Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 01:06:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.  (Đọc 79558 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #50 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2008, 07:37:43 pm »

  Phong trào kháng chiến của nhân dân ta làm chậm lại kế hoạch khai thác thuộc địa của Pháp. Vì vậy yêu cầu bình định là cấp thiết đối với Pháp. Năm 1886, lực lượng Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ có 1 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn thuỷ quân lục chiến. Các đơn vị Lê dương ở Việt Nam lúc này chủ yếu đồn trú tại khu vực Bắc Kỳ nên lính Lê dương chiếm vai trò quan trọng trong các hoạt động bình định của Pháp tại đây. Thế nhưng, chiến thuật đánh nhỏ lẻ thoắt ẩn thoắt hiện của nghĩa quân làm quân Pháp vô cùng lúng túng. Lính Lê dương phải xé lẻ ra các đơn vị nhỏ, mệt nhoài trong các cuộc tuần tra, vây quét nghĩa quân. Những căn cứ địa kháng chiến bắt buộc quân Pháp phải tổ chức các binh đoàn lớn để tấn công. Ví dụ, để đánh căn cứ Ba Đình, Pháp huy động 78 sĩ quan và 3530 lính, 24 khẩu đại bác, 6 pháo hạm. Các đoàn quân thường là hỗn hợp giữa lính Lê dương, lính thuỷ quân lục chiến và lính nguỵ (Pháp gọi là bộ binh Bắc Kỳ). Lính ngụy tinh thần chiến đấu thấp và quân Pháp thường dùng họ để canh giữ những người nông dân bị bắt đi phục dịch. Những người nông dân này không mặn mà gì công việc nặng nhọc phục vụ quân xâm lược nên họ luôn tìm cách bỏ trốn. Sĩ quan Lê dương Bôn-Mat viết cu-li (dân phu Việt Nam) của đơn vị anh ta bị canh giữ "như những người tù” "nhưng những vụ bỏ trốn vẫn nhiều đến nỗi có lệnh bắn thẳng tay". Bôn-Mat thừa nhận biện pháp này quả dã man. Tuy nhiên, "một đêm, một nửa số cu-li của đơn vị Carpeaux trốn mất. Vì vậy, đại uý ra lệnh cho lý trưởng một làng gần nhất phải cung cấp số người thay và một số phụ nữ lập tức bị bắt đi mang vác đồ đạc (28).
 
  Một vấn đề nữa là thông tin tình báo kém. Lính Lê dương cứ phải hành quân hàng ngày ròng rã, mồ hôi nhễ nhại, áo quần lem luốc, đập muỗi bôm bốp trên những con đường mòn xuyên rừng, nghỉ đêm trong những ngôi chùa bỏ hoang, trên tường thì đầy những chữ Nho mà họ chả hiểu mù gì, rồi không tìm thấy một bóng nghĩa quân nào cả. Sĩ quan Lê dương Pfirmann viết "Mặc những cuộc hành quân đi hành quân lại của chúng tôi dọc sông hay trong rừng, bọn cướp tiếp tục khủng bổ” (29). "Khá thường xuyên, sau nhiều đêm trong những khu rừng ẩm ướt và mỏi mệt, chúng tôi phải quay trở về đồn mà không nhìn thấy bóng dáng một tên phiến loạn nào" (30).


Quân Lê dương bên bờ sông Thương

  Cái đáng sợ nhất là đội hình rồng rắn lên mây dài dằng dặc ấy bị phục kích. Đơn vị Lê dương của Carpeaux bị rơi vào đúng cái bẫy như vậy do viên lý trưởng của chính cái làng mà họ đã bắt đám đàn bà con gái đi khuân đồ. Viên đại uý thấy tên lý trưởng này quá sợ hãi nên bác bỏ yêu cầu phải chặt đầu hắn, chỉ phạt đánh roi thôi. Có lẽ vì cái hành động nhân đạo "không tin vào mắt mình" ấy mà quân Pháp đã gặp may mắn. Nghĩa quân chỉ bắn từ xa mà không xung phong. Tuy nhiên, sự lộn xộn đã xảy ra. Đám cu-li bỏ chạy tung toé ra các hướng và quân lính thì bắn như điên vào những vệt khói (phụt ra từ đầu nòng súng của nghĩa quân) và những chiếc mũ rơm xa xa. Một lính Lê dương trả lời khi được hỏi rằng anh ta đã chiến đấu ở Bắc Kỳ chưa, anh ta đáp : Bọn nghĩa quân ở đây không giống ở Morocco đâu anh không bao giờ thấy họ. Anh biết là họ ở đâu đó quanh cái chỗ mà người ta gửi anh đến để anh bị phát hiện. Chốc chốc họ lại bắn vào chúng tôi (31).
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #51 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2008, 05:42:51 pm »

  Để thực hiện chính sách bình định và chiếm đóng, Pháp chia địa bàn từ Thanh Hoá đến Lạng Sơn thành 14 quân khu. Tháng 8/1891, dưới áp lực của Thống tướng Antoine de Lanessan, Pháp cho lập 4 khu vực quân quản ở Bắc Kỳ (dân ta hồi ấy gọi là 4 đạo quan binh) dọc theo biên giới với Trung Hoa. Mỗi khu do 1 đại tá đứng đầu. Việc tổ chức các đạo quan binh là một thủ đoạn thâm hiểm của Pháp, trao lại quyền chủ động cho các sĩ quan mở các cuộc hành quân càn quét khi phát hiện nghĩa quân ở bất cứ nơi nào. Pháp cho rút bớt các đồn nhỏ, thay bằng lính dõng để tập trung các đội quân cơ động đi đàn áp các đội nghĩa quân. Khi đại tá Joseph Gallieni đến Bắc Kỳ năm 1892 và chỉ huy một khu quân quản, ông ta cho áp dụng kinh nghiệm ở Bắc Phi, tổ chức nhiều mũi tiến công đối phương. Một mũi đánh chính diện và mũi thứ hai đánh bọc sườn. Nhưng việc phối hợp giữa các cánh quân không có liên lạc (hồi đó chưa có bộ đàm như bây giờ) giữa rừng núi địa hình hiểm trở làm cho việc phối hợp thời gian giữa các cánh quân rất khó khăn. Nghĩa quân thường cơ động rất nhanh khi họ thấy bị đánh bọc sườn.. Lúc đó thì lại phải truy kích và chiến thuật này trở nên kém hiệu quả. Ngoài ra, lính Lê dương trang bị nặng nề rất khó di chuyển.

  Đã có cố gắng giảm bớt khối lượng nhưng trang bị vẫn quá nhiều gồm một lều cá nhân, các trang bị hành quân đeo trên vai, 1 khẩu súng trường và 144 viên đạn. Kết quả là chỉ sau một vài ngày hành quân qua những cánh rừng già, những con sông chảy xiết, trèo lên tụt xuống những ngọn núi, ngủ vạ vật với quần áo ướt đẫm, những người này mệt nhoài ra và khi họ đã nằm xuống nghỉ thì không dậy dù cho có ai báo là nghĩa quân đến đánh. "Tớ kệ mẹ nó! ... Cho chúng nó chém đầu tớ đi ... Tối thiểu là chuyện này cũng kết thúc?" Đó là những câu trả lời của họ (32). Đầu tiên, đội hình hành quân phải dừng lại cho đến khi binh lính chịu tiếp tục hay được cu- li khiêng đi trên những chiếc cáng tre. Khi một lính Lê dương trong đơn vị của Carpeaux đổ gục xuống, người ta bật diêm dí vào chân anh này đến khí nó bị bỏng để làm cho anh ta gượng dậy mà không ăn thua. Cuối cùng phát hiện là anh ta đã chết (33). Rồi khi thấy tình trạng cứu chữa cho mỗi lính Lê dương sẽ làm chậm tốc độ hành quân, các sĩ quan bèn cho tước vũ khí và bỏ lại những lính Lê dương kiệt sức. Đại uý của Le Poer bảo người lính ốm khi anh ta không còn gượng nổi theo cuộc hành quân được nữa: "Bọn nó có thể tóm được cậu nhưng chúng không thể lấy được súng và đạn của cậu” (34). Không phải tự nhiên mà một số lính Lê dương, dù đã kiệt sức hoàn toàn, vì bản năng sinh tồn, doạ giết bất cứ ai lấy vũ khí của anh ta. Sĩ quan Lê dương Carpeaux nhớ lại: "Tôi phải thuyết phục. Tôi ngồi xuống bên cạnh người lính Lê dương suy sụp đáng thương kia. Thừa lúc anh ta sơ ý, tôi lấy vũ khí của anh ta đưa cho người khác và kẻ phải mang nó thì phát khùng lên" (35).

  Đến tối, viên hạ sĩ hay cho người quay lại tìm kiếm kẻ xấu số nhưng họ chẳng tìm được gì cả. Điều đáng sợ nữa là trong các cuộc hành quân mà lính Lê dương trang bị nhẹ, một chiếc bi đông, một túi dết và một ít đạn, không có xe tải nên nếu có ai bị ốm hay bị thương thì thật khủng khiếp. Bỏ họ lại đâu đó thì chắc chắn mất tích hay chỉ thấy thi hài của họ. Vậy là, nếu có ai ở trong tình trạng khốn cùng như vậy trong các cuộc hành quân trang bị nhẹ, lính Lê dương cho anh ta uống một chút, sau đó bảo: "Bây giờ là miếng cuối cùng của cậu”. Họ nhét mẩu gỗ vào mồm người lính Lê dương khốn khổ kia, sau đó bóp cò (36). Theo Carpeaux, 50 lính Lê dương bắt đầu hành quân thì khi đến mục tiêu đã định thì chỉ còn khoảng 10 người có thể chiến đấu.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #52 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2008, 06:45:50 pm »

  Khi thấy rõ rằng các cuộc càn quét nghĩa quân với đội hình lớn, nặng nề, kém cơ động sẽ không có hiệu quả với các đội nghĩa quân di chuyển rất nhanh, và sẽ dẫn đến tiêu hao nhất là với lính Lê dương, Pháp thay đổi chiến thuật cho đóng hàng loạt đồn bốt nhỏ khắp nơi, vừa để tạo những bàn đạp truy quét, vừa kìm kẹp nhân dân, triệt đường tiếp tế của nghĩa quân. Tuy nhiên, những đồn bốt lẻ và các đội quân nhỏ cũng dễ bị tập kích, phục kích. Nghĩa quân ẩn nấp trong dân và thậm chí trà trộn vào đồn Pháp để điều tra tình hình. Carpeaux, sau một trận tập kích của nghĩa quân, nhận ra thi hài 1 nghĩa quân chính là người vừa bán cho anh ta một con gà ở chợ làng hôm trước (37).

  Phong trào kháng chiến cứu nước của nhân dân ta do văn thân sĩ phu lãnh đạo dưới ngọn cờ Cần Vương của vua Hàm Nghi đã làm cho Pháp thiệt hại nặng và ghi một trang vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, do những hạn chế của mình và nhiều nguyên nhân, phong trào dần dần thất bại. Đến cuối năm 1897, về cơ bản Pháp đã đàn áp được phong trào Cần Vương kháng chiến của nhân dân ta, biến Việt Nam thành thuộc địa.

  Thời Pháp thuộc, nhân dân Việt Nam vô cùng đói khổ, phần lớn không có ruộng đất. Họ lĩnh canh nộp tô, cày thuê cuốc mướn, làm lụng vất vả quanh năm không đủ ăn, phương pháp canh tác lạc hậu, dụng cụ thô sơ, sức lao động đổ ra đến kiệt quệ, nón mê khố rách, kéo cày thay trâu. Không ít gia đình lầm vào cảnh bán vợ đợ con như nhà văn Ngô Tất Tố đã mô tả trong tiểu thuyết Tắt Đèn. Năm 1914, Đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ, Pháp bắt gần 10 vạn người Việt Nam, chủ yếu là nông dân, sang Pháp làm bia đỡ đạn. Người Việt Nam phải trả thứ thuế đặc biệt là "thuế máu”. Pháp còn đặt ra rất nhiều thứ thuế, bóc lột nhân dân Việt Nam đến tận xương tuỷ.
 
  Từ năm 1902 đến 1912, toà án Pháp đã kết án 25 nghìn người tội “nổi loạn chống lại Nhà nước Bảo hộ", mức án đủ loại, cầm cố, khổ sai, tù chung thân hay tử hình. Nhà tù Côn Đảo năm 1912 giam giữ 1200 tù chính trị.
 
  Trong thời gian này và đến khi Đại chiến thế giới thứ nhất nổ ra, các đơn vị Lê dương được rút dần. Năm 1920, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 1 bộ binh Lê dương rút, năm 1921 là tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 2 Lê dương. Năm 1926, tiếp tục tiểu đoàn 9 thuộc trung đoàn 1 Lê dương rút đi. Năm 1927. tiểu đoàn 7 thuộc trung đoàn 1 Lê dương và năm 1930 là tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 1 Lê dương rút. Tháng 9/1 930, 3 tiểu đoàn Lê dương còn lại được tổ chức lại thành trung đoàn 5 bộ binh Lê dương.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #53 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2008, 07:18:54 pm »

  Tuy bị bóc lột, kìm kẹp, đàn áp như vậy, nhân dân Việt Nam luôn luôn tìm cách đứng dậy tìm cách đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp. Từ những hành động chống Pháp của những ông vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân (đều bị Pháp bắt đi đày) những phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ Lương Văn Can, phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ, khởi nghĩa Thái Nguyên của Đội Cấn cho đến khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học v. v... đều biểu thị lòng yêu nước của nhân dân ta và làm cho thực dân Pháp lúng túng đối phó. Do sự khủng hoảng về đường lối cách mạng, những phong trào này đều thất bại. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước từ chủ nghĩa Mác - Lênin thì cách mạng Việt Nam mới thực sự đi đúng hướng. Ngày 3/2/1930, tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng), Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập đại biểu ba tổ chức cách mạng mới được thành lập là Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1925), An Nam Cộng sản đảng (11/1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn (1/1930) đến họp và hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay. Tháng 10/1930, luận cương chính trị của Đảng được thông qua và cũng tại Hương Cảng, Đảng đã bầu ra Tổng bí thư đầu tiên của mình là Trần Phú, người đã dự thảo Luận cương chính trị.

  Ngày 1/5/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lan ra rất nhanh, nhiều nơi nhân dân cướp chính quyền và ban bố các quyền tự do dân chủ. Thực dân Pháp đàn áp dã man quần chúng cách mạng. Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 5 Lê dương đóng tại Bắc Kỳ lúc đó được điều vào tham gia đàn áp, bắn giết nhân dân và những người cách mạng rất man rợ. Ngày 12/9/1930, khi quần chúng cách mạng kéo về Vinh biểu tình thực dân Pháp cho máy bay đến ném bom làm chết hàng trăm người. Ngày 5/10/1930, 1 đại đội Lê dương đã giết gần 100 người. Ngày 12/12/1930, 1 đại đội Lê dương gần Vinh đã giết 33 người, bắt 51 người. Vì những thành tích bắn giết như vậy, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 5 Lê dương đã được triều đình bù nhìn nhà Nguyễn tặng thưởng Long bội tinh An Nam và hơn 100 sĩ quan, binh lính của tiểu đoàn được tuyên dương (38). Cái thứ thành tích kiểu này đã làm nhân dân ta căm thù lính Lê dương đến tận xương tuỷ. Ngày 9/3/1931, tiểu đoàn 3 Lê dương tập hợp để tiến hành một cuộc diễu binh ở Vinh. Quần chúng nhân dân tụ tập bên đường. Khi lính Lê dương diễu qua, truyền đơn ném vào hàng ngũ và nhiều tiếng hét căm thù vang lên đòi giết viên tiểu đoàn trưởng Lê dương ác ôn. Phát rồ lên, viên thiếu tá tiểu đoàn trưởng Lambert ra lệnh cho 1 trung đội với súng cắm lưỡi lê xông vào đám đông bắt ngay 6 người rồi đem họ ra sắp hàng ngang trên cây cầu gần dinh Công sứ và xử bắn họ. Hai người trong số không may này cố nhảy xuống nước. Lính Lê dương bắn theo và họ đã chết dưới làn nước chảy (39).
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #54 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2008, 01:13:01 pm »

  Ngày 27/5/1931, trung sĩ Lê dương Perrier bị quần chúng cách mạng giết chết. Để trả thù, lính Lê dương ở đồn Nam Đàn lôi ngay vài người tù ra bắn. Người ta có tổ chức một "phiên toà" để xử 5 lính Lê dương tham gia vụ này. Các bị cáo cãi rằng họ đơn giản chỉ làm theo lệnh trên. Mà còn hơn thế nữa, "để tránh cho nhà tù quá đông, đêm nào người ta cũng giết tù nhân, thậm chí những người vô tội, kể cả những cu-li bị bắt đi phục dịch mà dám mở mồm đòi tiền công” (40). "Việc bắn giết xảy ra ở tất cả các đồn Lê dương, kể cả việc các sĩ quan thích thú việc cắt đầu người làm vui, thậm chí là chỉ bằng một con dao nhỏ" (41). Hơn nữa, nhiều lính Lê dương điều từ Morocco qua quen cái thói ở đó là bất cứ phần tử tình nghi nào đều bị xử bắn và ở đây cũng vậy. Một con số thống kê của Pháp đưa ra, trong thời gian diễn ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, khoảng 2 nghìn người bị giết và 4 nghìn người bị bắt giam và kết án (42). Có lẽ con số này còn dưới sự thật. Một nhân chứng viết ngày 15/3/1931 : "Việc hành xử của binh lính nói chung và lính Lê dương nói riêng là một sự tàn bạo ghê tởm. Một đám lính ô hợp, buông lỏng tất cả mọi thú tính, hoàn toàn mất kiểm soát, hiện giờ khủng bố cả đất nước. Tên thì cướp giật, tên thì hãm hiếp, tên thì kết án, tên hành hình trong khi tên khác hài lòng. Lính Lê dương xông vào nhà, cướp bất cứ thứ gì chúng thích, hãm hiếp đàn bà con gái. Không lý do, không bằng chứng, đàn ông, thanh niên bị bắt và bị bắn trong sự lạnh lùng, không qua xét xử. Đây thực sự là một đám cướp mặc quân phục được thả lỏng trên đất nước này. . . . Nếu bằng những biện pháp đó mà người ta dự định bình định đất nước này thì quả là sai lầm tệ hại" (43).

  Do sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, đến năm 1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh chấm dứt nhưng cuộc đấu tranh của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo không tàn lụi. Với phong trào đấu tranh vì dân chủ 1936-1939, lực lượng quần chúng cách mạng và hệ thống cơ sở của Đảng lại lớn mạnh, chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo của cách mạng Việt Nam.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #55 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2008, 03:25:25 pm »

III, Đêm kinh hoàng 9-3 - "Mẫu quốc” bị cưỡng bức,Lê dương thành con hoang

  Tháng 9/1939, Đại chiến thế giới thứ hai bắt đầu. Phát xít Đức tràn qua châu Âu. Ngày 10/5/1940, từ 4 giờ sáng, hàng nghìn máy bay Đức giội bom xuống các thành phố Bỉ, các sân bay Pháp. Các thành phố Bỉ bị huỷ diệt có hệ thống. Mười giờ sáng, toàn bộ Công quốc Lucxumberg bị chiếm đóng. Lính dù Đức nhảy như mưa xuống Hà Lan. Mặt trận phía Tây kéo dài ra hàng nghìn cây số. Liên tiếp hai ngày 11 và 12/5, không quân Đức trút bom xuống các căn cứ quân sự, các kho tàng, nhà máy, hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, cầu cống. Hậu phương bị cắt rời khỏi tiền phương. Ngày 13/5/1940, các sư đoàn xe tăng Đức nối đuôi nhau vượt qua dãy núi Ardennes hất lộn nhào các sư đoàn kỵ binh Pháp. Quân Đức tiến vào Sedan, vượt sông Meusse ở hai đoạn. Chiến luỹ Maginot của Pháp xây dựng kiên cố, tốn kém trở thành vô tác dụng. Trên cánh đồng Flandre, các sư đoàn dự bị thiện chiến bị bao vây và không quân Đức ném bom như giã gạo. Một đạo quân hùng mạnh bị ép sát phải dồn về Dunkerque và chỉ còn một con đường duy nhất là trốn xuống biển Manche. Nó được các tàu Anh cứu thoát sau này trở thành lực lượng của tướng Đờ Gôn, trong số đó có bán lữ đoàn Lê dương 13, đơn vị Lê dương duy nhất tham gia chiến đấu chống phát xít bên cạnh các lực lượng Đồng minh. Chính phủ Hà Lan tuyên bố đầu hàng. Nước Bỉ bị chiếm đóng hoàn toàn.

  Trước thảm bại của quân đội ngoài mặt trận, Chính phủ Pháp hoảng loạn.

  Ngày 14/6/1940, Paris tuyên bố là thành phố bỏ ngỏ. Chính phủ Pháp chạy về miền Nam rồi đóng ở Vichy.

  Ngày 20/6/1940, Pháp tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
 
  Ngày 22/6, hiệp ước đình chiến được ký kết trên chính toa xe lửa mà năm xưa Pháp đã bắt Đức phải ký đầu hàng trong Đại chiến thế giới thứ nhất.
 

Thống chế Pétain và Adolf Hitler trong lễ ký hiệp ước đình chiến

  Ngày 25/6, đình chiến có hiệu lực, Pháp chính thức mất nước.

  Sự kiện này khác nào tiếng sét nổ giữa trời quang. Chính quyền thuộc địa ở Đông Dương cực kỳ lo sợ. Trong sự lựa chọn hệ trọng giữa việc tuân lệnh chính phủ Vichy đầu hàng phát xít và theo chính phủ kháng chiến của tướng Đờ Gôn chiến đấu cùng phe Đồng minh, tâm lý chung của giới cầm quyền thực dân ở Đông Dương là muốn chủ hoà, nhượng bộ, thực chất là đầu hàng phát xít. Về phía Nhật, âm mưu bành trướng xuống Đông Nam Á đã có từ lâu vì Nhật rất thèm muốn những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như lúa gạo ở Đông Dương, cao su ở Mã Lai, dầu mỏ ở Indonesia v.v. . . để lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, thực hiện giấc mộng "Đại Đông Á" của mình. Vào năm 1940, chiến tranh Trung-Nhật đang sa lầy, quân Nhật không tiến lên được. Vũ khí Mỹ viện trợ cho Tưởng Giới Thạch qua nhiều đường đưa vào Trung Quốc mà một trong những con đường thuận tiện nhất là qua miền Bắc Việt Nam. Vin vào cớ này, Nhật gửi tối hậu thư đòi Pháp phải chấm dứt việc vận chuyển vũ khí cho Tưởng và phải cho Nhật đặt kiểm soát việc này. Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Catroux đã chấp nhận yêu sách của Nhật. Vì việc này, ông ta bị cách chức, Decoux sang thay nhưng cũng chẳng làm được gì hơn. Nhật liên tiếp gây sức ép với chính phủ Pháp Vichy, buộc Pháp phải để cho quân Nhật tiến vào  Việt Nam. Để "dằn mặt" Pháp, quân Nhật tấn công Lạng Sơn.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #56 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2008, 04:17:42 pm »

  Có lẽ cũng nên điểm qua tình hình quân đội Pháp ở Đông Dương thời gian này. Sau khi đã thôn tính Đông Dương, Pháp cho là mình đã vững chân đứng ở đây. Đại chiến thế giới thứ nhất kết thúc, Pháp là nước thắng trận nên càng chủ quan, coi phòng thủ Đông Dương chỉ là phòng thủ nội địa, đàn áp các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân ba nước Đông Dương mà thôi.

  Trong những năm 1930, quân đội Pháp đã tỏ ra lạc hậu so với nhiều cường quốc cùng thời về vũ khí trang bị cũng như áp dụng các lý thuyết chiến tranh hiện đại. Chính quốc đã vậy, quân Pháp ở Đông Dương còn thê thảm hơn nữa. Lục quân Pháp ở Đông Dương có khoảng 90 nghìn quân, trong đó 14,5 nghìn là lính Âu. Nòng cốt của lực lượng này là các trung đoàn 9 và 11 bộ binh thuộc địa và trung đoàn 5 bộ binh Lê dương (có 3 tiểu đoàn). Súng trường, súng máy trang bị thì mẫu mã từ thời ...Đại chiến thế giới thứ nhất. Đại bác thiếu, lại ít đạn. Mỗi khẩu pháo 75mm chỉ có 80 viên đạn để đã lâu ngày không được thay thế, quả nổ quả không. Thiết giáp thì chỉ có vài chiếc xe tăng Rơ-nôn và mấy chiếc xe bọc thép bánh hơi loại cổ lỗ sĩ, già nua, không có phụ tùng thay thế. Các phương tiện thông tin liên lạc vừa lạc hậu vừa thiếu.

 

Tăng hạng nhẹ Renault

  Không quân chỉ có 20 máy bay chiến đấu Morane 406, trang bị 3 tiểu pháo 20mm, tốc độ 450km/giờ, 4 máy bay ném bom Farman 221 ném bom, tốc độ 200km/giờ; 6 máy bay trinh sát Potez 543 tốc độ 200km/giờ, 40 máy bay Potez 25 tốc độ 100km/giờ, 10 thuỷ phỉ cơ Loire, 6 máy bay cứu thương P29. Đây toàn là những máy bay đã quá cũ kỹ, bay chậm như rùa bò.
 
  Hải quân chỉ có 1 tuần dương hạm và 4 tàu hộ tống. Tuần dương hạm Lamotte-Picquet là kỳ hạm, hạ thuỷ năm 1926, trang bị 8 đại bác 155mm. Hai tàu hộ tống La Marue và La Talure là các tàu chiến nhỏ 575 và 660 tấn , hạ thuỷ từ năm 1916 và 1919. Hai chiếc Dumont D'urville và Đô đốc Chamer, mỗi chiếc 2 nghìn tấn, hạ thuỷ năm 1932 và 1933 (44). Lực lượng hải quân này phải trấn giữ một bờ biển dài mấy nghìn cây số thì chẳng qua chỉ như muối bỏ bể mà thôi.[/i]
 
  Trên tất cả là sự xơ cứng trong kiêu ngạo và kinh nghiệm đàn áp những người dân tay không tấc sắt của những người chỉ huy Pháp ở Đông Dương thì làm sao đối chọi nổi quân Nhật thiện chiến lại dày dạn kinh nghiệm trên chiến trường Trung Quốc trong bao năm qua.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #57 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2008, 08:33:01 pm »

  Xin quay trở lại cuộc tấn công Lạng Sơn của Nhật. Đêm 21 rạng ngày 22/9, quân Nhật tập trung khoảng 1 sư đoàn ở Mục Nam Quan. Chiều ngày 22/9, quân báo Pháp báo cáo Nhật tập trung đông quân, đến 23 giờ thì đồn Đồng Đăng báo cáo lính Nhật xuất hiện. Ngay trong đêm 22/9, quân Nhật có xe tăng yểm trợ tấn công đồn Đồng Đăng. Pháo đài này có 32 ụ súng máy và được coi là đồn kiên cố nhất trong hệ thống phòng thủ biên giới của Pháp ở Đông Dương. Quân Pháp cố kháng cự nhưng pháo đài vẫn mất về tay Nhật.

  Sáng ngày 23/9, một máy bay Potez 25 của Pháp bay lên Đồng Đăng. Phi công thấy rất đông quân Nhật hành quân từ Mục Nam Quan xuống, cờ Nhật bay phấp phới trên pháo đài Đồng Đăng. Lúc đó, 3 máy bay tiêm kích Nhật lao đến và chiếc máy bay già nua của Pháp cố sống cố chết bay là sát các ngọn cây về đến sân bay. Viên phi công vừa rời khỏi máy bay thì chiếc máy bay xấu số cùng 3 chiếc khác bị bắn nổ tan tành. Tin dữ được báo về, bộ chỉ huy Pháp điều một tiểu đoàn lính Nùng từ Khánh Khê đánh bọc sườn quân Nhật rồi từ Đồng Đăng tiến về Lạng Sơn. Từ Lạng Sơn, 1 tiểu đoàn khác tiến lên tiếp ứng. Trong ngày 23/9, tiểu đoàn Nùng có 700 quân đến Điềm He thì vấp phải 6 nghìn quân Nhật có xe tăng yểm hộ đang tiến đến nhằm chiếm chính con đường này để cắt đứt liên lạc giữa Lạng Sơn với Đồng Mỏ và Hà Nội. Tiểu đoàn Nùng bị đánh tan tác những người sống sót bỏ trốn về với gia đình.

  Trong thành Lạng Sơn lúc này có tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 5 bộ binh Lê dương, 1 đại đội lính Bắc Kỳ, 3 khẩu pháo 75mm và 1 khẩu pháo 155mm. Thành nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, có một cây cầu nhỏ nối sang thị trấn Kỳ Lừa. Chỉ huy quân Pháp ở Lạng Sơn là tướng Meunerat điện về Hà Nội xin rút bỏ Lạng Sơn về Đồng Mỏ vì Lạng Sơn là một thung lũng có 3 đường đi đến, rất dễ bị bao vây. Tướng Martin cho phép rút sang Kỳ Lừa cố thủ. Chiều tối ngày 24/9, cuộc lui quân bắt đầu. Khẩu pháo 155mm quá nặng phải phá huỷ. Bộ binh qua sông trước rồi đến các khẩu pháo 75mm. Do hoảng loạn, những người đi sau tưởng những người sang trước là quân Nhật nên nổ súng. Bên kia bắn trả lại. Mọi thứ rối tung lên và mọi người lại xô nhau quay trở lại thành Lạng Sơn.
 
  Ngày 25/9, thấy không thể kháng cự lại quân Nhật, tướng Meunerat điện cho Hà Nội xin được đầu hàng. Tướng Martin ủ rũ vào báo cáo toàn quyền Decoux xin ý kiến. Decoux uỷ nhiệm cho ông ta toàn quyền quyết định và Martin đã ra lệnh cho Lạng Sơn đầu hàng. Lúc 10 giờ 40 cùng ngày, Lạng Sơn treo cờ trắng. Quân Nhật ùn ùn kéo về phía  Nam (45).

  Quân Nhật bắt được 2500 quân Pháp làm tù binh kể cả tướng Meunerat. Tại các đồn khác có 150 người chết trong đó có 15 sĩ quan. Trong trận Lạng  Sơn, một chi tiết đáng chú ý là lần đầu tiên trong lịch sử đạo quân Lê dương, 1 tiểu đoàn hạ vũ khí đầu hàng quân địch mà không bắn một phát súng nào. Quân Nhật tách riêng 179 lính Lê dương người Đức và Áo ra, khuyên họ nên trở về bướ để tham gia chiến đấu nhưng những người này từ chối, muốn ở lại trong quân đội Pháp. Đồng Mỏ vẫn ngyên vẹn nhưng quân Nhật chiếm đường bộ và đường xe lửa và tiếp tục tiến về xuôi.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười, 2008, 05:03:23 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #58 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2008, 05:05:59 pm »

  Rạng ngày 26/9, quân Nhật đổ bộ lên bãi biển Đồ Sơn và tiến về Hải Phòng cùng xe tăng, máy bay yểm trợ. Hạm đội Nhật ngoài khơi, chĩa hết đại bác vào bờ để thị uy. Người Pháp hốt hoảng, cho phái viên ra báo với tiền quân Nhật rằng Hải Phòng là thành phố bỏ ngỏ. Thế là quân Nhật, hàng ngũ chỉnh tề, sát khí đằng đằng tiến vào thành phố như đi diễu binh.

  Mọi việc đã xong xuôi. Nhật cho tuyên bố một cách bịp bợm rằng trận Lạng Sơn chỉ là hiểu lầm, Hiệp định Vichy-Tokyo đã ký rồi, chỉ vì Đông Dương xa xôi cách trở nên không báo kịp đấy thôi và ngày 15/10 Nhật trao trả tù binh cho Pháp.

  Sau trận "dằn mặt" Lạng Sơn, bề ngoài thì Nhật vẫn "tôn trọng” chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Bộ máy cai trị và các lực lượng quân đội Pháp vẫn còn nguyên nhưng trên thực tế đã thực hiện công việc ổn định hậu phương cho quân Nhật rảnh tay tác chiến ử Đông Nam Á. Nhật đóng quân ở các nơi trọng yếu và sử dụng các căn cứ không quân, hải quân ở Tân Sơn Nhất và Cam Ranh. Bộ tư lệnh Đạo quân Phương Nam do thống chế Bá tước Terauchi chỉ huy đặt hành dinh tại Sài Gòn và từ đây chỉ huy khắp chiến trường Đông Nam Á sang đến tận Miến Điện. Chính các máy bay của không đoàn không quân Nhật tại Tân Sơn Nhất đã đánh chìm 2 tàu chiến tối tân nhất, niềm tự hào của hải quân Anh lúc bấy giờ là thiết giáp hạm Hoàng tử xứ Wales và tuần dương hạm Repulse, tiền đề dẫn đến sự thảm bại của Anh trên chiến trường Mã Lai và Singapore trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương trong Đại chiến thế giới thứ hai. Để bào chữa cho sự đầu hàng của mình, toàn quyền Decoux biện bạch: "Biến động Lạng Sơn có cái tốt của nó là đã chứng minh cho người Pháp thấy nếu không muốn mất Đông Dương một cách không thể cứu vãn được nữa thì tốt hơn hết là không nên tái diễn lại một lần nữa một cuộc thử thách chống quân đội Nhật Bản như vậy” (46).


Đội quân xe đạp của Nhật tiến vào Sài Gòn.

  Với quan điểm "đã yếu đừng ra gió" nên chính quyền Pháp ở Đông Dương đã cúc cung phục vụ quân Nhật, cung cấp cho chứng một khối lượng vật chất khổng lồ để phục vụ chiến tranh. Từ năm 1941 đến 1944, gạo đưa sang Nhật là 3,6 triệu tấn. Tiền cung cấp cho Nhật để trang trải chi phí cho quân Nhật ở Đông Dương là 1 tỷ 445 triệu đồng Đông Dương bằng 14 tỷ 450 triệu phrăng Pháp (47).
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #59 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2008, 05:07:25 pm »

  Suốt 4 năm dưới ách chiếm đóng của Nhật, chính quyền thuộc địa đã nhượng bộ tất cả để tránh cho quân Nhật cái cớ dùng vũ lực, hòng mong giữ được cái "chủ quyền" mong manh này, chờ thời cơ. Tuy nhiên, đến năm 1945 thì thế thua của Nhật đã khá rõ ràng. Quân Đồng minh đã đưa chiến tranh vào sát đến đất Nhật. Bên chiến trường châu Âu, Hồng quân Liên Xô cũng đang tiến sát đến Berlin, sào huyệt của phát xít Đức. Lực lượng Pháp tự do cùng quân Đồng minh đã giải phóng nước Pháp. Nhật không muốn hậu phương của mình ở Đông Dương trở nên bất ổn định vì người Pháp có thể "trở cờ” ngả theo quân Đồng minh thọc dao vào sau lưng. Thực tế thì phe Đờ Gôn đã có tổ chức một số hoạt động tình báo và biệt kích tại Đông Dương nhằm chuẩn bị cho việc quay trở lại và ở Đông Dương cũng có một số người Pháp không chịu đầu hàng, thực hiện một số hoạt động chiến đấu tự phát chống lại quân Nhật. Vì vậy Nhật chủ trương đảo chính, hất cẳng Pháp tại Đông Dương.
 
  Một số ngày trước khi xảy ra sự kiện, nhiều nguồn tin của Pháp phán đoán Nhật sẽ hành động trước ngày 10/3/1945. Thậm chí, lúc 11 giờ ngày 9/3/1945, Thống sứ Bắc Kỳ đích thân sang gặp tướng Mordant báo là ông ta tin chắc đòn bạo lực sắp nổ ra. Thế nhưng, phía quân sự rất chủ quan vì theo họ, tình hình rất yên tâm, không có gì đặc biệt cả. Đến mức mà trong ngày, tướng Mordant cho giải toả một phần lệnh cấm trại và cho phép một phần sĩ quan, binh lính được phép về nhà hoặc ra phố chơi.
 
  Về tương quan lực lượng đêm hôm đó thì quân số hai bên khoảng 60 nghìn quân, coi như ngang bằng nhưng chất lượng thì chênh lệch quá xa. Quân Pháp, nòng cốt là các trung đoàn 9 và 11 bộ binh thuộc địa và trung đoàn 5 bộ binh Lê dương. Quân Nhật gồm quân đoàn 38 và một số đơn vị khác đang từ biên giới xuống. Quân Nhật dày dạn, thiện chiến. Quân Pháp thì tâm lý chán chường, trì trệ, vũ khí lạc hậu. Vì vậy, chỉ trong 1 đêm, khi quân Nhật khởi sự Pháp hoàn toàn bị động. Nhiều sĩ quan, binh lính bị quân Nhật bắt tại nhà riêng hay đang đi chơi phố. Tại một số nơi như Lạng Sơn, quân Nhật bày trò mời các sĩ quan Pháp đến ăn tiệc rồi bất ngờ đánh úp. Trên toàn cõi Đông Dương, tại phần lớn các nơi, quân Pháp chỉ chống cự được 1 đêm. Chỉ có pháo đài Đồng Đăng chống cự được lâu nhất, 3 ngày, nhưng ở đây lại chẳng có một lính Lê dương nào. Một toán lính Lê dương ở Lạng Sơn bị đem ra xử bắn bằng súng máy. Trước khi chết, họ hô to "Nước Pháp muôn năm". Những hoạt động kháng cự có tổ chức của lính Lê dương trong cuộc đảo chính này xảy ra ở Hà Giang.
 
  Ngày 8/3, Sawano, chỉ huy quân Nhật ở Hà Giang gửi giấy mời toàn thể ban tham mưu Pháp ở Hà Giang đến dự tiệc. Chỉ huy quân Pháp ở Hà Giang, thiếu tá Moullet, đoán được âm mưu của Sawano nên tương kế tựu kế cũng gửi giấy mời các sĩ quan Nhật đến dự tiệc tại tư thất. Phía Nhật nhận lời.

  Thiếu tá Moullet ra lệnh cho 7 sĩ quan tham mưu đến dự tiệc phải bí mật mang vũ khí. Ông cho dàn 1 đội lính Lê dương danh dự đón khách với súng có lắp đạn và báo động toàn thể quân lính dưới quyền.
 
  Lúc 19 giờ, ngày 9/3, thiếu tá Sawano và 7 sĩ quan Nhật đến dự tiệc. Trong số này có 5 võ sĩ cải trang. Bữa tiệc bắt đầu. Hai bên hỉ hả chúc rượu lẫn nhau. Vài sĩ quan Nhật rống lên những bài hát Nhật. Sawano giả vờ say, cáo lỗi xin ra về trước. Moullet tiễn hắn ra đến cửa thì đúng lúc ñoù, như đã có hiệu lệnh từ trước, điện tắt, cả thị xã chìm vào bóng tối.
 
  Trong phòng tiệc, các võ sĩ Nhật rút đoản kiếm ra xông vào các sĩ quan Pháp. Đại uý Jolly bị giết ngay. Đại uý Van den Akker bị thương, 3 sĩ quan khác bị bắt sống. Chỉ có thiếu tá Moullet và 1 trung uý chạy ra được, lên cố thủ trên một gác để đồ trong tư thất. Hàng trăm lính Nhật mai phục sẵn trong thị xã xông ra bắn loạn xạ. Quân Pháp kháng cự dũng cảm trong pháo đài Billote do đại uý Jean Cenelle chỉ huy và trong các doanh trại. Đến rạng ngày 10/3 thì chỉ còn lại pháo đài và gác để đồ trong tư thất Moulle, các nơi khác bị chiếm hết. Sawano đe doạ nếu không hàng sẽ giết hết những người bị bắt. Thiếu tá Moullet ra hàng sau cùng. Sawano ra lệnh giết sạch 80 tù binh Lê dương mà Nhật bắt được kể cả Moullet và thả hết số lính Đông Dương còn lại.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM