Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tác giả chủ đề:: dongadoan trong 08 Tháng Tám, 2008, 11:11:51 pm



Tiêu đề: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 08 Tháng Tám, 2008, 11:11:51 pm
Tác giả: Đào Ngọc Ninh.
Nhà xuất bản: Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2007.
Số hóa: ptlinh, dongadoan.


LỜI NÓI ĐẦU

  Quân đội là công cụ bảo vệ lợi ích một giai cấp, tầng lớp, quốc gia, đó là chuyện bình thường. Nhưng việc một quốc gia, một nhà nước sử dụng một đội quân bao gồm - song không phải chỉ cấu thành từ các công dân của mình để bảo vệ lợi ích của mình, lại là một chuyện khác. Lại càng khác nữa nếu lại là việc chuyên nghiệp hoá một đội quân đánh nhau chỉ vì được thuê tiền. Nhưng đó là sự thật trong lịch sử quân sự thế giới. Những đội quân đánh thuê xuất hiện từ rất sớm. Thời đế quốc La Mã cổ đại đã có các binh đoàn lính đánh thuê người Sparta. Tại Pháp, việc tuyển mộ lính đánh thuê người nước ngoài đã có từ thế kỷ 12 dưới triều vua Philippe Auguste dưới
hình thức "những đại đội tự do". Việc tuyển mộ những đội quân đánh thuê người nước ngoài chiến đấu cho mình không phải là chuyện hiếm hoi. Tuy nhiên, cho đến trước năm 1831, những đội quân đánh thuê làm nhiệm vụ bảo vệ và tham gia những cuộc chiến tranh mà người trả tiền thuê nó tham gia. Tóm lại, đó là một đội quân thông thường chỉ khác là gồm người nước ngoài và chiến đấu cho người trả tiền thuê.

  Đối với đội quân Lê dương Pháp ra đời năm 1831 thì ngoài những đặc điểm chung của những đội quân đánh thuê chuyên nghiệp, nó có đặc điểm riêng là ra đời nhằm phục vụ những cuộc chiến tranh xâm chiếm và bảo vệ những thuộc địa của Pháp. Vì vậy, lịch sử của nó gắn liền với những thuộc địa, khu vực "Pháp quốc hải ngoại" của "Mẫu quốc". Trên thế giới, hiện nay chỉ có Pháp và Tây Ban Nha là tổ chức đạo quân Lê dương nhưng đội Lê dương Tây Ban Nha chỉ là học theo mô hình của Pháp và quy mô cũng như quá trình chiến đấu của nó tầm vóc nhỏ bé hơn nhiều. Đội Lê dương Tây Ban Nha được lập ra chỉ để bảo đảm an ninh cho khu vực Morocco thuộc Tây Ban Nha mà thôi. Ở Việt Nam, những người đã sống qua những năm kháng chiến 1946-1954 đều nghe danh biết tiếng "lính Lê dương". Thế nhưng, có lẽ đó phần lớn là kinh nghiệm có được trong quá trình chiên đấu cũng như quan sát trong cuộc sống của những chiên sĩ Vệ quốc đoàn hay những người dân bình thường. Khi nói đến 1ính Lê dương thường được mô tả là một loại lính ác ôn khét tiếng. Cũng có khi xảy ra sự nhầm lẫn. Cha mẹ của tác giả, nhũng người đã trực tiếp cầm súng chiên đấu suốt 9 năm kháng chiên, khi kể lại những kỷ niệm chiến đấu của mình cho con cháu nghe, đôi khi nhắc đền cụm từ "lính Lê dương mũ đỏ". Thực ra, mũ nồi đỏ là của binh lính các tiểu đoàn dù thuộc địa Pháp, học theo trang phục của các đơn vị biệt kích dù SAS của Anh thời Đại chiến thế giới thứ hai. Sự nhầm lẫn này có lẽ bắt nguồn chính từ cái "danh tiếng lẫy lừng" của lính Lê dương nên người ta có thể quy chụp cho nó tất cả mọi thứ, một sự quy nạp không hẳn là hoàn toàn oan uổng.

  Tác giả chỉ là một người yêu thích môn lịch sử, mong muốn được chia xẻ với quý vị độc giả một nguồn thông tin tham khảo về một đạo quân đánh thuê chuyên nghiệp, một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử quân sự thế giới. Trong quá trình cầm bút, chắc chắn không tránh khỏi sai sót, tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quý vị  độc giả xa gần.

  Xin trân trọng cảm ơn.



Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 08 Tháng Tám, 2008, 11:21:13 pm
Chương 1
SỰ RA ĐỜI CỦA MỘT ĐỘI QUÂN


I, “Toa” chỉ tuyên thệ với “Toa", nước Pháp là chuyện rất... xa


  Việc sử dụng lính đánh thuê trong quân đội Pháp đã có từ rất sớm.
 
  Từ thế kỷ 15, vua Louis 11 đã tổ chức đội quân đánh thuê toàn lính cận vệ người Scotland. Nhiều triều đại sau đó, từ vua Francois 1 đến Louis 16 đều sử dụng các đơn vị lính đánh thuê người Đức và Thụy Sĩ.

  Vua Francois 1 tín nhiệm lính đánh thuê nước ngoài đến mức tuyển mộ lính đánh thuê Thụy Sĩ làm lính Ngự lâm trực tiếp bảo vệ mình.
 
  Đội quân Lê dương là một đạo quân đánh thuê chuyên nghiệp. Nó thể hiện ở chỗ những người ra nhập không tuyên thệ trung thành với nước Pháp mà chỉ tuyên thệ trung thành với Đội Lê dương. Người ta không hỏi gì về quá khứ của kẻ gia nhập mà chỉ đòi hỏi anh ta phải hoàn thành hợp đồng khi đã ký. Đã ký rồi thì không có đường lui.

  Năm 1567, đơn vị Ngự lâm quân Thuỵ Sĩ này đã cứu vua Charles 9 thoát chết nên lại càng được các triều đại vua chúa tiếp theo tin dùng. Trong Cách mạng Pháp, trước nguy cơ quân Phổ xâm lược, Quốc hội Pháp đã thành lập "Binh đoàn tình nguyện người nước ngoài" ngày 7/6/1792. Một số binh đoàn người Italia, Ba Lan, Hà Lan cũng được tổ chức trong thời kỳ các cuộc chiến tranh cách mạng. Hoàng đế Napoleon cũng sử dụng rộng rãi các binh đoàn lính đánh thuê nước ngoài người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đức và Ba Lan. Các binh đoàn này đã chiến đấu trên khắp châu Âu từ Tây Ban Nha sang đến Jena, Nga và Wagram.

  Năm 1815, sau thất bại của Napoleon, các binh đoàn nước ngoài bị giải thể nhưng một thời gian ngắn sau lại xuất hiện cái gọi là "Binh đoàn Hoàng gia người nước ngoài". Năm 1821, binh đoàn này đổi tên thành "trung đoàn Hohenlohe". Khoảng 10 năm sau, trong những ngày đầu lên ngôi, vua Louis Philippe cho giải thể trung đoàn Hohenlohe và tổ chức lại các đơn vị lính đánh thuê người nước ngoài với tên gọi mới là Binh đoàn người nước ngoài (Foreign Legion).

 
(http://www.battlefieldanomalies.com/solferino/images/french_foreign_legion.jpg)
Tranh vẽ một trận đánh của Foreign Legion

  Chữ Legion vốn nguồn gốc từ Le gio, một từ tiếng La tinh chỉ các binh đoàn chiến đấu - La Mã thời cổ đại. Khi Pháp đưa đội quân này sang xâm lược Việt Nam, nhân dân ta đã Việt. hoá từ Legion thành ra Lê dương. Cái tên đội quân Lê dương dần dần trở nên quen thuộc từ đó.

  Ngày 10/3/1831, vua Louis Philippe ký sắc lệnh thành lập đạo quân Lê dương, chính thức khai sinh một đội quân đánh thuê chuyên nghiệp. Sau năm 1871, nước Pháp đứng trước mối đe doạ của quân đội hùng mạnh của nước Đức mới thống nhất. Các đơn vị quân đội người Pháp phải tăng cường vào việc phòng thủ chính quốc. Thế nhưng, lúc này Pháp chuẩn bị bắt đầu quá trình xâm chiếm các thuộc địa nên ý tưởng thành lập những đội quân đánh thuê đã trở thành hiện thực. Cùng với đạo quân Lê dương, Pháp còn thành lập các binh đoàn thuộc địa gồm binh lính người các quốc gia thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, người thuộc các dân tộc thuộc địa Pháp không được quyền ra nhập đội Lê dương.

  Mãi đến sau này, trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương 1946-1954, do thiếu quân trầm trọng, bị dư luận chính quốc phản đối chiến tranh mạnh mẽ trong khi đòi hỏi phải tăng cường khả năng chiến đấu tại chiến trường không hề giảm, tướng De Lat mới cho phép thành lập các đại đội người các dân tộc Đông Dương trong các tiểu đoàn Lê dương gọi là đại đội CIPLE. Khi hệ thống thuộc địa của Pháp tan rã, việc thu nhận tân binh Lê dương mới không còn phân biệt nữa.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 09 Tháng Tám, 2008, 01:31:20 pm
II, “Toa” đánh, "moa” chi - tiền tươi thì trách nhiệm... thật

  Suốt một thời kỳ dài, châu Âu luôn bị xáo trộn bởi các biến cố chính trị, các cuộc cách mạng, chiến tranh. Những người tị nạn, lưu vong, thất nghiệp, bọn lưu manh đầu trộm đuôi cướp từ các nước láng giềng đổ xô tới Pháp càng tạo điều kiện thuận lợi cho đội Lê dương mộ lính, tuyển quân. Quản lý ra sao đội quân ô hợp ấy cũng là một nghệ thuật và không đơn giản. Một câu chuyện mô tả việc đăng lính vào đội Lê dương thời kỳ này như sau. Một võ sĩ quyền Anh, trong bước đường cùng vì bị kẻ thù trong giới giang hồ truy sát, chạy vào một trạm tuyển mộ lính Lê dương và nói rằng anh ta muốn gia nhập đội quân này. Viên sĩ quan tuyển quân, một sĩ quan Lê dương, không hỏi một lời về quá khứ của người võ sĩ quyền Anh, chìa ra cho anh ta một tờ đơn bảo ký tên vào đấy. Mặt lạnh như tiền, ông ta chỉ vào cái chân tập tễnh của mình "Soissons, 1918", chỉ vào con mắt chột "Morocco , 1922" và nói thêm "Ký đơn rồi, anh không thoát được đâu. Chỉ có 3 con đường quay trở lại đất Pháp. Một là hoàn thành hợp đồng. Hai là bị tàn tật. Ba là. . . trong một cái hòm.

  Đội Lê dương được thành lập để chiến đấu tại các vùng lãnh thổ "Pháp quốc hải ngoại", có nghĩa là để xâm chiếm các thuộc địa mới và bảo vệ quyền lợi của Pháp tại các thuộc địa. Vì vậy tính chất phản động, liều mạng của đội Lê dương cao hơn rất nhiều so với các đội quân đánh thuê nước ngoài phục vụ các vương triều phong kiến trước đó. Dù rằng, trong thực tế, các đơn vị Lê dương đã ba lần tham chiến tại chiến trường Pháp trong 2 cuộc Đại chiến thế giới nhưng phần lớn lịch sử chiến đấu của đạo quân đánh thuê này gắn với các cuộc xâm lược và chiếm đóng thuộc địa.
 
  Tính chất đánh thuê còn thể hiện ở chỗ ai chi tiền, kẻ ấy là chủ mà lính Lê dương thì chiến đấu cho người trả lương cho mình. Vì vậy mà đã có trường hợp như tại Syria năm 1940, bán lữ đoàn Lê dương 13 theo phe Đờ Gôn và trung đoàn 6 bộ binh Lê dương theo Chính phủ Vichy thân phát xít, đã đụng nhau và theo đúng tư tưởng ai thờ chủ nấy, chiến đấu cho người trả lương, hai bên đã choảng nhau một cách "có kỷ luật" và rất chuyên nghiệp, chẳng kể gì đến tình nghĩa cùng là lính Lê dương với nhau.
 
  Si di Bel Abbes, một thành phố thuộc Algeria mới bị chiếm đóng năm 1830 thì năm 1831 được chọn đặt đại bản doanh của đội Lê dương. Đây cũng  là một nét đặc biệt vì một đạo quân đặc biệt thuộc quân đội Pháp mà đại bản doanh lại đặt bên ngoài nước Pháp, tại một thuộc địa. Sau khi Algeria giành được độc lập năm 1962, đại bản doanh của đội Lê dương mới chuyển về Pháp.
 
  Cuối năm 1832, đạo quân Lê dương của Pháp chỉ có 7 tiểu đoàn. Tiểu đoàn 1 gồm lính trong các trung đoàn Thuỵ Sĩ trước kia. Tiểu đoàn 2 và 3 gồm lính đánh thuê quốc tịch Thuỵ Sĩ và Đức. Tiểu đoàn 4 gồm lính Tây Ban Nha. Tiểu đoàn 5 gồm lính quốc tịch Italia. Tiểu đoàn 6 gồm lính Bỉ và Hà Lan. Tiểu đoàn 8 gồm lính Ba Lan. Tổng số lính thời kỳ này chỉ khoảng 3 nghìn người từ 7 quốc gia lân cận với Pháp ở châu Âu. Đến sau Đại chiến thế giới thứ hai thì trong đội Lê dương của Pháp đã có sự hiện diện người thuộc 52 quốc tịch khác nhau trên thế giới.

  Nói cho công bằng, đội Lê dương là một đội quân nhà nghề được tổ chức chặt chẽ, có chuyên môn cao. Một số đơn vị của nó đã có những trang sử vẻ vang như bán lữ đoàn Lê dương 13 đã sát cánh cùng quân Đồng minh chống phát xít trong Đại chiến thế giới thứ hai. Dù vậy, bản chất đội Lê dương Pháp vẫn là đánh thuê chuyên nghiệp không có lý tưởng, phản động. Phần lớn lịch sử chiến đấu của nó chỉ gắn liền với những cuộc xâm lược, chém giết đáng lên án mà thôi.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 10 Tháng Tám, 2008, 10:58:14 am
Chương 2

CUỘC CHIẾN VÌ TIỀN NHÂN DANH KHAI HOÁ


I, Bắt đầu mối nợ truyền kiếp Algeria

  Năm 1830, Algeria rơi vào ách chiếm đóng của Pháp nhưng nhân dân Algeria đã không chịu ngồi yên. Abdel El Kader, tiểu vương Mascara, một . thủ lĩnh trẻ tuổi yêu nước đã lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa chống lại quân xâm lược Pháp. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra khắp nơi. Ngày 11/11/1832, Abdel Kader dẫn 3 nghìn kỵ bình tiến đánh Oran, Algeria.

(http://content.answers.com/main/content/wp/en-commons/thumb/b/b6/200px-EmirAbdelKader.jpg)
Abdel El Kader, lãnh tụ phong trào kháng chiến chống Pháp ở Algeria

  Trong các đơn vị Pháp phòng thủ Oran có tiểu đoàn 4 Lê dương. Trận đánh ác liệt kéo dài đến tối, Abdel El Kader ra lệnh rút lui. Tuy không chiếm được Oran nhưng quân khởi nghĩa của Abdel El Kader đã làm cho quân Pháp lo sợ. Phong trào khởi nghĩa của Abdel El Kader còn kéo dài nhiều năm sau tại Algeria mới bị đàn áp.

II, Tắm máu Tây Ban Nha 1835 - 1839 - ra đời kiểu tác chiến hỗn hợp đầu tiên

  Năm 1833, Vua Feđinan 7 trước khi băng hà đã di chiếu truyền ngôi cho con gái 3 tuổi của mình, công chúa Isabella, với Hoàng hậu Maria Cristina nhiếp chính. Hoàng thân Don Carlos, em của nhà vua, chống lại việc thừa kế ngôi báu của cháu mình. ông ta dấy binh nổi dậy ở miền Bắc vương quốc. Căn cứ vào Hiệp ước Tam phương giữa Anh, Pháp và Bồ Đào Nha tháng 6/1834, các bên sẽ can thiệp để giúp đỡ Nữ hoàng nhỏ tuổi. Anh gửi 12 nghìn quân đến đầu tiên, triển khai quanh vùng San Sebastian. Lực lượng viễn chinh Pháp đến sau.
 
  Thực ra đây chính là Đội quân Lê dương mà Pháp cho Hoàng hậu Maria Cristina "mượn", đổi lại, Tây Ban Nha phải trả lương và chịu chi phí cho đạo quân này. Nhưng, cuối cùng Pháp lại phải tăng viện gấp tiểu đoàn 5 Lê dương Italia và tiểu đoàn 7 Lê dương Ba Lan cho quân Pháp ở mặt trận Oran, Algeria đang bị quân khởi nghĩa của Abdel Kader tấn công mạnh. Những tiểu đoàn này cũng chỉ làm được việc giúp cho quân của tướng Trezel khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn trong trận đánh Macta ngày 27- 29/6/1835. Sau đó, quân của tướng Trezel và các tiểu đoàn Lê dương phải rút lui và họ xuống tàu rời Taragona ngày 19/8/1835.
 
  Cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha giữa lực lượng của Hoàng hậu Cristina và Hoàng thân Don Carlos diễn ra ác liệt và đẫm máu. Người ta gọi binh lính của Hoàng hậu Cristina là "quân Cristinos" và quân của Hoàng thân Carlos là "quân Carlist". Hai đạo quân này khi giáp chiến với nhau thì chém giết nhau kịch liệt. Quân Lê dương chiến đấu bên phe Hoàng hậu Cristina cũng không ngoại lệ. Chẳng có Thánh thần phù hộ kẻ nào vô phúc rơi vào tay quân địch.
 
  Giữa tháng 9/1835, quân Carlist chiếm được một đồn tiền tiêu do Thiếu uý Durmoustier và 30 lính Lê dương bảo vệ. Quân Carlist thuyết phục lính Lê dương chuyển sang phe mình. Lính Lê dương từ chối. Trong vài ngày sau đó, họ bị giải từ làng này sang làng khác, bị trói, bị móc mắt và cuối cùng bị bắn chết. Khi Đại uý Lê dương Ferry bắt được một đơn vị Carlist, ông ta không coi họ là tù binh mà giết sạch.
 
  Trước năm 1836, Đội quân Lê dương Pháp chỉ đơn thuần là bộ binh. Năm 1836, Hoàng hậu Ma ria Cristina phong Bernelle hàm Thống chế và ông ta quyết định cải tổ trung đoàn của mình thành một bộ chỉ huy độc lập với đầy đủ các đơn vị yểm trợ và trinh sát. Ông trực tiếp nắm một đơn vị pháo binh do Đại uý Rousselet chỉ huy, một đơn vị công binh và một số phân đội kỵ binh phần lớn là lính Ba Lan cầm giáo. Đây là một thử nghiệm đầu tiên để thành lập một binh đoàn chiến đấu chiến thuật hỗn hợp và nó là hình hài đầu tiên của hình thức tác chiến của các đơn vị Lê dương ngày nay. Sau cuộc cải tổ này, Bernelle quyết định pha trộn binh lính mang các quốc tịch khác nhau trong một đơn vị. Những xung đột sắc tộc mà người các quốc tịch khác nhau mang theo vào đạo quân có thể gây nên mâu thuẫn giữa các tiểu đoàn mà thực tế điều này đã từng xảy ra. Việc pha trộn người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trong một đơn vị đã ngăn ngừa có hiệu quả những mâu thuẫn kiểu này và nó còn đem lại một tác dụng nữa là cải thiện được việc phối hợp chiến đấu giữa các đơn vị vì đơn giản là trong đơn vị hỗn hợp, mọi người buộc phải nói tiếng Pháp nên họ hiểu nhau tốt hơn.
 
  Năm 1836 cũng là một năm "đen đủi" của lính Lê dương. Họ tham gia vào hai trận thắng tại Zubiri và Tirapegui nhưng bị tổn thất nặng. Trong trận Zubiri ngày 1/8/1836, quân Carlist tấn công quân bảo hoàng. Pháo của Đại uý Rousselet đã cứu quân bảo hoàng khỏi bị tiêu diệt. Quân Carlist bị đẩy lùi nhưng 300 lính của các tiểu đoàn 3 và 4 Lê dương đã bị chết.
 
  Yêu cầu của Thống chế Bernelle nhằm bù đắp lại những gian khổ mà binh lính của mình phải chịu đựng là Triều đình Tây Ban Nha giữ lời hứa cung cấp lương thực, quân trang và tiền lương cho lính Lê dương. Đó chỉ là hy vọng hão huyền. Câu trả lời ông nhận được là lính của ông hãy tự lo lấy trang bị. Cuối cùng, lính Lê dương trở thành một đám ăn mặc rách rưới. Thiếu thốn đủ mọi thứ, họ nhặt những chiếc mũ nồi địa phương mà quân Carlist vốn ưa dùng và thay ủng của mình bằng những đôi giày vải đế làm bằng dây thừng bện của Tây Ban Nha. Bernelle làm om lên với Triều đình Tây Ban Nha vì họ đã thất hứa và ông ta bị cách chức.

  Người kế nhiệm ông, Đại tá Conrad, biệt danh là "'Bạch Mã", cũng chẳng khá hơn. Hai năm tiếp sau, lính Lê dương, đói, rách như tổ đỉa, sa vào những trận chiến đấu liên tiếp trên những ngọn đồi của dãy Pyrenees. Ngày 2/6/1837, họ tiến vào Barbatro và Đại tá Conrad bị giết trong trận này.  Đây cũng là nơi Đội quân Lê dương theo kiểu cũ kết thúc những ngày của mình. Sau trận đánh đẫm máu, họ chỉ còn khoảng 1 tiểu đoàn. Những người sống sót chuyển đến đóng tại Pamplona và còn phải chịu đựng 6 tháng nữa không có thực phẩm mà cũng chẳng tiền lương. Năm 1835, Đội Lê dương tiến vào Tây Ban Nha với khoảng gần 5000 người. Hai năm sau, chỉ còn không đầy 500 người sống sót trở về Pháp. Sự hy sinh cho vương triều Tây Ban Nha kết thúc.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 10 Tháng Tám, 2008, 04:03:48 pm
III, Đội quân ăn trộm Pháp trên phố xá Mexico" (1863-1867)

  Sự can thiệp của Pháp tại khu vực Mỹ La tinh bắt nguồn từ tham vọng từ lâu của Hoàng đế Pháp Napoleon Đệ tam. Thậm chí trước khi lên ngôi, ông ta đã mơ tưởng đến việc mở rộng ảnh hưởng của Pháp tại Trung và Nam Mỹ chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Tham vọng này được củng cố khi Benito Juarez giành được chiến thắng trong nội chiến Mexico năm 1860 và một số nhân vật bảo hoàng chạy sang Pháp lưu vong. Những người này tìm cách vận động Hoàng đế Pháp qua vợ ông ta là Hoàng hậu Eugenie de Montijo người Tây Ban Nha. Bà cho rằng các quốc gia Thiên Chúa giáo ở châu Âu cần phải bảo vệ Nhà thờ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới (người Mỹ chủ yếu theo đạo Tin Lành). Được quan điểm của vợ cổ vũ, Hoàng đế Napoleon Đệ tam quyết định can thiệp.
 
  Cuộc can thiệp vũ trang của Pháp đã làm bùng nổ cuộc nội chiến mới ở Mexico năm 1862. Pháp gửi khoảng 30 nghìn quân tham chiến trong đó có các đơn vị Lê dương người Bỉ, người Áo và một số phân đội lính Lê dương Ai Cập làm nhiệm vụ chiếm đóng. Trong giai đoạn đầu, quân Pháp dồn được quân của Juarez lên vùng núi phía Bắc và đầu năm 1865, quân đội Mexico phải lui về cố thủ tại biên giới Texas.
 
  Tuy nhiên, Napoleon Đệ tam mắc phải hai sai lầm.

  Thứ nhất, ông hy vọng vào chiến thắng của phe Hợp bang trong cuộc nội chiến của Mỹ. Nhưng không lâu sau, tướng Robert Lee của phe Hợp bang phải đầu hàng tại Appomattox tháng 4/1865, Washington quan tâm đến cuộc can thiệp vũ trang của Pháp vào Mexico và mùa hè năm 1865, quân của Juarez bắt đầu nhận được vũ khí và thậm chí là lính tình nguyện Mỹ. Trong một vài tháng, sức mạnh quân sự và chính trị của Mexico được tăng lên.
 
  Thứ hai, Napoleon đưa Hoàng thân người áo Maximilian lên làm Hoàng đế Mexico. Việc đưa một ông hoàng ngoại bang lên lập ra một vương triều bù nhìn đã làm dấy lên phong trào kháng chiến giành độc lập ủng hộ Benito Juarez. Sự tham những hủ bại của những người bảo hoàng trong triều đình của Maximilian được coi là nhằm phục vụ lợi ích ngoại bang.

  Thực ra, một số người Pháp cho rằng quân Pháp chiến đấu chống lại quân kháng chiến Mexico chẳng khác gì tình trạng khi quân Pháp sa lầy tại Tây Ban Nha trong các chiến dịch của Napoleon Đệ nhất. Quan điểm này được củng cố khi quân Pháp đại bại trước quân Mexieo trong trận Puebla năm 1862, một chiến thắng mà ngày nay Mexico coi là ngày quốc lễ. Bản thân Maximilian thì chẳng phải là một người có kinh nghiệm chính trị hay quân sự gì. Ông nghĩ ra ý tưởng xây dựng một quân đội thiện chiến với nòng cốt là lính Lê dương kết hợp với binh lính bản xứ người Anh-điêng. Điều này thể hiện tham vọng sử dụng đội Lê dương vừa là công cụ chính trị và cả quân sự. Hai đại đội Lê dương Anh-điêng được thành lập. Tuy nhiên, người Anh-điêng bản địa, lại đang chịu ảnh hưởng của phong trào kháng chiến mạnh mẽ như vậy, làm sao có thể thích nghi được với phong cách "lính tẩy" đánh thuê chuyên nghiệp của lính Lê dương nên đào ngũ hàng loạt. Các đại đội Lê dương Anh-điêng phải giải thể và ý tưởng này thất bại.
 
  Một vấn đề khác phải đối phó là người Mexico rất thích cưỡi ngựa. Lính Pháp ở Mexico hồi đó truyền tụng một giai thoại tiếu lâm rằng ở nước Mexico, Hoàng đế Maximilian rất hiếm khi rời khỏi cung điện và "Ngài" là người đàn ông duy nhất ở Mexico không cưỡi ngựa. Chẳng bao lâu, quân Pháp và Lê dương cảm thấy ngán ngẩm khi phải đối phó với các đoàn kỵ binh du kích của Mexico. Lính Lê dương H. Spinner kể lại sau khi lê bước qua những con đường núi để truy kích "bọn cướp", anh ta nhận ra rằng họ cưỡi những con ngựa nhanh hơn bước chân của anh ta cả trăm lần và đã biến mất. (1)

  Để đối phó lại, đầu năm 1863, người Pháp chấp nhận ý tưởng của Charles Louis Dupin, một cựu - lính Lê dương, đã từng phục vụ tại Algeria, Italia và Trung Quốc; về việc tổ chức một đội quân không chính quy chống lại quân Mexico. Đơn vị này gồm 1 tiểu đoàn 500 người gồm toàn cựu lính Lê dương, có ngựa cưỡi và 2 khẩu pháo, có thể đi chuyển khoảng 60 dặm/ngày. Thực chất, đơn vị Lê dương này là một "đảng cướp" hợp pháp. Theo nhật ký riêng của Dupin hiện còn lưu trong hồ sơ quân sự Pháp, kỷ luật là khái niệm xa xỉ ở đơn vị này. Sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính có thể say bí tỉ trong cùng một quán rượu và đến nửa đêm thì tất cả "táng” vào mặt nhau những cú đấm. Quân phục lôi thôi, một phần ba binh lính trong tiểu đoàn thậm chí chẳng có quân phục gì. Dupin thừa nhận: "Nếu đơn vị này hành quân trên đường phố Paris, mọi người sẽ nghĩ đây là một bọn ăn trộm" (2). Bọn này đột kích vào các làng mạc, cướp bóc, hành hạ người dân, đốt phá và đơn vị Lê dương của Dupin đã gây ra một sự khiếp sợ trong nhân dân Mexico lúc bấy giờ.

  Dù sao đi nữa, thành lập những đơn vị Lê dương kiểu như của Dupin cũng không phải là giải pháp hay nhất. Đội Lê dương vẫn muốn phát triển các đơn vị ky binh để nâng cao khả năng tác chiến chống lại quân Mexico. Tháng 10/1863, một đại đội cơ động Lê dương gồm 100 lính được thành lập nhưng đây chỉ là giải pháp nửa vời. Tháng 4/1864, một đại đội khinh binh đánh núi được thành lập và phối thuộc cho tiểu đoàn 1 Lê dương. Tuy nhiên, sau này khi quân Lê dương chiếm được một số ngựa chiến lợi phẩm của người Mexico thì những phân đội ky binh Lê dương mới được thành lập gồm những lính ky binh cũ người Đức.

  Tuy nhiên, họ quá ít, chỉ có 240 người (9/1866). Ngựa lại thiếu. Ngựa gửi từ Pháp sang không sử dụng được ở đồi núi hiểm trở và hay bị gãy chân. Thế là lại phải giết chúng. Tuy nhiên, các phân đội kỵ binh Lê dương cũng được sử dụng nhiều để đi "cứu hoả" cho các đồn bốt Pháp bị quân Mexico tấn công nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Quân kháng chiến Mexico cơ động rất nhanh, họ sinh ra và lớn lên trên mình ngựa và tinh thần hăng hái. Thất bại nặng nề nhất của lính kỵ binh Lê dương ở Mexico là trận Camargo ngày 14/7/1866 khi họ hộ tống một đoàn xe vượt sông gần thành phố Rio Grande City, Texas gần biên giới Mỹ. Quân kháng chiến do Juarist chief Escobedo chỉ huy, có nhiều lính tình nguyện người Mỹ da đen tham gia tấn công đoàn xe. Quân Pháp gồm 300 lính Lê dương người Áo và 2 tiểu đoàn quân bảo hoàng Mexico. Lính Lê dương kháng cự khá quyết liệt nhưng khi trận đánh đang tiếp diễn, 2 tiểu đoàn quân bảo hoàng Mexico đã quay súng chạy sang phe kháng chiến. Lính Lê dương phải đầu hàng. Quân Mexico bắt được hơn 1000 tù binh, 8 khẩu đại bác và hơn 300 xe cộ. Trận đánh này cho thấy các đơn vị ky binh Lê dương - một loại hình tác chiến không phải là sở trường của Lê dương mà là một biện pháp đối phó thụ động trước sự kháng cự đặc sắc và hiệu quả của người bản xứ không phải là một giải pháp có thể xoay chuyển chiến lược và đó là một điểm yếu mà đội quân Lê dương phải khắc phục. Tuy nhiên, sau này với sự ra đời của các phương tiện chiến tranh hiện đại -xe và pháo- kỵ bính, lực lượng cơ động là công cụ mạnh của các nhà quân sự, triều đại phong kiến đã phải nhường bước.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 11 Tháng Tám, 2008, 05:48:53 pm
  Dù sao đi nữa, các đơn vị Lê dương cũng tỏ ra thành thạo nghiệp vụ, có tinh thần chiến đấu. Ngày 29/4/1863, Đại tá Jeaning cử Đại uý Danju đưa 1 đại đội đi hộ tống đoàn xe tiếp tế từ Vera-Cruz đến Puebla. Ông chọn đại đội 3 Lê dương nhưng khi biết tất cả các sĩ quan của đại đội này đều bị ốm, Danju quyết định trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân và mang theo hai Trung uý Maudet và Vilain phụ tá. Đoàn xe bắt đầu khởi hành lúc một giờ sáng ngày 30/4, dự kiến sẽ đến Paolo Verde lúc còn sớm. Trong lúc đó quân kháng chiến Mexico được tin về đoàn xe này nên họ điều động 800 ky binh và 3 tiểu đoàn bộ binh (tổng cộng khoảng 2000 quân) để chặn đánh đoàn xe. Lúc năm giờ, Danju cho quân dừng lại nghỉ và cho chuẩn bị bữa cà phê sáng. Đột nhiên, lính cần vụ hớt hải báo quân địch tấn công. Những cốc cà phê bị ném đi và lính Lê dương cố gắng đưa đoàn xe chạy vào làng Camerone. Danju nhanh chóng bố trí phòng ngự trong một trang trại có tường dày. Đợt xung phong đầu tiên của quân Mexico bị đẩy lùi nhưng những con la thồ hàng thì sợ hãi, giật đứt dây cương và chạy tán loạn mang theo cả lương thực, nước uống và đạn dược. Danju có trong tay 65 lính Lê dương nhưng mỗi khẩu súng chỉ có 60 viên đạn. Ông vẫn quyết định cố thủ tiếp cận quân địch, phân tán sự chú ý của họ vào các xe hàng hoá và nhanh chóng rút vào một điền trang gần đó tổ chức phòng ngự. Họ cố thủ ở đó 10 tiếng đồng hồ. Chín giờ sáng, mặt trời lên cao, lính Lê dương không có nước, lương thực. Đại tá Milian, chỉ huy quân kháng chiến Mexico kêu gọi họ đầu hàng. Lính Lê dương nói họ còn đạn và không có ý định hạ vũ khí. Tất cả hứa với Danju là dù có thế nào, họ cũng sẽ chiến đấu đến cùng. Sau đó, quân Mexico tiếp tục tiến công. Đại uý Danju bị giết lúc 11 giờ. Lúc này, ba tiểu đoàn bộ binh Mexico đã áp sát và lại kêu gọi lính Lê dương đầu hàng. Họ từ chối và tình thế trở nên xấu hơn. Quân Mexico đã tràn vào được điền trang và diễn ra cuộc đánh giáp lá cà lộn ẩu. Khói lửa ngùn ngụt trong những căn phòng, lính Lê dương lần lượt ngã gục. Trung uý Vilaín bị giết lúc 2 giờ chiều và Trung uý Maudet nắm quyền chỉ huy nhưng đến 5 giờ chiều thì anh ta chỉ còn trong tay 12 lính có thể chiến đấu. Đại tá Milian lại kêu gọi đầu hàng. Lính Lê dương không trả lời và quân Mexico lập tức tấn công. Xung quanh trung uý Maudet chỉ còn hạ sĩ Maine và 4 lính Lê dương là Leonhard, Catteau, Wenzel và Constantin. Bao đạn trống rỗng, họ bắn đi băng đạn cuối cùng và xung phong lưỡi lê vào quân Mexico. Tất cả đều trúng đạn trước khi có thể chạm đến đối phương. Trung uý Maudet trúng hai phát đạn. Người lính Lê dương Catteau lao mình lên che đạn cho trung uý Maudet, trúng 19 phát. Họ là những người cuối cùng. Trận đánh kết thúc lúc 6 giờ chiều. Trong số 65 lính và sĩ quan của đại đội Danju, chỉ còn 12 người bị thương và bị bắt làm tù binh. Ba người lính Maine, Wenzel và Constantin, bị thương nhưng còn đứng được. Quân Mexico kêu gọi họ đầu hàng. Họ trả lời sẽ chỉ hàng nếu được mang vũ khí và băng bó những người bị thương. Đại tá Millian đồng ý. Đó cũng có thể coi là một quyết định nhân đạo mã thượng hiếm có trong chiến tranh, đặc biệt xét trong lịch sử đẫm máu của đạo quân lê dương ở các thuộc địa sau này.
 
(http://i71.photobucket.com/albums/i152/bodoi_bucket/1863_-_Lgion_-_camerone2.jpg)
Trận Camerone.

  Sau này, Hoàng đế Napoleon Đệ Tam đã quyết định cho thêu tên Camerone lên lá cờ của Trung đoàn 1 Lê dương và ngày 30/4 hàng năm trở thành ngày lễ của Đội quân Lê dương Pháp.
  Về phía Mexico, họ cũng ghi nhận tinh thần dũng cảm của lính Lê dương trong trận đánh này. Năm 1892, một đài tưởng niệm trận đánh được đặt tại Camerone và kể từ đó, các đơn vị quân đội Mexico mỗi khi hành quân ngang qua đây đều bồng súng chào.


  Bốn năm sau trận Camerone, cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào Mexico rõ ràng không thể đạt được thắng lợi. Sau năm 1865, Mỹ kết thúc nội chiến và bày tỏ sự ủng hộ với Juarez và những người Cộng hoà chống lại Hoàng đế Maximilian và phe Bảo hoàng của ông ta được dựng lên bằng lưỡi lê ngoại bang. Tại châu Âu, năm 1866, quân Phổ, được trang bị súng trường bắn nhanh kiểu mới, đã nhanh chóng đánh tan quân Áo trong trận Sadowa và giành thắng lợi chỉ trong 7 tuần. Sự kiện này là một tiếng sét nổ giữa bầu trời châu Âu và nước Pháp phải lập tức để mắt đến sườn phía Tây của mình. Napoleon Đệ tam buộc phải chấm dứt chiến dịch Mexico.Tháng 3/1867, các đơn vị Lê dương ở Mexico rút hết về Algeria. Trong chiến dịch này, tổn thất của Đội quân Lê dương là 31 sĩ quan và 1971 hạ sĩ quan và binh lính chết.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 12 Tháng Tám, 2008, 03:44:56 pm
IV, Chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871, "cái được" lớn nhất là Pháp.... mất Alsace và Lorraine

  Khi cuộc chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra, Pháp cho thành lập tiểu đoàn 5 Lê dương gồm những người nước ngoài đang sống tại Pháp.

  Tiểu đoàn này tham chiến tại Orleans ngày 10/10/1870 và gần như bị quân Phổ tiêu diệt hoàn toàn. Thiếu tá tiểu đoàn trưởng Arago và 5 sĩ quan bị giết nhưng trong số những người sống sót có thiếu uý Kara, thực ra chính là Hoàng tử Karageorgevich, sau này trở thành Vua Peter I của Serbia.

 
(http://farm4.static.flickr.com/3292/2496843446_0d37bc912d.jpg?v=0)

  Cùng với tiểu đoàn 5, Pháp cho tăng viện thêm 2 tiểu đoàn Lê dương từ Algeria về. Lính Lê dương chiến đấu với quân Phổ qua một mùa đông khắc nghiệt. Ngày 13/1, họ chiếm lại được Montbeliard nhưng lúc này thế thua của Pháp đã rõ ràng. Ngày 28/1/1871, Pháp buộc phải ký hiệp định đình chiến. Ngày 17/3, các đơn vị Lê dương chuyển về Versailles. Tổn thất của nó trong chiến tranh Pháp-Phổ là 14 sĩ quan và 916 hạ sĩ quan và lính chết. Tháng 6/1871, các đơn vị Lê dương trở về Algeria.
 
  Bị thua trong chiến tranh, phải cắt 2 vùng Alsace và Lorraine cho Phổ và không hy vọng sớm đòi lại được Chính phủ của nền Cộng hoà thứ ba của Pháp nghĩ ngay đến việc xâm chiếm và bóc lột những miền đất rộng lớn ở châu Phi và châu Á. Quân đoàn lục quân 19 của Pháp ở châu Phi được coi là thích hợp để thực hiện sứ mạng "cao cả" này. Quân đoàn này được coi là có kinh nghiệm chiến đấu ở những nơi địa hình khó khăn, giữa những cộng đồng dân cư nghèo đói và đầy bệnh tật. Trong những chiến dịch xâm lược để mở mang những thị trường mới cho Pháp, đương nhiên đội Lê dương nằm trong số những đơn vị được lựa chọn.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 13 Tháng Tám, 2008, 09:02:01 pm
V, Chiếm Dahomey 1892, phải viện đến kinh nghiêm xương máu khi đánh căn cứ Ba Đình trong cuộc chiến thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam

  Năm 1884, quân Lê dương có 2 trung đoàn ở Algeria, trung đoàn 1 ở Sidi-bel-Abbes và trung đoàn 2 ở Saida. Để chuẩn bị cho những cuộc hành quân viễn chinh đánh chiếm những thuộc địa mới, Bộ chỉ huy Pháp thực hiện ý tưởng thành lập những "trung đoàn hành quân" (march regiment) hay “tiểu đoàn hành quân" (march battalion). Khi cần thiết, người ta sẽ lựa chọn các sĩ quan và binh lính tốt nhất từ các trung đoàn hay tiểu đoàn đã có và nhanh chóng thành lập một trung đoàn hay tiểu đoàn hành quân mới. Số quân các đơn vị này không cố định và được coi là những đơn vị mạnh vì gồm toàn những thành phần "ưu tú” của Đội Lê dương, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Pháp cho rằng việc thành lập những đơn vị kiểu này sẽ rút ngắn thời gian tác chiến và giải quyết chiến trường nhanh.
 
  Về mặt lý luận quân sự, có thể coi đây là một dạng thức sơ khởi của lực lượng phản ứng nhanh của chiến tranh hiện đại. Khi tiến hành xâm lược Dahomey năm 1892, hai trung đoàn Lê dương được lệnh rút ra tổng cộng 800 sĩ quan và binh lính để cấp tốc thành lập 1 tiểu đoàn hành quân mới điều đi Dahomey. Lực lượng viễn chinh gồm khoảng 3600 quân trong đó nòng cốt là tiểu đoàn Lê dương, còn lại là lính Algeria. Chỉ huy chiến dịch là đại tá Alfred Amedee Dodds, một sĩ quan có kinh nghiệm trong chỉ huy xâm lược giành thuộc địa. Cần phải nói thêm rằng viên sĩ quan này năm 1886-1887, khi còn là trung tá, đã tham gia chỉ huy chiến dịch đàn áp cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Việt Nam. Sau này, Dodds được phong quân hàm Đại tướng nước Cộng hoà Pháp.

  Đoàn quân viễn chinh đi trên hai tàu vận tải Mytho và Ville de Saint Nicolas rời cảng Oran, Algeria ngày 7/8/1892. Sau 17 ngày lênh đênh trên biển, họ nhìn thấy đất liền, những bãi cát trải dài về phía Đông điểm những cây dừa và một ngôi làng nhỏ. Những chiếc tàu chở lính viễn chinh nhanh chóng bỏ neo tại thị trấn Cotonu. Trái với tưởng tượng của lính Lê dương, chẳng có một chút gì mang dấu ấn của châu Âu như một ngôi nhà hay là cái gì tương tự cả. Điều đó làm nhiều người thất vọng. Sử dụng những chiếc thuyền của địa phương và được 1 pháo hạm nhỏ của Pháp hộ tống, họ tiến dọc hồ Nokoue 20 dặm đến cửa sông Ossa vào Porto Novo.
 
  Porto Novo là thủ phủ của Vương quốc Tofa. Vùng này nguyên là của Dahomey từ khoảng đầu những năm 1820. Năm 1889, Pháp yêu cầu Dahomey phải chuyển giao Cotonou cho Pháp. Dahomey từ chối thì Pháp chiếm luôn Cotonou và lập ra một triều đình bù nhìn. Việc Cotonou trở thành xứ bảo hộ của Pháp đã chặn mất đường thông ra biển của Dahomey và tất nhiên, Vua xứ Dahomey Behanzin rất tức giận.
 
  Sau khi đã nghỉ ngơi, đại tá Dodds chia quân làm 3 đạo, mỗi đạo khoảng 800 quân cùng chừng ấy dân phu Cotonou. Đơn vị dự bị có 900 quân đóng tại Porto Novo và một mũi hỗ trợ gồm 2 đại đội lính Senegal tiến từ Grand Popo theo bờ biển phía Nam tiến đến Abomey. Quân Pháp ước tính quân Dahomey có khoảng 12 nghìn người gồm cả đội nữ binh nổi tiếng mà châu Âu quen gọi là các nữ binh Amazon. Tuy nhiên, theo nhà văn Pháp Alfred Barbou thì quân Dahomey chỉ khoảng 4500 người trong đó có 800 nữ binh Amazon và có thể lên đến 10 nghìn người. Trong điều kiện châu Phi lúc bấy giờ, quân Dahomey được coi là thiện chiến, nhất là các nữ binh Amazon. Đạo quân này ra đời đầu thế kỷ 19 và trở thành niềm tự hào của Vua Dahomey. Nhiều gia đình muốn con gái mình được tuyển vào đạo quân này. Các nữ binh Amazon được rất nhiều ưu đãi, được ở trong cung điện Hoàng gia tại Abomey, ăn uống có người phục vụ và mọi người phải nhường đường nếu gặp họ. Các nữ binh này không có quyền có quan hệ với bất kỳ người đàn ông nào, trừ Vua, ai vi phạm sẽ bị xử tử. Bên cạnh đạo nữ binh Amazon, quân thường trực Dahomey có khoảng 2-3 nghìn người. Mỗi người lính tự mang trang bị và lương thực đủ trong 2 tuần. Khi chiến đấu họ thường chia làm hai cánh. Những chỉ huy quan trọng ở cánh phải và những người ít quan trọng hơn ở cánh trái. Mỗi cánh chia thành 2 binh đoàn và mỗi binh đoàn gồm một số đơn vị do các chỉ huy quân sự của các làng đứng đầu. Quân Dahomey có khoảng 2000 khẩu súng trường mua của các lái súng Đức năm 1891 và cung tên, kiếm ngắn, giáo mác.

(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/9/99/Dahomey_amazon1.jpg)
Nữ binh Amazon của vua Dahomey.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 14 Tháng Tám, 2008, 07:46:03 pm
  Cái cớ để Pháp bắt đầu chiến dịch xâm lược Dahomey chính là ngày 2/3/1892, quân Dahomey bắn vào pháo thuyền Topaz của Pháp khi chiếc tàu này đi ngược lên Oueme vào lãnh thổ Dahomey. Như trên đã nói, sau khi chuẩn bị xong, lính Lê dương bắt đầu tiến lên phía Bắc Porto Novo dọc theo con đường xuyên qua những rừng cọ và làng mạc. Càng hành quân càng mệt mỏi. Mỗi lính Lê dương chỉ mang 1 khẩu súng và 150 viên đạn mà vẫn cảm thấy nặng và mỗi giờ chỉ đi được khoảng 2 dặm. Ngày 11/9, quân Pháp tiến đến một khu đất cao nhìn xuống Oueme qua một ngôi làng nhỏ tên là Dogba.

  Đại tá Dodds cho hạ trại nghỉ ngơi trước khi tiếp tục tiến về phía Bắc. Lúc 5 giờ sáng ngày 12/9, đột nhiên tiếng trống và kèn hiệu lanh lảnh vang lên dựng dậy cả những người ngủ say nhất. Trung uý Jacquot choàng tỉnh khi nghe tiếng súng nổ chỉ cách khoảng 100m. Anh ta không kịp mặc quần áo, chỉ vội vớ lấy khẩu súng ngắn và gọi lính của mình. Lính Lê dương xô ra khỏi lều, một số người mặc quần đùi, vài người khác khoác áo sơ mi và chỉ hai phút sau họ đã thấy quân Dahomey rời khỏi bìa rừng tấn công dữ dội. Trong ánh sáng ban mai nhập nhoạng, những bóng đen của các chiến binh Dahomey lướt đến làm cho lính Lê dương khiếp đảm. Người trước ngã xuống, người sau tiến lên. Họ đã đến cách chu vi phòng ngự của lính Lê dương khoảng 10m nhưng pháo thuyền Pháp Opale đã can thiệp. Đại bác và khẩu đại liên Hotchkiss của nó nhả đạn liên hồi. Quân Pháp tiến lên phản công và trận đánh chuyển sang giáp lá cà. Đứng trước kẻ địch được trang bị hiện đại, các chiến binh Dahomey không hề nao núng mặc dù họ chỉ có dáo mác là chính. Trung uý Jacquot nhớ lại : "đạn và mảnh đại bác không làm họ lùi lại một phân" (3). Tuy nhiên, chỉ có giáo mác và cung tên thì làm sao chống được vũ khí tối tân. Sau 9 giờ sáng, trận đánh kết thúc, quân Dahomey rút lui.

 
(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/1/16/Medailles_dahomey.jpg/300px-Medailles_dahomey.jpg)
Một bức tranh về trận đánh giữa Lê dương Pháp và quân Dahomey

  Quân Pháp tiếp tục tiến dọc bờ Đông con sông về phía Bắc. Họ đi chậm và cố không vượt ra khỏi tầm yểm hộ của đại bác. Rút kinh nghiệm, mỗi khi hạ trại nghỉ, quân Pháp đều cố đào hào bao quanh bốn mặt để phòng ngự. Họ cảm thấy mỏi mệt và kiệt sức Căng thẳng vì lo sợ bị tập kích lại khó chịu vì các loại côn trùng nhiệt đới bâu đốt, lính Lê dương rất chán nản. Ngày 28/9, các pháo thuyền Pháp bị phục kích. Đêm 30-31/9, trại quân Pháp bị đại bác của quân Dahomey tập kích hoả lực. Đại tá Dodds cho rằng quân Dahomey sắp tiến công. Vì vậy, ngày 2/10, Dodds bất ngờ cho pháo thuyền đưa quân vượt sông sang bờ phải. Quân Dahomey không đề phòng nên phải rút lui. Quân Pháp tiếp tục tiến theo bờ phải sông đến làng Paguessa thì phải nghỉ lại. Ngày 4/10, Dodds hạ lệnh tiến quân rất sớm và chia quân làm 2 đạo, 1 tiến dọc bờ sông và 1 tiến qua những bãi cỏ cao. Cách làng Grede khỏang 1,5 dặm thì họ bị phục kích. Nhiều tay súng Dahomey nấp trên những ngọn cây cứ nhè sĩ quan Pháp mà nã đạn. Ba sĩ quan bị họ bắn gục và quân Pháp co lại thành đội hình phòng thủ hình vuông, có đại bác 81mm yểm trợ. Tuy bị hoả lực mạnh của quân Pháp gây thiệt hại nặng nhưng quân Dahomey vẫn tiến công. Lần này, các nữ binh Amazon tham chiến. Những nữ binh này dẫn đầu cuộc xung phong. Martyn, lính Lê dương nhớ lại: "Họ (nữ binh Amazon) mặc những chiếc váy xanh . . . phủ đến đầu gối . . . . phần trên người họ để trần, đầu quấn khăn đỏ có cắm lông đại bàng. . . . Họ chiến đấu rất hăng hái và nếu bị dồn vào một góc thì họ không ngần ngại dùng cả răng lẫn móng tay" (4) Khi hai bên đang hỗn chiến thì các pháo thuyền Pháp theo sông Oueme tiến lên nã đạn vào sườn trái quân Dahomey và đội dự bị của họ. Thế trận trở nên bất lợi và quân Dahomey rút lui về phía Bắc lúc 10 giờ sáng, để lại nhiều xác chết trong đó có 30 nữ binh Amazon. Lính Lê dương Lelievre kể: "Khi chui vào một công sự làm bằng các khúc cây của người Dahomey, tôi thấy 3 người trong đó 1 người còn thở. Tôi kết liễu anh ta bằng lưỡi lê. Trong số những người chết, rất nhiều nữ binh Amazon...Tôi rất ngạc nhiên thấy phần lớn họ là những cô gái rất trẻ . . . . . . Hai người nằm cạnh nhau có vẻ là hai mẹ con" (5)


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 15 Tháng Tám, 2008, 05:37:45 pm
  Quân Pháp tiến lên phía Bắc và họ còn bị quân Dahomey tấn công nhiều lần. Một hôm, sau khi tiến vào một trại quân Dahomey bỏ lại, lính Lê dương bắt được 4 tù binh trong đó có 1 nữ binh Amazon. Tất cả bị giải đến lều chỉ huy của đại tá Dodds và sau khi bị Dodds thẩm vấn, tất cả đều bị bắn. (6)

  Tiếp tục tiến lên, quân Pháp ngày càng cách xa tuyến tiếp tế dựa vào con sông và phải đi xuyên qua 60 dặm đường giữa những cánh rừng già. Dodds chia quân ra làm 3 cánh tiến song song, được kỵ binh yểm trợ bên sườn. Tuy nhiên, chỉ có 1 cánh quân đi trên đường còn lại phải đi xuyên qua những bụi rậm và luôn bị phục kích. "Từ 8 giờ sáng, tiếng súng bắt đầu cho đến khi trời tối chống lại với vô số quân địch quấy rối và xung phong với lòng gan dạ lớn nhất" (7). Chiến đấu liên tục làm tổn thất của Pháp tăng lên. Mỗi khi phải rút lui, quân Dahomey lấp giếng làm cho quân Pháp không có nước uống, phải lấy nước mưa. Martyn viết: "Ngày 13/10, khi chúng tôi đến đỉa điểm dự kiến hạ trại, mọi người quá mệt và chúng tôi nằm la liệt trên mặt đất, ngủ ngoài trời thậm chí chẳng buồn ăn hay dựng lều”. (8) Nửa đêm, có một trận mưa to, mặc dù ướt như chuột lột nhưng lính Lê dương lại rất hài lòng vì họ được thoả cơn khát.
 
  Ngày 14/10, quân Pháp tiến đến làng Kotopa nằm trên con đường chính tiến đến Abomey. Tại đây người Dahomey lập ra ba tuyến phòng thủ dựa vào con sông Koto. Trên vùng đồi thấp cạnh sông, quân Dahomey bố trí đại bác. Dodds cho pháo binh bắn phá Kotopa trong lúc đó quân Pháp vòng qua làng. Lúc 8 giờ 30 sáng, quân Pháp đi tắt qua rừng về phía sông Koto, khát khô cả họng. Dodds cho triển khai đội hình hình vuông và tiến về phía sông. Quân Dahomey nhận thấy họ đang bị đánh bọc sườn nên cho nã pháo vào quân Pháp. Tuy nhiên, khi tiến đến gần Koto, quân Pháp vấp phải một cánh rừng và Dodds phải phái những toán trinh sát tiến lên trước. Quân Dahomey dần dần dồn lực lượng đến áp sát đội hình quân Pháp và tiến đánh dữ dội. Giữa buổi chiều, Dodds phải cho rút lui về một khu đất cao và qua đêm ở đó. Ngày 15/10, quân Dahomey tấn công nhưng bị đẩy lùi. Về phía Pháp, thiếu nước, trạm cứu thương ùn đống thương binh. Một đại đội lính Senegal cố gắng đưa một đoàn phu khuân vác mang nước đến tiếp tế nhưng giữa đường bị phục kích và những người phu bỏ chạy tán loạn. Dodds phải phái 1 đại đội Lê dương quay lại cứu viện. Ngày 16/10, Dodds phải lui về vị trí đóng quân ngày 13/10. Lính Lê dương đặt tên cho chiến dịch này là "Trại khát". Môi nứt nẻ, lưỡi rộp lên, mọi người phải uống nước trong những vũng đục ngầu. Martyn ước tính đến 20% quân lính bị đường ruột. Ngày 17/10, Dodds gửi về phía sau 200 thương binh và 2 đại đội hộ tống. Quân Pháp chỉ còn 53 sĩ quan, 1533 lính và khoảng 2000 phu nhưng sau đó được 2 đại đội Senegal đến tăng viện. Dodds chia quân làm 4 đội, mỗi đội có 3 đại đội (1 đại đội Lê dương làm nòng cốt). Đại đội thủy quân lục chiến đã bị mất sức chiến đấu. Quân Pháp cũng cho tiếp tế thêm đạn dược, lương thực, nước uống và từ ngày 26/10, họ bắt đầu tiến công. Quân Dahomey chiến đấu quyết liệt nhưng quân Pháp có vũ khí hiện đại nên đã đẩy lùi được họ. Quân Pháp tiến đến Cana, một cố đô của Dahomey. Tại đây, 300 quân Dahomey đã chiến đấu đến người cuối cùng và cũng kết thúc sự kháng cự có tổ chức của Vua Behazin. Sau đó, Vua Behazin phái sứ giả đến cầu hoà nhưng Dodds đặt điều kiện phải bồi thường chiến phí 15 triệu Phơ-răng, công nhận chế độ bảo hộ của Pháp, Pháp chiếm đóng Dahomey, Behazin phải giao nộp tất cả đại bác và 2000 khẩu súng trường. Vua Dahomey từ chối và quân Pháp tấn công. Ngày 17/ 11 , quân Pháp tiến vào kinh đô Dahomey và Vua Behazin phải chạy lên phía Bắc. Pháp dựng một người anh của Behazin lên làm vua bù nhìn và cho lùng bắt Vua Behazin. Năm 1894, Pháp chiếm xong toàn bộ lãnh thổ Dahomey và bắt được Vua Behazin. ông bị đày đi Martinique sau đó là Algeria và chết ở đó năm 1906.

(http://www.martinfrost.ws/htmlfiles/april2007/scramble6.jpg)
Vua Behazin của Dahomey

  Tổn thất của Pháp trong chiến dịch Dahomey là 11 sĩ quan và 70 lính chết, 25 sĩ quan và 411 lính bị thương. Tuy nhiên, số chết vì bệnh tật thì cao gấp năm lần con số này. Dù vậy, người Pháp vẫn coi đó là một thắng lợi với tổn thất "tương đối nhẹ". Đại tá Dodds được thăng lên cấp thiếu tướng rồi sau này là Đại tướng nước Cộng hoà Pháp.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 16 Tháng Tám, 2008, 06:50:51 pm
VI, Madagascar 1895, lưỡi lê lập nên nền bảo hộ

  Sau khi hoàn thành chiến dịch đánh chiếm Dahomey, Pháp nghĩ ngay đến việc đánh chiếm Madagascar. Lợi dụng mâu thuẫn giữa hai bộ tộc lớn trên đảo là Hova và Malagasy, năm 1894, Pháp đề nghị thiết lập quyền "bảo hộ" trên phần đất của người Malagasy. Bộ tộc Hova từ chối kiểu "đề nghị" này và Hội đồng bộ trưởng Pháp đã lập tức chuẩn bị kế hoạch xâm lược Madagascar. Tháng 11/1894, chủ trương chính thức là "Madagascar phải bị buộc chấp nhận sự bảo hộ của Pháp dưới lưỡi lê" (9).

 
(http://www.ldh-toulon.net/local/cache-vignettes/L250xH370/madagascar_juin1895-969d1.jpg)

  Việc chuẩn bị gặp nhiêu trở ngại vì Pháp phải chuyển quân lớn bằng đường biển. Họ dự kiến đổ bộ lên Majunga ở bờ Tây đảo, sau đó hành quân đánh chiếm Tananarive là thủ phủ nằm bên bờ Đông đảo. Nhưng, thế có nghĩa là sẽ phải hành quân 160 dặm xuyên qua rừng rậm và cần có rất nhiều cu-li để vận chuyển đạn dược, lương thực và quân trang quân dụng. Quân Pháp cho bắt người Algeria và người Somalia làm cu-li và còn định đưa cả người Việt Nam (lúc này đã Việt Nam bị Pháp chiếm) sang nữa nhưng ý định này không thành. Cuối cùng, 7715 cu-li đã được tập hợp để "khuân đồ" cho đạo quân viễn chinh gồm 658 sĩ quan và 14.773 lính. Tham gia đạo quân này có 800 lính Lê dương rút ra từ hai trung đoàn và được tổ chức thành 1 tiểu đoàn hành quân. Cuộc viễn chinh bắt đầu tháng 1/1895 và đến tháng 4, quân Pháp đổ bộ ở Majunga. Quân Hova có tổ chức một số trận đánh nhưng quân Pháp đánh lui họ khá dễ dàng vì quân Hova chỉ có tổng số khoảng 10 nghìn, vũ khí thô sơ không thể chống lại đại bác Pháp. Không khí lạc quan bao trùm và quân Pháp bắt đầu hành quân sâu vào nội địa.

  Mỗi ngày trôi qua, lính Pháp bắt đầu hành quân lúc 6 giờ sáng với trang bị hành quân và khẩu súng trường kiểu 1895. Họ tiến theo con đường dọc sông Betsiboka và sông Ikopa. Nghỉ giải lúc 10 giờ và sau đó tiếp tục hành quân đến 5 giờ 30 chiều. Tuy nhiên, chặng đường hành quân càng dài thì tiếp tế càng khó khăn. Bệnh tật hoành hành và số người chết ngày càng nhiều. Tinh thần mệt mỏi. Trung uý Lê dương Langlois viết: "Nhiều người đang hấp hối tại Tsarasotra. Suốt ngày, người của chứng tôi phải làm các cây thập ác, đào mộ và mỗi buổi tối lại diễn ra tang lễ với hình thức y hệt nhau (10). Nhật ký của lính Lê dương Lentonnet ngày 15/6 ghi: "Chúng tôi không thể đếm được số nạn nhân nữa. Và vì sao?. . .  Bất cứ ai đưa họ đến Madagascar là tên giết người thực sự. Nghĩa địa đầy ứ” (11)

  Đến tháng 8 thì tổn thất lên đến mức không chịu nổi. Các trại lính Pháp dọc sông Betsicoba và Ikopa được bao quanh cả một rừng thập ác của các nấm mộ. Binh lính kiệt sức vì sốt rét, theo Trung uý Lê dương Langlois, đến mức không còn đủ sức đi vệ sinh. Đến cuối tháng 8, cũng theo trung uý Langlois, các đại đội Lê dương, bình thường có quân số 200 người, đã giảm xuống chỉ còn 70-75 người. Tất cả các đơn vị đã biến mất. (12). Ngày 1/9, trong số 800 lính Lê dương còn 450 người có thể chiến đấu. Các đơn vị khác còn tồi tệ hơn. Trung đoàn 200 bộ binh gần như mất sức chiến đấu hoàn toàn. Tướng Duchesne, tư lệnh chiến dịch, một lần thấy 3 sĩ quan dẫn theo 10 lính công binh trở về trại sau ngày làm việc, ông ta hét toáng lên "Nhiều sĩ quan mà ít lính quá". Sự thực, đó là tất cả những gì còn lại của đại đội công binh. Trong số 150 lính xung kích châu Phi chỉ còn lại 20 người. Trung đoàn 13 thuỷ quân lục chiến có 2400 quân khi họ đổ bộ lên Majunga hồi tháng 3, giờ chỉ còn 1500 người.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 17 Tháng Tám, 2008, 09:56:47 am
  Phải đến tháng 9, con đường đến Andriba do công binh Pháp xây dựng suốt mấy tháng mới hoàn thành. Quân Pháp nhận được 350 tấn tiếp tế và 150 lính Lê dương tăng viện. Tướng Duchesne cho lập một đơn vị trang bị nhẹ gồm 1500 lính, trong đó có 1 tiểu đoàn Lê dương. Đơn vị này sẽ tiến nhanh phía trước để làm lực lượng xung kích.

  Ngày 14/9, đạo quân này khởi hành. Trung đoàn Algeria gồm 2 tiểu đoàn Algeria và 1 tiểu đoàn Lê dương là một cụm. Cụm thứ hai trung đoàn hỗn hợp có 1 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến và 1 số đơn vị lính Senegal và lính Malagasy. Làm hậu bị có trung đoàn 200 bộ binh và các đơn vị thủy quân lục chiến, lính Phi hộ tống đoàn xe tải. Toàn bộ đạo quân viễn chinh lúc này có 237 sĩ quan, 4013 lính, 1515 phu đánh xe và 2809 con la kéo đến thủ đô Tananarive của Madagascar. Một vài người bi quan thì gọi đây là "cuộc tự sát của tướng Duchesne" nhưng lính Lê dương của trung uý Langlois thì đã "mơ thấy sự giàu có của kinh đô" (13).

  Trên đường đi, quân Hova tổ chức đánh chặn hai lần nhưng vũ khí thô sơ, lại u mê lạc hậu nên họ khiếp sợ trước vũ khí Pháp, chạy tán loạn vào rừng. Ngày 26/9, sau khi trèo qua ngọn núi Alakamisy, quân Pháp đã nhìn thấy kinh đô cách chừng 15 dặm. Ngày 28/9, lính Lê dương tiến vào Tananarive, quân Hova chỉ kháng cự yếu ớt. Quân Pháp cho nã đại bác vào kinh thành và hoàng cung. Triều đình Hova đầu hàng. Chiến dịch Madagascar kết thúc với tổn thất trong chiến đấu rất nhẹ nhưng số bị chết vì bệnh tật lại không nhỏ chút nào. Tổng cộng 4614 lính chết, gần 1/3 số quân tham gia chiến dịch. Ngoài ra số dân phu người Algeria chết là 1143 người. Xem ra cái giá phải trả của sự xâm lược không rẻ nhưng suy cho cùng, cũng chỉ binh lính chết mà thôi.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 17 Tháng Tám, 2008, 04:53:08 pm
VII, Đại chiến thế giới thứ nhất 1914-1918, khi Thống chế Patain còn là niềm kiêu hãnh

  Năm 1914, Đạo quân Lê dương Pháp gồm hai trung đoàn 1 và 2 đóng tại Sidi bel Abbes và Saida, Algeria (6 tiểu đoàn). Tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 1 Lê dương và tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 2 Lê dương được điều sang đóng tại Đông Dương. Mỗi tiểu đoàn khoảng 1 nghìn quân gồm 4 đại đội bộ binh và trong một số trường hợp được tăng cường 1- 2 đại đội sơn chiến. Trong những năm đầu thế kỷ 20, quân Pháp phải lo bình định miền Nam Algeria và Morocco (Ma-rốc). Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược với 2 mũi tiến công từ bờ Đại Tây Dương và từ Algeria, Pháp đã mở rộng được vùng kiểm soát quân sự tại Morocco và ủng hộ một Hoàng đế gần như bù nhìn. Những chiến dịch này đã dẫn đến sự kiện Pháp tuyên bố nền "bảo hộ" với Morocco tháng 3/1912 do tướng Lyautey làm Toàn quyền. Nhân dân Morocco tiếp tục kháng chiến nhưng đến tháng 5/1914 thì Pháp cũng khống chế được hành lang phía Bắc từ Casablanca qua Fez, Taza, Oujda biên giới Algeria và một số cứ điểm chiến lược phía Nam.

  Khi Đại chiến thế giới thứ nhất nổ ra năm 1914, Đạo quân Lê dương có 4 tiểu đoàn ở Algeria, 3 tiểu đoàn ở Bắc Kỳ, Đông Dương và 5 tiểu đoàn ở Morocco. Các tiểu đoàn ở Algeria phải gửi một nửa quân số của mình sang Pháp để làm nòng cốt thành lập các đơn vị mới.

(http://media-2.web.britannica.com/eb-media/88/11788-004-B04C902D.jpg)
Foreign Legion tại Algeria năm 1914

  Ngày 1/8/1914, lệnh tổng động viên được ban hành và kết quả là thành lập thêm được các trung đoàn hành quân 2, 3 và 4 thuộc trung đoàn 1 Lê dương và trung đoàn hành quân 2 thuộc trung đoàn 2 Lê dương.
 
  Những người ltalia sống trên đất Pháp lấy ý tưởng từ Binh đoàn Garibaldi của những người tình nguyện ltalia sang chiến đấu cho Pháp năm 1870 (số người ltalia đăng ký gia nhập lính Lê dương được gần 5 nghìn) để thành lập 1 trung đoàn hành quân. Trung đoàn này đã chiến đấu tại Argonne tháng 1 2/1914 và 1/1915. Có thể kể thêm 4000 người Nga, 4000 người Do Thái ra nhập lính Lê dương.
 
  Đầu năm 1915, thành lập tiểu đoàn Lê dương gồm 928 lính Hy Lạp, tiểu đoàn gồm 948 lính Montenegro v.v...và thậm chí có cả một phân đội Lê dương người Nhật gồm 53 lính. Trong suốt cuộc Đại chiến, 42883 người nước ngoài đã đăng ký vào Đạo quân Lê dương. Theo một số tư liệu trong nhật ký hành quân Pháp thì số lính Lê dương năm 1913 là 10521 người; 17147 năm 1914 và 21887 năm 1915.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 18 Tháng Tám, 2008, 06:50:38 pm
  Đơn vị Lê dương tham chiến đầu tiên là trung đoàn hành quân 4 thuộc trung đoàn 1 Lê dương gồm toàn người Italia (Lữ đoàn Garibaldi) có 3 tiểu đoàn. Ba giờ sáng ngày 26/12/1914, trung đoàn được đánh thức và mọi người nhận phần lương khô. Đêm trong nhưng khá lạnh và trung đoàn đến điểm tập kết tại Bois de Bolante, Argonne. Pháo sáng từ các vị trí Đức bắn lên tạo ra những cái bóng chập chờn và tiếng đại bác từ xa vọng về. Một lúc sau, những vệt lửa loé lên từ những ngọn đồi gần đó và tiếng đạn pháo nổ rền, khói bụi trùm lên những lính Lê dương người Italia. Ba lô được vứt bỏ. Binh lính nhảy xuống những tuyến hào tiền duyên, sĩ quan lớn tiếng hô hào mọi người hãy nêu cao danh dự của người Italia, trong khi đó đạn pháo Đức bắt đầu nổ xung quanh họ.

  Khi pháo binh Pháp ngừng bắn, tiếng kèn đồng lanh lảnh vang lên cùng với tiếng reo hò "Tiến lên, tiến lên. Italia muôn năm! Italia! Italia!" bằng tiếng Itaha lẫn với tiếng Pháp "Nước Cộng hoà muôn năm! Nước Pháp muôn năm!". Lính Lê dương giúp nhau trèo lên khỏi hào và chạy về phía phòng tuyến Đức Mọi thứ dường như biến mất mà chỉ còn những cột khói bụi. Chẳng bao lâu, cất lên những tiếng rên rỉ của người bị thương và tiếng kèn đồng tắt lịm vì một viên đạn Đức chui qua loa kèn xuyên thủng họng người lính. Những người đầu tiên đã tiến đến hàng rào dây thép gai Đức và nhận ra rằng pháo Pháp không phá huỷ được chúng. Hàng rào thép gai đã chặn đứng những người còn lại của đợt tiến công thứ nhất. Các đợt tiến công thứ hai và ba vượt qua màn khói bụi, hàng rào thép gai và chiến hào Đức. Vài lính Đức rút lui về phía sau và lính Lê dương tiêu diệt những người còn lại. Hoả lực Đức dường như yếu đi khi đợt tiến công thứ 7 đến nơi. Mọi người bận rộn chuẩn bị chống trả cuộc phản công của quân Đức, thu thập những người bị thương và đi tìm lại những ba lô đã bị vứt bỏ khi pháo Đức bắn trùm lên họ. Một tiếng đồng hồ sau, lính Lê dương được lệnh quay trở lại vị trí xuất phát.
 
  Trung đoàn Garibaldi tham gia chiến đấu lần thứ hai tại Maison-Forestiere, cánh rừng Bollante đêm Giáng sinh và tại Four-de-Paris và Courtes- Chausses ngày 5/1/1915 hỗ trợ sư đoàn 10 bộ binh thuộc địa. Hai tiểu đoàn tiến công phòng tuyến Đức sau khi cho nổ 8 quả mìn trong vị trí địch. Trung đoàn chiếm được 2 tuyến hào và bắt được một số tù binh. Tổn thất của trung đoàn trong hai tháng 1- 2/1915 là 429 người. Ngày 5/3/1915, trung đoàn giải thể theo yêu cầu của Italia và phần lớn binh sĩ trung đoàn ra nhập quân đội Italia.

  Trung đoàn hành quân 2 thuộc trung đoàn 1 Lê dương thành lập tháng 11/1914 gồm 4 tiểu đoàn, đóng tại khu Prunay, Champagne. Tháng 5/1915, trung đoàn tham gia chiến dịch Artois cùng sư đoàn Ma-rốc gần Neuville-Saint-Vaast nhằm đánh chiếm Ouvrages và đồi 140. Cuộc tấn công bắt đầu bằng các đội đặc biệt trang bị lựu đạn, kéo cắt dây thép gai, pháo hiệu và vải trắng làm dấu hiệu cho các tiền sát viên pháo binh. Trung đoàn tiến được 3 nghìn mét dưới hoả lực mạnh của quân Đức. Các mục tiêu chiếm được nhưng trung đoàn tổn thất 1900 người trong tổng số 4000. Sau đó, quân Đức phản công chiếm lại các mục tiêu. Ngày 16-17/6/1915, hai tiểu đoàn của trung đoàn tấn công đồi 119 gần Souchez, chiếm được mục tiêu nhưng bị quân Đức phản kích chiếm lại tổn thất 650 người.

  Trung đoàn hành quân 3 thuộc trung đoàn 1 Lê dương đóng tại mặt trận Somme tháng 12/1914, lên tuyến đầu gần Frise. Tháng 3/1915, trung đoàn còn 2 tiểu đoàn do nhiều lính Lê dương quay về quân đội của nước họ. Tháng 7/1915, trung đoàn giải thể, những người còn lại tăng cường cho trung đoàn hành quân 2 thuộc trung đoàn 1 Lê dương.

(http://members.aol.com/begemot/legion/gallery/flag2.jpg)
Một đơn vị Lê dương người Nga.

  Trung đoàn hành quân 2 thuộc trung đoàn 2 Lê dương gồm 4 tiểu đoàn. Tháng 12/1914, trung đoàn ra mặt trận cùng sư đoàn 36 giữ Craonne. Tháng 5/1915 trung đoàn chuyển đến Rheims. Tháng 7, trung đoàn nghỉ tại Vosges, một tiểu đoàn giải thể và các lính Lê dương người Nga, Bỉ và Italia chuyển về các đơn vị quân đội nước mình. Sau đó, trung đoàn nhập vào với trung đoàn hành quân 2 thuộc trung đoàn 1 Lê dương thuộc sư đoàn Ma-rốc tại Champagn.

  Ngày 25/9/1915, trung đoàn tăng phái cho sư đoàn 10 bộ binh thuộc địa, tấn công phòng tuyến Đức tại Wagram và Presbourg phía Bắc nông trang Navarin. Trung đoàn chiếm được vài tuyến chiến hào và bắt được nhiều tù binh. Khi đơn vị Pháp bên cạnh phải lùi lại, trung đoàn phản kích khôi phục trận địa, tổn thất 320 người.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 19 Tháng Tám, 2008, 04:08:29 pm
  Tháng 10/1915, sư đoàn Ma-rốc rời khỏi tuyến một do bị thiệt hại nặng và do thiếu lính bổ sung, toàn bộ lính Lê dương còn lại được tổ chức thành trung đoàn hành quân Lê dương (Regiment de la March de la Legion Etrangere-RMLE) do trung tá Cot chỉ huy. Trung đoàn RMLE gồm 71 sĩ quan và 3115 binh lính.
 
  Trong thời gian diễn ra chiến dịch Somme của liên quân Anh-Pháp, trung đoàn RMLE được phối thuộc cho sư đoàn 3 bộ binh thuộc địa. Ngày 4/7/1916, trung đoàn tấn công cứ điểm Đức ở làng Belloy-en-Santerre. Tiến quân giữa cánh đồng trống với những bãi cỏ cao, dưới trời mưa tầm tã và hoả lực súng máy của đối phương, lính Lê dương chiếm được làng và bắt được 750 tù binh. Trung đoàn đẩy lùi được nhũng cuộc phản công của quân Đức và giữ vững vị trí cho đến khi có tiếp viện đêm 5-6/7. Trong trận này, trung đoàn mất 25 sĩ quan và 844 binh lính. Ngày 8-9/7, trung đoàn tấn công tại Chancelier nhưng lần này thất bại và chịu tổn thất 400 người.

(http://www.legion-3rei.com/images/historique/1915_1.jpg)
Cờ của RMLE

  Sau một đợt nghỉ ngắn, lính Lê dương quay lại với những chiến hào quen thuộc. Trong giai đoạn mùa đông 1916-1917, trung đoàn đồn trú tại một số nơi và trung đoàn trưởng lúc này là trung tá Duriez. Tháng 3/1917, quân Đức rút khỏi bàn đạp tấn công giữa Arras và Soissons và tướng Nivelle, tự phụ trước thắng lợi của cuộc tấn công tháng 4, quyết định chuẩn bị tấn công vào Phòng tuyến Siegfried của Đức.

  Rạng sáng ngày 17/4/ 1917, trung đoàn hành quân Lê dương tấn công các cứ điểm địch tại Auberive ở thung lũng Suippes. Lịch sử gọi sự kiện này là trận đánh Moronvilliers bên sườn phải của chiến dịch tấn công Che min des Dames. Những bài học cay đắng trong những năm 1914-1916 đã có tác dụng và cuộc tấn công được chuẩn bị tốt hơn. Pháo yểm trợ được chuẩn bị kỹ, các tiểu đoàn đều có đại đội súng máy riêng, mỗi trung đội đều có trung liên. Binh lính được huấn luyện các chiến thuật mới như phối hợp hoả lực, vận động có súng máy yểm trợ, phối hợp sử dụng súng trường và lựu đạn trong đội hình tiểu đội và phối hợp tác chiến giữa các đại đội khi tấn công vào các cứ điểm phòng thủ mạnh. Dù được chuẩn bị kỹ nhưng cuộc tấn công của tướng Nivelles đã trở thành thảm hoạ cho phần lớn các sư đoàn Pháp tham chiến.

  Sau ba ngày xung phong qua các hố đạn pháo chi chít và bùn lầy ngập ngụa, lính Lê dương chiếm được tuyến hào chính của địch tại Auberive và tiếp tục chiến đấu đến ngày 22. Trong 5 ngày, trung đoàn RMLE đã ném hơn 5 vạn quả lựu đạn. Trong trận này, chuẩn uý Lê dương Mader, người gốc Đức, được tặng thưởng huân chương Lê dương danh dự vì thành tích chỉ huy 10 lính Lê dương đẩy lùi một đại đội Đức và chiếm được 6 khẩu pháo. Sau khi củng cố tại Mailly trong tháng 5, trung tá Paul Rollet, một sĩ quan có nhiều kinh nghiệm sử dụng các đại đội sơn chiến trên sa mạc, được bổ nhiệm chỉ huy trung đoàn. Đây là những tháng mà 54 sư đoàn Pháp rệu rã vì những cuộc nổi dậy của binh lính vì họ đã phải chịu đựng quá sức. Nhiều đơn vị tuyên bố chỉ phòng ngự chứ không tấn công. Phải đến khi Pháp bổ nhiệm tư lệnh mới là Thống chế Petain thì tình hình mới được giải quyết ổn thoả. Tuy nhiên, trung đoàn Lê dương RMLE không xảy ra sự cố gì và ngày 14/7, trung tá Rollet đưa đội danh dự trung đoàn về Paris nhận Huân chương quân sự.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 20 Tháng Tám, 2008, 06:11:52 pm
  Trong hai ngày 20-21/8 tại Cumieres trên mặt trận Verdun, trung đoàn RMLE tấn công đánh chiếm mục tiêu trước thời gian quy định, trụ vững trước những cuộc phản kích và oanh tạc của không quân Đức và sau đó thừa thắng đánh chiếm đồi 265. Họ giữ vững trận địa đến ngày 4/9 cho đến khi có tiếp viện, bắt 680 tù binh và chiếm được 14 khẩu pháo mà chỉ phải chịu tổn thất 53 người chết và 271 bị thương. Vì thành tích này, Thống chế Petain đã đến thăm và tặng thưởng trung đoàn dây thao đỏ Lê dương danh dự.
 
  Từ tháng 10/1917 đến tháng 1/1918, trung đoàn đồn trú tại Flirey. Ngày 8/1/1918, trung đoàn lại tấn công thắng lợi. Ngày 12/1, bị quân Đức tấn công bằng đạn pháo chứa hơi ngạt, sở chỉ huy trung đoàn và 2 đại đội đã trụ lại mặc dù có lệnh rút. Tháng 3/1918, quân Đức tiến hành chiến dịch tấn công lớn cuối cùng và đẩy lùi quân Đồng minh. Lính Lê dương rút lui về phía Bắc vào khu vực quân Anh tại Amien. Ngày 26/4, họ đánh bọc sườn mũi thọc sâu của Đức tại khu rừng Hangard. Trung đoàn tiến quân qua khói lửa mịt mù của đại bác và làn mưa đạn súng máy của sư đoàn 19 Đức. Các tiểu đoàn phối hợp chặt chẽ với nhau. Tiểu đoàn này bị hoả lực địch ghìm chặt xuống thì tiểu đoàn khác vọt lên tiến công. Xe tăng Anh được điều đến tăng viện nhưng hoả lực Đức quá mạnh làm cho lính Lê dương không thể bám theo chúng. Trận đánh kết thúc ngày 28/4 và trung đoàn RMLE đã chiếm lại được khu vực bị mất sau khi đánh lùi 5 đợt phản kích và chịu đựng hoả pháo của địch. Trung đoàn thiệt hại nặng, bị mất 850 người và tiểu đoàn 1 Lê dương thuộc trung đoàn chỉ còn 1 sĩ quan và 187 lính.

(http://www.geocities.com/Pentagon/Base/3495/ww1pix/FrShot01.jpg)
Một trận đánh ở Verdun

  Cuối tháng 5/1918, sư đoàn Ma-rốc được điều đi tăng viện cho khu vực tây nam Soissons đang bị đe doạ. Ngày 30-31/5, trung đoàn Lê dương phải cố thủ đồi Montagne de Paris chống lại các đợt tấn công liên tiếp của quân Đức và bị tổn thất 400 người. Dù quân số giảm xuống chỉ còn 1200, trung đoàn tiếp tục được phái đi tăng viện cho một số khu vực khác.

  Số lính chết trong những trận đánh trong thời gian từ 25/4 đến 12/6 của trung đoàn là 1250 người.
 
  Ngày 18/7, dưới mưa bão mịt mù, trung đoàn RMLE tiến công tại cao nguyên Dommiers ở Narn Soissons không có pháo bắn chuẩn bị. Được xe tăng và trung đoàn xung kích 104 yểm hộ, lính Lê dương đã chiếm được giao điểm các con đường Soissons-Chateau Thierry ngày 20/7. Tử thần cướp đi sinh mạng của 780 người nữa.

  Trận đánh cuối cùng của trung đoàn hành quân Lê dương RMLE là trận tấn công Phòng tuyến Hindenburg của Đức ngày 2/9/1918. Trung đoàn chiếm được tất cả các mục tiêu đã định và cuối cùng chiếm được Allemant ngày 15/9, đánh tan 1 tiểu đoàn của trung đoàn 43 Phổ, hoàn thành nhiệm vụ sau 13 ngày đêm chiến đấu liên tục. Họ bắt đầu trận đánh với quân số 2563 toàn trung đoàn và sau trận đánh chỉ còn 1130 người trở về hậu cứ.

  Trong tổng số 42883 lính Lê dương phục vụ trong các trung đoàn hành quân của trung đoàn 1 và 2 Lê dương và trung đoàn hành quân Lê dương RMLE tại Mặt trận phía Tây của cuộc Đại chiến, có 6239 người Pháp và 36644 người nước ngoài. Số chết trận là 5172 và 25000 người bị thương hoặc mất tích (nhiều người sau này không nghi ngờ gì là đã chết). Tổn thất như vậy là hơn 70%. Trung đoàn Lê dương RMLE là đơn vị được khen thưởng nhiều thứ hai trong quân đội Pháp trong thời gian Đại chiến thế giới thứ nhất.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 21 Tháng Tám, 2008, 06:44:18 pm
VIII, Dardanelles, Serbia và Nga, 1915-1919 Lê dương "nhảy tăng gô" cùng với Bạch vệ
 

  Tháng 2/1915, trung đoàn hành quân 1 châu Phi được thành lập gồm 2 tiểu đoàn lính Zouaves (14) và 1 tiểu đoàn Lê dương và 2 đại đội lấy từ trung đoàn 1 và 2 Lê dương và được biên chế vào sư đoàn 156 bộ binh Pháp. Trong cuộc đổ bộ của Đồng minh vào Gallipoli, trung đoàn tiến vào Sedd ul Bahr ngày 27/4/1915. Trong thời gian 9 tháng tiếp đó, quân Đồng minh bị quân địch ghìm chặt trong cái đầu cầu nhỏ bé, đầy sỏi đá và bị tổn thất nặng. Trong trận đánh đẫm máu tại hẻm núi Kereves Dere tháng 6/1915, tiểu đoàn Lê dương chỉ còn khoảng 100 người do một chuẩn uý chỉ huy. Tháng 8, khi 700 quân tăng viện từ Đông Dương đến nơi thì tiểu đoàn gần như không còn tồn tại. Tháng 10/1915, sư đoàn 156 được điều đến Salomka để chống lại quân Bulgaria tại Serbia (lúc này, Bulgaria là đồng minh của Đức).
 
  Mùa thu năm 1916, tiểu đoàn Lê dương chiến đấu tại Monastir và mùa xuân năm 1917 tại Trana Stena. Tiểu đoàn này giải thể tháng 10/ 1917 và lúc đó nó chỉ còn khoảng 200 người sống sót. Những người này ra nhập trung đoàn hành quân Lê dương RMLE.

  Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917 và nước Nga Xô viết ra đời , bọn Bạch vệ dấy lên cuộc nội chiến hòng bóp chết nước Cộng hoà Xô viết non trẻ. Phe Đồng minh cũng tổ chức can thiệp vũ trang để tiếp sức cho quân Bạch vệ. Ngày 1/ 12/ 1918, chính quyền "toàn Nga" ở Sibir được thành lập dưới sự chỉ huy của đô đốc Koltchak và được Anh ủng hộ. Tướng Berthelot, tư lệnh quân Đồng minh ở Romania tuyên bố gửi 150 nghìn quân đến Odessa và gửi một phần trang bị trong kho của mình cho quân Bạch vệ. Ngày 19/12/1918, một sư đoàn Pháp đến Odessa. Trước đó, Anh đã đưa một sư đoàn đến Batoum.
 
  Mùa thu năm 1918, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 1 Lê dương được gửi đến tham chiến tại khu vực Archangel. Một đại đội súng máy và 3 đại đội bộ binh Lê dương được tăng viện thêm trong thời gian từ tháng 10/1918 đến tháng 7/1919. Khi quân Đồng minh phải rút khỏi nước Nga tháng 10/1919, một số phân đội Lê dương người Nga được chuyển sang cho quân Bạch vệ nhưng vẫn mặc quân phục và sử dụng vũ khí Pháp. Những phân đội này cũng cùng chung số phận với đạo quân Bạch vệ khi chúng bị Hồng quân tấn công tiêu diệt và làm cho tan rã.

(http://i71.photobucket.com/albums/i152/bodoi_bucket/300px-Russian_civil_war_West_1918-2.jpg)
Bản đồ có ghi nơi quân Lê dương tham gia vào nội chiến tại LX


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 22 Tháng Tám, 2008, 04:00:44 pm
IX, Ở Morocco, sau 4 năm, lính Lê dương còn 6 đại đội

  Tháng 8/1914, lực lượng bị sút giảm nhiều nên tướng Lyautey phải rút về phòng thủ ven biển. Với những lực lượng còn lại, ông ta quyết tâm thực hiện một chiến dịch bình định kéo dài 4 năm để đàn áp phong trào kháng chiến tại Morocco. Lúc này, tướng Lyautey có 20 tiểu đoàn gồm lính Lê dương, lính bộ binh châu Phi, lính Senegal, lính dự bị Pháp và lính goumiers (loại quân tay sai tuyển mộ tại chỗ). Ông cho rải quân bảo vệ và tiếp tế cho các cứ điểm tại các khu vực có phong trào kháng chiến mạnh. Đại chiến thế giới thứ nhất đang diễn ra ác liệt nên chủ lực Pháp dồn vào Mặt trận phía Tây, lính Lê dương ở Morocco chủ yếu là người Đức và người Áo do chỗ không thể đưa họ đi chiến đấu chống lại người đồng chủng.
 
(http://www.grantsmilitaria.com/gall/pix/images/90.gif)
Một đồn binh Lê dương tại Morocco.

  Một hình thái phòng ngự đơn thuần sẽ là tai hoạ, các đơn vị cơ động phải liên tục di chuyển qua các triền núi hoang sơ tại miền Bắc và Trung Morocco. Các đại đội sơn chiến tuần tra các ngọn đồi và cao nguyên quanh vùng ốc đảo Tafilal ở sa mạc phía Nam. Khu vực hành lang chiến lược phía Bắc từ sở chỉ huy đặt tại Fez chạy về phía Đông qua Taza, một khu vực đồi núi nguy hiểm đến biên giới Algeria bị càn quét nhiều lần. Abdel Malek Meheddin, một thủ lĩnh kháng chiến lãnh đạo các bộ tộc miền Bắc nổi dậy. Quân nổi dậy mua được vũ khí qua các "lái súng” Đức và di chuyển tự do trong các khu vực an toàn trên rặng Atlas dọc biên giới với Morocco thuộc Tây Ban Nha và Tafilalt. Những cuộc càn quét này được thực hiện theo nhiều quy mô lớn, nhỏ.

  Ngày 13/11/1914, tại El Herri miền Trung Atlas, quân nổi dậy người Zaia tiêu diệt hoàn toàn một binh đoàn Pháp đang hành quân từ Khenifra, diệt 33 sĩ quan và 600 lính. Tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 2 Lê dương và các đơn vị tăng viện từ Mritt tới Khenifra và đụng trận với quân nổi dậy tại El Hammam và Oum er R'bia ngay sau khi 3 tiểu đoàn của trung đoàn 1 Lê dương phải chống lại cuộc tiến công của quân nổi dậy vào hành lang Taza từ phía Nam.
 
  Trong các đơn vị Lê dương lúc đó, tiểu đoàn 6 thuộc trung đoàn 2 Lê dương phải xé lẻ tăng viện cho các tiểu đoàn khác. Năm 1916, khi quân nổi dậy uy hiếp mạnh khu vực biên giới sa mạc phía Nam, một tiểu đoàn Lê dương hỗn hợp từ Algeria được tăng viện đến và tiểu đoàn này phải giải thể năm 1919. Bị thiệt hại nhiều và thiếu lính bổ sung, đến cuối Đại chiến thế giới thứ nhất, quân Lê dương ở Morocco chỉ còn khoảng 6 đại đội.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 23 Tháng Tám, 2008, 06:46:43 pm
  Qua 4 năm đàn áp phong trào nổi dậy, các đơn vị Lê dương bị sứt mẻ nặng. Lính Lê dương phải trải qua các cuộc hành quân nặng nhọc, chiến đấu liên tục để bảo vệ các đoàn tiếp tế. Trong quá trình đàn áp quân nổi dậy, các đơn vị sơn chiến tỏ ra lợi hại. Cứ hai người lính có 1 con la, họ thay nhau người cưỡi người đi và sau một giờ lại đổi. Như vậy, họ có thể hành quân 50km, đôi khi đến 70km trong 24 giờ. Vì sức cơ động cao như vậy nên họ cũng chính là những đơn vị kiệt sức nhất trong thời gian bảo vệ hành lang Taza, miền Atlas và sa mạc phía Nam. Họ đi đầu các đoàn quân, chiếm các vị trí yểm hộ sườn, hộ tống các đoàn xe tiếp tế và đi tiếp viện cho các đồn lẻ cả giữa mùa hè nóng bỏng lần mùa đông giá rét với những trận mưa và bùn lầy. Xin kể lại một trận đánh để bạn đọc tham khảo:
 
  Ngày 9/8/1918, quân nổi dậy của Ait Khabbash người Berbers tấn công vào quân Pháp tại làng Gaouz nằm giữa con đường từ Oued Rheris và Oeud Ziz ở Tafialt. Họ tấn công, sau đó làm như phải rút lui dụ quân Pháp về phía một nông trại lớn có những hàng cọ và nhiều ruộng rau được ngăn cách bởi những con mương tưới nước và những bức tường đắp bằng bùn.
 
  Chủ quan, quân Pháp chia làm hai cánh truy kích. Một cánh có đại đội 2 sơn chiến thuộc trung đoàn 1 Lê dương do đại uý Timm và cánh kia có 1 tiểu đoàn hỗn hợp lính Tuynisia và lính Senegal do đại uý Pochelu chỉ huy. Quân nổi dậy đón quân Senegal bằng một lưới lửa dày đặc. Nhiều người ngã gục. Lính Lê dương tiến lên hỗ trợ lính Senegal và Tuynisia. Tiếng súng chợt tắt và quân nổi dậy lùi lại. Lính Senegal lại xông lên, lính Lê dương tiến ngay sau họ. Nhưng sau khoảng 30 phút, họ sa vào lưới lửa dày đặc. Lính Senegal ở sườn phải sợ hãi lùi lại. Đại đội Lê dương tổ chức xung phong để ổn định thế trận. Quân nổi dậy tiếp tục tiến công đánh lui lính Senegal và lính Lê dương lại phải phản kích để chặn họ lại. Lính Tuynisia bị hoả lực của quân nổi dậy ghìm chặt và khi áp lực trận đánh tăng lên, lính Senegal vỡ trận.

 
(http://www.warflag.com/shadow/history/berbers.jpg)
Kỵ binh Berbers

  Tất cả súng tự động của đại đội Lê dương đều bị tắc. Mười quả phóng lựu cuối cùng được bắn đi. Quân nổi dậy đánh tràn vào hàng ngũ lính Tuynisia ở sườn trái, buộc họ phải lùi lại. Lính Lê dương phải tổ chức phản kích lần thứ ba. Lúc 3 giờ chiều, đại uý Timm bị bắn gãy tay trái. Trung uý Jorel nắm quyền chỉ huy nhưng cũng bị đạn ngã gục. Quân nổi dậy ào lên dùng dao kết liễu đời anh ta. Thiếu uý Freycon với lấy một khẩu các-bin và dũng cảm kháng cự lại nhưng anh ta cũng bị một viên đạn bắn thủng sọ, ngã vật ra đất.
 
  Quân nổi dậy ồ ạt xông lên, đánh tràn vào hàng ngũ lính Senegal và Tuynisia. Trận đánh trở thành một trận đánh giáp lá cà ác liệt. Chỉ còn đại đội Lê dương lúc này do chuẩn uý Roqueplan chỉ huy là còn cố giữ được đội hình. Đại uý Timm bị thương, được buộc trên lưng một con la. ông ta trúng thêm một phát đạn nữa vào mặt nhưng may còn tỉnh táo và cố gắng điều khiển cuộc rút lui của lính Lê dương và các binh lính Senegal và Tuynisia sống sót. Khi họ đã rút ra khỏi nông trại, ngoài phạm vi những hàng cây cọ, quân nổi dậy thôi không truy kích nữa. Một cơn bão cát nổi lên lúc 5 giờ chiều, may mắn thay, đã hỗ trợ cho cuộc rút lui thảm hại suốt 4 giờ của quân Pháp được an toàn cho đến khi họ về đến đồn Tighmart. Kiểm điểm lại lực lượng, lính Lê dương mất 2 sĩ quan và 50 lính, 7 người bị thương. Lính Senegal và Tuynisia chết 100.



Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 24 Tháng Tám, 2008, 11:15:13 am
X, Lại Marooco, 1919-1924, người Mỹ làm phim về thảm cảnh của lính Lê dương

  Sau khi Đại chiến kết thúc, quân Lê dương được tăng cường lực lượng nhưng tại Morocco họ vẫn gặp phải khó khăn vì thiếu sĩ quan và hạ sĩ quan có kinh nghiệm chiến đấu ở thuộc địa. Song song với việc bắt đầu một chiến dịch mới nhằm bình định miền Bắc Morocco, đội quân Lê dương được tổ chức lại. Trung đoàn 1 Lê dương chuyển thành trung đoàn 1 bộ binh Lê dương. Trung đoàn 2 bộ binh Lê dương chuyển từ Saida tới Morocco (3 tiểu đoàn). Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn hành quân Lê dương RMLE được đưa tới Morocco cùng với 2 đại đội sơn chiến Lê dương tạo thành nòng cốt thành lập trung đoàn 3 bộ binh Lê dương tháng 11/1919. Các tiểu đoàn của trung đoàn 1 và 2 Lê dương cũ vẫn ở lại Morocco và cộng với đại đội sơn chiến ở Bou Denib thành lập thêm trung đoàn 4 bộ binh Lê dương tháng 11/1920. Các tiểu đoàn 4 và 5 của trung đoàn được thành lập sau.

  Trong các chiến dịch đàn áp quân nổi dậy mùa Xuân/Hè, các binh đoàn cơ động mở nhiều mũi tiến vào Tache de Taza và miền Trung Atlas để đánh phá các căn cứ của quân nổi dậy. Khi những con đường đã được mở vào sâu trong núi, quân Pháp cho lập đồn bảo vệ và tổ chức tiếp tế cho nó. Quân nổi dậy Morocco thường tổ chức các trận đánh đồn hay phục kích các đoàn tiếp tế của quân Pháp. Ví dụ như trận đánh sau:
 
  Ngày 6/5/1922, trong khi binh đoàn cơ động đang càn quét tại Nam Taza, đại uý Nicolas được lệnh đưa 300 lính Lê dương thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 bộ binh Lê dương của mình đến chiếm cao nguyên đá Tadout đông-nam Scoura. Khi lính trinh sát báo cáo có quân nổi dậy đang đến gần, Nicholas nấp vào sau những phiến đá và bụi cây. Không lâu sau, quân nổi dậy xuất hiện và nhanh chóng tổ chức tấn công. Họ nhanh chóng tiến sát vào tầm đánh giáp lá cà với đại đội 9 Lê dương. Bên sườn phải, lính Lê dương bị đẩy lùi nhưng họ lại phản kích. Quân nổi dậy chỉ ngừng lại một chút và họ lại tiến công. Hoả lực chính xác của họ ghìm chặt cả tiểu đoàn trong khi đó một mũi ky binh đánh chọc vào sườn trái tiểu đoàn Lê dương.
 
  Sau vài giờ cầm cự chờ cứu viện, Nicholas cho chuẩn bị rút lui dưới làn đạn đối phương, lúc đó đại đội 9 bị đánh bọc sườn và bị đẩy lùi, tổn thất nặng, chết cả đại uý Duchier đại đội trưởng. Hai đại đội khác hoảng sợ và cuộc phản công của lực lượng dự bị nhỏ là trung đội của sở chỉ huy tiểu đoàn bị quân nổi dậy bao vây và suýt bị tiêu diệt hoàn toàn nếu không được pháo và súng máy của tiểu đoàn chi viện kịp thời để họ có thể rút về phía sau. Quân Pháp phải rút sau 12 giờ chiến đấu, chết 36 và bị thương 64.



Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 25 Tháng Tám, 2008, 05:58:02 pm
  Năm 1923, 6 tiểu đoàn Lê dương tham gia các cuộc càn quét ở Nam Taza. Các binh đoàn cơ động tổ chức những mũi thọc sâu vào vùng núi non hiểm trở căn cứ địa của quân nổi dậy. Tại địa hình này, máy bay, xe bọc thép và đại bác phát huy tác dụng rất hạn chế. Hàng loạt các trận đánh nổ ra giữa quân nổi dậy và quân Pháp. Ngày 5/5, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 3 bộ binh Lê dương tiến công quân nổi dậy tại núi Talrant.
 
  Ngày 9/6, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 3 bộ binh Lê dương phải chiến đấu dữ dội với quân khởi nghĩa tại Bou Khamoudj. Ngày 24/6, trung đoàn 2 bộ binh Lê dương, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 3 bộ binh Lê dương và 1 đại đội sơn chiến tấn công quân nổi dậy tại El Mers. Ngày 26-27/6, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 1 và tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 3 Lê dương phải đánh mở thông đường vào cao nguyên Tadout, nơi tiểu đoàn của đại uý Nicholas bại trận năm trước. Ngày 17/7, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2 Lê dương đồn trú tại Ait Maklouf bị quân nổi dậy tiến công dữ dội. Ngày 23/7, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 3 và tiểu đoàn tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 2 Lê dương dẫn đầu hai mũi tiến đánh căn cứ của quân nổi dậy Marmoucha tại cao nguyên Immouzer. Tiểu đoàn 3 chết 25 và bị thương 49 người. Ngày 11/8, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 2 Lê dương chết 22 và bị thương 51 trong trận đánh Djebel Iblane. Gần đó, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 2 Lê dương bị quân  khởi nghĩa phản kích ở cự ly gần và tổn thất 30 người. Việc quân Pháp huy động lực lượng nhiều tiểu đoàn Lê dương trong các trận đánh cho thấy quy mô  rộng lớn và sự ngoan cường của quân nổi dậy.
 
  Cuối năm 1923, quân Pháp đã lập được một hệ thống đồn bốt vây lấy vùng căn cứ Tichoukt của quân nổi dậy nhưng chiến dịch đã phải trả một giá đắt chết ít nhất 100 sĩ quan và 1000 lính Lê dương.
 
  Hàng loạt cuộc càn quét tiếp tục trong năm 1924 nhưng các đơn vị Lê dương bị xé lẻ ra và chôn chân trong hàng tá các cứ điểm nhỏ, cô lập và chẳng bao giờ được nghỉ ngơi. Phần lớn những cứ điểm này nằm chơ vơ giữa sa mạc, được xây dựng bằng đá và bao bọc bởi giây thép gai. Phải tổ chức tiếp tế lương thực, đạn dược và nước uống theo định kỳ và những đoàn xe tiếp tế len lỏi dọc theo những con đường núi hiểm trở nhanh chóng trở thành mồi ngon của quân nổi dậy vì họ là những bậc thầy trong việc tổ chức những trận phục kích và quân Pháp phải chịu tổn thất nặng. Một bộ phim Mỹ sau này có tên là "Lính Lê dương” do tài tử điện ảnh Van Dame thủ vai chính đã mô tả khá chân thực hoàn cảnh này của lính Lê dương.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 26 Tháng Tám, 2008, 08:33:59 pm
XI, Morocco, bi hài chưa hết - Sự thật về 10 năm tuyệt vọng bị ém nhẹm suốt 20 năm

  Một trong những mối lo lắng của Lyautey là khu vực phía Bắc dọc biên giới với khu vực Morocco thuộc Tây Ban Nha.
 
  Những đội quân kháng chiến người bộ tộc Berber là kẻ thù nguy hiểm của quân Pháp. Những con người của rặng núi Rif này có thể sánh được về lòng gan dạ, khả năng chịu đựng gian khổ với bộ tộc Pathans ở biên giới Ấn Độ - Afganistan. Tháng 7/1921, một căn cứ lớn có 13 nghìn quân Tây Ban Nha nằm giữa Melilla và Anoual bị một đạo quân kháng chiến đông chỉ bằng phân nửa, trang bị nhẹ nhưng được chỉ huy tốt, tấn công đánh cho tan tành. Đạo quân kháng chiến này do Abdel Krim, một thủ lĩnh có trình độ và nhìn xa trông rộng, chỉ huy. Ông chủ trương liên kết các bộ lạc cùng nhau nổi dậy để giành lại nền độc lập cho đất nước. Từ một đội quân du kích liên minh giữa các bộ tộc, Abdel Krim dần dần gây dựng được một đạo quân mang tính chính quy gồm các đơn vị có biên chế, cấp bậc, sĩ quan có trả lương, các nhân viên kỹ thuật và hệ thống hậu cần. Kho vũ khí lớn của họ đặt ở Anoual chứa 2 vạn khẩu súng trường Đức, 400 đại liên Hotchkiss và hơn 120 khẩu đại bác Schneider. Quân kháng chiến mộ được một số huấn luyện viên quân sự người châu Âu trong đó thậm chí có cả một lính Lê dương đào ngũ tên là Josef Klemms.
 
  Cuộc chiến đấu của quân kháng chiến và quân Tây Ban Nha dai dẳng và ác liệt. Người ta cũng còn gọi cuộc nổi dậy này là Chiến tranh Rifs và quân nổi dậy là quân Rifs. Tháng 12/1924, quân Rifs đánh cho quân Tây Ban Nha tơi bời phải rút khỏi Chaouen và bị thiệt hại nặng. Thống chế Lyautey hiểu rằng cuộc chiến này rõ ràng sẽ lan đến khu vực Morocco thuộc Pháp nhưng yêu cầu tăng viện của ông ta bị Paris phớt lờ. Thành công của Pháp lúc này là tiến được về phía Bắc sông Ouerghla tháng 5/1924 và lập được một tuyến cứ điểm do lính Senegal đồn trú tại khu vực Beng Zerwal.

(http://www.balagan.org.uk/war/iberia/1909/images/1923_legionaries_at_Dar_Darius.jpg)
Lính Lê dương phòng ngự chống quân Rifs.

  Ngày 13/4/1925, 8000 quân khởi nghĩa Rifs mở cuộc tấn công đồng loạt vào phòng tuyến Pháp. Tổ chức chỉ huy tốt, tinh thần dũng cảm cao, kỹ năng tác chiến du kích thành thạo cộng thêm vũ khí đạt được mức độ hiện đại nhất định của nghĩa quân đã chứng tỏ trên chiến trường. Phòng tuyến Pháp bị băm nát. Các cứ điểm bị cắt rời, bị súng cối của nghĩa quân oanh tạc nặng nề và các đợt tấn công liên tiếp. Quân Pháp kháng cự tuyệt vọng. Với khả năng cơ động cao, các đơn vị du kích Berber chọc thủng phòng tuyến Pháp và ào ào tiến qua các lỗ hổng. Đến ngày 27/4, chỉ khoảng 20 dặm từ Fez, 39 trong tổng số 66 cứ điểm Pháp đã bị tiêu diệt hoặc phải rút chạy.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 27 Tháng Tám, 2008, 05:44:15 pm
  Lúc này, phần lớn các đơn vị Lê dương đang bị ghìm chặt tại Tache de Taza nhưng bộ chỉ huy Pháp vẫn phải điều một số đơn vị lên cứu viện gồm các tiểu đoàn 2, 6, 7 thuộc trung đoàn 1 Lê dương, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 2 Lê dương và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 Lê dương.
 
  Cứ điểm lớn tại Bibane của Pháp bị tiến công liên tục và thay đổi chủ 4 lần trong tháng 5. Hơn 400 lính Pháp chết. Đợt phản kích cuối cùng của Pháp là vào ngày 25/5 do tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1 Lê dương (đại uý Deslandes chỉ huy) và tiểu đoàn thuộc trung đoàn 2 Lê dương (đại uý Goret chỉ huy) tiến hành. Lúc đầu, lính Lê dương phản kích thành công nhưng sau đó bị hoả lực của nghĩa quân ghìm chặt. Cuối cùng, đại uý Deslandes tập hợp 7 sĩ quan còn sống sót của mình. Mỗi người đeo một túi đầy lựu đạn và họ tổ chức một cuộc xung phong lựu đạn. Tuy chiếm được mục tiêu nhưng 103 lính Lê dương chết và hơn 300 bị thương ngày hôm đó. Ngày 5/6, quân khởi nghĩa chiếm lại được Bibane và cố thủ ở đó đến tận tháng 9. Ngày 18/6, đại uý Deslandes bị quân khởi nghĩa bắn chết tại Bab Haceine. Đại đội sơn chiến thuộc trung đoàn 4 Lê dương bị bao vây khi đang yểm hộ cho quân của đồn Beng Rouber rút chạy và bị đánh tan tành.
 
  Cuốn nhật ký của đại uý Cazaban thuộc tiểu đoàn 4 trung đoàn 1 Lê dương tháng 6-6/1925 đã mô tả những áp lực nặng nề đè lên các đơn vị Lê dương tại mặt trận này. Mỗi trận giáp chiến đều là một trận đánh quyết liệt chống lại quân khởi nghĩa có tiếng là những tay thiện xạ, ngoài súng trường và dao găm lại còn có cả súng máy và đại bác. Nghĩa quân rất giỏi cận chiến và khi giáp lá cà thì không khoan nhượng. Ngày 4/5 tiểu đoàn 4 phải đi cứu viện cho cứ điểm Taounat bị 1500 nghĩa quân vây chặt. Ngày 5, họ lại phải yểm hộ cho cứ điểm Bab Soltan tháo chạy. Ngày 6 và 7, họ phải đi cứu viện và yểm hộ đồn Bab bou Andar rút lui. Những cuộc hành quân chết tiệt kiểu như vậy liên tiếp kéo dài từ ngày 9 đến ngày 22. Trong ngày này, lính Lê dương yểm hộ cho đồn Oued Amzu rút. Sau khi tháo chạy suốt cả ngày, đến đêm quân khởi nghĩa đánh thẳng vào nơi họ hạ trại. Phải cố gắng lắm, lính Lê dương mới đẩy lùi được quân khởi nghĩa. Ngày 4/6 tiểu đoàn Lê dương chiếm lại được đồn Astar phải rút chạy trước đó để yểm hộ cho đồn Sker gần đó lui quân nhưng đến ngày 5/6 khi bản thân mình rút ra, tiểu đoàn 4 bị súng máy của quân khởi nghĩa dập cho một trận tơi bời.

  Đêm ngày 10-11/6, đại uý Cazaban kêu gọi những người tình nguyện đi đánh chọc thủng vòng vây ứng cứu cho 1 cứ điểm đang chiến đấu tuyệt vọng gần sân bay Medíouna. Trong đêm tối, lính Lê dương đánh xuyên qua được 2 lớp chiến hào và liên lạc được với những người sống sót trong đồn nhưng họ không thể rút ra được và bị quân khởi nghĩa tiêu diệt hoàn toàn. Xác của 4 sĩ quan và 60 lính Lê dương không bao giờ được tìm thấy.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 28 Tháng Tám, 2008, 05:15:27 pm
  Năm 1926, lo sợ trước phong trào khởi nghĩa đang dâng lên mạnh mẽ ở Morocco, Pháp và Tây Ban Nha bắt tay nhau cùng tổ chức một chiến dịch quân sự chung để đàn áp quân khởi nghĩa của Abdel Krim. Thống chế Petain huy động 300 nghìn quân, trong đó có 8 tiểu đoàn Lê dương tham gia chiến dịch. Nhưng cũng phải đến tháng 5, phong trào khởi nghĩa của Abdel Krim mới bị dập tắt. Quân Pháp phải chịu tổn thất nặng nề, ít nhất 12 nghìn lính chết nhưng Pháp ém nhẹm con số thương vong này mãi 20 năm sau mới chính thức thừa nhận.

 
(http://arxxiduc.files.wordpress.com/2007/11/sidi_ifni.jpg)
Xác lính Lê dương trong một trận đánh tại Morocco

  Sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa của Abdel Krim, Pháp lập tức quay sang bình định khu vực rặng núi Atlas. Tháng 6/1926, trung đoàn 3 bộ binh Lê dương được điều đến càn quét vùng Tichoukt, nơi hoạt động của các đội quân kháng chiến tại Ait Mohand và Ait Seghrushin. Tháng 7, Pháp cho tăng viện thêm 4 tiểu đoàn Lê dương và mở các cuộc hành quân chiếm những khu vực xung yếu. Tuy vậy quân Pháp cũng phải trả giá đắt. Trong các trận đánh suốt 3 năm 1927-1929, trung đoàn 3 Lê dương phải chịu những tổn thất nặng nề, đặc biệt là những trận đánh như trận bảo vệ El Bordl và Ait Yakoub tháng 6/1929, trận đại đội hành quân thuộc trung đoàn 2 Lê dương bị phục kích tại Djihani tháng 10/ 1929, trận đại đội 1 hành quân thuộc trung đoàn 2 Lê dương tiến đánh Ait Hamnlou tại Tarda-Tadighoust tháng 8/1930 và trận trung đoàn 2 Lê dương tiến đánh Tazigzaoust tháng 9/1932.

  Cuối cùng, Pháp thực hiện bình định khu vực sa mạc phía Nam. Đầu năm 1932, bộ binh, ky binh và các đại đội sơn chiến thuộc trung đoàn 1, 2 và 3 Lê dương tiến công Djebel Sarhro, căn cứ chính của quân nổi dậy Berber ở phía Nam. Sau những trận đánh ngoan cường và dai dẳng nhưng dần dần lực lượng bị hao mòn khi chống lại quân Pháp áp đảo về lực lượng và vũ khí. Thủ lĩnh nghĩa quân Ouskounti bị quân Pháp bắt tại núi Baddou. Chiến dịch bình định Morocco của Pháp kết thúc đầu năm 1934.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 29 Tháng Tám, 2008, 06:56:05 pm
XII, Xe bọc thép và pháo binh - bắt đầu chiến tranh hiện đại

  Năm 1921, trung đoàn 1 ky binh Lê dương được thành lập tại Tunisia. Trung đoàn này thu nhận nhiều lính ky binh Bạch vệ cũ từ nước Nga. Trong chiến dịch đàn áp quân khởi nghĩa Rifs, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn này tham chiến tại Tache de Taza. Các tiểu đoàn 1 và 2 thuộc trung đoàn phải giảm quân số do phải tăng viện cho trung đoàn 1 bộ binh Lê dương. Năm 1925, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 1 ky binh Lê dương được điều sang Syria. Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 1 ky binh Lê dương được điều xuống Bou Denib miền Nam Morocco năm 1926. Trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương tham gia các cuộc hành quân bình định miền Nam Morocco đầu những năm 1930. Năm 1929, trung đoàn này thành lập các chi đội 5 và 6 mô tô hoá, được trang bị các xe trinh sát, xe vận tải và một số xe bọc thép. Tháng 1/1930, trung đoàn 2 bộ binh Lê dương được trang bị xe vận tải. Việc này đánh dấu quá trình cơ giới hoá và đến năm 1934, quân Lê dương đã có các đơn vị hỗn hợp có xe tải và xe bọc thép thay thế các đại đội lừa ngựa cơ động tuần tra khu vực sa mạc phía Nam. Đại đội 2 hành quân thuộc trung đoàn 2 bộ binh Lê dương được tổ chức lại thành đại đội mô tô hoá thuộc trung đoàn 1 bộ binh Lê dương. Tháng 1/1932, đại đội này tham chiến tại Mecissi. Tháng 2/1933, trong trận đánh tại Bou Gafez, trung uý đại đội trưởng Brenkle và 11 lính Lê dương bị quân kháng chiến tiêu diệt. Các đơn vị thiết giáp, kỵ binh và sơn chiến ngày càng tham gia nhiều trong các hoạt động bình định Morocco giai đoạn sau.
 
  Các đơn vị Lê dương tác chiến ở Morocco thường tổ chức hỗn hợp bao gồm cả pháo thuộc địa. Tháng 5/1925, đơn vị pháo 80mm Lê dương được thành lập tại trung đoàn 1 bộ binh Lê dương và tham chiến tại Oued Guir và Oued Zousfana. Nó tham gia nhiều trận đánh đến tháng 10/1934 thì phối thuộc cho tiếu đoàn 3 thuộc trung đoàn 1 bộ binh Lê dương.

  Tháng 5/1932, các trung đoàn 2 và 4 bộ binh Lê dương thành lập các đại đội pháo 75mm và đến thời kỳ đầu Đại chiến thế giới thứ hai, một tiểu đoàn pháo đầy đủ đã được thành lập cho trung đoàn 6 bộ binh Lê dương ở Syria.
 
  Có thể nói việc hình thành các đơn vị cơ giới trong thành phần đội Lê dương là tương đối sớm lúc bấy giờ. Nó thể hiện sự phát triển của tư tưởng mới trong tác chiến quân sự hiện đại là tính cơ động cao và khả năng can thiệp nhanh, hoả lực mạnh. Trong khoảng thời gian giữa hai cuộc đại chiến, tư tưởng này đã hình thành nhưng được các nước đón nhận ở mức độ khác nhau. Tiếc thay, ý tưởng này không được Pháp nghiên cứu chu đáo. Trái lại, nước Đức phát xít đã nhanh chóng phát triển các binh đoàn xe tăng và cơ giới tạo thành quả đấm mạnh. Kết quả là khi nước Pháp bị phát xít Đức tấn công năm 1940, mặc dù số lượng xe tăng tương đương nhau nhưng quân Pháp không có các binh đoàn thiết giáp cơ động, xe tăng bố trí dàn trải nên các tuyến phòng thủ của Pháp đã nhanh chóng bị các mũi thọc sâu của các binh đoàn xe tăng phát xít nhanh chóng chọc thủng, dẫn đến rối loạn thế trận và thảm bại hoàn toàn.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 30 Tháng Tám, 2008, 03:50:41 pm
XIII, Bình định Syria 1921, "mẻ răng” với nghĩa quân Trung Đông

  Sau năm 1918, vì là nước bại trận trong Đại chiến thế giới thứ nhất, Thổ phải chuyển Syria và Lebanon sang cho Pháp "uỷ trị". Tháng 3/1921, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 4 bộ binh Lê dương đổ bộ vào Beirut và đồn trú ở đó, tiếp tục sau đó là tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 4 bộ binh Lê dương và tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương. Sự cai trị của Pháp đã vấp phải sự chống đối của những người nổi dậy thuộc bộ tộc Druze sống ở vùng núi. Tuy nhiên, trong 3 năm đầu, các đồn binh cũng như các đạo quân Pháp chưa bị tiến công nhiều nên tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 4 bộ binh Lê dương được giải thể tháng 11/1924. Nhưng, tháng 7/1925, một cuộc khởi nghĩa đã bùng lên tại Djebel Druze.

  Ngày 22/7, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 4 bộ binh Lê dương do đại uý Normand chỉ huy đồn trú tại căn cứ Kafer phía Đông-Nam Soueida bị quân khởi nghĩa tấn công. Soueida bị bao vây và 115 lính Lê dương bị giết. Ngày 2-3/8, quân Pháp cho tiếp viện nhưng đạo quân này bị đánh bật trở lại và tổn thất nặng. Cuộc khởi nghĩa lan rộng. Pháp tổ chức giải vây lần thứ hai cho Soueida. Quân tiếp viện lần này gồm tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 4 bộ binh Lê dương, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương và 1 chi đội xe bọc thép. Ngày 16/9, khi đoàn quân tiến đến làng Mousseifre, ruột ngôi làng có tường bao quanh, thì có tin báo 3000 nghĩa quân đang tiến đến gần. Quân Lê dương lập tức tổ chức phòng ngự trong làng nhưng không may cho họ là ngay trong làng đã có nhiều nghĩa quân ẩn nấp.
 
  Ngay trong đêm, nghĩa quân đã đánh vào bức tường phía Bắc làng nhưng quân Pháp đã đẩy lùi được họ. Đến rạng sáng ngày 17, nghĩa quân tấn công tất cả các mặt. Những quân cảm tử ẩn nấp sẵn trong làng leo lên các mái nhà bắn xả vào lính Lê dương. Họ còn phục kích lính Lê dương trong các ngõ ngách và giết phần lớn ngựa của lính kỵ binh Lê dương. Khi trời sáng rõ, quân Pháp đưa xe bọc thép đến tăng viện. Trận đánh giằng co suốt buổi sáng và đến chiều máy bay Pháp đến yểm trợ. Quân khởi nghĩa phải rút lui nhưng quân Pháp tổn thất nặng. 47 lính Lê dương chết và 83 bị thương.
 
  Một trận đánh lớn khác của lính Lê dương ở Syria là trận phòng ngự Rachaya ngày 20-24/11 của tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 1 ky binh Lê dương và một chi đội thuộc trung đoàn 12 kỵ binh Spahis. Rachaya là một ngôi làng cổ với những ngôi nhà và bức tường xây bằng đá tạo ra một mê cung. Quân khởi nghĩa tấn công liên tiếp vào làng trong suốt 3 ngày, nhiều lần chọc thủng tuyến phòng ngự của Pháp và đánh xáp lá cà. Lính Lê dương bị đánh tơi tả gần hết đạn và tuyệt vọng. Tuy nhiên, ngày 24/11, máy bay và trung đoàn 6 kỵ binh Spahis kịp đến tăng viện. Quân khởi nghĩa rút lui.

  Sau này, sau khi tập trung lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa của người Druze, tháng 10/1939, các tiểu đoàn 1, 4, 6 thuộc trung đoàn 1 bộ binh Lê dương và tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 2 bộ binh Lê dương được cải tổ lại thành trung đoàn 6 bộ binh Lê dương.



Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 31 Tháng Tám, 2008, 12:34:43 pm
XIV, Trong máu lửa Đại chiến thế giới thứ hai

  Trong giai đoạn trước Đại chiến thế giới thứ hai, các đơn vị Lê dương vẫn đồn trú tại Bắc Phi, Syria và Đông Dương. Khi Đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ, các đơn vị này cung cấp sĩ quan và binh lính để làm nòng cốt lập các đơn vị mới.

  Trong những năm 1930, Pháp và Anh thi hành chính sách nhân nhượng phát xít Đức nên Đức được thể càng lấn tới. Ngoài ra, kỹ thuật quân sự của Pháp trong thời kỳ này cũng bị lạc hậu so với Đức, cộng thêm sự kiêu ngạo sau chiến thắng thời Đại chiến thế giới thứ nhất đã làm cho tư tưởng nhiều nhà chỉ huy quân sự Pháp thời kỳ này trở nên bảo thủ, lỗi thời. Điều đó dẫn đến sức chiến đấu của quân Pháp nói chung và đội Lê dương nói riêng yếu nhiều so với Đức lúc bấy giờ.

1. Narvik - khi Lê dương bị đài phát xít chửi là “cướp chuyên nghiệp"

  Tháng 3/1940, Pháp đưa sư đoàn nhẹ số 1 sang tham chiến ở chiến trường Na Uy. Trong thành phần sư đoàn có bán lữ đoàn Lê dương 13 gồm 2 tiểu đoàn lấy từ các đơn vị Lê dương ở Bắc Phi, được huấn luyện và trang bị tại Pháp để tác chiến tại rừng núi. Sư đoàn đổ bộ lên bán đảo Haafeldet ngày 6/5. Tại đây, bán lữ đoàn tham gia trận đánh cùng quân Đồng minh tại Narvik. Đức có khoảng 5 nghìn quân sơn chiến do trung tướng Dielt, một chuyên gia chiến đấu ở vùng rừng núi chỉ huy. Tuy đồn trú xa tuyến tiếp tế và chỉ có 2 đại đội pháo nhưng quân Đức lại chiếm được các kho tàng của sư đoàn 6 Na Uy và một sân bay. Phía Đồng minh huy động lữ đoàn 24 Cận vệ Anh (3 tiểu đoàn), 2 lữ đoàn Na Uy, 2 bán lữ đoàn Pháp và 1 đơn vị Ba Lan.

  Nửa đêm ngày 12 chuyển sang ngày 13/5/1940, 7 tàu chiến Anh nã pháo vào Bjerkvik, một làng chài xinh đẹp đã được chụp thành ảnh bưu thiếp, nằm dọc bờ biển cách Narvik 8 dặm. Ngôi nhà thờ trong làng, nơi quân Đức lấy làm kho chứa đạn, bị phá huỷ tan tành. Nhiều ngôi nhà gỗ trên bờ biển trúng đạn, lửa khói ngùn ngụt. Chỉ có 1 máy bay Đức xuất hiện, ném bom xuống đoàn tàu nhưng nó bị súng phòng không bắn lên mãnh liệt nên vội vã bỏ chạy, biến mất sau những vách đá. "Nhanh lên những người Pháp. Nhanh lên những chàng trai", thuỷ thủ tàu Bermuda thúc giục lính Lê dương, lủng củng trang bị hành quân và áo phao, đang leo thang dây xuống các tàu phóng lôi Anh đậu dọc bên sườn tàu lớn. Thêm nhiều máy bay Đức đến tham chiến, lao qua lưới lửa phòng không bỏ bom oanh tạc. Mặt biển sôi lên với những cột nước trắng xoá. Pháo tầm xa của tuần dương hạm Resolution nã vào thị trấn, tạo ra những tiếng rít chói tai. Lính Lê dương từ chỗ có nhiều vật cản kim loại bảo vệ, nay phơi người ra chỗ trống. Khẩu súng họ lau chùi sạch sẽ bóng loáng trong nhiều ngày qua dường như bây giờ là vật bảo vệ duy nhất. Đoàn tàu đổ bộ nhanh chóng tiến vào bờ, nhưng đến phút cuối tất cả phải lạng sang hai bên, tránh bãi đổ bộ dự kiến vì hoả lực Đức đã khống chế hoàn toàn nơi này.

(http://legionetranger.org/PHOTOS/PHOTOS%20photos/Real%2013th%20photos/new%20photos%20jan%2024/Copy%20of%2013dblebrest.jpg)
  Lính Lê dương trên tàu chuẩn bị đổ bộ vào Na uy năm 1940

  Tàu cập bến, các đại đội Lê dương triển khai tiến công vào các cao điểm phía Bắc và Nam thị trấn. Ba xe tăng hạng nhẹ yểm trợ họ. Cuộc tiến công gặp trở ngại vì tuyết dày ngập đến gối. Tiểu đoàn 2 của bán lữ đoàn Lê dương 13 chiếm được trại quân Đức ở Elvegaarden phía sau thị trấn, bắt sống phần lớn nhân viên quân y Đức và thương binh. Trong lúc đó, 2 đại đội đánh thẳng qua Bjerkvik, nơi quân Đức bố trí phòng ngự mạnh với những ụ súng máy khá kiên cố. Trận đánh trong đêm thực ra đã giết chết nhiều thường dân vô tội hơn là quân Đức. Anh lính Favrel thuộc bán lữ đoàn Lê dương 13 kể lại: "Một cuộc tàn sát khủng khiếp những con người ở trần đang còn ngủ. Súng trường trong tay, tôi phải băng qua một ngã tư ngổn ngang xác chết, nhiều người lăn lộn bên những thi hài trẻ em, những người bị thương gào thét trong vũng máu” (15). Cuộc chiến đấu kéo dài 5 giờ và quân Đức rút khỏi làng để lại nhiều cạm bẫy. Favrel cũng thừa nhận rằng sau khi vào làng, nhiều lính Lê dương đã cướp bóc. Nhân sự kiến ấy, sau này đài phát thanh Đức đã tuyên truyền rằng lính Lê dương là "Một đárn cướp chuyên nghiệp".


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 01 Tháng Chín, 2008, 05:52:47 pm
  Mục tiêu kế tiếp, Narvik, khó đánh chiếm hơn nhiều. Không giống làng Bjerkvik đẹp như tranh, Narvik nằm trên một vùng đất cao hơn khu vực lân cận. Thị trấn nằm kẹp giữa hai vách đá, một đầu giáp bờ biển. Những ngôi nhà tạo thành xương sống chạy dọc bán đảo. Một con đường sắt chạy phía Bắc, xuyên qua vài đường hầm nối vào ga đầu mối ở cảng phía Nam. Sau những bức tường và lô cốt trong thị trấn bé nhỏ này, quân Đức bố trí 4500 quân. Vì lý do này, phía Đồng minh đưa ra một kế hoạch mạo hiểm, theo đó 1500 lính Lê dương và 1 tiểu đoàn Na Uy sẽ từ Oijord ở phía Bắc vượt qua một lối vào hẹp tại Rombaks Fjord đánh thẳng vào tung thâm phòng ngự Đức.
 
  Cuộc hành quân bị hoãn lại vài lần, cuối cùng bắt đầu lúc nửa đêm 27 sang ngày 28/5/1940. Hai đại đội Lê dương đổ bộ và nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu được phân công. Tuy nhiên, sau phút choáng váng, quân Đức hồi lại và nã pháo 77mm, quét súng máy như mưa vào các mũi tiến quân của lính Lê dương. Máy bay Đức đến tiếp viện nên hoả pháo của các tàu chiến Anh phải quay ra đối phó nên không thể yểm trợ cho quân đổ bộ được. Tình thế của lính Lê dương lúc này như một người đang treo lơ lửng, hai tay bám vào mép tường, cố gắng đu mình để vượt qua bên kia. Không có hoả pháo yểm trợ, lính Lê dương cố gắng xung phong vượt qua những ụ súng Đức bố trí trong các đường hầm và hốc đá. Trung tá Magrin Vernerey vượt lên phía trước, nhiều khi chỉ cách vị trí Đức khoảng 30m, tay cầm ba-toong, chỉ thị những mục tiêu của đối phương cho binh lính của mình.
 
(http://legionetranger.org/PHOTOS/PHOTOS%20photos/Real%2013th%20photos/Narvik1.jpg)
Quân Lê dương đổ bộ lên Narvik

  Sau khi đổ bộ, tiểu đoàn 1 Lê dương đánh dọc theo bờ Bắc bán đảo, tiểu đoàn 2 Lê dương tiến vòng xuống phía Nam hội quân với lính Ba Lan đang tiến dọc bờ biển phía Nam Beisford. Đến cuối ngày, quân Đồng minh chiếm được Narvik. Quân Đức rút lui có tổ chức và. dựa vào địa hình có lợi kháng cự ngăn chặn truy kích. Trong những ngày sau, quân Đồng minh tiến dọc theo đường sắt đánh đuổi quân Đức đến khoảng 10 dặm gần biên giới Thuỵ Điển. Tuy nhiên, do tình hình tại Pháp đáng lo ngại nên chiến dịch phải kết thúc. Ngày 6/7, bán lữ đoàn Lê dương 13 rút về Anh. Bảy sĩ quan, 5 hạ sĩ quan và 55 lính Lê dương đã chết, chủ yếu khi đánh chiếm Narvik. Favrel chứng kiến 1 lính Lê dương bị xử bắn vì cướp bóc tại Narvik.
 
  Khi quân Đức tấn công Pháp, sư đoàn nhẹ số 1 phải rút về tăng viện cho chính quốc nhưng sư đoàn đến Brest khi đã quá muộn. Bán lữ đoàn Lê dương 13 rút sang Anh. Tướng Đờ-gôn đã đến thăm bán lữ đoàn. Lúc này, bán lữ đoàn Lê dương 13 có sự phân liệt. Khoảng một nửa số quân của lữ đoàn rút về Ma-rốc, số còn lại tiếp tục chiến đấu bên cạnh quân Anh và trở thành một phần trong lực lượng Pháp Tự do của tướng Đờ-gôn. Họ được biên chế lại thành bán lữ đoàn Lê dương 14. Tháng 11/1940, đơn vị này lấy lại phiên hiệu bán lữ đoàn Lê dương 13.
(http://legionetranger.org/PHOTOS/PHOTOS%20photos/Real%2013th%20photos/Copy%20of%2013th%20De%20Gaulle%20Review%20London%20July%201940.jpg)
Tướng Đờ-gôn duyệt bán lữ đoàn Lê dương số 13 tại London năm 1940


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 02 Tháng Chín, 2008, 10:04:00 am
2. Pari thất thủ, thảm bại đẻ ra huyền thoại

  - Các đơn vị được thành lập tại Pháp gồm trung đoàn 11 bộ binh Lê dương (tháng 1 1/1939), gồm 2500 lính Lê dương rút từ các đơn vị và 500 cựu binh Lê dương người Pháp và trung đoàn 12 bộ binh Lê dương (tháng 2/1940) gồm các cựu binh Lê dương người Pháp và 400 lính mới.
 
  - Các trung đoàn 1 và 2 kỵ binh Lê dương với 673 sĩ quan và binh lính để thành lập.

  - Nhóm trinh sát sư đoàn số 97 tháng 2/1 940 gồm đại đội sơn chiến, 1 đại đội bộ binh, 1 phân đội hoả lực hỗ trợ và một số mô tô.

  - Khoảng 6000 lính mới được tuyển, phần lớn biên chế vào các trung đoàn hành quân 21 và 22 tình nguyện Lê dương (tháng 10/1939) và trung đoàn hành quân tình nguyện Lê dương số 23 (tháng 5/1940).
 
  - Trong các trung đoàn này có nhiều người tị nạn Tây Ban Nha trốn sang Pháp sau cuộc nội chiến và nhiều người Đông Âu. Các trung đoàn mới lập này phần lớn trang bị thiếu thốn và lạc hậu.
 
  - Các đơn vị phần lớn trang bị vũ khí và quân trang quân dụng thế hệ trước 1935.

  Ngày 10/5/1940, quân Đức mở cuộc tấn công xâm lược nước Pháp. Trung đoàn 11 bộ binh Lê dương do đại tá Robert chỉ huy được tăng phái cho sư đoàn 6 Bắc Phi và bố trí tại Stenay giữa sông Meuse và sông Chiers. Ngày 27/5, trung đoàn chiến đấu với quân Đức tại Bois d'Inor và giữ vững vị trí này đến khi có lệnh rút ngày 11/6. Ngày 18/6, trung đoàn bị quân Đức bao vây tại Saint-Germain-sur- Meuse, tiểu đoàn 2 bị tiêu diệt hoàn toàn. Trung đoàn phải lùi về Toul và đến khi ngừng bắn, bị thiệt hại 70% quân số.

  Trung đoàn 12 bộ binh Lê dương tăng phái cho sư đoàn 8 đóng tại Soissons và ngày 6/6 đơn vị chiến đấu trận đầu tiên. Trung đoàn phản kích nhưng trong vòng 10 giờ thì tiểu đoàn 2 bị quân Đức tiêu diệt hoàn toàn. Đêm ngày 7/6, trung đoàn bị bao vây, 500 người cố đánh chọc thủng vòng vây. Khi đình chiến, trung đoàn 12 bộ binh Lê dương ở gần Lìmoges và chỉ còn 300 người.

  Nhóm trinh sát sư đoàn số 97 tăng phái cho sư đoàn 7 Bắc Phi, tham chiến ngày 18/5 tại Somme và sau đó phải liên tục rút lui đến ngày 22/6. Đơn vị tỏ ra kiên cường trong nhiều trận chiến đấu chống lại quân Đức mạnh hơn. Đại tá chỉ huy đơn vị đã chết khi chỉ huy đội hậu vệ yểm trợ cho đơn vị vượt sông tại Oise. Chỉ còn 262 người sống sót khi ngừng bắn.

  Trung đoàn hành quân tình nguyện Lê dương số 21 chiến đấu tại Buzancy-le-Mort-Homme và La-Grange-au-Bois ngày 9-10/6.
 
  Trung đoàn hành quân tình nguyện Lê dương số 22 phản kích quyết liệt ngày 24/5 tại Villiers-Carbonnel gần Peronne, giành đi giật lại ngôi làng này với quân Đức nhưng dần dần bị xe tăng Đức đè bẹp.

  Trung đoàn hành quân tình nguyện Lê dương số 22 cố gắng ngăn chặn các đơn vị thiết giáp Đức ngày 15-16/6 tại Pont-sur-Yonne.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 02 Tháng Chín, 2008, 05:17:31 pm
  Sau khi nước Pháp bại trận, bán lữ đoàn Lê dương 13 là đơn vị Lê dương duy nhất tham gia lực lượng Pháp tự do của tướng Đôø-gôn. Nhưng chính trong những ngày đen tối này, họ trở thành một đơn vị huyền thoại trong quân đội Pháp. Sau những ngày chiến đấu ở Na-uy, bán lữ đoàn chiến đấu cùng quân Anh tại Eriteria thuộc Italia, Đông Phi.
 
  Ngày 15/2/ 1941, bán lữ đoàn đổ bộ lên cảng Sudan, đánh chiếm Ehghiahat ngày 27/3, tiến vào Keren ngày hôm sau và đánh chiếm Montecullo ngày 7/4. Sau những trận đánh này và sau khi chiếm được Masawa, bán lữ đoàn bắt được hơn 15 nghìn tù binh Italia.
 
  Tiếp theo đó là một tấn bi kịch lính Lê dương đánh lính Lê dương. Ngày 8/6/ 1941, 2 lữ đoàn Anh do tướng Sir Henry Maitland Wilson chỉ huy từ Iraq tiến vào Syria, trong khi đó sư đoàn 7 Anh đổ bộ lên Haifa (Palestine cũ) tiến về Beirut, Lebanon. Bán lữ đoàn Lê dương 13, thuộc sư đoàn 1 Pháp Tự do, vượt biên giới Syria tại Dera cùng lữ đoàn 5 Ấn Độ và tiến về Damascus. Syria lúc này do quân Pháp trung thành với Chính phủ Vichy thân phát xít phòng thủ. Tại Syria lúc đó có trung đoàn 6 bộ binh Lê dương. Trong vài ngày đầu chiến dịch, bán lữ đoàn Lê dương 13 làm dự bị. Ngày 19/6, bán lữ đoàn trực tiếp tham chiến, đánh chiếm làng Kissoue nằm trong tuyến phòng thủ phía Nam Damascus. Trận đánh ngắn nhưng ác liệt, 13 lính Lê dương chết, vài người bị thương. Tối hôm đó, bán lữ đoàn tiếp tục hành quân về hướng Damascus. Ngày 20/6, đơn vị xích hầu của bán lữ đoàn 13 đụng phải một đơn vị của trung đoàn 6 bộ binh Lê dương giữ Kadam, ngoại ô phía Nam Damascus. Những phát súng đầu tiên giết chết 1 lính Lê dương người Bỉ của bán lữ đoàn 13 và làm bị thương 1 hạ sĩ của trung đoàn 6.

  Ở giữa đám lính của mình, thiếu tá Amilakvari, chỉ huy của bán lữ đoàn 13 ra lệnh cho lính kèn thổi bài Le Boudin, hành khúc của đội Lê dương. Bên kia cũng thổi bài Le Boudin. Viên thiếu tá ra lệnh ngừng bắn và bước về phía trận địa đối phương và nhận ra vị trí này do 1 trung sĩ và vài lính Lê dương của trung đoàn 6 giữ. Viên trung sĩ này bảo Amilakvari rằng đơn vị anh ta có lệnh phải giữ vị trí này đến 1 giờ sáng ngày hôm sau. Thiếu tá Amilakvari đồng ý sẽ dừng tại chỗ cho đến lúc đó. Sự kiện này không phải là duy nhất. Trung uý Baulens của trung đoàn 6 bộ binh Lê dương báo cáo đội tuần tra của anh ta đã bắn vào một đoàn xe tải chở lính Lê dương của Đôø-gôn tối ngày 10/6 ở Nam Damascus.

  Thực tế là trung đoàn 6 bộ binh Lê dương đã chiến đấu thực sự chống lại quân Đồng minh trong đó có cả bán lữ đoàn Lê dương 13. Cả hai đơn vị này chiến đấu "một cách gan dạ, có kỷ luật” và tổn thất của cả hai đơn vị Lê dương là đáng kể. Tổn thất của trung đoàn 6 bộ binh Lê dương là 128 chết và 728 bị thương, 1/4 quân số trung đoàn, nặng nhất là trong trận đánh chống lại quân Úc tại Lebanon. Bán lữ đoàn Lê dương 13 trong trận đánh vào Kadam vấp phải sự kháng cự khá ác liệt của trung đoàn 29 bộ binh Algeria. Trong chiến dịch này, tổn thất của bán lữ đoàn Lê dương 13 là 21 chết và 47 bị thương. Ngày 14/7, hiệp định đình chiến Saint-Jean-d'Acre được ký kết và lính thuộc trung đoàn 6 Lê dương được lựa chọn. Khoảng 1000 người đã ra nhập bán lữ đoàn Lê dương 13 và với số quân này người ta thành lập thêm tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn. Những người còn lại của trung đoàn 6 bộ binh Lê dương quay về Bắc Phi và được tăng cường cho trung đoàn 1 bộ binh Lê dương.
 
(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/desert1.jpg)
Lính Lê dương tại Lebanon 1942


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 03 Tháng Chín, 2008, 08:04:25 pm
  Từ tháng 8/1941, bán lữ đoàn do trung tá Amilakvari -Hoàng tử Georgia chỉ huy được điều đến Ai Cập tăng phái cho tập đoàn quân 8 Anh. Bán lữ đoàn chiếm một nửa lực lượng trong lữ đoàn 1 Pháp tự do. Ngày 20/1/1942, quân đoàn châu Phi của thống chế Đức Rommel tấn công các vị trí của quân Anh ở Nam Benghazi, Libya, đẩy lùi quân Anh về Ai Cập. Nhằm ổn định mặt trận, quân Anh cho xây dựng tuyến phòng thủ ở Nam Ghazalah. Trung tâm đề kháng chính ở phía Nam phòng tuyến đặt tại Bir Hakeim, vốn là một căn cứ cũ của quân Italia bỏ lại nằm tại giao điểm một số đường mòn sa mạc và cạnh một cái giếng cạn. Ngày 14/2, bán lữ đoàn Lê dương 13 thay thế lữ đoàn 150 Ấn Độ phòng thủ Bir Hakeim. Binh lính nhìn ra xung quanh, chỉ thấy những cồn cát trắng mênh mông điểm vài bụi cây khẳng khiu đến tận chân trời. Thời tiết khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm quá lớn cộng thêm những trận bão cát. Đã thế, bố trí phòng thủ quá sơ sài khó có thể chống lại một cuộc tấn công của một binh đoàn thiện chiến như quân đoàn châu Phi của phát xít Đức. Trong 3 tháng sau đó, 957 lính của bán lữ đoàn Lê dương 13 (chiếm khoảng 1/3 lực lượng Đồng minh tại Bir Hakeim lúc đó) xoay trần ra để củng cố tuyến công sự đặt các bãi mìn, kiến tạo lại trận địa phòng thủ.
 
(http://legionetranger.org/PHOTOS/PHOTOS%20photos/Real%2013th%20photos/13th%20april%201941%20machine%20gun.jpg)
Một tổ súng máy của Lê dương tại Bir Hakeim

  Ngày 26/5, quân Đức đánh bọc hậu các vị trí của quân Anh và tiến vào Bir Hakeim. Sáng ngày 27/5, cuộc tấn công của xe tăng Italia bị đẩy lùi. Lính Lê dương diệt được 32 xe tăng Italia, bắt sống 91 tù binh. Phán đoán được ý định của quân Đức vòng qua Bir Hakeim đánh tập hậu vào quân Anh, tướng Koenig chỉ huy Bir Hakeim cho tập kích vào đường tiếp tế của quân Đức. Trong vài ngày tiếp theo, các đợt tấn công của quân phát xít bị đẩy lùi. Chiến thắng của quân Đồng minh có vẻ như đã ở trong tầm tay. Nhưng, ngày 31/5, quân Italia chọc thủng phòng tuyến Anh ở phía Bắc Bir Hakeim. Quân Anh phải rút lui, Bir Hakeim trở thành một ốc đảo bị vây hãm. Ngày 2/6, hai sĩ quan Italia đến trại quân Pháp và kêu gọi đầu hàng. Tướng Koenig từ chối. Trong những ngày sau đó, đại bác và không quân phát xít oanh tạc dữ dội Bir Hakeim. Ngày 6/6, 2 cuộc tấn công của xe tăng và bộ binh Đức bị chặn lại tại mặt Nam chu vi phòng ngự, chủ yếu do hoả lực chính xác của đại bác và súng chống tăng của lính Lê dương. Nhờ công sự vững chắc, tổn thất của lính Lê dương tương đối nhẹ. Ngày 9/6 một cuộc tấn công của quân Đức chút nữa đã chọc thủng được tuyến phòng ngự nhưng cuộc phản kích trong giờ phút cuối cùng của các xe bọc thép Lê dương đã đẩy lùi họ. Tuy nhiên, tình thế của quân phòng thủ đã trở nên nghiêm trọng. Nước và đạn dược đã cạn. Ngày 10/6, hai bên đấu pháo nhưng lần này, các pháo thủ Đức đã phản pháo chính xác làm hạn chế khả năng xạ kích của pháo thủ Pháp, chỗ dựa chính của cuộc phòng thủ. Lúc 3 giờ chiều cùng ngày, quân Đức tấn công và đã chọc thủng tuyến công sự của Pháp, bắt được một số tù binh Lê dương trước khi quân Pháp tổ chức được cuộc phản kích khôi phục thế trận


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 04 Tháng Chín, 2008, 05:14:38 pm
  Khi nước và đạn đại bác 75mm đã cạn, Koenig ra lệnh phá vây. Trong đêm tối ngày 10/6, lính Lê dương và các đơn vị quân Đồng minh khác ở Bir Hakeim, trong đó có 1 đơn vị nhỏ quân Anh, xung phong vào trận địa Đức. Đại liên của họ gắn trên xe bọc thép bắn liên hồi. Quân Đức bắn pháo sáng soi rõ mọi vật xung quanh. Xe cộ nổ tung vì vướng mìn.

  Nhiều người bị lạc. Tướng Koenig, trung tá Amilakvari cùng với người lính Lê dương nữ lái xe tên là Susan Travers cũng phải lần mò trên sa mạc, mấy lần suýt nữa vấp phải quân Đức mới về được phòng tuyến Anh.
 
(http://legionetranger.org/PHOTOS/PHOTOS%20photos/Real%2013th%20photos/new%20photos%20jan%2024/Copy%20of%2013thdriver.jpg)
Cô lính lái xe Susan Travers


  Trong những ngày phong toả, nhờ công sự kiên cố, bán lữ đoàn Lê dương 13 chỉ mất 14 người chết và 17 bị thương thì trong trận phá vây, họ mất 11 người chết, 32 bị thương, 37 bị quân Đức bắt làm tù binh, 152 mất tích (có lẽ thật sự là đã chết). Các tiểu đoàn 2 và 3 thuộc bán lữ đoàn đã chiến đấu anh dũng trong trận Bir Hakeim chỉ còn 693 người, phần lớn vũ khí nặng bị bỏ lại. Trận đánh này đã tạo nên vinh quang cho bán lữ đoàn và nó trở thành huyền thoại trong lực lượng Pháp Tự do.
 
  Trong chiến dịch El Alamein cuối tháng 10/1942, bán lữ đoàn Lê dương 13 tấn công El Himeimat bên sườn phải quân Anh. Đại tá Hoàng tử Amilakvari anh dũng hy sinh. Trung tá Bablon chỉ huy bán lữ đoàn trong cuộc truy kích quân Đức của thống chế Anh Montgomery đến Tunisia. Lữ đoàn 1 Pháp tự do được cải tổ thành sư đoàn 1 Pháp và bán lữ đoàn Lê dương 13 nghỉ ngơi tại Tobruk.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 05 Tháng Chín, 2008, 05:45:45 pm
3. Suy nhược Pháp + chiến thuật, vũ khí Mỹ = Thắng lợi Đồng minh

   Sau khi nước Pháp bại trận, các đồn binh Pháp tại Bắc Phi của Chính phủ Vichy thiếu quân và trang bị và phải chịu nhiều sự phiền toái vì quân Đức thường xuyên lùng bắt những người chống phát xít trong quân Lê dương và buộc những lính Lê dương người Đức hồi hương để tham gia quân đội phát xít. Hơn 2000 lính Lê dương người Đức đã phải ra nhập trung đoàn 361 bộ binh châu Phi của Thống chế Đức Rommel.
 
    Trong thời gian này, trung đoàn 1 bộ binh Lê dương đóng tại Algeria, trung đoàn 1 ky binh Lê dương ở Tunisia, các trung đoàn 2 và 3 bộ binh Lê dương đồn trú tại Morocco. Trung đoàn 2 kỵ binh Lê dương và trung đoàn 4 bộ binh Lê dương bị giải thể năm 1940 và trung đoàn 6 bộ binh Lê dương giải thể năm 1941 nhưng cũng trong năm 1941, bán lữ đoàn Lê dương 4 được thành lập và được đưa đến đóng tại Senegal thuộc Pháp tại Tây Phi, quá xa nên không bị Đức nhòm ngó.

  Tháng 11/1942, quân Anh-Mỹ đổ bộ lên Bắc Phi thuộc Pháp. Quân Pháp chống cự yếu ớt và nhanh chóng ngả theo quân Đồng minh. Vào thời điểm tiến hành chiến dịch Tunisia, tập đoàn quân châu Phi của Pháp đã tham chiến cạnh quân Đồng minh. Vũ khí, trang bị lạc hậu nhưng nó phải đối chọi với các sư đoàn xe tăng mạnh thuộc Quân đoàn châu Phi của Đức. Cả ba tiểu đoàn của trung đoàn 3 hành quân Lê dương bị thiệt hại nặng nề trong trận đánh tại Djebel Mansour trung tuần tháng 1/1943, mất cả cờ hiệu trung đoàn vào tay địch. Một đơn vị mô tô hoá nhỏ của trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương chiến đấu tốt tại Foum el Gouafel. Tháng 4/1943, trung đoàn 2 bộ binh Lê dương bị giải thể lấy quân bổ sung cho trung đoàn 3 bộ binh Lê dương. Tháng 5/1943, trung đoàn hành quân 1 bộ binh Lê dương, được thành lập từ tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 1 Lê dương và bán lữ đoàn Lê dương 4, tham chiến tại Pont du Fahs và Zaghouan. Cùng thời gian này, bán lữ đoàn Lê dương 13 đổ bộ lên Libya và chiến đấu tại Djebel Garci.
 
  Sau những chiến thắng của quân Đồng minh tại Bắc Phi, các đơn vị Pháp được tái tổ chức và trang bị vũ khí Mỹ để tham gia các chiến dịch tại châu Âu của quân Đồng minh năm sau. Các đơn vị Lê dương được cải tổ lại thành các đơn vị chiến đấu hiện đại. Lực lượng chính gồm trung đoàn hành quân Lê dương RMLE (lấy lại phiên hiệu của trung đoàn RMLE thời Đại chiến thế giới thứ nhất) và thành lập lại các trung đoàn 2, 3, 4 và 6 Lê dương tại Si di bel Abbes tháng 7/1943. Thành lập thêm sư đoàn 5 thiết giáp với trang bị và huấn luyện theo kiểu Mỹ. Trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương gồm sở chỉ huy, 1 chi đoàn xe tăng nhẹ và 4 chi đoàn xe bọc thép. Bán lữ đoàn Lê dương 13 cũng được huấn luyện và tái trang bị bằng vũ khí Mỹ. Bán lữ đoàn Lê dương 13 đổ bộ lên Italia cuối tháng 4/1944, tham gia chiến đấu tại Garigliano và Monte Pencio trước khi tiến qua Roma. Tiểu đoàn 1 thuộc bán lữ đoàn thắng một trận nhỏ nhưng xuất sắc tại Radicofani ngày 18/6. Lính Lê dương tấn công chiếm được một ngọn núi đá dốc được một đại đội Đức phòng ngự trong một lâu đài cổ có đại bác và xe tăng yểm hộ. Các đơn vị Pháp gồm sư đoàn 1 bộ binh mô tô, bán lữ đoàn Lê dương 13, sư đoàn 5 thiết giáp tham gia đổ bộ cùng quân Đồng minh vào miền Nam nước Pháp trong chiến dịch Champane. Ba trung đoàn Lê dương tham gia các trận đánh mùa đông năm 1944-1945 tại Alsace. Bán lữ đoàn Lê dương 13 chiến đấu tại Strasbourg và Colma và trong những tuần cuối cùng của chiến tranh tại Isola, Alps, Pháp.
 
  Trung đoàn kỵ binh Lê dương và trung đoàn hành quân Lê dương RMLE được tổ chức thành các binh đoàn chiến đấu hỗn hợp theo kiểu Mỹ gồm xe tăng, bộ binh cơ giới, pháo binh tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại Vosges tháng 11/1944 và Colmar tháng 2/1945.

(http://legionetranger.org/PHOTOS/PHOTOS%20photos/Real%2013th%20photos/Copy%20of%20paris%20march.jpg)
Quân Lê dương tiến vào Paris năm 1945

  Ngày 19/3, trung đoàn hành quân Lê dương RMLR tiến vào đất Đức, vượt sông Rhine ngày 2/4, đến Stuttgart ngày 21/4 và Tubingen trên sông Danube ngày 23/4. Ngày 1/5/1945, trung đoàn đang ở tại Tyrol, dãy núi Arlberg.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 06 Tháng Chín, 2008, 01:19:47 pm
XV, Morocco 1945-1957, sau nửa thế kỷ "bán" máu, Lê dương tay trắng ra về

  Chế độ "bảo hộ" của Pháp tại Morocco được thiết lập từ trước Đại chiến thế giới thứ nhất và kéo dài đến tháng 3/1956 và cứ điểm cuối cùng của Pháp rút đi vào năm 1957. Trung đoàn chiếm đóng truyền thống của Pháp tại đây là trung đoàn 4 bộ binh Lê dương (còn gọi là trung đoàn Morocco). Tháng 4- 5/1946, bán lữ đoàn Lê dương 4 được thành lập lại với 2 tiểu đoàn đóng tại Fez và Meknes và một đại đội cơ giới tại Ksar-es-Souk sau đó dần dần được tăng lên thành 4 tiểu đoàn. Một số đại đội cơ giới đóng ở Agadir từ năm 1944, trước tạm thời phối thuộc cho trung đoàn 3 bộ binh Lê dương, nay được tổ chức lại thành binh đoàn cơ giới Lê dương tại Morocco (GPLEM).

  Tháng 6/1947, tiểu đoàn 4 thuộc bán lữ đoàn Lê dương 4 chuyển đến Madagascar phối thuộc cho binh đoàn liên hợp Lê dương tại Madagascar để giữ gìn "an ninh".
 
  Tháng 10/1947, ba tiểu đoàn thuộc trung đoàn 4 bộ bỉnh Lê dương đều rút 1 đại đội từ mỗi tiểu đoàn để thành lập tiểu đoàn 2 dù Lê dương. Năm 1949, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 4 bộ binh Lê dương được tăng viện cho Bắc Bộ, Việt Nam để thành lập lại trung đoàn 5 bộ binh Lê dương. Năm 1951, trung đoàn chỉ còn 1 tiểu đoàn tại Fez, đến tháng 12 thì nhận lại tiểu đoàn 4 từ Madagascar trở về. Phong trào đấu tranh của nhân dân Morocco bắt đầu và sau này Morocco độc lập tháng 4/1952. Trung đoàn 4 và trung đoàn 1 bộ binh Lê dương đã thực hiện các cuộc hành quân càn quét tại Morocco. Trung đoàn 2 ky binh Lê dương phải tăng cường người và trang bị cho trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương tại Việt Nam. Tháng 10/195t5 được chuyển thành binh đoàn 2 xe lội nước.
 
  Đến cuối giai đoạn này, một loại đơn vị tác chiến mới xuất hiện. Mùa đông năm 1956-1957, các tiểu đoàn 1 và 2 thuộc trung đoàn 4 bộ binh Lê dương và binh đoàn cơ giới Lê dương tại Morocco được cải tổ lại thành trung đoàn 4 bộ binh cơ giới Lê dương gồm 2 binh đoàn độc lập. Mỗi binh đoàn gồm sở chỉ huy, 3 đại đội bộ binh đi xe vận tải và 1 trung đội xe bọc thép M8 của Mỹ. Đây chính là mô hình tổ chức các đơn vị bộ binh cơ giới can thiệp nhanh sẽ được sử dụng rộng rãi tại Algeria.
 
(http://legionetranger.org/PHOTOS/PHOTOS%20photos/Real%2013th%20photos/desert2.jpg)

  Ngày 18/4/1957, đại đội cuối cùng thuộc trung đoàn 4 Lê dương rút qua biên giới Algeria, chấm dứt sự có mặt suốt 50 năm của lính Lê dương ở Morocco.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 07 Tháng Chín, 2008, 05:30:35 pm
XVI, Chiến tranh Algeria 1954 -1962, một Việt Nam mới ở châu Phi

  Sau Đại chiến thế giới thứ hai, những tổ chức kháng chiến bí mật bắt đầu được thành lập ở Algeria. Sự thất bại của Pháp ở Đông Dương góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh giành độc lập của nhận dân Algeria. Ngày 1/11/1954, Mặt trận dân tộc giải phóng Algeria (FLN) kêu gọi tổng khởi nghĩa vũ trang, tấn công các mục tiêu quân sự, các đồn cảnh sát Pháp để cướp vũ khí trang bị cho mình. Quân đội giải phóng dân tộc Algeria (ALN) được thành lập từ những đội du kích. Nhiều người vốn là lính tham gia các binh đoàn thuộc địa của Pháp sang tham chiến ở chiến trường Việt Nam nhưng đã rời bỏ hàng ngũ quân Pháp chạy sang hàng ngũ kháng chiến. Khi trở về Algeria, họ đã tham gia phong trào kháng chiến Algeria và trở thành những cán bộ quân sự có năng lực. Trong quá trình chiến đấu, quân đội giải phóng dân tộc Algeria đã lớn mạnh về số lượng với quân số hơn 150 nghìn người. Pháp đưa sang Algeria các đơn vị quân đội để đàn áp phong trào kháng chiến lúc cao điểm nhất lên đến khoảng 500 nghìn người.

  Cuộc chiến tranh bắt đầu trong điều kiện quân Pháp đã có mặt trên lãnh thổ Algeria và đang được tung đi chống lại những người khởi nghĩa. Vì thế, các hoạt động quân sự có đặc điểm của một cuộc chiến tranh cơ động. Chiến tranh lan ra toàn quốc nhưng không hình thành những mặt trận tập trung. Hình thức đánh du kích của các đơn vị Algeria buộc Pháp phải xé nhỏ lực lượng. Ngoài ra, do địa hình đồi núi hiểm trở nên Pháp khó sử dụng các đơn vị thiết giáp và pháo hạng nặng. Điều này được quân đội Algeria tận dụng triệt để.

  Khi Pháp rút khỏi Đông Dương, nhiều đơn vị được đưa về Algeria tham gia đàn áp phong trào kháng chiến. Trung đoàn 3 bộ binh Lê dương là đơn vị Lê dương về đầu tiên và nó được đưa đến vùng núi Aures để chống lại quân kháng chiến. Năm 1956, trung đoàn 2 bộ binh Lê dương rút từ Morocco và trung đoàn 5 bộ binh Lê dương từ Đông Dương về được tăng viện cho chiến trường Algeria. Về mặt lý luận quân sự, tại Algeria thời kỳ này, rút kinh nghiệm từ thất bại đối với cuộc chiến tranh nhân dân ở Việt Nam và có vẻ như chia sẻ kinh nghiệm với các nhà lý luận gia của chủ nghĩa thực dân mới đang thực thi tại Đông Nam Á, Pháp cho thực hiện chương trình "khối óc và trái tim" mục đích là khủng bố nhân dân và bình định để tạo ra những vùng "không tiếng súng” và triệt nguồn tiếp tế của quân giải phóng Algeria. Tháng 9/1957, Pháp xây dựng xong "Phòng tuyến Morice" là một tuyến phòng ngự có chiều sâu dài 200 dặm dọc biên giới Tunisia để ngăn chặn các chiến sĩ Algeria từ các căn cứ ở Tunisia thâm nhập vào trong nước. Lúc này, quân giải phóng Algeria có nhiều trại huấn luyện và khoảng 10 nghìn chiến sĩ ở Tunisia và Pháp coi đây là mối đe doạ lớn. Những tuyến công sự như vậy cũng được xây dựng dọc biên giới với Morocco. Những phòng tuyến này có các tuyến rào thép gai, bãi mìn, có các phương tiện điện tử giám sát, được các đội quân cơ giới và máy bay tuần tra ngày đêm. Lực lượng pháp đồn trú dọc Phòng tuyến Morice gồm 80 nghìn quân, trong đó có các trung đoàn 3 và 4 bộ binh Lê dương, bán lữ đoàn Lê dương 13 và cả 2 trung đoàn kỵ binh Lê dương.
 
(http://legionetranger.org/PHOTOS/history/camp1960.bmp)
Zeralda, Algeria, 1960

  Hoàng tử Bảo Long, con trai của Bảo Đại, vị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam cũng tham chiến tại chiến trường này. Trong những năm nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, Bảo Long học tại trường quân sự Pháp. Học chưa xong thì chiến tranh kết thúc, nước Việt Nam tạm bị chia thành hai miền và Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm, Thủ tướng Chính phủ Miền Nam tay sai Mỹ lúc đó, hất cẳng. Bảo Long lúc này trên danh nghĩa vẫn nằm trong biên chế "quân đội quốc gia Việt Nam" nên không thể ra nhập quân đội Pháp. Cuối cùng anh ta ra nhập đội Lê dương và được điều đến Phòng tuyến Morice, Algeria, chỉ huy một phân đội thiết giáp. Sau này, Bảo Long được Pháp tặng thưởng huân chương Quân công vì thành tích phục vụ trong đội Lê dương tại Algeria.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 11 Tháng Chín, 2008, 05:47:37 pm
  Mùa đông năm 1957-1958, quân giải phóng Algeria tìm cách thâm nhập qua phòng tuyến và cơ động che giấu lực lượng trước khi các đơn vị Lê dương, nhảy dù, thiết giáp, pháo binh và không quân Pháp xác định được vị trí của họ. Các đơn vị giải phóng tránh đụng độ với các lực lượng lớn của Pháp mà chỉ tiến hành các trận phục kích, tấn công các mục tiêu lẻ, đồn bốt nhỏ, phá hoại rộng rãi các tuyến đường xe lửa, các ống dẫn dầu v.v... với phương châm đánh bất ngờ. Thông thường các trận đánh được tiến hành vào ban đêm hay những ngày thời tiết xấu không quân Pháp khó hoạt động. Sau khi tập kích xong, quân giải phóng Algeria phải nhanh chóng di chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, quân giải phóng có một mạng lưới trinh sát rộng lớn giúp cho họ nắm được ý đồ quân sự của quân Pháp để áp dụng các biện pháp đối phó. Bằng những hoạt động của mình, quân giải phóng Algeria đã gây cho quân Pháp thiệt hại nặng nề và phải thường xuyên trong tình trạng căng thẳng, ảnh hưởng xấu đến tinh thần binh lính Pháp. Trong thời gian chiến tranh, 1958, nước Cộng hoà Algeria ra đời và Chính phủ lâm thời được thành lập. Sự kiện đó đã thúc đẩy phong trào kháng chiến ngày càng lan rộng.

  Tháng 12/1958, Đờ-gôn bổ nhiệm tướng Challe làm tư lệnh chiến trường Algeria cùng với bản kế hoạch khá nguy hiểm. Lấy luôn tên gọi của vị tư lệnh, kế hoạch Challe là tập trung lực lượng vào một khu vực nhất định trong một thời gian để bao vây, sau đó tung các đội biệt kích vào lùng sục phát hiện các vị trí của quân giải phóng và tung các trung đoàn can thiệp nhanh, trực thăng, pháo binh, máy bay ném bom để tấn công tiêu diệt. Các chỉ huy chiến trường của Challe sẽ giữ các đơn vị Lê dương, nhảy dù trong khu vực, có thể đến 2 tháng, để tiếp tục truy lùng đánh phá tất cả những gì còn sót lại của quân giải phóng. Sau đó, khu vực sẽ được giao lại cho quân địa phương và lực lượng can thiệp lại chuyển đến khu vực khác. Trong khuôn khổ kế hoạch Challe, quân Pháp cho tiến hành hàng loạt các chiến dịch càn quét như Courroie tháng 4/59, Etincelles, Jumelles tháng 7/59, Pierres Precieuses tháng 9/59, Trident 1960 v.v… Những chiến dịch này đã gây rất nhiều khó khăn và tổn thất cho các đơn vị giải phóng Algeria nhưng không thể tiêu diệt được họ. Các đơn vị Pháp phải hành quân và đồn trú ngoài địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt trong thời gian dài, lại liên tục bị tập kích, phục kích nên tinh thần sa sút.

(http://www.historikorders.com/frenchforeignlegion2.gif)
Một đơn vị Lê dương càn quét vùng núi ở Algeria

  Chiến tranh kéo dài, chính trị Pháp phân làm hai xu hướng. Một xu hướng sát nhập hẳn Algeria vào Pháp và một xu hướng chủ trương đàm phán hoà bình và công nhận Algeria độc lập. Tướng Đờ-gôn ngả theo chủ trương đàm phán với hy vọng Pháp có thể giữ lại một số đặc quyền của mình tại Algeria. Các thế lực đòi sát nhập Algerla vào Pháp không chịu ngồi yên. Một cuộc đảo chính tại Algeria được tiến hành tháng 4/1961 do 4 viên tướng thực hiện được 3 trung đoàn dù, trong đó có cả trung đoàn 1 dù Lê dương ủng hộ. Cuộc đảo chính bị dập tắt sau vài ngày nhưng tinh thần phía Pháp suy sụp hoàn toàn. Tháng 3/1962, Chính phủ Pháp buộc phải ký hiệp định đình chiến và công nhận quyền tự quyết của nhân dân Algeria.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 12 Tháng Chín, 2008, 06:39:38 pm
XVII, Đàn áp nổi dậy, giải thoát con tin ở Cộng hoà Chad và châu Phi

  Cộng hoà Chad là thuộc địa cũ của Pháp. Từ tháng 4 đến tháng 9/1969, Pháp đưa trung đoàn 2 dù Lê dương vào Chad hỗ trợ cho Chính phủ Tombalbaye chống lại những người nổi dậy. Đây là hoạt động chiến đấu đầu tiên của lính Lê dương kể từ sau chiến tranh Algeria. Đến tháng 9/1969, Pháp đưa thêm một đại đội cơ giới Lê dương vào Chad. Tháng 12/1970, lính Lê dương rút khỏi nước này.

  Trong những năm 1970 - 1980, các đơn vị nhảy dù và thiết giáp Lê dương còn can thiệp vào Chad vài lần trong thành phần lực lượng triển khai nhanh của Pháp để chống lại quân nổi dậy của FROLINAT được Libya hỗ trợ. Tháng 5/1978, 1 chi đoàn thuộc trung đoàn 1 ky binh Lê dương can thiệp chống lại quân nổi dậy tại Sala, Ati và Djedda. Tháng 6/1983 FROLINAT lại tổ chức một cuộc tấn công và tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1 ky binh Lê dương được gửi tới hỗ trợ quân chính phủ. Ba năm sau, quân chính phủ Chad tiến công lên phía Bắc với sự yểm trợ của trung đoàn 1 ky binh Lê dương. Sau này, các đơn vị Lê dương vẫn được gửi đến Chad trong những thời gian ngắn theo cách luân lưu.
 
  Trong các cuộc chiến tranh tại Somalia và Ethiopia trong những năm 1960- 1980, bán lữ đoàn Lê dương 13 đóng tại Djibouti làm nhiệm vụ an ninh. Tháng 2/1976, quân khủng bố Somalia bắt cóc 1 chiếc xe buýt chở 31 học sinh và đưa về Loyada gần biên giới Somalia. Phân đội trinh sát thuộc bán lữ đoàn Lê dương 13 và tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 2 dù Lê dương thực hiện thành công cuộc giải cứu.

  Tháng 5/1990, quân nổi dậy bắt giữ các con tin người Âu tại cảng Gentil, Gabon, 2 đại đội thuộc trung đoàn 2 bộ binh Lê dương và trung đoàn 2 dù Lê dương được gửi đến. Các con tin được thả sau khi đàm phán.
 
  Tháng 2/1991, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 2 bộ binh Lê dương từ căn cứ Pháp Bangui tại Cộng hoà Trung Phi vượt qua biên giới Zaire tiến vào Kinshasa sơ tán những người nước ngoài khi bạo lực bùng phát tại Zaire. Tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2 Lê dương cũng được cử đến tăng viện.
 
  Năm 1994, các bộ lạc Hu tu và Tutsi đã tiến hành cuộc nội chiến đẫm máu tại Rwanda. Các đơn vị thuộc trung đoàn 2 bộ binh Lê dương và bán lữ đoàn Lê dương 13 được gửi tới để thiết lập một khu vực an toàn.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 13 Tháng Chín, 2008, 12:18:38 pm
XVIII, Từ Libăng đến Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 1 và Bosnia 1993-1996

  Tháng 6/1983, lữ đoàn tăng cường 31 Pháp đổ bộ vào Beirut tham gia thành phần của lực lượng đa que bơi gồm các đơn vị Mỹ, Anh và Italia để thiết lập những khu vực ngăn cách và giám sát ngừng bắn của cuộc nội chiến tại Lebanon. Lữ đoàn gồm trung đoàn 2 bộ binh Lê dương và 2 chi đoàn thuộc trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương.

  Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Pháp gửi sư đoàn 6 tham chiến trong liên quân do Mỹ cầm đầu. Tháng 9/1990, trung đoàn 2 bộ binh Lê dương là đơn vị Pháp đầu tiên đến Saudi Arabia. Tiếp theo đó là các trung đoàn 2 và 6 bộ binh Lê dương, trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương và trung đoàn 1 kỵ binh Spahis. Sư đoàn Pháp cùng với quân đoàn 18 không vận Mỹ tiến theo sườn phía Tây.
 
  Ngày 22/2/1991, các trung đoàn 2 và 6 bộ binh Lê dương thọc sâu vào biên giới Iraq 5km. Lính công binh Lê dương và tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 27 công binh Mỹ làm các con đường đi trên cát ngày 23. Quân Pháp, bọc sườn phía Tây của liên quân, đánh xuyên qua phòng tuyến của sư đoàn 45 Iraq, đánh chiếm thị trấn và sân bay As Salman ngày 26/2. Quân Pháp bắt được 3000 tù binh Iraq và không có tổn thất.
 
  Trong lần triển khai đầu tiên của lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp quốc tại Bosnia, Pháp là nước đóng góp quân lớn nhất. Tại khu vực Sarajevo có khoảng 2 tiểu đoàn hỗn hợp. Các đơn vị dù Lê dương và các phân đội thuộc trung đoàn 2 và 6 bộ binh Lê dương, trung đoàn 1 ky binh Lê dương luân phiên tham gia lực lượng đặc nhiệm này. Khi lực lượng UNPROFOR của Liên Hợp quốc được thay thế bằng lực lượng IFOR của NATO, các đơn vị Pháp vẫn tiếp tục tham gia. Trong giai đoạn chuyển giao, toàn bộ trung đoàn 2 bộ binh Lê dương được triển khai tại Mt. Igman.

(http://i.pbase.com/u20/zidar/upload/9346041.legion1.jpg)
Lính Lê dương tại sân bay Sarajevo năm 1992.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 13 Tháng Chín, 2008, 05:25:50 pm
MUỐN VÀO LÀNG TÂY, XIN MỜI ...ĐĂNG LÍNH!

  Hiện nay, đạo quân Lê dương Pháp duy trì quân số khoảng 8-9 nghìn người. Tuy số quân so với trước có giảm nhưng vũ khí, trang bị đã được thay thế cho thích hợp với vai trò một lực lượng phản ứng nhanh của quân đội Pháp. Hàng năm, quân đội Pháp tuyển khoảng 1.700 tân binh Lê dương. Những người nước ngoài nếu phục vụ 5 năm trong đội Lê dương sẽ được quyền gia nhập quốc tịch Pháp. Các đơn vị Lê dương hiện nay gồm:
 
  Trung đoàn 1 Lê dương, đóng tại trại Vienot, Aubagne, Pháp. Trung đoàn nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy Lê dương. Aubagne cũng là nơi đặt tổng hành dinh của đội Lê dương. Các tân binh Lê dương đều đưa tới trung đoàn này để phân loại. Trung đoàn có 800 quân.
(http://www.geocities.com/ivatroopie/1re.gif)
 
  Trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương, đóng tại trại Labouche, Orange, Pháp. Trung đoàn thuộc Sư đoàn phản ứng nhanh của Pháp. phần lớn làm nhiệm vụ ở nước ngoài, quân số có 900.
(http://www.geocities.com/ivatroopie/1REC.gif)
 
  Trung đoàn 2 bộ binh Lê dương, đóng tại trại Vallongue, Nimes, Pháp. Trung đoàn có 1200 quân, phần lớn là người Pháp, đã từng hoạt động tại châu Phi, Bosnia và Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất.
(http://www.geocities.com/ivatroopie/2reg.gif)
 
  Trung đoàn 2 dù Lê dương, đóng tại trại Raffalli. Calvi, Corsica, Pháp. Đây là trung đoàn dù duy nhất trong đội Lê dương. Quân số gồm 1.000 người, thường xuyên ở tư thế sẵn sàng tác chiến. Trong trung đoàn có 1 đơn vị được coi là đơn vị tinh nhuệ nhất trong các đơn vị tinh nhuệ trong quân đội Pháp. Đó là Phân đội biệt kích dù.
(http://www.geocities.com/ivatroopie/2REI.gif)
 
  Trung đoàn 3 bộ binh Lê dương, đóng tại trại Forget, Kourou, Guyana thuộc Pháp, Nam Mỹ. Trung đoàn có 600 quân, chủ yếu được huấn luyện đánh rừng. Kể từ khi được điều đến Guyana thuộc Pháp, đã có khoảng 5 nghìn lượt lính Lê dương phục vụ tại đây.
(http://www.geocities.com/ivatroopie/3rei.jpg)

  Trung đoàn 4 Lê dương, đóng tại trại Đại uý Danju, Castelnaudary, Pháp. Đây là trung đoàn huấn luyện, có các khoá đào tạo hạ sĩ, trung sĩ cho đội Lê dương.
(http://www.geocities.com/ivatroopie/4re.gif)
 
  Trung đoàn 5 Lê dương, đóng tại Muroroa, Tahiti, Ấn Độ Dương. Trung đoàn có 800 quân, bảo vệ bãi thử hạt nhân của Pháp và Polynesia thuộc Pháp. Ngày 11/1/2000, trung đoàn giải thể sau 27 năm đóng tại Muroroa.
 

  Trung đoàn 6 công binh Lê dương, đóng tại trại Tướng Rollet, St Morice l'ardoise, Avignon, Pháp. Trung đoàn có 750 quân, là đơn vị công binh chủ lực của đội Lê dương, nằm trong thành phần lực lượng phản ứng nhanh của Pháp.
 
  Bán lữ đoàn Lê dương 13, đóng tại trại Gabode, Cộng hoà Djibouti, Đông Phi. Trung đoàn có 900 quân, đóng tại vị trí trọng yếu nằm trên đường ra Ấn Độ Dương và tương đối gần để kiểm soát Biển Hồng Hải và kênh đào Suez.
(http://www.geocities.com/ivatroopie/13dble.gif)

  Biệt đội Lê dương đóng tại Mayotte, quần đảo Comores, Ấn Độ Dương có 250 quân.
 
  Trung đoàn 2 công binh Lê dương, mới thành lập ngày 1/7/1999. đóng tại Saint-Christrol.

  Trung đoàn 1 công binh Lê dương, thành lập ngày 1/7/1999.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 13 Tháng Chín, 2008, 05:31:00 pm
  Hiện nay, đạo quân Lê dương Pháp thu nhận tân binh tuổi từ 17 đến 40. Người muốn đăng lính phải có giấy tờ hợp lệ và phải tự mình đến đăng ký tại 17 phòng tuyển quân Lê dương rải rác trên đất Pháp, chi phí đi đường phải tự lo. Sau khi qua bước kiểm tra sức khoẻ sơ bộ và được chấp nhận, người đăng lính được chuyển đến trung tâm phân loại tại Tổng hành dinh đội Lê dương tại Aubagne (cách Marseille 15km) để kiểm tra toàn diện, nếu qua được vòng này anh ta sẽ ký một hợp đồng phục vụ 5 năm và trở thành tân binh Lê dương.

  Trong 4 tháng đầu tiên của hợp đồng, tân binh Lê dương phải trải qua các giai đoạn huấn luyện tại trung đoàn 4 Lê dương, sau đó được điều động đến phục vụ tại các đơn vị. Sau khi hết hợp đồng 5 năm, lính Lê dương có quyền nhập quốc tịch Pháp. Anh ta cũng có thể tiếp tục ký hợp đồng phục vụ trong đội Lê dương. Lương của lính Lê dương hiện nay thấp nhất 900EUR/tháng.
 
  Lính Lê dương đội mũ kê-pi trắng, đeo dây biểu chương gồm 7 sợi tết lại trong đó có 2 sợi rủ xuống, quân phục có hai màu thể hiện đặc trưng là xanh lá cây và đỏ. Hai màu này là lấy theo truyền thống từ màu trang phục của các lính ngự lâm Thuỵ Sĩ phục vụ Hoàng đế Pháp trước đây. Lính Lê dương còn mang một tấm khăn quấn quanh eo hông màu xanh nước biển thẫm, bên ngoài đeo thắt lưng. Lính công binh Lê dương khi dự diễu binh, ngoài quân phục như những người khác còn mang thêm một tạp dề bằng da và vác một chiếc rìu dài cán. Bài hành khúc chính thức của lính Lê dương từ năm 1870 là bài "Le Boudin" (Cái xúc xích).

(http://www.armyrecognition.com/europe/France/Exhibition/14_juillet_2004/pictures/Foreign_Legion_Military_parade_14_July_2004_France_01.jpg)

  Vũ khí trang bị cho lính Lê dương hiện nay khá đa dạng gồm súng trường tự động FAMAS cỡ nòng 5,56mm, súng trung liên kiểu 1952 cỡ nòng 7,5mm, súng chống tăng hạng trung LRAC89, tên lửa chống tăng RAC112mm, tên lửa chống tăng có điều khiển Milan Law, súng trường bắn tỉa FRF2, trọng liên 12,7mm BRO G, pháo 20mm CANON v.v... Đội Lê dương sử dụng nhiều loại xe từ xe Peugeot 305 cho chỉ huy, xe thông tin Citroen Mehari đến xe bọc thép chiến đấu AMX-10RC trang bị pháo 105mm có khả năng lội nước v.v... Loại xe chiến đấu hiện đại được trang bị rộng rãi cho lính Lê dương hiện nay là xe chiến đấu đa năng VAB có khả năng lội nước và di chuyển 625 dặm không cần tiếp nhiên liệu, có thể chở được 11 lính Lê dương. Trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương được trang bị loại xe này.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 14 Tháng Chín, 2008, 02:31:47 pm
Chương 3

CHIẾN TRƯỜNG VIỆT NAM



I, Cuối thế kỷ 19, sắc phục sau lớp áo chùng

  Năm 1802, Gia Long lên ngôi lập ra triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Lúc này, chế độ phong kiến ở Việt Nam đã suy yếu. Chính sách bế quan toả cảng của nhà Nguyễn làm kinh tế bị kìm hãm. Mâu thuẫn giữa các giai cấp trong xã hội, chủ yếu là nông dân, với nhà Nguyễn trở nên sâu sắc. Hàng trăm cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra như khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821-1827), Cao Bá Quát (1854-1855) v.v… Nhà Nguyễn đàn áp dã man các cuộc khỏi nghĩa nhưng qua chính sách hà khắc đó, nhà Nguyễn đã huỷ hoại sức mạnh của nhân dân, của dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm (16).
 
  Với dã tâm xâm chiếm các thuộc địa mới để vơ vét bóc lột, mở rộng thị trường, Pháp đã để ý đến Việt Nam từ lâu. Ngay từ khi Nguyễn Ánh (Gia Long) còn chưa lên ngôi vua, Pháp đã giúp đỡ Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn để tạo chỗ đứng sau này. Tuy nhiên, chính sách bế quan toả cảng của nhà Nguyễn không đáp ứng được lợi ích của Pháp. Pháp tạo cớ triều đình Nguyễn cấm đạo, ngược đãi giáo sĩ và từ chối tự do buôn bán nhằm đánh lừa dư luận. Ngày 1/9/1858, 2.500 quân và 12 tàu chiến Pháp, 450 quân và 1 tàu chiến Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
 
  Trước nguy cơ mất nước, triều đình Nguyễn đối phó lúng túng, bạc nhược. Tư tưởng thủ và hoà dần dần chiếm ưu thế và chi phối mọi hoạt động và tổ chức chỉ đạo chiến tranh của triều Nguyễn. Cộng thêm vào đó, do không khơi dậy được sức mạnh toàn dân chống giặc nên sức kháng cự của quân triều đình bị suy giảm nghiêm trọng và trang bị vũ khí lạc hậu nên không đương cự nổi đại bác, pháo thuyền của Pháp. Những tấm gương dũng cảm của một số võ quan, binh sĩ triều đình như Nguyễn Tri Phương cũng không cản được cuộc tấn công của quân Pháp. Năm 1862, triều đình Nguyễn đã ký hiệp định nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và Côn Đảo cho Pháp. Trong những năm 1864-1867, triều đình không lo chuẩn bị lực lượng, huy động sức mạnh nhân dân chống ngoại xâm mà chỉ lo chuộc lại 3 tỉnh miền Đông qua thương lượng. Chuộc không được mà Pháp lại được thể lấn tới. Từ ngày 20 đến ngày 24/6/1867, quân Pháp liên tục tấn công. Các thành Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên rơi vào tay địch. Ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ đã bị quân Pháp chiếm nốt.

(http://tranxuanan.writer.googlepages.com/vua_Tu_Ducbigsize.jpg)
Vua Tự Đức

  Sau khi để mất Nam Kỳ, triều đình Nguyễn không hề sửa sang triều chính, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng để chống giặc mà còn tiếp tay cho Pháp trấn áp những cuộc nổi dậy đánh giặc của nhân dân, tạo điều kiện cho Pháp nhanh chóng thực hiện kế hoạch đánh chiếm Bắc Kỳ và Trung Kỳ.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 15 Tháng Chín, 2008, 05:57:10 pm
  Tháng 10/1873, lấy cớ ra giải quyết vụ Jean Dupuis, một thương gia Pháp định đưa muối dọc sông Hồng sang Trung Quốc bị quân triều đình giữ lại thiếu tá Francis Garnier mang 180 quân ra Bắc. Đây chính là hành động dọn đường đánh chiếm các tỉnh miền Bắc. Ngày 20/11/1873, quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất. Thành Hà Nội có chu vi 5km, tường cao 4m, dày 16m, có hào nước bao quanh. Sau một giờ tấn công, quân Pháp chiếm được thành. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và bị bắt, ông nhịn ăn mà chết. Ông làm quan to nhưng thanh liêm, cha, con, anh, em đều hy sinh vì nước. Tại cửa ô Thanh Hà, 100 quân Việt Nam do một cai cơ chỉ huy đã chiến đấu anh dũng đến người cuối cùng. Để tỏ lòng nhớ ơn, nhân dân đã đổi tên cửa ô này thành Ô Quan Chưởng. (17)
 
(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/e/ea/Garnier.jpg/110px-Garnier.jpg)
Garnier

  Trong 21 ngày (20/11 đến 12/12) quân Pháp chiếm Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định. Tại Ninh Bình, 1 viên đội và 7 lính Pháp đến chiếm được thành. Quân triều đình ở thành Hưng Yên nghe tin có 10 lính Pháp đến đã hốt hoảng chạy tháo thân. Sau khi mất Hà Nội, quân triều đình tập hợp ở Sơn Tây. Quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc cũng tiến xuống từ phía Bắc. Bị uy hiếp, Garnier từ Nam Định về Hà Nội. Ngày 21/12/1873, Gariner đưa quân đánh ra Cầu Giấy, bị lọt vào trận địa mai phục của quân Cờ Đen và bị giết. Quân Pháp tháo chạy. Cơ hội giải phóng miền Bắc đã ở trong tầm tay nhưng nhà Nguyễn lại ký Hiệp ước Giáp Tuất ngày 15/3/1874, thừa nhận chủ quyền của Pháp ở 6 tỉnh Nam Kỳ và Pháp được tự do buôn bán ở Hà Nội, Hải Phòng và Quy Nhơn.

(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/3/3d/Garnier1.jpg)
Garnier bị quân Cờ Đen chặt đầu

  Vin vào cớ nhà Nguyễn sang cống nhà Thanh, cho sứ đi Thái Lan... Pháp quyết định tiếp tục mở rộng xâm lược Việt Nam. Tháng 4/1882, đại uý Hen ri Riviere đưa 233 lính thuỷ quân lục chiến và 3 pháo hạm đến Hà Nội. Tám giờ sáng ngày 25/4/1882, quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai. Đến 11 giờ, thành Hà Nội thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu không chịu hàng giặc mà thắt cổ tự vẫn tại vườn Võ Miếu.
 
  Đầu năm 1883, 750 quân Pháp tăng viện đến Hà Nội. Riviere mang quân chiếm Hồng Gai và Quảng Yên. Ngày 24/3/1883, sau vài giờ cầm cự, thành Nam Định rơi vào tay quân Pháp. Đến lúc này, nước đã gần mất, vua Tự Đức mới thấy sai lầm của mình. Triều đình điều liên quân Hoàng Tá Viêm-Lưu Vĩnh Phúc về Hoài Đức (Hoàng Tá Viêm là phò mã nhà Nguyễn, lấy con gái thứ năm của vua Minh Mạng), và Trương Quang Đản đưa quân về Gia Lâm, kẹp Hà Nội vào giữa hai gọng kìm. Phạng Thận Quật sang nhà Thanh cầu cứu. Quân Thanh do các tướng Tạ Kính Bưu, Đường Cảnh Tùng, Từ Diên Húc ồ ạt sang đóng ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Sơn Tây, Bắc Ninh. Vua Tự Đức đâu biết nhà Thanh lúc này lo thân mình chưa xong thì còn giúp ai được.

  Thấy quân đồn trú tại Hà Nội bị uy hiếp mạnh, Riviere trở về để cứu nguy. Ngày 19/5/1883, Riviere đưa 550 quân tiến ra Phủ Hoài. Đến Cầu Giấy thì lọt vào trận địa mai phục của quân ta. Trận đánh kéo dài từ 5 đến 7 giờ sáng. Riviere và hơn 100 quân Pháp chết và bị thương. Quân Pháp rút chạy, tinh thần suy sụp nhưng Tự Đức lại hạ lệnh ngừng tấn công để đàm phán. Tướng Pháp Bouet mang quân tiếp viện ra Bắc, đúng lúc đó vua Tự Đức mất. Tướng Bouet đánh nhau với quân ta 3 ngày ở làng Vòng. Quân Pháp thua. Bouet phải xin viện binh.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 16 Tháng Chín, 2008, 05:50:45 pm
  Tin dữ bay về Paris, Pháp cho chi 5,5 triệu phơ-răng hỗ trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và gửi sang 3 nghìn quân tăng viện. Đô Đốc Courbet đưa chiến hạm đánh chiếm 2 pháo đài ở cửa Thuận An, uy hiếp mạnh kinh thành Huế. Triều đình nhà Nguyễn đầu hàng. Ngày 25/8/1883, Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp đã ký Hiệp ước Harmand chính thức thừa nhận chế độ "bảo hộ" của Pháp tại Việt Nam. Nước ta đã trở thành thuộc địa của Pháp.
 
  Sau Hiệp ước 1883, nhà Nguyễn ra lệnh cho binh sĩ hạ vũ khí, nhưng nhiều võ quan và binh sĩ cùng nhân dân vẫn tiếp tục phối hợp với quân Cờ Đen và quân Thanh đánh Pháp. Từ thời điểm này trở đi mới xảy ra những trận đánh lớn và đẫm máu, mở đầu là trận Phùng-Sơn Tây. Trong những trận đánh sau này đã có sự tham gia của các đơn vị Lê dương.
 
  Sau khi đánh bại quân Pháp ở làng Vòng, Hoàng Tá Viêm và Lưu Vĩnh Phúc rút quân về Phùng. Quân Thanh do Đường Cảnh Tùng chỉ huy rút về Sơn Tây. Ngày 29/8/1883, tướng Bouet đưa 2 nghìn quân đến đánh đồn Phùng. Trận đánh kéo dài suốt cả ngày 2/9/1883. Quân Pháp thua phải rút về Hà Nội. Quân Cờ Đen tuy thắng nhưng bị tổn thất nặng.

  Sau trận Phùng, Bouet bị cách chức, đô đốc Courbet (nhân dân ta gọi một cách trào phúng là Cục bê) thay. Ngày 11/12/1883, Courbet tập trung 9 nghìn quân, trong đó có 1 tiểu đoàn Lê dương, chia làm nhiều cánh đi đánh Sơn Tây. Ngày 13/12/1883, quân Pháp tấn công chiến luỹ Phú Sá, cách thành Sơn Tây 2km. Trận đánh ở Phú Sá và ngoại vi thành Sơn Tây rất quyết liệt. Cả hai phía đều xung phong ào ạt, đánh giáp lá cà, binh sĩ không dùng súng mà dùng lưỡi lê và giáo mác. Trong chiến luỹ ngập xác binh sĩ hai bên. Trong quân của Hoàng Tá Viêm chiến đấu tại Sơn Tây có nhiều tướng tài tham gia như đề đốc Đinh Công Tráng, sau này là người chỉ huy chiến lũy Ba Đình huyền thoại đối thủ của trung tá Doddos. (Xin xem phần V, chương 1).
 
 Sau 3 ngày (13, 14, 15/12/1883), quân Pháp tiến sát tới chân thành Sơn Tây. Bộ binh Zouaves của Pháp vượt luỹ chông tre xông lên phía trước. Ngày 16/12/1883, trận kịch chiến tiếp tục. Nhưng khi quân ta đang anh dũng cự địch ngoài thành thì quân Pháp dùng mưu gian cho tên Việt gian Lương Văn Đạt giả làm người bán thuốc lẻn vào thành hạ cờ ta xuống, treo cờ Pháp lên. Quân ta đang chiến đấu thấy cờ Pháp treo trên thành tưởng là Pháp đã chiếm được thành, liền tan vỡ. Thành Sơn Tây thất thủ. Gần 400 binh lính và sĩ quan Pháp chết và bị thương. Quân Cờ Đen cũng bị chết gần 1 nghìn người. Sau trận đánh, những tù binh bị Pháp bắt, phần lớn bị hành quyết, một số nhỏ bị đày ra Côn Đảo.

  Sau trận Phùng - Sơn Tây, tướng Millot thay đô đốc Courbet. Đường Hà Nội-Bắc Ninh chỗ nào cũng có liên quân Việt-Hoa đóng giữ, uy hiếp Hà Nội.

(http://farm4.static.flickr.com/3054/2612941351_8923eb37b6.jpg?v=0)
Lính nhà Thanh


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 17 Tháng Chín, 2008, 06:24:18 pm
  Đầu năm 1884, nhận được thêm viện binh, Millot tập trung 14 nghìn quân cùng 4 nghìn dân phu, chia làm hai cánh, cánh thứ nhất từ Hà Nội theo sông Hống, sông Đuống đến Phả Lại, cánh thứ hai từ Hải Dương đi Phả Lại. Ngày 11/3/1884, hai cánh quân gặp nhau ở Phả Lại, cùng theo sông Cầu tiến về Bắc Ninh, đánh bọc hậu chặn đường rút lui của đối phương. 16 giờ ngày 13/3/1884, quân Pháp chiếm vùng núi Trung Sơn bảo vệ ngoại vi Bắc Ninh. Nhiều trận đánh ác liệt nổ ra trên đường tiến quân của Pháp và ở chân thành. 17 giờ 50 phút, thành Bắc Ninh thất thủ, liên quân Việt - Hoa rút về Thái Nguyên.

 
(http://farm4.static.flickr.com/3280/2612964333_788786bb8b.jpg?v=0)
Quân Pháp tấn công thành Bắc Ninh

  Sau khi chiếm xong Bắc Ninh, Millot điều quân đánh Hưng Hoá, nơi tập trung liên quân Việt-Hoa. Ngày 10/4/1884, quân Pháp từ Sơn Tây theo đường thuỷ tiến về Hưng Hoá. Ngày 11/4, trận đánh bắt đầu quân Pháp dàn trận theo sông Hồng và sông Đà bắt một số lớn nông dân đi phục vụ. Cuộc chiến đấu diễn ra đầy máu lửa, hai bên giành giật nhau từng cứ điểm ở ngoại vi thành Hưng Hoá. Quân Pháp phải xin tăng viện. Ngày 13/4/1884, thành Hưng Hoá thất thủ. Quân Thanh rút về Yên Bái - Lào Cai. Quân triều đình của Hoàng Tá Viêm rút về Đồng Văn. Quân Cờ Đen đốt phố xá rồi rút về phủ Lâm Thao.

  Được tin thất bại trên chiến trường Bắc Bộ Việt Nam. Triều đình Thanh hoảng sợ, tìm cách thoả hiệp với Pháp. Ngày 11/5/1884, Pháp-Thanh ký hiệp ước theo đó nhà Thanh thừa nhận "quyền bảo hộ" của Pháp tại Việt Nam, rút quân Thanh về nước và mở cửa biên giới Hoa-Việt để thông thương.
 
  Cuộc chiến có vẻ như sắp chấm dứt nhưng không phải vậy. Ngày 22/6/1884, quân Pháp do trung tá Alphonse Dugenne chỉ huy đến sông Thương cách thị xã Bắc Giang 41km, định qua sông tiếp quản đồn Bắc Lệ (theo hoà ước đã ký giữa Pháp và nhà Thanh) nhưng viên chỉ huy quân Thanh không chịu giao đồn. ông ta nói chưa nhận được chỉ thị từ cấp trên. Trung tá Dugenne ra tối hậu thư cho quân Thanh phải rút khỏi đồn sau 1 giờ. Hết giờ ngừng bắn, không thấy quân Thanh bỏ đồn, quân Pháp ào ạt tấn công nhưng bị đánh bật trở lại. 22 lính Pháp chết và 60 bị thương. Được nghĩa quân Việt Nam hỗ trợ, quân Thanh phản công, bao vây quân Pháp tứ phía. Quân Pháp thua to, phải phá vây về bờ phải sông Thương, cấp tốc xin tăng viện.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 20 Tháng Chín, 2008, 07:29:25 pm
  Để đỡ đòn cho quân Pháp thua liểng xiểng ở Bắc Giang, đô đốc Courbet mang chiến hạm và lính Lê dương sang đánh phá Phúc Châu, Cơ Long, Đài Loan. Chiến tranh Trung-Pháp bùng nổ. Đồng thời, Pháp chuẩn bị tăng viện sang chiến trường Việt Nam.

  Sau trận Bắc Lệ 4 tháng, 6 nghìn viện binh Pháp đến Việt Nam, nâng tổng số quân Pháp tại chiến trường Việt Nam lên đến 20 nghìn người. Ngày 6/10/1884, tướng Briere De L'isle chia quân đánh đồn Chủ, Sầm và Bảo Lạc. Trận đánh rất giữ dội. Quân Thanh rút khói các đồn, số thương vong lên đến hàng nghìn. Sau đó, quân Pháp tiến lên đánh đồn Kép. Kép là một đầu mối giao thông quan trọng. Quân Thanh đã xây dựng ở đó một pháo đài lớn và kiên cố, quân đông, hoả lực mạnh, lương thực nhiều. Ngày 8/10/1884, tướng Negrier dốc toàn bộ 20 nghìn quân vây đồn Kép. Đây là trận đánh lớn nhất về quân số, tới hơn 30 nghìn binh sĩ hai bên tham gia, chưa kể hàng nghìn nông dân bị cưỡng bức đi pục chiến trường cho Pháp. Trận đánh kéo dài từ ngày 8 đến hết ngày 9/10/1884. Quân Pháp thiệt hại nặng nề. Tướng Negrier bị thương, đưa về Hà Nội cấp cứu. Quân Thanh bỏ lại 600 xác chết và rút lên phía Bắc.

(http://farm4.static.flickr.com/3266/2613183288_d3b8b0d9d5.jpg?v=0)
Quân Cờ đen

  Sau trận đánh Hưng Hoá, ngày 18/5/1884, quân Pháp gồm 700 lính Lê dương và 3 pháo hạm do trung tá Duchesne chỉ huy tiến đánh Tuyên Quang. Cách Tuyên Quang 6 dặm, quân Pháp vấp phải một trận địa của quân Cờ Đen. Lính Lê dương đánh bọc sườn, quân Cờ Đen phải rút lui. Ngày 1/6/1884, pháo hạm Pháp từ sông Lô bắn vào thành. Quân Cờ Đen rút lên phía Bắc. Pháp để lại 2 đại đội Lê dương, 1 đại đội lính tay sai Bắc Kỳ, 32 lính pháo thủ, một số lính công binh . . . tổng cộng 619 lính, trong đó có 390 lính Lê dương giữ thành.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 22 Tháng Chín, 2008, 06:32:43 pm
  Đầu năm 1885, thừa dịp quân Pháp dồn lên Lạng Sơn, tướng Lưu Vĩnh Phúc tập trung 15 nghìn quân đánh thành Tuyên Quang. Từ ngày 16 đến ngày 20/1/1885, quân Cờ Đen đào những đường hào bao vây quanh thành. Đêm 26/1, quân Cờ Đen đánh chiếm một ngôi làng cánh thành khoảng 400m, sau đó xung phong vào thành. Trận đánh ác liệt và lính Lê dương đẩy lùi được quân Cờ Đen, diệt hơn 100 lính. Quân Cờ Đen thay đổi chiến thuật. Những đường hào bao vây nhanh chóng vươn ra ôm chặt lấy thành. Bốn khẩu đại bác của Pháp bắn nhưng không ngăn được. Mục tiêu của quân Cờ Đen là một lô cốt nằm trên một con đê nhỏ dài 350m nằm ở góc Tây Nam của thành. Quân Pháp thấy rằng đối phương sẽ đào đường hầm đặt thuốc nổ cho nổ tung công sự này, họ rút khỏi đó đêm 30/1 và cho đại bác bắn sập công sự.

(http://farm4.static.flickr.com/3018/2613181946_bff637c86b.jpg)
Chiến hào của Quân Cờ Đen

  Quân Cờ Đen tiếp tục cuộc bao vây. Họ dùng tre gỗ dựng lên nhiều chòi cao để từ đó bắn tỉa quân Pháp Ngày nào lính Lê dương cũng mất vài người vì đạn bắn tỉa. Ban đêm, công binh Cờ Đen đào hào tiến về phía thành và cho đại bác bắn phá. Về phần mình, quân Pháp ráo riết củng cố vị trí nhưng vấn đề là họ chỉ có 29 cái xẻng Ngày 3/2, một người lính trong thành thoát ra được mang thư đi xin tiếp viện. Để phòng bị đánh bất ngờ, quân Pháp hạ thấp những ngọn đèn treo trên tường ban đêm. Khi những đường hào đã tiến gần, vài lính Lê dương liều mạng ra cướp được một lá cờ của quân Cờ Đen.

  Ngày 8/2, khi các sĩ quan đang ăn sáng, một quả đại bác nổ tung trên mái nhà phòng ăn làm vôi gạch rơi tung toé xuống bát đĩa trên bàn. Đại bác của quân Cờ Đen bắt đầu bắn, không chính xác lắm nhưng các pháo thủ Cờ Đen hiệu chỉnh lại và đạn đại bác bắt đầu rơi vào ngôi chùa, nơi Marc Edmond Dominé, chỉ huy quân Pháp, dùng làm sở chỉ huy. Đạn cũng trúng cả vào trại lính, gây ra nhiều tổn thất. Sớm ngày 12/2, quân Cờ Đen cho nổ bộc phá dưới vị trí phòng ngự của Pháp và quân xung kích tiến lên. Lính Lê dương đẩy lui cuộc xung phong, diệt khoảng 40 lính Cờ Đen đi đầu. Vài phút sau, quả bộc phá thứ hai nổ. Một lính Cờ Đen lao lên cắm một cây cờ ở chỗ tường vỡ nhưng bị bắn chết. Ba đợt xung phong tiếp theo của quân Cờ Đen bị đánh lui. Lính Lê dương chết và bị thương 11 người. Ngày hông sau, quân Pháp giữ vững vị trí. Quân Cờ Đen cho điều thêm súng cối nặng đến tăng viện.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 27 Tháng Chín, 2008, 04:53:09 pm
  Sáu giờ sáng ngày 22/2/1885, quân Cờ Đen nổi hiệu kèn và tiếng reo hò vang lên từ những chiến hào. Sợ bị đánh bộc phá, đại uý Lê dương Catelin cho quân lùi lại. Vài giây sau, 3 quả bộc phá nổ tung, trong đó quả thứ hai giết chết một đại uý Lê dương và quả thứ ba đánh sập một đoạn tường dài 60m. Lính Lê dương bắn vô hồi kỳ trận và công binh lao ra sửa chữa lại chỗ tường đổ. Ngày hôm đó, quân Lê dương chết 1 sĩ quan và 4 lính, 1 sĩ quan, 3 hạ sĩ quan và 37 lính bị thương.
 
  Ngày hôm sau, lính Lê dương đẩy lui một đợt tấn công nữa. Ngày 25/2, quân Cờ Đen lại cho nổ bộc phá và tấn công. Bốn lính Lê dương chết, 12 người bị thương. Lúc 11 giờ 30 đêm ngày 27/2, bộc phá lại nổ và quân Cờ Đen chia làm 3 cánh tấn công vào thành, chiếm chỗ tường đổ, ném tạc đạn và thuốc nổ vào bên trong. Trong gần 30 phút, cuộc đánh giáp lá cà diễn ra ở chỗ tường đổ. May mắn thay cho lính Lê dương là một lũy tre gần đó có tác dụng như một tấm áo chắn đạn của quân Cờ Đen. Đến sáng, quân Cờ Đen ngừng tiến công. Lính Lê dương chết 3, trong đó có 1 sĩ quan, bị thương 9 người.

(http://www.vnn.vn/dataimages/original/images460733_VN_xua33.jpg)
Đại bác của quân Cờ Đen

  Tình thế lúc này quả tuyệt vọng. Lính Lê dương đồn trú vừa chết vừa bị thương gần 300 người. Chỉ còn 180 lính Lê dương phòng ngự một chu vi 1200m, trong đó 120m đã bị bộc phá đánh sụp. Ngày 1/3/1885, quân trong thành nghe thấy tiếng súng xa xa và cho rằng quân tiếp viện đang đến gần. Nhưng, tất cả đều quá mệt mỏi để phá vòng vây đánh ra. Ngày 2/3, quân Cờ Đen bắn dữ dội vào thành, lính Pháp hoảng sợ cho rằng họ sẽ bị tràn ngập trước khi quân cứu viện kịp đến. Thực ra, quân Cờ Đen chỉ nghi binh để chuẩn bị rút vòng vây vì lúc này đồng đội của họ đang giao chiến với quân Pháp cứu viện ở Hoà Mộc. Viện binh Pháp từ Lạng Sơn về giải vây bắt đầu lên đường từ ngày 16/2. Quân Pháp và quân Cờ Đen đánh nhau một trận lớn ở Hoà Mộc, bên bờ sông Lô, gần thành Tuyên Quang. Trận đánh kéo dài từ 1/3 đến 3/3/1885, quân Pháp giải vây được thành Tuyên Quang với tổn thất 484 lính chết và bị thương. Đối với đoàn quân cứu viện Pháp, trận Hoà Mộc thật đáng sợ. Sau trận đánh, tất cả những con đường dẫn về thành Tuyên Quang đều bị cày xới lên, xơ xác, tan hoang và la liệt tử thi binh lính hai bên. Mùi hôi thối xông lên lộn mửa và lính Pháp thì "không thể tin vào mắt mình" (18).


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 28 Tháng Chín, 2008, 01:12:29 pm
  Tháng 1/1885, với lực lượng tăng viện trong đó có 2 tiểu đoàn Lê dương, tướng Briere de L'isle quyết định dồn quân lên phía Bắc đánh chiếm Lạng Sơn, mở thông con đường cái quan đến biên giới Trung Hoa. Ngày 3/2/1885, 12 tiểu đoàn Pháp, tổng cộng khoảng 9 nghìn quân và hàng nghìn nông dân bị bắt đi phục dịch lên đường dưới mưa phùn nặng hạt. Khi đoàn quân rời khỏi đồng bằng, bắt đầu tiến vào vùng đồi núi, Bôn-mat, một sĩ quan Lê dương viết " Mọi người cảm thấy rằng nhiệm vụ sẽ khó khăn, rằng chúng tôi tiến về nơi vô định. . . Chúng tôi nhìn về phía sau, nhìn lại đồng bằng một lần nữa . . . Chúng tôi biết vùng đồng bằng, đông dân và trù phú, đầy các loại sản vật, là xứ Bắc Kỳ nơi người ta sống, nơi người ta vui chơi. Chúng tôi lại đi tìm một xứ Bắc Kỳ nơi người ta chịu đựng, nơi người ta chết" (19).
 
  Sau hai ngày hành quân xuyên qua đồi núi, đội tiền tiêu của quân Pháp vấp phải đồn Đông Sơn, cửa ngõ vào Lạng Sơn. Tại đây, liên quân Việt-Hoa xây dựng nhiều pháo đài kiên cố. Bôn-mat viết: "Mỗi thung lũng đều có hào, mỗi ngọn núi đều có công sự" (20). Lính Lê dương tổ chức tấn công nhưng phải trả giá đắt. Một đại đội Lê dương chết toàn bộ ban chỉ huy và 1 phần 3 quân số trong trận đánh này. Quyền chỉ huy đại đội rơi vào tay một trung sĩ nhất. Sau trận thua đau, quân Pháp tổ chức đánh bọc sườn. Trận đánh kéo dài 3 ngày thì Đông Sơn thất thủ. Lính Lê dương của Bôn-mat tiến vào những pháo đài quân Thanh bỏ lại, không để ý gì những thử thi của quân Thanh còn nằm lại đây đó, họ nằm lăn ra những ổ rơm và chưa kịp ăn miếng lương khô đã ngủ thiếp đi. Tất cả đều kiệt sức. Ngày 9/2/1885, quân Pháp tiếp tục tiến lên phía Bắc dưới bầu trời vần vũ. Liên quân Việt-Hoa chỉ đánh trì hoãn chiến nhưng con đường đã trở thành một vũng lầy. Đoàn xe tải chỉ đến nơi trú quân khi đã muộn sau khi trải qua một cuộc hành quân vất vả dưới những ngọn đuốc. Cũng trong ngày đó, quân Pháp chiếm đồn Tuần Muội (Chi Lăng), đối phương rút lên phía Bắc. Ngày 12/2/1885, quân Pháp đánh đồn Bản Vầy. Bản Vầy là một bản nhỏ có vị trí quyết đỉnh thị xã Lạng Sơn, ở đây có 6 nghìn quân Thanh đóng. Đại bác Pháp bắn dữ dội đánh bật quân Thanh khỏi tuyến phòng thủ thứ nhất nhưng các pháo đài trên các ngọn núi cầm cự được đủ thời gian để quân Thanh rút lui. Quân Pháp chiếm được Bản Vầy với cái giá phải trả là hơn 200 sĩ quan và binh lính chết. Ngày 13/2/1885, quân Pháp tiếp tục tiến lên. Dọc đường, họ chỉ bị bắn tỉa quấy rối. Những ngọn núi dường như lùi xa, con sông ngoặt gấp về bên phải và đột nhiên, Lạng Sơn xuất hiện chỉ cách khoảng 1 dặm.

(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/f/fa/BattleLangson2.gif/360px-BattleLangson2.gif)
Trận Lạng Sơn

  Thành Lạng Sơn xây hình vuông, mỗi cạnh khoảng 425m, bên trong thành có vài ngôi chùa, một số nhà cửa và nhiều khoảng đất trống. Phần lớn dân cư sống ở làng Kỳ Lừa, khoảng 3/4 dặm phía Bắc Lạng Sơn. Ngày 13/2/1885, quân Pháp tiến công thị xã Lạng Sơn. Trận đánh diễn ra đầy máu và lửa. Hai vạn quân Thanh chống trả quyết liệt. Nhờ hoả lực mạnh, quân Pháp chiếm được thị xã nhưng hơn 300 lính và sĩ quan chết và bị thương. Quân Thanh đốt cháy một phần thị xã trước khi rút lui. Thừa thắng, quân Pháp tràn sang chiếm Kỳ Lừa và Đồng Đăng. Ngày 22/2/1885, tướng Negrier phá cửa ải Nam Quan, quân Thanh rút về Long Châu (Trung Quốc). Tin Trấn Nam Quan thất thủ làm triều đình Thanh lo sợ, vội vã phái đề đốc Phùng Tử Tài đem quân cứu viện. Hai giờ đêm ngày 22/3/1885, Phùng Tử Tài bất ngờ cho quân tràn sang chiếm ải Nam Quan. Quân Pháp gồm 2 tiểu đoàn Lê dương và 1 tiểu đoàn lính tay sai Bắc Kỳ phản công. Quân Thanh rút lui và quân Pháp thừa thắng tiến sang lãnh thổ Trung Hoa. Quân Pháp chiếm được một tuyến công sự nhưng khi tiến đến tuyến công sự tiếp theo thì một cánh quân Thanh xuất hiện đánh vào cánh phải quân Pháp nhưng bị đạn pháo Pháp đẩy lùi. Đêm xuống, hai bên tạm nghỉ.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 29 Tháng Chín, 2008, 05:47:51 pm
  Sáng ngày 24/3, lúc 11 giờ, sương tan, lính Lê dương nhìn cảnh vật xung quanh gồm những ngọn núi đá dốc và những thung lũng hẹp có rất nhiều công sự của quân Thanh. Quân Pháp tổ chức tấn công. Hai bên đánh nhau dữ dội đến 3 giờ chiều thì một đạo quân Thanh đến tiếp viện. Quân Thanh chuyển sang tấn công, đông hằng hà sa số. Sĩ quan Lê dương Bôn-mat cho là quân Thanh đông đến khoảng 25-30 nghìn quân (21). Lính Lê dương Maury nhớ lại trận đánh xoay chuyển bất lợi khi đại đội Lê dương của anh ta thấy tiểu đoàn thuộc trung đoàn 143 Pháp tháo chạy khỏi một đồn (quân Thanh bỏ lại) về phía đại đội anh ta. Viên đại uý chỉ huy đại đội Lê dương quan sát xem tại sao tiểu đoàn lại rút. Nguyên nhân được xác định rất nhanh. Những đám đông quân Thanh xông lên từ mọi phía đến cách vị trí đại đội vài chục mét. Viên đại uý gào lên: "Bắn, bắn... Chúng nó kìa, cách 3 mét" (22). Nhưng không được, quân Pháp phải rút lui. Lính Lê dương đi đoạn hậu và họ lùi về phía ải Nam Quan. Tình hình trở nên xấu hơn, đạn dược dần dần cạn. Lính Lê dương Maury nhớ lại: "Đội hình chúng tôi cứ ngắn lại. Đạn dược cạn... Tôi chỉ còn 2 viên... Tôi nghĩ tôi không thể trốn thoát khỏi trận đánh này... Đại đội tôi có 90 người, chỉ còn lại 27 người sống sót... Những người bị thương bị bỏ lại và không bao giờ thấy họ nữa" (23). Đến đêm, quân Pháp qua ải Nam Quan về Đồng Đăng. Quân Thanh không truy kích.

  Ngày hôm sau, quân Pháp cho một đội quân tiến lên thăm dò và tìm kiếm người mất tích. Họ tìm được 12 người nhưng số đông chỉ còn là những thi hài nằm rải rác đó đây. Tiểu đoàn 2 Lê dương chết 1 đại uý, 9 lính, 54 người khác bị thương và 2 mất tích. Tướng Negrier cho rút về Lạng Sơn. Lúc 7 giờ sáng ngày 28/3/1885, quân Thanh cờ rong trống mở theo đường cái quan tiến xuống đánh Lạng Sơn. Quân Lê dương lúc này được tăng viện 1700 lính. Hai bên đánh nhau suốt ngày và đến chiều thì quân Thanh rút về Đồng Đăng. Nhật ký hành quân của quân Lê dương viết: "Phải thừa nhận rằng cuộc rút lui có trật tự và quân Trung Hoa hành quân rất tốt (24). Trong trận đánh này, tướng Negrier bị thương nặng, phải đưa về cấp cứu ở Hà Nội. Cũng chiều 28/3/1885, quân Pháp phải bỏ Lạng Sơn chạy về đồn Kép, Bắc Giang. Nhưng ngày 7/4, triều đình Thanh đã ra lệnh đình chiến để giảng hoà với Pháp.

  Ngày 29/3, tin thất trận bay về Paris làm xôn xao dư luận. Thủ tướng Pháp Jules Ferry phải từ chức. Tướng Briere de L'isle thua trận bị triệu hồi. Tướng De Courcy (nhân dân ta thường gọi châm biếm là Cú-xy) sang thay với 2 sư đoàn tăng viện.

  Tuy nhiên, nhà Thanh đã chủ tâm giảng hoà với Pháp. Ngày 22/6/1885, Hoà ước Pháp-Hoa (Thiên Tân 2) được ký, theo đó nhà Thanh nhận rút quân, công nhận quyền "bảo hộ" của Pháp ở Việt Nam. Đổi lại Pháp nhường cho Trung Hoa một số quyền lợi. Sự tham chiến của quân Thanh trên chiến trường Bắc Kỳ, Việt Nam đã chấm dứt.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 30 Tháng Chín, 2008, 05:53:53 pm
II. Bình định Bắc Kỳ lần 2 "Việt Nam không phải là Morocco"

  Sau hiệp ước 1883, nước Việt Nam đã trở thành thuộc địa của Pháp. Sau khi quân Thanh rút đi, những trận đánh lớn trên chiến trường Bắc Kỳ, Việt Nam đã chấm dứt nhưng không có nghĩa là mọi việc đã kết thúc. Tại triều đình Huế, sau khi Tự Đức mất, Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết, dựa vào số quan lại và binh sĩ có tinh thần yêu nước, đã lần lượt phế truất các vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc và đưa Hàm Nghi lên ngôi năm 1884.

  Về phía Pháp, năm 1883, Chính phủ Pháp quyết định thông qua khoản ngân sách 5,5 triệu frans chiến phí cho chiến trường Việt Nam, đồng thời điều thêm 4000 quân và 1 hạm đội sang tăng viện. Quân Pháp ở chiến trường Bắc Kỳ từ 600 quân (1882) tăng dần lên gần 2 nghìn quân (1883), 15 nghìn quân (1884) và 42 nghìn quân (1885) do một bộ tham mưu hùng hậu gồm 9 tướng, 36 sĩ quan tham mưu và 600 sĩ quan đủ loại chỉ huy (25).

  Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết lãnh đạo phe kháng chiến trong triều tích cực chuẩn bị lực lượng đánh Pháp. Đầu năm 1885, Tôn Thất Thuyết cho chuyển ra Quảng Trị nhiều tài sản quý và súng đạn, đồng thời đưa quân vào kinh thành chuẩn bí chiến đấu. Đêm 4/7/1885, quân ta mở cuộc tấn công tiến công quyết liệt vào Toà Khâm sứ và đồn binh Pháp trong thành Mang Cá ở Huế. Sau lúc lúng túng, quân Pháp củng cố lại và mở cuộc phản công sáng ngày 5/7/1885. Quân Pháp binh lực hùng hậu, súng ống tối tân. Nghĩa quân vũ khí lạc hậu, tồi tàn. Dân có nhiệt tâm nhưng hai tay không làm sao chặn được quân thù. Trung tá Pháp Metzinger chỉ huy 4 đại đội lính Zouaves xung kích vượt qua tả ngạn sông Hương đánh chiếm Hoàng thành. Khi chiếm được kỳ đài, quân Pháp muốn kéo cờ Pháp nhưng không có sẵn cờ ở đó. Metzinger cho lấy vải trắng, vải đỏ kết với những dải thắt lưng màu xanh của lính Zouaves kết thành cờ tam tài treo lên đỉnh kỳ đài báo cho tướng Courcy bên hữu ngạn sông Hương biết. Kinh thành bị Pháp chiếm, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị). Ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần vương kêu gọi văn thân sĩ phu và nhân dân đứng lên đánh giặc giúp vua cứu nước. Chiếu Cần vương được chuyền đi nhanh chóng khắp cả nước.

(http://i264.photobucket.com/albums/ii192/ttnhan63/HamNghi.gif)
Vua Hàm Nghi

  Hưởng ứng chiếu Cần Vương, văn thân sĩ phu và nhân dân cả nước đã hăng hái đứng lên đánh giặc Từ năm 1885 trở đi, khắp cả ba kỳ không nơi nào là không có khởi nghĩa. cao trào đấu tranh yêu nước này kéo dài đến tận năm 1896 (26). Cá biệt có cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám lãnh đạo (ông được phong Tham tán quân vụ liên tỉnh Bắc Ninh-Bắc Giang, Quyền Phó thống tướng triều Hàm Nghi) lãnh đạo đã kéo dài đến tận những năm đầu thế kỷ 20. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã làm cho Pháp thiệt hại nặng. Từ năm 1887 đến năm 1909, chỉ riêng đạo quân Lê dương đã tổn thất 2976 sĩ quan và binh lính chết trong chiến đấu và vì bệnh tật (27).


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 01 Tháng Mười, 2008, 07:37:43 pm
  Phong trào kháng chiến của nhân dân ta làm chậm lại kế hoạch khai thác thuộc địa của Pháp. Vì vậy yêu cầu bình định là cấp thiết đối với Pháp. Năm 1886, lực lượng Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ có 1 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn thuỷ quân lục chiến. Các đơn vị Lê dương ở Việt Nam lúc này chủ yếu đồn trú tại khu vực Bắc Kỳ nên lính Lê dương chiếm vai trò quan trọng trong các hoạt động bình định của Pháp tại đây. Thế nhưng, chiến thuật đánh nhỏ lẻ thoắt ẩn thoắt hiện của nghĩa quân làm quân Pháp vô cùng lúng túng. Lính Lê dương phải xé lẻ ra các đơn vị nhỏ, mệt nhoài trong các cuộc tuần tra, vây quét nghĩa quân. Những căn cứ địa kháng chiến bắt buộc quân Pháp phải tổ chức các binh đoàn lớn để tấn công. Ví dụ, để đánh căn cứ Ba Đình, Pháp huy động 78 sĩ quan và 3530 lính, 24 khẩu đại bác, 6 pháo hạm. Các đoàn quân thường là hỗn hợp giữa lính Lê dương, lính thuỷ quân lục chiến và lính nguỵ (Pháp gọi là bộ binh Bắc Kỳ). Lính ngụy tinh thần chiến đấu thấp và quân Pháp thường dùng họ để canh giữ những người nông dân bị bắt đi phục dịch. Những người nông dân này không mặn mà gì công việc nặng nhọc phục vụ quân xâm lược nên họ luôn tìm cách bỏ trốn. Sĩ quan Lê dương Bôn-Mat viết cu-li (dân phu Việt Nam) của đơn vị anh ta bị canh giữ "như những người tù” "nhưng những vụ bỏ trốn vẫn nhiều đến nỗi có lệnh bắn thẳng tay". Bôn-Mat thừa nhận biện pháp này quả dã man. Tuy nhiên, "một đêm, một nửa số cu-li của đơn vị Carpeaux trốn mất. Vì vậy, đại uý ra lệnh cho lý trưởng một làng gần nhất phải cung cấp số người thay và một số phụ nữ lập tức bị bắt đi mang vác đồ đạc (28).
 
  Một vấn đề nữa là thông tin tình báo kém. Lính Lê dương cứ phải hành quân hàng ngày ròng rã, mồ hôi nhễ nhại, áo quần lem luốc, đập muỗi bôm bốp trên những con đường mòn xuyên rừng, nghỉ đêm trong những ngôi chùa bỏ hoang, trên tường thì đầy những chữ Nho mà họ chả hiểu mù gì, rồi không tìm thấy một bóng nghĩa quân nào cả. Sĩ quan Lê dương Pfirmann viết "Mặc những cuộc hành quân đi hành quân lại của chúng tôi dọc sông hay trong rừng, bọn cướp tiếp tục khủng bổ” (29). "Khá thường xuyên, sau nhiều đêm trong những khu rừng ẩm ướt và mỏi mệt, chúng tôi phải quay trở về đồn mà không nhìn thấy bóng dáng một tên phiến loạn nào" (30).

(http://farm4.static.flickr.com/3279/2612940291_745f526a05.jpg?v=0)

Quân Lê dương bên bờ sông Thương

  Cái đáng sợ nhất là đội hình rồng rắn lên mây dài dằng dặc ấy bị phục kích. Đơn vị Lê dương của Carpeaux bị rơi vào đúng cái bẫy như vậy do viên lý trưởng của chính cái làng mà họ đã bắt đám đàn bà con gái đi khuân đồ. Viên đại uý thấy tên lý trưởng này quá sợ hãi nên bác bỏ yêu cầu phải chặt đầu hắn, chỉ phạt đánh roi thôi. Có lẽ vì cái hành động nhân đạo "không tin vào mắt mình" ấy mà quân Pháp đã gặp may mắn. Nghĩa quân chỉ bắn từ xa mà không xung phong. Tuy nhiên, sự lộn xộn đã xảy ra. Đám cu-li bỏ chạy tung toé ra các hướng và quân lính thì bắn như điên vào những vệt khói (phụt ra từ đầu nòng súng của nghĩa quân) và những chiếc mũ rơm xa xa. Một lính Lê dương trả lời khi được hỏi rằng anh ta đã chiến đấu ở Bắc Kỳ chưa, anh ta đáp : Bọn nghĩa quân ở đây không giống ở Morocco đâu anh không bao giờ thấy họ. Anh biết là họ ở đâu đó quanh cái chỗ mà người ta gửi anh đến để anh bị phát hiện. Chốc chốc họ lại bắn vào chúng tôi (31).


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 02 Tháng Mười, 2008, 05:42:51 pm
  Để thực hiện chính sách bình định và chiếm đóng, Pháp chia địa bàn từ Thanh Hoá đến Lạng Sơn thành 14 quân khu. Tháng 8/1891, dưới áp lực của Thống tướng Antoine de Lanessan, Pháp cho lập 4 khu vực quân quản ở Bắc Kỳ (dân ta hồi ấy gọi là 4 đạo quan binh) dọc theo biên giới với Trung Hoa. Mỗi khu do 1 đại tá đứng đầu. Việc tổ chức các đạo quan binh là một thủ đoạn thâm hiểm của Pháp, trao lại quyền chủ động cho các sĩ quan mở các cuộc hành quân càn quét khi phát hiện nghĩa quân ở bất cứ nơi nào. Pháp cho rút bớt các đồn nhỏ, thay bằng lính dõng để tập trung các đội quân cơ động đi đàn áp các đội nghĩa quân. Khi đại tá Joseph Gallieni đến Bắc Kỳ năm 1892 và chỉ huy một khu quân quản, ông ta cho áp dụng kinh nghiệm ở Bắc Phi, tổ chức nhiều mũi tiến công đối phương. Một mũi đánh chính diện và mũi thứ hai đánh bọc sườn. Nhưng việc phối hợp giữa các cánh quân không có liên lạc (hồi đó chưa có bộ đàm như bây giờ) giữa rừng núi địa hình hiểm trở làm cho việc phối hợp thời gian giữa các cánh quân rất khó khăn. Nghĩa quân thường cơ động rất nhanh khi họ thấy bị đánh bọc sườn.. Lúc đó thì lại phải truy kích và chiến thuật này trở nên kém hiệu quả. Ngoài ra, lính Lê dương trang bị nặng nề rất khó di chuyển.

  Đã có cố gắng giảm bớt khối lượng nhưng trang bị vẫn quá nhiều gồm một lều cá nhân, các trang bị hành quân đeo trên vai, 1 khẩu súng trường và 144 viên đạn. Kết quả là chỉ sau một vài ngày hành quân qua những cánh rừng già, những con sông chảy xiết, trèo lên tụt xuống những ngọn núi, ngủ vạ vật với quần áo ướt đẫm, những người này mệt nhoài ra và khi họ đã nằm xuống nghỉ thì không dậy dù cho có ai báo là nghĩa quân đến đánh. "Tớ kệ mẹ nó! ... Cho chúng nó chém đầu tớ đi ... Tối thiểu là chuyện này cũng kết thúc?" Đó là những câu trả lời của họ (32). Đầu tiên, đội hình hành quân phải dừng lại cho đến khi binh lính chịu tiếp tục hay được cu- li khiêng đi trên những chiếc cáng tre. Khi một lính Lê dương trong đơn vị của Carpeaux đổ gục xuống, người ta bật diêm dí vào chân anh này đến khí nó bị bỏng để làm cho anh ta gượng dậy mà không ăn thua. Cuối cùng phát hiện là anh ta đã chết (33). Rồi khi thấy tình trạng cứu chữa cho mỗi lính Lê dương sẽ làm chậm tốc độ hành quân, các sĩ quan bèn cho tước vũ khí và bỏ lại những lính Lê dương kiệt sức. Đại uý của Le Poer bảo người lính ốm khi anh ta không còn gượng nổi theo cuộc hành quân được nữa: "Bọn nó có thể tóm được cậu nhưng chúng không thể lấy được súng và đạn của cậu” (34). Không phải tự nhiên mà một số lính Lê dương, dù đã kiệt sức hoàn toàn, vì bản năng sinh tồn, doạ giết bất cứ ai lấy vũ khí của anh ta. Sĩ quan Lê dương Carpeaux nhớ lại: "Tôi phải thuyết phục. Tôi ngồi xuống bên cạnh người lính Lê dương suy sụp đáng thương kia. Thừa lúc anh ta sơ ý, tôi lấy vũ khí của anh ta đưa cho người khác và kẻ phải mang nó thì phát khùng lên" (35).

  Đến tối, viên hạ sĩ hay cho người quay lại tìm kiếm kẻ xấu số nhưng họ chẳng tìm được gì cả. Điều đáng sợ nữa là trong các cuộc hành quân mà lính Lê dương trang bị nhẹ, một chiếc bi đông, một túi dết và một ít đạn, không có xe tải nên nếu có ai bị ốm hay bị thương thì thật khủng khiếp. Bỏ họ lại đâu đó thì chắc chắn mất tích hay chỉ thấy thi hài của họ. Vậy là, nếu có ai ở trong tình trạng khốn cùng như vậy trong các cuộc hành quân trang bị nhẹ, lính Lê dương cho anh ta uống một chút, sau đó bảo: "Bây giờ là miếng cuối cùng của cậu”. Họ nhét mẩu gỗ vào mồm người lính Lê dương khốn khổ kia, sau đó bóp cò (36). Theo Carpeaux, 50 lính Lê dương bắt đầu hành quân thì khi đến mục tiêu đã định thì chỉ còn khoảng 10 người có thể chiến đấu.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 03 Tháng Mười, 2008, 06:45:50 pm
  Khi thấy rõ rằng các cuộc càn quét nghĩa quân với đội hình lớn, nặng nề, kém cơ động sẽ không có hiệu quả với các đội nghĩa quân di chuyển rất nhanh, và sẽ dẫn đến tiêu hao nhất là với lính Lê dương, Pháp thay đổi chiến thuật cho đóng hàng loạt đồn bốt nhỏ khắp nơi, vừa để tạo những bàn đạp truy quét, vừa kìm kẹp nhân dân, triệt đường tiếp tế của nghĩa quân. Tuy nhiên, những đồn bốt lẻ và các đội quân nhỏ cũng dễ bị tập kích, phục kích. Nghĩa quân ẩn nấp trong dân và thậm chí trà trộn vào đồn Pháp để điều tra tình hình. Carpeaux, sau một trận tập kích của nghĩa quân, nhận ra thi hài 1 nghĩa quân chính là người vừa bán cho anh ta một con gà ở chợ làng hôm trước (37).

  Phong trào kháng chiến cứu nước của nhân dân ta do văn thân sĩ phu lãnh đạo dưới ngọn cờ Cần Vương của vua Hàm Nghi đã làm cho Pháp thiệt hại nặng và ghi một trang vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, do những hạn chế của mình và nhiều nguyên nhân, phong trào dần dần thất bại. Đến cuối năm 1897, về cơ bản Pháp đã đàn áp được phong trào Cần Vương kháng chiến của nhân dân ta, biến Việt Nam thành thuộc địa.

  Thời Pháp thuộc, nhân dân Việt Nam vô cùng đói khổ, phần lớn không có ruộng đất. Họ lĩnh canh nộp tô, cày thuê cuốc mướn, làm lụng vất vả quanh năm không đủ ăn, phương pháp canh tác lạc hậu, dụng cụ thô sơ, sức lao động đổ ra đến kiệt quệ, nón mê khố rách, kéo cày thay trâu. Không ít gia đình lầm vào cảnh bán vợ đợ con như nhà văn Ngô Tất Tố đã mô tả trong tiểu thuyết Tắt Đèn. Năm 1914, Đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ, Pháp bắt gần 10 vạn người Việt Nam, chủ yếu là nông dân, sang Pháp làm bia đỡ đạn. Người Việt Nam phải trả thứ thuế đặc biệt là "thuế máu”. Pháp còn đặt ra rất nhiều thứ thuế, bóc lột nhân dân Việt Nam đến tận xương tuỷ.
 
  Từ năm 1902 đến 1912, toà án Pháp đã kết án 25 nghìn người tội “nổi loạn chống lại Nhà nước Bảo hộ", mức án đủ loại, cầm cố, khổ sai, tù chung thân hay tử hình. Nhà tù Côn Đảo năm 1912 giam giữ 1200 tù chính trị.
 
  Trong thời gian này và đến khi Đại chiến thế giới thứ nhất nổ ra, các đơn vị Lê dương được rút dần. Năm 1920, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 1 bộ binh Lê dương rút, năm 1921 là tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn 2 Lê dương. Năm 1926, tiếp tục tiểu đoàn 9 thuộc trung đoàn 1 Lê dương rút đi. Năm 1927. tiểu đoàn 7 thuộc trung đoàn 1 Lê dương và năm 1930 là tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 1 Lê dương rút. Tháng 9/1 930, 3 tiểu đoàn Lê dương còn lại được tổ chức lại thành trung đoàn 5 bộ binh Lê dương.



Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 04 Tháng Mười, 2008, 07:18:54 pm
  Tuy bị bóc lột, kìm kẹp, đàn áp như vậy, nhân dân Việt Nam luôn luôn tìm cách đứng dậy tìm cách đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp. Từ những hành động chống Pháp của những ông vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân (đều bị Pháp bắt đi đày) những phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ Lương Văn Can, phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ, khởi nghĩa Thái Nguyên của Đội Cấn cho đến khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học v. v... đều biểu thị lòng yêu nước của nhân dân ta và làm cho thực dân Pháp lúng túng đối phó. Do sự khủng hoảng về đường lối cách mạng, những phong trào này đều thất bại. Chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước từ chủ nghĩa Mác - Lênin thì cách mạng Việt Nam mới thực sự đi đúng hướng. Ngày 3/2/1930, tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng), Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập đại biểu ba tổ chức cách mạng mới được thành lập là Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1925), An Nam Cộng sản đảng (11/1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn (1/1930) đến họp và hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay. Tháng 10/1930, luận cương chính trị của Đảng được thông qua và cũng tại Hương Cảng, Đảng đã bầu ra Tổng bí thư đầu tiên của mình là Trần Phú, người đã dự thảo Luận cương chính trị.

  Ngày 1/5/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lan ra rất nhanh, nhiều nơi nhân dân cướp chính quyền và ban bố các quyền tự do dân chủ. Thực dân Pháp đàn áp dã man quần chúng cách mạng. Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 5 Lê dương đóng tại Bắc Kỳ lúc đó được điều vào tham gia đàn áp, bắn giết nhân dân và những người cách mạng rất man rợ. Ngày 12/9/1930, khi quần chúng cách mạng kéo về Vinh biểu tình thực dân Pháp cho máy bay đến ném bom làm chết hàng trăm người. Ngày 5/10/1930, 1 đại đội Lê dương đã giết gần 100 người. Ngày 12/12/1930, 1 đại đội Lê dương gần Vinh đã giết 33 người, bắt 51 người. Vì những thành tích bắn giết như vậy, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 5 Lê dương đã được triều đình bù nhìn nhà Nguyễn tặng thưởng Long bội tinh An Nam và hơn 100 sĩ quan, binh lính của tiểu đoàn được tuyên dương (38). Cái thứ thành tích kiểu này đã làm nhân dân ta căm thù lính Lê dương đến tận xương tuỷ. Ngày 9/3/1931, tiểu đoàn 3 Lê dương tập hợp để tiến hành một cuộc diễu binh ở Vinh. Quần chúng nhân dân tụ tập bên đường. Khi lính Lê dương diễu qua, truyền đơn ném vào hàng ngũ và nhiều tiếng hét căm thù vang lên đòi giết viên tiểu đoàn trưởng Lê dương ác ôn. Phát rồ lên, viên thiếu tá tiểu đoàn trưởng Lambert ra lệnh cho 1 trung đội với súng cắm lưỡi lê xông vào đám đông bắt ngay 6 người rồi đem họ ra sắp hàng ngang trên cây cầu gần dinh Công sứ và xử bắn họ. Hai người trong số không may này cố nhảy xuống nước. Lính Lê dương bắn theo và họ đã chết dưới làn nước chảy (39).


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 05 Tháng Mười, 2008, 01:13:01 pm
  Ngày 27/5/1931, trung sĩ Lê dương Perrier bị quần chúng cách mạng giết chết. Để trả thù, lính Lê dương ở đồn Nam Đàn lôi ngay vài người tù ra bắn. Người ta có tổ chức một "phiên toà" để xử 5 lính Lê dương tham gia vụ này. Các bị cáo cãi rằng họ đơn giản chỉ làm theo lệnh trên. Mà còn hơn thế nữa, "để tránh cho nhà tù quá đông, đêm nào người ta cũng giết tù nhân, thậm chí những người vô tội, kể cả những cu-li bị bắt đi phục dịch mà dám mở mồm đòi tiền công” (40). "Việc bắn giết xảy ra ở tất cả các đồn Lê dương, kể cả việc các sĩ quan thích thú việc cắt đầu người làm vui, thậm chí là chỉ bằng một con dao nhỏ" (41). Hơn nữa, nhiều lính Lê dương điều từ Morocco qua quen cái thói ở đó là bất cứ phần tử tình nghi nào đều bị xử bắn và ở đây cũng vậy. Một con số thống kê của Pháp đưa ra, trong thời gian diễn ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, khoảng 2 nghìn người bị giết và 4 nghìn người bị bắt giam và kết án (42). Có lẽ con số này còn dưới sự thật. Một nhân chứng viết ngày 15/3/1931 : "Việc hành xử của binh lính nói chung và lính Lê dương nói riêng là một sự tàn bạo ghê tởm. Một đám lính ô hợp, buông lỏng tất cả mọi thú tính, hoàn toàn mất kiểm soát, hiện giờ khủng bố cả đất nước. Tên thì cướp giật, tên thì hãm hiếp, tên thì kết án, tên hành hình trong khi tên khác hài lòng. Lính Lê dương xông vào nhà, cướp bất cứ thứ gì chúng thích, hãm hiếp đàn bà con gái. Không lý do, không bằng chứng, đàn ông, thanh niên bị bắt và bị bắn trong sự lạnh lùng, không qua xét xử. Đây thực sự là một đám cướp mặc quân phục được thả lỏng trên đất nước này. . . . Nếu bằng những biện pháp đó mà người ta dự định bình định đất nước này thì quả là sai lầm tệ hại" (43).

  Do sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, đến năm 1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh chấm dứt nhưng cuộc đấu tranh của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo không tàn lụi. Với phong trào đấu tranh vì dân chủ 1936-1939, lực lượng quần chúng cách mạng và hệ thống cơ sở của Đảng lại lớn mạnh, chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo của cách mạng Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 11 Tháng Mười, 2008, 03:25:25 pm
III, Đêm kinh hoàng 9-3 - "Mẫu quốc” bị cưỡng bức,Lê dương thành con hoang

  Tháng 9/1939, Đại chiến thế giới thứ hai bắt đầu. Phát xít Đức tràn qua châu Âu. Ngày 10/5/1940, từ 4 giờ sáng, hàng nghìn máy bay Đức giội bom xuống các thành phố Bỉ, các sân bay Pháp. Các thành phố Bỉ bị huỷ diệt có hệ thống. Mười giờ sáng, toàn bộ Công quốc Lucxumberg bị chiếm đóng. Lính dù Đức nhảy như mưa xuống Hà Lan. Mặt trận phía Tây kéo dài ra hàng nghìn cây số. Liên tiếp hai ngày 11 và 12/5, không quân Đức trút bom xuống các căn cứ quân sự, các kho tàng, nhà máy, hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, cầu cống. Hậu phương bị cắt rời khỏi tiền phương. Ngày 13/5/1940, các sư đoàn xe tăng Đức nối đuôi nhau vượt qua dãy núi Ardennes hất lộn nhào các sư đoàn kỵ binh Pháp. Quân Đức tiến vào Sedan, vượt sông Meusse ở hai đoạn. Chiến luỹ Maginot của Pháp xây dựng kiên cố, tốn kém trở thành vô tác dụng. Trên cánh đồng Flandre, các sư đoàn dự bị thiện chiến bị bao vây và không quân Đức ném bom như giã gạo. Một đạo quân hùng mạnh bị ép sát phải dồn về Dunkerque và chỉ còn một con đường duy nhất là trốn xuống biển Manche. Nó được các tàu Anh cứu thoát sau này trở thành lực lượng của tướng Đờ Gôn, trong số đó có bán lữ đoàn Lê dương 13, đơn vị Lê dương duy nhất tham gia chiến đấu chống phát xít bên cạnh các lực lượng Đồng minh. Chính phủ Hà Lan tuyên bố đầu hàng. Nước Bỉ bị chiếm đóng hoàn toàn.

  Trước thảm bại của quân đội ngoài mặt trận, Chính phủ Pháp hoảng loạn.

  Ngày 14/6/1940, Paris tuyên bố là thành phố bỏ ngỏ. Chính phủ Pháp chạy về miền Nam rồi đóng ở Vichy.

  Ngày 20/6/1940, Pháp tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
 
  Ngày 22/6, hiệp ước đình chiến được ký kết trên chính toa xe lửa mà năm xưa Pháp đã bắt Đức phải ký đầu hàng trong Đại chiến thế giới thứ nhất.
 
(http://static.howstuffworks.com/gif/nazi-germany-conquers-france-26.jpg)
Thống chế Pétain và Adolf Hitler trong lễ ký hiệp ước đình chiến

  Ngày 25/6, đình chiến có hiệu lực, Pháp chính thức mất nước.

  Sự kiện này khác nào tiếng sét nổ giữa trời quang. Chính quyền thuộc địa ở Đông Dương cực kỳ lo sợ. Trong sự lựa chọn hệ trọng giữa việc tuân lệnh chính phủ Vichy đầu hàng phát xít và theo chính phủ kháng chiến của tướng Đờ Gôn chiến đấu cùng phe Đồng minh, tâm lý chung của giới cầm quyền thực dân ở Đông Dương là muốn chủ hoà, nhượng bộ, thực chất là đầu hàng phát xít. Về phía Nhật, âm mưu bành trướng xuống Đông Nam Á đã có từ lâu vì Nhật rất thèm muốn những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như lúa gạo ở Đông Dương, cao su ở Mã Lai, dầu mỏ ở Indonesia v.v. . . để lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, thực hiện giấc mộng "Đại Đông Á" của mình. Vào năm 1940, chiến tranh Trung-Nhật đang sa lầy, quân Nhật không tiến lên được. Vũ khí Mỹ viện trợ cho Tưởng Giới Thạch qua nhiều đường đưa vào Trung Quốc mà một trong những con đường thuận tiện nhất là qua miền Bắc Việt Nam. Vin vào cớ này, Nhật gửi tối hậu thư đòi Pháp phải chấm dứt việc vận chuyển vũ khí cho Tưởng và phải cho Nhật đặt kiểm soát việc này. Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Catroux đã chấp nhận yêu sách của Nhật. Vì việc này, ông ta bị cách chức, Decoux sang thay nhưng cũng chẳng làm được gì hơn. Nhật liên tiếp gây sức ép với chính phủ Pháp Vichy, buộc Pháp phải để cho quân Nhật tiến vào  Việt Nam. Để "dằn mặt" Pháp, quân Nhật tấn công Lạng Sơn.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 12 Tháng Mười, 2008, 04:17:42 pm
  Có lẽ cũng nên điểm qua tình hình quân đội Pháp ở Đông Dương thời gian này. Sau khi đã thôn tính Đông Dương, Pháp cho là mình đã vững chân đứng ở đây. Đại chiến thế giới thứ nhất kết thúc, Pháp là nước thắng trận nên càng chủ quan, coi phòng thủ Đông Dương chỉ là phòng thủ nội địa, đàn áp các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân ba nước Đông Dương mà thôi.

  Trong những năm 1930, quân đội Pháp đã tỏ ra lạc hậu so với nhiều cường quốc cùng thời về vũ khí trang bị cũng như áp dụng các lý thuyết chiến tranh hiện đại. Chính quốc đã vậy, quân Pháp ở Đông Dương còn thê thảm hơn nữa. Lục quân Pháp ở Đông Dương có khoảng 90 nghìn quân, trong đó 14,5 nghìn là lính Âu. Nòng cốt của lực lượng này là các trung đoàn 9 và 11 bộ binh thuộc địa và trung đoàn 5 bộ binh Lê dương (có 3 tiểu đoàn). Súng trường, súng máy trang bị thì mẫu mã từ thời ...Đại chiến thế giới thứ nhất. Đại bác thiếu, lại ít đạn. Mỗi khẩu pháo 75mm chỉ có 80 viên đạn để đã lâu ngày không được thay thế, quả nổ quả không. Thiết giáp thì chỉ có vài chiếc xe tăng Rơ-nôn và mấy chiếc xe bọc thép bánh hơi loại cổ lỗ sĩ, già nua, không có phụ tùng thay thế. Các phương tiện thông tin liên lạc vừa lạc hậu vừa thiếu.

 
(http://www.armchairgeneral.com/wordpress/wp-content/features/wwf16/15_WWF_19_d_DDM__11.jpg)
Tăng hạng nhẹ Renault

  Không quân chỉ có 20 máy bay chiến đấu Morane 406, trang bị 3 tiểu pháo 20mm, tốc độ 450km/giờ, 4 máy bay ném bom Farman 221 ném bom, tốc độ 200km/giờ; 6 máy bay trinh sát Potez 543 tốc độ 200km/giờ, 40 máy bay Potez 25 tốc độ 100km/giờ, 10 thuỷ phỉ cơ Loire, 6 máy bay cứu thương P29. Đây toàn là những máy bay đã quá cũ kỹ, bay chậm như rùa bò.
 
  Hải quân chỉ có 1 tuần dương hạm và 4 tàu hộ tống. Tuần dương hạm Lamotte-Picquet là kỳ hạm, hạ thuỷ năm 1926, trang bị 8 đại bác 155mm. Hai tàu hộ tống La Marue và La Talure là các tàu chiến nhỏ 575 và 660 tấn , hạ thuỷ từ năm 1916 và 1919. Hai chiếc Dumont D'urville và Đô đốc Chamer, mỗi chiếc 2 nghìn tấn, hạ thuỷ năm 1932 và 1933 (44). Lực lượng hải quân này phải trấn giữ một bờ biển dài mấy nghìn cây số thì chẳng qua chỉ như muối bỏ bể mà thôi.[/i]
 
  Trên tất cả là sự xơ cứng trong kiêu ngạo và kinh nghiệm đàn áp những người dân tay không tấc sắt của những người chỉ huy Pháp ở Đông Dương thì làm sao đối chọi nổi quân Nhật thiện chiến lại dày dạn kinh nghiệm trên chiến trường Trung Quốc trong bao năm qua.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 13 Tháng Mười, 2008, 08:33:01 pm
  Xin quay trở lại cuộc tấn công Lạng Sơn của Nhật. Đêm 21 rạng ngày 22/9, quân Nhật tập trung khoảng 1 sư đoàn ở Mục Nam Quan. Chiều ngày 22/9, quân báo Pháp báo cáo Nhật tập trung đông quân, đến 23 giờ thì đồn Đồng Đăng báo cáo lính Nhật xuất hiện. Ngay trong đêm 22/9, quân Nhật có xe tăng yểm trợ tấn công đồn Đồng Đăng. Pháo đài này có 32 ụ súng máy và được coi là đồn kiên cố nhất trong hệ thống phòng thủ biên giới của Pháp ở Đông Dương. Quân Pháp cố kháng cự nhưng pháo đài vẫn mất về tay Nhật.

  Sáng ngày 23/9, một máy bay Potez 25 của Pháp bay lên Đồng Đăng. Phi công thấy rất đông quân Nhật hành quân từ Mục Nam Quan xuống, cờ Nhật bay phấp phới trên pháo đài Đồng Đăng. Lúc đó, 3 máy bay tiêm kích Nhật lao đến và chiếc máy bay già nua của Pháp cố sống cố chết bay là sát các ngọn cây về đến sân bay. Viên phi công vừa rời khỏi máy bay thì chiếc máy bay xấu số cùng 3 chiếc khác bị bắn nổ tan tành. Tin dữ được báo về, bộ chỉ huy Pháp điều một tiểu đoàn lính Nùng từ Khánh Khê đánh bọc sườn quân Nhật rồi từ Đồng Đăng tiến về Lạng Sơn. Từ Lạng Sơn, 1 tiểu đoàn khác tiến lên tiếp ứng. Trong ngày 23/9, tiểu đoàn Nùng có 700 quân đến Điềm He thì vấp phải 6 nghìn quân Nhật có xe tăng yểm hộ đang tiến đến nhằm chiếm chính con đường này để cắt đứt liên lạc giữa Lạng Sơn với Đồng Mỏ và Hà Nội. Tiểu đoàn Nùng bị đánh tan tác những người sống sót bỏ trốn về với gia đình.

  Trong thành Lạng Sơn lúc này có tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 5 bộ binh Lê dương, 1 đại đội lính Bắc Kỳ, 3 khẩu pháo 75mm và 1 khẩu pháo 155mm. Thành nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, có một cây cầu nhỏ nối sang thị trấn Kỳ Lừa. Chỉ huy quân Pháp ở Lạng Sơn là tướng Meunerat điện về Hà Nội xin rút bỏ Lạng Sơn về Đồng Mỏ vì Lạng Sơn là một thung lũng có 3 đường đi đến, rất dễ bị bao vây. Tướng Martin cho phép rút sang Kỳ Lừa cố thủ. Chiều tối ngày 24/9, cuộc lui quân bắt đầu. Khẩu pháo 155mm quá nặng phải phá huỷ. Bộ binh qua sông trước rồi đến các khẩu pháo 75mm. Do hoảng loạn, những người đi sau tưởng những người sang trước là quân Nhật nên nổ súng. Bên kia bắn trả lại. Mọi thứ rối tung lên và mọi người lại xô nhau quay trở lại thành Lạng Sơn.
 
  Ngày 25/9, thấy không thể kháng cự lại quân Nhật, tướng Meunerat điện cho Hà Nội xin được đầu hàng. Tướng Martin ủ rũ vào báo cáo toàn quyền Decoux xin ý kiến. Decoux uỷ nhiệm cho ông ta toàn quyền quyết định và Martin đã ra lệnh cho Lạng Sơn đầu hàng. Lúc 10 giờ 40 cùng ngày, Lạng Sơn treo cờ trắng. Quân Nhật ùn ùn kéo về phía  Nam (45).

  Quân Nhật bắt được 2500 quân Pháp làm tù binh kể cả tướng Meunerat. Tại các đồn khác có 150 người chết trong đó có 15 sĩ quan. Trong trận Lạng  Sơn, một chi tiết đáng chú ý là lần đầu tiên trong lịch sử đạo quân Lê dương, 1 tiểu đoàn hạ vũ khí đầu hàng quân địch mà không bắn một phát súng nào. Quân Nhật tách riêng 179 lính Lê dương người Đức và Áo ra, khuyên họ nên trở về bướ để tham gia chiến đấu nhưng những người này từ chối, muốn ở lại trong quân đội Pháp. Đồng Mỏ vẫn ngyên vẹn nhưng quân Nhật chiếm đường bộ và đường xe lửa và tiếp tục tiến về xuôi.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 18 Tháng Mười, 2008, 05:05:59 pm
  Rạng ngày 26/9, quân Nhật đổ bộ lên bãi biển Đồ Sơn và tiến về Hải Phòng cùng xe tăng, máy bay yểm trợ. Hạm đội Nhật ngoài khơi, chĩa hết đại bác vào bờ để thị uy. Người Pháp hốt hoảng, cho phái viên ra báo với tiền quân Nhật rằng Hải Phòng là thành phố bỏ ngỏ. Thế là quân Nhật, hàng ngũ chỉnh tề, sát khí đằng đằng tiến vào thành phố như đi diễu binh.

  Mọi việc đã xong xuôi. Nhật cho tuyên bố một cách bịp bợm rằng trận Lạng Sơn chỉ là hiểu lầm, Hiệp định Vichy-Tokyo đã ký rồi, chỉ vì Đông Dương xa xôi cách trở nên không báo kịp đấy thôi và ngày 15/10 Nhật trao trả tù binh cho Pháp.

  Sau trận "dằn mặt" Lạng Sơn, bề ngoài thì Nhật vẫn "tôn trọng” chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Bộ máy cai trị và các lực lượng quân đội Pháp vẫn còn nguyên nhưng trên thực tế đã thực hiện công việc ổn định hậu phương cho quân Nhật rảnh tay tác chiến ử Đông Nam Á. Nhật đóng quân ở các nơi trọng yếu và sử dụng các căn cứ không quân, hải quân ở Tân Sơn Nhất và Cam Ranh. Bộ tư lệnh Đạo quân Phương Nam do thống chế Bá tước Terauchi chỉ huy đặt hành dinh tại Sài Gòn và từ đây chỉ huy khắp chiến trường Đông Nam Á sang đến tận Miến Điện. Chính các máy bay của không đoàn không quân Nhật tại Tân Sơn Nhất đã đánh chìm 2 tàu chiến tối tân nhất, niềm tự hào của hải quân Anh lúc bấy giờ là thiết giáp hạm Hoàng tử xứ Wales và tuần dương hạm Repulse, tiền đề dẫn đến sự thảm bại của Anh trên chiến trường Mã Lai và Singapore trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương trong Đại chiến thế giới thứ hai. Để bào chữa cho sự đầu hàng của mình, toàn quyền Decoux biện bạch: "Biến động Lạng Sơn có cái tốt của nó là đã chứng minh cho người Pháp thấy nếu không muốn mất Đông Dương một cách không thể cứu vãn được nữa thì tốt hơn hết là không nên tái diễn lại một lần nữa một cuộc thử thách chống quân đội Nhật Bản như vậy” (46).

(http://www.talkingproud.us/ImagesHistory/BurmaBanshee/JapanTakeSaigon.jpg)
Đội quân xe đạp của Nhật tiến vào Sài Gòn.

  Với quan điểm "đã yếu đừng ra gió" nên chính quyền Pháp ở Đông Dương đã cúc cung phục vụ quân Nhật, cung cấp cho chứng một khối lượng vật chất khổng lồ để phục vụ chiến tranh. Từ năm 1941 đến 1944, gạo đưa sang Nhật là 3,6 triệu tấn. Tiền cung cấp cho Nhật để trang trải chi phí cho quân Nhật ở Đông Dương là 1 tỷ 445 triệu đồng Đông Dương bằng 14 tỷ 450 triệu phrăng Pháp (47).


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 18 Tháng Mười, 2008, 05:07:25 pm
  Suốt 4 năm dưới ách chiếm đóng của Nhật, chính quyền thuộc địa đã nhượng bộ tất cả để tránh cho quân Nhật cái cớ dùng vũ lực, hòng mong giữ được cái "chủ quyền" mong manh này, chờ thời cơ. Tuy nhiên, đến năm 1945 thì thế thua của Nhật đã khá rõ ràng. Quân Đồng minh đã đưa chiến tranh vào sát đến đất Nhật. Bên chiến trường châu Âu, Hồng quân Liên Xô cũng đang tiến sát đến Berlin, sào huyệt của phát xít Đức. Lực lượng Pháp tự do cùng quân Đồng minh đã giải phóng nước Pháp. Nhật không muốn hậu phương của mình ở Đông Dương trở nên bất ổn định vì người Pháp có thể "trở cờ” ngả theo quân Đồng minh thọc dao vào sau lưng. Thực tế thì phe Đờ Gôn đã có tổ chức một số hoạt động tình báo và biệt kích tại Đông Dương nhằm chuẩn bị cho việc quay trở lại và ở Đông Dương cũng có một số người Pháp không chịu đầu hàng, thực hiện một số hoạt động chiến đấu tự phát chống lại quân Nhật. Vì vậy Nhật chủ trương đảo chính, hất cẳng Pháp tại Đông Dương.
 
  Một số ngày trước khi xảy ra sự kiện, nhiều nguồn tin của Pháp phán đoán Nhật sẽ hành động trước ngày 10/3/1945. Thậm chí, lúc 11 giờ ngày 9/3/1945, Thống sứ Bắc Kỳ đích thân sang gặp tướng Mordant báo là ông ta tin chắc đòn bạo lực sắp nổ ra. Thế nhưng, phía quân sự rất chủ quan vì theo họ, tình hình rất yên tâm, không có gì đặc biệt cả. Đến mức mà trong ngày, tướng Mordant cho giải toả một phần lệnh cấm trại và cho phép một phần sĩ quan, binh lính được phép về nhà hoặc ra phố chơi.
 
  Về tương quan lực lượng đêm hôm đó thì quân số hai bên khoảng 60 nghìn quân, coi như ngang bằng nhưng chất lượng thì chênh lệch quá xa. Quân Pháp, nòng cốt là các trung đoàn 9 và 11 bộ binh thuộc địa và trung đoàn 5 bộ binh Lê dương. Quân Nhật gồm quân đoàn 38 và một số đơn vị khác đang từ biên giới xuống. Quân Nhật dày dạn, thiện chiến. Quân Pháp thì tâm lý chán chường, trì trệ, vũ khí lạc hậu. Vì vậy, chỉ trong 1 đêm, khi quân Nhật khởi sự Pháp hoàn toàn bị động. Nhiều sĩ quan, binh lính bị quân Nhật bắt tại nhà riêng hay đang đi chơi phố. Tại một số nơi như Lạng Sơn, quân Nhật bày trò mời các sĩ quan Pháp đến ăn tiệc rồi bất ngờ đánh úp. Trên toàn cõi Đông Dương, tại phần lớn các nơi, quân Pháp chỉ chống cự được 1 đêm. Chỉ có pháo đài Đồng Đăng chống cự được lâu nhất, 3 ngày, nhưng ở đây lại chẳng có một lính Lê dương nào. Một toán lính Lê dương ở Lạng Sơn bị đem ra xử bắn bằng súng máy. Trước khi chết, họ hô to "Nước Pháp muôn năm". Những hoạt động kháng cự có tổ chức của lính Lê dương trong cuộc đảo chính này xảy ra ở Hà Giang.
 
  Ngày 8/3, Sawano, chỉ huy quân Nhật ở Hà Giang gửi giấy mời toàn thể ban tham mưu Pháp ở Hà Giang đến dự tiệc. Chỉ huy quân Pháp ở Hà Giang, thiếu tá Moullet, đoán được âm mưu của Sawano nên tương kế tựu kế cũng gửi giấy mời các sĩ quan Nhật đến dự tiệc tại tư thất. Phía Nhật nhận lời.

  Thiếu tá Moullet ra lệnh cho 7 sĩ quan tham mưu đến dự tiệc phải bí mật mang vũ khí. Ông cho dàn 1 đội lính Lê dương danh dự đón khách với súng có lắp đạn và báo động toàn thể quân lính dưới quyền.
 
  Lúc 19 giờ, ngày 9/3, thiếu tá Sawano và 7 sĩ quan Nhật đến dự tiệc. Trong số này có 5 võ sĩ cải trang. Bữa tiệc bắt đầu. Hai bên hỉ hả chúc rượu lẫn nhau. Vài sĩ quan Nhật rống lên những bài hát Nhật. Sawano giả vờ say, cáo lỗi xin ra về trước. Moullet tiễn hắn ra đến cửa thì đúng lúc ñoù, như đã có hiệu lệnh từ trước, điện tắt, cả thị xã chìm vào bóng tối.
 
  Trong phòng tiệc, các võ sĩ Nhật rút đoản kiếm ra xông vào các sĩ quan Pháp. Đại uý Jolly bị giết ngay. Đại uý Van den Akker bị thương, 3 sĩ quan khác bị bắt sống. Chỉ có thiếu tá Moullet và 1 trung uý chạy ra được, lên cố thủ trên một gác để đồ trong tư thất. Hàng trăm lính Nhật mai phục sẵn trong thị xã xông ra bắn loạn xạ. Quân Pháp kháng cự dũng cảm trong pháo đài Billote do đại uý Jean Cenelle chỉ huy và trong các doanh trại. Đến rạng ngày 10/3 thì chỉ còn lại pháo đài và gác để đồ trong tư thất Moulle, các nơi khác bị chiếm hết. Sawano đe doạ nếu không hàng sẽ giết hết những người bị bắt. Thiếu tá Moullet ra hàng sau cùng. Sawano ra lệnh giết sạch 80 tù binh Lê dương mà Nhật bắt được kể cả Moullet và thả hết số lính Đông Dương còn lại.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 18 Tháng Mười, 2008, 05:12:47 pm
  Sau cái đêm 9/3 kinh khủng ấy, cái "cơ nghiệp" của Pháp ở Đông Dương đã rơi vào tay Nhật. Người Pháp, từ địa vị chủ nhân ông phè phỡn, uống máu hút mủ nhân dân Đông Dương đến kiệt quệ, bỗng thay vai đổi vở, trở thành những tù binh bị hành hạ, tra tấn, thân tàn ma dại trong nhà giam Nhật Bản. Một số đơn vị Pháp cố tìm đường rút chạy sang Miến Điện, Trung Hoa tìm theo quân Đồng minh. Đáng kể nhất là cuộc rút lui của trung đoàn 5 bộ binh Lê dương do tướng Alessandri chỉ huy.
 
  Tướng Marcel Alessandri sinh năm 1895, tốt nghiệp trường võ bị Saint Cyr năm 1914, tham gia Đại chiến thế giới thứ nhất tại Verdun, Flandre, Sabattier. Sáu lần được tuyên dương. Sang Đông Dương tháng 3/1939.

  Đêm 9/3, các đơn vị Pháp đóng ở Tông gồm trung đoàn 5 bộ binh Lê dương và một số đơn vị khác bắt đầu đi về phía Bắc. Sáng ngày 10/3, quân Nhật vào Tông, giết hết những người ở lại trong đó có 1 trung tá và 1 đại uý. Khoảng 7 giờ sáng, quân Nhật vào Sơn Tây và đến 7 giờ 30 thì tấn công Việt Trì. Đơn vị Lê dương của đại uý Lenoir kịch chiến với quân Nhật và bị thiệt hại nặng, 40 lính chết, 39 người bị thương và 30 mất tích. Đơn vị phải bỏ lại vũ khí nặng, bơi qua sông Hồng ra nhập với quân eủa Alessandrie. Hoạ vô đơn chí, khi bơi qua sông, 18 người nữa bị nước cuốn đi, chỉ còn 185 lính Lê dương nhập vào với binh đoàn.

  Ngày 11/3, Alessandrie chia binh đoàn ra làm hai cánh, đi song song với dãy núi giữa sông Hồng và sông Đà. Một cánh đi qua Nghĩa Lộ và Thái Nguyên về phía Phong Thổ có 640 quân do thiếu tá Prugnat chỉ huy gồm lính Lê dương, pháo thủ và quân ở Tông lên. Cánh kia đi về phía Sơn La, Lai Châu số quân và thành phần cũng như cánh kia do đại tá Francois chỉ huy. Trung tá Carbonel, hiệu trưởng trường võ bị Tông cũng đi cùng cánh này.
 
  Trong khi đi đường, nhiều toán quân khác nhập vào tổng cộng tất cả là 1350 lính Âu, 3300 lính Đông Dương. Họ chiến đấu liên tục từ ngày 13/3 đến ngày 1/5/1945 trên một chặng đường dài hơn 1 nghìn cây số như trận Chợ Bờ ngày 13/3, trận Mộc Châu ngày 18/3, trận Sơn La ngày 20-27/3, đèo Pha Đin ngày 29/3, Tuần Giáo ngày 31/3 và trận Bình Lư ngày 1/4 ác liệt hơn cả.
 
  Lính Lê dương chiến đấu từ ngày 1 đến ngày 4/4 tại Điện Biên Phủ và một số trận khác cho đến ngày 1/5 là trận đánh đẫm máu cuối cùng. Ngày 2/5/1945, sau 54 ngày đêm rút lui và chiến đấu, Alessandrie và những người sống sót vượt biên giới sang đất Trung Quốc. Tổn thất khá cao, chỉ riêng trong tổng số 850 lính Lê dương có 63 chết, 108 bị thương, 109 mất tích. (48) Sau những ngày lang thang trên đất Trung Hoa, tháng 8/1945, họ trở về Việt Nam thì Cách mạng Tháng Tám đã thành công rực rỡ.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 19 Tháng Mười, 2008, 09:47:51 am
IV, Chiến tranh Đông Dương 1946-1954

1, Trận Phủ Thông, so tài đánh - giữ cứ điểm với Việt Minh

  Từ khi Đại chiến thế giới thứ hai còn chưa kết thúc, Pháp đã thực hiện những bước chuẩn bị để quay lại Việt Nam nhằm khôi phục lại chế độ thuộc  địa thực dân. Đại chiến kết thúc, Nhật bại trận đầu hàng. Theo sự thoả thuận giữa các nước Đồng minh, giải giáp quân Nhật bắc vĩ tuyến 18 giao cho quân Tưởng, nam vĩ tuyến 18 giao cho quân Anh. Trong những ngày cuối tháng 8/1945, sư đoàn 20 Ấn Độ do tướng Anh Gracey chỉ huy lục tục kéo đến Sài Gòn. Núp dưới bóng quân Anh, các đơn vị quân Pháp tấn công đánh chiếm trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ và nhiều công sở khác của ta ngày 23/9/1945. Tiếng súng kháng chiến nổ ran. Cách mạng thành công chưa bao nhiêu ngày, Nam Bộ thành đồng đã đứng dậy kháng chiến.
 
  Trong hai tháng 10 và 11/1945, Pháp tăng viện sang sư đoàn 2 thiết giáp và sư đoàn 9 bộ binh thuộc địa. Quân Pháp đánh ra vùng ngoại vi để mở rộng phạm vi chiếm đóng.

  Tháng 2/1946, trung đoàn 2 bộ binh Lê dương đổ bộ vào Sài Gòn. Đây là đơn vị Lê dương đầu tiên trở lại Việt Nam kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Cùng thời gian này, tàn quân trung đoàn 5 bộ binh Lê dương chạy trốn quân Nhật sau sự kiện 9/3 sang Trung Quốc (thuộc Tưởng Giới Thạch) được đưa qua Lào về củng cố tại Sài Gòn. Pháp cũng tuyển lựa trong số lính Lê dương được thả ra từ nhà tù quân Nhật để tổ chức lại 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 5 bộ binh Lê dương. Các đơn vị Lê dương này lập tức được điều động ra đánh chiếm Nam Trung Bộ. Từ tháng 3 đến tháng 6/1946, trung đoàn 3 bộ binh Lê dương và bán lữ đoàn Lê dương 13 cũng lục tục kéo tới. Như vậy đến trước ngày toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, Pháp đã điều động 3 trung đoàn và 1 bán lữ đoàn Lê dương đến Việt Nam. Các đơn vị này tham gia vào các chiến dịch tấn công và bình định tại Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

  Sau khi đã chiếm được một số tỉnh ở Nam Bộ, cơ quan tham mưu Pháp đã dự kiến một kế hoạch tấn công ra miền Bắc. Theo kế hoạch này, các đơn vị bộ binh và xe bọc thép, có pháo binh yểm trợ, đổ bộ vào Hải Phòng. Các đơn vị dù sẽ đánh chiếm các điểm xung yếu ở Hà Nội, giải thoát 5 nghìn lính Pháp đang bị cầm giữ trong thành, vũ trang cho chúng và cầm cự chờ quân từ Hải Phòng lên chiếm đóng tất cả các vị trí chiến lược. Nhưng, các viên chỉ huy Pháp e ngại vì kế hoạch này quá mạo hiểm. Vào thời điểm đó, Pháp có 65 nghìn quân ở Nam Bộ nhưng không thể đè bẹp được lực lượng kháng chiến của ta. Họ thừa hiểu lực lượng ở ngoài Bắc chắc chắn sẽ hùng mạnh gấp bội. Nếu mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Việt Nam tức là Pháp sẽ phải đương đầu với cả một dân tộc. Tướng Pháp Le Clerc dự kiến phải có một đạo quân 350 nghìn người mới đủ binh lực. Đó là một điều mà một nước Pháp kiệt quệ sau Đại chiến thế giới thứ hai sẽ không thể làm nổi. Ngoài ra, ngoài Bắc hiện còn 18 vạn quân Tưởng đang làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Nếu đụng độ với quân Tưởng thì sẽ hết sức nguy hiểm. Các tướng tá ít nhiều thức thời của Pháp nhận thức được rằng phải thoả thuận được với Tưởng và điều đình được với Chính phủ ta. Pháp đã ký với Tưởng hiệp ước Hoa-Pháp ngày 28/2/1946 theo đó, Pháp nhân nhượng Tưởng một số quyền lợi và để đổi lại, Tưởng đồng ý để quân Pháp thay thế quân Tưởng giải giáp quân Nhật ở miền Bắc. Về phía ta, để tránh việc đương đầu với hai kẻ thù một lúc và tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến, Bác Hồ và Đảng ta chủ trương "hoà để tiến". Ta đồng ý ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, để 15 nghìn quân Pháp ra miền Bắc làm nhiệm vụ tiếp phòng thay quân Tưởng, Pháp phải công nhận Việt Nam là quốc gia tự do. Đáng chú ý là Bác và Đảng ta đã buộc Pháp phải đồng ý trong hiệp định rằng binh lính Pháp tham gia quân tiếp phòng phải là người Pháp, những binh lính không phải gốc Pháp chỉ được dùng để canh gác tù binh Nhật. Ta đặt điều kiện này nhằm gạt bọn Lê dương ra ngoài quân tiếp phòng (49).


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 21 Tháng Mười, 2008, 05:42:56 pm
  Như ta đã biết, năm 1945, khi bắt tay vào chuẩn bị đưa quân sang chiếm lại Việt Nam, với tình trạng kiệt quệ sau chiến tranh và phải đưa một bộ phận quan trọng các đơn vị ở chính quốc chiếm đóng Đức, Pháp không thể đưa nhiều lính từ chính quốc sang Việt Nam. Dự kiến đưa sang 2 sư đoàn nhưng lúc đó lại chỉ có các đơn vị lính Senegal là có sẵn. Nhiều ý kiến không đồng tình, coi việc đi chiếm lại một trong những thuộc địa lâu đời nhất của Pháp mà lại toàn dùng lính da đen thì không được (50). Đến khi tập hợp được đủ 2 sư đoàn thì lại thiếu phương tiện chuyên chở. Vì vậy, đó là tại sao Pháp không thể ồ ạt đưa ngay nhiều sư đoàn sang Việt Nam mà lúc đầu phải dựa vào quân Anh. Trong số quân đưa sang Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 6/1946 có 3 trung đoàn và 1 bán lữ đoàn Lê dương chiếm một tỉ lệ khá lớn trong quân viễn chinh Pháp thời gian này. Số lượng quân Pháp tại Việt Nam lên tới 90 nghìn người. Theo Hiệp định sơ bộ 6/3, Pháp được đưa ra miền Bắc 15 nghìn quân (tính từ Đà Nẵng trở ra) nhưng họ đã tăng quân trái phép lên 30 nghìn, đóng tại nhiều điểm xung yếu, riêng Hà Nội có 1 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn thuộc sư đoàn 2 thiết giáp, 1 đơn vị biệt kích, 1 đơn vị dù và không quân, hải quân tổng cộng khoảng 6500 quân và 7000 Pháp kiều được trang bị vũ khí.
 
  Về phía ta, lực lượng vũ trang chính qui cả nước thời gian này có khoảng 82 nghìn người (51) nhưng trang bị thì khác nhau một trời một vực. Quân Pháp là một quân đội nhà nghề, tinh nhuệ với đủ mọi quân binh chủng được trang bị vũ khí hiện đại với cả xe tăng, đại bác, máy bay, tàu chiến. Nhiều loại mới được Mỹ trang bị. Còn quân đội ta đơn thuần là bộ binh, trang bị yếu. Chỉ khoảng 1/3 có súng đủ loại, đạn ít. Mỗi trung đoàn chỉ có vài khẩu súng máy, vài khẩu cối. Ta chỉ có vài khẩu pháo 75mm cổ lỗ thu được của Pháp hay Nhật, không có xe tăng, máy bay, tàu chiến. Trong điều kiện như vậy, tính chất cuộc kháng chiến của ta là "trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến" (52).
 
  Ngày 23/11/1945, Pháp gây hấn đánh chiếm Hải Phòng. Ta nhận định Pháp nhất định sẽ đánh và tích cực thực hiện các công việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta chính thức bắt đầu với tiếng súng của thủ đô Hà Nội. Tại các địa phương trong cả nước, ta đồng loạt tiến công địch. Quân Pháp bị ta giam chân trong các thành phố và thị xã và bị thiệt hại nặng. Âm mưu tiến công chớp nhoáng của Pháp bị thất bại thảm hại. Ta đã tranh thủ được thời gian đưa cả nước chuyển sang kháng chiến. Tiêu biểu của cuộc chiến đấu giam chân địch ở các thành phố lớn là cuộc chiến đấu của Thủ đô Hà Nội kéo dài hơn hai tháng. Lực lượng Pháp tập trung tại Hà Nội đông nhất miền Bắc. Sau khi cuộc kháng chiến nổ ra khoảng 2 tuần, Pháp tăng viện cho Hà Nội 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 3 bộ binh Lê dương rút từ Bắc Giang về và sau này thêm nhiều đơn vị tăng viện khác. Sau hơn 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng, hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch, trung đoàn Thủ đô của ta đã rút lui an toàn.
(http://i109.photobucket.com/albums/n61/qlhuong/HaNoi10_10/ht.jpg)
Tăng và halftruk của Pháp bị chặn đánh ở phố cuối phố Huế ngày nay


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 22 Tháng Mười, 2008, 05:56:03 pm
  Sau thời gian chiến đấu giam chân địch trong các thành phố lớn, Trung ương Đảng và Chính phủ ta rút lên an toàn khu Việt Bắc và từ đó lãnh đạo cuộc kháng chiến. Ngày 7/10/1947, quân Pháp tiến hành cuộc hành quân Lea nhảy dù xuống Bắc Cạn, nơi họ tin là Trung ương của ta đóng. Đồng thời, hai binh đoàn cơ giới theo hai ngả đường bộ tiến lên âm mưu khép vòng vây, tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta. Chiến dịch này đã thất bại hoàn toàn. Quân Pháp bị sa vào thế trận thiên la địa võng của ta. Nhân dân làm vườn không nhà trống. Quân ta tiến hành các cuộc tập kích, phục kích trên bộ, trên sông làm quân Pháp thiệt hại nặng. Mục tiêu chiến dịch là chụp bắt cơ quan đầu não của ta không đạt được, an toàn khu của ta vẫn không bị phá huỷ, lại thiệt hại nặng. Đường số 4 thành con đường máu của địch. Sông Lô thành mồ chôn quân Pháp. Ngày 19/12/1947, chiến dịch Việt Bắc kết thúc, quân Pháp tháo chạy về xuôi.

  Trong khoảng thời gian từ sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947 đến trước chiến dịch Biên Giới năm 1950 là thời gian ta đánh phá bình định, phát triển chiến tranh du kích, đẩy vận động chiến tiến tới ba thứ quân hình thành hoàn chỉnh (53). Chiến trường Việt Nam hình thành hai vùng xen kẽ nhau là vùng tự do và vùng tạm chiếm. Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài, bình định vùng tạm chiếm và lấn chiếm vùng tự do của ta. Lợi dụng ưu thế về vũ khí, bên cạnh việc tổ chức những cuộc càn quét nhằm chiếm đất chiếm dân, Pháp sử dụng chiến thuật "cứ điểm nhỏ, đội quân ứng chiến nhỏ" để bình định. Những cứ điểm được xây dựng khá kiên cố, có hàng rào bao quanh, được trang bị súng máy, súng cối, pháo không giật v.v... nhằm khống chế khu vực xung quanh, kìm kẹp nhân dân, đánh phá lực lượng vũ trang ta. Lúc này, quân đội ta trang bị vẫn thiếu thốn, một bộ phận quan trọng chiến sĩ ta vẫn phải dùng mác búp đa làm vũ khí. Tuy nhiên, sang năm 1948, chủ lực ta đã trưởng thành thêm một bước và ta đã có những trận diệt cứ điểm nhỏ. Mở đầu là trận Phủ Thông.

• Đồn Phủ Thông (Pháp gọi là Phủ Tông Hoà) (*) cách thị xã Bắc Cạn 20km về phía Bắc, án ngữ ngã ba Bắc Cạn-Ngân Sơn-Chợ Rã. Đồn Phủ Thông giữ con đường huyết mạch từ Cao Bằng đi Bắc Cạn, tạo thành lá chắn vừa bảo vệ quân Pháp ở Bắc Cạn và khống chế vùng Chợ Rã, Lương Thượng, Na Rì.

• Đồn có đại đội 2 gồm 1 02 lính thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 3 bộ binh Lê dương đóng giữ, trang bị 10 trung liên, 1 đại liên, 1 cối 81, 2 cối 60, 1 trọng liên 12 ly 7, 2 khẩu pháo 37mm.
 
• Đồn này đã bị ta đánh một lần hồi thu đông 1947 nên quân Pháp đã củng cố lại vững chắc hơn. Đồn được bao quanh bằng một bức thành đất cao khoảng 3 mét, bốn góc có lô cốt, tường nhà xây gạch khá kiên cố. Bao quanh có rào thép gai, rào chông tre và cài mìn.

• Lực lượng ta đánh đồn gồm 1 tiểu đoàn (tiểu đoàn 11) khoảng 400 quân (nhiều tài liệu của Pháp cho rằng ta huy động khoảng 5, 6 tiểu đoàn, với 3 nghìn quân).


(http://www.cheminsdememoire.gouv.fr/image/PagesAnnexes/Legion_Etrangere/1948_Phu_Tong_Hoa.jpg)
Binh lính Pháp tại đồn Phủ Thông (Ảnh do vo quoc tuan sưu tầm)


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 23 Tháng Mười, 2008, 06:38:50 pm
  Sau một ngày đêm bí mật triển khai bao vây, 18 giờ 15 phút ngày 25/7/1948, tiểu đoàn 11 nổ súng tấn công. Do pháo 75mm không phát huy được tác dụng nên lính Lê dương trong các lô cốt chống cự quyết liệt. Tiểu đoàn tập trung lại các loại hoả lực chế áp để xung kích lên mở đột phá khẩu, dùng thang ván vượt rào vào đồn. Nhiều cán bộ chiến sĩ ta hy sinh khi vượt rào. Khoảng 20 giờ 45 phút, hàng rào và cửa lô cốt phía tây bị phá vỡ, bố trí phòng thủ bị rối loạn. Đại uý đồn trưởng Cardinal và trung uý đồn phó Charlotton đều tử thương. Thượng sĩ nhất Bevalot nắm quyền chỉ huy. Bộ đội Việt Nam hò hét xung phong chiếm các lô cốt 1, 2, 3 chỉ còn lô cốt 4 còn chống cự trong tình trạng tuyệt vọng. Ta liên tục mở nhiều đợt xung phong, cả đội dự bị và đội trợ chiến đều được đưa vào tiếp sức cho xung kích. Nhưng do chiến đấu kéo dài, đạn và lựu đạn đã cạn, lực lượng ta thương vong gần 100 người nên sức đột kích giảm. Gần sáng, tiểu đoàn ra lệnh cho bộ đội rút ra ngoài. Đại đội Lê dương bị loại khỏi vòng chiến đấu 2/3 quân số (23 chết, 48 bị thương). Sau 3 ngày và phải tổ chức đột kích 3 lần, quân tiếp viện Pháp từ Cao Bằng mới tới được đồn vào buổi tối ngày 28/7/1948. Theo truyền thống của lính Lê dương, thượng sĩ nhất Bevalot và 39 lính Lê dương còn sống sót dàn hàng rào danh dự chào đón những người cứu viện.

  Đối với Pháp, trận Phủ Thông được coi là một chiến thắng, biểu thị lòng gan dạ, tinh thần chiến đấu cũng như sự thành thạo nghiệp vụ của lính Lê dương. Nhưng bộ chỉ huy Pháp không hiểu được hết ý nghĩa rằng trận Phủ Thông đã mở đầu truyền thống diệt cứ điểm của quân đội ta, một điều Pháp không hề mong đợi. Tiểu đoàn 11 được tặng danh hiệu Tiểu đoàn Phủ Thông và trở thành một đơn vị đánh cứ điểm nổi tiếng sau này (54).

 
(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/tieudoanphuthong.jpg)
Tiểu đoàn 11 nhận cờ "Tiểu đoàn Phủ Thông"

  Sự thất bại trong cuộc hành quân Lea với trận nhảy dù chớp giật xuống Bắc Cạn làm cho bộ chỉ huy Pháp tin rằng họ cần phải củng cố các đơn vị nhảy dù để phát huy ưu thế trên chiến trường. Bộ chỉ huy Pháp đánh giá không một đơn vị nào có chất lượng chiến đấu cũng như sự hung hãn bằng lính Lê dương. Tuy nhiên, quyết định thành lập các đơn vị dù Lê dương không phải không có trở ngại vì từ trước tới giờ các đơn vị truyền thống Lê dương chỉ là bộ binh (55). Tháng 4/1948, các tân binh dù Lê dương được tập hợp trong những căn lều dã chiến tại Khamisis, khoảng 13 dặm về phía Nam Sidi bel Abbes, họ thấy thất vọng. Janos Kemensi, một tân binh dù Lê dương nói :"Làm sao mà một cánh rừng hấp dẫn ven bờ Địa Trung Hải lại ẩn giấu sự khổ sở như vậy” (56). Nước phải chia khẩu phần. Không có nơi giặt giũ, tắm rửa, không có giường đệm cũng chẳng có nhà ăn. Hiển nhiên mọi người phái ăn đứng. Chỗ vệ sinh hôi thối và bụi bặm phủ đầy khắp nơi. Chương trình huấn luyện vất vả như hành quân 5 dặm với đủ trang bị hành quân trong 1 giờ. Những ai qua được thử thách này sẽ được gửi đi huấn luyện cùng đám lính dù xung kích. Các đơn vị dù Lê dương được coi là một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất trong quân đội Pháp. Trong những trận đánh trên đường số 4 năm 1950 và trận Điện Biên Phủ sau này, người Pháp coi các tiểu đoàn dù Lê dương là đơn vị hàng đầu.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 24 Tháng Mười, 2008, 05:55:23 pm
2. Đường số 4, Đường số 6, mọi ngả đường đều dẫn đến.... bãi tha ma

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/baithama-1.jpg)


  Đường số 4 chạy từ Lạng Sơn qua Thất Khê, Đông Khê lên Cao Bằng là con đường chiến lược dọc biên giới với Trung Quốc. Đối với những cứ điểm cô lập đông nghịt lính bộ binh thuộc địa và lính Lê dương này thì đường 4 là mạch máu sống còn. Con đường ngoằn nghèo, đi qua những dãy núi đá vôi, những bờ ta luy dựng đứng và những cánh rừng già. Các đồn bốt Pháp nằm trong những thung lũng hẹp, bao quanh là những nương lúa, rồi đến là những vách núi và những cánh rừng trùng điệp. Từ sau uăm 1947, đường số 4 trở thành con đường máu đối với Pháp vì quân ta liên tiếp tổ chức những trận phục kích. Năm 1949, quân đội Việt Nam đã thành lập các đại đoàn chủ lực. Bên kia biên giới, cách mạng Trung Quốc đã thành công thì số phận của các đồn bốt Pháp dọc đường số 4 càng trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Việc tiếp tế, duy trì sự sống cho nó đã trở thành một sự nguy hiểm chết người. Một trung sĩ thuộc trung đoàn 3 bộ binh Lê dương đã mô tả một cuộc phục kích cho ký giả Pháp Lucien Bodar như sau:
 
  Đầu tiên, quân Việt làm tê liệt đoàn xe. Họ cho nổ mìn sau những chiếc xe bọc thép đi đầu, cô lập chúng với đoàn xe tải. Đồng thời khi nổ mìn, khoảng một tá khẩu trung liên đặt trên những vách núi vãi đạn xuống toàn bộ đoàn xe. Sau đó là một trận mưa lựu đạn ném xuống. Lính chính qui Việt, nấp sẵn trong các bụi cây ven đường hay trên vách núi, xông ra rất chính xác và thành thạo, cứ khoảng 12 người bám lấy 1 xe. Đúng là một cơn bão lửa. Xe cháy ngổn ngang khắp nơi, làm tắc nghẽn toàn bộ con đường. Tất cả chỉ xảy ra trong khoảng vài phút. Khi Việt Minh tấn công, lính Lê dương nhảy ra khỏi xe bám vào bờ núi. Họ tụm lại thành từng nhóm và cố kháng cự lại. Quân Việt tiến công rất có phương pháp. Họ trèo lên lần lượt các xe tải, lấy vũ khí, trang bị rồi đốt xe. Những người khác tấn công các nhóm lính Pháp vẫn cố bám vào bờ vách núi để kháng cự. Cu li của họ (chỉ dân công đi phục vụ chiến đấu của ta) dùng võng mang đi những người bị thương. Khắp nơi là những cuộc đánh giáp lá cà. Có đến hàng trăm trận đấu tay đôi hay cận chiến. Trong cái mớ hỗn độn này, các chính trị viên, rất bình tĩnh chỉ huy công việc, ra lệnh cho lính chinh qui cũng như cu li … Các sĩ quan xông xáo giữa trận đánh, quát hỏi bằng tiếng Pháp "Thằng đại tá đâu? Thằng đại tá đâu?". Họ đang tìm đại tá Simon, chỉ huy trung đoàn 3 bộ binh Lê dương, hiện đang có mặt trong đoàn xe ... Tôi ở trong một phần đoàn xe bị phá huỷ. Tôi núp ở một vách núi cùng vài lính Lê dương khác. Chúng tôi kháng cự điên cuồng trong vòng nửa giờ rồi bị đè bẹp. Tôi trốn vào một bụi cây cách mặt đường khoảng 50 mét. Rồi tôi nghe thấy vài tiếng súng sát ngay cạnh. Đó là mấy người lính Lê dương tự bắn vỡ sọ mình vì bị quân Việt nhìn thấy. Họ không tìm ra tôi.
 
  Tôi không biết cái cơn ác mộng này kết thúc thế nào. Có vẻ là đại tá Simon đã tập hợp được khoảng 100 người, tổ chức phòng ngự hình vuông và dùng lựu đạn cố đẩy lui các đợt tấn công của quân Việt. Ba giờ sau, quân cứu viện đến, có cả xe tăng hạng nặng. Vài phút trước khi mọi người có thể nghe thấy tiếng xích xe tăng, quân Việt biến mất. Lúc đầu, để xung phong, họ nổi một hồi kèn. Khi rút lui, họ lại nổi một hồi kèn khác. Họ biến vào rừng trong trật tự hoàn hảo, từng đơn vị một. Những đội cu li mang đi những người chết, người bị thương và chiến lợi phẩm họ thu được.
 
  Chúng tôi lại làm chủ chiến trường. Con đường trở thành bãi tha ma, một cái nhà mồ. Đoàn xe chẳng còn gì ngoài những xác lính Lê dương rải rác và những chiếc xe cháy. Mùi tanh tưởi thật ghê sợ. Những người còn sống sót tập hợp lại. Họ dọn thông con đường, thu nhặt người chết, người bị thương. Đoàn xe, hay những gì còn lại của nó, lên đường. (57)


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 25 Tháng Mười, 2008, 01:27:20 pm
  Trong năm 1950, chủ lực ta đã có những đại đoàn đầu tiên. Vũ khí trang bị được cải thiện một bước vì ta đã bắt đầu nhận được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Áp lực của ta lên phòng tuyến đường số 4 của Pháp ngày càng nặng. Bộ chỉ huy Pháp, mặc dù nhận thức được chỗ yếu của các cứ điểm cô lập trên đường số 4, vẫn không dứt khoát được việc bỏ hay giữ chúng. Ngày 25/7/1949, Hội đồng quốc phòng Pháp đã chuẩn y kế hoạch rút bỏ các cứ điểm đường số 4 của tướng Georges Revers nhưng cuộc rút lui đã bị trì hoãn bởi hai lý do. Thứ nhất là vụ rò rỉ tài liệu mật của tướng Revers. Thứ hai là sự chỉ đạo không rõ ràng của chính phủ Pháp đã phản ánh vào quân đội. Khi tướng Roger Blaizot, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương lúc đó, chuẩn bị rút bỏ phòng tuyến đường số 4 thì ông ta bị triệu hồi, tướng Marcel Carpentier sang thay. Carpentier ngả theo quan điểm của tướng Marcel Alessandri rằng khi Cộng sản Trung Hoa thắng thế thì phòng tuyến đường số 4 sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ông ta cho rằng Việt Minh không đủ sức công phá nổi những cứ điểm kiên cố như Cao Bằng và sau cùng, rút phòng tuyến đường số 4 thì thật "xấu hổ”.

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/thanhlap308.jpg)
Lễ thành lập Đại đoàn 308

  Ngày 25/5/1950, 1 trung đoàn ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Đông Khê do 2 đại đội Ma-rốc chiếm giữ. Sau trận đánh này, Pháp cho rút tất cả những cứ điểm lẻ co cụm về các cứ điểm lớn hơn, mỗi cứ điểm có từ 2 đại đội trở lên và cho tăng cường phòng ngự với hầm hào, dây thép gai, bãi mìn, lô cốt, hầm ngầm. Một số nơi có cả sân bay. Pháp cũng đưa quân dù lên chiếm lại Đông Khê.

  Tướng Carpentier, tư lệnh miền Bắc Đông Dương không mù trước hiểm hoạ mà ông ta phải đối mặt trên đường số 4. Các đoàn xe không thể đi lại quá Thất Khê. Đông Khê, Cao Bằng trở thành những hòn đảo cô lập giữa một biển cả Việt Minh. Hơn thế nữa, từ tháng 9/1949, tình báo Pháp đã có những tin tức về việc các đơn vị ta sang Trung Quốc nhận trang bị mới và huấn luyện. Bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên lúc này đang ác liệt, Carpentier cho rằng Việt Minh sẽ mở một cuộc tổng tấn công với sự phối hợp của Trung Quốc bằng các đơn vị bộ binh tinh nhuệ có pháo binh, thiết giáp và có thể cả không quân yểm trợ. Mục tiêu của cuộc tấn công sẽ là các cứ điểm từ Cao Bằng đến Lạng Sơn và vì lý do này, các cứ điểm đó sẽ được bảo vệ đến cùng (58).
 
  Rõ ràng rằng tình báo Pháp đã phạm một số sai lầm. Họ không nắm được tình hình các đơn vị ta khi đang ở trên đất Trung Quốc và cũng không xác định được đâu sẽ là mục tiêu của cuộc tiến công. Đông Khê, Thất Khê, Lạng Sơn đều được coi là mục tiêu sẽ bị tấn công cho nên khi buộc phải rút chạy thì tâm lý lo sợ sẵn có lập tức trở thành một sự hoảng loạn. Các đơn vị Việt Minh rất giỏi ngụy trang làm cho quân báo Pháp đánh giá không đúng sức mạnh, khả năng cơ động cao và tinh thần quyết tử của họ. Carpentier, trong một bản báo cáo lên Thủ tướng Pháp, đã thừa nhận rằng Việt Minh chỉ trong vòng 3-4 tháng đã biến quân đội của họ từ những đội quân du kích trở thành những đơn vị chính qui và ông ta hoàn toàn bất ngờ (59).


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 26 Tháng Mười, 2008, 01:46:22 pm
  Dần dần, nguy cơ càng ngày càng tăng, Carpentier cũng thấy rằng phải rút bỏ phòng tuyến đường số 4 đã trở nên vô ích. Đầu tháng 9/1950, ông ta ra lệnh rút bỏ Cao Bằng trước ngày 15/10. Nhưng, trước khi mệnh lệnh này được ban hành, tất cả đã trở nên quá muộn. Lúc 6 giờ sáng ngày 16/9/1950, một cơn mưa đạn cối và đạn đại bác úp chụp xuống cứ điểm Đông Khê. Cuộc tấn công của quân ta bắt đầu.

  Cứ điểm Đông Khê gồm 2 điểm tựa lớn và 7 vị trí vành ngoài, có hầm ngầm cố thủ. Quân Pháp đồn trú có 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 3 bộ binh Lê dương, 1 trung đội lính dõng, 1 phân đội pháo l05mm, tổng số khoảng 350 quân. Ta đưa 2 trung đoàn 174 và 209, chia làm hai mũi tiến công. Lúc 9 giờ, trung đoàn 174 chiếm được đồi Yên Ngựa, 10 giờ 30 chiếm Phìa Khoá. Pháp cho máy bay lên bắn phá chi viện. Lính Lê dương trấn tĩnh, chống cự lại ác liệt Lúc này, một bộ phận của trung đoàn 209 đi lạc đường nên trung đoàn không kịp bố trí trận địa tấn công. Cuộc chiến đấu ác liệt tiếp tục diễn ra suốt đêm 16. Quân Pháp dồn lực lượng từ hầm ngầm cố thủ phản kích hòng đẩy bật quân ta ra. Các mũi tiến quân của ta vấp phải lưới lửa từ các hoả điểm ngầm và súng cối phải dừng lại không phát triển được. Quân ta củng cố đội hình. Lúc 17 giờ ngày 17/9, quân ta tấn công lần thứ hai vào Đông Khê. Đây là đợt tấn công quyết liệt nhất. 4 giờ 30 sáng ngày 18/9, quân ta bắt sống được viên đại uý đồn trưởng. Đến 10 giờ, trận đánh kết thúc. Quân ta tiêu diệt và bắt sống hơn 300 lính Lê dương, thu toàn bộ vũ khí. Một sĩ quan và 31 lính Lê dương trốn thoát được, chui lủi trong rừng, 1 tuần sau mới về đến Thất Khê.
 
(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/dongkhe.jpg)
Cứ điểm Đông Khê

  Trước tình hình mới, tướng Carpentier cho tăng viện Cao Bằng 1 tiểu đoàn Tabor và cho tập trung 3 tiểu đoàn Tabor Morocco và tiểu đoàn 1 dù Lê dương, tổng cộng khoảng 3500 quân tại Thất Khê. Lực lượng này được tổ chức thành binh đoàn cơ động Bayard do trung tá Marcel Le Page chỉ huy. Nhiệm vụ của binh đoàn Bayard là tiến công chiếm lại Đông Khê và giữ nó để đón quân Pháp từ Cao Bằng rút về. Ngày 30/9, Le Page cho quân tiến từ Thất Khê lên Đông Khê theo đường số 4. Tiểu đoàn 1 dù Lê dương đi đầu. Binh đoàn phải mất 28 giờ mới vượt qua được chặng đường 28km và may mắn cho họ, toàn bộ trận địa phục kích của đại đoàn 308 bỏ trống vì các chiến sĩ ta đang tập trung đi lấy gạo. Tối ngày 1/10, quân Pháp xuất hiện trước Đông Khê. Trung đoàn 209 đã nổ súng đánh địch. Bộ chỉ huy chiến dịch ta nhanh chóng ra lệnh tập trung lực lượng tiêu diệt quân địch tiến lên Đông Khê. Sáng ngày 2/10, tiểu đoàn 1 dù Lê dương và 1 tiểu đoàn Morroco tiến công Đông Khê nhưng bị quân ta chặn lại. Đến chiều, một máy bay Pháp thả xuống cho Le Page một công thư của chỉ huy Liên khu biên thuỳ Đông Bắc giải thích nhiệm vụ cho binh đoàn Bayard. Le Page được lệnh vòng qua Đông Khê về phía Tây quay trở lại đường 4 ở Nậm Nàng, khoảng 11 dặm phía Bắc Đông Khê. Le Page để lại tiểu đoàn 1 dù Lê dương và tiểu đoàn 11 Tabor làm hậu vệ và đưa 2 tiểu đoàn còn lại vòng lên phía Bắc. Tiểu đoàn 1 dù Lê dương và tiểu đoàn Morroco lập tức bị các đợt xung phong có hoả lực pháo, cối yểm hộ của quân ta đánh cho tơi tả. Thật khốn khổ cho đám lính dù Lê dương vì chỉ huy của họ đã đánh giá quá thấp khả năng chiến đấu của đối phương. Lúc 6 giờ sáng ngày 3/10/1950, lính dù Lê dương và lính Morroco rút lui sau khi phá huỷ các trang bị nặng và lừa ngựa. Lính Lê dương Kemenci viết: "Chúng tôi rút vào núi theo một con đường mòn mà thực ra chỉ có cái tên tồn tại mà thôi. Đêm hôm đó, vài người bị thương của chúng tôi chết. Đám cu li khiêng họ cứ 10-20 mét lại ngã dúi dụi. Tất cả chúng tôi rã rời vì chúng tôi không được ngủ từ khi rời căn cứ. Trèo lên, tụt xuống vài lần mỗi ngày trên những vách núi với ba-lô và trang bị nặng gãy lưng. Mỗi khi dừng lại nghỉ vài phút, mọi người đều lăn ra ngủ” (60)


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 27 Tháng Mười, 2008, 06:11:34 pm
  Ngày 5/10, Le Page và các đơn vị dưới quyền, thiệt hại nặng và rệu rã, đến Cốc Xá bị quân ta bao vây. Không có lương thực, nước uống, đạn dược, Le Page cố gắng trụ lại để chờ Charton. Lúc 5 giờ chiều ngày 6/10, Le Page liên lạc được với Charton qua điện đài nhưng tình hình của binh đoàn Bayard cũng chẳng khá hơn dù nó là đơn vị đi cứu viện.

  Quân Pháp ở Cao Bằng do trung tá Lê dương Charton chỉ huy bắt đầu hành quân từ buổi trưa ngày 3/10, trong binh đoàn có tiểu đoàn 3 Lê dương Đội hình binh đoàn trong tựa như một đám di dân ô hợp hơn là một đơn vị quân đội hành quân. Vì sợ bị phục kích, binh đoàn hành quân kiểu sâu đo. Lúc 10 giờ sáng ngày 10/4, binh đoàn đi được 18 dặm giữa Cao Bằng và Nậm Nàng. Charton nhận được điện của Le Page cho biết không chiếm được Đông Khê. Quân Charton phá huỷ xe cộ và rẽ vào đường mòn Quang Liệt tìm đến với Le Page đang ở phía Đông Cốc Xá. Tuy nhiên, đường mòn Quang Liệt biểu hiện trên bản đồ nhưng tìm ra nó trên thực địa không phải dễ. Thám báo đi trước tìm ra một con đường mòn nhưng rồi mọi người thấy nó mất hút trong bụi rậm. Lính Pháp phải mở đường xuyên qua những bụi cây rậm rạp và đội hình nhanh chóng kéo dài ra đến hơn 4 dặm. Đến ngày 6/10, binh đoàn Charton cũng đến được điểm cao 477, điểm hội quân.

  Trong lúc này, tại Cốc Xá, Le Page quyết định bỏ lại thương binh, mở đường máu tiến sang điểm cao 477. Ngày 5/10, tiểu đoàn 1 dù Lê dương mở 4 đợt xung phong nhưng đều bị đánh bật trở lại, thương vong rất nhiều. Lính Lê dương Jacob Kemenci kể:" Tôi còn 4 băng đạn các-bin. Tôi cho một hạ sĩ quan khác hết đạn 2 băng. Sau đó, với một mệnh lệnh nhanh, chính xác, được nhắc lại vài lần - tiến lên, xung phong - cả nhóm tiến lên gần như hết đạn và chỉ còn lưỡi lê hay dao găm. Tôi cũng tiến lên, bắn hết các băng đạn về phía trái... tôi vượt qua rất nhiều xác người, cả Lê dương lẫn Việt, một số người bị thương bằng lưỡi lê." (61).

  Sáng ngày 6/10, quân Le Page lại mở đường máu cố thoát ra. Bị thiệt hại nặng, những binh lính sống sót của binh đoàn Bayard mãi buổi trưa mới tới được điểm cao 477 trong tình trạng binh lao mã liệt. Chỉ còn 650 người trong toàn binh đoàn, riêng tiểu đoàn 1 dù Lê dương còn 9 sĩ quan và 121 binh lính.

  Cũng trong ngày 6/10, các vị trí của binh đoàn Charton tại điểm cao 477 cũng bị 5 tiểu đoàn quân ta tấn công. Charton cố gắng đốc thúc binh lính chống cự với sự yểm trợ của 6 máy bay khu trục. Đang bối rối thì tàn quân của Le Page kéo tới mang theo sự khiếp đảm cho lính Charton. Tiểu đoàn 3 Tabor của binh đoàn Charton bị đánh tan lúc 4 giờ chiều. Quân Pháp tan rã. Tiểu đoàn còn giữ được đôi chút tinh thần là tiểu đoàn 3 Lê dương. Charton đi với tiểu đoàn này và khoảng 300 lính Morroco. Le Page cũng tập hợp quanh mình một số sĩ quan binh lính. Cả hai đều cố gắng luồn lách tìm đường về Thất Khê nhưng các ngả rừng đều có các chiến sĩ ta lùng bắt tù binh. Cả hai viên chỉ huy đều bị bắt và đầu hàng. Trong tổng số quân của cả hai binh đoàn Bayard và Charton, chỉ có 12 sĩ quan và 475 lính thoát được về Thất Khê trong đó có 3 sĩ quan và 21 lính của tiểu đoàn 1 dù Lê dương.

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/biengioi.jpg)
Charton, Le Page và tù binh Pháp ở chiến dịch Biên Giới


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 28 Tháng Mười, 2008, 07:19:36 pm
  Thắng lợi của chiến dịch Biên Giới năm 1950 của ta, ngoài những ý nghĩa lớn, đối với đạo quân Lê dương Pháp là một thất bại đau đớn vì trong trận này, họ bị mất hai tiểu đoàn Lê dương tinh nhuệ, trong đó có 1 tiểu đoàn dù. Trong suốt cuộc chiến tranh, quân Pháp chỉ có 2 tiểu đoàn dù Lê dương ở Đông Dương và được coi là 2 tiểu đoàn tinh nhuệ nhất trong đội Lê dương. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh, sức chiến đấu của các tiểu đoàn dù Lê dương dần dần suy giảm. Tổn thất rất cao, cả vì chết trận lẫn bệnh tật. Báo cáo của tiểu đoàn 1 dù Lê dương năm 1951 viết rằng tỉ lệ bệnh tật rất cao do các cuộc càn vùng ruộng lúa, tắm rửa trong nước bị ô nhiễm và vì nhiều lính Lê dương từ chối uống thuốc phòng sốt rét. (62) Viên chỉ huy tiểu đoàn 2 dù Lê dương viết về một cuộc hành quân như sau: " Tôi lấy ví dụ về ba ngày cuối cùng của cuộc hành quân. Số quân của các đại đội từ 90-100 người tụt xuống một cách thảm hại còn 60 người. . . Lính Lê dương đã mất phần lớn sức chiến đấu. Họ tiến, nhưng sự mệt nhọc làm cho họ không thể tận dụng được sự thành công. Một nhóm du kích đã trốn thoát đơn giản chỉ vì lính Lê dương không thể xông lên quá 100 mét. Vài người ngã gục xuống kiệt sức, nhiều người khác nôn mửa tứ tung”. (63)

  Một vấn đề khác của đội Lê dương là tổn thất quá nặng trong chiến đấu nên binh lính huấn luyện bổ sung không kịp. Nhiều hạ sĩ quan phải kéo dài hợp đồng nên tuổi cao và họ trở nên kém linh hoạt. Lính mới huấn luyện chất lượng kém. Tiểu đoàn 2 dù Lê dương phàn nàn tháng 3/1950: "Những trận đánh ngày càng ác liệt .... Chúng tôi không thể tiếp tục lâu dài với tình trạng này, cả về mặt chiến thuật lẫn sức khoẻ" (64). "Trong khi bộ binh Việt Minh tiếp tục lớn mạnh đến một mức, trên sân nhà của họ, được coi là những đơn vị bộ binh hạng nhất. Bộ binh Pháp trái lại, trở nên kém hiệu quả khi chiến tranh tiếp tục kéo dài". "Không ai đánh giá thấp một đối thủ đã tự khẳng định chất lượng của mình" (65) Viên chỉ huy tiểu đoàn 2 dù Lê dương viết như vậy tháng 12/1950. Sau chiến thắng Biên Giới, quân đội ta đã lớn mạnh vượt bậc. Khối cơ động chiến lược đã hình thành với 6 đại đoàn chủ lực. Quân Pháp lâm vào thế phòng ngự bị động. Pháp cử tướng De Lattre De Tassigny sang làm Cao uỷ kiêm Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

 
(http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/original/images441435_tassigny1.jpg)
Tướng De Lattre De Tassigny

  De Lattre cho tổ chức các binh đoàn cơ động nhằm đối phó linh hoạt với những cuộc tấn công của quân ta. Binh đoàn cơ động là một tổ chức lâm thời trong quân đội Pháp ở Đông Dương, thường gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và các phân đội hỗ trợ. Biên chế các tiểu đoàn trong binh đoàn cơ động không cố định, lấy từ các trung đoàn bộ binh và có thể thay đổi. Trong nhiều trường hợp, mỗi binh đoàn cơ động gồm 1 tiểu đoàn Lê dương hay 1 tiểu đoàn Pháp, 1 tiểu đoàn thuộc địa châu Phi và 1 tiểu đoàn ngụy. De Lattre chủ trương tăng nhanh số quân nguỵ hòng "dùng người Việt đánh người Việt" dưới chiêu bài "phát triển quân đội các quốc gia liên kết". Ông ta cho tổ chức trong các tiểu đoàn viễn chinh đại đội thứ tư gọi là đại đội CIPLE gồm người các dân tộc Đông Dương như Việt Nam, Lào, Campuchia để tăng cường sức chiến đấu vì cho rằng với đại đội thứ tư như thế, các tiểu đoàn Pháp hay Lê dương sẽ không bị lạc đường. Bên cạnh đó De Lattre cũng ra lệnh cho mỗi tiểu đoàn trong quân đội viễn chinh Pháp phải đỡ đầu cho 1 tiểu đoàn ngụy. Bên cạnh việc phát triển lực lượng, De Lattre cho xây dựng "Phòng tuyến De Lattre" gồm 1300 công sự bê tông cốt sắt, lập thành 113 cứ điểm bao bọc lấy vùng đồng bằng Bắc Bộ hòng ngăn chặn sự thâm nhập của ta.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 29 Tháng Mười, 2008, 06:14:40 pm
  Từ sau chiến dịch Biên Giới, Pháp tăng cường các chiến dịch càn quét chà xát bình định đồng bằng Bắc Bộ. Về phía ta, từ tháng 12/1950 đến tháng 5/1951, ta mở 3 chiến dịch lớn là chiến dịch Quang Trung đánh Vĩnh Yên, chiến dịch Hoàng Hoa Thám đánh ra vùng đường số 18 thuộc Quảng Ninh và chiến dịch Quang Trung đánh vào vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ. Quân Pháp bị thiệt hại nặng. Hoạt động du kích của ta tạm lắng xuống sau những đợt càn quét của Pháp lại phục hồi. Nói như vậy không có nghĩa là quân Pháp chịu ngồi yên. Mùa hè năm 1951, Pháp tiếp tục các chiến dịch càn quét nhằm tiêu diệt các khu du kích của ta. Có nhiều trận càn huy động binh lực lớn như các trận càn Trái Chanh, Trái Quýt nhằm tiêu diệt trung đoàn 42 của ta. Trung đoàn này chuyên hoạt động địch hậu ở đồng bằng Bắc Bộ mà quân Pháp khiếp sợ gọi là "Trung đoàn ma". Như ta biết, trong các binh đoàn cơ động Pháp thường có 1 tiểu đoàn Lê dương. Với vai trò "xung kích", các đơn vị Lê dương phải nếm những đòn đau của bộ đội, du kích ta. Ví dụ, trong trận càn “Trái Quýt” (Mandarine) từ ngày 30/9 đến 8/10/1951 tại Thái Bình thuộc đồng bằng Bắc Bộ, tiểu đoàn 3 Lê dương có đại bác 105 và 155 yểm trợ nhiều lần xung phong vào Nội Thôn nhưng đều bị bộ đội địa phương đánh bật ra. Luỹ tre xanh của làng xóm Việt Nam đã chứng tỏ sức bền vững trước máy bay, đại bác và sự hung hãn của lính Lê dương Pháp.
 
  Tháng 11/1951, De Lattre mở cuộc tấn công đánh chiếm Hòa Bình hòng cắt đứt đường hành lang nối liền Liên khu 3 của ta với căn cứ địa Việt Bắc. Tham gia cuộc hành quân này có tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2 bộ binh Lê dương, các tiểu đoàn 1 và 3 thuộc trung đoàn 5 bộ binh Lê dương, các tiểu đoàn 2 và 3 thuộc bán lữ đoàn Lê dương 13 và cả 2 tiểu đoàn 1 và 2 dù Lê dương. Lập tức, ta mở chiến dịch Hoà Bình, nhanh chóng đưa các đơn vị chủ lực cơ động bao vây quân Pháp trong thị xã Hoà Bình và uy hiếp các tuyến đường tiếp tế của Pháp trên sông Đà và đường số 6. Ngày 16/11/1951, trận thắng đầu tiên của chiến dịch đã xảy ra. Trung đoàn 64 thuộc đại đoàn 320 đang có mặt ở Ngoại Đáy phát hiện 2 đại đội Lê dương xuất hiện ở Tứ Đền, nam Chợ Bến. Giữa ban ngày, bộ đội ta bất ngờ tiến công vào giữa đội hình quân địch. Quan tư De Vincent, chỉ huy tiểu đoàn bỏ mạng, cả cơ quan chỉ huy tiểu đoàn đầu hàng, 1 đại đội Lê dương bị tiêu diệt. Sau trận này, phân khu Chợ Bến ra lệnh cho binh lính không được đi ra ngoài và không được gửi thư từ.

  Sau khi chiếm đóng Hoà Bình, Pháp tổ chức thành 2 phân khu. Phân khu Sông Đà - Ba Vì có 5 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, 1 tiểu đoàn pháo, 1 trung đội xe tăng. Phân khu Hoà Bình - Đường số 6 có 6 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội xe tăng. Quân Pháp có ý định chiếm đóng Hoà Bình lâu dài và chờ đón tiêu diệt chủ lực ta.
 
  Sau khi cơ động bố trí lực lượng, ta đánh cứ điểm Tu Vũ để mở màn chiến dịch. Quân Pháp bắn 5 nghìn phát đại bác vẫn không cản được cuộc tấn công của ta. Tu Vũ thất thủ, 1 tiểu đoàn Morroco bị tiêu diệt. Sau trận Tu Vũ, quân ta liên tiếp tổ chức nhiều trận phục kích, uy hiếp nặng nề đường số 6, mạch máu tiếp tế trên bộ của quân Pháp. Những trận phục kích nổi tiếng là trận Cầu Dụ diệt 34 xe, trận Giang Mỗ diệt 10 xe có cả xe tăng. Trong trận Giang Mỗ, tiểu đội trưởng Cù Chính Lan dùng lựu đạn truy kích diệt xe tăng địch. Trong đợt 2 chiến dịch, ta tổ chức nhiều trận đánh các đoàn tàu Pháp trên sông Đà. Các tuyến tiếp tế đường thuỷ và đường bộ của Pháp cho Hoà Bình đều bị cắt đứt. Ta lại cho 2 đại đoàn luồn vào tấn công vùng địch hậu ở đồng bằng Bắc Bộ. Đồn bốt Pháp sụp từng mảng. 12 tiểu đoàn cơ động Pháp còn lại tại đồng bằng chạy ngược chạy xuôi cứu viện như đèn cù. Các khu du kích của ta không những phục hồi mà còn mở rộng hơn trước.
 
(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/tuvu.jpg)
Đơn vị chiến thắng Tu Vũ nhận cờ tặng của Liên đoàn thanh niên tự do Đức


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 30 Tháng Mười, 2008, 06:46:02 pm
  Sau thắng lợi của đợt 2 chiến dịch, ta tiếp tục tổ chức đợt 3 (tháng 1/1952), diệt nhiều vị trí xung quanh Hoà Bình nhưng trận đánh đồn Pheo, trọng điểm đợt tấn công lại không thành công.
 
  Đồn Pheo do tiểu đoàn 2 (4 đại đội) thuộc bán lữ đoàn Lê dương 13 trấn giữ, chia làm 3 khu: đồi Pheo, làng Pheo và đồi Miều. Đồn có hệ thống hoả lực mạnh, được phối thuộc 4 khẩu pháo 105 và 1 trung đội xe tăng, được pháo từ các trận địa xung quanh chi viện. Địa hình Pheo phức tạp, bất lợi cho bên tấn công. Tuy nhiên, những cuộc điều tra chuẩn bị chiến trường của ta không phản ánh được tình hình ấy. Một phần do địa hình, thời tiết khó khăn và còn do trung đoàn 102 (đơn vị được giao nhiệm vụ đánh Pheo) còn chủ quan, đơn giản. Bàn cát của trung đoàn không thể hiện được sự bố phòng cẩn mật của địch. Lực lượng tiến công phân tán, chia đều 3 tiểu đoàn đánh 3 nơi. Tư tưởng chủ quan của cán bộ truyền sang chiến sĩ. Đơn vị trợ chiến còn không mang cả cơ số đạn dự trữ vì cho rằng "đánh một loáng là xong, mang làm gì cho nặng”. Vì vậy, bộ đội ta khi xung phong vào cứ điểm đã vấp phải một hình thái phòng ngự kiểu mới của Pháp ở vùng rừng núi. Bộ đội ta bị đạn bắn thẳng của Pháp uy hiếp từ nhiều phía, có khi từ cả 4 phía. Dù đã chiến đấu rất dũng cảm (sau này tài liệu Pháp cho biết, toàn bộ ban tham mưu Pháp trong đồn Pheo đều thương vong hết) nhưng quân ta vẫn phải rút ra ngoài. Sau này, cấu trúc phòng ngự của trung tâm đề kháng Pheo được chọn làm thí dụ giảng dạy trong nhà trường quân sự Pháp. (66)

  Dù trận Pheo không thành công nhưng tình thế quân Pháp ở Hoà Bình cũng chẳng cải thiện được gì mà vẫn bị quân ta vây chặt. Giữa lúc này, tướng De Lattre về Pháp và chết vì bệnh ung thư. Salan lên thay, chủ trương rút khỏi Hoà Bình. Ngày 22/2/1952, lúc 17 giờ, 5 tiểu đoàn Pháp ở thị xã Hoà Bình bắt đầu qua sông rút sang đường số 6. Pháo binh Pháp bắn chặn các ngả đường để ngăn cản quân ta truy kích. Trung đoàn 36 của ta ở phía Bắc thị xã nhận lệnh truy kích nhưng do trời tối và pháo địch bắn chặn nên sáng hôm sau mới tới thị xã. Lúc này, chỉ còn một bộ phận thuộc tiểu đoàn 2 dù Lê dương và tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn Lê dương 13 đang qua sông. Trung đoàn 36 lập tức tiến công. Đến chiều, trung đoàn 209 của ta tiến công vào lính Lê dương ở xóm Pheo đang rút. Máy bay Pháp lao xuống trút bom và nã pháo yểm trợ cho lính Lê dương chạy như vịt về phía đoàn xe đang đỗ trên đường 6. Hoạ vô đơn chí, quân Pháp còn bị đại đoàn 304 giáng cho đòn cuối cùng tại Đèo Kẽm trước khi về được Xuân Mai. Oái oăm thay, những đơn vị đầu tiên và cuối cùng chịu đòn sấm sét của quân ta trong chiến dịch Hoà Bình là các đơn vị Lê dương.

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/duong6.jpg)
Truy kích địch trên đường 6


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 31 Tháng Mười, 2008, 07:08:48 pm
3. Điện Biên Phủ -  “vỡ nợ” canh bạc thuộc địa, tan hoang “huyền thoại" đạo quân
 
  Tháng 10/1952, ta đưa 3 đại đoàn mở chiến dịch tấn công lên Tây Bắc. Hàng loạt cứ điểm của Pháp bị tiêu diệt. Ngày 18/10, quân ta diệt Nghĩa Lộ, đặt toàn bộ phân khu quân sự Pháp vào thế tuyệt vọng vì không thể cứu viện bằng quân dù. Salan, Tổng tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương lúc này (thay De Lattre đã chết) cho tăng viện lên Tây Bắc 9 tiểu đoàn cùng với 7 tiểu đoàn còn lại và một số đại đội độc lập, tổ chức một số khu vực phòng ngự lâm thời để ngăn chặn quân ta. Cùng thời gian này, hòng thu hút chủ lực ta từ Tây Bắc về, Salan đưa 3 vạn quân mở cuộc hành quân Lorraine đánh lên Phú Thọ. Ta không mắc mưu Salan, chỉ đưa 1 trung đoàn (trung đoàn 36) về cùng với 1 trung đoàn chủ lực (trung đoàn 176) đã bố trí sẵn, bộ đội địa phương và du kích tổ chức đánh địch. Quân Pháp không đạt được mục tiêu kéo chủ lực ta từ Tây Bắc về. Lùng sục phá phách kho tàng cũng chẳng được gì nên đành kéo nhau rút về đồng bằng. Rút cũng không xong. Ngày 17/11, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 2 bộ binh Lê dương về tới Chân Mộng trên đường số 2 thì lọt vào ổ phục kích của trung đoàn 36 và bị đánh thiệt hại nặng. 44 xe cơ giới bị phá huỷ. Hơn 400 quân chết và bị thương. Tại Nà Sản, Pháp đã xây dựng 1 tập đoàn cứ điểm với 10 tiểu đoàn, trong đó có tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 5 bộ binh Lê dương. Các cứ điểm được bố trí trên đồi cao bao bọc quanh sân bay, có công sự dã chiến và pháo binh yểm trợ. Đêm 30/11, quân ta tấn công đánh chiếm các vị trí Pú Hồng và Bản Hời. Ngày hôm sau, quân Pháp có máy bay, đại bác yểm trợ phản kích chiếm lại Pú Hồng. Đêm 1/12, quân ta đánh Bản Vây do 2 đại đội Lê dương phòng thủ và Nà Si. Cả hai trận đánh đều không thành công. Đến sáng, Pháp cho không quân ném bom vào đội hình ta và bắn hơn 5 nghìn quả đại bác cứu nguy cho các cứ điểm.
 
  Các trận đánh của ta không thành công vì các cứ điểm địch nằm trong cấu trúc chặt chẽ của tập đoàn cứ điểm Nà Sản, một chiến lược ngăn chặn mới của Pháp. Ta cần có thêm thời gian để đánh bại chiến lược này. Vì vậy, Bộ chỉ huy chiến dịch ta cho kết thúc chiến dịch Tây Bắc.

  Tháng 5/1953, tướng Navarre được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Ông ta vạch ra "Kế hoạch  Navarre" nhằm giành chiến thắng trong vòng 18 tháng. Chưa làm được gì nhiều thì tháng 11/1953, được tin chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, Navarre cho 6 tiểu đoàn nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ hòng thiết lập một căn cứ đầu cầu không - bộ ngăn chặn chủ lực ta, làm bàn đạp tấn công vào hậu phương của ta và bảo vệ Lào. Điện Biên Phủ là một thung lũng dài khoảng 20km, rộng 5 - 7km, bao quanh là rừng núi, nằm gần biên giới Lào.

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/Navarre.jpg)
Navarre thị sát Điện Biên Phủ


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 01 Tháng Mười Một, 2008, 03:53:42 pm
  Sau khi chiếm được Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy Pháp nhanh chóng xây dựng một tập đoàn cứ điểm kiên cố gồm 7 cụm cứ điểm với 10 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo, 1 đại đội xe tăng và đơn vị chuyên môn khác được trang bị vũ khí hiện đại.
 
  Lực lượng tập trung tại Điện Biên Phủ gồm những đơn vị thiện chiến bậc nhất của Pháp ở Đông Dương lúc đó, được coi là "ngọn giáo" của quân viễn chinh. Trong các đơn vị được đưa lên Điện Biên Phủ có 4 tiểu đoàn Lê dương gồm:
 
  - Tiểu đoàn 1 và 3 thuộc bán lữ đoàn Lê dương 13
 
  - Tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2 bộ binh Lê dương
 
  - Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 bộ binh Lê dương

  - Tiểu đoàn 1 dù Lê dương.

  Các đơn vị hỗ trợ gồm:
 
  - Đại đội 1 súng cối nặng nhảy dù Lê dương

  - Đại đội 1 và 2 súng cối hỗn hợp Lê dương

  - Đại đội 5 sửa chữa hạng trung Lê dương.
 
  Sau này, trong quá trình chiến dịch, Bộ chỉ huy Pháp tăng viện thêm 5 tiểu đoàn và 2 đại đội dù, trong đó có tiểu đoàn 2 dù Lê dương và nhiều lính Lê dương tình nguyện chưa qua huấn luyện nhảy dù.


(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/nhayduBP.jpg)
Lính Lê dương đổ bộ xuống thung lũng Điện Biên Phủ

  Bộ chỉ huy Pháp tin rằng ta khó có thể đưa 1 lực lượng lớn lên Tây Bắc trong một thời gian dài vì địa hình hiểm trở, đường sá không thuận tiện, tiếp tế khó khăn. Lực lượng hùng hậu của Pháp tại Điện Biên Phủ đủ sức nghiền nát khối chủ lực của Việt Minh. Navarre hạ quyết tâm chấp nhận chiến đấu, đối đầu với chủ lực ta tại Điện Biên Phủ. Từ chỗ chỉ là một cuộc hành quân ngăn chặn thông thường, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi quyết định số phận của "Kế hoạch Navarre" và vận mệnh của chiến trường Đông Dương.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 02 Tháng Mười Một, 2008, 12:52:44 pm
  Hạ tuần tháng 12/1953, Bộ Chính trị Đảng ta quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm chỉ huy trưởng chiến dịch. Trước khi lên đường, Đại tướng đến chào Bác Hồ tại Khui Tát. Bác nói: "Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng uỷ, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Trước khi chia tay, Bác dặn thêm: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh" .(67)
 
  Để chuẩn bị cho chiến dịch, ta đã sửa chữa và làm mới hàng trăm cây số đường giao thông, huy động hàng vạn dân công vận chuyển lương thực đạn dược ra chiến trường. Bộ chỉ huy Pháp lại một lần nữa đánh giá thấp đối phương. Họ không thể tin được ta có thể đưa trọng pháo vượt qua địa hình hiểm trở bố trí tại các triền núi bao quanh Điện Biên Phủ và có thể bảo đảm tiếp tế lương thực đạn được cho một đợt chiến đấu dài ngày. Sự chủ quan khinh địch và kiêu ngạo đã đưa quân Pháp đến thảm hoạ. Bốn đại đoàn của ta xiết chặt vòng vây quanh Điện Biên Phủ. Những cuộc tấn công nống ra xung quanh của quân Pháp trong tháng 12/1953 và tháng 1-2/1954 đều bị bẻ gãy với tổn thất nặng. Quân Pháp đã ở thế cá nằm trong giỏ.

 
(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/giaonvu.jpg)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho 4 đại đoàn tại sở chỉ huy chiến dịch

  Ngày 13/3/1954, cuộc tấn công của ta bắt đầu với 2 nghìn phát đại bác bắn vào tập đoàn cứ điểm. Chiều tối cùng ngày, quân ta đánh trận mở màn vào cứ điểm Him Lam do tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn Lê dương 13 phòng ngự. Him Lam nằm ở phía Bắc tập đoàn cứ điểm, có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tiến vào theo đường 41. Ta bố trí 3 tiểu đoàn trực tiếp đánh cứ điểm, 2 tiểu đoàn làm dự bị và 1 tiểu đoàn sẵn sàng đánh viện. Mặc dù quân Pháp đã dự đoán được ta sẽ tiến công trong ngày nhưng khí pháo ta bắt đầu bắn lúc 17 giờ ngày 13/3, lính Pháp vẫn bị bất ngờ. Trung sĩ Lê dương Kubiak kể lại như sau: "Vào lúc đó, thình lình, ngày tận thế đã đến... Tôi có cảm tưởng Beatrice bay lên, tan thành tro bụi. Xung quanh tôi, đất đá tung toé lên và lính Lê dương ngã vật xuống đây đó tử thương. Vô cùng sửng sốt, chúng tôi tự hỏi quân Việt lấy đâu ra lắm pháo thế để có thể bắn mạnh như vậy. Đạn pháo không ngừng trút xuống như một trận mưa đá bất chợt buổi chiều thu. Lô cốt, đường hào nối đuôi nhau đổ sụp chôn vùi người và vũ khí” (68).

  Không riêng Him Lam, cả khu trung tâm cũng tơi bời dưới cơn mưa đạn. Nhiều máy bay trúng đạn trên sân bay. Một kho xăng bốc cháy. Nhiều hầm hào công sự sụp đổ. Trung tá Langlais chỉ huy lực lượng phản kích đang tắm thì cuộc pháo kích của ta bắt đầu làm ông ta cuống cuồng không kịp mặc quần áo chạy về chỉ huy sở. Cố gắng liên lạc bằng vô tuyến vì nhiều đường dây điện thoại đã bị đứt, Langlais nắm được tình hình của các tiểu đoàn dù của mình và biết được Beatrice (Him Lam) đang bị các đợt xung phong của đối phương làm cho sứt mẻ nặng. Đột nhiên, một viên đạn pháo nổ vỡ nóc hầm của Langlais làm tất cả bị văng xuống đất nhưng hú vía, không ai việc gì. Vừa đứng lên thì một quả đạn pháo khác sạt qua vai trung uý Roy cắm xuống đất không nổ. Lúc 19h50, De Cat gọi điện cho Langlais cho biết trung tá Gaucher, chỉ huy phân khu trung tâm và toàn ban tham mưu bị chết vì đạn pháo, trừ thiếu tá Vado và Langlais được cử làm chỉ huy phân khu trung tâm.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 03 Tháng Mười Một, 2008, 09:57:53 am
  Trong khi pháo ta bắn cấp tập, quân Pháp chưa kịp phản ứng, quân ta cho bố trí sơn pháo ngay trước cứ điểm số 3 của Him Lam bắn trực tiếp vào các ụ súng địch yểm trợ cho bộ binh ta lên đặt bộc phá mở hàng rào. Khoảng 18 giờ 15, một lối đi đã được mở qua các bãi mìn và rào thép gai và xung kích ta đã chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài. Tiểu đoàn trưởng Pegot của Him Lam xin pháo Mường Thanh chi viện bắn càng sát hàng rào càng tốt Pháo thủ Pháp nhảy bổ vào pháo của mình nhưng đạn phản pháo của ta cực kỳ chính xác. 12 khẩu pháo, cối của Pháp đã bị phá huỷ, nhiều khẩu khác hư hại. Tuy nhiên, trong suốt trận đánh, pháo bính Pháp cũng đã bắn 6 nghìn phát đạn yểm trợ cho Him Lam. Trở lại cứ điểm số 3, khi lính Lê dương vừa kịp hoàn hồn thì xung kích ta đã lọt qua cửa mở lọt vào cứ điểm đánh toả ra hai bên. Một tiểu đội mũi nhọn lao thẳng lên lô cốt chỉ huy trên đỉnh đồi và 1 quả bộc phá 10kg đã kết thúc số phận sở chỉ huy đại đội địch. Sau khoảng 1 giờ chiến đấu, ta chiếm được cứ điểm số 3, tiêu diệt đại đội Lê dương 11. Trước đó, lúc 18 giờ 30, một quả đại bác của ta bắn trúng hầm chỉ huy Him Lam, giết chết thiếu tá tiểu đoàn trưởng Pegot và đại uý tiểu đoàn phó Paedi. Cuộc kháng cự của lính Lê dương ở Him Lam rơi vào tình trạng rắn mất đầu.
 
  Tại cứ điểm số 2 , khi vừa mở xong hàng rào cuối cùng thì một khẩu súng máy từ lô cốt tiền duyên bắn ra dữ dội. Quân ta dùng hoả lực bắn thẳng để kiềm chế nhưng không dập tắt được hoả lực địch. Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót trườn lên vừa bắn vừa ném lựu đạn về phía lô cốt địch. Gần đến nơi thì lựu đạn hết, anh đã lao lên dùng thân mình lấp lỗ châu mai làm hoả lực địch bị dập tắt trong giây lát, đủ thì giờ cho làn sóng xung phong lao tới. Lúc 22 giờ 30, đại đội 10 Lê dương bị tiêu diệt, cứ điểm 2 lọt vào tay ta. Đến lúc này, Him Lam không còn một sĩ quan nào. Tiểu đoàn Lê dương chỉ còn các hạ sĩ quan chỉ huy.
 
  Tại cứ điểm 1, tiểu đoàn 11 của ta phải vượt qua hàng rào đạn đại bác Pháp ngăn chặn nên vào tuyến xuất phát xung phong chậm, lực lượng bị tiêu hao. Hoả lực trong đổ tuôn ra cửa mở. Trung đội bộc phá của ta mở được 7 hàng rào thì vấp phải hai hoả lực chéo cánh sẻ, lên người nào thương vong người đó. Quân ta đưa bộc phá dự bị và 1 khẩu DKZ lên bắn sập lô cốt tiền duyên nhưng hoả lực địch vẫn tiếp tục bắn xả ra. Cuộc chiến đấu trước cửa mở diễn ra quyết liệt suốt 4 giờ liền. Các đơn vị ta tại các cứ điểm 2 và 3 được lệnh đánh sang phối hợp diệt cứ điểm 1 nhưng không tìm ra lối đi giữa những bãi mìn và hàng rào thép gai dày đặc. Tránh tình huống trận đánh kéo dài, Bộ chỉ huy chiến dịch đôn đốc đơn vị tiến công kết thúc trận đánh trước khi trời sáng. Ta đưa 1 tiểu đoàn dự bị vào trận. Một cán bộ đại đội phó của ta bò lên quan sát phát hiện ra hai hoả điểm ngầm. Anh quay xuống đưa lên 4 khẩu đại liên bắn kiềm chế cho bộc phá lên mở nốt hàng rào cuối cùng. Tổ mũi nhọn lao lên, diệt 3 lô cốt mở đường cho xung kích ta ào ạt tiến vào tung thâm cứ điểm. Lính Lê dương chống cự tuyệt vọng nhưng trước sức tiến công mãnh liệt của ta và cũng không hy vọng có lực lượng tiếp viện từ Mường Thanh ra nên thế trận sụp đổ hoàn toàn. Lúc 23 giờ 30, đại đoàn trưởng đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn báo cáo Bộ chỉ huy chiến dịch ta đã tiêu diệt cứ điểm Him Lam, diệt 300 và bắt sống 200 lính Lê dương, thu toàn bộ vũ khí. Theo tài liệu của Pháp thì bức điện cuối cùng của đại đội 9 Lê dương phòng thủ cứ điểm 1 gửi về Mường Thanh là lúc 0 giờ 15 ngày 14/3. Trung sĩ Kubiak và 94 người sống sót của tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn Lê dương 13 rút chạy vào rừng. Sợ bị quân nhà bắn nhầm trong đêm, họ trốn trong rừng đợi sáng.

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/himlam.jpg)


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 03 Tháng Mười Một, 2008, 10:01:08 am
  Sáng hôm sau, trời xấu, mây mù dày đặc. Không quân Pháp không thể hoạt động. Bộ chỉ huy Pháp tại Điện Biên Phủ chuẩn bị phản kích. Trung sĩ Kubiak và những người sống sót lôi thôi lếnh thếch về tới thung lũng thì gặp lính dù của binh đoàn 2 không vận đi phản kích. Lính Lê dương bị ấn vào tay súng, đạn và lựu đạn. Người ta ra lệnh cho họ quay trở lại cùng với lính dù chiếm lại Beatrice. Họ tiến theo đường 41 và vấp phải trận địa của cả 1 tiểu đoàn của ta. Khi quân Pháp đang chuẩn bị xung phong thì đột nhiên một sĩ quan Lê dương băng bó đầy mình loạng choạng đi về phía họ. Đó là trung uý Turpin của đại đội Lê dương 11. Anh ta mang một lá thư của chỉ huy đại đoàn 312 cho phép người Pháp đến thu nhặt thương binh ở Him Lam. De Catstries xin ý kiến Hà Nội. Cogny điện hỏi Sài Gòn rồi trả lời chấp nhận. Vào khoảng 9 giờ, một đoàn xe gồm 1 xe gíp có cờ chữ thập đỏ, 1 xe tải và 1 xe cứu thương tiến về phía Him Lam. Đại uý quân y Le Damany của tiểu đoàn 3 và cha tuyên uý bán lữ đoàn Lê dương 13 Trinquand ngồi trên xe cùng trung sĩ Kubiak và 11 lính Lê dương tình nguyện không mang vũ khí. Một nhóm nhỏ cán bộ chiến sĩ của ta đón họ tại chân đồi. Xác 300 lính Lê dương nằm chết la liệt trong đống đổ nát thật kinh khủng. Những người tìm kiếm thu nhặt được 12 thương binh. Một người tắt thở khi cha tuyên uý làm lễ xức dầu thánh cho anh ta. Vào lúc 10 giờ, đoàn xe chở về căn cứ. Tổng kết thiệt hại thấy rằng trong số 750 người của tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn Lê dương 13 chỉ còn sống sót 2 trung uý và 192 lính. Những người sống sót của các đại đội 9 và 10 được sát nhập vào tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2 Lê dương đang phòng thủ Huguette. Những người sống sót của các đại đội 11, 12 và đại đội chỉ huy về sở chỉ huy bán lữ đoàn. Bị đòn sấm sét của quân ta, tinh thần lính Lê dương xuống rất thấp. Ngày 17/3, 2 lính Lê dương của đại đội 10 đào ngũ khỏi Huguette. Đầu tháng 4, 10 lính Lê dương của tiểu đoàn 3 chạy sang đầu hàng ta.

  Sau khi tiêu diệt Him Lam, đêm 14/3 ta tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập (Gabrielle) do 1 tiểu đoàn Algeria phòng thủ và đánh bại cuộc phản kích của tiểu đoàn dù nguỵ số 5 vừa nhảy xuống tăng viện. Toàn bộ tiểu đoàn Algeria bị tiêu diệt, chỉ có một nhúm lính Lê dương của đại đội cối phối thuộc cho  tiểu đoàn là thoát được. Đại đội Martin thuộc tiểu đoàn 1 dù Lê dương tăng cường cho tiểu đoàn dù 5 đi phản kích chiếm lại Độc Lập cũng bị mất một phần tư quân số. Ngày 17/3, tiểu đoàn Thái giữ vị trí Bản Kéo (Anne Marie) kéo cờ trắng ra hàng. Chỉ sau 5 ngày chiến đấu, cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang.

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/doclap.jpg)


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 04 Tháng Mười Một, 2008, 05:55:17 pm
  Từ ngày 30/3 đến trước ngày 1/5/1954 là thời gian ta mở đợt tiến công thứ hai nhằm vào 5 cao điểm phía Đông sân bay Mường Thanh, tả ngạn sông Nậm Rốm. Người Pháp gọi đây là "trận đánh 5 ngọn đồi" và giành giật những cứ điểm ở phía Tây sân bay, hữu ngạn sông Nậm Rốm mà người Pháp gọi là "cuộc chiến Huguette". Bộ đội ta đào hàng trăm cây số đường hào bao vây tập đoàn cứ điểm, hình thành các trận địa tiến công bóp nghẹt cứ điểm của quân Pháp, làm tê liệt sân bay. Quân Pháp chỉ còn con đường tiếp tế và tăng viện duy nhất là thả dù. Cao xạ ta tiến vào cánh đồng Mường Thanh, thu hẹp phạm vi thả dù tiếp tế, gây thiệt hại nặng nề cho không quân Pháp. Trong thời gian này, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2 Lê dương bố trí tại cụm cứ điểm Huguette. Tiểu đoàn 1 thuộc bán lữ đoàn Lê dương 13 giữ cụm cứ điểm Claudine. Cả hai cụm cứ điểm này đều nằm phía Tây sân bay, hữu ngạn sông Nậm Rốm. Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 Lê dương bố trí tại Hồng Cúm và tiểu đoàn 1 dù Lê dương tham gia chiến đáu tại khu vực các điểm cao phía Đông. Sau đợt tiến công đánh 5 cao điểm phía Đông, quân Pháp chỉ còn giữ được một phần các cao điểm A1 và C1 (Eliane 2 và Eliane 1). Quân ta dùng chiến thuật vây lấn, tiêu diệt từng cứ điểm, dần dần thu hẹp vùng kiểm soát của Pháp, bóp nghẹt quân địch. Quân Pháp cũng liên tiếp tổ chức phản kích để cải thiện thế trận. Các tiểu đoàn Lê dương phòng ngự phía Tây sân bay bị tiêu hao, kiệt sức trước chiến thuật đánh lấn của ta. Tiêu biểu tại đây là trận đánh tiêu diệt trung tâm đề kháng bảo vệ sân bay Mường Thanh.

  Sáng ngày 14/4, đội tuần tiễu Pháp trên sân bay phát hiện đường hào của ta đã cắt đứt liên lạc giữa Huguette 1 (cứ điểm 206) và Huguette 6 (cứ điểm l05) với khu trung tâm. Một đường hào khác đâm thẳng vào sân bay. Cứ điểm Huguette 1 bị bao vây. Các tiểu đoàn dù thuộc địa 6 và 8 đã cố đánh mở đường nhưng bị súng cối và những bãi mìn của quân ta đánh bật trở lại. Chiến hào ta đã vây chặt các cứ điểm 206 và 105 và đâm thẳng vào sân bay. Liên tiếp trong 3 ngày 15, 16 và 17/4, Langlais huy động các tiểu đoàn 1 và 2 dù Lê dương và tiểu đoàn 6 dù thuộc địa cố sức mở thông đường tiếp tế đến cho Huguette 1 và Huguette 6. Lính Lê dương ở các cứ điểm này thiếu đạn được, lương thực và cả nước uống. Quãng đường chỉ vài trăm mét nhưng lớp lớp chiến hào và ụ súng của đối phương. Lính Lê dương phải mất nhiều giờ mới vượt được qua và phải chịu tổn thất nặng. Thêm vào đó là xác một chiếc máy bay Curtiss Commando nằm lù lù trên đường băng giúp cho đối phương một công sự nổi rất tốt để đặt liên thanh quét gục bất cứ lính Lê dương nào hung hăng xông lên. Tổn thất để tiếp tế cho 206 và 105 còn nhiều hơn trận phản kích chiếm lại đồi C1 nên sau 3 ngày, De Castries đành ra lệnh bỏ Huguette 6. Một đám quân được huy động từ tiểu đoàn 1 dù Lê dương, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2 Lê dương và tiểu đoàn 8 dù thuộc địa cùng 2 xe tăng đi đón bọn ở Huguette 6 về. Sau khoảng nửa giờ đọ súng thì đội quân này kiệt sức vì - theo lời kể của Langlais sau này - hết hơi, hết đạn và hết người. Viên chỉ huy Huguette 6 được lệnh rằng tuỳ anh ta lựa chọn hoặc phá vòng vây rút chạy, bỏ lại toàn bộ thương binh hoặc đầu hàng. Lúc này, chiến hào ta đã luồn sâu vào hàng rào cứ điểm. Pháo không giật của ta lần lượt bắn sập 15 ụ súng của Pháp. Lính Lê dương trong đồn thiếu thức ăn, nước uống mà không dám ló đầu ra vì sợ bị bắn tỉa. Ngày 18/4, quân ta tấn công. Lính Lê dương liều mạng phá vây. Trong lúc tháo chạy hoảng loạn, không ai đếm rõ bao nhiêu người chết hay bị thương. Đến khi tập hợp lại thì mới rõ đơn vị Lê dương đóng tại cứ điểm 105 mất 106 người chết, 49 bị thương, 79 mất tích.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 05 Tháng Mười Một, 2008, 07:11:07 pm
  Sau khi mất vị trí 105, cứ điểm 206 trở thành vị trí tiền tiêu phía tây bắc khu trung tâm. Đóng tại đây có đại đội 4 thuộc bán lữ đoàn Lê dương 13 mới đến thay thế cho đại đội 4 của tiểu đoàn 1, trung đoàn 2 Lê dương. Lính Lê dương chống cự khá quyết liệt Các chiến sĩ thuộc trung đoàn 36 đang vây cứ điểm này nghĩ ra cách đan những con cúi bằng rơm làm lá chắn che chắn an toàn cho các chiến sĩ đào trận địa phía sau nó. Đến ngày 19/4, 3 chiến hào ta đã tiến vào sát hàng rào. Quân ta bắn cối quấy rối, dừng DKZ bắn sập các ụ súng tiền duyên và bắn tỉa làm lính Lê dương vô cùng khốn quẫn, phải kêu cứu Mường Thanh. Bộ chỉ huy Pháp cho lính Lê dương và xe tăng ra lấp hào nhưng bị ta bắn cháy 1 xe tăng phải tháo chạy, từ bỏ ý định lấp hào.
 
  Tuy nhiên, khi chiến hào ta vào sát hàng rào thì con cúi tỏ ra giảm tác dụng vì không cản được đạn bắn lướt sườn và lựu đạn của địch mà còn làm lộ vị trí. Các chiến sĩ vốn là du kích ở địch hậu lại nghĩ ra cách đào đường hầm chui qua hàng rào vào sát lô cốt địch. Lúc 22 giờ ngày 22/4, trung đoàn 36 ra lệnh dùng các tốp xung kích nhỏ đánh vào cứ điểm chiếm lô cốt đầu cầu. Theo kế hoạch, pháo ta sẽ bắn 20 phát để yểm hộ nhưng mới bắn được 13 phát thì xung kích đã yêu cầu ngừng lại. Ba mũi tấn công cùng lúc nhô lên từ lòng đất. Lính Lê dương sửng sốt khi thấy những bóng lính Việt Minh cầm súng cắm lưỡi lê xuất hiện trong đồn. Đại uý đồn trưởng Chevalier báo cáo sở chỉ huy tiểu đoàn rằng "quân Việt chẳng khác gì nước trong khe thấm ra chỗ nào cũng thấy". Không bỏ lỡ cơ hội, 3 mũi xung kích của ta đánh thẳng vào sở chỉ huy. Sau 15 phút, trung đoàn mới kịp đưa vào đồn 2 trung đội tăng viện. Phần lớn 177 lính Lê dương giữ đồn bị bắt sống. Chỉ vài lính Lê dương chạy thoát được về khu trung tâm cho biết cứ điểm đã thất thủ trong đêm. Trận đánh 206 đã chứng tỏ sự thành công của chiến thuật đánh lấn. Từ đó trở đi, lính Pháp mỗi khi thấy đường hào ta tiến tới gần cứ điểm thì như thấy một cái chết được báo trước, xuất hiện từ lòng đất.
 
  Sáng sớm ngày 23/4, tin thất thủ Huguette 1 bay về Mường Thanh. Sau phút bàng hoàng, De Castries cho ý kiến là phải phản kích chiếm lại 206. Cả Langlais và Bigeard đều phản đối ý tưởng này vì theo họ, như vậy sẽ làm cho lực lượng dự bị cuối cùng là tiểu đoàn 2 dù Lê dương bị tiêu hao nặng. Nhưng, De Castries vẫn giữ ý kiến của mình. Bigeard được giao nhiệm vụ tổ chức cuộc phản kích. ông ta cho đưa lực lượng dự bị của tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn dù tiêm kích số 1, tiểu đoàn 6 dù thuộc địa và tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 2 bộ binh Lê dương lên trung tâm đề kháng Eliane, rút toàn bộ tiểu đoàn 2 dù Lê dương đang đóng ở đây về Mường Thanh. Tiểu đoàn 2 dù Lê dương dù đã bị sứt mẻ trong những trận đánh trước đó, chỉ còn gần 400 quân nhưng vẫn là đơn vị mạnh nhất để tiến hành cuộc phản kích. Nó vốn là một tiểu đoàn tinh nhuệ, nhiều binh lính là cựu đoàn viên thanh niên Hít-le.
 
(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/banxetang.jpg)
Xe tăng Pháp bị bazoka của ta tiêu diệt

  Bigeard đề nghị không quân cho máy bay B26 đến ném bom, pháo binh sẽ bắn 1200 phát đạn yểm trợ. Buổi trưa yên tĩnh, trời nắng. Đại đội ta phòng ngự khu vực sân bay đang nghỉ trưa thì được lệnh sắn sàng chiến đấu. Lát sau, máy bay Pháp thuộc phi đội 11F đến bổ nhào oanh tạc làm hai đợt. Sau đó pháo binh Pháp trút đạn vào 206. Cao xạ ta đánh trả, bắn rơi 1 máy bay. Lúc 14 giờ, tiểu đoàn 2 dù Lê dương có 3 xe tăng yểm hộ chia làm hai cánh tiến ra sân bay. Pháo ta đã tính toán phần tử bắn từ trước, lúc này mới lên tiếng. Những cột khói đen trùm lên lính Lê dương nhưng họ không chịu dừng lại. Chờ pháo ta ngớt bắn, lính dù lại xông lên. Khi hai đại đội dù Lê dương tiến vào trận địa trống trải của sân bay thì trở thành mục tiêu của lưới lửa dữ dội của những khẩu đại liên của đối phương trong xác chiếc Curtiss Commando. Trung uý De Bire bị thương nặng. Các đại đội 7 và 8 dù Lê dương bị thiệt hại nặng. Mũi phía nam cũng chẳng may mắn gì. Đại đội 5 dù Lê dương loanh quanh trong mớ hầm hố hỗn độn nên không đến kịp khi máy bay oanh tạc. Khi đại đội 5 và đại đội 6 dù Lê dương tấn công thì vấp phải lưới lửa dày đặc của quân ta phía bắc cứ điểm 206. Tuy nhiên, lính dù vẫn tấn công. Một số lợi dụng đường hào thoát nước sân bay, một số lợi dụng những hố bom để vận động. Số lính dù tiến theo hào thoát nước gặp một hố bom cắt đứt đường hào ta nên lợi dụng nó để đánh thọc vào sườn đại đội 213 của ta. Thế trận bỗng chốc hỗn loạn. Quân ta và lính dù Lê dương đánh giáp lá cà giành giật nhau từng đoạn chiến hào. Tiểu đoàn trưởng Quốc Trị cho rút về tuyến hào thứ hai và gọi pháo binh chi viện. Pháo ta bắn trùm lên tuyến hào thứ nhất. Tiểu đoàn 2 dù Lê dương thương vong nhiều trên trận địa vừa chiếm được Đúng lúc này họ được lệnh rút lui. Bigeard nhận thấy không thể hy sinh tiểu đoàn dù một cách vô ích. Chờ pháo ta ngừng bắn, tiểu đoàn 2 dù Lê dương rút chạy về Mường Thanh. Họ phải rút lui suốt chiều dài sân bay dưới đạn pháo truy kích. Nhiều người lao xuống các hố bom để tránh thì lại bị súng cối đối phương "cả cái". Cuộc lui quân cũng hao tổn như cuộc tấn công. Đến khi kiểm điểm thiệt hại thì thật đáng sợ. Tổng cộng 150 lính dù (tức là khoảng nửa tiểu đoàn) chết và bị thương. Điều đó nghĩa là tập đoàn cứ điểm đã mất đi những lực lượng dự bị cuối cùng. Viên tiểu đoàn trưởng Liesenfelt bị cách chức. Những binh lính sống sót của hai tiểu đoàn 1 và 2 dù Lê dương lừng danh sát nhập lại thành một tiểu đoàn gọi là tiểu đoàn hành quân dù Lê dương.

  Thời gian từ ngày 1 đến ngày 7/5/1954 là thời gian ta tiến hành đợt tấn công thứ ba và đợt tổng công kích, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đơn vị Lê dương cuối cùng bị xoá sổ tại Điện Biên Phủ là tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 bộ binh Lê dương. Trước ngày 13/3 trước khi nổ ra trận đánh, tại Điện Biên Phủ có 2969 lính Lê dương. Trong số 4291 lính nhảy dù tăng viện sau này có 962 lính Lê dương. Như vậy, tổng số có 3931 lính Lê dương tham gia trận Điện Biên Phủ. Theo Bernard Fall, trong đó có thể có khoảng 1900 lính Đức. Theo các nguồn tư liệu Pháp thì tổn thất của lính Lê dương tại Điện Biên Phủ là khoảng 2322 chết, mất tích và bị thương. Đó là chưa kể tổn thất 294 sĩ quan và lính Lê dương trong thời gian từ 21/11/1953 đến 12/3/1954.
 
  Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954, Hội nghị Geneve về hoà bình ở Đông Dương được ký kết. Theo Hiệp định Geneve, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền. Lực lượng kháng chiến tập kết tại miền Bắc và quân Pháp rút vào miền Nam. Ngày 10/10/1954, quân ta tiến vào giải phóng thủ đô Hà Nội. Quân Pháp sau khi rút khỏi miền Bắc cũng dần dần rút khỏi Việt Nam. Đơn vị  Lê dương cuối cùng rút khỏi Việt Nam ngày 12/3/1956 là tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 5 bộ binh Lê dương, chấm dứt sự có mặt của đạo quân Lê dương Pháp tại Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 06 Tháng Mười Một, 2008, 07:16:07 pm
* Một số lời đánh giá về đạo quân Lê Dương:

  - "Lính Lê dương, từ ngày đầu chiến tranh đã là chỗ dựa chủ yếu của tướng lĩnh Pháp" .
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "Đường tới Điện Biên Phử”, NXB Quân đội nhân dân 1999, Trang 131).
 
  - "Trước đây ta thường hiểu sức mạnh của địch là ở vũ khí, trang bị hiện đại, chỗ yếu của địch là tinh thần, một công cụ xâm lược, một đội quân đánh thuê. Nay ta đã thấy rõ thêm cái mạnh của một đội quân nhà nghề... Tại Đông Khê, không đầy 3 đại đội của địch có thể đương đầu với 2 trung đoàn chủ lực của ta trong suốt 52 giờ liền. Đồn Pheo trong chiến dịch Hoà Bình được chính các chuyên gia quân sự Pháp coi là một mẫu mực trong tổ chức phòng ngự cứ điểm".
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "Đương tới Điện Biên Phử', NXB Quân đội nhân dân 1999, trang 331-332).
 
  - "Cách duy nhất để chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với nước Pháp là cái chết"
(Đại tá Hoàng tử Amilakvari. chỉ huy bán lữ đoàn Lê dương 13)
 
  - " Khi một dân tộc thức tỉnh, những người con ưu tú nhất của nó sẵn sàng cống hiến đời mình để giải phóng cho nó. Khi một đế quốc lớn bị đe doạ sụp đổ, nó sẵn sàng hy sinh những hạ sĩ quan của mình".
(Menachem Begin, Người chỉ huy lrgoun, "Cuộc nổi loạn", 1951)


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 06 Tháng Mười Một, 2008, 07:23:13 pm
V. Vài nét về các đơn vị Lê dương tham chiến trong chiến tranh Việt Nam:


  Trung đoàn 2 bộ binh Lê dương.
 
(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/trungdoan2bb.jpg)

  Đến Việt Nam tháng 2/1946. Tham gia các chiến dịch càn quét tại Nam Trung Bộ. Tháng 12/1946, tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn được điều ra Bắc, tham gia chiến dịch Hoà Bình 1951-1952, bị tiêu diệt tại Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn 2 được điều ra Bắc Bộ năm 1951, phối thuộc cho binh đoàn cơ động số 4 tại đồng bằng Bắc Bộ, năm 1953-1954 được điều sang Lào tại Cánh đồng Chum, Luang Prabang. Tiểu đoàn 3 được điều ra Bắc Bộ tháng 5/1951, vào Trung Trung Bộ năm 1952-1954. Tiểu đoàn 4 được thành lập cuối năm 1949 gồm binh lính người Việt do các sĩ quan Lê dương chỉ huy, hoạt động tại Trung Trung Bộ năm 1950-1954.

  Trung đoàn 3 bộ binh Lê dương.

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/trungdoan3.jpg)

  Các tiểu đoàn 1 và 2 đến Việt Nam tháng 4 và tiểu đoàn 3 đến tháng 6/1946, càn quét tại Nam Bộ. Tháng 3/1947, tiểu đoàn 1 được điều ra Bắc Bộ tiếp theo đó là các tiểu đoàn 2 và 3 tháng 10/1947. Trung đoàn đóng dọc đường số 4. Đại đội 2 dự trận Phủ Thông tháng 7/1948. Các đại đội 5 và 6 và tiểu đoàn 3 bị tiêu diệt trong chiến dịch Biên Giới tháng 10/1950 và thành lập lại tại Hà Nội. Tiểu đoàn 3 được thành lập trên cơ sở tiểu đoàn hành quân của trung đoàn 1 bộ binh Lê dương, tháng 11/1952- 4/1953, tham chiến tại Nà Sản. Năm 1951, các tiểu đoàn 4 và 5 được thành lập gồm lính người Việt. 1951-1954 tham chiến tại Bắc Bộ. Tháng 4/1953, tiểu đoàn 2 được điều sang Lào phối thuộc cho binh đoàn cơ động số 6. Tiểu đoàn 3 bị tiêu diệt lần thứ 2 tại Điện Biên Phủ năm 1954.

  Trung đoàn 5 bộ binh Lê dương. 

  Từ Trung Quốc về Việt Nam tháng 2/1946, tháng 9 chuyển vào Sài Gòn. Tháng 11/1946, trung đoàn giải thể. Tháng 11/1949, tiểu đoàn 1 của trung đoàn được thành lập lại trên cơ sở tiểu đoàn thuộc trung đoàn 6 bộ binh Lê dương. Tiểu đoàn tham chiến tại đường số 6 tháng 3, quanh Hà Nội tháng 4-5, Huế và Đà Nẵng mùa hè năm 1950. Tháng 11/1949, tiểu đoàn 2 của trung đoàn được thành lập lại trên cơ sở tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 4 bộ binh Lê dương, hoạt động tại Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế mùa hè năm 1950. Tháng 10/1950, tiểu đoàn tham chiến tại đường số 4. Tiểu đoàn 3 của trung đoàn được thành lập tháng 3/1950. Trung đoàn đóng tại Móng Cái cuối năm 19'50, tham gia xây dựng Phòng tuyến De Lattre năm 1951. Mùa xuân năm 1951, tiểu đoàn 4 thuộc trung đoàn gồm lính người Việt được thành lập, tiểu đoàn 3 phối thuộc cho binh đoàn cơ động số 2 . 1951-1952, các tiểu đoàn 1 và 3 tham dự trận Hoà Bình-Đường số 6, các tiểu đoàn khác hoạt động tại Bắc Bộ. Tháng 11/1952, tiểu đoàn 3 dự trận Nà Sản, chuyển vào Trung Bộ mùa hè năm 1953. Tiểu đoàn 2 tham dự trận nhảy dù Lạng Sơn 1953. Tháng 11/1953, tiểu đoàn 1 vào đồng bằng Nam Bộ, sang Lào đầu 1954. Các tiểu đoàn 2 và 3 hoạt động tại Bắc Bộ năm 1954, tháng 11 rút vào Trung Bộ. Tháng 9/1955, trung đoàn rút vào Sài Gòn. Ngày 12/3/1956, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn là đơn vị Lê dương cuối cùng rời Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 07 Tháng Mười Một, 2008, 06:12:33 pm
  Bán lữ đoàn Lê dương 13

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/banludoan13.jpg)

  Đến Việt Nam tháng 3/1946, hoạt động tại Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Năm 1948, tiểu đoàn 2 của bán lữ đoàn sang Cambodia rồi Trung Trung Bộ. Tiểu đoàn 3 của bán lữ đoàn đóng tại Hóc Môn, gần Sài Gòn. Năm 1949, tiểu đoàn 4 của bán lữ đoàn được thành lập gồm lính người Việt. Năm 1950, bán lữ đoàn đóng tại Hóc Môn. Năm 1951, các tiểu đoàn 2 và 3 của bán lữ đoàn ra Bắc đóng tại Phòng tuyến De Lattre, tham dự trận Hoà Bình-Đường số 6. Năm 1953, tiểu đoàn 3 ra Trung Trung Bộ. Tháng 10/1953, tiểu đoàn 2 tăng cường cho binh đoàn cơ động số 4. Năm 1954, các tiểu đoàn 1 và 3 của bán lữ đoàn bị tiêu diệt tại Điện Biên Phủ.

  Trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/trungdoan1kybinh.jpg)

  Đến Việt Nam tháng 1/1947 nhưng chưa có xe cộ nên hoạt động như đơn vị bộ binh. Từ tháng 4/1947, trung đoàn bắt đầu nhận trang bị gồm xe bọc thép Coventry của Anh, xe trinh sát Humber mang đại liên, xe vận tải bọc thép, xe gíp, 5 xe tăng hạng nhẹ H39. Cuối năm 1947, các chi đoàn 1 và 2 hoạt động tại Nam Bộ, chi đoàn 3 tại Đà Nẵng, chi đoàn 4 tại Huế, chi đoàn 5 tại Đồng Hới, chi đoàn 6 tại Phan Rí. Đầu năm 1948, trung đoàn được chia thành Liên đoàn 1 (2 chi đoàn) hoạt động tại Nam Bộ, sau được tăng cường chi đoàn 6. Liên đoàn 2 gồm 3 chi đoàn 3, 4, 5 hoạt động tại Huế, Quảng Trị, Đồng Hới, Trung Trung Bộ năm 1950. Cuối năm 1950, liên đoàn 1 nhận thêm các xe bọc thép lội nước LVT4. Mùa hè năm 1951, liên đoàn 1 đổi thành liên đoàn 1 độc lập. Liên đoàn 2 cũng nhận thêm xe cộ và thành liên đoàn 2 độc lập. Giữa năm 1953, các liên đoàn xe lội nước và các đơn vị khác của trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương có tổng cộng 14 chi đoàn chiến đấu và 4 chi đoàn yểm trợ, trang bị chủ yếu gồm xe tăng M29, xe lội nước LVT4, xe bọc thép nửa bánh xích, xe bọc thép bánh hơi M8, lựu pháo 75mm HMC và xe tăng hạng nhẹ M5A1 làm nhiệm vụ cơ động tác chiến trên toàn chiến trường Đông Dương.

  Tiểu đoàn 1 dù Lê dương.

  Đến Hải Phòng ngày 15/11/1948, hoạt động tại Bắc Bộ. Năm 1950 hoạt động tại mặt trận đường số 4, bị tiêu diệt trong chiến dịch Biên Giới. Tháng 3/1951, tiểu đoàn được thành lập lại, tham gia chiến dịch Hoà Bình. Năm 1952, tiểu đoàn dự trận Nà Sản. Đầu 1953, tiểu đoàn hoạt động tại Tây Nguyên và Lào, cuối năm rút về Bắc Bộ, tham gia nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ. Bị tiêu diệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

  Tiểu đoàn 2 dù Lê dương.

  Đến Sài Gòn ngày 3/1 1/1949, hoạt động tại Nam Bộ. Năm 1950 hoạt động tại Trung Bộ rồi được điều ra Bắc Bộ. Tham gia chiến dịch Hoà Bình 1951-1952. Dự trận Nà Sản. Năm 1953, tham chiến tại Cánh Đồng Chum, Lào. Đầu năm 1954, rút về hoạt động tại Trung Bộ, Nam Bộ. Ngày 18/3/1954 được điều gấp về Hà Nội làm dự bị và sau đó tăng viện lên Điện Biên Phủ và bị tiêu diệt.

  Tiểu đoàn 3 dù Lê dương.
 
  Là tiểu đoàn huấn luyện, cung cấp quân số thay thế cho các tiểu đoàn 1 và 2 dù Lê dương. Trong những ngày tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nguy ngập, Pháp quyết định tăng viện tiểu đoàn 3 dù Lê dương sang Đông Dương cùng tiểu đoàn 7 dù thuộc địa. Nhưng Ấn Độ không cho phép máy bay quân sự  Pháp hạ cánh tiếp dầu tại nước này nên các máy bay C124 phải bay vòng qua Ceyland (bây giờ là Sri Lanka) lúc đó còn là thuộc địa của Anh để tiếp dầu. Cả hai tiểu đoàn dù đến Việt Nam khi trận Điện Biên Phủ đã kết thúc. Số quân của tiểu đoàn 3 dù Lê dương được lấy ra để thành lập lại các tiểu đoàn 1 và 2 dù Lê dương.

  Các đơn vị chuyên môn khác:

  Bên cạnh các đơn vị chiến đấu, lính Lê dương còn có nhiều đơn vị kỹ thuật như đại đội 40 vận tải Lê dương, đại đội 2 sửa chữa Lê dương, đại đội 21 công binh Lê dương, tiểu đoàn 61 kỹ thuật  v.v. . . và 1 đoàn tàu bọc thép do trung đoàn 2 bộ binh Lê dương điều khiển, hoạt động trên đoạn Ninh Hoà, Phan Thiết, Nha Trang. Đoàn tàu có 2 đầu máy hơi nước và 14 toa gồm toa chỉ huy, toa thông tin, toa cứu thương, toa ăn, 2 toa trần đi trước để dò mìn. Đoàn tàu được trang bị 1 pháo 40mm, 1 pháo 20mm, 8 đại liên 2 nòng, 1 cối 81mm và 1 cối 60mm. Đoàn tàu có 1100 lính Lê dương. Sau khi quân Pháp rút khỏi Việt nam, đoàn tàu bị dỡ bỏ.
 
  Trong lịch sử chiến đấu của mình, chiến trường Đông Dương đặc biệt là Việt Nam là nơi lính Lê dương chịu tổn thất nhiều nhất về nhân mạng.
 
  Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai 1946-1954, thiệt hại của đội Lê dương trên chiến trường Đông Dương là 309 sĩ quan, 1082 hạ sĩ quan, 9092 lính, tổng cộng 10.483 người, so với tổn thất của đạo quân Lê dương trong Đại chiến thế giới thứ hai là 9017 người thì cao hơn nhiều. Điều đó nói lên mức độ ác liệt của cuộc chiến.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 08 Tháng Mười Một, 2008, 05:48:04 pm
  Có thể nói rằng, lính Lê dương đã thể hiện khả năng của một đội quân nhà nghề chuyên nghiệp, có tinh thần chiến đấu. Không phải tự nhiên mà tướng tá Pháp ở Đông Dương coi các đơn vị Lê dương là trụ cột của quân viễn chinh. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân Việt Nam, các đơn vị Lê dương cũng không thể làm thay đổi được tình hình. Trái lại, vì bản chất là một đạo quân đánh thuê chuyên nghiệp nên khi vấp phải cuộc kháng chiến trường kỳ thì điểm yếu dần dần bộc lộ rõ. Đó là đội Lê dương là đạo quân đánh thuê chuyên nghiệp nên không có lý tưởng hoặc lý tưởng là tiền. Thứ hai là lính Lê dương được huấn luyện hình mẫu phương Tây, trang bị hiện đại, cơ giới hoá, tác chiến chính quy trong chiến tranh quy ước nhưng nặng nề, không thích hợp để đối phó với chiến tranh nhân dân của ta. Cuộc chiến mà mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài. Thương vong trong chiến đấu lớn nên liên tục đòi hỏi bổ sung. Các trung tâm huấn luyện lính Lê dương ở Algeria liên tiếp nhận các đợt tân binh bổ sung mới mộ để huấn luyện đưa sang Đông Dương. Thiệt hại nặng nên năm 1951, chương trình huấn luyện tân binh Lê dương phải giảm từ 9 tuần xuống 6 tuần để tăng số lượng huấn luyện. Thậm chí nhiều lính Lê dương sau khi kết thúc thời gian huấn luyện, thay vì đồn trú tại Bắc Phi một vài tháng theo thông lệ để rèn luyện thêm, thì bị gửi thẳng sang Đông Dương.
 
  Đầu năm 1949, các viên chỉ huy ở Đông Dương kêu ca chất lượng huấn luyện chiến thuật của lính Lê dương giảm sút. Năm 1950, trung đoàn 3 bộ binh Lê dương báo cáo lên trên rằng quân tăng viện mới nhận được huấn luyện rất kém (69). Bộ binh Pháp, bao gồm lính Lê dương, tỏ ra thiếu kinh nghiệm đánh cận chiến và đánh đêm trong khi các đơn vị Việt Minh trang bị nhẹ ngày càng tỏ ra cơ động hơn. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Pháp, từ năm 1950, khả năng đánh bại các cuộc hành quân quy mô nhỏ của Pháp của các đơn vị Việt Minh đã nâng cao rõ rệt, có nghĩa là tổn thất của Pháp ngày càng tăng. (70) Có một kinh nghiệm được đúc kết rằng, kẻ nào may mắn sống sót được sau 3 tháng đầu tiên thì kẻ đó có cơ may sống để trở về. Không những thiếu lính mà đội Lê dương ngày càng thiếu trầm trọng hạ sĩ quan. Năm 1949, trung đoàn 2 bộ binh Lê dương phàn nàn quá thiếu hạ sĩ quan. Trong số các hạ sĩ quan lâu năm thì "còn quá nhiều kẻ say rượu”, những người mới thì thiếu kinh nghiệm chỉ huy. Đầu năm 1951, trung đoàn 5 bộ binh Lê dương báo cáo thiếu 17 thượng sĩ nhất, 35 thượng sĩ và 71 trung sĩ nhất. Ngày 2/6/1953, trong bản báo cáo, viên chỉ huy tiểu đoàn 2, trung đoàn 5 bộ binh Lê dương than thở "Họ đâu rồi, những thượng sĩ nhất và thượng sĩ của đội Lê dương?" (71). Một báo cáo của quân đội Pháp tháng 8/1953 cho biết tỉ lệ thiếu hụt hạ sĩ quan của đội Lê dương là 12,8% và 19% trong các đơn vị Bắc Phi, Senegales và Bảo Đại. Sự sút giảm khả năng chiến đấu của bộ binh Pháp dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào hoả lực pháo binh. Từ năm 1952 đến 1954, tiêu thụ đạn pháo của Pháp ở Đông Dương tăng gấp đôi.
 
  Một vấn đề đau đầu khác đối với quân Pháp nói chung và đội Lê dương nói riêng là phong trào kháng chiến vùng địch hậu và các hoạt động du kích của ta. Biển lửa chiến tranh nhân dân của ta thực sự làm cho đội quân Lê dương của Pháp như bị sa vào giữa một bầy ong vò vẽ châm đốt tứ tung. Hầm chông, cạm bẫy, lựu đạn gài, mìn v.v. . . như những cái chết vô hình mang lại sự khủng khiếp cho lính Lê dương. Lính Lê dương Kemenci viết: "Khi đi tuần, chúng tôi luôn luôn phải cúi thấp đầu xuống vì mìn và bẫy giăng ra khắp nơi" (72). "Mìn đối phương phần lớn là tự chế tạo tại chỗ, gài bằng dây. Nó không mạnh bằng mìn Nhật Bản nhưng vẫn có hiệu quả, đủ để làm bị thương những người lính đứng gần như lấy đi một cái chân hay một con mắt của anh ta". Đáng sợ nhất là bị thương bởi mảnh kim loại nếu vô phúc chân đạp trúng mìn.

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/minchongP.jpg)
Du kích cắm chông, gài mìn và tàu Pháp bị đổ


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 09 Tháng Mười Một, 2008, 04:51:52 pm
  Bên cạnh đó, dù đã rất cố gắng nhưng Pháp không tài nào lập ra được một chính quyền tay sai hữu hiệu và như vậy có nghĩa là các đợt càn quét "bình định" của quân Pháp nói chung và Lê dương nói riêng chẳng đem lại hiệu quả gì đáng kể. Năm 1953, tiểu đoàn 2 dù Lê dương báo cáo các hoạt động bình định của mình không đem lại kết quả gì vì các cuộc hành quân của nó không được hỗ trợ bởi các hoạt động chính trị - xã hội hữu hiệu của chính quyền Việt Nam (nguỵ quyền Bảo Đại). Nắm chính quyền thực tế ở nông thôn là Việt Minh, rút đi khi bị tiến đánh nhưng lập tức xuất hiện trở lại khi bóng những người lính Lê dương cuối cùng khuất trên đồng lúa. Báo cáo của tiểu đoàn cho rằng, bình định mà không có mặt chính trị cũng như tạo ra được một cơ cấu dân sự hữu hiệu thì rõ ràng sẽ thất bại (73).

  Ngoài ra, hệ thống chỉ điểm và mạng lưới gián điệp do Pháp tạo ra hoạt động kém do công tác bảo mật phòng gian trong chiến tranh nhân dân của ta vô hiệu hoá. Báo cáo của bán lữ đoàn Lê dương 13 năm 1950 viết: "Đôi khi cũng đánh úp được Việt Minh do tin tình báo nhưng trường hợp này hiếm lắm. Chúng tôi phải thừa nhận là chúng tôi được thông tin tồi" (74). Nhiều cuộc hành quân bị huỷ bỏ vì thiếu thông tín tình báo. Lính Lê dương tỏ ra kém hiệu quả khi đối phó với hoạt động du kích. Lính Lê dương Kemenci viết: "khi vào làng, chúng tôi chỉ thấy phụ nữ, trẻ em và người già. Chúng tôi phải mất thì giờ để tìm ra kẻ bắn chúng tôi mà chẳng bao giờ tìm ra họ. Những người này trốn trong những hầm bí mật đã đào từ trước. Rất khó bắt được họ vì lối vào hầm quá hẹp đối với người Âu và hầm thì có lối thoát bí mật. Tại một làng, người dân ở đó mời chúng tôi uống trà và rượu trắng. Nhưng khi chúng tôi đi khỏi thì họ lại bắn vào chúng tôi. Đó là tại sao chúng tôi bị chết một và bị thương vài người." (75) Những đồn bốt Lê dương biến thành những ốc đảo cô lập bị đối phương bắn tỉa, quấy rối, tập kích và trở thành những địa ngục đối với lính Lê dương. Cuộc sống của những đồn bốt này, theo lời kể của Ainley, lính thuộc trung đoàn 1 kỵ binh Lê dương, chỉ sống nhờ vào lòng "bao dung” của viên chỉ huy Việt Minh địa phương, người có đủ sức mạnh tràn ngập đồn khi nào anh ta muốn.

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/binhvan.jpg)
Bao vây kết hợp với địch vận

  Trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, lính Lê dương đã gây ra vô vàn tội ác với nhân dân ta. Những tội ác của lính Lê dương thì khó có thể nói hết. Chỉ xin được nêu một vài ví dụ dẫn chứng từ lời kể của Ainley. Một lần khi đi càn, Ainley đã cố ngăn cản viên tiểu đội trưởng người Armenia khi tên này đang hãm hiếp một cô gái Việt Nam. Ainley kể lại: "Tôi túm vào vai hắn ta, giằng hắn ra khỏi cô gái và bảo rằng hắn không được làm như vậy... Thật lạ lùng là hắn ta phá ra cười và theo một cung cách thân mật nhất hắn bảo rằng tôi nên nhanh chóng quen với những cuộc "cưỡng dâm thân mật nho nhỏ" kiểu như thế. Do tôi đến cứu, cô gái đã có cơ hội trốn thoát vào bụi rậm với bộ quần áo bị xé rách tơi tả" (76). Ainley cảm thấy choáng váng khi anh ta nhanh chóng nhận ra rằng "hãm hiếp, đánh đập, đốt phá, hành hạ những người nông dân và dân làng vô tội là những việc thường xuyên xảy trong những cuộc tuần tra và những cuộc càn của quân Pháp" (77). Chẳng có gì khó hiểu tại sao lính Lê dương lại bị nhiều đòn đau, chịu nhiều tổn thất như vậy. Gây tội ác thì trời không dung đất không tha.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 09 Tháng Mười Một, 2008, 04:58:38 pm
  Nói một cách khách quan, trong thành phần ra nhập lính Lê dương, bên cạnh những phần tử phản động, lưu manh cũng có những người dân lao động, vì hoàn cảnh xô đẩy mà chọn con đường làm lính đánh thuê. Được tận mắt chứng kiến cuộc chiến đấu kiên cường giành độc lập của nhân dân ta, nhiều người đã tỉnh ngộ và chạy sang hàng ngũ ta tìm con đường đi đúng. Báo cáo hành quân của Pháp ghi nhận năm 1945 đã có 5 trường hợp lính Lê dương chạy sang hàng ngũ ta. Đó là các anh Chiến Sĩ, Lê Đức Nhân (người Đức), anh Nguyễn Dân (người Áo) cùng hai người nữa. Báo cáo ngày 15/1/1949 của đội Lê dương đã ghi nhận từ tháng 9/1945 đến thời điểm đó đã có 721 lính Lê dương chạy sang hàng ngũ kháng chiến.
 
  Về phía ta, từ những năm đầu của cuộc kháng chiến, ta đã tổ chức công tác địch vận và đã thu được nhiều kết quả. Theo con số thống kê chưa đầy đủ của ta, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp đã có 1373 lính Lê dương chạy sang hàng ngũ ta và đã tích cực tham gia chiến đấu.(78). Bác Hồ gọi họ, cùng với những hàng binh thuộc các dân tộc thuộc địa Pháp và Nhật với cái tên chung là những người Việt Nam mới. Nhiều người đã trở thành những cán bộ của ta như anh Nguyễn Dân là cố vấn quân sự cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến năm 1950.

 
(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/Schutte_1gif.jpg)
Từ trái qua phải:
Ngồi: Phạm Văn Đồng, Erwin Borchers / Chiến Sỹ, Ernst Frey / Nguyễn Dân, Võ Nguyên Giáp, Đặng Bích Hà (vợ tướng Giáp) ; Đứng : Lưu Văn Lợi, X, X, Rudy Schröder / Lê Đức Nhân (Bộ ảnh sưu tầm của H. Schütte)

  Năm 1948, ta mở một chiêu đãi sở tại Thái Nguyên để đón tiếp các hàng binh Âu-Phi. Nhiều hàng binh Lê dương đã tham gia chiến đấu anh dũng trên các mặt trận. Thậm chí, một số đơn vị đặc biệt gồm các hàng binh Lê dương đã được thành lập và tham gia chiến đấu như Đội Guillaume Tell tại Việt Bắc do anh Lê Đức Nhân, người Đức, chỉ huy hay đội quyết tử gồm toàn hàng binh Lê dương chiến đấu bên cạnh trung đoàn Trần Cao Vân tại Trung Bộ. Các hàng binh Lê dương và các dân tộc khác cũng được ta sử dụng trong công tác tuyên truyền địch vận với những binh lính trong quân đội Pháp đồng chủng với họ. Nhiều người Việt Nam mới được Chính phủ ta tặng thưởng như các anh Koch và Klement được thưởng Huân chương chiến công.

  Cuộc chiến đấu của những người Việt Nam mới đã gây nên sự hoang mang trong hàng ngũ binh lính Pháp. Vì vậy mà tháng 4/1947, khi cử giáo sư Paul Mus đến gặp Bác Hồ để trao đổi về việc ngừng bắn, một trong những yêu cầu trong tối hậu thư của Cao uỷ Pháp Bolaerzt lúc đó là phía ta phải trao trả những "người nước ngoài" chạy sang hàng ngũ kháng chiến. Bác Hồ đã bác bỏ yêu sách láo xược ấy. Sau này, từ năm 1951 đến 1955, ta đã tổ chức cho 761 người, chủ yếu là người Đức, trở về tổ quốc. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những người việt Nam mới đã sát cánh bên mình trong cuộc kháng chiến anh dũng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do cho đất nước Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 09 Tháng Mười Một, 2008, 04:59:44 pm
BẢN TUYÊN NGÔN CỦA TÙ BINH BỊ BẮT Ở CHỢ BẾN
NHÂN NGÀY ĐƯỢC TRẢ TỰ DO 19/12/1951

  Trước hết, chúng tôi muốn bày tỏ và thể hiện tất cả lòng biết ơn của chúng tôi đối với chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam vì đã trả lại tự do nhanh chóng cho chúng tôi.

  Chúng tôi cũng cảm ơn vì tất cả những sự thật mà chúng tôi đã được biết trong những ngày ở bên cạnh các ông. Sự thật đã biến chúng tôi, ngày hôm qua còn là kẻ thù, thành những người đoàn kết trong cùng một cuộc đấu tranh vì hoà bình và dân chủ thế giới.
 
  Tất cả các bạn được trả lại tự do hôm nay gồm người Ma-rốc, Pháp, Đức, Hung, Ba Lan, Tây Ban Nha, Ita1ia, một lần nữa đoàn kết lại để thể hiện sự luyến tiếc của mình vì đã nghe theo những lời tuyên truyền dối trá của bọn xúi giục chiến tranh Pháp và đã để bọn lôi kéo vào cuộc chiến tranh phi nghĩa này. Bởi vậy chúng tôi chỉ có một điều mong muốn duy nhất là tìm cách sửa chữa nỗi đau đớn mà chúng tôi đã gây ra và trả ơn đối với toàn thể nhân dân Việt Nam và nhất là đối với các nhà chức trách dân sự cũng như quân sự và ban lãnh đạo trại giam, những người đã làm hết sức mình để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của chúng tôi ở nơi đây. Chúng tôi sắp phải xa các ông, lần này không phải để mang xương thịt của mình làm mồi cho đại bác trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, mà là đi theo con đường của những người bạn chúng tôi như Henri Martin, Leo Figueres, Raymonde Dien và ở bên cạnh họ, chúng tôi sẽ đấu tranh cho hoà bình bởi vì chúng tôi không có bất cứ một lợi ích nào trong cuộc chiến tranh thuộc địa. Tất cả đất nước của chúng tôi đang cần chúng tôi để xây dựng một châu Âu và một châu Phi tự do dân chủ và để tham gia vào phong trào đấu tranh đòi ngừng chiến ở Việt Nam. Chúng tôi kết thúc bằng việc hô vang các khẩu hiệu:

  Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!
 
 Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muôn năm!

 Hoà bình muôn năm!


(Ký tên vào bản tuyên bố này gồm 4 lính Đức, 4 lính Pháp, 3 lính Ba Lan, 1 lính Hung, 1 lính Italia thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 3 bộ binh Lê dương, 1 lính Ba Lan thuộc tiểu đoàn 1 dù Lê dương. Ngoài ra. cùng ký vào bản tuyên ngôn còn có 10 lính Ma-rốc thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 6 bộ binh Ma-rốc. Nguyên bản bản tuyên bố này nằm trong hồ sơ lưu trữ số No 1096 của Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Tác giả trích dẫn theo bản dịch trong cuốn "Chiến tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp" của Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, NXB Quân đội nhân dân phát hành năm 2004)


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 09 Tháng Mười Một, 2008, 05:02:05 pm
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. “Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam", Ban nghiên cứu lịch sử quân đội - Tổng cục Chính trị, NXB Quân đội nhân dân, 1974.

2. "Những chặng đường lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp. NXB Chính trị quốc gia, 1994.

3. "Chiến đấu trong vòng vây", Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân-NXB Thanh niên, 1995.

4. "Đường tới Điện Biên Phủ", Đại tướng Võ Nguyên Giáp. NXB Quân đội nhân dân, 1999.

5. "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội nhân dân, 2000.

6. "Đại đoàn Quân tiên phong-ký sự, NXB Quân đội nhân dân, 1978.

7. "Lịch sử sư đoàn bộ binh 312", NXB Quân ñội nhân dân, 1995

8. "Từ Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ” Nguyễn Khắc Cần-Phạm Viết Thực, NXB Quân đội nhân dân, 1994.

9. "Những người Việt Nam mới", Báo Quân đội nhân dân, NXB Quân đội nhân dân, 2005

10. "Chiến tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp", Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 , NXB Quân đội nhân dân, 2004.

11. "Đêm dài Nhật-Pháp bắn nhau", Bác sĩ Ngô Văn Quỹ, NXB Trẻ, 2001.

12. "Căn cứ địa trong phong trào Cần Vương chống Pháp", Dương Đình Lập, NXB Chính trị quốc gia, 2004.

13. "Những viên tướng ngã ngựa", Nguyễn Phương Nam, NXB Lao động, 2004.

14. "Từ 2B đến S.D.E.C.E", Sỹ Tâm, NXB Công an nhân dân, 1984.

15. "Lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự , Viện lịch sử quân sự Việt Nam, 1986 (Dịch từ bản tiếng Nga).

16. "The French Foreign Legion", Douglas Porch, NXB Harper Collins, 1991.

17. "French Foreign Legion, 1914-1945", Martin Windrow, NXB Osprey, 1999.

18. "French Foreign Legion, lnfantry and Cavalry since 1945", Martin Windrow, NXB Osprey, 1996.

19. "French Foreign Legion Paratroops", Martin Windrow, NXB Osprey, 1985.

20. "Hell in a small place-the siege of Dien Bien Phu", Bemard Fall, NXB Da Capo Press, 1996.

21. "lndochina S.O.S ", Andrée Viollis,. (Paris: Gallimard, 1935)

22. "La guerre d'lndochine", Lucien Bodard.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 09 Tháng Mười Một, 2008, 05:04:57 pm
CHÚ THÍCH

1. Souvenir d’un vieux soldat, H . Spinner (Messeiller, 1906), tr.136.

2. Ghi chép của Dupin, số lưu trữ SHAT, 1 Ki98 của Lưu trữ quân đội Pháp.

3. Jacquot, Mon journal, 19/9.

4. Martyn, Life in-the Legion, tr.206-207.

5. Lelièvre, Campagne, tr.97.

6. Lelièvre, Campagne, tr.110.

7. Rapport, tr.45-46.

8. Martyn, Life in the Legion, tr.226.

9. Douglas Porch, The French Foreign Legion, tr.268.

10. Trung uý Langlois, Quà lưu niệm từ Madagascar (Paris: Charles lavauzelle, 1897), tr.76-77, 89.

11. Lentonnet, Carnets, tr. 86.

12. Trung uý Langlois, Quà lưu niệm từ Madagascar, tr.114.

13. Trung uý Langlois, Quà lưu niệm từ Madagascar, tr.117.

14. Zouaves là tên một đội quân được Pháp thành lập gồm người một số bộ tộc thiểu số tại khu vực Bắc Phi, rất thiện chiến, được sử dụng nhiều trong các cuộc xâm lược thuộc địa của Pháp. Nhiều đơn vị Zouaves đã được đưa sang tham chiến tại Việt Nam khi Pháp xâm lược nước ta. (Chú thích của tác giả).

15. Favrel, Ci-devant legionnaire, tr.140,145, 146.

16. Dương Đình Lập, Căn cứ địa trong phong trào Cần Vương chống Pháp, NXB Chính trị quốc gia, tr.13.

17. Nguyễn Khắc Cần-Phạm Viết Thực, Từ Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ, NXB Quân đội nhân dân, tr.82.

18. Boisset, Tuyen Quang, tr.28-29.

19. Bôn-mat, Souvenir, tr.142.

20. Bôn-mat, Souvenir, tr.147- 148.

21. Douglas Porch, The French Foreign Legion, tr.232.

22. Maury, Mes campanes, tr. 193-194.

23. Maury, Mes campanes, tr. 194-196.

24. Notes, tr. 44.

25. Ngô Văn Hoà, "Những tíếp xúc Pháp-Việt ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ từ 1885 đến 1896", Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 6/1984, tr.67.

26. Dương Đình Lập, Căn cứ địa trong phong trào Cần Vương chống Pháp, NXB Chính trị quốc gia, tr.39.

27. Đại tá Tournyol du Clos, La Légion étrangère au Tonkin 1883-1932.

28. Carpeaux, La chasse aux pirates, tr. 64-65.

29. Pfrmann, Le Sergent Prrmann, tr. 69, 74.

30. Pfrmann, Le Sergent Pfrmann, tr. 82-83.

31. Sylvère, Flutsch, tr. 64.

32. Carpeaux, La chasse aux pirates, tr. 84.

33. Carpeaux, La chasse aux pirates, tr. 84- 85.

34. Le Poer, A Modern Legionary, tr. 127.

35. Carpeaux, La chasse aux pirates, tr. 46.

36. Sylvère, Flutsch, tr. 64.

37. Carpeaux, La chasse aux pirates, tr. 238.

38. Douglas Porch, The French Foreign Legion, tr. 509.

39. Andrée Vlottls, Indochina S.O.S. (Paris: Gallimard, 1935), tr. 159.

40. Douglas Porch, The French Foreign Legton, tr. 509.

41. Dougías Porch, The French Foreign Legion, tr. 509.

42. Douglas Porch, The French Foreign Legion, tr. 510.

43. Andrée Vollis, lndochina S.O.S. (Paris: Gallimard, 1935), tr. 158.

44. Bác sĩ Ngô Văn Quỹ, Đêm dài Nhật-Pháp bắn nhau, NXB Trẻ, tr. 132, tr. 133-134.


Tiêu đề: Re: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.
Gửi bởi: dongadoan trong 09 Tháng Mười Một, 2008, 05:07:08 pm
45. Bác sĩ Ngô Văn Quỹ, Đêm dài Nhật-Pháp bắn nhau, NXB Trẻ, tr. 26-27

46. Bác sĩ Ngô Văn Quỹ, Đêm dài Nhật - Pháp bắn nhau, NXB Trẻ, tr. 32.

47. Bác sĩ Ngô Văn Quỹ, Đêm dài Nhật-Pháp bắn nhau, NXB Trẻ, tr. 34.

48. Bác sĩ Ngô Văn Quỹ, Đêm dài Nhật-Pháp bắn nhau, NXB Trẻ, tr. 123.

49. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị quốc gia, tr. 395.

50. Douglas Porch, The French Foreign Legion, tr. 513.

51. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, NXB Quân đội nhân dân-NXB Thanh niên. tr. 35.

52. Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân - 1974, tr. 254.

53. Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân - 1974, tr. 330.

54. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, NXB Quân đội nhân dân-NXB Thanh niên, tr. 267.

  Lịch sử sư đoàn 31 2 bộ binh, NXB Quân đội nhân dân-1995, tr. 23.

55. Douglas Porch, The French Foreign Legion, tr. 517.

56. Kemenci , Legionnaire en avant, tr. 115.

57. Lucien Bodard, La guerre d'lndochine, tr. 406-9.

58. Douglas Porch, The French Foreign Legion, tr. 521.

59. Báo cáo của tướng Carpentier gửi Thủ tưởng Pháp tháng 10/1950 không đề ngày, số lưu trữ hồ sơ quân sự Pháp SHAT, 10H1142.

60. Kemenci, Legionnaire en avant, tr. 201.

61 . Kemenci, Legionnaire en avant, tr. 20-11.

62. Hồ sơ lưu trữ quân sự Pháp số SHAT, 10H376, 1951.

63. Hồ sơ lưu trữ quân sự Pháp số SHAT, 10H376, tiểu đoàn 2 dù Lê dương 1950.

64. Hồ sơ lưu trữ quân sự Pháp số SHAT, 10H376, tiểu đoàn 2 dù Lê dương 8/1951-3/1952.

65. Hồ sơ lưu trữ quân sự Pháp số SHAT. 10H376, tiểu đoàn 2 dù Lê dương 12/1952.

66. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, NXB Quân đội nhân dân 1999, tr. 307, 308, 327.
Đại đoàn Quân tiên phong, NXB Quân đội nhân dân - 1978, tr. 408-409.

67. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, NXB Quân đội nhân dân 2000, tr. 66.

68. Trung sĩ Kubiak, "Cuộc hành quân Castor", tạp chí Kepi Blanc 10/1962, tr. 36.

69. Hồ sơ lưu trữ quân sự Pháp số SHAT. 10H375, trung đoàn 3 bộ binh Lê dương, quý 3/1950.

70. Douglas Porch, The French Foreign Le gion, tr. 534.

71 . Hồ sơ lưu trữ quân sự Pháp số SHAT, 10H375, tiểu đoàn 2, trung đoàn 5 bộ binh Lê dương, 6/1953.

72. Kemenci, Legionnaire en avant, tr. 211.

73. Hồ sơ lưu trữ quân sự Pháp số SHAT, 10H376, tiểu đoàn 2 dù Lê dương, quý 2/1953.

74. Hồ sơ lưu trữ quân sự Pháp số SHAT, 10H376, bán lữ đoàn Lê dương 13, 1950.

75. Kemenci, Legionnaire en avant, tr. 174.

76. Ainly, ln order to die, tr. 42-43.

77. Ainly, ln order to die, tr. 29, 37.

78. Phan Đắc, "Đơn vị tuyên truyền vũ trang Guillaume Tell", Những người Việt Nam mới, NXB Quân đội nhân dân 2005, tr. 11-14.

HẾT