Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 12:46:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Kỳ Cố Sự (Chuyện kể Nam Bộ)  (Đọc 82467 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 04:43:13 pm »

EO ÔNG TỪ

Ngày xưa Vũng Tàu là khu rừng rậm bao la, nhiêu thú dữ như cọp, heo rừng, rắn rít… Nhứt là từ vùng Núi Lớn (Thắng Nhì) tới đập Cây Đước, xuôi qua Đất Thổ, Bà Trì, láng Ông Đời, Bào Vú, Trùng Giăng, Động Bò, toàn vùng Tam Thắng là nơi voi tụ tập nhiều hơn hết.

Hàng năm vào đầu tháng 11 đến tháng chạp là mùa “chúa sơn lâm” tụ họp về đây. Những tháng này, trong rừng cọp ơi là cọp, cọp đi thành từng đoàn 7-8 con, xóm làng xa gần đều có cọp đến viếng, không sợ gì người. Chúng bắt heo, bò, chó… dấu chân cọp giẫm nát quanh xóm. Dân làng phải đánh mõ, đập thù đuổi cọp đi. Ban đêm không ai dám ra khỏi nhà và ít khi ngủ được trọn đêm, vì hễ nghe tiếng heo la, bò rống thì phải đập thùng, đánh mõ.

Cọp bắt heo, bò, nhưng ít khi bắt người ăn thịt.

Tại vùng Bào Vú, có ông Lê Văn Từ - một dân nghèo chuyên nghề đốn rừng, múc dầu rái độ nhựt, nhưng võ nghệ cao cường. Vợ chồng sinh sống ở đây đã lâu, không có con.

Từ ngày cọp vào làng, ông thường đón diệt nó ở các đường cạnh rừng, nơi cọp hay đi qua để giữ yên cho dân làng. Nhiều cọp bị ông đánh chết, cọp rắp tâm báo thù ông.

Một hôm, vào lúc gần sáng, như thường ngày, ông Từ lên đường đi múc dầu về. Thình lình, trong bụi rậm, một con cọp vàng to lớn nhảy ra vồ ông, vì bất ngờ, ông không kịp chống trả, chỉ la một tiếng là cọp đã móc họng ông rồi. Nghe tiếng la, dân chúng kẻ gậy người hèo xông ra tiếp cứu, nhưng cọp đã bỏ chạy ông Từ chỉ còn là cái xác thảm thương.

Vợ ông và dân làng đem xác ông về lo chôn cất. Nhưng dường như chưa thỏa lòng báo oán, tối hôm sau, cọp trở lại moi mộ ông lên, định lấy xác ông đi. Vợ ông nghe động, kêu la, dân làng lại một phen nữa vác gậy gộc, dao mác chạy đến tiếp ứng. Cọp đánh bỏ xác ông Từ lại.

Để thi hài ông không bị cọp tha đi, dân làng đắp mộ ông thật chắc, cắm cọc nhọn, tre gai nhiều vòng, chung quanh mộ ông còn đào hào sâu có đặt chông và bẫy.

Kể từ khi ông Từ bị cọp vồ chết, người ta gọi nơi ông bị cọp vồ là Eo Ông Từ để ghi nhớ ơn ông giết cọp giữ an cho dân trong vùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 04:44:31 pm »

SỰ TÍCH KINH CHẾT CHÉM

Vào một ngày nọ, có cặp vợ chồng trẻ bơi xuồng vô Đồng Tháp Mười, lên bờ kiếm đất cất chòi. Họ chưa có con, ít giao do với ai. Người vợ không có sắc mà có duyên, ngời chồng ít nói, lầm lì và rất siêng năng.

Vợ nuôi heo, chồng làm ruộng, thỉnh thoảng trong những đêm trăng, người ta nghe trong chòi cất lên tiếng hò, mỗi lần như vậy, ai nấy đề lắng nghe, người đương thiu thiu ngủ cũng phải tỉnh và tiếng ru con bặt hẳn, vì tiếng hò quá hay: giọng người vợ lanh lảnh, giọng người chồng thì trầm trầm, gợi lòng nhớ nhung tiếc từ những cõi xa xăm. Giọng hò chất phác như người dân Đồng Tháp Mười đã làm nhiều người thổn thức.

Điều đặc biệt là lâu lâu họ mới hò một lần mà chỉ hò trong những đem trăng và chưa ai thấy người vợ hoặc người chồng hò với người thứ ba bao giờ.

Họ sống với nhau như vậy hơn một năm. Một lần nọ, người chồng vào trong đồng xa phát cỏ luôn ba ngày. Khi chàng về vai vác phảng, lưng đeo nóp thì tời đã sầm tối. Mặt trăng vàng lửng lơ trên ngọn so đũa. Tới cách nhà độ hai trăm thước, chàng dừng lại, cau mày, lắng nghe có tiếng hai người hò mà y tiếng của vợ chàng. Phải, đúng rồi cái giọng lanh lảnh ấy. Anh ta cố gắng lắng nghe. Trong gió, anh nhận được vài tiếng của người kia: ngân nga mà réo rắt:

Anh ta tự nhủ:

- Miệt này, có ai mà hò hay nha vậy?

Anh lặng lẽ bước tới, vẫn lắng tai nghe.

Khi đến nơi thì thấy một đám đông: từ người trong xóm đến những người ở các xuồng ghe đậu dưới kinh đều tụ lại để nghe hò. Không ai để ý đến chàng. Chàng lựa một chỗ để nhìn rõ nét mặt hai người đương hò, đó là người đàn ông đẹp trai, trán cao, mắt sáng, miệng rất tươi; còn vợ chàng hôm nay bận cái quần hàng Tân Châu thường ngày cất trong giỏ?

Hai bên vẫn đối đáp nhau; giọng bên nam mỗi lúc một quyến rũ, giọng bên nữ dần dần có vẻ say sưa. Chàng đứng lại mơ màng: khi hai người mới ở chung nhau, nàng thường có giọng hò ấy đã ba năm rồi, giọng có phần kém, và tối nay…

Bên nam cất tiếng, lời có chút gay gắt, quyết liệt mà gắn bó:

Hò o o ớ ớ… Mù u bông trắng lắm thắm nhụy vàng, ơ ơ ơ… Anh đi khắp xứ, tới đây mới được gặp nàng, ơ ơ ơ… thật dễ thương ơ ơ…
Hò o o ơ ơ… Nghe giọng nàng, anh những vấn vương…
Sống cùng nhau chẳng được, cho anh phải mơ màng chiêm bao.


Chàng hồi hộp đợi vợ chàng đáp… Suy nghĩ một chút, bên nữ cũng cất tiếng:

Hò o o ớ ớ…
… Đứng giữa trời bay lượn con chim hồng,
Gặp nhau quá trễ cho tấm lòng này xót xa.
Đêm nằm em luống những thở ra,
Đôi ta chăng…


Tới tiếng “đôi ta” mắt nàng sáng lên, đắm đuổi trong ánh trăng và giọng nàng hơi lả lơi.

Đám đông bỗng vẹt ra, có cái gì loang loáng vút trong không khí, đầu thiếu phụ đã lăn trên mặt đất, một dòng máu đỏ vọt lên. Ai nấy chạy tán loạn.

Đêm ấy, cái chòi lá bốc cháy sáng rực trong sóm, mà không ai dám lại cứu. Sáng hôm sau, một ngôi mộ mới đắp hiện lên ngay chỗ người thiếu phụ chết. Còn người chồng từ đó đi biệt tích, không ai biết là đi đâu.

Cũng từ đó, con kinh ở cạnh nhà cặp vợ chồng này được gọi là kinh Chết Chém.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 04:45:41 pm »

SỰ TÍCH MIỄU TRỜI SANH

Miễu Trời Sanh ngày nay là chùa Hòa Long cạnh khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thuộc phường 4 (thị xã Cao Lãnh).

Thuở trước, khi vùng Cao Lãnh mới được khai phá, dân chúng chỉ tập trung ở ven sông. Phần đất còn lại là rừng hoang cây cối rậm rạp, đầy thú dữ. Ngay như khu đất của ông Lê Văn Bường, cách sông Cao Lãnh chưa đầy một cây số mà vẫn còn là một vùng rừng rậm hoang vắng không có đường qua lại. Nhứt là các lung sậy cây cối um tùm, dây leo chằng chịt với nhiều cây xày cao vút, to đến hai ba người ôm.

Bỗng một hôm, có người đi kiếm củi về báo lại với ông Bường là ở lung sậy của ông, giữa mấy cây xày xuất hiện một việc lạ là các loại cây leo như dây giác, tơ hồng, tóc tiên… cùng các loài cây nhỏ như chòi mòi, bông trang rừng, u mua… mọc thành lùm cây như hình thù một cái am hay cái miễu.

Ông cho người tới xem, quả đúng như vậy: một cái miễu tự nhiên bằng dây leo xuất hiện bên cạnh cây xày, có cái bọng to tướng, chiếc chiếu trải ra cũng chưa giáp. Chuyện lạ được đồn đại làm không ai dám bén mảng đến đây nữa.

Lúc bấy giờ ở Cái Dầu (xã Bình Thành) có một nông dân tên Để, gia đình vừa đủ ăn. Ông Để có mướn một đứa nhỏ hơn mười tuổi để chăn trâu.

Không hiểu sao một bữa nọ, đứa nhỏ bị trâu chém chết. Ông Để sợ quá, bèn lập bàn hương án khấn vái. Trời đất Phật hộ độ cho ông khỏi cảnh tù tội, ông nguyện sẽ xuất gia đầu Phật.

Sau đó, ông bị bắt giải về thành An Giang cùng với xác đứa nhỏ và cha mẹ nó. Trước cửa quan, ông Để thành thật khai báo và cha mẹ đứa nhỏ cũng bãi nại nên ông được tha.

Ý nguyện đã thành, trở về nhà, ông liền đến ngôi chùa gần đó để qui y. Nhưng sau đó ít lâu ông lại rời chùa này đi về miệt Cao Lãnh, rồi tình cờ tìm đến cái lung sậy của ông Bường. Ông Để thấy cảnh vật ở đây kỳ lạ, u tịch nên ở lại tu hành. Ông chặt bớt cây cỏ bên trong cái Miễu bằng dây leo, dọn dẹp cái bọng cây xày để làm nơi thờ Phật và tu hành.

Từ đó, nơi đây đêm đêm vang lên tiếng chuông mõ làm dân chúng trong vùng rất ngạc nhiên. Nhiều người bạo dạn lần mò đến gần xem, thấy có khói bốc lên, biết là có người ở, mới dám đến tận nơi. Mọi người được ông Để kể lại lai lịch vì sao ông đi tu, lưu lạc đến đây, họ thấy ông thờ Phật trong tình cảnh hết sức thiếu thốn, ngay như cái mõ cũng không có, ông phải dùng trái dừa khô bị chuột khoét để thay thế.

Mọi người góp tay nhau dựng lên một cái am bằng lá, giúp ông Để có nơi tu hành, cái am này được ông Để đạt tên là “Thiên Sanh Miễu” (tức là Miễu Trời Sanh), còn ông Để lấy pháp danh là Chơn Hóa, nhưng mọi người vẫn gọi ông là đạo Để.

Tên miễu Trời Sanh có từ đó.

Thiện nam tín nữ đến viếng chúa ngày một đông do đó cái am tre lá được thay thế bằng một ngôi chùa khang trang bằng gạch ngói. Cái miễu bằng cây xanh lần hồi bì phá để nới rộng sân chùa, và cái bọng cây xày ngày một nhỏ đi vì đất đắp sân chùa ngày một cao. Chùa mới được đặt tên là chùa Hòa Long, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là chùa Miễu Trời Sanh.

Sau đó, ông đạo Để được mời về trụ trì một chùa ở Tân Đức (Cù lao Giêng) rồi mất ở đây.

Sau này chùa Hòa Long còn là nơi gặp gỡ của nhiều nhà yêu nước và cách mạng chống Pháp. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong thời gian ở Cao Lãnh cũng thường xuyên tới lui chùa, và lúc mất cụ cũng được an táng trên phần đất của chùa.

KHẢO DỊ

Theo lời của các vị cao niên khác trong vùng Cao Lãnh thì: Trong một đêm khuya thanh vắng nọ, dân chúng trong vùng nghe có tiếng mõ, tiếng cầu kinh vẳng lên từ cái lung sậy của ông Bường. Sáng ra, vài người bạo dạn lần đến tận nơi xem thấy có một ông đạo đang ngồi tu trong bọng cây xày, trong bọng còn có một cái miễu nhỏ tự nhiên bằng gạch. Do đó mới có tên là Miễu Trời Sanh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:03:09 am »

SỰ TÍCH NÚI ÔNG TRỊNH, NÚI THỊ VẢI

Ngày xưa, có một phú ông rất giàu, vợ mất sớm, không có con trai nối dõi tông đường. Ông chỉ có một đứa con gái tên là Thị Vải.

Thị Vải tuy không đẹp, nhưng nhan sắc mặn mà mà dễ coi. Vì là con nhà giàu, hơn nữa nhà không có con trai, nên Thị Vải cũng theo học võ nghệ, cử chỉ đi đứng như con trai.

Khi phú ông về già, Thị Vải cũng đến tuổi lấy chồng. Phú ông đem việc chồng con, việc thừa tự nói với nàng.

Thị Vải trả lời:

- Nếu chàng trai nào đánh hạ được con thì con xin làm vợ người ấy.

Vì cưng con nên phú ông cũng chiều theo và cho lập võ đài để tỷ thí.

Thanh niên trai trẻ khắp vùng lân cận lăm le muốn làm chủ tư gia điền sản đồ sộ của phú ông, nên đã ráo riết luyện tập để so tài cùng Thị Vải. Nhưng suốt một tháng trời thi đấu, không có chàng trai nào võ nghệ hơn nàng.

Chờ mãi không thấy ai đến tranh tài nữa, võ đài cũng dẹp đi, việc chồng con của Thị Vải, phú ông cũng không nhắc nữa. Một thời gian sau, phú ông bị bịnh rồi mất.

Nàng phải đứng ra thay cha quản lý ruộng đất, coi sóc việc trong nhà. Trong số người ở có anh lực điền tên Trịnh, giỏi giang, siêng năng, rất được chủ tin dùng. Những công việc quan trọng trong nhà đều giao cho Trịnh.

Một hôm, nàng cùng Trịnh đi coi ruộng của tá điền để định lúa tô. Trên đường đi có một dòng suối nhỏ chắng ngang, bình thường đi qua lại không có gì khó khăn lắm, nhưng bữa nay, vì chiều hôm trước, mưa quá ton nên nước dâng tràn lên bờ, chảy rất xiết. Lội qua thì không được, đi vòng lên phía thượng nguồn thì mất thì giờ. Phân vân một lúc cả chủ và tớ cùng chưa biết tính sao.

Vì phải đi nhiều nơi, không thể chần chờ được nên Thị Vải bảo:

- Hay là anh cõng tôi rồi lội qua vậy.

Trịnh còn đang do dự, thì Thị Vải nói:

- Ngại là tôi đây, tôi còn không ngại mà anh lo cái nỗi gì, ta đi kẻo trưa rồi.

Thế là Trịnh phải kề vai cõng thị Vải lội qua suối. Không biết có phải vì nàng mất bình tĩnh hay vì nước sâu lại chảy xiết, nên chàng vấp phải đá dưới chân, ngã sấp dưới nước. Bị nước cuốn mạnh, Thị Vải sắp va đầu vào gộp đá gần đấy, hay tay quơ tìm chỗ để bám. Thấy chủ nguy ngập, Trịnh không còn đến dè gì nữa nhào phăn tới ôm lấy Thị Vải. Đang chới với được Trịnh tới cứu nên Thị Vải bám chặt lấy chàng. Cứ như thế Trịnh ôm Thị Vải sang bờ phía bên kai.

Đến bờ, Trịnh buông Thị Vải ra, hai người mặt đỏ bừng, không nói với nhau lời nào, rồi tiếp tục lên đường.

Ba ngày sau khi về nhà, không hiểu Trịnh suy nghĩ nhưng gì mà chàng bỏ nhà đi mất, Thị Vải cho người đi tìm cũng không thấy. Sau cùng đích thân nàng đi tìm, rồi cũng không thấy nàng trở về.

Sau đó ít lâu, người ta tìm thấy xác của Trịnh ở một đỉnh núi, còn xác Thị Vải ở một đỉnh núi khác. Có người biết chuyện cho rằng vì hai người có tình ý với nhau nhưng trong nghịch cảnh giàu nghèo không thể lấy nhau được, nên đành phải gặp nhau ở suối vàng. Và cũng từ đó, dân trong vùng gọi núi này là núi Ông Trịnh, núi kia là núi Thị Vải.

KHẢO DỊ

Trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có chép về “Núi Nữ Tăng” như sau:

Tục danh núi Bà Vải, ở địa phận huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai: Xưa có người con gái họ Lê, gia cư giàu có, nhưng bị lỡ thòi, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng. Nhưng không bao lâu, chồng lại chết, bà thề không tái giá.

Kẻ cường hào có thế lực cậy mai mối thường đến quấy nhiễu bà. Bà bèn cạo đầu, lập một cái am ở đỉnh núi tự làm thầy cả, cùng bọn đồng bộc giữ lòng tu trì, sau được thành chánh quả, nên người ta nhơn đó lấy tên bà đặt làm tên núi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:05:19 am »

SỰ TÍCH BÃI ÔNG ĐỤNG

Ngày xưa, tại Giồng Nâu (thuộc làng Hữu Nghị, Gò Công) có một ông thầy chuyên dạy nghề võ, gia đình có hai người con: cô con gái lớn tên Hương tục gọi là làng Nàng Hai, cậu con trai thứ tên là Ba Thọ.

Tuy là phận gái, song Nàng Hai có sức mạnh khác người. Phàm những cậu trai nào buông lời ong bướm để chòng ghẹo, cô sẽ dạy cho một bày học nhớ đời.

Vì thế những chàng trai cùng làng, không ai nghĩ tới việc cới cô làm vợ. Trong số đó, không biết cậu nào cắc cớ viết câu này dán vào gốc đa ở đầu làng:

Trong làng hó chị thằng Ba
Đụng đâu sầu đó ai mà dám thương

Thuở ấy, làng bên có ông bá hộ Sương, sanh được một trai tên là hai Đụng. Vốn ỷ cha mẹ có tiền dư của sẵn, nên cậu Hai Đụng tha hồ xài phí, mặc sức ăn chơi, chẳng hề biết tiếc đồng tiền.

Nhìn thấy đứa con hư, ông bà bá hộ lấy làm lo ngại cho sản nghiệp của mình nếu sau này cả hai vợ chồng xa lìa dương thế. Bởi cô ấy, nên ông bà đã để tâm tìm một nàng dâu thiệt cao tay ấn, mong kiềm chế bớt sự ăn chời phung phí vô độ của con tria mình.

Trong xóm ngoài làng chỉ có Nàng Hai là đầy đủ điều kiện mà gia đình này mong ước. Sau khi cưới Nàng Hai về ít lâu, ông bà bá hộ lần lượt rủ nhau qua đời.

Cậu Hai Đụng quen thói ăn chơi phung phí, đã từng được Nàng Hai dạy cho nhiều bài học đích đáng bằng võ lực, ngoài mặt cậu phải gương làm vui với cô để che mặt thiên hạ, chớ trong thâm tâm vẫn hằng toan tính phải làm sao trừ khử được nàng.

Thế rồi, một hôm cậu hái sẵn một trái dừa tươi về đem treo lên ngọn dừa bên bờ ao. Chờ đến khi Nàng Hia ra ngồi lặt rau làm, cậu Hai bèn giật dây cho trái dừa rới xuống ngay đỉnh đầu nàng. Vợ chàng ngã lăn ra chết không kịp trối.

Hàng xóm hay tin chạy tới, thấy Hai Đụng ngồi khóc thảm thiết bên xác vợ. Mọi người không ai nghĩ gì đều yên trí rằng Nàng Hai bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử.

Thế là Hai Đụng đã rảnh được mội nợ, từ đó mặc tình sống cuộc đời phóng đãng xa hoa.

Với lối sống ngồi không ăn chơi xài phí thì dầu có của núi cũng có ngày phải cạn. Bởi thế chẳng mấy chốc số tài sản lớn lao của ông bà bá hộ để lại lần lượt về tay người khác, bạn bè trước kia đều ngoảnh mặt xây lưng. Hai đụng trở thành kẻ trắng tay, rỗng túi không nơi nương nương tựa, ngày ngày phải đi xin ăn, đêm phải ngủ ở đầu đường xó chợ.

Hận vì nỗi thói đời đen bạc, thương cho thân phận đói rách cô đơn. Nhứt là vụ ám hại Nàng Hai, người vợ tuy nóng tánh, nhưng đáng thương cần có nàng để cáng đáng việc gia đình. Nếu nàng không bị giết hại thì cậu Hai làm gi đến nông nỗi này.

Lương tâm cắn rứt, giày vò Hai Đụng, cậu sống vất vưởng như kẻ mất trí. Sự hối hận thúc đẩy cậu phải đến nộp mình tại cửa quan để chịu tối đã ám hại vợ.

Mặc dù đã tự thú, song quan trên xét thấy đầy đủ chứng lý, nên Hai Đụng bị kết án mười năm về tội sát thê, và bị đày ra Côn Đảo.

Thuở ấy, tù nhân được quyền lập gia đình trong số phạm nhân với nhau. Nhưng Hai Đụng vì quá hối hận và luôn tưởng nhớ đến nàng Hai, nên thờ ở độc thân suốt đời, để chứng tỏ lòng chung thủy với người bạn vắn số.

Tại Côn Đảo, Hai Đụng cất nhà tại một bãi biển ở mặt sau quần đảo. Chiều chiều, nhìn mây trôi càng động mối thương tâm, nghe sóng vỗ như thầm khóc bạn… Không nhắc đến thì thôi, hễ nhắc đến thì lòng thêm buồn khổ. Thương cho ai và không khỏi trách cho ai, ngập lòng sầu khi tưởng nhớ Nàng Hai

Ăn năn thì sự đã rồi
Đổ đà hốt lại có đầy được đâu…


Vì sống mãi trong cảnh như vậy, nên chẳng bao lâu Hai Đụng qua đời tại bãi biển này. Và từ đó ở đây được đân đảo gọi là bãi Ông Đụng.

(Theo Sơn Vương, Phổ thông số 127, 1964)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:07:01 am »

LAI LỊCH ĐỊA DANH CÙ LAO TRÂU

Tương truyền, thuở trước Cù Lao Trâu không lớn như bây giừo. Một phía là sông Tiền, một phái khác là sông Cao Lãnh bao bọc. Sông Cao Lãnh hồi ấy rất rộng.

Hàng năm phù sa tiếp tục bồi đắp, nên các bãi “lang thang” hồi ngày càng lấn dần ra, làm bít một số cửa rạch, tạo thành những “khém” rạch “bít bùng” trên cù lao như khém Bà Minh, khém Cầu Sen.

Lúc bấy giờ, ở vùng Phong Mỹ xuất hiện một cặp trâu co (trâu trắng), chúng sanh sản rất mau, chẳng bao lâu đã thành một bầy. Nhưng có điều lạ: khi trâu mẹ sanh ra nghé đực tức thì trâu cha chém chết, nên cả bầy toàn là trâu cái, chỉ có một con trâu đức, đó là trâu cha.

Năm nọ, trâu mẹ lại mang thai, nhưng không biết sao nó lại bỏ bầy, lội qua sông Cao Lãnh đến cù lao, ở lại khém Cầu Sen. Nó thường tới lui ăn cỏ trên giồng Bà Minh. Vào cuối năm đó, nó sanh ra một con nghé đực. Nhờ nhiều cỏ, con nghé lớn mau được vài tuổi là nó lẻ mẹ đi kiếm ăn một mình.

Một hôm, vào mùa nước, nó kiếm ăn ven mé giồng Bà Minh, nó chồm ra ăn mấy đọt non bên giẻ rau muống đang trôi, bị sụp xuống nước và bị cuốn đi. Nó cố bươn vào giề rau muống, vô tình nó lội đến ngọn Cái Da mới lên bờ được. Giữa ngọn Cái Da và giồng Bà Minh, là một cái khém rộng và sâu, nên khi nước rút đi, con nghé không về với mẹ được.

Từ đó hai mẹ con trâu ở hai nơi, lúc nhớ chỉ hướng về nhau kêu “nghé ngọ” mà thôi. Gần một năm sau, trâu mẹ phần vì già yếu, phần vì nhớ con, bị bệnh và rũ tại giồng Bà Minh, lúc rũ hướng đầu về rạch Cái Da. Con nghé ngày một lớn, nhưng vì nhớ mẹ rồi cũng chết, lúc chết hướng đầu về giồng Bà Minh.

Sau đó ít lâu, có người đồn rằng: Có một con trâu đá nổ lên chỗ con trâu mẹ cũ, một dạo rồi biết mất.

Do câu chuyện trên, nên dân, nên dân chúng trên cù lao gọi đây là cù lao Trâu.

Theo lời kể của Bác Hai Kiên
ở rạch Bà Bướm, xã hòa An).

KHẢO DỊ

Ngày xưa, khi cù lao này mới được khai khẩn, dân chúng chỉ ở ven bờ sông. Vào sâu được cù lao, bên cạnh các khém, lung là các gò. Giồng nhiều cây cỏ um tùm. Vào mùa nước, dân chúng đem trâu “cắm” trên các giồng để khỏi giữ trâu mà vẫn đủ cỏ để chúng ăn. Chung quanh là nước, trên giồng toàn là trâu. Người đi ngang qua thấy vậy nên gọi là cù lao trâu.

Ngoài ra còn có người kể: Sở dĩ gọi là cù lao Trâu là vì cù lao này có hình dáng con trâu đứng quay đầu về hướng đông. Đầu trâu ở Doi Me, lưng trâu ở Tân Thuận và bụng trâu ở Hòa An (ven sông Cao Lãnh).

Cũng có người cho rằng gọi cù lao Trâu vì ngày xưa vào những ngày lành tháng tốt, thường có một bầy trâu trắng ở dưới nước lên ăn ở đầu cù lao, hễ thấy bóng người là sụt xuống nước mất dạng. Dân gian cho đó là trâu thần xuất hiện, có nghĩa là cù lao An Tịnh được thần phù hộ làm ăn thịnh vượng, dân cư an lành và sẽ tồn tại mãi mãi, nên đến ngày nay dân gian còn lưu truyền câu:

“Đau đau có mất, cù lao trâu vẫn còn!”…

Sự thiệt là đất Cù Lao Trâu rất phì nhiêu, cây cối xanh tươi, trái nặng trĩu cành, lang xóng đông vui… là nhờ hàng năm phù sa sông Tiền bồi đắp, tạo nên cảnh trí thanh tú độc đáo.

(Theo Nguyễn Hiến Lê)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:08:02 am »

SỰ TÍCH RẠCH TRÂU TRẮNG

Rạch Trâu Trắng đổ nước vào sông Tiền thuộc địa phận xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh.

Tương truyền, xưa kia có đôi vợ chồng nông dân, tên là Năm Hưng sống trong vùng, tính tình chất phác, gia cảnh nghòe khó, nhưng rất giàu lòng nhân từ bác ái, thường hay giúp người lỡ đường trái bước, kẻ tật nguyền. Lối xóm có ai tối lửa tắt đèn, bác hết lòng giúp đỡ. Với lòng nhân hậu và rộng rãi như vậy nên bác chiếm được cảm tình của hầu hết dân làng.

Một năm nọ, bác Năm Hưng cấy lúa ở phần đất ven sông Tiền, nhờ đất phù sa nên lúa tươi tốt, bác vui mừng, hỏi ợ:

- Năm nay, trời cho trúng mùa, chắc đủ ăn quanh năm nhà mình khỏi phải làm mướn khó nhọc.

Một buổi sáng, bác ra thăm đồng thấy lúa bị trâu ăn mất một vạt dọc theo bờ sông, lại còn bị giẫm nát. Nhìn đám lúa xơ xác, lúa ngã rạp, bác Năm ngậm ngùi ứa nước mắt. Nhưng vốn tính trầm tĩnh và lòng nhân từ, tuy tiếc của nhưng không hề chửi đổng hay xiên cỏ. Bác tin rằng không ai nỡ phá hoại đám lúa của bác mà chỉ vì rủi ro, chắc là trâu của ai bị đứt dây đến ăn lúa mà chủ không hay. Nghĩ vậy bác yên trí trở về nhà. Qua hôm sau, bác thấy lúa bị trâu ăn nhiều hơn. Lo lắng cho sự thiếu hụt của gia đình, bác ngửa mặt lên trời than thở. Bác nghĩ có ai cố tình phá hoại, chứ không lẽ cứ để trâu đứt dây mãi thế này? Bác để tâm theo dõi bắt cho được, coi trâu của ai.

Tối đến, bác ra ruộng ngồi chờ. Chờ mãi, sốt ruột mà không thấy bóng dáng con trâu nào cả. Bác định trở về, bỗng thấy một con trâu trắng xuất hiện từ mé sông ăn cỏ dọc theo bờ. Bác nghĩ bụng là trâu của đứt niệt, nên định nắm dây vàm đem về nhà cột, sáng trả lại chủ nó, kẻo người ta mất công tìm kiếm. Bác rón rén tới gần. Trâu giựt mình hoảng sợ chạy lông xuống sông mất dang. Bác cho rằng từ nay về sau trâu sợ không ăn lúa nữa. Nào ngờ, ít bữa sau, bác ra thăm ruộng, lại thấy lúa bị trâu ăn gần một một công. Bác vừa tức mình vừa nghi về con trâu này. Một lần nữa bác quyết bắt cho kỳ được con trâu lạ. Tối đến bác rình, thấy đúng là con trâu trâu trắng hôm trước. Lần này, bác cẩn thận hơn, đi thiệt êm từ phía sau tới, định chạy thiệt mau để nắm dây vàm mũi. Nhưng con trâu này không xỏ mũi. Không biết làm sao để bắt nó nữa, bác làm liều dùng hai tay nắm chặt đuôi trâu và la lên: “Bớ người ta bắt trâu hoang! Bắt trâu hoang bớ người ta!”.

Con trâu giựt mình nhảy đùng xuống nước, bác Năm Hưng không đủ sức giữ nó lại, còn bị nó kéo luôn xuống nước. Bác định buông tay ra, nhưng nó chạy nhanh quá, và lạ lùng thay, khi nó chạy tới đâu thì nước vẹt ra hai bên như đang chạy trên bãi cát. Thấy vậy, bắc nắm chạy đuôi trâu mà chạy theo.

Bỗng trâu dừng lại. Còn đương bàng hoàng ngơ ngác thì có bàn tay đặt nhẹ lên vai bác, ngoái lại thấy ông già tóc bạc phơ, đứng nhìn bác với cặp mắt hiền từ.

Bác Năm liền lễ phép hỏi:

- Thưa ông, có phải ông là chủ con trâu này không?

Ông già điềm tĩnh đáp:

- Phải, nhưng sao người nắm đuôi nó đến đây?

- Thưa ông, con trâu này ăn hại lúa của tôi nhiều quá, tôi định bắt cột lại rồi trả cho chủ, nhưng nó chạy xuống sôngthành ra tôi chạy theo đến đây.

- Thế! Tội nghiệp không, nó ăn như vậy người định bắt thường bao nhiêu?

- Tưa ông gia đình tôi nghèo, chỉ nhờ vào đám ruộng để sống, nay trâu của ông ăn quá nhiều, nhà ông dư dả xin ông cho ít lúa để ăn.

Ông già vui vẻ bảo;

- Tiền thì lão dư dả nhiều, nhưng ngặt nỗi nhà lão xa lắm, nêu đem lúa bồi thường cho người thì lâu lắc, mà lại tốn công. Thôi, lão thường cho người bằng cách khác vậy.

- Dạ thưa ông, tôi đến đây là nhờ nắm đuôi con trâu, bây giờ không biết làm sao về được.

- Thôi được để lão đưa người về.

Ông lão dẫn trâu đi trước, bác Năm Hưng dẫn trâu theo sau, chỉ một lát là dến bờ sông. Ông già biểu bác Năm:

- Lão nói cho người biết, lão đây không phải là người trần gian, mà là người của thượng giới, thấy ngươi tu nhơn tích đức, ăn ở hiền lành, lại hết lòng thương người, nên mở lòng thương xuống giúp người trở thành giàu có để làm gương cho hậu thế. Vậy, khi đã có tiền của, người nên ăn ở như trước đây, cư xử tốt với xóm làng, phải ban ơn và làm chuyện lành, khuyên nhủ mọi người ăn ở hiền lành sẽ được trời phật phù hộ làm ăn phát đạt, kẻ nào gian ác sẽ bị trừng phạt. Đây lão cho ngươi sợi lông đuôi của con trâu trắng này, hàng ngày ngươi để nó trong mình, xuống sông tìm kiếm của quý đem bán và bắt tôm cá mà ăn… Hãy nhớ làm theo lời lão dặn, ngược lại thì sợ lông trâu sẽ bay mất. Nếu làm đúng theo lời lão dặn, khi nào người giàu có, lão sẽ thây sợi lông trâu lại.

Nói xong, ông già lên lưng trâu chạy xuống sông mất dạng. Bác Năm liền quỳ xuống tạ ơn trời phật, rồi đem sợi lông trâu trắng về nhà.

Về đến nhà, bác thuật lại chuyện cho cả xóm nghe không giấu giếm điều gì. Từ đó, hàng ngày bác xuống sông tìm các vật báu và tôm cá đem bán. Chẳng bao lâu bác Năm hưng trở nên giàu có, con cái không ngoan lễ phép. Gia đình bác thường cưu mang giúpđớ kẻ nghèo khổ, tật nguyền.

Do sự tích trên, nên rạch Phong Mỹ hiện nay còn có tên là rạch trâu trắng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:09:43 am »

SỰ TÍCH ĐỊA DANH BÃI XÀU

Khi nói tới Bãi Xàu thì người địa phương thường có thói quen nói luôn là Ba Xuyên Bãi Xàu. Ngày nay Bãi Xàu thuộc thị trấn Mỹ Xuyên tỉnh Hậu Giang. Theo đồng bào địa phương, địa danh Bãi Xàu phát xuất từ tiếng Khơ-me Nam Bộ: Sóc “Baixau” có nghĩa là sóc hay làng “cơm sống”.

Có truyền thuyết như sau:

Thuở xưa, có một ông vua giàu có lắm kẻ hầu người hạ. Trong số có nàng Chanh là người có tài nấu nướng khéo hơn cả. Hôm nào, nàng Chanh dâng cơm cũng được vua khen. Nhứt là món canh chua do nàng nấu thì ngon tuyệt, không ai bắt chước được, do đó nàng rất được nhà vua yêu quý.

Có một người con gái, cháu viên quan cận thần, thấy nàng Chanh được vua sủng ái, đem lòng ganh tỵ, thường gièm pha nàng Chanh với viên quan chân thần. Từ lâu, viên quan này muốn đưa cháu mình lên làm hoàng hậu, nên khi nghe như vậy liềm kiếm cách bịa chuyện để nói xấu nàng Chanh với vua. Hắn tâu với vua rằng nàng Chanh đã phạm tội khi quân. Cái món canh chua mà nhà vua ghiền ấy là do chất cáu bẩn trong móng tay mà nàng Chanh bỏ vào canh cho vua ăn. Vua nghe, nửa tin nửa ngờ, bèn sai tên lính hầu thân cận xuống bếp dò xem hư thực thế nào.

Tên lính làm bộ giúp nàng Chanh nấu nướng. Quả nhiên hắn thấy nàng Chanh khi nấu cơm thường dùng móng tay út để dài cong như cái muống múc nước canh đang nấu trên bếp để nếm thử. Tên lính vốn là tay nịnh bợ muốn lập công, nên khi tâu với vua, hắn dặm mắm thêm muối vào.

Nghe xong, vua cả giận quát tháo ầm ĩ, liền cho lính hầu bắt nàng Chanh xử tội. Được tin dữ, nàng vội gom góp tư trang của mình trốn khỏi hoàng cung, ra mé sông quá giang một ghe buôn để chạy trốn. nghe tin nang Chanh bỏ trốn, đích thân nhà vua tập hợp binh sĩ, dùng thuyền cấp bách đuổi theo để bắt cho được kẻ phạm tôi khinh mình.

Ghe chở nàng Chanh theo dòng sông Hậu chạy trốn. Đến Đại Ngãi thì ghe rẽ vào một sông nhỏ đi về Sờ-mo (tức Bãi Xàu ngày nan. Họ dừng lại ở đây kiếm củi nấu cơm ăn. Khi cơm vừa sôi, thì họ nghe vọng lại tiếng chiêng trống, hò hét ầm ĩ cả một khúc sông. Biết lính nhà vua sắp tới, nàng Chanh sợ hãi,vội bỏ nồi cơm chưa kịp chín, lêm ghe theo ngã sông Dù Tho chạy ra vàm Tấn (bây giờ là sông Mỹ Thanh). Đám quan lính đuổi theo càng lúc càng gần. Nàng Chanh lo sợ cuống quít và nghĩ chắc là nhà vua đuổi theo để đòi lại những của cải mà ngày trước vua đã ban cho nàng. Nàng bèn liệng tất cả đồ đạc tư trang mang theo xuống dọc sông, hy vọng nhà vua thấy vậy sẽ không đuổi nữa. Đến vàm sông nọ, nàng quăng luôn cái “cần tho” (ống nhổ) bằng vàng. Do vậy, vàm sông ấy mang tên là vàu Dù Tho.

Mặc dù đã liệng hết đồ đạc, nhưng nàng Chanh vẫn nghe tiếng quân lính đuổi theo môi lúc một gần. Thấy mình khó thể thoát khỏi tay vua, nàng Chanh đứng trước mũi ghe khấn nguyện:

- Nếu tôi trong trắng vô tôi, thì sau khi chết, xin máu tôi biến thành nước biển Đông, tóc tôi sẽ thành rễ cây gừa, vú tôi sẽ biến thành trái bần, và đùi tôi biến thành bập dừa nước để mãi mãi gắn chặt với quê hương đất nước này.

Nguyện xong nàng nhảy xuống sông tự tử, xác nàng trôi về một vàm sông ở Bạc Liêu, đó là vàm nàng Chang, đọc trại thành Mỹ Thanh. Dân chúng với xác và chôn ở vùng Vĩnh Châu. Ngày nay di tích ngôi mộ vẫn còn.

Cái chết oan ức của người phụ nữ khéo tay đó, truyền thuyết vẫn còn lưu lại:

Nước biển Đông có vị mặn của máu nàng. Rễ cây gừa từ các nhánh rủ xuống từng chùm trên mặt nước ven sông như mái tóc dài và mịn của người phụ nữ. Cây bần sống trên đất phù sa sông Cửu Long màu mỡ, hàng năm vẫn ra những chùm trái mà đuôi trái có hình núm nhũ hoa đàn bà, bên cạnh bạt ngàn dừa nước mọc ven sông có những bập dừa mập mạp xinh xắn như bắp đùi cô gái.

KHẢO DỊ 1

Truyện kể thứ hai cũng gần giống như tuyền thuyết trên song có mấy điểm khác:

Nàng Chanh không chỉ là người nấu bếp cho vua mà nàng còn là một trong số nhiều vợ của nhà vua. Khi nàng Chanh chay trốn, nhà vua đuổi theo bắt được nàng và mặc cho nàng một mực kêu oan, vua không hề động lòng, chẳng hề suy xét. Qua tuyệt vọng, nàng Chanh nguyện rằng: nếu mình chết oan xin gửi xác vào mọi vật của trần gian.

Giết xong nàng Chanh, nhà vua cho liệng xác nàng xuống sông thì bỗng nhiên ở đó nước xoáy cuồn cuộn như nàng Chanh muốn bày tỏ nỗi oan ức bất bình của mình. Và về sau đúng như lời nguyện, từng phần thi thể của nàng được gửi vào cây cối và con vật dưới nước: đôi má mịn màng gởi vào trái “chân”, vú nàng được gửi vào trái bần, tóc nàng gởi vào rễ cây gừa và hương thơm của da thịt nàng được gởi vào cây trầm hương, móng tay nàng được gởi vào vỏ sò, vỏ hến…

Còn nhà vua, sau khi giết nàng, trở thấy lời khấn nguyện của nàng Chanh đã thành sự thật, đâm ra hối hận, suốt ngày bứt rứt không yên. Một hôm vua đến vàm sông cũ, nơi giết nàng, liệng cái ống nhổ vàng xuống nước, nguyện rằng nếu nàng Chanh vô tội thì cái ống nhổ nổi lên và trôi ngược dòng nước. Quả nhiên ống nhổ nổi lên và trôi ngược dòng nước. Nhà vua biết nàng Chanh vô tội, bèn hạ lệnh hàng năm cứ đến mùa hạ vào ngày trăng tròn dân chúng làm cốm giẹp cúng nàng Chanh và tổ chức cuộc đua ghe ngo ở vàm nàng Chanh hay ở vàm “Cần Tho” (ống nhỏ) nơi vua liệng cái ống nhổ vàng.

KHẢO DỊ 2

Hai truyện sau đây khác với hai truyện trên:

Thuở nọ, ở Bãi Xàu là rừng mây. Hàng năm dân chúng quanh vùng vào đây chặt mây về bán. Một hôm vào mùa khô, có một số người chặt mây nghỉ tay để nấu cơm trưa ăn. Vô tình họ đã nhúm lửa (dùng ba hòn đất để làm bếp) trên lưng một con cá sấu bị mắc cạn lâu ngày, bùn dính một lớp dày trên lưng khô cứng trông giống như một mô đất. Đến lúc cơm vừa sôi, sấu bị nóng lưng, quậy mạnh làm đổi nôi cơm khiến mọi người hoảng hốt bỏ chạy. Do đó, sau này những người chặt cây vào đây thường gọi chỗ này là “Baixau” tức là “cơm sống”, rồi dần thành quen và đọc trại thành Bãi Xàu.

KHẢO DỊ 3

Ngày xưa, vùng Bãi Xàu còn lả rừng rậm, có một hàng trắn to gần như miễu ông Tà. Trong hang có một cặp rắn hổ ngựa thần lớn bằng cột nhà, đầu có mổng đỏ. Bữa chiều nọ, một người đốn củi về bất ngờ gặp ổ trứng rắn, bèn hốt đem về. Đến nhà, anh bắc nước luộc chín rắn. Khi đó cặp rắn thấy mất trứng liền đi kiếm. Chúng bay nhanh như ngựa phi nước đại, gây ra một trận giông dữ dội, làm cây cối nhà cửa sụp đổ, dân chúng một phe nkinh hồn khiếp vía. Vì nhà cửa sụp đổ nên bếp núc, củi lửa tắt hết, cả sốc cơm nhà nào cũng bị sống, và tối hôm đó mọi người phải ăn cơm sống. Từ đó sóc này gọi là sóc “cơm sống” tức là “Bai Xau” vậy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:11:39 am »

SỰ TÍCH VỒ ÔNG BƯỚM

Ngày nay, trên núi Cấm (miệt Thất Sơn) có mỏm đá to nhô lên, được gọi là vồ Ông Bướm. Sở dĩ như vậy là do sự tích sau đây:

Vào năm Quý Mão (1843), do sự xúi giục và hỗ trợ của Xiêm La, một đạo quân Chân Lạp do hai tướng là Vôi và Bướm chỉ huy sang cướp phá vùng Láng cháy (An Giang) giết hại, cướp phá lương dân. Được tin cấp báo, lúc bấy giờ quản cơ Trần Văn Thành đang đóng quân ở phía nam núi Cô Tô lập tức mang quân đến dẹp.

Hôm ấy, trời đổ mưa như thác, nên từ Cô Tô đến Xà Tôn (Tri Tôn) đường trơn như đổ mỡ, thỉnh thoảng gồ ghề, binh sĩ phải trèo qua rất vất vả. Lúc đến Cây mè, thỉnh lình quân Chân Lạp ào ra chặn đánh rất dữ. Trong cơn nguy cấp, Trần Văn Thành tuyền lịnh thoái binh để xoay thế trận. Quân Chân Lạp tưởng thắng trận rượt nà theo liền bị một toán phục binh của ta bất ngờ chặn đánh. Không đường rút, quân Chân Lạp nhảy bừa xuống hào mà chạy, thừa thắng, quân ta hỉ mặt áp lại đánh rất hăng.

Xong quản cơ Thành thâu binh, rồi ra lịnh tiến gấp. Được tin phục binh mình bị phá tan, hai tướng Bướm, Vôi huy động toàn lực chờ nghinh chiến. Chiều hôm đó, hai bên đụng độ, trận chiến đụng độ suốt hai ngày đêm. Quân ta vì phần vì đường xa mệt mỏi, phần vì thức đêm, nên người nào cũng mệt và đói, mà tứ bề quân Chân Lập vây chặt, không ngả nào rút lui.

Trước tình thế nguy kịch, quản cơ Thành liền chia quân ra làm ba đạo quyết phá vòng vây. Quân Chân Lạp la ó suốt hai ngày đêm. Bỗng nhiên, sáng hôm ấy không thấy quân ta động tinh, chúng tưởng đã bị tiêu diệt hết, nên tụ năm tụ bảy chè chén vui say, không màng đề phòng chi hết.

Bất thần quân ta phản công, quân Chân Lạp trở tay không kịp, lớp chết, lớp chạy tán loạn. Duy chỉ có cánh quân phía nam do hai thướng Bướm và Vôi trực tiếp chỉ huy còn chống cự, nhưng rất yếu ớt.

Quân ta vừa đánh mạnh, vừa bao vây, rồi cho một người biết tiếng Chân Lạp lên đồi cao dùng lời giải thích điều lợi hại mà khuyên dụ hai tướng Bướm và Vôi về hàng.

Trong thế cùng lực kiệt, lại nghe lời chiêu dụ hữu lý, nên Bướm và Vôi truyền cho binh sĩ vứt bỏ vũ khí, rồi đích thân đến trước mặt quản cơ Thành thọ tội. Xong trận này, quân Chân Lạp ở các vùng lân cận cũng xin hàng. Riêng Bướm và Vôi thì xin quản cơ Thành cho về ẩn dật.

Sau đó, hai người lên tụ trên núi Cấm, chọn chỗ có vồ đá nhô ra làm nơi trú ngụ. Ít năm sau, hai người được những người Chân Lạp trong vùng coi như hai vị Phật sống.

Chỗ của hai người ẩn náu và tu hành ngày xưa, nay được gọi là "Vồ Ong Bướm”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2011, 07:12:49 am »

NÚI BÀ ĐỘI OM

Thuở xưa xưa, đất An Giang là chiến trường chinh chiến liên miên. Đời ông đến đời cha, đời con sang đời cháu, và mãi mãi về sau, thế hệ này sang thế hệ khác, người An Giang xưa luôn luôn phải đánh giực giữ nước, giữ làng.

Quân giặc từ xa, khi thì cỡi ngựa, cỡi voi, lúc đi thuyền chiến sang quấy nhiễu chém giết, cướp phá nước ta. Giặc tới đâu, ở đó cửa nhà tan nát, lửa khói mịt trời, máu đỏ đất đai. Người An Giang thời ấy, ai cầm được giáo gươm đều tranh nhau đi đánh giặc, không đợi lịnh vua, không chờ cờ tướng. Phụ nữ, người già, trẻ em khi giặc đến, lấn tránh lên núi vào rừng.

Trai tráng ra đi chiến trận không sợ đầu rơi, coi thường làn tên mũi đạn. Người vợ ở nhà một lòng một dạ nuôi con, nuôi mẹ, đợi chồng.

Ở làng kia - bấy giờ ta gọi là Thới Sơn - có đôi vợ chồng vừa sanh được đứa con trai. Đứa con no tròn bụ bẫm, suốt ngày chơi giỡn, vợ chồng người ấy rất đỗi vui mừng. Sáng sớm, hai vợ chồng khi xuống ruộng lúc lên nương. Cậu bé ở nhà, ngoan ngoãn trong vòng tay, trong tiếng ru ngọt dịu của bà. Mỗi chiều về, sau một ngày cuốc, cày vất vả, nhìn con nhoẻn miệng cười, vợ chồng quên hết mệt nhọc cả ngày.

Thình lình giặc đến. Lần này chúng đến rất đông. Bóng giặc đen đặc cả đường bộ lẫn đường sông. Chúng đánh dẹp cả đất Chân Lạp để lấy lối đi. Trai tráng trong làng ùn ùn kéo nhau đánh giặc. Người chồng từ giã gia đình cầm kiếm lên đương. Anh bịn rịn ôm con và tỉ tê dặn vợ ở nhà chịu khố, cố gắng nuôi mẹ, nuôi con.

Chồng đi rồi, người đàn bà tần tảo đưa mẹ và con vào một hang núi xa tránh giặc. Sáng xuống đồng chăm sóc lúa, chiều lên rẫy vun vén gốc khoai. Ngời vợ vắng chồng ấy - cũng như tất cả những người đàn bà vắng chồng đi chinh chiến nơi xa - chắt chiu con cá, củ khoai nuôi mẹ, nuôi con. Hôm nào không rau, không cá, mẹ con, bà cháu cùng nhai củ mì đỡ lòng. Đêm đến chị đội cà om suống làng lấy nước cho mẹ uống, tắm giặt cho con. Mỗi chuyến đi chịu chỉ đội được một cà om nước, lò dò từng bước ngược lên trên đá, hẻm núi leo cheo. Mỗi đêm phải đội nước năm bảy lần như vậy mới đủ nước dùng cho con cho mẹ, cho bà. Trên núi đôi nơi cũng có giếng nước mưa, nhưng dân làng bảo nhau để dành khi thắt ngặt. Ấy là lúc giặc đến chiếm làng.

Năm ấy hạn hán kéo dài, ròng rã mấy tháng hè trời không đổ một cơn mưa. Các khe suối cạn khô, giặc lại chiếm làng ở mãi không đi. Cả làng trông chờ vào mấy giếng nước con trên núi. Những bô lão trong làng phải đứng ra phân phối nước uống nước ăn. Chuyện tắm giặt đã đến bước ngặt nghèo. Mỗi gia đình chỉ được múc một hoặc hai cà om nước trong ngày, theo số người nhiều ít.

Mỗi khi đội nước về, chén nước đầu tiên chị danh cho mẹ, chén kế dành cho con. Còn chị khi nào khát lắm mới hớp một hai ngụm cho đỡ cháy lòng.

Giếng trên núi không còn một giọt nước, mẹ và con đã khát mấy hôm rồi. Mẹ không còn thở ra hơi, con khóc không ra tiếng, môi chị cũng khô rơm. Nhìn mẹ, nhìn con lòng chị đau như ai cắt ruột. Ngày ngày khi tởi gần khuất bóng, chị vác cà-om ra bãi đá ngồi chờ đêm xuống liền mò về xóm đội nước lên cứu mẹ, cứ con. Đêm nào chị cũng lần dò từng buốc trong màn tối kín bưng, chân đi xiêu ngã, người chị nhẹ tênh như chiếc lá, lúc nào cũng chực quị xuống đường. Nhưng đã nhiều đêm rồi chị chưa mang cho mẹ cho con một giọt nước. khi vừa đến bìa làng giặc đã rộ lên, đèn đuốc sáng choang, chị phải lùi vào lùm tránh giặc. Khi lấy được nước, mới đi được một quãng đường, giặc đuổi theo, chị phải vứt cà-om chạy trốn.

Một buổi hoàng hôn, chị tựa lưng vào tảng đá, đầu đội cà-om, chờ đêm xuống lần bước về làng. Chợt nghe tiếng chiêng vang đội xa xa, chị đưa đôi mắt nhờ nhờ nhìn về phía khói lửa và cát bụi tung mù. Trong hai hố mắt hõm sâu ứa ra giọt nước. Chị biết nơi đó có người chồng thân yêu của mình và trai tráng trong làng đang liều thân đọ kiếm với quân thù.. Trong lúc chị nghe được tiếng chiêng khua, ngựa hí và cả tiếng quân reo theo gió bay, về với chị. Chi thấy cả bóng chồng dũng mãnh vung gươm chém xả địch quân.

Chị đứng lặng im trong bóng hoàng hôn, không biết những tiếng ríu rít của đàn chim về núi và khói ụiu nơi kia tan biến hồi nào. Thình lình trời nổi cơn giông. Gió vun vút. Mây đen cuồn cuộn kín mít bầu trời. Một lúc, mây đen mây trắng loãng ra, cơn mưa ào ào đổ xuống. Mưa mù mịt, bầu trời trắng xóa nước mưa. Mưa dữ như đê vỡ, đập tràn. Núi rừng mất dạng trong mùa mưa. Suối ầm ầm chảy, nước băng băng vượt qua ghềnh đá,chồm lên đá tảng đá triền ào ạt tuôn xuống xóm làng. Cỏ cây, vật vờ trong nước. Người ngựa của giặc chết chìm chết nổi, trôi dạt xuống tận đồng xa.

Khi trời vừa đổ mưa, người đàn bà đứng bên tảng đá hết sức vui mừng, chị gào rất to: Nước! Nước! Mưa! Chị kêu rất lớn không rõ kêu ai, chị cám ơn ai. Hai tay run run bưng cà-om đưa ra phía trước hứng lấy nước mưa. Một chút nữa thôi, mẹ và con sẽ hết khát. Mẹ sẽ uống no nê, con sẽ tắm tha hồ. Cà-om nước đã đầy. Chị há mồm nuốt ừng ực từng ngụm nước mưa. Đưa cà-om nước lên đầu, chị toan quay vào hang. Nhưng đôi chân không nhấc lên nổi. Người chị chực ngã về phía trước. Chị tựa sát vào vách đá, tay giữ chặt cà-om nước trên đầu. Không sao nhắc lên một bước, chân tay cứng ngắc như tượng gỗ trong chùa. Chị muốn kêu lên, nhưng hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, không thể nào há ra được. Một niềm đau đớn cùng cực lan khắp người lạnh cứng như băng của chị. Chị đứng im, càng tựa sát người vào đá, cố giữ cà-om nước trên đầu đứng rời khỏi đôi tay.

Chị đứng như thế cho đến lúc tạnh hẳn cơn mưa dai khủng khếp chưa thấy bao giờ. Chị đứng như thế cho đến khi dân làng kéo đến cứu sống người mẹ và đứa con của chị. Chị đứng như thế cho đến khi người chồng hân hoan mang lá cờ chiến thắng ghim đầy tên nhọn trở về. Và chị đứng mãi mãi như thế trên triền núi nhỏ, xã Thới Sơn, mãi nhìn ra đồng bãi bao la cho đến bây giờ.

(Theo Mai Văn Tạo)

KHẢO DỊ

Vào cuối triều Gia Long, Thoại ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại tập trung nhân dân đi sưu đào kinh Vĩnh tế. Số người đi sưu rất đông, có khi đến hàng mấy vạn.

Dân từ các nơi tập hợp về đây, lớp bị quan lại nhũng lạm hạch sách, lớp ăn uống thiếu thốn, bịnh tật, nên nhiều người đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc này. Do vậy nên có nhiều người bỏ trốn về nhà, họ không dám đi đường cái quan, phải đi tắt đường rừng làm mồi cho cọp dữ, và lội qua Vàm Nao thì không sao thoát được nạn cá sấu. Dân chúng rất sợ bị bắt đi sưu đào ở kinh Vĩnh Tế.

Một anh nông dân bị bắt đi sưu đào kinh Vĩnh Tế cả năm không thấy về nhà mà cũng không có tin tức gì, người vợ ở nhà, nhân mùa lúa vừa xong, việc nhà rỗi rảnh, đội một om gạo mới do tự tay mình cấy tặt và xay giã, đi bộ tới làng quê xa xội, lặn lội đến kinh Vĩnh Tế để thăm chồng.

Tới nơi, nghe tin sét đánh là chồng đã chết từ mấy tháng trước. Vì qua đau thương, tuyệt vọng, lại mòn mỏi sức gái dặm đường, thêm đói rét nên người thiếu phụ chết đứng trên núi, đầu đội om gạo, biến thành đá.

Từ đó, nhân dân gọi núi đó là núi Bà Đội Om, núi ở miệt Thất Sơn cao 251 mét, dài 12.00 mét, ngang 600 mét thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Công Minh, một người hay làm thơ ở Thủ Dầu Một, qua đây cảm tác:

Hóa công cắc cớ vẽ riêng hòn,
Bà đội trông ai đứng giữa non.
Cây mọc bên mình che má phấn,
Đá che trước mặt ủ mày son.
Mưa chang nắng táp đều trơ trọi,
Gió dãi sương dầu vóc mỏi mòn.
Nặng kia phong trần môn đội mãi,
Khắt khe phận gái cánh thon non.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM