Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 03:18:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.  (Đọc 79606 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2008, 06:50:51 pm »

VI, Madagascar 1895, lưỡi lê lập nên nền bảo hộ

  Sau khi hoàn thành chiến dịch đánh chiếm Dahomey, Pháp nghĩ ngay đến việc đánh chiếm Madagascar. Lợi dụng mâu thuẫn giữa hai bộ tộc lớn trên đảo là Hova và Malagasy, năm 1894, Pháp đề nghị thiết lập quyền "bảo hộ" trên phần đất của người Malagasy. Bộ tộc Hova từ chối kiểu "đề nghị" này và Hội đồng bộ trưởng Pháp đã lập tức chuẩn bị kế hoạch xâm lược Madagascar. Tháng 11/1894, chủ trương chính thức là "Madagascar phải bị buộc chấp nhận sự bảo hộ của Pháp dưới lưỡi lê" (9).

 

  Việc chuẩn bị gặp nhiêu trở ngại vì Pháp phải chuyển quân lớn bằng đường biển. Họ dự kiến đổ bộ lên Majunga ở bờ Tây đảo, sau đó hành quân đánh chiếm Tananarive là thủ phủ nằm bên bờ Đông đảo. Nhưng, thế có nghĩa là sẽ phải hành quân 160 dặm xuyên qua rừng rậm và cần có rất nhiều cu-li để vận chuyển đạn dược, lương thực và quân trang quân dụng. Quân Pháp cho bắt người Algeria và người Somalia làm cu-li và còn định đưa cả người Việt Nam (lúc này đã Việt Nam bị Pháp chiếm) sang nữa nhưng ý định này không thành. Cuối cùng, 7715 cu-li đã được tập hợp để "khuân đồ" cho đạo quân viễn chinh gồm 658 sĩ quan và 14.773 lính. Tham gia đạo quân này có 800 lính Lê dương rút ra từ hai trung đoàn và được tổ chức thành 1 tiểu đoàn hành quân. Cuộc viễn chinh bắt đầu tháng 1/1895 và đến tháng 4, quân Pháp đổ bộ ở Majunga. Quân Hova có tổ chức một số trận đánh nhưng quân Pháp đánh lui họ khá dễ dàng vì quân Hova chỉ có tổng số khoảng 10 nghìn, vũ khí thô sơ không thể chống lại đại bác Pháp. Không khí lạc quan bao trùm và quân Pháp bắt đầu hành quân sâu vào nội địa.

  Mỗi ngày trôi qua, lính Pháp bắt đầu hành quân lúc 6 giờ sáng với trang bị hành quân và khẩu súng trường kiểu 1895. Họ tiến theo con đường dọc sông Betsiboka và sông Ikopa. Nghỉ giải lúc 10 giờ và sau đó tiếp tục hành quân đến 5 giờ 30 chiều. Tuy nhiên, chặng đường hành quân càng dài thì tiếp tế càng khó khăn. Bệnh tật hoành hành và số người chết ngày càng nhiều. Tinh thần mệt mỏi. Trung uý Lê dương Langlois viết: "Nhiều người đang hấp hối tại Tsarasotra. Suốt ngày, người của chứng tôi phải làm các cây thập ác, đào mộ và mỗi buổi tối lại diễn ra tang lễ với hình thức y hệt nhau (10). Nhật ký của lính Lê dương Lentonnet ngày 15/6 ghi: "Chúng tôi không thể đếm được số nạn nhân nữa. Và vì sao?. . .  Bất cứ ai đưa họ đến Madagascar là tên giết người thực sự. Nghĩa địa đầy ứ” (11)

  Đến tháng 8 thì tổn thất lên đến mức không chịu nổi. Các trại lính Pháp dọc sông Betsicoba và Ikopa được bao quanh cả một rừng thập ác của các nấm mộ. Binh lính kiệt sức vì sốt rét, theo Trung uý Lê dương Langlois, đến mức không còn đủ sức đi vệ sinh. Đến cuối tháng 8, cũng theo trung uý Langlois, các đại đội Lê dương, bình thường có quân số 200 người, đã giảm xuống chỉ còn 70-75 người. Tất cả các đơn vị đã biến mất. (12). Ngày 1/9, trong số 800 lính Lê dương còn 450 người có thể chiến đấu. Các đơn vị khác còn tồi tệ hơn. Trung đoàn 200 bộ binh gần như mất sức chiến đấu hoàn toàn. Tướng Duchesne, tư lệnh chiến dịch, một lần thấy 3 sĩ quan dẫn theo 10 lính công binh trở về trại sau ngày làm việc, ông ta hét toáng lên "Nhiều sĩ quan mà ít lính quá". Sự thực, đó là tất cả những gì còn lại của đại đội công binh. Trong số 150 lính xung kích châu Phi chỉ còn lại 20 người. Trung đoàn 13 thuỷ quân lục chiến có 2400 quân khi họ đổ bộ lên Majunga hồi tháng 3, giờ chỉ còn 1500 người.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2008, 09:56:47 am »

  Phải đến tháng 9, con đường đến Andriba do công binh Pháp xây dựng suốt mấy tháng mới hoàn thành. Quân Pháp nhận được 350 tấn tiếp tế và 150 lính Lê dương tăng viện. Tướng Duchesne cho lập một đơn vị trang bị nhẹ gồm 1500 lính, trong đó có 1 tiểu đoàn Lê dương. Đơn vị này sẽ tiến nhanh phía trước để làm lực lượng xung kích.

  Ngày 14/9, đạo quân này khởi hành. Trung đoàn Algeria gồm 2 tiểu đoàn Algeria và 1 tiểu đoàn Lê dương là một cụm. Cụm thứ hai trung đoàn hỗn hợp có 1 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến và 1 số đơn vị lính Senegal và lính Malagasy. Làm hậu bị có trung đoàn 200 bộ binh và các đơn vị thủy quân lục chiến, lính Phi hộ tống đoàn xe tải. Toàn bộ đạo quân viễn chinh lúc này có 237 sĩ quan, 4013 lính, 1515 phu đánh xe và 2809 con la kéo đến thủ đô Tananarive của Madagascar. Một vài người bi quan thì gọi đây là "cuộc tự sát của tướng Duchesne" nhưng lính Lê dương của trung uý Langlois thì đã "mơ thấy sự giàu có của kinh đô" (13).

  Trên đường đi, quân Hova tổ chức đánh chặn hai lần nhưng vũ khí thô sơ, lại u mê lạc hậu nên họ khiếp sợ trước vũ khí Pháp, chạy tán loạn vào rừng. Ngày 26/9, sau khi trèo qua ngọn núi Alakamisy, quân Pháp đã nhìn thấy kinh đô cách chừng 15 dặm. Ngày 28/9, lính Lê dương tiến vào Tananarive, quân Hova chỉ kháng cự yếu ớt. Quân Pháp cho nã đại bác vào kinh thành và hoàng cung. Triều đình Hova đầu hàng. Chiến dịch Madagascar kết thúc với tổn thất trong chiến đấu rất nhẹ nhưng số bị chết vì bệnh tật lại không nhỏ chút nào. Tổng cộng 4614 lính chết, gần 1/3 số quân tham gia chiến dịch. Ngoài ra số dân phu người Algeria chết là 1143 người. Xem ra cái giá phải trả của sự xâm lược không rẻ nhưng suy cho cùng, cũng chỉ binh lính chết mà thôi.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2008, 04:53:08 pm »

VII, Đại chiến thế giới thứ nhất 1914-1918, khi Thống chế Patain còn là niềm kiêu hãnh

  Năm 1914, Đạo quân Lê dương Pháp gồm hai trung đoàn 1 và 2 đóng tại Sidi bel Abbes và Saida, Algeria (6 tiểu đoàn). Tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 1 Lê dương và tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 2 Lê dương được điều sang đóng tại Đông Dương. Mỗi tiểu đoàn khoảng 1 nghìn quân gồm 4 đại đội bộ binh và trong một số trường hợp được tăng cường 1- 2 đại đội sơn chiến. Trong những năm đầu thế kỷ 20, quân Pháp phải lo bình định miền Nam Algeria và Morocco (Ma-rốc). Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược với 2 mũi tiến công từ bờ Đại Tây Dương và từ Algeria, Pháp đã mở rộng được vùng kiểm soát quân sự tại Morocco và ủng hộ một Hoàng đế gần như bù nhìn. Những chiến dịch này đã dẫn đến sự kiện Pháp tuyên bố nền "bảo hộ" với Morocco tháng 3/1912 do tướng Lyautey làm Toàn quyền. Nhân dân Morocco tiếp tục kháng chiến nhưng đến tháng 5/1914 thì Pháp cũng khống chế được hành lang phía Bắc từ Casablanca qua Fez, Taza, Oujda biên giới Algeria và một số cứ điểm chiến lược phía Nam.

  Khi Đại chiến thế giới thứ nhất nổ ra năm 1914, Đạo quân Lê dương có 4 tiểu đoàn ở Algeria, 3 tiểu đoàn ở Bắc Kỳ, Đông Dương và 5 tiểu đoàn ở Morocco. Các tiểu đoàn ở Algeria phải gửi một nửa quân số của mình sang Pháp để làm nòng cốt thành lập các đơn vị mới.


Foreign Legion tại Algeria năm 1914

  Ngày 1/8/1914, lệnh tổng động viên được ban hành và kết quả là thành lập thêm được các trung đoàn hành quân 2, 3 và 4 thuộc trung đoàn 1 Lê dương và trung đoàn hành quân 2 thuộc trung đoàn 2 Lê dương.
 
  Những người ltalia sống trên đất Pháp lấy ý tưởng từ Binh đoàn Garibaldi của những người tình nguyện ltalia sang chiến đấu cho Pháp năm 1870 (số người ltalia đăng ký gia nhập lính Lê dương được gần 5 nghìn) để thành lập 1 trung đoàn hành quân. Trung đoàn này đã chiến đấu tại Argonne tháng 1 2/1914 và 1/1915. Có thể kể thêm 4000 người Nga, 4000 người Do Thái ra nhập lính Lê dương.
 
  Đầu năm 1915, thành lập tiểu đoàn Lê dương gồm 928 lính Hy Lạp, tiểu đoàn gồm 948 lính Montenegro v.v...và thậm chí có cả một phân đội Lê dương người Nhật gồm 53 lính. Trong suốt cuộc Đại chiến, 42883 người nước ngoài đã đăng ký vào Đạo quân Lê dương. Theo một số tư liệu trong nhật ký hành quân Pháp thì số lính Lê dương năm 1913 là 10521 người; 17147 năm 1914 và 21887 năm 1915.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2008, 06:50:38 pm »

  Đơn vị Lê dương tham chiến đầu tiên là trung đoàn hành quân 4 thuộc trung đoàn 1 Lê dương gồm toàn người Italia (Lữ đoàn Garibaldi) có 3 tiểu đoàn. Ba giờ sáng ngày 26/12/1914, trung đoàn được đánh thức và mọi người nhận phần lương khô. Đêm trong nhưng khá lạnh và trung đoàn đến điểm tập kết tại Bois de Bolante, Argonne. Pháo sáng từ các vị trí Đức bắn lên tạo ra những cái bóng chập chờn và tiếng đại bác từ xa vọng về. Một lúc sau, những vệt lửa loé lên từ những ngọn đồi gần đó và tiếng đạn pháo nổ rền, khói bụi trùm lên những lính Lê dương người Italia. Ba lô được vứt bỏ. Binh lính nhảy xuống những tuyến hào tiền duyên, sĩ quan lớn tiếng hô hào mọi người hãy nêu cao danh dự của người Italia, trong khi đó đạn pháo Đức bắt đầu nổ xung quanh họ.

  Khi pháo binh Pháp ngừng bắn, tiếng kèn đồng lanh lảnh vang lên cùng với tiếng reo hò "Tiến lên, tiến lên. Italia muôn năm! Italia! Italia!" bằng tiếng Itaha lẫn với tiếng Pháp "Nước Cộng hoà muôn năm! Nước Pháp muôn năm!". Lính Lê dương giúp nhau trèo lên khỏi hào và chạy về phía phòng tuyến Đức Mọi thứ dường như biến mất mà chỉ còn những cột khói bụi. Chẳng bao lâu, cất lên những tiếng rên rỉ của người bị thương và tiếng kèn đồng tắt lịm vì một viên đạn Đức chui qua loa kèn xuyên thủng họng người lính. Những người đầu tiên đã tiến đến hàng rào dây thép gai Đức và nhận ra rằng pháo Pháp không phá huỷ được chúng. Hàng rào thép gai đã chặn đứng những người còn lại của đợt tiến công thứ nhất. Các đợt tiến công thứ hai và ba vượt qua màn khói bụi, hàng rào thép gai và chiến hào Đức. Vài lính Đức rút lui về phía sau và lính Lê dương tiêu diệt những người còn lại. Hoả lực Đức dường như yếu đi khi đợt tiến công thứ 7 đến nơi. Mọi người bận rộn chuẩn bị chống trả cuộc phản công của quân Đức, thu thập những người bị thương và đi tìm lại những ba lô đã bị vứt bỏ khi pháo Đức bắn trùm lên họ. Một tiếng đồng hồ sau, lính Lê dương được lệnh quay trở lại vị trí xuất phát.
 
  Trung đoàn Garibaldi tham gia chiến đấu lần thứ hai tại Maison-Forestiere, cánh rừng Bollante đêm Giáng sinh và tại Four-de-Paris và Courtes- Chausses ngày 5/1/1915 hỗ trợ sư đoàn 10 bộ binh thuộc địa. Hai tiểu đoàn tiến công phòng tuyến Đức sau khi cho nổ 8 quả mìn trong vị trí địch. Trung đoàn chiếm được 2 tuyến hào và bắt được một số tù binh. Tổn thất của trung đoàn trong hai tháng 1- 2/1915 là 429 người. Ngày 5/3/1915, trung đoàn giải thể theo yêu cầu của Italia và phần lớn binh sĩ trung đoàn ra nhập quân đội Italia.

  Trung đoàn hành quân 2 thuộc trung đoàn 1 Lê dương thành lập tháng 11/1914 gồm 4 tiểu đoàn, đóng tại khu Prunay, Champagne. Tháng 5/1915, trung đoàn tham gia chiến dịch Artois cùng sư đoàn Ma-rốc gần Neuville-Saint-Vaast nhằm đánh chiếm Ouvrages và đồi 140. Cuộc tấn công bắt đầu bằng các đội đặc biệt trang bị lựu đạn, kéo cắt dây thép gai, pháo hiệu và vải trắng làm dấu hiệu cho các tiền sát viên pháo binh. Trung đoàn tiến được 3 nghìn mét dưới hoả lực mạnh của quân Đức. Các mục tiêu chiếm được nhưng trung đoàn tổn thất 1900 người trong tổng số 4000. Sau đó, quân Đức phản công chiếm lại các mục tiêu. Ngày 16-17/6/1915, hai tiểu đoàn của trung đoàn tấn công đồi 119 gần Souchez, chiếm được mục tiêu nhưng bị quân Đức phản kích chiếm lại tổn thất 650 người.

  Trung đoàn hành quân 3 thuộc trung đoàn 1 Lê dương đóng tại mặt trận Somme tháng 12/1914, lên tuyến đầu gần Frise. Tháng 3/1915, trung đoàn còn 2 tiểu đoàn do nhiều lính Lê dương quay về quân đội của nước họ. Tháng 7/1915, trung đoàn giải thể, những người còn lại tăng cường cho trung đoàn hành quân 2 thuộc trung đoàn 1 Lê dương.


Một đơn vị Lê dương người Nga.

  Trung đoàn hành quân 2 thuộc trung đoàn 2 Lê dương gồm 4 tiểu đoàn. Tháng 12/1914, trung đoàn ra mặt trận cùng sư đoàn 36 giữ Craonne. Tháng 5/1915 trung đoàn chuyển đến Rheims. Tháng 7, trung đoàn nghỉ tại Vosges, một tiểu đoàn giải thể và các lính Lê dương người Nga, Bỉ và Italia chuyển về các đơn vị quân đội nước mình. Sau đó, trung đoàn nhập vào với trung đoàn hành quân 2 thuộc trung đoàn 1 Lê dương thuộc sư đoàn Ma-rốc tại Champagn.

  Ngày 25/9/1915, trung đoàn tăng phái cho sư đoàn 10 bộ binh thuộc địa, tấn công phòng tuyến Đức tại Wagram và Presbourg phía Bắc nông trang Navarin. Trung đoàn chiếm được vài tuyến chiến hào và bắt được nhiều tù binh. Khi đơn vị Pháp bên cạnh phải lùi lại, trung đoàn phản kích khôi phục trận địa, tổn thất 320 người.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2008, 04:08:29 pm »

  Tháng 10/1915, sư đoàn Ma-rốc rời khỏi tuyến một do bị thiệt hại nặng và do thiếu lính bổ sung, toàn bộ lính Lê dương còn lại được tổ chức thành trung đoàn hành quân Lê dương (Regiment de la March de la Legion Etrangere-RMLE) do trung tá Cot chỉ huy. Trung đoàn RMLE gồm 71 sĩ quan và 3115 binh lính.
 
  Trong thời gian diễn ra chiến dịch Somme của liên quân Anh-Pháp, trung đoàn RMLE được phối thuộc cho sư đoàn 3 bộ binh thuộc địa. Ngày 4/7/1916, trung đoàn tấn công cứ điểm Đức ở làng Belloy-en-Santerre. Tiến quân giữa cánh đồng trống với những bãi cỏ cao, dưới trời mưa tầm tã và hoả lực súng máy của đối phương, lính Lê dương chiếm được làng và bắt được 750 tù binh. Trung đoàn đẩy lùi được nhũng cuộc phản công của quân Đức và giữ vững vị trí cho đến khi có tiếp viện đêm 5-6/7. Trong trận này, trung đoàn mất 25 sĩ quan và 844 binh lính. Ngày 8-9/7, trung đoàn tấn công tại Chancelier nhưng lần này thất bại và chịu tổn thất 400 người.


Cờ của RMLE

  Sau một đợt nghỉ ngắn, lính Lê dương quay lại với những chiến hào quen thuộc. Trong giai đoạn mùa đông 1916-1917, trung đoàn đồn trú tại một số nơi và trung đoàn trưởng lúc này là trung tá Duriez. Tháng 3/1917, quân Đức rút khỏi bàn đạp tấn công giữa Arras và Soissons và tướng Nivelle, tự phụ trước thắng lợi của cuộc tấn công tháng 4, quyết định chuẩn bị tấn công vào Phòng tuyến Siegfried của Đức.

  Rạng sáng ngày 17/4/ 1917, trung đoàn hành quân Lê dương tấn công các cứ điểm địch tại Auberive ở thung lũng Suippes. Lịch sử gọi sự kiện này là trận đánh Moronvilliers bên sườn phải của chiến dịch tấn công Che min des Dames. Những bài học cay đắng trong những năm 1914-1916 đã có tác dụng và cuộc tấn công được chuẩn bị tốt hơn. Pháo yểm trợ được chuẩn bị kỹ, các tiểu đoàn đều có đại đội súng máy riêng, mỗi trung đội đều có trung liên. Binh lính được huấn luyện các chiến thuật mới như phối hợp hoả lực, vận động có súng máy yểm trợ, phối hợp sử dụng súng trường và lựu đạn trong đội hình tiểu đội và phối hợp tác chiến giữa các đại đội khi tấn công vào các cứ điểm phòng thủ mạnh. Dù được chuẩn bị kỹ nhưng cuộc tấn công của tướng Nivelles đã trở thành thảm hoạ cho phần lớn các sư đoàn Pháp tham chiến.

  Sau ba ngày xung phong qua các hố đạn pháo chi chít và bùn lầy ngập ngụa, lính Lê dương chiếm được tuyến hào chính của địch tại Auberive và tiếp tục chiến đấu đến ngày 22. Trong 5 ngày, trung đoàn RMLE đã ném hơn 5 vạn quả lựu đạn. Trong trận này, chuẩn uý Lê dương Mader, người gốc Đức, được tặng thưởng huân chương Lê dương danh dự vì thành tích chỉ huy 10 lính Lê dương đẩy lùi một đại đội Đức và chiếm được 6 khẩu pháo. Sau khi củng cố tại Mailly trong tháng 5, trung tá Paul Rollet, một sĩ quan có nhiều kinh nghiệm sử dụng các đại đội sơn chiến trên sa mạc, được bổ nhiệm chỉ huy trung đoàn. Đây là những tháng mà 54 sư đoàn Pháp rệu rã vì những cuộc nổi dậy của binh lính vì họ đã phải chịu đựng quá sức. Nhiều đơn vị tuyên bố chỉ phòng ngự chứ không tấn công. Phải đến khi Pháp bổ nhiệm tư lệnh mới là Thống chế Petain thì tình hình mới được giải quyết ổn thoả. Tuy nhiên, trung đoàn Lê dương RMLE không xảy ra sự cố gì và ngày 14/7, trung tá Rollet đưa đội danh dự trung đoàn về Paris nhận Huân chương quân sự.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2008, 06:11:52 pm »

  Trong hai ngày 20-21/8 tại Cumieres trên mặt trận Verdun, trung đoàn RMLE tấn công đánh chiếm mục tiêu trước thời gian quy định, trụ vững trước những cuộc phản kích và oanh tạc của không quân Đức và sau đó thừa thắng đánh chiếm đồi 265. Họ giữ vững trận địa đến ngày 4/9 cho đến khi có tiếp viện, bắt 680 tù binh và chiếm được 14 khẩu pháo mà chỉ phải chịu tổn thất 53 người chết và 271 bị thương. Vì thành tích này, Thống chế Petain đã đến thăm và tặng thưởng trung đoàn dây thao đỏ Lê dương danh dự.
 
  Từ tháng 10/1917 đến tháng 1/1918, trung đoàn đồn trú tại Flirey. Ngày 8/1/1918, trung đoàn lại tấn công thắng lợi. Ngày 12/1, bị quân Đức tấn công bằng đạn pháo chứa hơi ngạt, sở chỉ huy trung đoàn và 2 đại đội đã trụ lại mặc dù có lệnh rút. Tháng 3/1918, quân Đức tiến hành chiến dịch tấn công lớn cuối cùng và đẩy lùi quân Đồng minh. Lính Lê dương rút lui về phía Bắc vào khu vực quân Anh tại Amien. Ngày 26/4, họ đánh bọc sườn mũi thọc sâu của Đức tại khu rừng Hangard. Trung đoàn tiến quân qua khói lửa mịt mù của đại bác và làn mưa đạn súng máy của sư đoàn 19 Đức. Các tiểu đoàn phối hợp chặt chẽ với nhau. Tiểu đoàn này bị hoả lực địch ghìm chặt xuống thì tiểu đoàn khác vọt lên tiến công. Xe tăng Anh được điều đến tăng viện nhưng hoả lực Đức quá mạnh làm cho lính Lê dương không thể bám theo chúng. Trận đánh kết thúc ngày 28/4 và trung đoàn RMLE đã chiếm lại được khu vực bị mất sau khi đánh lùi 5 đợt phản kích và chịu đựng hoả pháo của địch. Trung đoàn thiệt hại nặng, bị mất 850 người và tiểu đoàn 1 Lê dương thuộc trung đoàn chỉ còn 1 sĩ quan và 187 lính.


Một trận đánh ở Verdun

  Cuối tháng 5/1918, sư đoàn Ma-rốc được điều đi tăng viện cho khu vực tây nam Soissons đang bị đe doạ. Ngày 30-31/5, trung đoàn Lê dương phải cố thủ đồi Montagne de Paris chống lại các đợt tấn công liên tiếp của quân Đức và bị tổn thất 400 người. Dù quân số giảm xuống chỉ còn 1200, trung đoàn tiếp tục được phái đi tăng viện cho một số khu vực khác.

  Số lính chết trong những trận đánh trong thời gian từ 25/4 đến 12/6 của trung đoàn là 1250 người.
 
  Ngày 18/7, dưới mưa bão mịt mù, trung đoàn RMLE tiến công tại cao nguyên Dommiers ở Narn Soissons không có pháo bắn chuẩn bị. Được xe tăng và trung đoàn xung kích 104 yểm hộ, lính Lê dương đã chiếm được giao điểm các con đường Soissons-Chateau Thierry ngày 20/7. Tử thần cướp đi sinh mạng của 780 người nữa.

  Trận đánh cuối cùng của trung đoàn hành quân Lê dương RMLE là trận tấn công Phòng tuyến Hindenburg của Đức ngày 2/9/1918. Trung đoàn chiếm được tất cả các mục tiêu đã định và cuối cùng chiếm được Allemant ngày 15/9, đánh tan 1 tiểu đoàn của trung đoàn 43 Phổ, hoàn thành nhiệm vụ sau 13 ngày đêm chiến đấu liên tục. Họ bắt đầu trận đánh với quân số 2563 toàn trung đoàn và sau trận đánh chỉ còn 1130 người trở về hậu cứ.

  Trong tổng số 42883 lính Lê dương phục vụ trong các trung đoàn hành quân của trung đoàn 1 và 2 Lê dương và trung đoàn hành quân Lê dương RMLE tại Mặt trận phía Tây của cuộc Đại chiến, có 6239 người Pháp và 36644 người nước ngoài. Số chết trận là 5172 và 25000 người bị thương hoặc mất tích (nhiều người sau này không nghi ngờ gì là đã chết). Tổn thất như vậy là hơn 70%. Trung đoàn Lê dương RMLE là đơn vị được khen thưởng nhiều thứ hai trong quân đội Pháp trong thời gian Đại chiến thế giới thứ nhất.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2008, 06:44:18 pm »

VIII, Dardanelles, Serbia và Nga, 1915-1919 Lê dương "nhảy tăng gô" cùng với Bạch vệ
 

  Tháng 2/1915, trung đoàn hành quân 1 châu Phi được thành lập gồm 2 tiểu đoàn lính Zouaves (14) và 1 tiểu đoàn Lê dương và 2 đại đội lấy từ trung đoàn 1 và 2 Lê dương và được biên chế vào sư đoàn 156 bộ binh Pháp. Trong cuộc đổ bộ của Đồng minh vào Gallipoli, trung đoàn tiến vào Sedd ul Bahr ngày 27/4/1915. Trong thời gian 9 tháng tiếp đó, quân Đồng minh bị quân địch ghìm chặt trong cái đầu cầu nhỏ bé, đầy sỏi đá và bị tổn thất nặng. Trong trận đánh đẫm máu tại hẻm núi Kereves Dere tháng 6/1915, tiểu đoàn Lê dương chỉ còn khoảng 100 người do một chuẩn uý chỉ huy. Tháng 8, khi 700 quân tăng viện từ Đông Dương đến nơi thì tiểu đoàn gần như không còn tồn tại. Tháng 10/1915, sư đoàn 156 được điều đến Salomka để chống lại quân Bulgaria tại Serbia (lúc này, Bulgaria là đồng minh của Đức).
 
  Mùa thu năm 1916, tiểu đoàn Lê dương chiến đấu tại Monastir và mùa xuân năm 1917 tại Trana Stena. Tiểu đoàn này giải thể tháng 10/ 1917 và lúc đó nó chỉ còn khoảng 200 người sống sót. Những người này ra nhập trung đoàn hành quân Lê dương RMLE.

  Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917 và nước Nga Xô viết ra đời , bọn Bạch vệ dấy lên cuộc nội chiến hòng bóp chết nước Cộng hoà Xô viết non trẻ. Phe Đồng minh cũng tổ chức can thiệp vũ trang để tiếp sức cho quân Bạch vệ. Ngày 1/ 12/ 1918, chính quyền "toàn Nga" ở Sibir được thành lập dưới sự chỉ huy của đô đốc Koltchak và được Anh ủng hộ. Tướng Berthelot, tư lệnh quân Đồng minh ở Romania tuyên bố gửi 150 nghìn quân đến Odessa và gửi một phần trang bị trong kho của mình cho quân Bạch vệ. Ngày 19/12/1918, một sư đoàn Pháp đến Odessa. Trước đó, Anh đã đưa một sư đoàn đến Batoum.
 
  Mùa thu năm 1918, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 1 Lê dương được gửi đến tham chiến tại khu vực Archangel. Một đại đội súng máy và 3 đại đội bộ binh Lê dương được tăng viện thêm trong thời gian từ tháng 10/1918 đến tháng 7/1919. Khi quân Đồng minh phải rút khỏi nước Nga tháng 10/1919, một số phân đội Lê dương người Nga được chuyển sang cho quân Bạch vệ nhưng vẫn mặc quân phục và sử dụng vũ khí Pháp. Những phân đội này cũng cùng chung số phận với đạo quân Bạch vệ khi chúng bị Hồng quân tấn công tiêu diệt và làm cho tan rã.


Bản đồ có ghi nơi quân Lê dương tham gia vào nội chiến tại LX
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 04:00:44 pm »

IX, Ở Morocco, sau 4 năm, lính Lê dương còn 6 đại đội

  Tháng 8/1914, lực lượng bị sút giảm nhiều nên tướng Lyautey phải rút về phòng thủ ven biển. Với những lực lượng còn lại, ông ta quyết tâm thực hiện một chiến dịch bình định kéo dài 4 năm để đàn áp phong trào kháng chiến tại Morocco. Lúc này, tướng Lyautey có 20 tiểu đoàn gồm lính Lê dương, lính bộ binh châu Phi, lính Senegal, lính dự bị Pháp và lính goumiers (loại quân tay sai tuyển mộ tại chỗ). Ông cho rải quân bảo vệ và tiếp tế cho các cứ điểm tại các khu vực có phong trào kháng chiến mạnh. Đại chiến thế giới thứ nhất đang diễn ra ác liệt nên chủ lực Pháp dồn vào Mặt trận phía Tây, lính Lê dương ở Morocco chủ yếu là người Đức và người Áo do chỗ không thể đưa họ đi chiến đấu chống lại người đồng chủng.
 

Một đồn binh Lê dương tại Morocco.

  Một hình thái phòng ngự đơn thuần sẽ là tai hoạ, các đơn vị cơ động phải liên tục di chuyển qua các triền núi hoang sơ tại miền Bắc và Trung Morocco. Các đại đội sơn chiến tuần tra các ngọn đồi và cao nguyên quanh vùng ốc đảo Tafilal ở sa mạc phía Nam. Khu vực hành lang chiến lược phía Bắc từ sở chỉ huy đặt tại Fez chạy về phía Đông qua Taza, một khu vực đồi núi nguy hiểm đến biên giới Algeria bị càn quét nhiều lần. Abdel Malek Meheddin, một thủ lĩnh kháng chiến lãnh đạo các bộ tộc miền Bắc nổi dậy. Quân nổi dậy mua được vũ khí qua các "lái súng” Đức và di chuyển tự do trong các khu vực an toàn trên rặng Atlas dọc biên giới với Morocco thuộc Tây Ban Nha và Tafilalt. Những cuộc càn quét này được thực hiện theo nhiều quy mô lớn, nhỏ.

  Ngày 13/11/1914, tại El Herri miền Trung Atlas, quân nổi dậy người Zaia tiêu diệt hoàn toàn một binh đoàn Pháp đang hành quân từ Khenifra, diệt 33 sĩ quan và 600 lính. Tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 2 Lê dương và các đơn vị tăng viện từ Mritt tới Khenifra và đụng trận với quân nổi dậy tại El Hammam và Oum er R'bia ngay sau khi 3 tiểu đoàn của trung đoàn 1 Lê dương phải chống lại cuộc tiến công của quân nổi dậy vào hành lang Taza từ phía Nam.
 
  Trong các đơn vị Lê dương lúc đó, tiểu đoàn 6 thuộc trung đoàn 2 Lê dương phải xé lẻ tăng viện cho các tiểu đoàn khác. Năm 1916, khi quân nổi dậy uy hiếp mạnh khu vực biên giới sa mạc phía Nam, một tiểu đoàn Lê dương hỗn hợp từ Algeria được tăng viện đến và tiểu đoàn này phải giải thể năm 1919. Bị thiệt hại nhiều và thiếu lính bổ sung, đến cuối Đại chiến thế giới thứ nhất, quân Lê dương ở Morocco chỉ còn khoảng 6 đại đội.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2008, 06:46:43 pm »

  Qua 4 năm đàn áp phong trào nổi dậy, các đơn vị Lê dương bị sứt mẻ nặng. Lính Lê dương phải trải qua các cuộc hành quân nặng nhọc, chiến đấu liên tục để bảo vệ các đoàn tiếp tế. Trong quá trình đàn áp quân nổi dậy, các đơn vị sơn chiến tỏ ra lợi hại. Cứ hai người lính có 1 con la, họ thay nhau người cưỡi người đi và sau một giờ lại đổi. Như vậy, họ có thể hành quân 50km, đôi khi đến 70km trong 24 giờ. Vì sức cơ động cao như vậy nên họ cũng chính là những đơn vị kiệt sức nhất trong thời gian bảo vệ hành lang Taza, miền Atlas và sa mạc phía Nam. Họ đi đầu các đoàn quân, chiếm các vị trí yểm hộ sườn, hộ tống các đoàn xe tiếp tế và đi tiếp viện cho các đồn lẻ cả giữa mùa hè nóng bỏng lần mùa đông giá rét với những trận mưa và bùn lầy. Xin kể lại một trận đánh để bạn đọc tham khảo:
 
  Ngày 9/8/1918, quân nổi dậy của Ait Khabbash người Berbers tấn công vào quân Pháp tại làng Gaouz nằm giữa con đường từ Oued Rheris và Oeud Ziz ở Tafialt. Họ tấn công, sau đó làm như phải rút lui dụ quân Pháp về phía một nông trại lớn có những hàng cọ và nhiều ruộng rau được ngăn cách bởi những con mương tưới nước và những bức tường đắp bằng bùn.
 
  Chủ quan, quân Pháp chia làm hai cánh truy kích. Một cánh có đại đội 2 sơn chiến thuộc trung đoàn 1 Lê dương do đại uý Timm và cánh kia có 1 tiểu đoàn hỗn hợp lính Tuynisia và lính Senegal do đại uý Pochelu chỉ huy. Quân nổi dậy đón quân Senegal bằng một lưới lửa dày đặc. Nhiều người ngã gục. Lính Lê dương tiến lên hỗ trợ lính Senegal và Tuynisia. Tiếng súng chợt tắt và quân nổi dậy lùi lại. Lính Senegal lại xông lên, lính Lê dương tiến ngay sau họ. Nhưng sau khoảng 30 phút, họ sa vào lưới lửa dày đặc. Lính Senegal ở sườn phải sợ hãi lùi lại. Đại đội Lê dương tổ chức xung phong để ổn định thế trận. Quân nổi dậy tiếp tục tiến công đánh lui lính Senegal và lính Lê dương lại phải phản kích để chặn họ lại. Lính Tuynisia bị hoả lực của quân nổi dậy ghìm chặt và khi áp lực trận đánh tăng lên, lính Senegal vỡ trận.

 

Kỵ binh Berbers

  Tất cả súng tự động của đại đội Lê dương đều bị tắc. Mười quả phóng lựu cuối cùng được bắn đi. Quân nổi dậy đánh tràn vào hàng ngũ lính Tuynisia ở sườn trái, buộc họ phải lùi lại. Lính Lê dương phải tổ chức phản kích lần thứ ba. Lúc 3 giờ chiều, đại uý Timm bị bắn gãy tay trái. Trung uý Jorel nắm quyền chỉ huy nhưng cũng bị đạn ngã gục. Quân nổi dậy ào lên dùng dao kết liễu đời anh ta. Thiếu uý Freycon với lấy một khẩu các-bin và dũng cảm kháng cự lại nhưng anh ta cũng bị một viên đạn bắn thủng sọ, ngã vật ra đất.
 
  Quân nổi dậy ồ ạt xông lên, đánh tràn vào hàng ngũ lính Senegal và Tuynisia. Trận đánh trở thành một trận đánh giáp lá cà ác liệt. Chỉ còn đại đội Lê dương lúc này do chuẩn uý Roqueplan chỉ huy là còn cố giữ được đội hình. Đại uý Timm bị thương, được buộc trên lưng một con la. ông ta trúng thêm một phát đạn nữa vào mặt nhưng may còn tỉnh táo và cố gắng điều khiển cuộc rút lui của lính Lê dương và các binh lính Senegal và Tuynisia sống sót. Khi họ đã rút ra khỏi nông trại, ngoài phạm vi những hàng cây cọ, quân nổi dậy thôi không truy kích nữa. Một cơn bão cát nổi lên lúc 5 giờ chiều, may mắn thay, đã hỗ trợ cho cuộc rút lui thảm hại suốt 4 giờ của quân Pháp được an toàn cho đến khi họ về đến đồn Tighmart. Kiểm điểm lại lực lượng, lính Lê dương mất 2 sĩ quan và 50 lính, 7 người bị thương. Lính Senegal và Tuynisia chết 100.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2008, 11:15:13 am »

X, Lại Marooco, 1919-1924, người Mỹ làm phim về thảm cảnh của lính Lê dương

  Sau khi Đại chiến kết thúc, quân Lê dương được tăng cường lực lượng nhưng tại Morocco họ vẫn gặp phải khó khăn vì thiếu sĩ quan và hạ sĩ quan có kinh nghiệm chiến đấu ở thuộc địa. Song song với việc bắt đầu một chiến dịch mới nhằm bình định miền Bắc Morocco, đội quân Lê dương được tổ chức lại. Trung đoàn 1 Lê dương chuyển thành trung đoàn 1 bộ binh Lê dương. Trung đoàn 2 bộ binh Lê dương chuyển từ Saida tới Morocco (3 tiểu đoàn). Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn hành quân Lê dương RMLE được đưa tới Morocco cùng với 2 đại đội sơn chiến Lê dương tạo thành nòng cốt thành lập trung đoàn 3 bộ binh Lê dương tháng 11/1919. Các tiểu đoàn của trung đoàn 1 và 2 Lê dương cũ vẫn ở lại Morocco và cộng với đại đội sơn chiến ở Bou Denib thành lập thêm trung đoàn 4 bộ binh Lê dương tháng 11/1920. Các tiểu đoàn 4 và 5 của trung đoàn được thành lập sau.

  Trong các chiến dịch đàn áp quân nổi dậy mùa Xuân/Hè, các binh đoàn cơ động mở nhiều mũi tiến vào Tache de Taza và miền Trung Atlas để đánh phá các căn cứ của quân nổi dậy. Khi những con đường đã được mở vào sâu trong núi, quân Pháp cho lập đồn bảo vệ và tổ chức tiếp tế cho nó. Quân nổi dậy Morocco thường tổ chức các trận đánh đồn hay phục kích các đoàn tiếp tế của quân Pháp. Ví dụ như trận đánh sau:
 
  Ngày 6/5/1922, trong khi binh đoàn cơ động đang càn quét tại Nam Taza, đại uý Nicolas được lệnh đưa 300 lính Lê dương thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh Lê dương của mình đến chiếm cao nguyên đá Tadout đông-nam Scoura. Khi lính trinh sát báo cáo có quân nổi dậy đang đến gần, Nicholas nấp vào sau những phiến đá và bụi cây. Không lâu sau, quân nổi dậy xuất hiện và nhanh chóng tổ chức tấn công. Họ nhanh chóng tiến sát vào tầm đánh giáp lá cà với đại đội 9 Lê dương. Bên sườn phải, lính Lê dương bị đẩy lùi nhưng họ lại phản kích. Quân nổi dậy chỉ ngừng lại một chút và họ lại tiến công. Hoả lực chính xác của họ ghìm chặt cả tiểu đoàn trong khi đó một mũi ky binh đánh chọc vào sườn trái tiểu đoàn Lê dương.
 
  Sau vài giờ cầm cự chờ cứu viện, Nicholas cho chuẩn bị rút lui dưới làn đạn đối phương, lúc đó đại đội 9 bị đánh bọc sườn và bị đẩy lùi, tổn thất nặng, chết cả đại uý Duchier đại đội trưởng. Hai đại đội khác hoảng sợ và cuộc phản công của lực lượng dự bị nhỏ là trung đội của sở chỉ huy tiểu đoàn bị quân nổi dậy bao vây và suýt bị tiêu diệt hoàn toàn nếu không được pháo và súng máy của tiểu đoàn chi viện kịp thời để họ có thể rút về phía sau. Quân Pháp phải rút sau 12 giờ chiến đấu, chết 36 và bị thương 64.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM