔNG CỘ

Đồng Ông Cộ thuộc quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh ngày này. Ngày xưa Đồng Ông Cộ rộng: từ chợ Ngã Ba tượng dài đến Cầu Hang (Gò Vấp) vòng ra đường Nơ Trang Lơng ngày nay cho đến cầu Bình Lợi, ra ngã ba Hàng Xanh đến Lò Heo cũ, bọc qua ngã năm Bình Hòa. Dân chúng ở đây sống bằng nghề nông và đánh bắt cá ở các sông cầu Bình Lợi, cầu Băng Ky. Diện tích đất đai canh tác rất nhỏ, phần lớn là rừng chồi um tùm. Cả khu vực này không có lấy một con đường. Lại là nơi hoang vu sình lầy nên việc di chuyển cũng vất vả hơn. Thông thường mỗi khi muốn ra chợ Bến Thành mua sắm, hoặc rước thầy thuốc trị bệnh thì phải mất hai ngày: một ngày đi, một ngày về.

Năm nọ, có một người trong vùng làm một cái cộ bằng tre có lót vạt tre rồi đứng ra nhận cộ hàng và người từ trong vùng bưng sâu ra chợ.

Người dân trong đồng mỗi khi muốn ra chợ thì báo trước. Lúc gà gáy sáng, các phu cộ dến đón tận nhà từng nưgời. Cộ bằng chiếc chuông tre, phía dưới có hai gọn cong vút lên làm thanh trước trên đất sình, giống như chiếc xe trượt tuyết. Hai thanh trượt này mắc vào ách để một đôi trâu kéo. Hàng hóa và người đều ngồi ở trên tấm vạt tre ấy.

Dần dần, việc cộ người và hàng trở thành một phương tiện chuyên chỏ thịnh hành ở trong vùng. Do đó, khu vực này cũng được gọi là Đồng Ông Cộ. Tên đất ấy còn tồn tại mãi đến nay.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 10:33:45 am »

TRUYỀN THUYẾT VỀ THÁC TRỊ AN

Ngày xưa, ở vùng Đồng Nai, có một bộ tộc du mục thuộc dân tộc Châu Mạ chuyên sống bằng nghề nương rẫy và săn bắt thú rừng. Đứng đầu bộ tộc này là tù trưởng Xơra Đi, tuy râu tóc đã bạc phơ, nhưng ông còn rất khỏe mạnh.

Xơra Đina là con trai lớn của tù trưởng Xơra Đin, được cha truyền nghề cung ná từ nhỏ nên sớm trở thành tay thiện xa. Trong một ngày Xơra Đina có thể dễ dàng hạ hai con hổ. Chàng còn có thể hạ được cả loài cá sấu hung dữ đã một thời gây khủng khiếp ở vùng giáp sông Bé và sông Đồng Nai.

Lúc bấy giờ ở thượng nguồn sông Đồng Nai có nàng Điểu Du là trưởng nữ của tù trưởng Điểu Lôi, người Châu Ro. Điểu Du say mê tập tành phóng lao với chí hướng nối nghiệp cha. Chính cô đã trừ được con voi một ngà hung dữ ở vùng Đạt Bo. Tiếng thơm bay xa. Tài thiện nghệ của Xơra Đina gây được sự cảm mến trong lòng Điểu Du. Và Xơra Đina cũng muốn được gặp mặt người con gái nổi tiếng về tài phóng lao ở miền thượng du con sông.

Năm kia, trời hạn hán. Các con suối lớn nhỏ đều khô cạn. Cả người lẫn thú đổ xô ra sông tìm nước uống. Một hôm trời chuyển giông, mây đen chao đảo trên vòm trời. Một chiếc xuồng độc một chở một thiếu nữ tất tả xuôi mau vào bờ. Bỗng một con cá sấu từ dưới nước nổi lên và đuổi theo chiếc xuồng. Lập tức hai mũi lao từ tay Điểu Du phóng nhanh về phía con cá sấu. Nó bị thương nên càng vùng vẫy, lồng lộn, há miệng định nuốt chửng cả chiếc xuồng và người con gái. Trong con nguy hiểm may sao thuyền của Xơra Đina vừa kịp xuất hiện. Nhanh như chớp, chàng bắn liền hai phát tên. Cá sáu trúng tên chạy được một đoạn thì chìm nghỉm.

Xơra Đina và Điểu Du quen nhau từ đó. Họ trở thành đội bạn xuôi ngược dòng sông. Dần dần họ yêu nhau. Mối tình của hai người được Xơra Đin và Điểu Lôi chấp thuận. Theo phong tục hồi đó, trước ngày cưới, Xơra Đina phải về ở rể bên đàng gái. Xơra Đin cho con trai mình chiếc tù và, đồng thời căn dặn thêm:

- Gặp trắc trở thì thổi tù và, sẽ có người đến giúp.

Xơra Đina lên con ngựa trắng tiến về miền thượng du. Đi một đoạn đường, gặp con suối cạn, Xơra Đina phải dìu ngựa qua các gộp đá lởm chởm. Đột nhiên từ trên cây cổ thụ một con hổ xám phóng xuống ôm choàng lấy Xơra Đina.

Đó là một gã đàn ông đội lốt hổ. Nó vừa đánh nhau với Xơra Đina vừa hăm dọa:

- Thần hổ đây! Tao sẽ giết mày vì mày có tội…

Xơra Đina nào phải tay vừa. “Thần hổ” bị đánh ngã, bèn xông tới toan cướp ngựa. Con ngựa trắng hí lanh lảnh. Chôm lên dữ dội, “Thần hổ” bị ngựa đá, phóng nhanh vào rừng.

Đi thêm được một đồi ngắn, Xơra dina đã thấy Điểu Du ra đón chàng ở bìa rừng. Đàng xa Điểu Lôi cũng vừa tới.

Nhân lúc ngồi nghỉ, Xơra Đina đã thấy Điểu Du:

- Vùng này có hổ không em!

Điểu Du cười đáp:

- Thằng thầy mo Sang Mô đó. Nó bày trò hù dọa dân làng. Nó oán em lắm, vì em không ưng nó.

Thấy bóng Sang Mô loáng thoáng gần đấy, Xơra Đina lên tiếng:

- Mời anh Sang Mô đến uống rượu với chúng tôi.

Sang Mô đến, hắn trừng mắt nói với Xora Đina:

- Anh là kẻ xa lạ, đến đây để làm gì?

Một lát, hắn nhìn Xơra Đina cười nham hiểm:

- Nghe nói anh nổi tiếng về tài thiện xạ. Vậy ta thách anh: nếu anh bắn trúng cái lá chót trên cành cây ta đang cầm trong tay thì ta sẽ nhường Điểu Du cho anh.

Hắn bẻ một nhánh quít rừng và giơ lên. Hắn vừa thách vừa lắc lắc bàn tay khiến nhánh quít run rẫy như gặp gió:

- Nào bắn đi!

Dừng một phút, Xơra Đina quát lớn:

- Thần hổ, coi đây!

Sang Mô giựt mình, ngừng tay. Xơra Đina bắn mũi tên xuyên qua chiếc lá chót. Mọi người reo hò hoan hỷ.

Lễ cưới diễn ra trọng thể. Đâm trâu, rượu ngon, múa hát… dân làng ca ngợi đôi trai gái bằng tiếng hát và tiếng cồng chiêng vang dậy. Riêng Sang Mô tức tối, kiếm cách trả thù.

Năm sau Điểu Du sanh được một con trai. Ngày đứa bé ra đời, trời mưa tầm tã, Sang Mô nhân đó tung tin: “Điểu Du sanh ra ma quỉ, rồi sẽ có nạn mất mùa đói kém!”

Do đồn nhảm Sang Mô bị Điểu Lôi quở phạt. Hắn càng oán giận. Năm sau nữa, trong một chuyến đi săn chung với Điểu Lôi, Sang Mô đã sát hại tù trưởng một một mũi tên bắn lén vào sau lưng. Rồi hắn cùng mười tên phản loạn khác kéo về suối Đạt Bo để giết luôn vợ chồng Xơra Đina.

Canh hai đêm đó, ngôi nhà của vợ chồng Xơra Đina bỗng dưng bốc cháy. Xơra Đina chỉ kịp thét lớn: “Có kẻ đốt nhà!” rồi ẵm con cùng Điểu Du thoát khỏi vùng lửa.

Cuộc xô xát diễn ra ác liệt. Mải lo che chở cho con, Xơra Đina bị thất thế. Còn Điểu Du sau một lúc chống cự cũng bị bọn Sang Mô bắt. Xơra Đina xông tới cứu vợ. Đứa con tuột khỏi tay chàng văng xuống đất.

Bỗng một cái bóng mảnh mai lao nhanh đến và ôm lấy thằng bé chạy thoát vào rừng. Sang Mô gào lên:

- Đuổi theo, trừ cho tiệt nòi!

Nhưng bóng con ngựa trắng của Xơra Đina chở Sang Mỵ trên lưng đã biến mất trong rừng.

“Cho dù là em gái ta, cũng cứ bắn!”, tên bay vun vút. Sang Mô còn đốt cháy rừng hòng ngăn cản em gái mình chạy thoát. Tức giận, Sang Mô nghiến răng trói chặt vợ chồng Xơra Đina quăng xuống một chiếc xuồng có chất lẫn một thứ nhựa cây dễ cháy, rồi thả xuồng trôi theo dòng nước chảy xiết. Sang Mô cho chèo xuồng rượt theo và cứ nhắm vào xuồng của Xơra Đina mà buông những phát tên lửa. Đến một bậc đá xuống bị cản lại. Xơra Đina đã kịp tháo dây trói hai tay và rút tù và ra thổi một hồi dài.

Hàng trăm người ở miền hạ du nghe tiếng tù và liền đổ xô ra bờ sông, nhảy qua những gộp đá, tiến tới chiếc xuồng đang bốc cháy ngùn ngụt. Mọi người ngậm ngùi trước cái chết đau đớn của Xơra Đina và Điểu Du. Vừa lúc ấy con ngựa trắng chở Sang Mỵ có hai mũi tên cắm sâu. Nàng chỉ kịp trao đứa bé cho ông già Xơra Đin rồi ngã gục xuống ngựa Xơra Đin vuốt mắt Sang Mỵ.

- Ngàn đời ta tri ân nàng đã cứu cháu ta.

Còn con ngựa trắng thì ngược đầu nhìn ra phía ngọn lửa đang bốc cháy. Không thấy chủ, nó hí lên một hồi dài buồn thảm rồi phóng mình xuống dòng thác xoáy.

Trong khi đó bà con đã bắt trói Sang Mô và mười tên phản loạn đem nạp cho Xơra Đin. Những tên nghe lời dụ dỗ mua chuộc của Sang Mô được Xơra Đin xá tội. Còn Sang Mô thì bị trói chặt vào chỗ nó đã gây ra tội ác. Tù trưởng Xơra Đin giương ná và lắp một mũi tên ngắm vào Sang Mô. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Bỗng ông hạ ná và hô mọi một tiếng “Pa” ngắn gọn, rồi quẳng cái ná xuống dòng thác.

Ông muốn cho đời sau hiểu rằng: mối hận thù phải được lấp bằng. Mọi người nên sống với nhau trong tình thương lớn. Vì lòng tri ân đối với Sang Mỵ ông tha chết cho Sang Mô. Sang Mô rạp đầu lạy Xơra Đin rồi ôm xác Sang Mỵ bước xuống xuồng, nước mắt lã chã.

Từ đó người trong vùng gọi thác này là thác Trị Ân, sau đọc trại thành Trị An.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 10:36:01 am »

KHẢO DỊ 1

Ngày xưa, sông Đồng Nia đoạn từ thượng nguồn chảy về vùng Mã Đà, tuy không rộng nhưng rất phẳng lặng… Hai bên bờ là dải rừng già, có thú dữ và nhiều thứ cây. Hồi đó đã có người sinh cơ lập nghiệp ở đây, họ tuyên truyền thành từng bộ tộc và sống bằng nghề săn bắn là chính.

Trong bộ tộc bên này sông, dưới chỗ đuôi thác bây giờ, có một chàng trai tuấn tú, dũng cảm. Chàng sống rất ngèo nhưng trong sạch, lại có bụng thương người. Ngày đêm cung nỏ không lúc nào rời khỏi tay chàng, và không có đường ngang ngả tắt nào trong rừng mà không có dấu chân chàng đặt tới. Một hôm chàng vội qua sông, đến khu rừng bên kia bờ để săn. Vì mải mê đuổi theo một con nai, chàng lạc vào một khu rừng rậm, nơi có một bộ lạc khác đang sinh sống. Con nai chỉ còn cách chàng trong gang tấc, chàng giương cung định bắn, bỗng một tiếng thét vang lên lanh lảnh: “Đừng bắn nó!”. Dừng quanh một lúc, chàng thấy hiện ra ở đầu trảng một cô gái xinh đẹp đang đi về phía chàng. Nàng chính là con gái độc nhất của tên tộc trưởng giàu có và khét tiếng tàn ác trong vùng. Sau phút gặp gỡ ban đầu, cặp trai tài gái sắc cảm mến rồi yêu nhau tha thiết. Từ đó, hai người thường đến với nhau, lúc săn thú, bắt chim trong rừng, lúc ngồi giặt áo bên sông, lúc ngắm trăng lên trên đầu trảng. Tất nhiên, mọi cuộc hẹn hò đều lét lút, vì hai người biết rằng điều khủng khiếp sẽ xảy ra nếu tên tộc trưởng gian ác hay được. Nhưng rồi điều đó cũng tới. Qua sự dò la của thuộc hạ, tên tộc trưởng biết được chàng trai khác bộ tộc và nghèo xơ xác vẫn lần quất trong rừng rậm thuộc địa hạt của mình. Hơn thế nữa, hắn còn dám liều lĩnh quyến rũ đứa con gái duy nhất của y - đứa con gái y định gả cho một tên tộc trưởng ở khu rừng trên, cũng giàu có như y, nhưng đã quá già. Thế là cơn thịnh nộ nổi lên. Bất chấp đó là núm ruột của mình, bất chấp lời van xin thảm thiết, tiếng kêu xé lòng của người con gái, tên tộc trưởng đã đánh đập nàng hết sức dã man, buộc nàng phải chấp nhận lấy tên chồng già theo ý hắn, mà trong trái tim nàng chỉ có hình bóng của chàng trai ấy mà thôi.

Một hôm khi trời đất còn đang mờ mịt, người con gái đã lén bỏ nhà trốn vào rừng. Gặp chàng trai, nàng gục đầu vào ngực chàng khóc than, kể lể mọi việc đã xảy ra đối với nàng, và những âm mưu của tên tộc trưởng là cha nàng. Đó cũng là lúc đám quân lính dưới sự chỉ huy của tên tộc trưởng, đã lân theo dấu chân nàng mai phục dày đặc quanh rừng để bắt sống chàng cho được. Nghe tiếng động chàng buông người con gái ra, băng rừng chạy nhanh về phía bờ sông. Sông hẹp và chảy êm ả, chỉ trong nháy mắt chàng có thể vượt qua sông sang bờ bên kia để trốn vào rừng, về với bộ tộc mình. Chàng nhảy xuống nước ra đến giữa sông, bỗng nhiên hai bên bờ dậy tiếng la hét inh hỏi của đám lính và liền theo đó là những tảng đá lớn được đẩy xuống chặn hết lối thoát của chàng. Đám lính tràn xuống bắt được chàng. Tên tộc trưởng ra lệnh cột chàng vào tảng đá lớn nhứt ở giữa sông, rồi tập hợp các tay thiện xạ giương cung phóng hàng trăm mũi tên vào người chàng. Dù khắp mình bị nhiều mũi tên xuyên thủng, chàng vẫn hiên ngang lẫm liệt. Đôi mắt chàng mở to. Lúc thì long lên nhìn về phía quân giặc, lúc lại hiền dịu xanh trong hướng về rừng:

- Hỡi rừng xanh hãy trả thù cho ta!

Đột nhiên chàng trai thét lớn, tiếng thét như một trận bão ào ào lay động cả rừng cây. Và lạ lùng thay sau tiếng thét xé trời này, người con gái mà chàng yêu dấu đã hớt hải chạy đến bên bờ sông. Khi hai người thấy nhau, chàng trai rùng mình một cái, rồi gục chết.

Bất chấp bọn lính ngăn cản và hăm dọa, người con gái chạy băng xuống dòng sông, nhảy qua các gộp đá. Khi đến bên người yêu, nàng ôm lấy chàng khóc thảm thiết. Một lát, người con gái đứng thẳng dậy, dựa lưng vào người yêu, ngẩng mặt về phía bờ sông thét lên:

- Này lũ sát nhân, bây hãy giết tao đi, hãy bắn tao đi!

Không biết vì có lệnh của tên tộc trưởng hay vì say máu giết người, sau tiếng thét đó, đám lính trên bờ giương cung phóng hàng trăm mũi tên vào người nàng.

- Hỡi dòng sông yêu dấu hãy trả thù cho ta!

Người con gái chỉ kêu lên được mấy tiếng, rồi vòng tay qua cổ người yêu, gục xuống chết. Và cũng lạ lùng thay, sau tiếng gọi của người con gái, nước sông đã tức ngẹn dưới chân hai người, chọt trào lên lai láng, mênh mông và như đạo quân dũng mãnh ào ào tràn qua các gộp đá, tung bọt trắng xóa… Thác này có từ ngày đó và được gọi là thác tương tư.

Cũng có người cho rằng sau khi bọn tên tộc trưởng diệt được mối tình chung thủy và giết được đội trai gái, không còn gì để chém giết nhau nữa nên người ta gọi thác này là Trị An (!)… nhưng cứ vào mùa khô, tiếng thác êm ả trầm buồn nghe mà xé ruột, xé lòng. Người đời bảo rằng đó là tiếng khóc bi ai của người con gái. Còn vào mùa mưa tiếng thác lội xối xả, gầm gào. Người đời bảo đó là tiếng thét phẫn nộ của người con trai

(Theo lời kể của ông Bãy Mã Đà ở Suối Sỏi)

KHẢO DỊ 2

Thác Trị An ở trên sông Đồng Nai, gần xóm Cát, cách thành phố Biên Hòa khoảng ba mươi sáu cây số theo tỉnh lộ 24. Ở khúc sông này có một cụm đá bàn nằm chắn ngang giữa dòng nước chảy. Về mùa cạn, những cụm đá bàn nổi lên, nhìn kỹ từ trên xuống dưới gồm bảy phiến chồng chất lên nhau, do vậy mà có tên Thạch Thất Thanh. Về mùa mưa, nước trên nguồn chảy xuống mạnh. Đến chỗ cụm đá hàn nước bị chặn lại tỏa ngọn ra, rồi mực nước dân lên. Những đợt nước su xô đến, đập phá mãnh liệt vào cụm đá bàn tạo thành cả trăm cột nước vọt cao lên rồi tung tóe ra, tỏa thành một màn sương mù.

Người dân ở đây truyền tụng một câu chuyện giải thích về nguồn gốc thác Trị An như sau:

Ngày xưa đã lâu lắm rồi, lúc vùng đất này thuộc quyền cai quản của nhiều bộ lạc. Mỗi bộ lạc dần dần thành một tiểu quốc.

Một hoàng tử không rõ thuộc vương quốc nào ở cách xa đó hàng ngàn dặm về phía Bắc, đã vượt biển phiêu lưu đây đó để thỏa mãn óc tò mò. Chàng ngược dòng sông Đồng Nai về Hàn Ông Sâm ngày nay thì bị thổ dân bắt giữ, đem nộp cho tù trưởng bộ lạc. Tù nhân bị kết tội là kẻ do thám của nước thù địch và bị kết án tử hình. Nhưng nhờ vóc dáng lực lưỡng và tỏ ra là một dũng sĩ cương trường và can đảm, chàng được tù trưởng khoan dung và sung vào làm về sĩ.

Một hôm người con gái của tù trưởng bộ lạc vào rừng dạo chơi,bị một con trăn lớn làm hại. Liền sau đó, chàng vệ sĩ mới này đã nhanh chóng vung gươm giết chết con trăn cứu người con gái của tù trưởng. Cảm ân nghĩa ấy, người con gái của tù trưởng xin với cha được kết duyên cùng chàng.

Sống ở đây ít lâu, hoàng tử bắt đầu nhớ về quê cũ, chàng có ý muốn về cố quốc. Nhận thấy điều đó, người tù trưởng mới sai dân bộ lạc đem đá ngăn dòng để chặn lối chàng ra biển tìm về quê hương. Nhân chỗ bờ đá ngăn sông, tù trưởng cho đắp một cây cầu thiêng làm đàn tế thần bảo hộ đất nước hàng năm. Cây cầu có liên quan đến vận mệnh của bộ lạc nên chỉ có tù trưởng và một phù thủy trợ tế mới có quyền lên cầu. Còn bất cứ ai hễ bước chân lên đó là phạm vào uy quyền của bách thần gây nên tai vạ cho nòi giống đều bị kết tội tử hình. Hoàng tử càng ngày càng nhớ quê cha đất tổ nên một hôm đã liều mình lên câu đề quan sát, tìm lối băng rừng về xứ cũ. Chàng bị đám quân canh gác cầu bắt được đưa vào trình tù trưởng rồi chiếu luật đem chàng xử tử.

Đầu và thân chàng bị quẳng xuống dòng nước để tù trưởng tạ tội với bách thần. Chàng chết rồi, người vợ còn trẻ ngày ngày leo lên cầu than khóc mong được chết theo chồng cho trọn lòng chung thủy. Rồi ngày qua tháng lại, nàng hóa thành đá. Ngày nay ở thác Trị An có hòn đá giống hình một người thiếu phụ ngồi nhìn xuống sông. Dân chúng gọi đó là “Hòn vọng phu”.

Chỗ sông lấp được người sau gọi là Thạch Thất Thanh. Đời chúa Hiền dân vào khai khẩn vùng đất ven sông này. Ông Sâm là người đầu tiên tới lập nghiệp ở đây, nên Hàn Bảy Đá cũng có tên là Hàn Ông Sâm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 10:43:28 am »

SỰ TÍCH NÚI BÀ ĐEN

Ngày xưa, ở vùng núi Tây Ninh có một viên quan trấn địa phương người Khmer sinh được hai người con: một trai tuấn tú, một giá hiền thục gọi là ”Nàng Đênh”.

Lúc nàng Đênh độ mười ba tuổi, có một nhà sư từ Bến Cát (Sông Bé ngày nay) đến núi Tây Ninh tìm nơi lập chùa.

Khi đến công đường của quan trấn, nhà sư thăm hỏi về việc truyền bá đạo Phật trong vùng và cho quan trấn rõ ý định của mình. Quan trấn mời nhà sư tạm ở nhà mình để ông thừa dịp học đạo. Nhà sư vui vẻ nhận lời, và bắt đầu truyền bá đạo lý trong gia đình quan trân và trong cơ vệ đội.

Tuy trẻ tuổi nhưng sớm có căn tu, nàng Đênh miệt mài nghe nhà sư giảng đạo. Quan trấn là người mộ đạo, nên lập cho nhà sư một cảnh chùa nằm ở phía đông chân núi.

Thời gian qua mau, nghĩ lại đã mấy năm xa cách thiện nam tín nữ Bến Cát, nên nhà sư tạm biệt quan trấn về thăm nhà. Dù không có nhà sư, nàng Đênh vẫn một lòng sùng kính dạo Phật, luôn luôn lo việc công quả cho chùa.

Vốn con nhà giàu có, đang độ tuổi dậy thì, nhan sắc nàng Đênh rất xinh đẹp, tiếng đồn gần xa. Quan trấn địa phương Trảng Bàng mới cậy người hỏi nàng về làm vợ cho con trai. Song thân nàng Đênh chấp thuận, chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt là nhà trai đưa sính lễ sang.

Khi nàng Đênh biết được lời hứa của cha mẹ mình với quan trấn Trảng Bàng, chưa biết xử trí cách nào, vì nàng rất sùng đạo, chưa nghĩ đến chuyện chồng con, nên nàng xin thêm thời gian để suy nghĩ.

Qua nhiều đêm suy tính, nàng quyết định xuất gia cầu đạo, không thuận lập gia đình sợ gây mất kiếp luân hồi khổ ải. Một đêm, khi cha mẹ ngủ yên, nàng lẻn đi tầm đạo. Rồi biệt tích luôn.

Thời gian trôi qua, nàng hiển thánh, trút bỏ xác phàm đắc thành chánh quả, vâng ơn trên trời xuống cứu độ chúng sanh. Nhân dân sùng kính bà từ đây, truyền nhau sự tích của bà, đúc tượng bà bằng đồng đen thờ trong động trên núi, nên núi Tây Ninh được gọi là núi Bà Đênh rồi đọc trại thành Bà Đen.

KHẢO DỊ 1

Ngày xưa núi Bà Đen gọi là núi Một (vì đứng trơ trọi một mình). Trên núi có một tượng Phật bằng đá rất linh tiêng, tin đồn khắp xa gần.

Nhưng lúc bấy giờ, đường sá còn rất ít, rừng rậm bao quanh, thú dữ rất nhiều, đường lên núi phải hợp thành đoàn để tránh thú dữ.

Tại Trảng Bàng có cô con gái tê Lý Thị Thiến Hương thông thạo văn chương, lại biết ít nhiều võ nghệ, mỗi ngày rằm hay lên núi lễ Phật. Tuy diện mạo cô đen đúa, nhưng duyên dáng và có tài năng khiến được nhiều người cảm mến. Có chàng trai trong làng là Lê Sĩ Triệt đem lòng thầm yêu trộm nhớ nàng. Cũng như Lý Thị Thiên Hương, chàng Lê Sĩ Triệt văn hay võ giỏi có tiếng trong vùng.

Trong khi đó, ai ngờ đâu có một người con trai của viên quan địa phương để ý đến Lý Thị Thiên Hương, quyết cưới được cô về làm thiếp. Đem tiền vàng, quyền lực cám dỗ không xong, hắn sai một tên thuộc hạ dùng võ lực bắt nàng. May sao, lúc đó chàng Triệt xông vào giải cứu, đánh đuổi tên côn đồ.

Nàng cảm động tạ ơn chàng, rồi thuật lại chuyện cho ba mẹ rõ. Để trả ơn chàng, cha mẹ nàng hứa gả nàng cho cho Triệt.

Nhưng lúc bấy giờ đất nước đang gặp cảnh binh đao khói lửa, chàng Triệt phải xếp tình riêng lên đường làm phận sự người trai đối với đất nước.

Nàng ở lại thủ thiết đợi chàng, trông ngày đoàn tụ. Một hôm nàng lên núi cầu nguyện, lúc trở về, thình lịnh bị bọn gia nô của con viên quan trấn vây bắt. nàng chống cự quyết liệt rồi nhà xuống hố tự tử.

Từ đó, nàng biến thành rất thiêng liêng, và được đắc phong là “Linh sơn thánh mẫu”, dân gian gọi là Bà Đen, và núi Một cũng được gọi là núi Bà Đen từ đó.

(Theo Huỳnh Minh: Tây Ninh xưa và nay)

KHẢO DỊ 2

Thuở nọ, hai bên nam nử cứ tranh chấp nhau mãi, không bên nào chịu đứng ra để cưới bên nào.

Một hôm, nàng Rê Đeng rủ một chàng trai được gọi là mạnh nhất trong vùng để thi đắp núi với mình. Họ thỏa thuận mỗi người đắp một quả núi trong một đêm, ai đắp xong được thì đốt một ngọn đèn trên đỉnh để làm hiệu và ai thua cuộc thì giới mình đứng ra cưới giới của người thắng cuộc.

Chàng trai nọ ỷ mình khỏe mạnh, mãi vui ca hát, ăn uống. Trong khi đó Rê Đeng đã bắt tay làm việc ngay từ khi sao hôm mọc. Đên dửa đêm, nàng đã đắp xong và thắp ngọn đèn trên đỉnh núi. Núi đó là núi Bà Đen ngày nay (do tên Rê Đeng nói trại ra). Thấy đèn báo hiệu, chàng trai biết mình thua cuộc. Chàng liền sai voi trắng của mình xông đến phá núi, nhưng voi chưa kịp phá núi thì đã bị nàng Rê Đeng làm phép biến voi thành đá. Chàng trai nọ liền cho bầy heo rừng của mình đến ủi núi, nhưng cũng đành chịu chung số phận như voi trắng. Giận dữ, chàng trai liền sai bầy gà trống đến bới núi, nhưng tất cả đều bị hóa đá. Voi, heo rừng, gà trống đều hóa đá mà ngày nay là núi Tượng, núi heo, núi Gà.

Cuối cùng chàng trai tự mình đến phá núi. Chàng hốt đất vãi tứ tung ra thành đồng phía tây núi Bà Đen. Những nắm đấy ấy thành những đội đất mà ngày nay vẫn còn bên chân núi Bà Đen.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, truyện cổ Khmer Nam Bộ,
NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1983)

KHẢO DỊ 3

Bà Nữ Oa là một thần nữ khổng lồ, có mặt từ thuở khai thiên lập địa. Ngời ta cho rằng bà là vị nữ thần đã xây nên núi cao, rừng rậm trong buổi trời đất mới sơ khai. Vốn có sức mạnh phi thường nên việc xây núi mà trời giao cho bà chỉ làm trong một thời gian ngắn. Hồi bấy giờ có nam thần là Tứ Tượng, cũng là một thần khổng lồ cảm mến và muốn cầu thân với bà. Nhưng Nữ Oa vì có phần xem thường tài năng Tứ Tượng, nên ra một điều kiện là phải thi tài với mình. Nếu Tứ Tượng thắng thì hai người mới nên vợ chồng. Đó là trong vòng ba ngày mỗi người phải xây xong một hòn núi đá thật cao, đứng trên đỉnh nũi có nhìn thấy được khắp mặt đất, mặt biển.

Tin ở tài mình Tứ Tượng đắc ý nhận lời. Hai thần xây núi ở hai bên riêng biết: ông xây núi ở phía bắc, bà xây núi ở phía nam. Họ đua nhau làm việc ráo riết, khẩn trương. Tứ Tượng lại có phần miệt mài hơn, ông làm việc xuốt ngày đêm không nghỉ. Tứ Tượng có một đôi thúng vĩ đại, có thể chứa được hàng đồi đất. Một chuyến đang gánh, thúng đứt làm đổ đất xuống, thành chín cái đồi lớn.

Sau ba ngày xây xong, hai thần trèo lên núi của nhau để xem núi nào cao hơn. Đứng trên núi của Tứ Tượng nhìn được thấy biển Đông, thấy các nước lân cận. Còn đứng trên núi của Nữ Oa thì thấy rõ bốn chân trời. Thế là Tứ Tượng thua cuộc. Nữ Oa bèn đạp đổ núi của Tứ Tượng và bảo phải làm lại núi khác. Nhưng đất đá ở núi của thần Nam bắn vung vãi về phía bắc nước ta, nên bây giờ đất đai ở phía bắc cao hơn phía nam. Thần Tứ Tượng vẫn không nản lòng, lại ra công đắp nhiều núi khác rải rác từ bắc chí nam. Ngày nay, người ta cho rừng những dấu chân to lớn còn lưu lại trên đá ở Bắc Bộ và Trung Bộ là dấu chân của Tứ Tượng. Còn núi của Nữ Oa thì ngày nay vẫn đứng sừng sững ở Nam Bộ. Đó là núi Bà Đen, ngọn núi cao duy nhất ở vùng này.

Trước sự theo đuổi chí tình của Tứ Tượng, rút cuộc Nữ Oa cũng vui lòng kết hôn.

Nói về hai thầm nam, nữ trong dân gian có câu vè:

… Bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng,
và… Ông Tứ Tượng mười bốn câu sào
Để chỉ cơ thể vĩ đại của hai thần.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 04:35:46 pm »

LAI LỊCH ĐỊA DANH THÁP MƯỜI

Tương truyền trước khi mang tên là Đồng Tháp Mười vùng này có tên là chàm Mãng Trạch, một trũng rộng lớn hoang vắng.

Đồng Tháp Mười là một trong những căn cứ kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân Nam Bộ; đối với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai của chúng Đồng Tháp Mười là cả sự khiếp đảm kinh hồn:

“Tây vô Đồng Tháp Mười làm ma không đầu”

Nói đến Đồng Tháp Mười, người ta thường nghĩ tới đỉa, muỗi, nước phèn:

Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội lềnh như bánh canh


Danh xưng Đồng Tháp Mười có từ lúc nào? Ít ai nói đến. Còn tại sao lại gọi là Tháp Mười thì có nhiều giả thiết:

- Có người nói rằng: Ngày xưa, cánh đồng này là một vương quốc thịnh vượng giàu có, nưhng về sau bị một nạn hồng thủy dâng lên rồi cuốn đi hết cả nhà cửa, con người… Trong xứ này trước sau có tất cả 10 vương quốc trị vì, mỗi ông đều xây một ngôi tháp làm nơi an nghỉ cuối cùng. Khi chôn cất nhà vua, người ta chôn theo cung phi và vàng bạc. có lẽ, cũng do từ thuyết này nên người ta tin rằng ở Gò Tháp có vàng.

- Cũng có ngời cho rằng: Đây là cái chùa Tháp thứ 10 của người Khmer tính từ đất Chân Lạp xuống. Những tháp này được nối liền với nhau bằng một con đường lót đá.

- Lại có thuyết khác cho rằng: Đây là cái tháp thứ 10 do nghĩa quân Thiên Hộ Dương xây cất trên cánh đồng lầy này, bắt đầu từ vàm Ba Sao đến Gò Tháp, nên gọi là Tháp Mười. Những tháp này là những tháp canh phòng tàu giặc rồi dùng mật hiệu thông tin cho nhau biết. Còn vàng thì người ta cho là của nghĩa quân không kịp mang theo khi rút lui khỏi đồn vào năm 1886, phải chôn vội vã xuống sình, rồi sau trở lại tìm không được.

Gần đây, có sách viết rằng đó là do cái tháp mười tầng cao 42 thước. Gải thuyết này không đúng. Vì thực tế có cái tháp do ngụy quyền Ngô Đình Diệm xây lại trên nền tháp cũ gồm 10 tầng cao 42 mét theo kiểu tháp của chùa Thiên Mụ (Huế), một loại hình kiến trúc Trung Quốc, vào năm 1958, và đã bị du kích ta đánh sập năm 1959, vì ngụy quyền Ngô Đình Diệm dùng tháp này nằm mục đích quân sự: theo dõi, khống chế hoạt động của lực lượng cách mạng ở địa phương. Đến năm 1975, tháp này còn lại tầng dưới cùng.

- Người pháp trước đây thường gọi Đồng Tháp Mười là đồng cỏ lác: “Plaine des Joncs”

Cũng có người viết rằng: Tháp Mười là một trong những ngôi tháp bằng đá do vua Jayavarman VII xây cất trên khắp lãnh thổ để thờ vị thần Bà La Môn Lckecvera là vị thần chuyên trị bệnh của nhân loại. Bên cạnh tháp có những ncăn nhà gỗ lợp bằng ngói hay bằng lá thốt nốt, để cho người bệnh nằm dưỡng có nhân viên y tế hoàng triều coi sóc. Những ngôi tháp được xây dọc theo các con đường lớn và ngôi tháp nằm trong Đồng Tháp Mười đứng vào hàng thứ mười, tính từ địa điểm xuất phát.

Thời gian đã tàn páh các công tình kiến trúc của cổ nhân, dãy nhà gỗ tiêu tan, chỉ còn lại một tượng sư tử và một linh phù (linga) bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Phạn ghi tên tháp thứ mười.

Năm 1932, nhà khảo cổ học người Pháp Parmentier đã đi vào Đồng Tháp bằng ghe xuồng để đọc những chữ khắc vào đã và đã phát hiện ra ngôi tháp. (Lê Hương trong bài Địa danh, di tích, thắng cảnh trong vùng người Việt gốc Miên, tập san Sử Địa, số 14-15 năm 1969).

Trong quyển Lịch sử thế giới trung đại của Lương Ninh và Đặng Đức An có ghi:… “Nhà vua còn cho lập 102 bệnh viên, phân bố trong toàn vương quốc và “người đau đớn cho bệnh tật của thần dân còn hơn của mình”; cả 4 đẳng cấp đều có thể được săn sóc ở đây. Người ta đã tìm thấy cả dấu vết của trên 30 bệnh viện, trong đó có 15 nơi còn tìm thấy cả bia đá với những với nội dung giống nhau, nói về ý định việc cung ứng, tổ chức và chữa bệnh”.

Và trong quyển Lịch sử Campuchia của Phạm Trung Việt, Nguyễn Xuân Kỳ và Đỗ Văn Nhung cũng có ghi: “Lòng từ bi của ông thể hiện trước kết quả những hoạt động từ thiện mà những tài liệu văn bia có ghi chép một cách khá rõ ràng. Đó là hệ thống bệnh viện - ước chừng 102 bệnh viện mà ông đã xây dựng khắp nơi trong nước. Mỗi bệnh viện đều có một bản nội quy mà nội dung được khắc chữ trên tấm bia đá dựng trong một ngôi chùa nhỏ xây cạnh mỗi bệnh viện”.

Như vậy phải chăng Tháp Mười là bệnh viện thứ 10 trong 102 bệnh viện được xây dựng dưới thời Jayavarman VII? Hẳn còn phải chờ đợi kết quả cuộc khai quật ở Gò Tháp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 04:37:05 pm »

GỐC TÍCH ĐỊA DANH CAO LÃNH

Tương truyền địa danh Cao Lãnh do đồng bào địa phương dạt ra va được vua quan triều Nguyễn công nhận.

Nguyên vào năm Đinh Sửu triều Gia Long (1817), hai vợ chồng ông Đỗ Công Cường tự là Lãnh từ miền Trung vào Nam lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà (huyện Kiến Phong). Vốn giòng nho nhã, thông thuốc kinh sách cổ kim, tính tình cương trực, ông được các chức sắc địa phương cử làm Câu đương phụ trách việc xử kiện, dàn xếp những vụ xích mích trong làng. Nhân dân tỏ ý tôn kính ông, tránh tên húy, chỉ gọi là ông Câu Lãnh.

Ông bà có lập một vườn quít, nhiều người đến mua, được ông bà tiếp đãi niềm nở, nên lần lần nơi đây thành cái chợ nhỏ. Tên ông bà được mọi người thường nhắc, riết rồi quen miệng thành một địa danh.

Vào năm Canh Thân (1820) tại thôn Mỹ Trà, dân chúng bị bệnh dịch tả chết nhiều. Ngày nào cũng có 5-7 người chết. Tiếng kêu khóc vang kăp, cảnh chôn xác một cách hối hả diễn ra suốt ngày, ban đêm tiếng mõ hồi một cầu cứu nổi lên từng chặp. Thời ấy, người ta còn tin tưởng ở ma quỉ, thần linh nên cho rằng bệnh thời khí là do Diêm vương bắt lính, người nào tới số thì bó tay, không phương cứu chữa. Vả lại, thuốc men thiếu thốn, không đủ sức trị chứng bệnh giết người quá mau nên nạn nhâu chỉ còn cầu mong thần quyền cứu vớt mà thôi.

Không thể ngồi yên nhìn cảnh đau thương đó. Ông bà Câu Lãnh ăn chay ba ngày mùng sáu, mùng bảy, mùng tám tháng sáu, nằm đất, tắm gội sạch sẽ, đặt bàn thờ giữa trời nguyện xin ơn trên cho ông bà chết thay cho đồng bào. Đúng mười giờ đêm mùng chín, bà thọ mệnh và chết. Đang lo tẩm liệm cho bà thì vào hai giờ đêm mùng mười, ông cũng quy tiên. Nhân dân mai táng ông bà xong, thì bệnh dữ cũng hết hoành hành, mọi người thoát chết được nanh vuốt của tử thần.

Ơn đức của ông bà được mọi người truyền tụng, nhân dân cùng nhau lập một ngôi miếu thờ và đặt tên chợ là chợ Câu Lãnh. Dần dần tiếng Câu nói trại ra tiếng Cao và địa danh Cao Lãnh xuất hiện từ đó. Do báo cáo của quan lại sở tại, ông bà được triều đình sắc phong: Dực bảo trung hưng thành hoàng chi thầy.

Lăng Ba Phan Văn Bộ có bài thơ vịnh ông bà Câu Lãnh như sau:

Muôn miệng như nhau đã nói ràng,
Câu đương là chức, lãnh là danh.
Lập làng khó nhọc, công vừa dứt,
Cái chợ trông nom, việc mới thành.
Dân đụng giặc trời cam thọ tử,
Cụ đền nợ nước quyết hy sinh.
Thoát nàn, bá tánh lo thờ phụng,
Miếu đó ngàn thu rạng tiết lành.


KHẢO DỊ:

Cao Lãnh tên gọi là một huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp. Thời triều Nugyễn, Cao Lãnh thuộc phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường, gồm hai huyện Kiến Hưng và Kiến Phong. Lúc bấy giờ có một chợ khá lớn. Chợ ấy là chợ Cao Lãnh.

Tại sao chợ ấy có tên là Cao Lãnh?

Cao Lãnh có nghĩa là ngọn núi cao. Điều đó hẳn không phù hợp với địa hình của vùng này: không một ngọn đồi, ngọn núi nào cả. Do vậy địa danh Cao Lãnh hẳn phải có nguồn gốc khác.

Người dân ở chợ Cao Lãnh kể rằng: khoảng đầu thế kỷ 19, có vợ chồng ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, từ miền Trung đến đây lập nghiệp. Sau mấy năm, chí thú làm ăn gia đình ông Lãnh tuy không sung túc nhưng cũng đủ sống. Tánh tình ông Lãnh chánh trực ngay thẳng nên được dân làng cử làm chức Câu đương để phân xử những vụ tố tụng trong làng.

Ông bà có trồng một vườn quít. Hãn xóm thường đến đây tụ tập để đổi chác, lâu ngày chỗ ấy thành chợ. Đó là chợ Cao Lãnh ngày nay.

Đến năm Canh Thìn (1820), nạn dịch tả hoành hành rất dữ. Dân chúng trong làng bị bệnh chết rất nhiều. Xóm làng, chợ búa trở nên vắng vẻ. Thuở ấy chưa có thuốc men như bây giờ. Người ta cho rằng dịch tả là do trời đất, thần thánh quở phạt. Ông Lãnh cũng không suy tư gì hơn quan niệm đương thời, nên ông lập bàn thờ giữa sân chợ, khấn vái xin trời đất, thần thánh giúp dân thoát khỏi tình cảnh chết chóc bệnh hoạn. Điều đáng nói là hai ông bà nguyện thế mạng để cầu cho dân chúng thoát cảnh đau thương. Cúng xong ông bà ăn chay ba bữa từ mùng sáu đến mùng tám tháng sáu. Đến sáng mùng chín thì bà Lãnh mắc bệnh đến tối thì qua đời. Đương lo việc an táng cho bà, thì ông Lãnh lại phát bệnh và đến hai giờ khuya đêm mùng mười rạng ngày mười một thì ông qua đời. Nhân dân trong làng lo việc chôn cất ông bà xong thì bệnh thời khí cũng dứt luôn. Dân chúng trở lại cuộc sống an lành như cũ. Do vậy, dân chúng cho rằng nhờ vợ chồng ông Lãnh thế mạng nên cứu được chúng dân. Sau đó, dân làng lại lập miếu ngay trên ngôi mộ của hai ông bà tại làng Mỹ Trà, bên bờ mé kinh Thầy Khám để thờ phụng, gọi là miếu ông Chủ Chợ.

Chợ vườn quít từ ấy đợc gọi theo tên ông. Vì tên tục của ông là Lãnh, lại làm chức câu đương, nên dân chúng thường gọi ông la Câu Lãnh, và được gọi là chợ Câu Lãnh.

Chợ Câu Lãnh ngày càng thịnh. Người đến mua bán lại dọc trại câu Lãnh là Cao Lãnh. Và tên Cao Lãnh được dùng từ đó đến nay.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 04:38:22 pm »

LAI LỊCH ĐỊA DANH THỦ THỪA

Vào thế kỷ thứ 17, vùng đất Thủ Thừa ngày nay được gọi là Thủ Đoàn, thuộc tổng Thuận An, một trong bốn tổng của huyện Tân Bình, phủ Gia Định, năm 1809, tổng Thuận An được đổi thành huyện Cửu An. Tên Cửu An tồn tại mãi cho đến lúc đỏi thành huyện Thủ Thừa.

Địa danh Thủ Thừa xuất hiện cách đây không quá một trăn năm., nay Thủ Thừa là một huyện của tỉnh Long An.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Lê Văn Duyệt huy động gần hai vạn dân của hai trấn Phiên An và Định Tường đào một con kinh từ vàm Thủ Đoàn đến Gò Liễu thuộc thôn Bình Ảnh dài 1.220 trượng, rộng 9 trượng, sâu một trượng. Xong, đặt tên là Lợi Tế nhưng thường dân gian vẫn gọi là kinh Thủ Đoàn hay kinh Tà Cú (Trà cú) sau hết gọi là kinh Thủ Thừa.

Kinh này là một thủy lộ quan trọng nối liền vùng Gia Định và miệt Lục tỉnh.

Đầu thế kỷ 19, vùng Thủ Thừa cũng như các nơi lân cận hãy còn hoang hóa, nhiều gò nổng, dân cư thưa thớt. Ông Mai Tự Thừa, người miền ngoài đến lập nghiệp. Nhờ cần cù lao động, siêng năng phá rừng làm ruộng, chẳng bao lâu trở nên khá giả. Nhiều người khác theo gương ông, thấy đây là chỗ giáp nước - giống như Ba Cụm trên sông chợ Đệm - dễ làm ăn mua bán, đến tụ họp ngày một đông đúc. Ông bỏ tiền ra lập một ngôi chợ - nay là chợ Thủ Thừa.

Thấy ông là người có uy tín trong vùng nên trong thời Lê Văn Duyệt còn là tổng trấn Gia Định thành, ông được cử giữ chức thủ ngự - trông coi việc Thủ Thừa thuế - do vậy, dân chúng gọi ông là Thủ Thừa.

Tục truyền, lúc Lê Văn Khổi nổi dậy chiếm thành Phên An (Gia Định) có giấy triệu các hào phú khắp nơi về giúp sức chống lại Minh Mạng, trong đó có thủ ngự Mai Tự Thừa. Thế là ông từ giã vợ con làng xóm lên đường đến thành Phiên An giúp Lê Văn Khôi.

Sau khi Minh Mạng diệt được Lê Văn Khôi, chiếm lại thành Phiên An, không thấy thủ ngự Mai Tự Thừa trở về quê quán. Mọi người cho rằng ông đã hy sinh trong thành hoặc đã bị giết và chém chung ở “mả ngụy”, nên lấy ngày ông ra đi làm ngày giỗ.

Chính quyền địa phương mới do Minh Mạng thành lập lấy cớ Thủ Thừa đã theo Lê Văn Khôi, nên tịch biên toàn bộ tài sản và đem ngôi chợ ra bán đấu giá.

Để ghi nhớ công lao của ông, dân chúng gọi chợ này là chợ Thủ Thủ Thừa - địa danh Thủ Thừa có từ đó 0 và bài vị đem vào thờ ở đình làng Vĩnh Phong (Bình Phong Thạnh) đến ngày nay.

(Theo tài liệu còn giữ tại đình Vĩnh Phong
(Bình Phong Thanh, chợ Thủ Thừa) và lời kể của thầy
Tấm Trấn ngụ tại chợ Thủ Thừa, 1970)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 04:40:12 pm »

SỰ TÍCH HÒN CAU VÀ HÒN TRẦU

Ngày xưa ở làng Cổ Ong (Con Đảo) có đôi vợ chồng sanh sống bằng nghề chài lưới và làm vườn. Ông chồng giữ chức vụ hương câu trong làng, bà vợ dân làng quen gọi là bà Tranh. Hai ông bà chỉ có một đứa con trai là Trúc Văn Cau, nổi tiếng hay thơ phú.

Lúc bấy giờ trong làng có cô gái Mai Thị Trầu con gái duy nhất của ông Đinh và bà Bèo. Cô Trầu là một thiếu nữ mặn mà duyên dáng, cũng theo đòi nghiên bút, nghiệp thơ văn chẳng kém gì chàng Cau.

Một hôm Cau đi thăm bẫy gà rừng trên núi, tình cờ gặp cô Trầu đang mang giỏ bẻ măng. Chỉ có hai người nên vắng vẻ, cô bèn mượn một câu dao dao thời cổ cất tiếng hát để ướm thử lòng chàng Cau:

Đêm khuya thiếp mởi hỏi chàng,
Cau tươi ăn với trầu vàng xứng không?

Thấy người đẹp khéo lựa một câu ca dao có tên nàng và tên mình, chàng không khỏi bùi nghì xúc động. Và là người hay chữ chẳng lẽ nào chịu kém. Chàng lựa một câu ca dao có hai họ Mai Trúc rất tình tứ để đáp lại:

Mai vàng chen với trúc xanh
Duyên em sánh với tình anh đẹp vời.

Rồi thì mặt nhìn mặt cạn trời non nước, tay nắm tay kết chặt giâỉ đồng. Lửa gần rơm ắt là phải bén, nàng đã trao duyên gởi phận cho chàng.

Nhưng đây chỉ là mối tình thầm lặng giữa đôi trai gái, cha mẹ hai bên chưa hay biết.

Một hôm, chàng Cau ngỏ ý xin cưới nàng Trầu làm v1ợ. Thoạt nghe ông Câu biến sắc, sau một hồi lâu nghĩ ngợi băn khoăn, ông Câu bènh ghé vào tai con trai nói nhỏ:

- Không thể được đâu con ạ! Việc này đáng lý ra cha phải giữ kín nhưng hôm nay, nếu cha không nói thiệt thì hai con sẽ lầm lạc mất. Con ơi! Con có biết không? Con Trầu tuy nó tiếng là con của ông Đinh, nhưng thật ra nó là máu huyết của cha. Vì ngày trước, khi bà Bèo về ăn ở với ông Đinh thì bà đã mang thai với cha trong những ngày đi ái ân vùng trộm… trước rồi.

Vừa nghe qua mấy lời cha bảo, khác nào sét đánh ngang tai. Chàng Cau hết sức khổ tâm, thì ra con người mà chàng yêu thương gắn bó bấy lâu, chẳng phải ai xa lạ, mà lại chính là cô em cùng cha khác mẹ!

Chàng âm thâm bỏ xứ ra đi, thả bè trôi ra một hòn đảo xa xôi, cách Côn Đảo khoảng hai mươi cây số mà ngày nay gọi là Hòn Cau.

Để quên lãng mối tình éo le, sau khi qua đó ít lâu, chàng kết duyên với một nàng sơn nữ áo nâu và suốt đời ở luôn bến ấy.

Thương thay cho nàng Trầu, phải mang thai đến ngày sanh nở. Rồi thì ngày tựa cửa, đêm đêm nhìn mãi con thơ mà chẳng thấy bóng dáng chồng. Cuối cùng tuyệt vọng nàng tự tử tại một cái đầm bên cạnh miếu Cậu. Tuy ngày nay bị cát lấp dần, nhưng cái tên đầm Trầu vẫn còn nhắc nhở cùng với mối tình ngang trái ấy.

Còn ông Hương Câu, sau khi câu chuyện tình giữa ông và bà Bèo bị vỡ lợ, bỉ ông Đinh coi là tình địch, ông cũng bỏ nhà sang tận bên kia triền núi Chúa sống cuộc đời ẩn dật.

Bà Bèo xấu hổ cũng bỏ nhà vào tu ở một hóc núi trên đưởnga bãi Ông Cường. Duy có bà Tranh, tuy thương chồng, nhớ con, vẫn sống yên phận thủ thường tại ngôi nhà cũ.

Từ câu truyện này, ở Côn Đảo có thêm những địa danh như: Đầm Trầu, Hòn Cau, hóc Ông Đinh, bưng Bèo và bãi Ông Câu… Và mấy câu hát sau đây được hình thành để nhắc nhở câu chuyện tình bi thảm ấy:

Đi đâu mà chẳng thấy về,
Hay là quấn tía tựa màu áo nâu?
Ai về nhắc với ông Câu,
Hòn Cau cách bãi Đầm Trầu bao xa.

(Theo Sơn Vương, Phổ thông, số 126.1964)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 04:42:08 pm »

SỰ TÍCH HÒN TRÁC, HÒN TÀI

Vào khoảng năm Ất Dậu (1885) một biến cổ đã xảy ra ở kinh thành Huế: đó là giặc Pháp trà thù cuộc nổi dậy của vua Hàm Nghi và các quan chủ chiến ở triều đình Huế.

Suốt mấy ngày sau cuộc binh chiến, chúng thẳng tay cướp bóc, đốt phá… kinh thành Huế đang sống trong yên lành bỗng biến thành biển lửa ngập trời, khắp chốn đế đô nhuộm màu tang tóc.

Vua Hàm Nghi xuất bôn, truyền hịch Cần Vương. Ông Tôn Thất Thuyết cầm đầu đạo quân Cần Vương đánh nhau với Pháp nhiều trận quyết liệt và chiến cuộc kéo dài đến năm 1888. Vua Hàm Nghi bị tên Trương Quang Ngọc phản bội bắt nộp cho giặc. Ông Thuyết đành tuyệt vọng, từ đó phải sống cuộc đời lưu vong, rồi chết ở bên Tàu.

Tục truyền rằng: trong số quan quân theo vua Hàm Nghi trên đường xuất bôn có hai anh em nhà họ Đặng. Anh là Phong Tài, còn em là Trác Vân. Vốn là hai anh em sanh đôi, nên giống nhau như tạc. Người ngoài thường hay lầm lẫn người này với người kia.

Thuở hàn vi, gia đình họ Đặng có nuôi một trẻ mồ côi đó là Trương Quang Ngọc. Lúc ra phò vua giúp nước, ông Tài có đem Ngọc theo để hắn cùng hưởng lộc vua. Nhưng ít lâu sau, Ngọc sanh lòng phản trắc, có lẽ hắn nghĩ: Trung thành với một ông vua không ngài là một điều bất lợi, nên hắn toan tính đem vua nộp cho giặc để lấy tước hàm lãnh binh.

Ông Tài cũng bị bắt trong cuộc phản trắc đó, duy chỉ có người em là Trác Vân may mắn trốn thoát.

Phong Tài bị đày ra Côn Đảo vào cuối năm 1888. Hồi ấy, chế độ lao tù còn dễ dãi, nên Phong Tài lấy được vợ trong thời gian bị đày ở đây. Vợ chàng là người làng An Hải, tên là Đào Minh Nguyệt, tục danh là nàng tiên An Hội, vì nàng là thiếu phụ có một đời chồng nhưng sắc đẹp còn mê hồn. Cha nàng là vị hương cả trong làng cũng vốn là phạm nhân cựu trào, nhờ sự cần cù lao lực, nên tài sản cũng liệt vào hàng khá giả nhất nhì ở Côn Đảo, có chu cấp cho vợ chồng nàng một khu vườn rộng (tức sở An Hội ngày nay).

Một hôm, ông Tài có việc phải vắng nhà ba bôn hôm mới về. Theo thói quen của vợ chồng nàng, thấy mặt chồng đi xa mới về, nàng thường chạy tới bá cổ và trao cho chồng mấy cái hôn nồng thắm. Nhưng lần này, nàng hết sức ngạc nhiên, vì chưa kịp làm theo ý định đã bị đẩy ra và nói:

- Xin chị tha lỗi cho em, em là Trác Vân, em chồng của chị, em mới bị Tây đày ra đây, em được họ cho vào sở này để được cùng chung sống với anh chị.

Khi đó nàng Nguyệt mới ngẩn người ra, song cũng gắng gượng hàn huyên để gạn hỏi cớ sự làm sao. Thì ra từ ngày thoát nạn, Trác theo về với cụ Phan Đình Phùng để tiếp tục chiến đấu chống giặc, với ý định làm thế nào giết được Trương Quang Ngọc để trả thù cho vua Hàm Nghi. Nhưng khi ý nguyện đã đạt được thì lại bị bắt và bị đày ra Côn Đảo như anh của chàng.

Giữa lúc kể lể chuyện nước, chuyện nhà thì ông Tài về đến. Nhưng nỗi mừng mửng tủi tủi giữa hai anh em nhà họ Đặng gặp nhau trong cảnh tù đày thiệt là cảm động, không bút nào tả xiết.

Trong khi đó, nàng tiên An Hội chăm chú ngắm nhìn hai anh em, mà trong lòng nảy sinh bảo cảm giác lạ lùng, khó tả… Sự quá giống nhau giữa chồng và em chồng đã làm nàng thêm bối rối. Đối với Tài thì đó vẫn là đức ông chồng đáng kính, còn đối với chú Trác thì cũng là một con người nho nhã đáng yêu…!

Trước tình thế lưỡng long nhứt phụng, nàng thiệt khó phân giải tình cảm của mình. Rồi một hôm, nhân khi ông Tài đi đánh cá ngoài khơi, thì tấn tuồng nhìn lầm hôn lộn lại được diễn ra lần thứ hai. Nhưng Trác Vẫn vẫn một mực từ chối, khiến nàng tiên An Hội hết sức ngỡ ngàng, vì thực tâm của nàng cũng muốn đem tấm tình của mình để chia sẻ với Trác Vân nỗi cô đơn của chốn lao tù, cốt làm cho chú Trác cũng được chung hưởng hạnh phúc với người anh. Ngờ đâu, Trác lại vô tình khiến nàng không biết nói gì hơn là viện lẽ: chinh nhìn lầm xin chú tha lỗi….!

Tuy vậy, Trác Vân cũng đã thấy rõ mối ân tình của người chị dâu lãng mạn. Chàng những e ngại biết đâu chẳng có một ngày, chàng sa ngã rồi ra lỗi đạo luân thường. Chàng liền kết bè trẩy sang một hòn đảo phía trước Côn Sơn để tạm lánh. Ông Tài quá thương em nên phải sang theo. Nhưng khi đến nơi thì mới hay là Trác đã sang một hòn đả khác gần mũi đá trắng. Ông Tài không dám sang bên em nữa, vì sợ Trác sẽ đi xa hơn, nên cứ ở như vậy cho gần em. Họ sống như thế cho tới lúc chết. Vì vậy, người ta gọi là hai hòn đó là Hòn Tài và hòn Trác.

Thảm thương thay cho số phận nàng tiên An Hội. Giữa lúc tình duyên đang độ nồng thắm mà nàng phải sống cuộc đời cô đốc quạnh hiu. Khi nhớ thương chồng, lúc chạnh lòng yêu ai! Năm canh vò võ, xác ve ngày một héo tàn. Nên có thơ rằng:

Ai sang hòn Trác hòn Tài,
Cho tôi xin gửi một vài câu thơ.
Đêm sương gió lặng sao mờ,
Trăng khuya chích bóng vẫn chờ đợi mây
Chừng nào núi Chúa hết cây,
Côn Lôn hết đá, dạ này hết thương.

Đó là những câu hát “ru em” mà người đương thời đặt ra để diễn tả tình cảnh hết sức éo le của nàng tiên An Hội. Trong câu hát trên đều có tên những người trong cuộc: Gió (ông Tài tên là Đặng Phong Tài có chữ phong là gió); Mây (cậu Trác là Đặng Trác Vân, vân là mây); Trăng (nàng tiên An Hội có tên là Đòa Minh Nguyệt, nguyệt là trăng).

Người đời sau biết chuyện, rất thương cảm cho nàng tiên An Hội, có câu thơ:

Dẫu rằng cách mặt khuất lời,
Nàng tiên An Hội suốt đời vẫn yêu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM