Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 02:45:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Kỳ Cố Sự (Chuyện kể Nam Bộ)  (Đọc 82470 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2011, 09:02:35 am »

ÔNG ĐỒ PHÚ KIẾT

Sau khi nghĩa quân Trương Định thất trận ở “Đám lá tối trời”, có một phụ nữ đến ngụ tại chợ Thang Trông, thuộc làng Phú Kiết, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Rồi một nhà nho, người miền trung đến đây dạy học và xin cưới bà. Vì vậy người ta gọi bà là “Bà Đồ”, Bà Đồ Phú Kiết”, “Bà Đồ Thang Trông”.

Kế đó có cuộc khởi nghĩa do Thủ Khoa Huân và Tri huyện Âu Dương Lân lãnh đạo, Trần Bá Lộc đem lính đến đóng tại đây để đàn áp, bắt bớ những người yêu nước. Lộc biết ông Đồ Phú Kiết là người hay chữ nên mời ra giúp việc văn phòng và rất tin dùng.

Sau ngày Thủ Khoa Huân bị xử tử, bà Đồ sanh thêm một người con gái. Lúc đó nhằm mùa ghe bầu về Quảng. Ông Đồ bèn nói với bà là mình vào Nam đã lâu, nay muốn về thăm quê nhà, mùa ghe bầu vào Đồng Nai năm sau sẽ trở về.

Ăn ở với nhau đã có ba mặt con, đến ngày về Quảng, Ông Đồ mới nói rõ là vì việc làm ăn ông phải thay tên đổi họ. Nay một phần vì đường sá xa xôi, một phần bì giặc giã liên miên, nếu chẳng may ông gặp nạn giữa đường thì khi có cúng giỗ ông hãy vái tên thiệt của ông. Ông nói tên thiệt của mình cho bà Đồ, rồi dặn rằng khi muốn biết tin tức của ông thì hãy xuống Ba Tri hỏi cụ Đồ Chiểu.

Ông đi được vài tháng, nhân có người qua Ba Tri mua tơ lụa, bà Đồ nhờ ghé qua nhà cụ Đồ Chiểu hỏi thăm tin chồng. Cụ Đồ Chiểu cho biết là ông Đồ Phú Kiết đã đi đến nơi về đến chốn và vẫn khỏe mạnh. Rồi mãi đến mùa ghe bầu vào Đồng Nai, chờ mãi không thấy chồng trở lại, bà Đồ Phú Kiết đến Ba Tri hỏi thăm. Cụ Đồ Chiểu trả lời:

- Chị Đồ Thang Trông đây à? Chị có khỏe không? Chị có biết anh có tên giả và anh đã nói cho chị rõ tên thiệt trước, ngày ra đi anh có định ý. Chị biết đó, ảnh là thơ ký thân tín của thằng Lộc, chị biết ảnh dạy học trò xưng danh ông Đồ, nhưng chị không rõ anh làm gì khác nữa…

Ngừng một phút, Đồ Chiểu nói tiếp:

- Ảnh là bạn tâm giao với Thiên Hộ Dương và cũng là bạn cũ của Lãnh Binh Định. Nhờ có ảnh mà hai người này làm thế ỷ giặc đánh Tây. Khi Thiên Hộ Dương ở đồng Tháp và Lãnh Binh Định ở Tân Hòa (tên cũ của Gò Công) bị thất bại, ảnh về Phú Kiết dạy học để mai danh ẩn tích. Rồi sau đó làm thư ký cho thằng Lộc để làm tay trong cho anh em nghĩa dõng bí mật liên lạc với Thủ Khoa Huân ở Tịnh Hà và Huyện Lân ở Thang Trông. Nhiều nghĩa quân đỡ khổ khi bị giam cầm, Thủ Khoa Huân và Âu Dương Lân nhiều phen thoát được vòng vây của giặc, phải nói phần lớn là nhờ công lao của ông Đồ Phú Kiết đó chị à.

Cụ Đồ Chiểu mời khác uống chén nước rồi thong thả nói tiếp:

- Năm ngoái chị có nhờ người đến hỏi, tôi ngại chị mới sinh còn non ngày non tháng nên trả lơi qua loa. Sự thiệt ảnh có về Quảng đâu. Ảnh vừa đến tỉnh Bình Thuận thì trở vào góp sức chống Tây ở Hồ Tràm, Thị Vải (tỉnh Đồng Nai bây giờ). Anh ấy tử trận rồi chị ạ. Tôi có nhờ học trò ghi ngày tháng để chờ đưa cho chị đây. Chị nhớ kỹ ngày tháng để hằng năm cúng cơm cho ảnh. Chị ráng thay anh ấy bảo dưỡng các cháu để anh được vui lòng nơi chín suối!

Bà Đồ Phú Kiết từ biệt Nguyễn Đình Chiểu về Thang Trông. Bà là một người hiểu biết tỉ mỉ về các sự kiện lịch sử cuối thể kỷ 19. Người dân ở đây gọi bà là pho sử sống. Nhưng không phải lúc nào và bất cứ ai bà cũng kể cho nghe.

Bà sống đến hơn 80 tuổi.

Theo Lê Thọ Xuân. Vài giai thoại có 
dính líu đến cụ Lãnh Binh Trương Định.
Tập san sử địa, số 3, 1966, tr.86-92 
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2011, 09:04:31 am »

ÔNG DẬT - ÔNG ĐÀ

Thuở Thiên Hộ Dương lập căn cứ chống Pháp ở Đồng Tháp Mười, có hai người, một tên Đà, một tên Dật - vốn từ thuở nhỏ nhà ở gần nhau, lớn lên lại cùng học một thầy và cùng đỗ một khoa ngang nhau.

Ông Dật theo tiếng gọi của Tổ quốc, vào Đồng Tháp Mười chiến đấu dưới cờ của Thiên Hộ Dương. Còn ông Đà thì lại hợp tác với tân trào Lang Sa.

Ông Dật được thiên Hộ Dương phái ra vùng Cao Lãnh (thuộc tỉnh Đồng Tháp) ngày nay để vận động các sĩ phu và nhân dân tham gia, đóng góp cho nghĩa quân và đồng thời do thám tình hình của giặc. Ở đó, lúc bấy giờ quyền sinh sát đều do viên đội người Pháp tên là Couray chỉ huy.

Công việc chưa thành thì ông Dật bị giặc Pháp bắt.

Hay tin ông Dật bị bắt, Đà xin tên đội Couray để tự mình khuyến dụ Dật qui hàng. Couray đồng ý.

Chúng đem ông Dật giam lỏng tại nhà một ông Thông tri, lại cất người phục dịch cơm nước rựou trà, chuẩn bị xong đâu vào đấy, mấy hôm sau, Đà khăn áo chỉnh tề đến thăm. Đến nơi Đà giả vờ hối tiếc rằng mình đà hay tin quá muộn để cho ông Dật phải bị những ngày lao lung buồn khổ.

Ông Dật mỉm cười đáp:

- Làm việc nghĩa há lại sợ lao lung gian khổ chăng? Có gian nan mới rõ mặt đá vàng.

Vì không hay Đà theo Pháp, nên ông Dật chân thành thăm hỏi tình cảm hiện nay của bạn. Được dịp, Đà ngâm bài thơ đáp lại:

Lỡ làng chưa trọn phận làm trai,
Tạm sống cho quan đoạn tháng ngày.
Trái mắt cũng thôi đành ngậm miệng,
Đau lòng chịu vậy đã nghiêng tai.
Về Tào chi xá thân hèn mọn,
Ở Hán còn bao kẻ trí tài?
Này nước, này nhà hai gánh nặng,
Xốn sang lòng tớ có ai hay.


Nghe bài thơ ông Dật biết bạn mình nay đã “về Tào”, bèn họa lại:

Tai ngơ sao được phận làm trai,
Mấy thuở gây nên được những ngày,
Thục nữ còn ra giành trách nhiệm,
Tu mi sao để chịu ngiêng tai!
Biết Tào nên chẳng ra phò trợ,
Gặp Hán sao không biết trổ tài?
Sóng gió rồi đây trời bể lặng,
Già lòng đâu phải gọi rằng hay!


Đà nghe bài thơ họa lấy làm người đành bỏ về.

Hết lần này đến lần khác, Đà lấy cớ thăm bạn cố tri, đến khuyên Dật theo Pháp. Nhưng lần nào, Đà cũng bị ông Dật khẳng khái từ chối. Có lúc Đà bị ông Dật mắng đau. Cuối cùng, Đà căm tức gởi cho ông Dật bài thơ Vịnh con tôm lời lẽ hằn học:

Ỷ mình lớn mắt lại dài râu,
Gan mật nhà va nỏ có đâu.
Chim chít khoe khoang tài mũi nhọn,
Sụt sùi nấp lén chống giòng sâu.
Đánh hơi thấy xác mùi ra miệng,
Nghe tiếng chài te cứt lộn đầu.
Căn giọng múa men cơn gặp nước,
Cực vì ăn chạ mắt sa câu.


Xem bài thơ của Đà, ông Dật buồn cười cho giọng lưỡi kẻ mãi quốc cầu vinh. Ông họa lại:

Loài ở lộn đùn cũng mộ râu,
Ngo ngoe nó biết mốc chi đâu!
Cong lưng cứ ý tài đâm bắn,
Ló mắt không dò ngách cạn sâu.
Ngoài ú lom xom càng múa gọng,
Trong thoi sùi sịt đít co đầu.
Giống rồng xin chờ đứng quen thói,
Một ngủi là xong mấy tát câu.


Làm xong bài thơ, ông Dật trao cho nên tùy phái của Đà. Ông dặn thêm:

- Ngươi đem thơ này về cho chủ và nhớ nói là ta không muốn chủ ngươi nghĩ đến ta, tốt nhất là hắn tự nghĩ đến cái thân tôi đòi của hắn.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, sđd)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2011, 09:07:03 am »

BÀI THƠ TRÀO PHÚNG ĐỖ MINH TÂM

Đỗ Minh Tâm người tỉnh Vĩnh Long, sinh vào nửa đầu thế kỷ 19. Vốn tên là Đỗ Thanh Tâm, sau đổi là Minh Tâm, lấy hiệu là Minh Giám. Ông học giỏi nhưng thi hỏng hoài, nên thường được người đời gọi là Nhiêu Tâm.

Ông được người đương thời biết tiếng trước hết là vì những bài thơ yêu nước chống Pháp và sau đó là những bài thơ trào phúng của mình.

Bá hộ Nọn, ở làng Long Châu, tỉnh Vĩnh Long, rất hâm mộ Nhiêu Tâm, muốn cầu thân nhưng ông thường lánh. Một hôm, tình cờ gặp nhau, bá hộ mừng rỡ xin hỏi về gia cảnh, ông ứng khẩu dộc:

Thấy anh, tôi nghĩ lại tôi buồn,
Tôi khó, anh giàu đã quá muôn.
Anh vậy tôi vầy, trời khiến vậy,
Chúc cho con cháu… vậy luôn luôn


Trong bài thơ trên, hai từ “quá muôn” theo chữ âm Nam Bộ, giống như “hóa muông”, nên ngoài nghĩa có tiền muôn còn có nghĩa “hóa chó”! Bá hộ Nọn, mặc dù biết mình bị Nhiêu Tâm chơi xỏ, nhưng không giận lại vồn vã về nhà.

Bá hộ Nọn có mướn một thầy đồ dạy chữ Nho. Ông thầy này vốn tự phụ. Trong lúc chuyện trò, thấy thầy giở giọng văng chương, Nhiêu Tâm khiêm tốn xin đầu để để tập làm thử một bài thơ. Thầy đồ nhìn ra sông nước nhà bá hộ, thấy có cục phân trôi lều bều trên mặt nước liền bảo: “Cục cứt trôi sông” tỏ ý khinh miệt ông khách mời.

Nhiêu Tâm gật gù, rồi rung đùi ngâm:

Bao tử là cha mẹ: ruột dồi,
Đặt không nên chỗ để mây trôi.
Chặt chân chẳng nỡ thây nằm đạp,
Bịt mũi mà qua đã gớm rồi.
Chẳng chó bắt mèo ngồi tạm nuốt,
Có tong cũng chốt rước theo mồi.
Lần thay cho lão ngột câu quet,
Chứa chấp làm chi những giống hôi.


Thầy đồ được một bài học thích đáng.

Có một tri huyện tên là Lê Chí Thành (tục gọi là huyện Thiềng, người ở chợ Lách, ít học, làm cai tổng rồi thăng lên tri huyện) có hai vợ, một ở Chày Đạp, một ở Cần Cao. Chày Đạp ở gần Châu Thành Vĩnh Long hơn nên mỗi khi đi tỉnh Thiềng hay ghé, còn ở Cồn Cao trái đường nên quan huyện ít tới lui. Bà ở Cồn Cao gặp Nhiêu Tâm, vốn là bạn thân với chồng, nên mới kể lể nỗi niềm “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” của mình và nhờ Nhiêu Tâm làm bài thơ trách ông huyện.

Nhiêm Tâm cầm bút viết ngay:

Liễu bồ chen chúc dựa lầu son,
Đêm nhớ ngày trong những héo hon.
Quanh quẽ Cồn Cao hơi gió thổi,
Dập dịu Chày Đạp dấu xuân mòn.
Đã trao cái phận mành mành chỉ,
Bao nỡ cầm cân giốc giốc đòn!
Kìa hỡi trên cao, xin với hỏi:
Công bình hai lẽ xử vuông tròn.


Huyện Thiềng vốn có máu Bùi Kiệm. Lúc đã già xọm còn chơ trống bỏi, cưới thêm một thiếp mới mười tám tuổi. Hôm cưới người ta thấy cha vợ chỉ bằng tuổi con của chàng rể, ai cũng nỏi ra nói vào. Nhiêu Tâm thấy sự việc lố lăng bèn làm bài thơ:

Chuyện đời há lẽ dửng dừng dưng,
Cha trẻ, con già ngộ quá chừng.
Nọ nọ ông già lơ láo mặt,
Này này chàng rể rụng trơn răng.
Tham vui chịu lắng thương vì lão,
Khéo gả làm chi lạ cái thằng.
Chuyện ở giữa làng ai chẳng nói.
Nói chơ mặc kệ đứa cằn nhằn.

Thơ của Nhiêu Tâm, ngoài những bài trên, còn non mười bài, phổ biến nhất là hai bài thơ "Phú đắc” lấy đề tài từ ca dao. Tục truyền người đương thời đã lấy hai bài ca dao sau đây để ra đề cho Nhiêu Tâm.

Bài “Đêm nằm mơ tưởng tưởng mơ! Chiêm bao thấy bạn dậy rời chiếu không”.

Mối tình ai để rối như tơ?
Tỉnh giấc chiêm bao trối dậy rờ,
Hiệp mặt còn mơ đào thơ thớ,
Xảnh tay hồi tỉnh lác trơ trơ.
Ngỡ là hương lửa đang nhen nhúm,
Hay nỗi trăng hoa khóc phỉnh phờ.
Chớp nhoáng bóng loan vừa ghé mắt,
Trêu ngươi cắt cớ hỡi ông tơ.


Bài “Đôi ta chẳng mối thì mai. Chẳng trong tháng chạp cũng ngoài tháng giêng”.

Đây đó trăng già khóc giục xô,
Chẳng chầy, thì kịp vội chi cô.
Ngày kia bữa nọ duyên dầu lãng,
Đống cuối xuân đầu lễ bước vô.
Có thuở chim cưu um tố thước
Lo chi sóng Hán bắc cầu ô.
Gốc thành lấn thấn chờ ta vậy,
Chờ giống chim thuần giống nhảy rô.


Bài thơ đầu người ra đề không hạn vận, nhưng bài thơ sau lại có hạn vận “Sô cô vô ô rô”. Đây là một khó khăn đối với người làm thơ bình thường, còn đối với Nhiêu Tâm thì khác.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, Sđd)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2011, 09:09:12 am »

TÚ TÀI VĂN BÌNH

Văn Bình người đất Gia Định. Vốn là người tự cao, cho tài học của mình không thua gì các ông cử, ông nghè, nhưng bởi tại học tài thi phận nên đường khoa bảng bị lận đận.

Văn Bình nghe tiếng tác giả Kim Thạch Kỳ Duyên là người tự cao học rộng thì cho rằng đó là lới nói ngoa. Do vậy Văn Bình nhân lúc rỗi rảnh, lặn lội xuống Cần Thơ, tìm vào Bình Thủy để gặp cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Cụ thủ khoa Nghĩa lúc đó đã cáo quan về nhà vui thú điền viên.

Văn Bình đến Cần Thơ, hỏi thăm đường đến Long Tuyền, vào làng. Văn Bình gặp ông già ngồi bên đường, trầm ngầm nhìn ra sông, bèn ghé lại hỏi:

- Thưa bác, tôi muốn hỏi thăm đường đến nhà ông thủ khoa Nghĩa, bác làm ơn chỉ giùm.

Ông già đương ngồi ngước lên nhìn người lạ, chậm rãi hỏi:

- Ông là ai, ở đâu tìm ông Thủ Khoa?

- Dạ, tôi là tú tài Văn Bình ở Gia Định, chắc bác đã biết tiếng, nay nghe đồn ông Thủ khoa là người quảng bác, muốn đến hội kiến thử coi thế nào.

- À, ông là tú tài Văn Bình, xin mời ông ghé tạm vào nhà nghỉ uống nước đã, rồi tôi sẽ bảo cháu ở nhà đưa ông đi. Nhà ông Thủ khoa còn hơi xa.

Hai người cùng đi vào. Ông lão mời Văn Bình uống nước và ôn tồn nói:

- Tôi cũng thích văn chương lắm, ông chỉ mấy câu đối trên tường nhà. Đây là câu đối của ông Thủ khoa đó. Ông ấy thích làm dài, còn tôi thì tài học kém cổi chỉ thích làm ngắn, chỉ thích đối một chữ thôi. Thỉnh thoảng tôi cũng mời anh em gần đây đến làm đối chơi.

Thấy chủ nhà thích văn chương, Văn Bình giả vờ liếc mắt đọc mấy câu đối để lấy lòng khách, rồi đỡ lời:

- Thiết là hữu duyên thiên lý ngộ. Bác với tôi thử đối vài câu.

- Ồ tôi thì kém cỏi. Chỉ thường hội anh em lại đối từng chữ một cho vui thôi. Cứ một người ra, rồi một người đối lại, chớ đâu có làm được câu đối dài như ông Thủ khoa.

- Không sao, tôi với bác đối chơi cho biết, gọi là làm quen buổi sơ giao.

Chủ nhà chậm rãi hớp chung trà rồi mở đầu:

- Võ.

Văn Bình đối lại ngay:

- Văn.

Chủ nhà ra tiếp:

- Trắc.

Văn Bình lại đối:

- Bình.

Chủ nhà lại ra:

- Vãng.

Văn Bình đối:

- Lai.

Chủ nhà lại ra:

- Nam.

Văn Bình đối:

- Bắc.

Chủ nhà ra:

- Cô.

Văn Bình đối:

- Cụ.

Chủ nhà ngừng lại đề nghị:

- Thôi, chúng ta ngừng và ráp lại xem sao.

Những chữ của chủ nhà ráp lại thành câu: Võ trắc vãng nam cô. Câu đối lại của tú tài Văn Bình là: Văn Bình lai bắc cụ.

Đọc lại câu đối do chính miệng mình thốt ra Văn Bình thẹn chín người. Té ra ông tú tài bị xỏ ngọt mà không hay. Lúc đó Văn Bình mới đứng dậy, lễ phép nói với chủ nhà:

- Dạ xin lỗi cụ, cụ là cụ Thủ Khoa rồi. Tú này xin phục tài cụ, mong cụ chỉ giáo cho. Thiệt quả là tiếng đồng không sai chút nào.

Thủ khoa Nghĩa cười xòa rồi hai người mới bắt đầu đàm luận về chuyện văn chương.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, sđd)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2011, 09:10:50 am »

ÔNG ĐỒN SÁU MỚI

Ở Làng Ông Văn, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), có một ông đồ tên Mới, thứ sáu nên người trong làng gọi là ông Sáu Mới.

Sáu mới có tài lam thơ và câu đối trào phúng.

Sau đây là bài thơ Vịnh thần Tài:

Đ.m. thần Tài thiệt quá ngu!
Người sao nhóc túi kẻ trơn lu
Vắng hoe ruột ngựa, kìa quân tử!
Đầy rẫy rương xe, nọ thất phu.
Nhà có lại thêm vàng với bạc,
Nước nghèo, không giúp điếu cùng xu.
Hèn chi trót kiếp làm trôn ghế..
Không ló mặt ra với địa cầu.


Lúc ấy, trong nước có phong trào Duy Tân. Sáu Mới là một trong những người hưởng ứng tích cực phong trào. Ông đã sáng tác bài Vịnh thần Tài để phê phán những kẻ có máu mặt mà “nước nghèo hông giúp điếu cùng xu” mà chỉ biết “lòn trôn khế, không ló mặt ra với địa cầu”.

Ngoài bài thơ này, ông còn vẽ lên vách nhà mình bức tranh một con rítt lớn, chunh quanh nào là diều, quạ, chim mèo… xúm lại chia thây. Bên cạnh bức tranh có đề mấy câu thơ:

Con rút núi
Con này con rít núi!
Bo bo giữ cho mình,
Bị chim dữ nuốt trụi.


Ở Lục tỉnh Nam Kỳ, ngày xưa người ta thường gọi những kẻ hà tiện là rít, là “rít chúa ngô công”. Do vậy bài thơ và bức tranh con rít của ông cũng nhằm phê phán những kẻ có tiền mà không chịu mất một xu cho việc nghĩa.

Tết năm 1926, ông không đốt pháo, không dựng nêu và chẳng sắm sửa gì chỉ viết hai câu đối Tết dán vào cột nhà:

Câu đối vế thứ nhất:

Trái đất nhắm tròn vo, sợ nỗi dựng nêu lăn tróc gốc,
Lòng trời xem thấp xũng, chỉ đến đốt pháo xịt phồng da.


Câu đối vế thứ nhì:

Thịt vô hạn béo, bánh vô hạn dẻo, xuân sắc thập phần vô hạn nhẽo.
Nếu bất thăng cao, pháo bắn thăng kêu, giang sơn thiên lý bất thăng tào.


Ông Sáu Mới muốn bày tỏ tâm sự bất mãn của mình với ách thống trị nô dịch của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Ngày Tết dù có đủ các món ngon, các trò vui, nhưng đối với ông đó vẫn là cái Tết “Giang sơn thiên lý bất thăng tào”.

Tết nô lệ thì vui sao được, nó lạt lẽo vô vị làm sao!

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng, sđd)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2011, 09:11:58 am »

HÀO NGHĨA KHẢ PHONG

Bà Lê Thị Mẫn, người làng Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày, tinh Bến Tre là vợ thứ của Hương sư Bùi Văn Liệu. Bà vợ chánh tên Phạm Đại Ý, sanh ba gái và một trai thì mất. Ông Liệu cưới bà Mẫn, bà sinh ba trai một gái.

Năm 1818, ông Liệu mất. Năm đó bà 34 tuổi. Chồng chết, bà thay chồng nuôi dạy các con. Lớn lên các con đều nên danh phận.

Người con trưởng là Bùi Quan Nghi đậu cử nhân năm 1842. Nghi không ra làm quan, xin vua ở nhà nuôi dưỡng mẹ già.

Bùi Văn Phong, người con thứ, đậu cử nhân năm 1837, làm chức Án sát Nam Định, sau được bổ về Vĩnh Long.

Người con út, Bùi Hữu Thành, đỗ cử nhân sớm hơn hai anh (1831), làm tri phủ Phước Tuy, rồi Đốc học Biên Hòa, cuối cùng làm Tri huyện Long Thành và mất tại đây.

Bà Lê Thị Mẫn, là một phụ nữ thuần hậu, và có lòng thương người, bà dạy con rất nghiêm. Lúc hai người con: Phong và Thành - làm quan, vẫn thường về thăm viếng mẹ. Một hôm, hai con đem về tặng mẹ một cây lụa tốt. Bà không nhận đưa trả lại và nói:

- Làm quan thanh liêm làm sao có tiền dư để mua lụa?

Từ đó, hai không không dám gởi tặng mẹ vật gì nữa vào cố tu thân, bõ đức giúp dân. Năm được bổ về Vĩnh Long, ông Phong về thăm làng Đa Phước Hội. Cả huyện nghênh đón linh đình. Đó là lệ thường ngày xưa khi có quan về làng. Nhưng bà Mẫn không bằng lòng. Khi ông Phong về đến nhà, bà bảo:

- Tuổi già như mẹ nghe náo động mẹ kinh sợ lắm.

Năm nọ mất mùa, bà xuất tiền và lúa gạo giúp kẻ nghèo đói không tiếc thứ gì. Vua Tự Đức nghe tiếng ban khen bà một tấm biển khắc bốn chữ:

“Hảo nghĩa khả phong”

Năm 1862, bà mất.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2011, 09:13:31 am »

ÔNG GIÀ BA TRI

Vào đời Lê Cảnh Hưng năm thứ ba, Thái Hữu Xưa người phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vào Ba Tri (Bến Tre) làm ăn. Bấy giờ Ba Tri dân cư thưa thớt, chưa thành làng mà chỉ là một trại. Thái Hữu Xưa được cử làm cai trại, lo việc thu thế. Con ông là Thái Hữu Chư, có sức mạnh giỏi võ nghệ, thường đánh tan nhiều giặc cướp trên sông, nên ông Chư được cử làm chức quản trị lo tuần phòng giặc cướp.

Vào thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có lệnh phải lập làng. Thái Hữu Xưa xin đặt tên cho Ba Tri cá trại là làng An Bình Đông. Ông được cử làm thú khoán và con trai Thái Hữu Chư làm chức tri thâu. Về sau con của Thái Hữu Chư là Thái Hữu Kiểm được làm trùm cả làng An Bình Đông (Ba Tri).

Trùm cả Kiểm cất chợ Ba Tri, cho đắp lại con đường từ Ba Tri đi Vĩnh Đức Trung và từ Ba Tri đi Phú Lễ. Nhờ thế chợ Ba Tri (còn gọi là chợ Trông) trở nên nhộn nhịp, đông đảo người bán kẻ mua. Chợ trước đó là chợ Ngoài, thuộc làng An Hòa Tây, cách chợ Ba Tri lối ba cây số thì lại thưa thớt, vắng vẻ. Thấy vậy ông xa làng an Hòa Tây cho đắp đập ngăn rạch, khiến cho ghe từ sông Hàm Luông không vào được chợ Ba Tri nữa, khiến chợ nà dần dần càng thưa vắng người mua bán. Do mối bất hòa này, nên lúc đó có câu ca dao:

Chợ Dinh bán áo con trai
Chợ trong bán chỉ, Chợ ngoài bán kim.


Trùm cả Kiểm tức giận kiện làng An Hòa Tây, nhưng huyện và phủ đều xử Kiểm thất kiện với lý lẽ: làng nào cũng có quyền đắp đập nước trong địa phận của làng mình.

Tức giận, trùm cả Kiểm cùng với hai kỳ lão Ba Tri cơm gói áo đù đi bộ từ Ba Tri ra Huế, không còn đợi đến mùa gió nồm có ghe bầu đi từ nam ra quảng.

Lúc bấy giờ Gia Long đã chết, Minh Mạng nối ngôi. Mới nắm quyền, nhà vua tỏ vẻ cảm mến một người đã có công với dân địa phương và khen sự can đảm, chịu đựng gian khổ của một ông già đã dám đi bộ từ Ba Tri ra đến kinh đô Huế. Minh Mạng truyền chỉ: “Dù làng riêng nhưng rạch chung; huyện phủ phải coi phá đập”. Từ đó người ta gọi chợ Trong (chợ Ba Tri) là chợ đập.

Thế là trùm Kiểm thắng kiện. Để ghi nhớ công lao của trùm Kiểm đã lập chợ đắp đường, nhất là có lòng can đảm, ngay thẳng, dân chúng gọi ông là ông già Ba Tri. Từ đó, “ông già Ba Tri” là tên gọi để chỉ những người cao tuổi can đảm, kiên trì, không nề cực khổ đứng ra làm việc tốt.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2011, 09:14:29 am »

SỰ TÍCH ÔNG HÓM Ở XÓM GÒ DĂM

Xóm Gò Năm nằm về phía đông đường liên tỉnh 50, chỗ ngã ba cây Sộp, cách thị xã Gò Công chừng bốn cây số.

Tương truyền ngày xưa, trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ, có một ông lão, không biết quê quán ở đây, đến đây lập nghiệp. Ông sắm nhiều thuyền để mua củi, rào cây, chà là chở về Gò Công bán cho các nhà vựa.

Bạn bè, người làm công nhà ông rất đông. Họ chặt đẽo, cưa bổ cây quanh năm, suốt tháng làm cho nơi đây đầy những dăm gỗ. Do vậy, người đời gọi đây là Gò Dăm.

Ngoài việc mua bán củi, ông lại phá rừng làm ruộng, lập vườn. Con cháu của ông, rồi những người dân khác dần dần đến gò đất này khai khẩn rất đông. Về sau trở thành một xóm sung túc.

Tính cách nổi bật của ông là rất thiệt thà và hào phóng. Ông rộng rãi với bạn bè và chòm xóm. Ông sẵn sàng giúp đỡ tiền bạc, thóc lúa và chỉ vẽ công việc làm cho bất cứ ai biết chí thú làm ăn. Vì thế ông được nhiều người kính phục.

 Ông có tính ưa khôi hài. Tuy ít nói, nhưng khi mở miệng là pha trò. Lắm lúc nói chuyện làm ăn nghiêm túc, song người nghe cũng không nhịn được cười. Chính vì vậy người ta thường gọi ông là ông Hóm. Về đời sau lại gọi trại thành ra Hóng.

Hình dạng ông nhỏ thó, mảnh khảnh, da lại đen nhưng ăn nói bặt thiệp, đi dến dâu dễ làm quen và được nhiều người cảm mến.

Ông ít hay đi đâu xa. Hàng ngày quanh quẩn trông nom ruộng vườn, việc mua bán.

Một hôm vào cuối tháng chạp, nhân có việc phải đi Gò Công, ông dạo chơi các hàng phố - phần lớn là tiệm buôn của người Hoa.

Gần Tết, cửa tiệm đều trưng bày nhiều hàng hóa để bán Tết. Ông vào tiệm bán đồ sành sứ coi hàng. Thấy trong tiệm trưng nhiều ché, bình bằng sứ, nạm hình long ẩn, mai trúc, trĩ công đẹp, ông bước vào trong xem hỏi giá. Chủ tiệm thấy khác ăn mặc lèn xèn, tướng tá quê mùa, bần tiện, lại chen vào tận bên trong nơi để đồ đắt giá liền nói gạt ngang:

- Hè, ông già đi ra! Đứng đây lộn xộn đụng bể thì mạng ông bán thường tiền cũng không đủ hà! Thôi đi ra! Đi ra!

Bị chủ tiệm khinh bạc, không dằn được cơn giận, sẵn gậy cầm tay ông quơ đập. Đồ sành, đồ sứ bị vỡ tanh bành. Chủ tiệm la ó. Các chủ tiệm khác chạy lại giành được gậy thì hầu như không còn gì lành lặn.

Người ta cật vấn. Ông bình tĩnh bảo chủ tiệm lấy giấy ra tính tiền hết mọi thứ, rồi ông về nhà lấy tiền bồi thường đầy đủ.

Từ đó, tiếng ông để đời. Đến nay, người ta hay nói “của ông Hóng” và “sẵn kho ông Hóng” để chỉ sự xài phí không tiết kiệm”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 10:22:22 am »

SỰ TÍCH SÔNG NHÀ BÈ(1)
hay là TRUYỆN THỦ HUỒNG

Ngày xưa ở Gia Định có một người tên là Võ Thủ Hoằng, dân chúng thường gọi là thủ Huồng. Hắn xuất thân là thơ lại. Trong hai mươi năm luồn lọt trong các nha, các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng. Nhờ đó, hắn vơ vét biết bao nhiêu là tiền của. Vợ chết sớm, lại không có con cho nên tiền bạc của hắn không biết tiêu đâu cho hết. Ngoài số chôn cất hắn còn đem tiền tậu ruộng làm nhà và cho vay lãi. Ruộng hắn cò bay thẳng cánh, mỗi mùa thu hoạch kể hàng ngàn giạ lúa.

Khi thấy cuộc sống quá thừa thãi, hắn bèn thôi việc về nhà, sống cuộc đời trưởng giả.

Một hôm có người mách cho Thủ Hồng biết chợ Mãnh Ma ở Quảng Yên là chỗ người sống và người chết có thẻ gặp nau vào nửa đêm ngày một tháng sáu hàng năm. Thủ Huồng là người rất yêu vợ. Tuy vợ đã chết ngoài mười năm, nhưng hắn không lúc nào quên. Hắn quyết đi tìm vợ, nên giao nhà cửa lại cho người bà con, rồi lên đường tìm ra Quảng Yên.

Khi gặp vợ, Thủ Huồng không dám hỏi vì thấy vợ ăn mặc rất đài các. Sau cùng người đàn bà ấy cũng nhận ra được chồng. Thủ Huồng mừng quá, vội dắt vợ ra một chỗ kể cho vợ nghe cảnh sống của mình từ lúc âm dương cách biệt. Rồi hắn hỏi vợ:

- Mình lâu nay làm gì?

- Tôi làm vú nuôi trong cung vua. Cuộc đời tôi không có gì đáng phàn nàn. Tôi có một gian nhà riêng ở trong cung vua và cái ăn, cái mặc cũng được cấp đủ.

Thủ Huồng muốn theo vợ xuống âm phủ chơi. Vợ đồng ý.

Thủ Huồng và vợ cùng đi. Qua mấy dặm đường tối mịt chả mấy chốc đã đến cõi âm. Hắn rùng mình khi lọt qua bao nhiêu cổng trước lúc vào trong diêm đình. Ở mỗi cổng đều có một tên quỉ gác cổng, mặt mày gớm ghiếc, dữ tọn. Nhờ có vợ nên chỗ nao cũng lọt qua được. Đến một gian nha thấp, vợ bảo chồng:

- Đây là nhà bếp, đằng kia là nhà ngục, trước mặt là cung hoàng hậu, chỗ tôi túc trực hàng ngày. Qua khỏi chỗ đấy là cung vua. Cứ ẩn tạm trong buồng vắng này vì không thể lên buồng tôi trên kia được.

Chiều hôm đó, người vợ đi hầu hoàng hậu về, trao cho Thủ Huồng một tờ lịnh được phép đi xem mọi nơi trừ cung vua và hoàng hậu.

Hắn dạo quanh đây đó, rồi đến nhà ngục. Tiếng kêu khóc, tiếng thét la ở trong ngục vang dội làm cho hắn bồn chồn. Qua mấy nơi quỉ sứ mổ bụng, móc mắt, cắt tai… hắn thấy quá nơi đây là nơi trả bảo những tội lỗi của con người ở trần thế, đúng như lời đồn của người đời.

Sau cái bàn xẻo thịt là cả một kho gông. Trong đó có một cái gông đặc biệt: nó vừa to vừa dài làm bằng những thanh gỗ lớn. Thủ Huồng lân la nỏi người cai ngục:

- Thứ gông này để làm gì?

- Để chờ một thằng ác nghiệt ở trần gian xuống đây, bao nhiêu cái công này đều có chủ cả. Cứ xem gông to hay nhỏ thì biết tội ác của nó.

Thủ Huồng lại hỏi:

- Thế cái gông to đó là của ai?

Cai ngục giở luôn cuốn sổ dạy tra tên, và chỉ vào hàng chữ đọc: “Võ Thủ Hoằng tục danh là Thủ Huồng”, nguyên quán Đại Nam quốc, Gia Định tỉnh, Phúc Chính huyện…”.

Nghe nói đến tên mình, Thủ Huồng giật mình, mặt xám ngắt. Lát sau, hắn lấy được bình tĩnh. Hắn hỏi tiếp:

- Hắn ở trần gian có tội gì?

Cai ngục nhìn vào trang sổ, và nói:

- Khi làm thơ lại hắn bẻ mặt ra trái làm bao nhiêu việc oan nghiệt đến nỗi tộc ác hắn chép kín cả mấy trang giấy đây. Ngày nghe tôi đọc này: năm Ất Sửu hắn sửa hai chữ “ngộ sát” thành “cố sát” làm cho hai mẹ con Thị Nhàn bị chết để cho người anh họ chiếm đoạt gia tài. Việc này Thủ Huồng được mười nén vàng, mười nén bạc và một trăm quan tiền. Cùng năm đó, hắn làm cho ông Ngô Loại ở thôn Bình Ca bị hai năm tội đồ chỉ vì trong nhà có cái áo vải vàng để đoạt không của ông ta mười hai mẫu ruộng. Năm…


(1) Khi đầu đặt ra dinh Trấn Biên và dinh Phiên Trấn, chưa mở lục bộ Bình Đông thì hành khách phải đáp đò dọc. Đầu bến phía Bắc tại Sa Hà (Trấn Biên); đầu bến đồ phía nam tại tổng Tân Long (Phiên Trấn)
(…) Tương truyền, lúc xưa dân cư xa cách, nước sông mặn, ghe thuyền qua lại có khi phải chịu đói. Có ông Võ Thủ Hoằng phải tâm cứu tế bèn tre làm bè, rồi làm nhà lên trên. Trong nhà sắm đủ nồi bếp, củi cày; nước ngọt và đồ hóa thực, đầy đủ các vật để cho người đi trên thuyền dùng. Khi hết, ông lại tiếp tế, làm như đã lâu năm, tài lực khánh kiệt, nhưng ông không hồi tâm. Đến nay sông Tam Kỳ được gọi là sông Nhà Bè là do vậy.
(Theo Đại Nam nhất thống chí và Gia Định thành thông chí).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 10:24:55 am »

Thủ Huồng sợ hắn tái mặt, không ngờ nhứt nhứt mỗi việc từ nhỏ đến lớn của mình trên trần gian, dưới này đều rõ mồn một. Thủ Huồng ngắt lời, hỏi lảng sang chuyện khác:

- Thế vợ hắn có đeo gông không hở ông?

- Ồ! Ai làm người nấy chịu chứ! Vợ hắn nghe đâu là người tốt, đã xuống đây rồi?.

Thủ Huồng lại hỏi gặng:

- Ví thử thắn muốn hối cải có được không?

Cai ngục đáp:

- Đã vay thì phải trả! Nếu hắn muốn thì phải đem những thứ của cải đã cướp được đố bố thí cho hết đi.

Từ biệt cai ngục, tới những nơi tra khảo tội nhân khủng khiếp, Thủ Huồng không còn bụng dạ nào để đi xem nơi khác nữa. Vợ nghe chồng đòi về, lại đưa chồng ra khỏi diêm đình, và tiễn chống đến khoảng đường tối tăm mịt mù. Lúc sắp chai tay hắn bảo vợ:

- Tôi về trang trải công nợ, có lẽ ba năm nữa tôi lại xuống. Mình nhớ lên chợ đón tôi nghe.

Về đến Gia Định, Thủ Huồng mạnh tay bố thí. Hắn tập hợp người nghèo khổ trong vùng lại, phát cho họ tiền, lúa. Hắn đem ruộng đất của mình cúng cho làng, cho chùa, chia cho họ hàng thôn xóm. Hắn mời hầu hết sư sãi các chau quanh vùng tới nhà mình cúng cơm, tốn kém kể cả tiền vạn. Cứ như thế ba năm, Thủ Huồng tính ra đã phá tán được ba phần tư cơ nghiệp, nhớ lại lời hạn, hắn lại khăn gói lên đường tìm đến chợ Mãnh Ma. ở đây, hắn lại chờ vợ đưa xuống cõi âm một lần nữa.

Lúc này, mục đích chánh của Thủ Huồng là đến chỗ cũ xem lại cái gông. Trở lại nhà ngục, Thủ Huống thấy quang cảnh vẫn như cũ. Lão cai ngục vẫn là lão cai ngục ba năm về trước. Duy chỗ kho để gông thì có ít nhiều thay đổi. Bên cạnh những cái còn nguyên hình như xưa, lại có những cái trước nhỏ nay lại lớn lên. Đặc biệt cái gông dành cho chính mình thì bây giờ teo lại nhiều, tuy còn to hơn cái gông thường một tí. Thủ Huồng lân la hỏi cai ngục:

- Cái gông to để nơi này trước kia tôi nhớ hình như to lăm thì phải!

- Đúng đấy, có lẽ gần đây trên dương thế, thằng cha ấy biết chuộc lỗi, nên nó đã nhỏ lại. Nếu gắn gắng nữa, thì rồi sẽ có phúc lớn.

Thủ Huồng trở về trần gian, và trở về Gia Định. Hắn lại tiếp tục bố thí. Lần này, hắn bán tất cả những gì còn sót lại, kể cả ngôi nhà để ở. Hắn đến Biên Hòa dựng một ngôi chùa lớn để cúng Phật. Rồi hắn xuôi sông Đồng Nai để làm một việc nghĩa cuối cùng. Hồi đó từ Đồng Nai về Gia Định phải đi đường sông. Ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, lúc đó còn hoang vu, chưa có ai đến ở. Do vậy ghe thuyền qua lại lỡ con nước phải dừng lại, nhưng ở đây không có quán xá, chợ búa nên rất bất tiện(1).

Thủ Huồng quyết định ở lại đấy. Hắn kết một cái bè lớn trên bè có dựng nhà, có đủ chỗ nghỉ, có sẵn nồi niêu, đồ dùng, gạo củi và mắm muối. Những thứ ấy hắng dùng để tiếp rước, người qua lại nhất là những người khốn khó lỡ đường, hắn cho họ trú ngụ tại bè của mình năm ba ngày, mà không nhận của ai một cắc bạc. Hắn làm công việc đố mãi cho đến ngày hắn chết.

Ngày nay ở Cù lao Phố (tỉnh Đồng Nai) còn có một ngôi chùa tương truyền do Thủ Huồng lập, mang tên là chùa Thủ Huồng. Con rạch chảy ngang qua đường Tân Vạn vòng lên quốc lộ 1 do chính Thủ Huồng vét, nên gọi là rạch Thủ Huồng; chiếc cầu đá gần sông Đồng Nai đi Tân An cũng được gọi là cầu Thủ Huồng vì cầu dược chính ông ta bắc, và chỗ ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn được gọi là sông Nhà Bè để ghi nhớ lòng tốt của Thủ Huồng đối với khách qua lại trên sông đó.


(1) Ở Biên Hòa có nhiều người kể khác. Có người tên Được đồng hương với Hoằng đi buôn bằng thuyền bị bão, lạc đến chợ Mãnh Ma tình cờ gặp vợ Thủ Hoằng. Được theo vợ Thủ Hoằng xuống âm phủ thấy cái gông của Thủ Hoàng như truyện kể trên về thuật lại cho Hoằng. Từ đó Hoằng hối cải. Và sau đó, Hoằng được vợ báo mộng là cái gông đã teo lại, còn rất nhỏ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM