Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 09:38:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức công binh Trường Sơn  (Đọc 2686 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #10 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:02:38 pm »



Đại tá
Mai Sơn


Sinh năm:   12-1928
Quê quán:   Liên Phương, Tiên Lữ, Hưng Yên
Thường trú: P.105. G6. Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 043. 8544879
Thiếu tá, nguyên Trưởng phòng Tác huấn Cục TMCB. Hiệu trưởng trường Quân chinh BTL 559
Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường lối Quân sự, Học viện Quốc phòng


CÁI CÁN MÁC TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

"Công binh là cán mác, Bộ binh là lưỡi mác, cán mác có
chắc thì mũi mác mới đâm thẳng được vào quân thù"


(Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh)


Mùa hè năm 1969, một bộ phận lớn của Đoàn 559 rút quân về Thanh Hoá chuẩn bị cho chiến địch mùa khô năm 1969-1970.

Vào khoảng tháng 6 năm 1969, hội nghị tổng kết của Đoàn 559 tổ chức tại Sầm Sơn để bàn kế hoạch cho chiến dịch, có đại biểu của các cơ quan Bộ Quốc phòng cùng tham dự. Năm 1969 cũng là năm đánh dấu 10 năm hoạt động của Đoàn 559 (1959-1969) trên tuyến đường Trường Sơn.


Hội nghị mới bắt đầu thì Chính uỷ Vũ Xuân Chiêm đến thông báo chiều nay Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ đến thăm. Nhưng chỉ ít phút sau, Chính uỷ lại quay vào hội trường vội vã nói: "Đại tướng muốn đến gặp anh em cán bộ ngay buổi sáng nay mà không phải là buổi chiều". Vừa dứt lời thì Đại tướng đã bước vào hội trường. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chưa kịp làm nghi lễ, thì Đại tướng đã hướng về phía các cán bộ và hỏi ngay là đồng chí nào đã công tác tại Đoàn 559 được 10 năm. Một vài cánh tay giơ lên, sau đó Đại tướng lần lượt đi xuống từng bàn, ân cần hỏi ai đã ở Đoàn được 9 năm, 8 năm, 5 năm... rồi 3 năm. Vừa đi vừa nhìn khắp lượt cán bộ một cách trìu mến đến tận dãy bàn ở cuối hội trường rồi mới quay lên, Đại tướng tiến đến tấm bản đồ kế hoạch vận chuyển mùa khổ 1969-1970, chỉ tay vào tấm bản đồ vui vẻ nói:

- Chúc cho “cái này” thành công!

Nói xong, Đại tướng quay về phía anh em cán bộ, nháy mắt cười hóm hỉnh:

- “Bem" mà1 (Bem = B.M = Bí mật).

Sau đó Đại tướng điểm danh các cơ quan trên Bộ đến dự tổng kết cùng Đoàn. Khi nói đến Công binh, Đại tướng hỏi:

- Bộ Tư lệnh Công binh có đồng chí nào dự đây không?

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thành, cán bộ Bộ Tư lệnh Công binh đứng lên báo cáo. Với vẻ mặt hơi không vui, Đại tướng nhắc đồng chí Thành về báo cáo với Bộ Tư lệnh Công binh phải tăng cường giúp đỡ cho Đoàn trong chiến dịch tới.


Mùa khô năm ấy, chúng tôi được đón nhiều cán bộ từ Bộ Tư lệnh Công binh, từ Viện Kỹ thuật Quân sự vào cùng phối hợp với chúng tôi đi suốt tuyến đường nghiên cứu quy luật đánh phá của địch và tìm biện pháp khắc phục. Đó là các anh Lê Trung, Hoàng Công Quang ở Bộ Tư lệnh Công binh; các anh Thái Quang Sa, Nhâm Xuân Coóng, Nguyễn Văn Nghênh, Trần Văn Dần, Vũ Văn Thái... ở Viện Kỹ thuật Quân sự.


Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đi đọc tuyến đường Tây Trường Sơn từ đèo Mụ Giạ thuộc Binh trạm 12 đến đường 49, từ Phi Hà đi Tà Ngâu thuộc binh trạm 37 (giáp với Campuchia). Đến Binh trạm 44 (đường B.46 Chà Vằn đi Lan Tôn) tôi bị thương khi đi tiếp đến Binh trạm sau, nên phải quay về cơ quan Đoàn, kết thúc một chuyến đi dang dở.


Đến binh trạm nào, tôi cũng đều muốn ở cùng ban công binh để thuận tiện cho công việc nhưng các thủ trưởng binh trạm lại ưu ái để tôi ở cùng, chẳng hiểu có phải vì một lý do tế nhị nào đó không! Với các thủ trưởng tôi đã gặp, họ đều tỏ ra là những người mến khách và khiêm tôn.


Hôm đến Binh trạm 12, tôi gặp anh Cao Đôn Luân, Binh trạm hưởng để trình bày kế hoạch phổ biến kinh nghiệm chống bom mìn. Anh rất sốt sắng cho tổ chức lớp và nói với tôi là “các anh phải dạy cho cả chúng tôi nữa!”


Đến Binh trạm 32, gặp anh Đặng Văn Ngữ, Binh trạm trưởng, trước kia cùng ở cơ quan Cục Công binh với nhau, nên anh hăng hái giúp đỡ chúng tôi cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng khi tôi vác ba lô đi xuống trọng điểm Lùm Bùm thì anh Phan Hữu Đại - Chính uỷ Binh trạm cứ băn khoăn là chúng tôi đã có đủ những thứ cần thiết chưa, kể cả thuốc lá.


Đến Binh trạm 34, làm việc với Công binh xong, tôi đang ngồi suy tư thì anh Phạm Thái, Chính uỷ Binh trạm đến động viên: “Anh lại đằng kia chơi đi!”, vừa nói anh vừa chỉ tay về phía anh chị em thông tin và công vụ đang tập trung ở đó. Tôi cười, trả lời một cách tự nhiên: “Tôi mới đến chưa quen ai cả”.


Cuộc chiến của Công binh trên tuyến đường này là ác liệt và cũng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhưng nếu có ai hỏi tôi: "Biểu tượng chiến đấu của Công binh trên đường Trường Sơn là gì?" thì tôi sẽ trả lời: "Đó là các đài quan sát và các trọng điểm”.


Các đài quan sát ngày đêm bền bỉ bám sát hành động của địch là cơ sở quyết định biện pháp chống phá bom mìn. Nhờ đó các trọng điếm được bảo vệ vững chắc, thể hiện sức sống mãnh liệt của con đường.


Thời gian đi nghiên cứu của chúng tôi từ cuối năm 1969 đến giữa năm 1970 chia thành từng đợt, không liên tục. Có lần đang đi công tác đến các Binh trạm, tôi được gọi quay ra, từ Lùm Bùm vượt qua Ta Lê, qua rất nhiều trọng điểm trên đường 20. Đi ngày, đi đêm để kịp đến Cổ Giang, Quảng Bình - nơi Trường 69 mới thành lập, để ngày hôm sau lên lớp (thật là quan trọng quá!). Lần khác, tôi cũng phải đến Km 18 đường 10 để giảng bài và đến cuối năm 1970 thì được về hẳn nhà trường.


Đến Tiểu đoàn 2 Công binh thuộc Binh trạm 12 đang chốt giữ trọng điểm Seng Phan, tôi gặp các anh Cao Xuân Thung, Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Độc Lập, Chính trị viên Tiểu đoàn đều là cán bộ thuộc Trung đoàn 152 Quân khu IV mà trước đây tôi làm Trung đoàn trưởng. Anh em gặp lại nhau nên rất vui mừng, anh Thung cho chúng tôi biết tình hình đơn vị rồi dẫn chúng tôi đến sở chỉ huy tiền phương của Tiểu đoàn ở sát trọng điểm trong một hang đá tương đối rộng và cao hơn mặt đường đến vài mét.


Khi gần tới Sở chỉ huy thì một tốp máy bay ập đến thả bom từ trường. Chúng tôi kịp chạy về đến cửa hang, quay lại nhìn thấy bom từ trường đã bung cánh rơi xuống. Trước cửa hang có một khoảng đất rộng vài mét vuông, tôi đứng đó như trên ban công, nhìn cuộc chiến đang diễn ra ở dưới thấp, thấy rõ mồn một các chiến sỹ trực chiến ở đài quan sát đã lao ra dưới những làn bom đang dội xuống để đánh dấu điểm bom rơi. Tôi nhìn mà không phản ứng kịp, nên đã lúng túng không lôi được chiếc máy ảnh trong ba lô để chụp một cảnh thật hiếm có này. Nói cho đúng, chúng tôi mang theo máy ảnh chỉ để chụp những cảnh tĩnh cần thiết, chứ đâu phải là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp hay phóng viên chiến trường, lúc nào máv ảnh cũng đeo lủng lẳng trước ngực để khi cần là sẵn sàng chớp lấy thời cơ bấm được những cảnh “thật 100%" như thế này mà chẳng cần phải bài binh bố trận gì cả.


Trong thời gian ở Seng Phan, anh em kể cho tôi nghe một câu chuyện về một nhà quay phim đến nhờ đơn vị giúp đỡ cho quay cảnh trọng điểm Seng Phan. Tuy đơn vị đã cử người đi theo bảo vệ và chọn thời điểm theo quy luật địch sẽ không đánh phá để nhà quay phim có thể yên tâm tác nghiệp. Nhưng có lẽ do quá choáng trước cảnh hoang tàn nơi trọng điểm, nên nhà quay phim đã quay về mà không thể quay được một thước phim nào. Mọi người hỏi tại sao không quay mà lại trở về sớm thế, thì nhà quay phim nói tránh đi là “máy không lắp phim”. Anh em động viên cứ lắp phim vào rồi đơn vị lại cử người đưa đồng chí ra trọng điểm quay lại, nhưng nhà quay phim nọ không trở lại trọng điểm để quay phim nữa. Có phải anh em sáng tác câu chuyện này để đùa trêu tôi đã chụp “hụt" một cảnh chiến đấu ở nơi đây chăng?


Còn tôi, sau đợt nay, đã để máy ảnh lại đơn vị vì mấy lần phải qua nơi có bom từ trường, đã vi phạm nguyên tắc để vật bằng kim loại trong ba lô.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #11 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:03:48 pm »

Ở trọng điểm Seng Phan một tuần lễ, chúng tôi sống cúng với anh em những giờ phút căng thẳng, lo âu, hồi hộp, vui có, buồn có,... Ban ngày nghỉ ngơi, tranh thủ ngủ, chuẩn bị cho trận chiến đấu trong đêm, nào thuốc nổ, khung đây, nào xẻng nào cuốc,... Cũng có nhóm tranh thủ đánh vài ván "tiến lên". Còn cán bộ chỉ huy như anh Thũng và các chỉ huy phân đội thì mắt lúc não cũng đỏ ngầu hay thâm quầng vì thiếu ngủ.


Ban ngày, tôi đi quan sát được gần như toàn cảnh trọng điểm này. Trọng điểm bị đánh tan hoang, không còn một tí màu xanh của cỏ cây, chỉ còn vài gốc cây cháy dở đang đen sì. Mỗi khi có cơn gió thổi qua thì bụi, đất, đá bay mù mịt. Đường sá nham nhở, đất đá, cây cối đổ ngổn ngang. Những lèn đá cạnh đường bị nứt toác, bom phạt nham nhở như vạc.


Đứng giữa cảnh hoang tàn này, ngay cả lúc yên ắng cũng vẫn cảm thấy rợn người. Trong sự im lặng ghê người ấy, vẫn như luôn cảm thấy những con mắt rình mò nào đó ở xung quanh để bất thần ập đến những tai hoạ.


Khi chiều tà buông xuống cũng là lúc công tác chuẩn bị chiến đấu trong sở chỉ huy diễn ra rất khẩn trương nhưng vẫn trong một không khí bình thản. Tiếng máy bay gầm rú trên nóc hang như xé toạc bầu trời. Những tiếng nổ chát chúa của bom, mìn, đạn, bộc phá,... đã tạo nên một thứ âm thanh khủng khiếp mà tôi không biết gọi nó là gì?


Trong cái âm thanh hỗn độn khủng khiếp trộn với thứ không khí đặc quánh các loại khói bụi ùa vào trong hang, vẫn vang lên giọng chỉ huy dõng dạc của anh Cao Xuân Thung với các phân đội trực chiến ứng cứu, lúc nói bằng bộ đảm, lúc báo cáo bằng điện thoại, vẫn rõ ràng, mạch lạc tuy có lúc tiếng anh đã khản đặc vì bụi khói.


Chúng tôi chỉ ở có vài ngày với đơn vị nên không hiểu hết cuộc chiến đấu diễn ra ngày lại ngày của anh em. Nhưng với cuộc chiến của đơn vị trên trọng điểm này, có thể khẳng định một điều: “Dù con đường có bị đánh phá tan tành, hình dạng có thể bị thay đổi nhiều lần, vị trí bị chuyển dịch bao nhiêu bận thì con đường vẫn không hề mất đi mà sẽ tồn tại cho đến ngày chiến thắng”. Và Tiểu đoàn 2 chốt giữ tại đây đã hai lần được phong danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.


Nghiên cứu quy luật đánh phá của địch không gì tốt hơn là xông thẳng vào các trọng điểm, vì ở đó sẽ phơi bày tất cả các thủ đoạn của chúng cùng những phương tiện vũ khí hiện đại luôn được cải tiến và sử dụng một cách tối đa.


Dùng thô sơ để thắng hiện đại thì Công binh cũng đáng mặt “chiếu trên". Việc phá bom từ trường cũng từ phương pháp “cuốc cùn, xẻng cụt” rồi đến khung dây, đến xe phóng từ cũng thô sơ như vậy.

Nói đến khung dây phá bom từ trường thì không thể không nhắc đến các anh em Viện Kỹ thuật Quân sự: Thái Quang Sa, Nhâm Xuân Coóng, Nguyễn Văn Nghênh,... những người đầu tiên đưa khung dây vào chiến trường Trường Sơn và đã phát huy tác dụng mà chính tôi cũng đã được chứng kiến mấy lần. Hôm chúng tôi đi đến Binh trạm 31, giữa đường gặp một tổ công binh ngăn lại không cho đi vì có bom từ trường. Tôi nói với anh em: "Sao lại phải dừng, quàng cổ nó cho nó nổ mà đi chứ". Hai anh Lê Trung, Hoàng Công Quang cùng đi với tôi đã giúp anh em bố trí dây và kiểm tra tác nghiệp. Một tiếng nổ “oành” vang lên nhanh như chớp. Tuy đã biết trước kết quả mà tôi vẫn thấy ngỡ ngàng.


Với loại mìn vướng nổ hiện đại, nguyên lý vận chuyển phức tạp, rất nhạy nổ thì Công binh đã trị nó bằng phương pháp rất thô sơ: dùng sào tre để chọc, dùng chổi cán dài quét như quét rác. Anh Vũ Sơn là người đã tháo được quả mìn vướng nổ ra để nghiên cứu nguyên lý cấu tạo của nó.


Nói đến vấn đề nghiên cứu bom mìn thì không thể quên được công lao của các anh ở phòng Tác huấn Cục Công binh như: Nguyễn Đình Phơ, Nguyễn Thời Đại, Vũ Sơn, Nguyễn Ngọc Biên,... đã một thời gắn bó với cái nghiệp đầy bất trắc này. Anh Nguyễn Ngọc Biên đã hy sinh bởi bom từ trường trên đường đi công tác, anh Nguyễn Đình Phơ bị thương ở Ka Tốc, về nghỉ hưu tại Hà Nội, anh vẫn còn di chứng của bom, có lần động kinh, lăn đùng trước cửa hiệu bách hoá tổng hợp.


Va chạm với bom mìn như vậy, thương vong luôn rình rập, buộc lòng ai cũng phải thận trọng, không được phép một chút chủ quan. Ấy vậy mà sự lơ là coi thường sinh mạng vẫn cứ xảy ra. Đi bộ cả ngày, tối hôm đó chúng tôi vào nghỉ với tổ công binh trực chiến ở sát đường. Hầm chữ A chắc chắn, căng ni lông sạch sẽ. Một ngọn đèn dầu bằng vỏ quả bom dứa đặt lên cái hộp các tông để trong hốc tường hầm. Liếc nhìn cái hộp, tôi hỏi anh em: “Hộp gì đây?” Một đồng chí nói: “Hộp đựng kíp mìn". Tôi hỏi: “Hộp không chứ?”. Đồng chí đó nói cứ như không có chuyện gì: “Hộp vẫn còn kịp". Tôi yêu cầu mở hộp ra, bên trong đầy ắp kíp mìn vàng choé! Tôi toát mồ hôi hột, tóc gáy như muốn dựng ngược. Điều gì sẽ xảy ra khi hộp kíp mìn nổ tung trong cái hầm kín với những mái đầu đang chụm vào cây đèn? Và tôi bỗng nhớ một câu nói cảnh báo đối với Công binh mà dẫu có nhắc đi nhắc lại cũng không bao giờ cũ: “Trong nghiệp bom mìn, Công binh chớ có phạm sai lầm. Nếu pham sai lầm thì đó là sai lầm đầu tiên và cũng là sai lầm cuối cùng trong đời”.


Một lần chúng tôi đang đi trên đường B46, từ Chà Vằn đến Lan Tôn thuộc Binh trạm 44, tôi thấy chiếc máy ủi đất đang san lấp hố bom. Đó là chiếc máy ủi của Mỹ, anh em nói là lấy được của địch ở sân bay Khâm Đức. Đúng là lấy vũ khí địch để đánh địch. Ngày hôm sau, chúng tôi theo xe tải của binh trạm đến Tiểu đoàn 21 Công binh, đơn vị đã mang chiếc máy ủi ở sân bay Khâm Đức về. Tôi hôm đó, tôi nghe đồng chí tiểu đoàn trưởng Công binh kể chuyện. Đúng là một kỳ tích, một cuộc đấu trí giữa ta và địch. Hàng ngày máy bay địch vẫn rà soát canh giữ chiếc máy ủi còn ở sân bay. Ta làm máy ủi giả, cũng nguỵ trang cẩn thận, lừa cho chúng tưởng máy ủi vẫn ở đó. Máy ủi thật được chuẩn bị đầy đủ, bí mật cho chạy vào ven rừng rồi phát rừng cho máy đi theo đường rừng ra đường B46 dưới sự lùng sục gắt gao của địch.


Tôi đã đi bộ, đi xe, đi ban ngày, đi ban đêm trên tuyến đường này. Tôi cũng đã lên một vài đài quan sát, đến đôi ba trọng điểm và rút ra được những điều bổ ích. Nhưng so với các anh trong phòng Bảo đảm giao thông mà hồi đó anh Nguyễn Văn Kỷ1 (Sau đó là Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Công binh) là Trưởng phòng, thì những chuyến đi ấy của tôi cũng chẳng thấm tháp gì. Nhất là với anh Phan Công Khang, người nắm rất chắc tuyến đường này. Tôi hỏi đâu anh nói đó, sẵn sàng vẽ ngay sơ đồ trọng điểm mà tôi cần một cách khá chi tiết làm tôi phải phục lăn và trong thâm tâm đã coi anh như nhà “bách khoa toàn thư” về con đường chiến lược này. Khối lượng hiểu biết về con đường tỉ lệ thuận với những lần anh đặt dấu chân mình lên khắp ngả đường trong vị thế của người cán bộ bình thường phải ăn nhờ, bám xe đi ghé, chứ chưa phải là cán bộ tầm cỡ, có xe đưa người đón, tiền thưa hậu gửi.


Năm 1968, có việc đến Binh trạm 33, tôi giữ lễ đến trạm khách mà không vào thẳng thủ trưởng Binh trạm, lúc đó anh Nguyễn Huệ là Binh trạm trưởng, anh Nguyễn Linh Anh là Chính uỷ. Trạm khách là cái nhà thùng, cũng có hầm chữ A sơ sài cạnh đó. Một cái sạp nứa nằm vừa hai người. Lúc đó trên sạp có một người nằm đắp miếng vải dù hoa. Thấy tôi vào người đó vùng dậy. A! Hóa ra là Phan Công Khang. Anh Khang trước kia cùng ở cơ quan Tác chiến Cục Công binh Bộ Quốc phòng với tôi. Mấy năm mới gặp lại nhau trong chiến trường nên tôi mừng rỡ vì đã có bạn tâm tình trong lúc còn lạ nước lạ cái:

Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng chắc đã những ngày một hai.

Cuối cùng, tôi cũng xin hé lộ là tại sao lại lấy tựa đề cho câu chuyện này như trên. Tôi có một người bạn chiến đấu từ hồi “9 năm" là anh Nguyễn Văn Thuận - hiện là giáo sư - tiến sỹ, công tác ở Học Viện Kỹ thuật Quân sự. Trong một buổi giao lưu với các bạn trẻ trước khi nghỉ hưu, có người hỏi anh đang làm nghề gì? Anh Thuận đã trả lời đầy tự hào: “Từ khi vào bộ đội đến nay, tôi vẫn làm nhiệm vụ cái cán mác!”.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #12 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:06:50 pm »

VÀO ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Đại tá Mai Sơn


Đầu tháng 12 năm 1964, tôi đi theo đoàn cán bộ do anh Nguyễn Văn Nhạn, Tham mưu phó Cục Công binh Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn sang tây Trường Sơn nắm tình hình công tác của Trung đoàn 98.


Đoàn có đủ thành phần Tham mưu, Chính trị, Hậu cần. Riêng anh Đinh Bờn và tôi có quyết định vào nhận công tác tại Trung đoàn 98. Anh Đinh Bờn nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn, tôi là Tham mưu phó Trung đoàn. Tháng 12 năm 1964 cũng là mốc thời gian tôi bắt đầu vào Trường Sơn.


Không thể so sánh với những người đi tiên phong mở đường theo dãy Trường Sơn được tôn vinh là “Những người vạch lá soi đường" cùng những nguyên tắc, hành động bất đi bất dịch mà người đời không bao giờ quên: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" nhưng tôi lại là người vô cùng may mắn được đi cùng đoàn và gặp dịp được đi thử một chặng đường ôtô mà Trung đoàn 98 vừa làm xong từ Mường Noòng đến Bạc trên hai chiếc xe vận tải loại Gatz-63 một cầu, cũ kỹ, của Tổng cục Hậu cần, mở đầu thời kỳ xây dựng đường vận chuyển bằng cơ giới phía tây Trường Sơn của Đoàn 559.


Tuy là cán bộ đi công tác ngắn ngày, nhưng chúng tôi cũng được trang bị như cán bộ đi B. Chỉ có điều không có thời gian bồi dưỡng sức khoẻ và rèn luyện thô lực. Có lệnh là tập trung tại nhà anh Nhạn, 12A Lý Nam Đế, xe đã trực sẵn, chỉ chờ chúng tôi đến là lên đường.


Chiếc Gatz - 69 đít vuông bịt kín, dọc đường không tạt ngang, rẽ dọc. Tới Vinh chúng tôi nghỉ lại trong trạm, không được ra ngoài phố.

Trên đường vào Làng Ho, đến ngầm Bang trên đường Thạch Bàn - Làng Ho1 (Sau này là một trục ngang quan trọng có tên gọi là đường 16) gặp nước to, xe con không qua được, phải nhờ chiếc xe tải cho vượt qua ngầm. Mặt ngầm quá gập ghềnh, đá xếp lổn nhổn, xe đi nghiêng ngả, chồm lên gục xuống, người tưởng như muốn văng ra khỏi xe.


Đề tài “Đi theo đường giao liên" tôi đã nghe mấy lần, đến bây giờ mới thực sự được đi trên con đường này với biết bao bỡ ngỡ ban đầu nên nhất nhất làm theo sự hướng dẫn của các đồng chí giao liên. Đoàn chúng tôi chỉ có dăm người, nhưng nhờ cái "uy” của anh Nhạn nên được ăn ở trong trạm không phải ra “bãi khách".


Nhờ được rèn luyện, chiến đấu gian khổ trong kháng chiến chống Pháp, nên dù đã gần chục năm hưởng cuộc sống hoà bình ở miền Bắc, nhưng khi trở lại chiến trường, chúng tôi đã nhanh chóng thích nghi và sẵn sàng đón nhận sư ác liệt của chiến hanh đang chờ mình.


Vượt qua mấy trạm giao liên, lương thực đù đã tiêu hao dần, nhưng có cảm giác ba lô lại càng thêm nặng. Khi tới Mường Noòng, đoàn được thông báo là sẽ đi thử bằng xe cơ giới, chặng đường do Trung đoàn 98 mới làm xong đến sông Bạc.


Hôm đó là một ngày nắng ráo trung tuần tháng 12 năm 1964, Tổng cục Hậu cần cho hai chiếc xe Gatz 63 một cầu, không mui, chở chúng tôi. Một chiếc do cán bộ Tổng cục điều khiển có cán bộ của Trung đoàn 98 đi cùng, một chiếc cho đoàn chúng tôi do anh Nhạn chỉ huy. Xe đi ban ngày, tôi thấy rõ con đường mới mở và nhận ngay ra hai điều thật giá trị:

- Thế nào là con đường quân sự làm gấp.

- Thế nào là như bị “rang cà phê”, ruột gan chúng tôi cứ như muốn lộn tùng phèo lên.

Xe đi tới đâu, dân bản gần đó chạy theo xem một cách thích thú. Gặp một dốc cao đường trơn, chúng tôi ra hiệu nhờ họ kéo lên. Đông đảo mọi người xúm vào, nắm lây dây “cáp”, lôi phăng xe lên, mạnh hơn cả kéo “tời”.


Cuối cùng chúng tôi cũng đi tới Bạc, vượt qua đoạn đường cheo leo, lắm dốc cao. Nhiều đoạn xe lao xuống dốc như không phanh, cây cối ngụy trang hai bên đường, mặc sức quật vào đầu và người chúng tôi. Còn chúng tôi cứ ôm đầu lăn như mõ trong thùng xe mà cảm nhận về con đường thử nghiệm này bằng cả năm giác quan!


Cuối tháng 12 năm 1964, tôi đến Trung đoàn bộ 98 và ngày 01 tháng 01 năm 1965 đã đi trinh sát từ Bạc vào phía trong cùng các anh Hoàng Tiến Vinh, Trưởng tiểu ban tác huấn; Nguyễn Văn Bảy, Hoàng Quỳnh, Trợ lý tác huấn; Nguyễn Xuân Quang, Trung đội trưởng Trinh sát và mấy đồng chí trinh sát. Trên đường đi, chúng tôi đã chạm ngay hai cái dốc lớn: Bô Phiên và Sê Ka Mán.


Vượt sông Sê Ka Mán, ở Hạ Lào trời vân nóng, tuy luc này đã là đầu tháng 12 âm lịch năm Giáp Thìn. Người dân nơi đây có tục xăm mặt, xăm môi để trang điểm. Cái lỗ tai to tướng chảy xệ xuống để đeo cái khuyên bằng tre, đường kính có đến 3 cen ti mét. Người “cà răng” tôi đã gặp nhiều lần, những người “căng tai” thì đây là lần đầu tiên tôi mới gặp. Thấy khách đến nhà, cô gái vội lấy chiếc khuyên tre ở trong bọc vừa nhét vào lỗ tai vừa liếc nhìn khách, vẻ e thẹn.


Trở về Trung đoàn bộ, tôi tranh thủ phổ biến kinh nghiệm trinh sát cầu đường cho anh em trinh sát, bổ sung một số kiến thức về chất độc đi-ô-xin và cách phòng tránh.

Anh Phan Quang Tiệp, Trung đoàn trưởng rất quan tâm đến tôi, một phần vì tôi mới đến đơn vị, một phần trước đây chúng tôi ở cùng cơ quan Tham mưu Cục Công binh. Anh kéo tôi đi xem xét đường bộ và đường sông từ Bạc đến Pắc Ca Don. Một cán bộ của Tiểu đoàn 3 đưa tôi đi xem các thác Hạt Vi, Chặc Cầu, Keng Lê Cao... Đó là những thác dữ, nhất là Keng Lê Cao. Muốn khai thông đường sông phải phá nhiều thác. Liệu nơi đây, trên con sông Sê Kông này, có lặp lại hình ảnh người anh hùng phá thác trên sông Nậm Na trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa?


Chuyến đi với anh Phan Quang Tiệp lần này có một kỷ niệm khó quên. Một buổi chiều tối, chúng tôi đến một bản vắng tanh, không một bóng người, nhưng lợn vẫn kêu dưới sàn nhà, gà vẫn vỗ cánh trên cành cây. Soi đèn thấy một mảnh giấy cài ở cổng bản. Nhưng chẳng ai đọc được chữ Lào nên không dám vào vì sợ bị bắt vạ. Anh Tiệp cùng một trinh sát đi tìm dân để hỏi. Hơn một tiếng sau, anh trở về thở phào và thông báo: mảnh giấy đó ghi là “Bộ đội Pathét Lào cứ vào bản nghỉ". Thế là chúng tôi yên tâm vào bản nghỉ ngơi.


Qua sự việc trên tôi nghĩ: Mình phải tìm cách học chữ Lào. May mắn là hôm đến Bản Chinh, tôi nhờ được một chuyên gia Việt Nam dạy chữ Lào. Chỉ trong hai tiếng buổi trưa tôi đã đọc được chữ. Nhưng “văn ôn võ luyện” không dùng, nên cũng chóng quên.


Tết Ất Tỵ, ngày 02 tháng 02 năm 1965, chúng tôi theo anh Tiệp sang chúc tết Tỉnh uỷ Ta Vên Oọc1 (Tiếng Lào - Ta Vên Oọc có nghĩa là mặt trời mọc, tiếng Việt gọi là tỉnh Miền Đông nay là tỉnh Se Kong). Dự liên hoan xong, tôi mệt nên về trước, mọi người nhảy “lăm vông” đến tận khuya.


Sau Tết, tôi cùng một tổ tiếp tục đi trinh sát. Chúng tôi đi lại các bản Tà Un, Sa Khôn, Chà Rế, Bản Lôi, Bản Chinh... Có hôm chỉ hai anh em, tôi và đồng chí Diệu, tới đâu trời tối thì vào bản xin ngủ nhờ.


Một lần vào bản Sa Khôn, dân sơ tán dưới khe sâu. Đêm nằm thấp thỏm nghe họ nói mà không thể hiểu được, cứ nhìn nhau bằng một thứ ngôn ngữ riêng. Chẳng ai đoán được điều gì sẽ xảy ra với mình. Sáng dậy ra khỏi bản lại nghĩ rằng có khi chạm trán với biệt kích tối qua cũng ngủ nhờ trong bản mà không biết lại còn “sa ma khi”2 (Samakhi: Đoàn kết) cũng nên. Một lần khác, trời tối chúng tôi tạt vào vạt rừng mắc võng ngủ, suýt nữa toi mạng với mấy chú voi.


Những ngày ở Trung đoàn 98 là một chuỗi ngày đi trinh sát. Chỉ gần ba tháng trời tôi đã gặp rất nhiều gian nan, trắc trở. Có lúc thấy lẻ loi trên đường, nhưng so với những đội trinh sát đi trước của các anh Nguyễn Văn Bền, Trần Minh, nhất là đội của anh Hoàng Đình Luyến1 (Trung đoàn trưởng Trung đoàn Rạng Đông) đã đi trinh sát từ Bản Đông đến Bạc làm cơ sở mở đường của Trung đoàn cuối năm 1964, thì tôi là người may mắn được thừa hưởng thành quả của người đi trước và có một hậu thuẫn lớn cho công việc của mình, đó là cả một trung đoàn đang thi công ở phía sau.


Tôi đang trên đường đi công tác thì có lệnh gọi về Cục Công binh Bộ Quốc phòng viết tổng kết.

Đầu tháng 6 năm 1965, đang ngồi viết tổng kết "Bảo đảm công trình trong chiến dịch Biên giới năm 1950 thì tôi nhận được lệnh sang Đoàn 559, trụ sở tại 63 Lý Nam Đế, để nhận nhiệm vụ.

Tôi được xung ngay vào đoàn công tác đi thị sát đường từ Phong Nha đến Vin Kà Roòng lên biên giới Việt - Lào.

- Anh Nguyễn Nam Hải, Phó Viện trưởng Viện Thiết kế, Bộ Giao thông vận tải làm Trưởng đoàn.

- Anh Phi Đình Tuân2 (Sau này anh Nam Hải là Thứ trưởng, Phi Đình Tuấn là Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giao thông vận tải) người có nhiều kinh nghiệm khảo sát đường vùng Tây Bắc phụ trách kỹ thuật cùng một số cán bộ khác.

- Tôi, Mai Sơn, được Cục Công binh cử sang cùng đi, nhưng tôi được tổ chức giao làm Bí thư Chi bộ của đoàn công tác.

Cũng vì thế mà nhiều lúc cao hứng, nổi máu “hài” lên, Phi Đình Tuân lại "phang” cho tôi một “nhát” là Chính uỷ, một chức danh mà sau này khó tìm ra xuất xứ trong tổ chức nửa quân nửa dân lúc bây giờ.


Cầm mảnh bản đồ 1/100.000, loại bản đồ cũ của Pháp in, tôi nhận ra ngay một vùng đá vôi hiểm trở, không thể hiện đường đồng mức, chỉ có đường sông núi và những điểm cao đặc biệt. Vì có thời gian làm nhiệm vụ trinh sát công trình nên tôi cũng biêt: Đó là vùng đá vôi Kẻ Bàng, một vùng các-x-tơ (karst) điển hình nhất của miền Bắc Việt Nam, không có dòng chảy trên mặt, nhiều hang động ngầm, nổi tiếng là động Phong Nha. Nơi đây dân cư thưa thớt, có nơi từ xưa không một bóng người. Ở cửa rừng gần động Phong Nha, số dân Arem ta mới tìm được, quy tụ tại bản Tân Trạch. Cuộc sống của họ vẫn như còn ở trong hang, dùng cây que gác vào vách đá để che mưa nắng, tránh thú dữ, cứ như người nguyên thuỷ.


Đoàn chia làm hai mũi đi trinh sát:

- Một mũi đo anh Nam Hải phụ trách đi từ Khe Nét - Đoòng - Khe Tum lên biên giới Việt - Lào.

- Một mũi do anh Phi Đình Tuấn phụ trách đi từ Khe Nét - Cù Mạ - U Bò - Kà Roòng lên biên giới Việt - Lào, triển khai từ ngày 07 tháng 7 năm 1965, ngày 17 tháng 7 năm 1965 đến Vin Kà Roòng, rồi quay lại động Phong Nha. Tôi tham gia mũi trinh sát này.

Dựa vào loại bản đồ có trong tay, loại bản đồ vùng núi đá vôi không thể hiện đường đồng mức để vạch tuyến đường trước đã khó khăn, căn cứ vào đó mà xem xét trên thực địa cũng chăng dễ dàng gì.


Kinh nghiệm khảo sát đầy người như anh Tuấn còn phải chật vật với dãy núi đá vôi hiểm trở, chẳng có người dẫn đường, cùng những địa danh còn lạ lẫm Ba Thang, Cù Mạ, U Bò…” đã phải lắc đầu lè lưỡi mà kêu là “con đường hóc búa”.


Trong thời gian ngắn ngủi trên đường trinh sát, gặp hai sự kiện làm tôi liên tưởng ngay đến sự gian khổ sau này các anh trong tổ anh Tuấn sẽ phải chịu đựng:

- Duy nhất một lần gặp người dân đóng khố cởi trần len lỏi trên con đường mòn gập ghềnh đến đồn biên phòng nhờ y tá đến cấp cứu cho ông trưởng bản bị ngã trên cây xuống. Nhưng không kịp, ông đã chết trước khi y tá đến.

- Chúng tôi phải gạn nước ở một khe cạn, túm vào ni lông vác lên Cù Mạ để nấu cơm ăn tối.

Ấy vậy mà sự liên tưởng của tôi còn xa với thực tế mà các anh đã phải gồng mình lên chịu đựng trong các lần đi trinh sát tiếp theo.

Nhưng các anh đã được đền bù, tư liệu các anh thu thập được đã có sức thuyết phục, góp phần quyết định việc chọn tuyến đường này mà tác dụng to lớn của nó trong cuộc chiến chi viện cho miền Nam ruột thịt đã rất rõ ràng.


Không những thế, con đường 20 Quyết Thắng đó, ngày nay còn là điểm nhấn lịch sử trong quần thể di tích của khu du lịch sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #13 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:09:06 pm »

NỮ TƯỚNG PHÀN LÊ HOA Ở TRƯỜNG SƠN


Đại tá Mai Sơn
Thân mến tặng anh chị em
Thanh niên Xung phong quê Hưng Yên


Cuối năm 1970, tôi về phụ trách trường Huấn luyện của Bộ Tư lệnh Đoàn 559.

Một hôm, sau cuộc họp, trở về phòng làm việc, tôi thấy một phong thư trên bàn. Bì thư trịnh trọng nắn nót đề tên tôi, có cả cấp bậc, nhưng lại không có tên người gửi. Đôi khi tôi nhận những lá thư như thế, nhưng thư riêng mà ghi cả cấp bậc như thế này thì đây là lần đầu. Nhìn nét chữ chân phương, mềm mại nhưng lạ lẫm, tôi không đoán được là của ai. Mở ra xem mới hay đó là thư của Phàn, Phạm Thị Phàn1 (Phạm Thị Phàn, thôn Đại Nại, xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, đi thanh niên xung phong năm 1965) - cô gái lái xe đồng hương mà tôi gặp ở Cổng Trời hồi cuối năm 1969. Trong thư Phàn cho tôi hay là cô không ở binh trạm nữa mà đã về công tác tại xưởng sửa chữa của đoàn. Cô kể về quê nhà, về công việc và cả về người yêu cô...


Vừa lúc đó, đồng chí Trợ lý xe máy của Trường đến báo cáo:

- Hôm đến xưởng sửa chữa nhận xe, tôi gặp một cô gái lái thử xe trên bãi. Cô ta lái "khiếp" lắm. Khi biết thủ trưởng ở đây, cô ấy vội vào nhà xe, viết thư này, nhờ tôi mang về và nhắn khi nào thủ trưởng có điều kiện, rẽ qua xưởng, sẽ nói chuyện nhiều.


Nhớ lại một ngày cuối tháng 10 năm 1969, tôi cùng Lê Văn Trung và Hoàng Công Quang1 (Lê Văn Trung là PTS về phá nổ, nhà ở phố Đốc Ngữ, Hà Nội; Hoàng Công Quang là kỹ sư hoá nổ, hiện ở 302/G3B Thành Công, Hà Nội), hai cán bộ Ban Nghiên cứu của Bộ Tư lệnh Công binh vào Trường Sơn nghiên cứu quy luật đánh phá của địch, đồng thời phổ biến kinh nghiệm khắc phục bom mìn địch cho các đơn vị trên tuyến...


Chiếc Gatz-69 đưa chúng tôi đến ngã ba Khe Ve, rời đường 15A rẽ vào đường 12 đi Mụ Giạ. Đèo Mụ Giạ nằm trên biên giới Việt - Lảo, ở độ cao hơn 400 mét so với mặt nước biển, là một trong những đèo vắt qua đỉnh dãy Trường Sơn để sang nươc bạn Lào. Đường Khe Ve đi Mụ Giạ dài 45 ki lô mét, quanh co, khúc khuỷu, lắm đèo dốc, có dốc ngoằn ngoèo mang cái tên rất hình tượng: dốc Ruột Gà. Với tôi, đường 12 này khá quen thuộc, vì có thời gian tôi đã chỉ huy trung đoàn hỗn hợp công binh - cao xạ bảo đảm vận chuyển ở đây.


Sáng hôm đó, sương mù dày đặc, cách 10 mét đã không rõ mặt người. Lưng sườn núi và dưới vực sâu chỉ thấy một biên sương mù trắng xoá. Ai đã từng đi xe trong sương mù giữa ban ngày mới thấy hết giá trị của bức màn ngụy trang thiên nhiên hết sức lý tưởng này. Dạo ấy dù đêm tối đen như mực, xe chạy hay thậm chí chỉ mới nổ máy, cũng vẫn bị máy bay C130 của địch có kính hồng ngoại phát hiện và bắn trúng liền. Nhưng sương mù dày đặc và ẩm đã bịt chặt những con mắt cú vọ của máy bay địch.


Xe chúng tôi leo gần đến Cổng Trời thì gặp một chiếc xe tải chạy cùng chiều, đang đỗ lại bên đường. Vượt lên quá một đoạn chúng tôi cũng dừng lại. Qua cửa xe, một cô gái mặc thường phục dáng quen quen, đứng cạnh kho hàng tay chỉ trỏ. Khi cô quay lại, tôi chợt nhận ra và reo lên:

- Phàn!

Phàn ngẩng lên. Nhận ra tôi, cô lao nhanh đến bên xe mừng rỡ. Cô rối rít hỏi han đủ chuyện rồi kể: sau khi Trung đoàn Công binh 251 vào chiến trường thì nhiều anh chị em thanh niên xung phong cũng vào bộ đội. Một số nữ được đi học lái xe. Học xong, phần lớn chạy xe ở tuyến sau. Riêng Phàn và một số chị em phục vụ tại Binh trạm 12 - binh trạm tiền phương.
Giơ chiếc đồng hồ đeo tay, Phàn khoe:

- Lái xe qua trọng điểm địch đánh phá nên em được thưởng đấy!

Tôi thấy vui lây niềm vui của em và cứ để Phàn kể mọi chuyện, không chêm vào câu nào. Thực ra cũng không xen vào đâu được, vì hình như Phàn lo không có đủ thời gian để nói...

Nhớ lại hồi Trung đoàn 251 chúng tôi cùng anh chị em thanh niên xung phong xây dựng sân bay Yên Bái, có lần tôi nói đùa là “phải cho em đi học lái máy xúc”, tôi hỏi:

- Thế em không đi học lái máy xúc à?

Phàn cười giòn tan:

- Nếu thế thì làm sao em lại đứng ở đây được!

Ngoái lại phía xe của Phàn, tôi hỏi:

- Ai đi cùng xe với em thế?

- Cái Tiếp anh ạ! Anh không biết nó đâu! Nó bị thương, điều trị chưa khỏi hẳn mà đã đòi về, tiếp tục đi với em đây!

Rồi cũng đến lúc phải chia tay. Tôi chỉ kịp ghi số hòm thư của Phàn vào cuốn sổ tay. Nhanh như sóc, Phàn chạy về xe mình và lập tức đã nghe tiếng máy nổ.

Đến lúc này đồng chí cán bộ của Binh trạm đi cùng chúng tôi mới kịp lên tiếng như khẳng định những chiến công của Phàn:

- Ở đây mọi người vẫn thường nhắc đến thành tích lái xe qua trọng điểm của cô ấy đấy!

Xe chúng tôi sắp chuyển bánh thì Phàn - vẫn cái kiểu tinh nghịch - cho xe mình vượt lên trước và vẫy tay chào. Chỉ loáng một cái, xe em đã mất hút trong màn sương dày.

Với tôi, lần gặp này, em hiện ra rồi biến đi, y như một nàng tiên trong truyện cổ tích thời ấu thơ...

Đến chỗ rẽ vào Binh trạm, chúng tôi xuống đi bộ. Nắng xuống, sương lan rất nhanh. Mặt trời đã lên cao. Khi những tia nắng rọi chiếu tới mặt đường thì chúng tôi đã khuất vào những lùm cây rậm rạp.

Tối hôm ấy, nói chuyện với anh Bạch Quyền, Phó Binh trạm trưởng Binh trạm 12, anh kể cho nghe nhiều chuyện về Phàn rồi kết một câu:

Ở đây người ta gọi nó là “Phàn Lê Hoa” đấy!

Nói đến Phàn Lê Hoa - một nữ tướng xông xáo trong truyện Chinh Đông Chinh Tây, đọc từ hồi nhỏ, tôi thấy thích thú và hình dung ra rất rõ nét tính cách của Phàn. Nhưng tôi vẫn nói lên nỗi băn khoăn của mình:

- Nữ lái xe bây giờ không hiếm. Nhưng lái xe ở tuyên lửa thì quá nguy hiểm, gian nan, vất vả,... Lại còn phải vượt qua trọng điêm địch đánh phá... thì đến lúc này tôi chỉ mới thấy có một!

Ngẫm nghĩ một lát, tôi khẽ nói như tự hỏi mình:

- Có nên để phụ nữ làm cái công việc nguy hiểm và căng thẳng quá không nhỉ?

Anh Quyền cũng trầm ngâm:

Đúng là đang có cuộc tranh luận quanh vấn đề này. Chiến tranh ác liệt quá! Lái xe qua trọng điểm, tinh thần rất căng thẳng, dễ ảnh hưởng đến tâm sinh lý con người. Thế mà nhiều cô gái gan dạ quá. Cứ cười nói vui đùa như đi chơi ấy thôi! Nhưng dầu sao cũng phải bố trí công tác khác, thích hợp hơn cho chị em.


Trong số chị em làm việc gần đơn vị xe máy của Trung đoàn 251 trên công trường xây đựng sân bay Yên Bái ngày ấy tuy không gặp Phàn nhiều, nhưng cô để lại những hình ảnh rất đậm nét bởi cái tác phong nhanh nhẹn, tính cách nghịch ngợm vui nhộn và nét mặt lúc nào cũng như đang cười.


Một lần Phần cùng mấy chị em đang xúc đất. Xúc chưa đầy chiếc xe cải tiến mà đã định tránh thủ đẩy ào đi. Tôi cau mày nhắc khéo:

- Đến phải cho em đi học lái máy xúc1 (1) thôi!

Lập tức, Phàn đứng nghiêm, áp xẻng sát vào người giả làm cây súng, miệng dõng dạc:

Máy xúc khi đào đất có vận chuyển muốn tăng năng suất thì phải đổ đất thật đầy từng chuyến xe vận chuyển.

- Báo cáo thủ trưởng! Em xung phong!

Tôi bật cười.

Tính cách của Phàn là như thế. Em đi học lái xe, tôi không lạ. Nhưng hơi ngạc nhiên và rất mến phục khi biết em dám lái xe qua trọng điểm mà nhiều nam lái xe sừng sỏ, cự phách, đôi lúc cũng phải chờn!


Tôi đã nhiều lần đi xe qua trọng điểm nên càng rõ sự nguy hiểm ở đây. Bầu không khí luôn luôn căng thẳng, kể cả khi địch không bắn phá. Trong ánh sáng vàng khè của đèn ôtô đã được ngụy trang hoặc dưới ánh trăng mờ, quang cảnh thật hoang tàn... Đường sá nham nhở, đất đá ngổn ngang, cây cối trơ trụi... Những gốc cây cháy dở sau trận bom na pan còn để lại những hòn than đỏ rực. Gặp đợt địch đang đánh phá thì khi pháo sáng trên không vừa tắt là lúc đạn pháo 20 ly từ máy bay C 130 vãi xuống như trâu. Bom bi, mìn vướng nổ, bom từ tường chưa dẹp hết, cũng nổ bất thần. Nếu lúc đó đường tắc, mà việc nảy rất dễ xảy ra, thì hàng loại xe dồn ứ lại, nằm chết cứng một chỗ, tiến thoái lưỡng nan, đành giơ lưng chịu đòn... Điều gì cũng có thể xảy ra!


Ngày mai chúng tôi sẽ đi bộ dọc tuyến đường phía tây Trường Sơn. Cái nghề công binh cứ phải đi ban ngày mà quan sát, nghiên cứu. Và phải nhằm những trọng điểm mà đến. Ở đấy mới phơi bầy tất cả những thủ đoạn đánh phá của địch cũng như đầy đủ các phương tiện giết người mà chúng sử dụng.


Thời gian đi công tác sẽ khá lâu. Chưa biết hôm nào trở lại. Tôi lấy giấy viết thư, nhờ anh Quyền chuyển cho Phàn.

Sau đợt ấy, Phàn được điều về Xưởng sửa chữa của Đoàn 559 công tác.

Đêm đã khuya mà tôi cứ ngồi suy nghĩ miên man về Phàn. Từ một cô gái đẩy xe đất còn lặc lè, hôm nay đã là cô gái lái xe chững chạc dũng cảm.

   "Công trường năm ấy em vừa tới
   Đây xe cải tiến đất còn vơi
   Đường vào tiền tuyến hôm nay gặp
   Em đã lái xe vượt Cổng Trời?

Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, ta dốc toàn lực để đánh bại kẻ thù. Biết bao cô gái đang tuổi thanh xuân đã tự nguyện hiến dâng tuổi trẻ, xông pha nơi chiến địa, gánh vác trên vai những nhiệm vụ nặng nề tưởng chừng như không thể chịu đựng được.


Câu chuyện nhỏ này xin được coi như niềm cảm thông và lòng mến phục gửi đến chị em thanh niên xung phong “quê đất nhãn lồng" đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #14 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:12:33 pm »

BỨC TRANH PHẢN DIỆN

Đại tá Mai Sơn


Trong chuyến đi nghiên cứu thủ đoạn đánh phá của địch trên tuyến đường Trường Sơn cuối năm 1969, tôi cùng hai đồng chí cán bộ Ban Nghiên cứu Bộ Tư lệnh Công Binh Lê Văn Trung, Hoàng Công Quang có dừng lại trọng điểm Seng Phan một tuần lễ để theo dõi hoạt động của địch. Chúng đánh phá rất ác liệt và xảo quyệt với đủ loại bom nổ ngay, nổ chậm, từ trường, bom bi, mìn nổ chậm...


Trọng điểm Seng Phan nằm trên đường 128 cách đèo Mụ Giạ hơn 30 ki lô mét về phía Nam do Tiểu đoàn 2 Công binh1 (Tiểu đoàn 2 về sau được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang) thuộc Binh trạm 12 đảm nhiệm.


Chúng tôi đến sở chỉ huy tiền phương của Tiểu đoàn cùng Tiểu đoàn trưởng Cao Xuân Thung, sở chỉ huy tiền phương được bố trí trong hang đá tương đối rộng, chỉ cách mặt đường vài mét. Tuy ngày đêm bị đinh tai, nhức óc vì tiếng bom mìn, nhưng lại rất tiện cho việc chỉ huy, lực lượng cơ động tới nơi cần ứng cứu cũng rất nhanh chóng.


Khi im ắng tiếng bom mìn, xe chạy thông suốt thì lính ta tán như khướu, mấy tay lái xe phóng từ1 (Xe phát ra từ trường để kích bom từ trường nổ; bom từ trường là một loại bom nổ chậm rất ác hiểm của địch, sau khi được ném xuống thì nằm chờ bao giờ có xe, hay sắt thép đi tới gần mới nổ) trực tại đó cũng góp chuyện khá rôm rả.


Họ kháo nhau cánh lái xe vận tải mà có ra công tác ngoài hậu phương thì không mấy tay là không tranh thủ "vô nguyên tắc" dăm hôm, rẽ về thăm nhà, bởi một lẽ rất đời thường “vợ ở mô là Thủ đô ở đó”, có chuyện gì sẽ tính sau. Còn cứ vào đến đơn vị mà hai tay ôm lấy cái “vô lăng” vượt qua trọng điểm, nhất là lại vào đợt vận chuyển hàng đặc biệt cho chiến trường thì mọi tội "tụt”, “tạt” đều được xóa sạch.


Bỗng có tiếng nói phát ra từ góc hang như phản đối:

- Thế mà có lần chở hàng đặc biệt lại bị trực trạm “barie” mắng cho mất mặt đấy!

Rồi vẫn tiếng anh chàng đó, đằng hắng giọng tiếu lâm, kể:

“Như thường lệ, xe chở hàng đến trạm barie thì dừng lại để kiểm tra. Trực barie hỏi:

- Chở hàng gì?

Lái xe thản nhiên trả lời:

- Chở con c...!

Lái xe nói tếu cũng là chuyện thường tình. Trực barie tuy rất bực, nhưng cũng cố dằn giọng hỏi lại:

“Thế này thì quá lắm!”, trực barie quát:

- Đừng có mà nhảm nhí! Làm việc cho nghiêm túc! Chiến trường chứ không phải trò đùa ở nhà đâu!

Lái xe vẫn bình thản nói như đinh đóng cột:

- Đúng là xe chở con c...mà! C...của ông Đ.Đ.T vãi cùng đường, nhặt được đầy xe đây này!"

Nghe chuyện lính ta cười phá lên tưởng có thể sập hầm. Mẩu chuyện này cánh lái xe thích nhắc tới như một giai thoại văn học dân gian. Tôi cũng được nghe đôi ba lần, nhưng lần này có hư cấu thành chuyện có đầu có cuối hẳn hoi. Tôi cũng cười theo, gật gù hưởng ứng, nhưng tâm trí lại hồi tưởng về một câu chuyện xảy ra cách đây hai chục năm về trước...


Đầu năm 1950, tôi được lệnh đưa Trung đội 3 của Đại đội Công binh 250, do đồng chí Võ Bảo làm Trung đội trưởng, lên Cao Bằng phối thuộc với Cục Vận tải chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới.

Lần đầu tiên được đi chiến dịch, ngày ấy thường gọi cho ra vẻ bí mật là “đi Xê Zét”, lại được đến cái vùng nổi tiếng “gạo trắng nước trong”, “Noọng slao Cao Bằng đây lai"1 (Em gái Cao Bằng đẹp lắm!) nên anh em rất phấn khởi. Có đồng chí đang ốm cũng không chịu ở lại, nhất định đòi đi.


Tới Quảng Uyên, tôi gặp anh G, Cục phó Cục Vận tải, nhận nhiệm vụ. Công việc tiến triển sau đó khá thuận lợi.

Một hôm, tôi đến cơ quan để đề nghị giải quyết một số việc, nhưng anh G đi vắng. Tôi định ra về, nhưng lại thấy anh N ở đó. Anh N trước đó là Cục phó Giao thông Công binh, khi ấy cũng là Cục phó Vận tải, tôi mừng quá chạy vào nói chuyện.


Ôi! Thật là định mệnh! Tôi cứ đứng đó nói chuyện với anh N một cách thích thú mà không lưu ý đến thái độ dè dặt của anh, khác hẳn với tác phong giản dị, gần gũi anh em trước đây.

Mải nói chuyện, tôi không chú ý tới một người đứng tuổi, mặc quần bà ba nâu, áo sơ mi trắng đài tay, ngồi xổm trên ghế tựa. Người đó làm như không theo dõi cuộc chuyện trò. Còn tôi cứ tưởng đại loại đó là khách đến cơ quan làm việc. Và đấy chính là điều không may cho tôi.


Khi tôi xin phép anh N ra về, thì lập tức người đó nhướn người lên hỏi anh N:

- Anh này có phải là Đại đội trưởng Công binh đến phối thuộc cho ta không?

- Vâng!

Anh N vừa dứt lời thì người đó nhìn tôi quát:

- Tại sao anh không đến báo cáo tôi!

Tôi ngớ người ra và phản xạ một cách tự nhiên:

- Tôi đã báo cáo đồng chí G Cục phó rồi!

Tức khắc người đó thả chân xuống đất, tay vung lên, miệng quát:

- Tôi là “sếp” của anh mả anh không báo cáo tôi à?

Quả thực đến lúc đó tôi vẫn chưa biết người đó là ai mà lại xưng “chef ” với mình hách dịch như vậy. Nếu anh N cho mình biết từ đầu thì đâu đến nông nỗi này! Tôi thấy ức quá, không suy nghĩ gì mà nói ngay:

- Tôi chưa biết đồng chí là ai, mà chỉ biết đã báo cáo đồng chí G Cục phó rồi!

Đúng là tôi đã rót thêm một gáo đầu vào lửa! Người ấy chồm lên:

- À!!! Anh không báo cáo tôi à? Tôi bỏ tù anh bây giờ! Anh G, anh N cũng dưới quyền tôi!

Tôi biết đã chạm trán một cấp “côi, hắc xì dầu" mà còn dại dột chọc thêm vào tổ ong bầu.

Các bạn thử hình dung xem bộ mặt của tôi mới đáng thương làm sao! Tôi thấy sững sờ, ngớ ngẩn cả người và hoảng hồn thực sự, liền cầu cứu anh N:

- Đề nghị anh nói hộ, thực tình tôi không biết đồng chí ấy là thượng cấp.

Anh N cũng toát mồ hôi, nói dè dặt:

- Báo cáo anh, anh Mai Sơn mới lên đây, không biết anh là Cục trưởng.

Nói xong, anh N cũng rút êm re, để lại một mình tôi trước một đối tượng đầy quyền năng, nét mặt sát khí đằng đằng...

Trấn tinh lại, tôi biết mình phải làm gì trong tình huống này. Tôi liền đứng nghiêm báo cáo rất đúng tác phong, vì tôi mới học qua lớp bổ túc sĩ quan bộ binh khóa "Rèn cán, chinh quân” mà!

Báo cáo đồng chí! Tôi có khuyết điểm là không biết đồng chí là Cục trưởng. Bây giờ tôi xin phép được báo cáo công việc.

Nói xong tôi ngồi xuống ghế trước mặt đồng chí đó và báo cáo rất đầy đủ.

Nghe đến đâu, đồng chí bảo thư ký ghi cách giải quyết. Có thể nói, mọi yêu cầu đều được thỏa mãn. Lẽ ra thì phải mừng mới đúng, nhưng tôi vừa bị cú "sốc" nên vẫn ấm ức. Tôi nghĩ nhất định phải có ý kiến phê bình ngay sau đây.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #15 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:13:47 pm »

Làm việc xong tôi nói:

- Tôi xin phép có ý kiến!

- Được! Anh cứ nói! - Câu trả lời đã trở lại bình thường.

Tôi đổi cách xưng hô cho nhẹ nhàng:

- Tôi thấy anh quá nóng và cảm thấy không thể làm việc ở đây được!

Nói xong, tôi chuẩn bị chịu trận lôi đình giáng xuống đầu mình. Nhưng đồng chí ây lại từ tốn:
   
- Ấy! Anh đừng nói thế! Anh nói là không thể làm việc được ở đây là không nên. Rồi anh xem, anh làm việc với tôi anh sẽ hiểu. Tôi như người anh anh. Về mọi phương diện, au point đe vue de toute forme (đồng chí ấy thêm cả một đoạn tiếng Pháp), tôi đều là anh anh. Về tuổi, tôi là anh anh. Về quân đội, tôi là anh anh. Về đoàn thể, tôi là anh anh...


Thì ra một con người dù nóng nảy đến đâu cũng không phải là quá khó phê bình, nhất là những lời phê bình thẳng thắn, không có tâm địa... Chỉ cần mọi người dám phê bình, nhưng đừng có bao giờ phê bình xu nịnh để vụ lợi, bởi vì như thế còn tai hại hơn là không phê bình.


Ngừng một lát, đồng chí ây hỏi tôi:

- Anh có ở đoàn thể không?

Khi ấy tôi chưa phải là đảng viên, nên cũng trả lời rất tự nhiên:

- Tôi không ở đoàn thể!

Nét mặt ngạc nhiên thực sự, đồng chí bảo:

- À, thế thì anh không hiểu rồi!

Tôi cũng chẳng hiểu đồng chí ấy bảo mình không hiểu cái gì, nhưng chưa thỏa mãn với cách giải thích trên nên tôi vẫn nói tiếp:

- Tôi không biết anh là cấp trên, làm sao tôi đến báo cáo được. Nguyên tắc quân đội, muốn đến gặp cấp trên, tôi phải báo cáo trước xem có được vào "yết kiến"không rồi mới dám đến, làm sao đám tự tiện đến!


Tôi dùng từ “yết kiến” một cách ngẫu hứng có vẻ “tuồng”, sau này nghĩ lại cứ tự buồn cười.

Vẻ bực bội thoáng trên nét mặt, đồng chí ấy nói:

- Tôi không cần anh phải báo cáo trước. Anh cứ đến đây. Ai hỏi, anh bảo: “Tôi làm việc với anh T.” rồi anh vào. Tôi cũng không cần đứng nghiêm báo cáo. Tôi đã nói với anh Văn là tôi không cần đứng nghiêm cúi đầu 15 độ (kiểu chào không đội mũ lúc đó). Đấy anh xem, anh có bao nhiêu việc cần giải quyết mà anh lại không báo cáo với tôi thì có thằng nào giải quyết cho anh không?

- Tôi không còn hiểu tâm trạng mình lúc đó ra sao, mà thấy nên rút lui là êm ấm nhất. Sau này nhớ lại, tôi cảm thấy cách phê bình của mình có chỗ nào chưa ổn chăng?

Chân bước đi mà lòng buồn rười rượi. Ra đến cổng tôi gặp một người trạc tuổi ba mươi, mặc bộ quân phục bạc màu, đầu đội mũ lá, đứng lại hỏi chuyện tôi rất thân thiện như quen biết từ lâu. Tôi ngớ người ra, người đó nói như thông cảm:

- Anh vừa ở chỗ anh Đ.T ra đấy thôi!

Chắc người này đã từng nếm trải những sự việc tương tự, nên muốn an ủi tôi như một người cùng hội cùng thuyền.

Bỗng có tiếng gọi giật trong nhà:

- Giám mã! (chức danh chiến sĩ giữ ngựa thời đó)

Người ấy lật đật chạy vào, đứng nghiêm giơ tay chào, miệng lắp bắp:

- Báo... báo cáo!

Một tiếng quát cắt ngang:

- Báo cáo, báo cáo cái gì, ngựa nó đang cắn nhau kia kìa!

Đầu tháng 9 năm 1950, Bộ Quốc phòng điều chúng tôi trả về Cục Công binh và tham gia chiến dịch Giải phóng Biên giới trong đội hình của Tiểu đoàn 333.

Chuyện không lấy gì làm to tát trên đây, không hiểu sao cứ hằn mãi trong ký ức tôi, bám riết lấy tôi, bao năm qua mà tôi vẫn nhớ như in. Tôi luôn lấy đó để tự răn mình theo cái triết lý "Đừng làm cho ai điều gì mà mình không muốn người khác gây ra cho mình".


Khi trở về Cục Công binh, tôi được giao nhiệm vụ làm Đại đội trưởng Đại đội 270. Đại đội 270 được thành lập trong đêm mở màn đánh Đông Khê tại một địa điểm cách cầu phao Phục Hòa vài ki lô mét về phía Đông Khê.


Chiến dịch biên giới kết thúc thắng lợi, chúng tôi từ phía đông đường số 4 được lệnh qua đèo Bố Bạch để sang đảm bảo việc chuyển quân trên đường số 4. Đại đội vượt đèo trong một đêm tối trời, mưa dầm dề, dốc trơn như mỡ, lại lổn nhổn những mỏm đá tai mèo cạnh sắc như sao.


Xuống tới chân đèo, đêm đã khuya, anh em đều đói vì hành quân từ chiều. Tôi cho nấu cơm, nhưng cậu cấp dưỡng mang nồi xoong còn chưa tới nơi. Tôi bỏ ba lô, cầm đèn pin, quay ngược lên đèo để tìm. Qua ánh đèn pin, tôi thấy đồng chí cấp dưỡng, trên vai hai sọt đầy dụng cụ nấu ăn, đang dò từng bước. Thấy tôi, đồng chí ấy hoảng sợ thật sự, miệng lắp bắp:

- Đường trơn, trời tối quá anh ạ!

Tôi nhẹ nhàng bảo:

- Mình lên soi đường cho cậu đi đây! Cứ từ từ mà xuống!

Nhoẻn miệng cười, đồng chí ấy bước từng bước chắc nịch. Đến chỗ dốc dường như dựng đứng, không có một cành cây nào để bấu víu, đi người không cũng khó. Chưa kịp bảo cứ thả quang sọt, dụng cụ xuống trước, rồi người lần xuống sau, thì đồng chí ấy đã ngồi bệt xuống đất, nói to: “Để em tụt xuống!” thế là cả người và gồng gánh trôi tuột xuống. Tôi chỉ kịp kêu “Thủng đít mất thôi!” rồi cũng lao nhanh xuống.


Tới nơi, đồng chí ấy cũng đứng đậy an toàn, nét mặt hồn nhiên và tươi rói, hai tay vẫn giữ chặt đôi quang. Bất ngờ thấy một động tác đẹp như làm xiếc, tôi thật thích thú, nhưng vẫn trách yêu: “Cậu liều quá!”. Còn đồng chí ấy thì nhìn tôi miệng toe toét cười. Đúng là “cùng nhau trông mặt cả cười” rồi tiếp tục đi xuống chân đèo.


Mấy chục năm trôi qua... tôi lục lọi trong ký ức mà không sao nhớ ra tên đồng chí cáp dưỡng ấy. Nhưng không bao giờ tôi quên được hình ảnh người chiến sĩ trẻ măng, người thấp đậm, mặt bầu bầu, đầu húi “cua”, chân đi phục phịch, trên vai gánh một đôi sọt to đùng, xếp đầy xoong nồi cùng chảo, đang lò dò bước lên lưng đèo Bố Bạch năm xưa... Bởi đó là bài tập vỡ lòng về tình thương yêu chiến sỹ trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.


Thế rồi bao sự việc diễn ra trên từng nẻo đường chiến dịch, nào mở đường, nào bắc cầu, nào xây đựng trận địa... cho đến chống phá các loại bom mìn hiện đại, ác liệt, luôn luôn đổi kiểu của địch... Từ những việc ây, các chiến sỹ Công binh đã tạo ra biết bao chuyện thần kỳ... đã như một sức mạnh vô hình cứ nâng cao dần trong tôi lòng mến phục và tình thương yêu đồng đội.


Cũng trên trọng điểm Seng Phan này, tôi đã sống những giây phút hồi hộp, lo âu, căng thẳng cùng anh em và được chứng kiến những hành động thật bình dị nhưng cũng thật anh hùng trong chiến đấu, khắc phục bom mìn, giành lại sức sống cho con đường huyết mạch này. Trước khi vào trận, họ vừa mặc áo giáp chống mảnh đạn, vừa vui đùa trêu chọc nhau. Trong số này, chỉ ít phút nữa thôi, ai trở về nguyên lành, ai trở về với thương tích, ai vĩnh viễn không trở về! Họ ý thức được điều đó mà cứ thản nhiên đón nhận, như nó vẫn diễn ra hàng ngày. Điều đó lại càng tiếp thêm trí lực cho sự chỉ huy bình tĩnh, gan dạ của Tiểu đoàn trưởng Cao Xuân Thung, đang còn mang trên người những vết thương chưa lành.


Bằng những công việc thường nhật trên trọng điểm, tưởng như đơn điệu nhưng rất khẩn trương, căng thẳng và hiểm nguy, những chiến sỹ và cán bộ binh thường đó đã dạy cho tôi hiểu thực sự: thế nào là “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, chứ không còn là một câu sáo rỗng trong tiểu thuyết.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #16 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:18:17 pm »



Thiếu tướng
Tô Đa Mạn


Sinh năm:   5-1930
Quê quán:   Đông Hoàng, Đông Hưng, Thái Bình
Thường trú: Nhà 20-N3, Tổ 57, Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 04.35632535 - 0988 236850
Từ Trung đoàn 83, Cục Công binh, BQP
Nguyên Trung tá Phó Cục trưởng Cục TMC8 559
Nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Thiếu tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, QĐNDVN


CÓ MỘT CUỘC GẶP MẶT NHƯ VẬY!
Chuyện kể về đồng chí Phan Quang Tiệp chỉ huy Trung đoàn 98 vào tuyến mở đường cơ giới Trường Sơn sớm nhất


Tháng 8 năm 1999, cựu chiến binh Trung đoàn 98, Công binh chúng tôi tổ chức cuộc gặp mặt thường niên. Cũng là dịp kỷ niệm 35 năm, ngày Trung đoàn 98 vào tuyến Trường Sơn sớm nhất, nên anh em đến dự đông hơn. Ngoài thành phố Hà Nội, còn có các tỉnh lân cận: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoa An, Hà Tĩnh.


Đặc biệt có mặt đồng chí thiếu tướng Phan Quang Tiệp người chỉ huy trưởng dẫn Trung đoàn mở đường cơ giới đầu tiên trên tây Trường Sơn. Nhiều anh là chỉ huy và cán bộ cơ quan thời đó cũng đến dự như: Trung đoàn phó Hoàng Tiến Vinh, Chính uỷ Phạm Bá Dậu, cùng một số cán bộ tiểu đoàn cán bộ cơ quan Nguyễn Văn Bảy, Hồ Hiệp, Nguyễn Hùng Phong..., các chiến sĩ trinh sát Trần Quốc Tế, Nguyễn Khải...


Năm đó, sức khoẻ đồng chí Tiệp đã suy giảm rõ rệt nhưng với lòng nhiệt thành, quý trọng tình đồng chí, tuy từ thành phố Hổ Chí Minh vừa ra, anh vẫn ngồi dự với chúng tôi từ đầu đến cuối. Hàn huyên nhiều chuyện, thăm hỏi sức khoẻ, đời sống gia đình, chuyện thường ngày ở các địa phương nơi sinh sống.


Nhưng rôm rả nhất vẫn là những mẩu chuyện xoay quanh thời kỳ đầu tiên Trung đoàn nhập tuyến. Đó là những ngày tháng cùng nhau chịu đựng, khắc phục muôn vàn khó khăn gian khổ, nhưng vẫn vui, vẫn hăng say với nhiệm vụ vì miền Nam ruột thịt.


Anh em muốn anh Tiệp kể lại những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ với cấp trên, ngày xa miền Bắc, đưa đơn vị hành quân vào tuyến, về những giây phút mà Đảng uỷ, chỉ huy chọn ngày khởi công đã đi vào lịch sử, ngày 09 tháng 8 năm 1964, ngày mà sau này ngành Công binh Trường Sơn chọn là ngày truyền thống, về ngày Trung đoàn được mệnh danh là “Trung đoàn thần tốc”...


Anh Tiệp suy tư một chút, rồi với thói quen đằng hẵng mấy tiếng, đôi mắt nghiêm nghị như ngày nào, hơi nhoẻn miệng cười, với chất giọng miền Nam trầm ấm, anh tâm sự:

Thật vinh dự cho Trung đoàn 98

Đúng ra là mình không được đi cùng Trung đoàn - Anh Tiệp nói. Lúc đầu Bộ đã giao cho đồng chí Quốc Tuyển, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 229 nhiệm vụ này, nhưng cấp trên thay đôi, do đồng chí Quốc Tuyển phụ trách công trình quốc phòng, với tính chất bảo mật, không được phép vào Nam, nên mình được thay thế.


Anh em chắc còn nhớ, năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, kéo theo sự phá sản của chiến tranh đặc biệt. Năm 1965, Mỹ ồ ạt kéo quân vào, chúng ta phải đương đầu với một thế lực mạnh hơn rất nhiều, đòi hỏi hậu phương lớn miền Bắc phải chi viện sức của, sức người gấp nhiều lần. Đoàn 559 chúng ta, từ năm 1959 đến năm 1964 chỉ dùng biện pháp thô sơ gùi, thồ để vận chuyển chi viện, đến bây giờ không thể kéo dài được nữa.


Với quyết tâm của trên là phải vận chuyển bằng cơ giới. Con đường ô tô đương nhiên đã đến lúc phải xuất hiện, và không ai khác, làm con đường đó đúng là nhiệm vụ của công binh chúng ta. Từ năm 1961 ở nam bắc giới tuyến, đã có một số đoạn đường ô tô và công trình quốc phòng do một số đơn vị công binh Quân khu 4, trong đó có Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 98 thực hiện, nhưng chủ yếu là để phục vụ chiến dịch. Cần nói đầy đủ là khi Trung đoàn 98 công binh công trình, lực lượng dự bị của Bộ vào, mới chính thức mở đường ô tô Trường Sơn thuộc Đoàn 559.


Anh Tiệp tâm sự: Cũng là duyên số! Mình ở miền Nam từ đơn vị bộ binh của Quân khu 5, tập kết ra Bắc năm 1954, do biết ít nhiều về công tác trắc địa, xây đựng, nên được chuyển sang binh chủng công binh. Tháng 4 năm 1964, mình đang làm Trưởng ban Huấn luyện Cục Công binh Bộ Quốc phòng do đồng chí Phạm Hoàng làm Cục trưởng. Thời đó, bộ đội ta đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, đề phòng địch đánh ra miền Bắc trước hết bằng không quân. Các binh chủng toàn quân, trong đó công binh rất sẵn sàng, đã luyện tập mọi hình thức để đối phó chống trả. Ban huấn luyện cũng bận rất nhiều công việc.


Một ngày cuối tháng 5 năm 1964, mình được chỉ thị của Cục chuẩn bị bàn giao công việc huấn luyện cho đồng chí khác, rồi lên Cục Tác chiến nhận nhiệm vụ mới. Khi vào đến Cục Tác chiến gặp ngay anh Phan Hàm - Cục phó, người đã cùng chiến đấu thời chống Pháp ở Khu 5. Anh mời ngồi, hỏi thăm sức khoẻ, gia đình rồi vào việc ngay.


Anh Hàm nói: Thực hiện nghị quyết Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng giao cho công binh cấp tốc vào mở đường cơ giới ở Trường Sơn để hướng tới vận chuyển ngày càng nhiều hơn, nhanh hơn, tạo điều kiện thời cơ để nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam.


Trên tâm bản đồ đã trải rộng trên bàn, anh Hàm chỉ cho mình hướng đường Trường Sơn phải mở, các điểm cần phải đi qua, từ miền Bắc, Quảng Bình, qua đất bạn Lào, đến miền Đông Nam Bộ, một trục dọc đầu tiên của tuyến đường. Nhưng trước mắt phải mở nhanh vào tới Bắc Tây Nguyên, một địa khu chiến lược cực kỳ quan trọng. Công việc khá khó khăn và rất gấp, anh về chuẩn bị. Sắp tới Bộ sẽ trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh, anh trực tiếp dẫn một trung đoàn công binh vào trước, đó là Trung đoàn 98.


Anh Phan Hàm còn nói vui: bạn được vinh dự trở lại miền Nam trước mình nhé!

Rồi chúng tôi tạm chia tay, hẹn ngày gặp lại trên miền Nam khi hoàn toàn giải phóng
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #17 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:18:58 pm »

Nhận nhiêm vụ mở đường thống nhất

Sáng ngày 08 tháng 6 năm 1964, mình và anh Nguyễn Phụ Hồng được Cục Công binh Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ Trung đoàn trưởng và Chính uỷ đến sở chỉ huy Trung đoàn 229 ở Trung Hà để nhận lệnh - Anh Tiệp tiếp tục kể.


Cùng dự có một số cán bộ các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần mà Cục Công binh đã chuẩn bị. Có một số anh em đã có mặt tại đây như: anh Vinh, anh Bảy...

Thiếu tướng Lê Quang Hoà, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thay mặt Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ. Đồng chí nói: Hôm nay, được uỷ nhiệm của Bộ, tôi giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 98 Công binh đi làm nhiệm vụ mở đường ô tô Trường Sơn. Hướng tuyến, tiêu chuẩn kĩ thuật thế nào, đồng chí Tiệp đã nhận trực tiếp tại Cục Tác chiến, Bộ Tông Tham mưu. Tôi nói thêm một số ý:


Trước hết, Trung đoàn cần nhận thức đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách. Con đường cơ giới mở trên Trường Sơn, dẫn từ miền Bắc vào tận miền Nam, khó khăn gian khổ lắm, nhưng tác dụng của nó thì vô cùng to lớn. Rồi đây khi chiến tranh phát triển, thông qua con đường này, trang bị kỹ thuật, phương tiện, vũ khí cùng các binh chủng của ta sẽ được tăng nhanh và ngày càng nhiều vào chiến trường miền Nam. Quân ta sẽ đánh lớn và chắc chắn sẽ nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam.


Trung đoàn 98 là đơn vị đầu tiên của Binh chủng Công binh được nhận nhiệm vụ này. Đây là vinh dự, nhưng trách nhiệm thật lớn lao. Đảng uỷ, thủ trưởng cần lãnh đạo đơn vị chấp hành nghiêm mệnh lệnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Đồng chí Lê Quang Hoà còn nói thêm một số nét cơ bản về công tác Đảng, công tác chính trị. Đồng chí nói về truyền thống Trung đoàn 98 xuất xứ là một trung đoàn bộ binh thành lập ở Quảng Ninh năm 1946. Trong kháng chiến chống Pháp, Trung đoàn chiến đấu lừng danh ở khu Đông Bắc, đặc biệt là ở chiến trường đường 18 suốt từ Bắc Ninh, Bắc Giang, đến Quảng Ninh, Móng Cái. Đến năm 1951, Trung đoàn 98 về trực thuộc Sư đoàn 316 và chiến đấu ở Tây Bắc, nổi nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trực tiếp đánh đồi C1, mở cửa vào A1, dẫn đến chiến thắng toàn bộ Điện Biên Phủ. Sau hoà bình, Trung đoàn chuyển nhiệm vụ thành Trung đoàn Công binh mở đường ở Tây Bắc và cũng lập được nhiều thành tích. Như vậy truyền thống của Trung đoàn thật sáng chói, vừa mang truyền thống chiến đấu bộ binh, vừa mang truyền thống mở đường thắng lợi của công binh. Các đồng chí hãy phát huy truyền thống đó trên chiến trường mở đường Trường Sơn.


Đồng chí Lê Quang Hoà dặn dò và nhấn mạnh rất nhiều điều về công tác chính trị, công tác chính sách, công tác dân vận. Các đồng chí hãy mang lá cờ “mở đường thắng lợi” của Binh chủng Công binh để “mở đường thống nhất”.


Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi triển khai một số việc ở cơ quan, và cho anh em 7 ngày phép về thăm nhà và tạm biệt gia đình. Bản thân tôi cũng được phép tranh thủ về Hải Phòng mấy ngày để dặn dò, tạm biệt “bà xã” và 2 cháu: Nhân và Hải còn tuổi thơ ngây đang đi học. Phút chia tay, không khỏi bịn rụi, nhưng cả nhà đều hiểu rõ chuyến đi xa để rồi có ngày được sum họp trở lại khi nước nhà thống nhất.


Ngày 19 tháng 7 năm 1964, ban Chỉ huy cùng cơ quan Trung đoàn bộ lên tàu hoả vào Vinh, rồi tiếp tục lên xe phủ bạt kín, vào tới Làng Ho, Lệ Thuỷ, Quảng Bình là nơi chuẩn bị nhập tuyến. Tại đây tôi đã trực tiếp gặp anh Võ Bẩm, Đoàn trưởng Đoàn 559, nhận nhiệm vụ phối thuộc. Tôi được anh Bẩm dặn dò chỉ dẫn cụ thể tình hình giao liên gùi thồ, tình hình ta, tình hình Bạn, âm mưu và hoạt động của địch, tình hình thời tiết. Anh cũng nói rất kỹ về việc phải tuyệt đối giữ bí mật nhiệm vụ, về tuyến đường sẽ mở. Anh Lê Đức Bảo, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn hỏi rõ về tình hình tiếp tế lương thực thực phẩm cho bộ đội và được trả lời là sẽ rất vất vả vì phụ thuộc vào gùi thồ phía sau.


Mọi việc chuẩn bị khá nhanh chóng. Cơ quan tham mưu đã bố trí một đồng chí ở lại Làng Ho nhận và trông giữ toàn bộ những hiện vật không được mang theo sang đất Bạn như sổ sách, ảnh, thư từ cùng các tư trang của bộ đội.


Và cũng tại đây từ nay trở đi - anh Võ Bẩm vừa nói vừa cười thân mật: Đơn vị được mang mật danh là “Chi hội Bình Minh" thuộc “Hội Lao động Giải phóng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”.


Với quân trang quân giải phóng, được trang bị các loại súng nhẹ chiến lợi phẩm đánh Pháp như Sten, Brenô, 7,9 ly, cuộc hành quân nhập tuyến bắt đầu.

Những thử thách ban đầu đã tới. Đơn vị chúng ta lúc đó đã âm thầm từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác, vượt núi rùng âm u rậm rạp. Đèo 1001, đỉnh của dãy Trường Sơn sừng sững hiện ra trước mặt nhưng không cản nổi bước chân của anh lính giải phóng. Một vài ngày đầu, vì còn được hơi hướng của miền Bắc, lại ít nhiều bộ đội đã được rèn luyện hành quân mang nặng nên còn khoẻ, nhưng chỉ sau một tuần, sức lực cơ bắp cũng sút giảm dần. Một số anh em đã bắt đầu ốm. Cuộc hành quân đi bộ cũng không vì thế mà sụt hẳn, gần một tháng trời chúng ta đã từ đông Trường Sơn qua tây Trường Sơn đến đường số 9, qua Sê Pôn, tới dốc Thơm, về nơi tập kết. Đó là La Hạp1 (Km 270 đường 128 sau này, ngã ba đường B45 sang Thừa Thiên - Huế) một địa điểm trên đất Lào anh em, một vùng đồi thấp cây cối thưa thớt, cỏ tranh bạt ngàn. Cơ quan Trung đoàn bộ hạ trại ở đó.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #18 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:20:24 pm »

Ngày 09 tháng 8 năm 1964, động thổ mở đường cơ giới Trường Sơn

Những ngày đầu tháng 8 năm 1964, trên đất bạn Lào thuộc tỉnh Sa La Van vừa được giải phóng, thi thoảng từng nơi vẫn còn khét mùi thuốc súng, đồi nương bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Trong các bản làng, những mái nhà lá ọp ẹp, chỉ còn trơ khung gỗ cháy đen. Nhân dân các bộ tộc Lào anh em, lác đác đã trở về bản làng để khôi phục, làm lại nương rẫy.


Thấy bộ đội Việt Nam sang, bà con vô cùng phấn khởi, chắc không còn phải sơ tán liên tục như những thời kì trước. Bà con rất nghèo và đói, nhưng tinh thần giúp đỡ bộ đội thì vô cùng quý giá. Tôi nhớ có lần đoàn của cơ quan Trung đoàn bộ chúng ta gặp một tốp người dân nước Bạn già, trẻ, trai, gái, quần áo rách mướp, đang gồng mình trèo đốc, gùi những kiện hàng nặng nề, với những bước đi khó nhọc, chắc là đói lắm.


Đồng chí Trần Bá, Chủ nhiệm Chính trị thấy vậy hồi: “Đồng bào gùi gì thế, nặng lắm hay sao mà đi khó khăn vậy, hãy nghỉ và lấy một ít trong gùi để ăn rồi hãy đi”.

Một cụ già nói: “Không được đâu! Mình đói khổ nhưng không bằng bộ đội Việt Nam và tha hán Lào còn đói khổ hơn nhiều, lại còn hy sinh nữa chứ! Mình gùi thuốc cho bộ đội để chữa bệnh đây, bộ đội ốm nhiều lắm mà! Mình không đựơc ăn, bộ đội ốm yếu lấy gì chữa bệnh để đánh Mỹ”.


Đồng chí Chuẩn, Trợ lý Chính trị đề nghị dành mỗi người một phần cơm nắm cho bà con. Anh em hưởng ứng ngay, các gói cơm nắm ăn trưa đều được bẻ đôi chia sẻ với đồng bào. Những hình ảnh đầu tiên đó đã làm cán bộ chiến sỹ cảm động, một bài học sâu đậm về tình nghĩa anh em Việt Lào.


Ngày 02 tháng 8 năm 1964, anh Nguyễn Phụ Hồng, Bí thư Đảng uỷ triệu tập họp Đảng uỷ, cuộc họp đầu tiên thông qua quyết tâm. Mình báo cáo nhiệm vụ của Trung đoàn mà Bộ Quốc phòng giao, các kế hoạch lãnh đạo và đảm bảo, một kế hoạch dài 2 năm đến cuối năm 1965, đường phải thông đến bắc Tây Nguyên, trước mắt đến cuối năm 1964 phải thông đến Bạc (Km 343 đường 128 sau này) bắc sông Sê Kông.


Tiếp sau đó, trong hội nghị quân chính, các cơ quan tham mưu, đồng chí Hoàng Tiên Vinh, Tham mưu phó báo cáo tình hình tuyến đường, sử dụng lực lượng kế hoạch khởi công. Đồng chí Lê Đức Bảo, Chủ nhiệm Hậu cần báo cáo kế hoạch đảm bảo hậu cần. Anh Bảo rất hăng hái, nhấn mạnh, gạo thực phẩm rất ít, có thể sẽ thiếu, nhưng sẽ cấp mỗi tháng mỗi người một cân muối. Anh em ngầm hiểu, có muối sẽ có thêm thực phẩm, rau, đậu, thịt bằng cách đổi cho đồng bào. Đồng chí Nang, Phường, cơ quan khí tài hứa sẽ tìm mọi cách có đủ cuốc xẻng, dao, choòng và nhấn mạnh không có thuốc nổ. Anh Bá, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn, lấy ngay hình ảnh vừa gặp nhân dân Lào di trên đường để giáo dục chiến sĩ giữ vững mối quan hệ Việt Lào, giữ vững sinh hoạt Đảng, công tác chính trị, động viên khen thưởng kịp thời v.v...


Buổi họp quân chính trên đất bạn Lào đầu tiên, đã có quyết tâm cao như thế!

Ngày 03 tháng 8, các cán bộ ra về triển khai tích cực để kịp ngày khởi công: 07 tháng 8 năm 1964.

Chắc các đồng chí chúng ta ngồi đây đều còn nhớ: Ngày 05 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ gây sự kiện vịnh Bắc Bộ, đưa hàng chục máy bay bắn phá Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Vinh... Quân dân ta đã chiến đấu rất dũng cảm, ngày đầu tiên bắn rơi 12 máy bay, bắt sống giặc lái. Dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ đã quá rõ ràng. Nhạy bén với tình hình, đồng chí Chính uỷ Nguyễn Phụ Hồng nhanh chóng hội ý thường vụ Đảng uỷ: chúc mừng chiến công đâu tiên của quân dân miền Bắc, Trung đoàn 98 phải tỏ rõ quyết tâm bằng ngày ra quân đầu tiên trên Trường Sơn phải là ngày thắng lợi đầu tiên trả thù cho đồng bào miền Bắc.


Và một ý nghĩ mới vụt đến. Chúng ta sẽ tích cực chuẩn bị thêm, sẽ ra quân lùi lại 2 ngày và lấy đúng ngày 09 tháng 8, con số trùng hợp với tên Trung đoàn 98 để ghi nhớ được lâu. Tất cả chúng tôi hoan nghênh sáng kiến và triển khai theo phương án này. Đồng chí Trung đoàn phó Chu Minh Đông nói: ngày đó chỉ huy và cơ quan chúng ta phân chia xuống các tiểu đoàn để đốc chiến và đề nghị Trung đoàn trưởng và Chính uỷ trực tiếp xuống hẳn một đại đội để dự cùng anh em. Chúng tôi đã chọn Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 là đơn vị được bố trí tốt nhất về nhân sự, vật chất, tinh thần.


Một điều thú vị chỉ huy Đại đội 4 là đại diện cho hai miền Nam Bắc. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Bộp, quê Bắc Giang, Chính trị viên Đặng Đức Thông quê Quảng Nam. Trong các cán bộ trung đội có Đoàn Ngọc Lập, Vương Thanh Cầm, Nguyễn Tân Đăng đều là cán bộ trẻ, hăng hái, nhiệt tình, được đào tạo cơ bản tại trường Sĩ quan Công binh. Gần 100 chiến sĩ đều là lính nghĩa vụ trẻ, khoẻ.


Đúng 5 giờ 30 sáng ngày 09 tháng 8 năm 1964, cán bộ chiến sĩ Đại đội 4 vừa ra tới hiện trường thì một cơn mưa rào ập tới, cơn mưa kéo dài gần 30 phút. Anh em phải tạm trú mưa, thử thách đầu tiên phải vượt qua. Có tiếng xôn xao, ông trời không ủng hộ 98, mưa thế này vỡ kế hoạch ngay từ ngày đầu ra quân!


Đại đội trưởng Nguyễn Văn Bộp vụt đứng dậy ứng xử linh hoạt: “Các đồng chí nhầm rồi. Ở quê ta, mỗi khi đào móng làm nhà gặp được trận mưa to là điềm lành đây. Đây mình sắp “động thổ”, “hên” lắm chứ!” Mọi người cười to đồng tình hưởng ứng.


Và đúng như vậy, sau 30 phút mưa nặng hạt, trời bỗng tạnh hắn. Đại đội 4 đã về đúng vị trí của mình, như bài học đội hình vừa làm đường vừa sẵn sàng chiến đấu, có cảnh giới, phòng không, phòng địch mặt đất.


Lễ động thổ khởi công tuyến ô tô Trường Sơn bắt đầu!

Nghi lễ thật là đơn giản vì điều kiện chiến trường và vì bảo mật. Không có băng rôn lớn, chỉ có khẩu hiệu viết tay cài trên mũ hoặc viết trên ống tre nứa. Cơm nước không bày biện nhưng được ăn nóng ngay trên mặt đường.


Chẳng có bộc phá nổ mở màn mà chỉ có mệnh lệnh đơn giản:

- “Vì miền Nam ruột thịt, vì đất nước thống nhất! Tất cả bắt đầu”.

Tôi vừa ra lệnh, hàng trăm cánh tay giơ cao vung xuống, tiếng cuốc, tiếng xẻng, tiếng dao búa ầm ầm làm mất đi sự tĩnh mịch của không gian buổi sáng sớm.

Tất cả lao động liên tục cho đến hết ngày. Buổi đầu năng suất rất cao, toàn Trung đoàn hoàn thành gần 10 ki lô mét đường ô tô. Chúng ta đã đánh thắng trận đầu giòn giã, hưởng ứng ngày chiến thắng của miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ.


Nói đến đây, anh Tiệp quay sang phía bên phải hỏi: các đồng chí ngồi đây có đồng chí nào tham gia mở đường ngày đó không? Hơn chục cánh tay giơ lên tự hào: “Có đấy ạ!”.

Cuộc họp mặt hôm nay, một số đồng chí Đại đội 4 ngày đó cũng có mặt. Đồng chí Đỗ Phương Tâm lần lượt giới thiệu từng người một và nói:

- “Anh em Đại đội 4 hiện ở Cổ Loa, Đông Anh còn hơn 20 đồng chí, thời đó đều là chiến sĩ, chỉ có 2 đồng chí là A trưởng. Đồng chí Ngát, đồng chí Năm, đồng chí Lưu, lần lượt phát biểu đều tỏ ra rất vui mừng, không ngờ được vinh dự sống trong ngày lịch sử động thổ bổ nhát cuốc đầu tiên Trường Sơn năm ấy. Ngày 09 tháng 8 năm 1964 là như vậy!
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #19 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2023, 03:21:35 pm »

Hướng về phía Nam, nhanh chóng đưa đường đến ngã ba biên giới

Ngày 09 tháng 8 đó cũng là mở đầu cho một đợt thi đua “Vì miền Nam ruột thịt”. Tiếp theo, dựa vào tài liệu khảo sát thiết kế của Cục Công binh đã chuẩn bị từ năm 1963, Trung đoàn theo đội hình lúc cuốn chiếu, lúc nhẩy cóc, trong hơn 4 tháng vượt qua mọi địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn vật chất, đến giữa tháng 12 năm 1964, Trung đoàn đã đến dốc Bạc bên dòng sông Sê Kông.


Đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân, Tham mưu phó Cục Công binh Nguyễn Văn Nhạn dẫn 7 chiếc xe Gatz thông đường trong niềm vui tin tưởng.

Đúng là dốc Bạc!... Một đoạn đường ngắn có độ dốc quá lớn, lớn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, lại phải qua 12 vòng cua ngược chiều nhau liên tiếp. Cán bộ chiến sỹ chúng ta, vừa mưu trí, vừa lao động vát vả, vật lộn gian khổ với 12 cua dốc trong nhiều ngày đêm mới hoàn thành. Đây là một ky niệm không bao giờ quên, còn đọng lại mãi trong anh em chúng ta, nhưng ai đã một thời mở đường từ Bản Đông đến Bạc. Những năm sau, dốc 12 cua trở thành trọng điểm, máy bay địch đanh phá thường xuyên, nhiều xe bị đổ, bị hỏng ở dốc này.


Cũng phải nói là thời kỳ đầu chúng ta chưa triển khai được cầu, phà, nên phải vượt sông bằng ngầm, mà ngâm có yêu cầu kỹ thuật riêng, đường xuống ngầm bị không chế nên khó tránh dốc lớn. Sau này chúng ta có nhiều biện pháp khắc phục: nhiều ngầm, nhiều bến phà, cầu nổi.


Vượt qua sông Bạc, chúng ta có thêm bạn đồng hành. Đó là Trung đoàn 279 có mật danh Rạng Đông, do anh Hoàng Đình Luyến làm Trung đoàn trưởng và anh Hoàng Thược, Chính uỷ. Hai trung đoàn Bình Minh và Rạng Đông, hai cái tên của hai anh em sinh đôi cùng một binh chủng, cùng bắt tay nhau, đưa tuyến đường hết đoạn này qua đoạn khác. Đường càng vào trong càng khó khăn thêm. Việc đưa lương thực đến phía sau càng gian nan. Trung đoàn Rạng Đông qua 3 tháng liên tục không đưa được nổi 4 máy ủi vượt sông Bạc. Thuốc nổ lại càng khó hơn, Đèo Long1 (Đèo Long: đường lên đốc phía nam ngầm Bạc sau này trở thanh trọng điểm) vừa dốc vừa lắm đá, phải dẫm chân chân tại chỗ khá lâu mới thông xe được. Vượt qua Chà Vằn, dốc Bô Phiên, đèo Sê Ka Mán lại hiện ra trước mặt, quanh co, đá tảng xếp tầng.


Chúng ta đã khéo bố trí đội hình, sử dụng hợp lý thuốc nổ ít ỏi để có hiệu suất cao, đã có sáng kiến làm bừa đất bằng gỗ và dây rừng tại chỗ của các đồng chí Đại đội 4, năng suất nâng lên gấp nhiều lần. Toàn đơn vị đã tận dụng mọi thời gian, bất kể mưa nắng, không có ngày nghỉ, một ngày liên tục ở mặt đường từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối. Lao động như vậy, ăn uống lại thiếu thốn. Do gạo và lương thực không vận chuyển vào kịp, chiến sĩ bình quân mỗi ngày chỉ được không quá 3 lạng gạo, có ngày chỉ đủ gạo nấu cháo.


Tuy vậy với tinh thần vì miền Nam, Trung đoàn vẫn quyết tâm lao động để đưa nhanh đường về tới đích. Thiếu gạo thì kiếm củ mài, củ rừng, hạt dẻ, hạt gắm bổ sung. Thiếu rau thì có rau tầu bay, rau lá sắn, măng tre thay thế. Thiếu thịt, thỉnh thoảng có chú lợn rừng sa bẫy cung cấp. Đủ các thứ khắc phục nhưng cũng không thể giữ được sức khoẻ cho bộ đội.


Thời tiết, muỗi rừng, vắt đen, vắt xanh đua nhau bóc xé da thịt chiến sỹ. Nhiều chiến sĩ bị sốt rét hành hạ. Một loại dịch sốt rét ác tính rất nguy hiểm, dẫn đến tử vong rất nhanh. Đại đội 7 thuộc Tiểu đoàn 2 chỉ trong 3 ngày đã có 10 đồng chí hy sinh. Thuốc chống sốt rét rất thiếu. Anh em quân y cũng đã khắc phục, học tập kinh nghiệm địa phương lấy phôi ổ mối sắc với rễ cây ớt, sao vàng, uống nước, nên đỡ được phần nào. Nhiều hôm, đơn vị chỉ còn 50% chiến sỹ ra mặt đường. Chính uỷ Phụ Hồng, đã có buổi sáng nhường lại bát cháo cho đồng chí trợ lý ăn để có sức ra mặt đường. Chiến sỹ khoẻ nhường phần cháo của mình cho chiến sỹ ốm là chuyện bình thường.


Kẻ địch trên không, dưới mặt đất luôn gây cho ta nhiều khó khăn. Nhận thấy nguy cơ con đường mòn ngày càng vào sâu, chúng đã dùng mọi phương tiện hiện đại chụp ảnh liên tục cả ngày lẫn đêm hòng phát hiện để bắn phá, ngăn chặn.


Tại Pắc Huội, máy bay AD6 đã oanh tạc vào đúng đội hình của Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, làm hai đồng chí hy sinh, 10 đồng chí bị thương. Tiểu đoàn 1 dang trên đường hành quân di chuyển cũng bị máy bay phát hiện và bắn phá. Đã có nhiều lần, chúng ta bắt được các toán biệt kích đóng giả dân trà trộn vào nơi trú quân và thi công của ta.


Khó khăn như vậy, nhưng ngày ngày đường vẫn cứ vươn dài. Bình Minh vượt qua Rạng Đông, rồi Rạng Đồng lại vượt qua Bình Minh, "hai anh em sinh đôi” đang cùng nhau chơi tiếp sức, tiếp tục chinh phục con đường phía trong. Suối To, Sê Sụ, Phi Hà rồi Pa Kha và đúng đến ngày 18 tháng 01 năm 1966, Trung đoàn Bình Minh đã tới Tà Xẻng bắc Tây Nguyên. Đây là ngã ba Đông Dương, nơi có câu nói huyền thoại: “Một con gà gáy cả ba nước cùng nghe!”, kết thúc giai đoạn đầu tiên trong mệnh lệnh ban đầu. Cả hai trung đoàn Bình Minh và Rạng Đông đã hoàn thành một đoạn đường dài 256 ki lô mét.


Và tại đây, chúng ta đã tổ chức cho chiến sỹ ăn cái Tết thứ hai ở Trường Sơn, trong niềm vui chung cùng các chiến thắng trên chiến trường miền Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM